Tin nông nghiệp ngày 04 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 04 tháng 6 năm 2019

Kim ngạch xuất khẩu rau, quả đạt trên 1,6 tỷ USD

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Theo thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, lũy kế từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau, quả của Việt Nam đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong những tháng đầu năm 2019, dẫn đầu về trị giá xuất khẩu hàng rau, quả vẫn là thị trường Trung Quốc với trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường này đã tăng cường kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch, chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, đề ra yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, cấp giấy phép nhập khẩu, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm tra chất lượng tại nước xuất xứ...

Do các quy định mới, lĩnh vực xuất khẩu rau, quả nước ta dự báo có thể bị ảnh hưởng. Hiện, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau, quả sang một số nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao song tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường này còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.

THANH SƠN

Sản lượng rau giảm, giá tăng cao

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài khiến diện tích rau màu trên địa bàn TP Đà Lạt bị hư hại đáng kể. Cũng vì thế mà rau xanh trở thành mặt hàng đắt đỏ.

Tiểu thương thu mua rau trong đợt giá cao

Khảo sát tại các khu vực chuyên canh rau chủ lực của Đà Lạt như Phước Thành, Đa Thiện, Thánh Mẫu (Phường 7 và Phường 8) giá các loại rau xanh như xà lách, bó xôi, cải thảo,… tăng gấp đôi so với 1 tháng trước.

Chị Nguyễn Thị Hiền (tiểu thương tại chợ Đà Lạt) cho biết, một số loại rau ăn như: xà lách cô rôn, xà lách xoong, lô lô xanh có giá từ 25.000 - 40.000 đồng/kg tăng 12.000 đồng so với tháng trước, súp lơ xanh có giá 25.000 đồng/bông tăng 10.000 đồng, bó xôi có giá 25.000 - 30.000 đồng/bó tăng 10.000 đồng,…

Cũng theo các tiểu thương, thời gian qua do mưa lớn kéo dài nhiều đợt khiến cho diện tích rau, củ bị hư hại, dập nát. Mặc dù không bị năng, nhưng đầu mối cung cấp rau cho TP Đà Lạt chủ yếu là các vùng chuyên canh rau chủ lực trên địa bàn TP giảm mạnh về sản lượng và trở nên khan hiếm. Không chỉ tăng giá mạnh, nhiều loại rau cũng không có để bán, tiểu thương nhiều lúc cũng phải tranh mua mới có hàng nhập về.

Anh Lê Minh Thành (31 tuổi, Thánh Mẫu, TP Đà Lạt) - người sản xuất rau tại Phường 7 cho biết: “Rau xanh mới chỉ tăng giá cách đây một tháng. Giá cả cứ thay đổi thường xuyên, lúc sản lượng rau nhiều thì giá thấp và bây giờ do một số nguyên nhân như dịch bệnh, mưa triền miên thì sản lượng giảm xuống giá lại cao”.

Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 65.000 ha rau các loại, sản lượng 2,273 triệu tấn/năm, phân bố chủ yếu ở các vùng như TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương,…

THÂN THU HIỀN

Bình Thuận: Toàn tỉnh có 8.759 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục duy trì, ổn định diện tích các cây trồng lợi thế, trong đó có cây thanh long với 29.418 ha, chủ yếu ở Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình…

Theo đó, ước đến cuối tháng 6/2019, toàn tỉnh có 8.759 ha/ 10.000 ha kế hoạch (87,6%) thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, bằng 93,3% so cùng kỳ. Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đang tập trung phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ sản xuất và kiểm tra, chứng nhận thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP; đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu năm 2019, gắn với tăng cường vệ sinh đồng ruộng, phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long, nhất là trong mùa mưa. Mặt khác, tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật trên cây thanh long và rau màu.

K.H

Phong Điền (Thừa Thiên Huế): Dưa hấu trúng vụ, được giá

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Bà con nông dân trồng dưa hấu ở huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang bước vào mùa thu hoạch. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi từ đầu vụ, nên năm nay bà con bội thu dưa hấu.

Thu hoạch dưa tại vườn

Năm ngoái cũng vào thời điểm này, nông dân Phong Điền “méo mặt” vì giá dưa hấu giảm, không ít người bỏ mặc dưa tại ruộng. Năm nay, thương lái đến thu mua tận ruộng với giá cao, dao động từ 5.000-6.500đồng/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Tại khu vực trang trại vùng Bàu thuộc địa phận xã Điền Môn, dưa hấu được trồng khắp các cánh đồng. Khi người dân thu hoạch, các thương lái cho xe tải về tận ruộng thu mua, dưa không bị ứ đọng, rớt giá như các năm trước.

Ông Nguyễn Manh (68 tuổi) ở thôn 1 Vĩnh Xương, xã Điền Môn, phấn khởi: “Năm nay gia đình tôi trồng 2 sào dưa hấu, hiện đã bán được 11 triệu đồng và vẫn còn một số chưa thu hoạch. Nếu các vụ sau mà vẫn được giá như hiện nay thì dưa hấu sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa”.

“Trồng dưa hấu chỉ mất khoảng 2 tháng là thu hoạch. Đây là loại cây trồng ít tốn công chăm sóc và tiết kiệm nước. Tôi “canh” cho dưa hấu thu hoạch đúng vào thời điểm nắng nóng thì nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh nên sẽ không lo bị dội hàng, rớt giá”, ông Manh chia sẻ kinh nghiệm.

Theo một số người dân địa phương, dưa hấu vụ xuân được trồng từ tháng 2, thu hoạch vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Hàng năm, giá bán tại ruộng trung bình 3.000 - 4.000 đồng/kg nhưng năm nay quả to, hình thức đẹp, lại trúng thời điểm ngày lễ, nắng nóng gắt nên dưa tiêu thụ mạnh; thương lái thu mua giá 5.000- 6.500đồng/kg tại ruộng.

Chị Nguyễn Thị Liên, thương lái thu mua dưa ở huyện Phong Điền cho biết: do thời tiết nắng nóng, nhu cầu giải khát, sử dụng trái cây của người dân tăng cao, nhất là tại các nhà hàng, các điểm du lịch. Hiện thị trường Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu loại dưa này, khiến cho dưa có hiện tượng “cháy hàng”.

Ông Hoàng Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Môn thông tin: Năm nay thời tiết thuận lợi nên bà con bước vào vụ thu hoạch dưa hấu sớm. Hiện, toàn xã có khoảng 70 hộ dân trồng dưa với diện tích hơn 10ha. Theo dõi cho thấy cơ bản năm nay dưa hấu được mùa, giá bán cũng cao hơn so với các năm trước. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục quy hoạch đất để mở rộng diện tích trồng dưa.

“Dưa hấu là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng UBND xã cũng khuyến cáo người dân nên trồng theo đúng mùa vụ, theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng sâu bệnh gây hại, sản phẩm khi thu hoạch bị ứ đọng, không bán được, rớt giá dẫn đến thua lỗ, gây thiệt hại về kinh tế”, ông Bảo cảnh báo.

Bài, ảnh: TIẾN DŨNG

Trồng mướp rắn trên đảo Lý Sơn

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Trên những cánh đồng cát ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), xưa nay vẫn chỉ trồng độc nhất 2 loại nông sản là hành và tỏi. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc trồng hành, tỏi đang khiến túi nước và nguồn cát nhiễm mặn ở đảo dần cạn kiệt. Một người dân đã tìm về đất liền mang giống mướp rắn (hay còn gọi là mướp rồng, mướp Nhật Bản) về đảo trồng xen canh với hành, tỏi, bước đầu đem lại hiệu quả khá cao.

Ông Thống đưa mướp rắn vào đảo Lý Sơn

Người dân đó là ông Nguyễn Văn Thống (65 tuổi, ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn). Hai năm trước, ông Thống vào đất liền tìm giống mới để mong có thể giúp bà con chuyển đổi giống cây trồng. Ban đầu, ông mang về các giống cây, như: nho, phật thủ, hoa ly…, nhưng đến mướp rắn thì đã cho hiệu quả rất bất ngờ.

Mỗi vụ, ông Thống gieo 50 hạt giống mướp rắn, trồng xen canh quanh ruộng hành, tỏi. Chỉ sau 50 ngày gieo hạt cây cho trái rất dài, có trái dài hơn 1m. Ông Thống nói: “Mướp rắn trồng trên đảo cho trái nặng từ 2-3kg. Mỗi hạt mướp rắn lên cây, cho ra khoảng 30 - 40kg trái. Giá bán cho người dân và đặc biệt là các nhà hàng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Trồng mướp rắn vừa tiết kiệm đất cát, nước vừa cho hiệu quả gấp đôi hành, tỏi. Loại này nhà hàng rất ưa chuộng, dùng để trộn gỏi hoặc ăn sống rất thơm, giòn và ngon...”.

Nếu như lời ông Thống, cả vựa mướp rắn 50 hạt giống của ông cho ra khoảng 1,8 tấn, bán với giá 20.000 đồng/kg, thu về 30 - 35 triệu đồng/vụ (50 ngày).

Lão nông này chia sẻ thêm: “Tôi còn nhờ con cháu lên mạng xã hội tìm các giống cây độc lạ khác về đảo để trồng. Qua mạng xã hội, tôi thấy có nhiều giống cây khác có thể sinh trưởng tốt trên đất cát ở đảo. Trồng những giống cây này vừa tiết kiệm đất, vừa đỡ công chăm sóc, tiêu tốn ít nước và đặc biệt, mỗi vụ không phải mua cát hút dưới biển lên trải thảm, trồng như hành tỏi, rất cực và tốn kém, giá lại bấp bênh”.

Theo bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, hiện trên đảo có trên 300ha đất nông nghiệp, người dân sử dụng để trồng hành, tỏi. Việc trồng hành, tỏi ở đảo này đang gặp nhiều vướng mắc… Ngoài ra còn phải gánh chịu nhiều rủi ro về giá cả, thị trường. Tới đây, địa phương sẽ cố gắng bằng nhiều cách để giảm diện tích trồng hành, tỏi xuống còn 200ha. Việc người dân tự chuyển đổi cây trồng phù hợp cũng là cách làm rất cần được nhân rộng.

NGỌC OAI

Cây mãng cầu xiêm ‘thế chân’ cây lúa

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn là cách mà nông hộ thực hiện để "đứng vững" trên diện tích đất của mình. Vì vậy đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo của nông dân, tận dụng triệt để lợi thế địa phương để sinh lợi. Như hộ ông Hà Văn Sinh, ấp Thiện Tánh, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), chuyển đổi trồng mãng cầu xiêm cho thu nhập ổn định mỗi năm vài trăm triệu đồng.

Trở về nhà sau một buổi sáng chở trái mãng cầu đi giao cho chủ vựa trái cây ở TP. Sóc Trăng, gặp tôi, ông Sinh niềm nở mời vào nhà ngồi nghỉ. Nhanh tay đem những chiếc giỏ chở trái mãng cầu vào nhà sắp xếp gọn gàng, ông Sinh bộc bạch: “Cứ cách 2 ngày tôi phải tự thân đi chở trái mãng cầu ra vựa để chủ vựa phân phối bán cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trước đây, thương lái tới tận vườn để mua nhưng do xung quanh đây chỉ có vườn tôi trồng mãng cầu, số lượng trái không đáp ứng được một chuyến hàng nên ngưng không vào vườn mua. Do vậy gần một năm qua, tôi phải tự đem giao mãng cầu tận vựa khi họ có nhu cầu. Chạy đi xa, chở nặng cũng cực nhưng đành phải chịu. Vấn đề làm tôi khó nghĩ nhất là cây ra trái to rất thích vì nhờ chăm sóc tốt kèm theo đó trái to cân sẽ được ký hơn, bán nhiều tiền hơn, ấy vậy mà mỗi lần mang mãng cầu đi vựa, trái lớn họ thường dạt ra, cứ bảo người tiêu dùng ít chịu mua trái to bởi ngán tiền dẫn đến vựa khó bán, làm tôi đau cả đầu vì vườn mãng cầu của tôi trái rất to, trọng lượng từ 2kg đến 4kg/trái”.

Ông Hà Văn Sinh, ấp Thiện Tánh, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú) bên vườn mãng cầu xiêm trái trĩu cành.

Để minh chứng cho vườn mãng cầu trái to trĩu cành, ông Sinh nhiệt tình dẫn tôi ra thăm khu vườn nhà ông với diện tích 13 công đất, chuyên canh cây mãng cầu xiêm và xen canh một số cây bưởi da xanh. Quả thật, khi tận mắt nhìn thấy vườn mãng cầu của ông Sinh, tôi vô cùng thích thú, bởi tất cả các trái trên cây có độ lớn đồng đều nhau, từng trái được bao lưới cẩn thận.

Đi nhanh về phía trước chỉnh sửa lại cái lưới bao trái mãng cầu, ông Sinh tâm tình: “Giờ trồng bất cứ loại trái cây gì cũng cần bao trái, thứ nhất hạn chế tối đa côn trùng, sâu hại tấn công trái làm ảnh hưởng năng suất, thứ hai để sản phẩm sau thu hoạch an toàn vệ sinh thực phẩm và vấn đề quan trọng ở đây là khi bao trái độ lớn của trái đồng đều, hình thức trái đẹp. Tôi canh tác mãng cầu theo hướng an toàn sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu dùng các loại phân bón hữu cơ và thuốc sinh học cung cấp cho cây nên chi phí đầu tư thấp. Tôi nhận thấy gần 3 năm trồng mãng cầu thu nhập tăng lên gấp nhiều lần so trồng mía hay trồng lúa”.

Nâng trái mãng cầu ngắm nghía xem đã già chưa để mai thu hoạch tiếp, ông Sinh chia sẻ thêm: “Diện tích đất tôi trồng mãng cầu trước đây là đất canh tác mía, từ mía tôi chuyển sang làm lúa 3 vụ/năm, với cây lúa năng suất khá cao nhưng chi phí đầu tư lớn, giá cả bấp bênh, có vụ lúa chỉ huề vốn. Thấy làm lúa thu nhập không tốt, tôi suy nghĩ cây ăn trái để chuyển đổi. Ban đầu thấy hộ dân ở TX. Ngã Năm trồng mãng cầu gai gốc ghép bình bát mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi cũng muốn thử loại mãng cầu đó nhưng suy tính thời gian tôi chọn trồng trái mãng cầu xiêm, bởi xưa giờ khá nhiều người ưa chuộng loại mãng cầu này. Để có cây giống trồng, tôi tìm đến tận tỉnh Hậu Giang mua cây về trồng thử trên 1 công đất lúa. Qua 2 năm bắt đầu thu hoạch trái, giá bán thời điểm mấy năm trước từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Với 1 công mãng cầu, tôi thu lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Thấy tiềm năng lớn từ trái mãng cầu xiêm nên tôi quyết định tự ươm hạt mãng cầu làm cây giống trồng luôn 12 công đất lúa còn lại. Hiện tại, vườn mãng cầu 13 công với 700 gốc. Vườn đã cho thu hoạch trái đồng loạt gần 3 năm qua, sản lượng trái bình quân khoảng 35 tấn/năm, trừ chi phí lợi nhuận hơn 200 triệu đồng”.

Việc chuyển đổi cây lúa sang cây mãng cầu xiêm của ông Sinh được xem là một trong những mô hình thành công bởi đem về nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là đầu ra của trái mãng cầu còn gặp khó khăn, ông Sinh mong muốn được các doanh nghiệp liên kết thu mua trái mãng cầu xiêm để giá bán được ổn định và đảm bảo lợi nhuận. Hướng tới, ông Sinh sẽ làm thêm trà mãng cầu...

Thúy Liễu

Nông dân chuyển đất lúa khó khăn sang trồng bắp mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Trong vụ Đông xuân 2018 - 2019, nông dân tỉnh Tiền Giang đã chuyển gần 2.000 ha đất lúa tại những địa bàn khó khăn về nguồn nước sang trồng bắp mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế được ảnh hưởng do hạn mặn đến sản xuất. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với mức năng suất bình quân 36,1 tạ/ha, sản lượng bắp cả vụ đạt gần 7.000 tấn, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi ròng trên mỗi ha đất trồng bắp trên 56 triệu đồng, cao gấp 3,1 lần so với trồng lúa năng suất cao, bà con rất phấn khởi.

Ông Hai Cầu, canh tác 2.500m2 đất trồng lúa tại ven thị xã Gò Công. Trước đây, trồng độc canh mỗi năm 3 vụ lúa năng suất cao, ông Cầu nhận thấy luôn phải đối mặt với nhiều thách thức như: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận giảm. Những năm gần đây, tình trạng hạn mặn thường gây ảnh hường đến sản xuất, nhất là trong vụ Đông xuân và Hè thu hàng năm nên trồng lúa càng gặp nhiều rủi ro. Trước tình hình trên, cùng với sự khuyến khích của ngành chức năng, ông chuyển đổi từ trồng lúa độc canh sang đưa cây bắp xuống chân ruộng, điều này đã mở ra hướng đi hiệu quả trong tổ chức lại sản xuất với cây trồng, vật nuôi phù hợp trên nền đất lúa. Cụ thể, cây bắp thời gian sinh trưởng ngắn hơn cây lúa, chỉ 68 - 75 ngày nên mỗi năm có thể trồng 3 - 4 vụ. Bắp lại chịu hạn nên thích hợp những vùng khó khăn như thị xã Gò Công.

Trong vụ Đông xuân vừa qua, với 2.500m2 đất trồng bắp, ông thu lãi ròng gần 15 triệu đồng sau một vụ canh tác. Ông Cầu cho biết, dự kiến sẽ cơ cấu lại mùa vụ trên đất canh tác của mình theo hướng đưa hẳn cây bắp xuống trồng chuyên canh mỗi năm 4 vụ để giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình.

Đưa cây màu nói chung, cây bắp nói riêng xuống luân canh hoặc chuyên canh trên nền đất lúa, nhất là tại các địa bàn khó khăn, xa nguồn nước bơm tưới, thường xuyên đối mặt với hạn mặn và thiên tai như: Vùng Đồng Tháp Mười, vùng duyên hải Gò Công, các cù lao nhiễm mặn hạ lưu sông Tiền... đang được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang hết sức khuyến khích thông qua những giải pháp cụ thể như: Khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật canh tác, xây dựng và nhân rộng những mô hình trồng bắp hiệu quả để nông dân áp dụng rộng rãi... nhằm tạo ra cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp, thích ứng biến đổi khí hậu đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con các vùng đất khó. Đáng chú ý, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Đề án "Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ các huyện phía Đông đến năm 2025" để thích ứng biến đổi khí hậu mà trọng tâm là chuyển đổi cây trồng, tích cực mở rộng diện tích màu trên ruộng, trong đó chủ lực là cây bắp với đặc tính chịu hạn và mang lại hiệu quả ưu việt hơn hẳn cây lúa. Trong khuôn khổ Đề án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang cũng đã xây dựng mô hình trình diễn "Luân canh cây bắp trên nền đất lúa tại thị xã Gò Công" nhằm nhân rộng, phổ cập những biện pháp kỹ thuật thâm canh cây bắp giúp nông dân đạt năng suất, sản lượng cao, tạo nguồn cung hàng hóa chất lượng tham gia thị trường.

Nhờ vậy, hiện nay, cây bắp đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang mà tập trung nhiều nhất tại các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công vốn thiên nhiên khắt nghiệt, nguồn nước tưới tiêu trong mùa khô thường bị hạn chế, như: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công... Tại đây, nông dân đang trồng phổ biến nhiều giống bắp thương phẩm được thị trường ưa chuộng, đầu ra thuận lợi, dễ tiêu thụ: Bắp nếp, bắp Mỹ... Ngoài cung cấp trái, thân bắp cũng được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi bò dê tại địa phương nên mang thêm những nguồn thu nhập đáng kể cho bà con.

Mộng Tuyết

Ninh Thuận: Phát triển chăn nuôi heo đen hướng tới sản phẩm đặc thù

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Ngày 10-9-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1493/QĐ-UBND công nhận bộ tiêu chí đánh giá và danh mục 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh giai đoạn 2018-2020 và 3 nhóm sản phẩm tiềm năng hướng tới sản phẩm đặc thù là heo đen Thuận Bắc và Bác Ái, Trái cây Ninh Sơn và bò vàng Ninh Thuận. Trong số các sản phẩm tiềm năng, thì heo đen đã dần khẳng định được thương hiệu mạnh trên thị trường.

Chọn heo đen để ưu tiên tập trung phát triển nâng tầm sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng bởi đáp ứng được các tiêu chí về lịch sử hình thành ngành nghề, quy mô sản xuất đủ lớn và chất lượng sản phẩm vượt trội. Nghề nuôi heo đen ở huyện Thuận Bắc và Bác Ái có lịch sử lâu đời, gắn liền với đời sống sản xuất của đồng bào vùng cao. Loài heo này, được bà con thả tự do trong vườn, rẫy, thức ăn là ngũ cốc thô chưa qua chế biến như bắp, mỳ, bo bo, nên thịt chắc, thơm và ngon hơn rất nhiều so với thịt heo nuôi công nghiệp. Các địa phương trên cũng là nơi nuôi heo đen nhiều nhất, chiếm trên 70% tổng đàn nuôi của cả tỉnh, đảm bảo được tiêu chí sản xuất hàng hóa, cung ứng thường xuyên cho thị trường.

Sản phẩm heo đen ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường.

Tuy vậy, để heo đen được lựa chọn là sản phẩm đặc thù của tỉnh, thì phải nuôi theo hướng tập trung, có sự liên kết theo chuỗi giá trị. Nhìn nhận vai trò của hợp tác xã (HTX) trong liên kết xã viên tổ chức chăn nuôi bền vững, năm 2016 huyện Bác Ái thành lập HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Phước Đại; huyện Thuận Bắc thành lập HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá hoạt động chuyên sâu lĩnh vực sản xuất, kinh doanh heo đen. Đối với HTX Phước Đại, đã đầu tư xây dựng 2 trang trại chăn nuôi, quy mô 200 con, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 1 tấn thịt và cung cấp hàng trăm con giống cho thành viên và bà con trên địa bàn nuôi. Sản phẩm được cấp Nhãn hiệu tập thể, tạo được độ tin cậy của người tiêu dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Riêng HTX Suối Đá (xã Lợi Hải), đang ngày càng lớn mạnh nhờ chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nên được các tổ chức tín dụng tin tưởng cho vay vốn phát triển chăn nuôi. Ban đầu thành lập (2016), HTX có 17 thành viên, hiện nay tăng lên 20 thành viên, dự kiến còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Anh Đỗ Huỳnh Hoàng, Giám đốc HTX, cho biết: Các thành viên nuôi heo đen được HTX bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, nên không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, tăng đàn, tiêu biểu như anh Nguyễn Anh Linh thường xuyên duy trì đàn heo 100 con.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển, HTX Suối Đá có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm thịt qua sơ chế được đóng gói hút chân không, dán tem trước khi đưa đi tiêu thụ. Hiện nay, HTX mở đại lý bán sản phẩm ở thôn Ấn Đạt, xã Lợi Hải và đại lý ở số nhà 44, đường Cao Thắng, phường Đạo Long (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Anh Đỗ Huỳnh Hoàng, cho biết thêm: Để phát triển chăn nuôi heo đen hướng nghề nghiệp, bên cạnh hỗ trợ bà con kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm ở các thị trường ngoài tỉnh.

Có thể nói, với sự nỗ lực của các HTX trong quyết tâm phát triển sản phẩm tiềm năng hướng tới sản phẩm đặc thù đã tạo đột phá thúc đẩy nghề chăn nuôi heo đen phát triển lên tầm cao mới. Nhằm đạt được mục tiêu xâm nhập sâu rộng vào các thị trường ở những thành phố lớn, các HTX sản xuất, kinh doanh heo đen đang có kế hoạch áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem điện tử thông minh. Với công nghệ này, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thọại di động để kiểm tra thông tin nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, từ công đoạn sản xuất, chế biến, vận chuyển đi tiêu thụ đến xác thực tính sở hữu của sản phẩm.

Anh Tùng

Bạc Liêu: Ổ dịch tả heo châu Phi xuất hiện đầu tiên ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Sáng 1/6, ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn Nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, cho biết trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện một ổ dịch tả heo châu Phi ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi. Cụ thể, tại hộ ông Nguyễn Văn Mười (ấp B1, xã Châu Thới) có đàn heo gồm 7 con đã mắc bệnh này. Sau khi kiểm tra xác định heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi, cán bộ thú y tỉnh đã tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định của ngành Thú y. Đây là ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên trên địa tỉnh Bạc Liêu sau khi bị dịch tả heo châu Phi bao quanh một thời gian.

Theo ông Trương Phước Thông, dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa xác định được nguyên nhân. Ông thông cho biết, dịch bệnh có thể lây lan từ nhiều nguồn như: do nguồn thức ăn, vận chuyển, người lạ vào chuồng trại, các con vật mang bệnh như chuột… Hiện ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn heo, phun xịt thuốc sát trùng chuồng trại và hố chôn nhằm khoanh vùng tiêu diệt mầm bệnh không để dịch lây lan trên diện rộng.

PV

Công bố dịch tả heo châu Phi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

UBND thành phố Buôn Ma Thuột vừa có Quyết định công bố dịch tả heo châu Phi trên địa bàn thành phố.

Theo đó, vùng dịch bị uy hiếp là các xã Hòa Khánh, Hòa Xuân và phường Khánh Xuân; vùng đệm là xã Ea Kao, các phường Ea Tam, Tân Thành và Thành Nhất.

Đàn heo bị nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi của hộ ông Lê Văn Bán được khẩn trương vận chuyển đi tiêu hủy

Trong thời gian có dịch, thành phố quyết liệt triển khai các biện pháp như: tạm dừng các hoạt động mua, bán, vận chuyển heo và sản phẩm của heo ra, vào vùng dịch; thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện 5 không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).

Yêu cầu Phòng Kinh tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú và các xã, phường trong vùng dịch uy hiếp thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi, có các biện pháp triệt để, nhanh chóng không để dịch lây lan trên địa bàn.

Đối với các xã, phường chưa có dịch, Chủ tịch UBND các xã, phường tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch; tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch, sớm phát hiện ổ dịch khi mới bùng phát và kịp thời bao vây, nhanh chóng dập tắt ổ dịch, ngăn chặn lây lan ra diện rộng.

Lực lượng chức năng phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại nuôi heo của hộ ông Lê Văn Bán

Được biết, dịch tả heo châu Phi đầu tiên xuất hiện ở TP. Buôn Ma Thuột tại hộ ông Lê Văn Bán (thôn 11, xã Hòa Phú) vào ngày 28-5, với tổng đàn là 34 con heo thịt. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi, UBND thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền xã Hòa Phú khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý kịp thời ổ dịch theo quy định.

Hiện nay cả nước đã có 48 tỉnh, thành phố xảy ra dịch tả heo châu Phi, với tổng số heo buộc phải tiêu hủy trên 2 triệu con.

Minh Thuận

Bình Phước: Hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Nhiều năm trở lại đây, người chăn nuôi trong tỉnh Bình Phước đã quan tâm đầu tư theo hướng công nghệ cao, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có 341 trang trại gia súc, gia cầm, trong đó có 251 trại heo, còn lại là trại bò và gà. Cơ cấu giống cũng có bước tiến vượt bậc, đàn heo giống cụ kỵ, ông bà, cung cấp con giống có năng suất, chất lượng cao cho sản xuất đã có trên địa bàn tỉnh thay vì phải nhập từ các viện giống hoặc tỉnh bạn. Đây chính là nền tảng quan trọng để hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh, đồng thời hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.

BƯỚC TIẾN NHIỀU TRIỂN VỌNG

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện có trên 665 ngàn con (không bao gồm số heo con theo mẹ). Trong đó, chăn nuôi trang trại gần 542 ngàn con/251 trang trại, chiếm 81,3% tổng đàn, còn lại là chăn nuôi nông hộ. Trước những bước tiến như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành chăn nuôi cũng được cải tiến rõ nét và có sự đầu tư mạnh mẽ. Theo đó, chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 90,43%, trong đó trên 40% áp dụng công nghệ cao; chăn nuôi theo chuỗi bước đầu được các nhà đầu tư chú trọng và dấu ấn quan trọng nhất là năm 2017 có lô thịt gà đầu tiên đạt điều kiện xuất khẩu sang Nhật.

Anh Lê Hải Văn ở ấp Thanh Trung, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long sắp xếp thời gian khoa học để tự chăm sóc đàn gà 3.000 con phát triển tốt

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi thành lập mới đã chú trọng chất lượng, công nghệ lên hàng đầu. Sản xuất chăn nuôi đã tạo ra khối lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và khoảng 70% tiêu thụ ngoài tỉnh. Chăn nuôi phát triển đã tác động tới việc đầu tư, mở rộng đường giao thông; xây dựng, nâng cấp hệ thống điện nông thôn; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống dân cư nông thôn; nâng cao đời sống người dân và góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Xác định phát triển chăn nuôi luôn gắn với thách thức về môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục cơ cấu lại theo chuỗi sản phẩm, áp dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ cao theo hướng sản xuất chăn nuôi bền vững. Sản phẩm chăn nuôi không chỉ an toàn cho tiêu dùng trong nước mà còn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, chăn nuôi có quy mô phù hợp biến đổi khí hậu, dịch bệnh, rủi ro thiên tai và đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường. “Trong năm 2018, tỉnh đầu tư 36 dự án chăn nuôi và hiện còn một số dự án đang hoàn thiện. Đây là cơ sở để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như khắc phục những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực chăn nuôi. Từ đó đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững ngành chăn nuôi” - bà Lê Thị Ánh Tuyết nói.

THÍ ĐIỂM THÀNH CÔNG NHIỀU MÔ HÌNH

Bình Phước đang thí điểm phát triển 2 vùng chăn nuôi heo tập trung ứng dụng công nghệ cao tại Lộc Ninh và Hớn Quản. Trong đó, Lộc Ninh có 63 trại heo (46 trại kín, 17 trại hở) với 244.150 con. Huyện Lộc Ninh cũng đã xây dựng vùng chăn nuôi với 50 trang trại ứng dụng công nghệ cao, hoàn thiện đồng bộ đường giao thông, điện lưới đến các trang trại. Tại Hớn Quản có 43 trại heo (15 trại kín và 28 trại hở) với 82.950 con, huyện còn đầu tư 10 dự án ứng dụng công nghệ cao, hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm và tái sử dụng nước trong chăn nuôi phục vụ sản xuất. Năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục mở rộng thí điểm xây dựng vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại Hớn Quản và Chơn Thành với mục tiêu đạt điều kiện xuất khẩu sản phẩm thịt heo. Nếu thành công, đây sẽ là cơ sở để nhân rộng ra các huyện trong tỉnh vào năm 2020.

Nuôi 16 heo nái và đàn heo thịt 150 con, mỗi năm anh Lê Hải Văn ở ấp Thanh Trung, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long thu lãi 240 triệu đồng

Về gia cầm, tỉnh thí điểm tại huyện Đồng Phú với 12 trang trại chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao, quy mô 1,504 triệu con, tập trung tại 5 xã: Thuận Phú, Tân Hưng, Tân Phước, Đồng Tâm và Tân Lợi. Khi các mô hình thành công sẽ xây dựng vùng chăn nuôi gà ứng dụng công nghệ cao. Huyện Đồng Phú đang hoàn thiện hệ thống đường, điện và hỗ trợ kỹ thuật trong chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao đến các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn. “Năm 2018, ngành thí điểm xây dựng thành công vùng chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh tại huyện Đồng Phú, đảm bảo kiểm soát, giám sát dịch bệnh đạt vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh có thể xuất khẩu. Đến năm 2020, làm cơ sở nhân rộng ra địa bàn các huyện trên địa bàn tỉnh”- bà Lê Thị Ánh Tuyết thông tin thêm.

Những nỗ lực của ngành chăn nuôi trong tỉnh thời gian qua đang từng bước cụ thể hóa Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp; Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020... Đặc biệt, kết quả này còn ghi nhận hiệu quả thực hiện Quyết định số 67/QĐ-UBND, ngày 10-1-2017 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.

CHƯA HẾT KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC

Thực tế, so với điều kiện hiện có, thực trạng phát triển chăn nuôi trong tỉnh vẫn chưa phát huy hết thế mạnh. “Tỷ lệ chăn nuôi gia công cao với 200 trại, trong đó 162 trại heo và 38 trại gà, chiếm 58,65% tổng trang trại chăn nuôi. Trong khi đó, thu nhập của người chăn nuôi gia công chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào các công ty thuê gia công; sản xuất chăn nuôi chưa đồng bộ, chưa có đầu tư sản xuất thức ăn, nhà máy giết mổ, chế biến; tỷ lệ công ty nước ngoài thuê chuồng nuôi cao, chăn nuôi nông hộ hiệu quả kinh tế còn thấp; sản xuất theo chuỗi liên kết còn ít và chưa bền vững, một số nơi chăn nuôi đang phát triển “nóng”, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dịch bệnh và ô nhiễm môi trường... đang là những rào cản lớn” - bà Lê Thị Ánh Tuyết trăn trở.

Bên cạnh xuất hiện bệnh lở mồm long móng, heo tai xanh ở một số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thì thời gian gần đây, dịch tả heo châu Phi cũng đã lây lan ra nhiều huyện, thị, thành phố trong tỉnh, gây thiệt hại lớn cho người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chăn nuôi. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 chăn nuôi tập trung an toàn đạt 98% tổng đàn, tỷ lệ nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao và cơ sở chăn nuôi quy mô công nghiệp thực hiện chăn nuôi theo chuỗi ngành hàng khép kín đạt 75% là yêu cầu đòi hỏi sự tập trung nỗ lực lớn. Do đó, tỉnh đã đề ra chính sách khuyến khích 100% dự án đầu tư mới làm ứng dụng công nghệ chuồng kín; duy trì đàn trâu, bò 45 ngàn con và đàn dê 50 ngàn con; quan tâm phát triển chăn nuôi đại gia súc dưới tán rừng và khu vực dự án vùng sinh thái Bù Gia Mập. Cũng đến năm 2020, sản phẩm chế biến từ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh 100% được kiểm soát chất lượng. Tại vùng chăn nuôi tập trung có nhà máy chế biến, giết mổ công nghiệp để tiêu thụ và xuất khẩu.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ: “Hiện mô hình chuồng kín có 98/251 trang trại heo, chiếm khoảng 39% và 40/83 trang trại gà, chiếm khoảng 49,15% là còn thấp, chưa đạt yêu cầu. Vì thế, bên cạnh quản lý tốt 251 trang trại chăn nuôi heo tập trung và 83 trang trại gà hiện có, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nâng cao tỷ lệ trang trại mô hình chuồng kín, ứng dụng công nghệ cao, hệ thống làm lạnh, tự động, bán tự động, khuyến khích đầu tư, nâng cấp chuyển đổi trang trại. Chỉ tiêu cụ thể, mỗi năm khoảng 10% số trang trại chuồng hở chuyển thành mô hình khép kín. Đối với dự án đầu tư mới đều phải ứng dụng công nghệ chuồng kín để tỷ lệ chuồng kín đạt 75% vào năm 2020”.

Mai Ly

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop