Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 04 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 04 năm 2021

Cao Phong (Hòa Bình): Có trên 1.100 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Theo báo cáo của UBND huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), diện tích cây ăn quả trên toàn huyện là 3.248,3ha, trong đó, diện tích cây có múi 2.815,21 ha, gồm: Cam 1.591,44 ha; quýt 746,14 ha; bưởi 366,48 ha; chanh 111,15 ha.

Hợp tác xã nông sản 3T Cao Phong trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP được người tiêu dùng đón nhận.

Diện tích cây thời kỳ kinh doanh 2.016,77 ha, cây thời kỳ kiến thiết cơ bản 798,44 ha. Huyện tiếp tục duy trì sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 1.147 ha cam, 759 hộ tham gia.

Với diện tích cây thời kỳ kinh doanh, đến nay, toàn huyện đã thu hoạch xong các loại cam, quýt, bưởi chín sớm, chính vụ được 95% diện tích, sản lượng niên vụ 2020 - 2021 ước đạt trên 33.000 tấn; diện tích còn lại là cam V2 đang thời kỳ thu hoạch (giá bình quân 20.000 đồng/kg trở lên).

UBND huyện tiếp tục duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý "Cao Phong” đối với sản phẩm cam của huyện theo hướng nâng cao chất lượng, sản lượng và giá thành sản phẩm. Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm cam Cao Phong và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm.

Đ.T

Giá chanh lai bông tím tăng mạnh

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Khoảng 10 ngày qua, nông dân trồng chanh lai bông tím trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) phấn khởi vì giá mặt hàng nông sản này đang tăng mạnh.

Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng chanh lai bông tím tăng

Ông Võ Văn Hòa - Giám đốc Hợp tác xã chanh An Hiệp, huyện Châu Thành cho biết: “Hiện nay, chanh không hạt có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, tăng 7.000 - 8.000 đồng/kg so với thời điểm 2 tháng trước. Nguyên nhân giá chanh tăng là do hiện tại, thời tiết đang vào mùa nắng nóng nên nhu cầu sử dụng chanh tăng mạnh. Bên cạnh đó, thời gian qua, giá chanh luôn thay đổi bất thường nên một số nhà vườn chuyển sang trồng các loại nông sản khác khiến sản lượng cung ứng cho thị trường giảm”.

TRANG HUỲNH

Bình Phước: Người trồng tiêu đã vui trở lại

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Thời điểm này, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã vào chính vụ thu hoạch. Sau một thời gian giá tiêu xuống thấp kỷ lục ở mức 35-40 ngàn đồng/kg thì vài tháng gần đây, giá tiêu luôn giữ vững đà tăng và vượt ngưỡng 80 ngàn đồng/kg. Tín hiệu tích cực này đang mang đến sức sống mới cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Không còn cảnh tiêu chín đỏ trên cây mà không buồn thu hái, cũng không còn cảnh ế ẩm, phải bán tiêu giá chạm đáy rồi chịu thua lỗ nặng, ngập trong nợ nần, những ngày này, người dân ở các vùng trọng điểm trồng tiêu của tỉnh như: Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đốp… đang hối hả vào vụ thu hoạch trong sự phấn khởi. Mặc dù được giá, không được mùa do nhiều năm liền cây tiêu chỉ được chăm sóc cầm chừng, ảnh hưởng thời tiết dẫn đến sản lượng giảm nhưng người trồng vẫn vui. Bởi vụ tiêu năm nay, sản lượng giảm nhưng chất lượng lại nâng lên; tình trạng tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm đã giảm đáng kể.

Vực dậy cây tiêu trong bạo bệnh

Những năm trước, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập được xem là thủ phủ tiêu của tỉnh. Thế nhưng, dịch bệnh tấn công đã khiến diện tích tiêu ở đây bị thu hẹp, nhiều hộ rơi vào cảnh tay trắng, phải chặt bỏ, thay thế bằng các loại cây ăn trái khác. Không đành lòng nhìn tài sản, công sức của mình đổ sông đổ biển, những hộ nhiều năm gắn bó đã gắng gượng tìm mọi cách “cứu” vườn tiêu.

Giá tiêu tăng, nông dân xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập phấn khởi thu hoạch

Để giữ được vườn, bà Trần Thị Tơ ở thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ đã dốc hết những đồng vốn còn lại để chăm sóc với hy vọng cây tiêu sẽ không phụ công mình. “Từ 3.000 nọc tiêu giờ gia đình chỉ còn 1.700 nọc. Chỗ đất có những nọc chết, tôi đều xử lý đất và trồng dặm lại, sang năm sẽ cho trái bói. Năm ngoái cả vườn chỉ thu được 1,5 tấn nhưng năm nay dịch bệnh giảm hẳn, cây tiêu đang “khỏe” lại, dự kiến thu trên 3 tấn. Với giá thương lái thu mua từ 87-89 ngàn đồng/kg, tôi đang thuê 5 nhân công để thu hái cho nhanh” - bà Tơ chia sẻ.

Vườn tiêu 1 ha của gia đình chị Phạm Thị Ngọt ở cùng thôn Bù Bưng đang cho thu hoạch năm thứ 6. Mặc dù được chăm sóc khá kỹ song dịch bệnh cũng làm vườn tiêu chết gần một nửa. Dù đang nợ ngân hàng gần 1 tỷ đồng nhưng không vì thế mà chị bỏ vườn. Sau mỗi vụ thu hoạch, chị đều duy trì chăm sóc đúng kỹ thuật, đầu tư phân bón, thuốc gần 40 triệu đồng để vực dậy vườn tiêu. Vì vậy, vụ tiêu năm nay năng suất tăng gấp đôi so với năm ngoái. “Với giá thương lái thu mua hiện tại, tôi hy vọng vài ngày tới giá tiêu sẽ nhích dần lên để có tiền trả bớt nợ ngân hàng” - chị Ngọt nói.

Gần đây, giá tiêu liên tục tăng “nóng” sau gần 4 năm liên tiếp lao dốc. Giá tiêu tăng theo ngày khiến không ít người trồng tiêu đặt kỳ vọng cây trồng này tiếp tục trở lại thời kỳ hoàng kim. “Với mức giá tiêu hiện nay, người trồng mới chỉ ở mức hòa vốn chứ chưa có lãi nhiều. Do nhiều năm nay giá tiêu luôn ở mức thấp, nhiều vườn không được đầu tư, chăm sóc dẫn tới sản lượng thấp. Trong khi đó, giá thuê nhân công thu hoạch, các chi phí phân bón, thuốc ngày một tăng cao. Tôi theo dõi tin tức về giá tiêu, sẽ còn tăng trong thời gian tới nên tôi đang phơi khô, trữ lại chờ giá cao hơn nữa mới bán” - ông Lương Văn Trung, thôn 2, xã Đắk Ơ bộc bạch.

“Vàng đen” trả công người gắn bó

Khi giá tiêu xuống thấp, anh Phạm Thanh Chung ở tổ 5, ấp Bù Tam, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh không bỏ vườn mà ngược lại, đầu tư chăm sóc nhiều hơn theo hướng hữu cơ sinh học và thương mại hóa sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm.

Thời điểm nắng nóng, có những ngày nhiệt độ lên đến 380C, thế nhưng vườn tiêu của gia đình anh vẫn được cung cấp đủ nước và chuyển đổi từ thuốc hóa học, phân bón vô cơ sang sản xuất sạch theo hướng hữu cơ bền vững. Trong giai đoạn khó khăn, không ít hộ bỏ vườn vì tiêu chết nhưng 2 ha tiêu của gia đình anh vẫn xanh mướt, gié tiêu trĩu hạt, năng suất bình quân từ 5-6 tấn/ha. Điều đó chứng minh rằng, chỉ khi nào đặt toàn tâm toàn ý, dành hết tâm huyết chăm sóc thì cây tiêu mới không phụ công người trồng.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Giá tiêu tăng là tín hiệu đáng mừng. Đây là cơ hội cho người trồng tiêu vực dậy sau nhiều năm dịch bệnh, giá bị đẩy xuống thấp. Để bảo đảm sản xuất hồ tiêu bền vững, tránh rủi ro về giá, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không tăng diện tích mà tập trung chăm sóc theo hướng hữu cơ để cải tạo đất, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng, thận trọng khi tái đầu tư vào cây tiêu. Bởi hiện nay, giá thành vẫn chưa ổn định, có sự tăng “nóng” bất thường, trong khi sản lượng giảm mạnh.

Khi giá tiêu xuống thấp, anh Chung đã nghĩ ra cách chế biến hạt tiêu từ nguồn nguyên liệu sạch của gia đình thành nhiều loại gia vị tiện dụng ăn liền như: muối tiêu lá chanh, hạt tiêu đen xay bột, tiêu đỏ xay bột, tiêu lốt ngâm giấm tỏi, tiêu xanh ngâm giấm tỏi… nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. “Sản phẩm đã được công nhận hữu cơ nên mỗi vụ tôi còn bán được 2 tấn tiêu xanh cho khách hàng ở Nhật Bản với giá 120-160 ngàn đồng/kg. Hiện nay, tôi cũng đang liên kết 9 hộ trồng tiêu hữu cơ thành lập Hợp tác xã tiêu sạch Lộc Quang. Tiêu trồng theo quy trình hữu cơ đang được Công ty gia vị Nedspice mua với giá cao hơn giá thị trường từ 3-5 ngàn đồng/kg” - anh Chung cho biết.

Giá tăng do đâu?

Theo nhận định của các doanh nghiệp thu mua tiêu, nguyên nhân giá tiêu tăng trong những ngày gần đây là do mấy năm trở lại đây, nguồn cung ở Việt Nam và nhiều nước sản xuất hạt tiêu trên thế giới giảm mạnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh khiến nhiều vườn tiêu bị chết hàng loạt. Đồng thời do giá tiêu giảm thấp ở mức kỷ lục nên người trồng tiêu không đầu tư, thậm chí chặt bỏ để thay bằng loại cây trồng khác. Thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh (25,3%) so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng hàng nhập khẩu lại tăng hơn 13%.

Giá tiêu đang tăng từng ngày khiến người trồng tiêu nuôi lại hy vọng có nguồn thu tốt hơn từ cây tiêu, loại cây từng được ví là “vàng đen” một thời. Tuy nhiên, nhiều hộ trồng vẫn trữ tiêu, chưa bán ra. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo nông dân nên cân nhắc việc bán tiêu đúng thời điểm, không vì giá tăng cao mà trữ hàng, tránh rủi ro khi giá xuống.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh những năm gần đây khiến diện tích tiêu toàn tỉnh từ hơn 17.000 ha giảm còn khoảng 15.800 ha. Mặt khác, do giá tiêu giảm thấp nên người trồng ít đầu tư, thậm chí chặt bỏ thay bằng các loại cây trồng khác nên sản lượng tiêu bình quân toàn tỉnh năm nay sụt giảm 20-30%. Tuy nhiên, mặc dù diện tích, sản lượng giảm nhưng bù lại chất lượng được nâng lên do nông dân đầu tư chăm sóc theo hướng hữu cơ, ít lạm dụng phân hóa học. Hiện toàn tỉnh có khoảng 30% diện tích tiêu được đánh giá đạt chuẩn hữu cơ và không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường.

Ngân Hà

Quảng Trị: Đầu ra mướp đắng ở Triệu Vân gặp khó khăn

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, những năm gần đây, nông dân xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) tập trung cải tạo, biến đất cát bạc màu thành vùng có tiềm năng trồng các loại cây phù hợp. Trong đó, mướp đắng là một trong những loại cây được lựa chọn làm chủ lực. Tuy nhiên năm nay, người trồng mướp đắng nơi đây gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai và đầu ra sản phẩm không ổn định.

Người trồng mướp đắng ở Triệu Vân rất cần được hỗ trợ về kỹ thuật và đầu ra sản phẩm - Ảnh: N.T

Hiện nay, toàn xã Triệu Vân có trên 30 ha mướp đắng, với khoảng 200 hộ tham gia trồng, chủ yếu tập trung ở Thôn 7 và Thôn 9. Với ưu điểm dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, vốn đầu tư không nhiều, năng suất cao, những năm gần đây, cây mướp đắng góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Người dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, chú trọng đến phương pháp sản xuất an toàn, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa sâu bệnh bằng cách tự chế và treo các hộp bẫy sinh học rải rác khắp vườn; bắt các loại côn trùng, sâu bướm hại quả bằng vợt thủ công… Cùng với điều kiện đất cát ở Triệu Vân pha tơi xốp, phù hợp nên mướp đắng phát triển tốt, sai quả, năng suất bình quân khoảng 5 tạ/sào, thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/sào/vụ. Nhờ đó, nhiều gia đình ở Triệu Vân có nguồn thu nhập khá từ cây mướp đắng. Mỗi năm, người dân trồng mướp đắng 2 đợt. Đợt 1 xuống giống từ tháng 9 âm lịch đến đầu tháng Chạp bắt đầu cho thu hoạch và phục vụ tết Nguyên đán. Đợt 2 bắt đầu từ cuối tháng Chạp đến tháng 2 âm lịch sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên người trồng mướp đắng gặp nhiều khó khăn. Các đợt mưa lớn kéo dài trong dịp cuối năm khiến cho đất ẩm, một số diện tích thấp trũng bị ngập úng. Do đó, phần lớn hạt giống không nảy mầm; số ít nảy mầm thì khi xuống hố cây bị chết hoặc úa vàng, còi cọc, không phát triển được.

Gia đình ông Hồ Hồng Hạnh ở Thôn 9 là một trong số những hộ có diện tích trồng mướp đắng nhiều trong xã, mỗi vụ thu hoạch hơn 1 tấn quả, mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập trên 50 triệu đồng. Vụ này, gia đình ông xuống giống được gần 3 sào. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của thời tiết, trong đợt xuống giống đầu tiên, tỉ lệ hạt mướp đắng nảy mầm để xuống hố trong vườn nhà ông chỉ đạt khoảng 20%. Mới đầu vụ, gia đình ông vất vả thu hái được hơn 20 kg mướp đắng nhưng chỉ được thương lái trả giá chưa đến 150 nghìn đồng (trước đây giá từ 20-25 nghìn đồng/kg). Nếu giá mướp đắng tiếp tục duy trì ở mức này, tính thu nhập cả vụ gia đình ông không đủ tiền giống, vật tư và công chăm bón trong gần 2 tháng. Cũng như gia đình ông Hạnh, nhiều hộ gia đình ở Triệu Vân như Nguyễn Thanh Vu, Nguyễn Văn Triều, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Thanh Trỗi… cũng gặp khó khăn vì phần lớn trong đợt gieo giống mướp đắng đầu tiên đều bị thiệt hại. Theo thống kê, trong đợt xuống giống đầu tiên có khoảng 70% diện tích mướp đắng của xã Triệu Vân bị chết do mưa rét. Nhiều hộ phải ngừng sản xuất, chấp nhận xuống giống muộn. Trong đợt xuống giống thứ 2, thời tiết có nắng ấm nhưng lại gặp phải hiện tượng sương muối dày khiến cho cây bị cháy hoặc không phát triển được. Do đó, diện tích trồng mướp đắng của xã Triệu Vân trong đợt xuống giống này chỉ duy trì khoảng 65-70% so với các năm trước. Khâu sản xuất khó khăn như vậy, đến kỳ thu hoạch người dân còn đối diện với mối lo khác là mướp đắng mất giá. Theo những người dân trồng mướp đắng ở Triệu Vân cho biết, các năm trước mướp đắng có giá bình quân từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, cao điểm tết Nguyên đán có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg nhưng từ tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay mỗi cân mướp đắng chỉ chưa đến 10 nghìn đồng/kg, thậm chí có ngày giảm xuống còn 3 - 4 nghìn đồng/kg.

Năm nay, đến kỳ thu hoạch mướp đắng nhưng thương lái không mặn mà thu mua, giá cả quá thấp. Nguyên nhân chính do ở các địa phương khác được mùa mướp đắng nên thị trường tiêu thụ khó khăn. Những người trồng mướp đắng lo thời điểm chính vụ, giá mướp đắng sẽ còn xuống thấp. Trưởng Thôn 9 xã Triệu Vân Đinh Minh Tiến cho biết: “Toàn thôn có trên 170 hộ trồng mướp đắng. Hộ trồng ít 1 sào, hộ trồng nhiều từ 2 - 2,5 sào. Năm nay là một năm quá khó khăn với người trồng mướp đắng. Trong sản xuất gặp điều kiện thời tiết mưa rét, sương muối gây thiệt hại, thu hẹp diện tích, khi thu hoạch lại bị mất giá. Mới chỉ đầu vụ nhưng giá mướp đắng chỉ bằng 1/3 so với các năm trước nên người dân rất lo lắng. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, tổ chức tập huấn để hỗ trợ về kỹ thuật cho nông dân ứng phó với các điều kiện bất lợi của thời tiết, đặc biệt là sương muối. Bên cạnh đó, tìm hướng để tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Có thể giá thu mua không cao, nhưng nếu đầu ra ổn định, người trồng mướp đắng sẽ mạnh dạn trong việc mở rộng diện tích loại cây này”.

Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Nguyễn Văn Lâm cho biết: “Trước tình hình cây mướp đắng bị ảnh hưởng khá lớn bởi thời tiết và giá sản phẩm giảm sâu nhưng nông dân trên địa bàn xã vẫn quyết tâm duy trì loại cây này vì đây là cây trồng chủ lực góp phần tăng thu nhập cho người dân trong những năm qua. Chính quyền địa phương đang có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng để xây dựng thương hiệu cho cây mướp đắng Triệu Vân, tạo chỗ đứng trên thị trường. Đồng thời, tìm đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất”.

Ngọc Trang

Từ 20.4, tăng mạnh mức xử phạt vi phạm về chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Lao Động

Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang nỗ lực tái cơ cấu, hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học, chất lượng cao. Ảnh: Duy Giang

Ngày 1.3.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP (Nghị định 14) của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi. Theo đó, từ ngày 20.4 (thời điểm Nghị định 14 có hiệu lực thi hành), tất cả hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán, chăn thả, nhân giống… vật nuôi; sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu, công bố chất lượng thức ăn chăn nuôi… đều bị xử phạt rất nặng.

Siết chặt toàn diện quy định về chăn nuôi

Theo quy định tại Nghị định số 14, tất cả lĩnh vực của ngành Chăn nuôi như: Thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gene giống vật nuôi; trao đổi giống vật nuôi cấm xuất khẩu; trao đổi nguồn gene giống vật nuôi quý hiếm; Vi phạm quy định về nhập khẩu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi; Vi phạm quy định về điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng giống vật nuôi trong sản xuất, mua bán; Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về công bố thông tin sản phẩm và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh; Vi phạm quy định về chăn nuôi nông hộ, trang trại…; vi phạm về nuôi chim yến… phải chịu mức xử phạt hành chính ở mức rất cao, có thể đến 35 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Cty TNHH Thành Đô Nghệ An - cho rằng, quy định mới của pháp luật áp dụng trong ngành Chăn nuôi đang từng bước đưa ngành Chăn nuôi vào quy củ để có một ngành Chăn nuôi hiện đại hơn, an toàn hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn.

Còn ông Nguyễn Văn Chiểu (chăn nuôi lợn tại Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai) cho hay, hầu như không có trang trại chăn nuôi có quy mô ở mức trung bình trở lên dám “liều mình” không thuê chuyên viên kỹ thuật, bác sĩ thú y theo dõi, chăm sóc đàn vật nuôi. Nhưng đối với các gia hộ lại khác. Do đó, quy định này có thể khiến nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải cân nhắc: Hoặc phát triển quy mô chăn nuôi, nếu giữ nguyên thì phải có bác sĩ thú y.

“Chi phí cho bác sĩ thú y không nhỏ, nên có thể mức lãi chăn nuôi sẽ không còn nếu các hộ không mở rộng quy mô. Điều này có thể khiến nhiều hộ chăn nuôi ở quy mô nhỏ phải bỏ cuộc” - ông Chiểu nêu ý kiến.

Theo Cục Thú y, trong 2 năm qua, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn sinh học còn chiếm tỉ lệ cao. Ngành Chăn nuôi đang nỗ lực tái cơ cấu. Ngoài hiện đại hóa ngành Chăn nuôi, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, còn nỗ lực hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, nâng cao giá trị đàn vật nuôi cũng như nhiều giá trị gia tăng khác. Điều này đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về chăn nuôi.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) - nhấn mạnh: Xu hướng tất yếu của ngành NNPTNT, trong đó có chăn nuôi, là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số là tất yếu. Tuy nhiên, tùy từng lĩnh vực khác nhau trong ngành Chăn nuôi mà có sự thay đổi mức độ khác nhau. Tại thời điểm này và trong thời gian ngắn tới, vẫn phải duy trì 2 hình thức chăn nuôi trang trại và nông hộ. Tuy nhiên, cũng như xu thế của thế giới, chăn nuôi nông hộ sẽ dần thu hẹp lại, chăn nuôi trang trại sẽ tăng quy mô lên rất lớn, thậm chí như nước Mỹ dồn lại chỉ còn 8 công ty thôi, tất cả phải nằm trong hệ thống gia công hết.

Ở Việt Nam, chưa thể mất hình thức nông hộ được vì còn liên quan đến công ăn việc làm, ổn định sự phát triển nông thôn trong sự phát triển nông thôn mới. Nhưng tất yếu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ này không thể cạnh tranh được với các trang trại lớn vốn có nhiều thế mạnh, nên chắc chắn sẽ phải chuyển đổi hình thức chăn nuôi, như chăn nuôi các con vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao như lợn mán, lợn sọc dưa, các loại gà vịt bản địa, đặc sản…

Phân cấp quản lý, hướng đến ngành chăn nuôi an toàn, hiện đại

Trao đổi với PV Lao Động chiều 31.3, ông Tống Xuân Chinh nói: Ngành Chăn nuôi đang ở giai đoạn đặc thù, các quy định về chăn nuôi đã được kiến thiết trong 1 thời gian dài và đến cuối năm 2018 ban hành Luật Thú y. Sau khi Luật Thú y và một số nghị định hướng dẫn thi hành được ban hành, Bộ NNPTNT cũng đã ban hành 4 thông tư để hướng dẫn chi tiết các quy định trong Luật Chăn nuôi và Nghị định của Chính phủ.

“Nghị định số 14 ra đời là một điểm rất mới cho cơ quan quản lý Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương, đồng thời cũng là một công cụ hữu hiệu để cơ quan quản lý thực thi quy định trong lĩnh vực chăn nuôi theo thẩm quyền mà Chính phủ đã phân cấp, nhằm đưa quản lý chăn nuôi về nền nếp” - ông Tống Xuân Chinh khẳng định.

Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, thẩm quyền xử phạt đã được phân về tất cả bộ, ngành, đơn vị, đặc biệt là các địa phương. Vấn đề quản lý, xử phạt chủ yếu do các tỉnh làm, nghị định đã phân rõ chức năng nhiệm vụ của hải quan, thú y, quản lý thị trường… Các đơn vị, cá nhân thi hành có thể chiểu theo quy định của pháp luật để thực thi vì đều được quy định cụ thể.

PHONG NGUYỄN

Phú Yên: Hơn 300 con bò mắc bệnh lở mồm long móng

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, hiện nay, bệnh lở mồm long móng (LMLM) đang tiếp tục phát ra trên đàn bò ở huyện Sông Hinh.

Địa phương này đã có 65 con bò của 18 hộ dân ở các xã Đức Bình Tây, Ea Bia và thị trấn Hai Riêng bị bệnh LMLM. Trong đó, 38 con đã khỏi các triệu chứng lâm sàng, 27 con đang được điều trị. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 3 địa phương xảy ra bệnh LMLM trên đàn bò tại các huyện Phú Hòa, Đồng Xuân và Sông Hinh, với 301 con bò mắc bệnh, trong đó 28 con đã chết.

Để nhanh chóng dập dịch bệnh, ngành Thú y và các địa phương đang khẩn trương tiêm phòng vắc xin LMLM và tụ huyết trùng cho đàn bò. Đồng thời, tỉnh đã phân bổ 8.000 lít thuốc sát trùng để phun tiêu độc sát trùng môi trường.

SƠN CA

Tuyên Hóa (Quảng Bình): Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò diễn biến phức tạp

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Hơn một tháng nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu, bò đã xuất hiện tại nhiều địa phương ở địa bàn huyện Tuyên Hóa.

Do đó, huyện đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ chăn nuôi, tránh tình trạng lây lan trên diện rộng.

Trâu bò bị bệnh được nuôi nhốt cách ly.

Tính đến ngày 31 - 3, bệnh VDNC trên trâu, bò đã xuất hiện tại 16/19 xã, thị trấn, 3 địa phương còn lại đang chờ kết quả mẫu xét nghiệm. Có 324 con trâu, bò bị mắc bệnh của 231 hộ dân ở 61 thôn. Có 8 con bò đã bị chết do mắc phải dịch bệnh. Chính quyền các địa phương đã ra quyết định tiêu hủy trâu, bò với tổng trọng lượng 753kg. Hiện nay, 46 con trâu, bò đã lành triệu chứng; 270 con trâu, bò đang được theo dõi, điều trị.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện Tuyên Hóa đã tiến hành cấp phát, phun 276 lít hóa chất và gần 8,3 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng. Các địa phương đã lập các chốt kiểm dịch động vật để kiểm soát 24/24h việc vận chuyển, giết mổ trâu bò.

Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương và người dân tổ chức cách ly toàn bộ trâu bò trong vùng có dịch; tiếp tục thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, diệt côn trùng liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh.

Đồng thời, Tuyên Hóa tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không giết mổ, không vứt xác gia súc bị chết hoặc mắc bệnh ra môi trường; tích cực chăm sóc, bổ sung thêm thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc…

Thương Huyền (Đài TT-TH Tuyên Hóa)

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop