Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 06 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 06 năm 2021

Cả nước gieo trồng 500.000ha rau các loại

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Đến hết tháng 5-2021, cả nước gieo trồng rau các loại đạt khoảng 500.000ha, tăng 20.000ha so với cùng kỳ năm 2020, sản lượng ước đạt hơn 9,2 triệu tấn. Trong đó, các tỉnh phía Bắc đã gieo trồng khoảng 260.000ha, sản lượng ước đạt hơn 4,4 triệu tấn; các tỉnh phía Nam khoảng 240.000ha, sản lượng ước đạt khoảng 4,8 triệu tấn.

Để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rau, Bộ NN& PTNT yêu cầu các tỉnh, thành phố hình thành các vùng sản xuất rau tập trung đủ điều kiện sản xuất an toàn; có cơ sở hạ tầng đồng bộ; xây dựng một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc; tập trung sản xuất rau trái vụ ở các địa phương có điều kiện khí hậu phù hợp trên cơ sở nhu cầu thị trường và có hiệu quả. Cùng với đó là hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật sản xuất, sơ chế và chế biến rau bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

QUỲNH DUNG

Xuất khẩu vải quả ở Hải Dương tăng 2,5 lần

Nguồn tin: Nhân Dân

Sơ chế, đóng gói vải thiều xuất khẩu ở Thanh Hà (Hải Dương).

Năm 2019, sản lượng vải quả của Hải Dương xuất sang các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU mới đạt 500 tấn, thì năm nay ước đạt khoảng 5.000 tấn, tăng 10 lần so với năm 2019 và tăng 2,5 lần so với năm 2020.

Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương, đến ngày 2-6, tất cả những lô vải các doanh nghiệp xuất khẩu đặt mua của Hải Dương để xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” đều bảo đảm yêu cầu vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn và hỗ trợ các công ty đầu tư buồng hun trùng vải xuất khẩu bảo đảm tiêu chuẩn; nâng cấp nhà xưởng, khu sơ chế, đóng gói; tăng cường giám sát các mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn của thị trường quốc tế để bảo đảm nguồn nguyên liệu tốt phục vụ các công ty thu mua, xuất khẩu; phối hợp Cục Bảo vệ thực vật giám sát công tác xông hơi khử trùng các lô hàng xuất khẩu đi Nhật Bản. Tổ chức rà soát, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các doanh nghiệp theo yêu cầu của từng đối tác; thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất vải xuất khẩu và kết nối với các doanh nghiệp thu mua để chỉ đạo sản xuất theo tiêu chuẩn của từng thị trường...

Vải thiều chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản qua đường biển.

Trên cơ sở chất lượng hàng hóa được nâng cao, thương hiệu vải Hải Dương được khẳng định nên năm nay các thị trường nhập khẩu đòi hỏi yêu cầu khắt khe như Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU đã tăng mạnh số đơn đặt hàng, nhờ đó lượng tiêu thụ vải của Hải Dương tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2020. Riêng thị trường Nhật Bản tới thời điểm này đã nhập khẩu số lượng vải quả cao gấp hơn 3 lần tổng sản lượng vải cả nước xuất khẩu đi Nhật Bản năm 2020.

Dự kiến, từ nay đến cuối vụ, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu mua để đạt mục tiêu xuất khẩu 1.000 tấn vải thiều đi Nhật Bản và khoảng 4.000 tấn vải đi Mỹ, Australia, Singapore, EU… Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ vải quả của Hải Dương sang thị trường Trung Quốc, Lào, Campuchia năm nay ước đạt 35-36 nghìn tấn, tăng khoảng 15 nghìn tấn so với năm 2020.

Tính đến hiện tại, Hải Dương thu hoạch và tiêu thụ khoảng 30 nghìn tấn vải sớm bằng 85% sản lượng vải sớm và bằng 55% sản lượng vải toàn tỉnh.

QUỐC VINH

Sầu riêng và nỗi sầu hạn mặn

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Mặc dù hạn, mặn đã đi qua nhưng nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề. Sản lượng sầu riêng cũng giảm đi đáng kể, thương lái thu mua cũng “trần thân”.

Nhiều nhà vườn cho hay, dù mùa này giá sầu riêng có cao hơn năm trước nhưng vẫn không đủ bù lỗ do thiệt hại. Hiện nhà vườn đang thực hiện các biện pháp chăm sóc, phục hồi diện tích vườn cây suy kiệt nhằm duy trì nguồn lợi kinh tế.

Nhà vườn nỗ lực tìm cách khôi phục vườn cây.

Sản lượng sầu riêng giảm đến 70%

Nhiều nông dân trồng sầu riêng cho hay, đợt nắng hạn và xâm nhập mặn năm 2020 khiến nhiều diện tích sầu riêng thất thu, còn nhà vườn lâm vào tình cảnh lao đao vì mất mùa, rớt giá.

Còn năm nay, tuy ảnh hưởng của hạn, mặn không đáng kể nhưng cây sầu riêng vẫn còn chịu ảnh hưởng đợt nắng hạn và xâm nhập mặn khốc liệt của năm trước.

Trong đó, có một số diện tích cây chết người dân buộc phải cưa bỏ để trồng lại, số còn lại ảnh hưởng mặn chưa hồi phục nên người dân bỏ vụ, không dám cho cây mang trái.

Theo một số nông dân ở cù lao Dài (xã Thanh Bình, xã Quới Thiện- Vũng Liêm), ảnh hưởng đợt hạn mặn 2 năm liên tiếp, nhiều vườn sầu riêng bị chết cây, suy kiệt chưa phục hồi kịp nên năm nay số vườn sầu riêng cho trái rất ít, sản lượng giảm 60- 70% so với những năm trước.

Hơn 30 năm gắn bó với cây sầu riêng, chú Võ Văn Lịnh- 76 tuổi (ấp Phước Lý Nhì- xã Quới Thiện) cho biết: “Đợt hạn mặn năm 2020 đã gây thiệt hại nặng cho vườn sầu riêng gần 30 năm tuổi của tôi.

Dù đã dùng nhiều cách cứu nhưng không trụ nổi nên phải đốn bỏ gần 2 công sầu riêng và chuyển sang dăm ghép 30.000 gốc sầu riêng con.

Diện tích còn lại cũng đang phục hồi, nhưng năm nay cho trái lưa thưa, năng suất giảm hơn phân nửa so với những năm trước. Bình thường 1 công sầu riêng thường cho 1- 1,2 tấn trái, năm nay hết sức cũng chừng 400- 500kg”.

Trồng sầu riêng từ năm 1997 nhưng năm nay là năm đầu tiên không có sầu riêng để bán, anh Dương Văn Săng- Chủ nhiệm CLB Khuyến nông xã Thanh Bình (Vũng Liêm), cho hay: “Tôi có 7 công sầu riêng nhưng năm rồi hạn mặn dữ quá nên cây suy, lại thêm ảnh hưởng năm nay nên cây mất sức nên phải bỏ vụ này. Hiện trong CLB chỉ có khoảng 1/3 hộ dân có sầu riêng bán, sản lượng giảm 60- 70% so với năm trước”.

Chú Ba Thới (ấp Thái Bình, xã Thanh Bình) cũng cho hay: “Tôi vừa thu hoạch 5,5 công sầu riêng nhưng chỉ được 4 tấn do đợt mặn năm rồi bị giảm sản lượng, một số chết số còn lại gượng gạo nhưng cũng khó đạt năm suất lẫn chất lượng.

Năm rồi bị rớt đọt không đạt nổi. Dưỡng lắm cây mới phục hồi từ từ. Năm nay, một số cây còn bị cháy lá do trồng lâu năm, độ PH trong đất thấp”.

Chính vì những điều này mà năm nay năng suất, sản lượng sầu riêng đều giảm dẫn đến nguồn cung hạn chế. Nhiều thương lái cho biết năm nay giá sầu riêng cao hơn năm trước, nhưng gom đủ hàng thì “trần thân”.

Nhiều thương lái cho hay: Sản lượng sầu riêng năm nay không có nhiều.

Hiện sầu riêng Ri 6 thu mua tận vườn có giá 50.000- 55.000 đ/kg. Mức giá này cao hơn cùng kỳ năm trước 15.000- 20.000 đ/kg.

Chị Nguyễn Thị Hậu (xã Thanh Bình)- thương lái thu mua sầu riêng 5 năm nay- cho hay: “Nếu như năm rồi mua sầu riêng không kịp, sản lượng nhiều thì năm nay tôi phải vào tận vườn gom sầu riêng nhưng cũng không có nhiều. Ngày nào mối cũng đến lấy hàng nhưng không có đủ sầu riêng để giao”.

Nỗ lực “cứu” vườn sầu riêng

Theo nhiều nhà vườn, do mẫn cảm với độ mặn nên nhiều năm nay cây sầu riêng mất sức, khô cành, chết, cây nào gượng lại được thì dưỡng tiếp nhưng không cho ra trái để cây không mất sức.

Để né hạn mặn không ít hộ dân đã trồng lưa vụ, một số người dân tìm biện pháp phục hồi vườn sầu riêng bằng cách bù vụ dưỡng cây, một số hộ khác thì trồng xen thêm cây ăn trái khác để “lấy ngắn nuôi dài”.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn (ấp Thái Bình- xã Thanh Bình) cho hay: “Tôi có 6 công trồng sầu riêng nhưng năm nay tôi bỏ vụ để dưỡng cây do năm rồi cây bị ảnh hưởng mặn quá. Trái chừng cổ tay là rụng, không đậu nổi. Tôi vừa mới xịt để ức chế cây ra bông rồi đậy mủ trùm gốc, hy vọng vụ sau”.

Cũng đang ra sức dưỡng cây, chú Phan Thanh Liêm ( xã Chánh An- Mang Thít), cho biết: “Năm nay có chủ động phòng chống hạn mặn nên không thiệt hại nhiều tuy nhiên cây vẫn chưa phục hồi hết khả năng. Do đó, tôi cũng không tham, không để cây cho trái nhiều, để cây dưỡng sức. Sau vụ, tôi xới đất, vô phân, để dưỡng cây”.

Để phục hồi sức cho vườn sầu riêng hơn 30 năm tuổi, chú Võ Văn Lịnh cũng đã phải “huy động” cả nhà 5 người bồi sình, dưỡng cây.

Chú Lịnh cho hay: “Bên cạnh ảnh hưởng hạn mặn thì do cây trồng lâu năm nên chất dinh dưỡng trong đất cũng giảm, lại thêm sâu bệnh. Nên muốn dưỡng cây thì phải có biện pháp bài bản, lâu dài. Gắn bó với sầu riêng mấy chục năm nay nên dù bị thiệt hại, giá lên xuống thất thường thì tôi vẫn không bỏ sầu riêng”.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, hiện toàn huyện có trên 1.000ha trồng sầu riêng. Trong đó, các xã cù lao Thanh Bình- Quới Thiện chiếm phần lớn diện tích trồng. Do bị ảnh hưởng hạn, mặn 2 năm liên tiếp nên sầu riêng chịu thiệt hại nhiều.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, cho biết: Trên địa bàn huyện, một số vườn bị suy kiệt năm trước thì năm nay tiếp tục bị “dập”, khiến sản lượng sầu riêng giảm.

Tuy giá năm nay có khá hơn nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí thiệt hại cho bà con. Người dân cũng đã tự tìm cách cứu không bỏ cây sầu riêng vì đây là loại cho giá trị kinh tế cao.

Thời gian qua, để hỗ trợ nông dân, ngành chức năng cũng đã tiếp tục hoàn thành hệ thống đê điều, hướng dẫn nông dân làm trái sớm để né hạn mặn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các biện pháp phục hồi cây, cách trữ nước, xử lý ra bông…

Về lâu dài, theo ông Dương Ái Đạo, cần sự đầu tư quy hoạch về thủy lợi, giảm áp lực sầu riêng cho các xã cù lao Thanh Bình- Quới Thiện bằng cách quy hoạch vùng trồng ở Quới An, Tân Quới Trung. Đồng thời, nông dân cũng cần chủ động, có biện pháp thủ, chuyển cách thức canh tác sang hướng hữu cơ, tìm cây trồng thích ứng với hạn mặn,…

Bài, ảnh: PHI LONG

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giá trái cây lao dốc, nông dân lao đao

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Hiện đang là thời điểm vào vụ thu hoạch các loại trái cây hè, song do dịch COVID-19 bùng phát mạnh, khiến cho nhiều loại trái khó tiêu thụ, thậm chí phải đổ bỏ vì không bán được.

Vườn xoài của gia đình ông Lê Thanh Đán (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) chín rụng đầy gốc vì không bán được.

TRÁI CÂY RỤNG ĐẦY VƯỜN

Gần 1 tháng nay, bà con nông dân xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bất lực nhìn xoài chín rụng đầy gốc. Không tiêu thụ được, giá ở mức chạm đáy, thu hoạch không đủ bù chi phí đầu tư, công thu hái khiến nông dân phải đổ bỏ hàng trăm tấn xoài. Gia đình ông Lê Thanh Đán (ấp Bình Thắng, xã Bình Châu) cho biết, hơn 13 năm trồng xoài, chưa năm nào buồn như vậy. Vụ xoài năm nay năng suất cao, nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến ông trở tay không kịp, ước tính thiệt hại khoảng 85%. Với 2ha trồng các loại xoài Thái, cát Hòa Lộc và Đài Loan, sản lượng ước đạt khoảng 25 tấn, đầu vụ đã tiêu thụ được 5 tấn, số còn lại đến nay không ai mua, nên xoài rụng đầy vườn. Hiện tại vườn, giá xoài Đài loan, xoài ghép chỉ 1.500 đồng/kg, cát Hòa Lộc đang có giá chỉ 12.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. “Giá rẻ chạm đáy nhưng thương lái cũng không mua. Nếu thuê nhân công thu hoạch mất 250 ngàn đồng/người/ngày, tiền bán xoài không đủ bù chi phí bỏ ra. Hiện chúng tôi chỉ có thể hái để bán lẻ ngoài chợ, những với hàng chục tấn như vậy thì cũng không thấm vào đâu. Nhìn xoài rụng chín đầy gốc mà bất lực…”, ông Đán than thở.

Châu Đức là địa phương có diện tích trồng trái cây lớn của tỉnh với hơn 3.800ha, với các loại trái cây chủ lực như bơ, chôm chôm, sầu riêng, mít thái, măng cụt… Thời điểm này đang bước vào vụ thu hoạch nhưng cũng đang diễn ra tình trạng trái cây chín rộ đầy vườn mà không có người mua. Ông Hoàng Long Vỹ, ấp 3, xã Kim Long, huyện Châu Đức cho biết, gia đình ông hiện đang trồng hơn 1ha bơ, sản lượng ước tính khoảng 16 tấn. Nếu như mọi năm với mức giá từ 28-30.000 đồng/kg, ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ. Năm nay giá lại quá thấp, giá rớt xuống 10-12.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không thu mua.

Nhiều loại trái cây hiện đang có mức giá chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Phước (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đang thu hoạch sầu riêng.

NHIỀU NGUYÊN NHÂN ĐẨY GIÁ TRÁI CÂY LAO DỐC

Theo các nhà vườn, sức tiêu thụ các mặt hàng trái cây tươi gặp khó khăn ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là khi các loại trái cây trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch, là nguyên nhân chính khiến giá nhiều mặt hàng trái cây giảm mạnh so với mọi năm. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài khiến trái cây nhỏ, chất lượng kém hơn nên tỷ lệ trái loại 1 rất thấp, đa số là hàng loại 2, loại 3 thường có giá thấp hơn so với hàng tuyển.

Khảo sát tại các nhà vườn, khoảng nửa tháng trở lại đây, giá trái cây liên tục giảm mạnh. Cụ thể, sầu riêng thường bán tại vườn chỉ còn 27-29.000 đồng/kg; sầu riêng hạt lép Ri6 còn 50.000 đồng/kg; chôm chôm thái, chôm chôm nhãn còn từ 8-12.000 đồng/kg, chôm chôm thường dưới 5.000 đồng/kg; bơ 15.000 đồng/kg; mít thái từ 5-10.000 đồng/kg...

Nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản trước diễn biến phức tạp của dịch COVID0-19; Sở NN-PTNT cũng tăng cường tổ chức các phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ nông dân bán hàng qua các kênh thương mại điện tử trong thời kỳ dịch bệnh xảy ra phức tạp. Về lâu dài, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục thực hiện Quy hoạch ngành NN-PNTN đến năm 2030 theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế, đây là điều kiện để loại đặc sản của tỉnh có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Đặc biệt tiếp tục khuyến khích bà con nông dân áp dụng khoa học công nghệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn vào trong quá trình trồng để có nguồn nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường. Đồng thời, kêu gọi, khuyến khích các DN trong và ngoài nước đầu tư các nhà sơ chế, chế biến sâu sản phẩm nông sản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, tránh phải giải cứu nguyên liệu một cách bền vững.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh hiện có diện tích trồng trái cây trên 12 ngàn ha với nhiều loại trái cây, trong đó có trái cây hè cho sản lượng trung bình 80 ngàn tấn mỗi năm, chủ yếu được tiêu thụ nội địa và thị trường Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Dịch bệnh COVID-19 khiến trái cây khó xuất khẩu nên chủ yếu phải tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, người dân thắt chặt chi tiêu, nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn đóng cửa cũng khiến nguồn cầu giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành ngành nông nghiệp, bên cạnh yếu tố ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì một nguyên nhân khác đó là diện tích trồng trái cây trên địa bàn tỉnh 3 năm trở lại đây liên tục tăng nhưng chưa tính đến bài toán liên kết bền vững với đầu ra. Điều này cũng lý giải cho tình trạng cung vượt cầu như vụ trái cây hè năm nay.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

Chăm sóc cây trồng đúng cách trong mùa mưa để bảo đảm năng suất

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Bước vào mùa mưa, việc chăm sóc cây trồng đúng cách là vấn đề rất quan trọng, giúp vườn cây sinh trưởng tốt, bảo đảm đạt năng suất cao.

Theo Chi cục Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông, năm 2021, toàn tỉnh hiện có 137.683 ha cà phê, 32.789 ha hồ tiêu, 15.726 ha điều…

Ông Bạch Đăng Vũ, ở thôn Đức Thọ, xã Đắk Lao (Đắk Mil) đôn lại gốc tiêu sau mùa khô

Trong điều kiện giá hồ tiêu, cà phê, điều giai đoạn đầu vụ hè thu có dấu hiệu tăng, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân tiếp tục chăm sóc vườn cây hiện có và đầu tư theo hướng hữu cơ để cây sinh trưởng, phát triển bền vững.

Đến thời điểm này, trên địa địa bàn các huyện, thành phố, thời tiết ngày càng ôn hòa, lượng mưa dồi dào nên hầu hết vườn cà phê, hồ tiêu của bà con đều được "giải khát" sau nhiều tháng nắng nóng.

Sau những cơn mưa đầu mùa, đất đủ độ ẩm, gia đình ông Dương Văn Cường, ở thôn 2, xã Cư K’nia (Cư Jút), đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện sản xuất, phân bón để tập trung chăm sóc, phòng trừ nấm bệnh, giúp vườn cà phê lấy lại sức.

Ông Cường cho biết: "Sau những tháng mùa khô, vườn cây bị suy yếu nhiều do thiếu nước, thiếu dưỡng chất. Do đó, khi mưa đều, đủ điều kiện cho cây sinh trưởng, tôi đã bổ sung thêm phân bón giúp cây có đủ dinh dưỡng để nuôi quả và phát triển cành lá”.

Còn gia đình ông Bạch Đăng Vũ, ở thôn Đức Thọ, xã Đắk Lao (Đắk Mil), có 2,5 ha đất trồng cà phê xen với cây hồ tiêu. Trong mùa khô vừa rồi, nhờ có hệ thống hồ chứa nên vườn cây của gia đình ông không bị ảnh hưởng nhiều bởi khô hạn.

Gia đình ông đã sử dụng xác bã cà phê ủ hoai để làm phân bón, giúp tăng độ mùn cho đất, nên vườn cà phê, hồ tiêu luôn giữ được độ ẩm khá lâu sau mỗi chu kỳ tưới nước. Nhờ đó, vườn cà phê của gia đình ông Vũ có tỷ lệ đậu quả ở mức cao.

Cũng như ông Vũ, nhiều hộ dân tại thôn Đức Thọ đã áp dụng biện pháp bón hữu cơ, các chế phẩm vi sinh để bón cho cây trồng. Cách canh tác theo hướng hữu cơ đã giúp vườn cà phê, hồ tiêu ở đây sinh trưởng, phát triển khá tốt.

Theo bà con, những năm trước đây, do chưa nắm được kỹ thuật, nên nhiều người phụ thuộc vào khá nhiều phân hóa học. Tuy vườn cây có phát triển, nhưng chỉ sau vài năm đã có dấu hiệu còi cọc, vàng lá, kém phát triển. Kết quả, bón phân hữu cơ không những mang lại hiệu quả về năng suất cây trồng mà còn giảm được khá nhiều chi phí sản xuất.

Vườn cà phê hơn 1,5 ha của gia đình ông Lê Văn Nhân, ở xã Nam Đà (Krông Nô) vẫn sinh trưởng, phát triển ổn định trong mùa khô vừa qua nhờ được bón phân hữu cơ thường xuyên. Theo ông Nhân, nếu vườn cà phê được chăm sóc tốt trong mùa nắng nóng thì vào mùa mưa, việc chăm sóc sẽ thuận lợi và cho năng suất cao hơn.

Theo Chi cục Nông nghiệp tỉnh, trong thời kỳ cà phê bước vào giai đoạn chắt nhân như hiện nay thường bị các loại sâu hại, nấm bệnh như mọt đục cành, sâu đục thân, bệnh gỉ sắt, đốm mắt cua, nấm hồng, lở cổ rễ... tấn công.

Hiện tượng này xảy ra là do tác động của thời tiết lẫn sự điều tiết sinh trưởng cây. Để hạn chế tình trạng này, bà con cần chú trọng kết hợp cung cấp dinh dưỡng bón qua lá, gốc và các loại thuốc bảo vệ thực vật trừ nấm bệnh cho cây.

Khi quan sát cuống hoa hoặc khi thấy cây có hiện tượng bồ hóng trên lá thì xử lý bằng thuốc chống nấm, rệp sáp theo hướng dẫn. Khi đã có hiện tượng rụng quả non hàng loạt thì xử lý bằng thuốc chống nấm có hoạt chất được phép sử dụng.

Bà con cần cắt tỉa cành cho cây thông thoáng, dễ tiếp nhận được nhiều ánh sáng, ngăn không cho bào tử nấm phát triển. Điều này giúp cây phát triển tốt, khắc phục được hiện tượng rụng quả non, mang lại năng suất cao hơn.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Vĩnh Long: Giống lúa chất lượng cao chiếm trên 65% ở vụ Hè Thu

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long), trong cơ cấu giống lúa vụ Hè Thu năm nay, các giống nhóm chất lượng cao chiếm 65,45% trong tổng diện tích xuống giống và các giống nhóm chất lượng thấp 27,4%.

Diện tích gieo sạ các giống nhóm chất lượng thấp trên 9.861ha, cao hơn 738ha so với cùng kỳ năm trước diện tích xuống giống ML202 tăng.

Vụ lúa Hè Thu này, toàn tỉnh đã xuống giống 45.267ha, đạt 88% so với kế hoạch, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện lúa chủ yếu giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Trà lúa Hè Thu sớm đã thu hoạch 2.192ha tại Vũng Liêm và Trà Ôn với năng suất đạt 6,9 tấn/ha.

Ngay từ đầu vụ, ngành chuyên môn đã khuyến cáo người dân phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao để gieo sạ.

Đối với các giống chất lượng thấp (IR50404, ML202,…) sử dụng không quá 20% trong cơ cấu giống cho từng địa phương.

Cụ thể, nhóm giống lúa chủ lực gồm: OM5451, OM4900, OM6976, Đài thơm 8, Jasmine 85, OM18,… nhóm giống lúa bổ sung là LH8, OM2517, OM9577, OM9955,…

Bên cạnh, sử dụng giống lúa đạt chất lượng, giảm lượng giống gieo sạ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; thường xuyên theo dõi, phát hiện và phòng trị kịp thời các đối tượng gây hại.

THÀNH LONG

Giá hồ tiêu tăng, nông dân vẫn phải cẩn trọng với việc trồng mới

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Những tháng đầu năm, giá hồ tiêu trên thị trường bất ngờ tăng lên mức 65-80 ngàn đồng/kg. Đây là tín hiệu lạc quan sau gần 4 năm giá hồ tiêu lao dốc. Tuy nhiên, người dân Gia Lai vẫn phải cẩn trọng, không vội đầu tư mở rộng diện tích loại cây trồng này.

Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương trong tỉnh như: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Păh, Ia Grai, TP. Pleiku… Khi giá hồ tiêu tăng cao và ổn định, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập “khủng”. Từ đó, nhiều hộ bất chấp rủi ro vay vốn đầu tư mở rộng diện tích hồ tiêu. Tuy nhiên, thiên tai, dịch bệnh bất ngờ xuất hiện khiến cây hồ tiêu chết hàng loạt. Đã vậy, giá hồ tiêu trên thị trường liên tục giảm mạnh chỉ còn 35-40 ngàn đồng/kg khiến nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Sau gần 4 năm chạm đáy, những tháng đầu năm 2021, giá hồ tiêu tăng lên mức 65-75 ngàn đồng/kg, có thời điểm đạt 80 ngàn đồng/kg. Điều này mang lại niềm vui rất lớn cho nhiều hộ trồng hồ tiêu.

Bà Nguyễn Thị Thanh (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: “Tôi trồng hồ tiêu từ năm 2007. Trước đây, 3.000 trụ hồ tiêu đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Nhưng rồi dịch bệnh xuất hiện khiến cây hồ tiêu chết dần, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm nay, giá hồ tiêu tăng trở lại nhưng tôi không vội mở rộng diện tích mà tập trung chăm sóc diện tích còn lại. Tôi chỉ xử lý nấm bệnh trong đất trồng lại khoảng 200 trụ, chủ yếu để gầy giống. Trên diện tích này, tôi trồng thêm 70 cây chanh dây vừa che bóng mát, vừa có nguồn thu nhập để chăm sóc cây hồ tiêu phát triển ổn định”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng (làng Kênh Siêu, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) cho hay: “Hiện nay, một số hộ dân bắt đầu trồng hồ tiêu nhưng diện tích không nhiều như trước đây vì nguồn vốn hạn chế. Bên cạnh đó, họ trồng xen vào vườn cà phê và cây ăn quả để có nguồn thu nhập. Riêng tôi, trước đây cũng có hơn 1.000 trụ hồ tiêu kinh doanh, nhưng rồi dịch bệnh bất ngờ xuất hiện đã làm cây chết nhiều, hiện chỉ còn hơn 400 trụ. Những tháng gần đây, giá hồ tiêu tăng trở lại, song gia đình tôi chỉ đầu tư trồng lại mỗi năm khoảng 100-200 trụ xen trong vườn cà phê và cây ăn quả”.

Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) dự định trồng mỗi năm khoảng 100-200 trụ hồ tiêu xen trong vườn cà phê và cây ăn quả. Ảnh: Nguyễn Diệp

Chư Sê và Chư Pưh từng là “thủ phủ” hồ tiêu của cả nước. Khi dịch bệnh xảy ra và giá hồ tiêu xuống thấp, nhiều hộ dân nơi đây rơi vào cảnh nợ nần. Hiện nay, giá mặt hàng này bắt đầu phục hồi. Ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người dân cần liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sử dụng nguồn giống sạch bệnh.

Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Một số hộ dân có kinh tế ổn định đang bắt đầu trồng lại hồ tiêu nhưng diện tích không nhiều. Phòng khuyến khích người dân liên kết với Công ty TNHH Olam để mua giống sạch bệnh và được hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Sau này, sản phẩm được Công ty thu mua với giá cao hơn so với hồ tiêu sản xuất thông thường.

Nông dân Chư Pưh sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Diệp

Còn ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: “Chúng tôi khuyến cáo người dân nên mua giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh. Bên cạnh đó, các hộ nên trồng xen vào vườn cà phê, cây ăn quả để đa dạng hóa cây trồng, có nguồn thu nhập xoay vòng, hạn chế độc canh cây hồ tiêu”.

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-thông tin: Hiện tại, hồ tiêu đang bước vào chu kỳ giá mới nên người dân cần cẩn trọng khi mở rộng diện tích. Hiệp hội đã khuyến cáo người dân khi trồng mới phải xử lý đất, nấm bệnh trên trụ gỗ và trụ bê tông; trồng cây che bóng mát và chọn những vùng đất phù hợp để cây hồ tiêu phát triển mạnh; trồng theo hướng hữu cơ… Đặc biệt, người dân không nên trồng ở những diện tích đã nhiễm bệnh nặng từ trước và trồng xen trong vườn cà phê, cây ăn quả.

Mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân nên sử dụng giống Vĩnh Linh và Lộc Ninh cho những diện tích tái canh trong quy hoạch, kế hoạch sản xuất của địa phương; sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng quy trình canh tác bền vững có truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức rà soát diện tích hồ tiêu trên địa bàn, xác định vùng sản xuất phù hợp và không phù hợp để định hướng phát triển các vùng hồ tiêu an toàn gắn với xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

NGUYỄN DIỆP

Nam Định: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp

Nguồn tin: Báo Nam Định

Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) nói chung và công nghệ vi sinh nói riêng vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân trong tỉnh Nam Định sản xuất ra nhiều nông sản, thực phẩm an toàn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Qua đó góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững và đảm bảo tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ vi sinh kết hợp thức ăn thảo dược của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh).

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở KH và CN đã phối hợp xây dựng nhiều mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH và CN vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng một số chế phẩm sinh học vào sản xuất đã thể hiện những ưu việt nhất định. Điển hình là mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh). Ông Thục cho biết: Hiện trang trại của ông nuôi hơn 500 con lợn các loại với 4 dãy chuồng có tổng diện tích 700m2. Trong suốt quá trình nuôi, ông sử dụng men vi sinh chủng EM (mua tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trộn vào ngô, cám gạo, đậu tương và các loại thảo dược (đẳng sâm, khổ sâm, kim ngân, quế chi, thảo quả...) làm khẩu phần ăn hàng ngày cho lợn. Chế phẩm vi sinh này giúp làm tăng quá trình phân giải hiếu khí, hạn chế quá trình phân giải yếm khí sinh ra các khí gây mùi hôi cho chuồng nuôi, cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột của lợn, ức chế nhóm vi sinh vật ngoại sinh phát triển. Từ đó giúp đàn lợn tăng cường hấp thụ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng, khỏe mạnh, không phải dùng bất kỳ loại kháng sinh nào, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Mỗi năm trang trại xuất bán khoảng 70-80 tấn thịt ra thị trường. Ông Thục tự hào rằng phương pháp ứng dụng công nghệ vi sinh kết hợp thức ăn thảo dược tạo ra sản phẩm thịt lợn hữu cơ thuộc loại ngon nhất tỉnh Nam Định, được công nhận là sản phẩm OCOP, có giá bán cao hơn khoảng 5-10 nghìn đồng/kg so với lợn nuôi bằng thức ăn thông thường. Trong nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ nông dân tại các xã Nam Điền (Nghĩa Hưng); Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu)… đã thực hiện các mô hình nuôi tôm bằng vi sinh, chế phẩm sinh học, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để hướng đến phát triển nuôi tôm bền vững. Nổi bật hiện nay là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc của ông Nguyễn Lương Bằng, khu 2, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Ông Bằng cho biết: Ứng dụng công nghệ này mặc dù nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn song rút ngắn được thời gian nuôi, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng; giảm thiểu rủi ro, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với phương pháp nuôi tôm truyền thống. Nhất là việc ứng dụng chế phẩm sinh học Biofloc, một loại hạt phức hợp đa dạng của vi khuẩn, tảo, động vật phù du... kết hợp với thức ăn dư thừa và xác tôm chết tạo thành thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho tôm, giúp giảm tới 30% lượng thức ăn trong ao nuôi. Tôm nuôi không sử dụng kháng sinh, hóa chất, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học nên đảm bảo về chất lượng đầu ra. Đồng thời, duy trì chất lượng môi trường nước tốt, đảm bảo cho tôm sinh sống, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Ứng dụng công nghệ Biofloc, mỗi năm ông Bằng nuôi được 3 vụ tôm, sản lượng tôm đạt trên 40 tấn, lãi 1,5 tỷ đồng/năm. Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều hộ nông dân ở xã Nam Vân (thành phố Nam Định) và các xã, thị trấn của huyện Trực Ninh đã ứng dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Việc sử dụng chế phẩm AT-YTB cho thấy sau 7-10 ngày phun, rơm rạ được phân hủy trên 90%, bùn ruộng mát, mềm hơn so với ruộng không được xử lý. Đồng ruộng giảm mùi tanh hôi do các khí phân hủy rơm rạ gây ra, giảm ốc bươu vàng gây hại. Nhờ đó, năng suất lúa tăng khoảng 5-10%. Ngoài ra, theo một số hộ dân, nếu sử dụng chế phẩm AT-YTB liên tục trong nhiều vụ sẽ giảm lượng phân bón từ 15-30% so với thông thường.

Kết quả từ các mô hình ở tỉnh ta cũng như ở nhiều nơi trên cả nước cho thấy việc ứng dụng những chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại một số lợi ích toàn diện, to lớn như: có tác dụng tăng khả năng hấp thụ, phát triển, chống dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống; nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thực phẩm góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu tư cho người nông dân. Cụ thể, trong trồng trọt, chế phẩm vi sinh giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, nâng cao sức chống chịu như rét, hạn, úng và sâu bệnh hại. Ngoài ra, chế phẩm sinh học còn giúp cải tạo xử lý đất, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, hạn chế các tác nhân gây bệnh tồn tại trong đất. Trong lĩnh vực chăn nuôi, chế phẩm sinh học giúp tăng sức đề kháng, giảm khẩu phần thức ăn, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, khử mùi hôi, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi như: thịt lợn, thịt bò, trứng gà. Trong nuôi trồng thủy sản, chế phẩm vi sinh giúp bổ sung những vi khuẩn có lợi giúp cân bằng tiêu hóa, xử lý ô nhiễm, xử lý khí độc trong ao tôm, xử lý bùn đáy, xử lý nước ao nuôi, tăng cường miễn dịch và sức đề kháng cho tôm, cá... Nước từ ao nuôi khi thay rửa cũng giảm nguy cơ gây hại ra môi trường chung. Bên cạnh việc xây dựng các mô hình để tuyên truyền trực tiếp, cụ thể nhất, các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cho người dân hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và đảm bảo môi trường. Trong đó, giải pháp ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân từ lạc hậu, thủ công sang phương pháp hiện đại, áp dụng KH và CN vào sản xuất. Đặc biệt là việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học trong quá trình sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đó là xu hướng phổ biến và tất yếu để đảm bảo nền nông nghiệp phát triển bền vững thuận tự nhiên và vì con người./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Quảng Trị: Nuôi bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế ở Tân Long

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Thời gian qua, do ảnh hưởng của COVID-19 nên việc sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân tìm hướng làm ăn để chuyển đổi phù hợp, hiệu quả và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới mang lại nguồn thu nhập khá cao, đặc biệt trong đó có mô hình nuôi bò vỗ béo.

Một mô hình nuôi bò vỗ béo hiệu quả ở Tân Long, Hướng Hóa - Ảnh: K.S

Một mô hình nuôi bò vỗ béo hiệu quả ở Tân Long, Hướng Hóa - Ảnh: K.S

Xã Tân Long là một trong những xã vùng biên giới có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội khi có Quốc lộ 9 đi qua nối liền với nước bạn Lào. Do đó, thời gian trước đây có khá nhiều hộ dân trong xã qua lại buôn bán tại các huyện bạn Lào và thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, từ khi COVID - 19 bùng phát, việc lưu thông và giao thương hàng hóa hai bên biên giới trở nên khó khăn, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền xã, số hộ này quyết định tìm hướng sản xuất, kinh doanh mới. Qua tìm hiểu nắm bắt tiềm năng, lợi thế của địa phương trong việc chăn nuôi, người dân đã chọn mô hình chăn nuôi bò vỗ béo để phát triển kinh tế. Qua hơn 1 năm thực hiện cho thấy, mô hình này rất khả quan, đem lại nguồn thu nhập khá và đang được nhân rộng trên địa bàn xã.

Ông Đỗ Thiên Nam ở thôn Long An trước đây là thương lái, chuyên nhập bò giống từ Thái Lan, Lào về cung cấp cho nông dân ở Hướng Hóa. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, việc qua lại biên giới Việt - Lào và Thái Lan khó khăn nên ông quyết định đầu tư xây dựng mô hình nuôi bò vỗ béo tại xã. Để thực hiện mô hình này, ông xây dựng chuồng trại có quy mô, lựa chọn những con giống chất lượng cao mua về nuôi. Đầu năm 2020, ông thí điểm nuôi hơn chục con bò vỗ béo. Nhờ nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi kỹ lưỡng nên đàn bò của ông phát triển thuận lợi, không kén ăn, ít dịch bệnh, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Vài tháng sau đó, ông đầu tư mở rộng mô hình trên 100 con bò, trừ chi phí, năm vừa rồi ông thu về trên 500 triệu đồng. Ông Nam cho biết: “Do quen biết với các cơ sở chăn nuôi, kinh doanh bò vỗ béo trong và ngoại tỉnh nên tôi thuận lợi hơn trong việc học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Bên cạnh đó, giá cả, đầu ra của mô hình này ổn định nên việc chăn nuôi bò vỗ béo của gia đình tôi phát triển khá thuận lợi. Hiện tại, tôi còn cung cấp con giống và góp phần giúp người dân địa phương đảm bảo được đầu ra cho mô hình nuôi bò vỗ béo”.

Sau hơn một năm triển khai thí điểm, đến nay nuôi bò vỗ béo tại xã Tân Long đã được nhân rộng với trên 25 mô hình, trong đó 9 mô hình có quy mô từ 20 - 230 con, còn lại là các mô hình có quy mô từ 5 - 10 con. Một số hộ gia đình duy trì được số lượng con giống lớn như gia đình các ông Lê Đăng Lâm, Đỗ Văn Hoài ở thôn Long Quy trong chuồng trại thường xuyên có khoảng 100 con bò vỗ béo. Mô hình nuôi bò vỗ béo hiện có ở khắp các thôn của xã Tân Long, trong đó trên 50% mô hình tập trung ở thôn Long Quy. Con giống nuôi ở xã đa phần là giống bò cỏ và một số ít nhập từ Lào về có đặc điểm dễ nuôi, phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương. Từ những điều kiện thuận lợi này, đa phần các mô hình nuôi bò vỗ béo tại Tân Long đều phát triển thuận lợi. Bò sau khi vỗ béo bình quân 2 tháng xuất chuồng 1 lứa, mỗi con sẽ đem lại lợi nhuận từ 3 - 3,5 triệu đồng. Đầu ra của các mô hình này luôn được đảm bảo, thương lái đến thu mua tận nơi. Mặt khác, thông qua liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh, bò vỗ béo ở đây luôn được xuất bán rất thuận lợi.

Phần lớn chuồng trại chăn nuôi bò ở xã đều xa dân cư nên đảm bảo vệ sinh môi trường. Lợi thế lớn nhất của Tân Long trong thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo đó là có các đồng cỏ rộng lớn, đất đai khá phì nhiêu nên nông dân thuận lợi trong việc trồng cỏ chăn nuôi bò. Bên cạnh đó, các hộ nuôi bò đều được địa phương quan tâm, tạo điều kiện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc nên có thể chủ động trong việc chăm sóc và phòng, chống dịch cho đàn bò. Mặt khác, vấn đề vốn vay để xây dựng mô hình luôn được Hội Nông dân xã Tân Long quan tâm, tạo điều kiện. Thông qua tín chấp của hội, đa phần các hộ đều được vay tối đa 50 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, hội còn tín chấp ở các ngân hàng khác để nông dân vay vốn đầu tư chăn nuôi với số vốn được vay ít nhất 100 triệu đồng/hộ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long Đỗ Mĩnh cho biết: “Từ hiệu quả ban đầu của mô hình nuôi bò vỗ béo, hiện nay một số hội viên nông dân trong xã tiếp tục vay vốn để xây dựng và mở rộng mô hình. Điển hình có hộ đầu tư cơ sở vật chất với quy mô lớn như hộ gia đình ông Lê Trọng Dương ở thôn Long Quy đầu từ 1,5 tỉ đồng để mở trang trại. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục vận động, hỗ trợ giúp đỡ hội viên, nhất là vấn đề học tập kinh nghiệm, tìm nguồn vốn vay và đầu ra cho mô hình nuôi bò vỗ béo. Hy vọng đây sẽ là hướng phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao thu nhập cho hội viên, nhất là trong tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay”.

Ngọc Trang

Nuôi vịt siêu ngỗng lãi khoảng 10.000 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Vịt siêu ngỗng giá ổn định, người nuôi lãi cao.

Nhiều hộ nuôi giống vịt siêu ngỗng ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) hiện có lãi cao. Theo các hộ nuôi vịt siêu ngỗng cho biết, vịt này có thể nuôi quanh năm, nhưng thích hợp nhất là vào những tháng mùa mưa, vịt sẽ ít bệnh. Đặc điểm của vịt siêu ngỗng là ít hao hụt con giống, ăn mạnh, mau lớn, từ khi thả nuôi đến xuất bán chỉ mất thời gian khoảng 70 ngày, đạt trọng lượng 3,5-4kg, chi phí sản xuất 1kg vịt khoảng 25.000 đồng, người nuôi lãi khoảng 10.000 đồng/kg. Trung bình 100 con vịt siêu ngỗng cho lợi nhuận hơn 3 triệu đồng sau hơn 2 tháng nuôi. Hiện thương lái thu mua vịt siêu ngỗng 35.000 đồng/kg, mức giá này ổn định trong nhiều tháng qua.

Tin, ảnh: VĂN MINH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop