Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 05 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 05 năm 2016

Cây trồng vùng cao Tịnh Biên (An Giang)

Nguồn tin: Báo An Giang

Đối với vùng cao Tịnh Biên (An Giang), do điều kiện đặc thù nên việc quy hoạch của huyện chủ yếu “tổ chức lại sản xuất” trên các khu vực có ưu thế riêng, phù hợp với truyền thống canh tác để có sự tác động hỗ trợ về kỹ thuật, giống cây trồng cho năng suất và chất lượng tốt hơn.

Chọn loài cây phù hợp

Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Tịnh Biên cho biết, hàng năm, huyện tiếp tục duy trì sản xuất rau màu các loại khoảng 3.200 héc-ta trên nền đất “1 lúa + 1 màu” hoặc “1 lúa + 2 màu”. Hiện nay, đậu phộng và đậu xanh được các xã, thị trấn xác định là cây trồng chủ lực; tập trung tổ chức sản xuất tại An Cư, Vĩnh Trung, Văn Giáo, Tân Lợi, An Hảo... với 1.445 héc-ta (đến năm 2020). Thực tế vụ đông xuân 2015 - 2016, đậu phộng và đậu xanh tiếp tục phát huy, đối với số diện tích gieo trồng đúng thời vụ, nhu cầu lượng nước tưới ít nên hạn chế được rủi ro.

Vài năm gần đây, xoài cát Hòa Lộc đổ bộ về Bảy Núi, với xu thế ngày càng phát triển. Khu vực Ô Tà Bang, núi Dài Năm Giếng, núi Két… luôn chiếm vị thế đầu bảng về diện tích và sản lượng. Còn vạt đất từ hồ Ô Tứk Sa đến Ba Xoài, Sóc Tức, Tà Lọt, triền núi Cấm… cũng bạt ngàn xoài cát Hòa Lộc. Theo ước tính của cư dân Tà Lọt, mỗi mùa xoài ở đây cho trên 1.000 tấn trái, thời vụ không đồng nhất, cứ hết đợt này đến đợt khác và nối tiếp quanh năm. Những tháng đầu năm 2016 này, thị trường tiêu thụ xoài luôn ổn định và giá bán rất có lợi cho nhà vườn.

Trồng màu ở An Hảo

Tổ chức lại sản xuất vùng cao, Tịnh Biên còn quy hoạch vùng bảo tồn và cấm khai thác cây dược liệu tự nhiên (cụm núi Đất, núi Dài Năm Giếng). Đối với vùng trồng dược liệu xen tán rừng (tính từ độ cao 30m trở lên so với mặt nước biển) có các loại cây trồng: Nghệ, hoắc hương, đinh lăng… Giai đoạn 2016 - 2020, huyện quy hoạch vùng nguyên liệu để trồng một số loài cây dược liệu dưới tán rừng (500 héc-ta – 2.000 héc-ta), gồm: Núi Đất, cụm núi Phú Cường, cụm núi Dài Năm Giếng, núi Cấm và núi Bà Đội Om. Trước mắt, tập trung dọc sườn núi Cấm, từ Ô Tứk Sa đến Tà Lọt và xã An Cư.

Phát huy cách làm ăn

Từ Nhơn Hưng vô Pô Thi lập nghiệp, ông Hồ Văn Ri gầy dựng vườn thanh long ruột đỏ được 3 – 4 năm (diện tích khoảng 3.000m2). Đây là mô hình sản xuất mới xuất hiện đầu tiên ở Tịnh Biên, với sự hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Sở Khoa học – Công nghệ. Đến nay, mô hình đã được nhân ra dọc theo Hương lộ 17A và nhiều xã, thị trấn trong huyện. Trong đó, có các khu vực núi Trà Sư, núi Dài Năm Giếng, núi Cấm… với kết quả kiểm nghiệm rất khả quan, vừa tạo ra nông sản đặc thù, như tại xã An Phú và An Cư.

Đối với các loại cây có múi (quýt, cam, bưởi…) cũng được xem là đặc sản núi Cấm, do cư dân trồng nhiều ở vồ Đầu, vồ Bà, suối Thanh Long, đồi Latina… khai thác lợi thế thời tiết và khí hậu độ cao, đặc biệt là khu du lịch hành hương. Nhiều người cho rằng, đây là những mô hình “vườn đồi – vườn rừng” cho hiệu quả tốt, góp phần tạo ra “sản phẩm du lịch” phục vụ người hành hương và du khách tham quan. Bên cạnh, còn có nhiều loại cây trồng khác, như: Mãng cầu xiêm, mãng cầu ta, bơ, hồng quân… được cư dân trồng ven triền núi và đất có độ cao 30m trở lên, đa dạng nông sản miền núi.

Khu vực giáp ranh Thới Sơn và An Phú (núi Dài Năm Giếng) phát triển khá mạnh các mô hình vườn đồi, vườn rừng và trồng trọt dưới tán rừng. Nông dân dựa vào địa hình vùng đất, chọn cây trồng thích hợp và áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác. Sản xuất ở đây phần lớn là những loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày; như: Cây họ đậu, củ sắn, khoai mì, bắp nếp, cà tím… trồng xen trong những vườn xoài, vườn điều và vườn có nhiều loài cây ăn trái, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Từng thời vụ, 2 mùa nắng và mưa, chọn cây trồng thích ứng, vượt khó để làm lợi thế riêng.

Huyện Tịnh Biên có trên 2.410 héc-ta vườn cây ăn trái (chủ yếu là xoài các loại), với tổng sản lượng trên 34.000 tấn/năm. Qua thực tế cho thấy, xoài là loài cây thích ứng với đất cằn cỗi, khả năng chống chịu khô hạn tốt, nhu cầu nước tưới ít so nhiều loài cây ăn trái khác.

NGUYỄN THANH – TRỌNG ÂN

Sử dụng mùn cưa trồng nấm bào ngư cho hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Đó là mô hình trồng nấm bào ngư tại hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, ngụ tổ 14, khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Thu hoạch nấm bào ngư tại Trại Nấm Út Hậu.

Nấm bào ngư được trồng bằng cách sử dụng mùn cưa cho vô bịch ni-long với quy cách khoảng 1,2 kg/bịch rồi thực hiện các khâu xử lý thanh trùng trước khi cấy meo, sau đó đem chất hoặc treo vô trại nuôi dưỡng khoảng 2 tháng là có nấm thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 4 tháng. Trại nấm thường được làm bằng các vật liệu gỗ sẵn có, mái lợp lá, nền đất và xung quanh cần có lưới bao phủ để tạo nhiệt độ lý tưởng khoảng 25 - 28oC và ẩm độ 75 - 85%.

Với mỗi trại nấm có diện tích 6 x 12m sử dụng để nuôi trồng khoảng 5.000 bịch phôi nấm bào ngư, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy có thể thu hoạch 1,5 - 2 tấn nấm. Bán sỉ nấm cho các đầu mối thu mua với giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, mỗi vụ trồng nấm kéo dài trong 6 tháng, gia đình có thể thu được lợi nhuận trên 16 triệu đồng/trại nấm. Sau 5 năm phát triển trồng nấm bào ngư, đến nay gia đình chị Thúy xây cất được 5 trại nấm và thu hoạch bình quân 50 kg nấm/ngày. Ngoài việc trực tiếp trồng nấm, gia đình chị còn sản xuất, cung cấp phôi giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nhiều bà con nông dân tại địa phương và các tỉnh lân cận như: Vĩnh Long, Kiên Giang… và thu mua nấm thành phẩm cho bà con nếu bà con chưa tìm được nơi tiêu thụ. Qua các hoạt động sản xuất phôi giống, nuôi trồng nấm và tiêu thụ sản phẩm, hiện Trại Nấm Út Hậu của gia đình chị Thúy còn thường xuyên tạo việc làm cho khoảng 5 - 7 lao động tại địa phương, với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Trại Nấm Út Hậu đang xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm và nỗ lực áp dụng sản xuất theo các quy trình an toàn để được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

KHÁNH TRUNG

Bến Tre: Tháng 5 mặn sẽ đạt đỉnh trở lại - Khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Cây giống, cây ăn quả thiệt hại đang được khẩn trương thống kê. Ảnh: M. Phương

3 giờ chiều 29-4-2016, ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chủ trì cuộc họp khẩn cấp với đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và các huyện, thành phố liên quan trong công tác phòng chống hạn mặn. Cuộc họp này vừa đánh giá công tác phòng chống hạn mặn thời gian qua, vừa xác định nhiệm vụ của các đơn vị trong tháng 5 tới.

Cuối tháng 6 mới có mưa đầu mùa

Theo chủ trì cuộc họp, sở dĩ UBND tỉnh triệu tập cuộc họp này vì theo dự báo của Cơ quan Khí tượng thủy văn Trung ương, kể từ đầu tháng 5-2016, độ mặn trên các sông sẽ tăng cao đột ngột và nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trở lại. Do đó, cuộc họp chủ yếu là để nhắc nhở trực tiếp với lãnh đạo các cơ quan tuyệt đối không được lơ là ứng phó với thiên tai xâm nhập mặn trong lĩnh vực và địa bàn mình phụ trách.

Báo cáo số liệu thiệt hại của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đã được Hội đồng Thẩm định thiên tai xem xét và đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ theo chính sách) nêu rõ số tiền cần được hỗ trợ cho hơn 20 ngàn héc-ta lúa Đông Xuân là 37,4 tỷ đồng. Hiện nay, sở đang cùng với các địa phương thống kê, xác định mức độ thiệt hại đối với cây ăn trái, rau màu, cây giống, hoa kiểng, nuôi trồng thủy sản… để tiếp tục thẩm định và lập hồ sơ thủ tục theo quy định để trình UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện nay có hơn 78,5 ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Lãnh đạo các huyện trình bày những khó khăn của địa phương mình và vì luôn trong tình thế bị động chống đỡ nên nếu tháng 5-2016 mặn gay gắt hơn cũng khó có điều kiện để thực hiện các giải pháp. Số người thiếu nước ngọt sử dụng sinh hoạt và sản xuất ngày càng tăng cao hơn… Trong khi đó, ông Phạm Chí Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cho biết, vì phải chia sẻ nước với 2 huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc nên Nhà máy nước Sơn Đông đã quá tải. Nếu tháng 5-2016, độ mặn tăng cao hơn nữa thì phía công ty cũng chưa có giải pháp nào khả thi để có thể cung cấp đủ lượng nước cho nhu cầu khách hàng. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cũng thừa nhận rằng “cũng sẽ chịu chết” nếu tháng 5-2016 nước mặn trở lại.

Trước những tình thế thật sự khó khăn như trên, chỉ có những đám mưa vừa phải là có thể giải quyết tốt nhất vấn đề hiện nay. Đến nay, đã xuất hiện 2 cơn mưa, đem lại kỳ vọng rất lớn cho người dân, mặc dù lượng mưa không đáng kể. Tuy nhiên, theo Lê Công Tám - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực tỉnh Bến Tre, đó chỉ là đám mưa trái mùa rất hiếm hoi, bất thường nên không thể kỳ vọng được, ít nhất đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 mới có mưa đầu mùa.

Kịp thời giải ngân các khoản hỗ trợ

Bà Trương Thị Yến - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, trong 37,4 tỷ đồng hỗ trợ thiệt hại cây lúa thì Trung ương 70%, còn lại là ngân sách địa phương. Trong 25 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định hỗ trợ vừa qua, hiện đã nhận được 17 tỷ đồng; đang sử dụng đúng mục đích của số tiền này để hỗ trợ người dân khắc phục thiên tai. Đồng thời, bà Yến cũng đề nghị các cơ quan sử dụng cần thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương để tránh những khó khăn không mong muốn cho các gói hỗ trợ tiếp theo đối với một số cây trồng, vật nuôi còn lại.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Lập nhấn mạnh, công tác phòng chống và khắc phục thiên tai là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng cơ quan chuyên môn; vai trò người dân cũng vô cùng quan trọng. Vấn đề thông tin, tuyên truyền về dự báo chính xác diễn biến từng lúc của thời tiết, thiên tai cũng hết sức quan trọng.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các địa phương về vấn đề giải quyết nước ngọt để uống cho người dân và không được để bất cứ người dân nào phải chịu khát; nước cho chăn nuôi và sản xuất. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành và địa phương cần khẩn trương hơn nữa trong triển khai các biện pháp ứng phó với hạn mặn, phải kịp thời giải ngân các khoản hỗ trợ cho dân để họ không rơi vào khó khăn. Vấn đề xuống giống vụ Hè Thu cần phải tính toán cho chính xác về thời điểm trên cơ sở diễn biến nguồn nước; phải hướng dẫn cho người dân về các kỹ thuật xử lý môi trường trước khi xuống giống.

Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre phải điều hành hệ thống cống cho linh hoạt, từng lúc để người dân được sử dụng nguồn nước có độ ngọt tối ưu nhất; phải phối hợp với các địa phương để nghiên cứu giúp người dân trữ nước ngọt, trước mắt là để ứng phó với mặn trong tháng 5 này. Các địa phương phải thực hiện phương châm “4 tại chỗ” linh hoạt hơn nữa. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương thống kê chính xác số liệu thiệt hại trên các cây trồng, vật nuôi còn lại.

Phần lớn nước tầng nông có độ mặn cao và bị nhiễm vi sinh

Ngày 29-4-2016, ông Nguyễn Văn Vưng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đến nay đã kiểm tra được 266 mẫu nước tầng nông từ các địa phương gửi lên, trong đó trên 40% nhiễm các chất vi sinh, độ mặn trong nước trên 2%o chiếm tỷ lệ trên 60%. Tất cả đều được kiểm tra miễn phí. Tuy nhiên, do các đơn vị gửi mẫu chưa nói rõ mục đích sử dụng vào việc gì nên thời gian qua chỉ xác định đương lượng hóa chất và độ mặn đơn thuần. Cũng theo ông Vưng, việc xác định rõ từng mục đích sử dụng nước sẽ phải mất thời gian kiểm tra lâu hơn. (P.B)

Phương Bình

"Vàng xanh" trên cát trắng

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Ông Võ Minh Nết, một nông dân có thâm niên trồng rau hơn 30 năm của thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy, (Lệ Thủy, Quảng Bình) mỉm cười làm phép so sánh: “Nhà tui có 9 sào lúa, năng suất bình quân 3 tạ/sào, tính theo giá thành hiện nay cho thu nhập mỗi năm chỉ khoảng 15 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ với 3 sào đất trồng rau, tui đã có mức thu nhập 170 triệu đồng/năm. Bây chừ cả làng trồng rau. Nông dân vùng cát chúng tôi coi rau như vàng-vàng xanh”.

Ông Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết: Trước đây, người dân Cam Thủy nói riêng và các xã lân cận canh tác rau màu chủ yếu tự cung, tự cấp với quy mô nhỏ trong phạm vi vườn nhà (diện tích khoảng 15 - 25m2), phương thức canh tác thủ công, nguồn giống tại địa phương được bà con cất trữ sau mỗi vụ...

Sản xuất rau an toàn đang trở thành hướng phát triển kinh tế chủ đạo của người dân thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy (Lệ Thủy).

Bởi thế mà năng suất, hiệu quả sản xuất rau màu không cao, chỉ được xem như là nghề phụ của người nông dân. Bây giờ, phong trào sản xuất rau màu phát triển rất mạnh, đã và đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương. Quy mô diện tích ngày càng mở rộng, chất lượng rau từng bước được nâng lên.

Đặc biệt là đã hình thành vùng sản xuất rau màu tập trung ở thôn Hòa Luật Nam với quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Ngày 22-9-2014, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã ký Quyết định số 567/QĐ-SNN công nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy (Lệ Thủy).

Kể từ đó, thương hiệu “Rau an toàn Hòa Luật Nam”, xã Cam Thủy (Lệ Thủy) dần khẳng định vị thế của mình không chỉ trên thị trường Quảng Bình mà còn ở các tỉnh lân cận. Tư duy phát triển diện tích rau thương phẩm của người dân Hòa Luật Nam cũng đã thay đổi căn bản từ sản xuất manh mún, tự cung tự cấp trước đây sang sản xuất tập trung theo quy trình đạt tiêu chuẩn an toàn.

Dạo một vòng quanh thôn Hòa Luật Nam, cảm nhận chung của chúng tôi là một vùng sản xuất rau an toàn được người dân tổ chức rất bài bản, khí hậu rất mát mẻ. Hầu như nhà nào cũng có vài ba sào đất trồng rau. Tất cả đều được bố trí trong các nhà lưới và một hệ thống ống nước tưới được lọc cẩn thận qua các bể cát. Người dân chỉ cần mở một van xả là nước sẽ đến được những diện tích hoa màu cần tưới thông qua hệ thống ống dẫn.

Ông Dương Văn Kỷ, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Hòa Luật Nam cho biết: Để bảo đảm chắc chắn số lượng rau thương phẩm người dân sản xuất ra là an toàn, Tổ hợp tác đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết với những nội dung cụ thể về chất lượng giống, nguồn nước tưới, phân bón. Tổ hợp tác thực hiện vai trò cầu nối giữa người sản xuất với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm lượng rau an toàn sản xuất ra sẽ tiêu thụ hết trong từng quãng thời gian cụ thể với giá thành tương ứng. Hiện tại, thị trường tiêu thụ rau an toàn không chỉ giới hạn trong huyện, tỉnh mà còn vươn ra thị trường các tỉnh bạn như Quảng Trị, Huế, Hà Tĩnh...

Đang khẩn trương thu hoạch phần diện tích cải mầm còn lại để cung ứng cho đầu mối tiêu thụ tại tỉnh Quảng Trị, ông Võ Minh Lân, tổ viên Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Hòa Luật Nam chia sẻ: Với diện tích 1 sào đất, tôi trồng các loại rau cải, rau cần, ngò... giá bình quân cho các loại rau này là 40.000 đồng/kg, mỗi tháng cho thu hoạch 4 lứa, bình quân mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng.

Để phục vụ nhu cầu thu gom, vận chuyển sản phẩm rau an toàn tiêu thụ cho các hộ dân, tôi mạnh dạn đầu tư sắm một chiếc xe ô tô. Qua hơn 1 năm hoạt động, cơ bản tôi đã trả xong nợ và thu lãi. Hiện tại, khó khăn chung cho các hộ dân tham gia sản xuất rau an toàn là bạn hàng chưa thực sự tin tưởng chất lượng sản phẩm; diễn biến thời tiết thất thường cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của các loại rau. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật canh tác của địa phương và các ngành liên quan còn hạn chế.

Liên quan đến việc chuyển đổi nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất, ngoài vùng sản xuất rau an toàn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy và các địa phương lân cận cũng đã tích cực thực hiện. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy, đến thời điểm cuối năm 2015, tổng diện tích trồng rau cả năm của toàn vùng Quốc lộ 1 đạt trên 900ha, tăng gần 250ha so với năm 2013.

Mỗi xã đều phát triển một số loại chủ lực như: Hồng Thủy tập trung phát triển trồng ớt, su hào...; Thanh Thủy phát triển mạnh diện tích khoai lang; Cam Thủy phát triển các loại rau; Hưng Thủy phát triển mạnh diện tích mướp đắng, nén;... Sản xuất rau màu đã và đang thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vùng cát, góp phần quan trọng để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.

Theo ước tính sơ bộ, tổng thu bình quân rau màu đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần so với sản xuất lúa, trong đó có 150ha rau màu, quả và 115ha khoai lang tại các Cam Thủy, Thanh Thủy và Hồng Thủy có giá trị thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Người nông dân các xã vùng Quốc lộ 1 của huyện Lệ Thủy đang rất tin tưởng vào hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất hoa màu.

Để phát triển vùng rau an toàn trong thời gian tới, theo chúng tôi, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cấp, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể là rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các vùng sản xuất rau màu tập trung; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông sản sạch, sản xuất tập trung.

Đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rau màu, đặc biệt là các quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn Vietgap; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết người dân trong sản xuất. Bên cạnh đó cần tiếp tục đào tạo nghề và tập huấn về kiến thức, kỹ năng, phương pháp sản xuất rau màu sạch và mở rộng thị trường tiêu thụ rau màu;...

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Trong chương trình nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, huyện xác định vùng Quốc lộ 1 là địa bàn chủ yếu để phát triển diện tích đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, Đề án sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn huyện giai đoạn 2009-2015 cũng đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sản xuất rau màu là tập trung theo tiêu chuẩn Vietgap tại vùng Quốc lộ 1.

Bên cạnh đó, phát triển vùng rau màu tập trung an toàn cũng đã được xây dựng trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững của huyện. Hiện tại, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng thực hiện các bước cần thiết để tiến hành đăng ký sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap. Trước mắt là ký hợp đồng với một số nhà hàng, khách sạn tại thành phố Đồng Hới để ổn định việc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.

“Chúng tôi đang chỉ đạo chính quyền các địa phương phối hợp với Hội LHPN huyện vận động một số tiểu thương xây dựng ki-ốt rau an toàn tại chợ trung tâm huyện để quảng bá sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho người dân trên địa bàn”.- Ông Sơn nói.

Nguyễn Hoàng

Tam Nông (Đồng Tháp): Kiệu trúng giá, nông dân phấn khởi

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang phấn khởi trước vụ kiệu đạt năng suất cao và trúng giá.

Toàn huyện Tam Nông trồng hơn 132ha kiệu và thu hoạch được trên 70ha. Sản lượng đạt từ 5 - 5,5 tấn củ kiệu thương phẩm/công, tăng hơn cùng kỳ năm trước từ 500 - 700 kg/công.

Nông dân thu hoạch kiệu ở huyện Tam Nông đạt năng suất cao

Thương lái trong và ngoài địa phương đến tận nơi thu mua kiệu với giá khoảng 10.000 đồng/kg, tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái nên người trồng kiệu ở huyện Tam Nông phấn khởi.

Nông dân Nguyễn Văn Hòa - xã Phú Hiệp cho biết: “Năm nay, tôi trồng 5 công kiệu. Tôi bán cho thương lái giá 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi công lãi 30 triệu đồng.

Theo ông Hòa, so với năm ngoái, năm nay, giá kiệu cao khoảng 2.000 đồng/kg. Bà con nông dân trồng kiệu rất phấn khởi.

Kiệu được trồng nhiều ở các xã như: Phú Đức, Phú Thọ, Phú Cường, Phú Hiệp, Phú Thành B và thị trấn Tràm Chim.

Dương Út

Bình Phước: Độc đáo mô hình trồng tiêu dưới tán điều

Nguồn tin: Báo Bình Phước

2,5 tấn/ha là năng suất vườn điều trong vụ này của ông Đào Văn Bắp ở ấp Hiệp Hoàn A, xã Lộc Hiệp, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Không chỉ thế, diện tích dưới tán điều của ông Bắp còn trồng xen hồ tiêu bằng phương pháp hữu cơ sinh học hết sức độc đáo với năng suất 6 tấn/ha.

Ông Bắp cho biết, bình quân năng suất vườn điều của ông luôn đạt 4 tấn/ha. Vụ mùa năm nay do ảnh hưởng nắng hạn kéo dài nên chỉ đạt 2,5 tấn/ha. Để đạt năng suất cao như thế, toàn bộ lá điều được gia đình thu gom ủ dưới gốc cây. Kết hợp với việc ủ gốc, ông dùng phương pháp tưới nhỏ giọt để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây điều sinh trưởng và phát triển. Tất cả lượng phân cần bón cho cây điều ông đều hòa tan để tưới thẳng vào gốc và phủ bạt để chống sự bốc hơi của đạm.

Bằng phương pháp ủ lá điều dưới gốc và tưới tiết kiệm giúp nhà nông Đào Văn Bắp tiết kiệm 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Toàn bộ diện tích tiêu được trồng xen dưới tán điều cũng được ông thu gom lá điều ủ thành hàng rồi phủ bạt lên trên để làm phân bón hữu cơ cho hồ tiêu. Trong vườn tiêu, ông đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm để đảm bảo cây tiêu không bị “sốc” mỗi khi tưới nước hoặc bón phân.

Chi phí tiền công thu gom lá điều 900 ngàn đồng/ha, mua bạt 800 ngàn đồng/ha. Bằng giải pháp này, gia đình ông Bắp đã tiết kiệm được 50% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cả tiêu và điều. Đặt biệt, năng suất, chất lượng hạt tiêu, điều cũng cao hơn gấp 2 lần so với canh tác truyền thống.

Đông Kiểm

Nông dân Nghệ An sử dụng ớt, tỏi, gừng làm thuốc trừ sâu cho cây trồng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Nhiều hộ nông dân tại xã Tào Sơn - huyện Anh Sơn (Nghệ An) sử dụng công thức tự chế thuốc trừ sâu sinh học bằng thảo mộc cho các loại cây trồng.

Sau khi được cán bộ chuyên viên tư vấn thuộc Công ty CP thương mại Thanh niên Việt Nam tư vấn phương pháp chế tạo thuốc sâu sinh học bằng các nguyên liệu đơn giản như tỏi, ớt, gừng và rượu để phòng trừ sâu bệnh cho cây bí, gia đình ông Nguyễn Viết Bảy ở xóm 9 xã Tào Sơn đã mạnh dạn áp dụng.

Nguyên liệu chế tạo thuốc sâu sinh học đơn giản như tỏi, ớt, gừng và rượu.

Các vật liệu sau khi được ngâm ủ 20 ngày, ông Bảy đem phun cho gần 0,5ha bí. Thử nghiệm phun xịt sau 1 tuần, cây lá phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao và đặc biệt là không có sâu bệnh phát sinh nên ông đã tiến hành phun đại trà cho gần 2ha bí xanh.

Ông Bảy cho biết, trước đây sau khi phun thuốc người rất mệt, nhưng nay sử dụng chế phẩm bằng thảo mộc tôi thấy người khỏe và sau 1 tuần đi kiểm tra, cây trồng phát triển tốt, rất hiệu quả.

Thành phẩm sau khi được ngâm 20 ngày là có thể sử dụng

Nhận thấy hiệu quả ban đầu nên cách cánh đồng ông Bảy không xa, gia đình ông Nguyễn Hữu Hòa cũng đã tiến hành phun cho toàn bộ gần 3ha bí cho gia đình. Nhờ việc sử dụng thuốc trừ sâu sinh học được chiết xuất từ thảo mộc nên số lượng sâu hại giảm đi đáng kể, chi phí phun thuốc sâu bệnh giảm 40-50%. Cách làm này cũng sẽ được ông Hòa tiến hành cho các loại cây trồng khác để vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân vừa cung cấp sản phẩm tốt cho sức khỏe cộng đồng.

Với cách pha chế đơn giản, phương pháp này đã được nhiều nông dân Tào Sơn phun cho gần 10 ha cả bí xanh và dưa leo

Cách pha chế đơn giản, bằng các vật liệu có sẵn trong tự nhiên, giá thành không cao nhưng phòng sâu bệnh rất hiệu quả nên chỉ trong 1 thời gian ngắn, trên 50 hộ áp dụng bằng phương pháp chế tạo thuốc sinh học cho gần 10 ha cả bí xanh và dưa leo. Sắp tới Hội nông dân xã Tào Sơn sẽ phổ biến, nhân rộng cho toàn bộ 45 ha bí xanh, dưa leo trên địa bàn trong các vụ sản xuất tới đây.

Ông Trịnh Thạch Lam- Trưởng phòng BVTV - Chi cục BVTV tỉnh: Đây thực sự là giải pháp hữu hiệu để tiến tới một nền nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và thực sự cần được nhân rộng. Tuy nhiên bà con cần sử dụng vào buổi chiều để phát huy tốt hiệu quả...

Việc phun bằng chế phẩm giá thành không cao nhưng phòng sâu bệnh rất hiệu quả, đang được nông dân Tào Sơn ứng dụng thành công, nhân ra diện rộng.

Như vây, việc sử dụng công thức tự chế thuốc trừ sâu sinh học bằng thảo mộc không những diệt trừ sâu bệnh hại rau, củ quả mà còn giúp cho người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm, đặc biệt không gây ô nhiễm môi trường. Từ hiệu quả này, các cơ quan chuyên môn cần đánh giá, khuyến cáo và phổ biến nhân rộng để người nông dân thay đổi thói quen lạm dụng thuốc BVTV trong trồng trọt; tiến tới áp dụng biện pháp an toàn sinh học cho cây trồng, góp phần cung cấp cho thị trường nông sản sạch, an toàn.

Thu Vinh- Chu Quý

Lâm Đồng: Về Đơn Dương trồng atisô

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Anh Lê Bảo Chấn, Giám đốc Công ty TNHH Atiso Đà Lạt Lâm Viên đã nghiên cứu, tìm mua các giống atisô mới từ châu Âu, châu Mỹ về trồng ở các vùng nông nghiệp huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), mang lại những kết quả khả quan bước đầu. Dù không trổ bông như các giống atisô trồng phổ biến ở Đà Lạt, nhưng bù lại, các giống atisô mới trồng ở Đơn Dương đều đạt năng suất thu hoạch lá, thân, rễ tăng cao hơn khoảng 1,5 lần.

Sau năm đầu hoạt động, Công ty TNHH Atiso Đà Lạt Lâm Viên đã thu mua gần 1.500 tấn nguyên liệu atisô tươi của nông dân Đơn Dương.

Khảo sát thị trường để chọn giống atisô mới

Năm nay vừa tròn 30 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Atiso Đà Lạt Lâm Viên (xã Ka Đơn, Đơn Dương), anh Lê Bảo Chấn sau khi tốt nghiệp cử nhân tài chính - marketing đã có nhiều năm làm công việc quản lý, kết nối hàng ngàn khách hàng thường xuyên của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành dệt may và viễn thông với quy mô lớn ở thành phố Hồ Chí Minh. “Qua một thời gian phụ trách việc xây dựng, phát triển thị trường cho từng sản phẩm hàng hóa cạnh tranh của doanh nghiệp với mức lương được nhận hàng tháng khá cao, bản thân cảm thấy đã đến lúc cần trở về quê hương Đơn Dương của mình để tiếp tục trải nghiệm trên lĩnh vực trồng trọt gắn với chế biến và tiêu thụ. May mắn được nhiều đồng nghiệp, khách hàng khích lệ, hỗ trợ bằng nhiều cách thức khác nhau, đến giữa năm 2014, công ty của mình đã chính thức đi vào hoạt động, hợp tác với nông dân Đơn Dương xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu atisô chế biến theo hướng ổn định, lâu dài…”, Chấn chia sẻ.

Theo đó, trước khi quyết định nghỉ hẳn công việc quản lý, phát triển đại lý khách hàng của các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, Chấn đã tìm thấy những nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mới trong từng phân khúc thị trường cần được đáp ứng, trong đó có sản phẩm atisô có thể định canh mở rộng từ Đà Lạt về các vùng phụ cận nói chung, vùng quê Đơn Dương nói riêng. Ở đây với độ cao trên dưới 1.000m so với mặt biển (thấp hơn Đà Lạt 500m), Chấn chủ động gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia trong nước để nghiên cứu, chọn tạo một loại hạt giống atisô nhập từ châu Âu, châu Mỹ về trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng. Đó là giống atisô trồng, thu hoạch lấy lá, thân, rễ, không lấy bông, nên đã rút ngắn thời vụ chính từ 9 tháng xuống còn 8 tháng so với giống atisô thông thường hiện đang trồng ở Đà Lạt.

Vụ mùa atisô năm 2014 - 2015, sau khi khánh thành các hạng mục nhà xưởng sản xuất, lắp đặt hoàn chỉnh dây chuyền chế biến khép kín với tổng kinh phí 14 tỷ đồng, công ty của Chấn bắt tay triển khai hợp đồng xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu atisô với hàng chục hộ nông dân ở các xã Tu Tra, Ka Đơn, Ka Đô, Quảng Lập và thị trấn Thạnh Mỹ, thuộc huyện Đơn Dương. Mỗi hộ sản xuất atisô liên kết với công ty từ 0,2 đến 0,7ha được chuyển đổi từ các diện tích trồng cây ngắn ngày ngoài trời.

Trồng luân canh, thu “lợi kép”

“Khi đi vào sản xuất liên kết, thuận lợi là được ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương hỗ trợ 100% nguồn giống atisô mới cho nông dân”, Giám đốc Lê Bảo Chấn nói. Và những bước tuần tự trong suốt vụ mùa, công ty của Chấn tiến hành các phần việc thực hiện trách nhiệm theo hợp đồng như: cung cấp đủ nguồn giống cây con, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thỏa thuận ngay từ khi xuống giống trồng mới. Phần trách nhiệm người nông dân cần bố trí diện tích đất sản xuất phù hợp, đảm bảo số lượng lao động theo yêu cầu, được mua phân bón hữu cơ theo hình thức trả chậm của công ty… Cụ thể, hàng tuần trên đồng atisô đều phân công kỹ sư nông nghiệp của công ty hướng dẫn trực tiếp từng hộ nông dân chăm sóc, nhận biết các triệu chứng bệnh hại và các áp dụng biện pháp phòng trừ, sau đó ghi chép đầy đủ trong sổ nhật ký để làm cơ sở thực hành sản xuất trong tuần tiếp theo. Kết quả thu hoạch vụ atisô liên kết đầu tiên trên địa bàn huyện Đơn Dương, nhà nông đạt năng suất trên mỗi hecta từ 130 - 150 tấn lá tươi và hơn 10 tấn thân, rễ. Qua giá bao tiêu ổn định của công ty, ước số lãi người nông dân đạt được khoảng 200 triệu đồng/ha. Nếu tính thời gian sản xuất cả năm thì sau vụ atisô này, nông dân có thể trồng luân canh để thu hoạch các loại rau ngắn ngày khác, tăng thêm một khoản thu nhập đáng kể nữa.

Thống kê trong năm thứ nhất hoạt động, nhà máy của Chấn đã chế biến gần 1.500 tấn nguyên liệu atisô tươi ở Đơn Dương, cho ra đa dạng dòng sản phẩm cao atisô dạng lỏng, loại 10ml, 50ml, 70ml... Đối tác tiêu thụ tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng hệ thống khách sạn 3 sao trở lên ở trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.

Nói về mục tiêu phía trước, Giám đốc Lê Bảo Chấn cho biết: “Đến tháng 6/2016, công ty sẽ khai trương 2 chi nhánh phân phối sản phẩm atisô chế biến ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đồng thời hợp tác với nông dân Đơn Dương tiếp tục chuyển đổi những diện tích trồng rau, màu ngoài trời đạt hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây atisô giống mới, chỉ thu hoạch lá, thân và rễ, cố gắng đến đầu năm 2017 ổn định tổng diện tích vùng nguyên liệu atisô chế biến tại địa phương từ 12 - 15ha…”.

VĂN VIỆT

An Giang: Trái cây nội chiếm lĩnh thị trường chợ truyền thống

Nguồn tin: Báo An Giang

Với tâm lý lo sợ các loại trái cây có nguồn gốc Trung Quốc gây hại đến sức khỏe nên người tiêu dùng (NTD) đang dần chuyển sang các loại trái cây có nguồn gốc nội địa. Để đáp ứng nhu cầu, trái cây trong nước càng được chú trọng về chất lượng lẫn hình thức bên ngoài.

An tâm với trái cây nội

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều trường hợp trái cây Trung Quốc tẩm hóa chất bảo quản gây ảnh hưởng đến sức khỏe NTD. Một số loại trái cây Trung Quốc còn “đội lốt” trái cây ngoại khiến nhiều NTD hoang mang nên trái cây nội đang được nhiều người lựa chọn nhiều hơn.

Trái cây nội địa chiếm lĩnh thị trường

Dạo quanh các chợ ở TP. Long Xuyên (An Giang), có thể thấy trái cây trong nước đang chiếm ưu thế. Hầu hết các sạp trái cây tại các chợ đều trưng bày chủ yếu là các loại trái cây nội, như: Nhãn, mãng cầu, cam, thanh long, quýt, chôm chôm, xoài, ổi… Trong khi đó, trái cây nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Chile, Hàn Quốc, Thái Lan… chỉ được bày trí với số lượng ít. Các loại trái cây ngoại có giá khá đắt, còn trái cây nội giá cả phải chăng, lại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên thời gian gần đây phần lớn NTD đã chuyển hướng từ trái cây ngoại nhập sang trái cây trong nước. Chị Trần Thị Hương (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên), chia sẻ: “Trước đây, tôi hay mua nho, táo nhập khẩu từ nước ngoài vì trái đẹp, trông rất ngon. Thời gian gần đây, báo, đài thường hay thông tin trái cây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thêm vào đó là tình trạng trái cây Trung Quốc giả trái cây của Mỹ nên tôi không dám dùng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện nay, gia đình tôi chuyển sang dùng trái cây trồng trong nước cho yên tâm”. Chị Lê Thị Thảo (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) nhấn mạnh: “Khi mua trái cây, tôi luôn chọn sản phẩm trong nước, vì hương vị, màu sắc của trái cây Việt Nam không hề thua kém sản phẩm ngoại nhập”.

Việc bảo quản các loại trái cây ngoại nhập rất khó, lại dễ bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển xa. Trong khi đó, các loại trái cây trong nước được thu hoạch và vận chuyển trong khoảng thời gian ngắn nên khi sản phẩm đến tay NTD đảm bảo độ tươi, ngon. Điều này tạo nên ưu thế đáng kể cho trái cây nội địa trong việc chiếm lĩnh thị trường.

Chuộng tặng quà bằng trái cây ngoại

Mặc dù trái cây nội địa đang dần chiếm lĩnh thị trường tại các khu chợ truyền thống nhưng không vì thế mà các loại trái cây ngoại nhập mất đi chỗ đứng của mình. So với hàng nội địa, trái cây ngoại nhập có vẻ ngoài bắt mắt, sang trọng hơn nên dù giá bán cao hơn vẫn được một số NTD chấp nhận, nhất là đối với khách hàng mua làm quà biếu. Theo chị Phan Thị Thu Hồng (phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên), những dịp đi lễ, giỗ nhà người thân là chị mua các loại trái cây ngoại như táo Mỹ, nho Mỹ, lê hay cam nhập khẩu để làm quà. “Các loại trái cây ngoại có tem, nhãn mác, bên ngoài nhìn đẹp và ngon hơn nên nếu đem tặng nhìn cũng lịch sự hơn trái cây nội địa”– chị Hồng phân tích.

Không những vẻ bên ngoài đẹp hơn, giá của một số loại trái cây ngoại không cao hơn nhiều so với các loại trái cây nội. Chị Thanh Thúy, chủ một sạp trái cây ở chợ Long Xuyên, chia sẻ: “Hàng ngoại tuy giá cao hơn nhưng nếu chất lượng tốt hơn thì NTD vẫn mua. Như các loại trái cây của Thái Lan giá cao hơn hàng nội địa nhưng nhiều người thích vì trái cây Thái ngon, đẹp. Táo Mỹ nghe thì sang nhưng cũng chỉ tầm 50.000 – 70.000 đồng/kg, trong khi nhiều loại trái cây nội giá cũng không kém bao nhiêu nhưng trông không đẹp bằng”.

Trái cây ngoại nhập thu hút người mua do hình thức bề ngoài đẹp, nếu được bảo quản kỹ lưỡng thì giữ được màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có không ít loại trái cây được nhập qua đường tiểu ngạch, chủ yếu từ các nước Campuchia, Trung Quốc và không qua kiểm định nên chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, nNTD nên chọn những điểm bán uy tín để đảm bảo chất lượng trái cây.

ĐỨC TOÀN

Hiệu quả kinh tế từ trồng cây đu đủ ở Hưng Yên

Nguồn tin: Nhân Dân

Những năm gần đây, người dân ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Ân Thi, Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên) đã đưa cây đu đủ về trồng chuyên canh hoặc xen canh với các loại cây ăn quả lâu năm cho hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian đợi các loại cây ăn quả như nhãn, cam… cho thu hoạch (từ ba đến 5 năm), để lấy ngắn nuôi dài, người dân đã trồng xen canh cây đu đủ. Một công đôi việc, vừa giúp nông dân tận dụng được nguồn nước tưới, phân bón, tiết kiệm được chi phí... mà lại có thêm thu nhập. Mỗi sào trồng đu đủ có thể mang lại cho nông dân từ 20 đến 40 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí cho lợi nhuận từ 15 đến 25 triệu đồng/sào. Trung bình, mỗi cây đu đủ có thể cho thu hoạch từ 40 đến 50kg quả, như vậy một sào trồng đu đủ có thể cho năng suất từ bốn đến chín tấn quả.

Hiện nay, đầu ra cho quả đu đủ đang rất thuận lợi, nông dân thu hoạch đến đâu có thương lái trong và ngoài tỉnh về tận ruộng mua hết đến đấy. Người dân ở Hưng Yên chủ yếu trồng giống đu đủ Thái-lan, Đài Loan (Trung Quốc), là những giống đu đủ lai, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, mã đẹp, quả to, ngọt. Nếu trồng chuyên canh mỗi sào ruộng có thể trồng từ 150 đến 180 cây đu đủ và từ 70 đến 100 cây nếu trồng xen canh.

Theo kinh nghiệm của những nông dân ở Hưng Yên, hằng năm cứ vào tháng 11, 12 âm lịch, nông dân bắt đầu xuống giống cây đu đủ, sau 5 - 7 tháng thì cây bắt đầu cho thu hoạch và có thể cho thu liên tục trong bốn đến sáu tháng. Đu đủ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng tốt, đất trồng cây đu đủ phải cao ráo, dễ thoát nước; không nên trồng mật độ quá dày, khi cây nuôi quả cần bón đủ ka-li để tăng chất lượng, đu đủ ngọt, giòn... Đặc biệt, cần lưu ý, loại cây này thường có bệnh đốm vi- rút, do đó người dân nên trồng một vụ đu đủ, sau đó phá bỏ, trồng luân canh loại cây khác, rồi năm sau lại trồng đu đủ thì mới cho năng suất cao.

BẢO SƠN

Cây xoài trên đất cù lao

Nguồn tin: Báo An Giang

Nhờ địa hình thiên nhiên ưu đãi, thuận lợi thổ nhưỡng, nông dân 3 xã cù lao Giêng, (Chợ Mới, An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa sang trồng xoài 3 màu cho hiệu quả kinh tế rất cao, thu về hàng tỷ đồng/năm đối với hộ trồng diện tích lớn nên đời sống người trồng vườn khá lên thấy rõ.

Lợi nhuận gấp 10 lần làm lúa

Ngoài vườn xoài chuyên canh, cù lao Giêng không hiếm hình ảnh rẫy xoài (trồng xen canh rau màu trong vườn xoài). Ông Nguyễn Hoàng Liệt (ngụ xã Bình Phước Xuân) cho biết: “Xoài trồng mật độ dày hơn xưa, 2 năm lấy trái, thu hoạch 2 - 3 đợt/năm. Bình quân từ 90 - 100 gốc xoài/công, thu hoạch bình quân 2 tấn xoài/công/năm, lãi 40-50 triệu đồng, gấp 10 lần trồng lúa. Như tôi có 2 héc-ta xoài 3 màu, mỗi năm thu lãi khoảng 1 tỷ đồng. Chính vì kinh tế cao, nông dân bỏ lúa chuyển sang trồng xoài”. Ông Liệt còn hình thành điểm tập kết xoài và là người tiên phong phát triển cơ sở sản xuất dưa xoài, tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương và tăng giá trị kinh tế. Gần đó, ông Nguyễn Hoàng Dư cũng trồng 1 héc-ta xoài 3 màu thu được 20 tấn trái/năm, bán từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi trên 500 triệu đồng/héc-ta/năm. Xoài áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa cho thu hoạch rải vụ nên cho trái quanh năm, tập trung thu hoạch chủ yếu vào tháng 11,12 và tháng giêng âm lịch. Dù số lượng tăng vọt nhưng hiện tại vẫn không đủ xoài tươi để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Xoài được công nhận VietGAP

Niềm vui đến với dân xứ cù lao khi mới đây đã có 9 hộ dân trồng xoài 3 màu ở xã Bình Phước Xuân được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và các hộ này đều tham gia thành lập Hợp tác xã sản xuất trái cây GAP Bình Phước Xuân với diện tích 7,5héc-ta. Đây là xã đầu tiên của tỉnh được công nhận VietGAP trên trái cây mang thương hiệu “xoài 3 màu cù lao Giêng”, mở ra hướng đi mới về chất lượng, thị trường tiêu thụ và tiền đề để trái cây đặc sản xứ cù lao có mặt ở các siêu thị, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tiềm năng. Ông Nguyễn Hoàng Liệt, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất trái cây GAP Bình Phước Xuân cho biết: “Để trái xoài không phải “thua ngay trên sân nhà”, ta phải theo xu hướng hội nhập, tổ chức sản xuất và phải đi theo quy luật sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, an sinh xã hội”.

Hình thành nhiều điểm thu mua xoài xuất khẩu

Theo xu thế thị trường, 3 xã cù lao hình thành hơn 20 vựa xoài hoạt động liên tục, xoài thu hoạch bao nhiêu đều có thương lái thu mua hết. Ngoài xuất khẩu sang Trung Quốc là chủ yếu, vài doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản… đã đến đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua xuất khẩu nhưng với điều kiện phải có diện tích sản xuất xoài VietGAP đạt trên 40 héc-ta. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Nguyễn Văn Thao cho biết: “Tổng diện tích trồng cây ăn trái của huyện đạt 4.422 héc-ta, trong đó diện tích trồng xoài gần 3.700 héc-ta (3 xã cù lao Giêng chiếm đến 3.221 héc-ta), nhưng chỉ có 7,5 héc-ta xoài được cấp chứng nhận VietGAP. Dự kiến đến cuối năm 2016, tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận trên xoài để mở rộng diện tích xoài đạt chứng nhận VietGAP, tạo ra số lượng sản phẩm hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp nước ngoài”.

Cần đầu tư đúng mức

“Thị trường chính hiện nay là tiêu thụ nội địa và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc và sản phẩm xoài VietGAP được thương lái thu mua ngang với xoài bên ngoài, nên rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của các ngành, các cấp để thương hiệu xoài VietGAP nâng cao giá trị. Cung lớn hơn cầu, xoài không xuất khẩu tươi được, đề nghị Nhà nước hỗ trợ kêu gọi đầu tư công nghệ, xây dựng nhà máy chế biến xoài thành các sản phẩm nước ép, mứt, kẹo, xoài sấy, bánh xoài…, để không bị ép giá khi vào chính vụ và phát triển bền vững, không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc” - ông Liệt đề xuất.

UBND huyện Chợ Mới cho biết: Theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân, chúng tôi đang quy hoạch sản xuất nông nghiệp toàn diện, định hướng cụ thể diện tích, giống cây trồng cho nông dân theo hợp đồng liên kết; triển khai mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ xoài, hướng đến sản xuất an toàn, xuất khẩu nhiều thị trường và đang tổ chức lớp tập huấn sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP cho 60 nông dân. Sau khi có được giấy chứng nhận sẽ nâng diện tích được chứng nhận VietGAP lên 70héc-ta, nâng sản lượng xoài đạt tiêu chuẩn, đáp ứng được những đơn hàng lớn.

Từ năm 2013, UBND huyện Chợ Mới đã phê duyệt quy hoạch phát triển vùng sản xuất xoài 3 xã cù lao Giêng (giai đoạn 2013-2020) theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô hợp lý, gắn với đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất mới, có hiệu quả. Hướng tới nâng cao chất lượng khả năng cạnh tranh, hiệu quả và an toàn với người tiêu dùng, xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm chủ lực. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. “Chúng tôi đang tính đến chuyện quy hoạch lại hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, xây dựng đê bao khép kín cho vùng trồng tập trung cây ăn trái. Kết hợp giao thông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp vận chuyển sản phẩm tiêu thụ và hoạt động du lịch sinh thái vườn”- Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Trương Trung Lập cho biết.

HẠNH CHÂU

Thu tiền tỷ từ chanh bông tím

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Không giống như phần lớn nông dân chọn trồng cao su, điều, tiêu, gia đình bà Huỳnh Thị Hường ở ấp 2, xã Thành Tâm, (Chơn Thành, Bình Phước) lại chọn cây chanh bông tím và trở thành hộ làm kinh tế có tiếng trong xã. Năm nay, trúng mùa, mặc dù giá không bằng mọi năm nhưng vẫn cho thu nhập cao. Đợt thu hoạch gần đây nhất, 14ha chanh bông tím cho sản lượng 150 tấn, gia đình bà thu về 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí lời 1 tỷ đồng.

Năm 1999, gia đình bà Hường từ tỉnh Đồng Tháp lên thị trấn Chơn Thành lập nghiệp (Thành Tâm khi đó thuộc thị trấn Chơn Thành), ban đầu chỉ mua 8ha đất, sau mở rộng dần. Thời điểm đó, đất chủ yếu trồng xoài, bị sâu bệnh nhiều nên hiệu quả kinh tế thấp. Vì thế, bà chuyển sang trồng tre tàu, được 3 năm trúng đậm vì mỗi ngày vườn măng cho thu hoạch cả tấn, giá từ 18.000 - 20.000 đồng/kg măng. Thế nhưng thời gian sau, măng rớt giá, chỉ còn 1.000 - 1.500 đồng/kg, bà lại chuyển sang trồng cao su. Khi cao su xuống giá bà lại nhanh chóng chuyển đổi trồng chanh bông tím.

Anh Võ Tuấn Tú giới thiệu kỹ thuật trồng chanh bông tím

Anh Võ Tuấn Tú (con trai bà Hường) cho biết: Vườn chanh mới cho thu nhập cao 2 năm nay. Trước kia, năng suất thấp vì trong vườn không làm mương thoát nước nên bị nhiễm phèn. Kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh đơn giản, đào hố sâu 3 tấc, rộng 3 tấc, cây cách cây 3m. Ưu điểm của chanh bông tím là ra trái quanh năm nhưng để thuận tiện chăm sóc nên lựa chọn cho chanh ra trái luân phiên tùy theo thời giá. Đúng mùa chanh là khi mùa khô kết thúc, mưa xuống là chanh đâm đọt, ra bông hàng loạt, không cần dùng thuốc kích thích. Còn vào mùa nghịch là tháng 10 âm lịch thì xịt thuốc với liều lượng vừa phải, cho cây rụng lá, đâm đọt. Nếu xịt nhiều, cây chỉ ra lá xanh mướt mà không có trái. Bệnh thường thấy ở chanh là cuốn lá, thán thư, bọ trĩ cạp trái làm hư trái, phòng trừ bằng cách khi cây ra lá non, cách 5 ngày xịt thuốc 1 lần.

Để cây chanh cho năng suất cao, còn tùy thuộc vào kỹ thuật chăm sóc của mỗi người. Anh Tú chia sẻ: Để kích thích cây ra hoa mạnh và đồng loạt, dùng kali bón gốc và ngưng tưới là chủ yếu chứ không giống các nhà vườn khác thường dùng bạt che gốc gây, sau đó tưới nước để cây bung bông. Để tránh bị chai đất, phải để cỏ lên cao mới phun thuốc, vì khi cỏ chết sẽ tạo lớp mùn, tăng độ ẩm cho đất. Vào thời điểm nắng nóng, cách ngày tưới nước cho cây một lần. Sử dụng hệ thống tưới nước tự động vừa giữ được độ ẩm cho cây vừa giúp rửa bông và sương muối. Trung bình đầu tư hệ thống tưới nước tự động khoảng 23 triệu đồng/ha.

Lợi ích của chanh bông tím là chỉ một năm sau khi trồng đã cho thu hoạch 2 vụ/năm, trong đó 1 vụ cho thu 1 đợt chính và thu lai rai hoặc cho trái quanh năm nếu không dùng kỹ thuật ép ra trái theo thời gian chủ đích. Do chanh mọng nước, có vị chua thanh và thơm nên được nhiều người ưa chuộng. Anh Tú cho biết: “Đợt thu hoạch 150 tấn của gia đình tôi cách nay nửa tháng, giá chỉ 12.000 đồng/kg. Hiện giá đã lên 20.000 đồng/kg, so với cùng kỳ năm trước thì thua xa (30.000 đồng/kg) nhưng bù lại vườn chanh trĩu trái, chắc chắn sẽ cho một mùa bội thu. Chanh bông tím được tiêu thụ ở nhiều nơi nhưng chủ yếu là chợ đầu mối Đồng Tháp. Vì vậy, gia đình tôi sẽ tiếp tục duy trì vườn chanh bông tím”.

Hạ Lê

Giảm phân vô cơ, tăng năng suất cây trồng

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Người dân xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang thay đổi thói quen lạm dụng phân bón vô cơ sang sử dụng phân hữu cơ để bảo vệ môi trường, đồng thời tăng năng suất cây trồng.

Vườn cam Canh của gia đình ông Trần Bá Thuấn ít sâu bệnh.

Xã Tân Quang hiện có 1,3 nghìn ha cây ăn quả gồm: Nhãn, vải thiều, cam Vinh, cam Canh… Trước đây, các nhà vườn quen dùng phân vô cơ: Lân, đạm, kali… theo cảm tính không quan tâm đến chất đất, giai đoạn sinh trưởng và tình trạng của cây trồng. Nhiều chủ vườn lạm dụng phân bón vô cơ dẫn đến đất bạc màu, năng suất và chất lượng cây trồng giảm.

Trước thực trạng đó, đầu năm 2015, qua những buổi tiếp xúc với chủ vườn; mở lớp tập huấn, cán bộ khuyến nông xã đã vận động, hướng dẫn bà con sử dụng phân bón đúng cách, đúng liều lượng, phù hợp với từng loại cây tạo độ tơi xốp, tăng khả năng giữ nước cho đất. Các đại lý cung ứng phân bón ở địa phương được khuyến cáo liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất để lấy mẫu và phân tích chất đất của hộ dân nhằm tư vấn đúng loại phân bón phù hợp với thổ nhưỡng, loại cây trồng.

Ông Trần Bá Thuấn ở thôn Đoàn Kết cho biết: “Từ khi chuyển sang dùng các loại phân hữu cơ, tôi thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đất tơi, xốp; cây trồng ít sâu, bệnh hại; năng suất tăng 5 - 10%/vụ.

Hiện nay toàn xã có hơn 200 chủ vườn đang thực hiện phương pháp giảm bón phân vô cơ với diện tích khoảng 400ha chủ yếu cho vải thiều, cam Canh. Cán bộ khuyến nông xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết phân bón thật-giả; cách sử dụng đúng khoa học để bảo đảm chất lượng nông sản, đồng thời mở rộng diện tích cây ăn quả áp dụng phương pháp này.

Nam Hương

Chuối Việt chính thức sang Nhật

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Khoảng 15 tấn chuối Việt Nam đã được bày bán chính thức trong hệ thống siêu thị bán lẻ Don Kihote tại Tokyo (Nhật Bản) và nhiều địa phương lân cận.

Chuối Việt Nam được bày bán siêu thị Nhật Bản. Ảnh: vov.vn

Thị trường Nhật Bản có nhu cầu cao đối với mặt hàng chuối nhập khẩu với sức tiêu thụ xấp xỉ 1 triệu tấn/năm. Các DN Philippines chiếm tới 85% thị phần chuối nhập khẩu tại Nhật Bản. Tuy nhiên, các DN Nhật Bản cho biết đang có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường.

Trước đó, chuối Việt Nam bắt đầu được xuất khẩu thử nghiệm vào thị trường Nhật Bản từ năm 2013.

Đánh giá về khả năng cạnh tranh quả chuối Việt Nam, ông Hidekatsu Ishikawa, Chủ tịch Công ty VIENT, doanh nghiệp nhập khẩu Nhật Bản, đánh giá cao chất lượng quả chuối Việt Nam với vị ngọt phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Nhật Bản và có mức giá cạnh tranh.

Ông Hidekatsu Ishikawa cho biết ngoài hệ thống siêu thị bán lẻ Don Kihote, một số các hệ thống siêu thị địa phương khác cũng đã bày bán chuối Việt Nam như Chalenger của tỉnh Niiggata.

Dự kiến, trong thời gian tới thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho quả chuối Việt Nam tại các sự kiện xúc thương mại nhằm tăng thị phần của quả chuối Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.

Hiện nay, trái cây của Việt Nam đã có mặt ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2015 đã có 16 thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD. Năm 2015 là năm đánh dấu hiệu quả trong công tác mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm trái cây sang các thị trường khó tính. Điển hình, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ hơn 3 tấn vải, trên 100 tấn nhãn.

Đối với Nhật Bản, ngoài hơn 1.200 tấn thanh long, trên 10 tấn xoài Việt Nam cũng được xuất khẩu sang thị trường này và táo của họ cũng được nhập vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Australia cũng đã chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi và đã có 16 lô vải tươi với trên 28 tấn đã được đưa sang thị trường này.

Trong quý I/2016, Việt Nam đã xuất hơn 2.139 tấn (thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài) sang các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, xấp xỉ 50% so với sản lượng cả năm 2015. Trái thanh long có sự tăng trưởng ấn tượng ở cả 3 thị trường này, trong đó Mỹ với hơn 1.103 tấn, bằng 60% sản lượng của cả năm 2015.

MK

Mận cơm Lạng Sơn được giá

Nguồn tin: VnExpress

Giữa vụ, mận cơm tại vườn bán được khoảng 15.000 - 20.000 đồng một kg, trong khi bán lẻ có thể được giá gấp đôi.

Mận cơm Lạng Sơn đang vào vụ thu hoạch. Năm nay, giá mận cơm đầu vụ nhỉnh hơn mọi năm khoảng 3.000 - 5.000 đồng một kg. Trao đổi với VnExpress, ông Hứa Xuân Dương - Chủ tịch UBND xã Hải Yến (Cao Lộc, Lạng Sơn) ước tính, toàn xã 30ha mận, hầu như gia đình nào cũng trồng nhỏ lẻ từ vài cây cho đến vài trăm cây.

Người dân thu hái mận cơm. Ảnh. Hồng Vân

Đây là loại cây trồng xóa đói giảm nghèo của địa phương, cách đây khoảng 20 năm, nhận thấy giá trị kinh tế của mận cơm nên người dân đã đem giống về trồng. Sau 3 năm cây bói quả và cho thu hoạch. “Đầu vụ, mận cơm được săn lùng với giá cao ngất ngưởng 70.000 - 80.000 đồng một kg. Giờ còn khoảng 30.000 - 40.000 đồng nhưng nhìn chung vẫn được giá. Một số hộ bắt đầu thu hoạch nhưng sản lượng giảm so với mọi năm", vị Chủ tịch xã nói.

Theo ông Dương, khoảng 3 năm trở lại đây, mận cơm ít quả hơn so với trước. Khả năng cho quả kéo dài đến 20 năm sau từ khi được thu hoạch, một số hộ nông dân chặt cây già, trồng cây non nhưng tỷ lệ đậu quả cũng không cao.

Mận cơm giòn, hương vị thơm ngon, bắt mắt được khách ưa chuộng. Ảnh. Hồng Vân

Ông Hoàng Văn Châu (64 tuổi, xã Hải Yến, Cao Lộc) cho biết, gia đình có hơn 300 gốc mận cơm, trồng rải rác mỗi năm, có những cây trồng cách đây 15 năm có những cây mới trồng được 4 - 5 năm. Cách đây khoảng 3 năm, mỗi cây trung bình cho 30kg quả, mỗi vụ gia đình ông thu gần 2 tấn. “Năm nay giá cao nhưng mỗi cây trưởng thành chỉ được khoảng 10kg nên bây giờ nhà tôi mới bắt đầu thu hái”, ông Châu chia sẻ.

Chị Thắm, tiểu thương tại thành phố Lạng Sơn cho hay mận địa phương có mẫu mã, hương vị thơm ngon, giòn nên được khách ưa chuộng. Mỗi ngày, chị gom mận đem ra các chợ như Giếng Vuông, Đông Kinh, rồi đóng hàng gửi xe khách xuống Hà Nội cho khách.

Theo phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc, toàn huyện có hơn 185ha mận cơm. Bà con nông dân tự trồng nhỏ lẻ, rải rác trên vườn đồi của gia đình, chân ruộng hoặc khe suối mà chưa hình thành vùng trồng tập trung. Cây mận cơm dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế người dân.

Hồng Vân

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop