Tin nông nghiệp ngày 04 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 04 tháng 3 năm 2019

Sóc Trăng: Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng: Xuất khẩu hơn 18 tấn vú sữa sang Mỹ

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

UBND xã Xuân Hòa (Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) vừa tổ chức hội nghị thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quyết Thắng trên cơ sở từ Tổ hợp tác Quyết Thắng.

Vú sữa của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng được xuất khẩu sang Mỹ.

HTX Nông nghiệp Quyết Thắng có 35 thành viên, chuyên canh vú sữa tím và vú sữa Lò rèn với tổng diện tích hơn 38ha, trong đó có khoảng 15ha đủ điều kiện để xuất khẩu sang Mỹ với giá bán 30.000 đồng/kg. Giá này được doanh nghiệp thu mua cao hơn so với giá thị trường, nếu giá thị trường cao hơn giá bao tiêu sẽ được doanh nghiệp thu mua bằng với giá thị trường. Tính đến nay, HTX đã cung ứng cho doanh nghiệp bao tiêu hơn 18 tấn vú sữa để xuất khẩu sang Mỹ.

Đồng chí Phan Hải Hoàng Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết, hiện nay số lượng vú sữa của HTX được xuất khẩu chưa nhiều. Do đó, dự kiến trong năm 2019, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng sẽ sản xuất vú sữa theo quy trình VietGAP đối với toàn bộ diện tích để tìm liên kết phát triển đầu ra trong và ngoài nước.

Thiện Hải

Xây dựng chuỗi liên kết trồng chuối xuất khẩu

Nguồn tin: Báo Long An

Công ty (Cty) TNHH Huy Long An vừa tổ chức Hội thảo xây dựng chuỗi liên kết trồng chuối xuất khẩu.

Ông Võ Quan Huy bên sản phẩm chuối Fohla

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Cty, chia sẻ với nông dân về quá trình canh tác, chăm sóc và nhu cầu thị trường xuất khẩu của chuối. Hiện tại, thương hiệu chuối Fohla của Cty được giới thiệu rộng rãi trên thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Hội thảo nhằm tạo mối liên kết giữa Cty với nông dân để mở rộng nguồn cung ứng sản phẩm chuối Fohla bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường thế giới cũng như góp phần ổn định đời sống kinh tế của nông dân trên địa bàn huyện và lân cận.

Cty TNHH Huy Long An cũng cam kết nếu nông dân liên kết sẽ bảo đảm đầu ra. Ngoài ra, Cty còn hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình. Để đạt chất lượng tiêu chuẩn xuất khẩu chuối phải thực hiện theo quy trình ứng dụng công nghệ cao nên nguồn vốn đầu tư kinh phí cao khoảng 150 triệu đồng/ha. Ngân hàng Quân đội Chi nhánh Long An sẽ hỗ trợ 100% nguồn vốn để nông dân thực hiện mô hình.

Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ, tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Nguyên cho rằng, ngoài các yếu tố thuận lợi để sản xuất thành công là nguồn vốn, cây giống, kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc và đầu ra sản phẩm thì địa phương còn có khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp để trồng chuối đạt hiệu quả cao, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều này được Cty TNHH Huy Long An chứng minh qua thực tế với thương hiệu chuối Fohla. Ông Nguyên mong rằng, nông dân thực hiện mô hình liên kết chuối xuất khẩu nhằm tăng chuỗi giá trị sản phẩm trên địa bàn huyện trong thời gian tới./.

Tiến Hữu

Bến Tre: Một số giải pháp ứng phó với hạn mặn trên vườn cây ăn trái và hoa kiểng

Nguồn tin: Khuyến Nông TPHCM

Dưới sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài, mưa thất thường và kết thúc sớm. Theo kết quả dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn Bến Tre, độ mặn trên sông chính đang tăng lên rất nhanh đã và đang gây ra tác động làm ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái và hoa kiểng (cảnh) của tỉnh.

Khi nước mặn xâm nhập vào ao, mương trong vườn sẽ tích tụ các muối hòa tan trong đất. Khi tưới nước nhiễn mặn cho cây trồng thì hàm lượng của muối hòa tan cao làm cho áp suất thẩm thấu của dung dịch đất lớn hơn áp suất thẩm thấu của tế bào. Chính sự chênh lệch áp suất này làm cho hệ thống rễ cây không hút nước và dinh dưỡng được, đồng thời làm cho màng tế bào bị phá vỡ dẫn đến cây bị mất nước, héo và gây chết cây.

Đất bị nhiễm mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây trồng, gây xáo trộn và mất cân đối sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây trồng, mặn gây phá hủy cấu trúc đất, đất bị nén chặt, sự phát triển rễ bị giảm, giảm tính thấm nước và thoát nước, thiếu sự thoáng khí cho vùng rễ. Cây sẽ bị cháy từ chóp lá vào và sau đó lá cũng bị rụng. Tùy theo nồng độ muối hòa tan trong nước và lượng nước tưới cho cây mà số lá trên cây bị cháy và rụng ít hay nhiều. Nếu tiếp tục tưới trong thời gian dài sẽ làm cây bị rụng lá, hoa, trái và cây suy kiệt dẫn đến chết cây. Chính vì vậy, việc đối phó với hạn, mặn luôn là mối quan tâm lớn của các cấp, các ngành và nông dân. Bên cạnh các biện pháp lớn như quy hoạch vùng sản xuất, hệ thống thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng… thì các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp người sản xuất có thể ứng phó kịp thời, chủ động nhằm hạn chế tổn thất do hạn, mặn là hết sức cần thiết.

Vùng có nguy cơ nhiễm mặn thường xuyên cần chú ý thực hiện tốt thủy lợi nội đồng để có khả năng trữ nước ngọt và ngăn mặn cục bộ. Nếu trồng cây ăn trái cần dịch chuyển để tránh thời điểm ra hoa, mang trái tập trung trong thời điểm nước mặn, tạo bóng mát và đậy gốc cây, có đủ điều kiện che phủ bờ líp trồng để tăng cường giữ ẩm, giảm mất nước cho cây, đất trồng. Trước giai đoạn nhiễm mặn cần tăng cường bón các loại phân có chứa các chất kali, lân, vôi, chất hữu cơ để tăng khả năng đề kháng của cây trồng. Hạn chế tỉa cành, tạo tán, nhất là tỉa đau trong lúc hoặc trước thời điểm hạn mặn.

Trong điều kiện hạn, mặn như hiện nay, một số giải pháp được khuyến cáo cho nông dân áp dụng để bảo vệ vườn cây ăn trái như sau:

Bà con nên kiểm tra, củng cố hệ thống đê bao của mỗi vườn cho chắc chắn để tránh nước xâm nhập vào vườn. Đồng thời, để đảm bảo đủ nước ngọt tưới cho vườn cây ăn trái người dân cần dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây ăn quả khi nước mặn xâm nhập. Kết hợp với việc ngăn mặn trữ ngọt mọi người cần che đậy bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô,…để giảm bốc thoát hơi nước tăng cường giữ ẩm cho cây.

Trồng lạc dại tăng cường giữ ẩm trên vườn bưởi da xanh

Đối với giải pháp về dinh dưỡng, bà con nông dân cần tăng cường bón phân hữu cơ và kali nhằm làm tăng hàm lượng K+ trong cây để tăng tỷ lệ K/Na, từ đó hạn chế sự hút Na+ vào cây, hạn chế cây bị ngộ độc do Na+ cao. Bón thêm phân lân để cung cấp lân cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl- quá nhiều trong cây. Đồng thời, phun các chế phẩm như: Vitazyme, Nyro có chứa các hoạt chất Brasinoline giúp cây tạo ra Proline điều hòa thẩm thấu của tế bào hạn chế sự hút Na+ vào cây để tăng tính chống chịu mặn của cây trồng.

Trong giai đoạn hiện nay không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái, phát triển trái và nuôi trái.

Bà con canh tác hoa kiểng các loại cần chú ý các giải pháp để phòng chống hạn mặn. Vì các loại hoa kiểng như cúc, vạn thọ, mai vàng… rất mẫn cảm với điều kiện mặn nên người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin và đo độ mặn hàng ngày nhằm dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn nước mặn hoặc lấy nước tưới cho các loại hoa kiểng. Có thể phun phân bón lá có chứa Kali, Canxi, magiê, Silic giúp hoa kiểng tăng sức kháng, tăng khả năng chịu hạn, chống chịu với nhiễm mặn, cứng cây, không đỗ ngã giúp màu sắc hoa tươi đẹp hơn./.

Cúc mâm xôi chuẩn bị đón tết Kỷ Hợi năm 2019

Lê Đình Tấn Tài - Trung tâm Khuyến nông Bến Tre

Dong riềng vào vụ mới

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Vụ năm 2019, theo kế hoạch tỉnh Bắc Kạn trồng 820ha dong riềng, giảm gần 200ha so với năm 2018. Huyện trồng nhiều nhất là Na Rì 450ha; Ba Bể 200ha, Bạch Thông 70ha, Chợ Đồn 60ha, Chợ Mới 40ha…

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Na Rì Phạm Ngọc Thịnh trực tiếp hướng dẫn bà con xã Đổng Xá trồng dong riềng lên luống trên ruộng cạn

Vụ Dong riềng năm 2018, giá củ dong thấp, có thời điểm chỉ còn 900 đồng/kg; lúc cao nhất cũng chỉ đạt 1.300 đồng, chưa đạt giá ký hợp đồng tiêu thụ giữa cơ sở chế biến và người trồng dong (1.500 đồng/kg). Không những thế, có huyện người trồng dong còn không có đầu ra, không có đơn vị bao tiêu; hoặc có đơn vị đã ký bao tiêu nhưng tới vụ thu hoạch lại hạ giá và cuối cùng cũng không thu mua, dẫn tới nhiều địa phương giảm diện tích trồng dong trong năm nay.

Mặc dù vậy, huyện Na Rì luôn dẫn đầu toàn tỉnh về sản xuất, tiêu thụ dong riềng. Được biết, việc sản xuất tiêu thụ dong riềng, chế biến miến dong luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp huyện Na Rì đặc biệt quan tâm. Từ quá trình chuẩn bị giống, hướng dẫn kỹ thuật, chính sách hỗ trợ đầu ra… đều được cán bộ nông nghiệp sát cánh cùng nông dân, cũng như các cơ sở chế biến. Do vậy, diện tích trồng dong năm 2019 ở huyện Na Rì đạt 450ha, chỉ giảm 50ha so với năm 2018. Kế hoạch gieo trồng, tiêu thụ cũng được xây dựng rất cụ thể, phổ biến cho bà con trồng dong. Theo đó, diện tích trồng dong sẽ được trồng rải ra từ tháng 12/2018 cho đến tháng 3/2019 mới kết thúc nhằm giảm áp lực chế biến tinh bột cho các cơ sở khi thu hoạch, tránh được ùn ứ sản lượng vào một thời điểm, dễ bị mất giá. Ngoài ra, diện tích trồng lên luống ở ruộng cạn vẫn duy trì gần 50ha. Huyện cũng chỉ đạo các xã phối hợp với các cơ sở chế biến lên phương án bao tiêu củ dong cho người dân.

Ông Phạm Ngọc Thịnh- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Na Rì cho biết: Huyện đã tổ chức hội nghị để thống nhất phân bổ chỉ tiêu cho 13 xã trên địa bàn thực hiện cũng như thời gian trồng rải vụ cho từng địa bàn. Việc trồng rải vụ sẽ giúp chủ động thu mua, chế biến, tránh tình trạng ồ ạt trong một thời điểm như năm ngoái. Đến nay, toàn huyện đã trồng được gần 150ha dong.

Cũng là địa phương có thế mạnh về sản xuất, chế biến tinh bột dong riềng và miến dong nhưng năm nay, huyện Ba Bể chỉ xây dựng kế hoạch trồng 200ha, giảm 160ha so với năm 2019. Trong đó diện tích trồng giống dong riềng địa phương 150ha, phần diện tích còn lại sẽ trồng giống lai. Đồng chí Đồng Văn Dược- Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương cho biết: Xã được giao chỉ tiêu trồng 29ha nhưng do giá dong riềng năm 2018 quá thấp nên bà con mới đăng ký 13ha. Chúng tôi đã làm việc với cơ sở miến dong Nhất Thiện để chốt giá bao tiêu, cơ sở đã làm biên bản cam kết thu mua với giá 1.300 đồng/kg. Hiện nay, xã đang tích cực vận động bà con tiếp tục trồng dong riềng.

Điểm mới ở Ba Bể năm nay là huyện đã hướng dẫn người dân tận dụng ruộng cạn để trồng dong riềng lên luống; đồng thời khuyến cáo người dân trồng rải trong vụ gieo trồng để tránh tình trạng thu hoạch vào một thời điểm. Huyện cũng đã chỉ đạo giao các xã phối hợp với các cơ sở chế biến tinh bột được phân công bao tiêu nguyên liệu cho người dân. Từng xã giao diện tích trồng rải vụ cho các thôn bản; giao diện tích cho các cơ sở chế biến được phân vùng nguyên liệu trên địa bàn để phối hợp với các thôn triển khai; chỉ đạo công chức khuyến nông xã chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện xuống các thôn hướng dẫn người dân trồng thâm canh tăng năng suất, đảm bảo kế hoạch đề ra.

Vụ trồng dong riềng năm 2019 đã bắt đầu, tuy nhiên, để đảm bảo đạt kết quả tốt, ngay từ lúc này, công tác chuẩn bị tiêu thụ củ dong cần phải được chú trọng. Các địa phương cần rà soát nắm rõ năng lực các cơ sở chế biến, tập trung thảo luận kỹ, cam kết cao giữa người trồng với cơ sở bao tiêu, tránh để tái diễn phá cam kết. Các cơ sở chế biến chuẩn bị các điều kiện tu sửa bảo dưỡng, nâng cấp máy móc, mở rộng diện tích sản xuất. Đồng thời quá trình hoạt động các cơ sở chế biến cần chú trọng về vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… nhằm hướng tới phát triển sản xuất bền vững, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng yêu cầu hàng thực phẩm tiêu dùng hiện nay./.

Phan Quý

Mạnh dạn khởi nghiệp từ nông sản sạch

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Anh Huỳnh Phú Lộc (sinh năm 1990) ở phường 5, thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).

Mô hình của anh Lộc có 3 nhà lưới với quy mô 1.800 m2, chuyên sản xuất các loại rau quả sạch an toàn theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Các sản phẩm chủ yếu như cà chua Hà Lan, cà chua đen Nga, dưa lưới Úc… hiện được các siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch ở ĐBSCL và TP.HCM thu mua với giá cả ổn định.

Anh Huỳnh Phú Lộc khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Anh Lộc kể, tháng 10/2017, anh bắt tay vào làm nhà lưới, nghiên cứu kỹ thuật trồng cà chua và một số loại rau thông thường như dưa leo, xà lách, nhưng chủ yếu vẫn là chuyên canh cà chua Hà Lan. Ban đầu anh dành 1.000 m2 để trồng 2.500 cây cà chua, đến cuối vụ mỗi cây cho thu hoạch 4kg trái. Trong năm, anh sản xuất 1 vụ cà chua, với giá bán dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 350 triệu đồng. Không kể chi phí đầu tư nhà lưới ban đầu thì lãi từ cà chua đạt gần 2/3 doanh thu.

Song song đó, anh tiếp tục thử nghiệm trồng thêm dưa lưới. Vụ đầu tiên, anh Lộc thử nghiệm thành công trên 500m2. Vụ thứ hai anh mạnh dạn chuyển đổi tất cả diện tích sang trồng dưa lưới để cách ly mầm bệnh của cà chua. Đối với dưa lưới, chi phí bỏ ra đầu tư đầu mỗi vụ trên 70 triệu đồng, bình quân lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ. Theo tính toán của anh Lộc, mỗi vụ dưa lưới thường kéo dài từ 2 - 2,5 tháng, nếu tính cả thời gian xử lý, cải tạo môi trường, cách ly mầm bệnh mỗi năm có thể trồng được 4 - 5 vụ.

Mô hình sản xuất dưa lưới CNC của anh Lộc cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/vụ

Trước khi quyết định chuyển hướng đầu tư làm NNCNC, anh Lộc từng tốt nghiệp kỹ sư ngành Công nghệ thực phẩm và có thời gian dài làm việc cho các công ty thủy sản, rồi chuyển sang làm kinh doanh. Bên cạnh đó anh cũng có khoảng thời gian kinh doanh, thiết kế lắp đặt các sản phẩm nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Từ đó anh thấy được xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch an toàn của người dân là rất lớn và là xu thế trong tương lai.

Cùng với kinh nghiệm, vốn liếng tích lũy, anh Lộc bàn với vợ quyết định thuê 2.000 m2 đất tại phường 5 (TP Vĩnh Long) để tiện đầu tư xây dựng nhà lưới sản xuất rau sạch theo chuẩn VietGAP. Anh đã tự thiêt kế và mua vật liệu thi công nhà lưới với chi phí rẻ bằng 50% so với thuê đơn vị thi công. Anh Lộc cho biết, chi phí đầu tư 1.800 m2 nhà lưới anh tự làm chỉ tốn khoảng 600 triệu đồng. Hơn 1 năm canh tác đã thu hồi được chi phí đầu tư ban đầu và sản xuất có lãi.

Nói về thành công của mình, anh Lộc tâm sự: “Những năm qua mình đi làm nhiều nơi, đã học hỏi không ít mô hình làm kinh tế. Cuối cùng mình nhận ra, làm NNCNC là xu hướng bền vững vì nhu cầu sản phẩm sạch là tất yếu trong thời gian tới cũng là lúc mình mạnh dạn bỏ công việc ở thành phố về lập nghiệp. Hiện mình đang hướng dẫn một số anh em cùng chí hướng vào làm chung để cùng khởi nghiệp”.

Theo anh Lộc, cà chua đen có nhu cầu khá cao trên thị trường nhưng nguồn cung hạn chế

Bên cạnh cây trồng chủ lực là dưa lưới, hiện anh Lộc còn trồng thêm cà chua đen Nga với giá thu mua tại các siêu thị đến 80.000 đồng/kg. Cà chua đen cũng được kỳ vọng mang lại thu nhập cao cho mô hình của anh. Thời gian tới, theo yêu cầu của nhiều bà con, anh sẽ hợp tác mở rộng vùng đầu tư sang An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang…

MINH ĐẢM

Gác cho sâm ngủ đông

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau là thời điểm sâm Ngọc Linh ngủ đông. Trong khoảng thời gian này, bà con người Xơ Đăng trồng sâm Ngọc Linh ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh tỉnh Kon Tum) phải liên tục thay nhau ngày đêm canh gác để bảo vệ những luống sâm của gia đình. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng hết sức gian nan, cực khổ bởi mưa lũ, chim chuột và kẻ xấu luôn rình mò, phá hoại các vườn sâm.

Từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, là thời điểm những vườn sâm Ngọc Linh bắt đầu chín hạt, bà con Xơ Đăng thu hoạch hạt sâm và đưa vào ươm ngay tại vườn sâm của mình, đồng thời, những cành, lá sâm cũng được cắt tỉa đem đi bán. Sau khi thu hoạch hạt và cắt lá xong, bà con Xơ Đăng tiến hành lấy lá cây mục phủ một lớp dày lên các luống sâm để tạo mùn, giữ ẩm cho củ và chống xói mòn do mưa lũ gây ra trong thời gian sâm ngủ đông.

“Trồng sâm Ngọc Linh không khó, cái khó là bảo vệ sâm, đặc biệt là trong giai đoạn ngủ đông” - anh A Nhâm, người trồng sâm Ngọc Linh ở thôn Long Láy (xã Măng Ri) đã nói như vậy khi dẫn chúng tôi đi tham quan vườn sâm Ngọc Linh của gia đình anh.

Chị Y Biêm đang kiểm tra các gốc sâm tại vườn sâm của mình

Vườn sâm được trồng dưới tán rừng có độ cao trên 2.000m. Để đến được vườn sâm, chúng tôi phải leo núi nhiều tiếng đồng hồ, vượt qua 4 lớp hàng rào bằng lưới B40, kẽm gai, bẫy chông bằng tre, cùng nhiều chốt bảo vệ của các gia đình trồng sâm Ngọc Linh nơi đây.

Anh A Nhâm cho biết, vườn sâm có diện tích 3 sào với 400 gốc sâm, được 4 gia đình trong họ hàng cùng trồng từ năm 2016. Cứ 3 – 4 ngày, các thành viên trong 4 gia đình lại cử người lên thay nhau để tuần tra, canh gác và thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn người xấu vào nhổ trộm sâm.

Hàng ngày, các thành viên trực chốt đều đi kiểm tra 1 vòng quanh các hàng rào để xem có dấu hiệu xâm phạm hay không, sau đó sẽ thay phiên nhau thức để đi tuần và canh gác vườn sâm vào ban đêm. Thời gian vừa qua, anh A Nhâm đã đầu tư gần 5 triệu đồng để mua kẽm gai về bao bọc cho hàng rào thêm chắc chắn.

Cũng theo anh A Nhâm, lợi dụng trời mưa, đêm tối nên người xấu thường đột nhập vào các vườn sâm để nhổ sâm. Năm ngoái, có hộ dân tại thôn Tu Bung, xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) đã bị nhổ trộm nhiều gốc sâm trên 3 năm tuổi, bị thiệt hại vài chục triệu đồng.

Bà con Xơ Đăng thường xuyên kiểm tra và gia cố lại hàng rào cho chắc chắn

Khi cây sâm bước vào giai đoạn ngủ đông, các lá sẽ được cắt hết, chỉ còn củ sâm vùi trong lớp mùn và lá khô. Khi đó, bà con trồng sâm sẽ dùng que tre cắm ngay bên củ để làm dấu nhận dạng, việc làm này vô tình để lại dấu vết cho kẻ xấu dễ dàng nhổ trộm. “Nhiều năm đổ mồ hôi, công sức chăm sóc, chỉ cần mất cảnh giác, có thể sẽ bị mất cả gia tài” - anh A Nhâm nói.

Canh người trộm sâm đã khó, canh giữ các loại động vật ăn sâm còn khó gấp bội, nhất là các loài chuột, loài chim. “Con chuột rất thính và nhanh, chúng thường vào vườn sâm vào ban đêm, đào xới các luống sâm, moi củ sâm lên để cắn. Muốn bắt được chuột, phải đặt bẫy (được làm bằng đá và cành cây) ở nơi có mầm cây mới nhú từ củ sâm để dụ chúng tới. Tuy vậy, có loài chuột rất khó bắt, nên muốn sâm không bị chuột ăn, không còn cách nào khác là phải đi tuần hàng đêm” - anh A Nhâm kể.

Mùa đông, thời tiết vùng núi Ngọc Linh rất khắc nghiệt, ban đêm nhiệt độ xuống dưới 10 độ C lạnh cắt da cắt thịt, những vườn sâm Ngọc Linh bị sương mù bao phủ nên việc bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Mưa liên tục nên việc ngủ lại qua đêm, túc trực, canh gác, đi tuần tra của bà con hết sức gian khổ.

Chị Y Biêm, người trồng sâm Ngọc Linh ở thôn Chum Tam (xã Măng Ri) cho hay, hàng ngày chúng tôi đều phải dọn dẹp các rãnh luống để cho nước mưa dễ tiêu thoát, không bị xói lở và tránh được tình trạng nước bị ngưng đọng hoặc nước tràn qua các luống sâm gây úng thối củ sâm.

“Nhiều hôm ban đêm, trời mưa trở lớn, sương lại giăng mù mịt nhưng chúng tôi phải thức đi kiểm tra để kịp thời xử lý nước chảy xói lở, cành cây gãy đè lên các luống sâm” - chị Y Biêm cho hay.

Chị Y Biêm cũng tâm sự, cây sâm Ngọc Linh có giá trị cao, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng nên gắn với nghiệp trồng sâm thì phải chịu thương, chịu khó, ăn ngủ cùng với sâm.

Ông Nguyễn Bá Thành – Chủ tịch UBND xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) cho biết: Hầu hết các gia đình trên địa bàn xã đều trồng sâm Ngọc Linh theo nhóm hộ, do vậy, bà con đều cử người luân phiên bảo vệ vườn sâm của gia đình 24/24. Chính quyền cũng thường xuyên tuyên truyền cho các nhóm hộ phải hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác bảo vệ các vườn sâm, tuyên truyền cho người dân không được tự ý vào vườn sâm khi chưa được sự cho phép của chủ hộ, đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an xã đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật cho người dân và theo dõi việc đăng ký tạm trú, tạm vắng đối với người vãng lai trên địa bàn xã.

Bài, ảnh: Đức Thành

Xã Cam Hòa (Cam Lâm, Khánh Hòa): Khoai sáp bị dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

3 năm qua, cây khoai sáp liên tục bị dịch bệnh khiến nông dân Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) thất thu, diện tích giảm mạnh. Ngành chức năng khuyến cáo người dân nên luân canh lúa trên các khu vực trồng khoai sáp để cắt đứt nguồn lây.

Dịch bệnh hoành hành

Ông Bùi Sương là 1 trong 2 nông dân đầu tiên đưa giống khoai sáp từ huyện Diên Khánh về trồng và cũng từ đó diện tích khoai sáp nhanh chóng lan rộng ra các khu vực khác. “Nông dân lúc đó trồng bằng cách cắt củ ra giâm, không như bây giờ trồng bằng cây con. Với giá bình quân 14.000 - 15.000 đồng/kg, cao điểm 20.000 - 22.000 đồng/kg, năng suất 15 - 16 tấn/ha, nông dân có thể thu lãi 200 - 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa”, ông Sương nói.

Không có nhiều diện tích khoai sáp chưa nhiễm bệnh.

3 năm qua, sâu bệnh hoành hành khiến diện tích khoai sáp thu hẹp. Thời hoàng kim những năm 2011 - 2015, diện tích khoai sáp lấn át cây lúa, mở rộng tới 100 - 120ha. Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng diện tích khoai sáp hiện nay ước chỉ còn khoảng 30ha. Không trồng được khoai sáp, nông dân quay về với cây lúa. Các cánh đồng giờ đây xanh màu xanh của lúa, nhất là tại các thôn Lập Định 1, 2, 3. Theo ông Sương, khi trồng, cây khoai sáp không bị bệnh ngay mà đến tháng thứ 3, 4, khi khoai đã hình thành củ mới đổ bệnh. Lúc này, nông dân đã mất khá nhiều tiền để đầu tư. Tình hình dịch bệnh lan rộng, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân và có hướng khuyến cáo nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, ruộng khoai sáp do chi cục trực tiếp thử nghiệm cũng đã bị nhiễm bệnh. Điều này cho thấy, yếu tố lây lan đã đi sâu vào đất, nước, rất khó chữa.

Được biết, khi khoai sáp “lên ngôi”, Tổ hợp tác trồng khoai sáp Cam Hòa có hướng giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Năm 2016, tổ phát triển thành hợp tác xã với hy vọng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tránh thương lái ép giá. Tuy nhiên, từ ngày thành lập đến nay, Hợp tác xã khoai sáp Cam Hòa chưa tiêu thụ sản phẩm được lần nào.

Cần có biện pháp chặn đứng nguồn lây

Xã Cam Hòa và huyện Cam Lâm xác định khoai sáp là cây thế mạnh của địa phương, cây trồng chủ lực để nông dân làm giàu. Khoai sáp cũng nằm trong danh mục phát triển mỗi xã một sản phẩm của tỉnh. Tuy nhiên, giờ đây dường như lợi thế đó không còn. Ông Phan Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Cam Hòa cho biết, việc phát triển cây khoai sáp là hướng đi đúng của Cam Hòa, vì đây là cây thế mạnh. Tuy nhiên, 3 năm qua, cây khoai sáp bị dịch bệnh làm thu hẹp diện tích. Điều địa phương quan tâm là làm sao khôi phục lại vùng trồng khoai sáp, có biện pháp hướng dẫn nông dân trồng đúng quy trình, thâm canh hợp lý, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh.

Bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho hay, cây khoai sáp không thuộc quy hoạch cây trồng của tỉnh hay huyện mà hoàn toàn do nông dân tự phát từ các khu vực trồng lúa chuyển đổi. Cách đây 5 - 7 năm, việc chuyển đổi lúa sang khoai sáp tỏ ra rất hiệu quả, nhưng vài năm trở lại đây, cây khoai sáp điêu đứng do chế độ thâm canh quá cao, sử dụng nước quá nhiều dẫn tới dịch bệnh lan rộng. Năm 2018, chi cục đã lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện bệnh thối củ do nấm. Với tình hình đó, chi cục đã khuyến cáo người dân nên luân canh cây trồng giữa khoai và lúa. Hiện nay, khu vực này là vùng chuyên canh cây lúa, chưa có quy hoạch cho cây khoai sáp nên cũng không thể định hướng phát triển thành vùng chuyên canh khoai. Biện pháp hiện nay là cần tăng cường luân canh giữa lúa và khoai hay cây khác để cắt đứt nguồn lây bệnh trong đất trồng.

P.LÂM

Vĩnh Long: Khoai lang tím Nhật tăng giá

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Hình ảnh có liên quan

Thu hoạch khoai lang

Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) là huyện thuần nông chủ lực là cây khoai lang. Với diện tích sản xuất mỗi năm hơn 10.000 ha tập trung chủ yếu ở các xã Thành Đông, Tân Thành, Tân Hưng, Thành Lợi.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân, tính từ đầu năm 2019, giá khoai lang tím Nhật trên địa bàn huyện Bình Tân chỉ dao động ở mức 300.000 – 400.000 đồng/tạ. Thế nhưng đến những ngày cuối tháng 2 này, giá khoai lang tím Nhật bất ngờ tăng lên đáng kể. Chỉ trong khoảng 1 tuần lễ từ ngày 20/02 – 26/02/2019 giá khoai lang từ mức 400.000 đồng/tạ tăng mạnh lên mức 710.000 đồng/tạ (1 tạ = 60 kg). Với mức giá khoai lang này, đối với những ruộng canh tác tốt, trung bình mỗi 1.000 m2 trồng khoai lang tím Nhật người dân lãi khoảng 10 triệu đồng, đối với những ruộng chăm sóc không tốt, tỷ lệ khoai loại 1 thấp thì chỉ lãi khoảng 1- 2 triệu đồng/1.000 m2.

Giá khoai lang tăng cao giúp người trồng khoai có phần phấn khởi, thế nhưng họ vẫn còn đau đáu nỗi lo vì giá khoai lang luôn bấp bênh, đầu ra không ổn định, sâu bệnh ngày càng nhiều, chi phí thuê nhân công ngày càng cao và khó thuê.

Chính vì vây, để canh tác hiệu quả và bền vững, bà con nên trồng đa dạng cơ cấu các giống khoai lang, thực hiện luân canh các loại cây trồng khác nhằm giúp cải tạo đất, giảm áp lực sâu bệnh và tránh tình trạng người dân trồng ồ ạt một loại giống tím Nhật sẽ dẫn đến cung vượt cầu, giá sụt giảm.

Hồng Thắm - Trạm Khuyến nông Bình Tân, Vĩnh Long

Bồi dưỡng cho cây, hoa sau Tết

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Sau những ngày vui Tết, đón Xuân Kỷ Hợi 2019, trên các vườn hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lại nhộn nhịp không khí lao động. Người nông dân tất bật vun xới, tỉa cành, chăm bón các loại hoa, cây cảnh để giúp cây phục hồi, “dưỡng sức” phục vụ thị trường Tết năm sau. Ngoài việc ươm giống, trồng thêm lứa cây mới, các nhà vườn còn tất bật đi thu gom, nhận phục hồi, chăm sóc thuê cây cảnh sau Tết.

Hoa, cây cảnh cấp tập “dưỡng sức”

Tại thôn Phú Đa, thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào), sau Tết Nguyên đán là thời điểm người trồng đào hối hả với công việc mang đào trở lại vườn để bắt đầu một chu kỳ chăm sóc cây mới.

Người dân chăm sóc đào sau Tết

Đang tất bật cắt tỉa cành cho những gốc đào thế, ông Vũ Văn Lộc, một trong những chủ vườn “có tiếng” ở thôn Phú Đa cho biết: “Gia đình tôi có 8 sào trồng đào với khoảng 500 gốc bao gồm cả đào phai và bích đào. Tết Kỷ Hợi 2019, phần lớn số lượng đào trong vườn của gia đình tôi được khách hàng thuê để chơi Tết. Qua Tết, từ khoảng 15 tháng Giêng, các hộ thuê đào sẽ gọi nhà vườn tới mang đào về chăm sóc. Sau Tết là thời điểm gia đình tôi tất bật đi thu gom các cây đào đã cho thuê quay trở lại vườn”.

Sau Tết, cây đào sẽ bước vào một “chu trình hồi sinh” đầy công phu, mà phần lớn phụ thuộc vào kỹ thuật của người chăm sóc. Ông Lộc chia sẻ, sau Tết ông phải cẩn thận trong khâu cắt tỉa cành, xử lý rễ, đất trồng bảo đảm độ thông thoáng, giữ độ ẩm cho cây. Đặc biệt, sau khi trồng đào, ông phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây để kịp thời cắt tỉa những cành bị bệnh, phun thuốc phòng trừ bệnh rệp sáp, sâu nõn và bón phân theo từng chu kỳ phát triển của cây...

Về huyện Văn Giang, “thủ phủ” hoa, cây cảnh của tỉnh những ngày này mới thấy, dù là thời điểm sau Tết Nguyên đán nhưng không khí lao động trong các nhà vườn nhộn nhịp không kém so với thời điểm giáp Tết. Trên các cánh đồng, trong các nhà lưới, các loại hoa, cây cảnh đã được trồng gần kín đất. Người nông dân đang tất bật làm đất, vun luống, bơm nước tưới cây...

Anh Bì Xuân Hoàng, một chủ vườn cây cảnh ở xã Liên Nghĩa (Văn Giang) cho biết: “Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, gia đình tôi có trên 200 chậu bưởi cảnh bán và cho thuê. Với những chậu bưởi cảnh cho thuê, khi nhận cây về, tôi sẽ xử lý bộ rễ trước khi trồng, đồng thời ngắt bỏ toàn bộ quả và khoảng 1/2 số lá trên cây, thay đất trồng và cho cây “ăn” tùy theo thể trạng của cây”.

Bên cạnh việc chăm sóc các loại cây cảnh cho thuê chơi Tết, người dân trên địa bàn huyện Văn Giang cũng tích cực trồng mới cây cảnh để thay thế các diện tích đã bán.

Anh Đặng Văn Cường ở thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến hiện có 6 sào trồng bưởi và quất cảnh. Anh Cường cho biết: “Sau Rằm tháng Giêng, tôi bắt đầu làm luống để trồng những cây quất mới cho kịp thị trường Tết năm sau. Đối với quất bonsai, từ cuối tháng 1 đến khoảng tháng 2 âm lịch, tôi sẽ trồng cây lên chậu, bình gốm, lọ sành, sứ… Khi cây sinh trưởng ổn định mới tiến hành gò uốn tạo dáng thế cho cây”.

Nở rộ dịch vụ chăm đào thuê sau Tết

Sau những ngày chơi Tết, từ mùng 10 tháng Giêng trở đi, những người chơi đào lại mang gửi cây đến các nhà vườn chăm sóc. Dịch vụ chăm sóc đào sau Tết theo đó cũng trở nên nhộn nhịp chẳng kém lúc mua bán thời điểm trước Tết.

Hết Rằm tháng Giêng, ông Đặng Văn Dược ở thị trấn Vương (Tiên Lữ) thuê người vận chuyển gốc đào mà gia đình mua về trưng bày trong dịp Tết cổ truyền đến nhà một nhà vườn ở xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) để thuê chăm sóc, đến Tết năm sau lại đến đánh cây về. Ông Dược cho biết: “Do là cây đào cổ có giá trị lớn, lại không có kỹ thuật chăm sóc nên nếu trồng cây đào dễ bị chết hoặc ra hoa không đúng Tết. Vì vậy, năm nay tôi đặt vấn đề thuê luôn chủ vườn bán đào chăm sóc, năm sau vẫn có cây đào để chơi mà tiền công chăm sóc cũng vừa phải…”.

Anh Phạm Xuân Huy, chủ vườn đào Xuân Huy ở xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên) cho biết: Những năm gần đây, nhiều khách đến tận nhà vườn mua đào về chơi Tết và đặt vấn đề thuê nhà vườn chăm sóc đào. Gia đình anh làm dịch vụ có uy tín nên từ mùng 7 Tết anh đã bận rộn nhận cây chăm sóc.

Anh Huy cho biết thêm: Sau khi nhận cây, người chăm sóc sẽ tưới nước đầy đủ và kiểm tra chất lượng lá, rễ của cây; sau đó mới đến công đoạn cắt tỉa, bón phân, chăm sóc, tạo dáng theo ý thích của khách hàng... Chi phí sẽ do hai bên thỏa thuận, tùy theo giá trị của cây đào và công bỏ ra. Mặc dù việc nhận chăm sóc đào chỉ cần cây sống và ra hoa đúng dịp Tết, nhưng theo anh Bùi Văn Tiệp, chủ nhà vườn Tiệp Vuông ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) thì công việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều gia chủ chơi cây nhưng không chịu chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng cách nên hầu hết các đào chơi tết xong đều bị suy yếu, héo rũ, khả năng phục hồi rất khó. Mặt khác, cây bị đánh đi, đánh lại từ chậu ra vườn, từ chậu này sang chậu khác rất dễ bị chết, chưa kể đến sâu bệnh. Nếu để cây chết hoặc không ra hoa đúng dịp tết, ngoài việc phải đổi lại cho khách một cây khác có giá trị tương đương, nhà vườn còn bị mất uy tín.

Từ khi những gốc đào được mang về vườn cho tới Tết số lượng cây chết có khi chiếm đến 15 – 20%. Dù rủi ro cao nhưng các nhà vườn vẫn luôn cam kết cho khách có cây vào đúng dịp Tết, bởi nếu cây hỏng khách sẽ được lựa chọn một gốc khác ở nhà vườn có giá trị tương đương với cây gửi ban đầu.

Dương Miền – Nguyễn Nhân

Thái Nguyên: Gần 600 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại

Nguồn tin:  Báo Thái Nguyên

Sau một thời gian trầm lắng do giá bán sản phẩm thịt lợn, gà giảm mạnh, hiện nay, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang có xu hướng phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 752 trang trại, trong đó có 743 trang trại chăn nuôi (chủ yếu là chăn nuôi gà, lợn); số còn lại là trang trại trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản và trang trại tổng hợp).

Trong số các trang trại trên thì có gần 600 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư số 27/2011/TT – BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Thực tế này cho thấy, rất nhiều trang trại ở Thái Nguyên đã đáp ứng đủ các tiêu chí xác định kinh tế trang trại. Cụ thể, đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp, có diện tích trên mức hạn điền, tối thiểu là 2,1 ha; giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm. Đối với cơ sở chăn nuôi, giá trị sản lượng hàng hóa đạt từ 1.000 triệu đồng/năm trở lên. Đối với cơ sở sản xuất lâm nghiệp, có diện tích tối thiểu 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên…

Tùng Lâm

Lợi ích lớn từ chỉ dẫn địa lý

Nguồn tin:  Báo Công Thương

Cam Vinh giá bán tăng lên hơn 50%; mật ong bạc hà Mèo Vạc giá bán tăng 75-80%; nước mắm Phú Quốc giá bán tăng từ 30-50%... Đây chỉ là một vài trong rất nhiều ví dụ cho thấy việc xây dựng, khai thác và quản lý sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đã mang lại lợi ích lớn.

Tích cực triển khai

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, đến nay, Việt Nam đã bảo hộ 69 CDĐL quốc gia và 6 CDĐL của nước ngoài. Hơn 10 năm qua, số CDĐL quốc gia được bảo hộ đã tăng 3,5 lần. Đặc biệt, 34 tỉnh/thành phố đã có CDĐL được bảo hộ; 11 tỉnh/thành phố có từ 2 CDĐL trở lên, gồm: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Kạn, Tiền Giang, Bình Thuận, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Quảng Nam.

Hiện Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp tích cực với Cục Chế biến thực phẩm Nhật Bản để đăng ký 3 CDĐL của Việt Nam tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, 39 CDĐL của Việt Nam sẽ được Liên minh châu Âu đồng ý bảo hộ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Giá trị sản phẩm được nâng cao sau khi có CDĐL

Về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ CDĐL, 47% sản phẩm là trái cây, 23% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% thủy sản, 8% gạo, còn lại các sản phẩm khác. Trong đó, có 5 sản phẩm không phải là thực phẩm được bảo hộ: Nón lá Huế, thuốc lào Tiên Lãng, thuốc lào Vĩnh Bảo, cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử. Như vậy, đa phần các sản phẩm được bảo hộ CDĐL của Việt Nam là các sản phẩm tươi sống và nguyên liệu...

Trên cơ sở tổng hợp các đánh giá của các địa phương về thực trạng quản lý CDĐL sau khi được nhà nước bảo hộ cho thấy hiệu quả rõ rệt. Đó là, quá trình bảo hộ CDĐL cho sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương. Đồng thời, CDĐL đã tác động rõ ràng đến nhận thức của doanh nghiệp, người dân đến danh tiếng, giá trị của các sản phẩm được bảo hộ.

Nâng tầm giá trị

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - khẳng định, việc cấp CDĐL có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều khía cạnh khác nhau, như: Nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp sản xuất nông sản tuân theo quy trình chặt chẽ và đảm bảo chất lượng khi truy xuất nguồn gốc; tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm…

Theo thống kê, giá bán sản phẩm sau khi CDĐL được đăng ký và quản lý tăng từ 20 -100%. Điển hình như chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam) giá bán tăng 100 -130%; bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) tăng 10-15%; cam Cam Cao Phong (Hòa Bình) tăng gần 100%...

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế trong 5 năm gần đây, dù số lượng CDĐL tăng nhanh, nhưng doanh nghiệp chưa khai thác hết được tiềm năng và thế mạnh của CDĐL để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Ông Đinh Hữu Phí cho rằng, ở cấp độ địa phương, các cơ quan quản lý chưa có sự phối hợp trong quá trình xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL, từ khâu xây dựng hồ sơ, nộp đơn đăng ký CDĐL, đến quá trình xây dựng hệ thống quản lý và triển khai hoạt động khai thác CDĐL khi đã được bảo hộ.

Do đó, các địa phương cần chú trọng xây dựng kế hoạch nhằm thúc đẩy thị trường, đưa CDĐL trở thành một dấu hiệu người tiêu dùng lựa chọn; tuyên truyền để người dân hiểu rõ giá trị của CDĐL; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường, xử lý các hành vi xâm phạm về CDĐL.

Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ dự kiến đăng ký 10 CDĐL cho các đặc sản địa phương và đăng ký thành công 3 CDĐL của Việt Nam tại Nhật Bản.

Quỳnh Nga

Cà phê gần trăm năm tuổi

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Cà phê Typica Cầu Ðất được xem như “Bà hoàng” của các loại cà phê nhờ hương thơm quyến rũ đặc biệt của nó. Thế nhưng, thật đáng buồn là Typica đã gần như mất dấu trong làng cà phê và chỉ được biết với cái tên chung “Moka Cầu Ðất”. Nhưng đâu đó vẫn còn những con người say mê với cà phê có tuổi xấp xỉ trăm năm.

Gia đình ông Phùng Phước vẫn còn lưu giữ những gốc cà phê Typica thuần chuẩn trên 80 năm tuổi

Bà hoàng của các loại cà phê

Từ trung tâm Đà Lạt theo Quốc lộ 27 chúng tôi xuôi về hướng Trại Mát để đến với xã Trạm Hành. Đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh nhiều ngôi nhà bề thế, những vườn cà phê tươi tốt, những vòm nhà kính vừa mới xây dựng. Qua lời giới thiệu của ông Lương Trọng Nghĩa, thôn Trạm Hành 2 (xã Trạm Hành) chúng tôi tìm nhà ông Phùng Phước, nơi có những gốc cà phê gần 100 tuổi để được nghe ông kể cho chúng tôi câu chuyện về những cây cà phê ở vùng Cầu Đất - Trạm Hành.

Những thập niên đầu thế kỷ 20, vùng Trạm Hành còn là vùng đất hoang vu, chỉ có một số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và phát rừng làm rẫy dọc bờ sông Đa Nhim. Theo dấu chân những người khai phá, những làng mạc mọc lên, là nơi sinh sống của lưu dân Nam, Ngãi, Bình, Phú. Cà phê đã theo chân người Pháp vào Việt Nam từ thế kỷ 19 và phát triển mạnh mẽ cho tới ngày hôm nay. Tuy cùng nằm trên dải đất Tây Nguyên nhưng cà phê Cầu Đất, Núi Min, Trạm Hành lại có sự khác biệt hẳn. Đó là hương thơm quyến rũ của cà phê Arabica vốn được thế giới ưa chuộng.

Ngày ấy, người Pháp lên Đà Lạt mở đồn điền chè, hoa, cà phê. Bố của ông - cụ Phùng Năm Sơn, khi ấy mới chỉ 17 tuổi từ vùng quê Quảng Nam vào làm phu đường, sau đó làm đồn điền cà phê cho người Pháp. Lúc ấy, người dân ở Trạm Hành chưa biết người Pháp trồng cà phê để làm gì, chỉ biết là làm ra sản phẩm và đem về nước bản địa. Vì tò mò, người dân Trạm Hành cũng trộm một vài cây đem về trồng thử, thời ấy chỉ trồng ở những bờ ranh và một ít trong vườn nhà. Và cà phê cũng cho hạt chín nhưng người dân cũng không biết chế biến như thế nào, cứ để trái chín rớt xuống mọc lên những cây con. Mãi sau này, người dân Trạm Hành có điều kiện đi ra ngoài tiếp xúc với nhiều nơi, thấy nhiều nơi uống cà phê nên mới về bắt chước thu hái cà phê, rồi rang xay ra để thưởng thức. Từ đấy, người dân bắt đầu biết trồng và sản xuất cà phê thành sản phẩm hàng hóa.

Ở độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển, có nhiều vùng đồi dốc thoai thoải cùng khí hậu mát mẻ, những vùng đất này của Lâm Đồng là nơi chốn đắc địa, lý tưởng cho giống Arabica phát triển và sản sinh ra những hạt cà phê có chất lượng vào hàng ngon nhất nhì thế giới. Đặc biệt, cà phê Typica Cầu Đất được xem như “Bà hoàng” của các loại cà phê nhờ chất lượng khác biệt của nó.

Ông Phùng Phước dẫn chúng tôi xem những gốc cà phê đã hơn 80 năm tuổi, ông nói, cây Typica có bộ rễ cọc cắm sâu vào đất nên sống rất dai, cây nào già cỗi thì cưa rồi chồi cũng mọc lên lại. Cây đâm cành thứ cấp để rồi cho ra trái…

Phát triển vùng cà phê Typica

Đối với nhiều người yêu cà phê, Typica là cốt lõi của tiêu chuẩn hương vị, nó là một trong những giống cà phê quan trọng nhất về mặt di truyền. Với tư cách giống “thuần”, còn nguyên bộ gen, cà phê Typica có chất lượng rất cao, và từng được dùng làm chuẩn mực để đánh giá hương vị các loại cà phê khác.

Ông Lương Trọng Nghĩa, người đang khôi phục lại nguồn giống Typica ở Trạm Hành cho biết, trước năm 1988, khu vực Cầu Đất (Đà Lạt) gần như chỉ có Typica và Bourbon - hai loại cà phê với chất lượng cao. Nhưng do đặc tính cho trái vụ được, vụ thất thu lại khá nhạy cảm với bệnh gỉ sắt nên người dân dần chặt bỏ cây Typica mà thay vào đó là Catimor - cùng thuộc dòng Arabica nhưng cho sản lượng cao hơn gấp 2-3 lần.

Typica hiếm nên càng quý hơn, giá hạt cà phê Typica trên thị trường cao gấp 4-5 lần cà phê Catimor bình thường. Chính vì vậy, ông Nghĩa đang tiến hành nhân giống và trồng lại, hiện tại ông đã nhân giống và trồng được trên 300 cây giống Typica để lấy chồi.

Ông Nghĩa dự định sẽ phủ 1,2 ha giống cà phê Typica trên diện tích của gia đình mình bằng cách cưa gốc cà phê Catimor và ghép chồi Typica, sau 12 tháng khi chồi lên sẽ cho ra trái bói. Để phân biệt Typica với các dòng cà phê Arabica khác thì cây cà phê Typica có dạng hình nón với một thân chính mọc thẳng và nhiều thân phụ mọc xiên. Hạt Typica hình bầu dục, kích thước hạt nhỏ. Chúng khó chăm sóc, năng suất thấp nhưng lại cho hạt cà phê chất lượng cao. Thơm nồng nàn, ngọt dịu, đắng nhẹ, chua thanh, hương thơm Typica đang quyến rũ những người yêu cà phê tìm về với giá trị trăm năm.

DIỆP QUỲNH - HOÀNG YÊN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop