Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 07 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 07 năm 2016

Hoành Bồ (Quảng Ninh): Nhân rộng cánh đồng 100 triệu/ha

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

Nhằm đẩy nhanh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) đang xây dựng và nhân rộng nhiều cánh đồng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Mô hình này bước đầu đã giúp nông dân chủ động chuyển đổi cây trồng thích hợp, mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập.

Chủ động từ nông dân

Giữa cái nắng gay gắt một ngày cuối tháng 6, chúng tôi có mặt tại cánh đồng Đình, thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi, một trong những cánh đồng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm trở lên của huyện Hoành Bồ. Dù thời tiết nắng gắt nhưng nhiều nông dân vẫn hối hả thu hoạch dưa, lạc và chuẩn bị làm đất để gieo cấy vụ mùa sắp tới. Ông Lê Văn Hồng, thôn Tân Tiến vui mừng cho biết: Năm nay, gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng 8 sào dưa hấu và dưa lê. Nhờ chăm sóc tốt, nên vụ dưa này gia đình đã thu lãi được hơn 50 triệu đồng. Hiện gia đình ông Hồng đang khẩn trương thu hoạch hết số dưa để chuyển sang cày bừa đất kịp gieo cấy vụ lúa mùa. Sau vụ lúa này vào khoảng tháng 10, gia đình ông sẽ tiếp tục chuyển sang trồng hoa để bán vào dịp tết.

Hơn 5 sào mía của gia đình ông Nguyễn Văn Hiền, thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương (Hoành Bồ) mỗi năm cho thu lãi hơn 50 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Thụy, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết, cùng với định hướng sản xuất nông nghiệp của địa phương, bà con nông dân xã Lê Lợi đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sử dụng trên diện tích đất canh tác. Nhờ đó đến nay, xã đã xây dựng được 8 cánh đồng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, trong đó tập trung vào các cây trồng là thế mạnh của địa phương như: Lúa, hoa, dưa, rau... Những mô hình sản xuất này đang mở ra hướng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân trong xã. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục dồn điền đổi thửa, cho nhân rộng ra nhiều cánh đồng lớn thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với Lê Lợi, xã Sơn Dương cũng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương đem lại hiệu quả cao. Là xã thuần nông với địa hình bán sơn địa, đất nông nghiệp bị chia cắt manh mún, nhỏ lẻ, đất bạc màu khiến việc sản xuất nông nghiệp nhất là gieo trồng lúa của xã Sơn Dương gặp không ít khó khăn. Trước đây, người dân chủ yếu trồng lúa là chính nhưng do không chủ động được nước tưới nên năng suất luôn bấp bênh. Vài năm trở lại đây, nhiều cánh đồng lúa đã được nông dân chuyển sang trồng mía cho năng suất, sản lượng cao hơn so với cấy lúa.

Ông Nguyễn Văn Hiền, thôn Vườn Rậm chia sẻ: Trồng cây mía cho năng suất và thu nhập cao gấp 4-5 lần so với cây lúa. Năm ngoái, gia đình tôi trồng hơn 5 sào mía, thu lãi hơn 50 triệu đồng. Vụ tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía và tính sẽ trồng thêm một số cây ăn quả như thanh long, ổi.

Đến nay, xã Sơn Dương đã xây dựng được 5 cánh đồng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm/ha. Dự kiến sắp tới, địa phương sẽ vận động bà con trồng thêm hơn 10ha các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như ổi, thăng long, cam.

Nỗ lực xây dựng vùng sản xuất tập trung

Ngoài 2 xã Lê Lợi và Sơn Dương, các địa phương khác cũng đang tích cực xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng 100 triệu đồng/ha/năm. Kết quả này đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp Hoành Bồ từ 135 tỷ đồng (năm 2011) tăng lên 181 tỷ đồng (năm 2015). Đây là tiền đề giúp Hoành Bồ đẩy nhanh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung trong những năm tới.

Thực tế, cơ cấu cây trồng trên các cánh đồng thu nhập trên 100 triệu đồng/ha, áp dụng nhiều nhất hiện nay là trồng hoa, cây cảnh (tập trung ở Quảng La, Thống Nhất, Lê Lợi, thị trấn Trới); trồng lúa (Thống Nhất, Vũ Oai, Dân Chủ, Bằng Cả, Sơn Dương...); trồng mía tím (Vũ Oai, Thống Nhất, Sơn Dương) và trồng rau, cây ăn quả (thị trấn Trới, Thống Nhất, Sơn Dương, Quảng La...). Những cây trồng này phần lớn nằm trong quy hoạch phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung nông nghiệp huyện Hoành Bồ giai đoạn 2014-2020. Ngoài ra, huyện còn quy hoạch các vùng phát triển dược liệu, trồng nấm, nhựa thông nhằm đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

Bà Đỗ Thu Hằng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Để phát huy hiệu quả hơn những cánh đồng cho thu nhập cao (hơn 100 triệu đồng/ha) ngoài việc đưa giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian tới huyện còn tiếp tục lồng ghép tổ chức các buổi tập huấn về chuyển giao khoa học công nghệ, giúp nông dân chuyển đổi, lựa chọn các giống cây trồng mới phù hợp. Ngoài ra, huyện còn tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP địa phương như: Hoa, dược liệu, cây ăn quả, mía tím... nhằm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của huyện chính là diện tích đất canh tác nông nghiệp bị manh mún, nhỏ lẻ, khó hình thành những cánh đồng lớn chuyên canh thực thụ. Tháo gỡ khó khăn này, trong quá trình xây dựng nông thôn mới các địa phương cần chú ý đến công tác dồn điền đổi thửa nhằm xây dựng và nhân rộng được nhiều cánh đồng cho giá trị kinh tế cao.

Phạm Tăng

Nghệ An: Nông dân bãi Ngang thu nhập 70 tỷ đồng từ hành hoa

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Với cơ chế hỗ trợ trồng luân canh, xen canh các loại rau màu, thời gian qua, nông dân vùng Bãi Ngang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã phát triển được vùng chuyên canh cây rau màu với nhiều loại phong phú. Trong đó, chủ lực và đem lại hiệu quả cao nhất là cây hành hoa.

Chăm bón cho hành hoa

Hành hoa là loại cây gia vị, có thể ăn tươi hoặc làm nguyên liệu cho các ngành chế biến thực phẩm nên nhu cầu tiêu thụ hành hoa hàng năm rất lớn. Xác định được nhu cầu của thị trường, qua khảo sát điều kiện ở địa phương, từ năm 2010, các xã vùng Bãi Ngang của huyện Quỳnh Lưu như Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng đã đưa hành hoa trở thành cây trồng chủ lực, cho thu nhập cao ở địa phương và sản xuất quanh năm.

Chị Hồ Thị Hương ở xóm 3, xã Quỳnh Minh có 3 sào trồng hành hoa. Chị Hương cho biết: Gia đình chị chủ yếu trồng hành vì rất dễ bán. Hiện nay, giá hành ở mức 12.000 đồng/kg thì 3 sào gia đình chị cũng lãi khoảng 50 triệu đồng/năm. Có thời điểm giá hành lên rất cao 25.000 đồng/kg. Thấp nhất 2.000 – 3.000 đồng/kg thì cũng có lãi ít, không lỗ vốn.

Hành dễ trồng, vốn đầu tư thấp, thời gian cho thu hoạch nhanh nên hiệu quả kinh tế rất cao. Mỗi năm, bà con ở vùng Bãi Ngang có thể trồng từ 3 – 5 lứa hành, mỗi lứa từ 40 – 55 ngày. Nếu được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, 1 sào hành hoa sẽ cho năng suất khoảng 1 tấn/vụ. “Hành đang chiếm khoảng 60% diện tích, 30% làm cà chua, còn 10% trồng các loại rau màu khác. Mùa hè thì chúng tôi trồng thêm các loại dưa, còn mùa đông thì trồng đa dạng hơn. Hành nói chung là có hiệu quả nhất. Chỉ cần giá khoảng 7.000 – 8.000 đồng/kg là thu nhập đạt khoảng 200 – 300 triệu/ha, trong khi đó, chi phí trồng hành lại thấp.” – Ông Lê Hữu Tân - ở xóm 5, xã Quỳnh Lương cho biết thêm.

Xã Quỳnh Lương hiện có 215 ha chuyên sản xuất rau màu thì trong đó có 60% chuyên trồng hành. Mỗi năm, toàn xã cung cấp cho thị trường hơn 5.000 tấn hành, đạt giá trị trên 30 tỷ đồng.

Theo bà con trồng rau trong xã cho biết: Để trồng hành thành công, điều quan trọng là phải có cách chăm sóc hợp lý, thường xuyên theo dõi đồng ruộng, bắt sâu trưởng thành, sâu non, ngắt bỏ ổ trứng kết hợp với làm cỏ khu vực trồng hành. Là loại cây ưa nước nhưng không chịu được ngập nên diện tích trồng hành cần phải đảm bảo chủ động được tưới tiêu.

Hành lá có thể trồng quanh năm, tuy nhiên riêng vụ giáp tết, bà con Quỳnh Lương thường ít cơ cấu hành mà trồng đa dạng các loại rau củ để phục vụ thị trường dồi dào của tết Nguyên đán. Để hành hoa có thể đem lại thu nhập cao nhất cho bà con thì ngoài cơ chế hỗ trợ, Quỳnh Lương còn thường xuyên tập huấn KHKT, quy trình sản xuất hành đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy nên sản phẩm hành hoa của Quỳnh Lương luôn đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của các siêu thị lớn trong nước. Và thị trường dành cho cây hành hoa của Quỳnh Lương luôn dồi dào.

Ông Hồ Nguyên Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trồng hành dễ trồng, ít sâu bệnh, thứ hai là thích ứng được với mọi loại thời tiết, nắng nóng hoặc là rét mấy thì cây hành cũng chịu được. Thứ 3 là thu nhập cây hành cao. Thứ 4 là thị trường tiêu thụ ổn định, dù giá hành có thấp đến mấy thì cũng bán được không phải đổ bỏ như các loại rau khác”

Vùng Bãi Ngang của huyện Quỳnh Lưu hiện có khoảng 700ha chuyên trồng rau màu. Trong đó, có đến 50% diện tích trồng hành. Mỗi năm Bãi Ngang cung cấp cho các chợ, siêu thị trên cả nước trên 17.000 tấn hành, giá trị đạt trên 70 tỷ đồng.

Nhờ phát triển vùng chuyên canh cây rau màu mà hiện nay, vùng Bãi Ngang của huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng được cánh đồng cho thu nhập cao từ 150 – 170 triệu đồng/ha/năm. Riêng cây hành hoa đạt 270 triệu đồng/ha/năm. Cùng với phát triển cây hành, các xã Bãi Ngang cũng đang có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhân dân đầu tư, phát triển đa dạng các loại rau màu cho thu nhập cao để cung cấp nguồn rau dồi dào, phong phú cho thị trường, để thương hiệu rau sạch Quỳnh Lưu vươn ra nhiều thị trường rộng lớn hơn./.

Thanh Nhàn - Đài Quỳnh Lưu

Thừa Thiên Huế: “Ma trận” hóa chất tạo trầm

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Hóa chất tạo trầm cho cây dó không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ được các hộ dân sử dụng nhan nhản. Việc “cấy” hóa chất không rõ nguồn gốc vào cây trầm có thể tiềm ẩn nguy cơ chết cây, ảnh hưởng đến người sử dụng sản phẩm từ trầm…

Không rõ nguồn gốc

Đến “thủ phủ” cây dó như Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế), Thủy Xuân (TP. Huế), Lộc Bổn (huyện Phú Lộc), người mua dễ dàng tìm được cho mình vài lít, thậm chí vài chục lít hóa chất tạo trầm cho cây dó. Các điểm bán loại hóa chất này thường từ các cơ sở bán giống cây, cơ sở lẩy trầm hay trong nhà người dân.

Dùng hóa chất tạo trầm cho cây dó

Anh L.V.B (xã Thủy Bằng), chủ một cơ sở cây giống, cho biết: “Hóa chất tạo trầm cho cây dó có 5-7 loại với đa dạng màu sắc khác nhau. Trong đó, chỉ duy nhất một loại có nhãn hiệu Lâm Viên (dạng chai) từ cơ sở sản xuất ở Hà Nội, còn lại đều không rõ nhãn mác, xuất xứ. Mỗi lít dù “thuốc Nam” hay “thuốc Bắc” đều có giá từ 300 - 350 nghìn đồng. Người bơm thuốc tạo trầm tùy thuộc vào kích thước cây, kinh nghiệm trồng của mình mà chọn mua thuốc, sử dụng liều lượng phù hợp”

Theo anh B., hóa chất tạo trầm ngoài loại thuốc có nhãn mác Lâm Viên, đặt mua trên mạng, “chồng” đủ tiền thì người bán mang về tận cơ sở; còn lại đều xuất xứ từ tỉnh Bình Định (thuốc Nam) và Hà Tĩnh (thuốc Bắc) đưa vào. Mỗi năm, cơ sở của anh B. bán từ 200 - 300 lít hóa chất tạo trầm các loại chủ yếu cho các cơ sở lẩy giác trầm hoặc từ người trồng cây dó có nhu cầu.

“Thuốc từ Bình Định ra thường có màu như dầu ăn hoặc xanh như xăng A92, không có mùi. Còn thuốc Hà Tĩnh đưa vào có màu vàng đậm như nước mắm và thơm mùi mật mía. Tuy nhiên, dù là loại gì thành phần cơ bản vẫn là a xít”, anh B, tiết lộ. Còn một loại hóa chất nữa mà dân địa phương gọi là “thuốc quét”. Từ cây dó, người trồng lột vỏ từ gốc lên hết thân cây, chỉ chừa một “đường gân vỏ” bề ngang 5 phân, kéo dài hết thân cây rồi dùng thuốc quết vào. Sau 1,5 - 2 năm là khai thác trầm. Lớp bên ngoài bán trầm hương theo cân; lớp trong dùng để làm bột nhang trầm.

Tại một cơ sở lẩy giác trầm ở phường Thủy Xuân, chúng tôi được ông N.V.H. hướng dẫn cách khoan, “cấy” hóa chất tạo trầm. Ông H. cho biết: “Thuốc Nam hay Bắc thì cũng khoan một lỗ sâu từ 10 - 12cm trên cây, theo tỷ lệ lỗ cách lỗ 18 - 20 phân, hàng cách hàng 5 phân. Mỗi cây khoan từ 200 - 300 lổ. Bôi thuốc càng đều vào lổ khoan thì chất lượng trầm sau này càng đạt. Sau 1,5 - 2 năm, trầm cho khai thác đạt 3,5 - 4 triệu đồng/kg; loại đẹp có thể 5-6 triệu đồng/kg”.

Loại hóa chất này không nhãn mác, bán trôi nổi trên thị trường

Ông H. có vườn dó hơn 1.000 cây. Hàng năm, ông còn “đấu trầm” mua hàng nghìn cây dó ươm để ăn chia với chủ vườn. Theo ông H., cơ sở của ông hàng năm tiêu thụ vài trăm lít các hóa chất tạo trầm. Đối với các loại hóa chất tạo trầm “mạnh” a xít, người cấy thuốc cần thận trọng, nhất là khi trời nắng, cây thiếu nước. “Gần hai năm trước, nhiều loại “thuốc Nam, Bắc” được dân tạo trầm ở Bình Thành, Bình Điền, Hương Bình, mua về, cấy vô cứ bình quân 100 cây thì chết hết 80 cây. Dùng hóa chất tạo trầm theo kinh nghiệm nhưng cũng phải mua chỗ quen biết, biết cách dùng không thì… phá sản như chơi”, ông H. thận trọng cho hay.

Có độc hay không?

Anh Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết: “Hiện trên địa bàn có khoảng 8,5ha cây dó, là loại cây mang lại giá trị kinh tế khá cao. Số diện tích cây có thể vô dầu khai thác tập trung chủ yếu ở những vườn cây từ 8-10 năm tuổi của các hộ dân. Những chủ vườn thường mua hóa chất từ các nơi về chứ trên địa bàn không có bán. Địa phương chỉ biết một số hộ dân có sử dụng chứ không biết là chất gì. Tuy nhiên, các thợ lẩy trầm thuê thường bị dị ứng ngứa lở ở tay hoặc phù mặt”.

Hóa chất tạo trầm được quết vào thân cây

TS. Đặng Thái Dương, Trưởng khoa Lâm nghiệp ĐHNL Huế cho rằng: “Nguyên lý tạo trầm khá phức tạp. Người trồng có thể sử dụng biện pháp sinh học, cơ giới và hóa học. Về cơ giới thì khoan, đục lỗ, tạo vết thương, gây tổn thương trên cây để cây tiết ra kháng thể tạo chất trầm. Biện pháp hóa học thì sử dụng các a xít, sau khi khoan bơm vào thân cây với nồng độ nhất định, mục đích các a xít làm chết các tế bào xung quanh lỗ đã khoan để đọng trầm lại (trầm cũng như chất tiết ra để chống lại các tổn thương cơ giới hoặc tổn thương hóa học). Còn biện pháp sinh học thì sử dụng các loại chế phẩm vi sinh, giúp kích thích tạo trầm. Về nguyên lý, tất cả mọi cái tự nhiên đều tốt hơn. Nhưng muốn tạo trầm tự nhiên thì phải dựa vào khâu chọn giống, chọn dòng cho cây. Còn việc bơm hóa chất vào cây dó có độc cho người sử dụng hay không thì chưa khẳng định được, cần phải nghiên cứu thêm”.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV khẳng định: “Sắp đến, chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để kiểm tra các chất tạo trầm cho cây dó, nếu là loại được đăng ký thuốc BVTV thì xem có nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng theo quy định hay không? Đến nay, liên quan đến cây dó, theo tôi được biết vẫn chưa có trong danh mục thuốc BVTV được đăng ký sử dụng từ kích thích sinh trưởng cho đến hóa chất phòng trừ sâu bệnh. Về cơ bản, theo ghi nhận từ hình ảnh vẫn thấy các chất này bày bán không nhãn mác, không nơi xuất xứ nên không được sử dụng trong trồng trọt”.

"Đến nay, vẫn chưa có cá nhân hay đơn vị nào đưa chất tạo trầm tới để kiểm nghiệm nên trung tâm vẫn chưa biết đó là chất gì. Về cơ bản, chất tạo trầm có thể là hóa chất hoặc các chế phẩm vi sinh, sau khi khoan, bơm vào gây tổn thương cho cây để sinh ra kháng thể tạo trầm" - Ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN tỉnh) cho biết

NG. KHÁNH

Đồng Tháp: Thương lái thu mua lúa gặp khó

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Do mưa nhiều, phẩm chất hạt gạo bị ảnh hưởng, tỉ lệ gạo sau khi xay xát đạt thấp và giá gạo xuống thấp một thời gian dài đã khiến nhiều thương lái thu mua lúa gặp khó khăn.

Thương lái thua lỗ

Thương lái Tô Văn Bình ở xã Tân Dương (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho biết đã theo nghề thu mua lúa 13 năm nhưng chưa năm nào bị thua lỗ nhiều như vụ lúa hè thu 2016. Ước tính, ông Bình đã thua lỗ gần 200 triệu đồng.

Ghe lúa của thương lái thu mua lúa hè thu ở xã Phong Hòa (huyện Lai Vung)

Theo ông Bình, thời điểm giữa tháng 5/2016, ông đặt cọc mua hơn 200ha lúa IR50404 của người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với giá 4.700 đồng/kg lúa tươi, đồng thời ký hợp đồng với 2 doanh nghiệp xay xát gạo ở TP.Sa Đéc để cung cấp 550 tấn gạo. Tuy nhiên, càng đến ngày thu hoạch giá lúa, gạo ngoài thị trường càng giảm, đến đầu tháng 6/2016, giá lúa IR50404 giảm chỉ còn 4.000 đồng/kg lúa tươi, khiến ông mất ăn mất ngủ.

Ông Bình bộc bạch: “Có lúc, tôi không về nhà, ăn uống chỉ qua loa cho xong. Giá lúa, gạo giảm liên tục, cộng với mưa dầm, gạo xay ra không đạt tỷ lệ nên có lúc thua lỗ gần 1.000 đồng/kg gạo”.

Nhiều thương lái như ông Bình cho biết, khoảng 2 - 3 ngày đi thu mua được ghe lúa 40 tấn, nếu giá cả ổn định, hạt gạo xay ra đạt tỷ lệ khoảng 14,5kg gạo/giạ lúa (20kg) thì trừ chi phí họ thu lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng. Tuy nhiên, thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6/2016 do mua lúa trúng vào thời điểm mưa dầm, lúa xay ra chỉ đạt tỷ lệ 13,8kg gạo/giạ lúa nên mỗi ghe lúa 40 tấn họ lỗ khoảng 8 triệu đồng. Thời điểm trên, trung bình 100 tấn gạo bán ra cho doanh nghiệp, thương lái thua lỗ hơn 70 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) có hơn 10 năm trong nghề mua lúa cho hay, từ đầu vụ hè thu 2016 đến nay đã lỗ gần 250 triệu đồng.

Theo ông Tâm, đầu vụ, ông có đặt cọc 120 triệu đồng cho 1 doanh nghiệp ở TP.Sa Đéc để cung cấp hơn 400 tấn gạo, với giá 6.700 đồng/kg nhưng do gạo cung cấp không đạt chất lượng, doanh nghiệp trên đã trả lại ông tiền cọc và không đồng ý mua. Gia đình ông phải vất vả nhờ các “cò gạo” mai mối với doanh nghiệp mới bán được gạo với giá 6.100 - 6.200 đồng/kg, trong khi hợp đồng trước đó có giá 6.700 đồng/kg.

Giá gạo sụt giảm, bị thua lỗ nặng nên nhiều thương lái sau khi đặt cọc mua lúa của người dân, đến ngày thu hoạch đã bỏ cọc, nhiều nông dân phải tìm thương lái khác bán lúa với giá thấp hơn từ 500 - 750 đồng/kg. Như ông Võ Văn Phấn ở ấp Tân Thới, xã Phong Hòa (huyện Lai Vung) trồng 3 công lúa, thu hoạch được hơn 1,8 tấn lúa, bị thương lái bỏ tiền đặt cọc phải chấp nhận bán với giá 4.000 đồng/kg cho thương lái khác, giảm 650 đồng/kg lúa so với số tiền nhận đặt cọc trước đó.

Khó thu hồi số tiền bị lỗ

Bà Phạm Hoa Phượng - chủ một doanh nghiệp có gần 30 năm thu mua và chế biến gạo ở xã Tân Quy Tây (TP.Sa Đéc) cho hay, sở dĩ, giá gạo ở những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua giảm mạnh là do nông dân thu hoạch gặp thời tiết mưa nhiều, thương lái chủ yếu cung cấp gạo bị ẩm, trong khi các doanh nghiệp không có nhiều hợp đồng tiêu thụ gạo rượu (gạo cung cấp cho các công ty nấu rượu, bia), gạo phẩm chất thấp nên đối tác ít thu mua. Theo bà Phượng, đến ngày 29/6, giá gạo IR50404 tại thị trường TP.Sa Đéc đã tăng khoảng 300 - 400 đồng/kg so với đầu tháng 6, dao động từ 6.500 - 6.600 đồng/kg.

Bà Phượng nói: “Nhiều thương lái có ghe lớn lỗ 500 - 600 triệu đồng và ghe nhỏ thì lỗ 100 - 200 triệu đồng trong vụ hè thu này. Khoảng 10 ngày nay, giá gạo nhích lên thương lái đã có lời nhưng không thấm vào đâu so với số họ đã lỗ”.

Giá lúa gạo trên thị trường có nhích lên, thương lái kiếm lãi trung bình khoảng 3 - 5 triệu đồng/ghe 40 tấn lúa nhưng khả năng thu hồi lại số tiền đã lỗ trước đó của họ là rất khó. Nguyên nhân do lượng lúa hè thu chưa thu hoạch còn lại trên đồng là không nhiều. Tuy nhiên, việc giá lúa gạo trong những ngày qua nhích lên đó là tín hiệu lạc quan cho các thương lái.

Thương lái Nguyễn Văn Tâm nói: “Nếu giá gạo thời điểm hiện tại khoảng 6.500 đồng/kg trở lên tôi sẽ gỡ lại được một ít tiền bị lỗ. Hiện nay, (29/6) “cò” gạo ở TP.Sa Đéc cho tôi hay có doanh nghiệp thu mua gạo với giá 6.630 đồng/kg. Với giá này, nhiều người thu mua lúa theo dạng nhỏ lẻ bán lại cho doanh nghiệp đã thu lãi khoảng 200 đồng/kg lúa”.

Thương lái thu mua lúa có vai trò quan trọng trong chuỗi tiêu thụ lúa gạo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên việc thua lỗ nặng của các thương lái trong vụ hè thu 2016 có khả năng ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn hoạt động của họ trong thời gian tới. Thương lái cũng mong có chính sách hỗ trợ để tiếp tục theo nghề nhằm tiêu thụ lúa gạo cho nông dân.

Hơn 7.250ha lúa đổ ngã do mưa

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, trong vụ hè thu 2016, toàn tỉnh xuống giống được hơn 192.700ha, đạt 103% kế hoạch và giảm hơn 3.200ha so với cùng kỳ. Tính đến ngày 21/6, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 107.800ha, đạt 56% diện tích xuống giống, năng suất đạt hơn 6,8 tấn/ha. Do xuất hiện mưa lớn, kéo dài trùng với thời điểm thu hoạch rộ làm hơn 7.250ha lúa bị đổ ngã, làm giảm giá trị thương phẩm.

Phú Thuận

Giá lúa tăng trở lại

Nguồn tin: Đài PT - TH Cà Mau

Trong vài ngày gần đây, giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng tăng nhẹ từ 100 – 300 đồng/kg tùy từng loại.

Bên cạnh đó, chất lượng gạo cũng đã được cải thiện, tỷ lệ hạt gạo bị đen, vụn vỡ thấp hơn so với thời điểm đầu vụ nên các thương lái, doanh nghiệp tăng cường mua vào nhiều hơn để dự trữ. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: Qua cân đối tình hình sản xuất vụ lúa Hè Thu và Thu Đông trong năm nay, lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ 6 tháng cuối năm nay chỉ khoảng 3,9 triệu tấn. Trong khi đó, triển vọng thị trường còn nhiều, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường chính như: Trung Quốc, Philippines và Indonesia tiếp tục ổn định.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự kiến: Trong năm 2016 cả nước sẽ xuất khẩu khoảng 5,7 triệu tấn gạo, tương đương với xuất khẩu gạo của năm 2015./.

PV: Diễm Tươi

Thu tiền tỷ mỗi hecta nhờ trồng dưa lưới ở Khoái Châu (Hưng Yên)

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Vừa qua, chúng tôi có dịp tham quan mô hình trồng dưa lưới tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ giống cây trồng thuộc Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương, trên địa bàn xã Tân Dân (Khoái Châu, Hưng Yên), được biết kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa lưới khá đơn giản, đầu tư không lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác, gợi mở cho nông dân thêm hướng làm giàu.

Công nhân của trung tâm thu hoạch dưa lưới

Thu tiền tỷ/ha

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ giống cây trồng (trung tâm) cho biết: Dưa lưới được trồng tại trung tâm là các giống dưa lai F1 do Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương nhập và tuyển chọn.

Thời vụ đối với khu vực đồng bằng sông Hồng, vụ xuân bắt đầu từ trung tuần tháng 2 đến đầu tháng 3, vụ thu đông bắt đầu từ trung tuần tháng 8 đến đầu tháng 9.

Dưa lưới thích hợp nhất là đất phù sa, pha cát, đất tơi xốp, sạch cỏ dại, tưới, tiêu chủ động, không có nguồn bệnh. Làm giàn đứng (chữ I), luống rộng 1,3 - 1,4m, mặt luống rộng 0,8 - 1m. Trồng 1 hàng trên luống, khoảng cách cây cách cây 0,3 - 0,4m, mật độ trồng 18.000 - 25.000 cây/ha, tùy theo nhu cầu thu quả có khối lượng lớn hay nhỏ.

Trước khi tra hạt, tiến hành ngâm hạt 3 giờ trong nước ấm, sau đó đưa hạt vào ủ ở nhiệt độ 28 - 320C đến khi hạt nứt nanh thì tra hạt vào bầu đã chuẩn bị sẵn. Nguyên liệu làm bầu là giá thể tự phối trộn gồm 60% đất, 20% xơ dừa, 20% trấu hun hoặc sử dụng các viên nén ươm hạt vào bầu và tưới ẩm giá thể. Khi cây phát triển 1 - 2 lá thật thì trồng.

Lượng phân bón lót và sau khi trồng cho 1ha gồm 4500kg phân vi sinh, 930kg Super lân, 30kg đạm u rê, 2130kg NPK 15:15:15, 40kg phân K2SO4. Ngoài ra, cần bón lót 56kg/ha chế phẩm sinh học nấm đối kháng Trichoderma.

Chăm sóc giai đoạn cây con cần thường xuyên tưới nước để giữ ẩm cho đất, giúp bộ rễ của cây phát triển mạnh, ăn rộng. Khi cây phát triển 4 - 5 lá thật làm giàn chữ I, tỉa bỏ toàn bộ các nhánh bên dưới nách lá thứ 13, để lại các nhánh mang hoa cái từ nhánh thứ 13 đến nhánh thứ 18. Khi hoa cái nở sẽ thụ phấn bổ sung vào buổi sáng.

Khi quả dưa to bằng quả trứng gà, lựa chọn quả phát triển cân đối, không bị dị dạng, sâu bệnh và chỉ để lại 1 quả/cây. Trên nhánh mang quả đã chọn, bấm ngọn chỉ để lại 2 lá nuôi quả. Khi quả có đường kính 8 - 10cm, tiến hành treo quả bằng túi lưới hoặc bằng dây nilon.

Khi cây đạt chiều cao 2 - 2,5m, bấm ngọn chính và các nhánh phía trên quả để tạo thông thoáng cho giàn. Trước thu hoạch 15 ngày, hạn chế tưới nước, trước thu hoạch 10 ngày dừng tưới nước để dưa tích lũy đường, tăng vị ngọt.

Do dưa lưới có khả năng chống chịu sâu bệnh kém, thường nhiễm nấm, vi khuẩn, virus, trong đó các bệnh do nấm gây ra là chủ yếu, vì vậy cần phun các loại thuốc gốc đồng, kẽm phòng bệnh định kỳ 7 ngày/lần. Ngoài ra, cần theo dõi, phòng trừ sâu xanh ăn lá, bọ trĩ, bọ phấn trắng, bệnh lở cổ rễ, bệnh thối thân, thối đốt, bệnh nứt thân, bệnh sương mai.

Qua nghiên cứu, khảo nghiệm của trung tâm sau nhiều vụ, dưa lưới nếu trồng trong nhà màng (khung sắt, che phủ nilon), tưới nước nhỏ giọt hoặc trồng trong nhà kính sẽ hạn chế được sâu bệnh, côn trùng, cỏ dại và ảnh hưởng của mưa; năng suất đạt 50 tấn/ha, giá trị thu được 800 triệu đến 1 tỷ đồng/lứa (3 tháng), trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV, khấu hao nhà màng, thu lãi 750 – 900 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với các giống dưa khác trồng ở ngoài mô hình. Đặc biệt các giống dưa lưới có ưu điểm vỏ dày, hương vị hấp dẫn, do đó thuận lợi trong vận chuyển và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhân rộng mô hình

Hiện nay Hưng Yên đang tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, do đó rất cần nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, bền vững vào sản xuất.

Hưng Yên có nhiều lợi thế bởi có cả một dải đất phù sa ven bãi sông Hồng, sông Luộc, đất trong đồng cũng được cải tạo tơi xốp, phù hợp với phát triển trồng dưa lưới; nông dân cần cù, sáng tạo trong lao động, mong được tiếp thu, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất.

Tại một số địa phương như ở xã Hồng Tiến (Khoái Châu), xã Phú Thịnh (Kim Động)… nông dân đã xây dựng nhà màng để sản xuất rau, quả an toàn vệ sinh thực phẩm, chi phí vật tư ban đầu khoảng hơn 600 triệu đồng/1ha, có thể sử dụng trong nhiều năm, nếu ứng dụng vào trồng dưa lưới sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Mô hình trồng dưa lưới của trung tâm có thể gợi mở thêm hướng làm giàu cho nông dân trong tỉnh.

Để có thể mở rộng diện tích trồng dưa lưới, các địa phương cần tổ chức cho cán bộ chuyên môn, nông dân tham quan mô hình trồng dưa lưới tại trung tâm để học tập kinh nghiệm. Ngành chuyên môn lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình trình diễn để có đánh giá tổng quan về triển vọng của giống dưa này trên địa bàn tỉnh; tham mưu với tỉnh về cơ chế hỗ trợ đối với người tham gia mô hình.

Đức Toản

Thanh long chín đỏ rực ở Nghi Lộc (Nghệ An)

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Với vị ngọt đậm và thơm, màu sắc hấp dẫn, cây thanh long trồng tại xã Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An được khách hàng ưa chuộng.

Đến thăm mô hình trồng cây thanh long của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở xóm 9, xã Nghi Phương (Nghi Lộc), ấn tượng bởi vườn cây thanh long bạt ngàn đang vào mùa chín rộ.

Anh Dũng cho biết: Năm 2014, sau khi địa phương có chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, anh loay hoay tìm hướng xây dựng mô hình mới. Tình cờ trong một chuyến đi thăm bạn ở Bình Thuận, được giới thiệu về mô hình thanh long anh đã rất thích thú, tìm hiểu về cây trồng này và triển khai trồng trên đồng đất quê mình.

Thanh long ruột đỏ vị ngọt, thơm màu sắc đẹp đang được khách hàng lựa chọn

Với diện tích 3 héc ta, anh bố trí trồng 1.200 gốc. Ðể trồng thanh long cần dựng trụ bê tông, mỗi trụ cao 2,3m, phần nổi trên mặt đất cao 1,6m cho cây mọc, tỏa nhánh xuống xung quanh. Khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây 2,5m, bảo đảm cho cây được nhận đủ nguồn dinh dưỡng, ánh sáng mặt trời. Chỉ sau hơn 1năm trồng, cây đã ra những quả bói đầu tiên, nhưng từ năm thứ 2 trở đi bắt đầu ổn định về năng suất.

Thanh long được trồng ở đồng đất Nghi Phương có vị ngọt đậm, mát, màu sắc hấp dẫn, nên được khách hàng ưa chuộng. Do đó, các buôn lái vùng lân cận như Nghi Hưng, Nghi Mỹ, Nghi Đồng, Nghi Lâm tìm đến tận ruộng để mua, gia đình anh không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm. Gần 1.200 gốc thanh long, mỗi năm cho thu hoạch hơn 9 tấn, với giá bán tại ruộng 25.000 đồng/kg. Mỗi năm sau khi trừ chi phí anh thu về được hơn 200 triệu đồng.

Thu hoạch đến đâu, trái thanh long được thương lái mua đến đó

Thanh long là loại cây chịu hạn tốt, lại ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc chỉ cần bón gốc bằng phân chuồng và đảm bảo đủ ánh sáng. Mỗi cây thanh long cho thu hoạch khoảng 15 - 20kg quả, mỗi vụ cho thu hoạch từ 5 - 6 đợt, kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 11, cứ 20 ngày lại cho thu hoạch 1 lần. Điều đặc biệt là cây thanh long có tuổi đời dài, khoảng 20 năm mới phải trồng lại cây mới.

Với hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình trồng thanh long của gia đình Anh Dũng đã mở ra cho người dân nơi đây một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sản xuất nhằm thích ứng biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay./.

Thu Hiền - Trần Hoa (Đài Nghi Lộc)

Tây Ninh: Chuối già Nam Mỹ: Cần có hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp đáng tin cậy

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Trong phiên họp UBND tỉnh Tây Ninh thường kỳ tháng 6.2016, ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp mua chuối để xuất sang thị trường Trung Quốc, dù không đòi hỏi tiêu chuẩn cao, nhưng ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân nếu chuyển đổi sang trồng chuối già Nam Mỹ cần phải có hợp đồng xuất khẩu của những doanh nghiệp đáng tin cậy.

Anh Nguyễn Hùng Hải bên vườn chuối.

Hai năm trở lại đây, mô hình trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu có tốc độ phát triển khá nhanh, theo thông tin từ Sở NN&PTNT, toàn tỉnh đang phát triển trên 150 ha chuối xuất khẩu, và dự kiến từ đây đến cuối năm có thể phát triển thêm hơn 100 ha nữa.

Công ty CP Đầu tư Chuối Việt (có trụ sở tại TP. HCM) là công ty có hơn 15 năm kinh nghiệm trong thị trường chuối xuất khẩu. Ông Lê Xuân Phương – Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, chuối xuất khẩu là một sản phẩm đang rất có triển vọng, chính vì thế, công ty dự kiến xuống giống khoảng 2.000 ha nhưng đến nay đã tăng lên khoảng 3.000 ha.

Ông Phương cho biết, nếu thực hiện đúng theo quy trình, hiệu quả mang lại của chuối Nam Mỹ sẽ vượt trội hơn so một số loại cây trồng khác. Cụ thể, trên diện tích 1 ha, trung bình trồng khoảng 2.500 cây giống, chi phí đầu tư khoảng 150 triệu đồng, sau 1 vụ (8 tháng) lợi nhuận thu về khoảng 100 triệu đồng. Trong 2 năm đầu sẽ thu hoạch được 3 vụ, sau đó mỗi năm được 2 vụ (cứ 6 tháng có 1 buồng). Trồng khoảng 5 năm thì xoá vườn, trồng cây khác một thời gian mới trồng lại cây chuối để tiêu diệt mầm bệnh. Mục tiêu của công ty trong năm nay là rút kinh nghiệm trồng chuối từ Philippines và Trung Quốc, lấy chuẩn phân bón, thuốc BVTV của Nhật, sản xuất theo tiêu chuẩn của Nhật để xuất sang thị trường này.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, chuối là một trong những cây mang lại hiệu quả kinh tế cao khi được xuất khẩu, tuy nhiên cũng cần hết sức thận trọng trong việc phát triển, nhất là về thị trường tiêu thụ.

Ông Đinh Công Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Vietgate (có trụ sở tại Dubai), là một trong những công ty tham gia phát triển thị trường chuối cho biết, cho đến nay, Trung Quốc là thị trường lớn để xuất khẩu chuối, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro vì thường bị thương lái Trung Quốc khống chế giá cả. Hiện nay, một số nhà đầu tư, doanh nghiệp đang mở rộng xuất khẩu chuối sang các thị trường khác như Nhật Bản và Trung Đông, trong đó thị trường Nhật được đánh giá là một thị trường khó tính, đòi hỏi sự đồng nhất về sản phẩm cũng như tiêu chuẩn về chất lượng.

Trang trại Huy Long An tại ấp Bến Kênh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng có gần 70 ha trồng chuối xuất khẩu. Ngoài việc xuất đi thị trường một số nước như Trung Quốc, Dubai, công ty còn đang thử sức với thị trường Nhật Bản. Anh Nguyễn Hùng Hải - nhân viên kỹ thuật của trang trại cho biết, so với các thị trường khác, thị trường Nhật đòi hỏi sự nghiêm ngặt, chính xác trong từng khâu sản xuất. Họ theo dõi rất kỹ từ vấn đề vệ sinh trang trại, thời gian, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... đến chất lượng trái chuối. Do đó, người trồng cần phải tuân thủ và thực hiện một cách nghiêm túc các yêu cầu trên mới đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường này. Mỗi tuần trang trại này xuất sang Nhật trung bình khoảng 40 tấn. Tính chung, số lượng chuối trang trại đã xuất khẩu sang thị trường Nhật được gần 300 tấn.

Vườn chuối xuất khẩu ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng.

Trong phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 6.2016, ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp mua chuối để xuất sang thị trường Trung Quốc, dù không đòi hỏi tiêu chuẩn cao, nhưng ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân nếu chuyển đổi sang trồng chuối già Nam Mỹ cần phải có hợp đồng xuất khẩu của những doanh nghiệp đáng tin cậy.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp cận được một nhà đầu tư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu, có thể đầu tư khoảng 1.000 - 2.000ha chuối già để xuất đi Dubai, Nhật. Do đó, những hộ dân có nhu cầu trồng trên 10ha có thể đăng ký với Sở để tiếp cận với nhà đầu tư và xúc tiến các vấn đề liên quan, nhằm đảm bảo an toàn cho người trồng chuối xuất khẩu.

TRÚC LY

Gỡ khó cho trái xoài VietGAP

Nguồn tin: Nhân Dân

Ngay từ trên cây, quả xoài được bao gói cẩn thận để bảo đảm sạch, chuẩn.

Dẫu đã được chứng nhận trái cây sạch đạt chuẩn VietGAP cả năm trời, một hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất xoài sạch cũng ra mắt đi vào hoạt động, vậy nhưng trái xoài sạch chuẩn quốc gia đầu tiên ở An Giang mang tên xoài sạch VietGAP - Bình Phước Xuân vẫn cứ lao đao cả về đầu ra sản phẩm lẫn việc thường xuyên bị đánh đồng chất lượng với xoài thường. Vậy, nguyên nhân là do đâu?

Xoài sạch bán giá thường

Trao đổi với chúng tôi, Chủ nhiệm HTX sản xuất trái cây GAP - Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, An Giang) Nguyễn Hoàng Liệt, cho biết: “HTX chính thức chuyển đổi từ trồng rau, màu, lúa sang chuyên canh vườn với trái xoài ba màu cách đây khoảng 10 năm. Ngay từ những ngày đầu chuyển đổi, chúng tôi đã có sự bàn bạc cùng nhau là phải trồng trái cây sạch cho nên đã nhờ ngành nông nghiệp, khuyến nông và Hội làm vườn hướng dẫn cách sản xuất nông nghiệp sạch, theo đúng chuẩn quốc gia. Mình làm vườn sau nhiều nơi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho nên phát triển nông nghiệp sạch, trái cây an toàn là hướng đi bắt buộc. Vậy nhưng ròng rã nhiều năm ròng hướng dẫn cách sản xuất VietGAP rất nhiêu khê, bà con đăng ký ban đầu khoảng 50 hộ, nhưng khi chính thức được công nhận chuẩn chỉ còn chín hộ với 7,5ha. Với chín hộ này, chúng tôi đã chuyển từ tổ sản xuất lên HTX để mở hướng tiên phong cho sản xuất trái cây sạch”.

Cùng sự hướng dẫn của các kỹ sư, kỹ thuật viên nông nghiệp, trái xoài sạch đúng chuẩn quốc gia VietGAP đầu tiên ở An Giang ra đời khiến người dân rất phấn khởi. Anh Trần Khánh Dư, một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình hồ hởi chia sẻ: “Tôi vốn là kỹ sư nông nghiệp cho nên khi các chú, bác ở quê rủ tham gia trồng xoài sạch VietGAP, tôi tham gia ngay. Vừa giúp bà con sản xuất xoài sạch, vừa làm kinh tế và nhất là ứng dụng tất cả những tiến bộ kỹ thuật học được để giúp quê hương. Ngay những vụ đầu, xoài sạch VietGAP được các thương lái mua giá khá cao. Nhưng chỉ một, hai vụ đầu, tiếp theo thì trái xoài VietGAP cũng chỉ bán với giá bằng xoài lô, sản xuất đại trà vì nhiều lý do khác nhau cho nên nhiều hộ nảy sinh tâm lý chán nản”.

Cần cạnh tranh sòng phẳng

Giá bán là yếu tố đầu tiên mà Chủ nhiệm HTX sản xuất trái cây GAP - Bình Phước Xuân Nguyễn Hoàng Liệt trăn trở: “Giá bán xoài tốt là xoài đỏ bình quân cũng chỉ 50 nghìn đồng/kg, xoài vàng là 40 nghìn đồng/kg và xoài xanh là 35 nghìn đồng/kg. Đó là sản xuất chuẩn GAP, còn các thương lái thì họ mua xoài GAP, trộn lẫn xoài thường giá thấp hơn cả chục nghìn một ki-lô-gam. Ra thị trường lại bán với giá là xoài chuẩn GAP. Sở dĩ có tình trạng nêu trên vì sản lượng xoài chuẩn VietGAP ở đây đâu có nhiều, còn thương hiệu riêng thì chưa có, nói chuẩn GAP thì vậy, nhưng thực chất là có chín hộ trồng thôi, còn hàng nghìn hộ khác chưa đạt. Thêm vào đó, mình làm ít, sản phẩm không thương hiệu thì nói gì tới việc đưa vào các thị trường khó tính, siêu thị lớn hay xuất khẩu. Bán ra ngoài thì phải cạnh tranh với xoài sản xuất thường thôi. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất nên giúp chúng tôi xây dựng thương hiệu riêng, chuẩn sản xuất có rồi thì nhận diện thương hiệu là cái thứ hai bắt buộc phải có để tránh vàng thau lẫn lộn. Vậy mà đến nay, chúng tôi đã gõ cửa khắp nơi nhưng cũng chưa nhận được sự giúp đỡ nào”.

Một vấn đề khác khiến giá bán không như mong đợi của những hộ dân theo HTX sản xuất xoài sạch chính là do sản lượng quá ít cho nên nhiều nhà đầu tư, chế biến, thu mua xuất khẩu vào tìm hiểu rồi lại đi. Với 7,5ha chuẩn VietGAP, mỗi ha bình quân năng suất khoảng hai tấn, một năm hai vụ tức tròm trèm 30 tấn xoài/năm. “Sản lượng xoài chuẩn GAP quá ít cho nên nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a... đòi hỏi sản lượng ổn định, diện tích ít nhất 40ha trở lên mới đầu tư. Do đó, chính quyền địa phương đang ráo riết vận động, giúp đỡ bà con tham gia mô hình nhiều hơn nữa, và hiện số lượng đăng ký là khoảng 70 hộ, tổng diện tích khoảng 62,5ha, nâng tổng diện tích xoài VietGAP của xã là 70ha, chắc chắn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Bình Phước Xuân, Huỳnh Văn Cường: Với tiềm năng canh tác vườn xoài, chỉ riêng Bình Phước Xuân là 1.200 ha, ba xã thuộc cụm cù lao Giêng là 3.000 ha, thì diện tích GAP đang phát triển khoảng 70ha trong năm nay là khá thấp so với tiềm năng. Vì vậy, những thành viên HTX sản xuất xoài sạch Bình Phước Xuân đang rất tha thiết mong Sở Khoa học và Công nghệ An Giang và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) sớm giúp nông dân trồng xoài Bình Phước Xuân nói riêng và huyện Chợ Mới (An Giang) nói chung xây dựng thương hiệu xoài sạch, nhằm phát triển nhanh, mạnh hơn nữa những thương hiệu trái cây sạch, ngon, chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

BẢO TRỊ

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop