Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 07 năm 2017

Cô cử nhân mê trái cây sạch

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Từng có một công việc ổn định ở TP.Hồ Chí Minh, cô cử nhân Đỗ Thị Minh Thơm lại quyết định thay đổi để về với vùng miệt vườn ở ấp 7, xã Bình Sơn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP.

Chị Đỗ Thị Minh Thơm (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) sản xuất sầu riêng sạch theo chuẩn VietGAP.

Quyết tâm làm nông nghiệp sạch

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Quảng Ngãi, chị Thơm từng nghĩ sẽ “thoát nông” khi tốt nghiệp Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh năm 2003 và tìm được công việc phù hợp tại TP.Hồ Chí Minh với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Khi công việc đã vào “guồng”, chị lập gia đình và sinh con. Chồng chị cũng có công việc ổn định trong một cơ quan nhà nước.

“Cuộc sống lúc đó đối với tôi tưởng như đã viên mãn, nhưng rồi bước ngoặt lại đến. Năm 2012 giá quýt tăng cao, đem lại nhiều lợi nhuận. Vợ chồng tôi quyết định tận dụng mảnh đất do cha mẹ chồng cho ở Bình Sơn để tập trung trồng quýt. Tuy nhiên, vợ chồng tôi không thể cáng đáng nhiều việc cùng một lúc. Suy đi tính lại, tôi quyết định từ bỏ công việc kế toán ở TP.Hồ Chí Minh để về làm vườn, nuôi con. Còn chồng thì tiếp tục lại thành phố làm việc và hàng tuần về giúp tôi phát triển vườn cây ăn trái” - chị Thơm tâm sự.

Những ngày đầu “quay lại” với nghề nông của chị không hề dễ dàng. Chị bị nhiều người “nói ra nói vào” bởi quyết định rẽ ngang, thế nhưng chị vẫn quyết tâm tìm hiểu và thực hiện. Sau thời gian trồng quýt khá thành công, chị dần thay thế vườn quýt già cỗi bằng cách trồng xen sầu riêng, măng cụt và chôm chôm theo hướng sản xuất sạch. Hiện sầu riêng của chị đã đạt chuẩn VietGAP. Ngoài ra, chị cũng đã đăng ký thực hiện VietGAP đối với cây măng cụt.

Đặc biệt, chị chấp nhận rủi ro để thu hoạch sầu riêng vào giai đoạn chín thay vì “hái già” như nhiều nhà vườn khác. Sau khoảng gần 2 năm áp dụng, vườn trái cây rộng 2,5 hécta của gia đình chị Thơm đem lại nguồn thu nhập khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.

Hướng tới du lịch miệt vườn

Khi đã làm ra sản phẩm sạch, chị Thơm gặp khó trong khâu tìm đầu ra tiêu thụ. Chị tìm đủ các kênh từ người quen đến mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Có nhiều lúc chị phải tự mình lái xe máy chạy ngược chạy xuôi đến các khu công nghiệp ở những vùng lân cận, các cửa hàng trái cây ở TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh để chào hàng. “Sản phẩm sạch nhưng đem ra chợ bán lại bị tiểu thương chê vì giá cao lại không bắt mắt thì chẳng có ai mua” – chị Thơm ngậm ngùi nói.

Đến nay, chị bắt đầu có những nguồn tiêu thụ ổn định, chủ yếu ở TP.Hồ Chí Minh. Chị cũng đã đầu tư sạp hàng trái cây ở chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Đồng thời, từ cuối năm 2016 chị bắt đầu phát triển thêm loại hình du lịch miệt vườn. Theo chị, đây không chỉ là một kênh tiêu thụ mà còn là cách hiệu quả, thực tế để xây dựng thương hiệu.

Chị Thơm bày tỏ: “Muốn có được đầu ra và giá bán cao, ổn định thì việc tạo niềm tin và xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm sạch là yếu tố then chốt. Bởi, thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là ở thành phố đang hướng tới nông sản sạch, chỉ cần sản phẩm đảm bảo sạch, chất lượng thì giá cao hơn họ cũng sẵn sàng chấp nhận”.

Ngoài ra, chị Thơm cũng đã xúc tiến thành lập Hợp tác xã nông sản sạch Bàu Tre với 10 nhà vườn trong khu vực cùng tham gia, vừa để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, vừa để phát triển mạng lưới du lịch miệt vườn trong tương lai.

Hải Quân

Mô hình thanh niên sản xuất giỏi 9X

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng các bạn thanh niên thuộc thế hệ 9X ở ấp Xóm Chòi, xã Kế An (Kế Sách, Sóc Trăng) đã trở thành những nông dân thực thụ, khi bản thân trở thành trụ cột chính trong gia đình đảm nhận công việc đồng áng. Với chung niềm đam mê “trồng cam”, các bạn đã tập hợp thành lập Tổ hợp tác (THT) cam sành 26-3. Khi THT đi vào hoạt động, đời sống của các thành viên ngày càng khấm khá do thu nhập từ vườn cam mang lại.

THT cam sành 26-3 đi vào hoạt động đã hơn 2 năm và diện tích vườn là 67ha, với 11 thành viên tham gia. Theo tính toán, số tiền THT thu về mỗi năm gần 6 tỉ đồng, đây là số tiền đáng mơ ước đối với các bạn trẻ khi khởi nghiệp bằng nghề trồng trọt. Trao đổi với chúng tôi, Tổ trưởng THT cam sành 26-3 Tô Văn Nghĩa cho biết: “Gia đình tôi trồng 15 công cam sành, tính đến nay đã hơn 7 năm tuổi và đã thu hoạch trái 4 năm nay. Hiện tại, cây cam đang độ sung sức, năng suất luôn đạt ở mức cao, mang về số tiền gần 1,2 tỉ đồng/năm”.

Tổ trưởng THT cam sành 26-3 Tô Văn Nghĩa.

Đưa khách tham quan vườn cam sành đang cho trái trĩu cành, Tô Văn Nghĩa chia sẻ: “Toàn bộ diện tích vườn cam trước đây gia đình tôi canh tác lúa, với 3 vụ/năm. Nhưng cây lúa cho thu nhập thấp, giá thành bấp bênh nên gia đình quyết định lên liếp trồng cây ăn trái. Thời điểm đó, chưa biết chọn loại cây trồng nào phù hợp với vùng đất và lo nhất là đầu ra cho loại sản phẩm. Tôi tìm tòi các nguồn thông tin trên mạng internet và quan sát tại địa phương xem bà con trồng giống cây nào được thị trường ưa chuộng”.

Sau hơn 3 tháng cải tạo ruộng lúa hoàn chỉnh thành khu vườn và nhận thấy cây cam sành được nhiều bà con trồng mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định, mặc dù thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch trái là 3 năm, nhưng lợi nhuận đem về rất lớn, đầu ra ổn hơn các loại cây trồng khác nên gia đình Nghĩa đã chọn cây cam sành làm cây trồng độc canh. Để giúp cây phát triển tốt cũng như có “đồng ra đồng vào”, lúc cây cam còn nhỏ, Nghĩa tiến hành trồng một số loại rau màu xen với vườn cam và có thời điểm trồng chuối để vừa tạo bóng mát vừa che chắn cho cây lúc cây còn nhỏ, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, đợi khi cây đâm chồi, cành lá trưởng thành thì ngưng trồng xen canh cây màu, cây chuối. Sau hơn 3 năm trồng, cây cam sành cho thu hoạch chưa nhiều, chỉ ước vài tấn/năm và giờ đây, khi đã 7 năm tuổi cây cam đã cho thu hoạch hơn 69 tấn trái/15 công/năm. “Với những hiệu quả nêu trên, dự định thời gian tới, tôi sẽ vận động các bạn thanh niên có vườn trồng cam sành vào THT, tạo đà vững chắc để THT tiến dần lên thành hợp tác xã, khi đó trái cam sành do các bạn đoàn viên sản xuất đến được các siêu thị lớn và hướng đến việc ký kết với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu” - Tô Văn Nghĩa phấn khởi thông tin thêm.

Qua lời giới thiệu của Tô Văn Nghĩa, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình vượt hơn 2km đường đồng tìm đến nhà bạn Huỳnh Văn Ngân, là thành viên THT cam sành 26-3. Đón khách ngay ngoài cổng, Ngân đưa chúng tôi ra thẳng phía sau nhà, nơi có vườn cam với diện tích gần 8 công, từng cây cam cho trái trĩu cành đến nỗi phải dùng đến cây tràm chống đỡ để cành không bị gãy. Thấy khách khen vườn cam nhiều trái, Ngân bộc bạch: “Vườn cam của tôi ăn trái hơn 3 năm nay, đây được xem là giai đoạn cây đủ sức và cho trái nhiều nhất. Bởi vậy, mấy đợt mưa lớn vừa rồi, đã ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái, một số trái non bị rụng do mưa kèm theo gió lớn. Biết thời tiết thất thường nên tôi đã cẩn thận dùng một số cây chèn chống để tránh cam bị ngã cũng như tìm cách hạn chế tối đa việc cam bị rụng trái, thông qua học hỏi kinh nghiệm của các thành viên trong THT”.

Lấy một đoạn cây tràm chống cành cam đầy trái đang sà trên mặt đất, Ngân tiếp lời: “Nếu chăm chỉ chăm sóc và áp dụng đúng các kỹ thuật bón phân, phun thuốc, cung cấp đủ nước và phòng ngừa tốt sâu hại tấn công, cây cam cho trái “đặc nghẹt”, độ lớn đồng đều, rất đẹp mắt, thương lái rất thích mua và giá luôn ở mức cao. Vườn cam của tôi mỗi năm thu hoạch ước đạt 35 tấn trái, trừ hết chi phí, lợi nhuận gần 500 triệu đồng. Với mức lợi nhuận như trên, hướng tới tôi sẽ chuyển đổi 5 công đất trồng lúa sang trồng cam để tăng thu nhập cho gia đình”.

Tổ trưởng THT cam sành 26-3 Tô Văn Nghĩa cho biết thêm: “Để duy trì và phát triển diện tích trồng cam sành của các thành viên và tạo đầu ra sản phẩm đạt chất lượng cao, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào và giúp tăng sản lượng trái. Đồng thời, mở thêm dịch vụ thu mua cam sành của bà con trên địa bàn xã để chuyên chở đến các cơ sở thu mua lớn nhằm tăng nguồn thu cho THT. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ huy động nguồn vốn nhàn rỗi của thành viên để phân bổ lại cho các thành viên khác có nhu cầu về vốn với lãi suất thấp”.

Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cam sành ở THT cam sành 26-3 mang lại là rất rõ. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, trong thời gian tới, THT sẽ phối hợp cùng các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc vườn cam trước tình hình biến đổi khí hậu cho các thành viên; mở rộng thêm thị trường tiêu thụ cam sành trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, cung cấp cây cam giống sạch, kể cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân có nhu cầu trồng cam và bao tiêu sau thu hoạch.

Thúy Liễu

Thương hiệu giống cây ăn trái Chợ Lách

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

Đang vào mùa mưa nên thuận lợi cho việc trồng mới cây ăn trái và cải tạo vườn tạp, vườn kém chất lượng, chuyển sang trồng những loại cây cho kinh tế cao.

Cây giống ở huyện Chợ Lách hút hàng, giá tăng cao…

Do nhu cầu trồng mới cao, nên hàng loạt cơ sở giống cây ăn trái ở ĐBSCL phải tất bật để kịp cung ứng cho thị trường xa gần.

Hút hàng, giá tăng

Lâu nay, huyện Chợ Lách (Bến Tre) là vựa giống cây ăn trái lớn nhất vùng ĐBSCL; những ngày này, đi từ xã Sơn Định sang Vĩnh Thành, Long Thới, Hưng Khánh Trung B… đâu đâu cũng thấy người dân khẩn trương o bế cây giống để đưa đi các nơi tiêu thụ. Ông Lê Văn Thảo, chủ cơ sở sản xuất cây giống ở xã Long Thới, cho biết: “Nhiều ngày nay, cây giống hút hàng quá chừng, buộc cơ sở phải huy động thêm nhân công làm liên tục để có đủ số lượng giao cho khách. Cũng nhờ khách mua nhiều, nên giá cây giống nhích lên tương đối cao so cùng kỳ năm ngoái”. Ông Thảo tiết lộ, nếu như giống sầu riêng (cao từ 2 tấc trở lên) năm ngoái khoảng 40.000 đồng/cây, nay tăng vọt lên 90.000 - 100.000 đồng/cây; mít Thái siêu sớm 5.000 - 8.000 đồng/cây vào năm trước, nay có giá tới 32.000 đồng/cây (cao hơn 2 tấc); vú sữa bơ hồng từ 15.000 đồng/cây cũng tăng lên 30.000 đồng/cây; chôm chôm giống khoảng 70.000 đồng/cây; dừa dứa 50.000 - 60.000 đồng/cây… tất cả đều tăng mạnh so những năm trước.

Cùng niềm vui trên, bà Nguyễn Thị Hiểu, ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách nói: “Gia đình tôi làm cây giống đã mấy chục năm nhưng năm nay là cây giống hút hàng nhất. Hiện thời không chỉ nông dân các tỉnh ĐBSCL tới mua, mà rất nhiều khách hàng từ các tỉnh ở Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc cũng rất chuộng cây giống của huyện Chợ Lách. Một trong những nguyên nhân quan trọng là cây giống ở đây đảm bảo chất lượng, làm ăn uy tín nên được nông dân các nơi tín nhiệm”. Tại cơ sở sản xuất cây giống Nguyễn Phương, ở ấp Gia Khánh, xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc có hàng chục công nhân vận chuyển cây giống ra xe tải để xuất đi các tỉnh phía Bắc. Theo chủ cơ sở Nguyễn Phương, trước đây cơ sở chỉ cung ứng cây giống chủ yếu ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang… gần đây khi đưa cây giống ra miền Bắc giới thiệu và nông dân trồng thử nghiệm thấy đạt chất lượng tốt, nên khách hàng dần tăng cao. Chỉ riêng cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2017, cơ sở đã giao 2-3 xe tải loại 20 tấn với nhiều giống cây chất lượng, trong đó nhiều nhất là mít Thái và bưởi da xanh cho nông dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang…

Xây dựng thương hiệu, chú trọng chất lượng

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, nhìn nhận, nghề sản xuất cây giống ở huyện Chợ Lách có từ lâu đời và ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Cách nay chỉ vài năm, bình quân toàn huyện sản xuất khoảng 15 triệu cây giống/năm thì đến năm 2017, dự kiến số lượng cây giống cung ứng ra thị trường từ 20 triệu cây trở lên. Thị trường tiêu thụ cây giống của Chợ Lách liên tục mở rộng từ các tỉnh ĐBSCL ra miền Đông, miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc và được xuất khẩu sang Campuchia, Lào… Ngoài những giống cây ăn trái chủ lực đã khẳng định được chất lượng và giống năng suất như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh… thì một số loại cây giống là thế mạnh của Bến Tre nhưng vẫn được nông dân huyện Chợ Lách sản xuất chất lượng như bơ, mãng cầu na… cung ứng cho Tây Nguyên và các vùng khác trồng. Điều này chứng minh tay nghề sản xuất cây giống của nông dân Chợ Lách rất tốt và thích ứng nhanh với nhu cầu thị trường cần. Cũng theo tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, nhờ trước đây vùng Cái Mơn (huyện Chợ Lách) đã có tiếng về nhiều loại trái ngon như sầu riêng hạt lép, sầu riêng Chín Hóa, măng cụt, chôm chôm đường… đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề sản xuất cây giống phát triển, khi nông dân các nơi nghe nói cây giống Chợ Lách là họ tín nhiệm. Tuy nhiên, để nghề này phát triển lâu dài thì huyện chủ trương xây dựng thương hiệu và từng cơ sở sản xuất cây giống phải có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng.

Ông Dương Văn Lợi, chủ cơ sở sản xuất cây giống ở xã Sơn Định bộc bạch: “Trước đây có xảy ra tình trạng một số thương lái mua cây giống của Chợ Lách chở bằng ghe đi các vùng nông thôn ở ĐBSCL tiêu thụ. Nông dân mua giống xoài cát Hòa Lộc, nhưng khi trồng 3-4 năm thì cho trái là xoài ghép chua lè, lúc này mới ngộ ra mua nhầm giống trôi nổi, không chất lượng, không có ghi cơ sở sản xuất. Sau những lần như thế, nhiều năm qua các cơ sở làm giống ở Chợ Lách quyết tâm triệt tiêu giống trôi nổi bằng nhiều cách; trong đó, hầu hết các cơ sở sản xuất đều áp dụng quy trình làm giống công nghệ mới, chất lượng, có bao bì ghi rõ địa chỉ sản xuất, số điện thoại liên lạc và cả quy trình hướng dẫn canh tác”. Theo ông Lợi, nếu so với trồng lúa hay rau màu thì trồng cây ăn trái tốn kém nhiều về chi phí đầu tư, thời gian kéo dài từ 3-4 năm trở lên mới cho thu hoạch. Vì vậy, người sản xuất giống cây ăn trái phải có trách nhiệm và lương tâm khi làm nghề này. Nếu như đưa ra thị trường giống kém chất lượng, nông dân trồng sẽ lãnh đủ, vừa mất tiền mua giống, vừa mất thời gian chăm sóc mấy năm. “Chúng tôi ủng hộ chủ trương của huyện là xây dựng thương hiệu cây giống Chợ Lách và khi sản xuất giống phải lấy chất lượng, uy tín đặt lên hàng đầu. Đây cũng là cách để phát triển bền vững “vương quốc cây giống Chợ Lách”, đã được nhiều người xa gần biết tiếng”, ông Dương Văn Lợi nói.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Dương Văn Huyền, Giám đốc Hợp tác xã cây giống Cái Mơn, cho rằng: “HTX xác định sản xuất cây giống là nghề lâu dài và là niềm tự hào của xứ Chợ Lách, nên HTX luôn yêu cầu các xã viên quan tâm chất lượng và không ngừng tìm tòi lai tạo những giống mới, đột phá, nhằm thay thế một số giống cũ, năng suất kém. Mục tiêu sản xuất cây giống là hướng tới nông dân trồng hiệu quả, chất lượng, năng suất cao… góp phần đưa trái cây Việt ngày càng vươn xa ra thế giới”.

Huỳnh Lợi

Vươn lên làm giàu từ cây thanh long

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi giúp nông dân phát huy tính cần cù, chịu khó, tạo sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, bền vững. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình SX-KD giỏi, trong đó nổi bật có 2 nông dân Lê Văn Rỡ và Nguyễn Văn Báo ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã vươn lên làm giàu từ cây thanh long.

Ông Lê Văn Rỡ vươn lên khá giả nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Sau nhiều năm trồng lúa không mang lại hiệu quả, bởi thường xuyên gặp “điệp khúc” được mùa - mất giá, được giá - mất mùa, năm 2007, ông Lê Văn Rỡ (ấp Quang Phú) đã quyết định chuyển sang trồng thanh long. Lúc đầu, ông trồng xen hoa màu trong vườn thanh long để “lấy ngắn nuôi dài” chăm sóc cho vườn thanh long mới trồng. Ông Rỡ cho biết: “Trồng thanh long dễ chăm sóc lại cho năng suất cao, giá cả ổn định nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Trước đây, 1.000 m2 đất trồng lúa mỗi năm chỉ cho lãi cao nhất chưa đến 10 triệu đồng, bây giờ với diện tích đó chuyển sang trồng thanh long, tôi thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Nhờ vậy, đời sống kinh tế gia đình tôi dần ổn định”.

Theo ông Rỡ, cây thanh long khi vào mùa mưa thường bị bệnh đốm trắng và thối nhũn. Để thanh long được năng suất cao, ông thường xuyên chăm sóc, phun thuốc, bón phân để hạn chế bệnh gây hại. Ông Rỡ chia sẻ: “Do gia đình đơn chiếc nên tôi không chủ động cho trái vào những tháng mưa, mà chờ đến khoảng tháng 8, 9 xông đèn để xử lý nghịch vụ. Tuy làm vụ nghịch rất tốn kém, nhưng mỗi công thu hoạch được từ 1,5 - 2 tấn trái, giá cả luôn ở mức cao (có thời điểm đến 30 ngàn đồng/kg) nên lợi nhuận cao hơn so với làm mùa thuận”.

Những ngày này, trời mưa nhiều, ông Rỡ thường xuyên phun thuốc phòng trừ bệnh, cắt bỏ những bẹ già, bị sâu bệnh để không lây sang trái. Ông Rỡ cho biết: “Để trồng cây thanh long có năng suất cao, người trồng cần phải xử lý nước hợp lý. Cây thanh long thuộc họ xương rồng nên mương vườn trồng thanh long cần phải tiêu thoát tốt. Ngoài ra, cần phải thường xuyên vệ sinh cây, nhổ cỏ xung quanh cây thì cây mới phát triển tốt”.

Nhờ chịu khó, ham học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc nên vườn thanh long nhà ông luôn cho năng suất cao. Năm 2016, vườn thanh long của ông cho thu nhập lên đến 685 triệu đồng. Từ nỗ lực đó, nhiều năm liền ông được công nhận danh hiệu Nông dân SX-KD giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, mới đây, ông được Bằng khen nông dân SX-KD giỏi cấp Trung ương.

Lão nông Nguyễn Văn Báo vẫn cần mẫn với vườn thanh long của mình.

87 tuổi vẫn cần mẫn với vườn thanh long

Đến ấp Quang Thọ hỏi nhà nông dân Nguyễn Văn Báo trồng thanh long, ai nấy cũng ngợi khen. Bởi ở tuổi 87, ông Báo vẫn cần mẫn, chăm sóc vườn thanh long cho hiệu quả cao. Trồng thanh long được 15 năm cũng là khoảng thời gian kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả hơn.

Ông Báo gắn bó với nghề nông từ năm 17 tuổi và đã trồng qua nhiều loại cây khác nhau như: Mía, lúa, hoa màu... Cuối cùng, ông đã chọn cây thanh long và đã gắn bó với cây trồng đặc sản này đến tận bây giờ. Bởi theo ông, cây trồng này đã giúp cho ông vươn lên làm giàu bền vững. Gặp ông Báo khi ông vừa chăm sóc vườn thanh long của mình về, ông bảo: “Bây giờ là mùa mưa, cây dễ bị bệnh nên phải thường xuyên chăm sóc, mỗi tuần phun thuốc 1 lần để hạn chế cây bị bệnh đốm trắng và các loại bệnh hại khác”.

Theo ông Báo, đối vơi thanh long, 1.000 m2 đất nên trồng khoảng 130 gốc. Nếu trồng nhiều cây hơn sẽ không hiệu quả, thậm chí cây sẽ không phát triển tốt. Ông Báo còn cho biết thêm: Xử lý thanh long cho trái nghịch vụ tốn nhiều chi phí, khi đó giá thanh long phải ở mức 10.000 đồng/kg trở lên thì người trồng mới có lãi. Dù vậy, vào mùa nghịch, thanh long có giá khá cao, có khi “sốt giá” lên đến 30.000 đồng/kg. Khoảng 2 năm nay, thanh long mùa nghịch thường có giá trên 10.000 đồng/kg nên mang lại thu nhập khá tốt cho gia đình ông. Năm 2016, 1,3 ha trồng thanh long của ông cho thu nhập lên đến 635 triệu đồng. Bên cạnh chăm sóc vườn thanh long của gia đình, ông Báo cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với bà con xung quanh. Với những nỗ lực và kết quả đạt được trên, năm 2016, ông Báo được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2017, ông được tặng danh hiệu Nông dân SX-KD giỏi cấp Trung ương.

Kết thúc cuộc trò chuyện cũng là lúc ông Báo tiếp tục đi chăm sóc vườn thanh long của mình, công việc mà ông đã gắn bó nhiều năm qua, giờ đã trở thành thói quen không thể dứt được. Nhờ vậy, vườn thanh long của lão nông ở tuổi 87 này lúc nào cũng xanh tốt, ít sâu bệnh và đạt năng suất cao.

Quốc Tuấn

Những loài côn trùng có ích bà con nông dân nên biết

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Trong hệ sinh thái nông nghiệp, bên cạnh những loài côn trùng gây hại cho cây trồng còn có những loài có ích mà bà con nông dân ít biết để bảo vệ.

Hiện nay, với xu thế thâm canh, tăng vụ đồng thời việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, vượt quá liều lượng và nồng độ của bà con nông dân đã làm suy giảm các loài côn trùng có ích và giảm sự đa dạng trong hệ sinh thái nông nghiệp. Để giúp bà con nông dân hiểu biết và có ý thức bảo vệ các loài sinh vật có ích, xin chia sẽ như sau:

Thiên địch là những sinh vật tự nhiên có ích, chúng ăn hoặc gây bệnh những loài sâu bọ gây hại cho sản xuất nông nghiệp. Mỗi hệ sinh thái nông nghiệp có những nhóm thiên địch khác nhau, giữ vai trò quan trọng giúp hạn chế sự phát triển của quần thể sâu gây hại.

Ngày nay, sử dụng thiên địch là một trong những biện pháp sinh học được ứng dụng nhiều trong thực tiễn sản xuất. Dưới đây là một số thiên địch có lợi mà bà con có thể tận dụng để giúp cây trồng của mình phát triển tốt hơn.

Nhện

Các loài nhện ăn thịt, nhện lùn, nhện nhảy, nhện lưới, nhện linh miêu… đều ăn sâu bọ. Sống trên cạn hay dưới nước, nhện đều rất giỏi trong việc săn mồi là các loài sâu bọ, côn trùng khác. Một nhện trưởng thành có thể ăn tới 15 con mồi mỗi ngày.

Bọ xít

Trong họ hàng loài gây hại này vẫn có một số ít có ích đối với cây trồng, đó là bọ xít mù xanh, bọ xít nước chúng thường dùng vòi để hút trứng và tiêu diệt rầy hại lúa.

Bọ xít mù xanh mỗi con ăn hết 7-10 trứng/ngày hay 1-5 con rầy/ngày, bọ xít nước có thể ăn tới 10 con rầy mỗi ngày.

Bọ rùa

Đây là nhóm côn trùng đa dạng, chúng có ích ở cả giai đoạn ấu trùng và trưởng thành. Chúng có hình oval với nhiều màu sắc khác nhau: đỏ, vàng hoặc có nhiều chấm đen trên lưng.

Các loại bọ rùa có ích như: Bọ rùa đỏ (Micraspis sp.); bọ rùa vàng (M. crocea); bọ rùa 6 chấm (Menochilus sexmaculatus); bọ rùa 8 chấm (Hamonia octomaculata). Các loài bọ rùa này cả con trưởng thành và ấu trùng của chúng đều ăn rầy nâu trưởng thành, rầy cám (rầy non) và trứng rầy, mỗi ngày mỗi con có thể ăn từ 5-10 con rầy

Ong ký sinh

Có thể kể đến các loài ong ký sinh như ong kén nhỏ, ong đen, ong xanh mắt đỏ. Chúng đẻ trứng vào trứng hoặc sâu non. Sau đó trứng ong sẽ phát triển, phá huỷ vật ký sinh. Một ngày một con ong có thể đẻ được vài chục trứng.

Ngoài ra còn có một loài ong ký sinh nữa là ong đa phôi ký sinh sâu cuốn lá. Loài ong này đẻ một trứng vào trứng của sâu cuốn lá. Nhưng một quả trứng ong ban đầu này nhanh chóng phân chia thành nhiều trứng, có thể nở thành hơn 200 con ong.

Kiến

Trên trái đất này, ở đâu có sinh vật thì ở đó có kiến. Hầu hết các loài kiến đều ăn thịt, và món ăn ưa thích là các loài sâu bọ.

Chuồn chuồn

Có rất nhiều loài chuồn. Chúng có thể bắt mồi ở trên không, hoặc bổ nhào xuống như máy bay trực thăng. Thức ăn của chuồn chuồn đa phần là côn trùng, sâu bọ. Trước sự tấn công của “không lực chuồn chuồn” thì khó có kẻ nào thoát được.

Muồm muỗm

Trông gần giống châu chấu, cào cào nhưng chúng không ăn thực vật… Chúng thường hoạt động mạnh về đêm và thức ăn ưa thích của chúng là sâu đục thân, bọ rầy lá và bọ rầy thân.

Bọ ngựa

Đây là một trong những loài săn mồi "hảo hạng", có lẽ chúng ít khi về không khi vác những “thanh kiếm” răng cưa sắc nhọn đi kiếm mồi, nạn nhân là những loài sâu bọ gây hại cho lúa cũng như cây trồng nông nghiệp.

Con đuôi kìm

Bọ đuôi kìm có màu đen bóng, giữa cái đốt bụng có khoang trắng và có điểm trắng đầu đỉnh râu. Chúng thường sống trên ruộng khô và làm tổ dưới đất ở gốc cây lúa. Loài bọ này chui vào các rãnh sâu đục thân đã đục để tìm sâu non. Đôi khi chúng trèo lên lá để tìm mồi sâu cuốn lá. Chúng có thể ăn 20 - 30 con mồi/ngày.

Bọ cánh cứng ba khoang

Bọ cánh cứng ba khoang (Ophionea nigrofasciata) là loài côn trùng thân cứng hoạt động mạnh. Sâu non có màu đen bóng, trưởng thành có màu nâu đỏ chúng thường tấn công ổ sâu cuốn lá và các loại sâu non bộ cánh vảy, chúng thường xuất hiện trên cả ruộng lúa và ruộng cây màu.

Kiến ba khoang

Kiến ba khoang (Paederus fucipes) có màu nâu đỏ, giữa lưng có một vạch lớn màu đen chạy ngang qua tạo thành 1 khoang đen. Chúng thường trú ẩn trong bờ cỏ, đống rơm rạ mục nát ngoài ruộng, chúng làm tổ dưới đất và đẻ trứng. Khi ruộng lúa xuất hiện rầy nâu, sâu cuốn lá, chúng tìm đến chui vào tổ sâu ăn thịt từng con.

Trung bình mỗi kiến ba khoang có thể ăn từ 3-5 con sâu non/ngày. Loài kiến này cũng thường xuất hiện trên ruộng cây màu

Trần Thị Hoài Phương (Trung tâm Khuyến nông Nghệ An)

Khó của rau VietGAP

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

Để có được quy trình sản xuất rau an toàn, các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) phải tự bỏ tiền túi đầu tư nhưng vẫn gặp không ít cản trở.

Theo HTX Thương mại dịch vụ Phú Lộc (huyện Củ Chi, TPHCM), tổng diện tích sản xuất rau được cấp chứng nhận VietGAP là 68ha, gồm 146 hộ sản xuất và 30 hộ được chứng nhận cá thể.

Trung bình một ngày thu hoạch 12 - 15 tấn rau nhưng chỉ 70% sản phẩm có mẫu mã đẹp cung cấp cho kênh siêu thị, còn lại đưa ra các chợ đầu mối.

HTX luôn tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất để quản lý xã viên sản xuất theo đúng quy trình rau an toàn. Nếu xã viên sai phạm sẽ bị ngưng hợp đồng. Tuy quy trình an toàn nhưng nhà xưởng sơ chế, đóng gói vẫn chưa đạt chuẩn yêu cầu về mặt kỹ thuật do không có phòng lạnh, kho trữ để bảo quản rau.

Mặt khác, nhiều siêu thị đồng loạt nhập hàng từ khoảng 6 giờ sáng và quy định sản phẩm phải vận chuyển bằng xe tải mát để đảm bảo chất lượng, nhưng vừa qua, Sở GTVT lại quy định giờ cấm xe tải hoạt động nên HTX phải từ chối nhiều hợp đồng do chi phí đội lên cao.

Rau VietGAP được trồng tại HTX Phước An. Ảnh: Cao Thăng

Đồng quan điểm này, Công ty cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật Việt cho rằng, quy định giờ cấm xe tải vào trung tâm TP với mặt thực phẩm tươi sống đang là rào cản lớn. Tại sao xe bưu điện vẫn được ưu tiên, trong khi xe chở thực phẩm tươi sống thiết yếu cho người dân TP lại không được?

Ngay cả việc tiếp cận cơ chế chính sách ưu đãi cũng không dễ nên việc đầu tư phát triển thêm cơ sở hạ tầng trồng rau an toàn càng thêm khó. Hiện công ty chủ yếu trồng rau trong nhà màng với giá đầu tư thiết bị khoảng 3 tỷ đồng/ha, cộng với đất phải thuê giá cao nên không phải ai cũng có thể làm.

Vốn đầu tư cho các đơn vị nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhằm mở rộng diện tích trồng trọt, đầu tư thiết bị công nghệ cao để sản xuất rau an toàn cũng vậy. Trong khi đó, chi phí cho việc xét nghiệm rau an toàn đạt chuẩn vẫn còn cao, trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/mẫu. Số tiền này doanh nghiệp tự bỏ tiền ra, làm đội chi phí giá thành lên nhiều khi rau đến siêu thị.

HTX mong có sự hỗ trợ vốn từ Nhà nước để nhân rộng phát triển mô hình trồng rau an toàn nhằm cung cấp được nhiều hơn cho thị trường TPHCM, cũng như có được quỹ đất để làm mô hình sản xuất thí nghiệm nông nghiệp công nghệ cao để bà con học tập,

Thanh Hải

Nông dân Hưng Yên không còn mặn mà với rau VietGAP

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Trong bối cảnh thị trường tràn lan các loại thực phẩm bẩn, trong đó việc sản xuất rau sạch luôn là một nhu cầu bức thiết. Song với nhiều vùng sản xuất ở Hưng Yên, trồng rau theo quy trình VietGAP thay vì mở ra hướng làm hiệu quả lại trở nên bất cập, bởi những bế tắc trong khâu tiêu thụ. Điều này đã khiến nông dân nản chí nên những vùng rau an toàn cứ dần tàn lụi.

Mô hình trồng rau an toàn tại HTX DVNN xã Yên Phú

* Những vùng rau tiềm năng

Trên địa bàn Hưng Yên, từ năm 2011 có một số vùng được chọn làm mô hình điểm trồng rau an toàn theo công nghệ VietGAP ở các xã: Tiền Phong (Ân Thi), Thuần Hưng (Khoái Châu), Yên Phú (Yên Mỹ)... Các mô hình này do Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên và hội nông dân các xã phối hợp tổ chức. Tuy nhiên đến nay, nông dân các xã này đã không còn mặn mà với rau Vietgap mà quay trở lại với việc trồng rau theo cách cũ.

Với gần 70 ha trồng rau tập trung, xã Thuần Hưng là địa phương có diện tích trồng rau lớn nhất huyện Khoái Châu. Trong đó, nhiều diện tích đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ nông dân tham gia mô hình trồng rau theo hướng VietGAP được tập huấn đầy đủ kiến thức về quy trình sản xuất như: sử dụng giống tốt, cách dùng phân bón lót sinh học là ngô, đỗ nghiền và tro bếp; tưới bằng hệ thống nước sạch, ghi chép nhật ký đồng ruộng và đặc biệt không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích. Vùng rau VietGAP được bà con rất tích cực tham gia với hy vọng mở ra cách làm mới cho hiệu quả cao, ổn định.

Tương tự, tại các xã Tiền Phong và Yên Phú có hàng chục mẫu trồng rau an toàn VietGAP. Bà con cho biết, rau trồng theo quy trình Vietgap chăm sóc và thu hoạch mất khá nhiều công sức, từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch việc chăm sóc phải tuân thủ đạt chuẩn đúng theo quy trình, sử dụng phân bón sinh học, chăm sóc bảo đảm an toàn, cho ra sản phẩm rau sạch chi phí cao hơn bình thường. Bà con cũng cho rằng, với công sức bỏ ra, người tiêu dùng sẽ không phụ, rau an toàn sẽ có chỗ đứng ổn định trên thị trường.

Tuy nhiên, những mong đợi rau VietGAP sẽ là nhu cầu bức thiết của thị trường, sẽ khuyến khích nông dân làm giàu nhưng bà con chưa kịp mừng đã bị hụt hẫng.

* Mô hình bị thu hẹp

Tâm huyết với sản phẩm rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình bà Nguyễn Thị Thành ở thôn 5, xã Thuần Hưng là hộ duy nhất còn lại trong số 10 hộ của hợp tác xã Hợp Thành Tâm Phúc kiên trì bám trụ với hướng sản xuất này. Ban đầu việc tiêu thụ rau khá dễ dàng, nhưng càng về sau càng khó khăn. Nếu như trước đây đều đặn mỗi tuần 3 buổi chủ đầu mối tiêu thụ rau tại Hà Nội về lấy hàng thì nay chỉ 1 buổi/tuần.

Bà Thành cho biết, lúc đầu thì mở rộng mô hình, nhưng sau dần càng ngày càng thu hẹp, cả hợp tác xã giờ còn mỗi gia đình nhà bà làm. Với tâm huyết muốn làm bằng được cái sản phẩm sạch để đưa ra cộng đồng, nhưng đầu ra rất khó khăn nên gần 4 sào rau của gia đình đến ngày thu hoạch luôn đứng trước nguy cơ bị già, quá lứa vì khó bán. Bà Thành ngao ngán cho biết: không biết còn có thể duy trì đến bao giờ nữa.

Tại xã Tiền Phong, thôn Bình Lãng có khoảng 20 hộ tham gia với diện tích gần 10 mẫu trồng rau VietGAP, nay nhiều hộ quay lại với trồng rau theo cách truyền thống hoặc chuyển sang cây trồng khác. Theo bà Nguyễn Thị Nga và nhiều nông dân thôn Bình Lãng, các đơn vị chức năng đầu tư cho người dân làm nhưng không bao đầu ra nên khi mang ra chợ chẳng ai biết là rau an toàn. Điều quan trọng nhất là đầu ra ổn định, nhưng dự án lại để bà con tự lo nên rất chật vật, sản phẩm bị trôi nổi theo thị trường.

Là một trong những vùng trồng rau màu lớn nhất tỉnh Hưng Yên, nhưng trong tổng diện tích hơn 100 ha chuyên canh rau của xã Yên Phú, rau an toàn chỉ khiêm tốn chiếm một phần rất nhỏ. Theo ông Lê Văn Chức, thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú: trồng rau theo VietGAP vừa tốn công sức, thời gian kéo dài hơn, chi phí cho mỗi kg rau này cao hơn rau bình thường ngoài chợ từ 20 đến 30%. Trong khi hầu hết người dân đều chưa phân biệt được thế nào là rau sạch, chỉ lựa chọn theo những cảm quan, bắt mắt và giá rẻ. Vậy nên rau VietGAP khó cạnh tranh dẫn đến thua lỗ. Cũng theo ông Chức, để rau an toàn phát triển bền vững, rất cần sự liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp trong việc hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Theo bà Đoàn Thị Chải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Rau an toàn hiện nay vẫn còn rất khó khăn về đầu ra. Thứ nhất, do các doanh nghiệp chuyên về nông sản vừa thiếu, vừa yếu; trong khi rau là sản phẩm tươi sống nên độ rủi ro cao, khiến các doanh nghiệp ngại tham gia. Thứ hai, rau VietGAP ở Hưng Yên bế tắc là do việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Theo đó, các vùng trồng an toàn cần được tổ chức liên kết theo quy mô nhóm hộ, có sự giám sát và có hồ sơ xuất xứ, nhãn mác cho sản phẩm, có đầu mối tiêu thụ, quảng bá để rau an toàn được người tiêu dùng tin cậy thì mới chiếm lĩnh được thị trường.

PV

Bình Dương: Giá giảm kỷ lục, người trồng tiêu ở Phú Giáo lại lo

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Những ngày qua giá hạt tiêu liên tục giảm, từ 140.000 đồng/kg đầu năm xuống còn 80.000 đồng/kg đã tác động rất lớn đến thu nhập của người trồng tiêu trong cả nước. Trước thực tế này, nhiều hộ trồng tiêu ở huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã giữ hàng chờ giá lên mới bán.

Ông Nguyễn Kim Thành, hộ nông dân trồng tiêu ở ấp Phú Thịnh II, xã An Thái, huyện Phú Giáo, cho biết gia đình ông trồng tiêu đã hơn 10 năm qua, cũng nhờ cây tiêu mà gia đình có cuộc sống ổn định. Gắn bó với cây tiêu đã nhiều năm nhưng chưa năm nào ông lại thấy giá biến động bất thường như vụ mùa năm nay: Đầu mùa giá tiêu đang từ 150.000 đồng/kg tụt xuống còn 100.000 đồng/kg, sau đó tăng lên 110.000 đồng/kg, nay lại giảm sâu còn 80.000 đồng/kg. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2016 giá tiêu hiện nay đã giảm từ 110.000 - 130.000 đồng/kg. Hiện gia đình ông còn hơn 2 tạ tiêu khô định đem bán lấy tiền đầu tư lại cho phần diện tích mới xuống giống, nhưng do giá xuống thấp ông đã giữ lại và đi vay mượn tiền để đầu tư, chờ giá lên bán tiêu để trả nợ.

Một hộ trồng tiêu ở xã An Bình, huyện Phú Giáo đang tranh thủ trời nắng phơi tiêu để bảo quản chờ giá lên mới bán. Ảnh: Hải Sâm

Còn anh Phạm Văn Dũng, ngụ ấp Cà Na, xã An Bình thì cho hay gia đình anh đang “cất giữ” hơn 4 tấn tiêu do giá quá thấp. Hơn 20 năm gắn bó với cây tiêu, anh từng chứng kiến năm 2016 có thời điểm giá tiêu xuống thấp kỷ lục, nhưng hiện nay còn giảm sâu hơn. Với giá này, hơn 4 tấn tiêu của gia đình anh vẫn đang được cất giữ, bởi nếu bán thời điểm này anh cầm chắc lỗ nặng.

Lý giải nguyên nhân tình trạng giá tiêu giảm sâu như hiện nay, ông Thành cho biết là do sản lượng tiêu trong nước năm nay tăng mạnh so với năm trước, nhất là ở Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên; sản lượng làm ra cao hơn nhu cầu thực tế dẫn đến tình trạng tồn kho lớn đã kéo giá tiêu giảm xuống. Ngoài ra, “theo những thông tin tôi được biết, tiêu của Việt Nam không xuất bán được là do bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên một số nước đã tạm thời ngưng nhập. Người trồng tiêu chúng tôi không biết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do đâu, những chắc chắn không có chuyện dư lượng xuất phát từ người trồng tiêu”, ông Thành nói.

Cùng chia sẻ với suy nghĩ này, anh Dũng nói anh không biết sản lượng cung vượt cầu ra sao mà chỉ có mỗi tiêu của nước ta bị ứ đọng, còn các nước như Ấn Độ, Braxin tiêu của họ vẫn tiêu thụ bình thường. “Tôi cho rằng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật xuất hiện ở khâu nào thì không biết, chứ ở khâu trồng, thu hoạch sản phẩm của nhiều gia đình trồng tiêu ở xã An Bình thì rất khó xảy ra. Vì đối với cây tiêu, người trồng chỉ phải phun thuốc bảo vệ thực vật khi tiêu mới đơm bông, đậu trái, trái non. Còn từ khi trái già cho đến khi thu hoạch việc phun thuốc bảo vệ thực vật ngưng hoàn toàn và ở thời điểm này cũng không phải phun xịt bất cứ loại thuốc gì. Để kiểm chứng những gì tôi nói, ngành chức năng có thể đến các hộ trồng tiêu ở An Bình kiểm tra. Tôi cũng đề nghị Nhà nước có giải pháp ổn định giá cả cho nông sản của nông dân, không để cho thương lái quyết định giá”, anh Dũng cho hay.

Trước tình hình giá tiêu giảm sâu như hiện nay, ông Bùi Văn Quen, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cho rằng bà con trồng tiêu trong huyện không vì những tác động nhất thời mà phá bỏ cây tiêu. Bài học chặt bỏ rồi lại trồng từ cây điều, cao su, cà phê, một thời là cây tiêu những năm trước vẫn luôn cần được bà con nhìn nhận nghiêm túc. Mỗi cây trồng, vật nuôi đều có những đặc điểm riêng, phù hợp với từng vùng đất, thổ nhưỡng, đừng vì giá cả nhất thời mà chạy theo, chỉ có thiệt thòi cho chính mình.

Hải Sâm

Nghệ An: Gần 2.500ha rừng thông ở Nghi Lộc bị nhiễm sâu róm

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Hiện nay, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) có 2.474ha rừng thông bị nhiễm sâu róm, mật độ phổ biến 10 - 40 con/cây, cục bộ lên đến 400 - 700 con/cây; sâu róm thông hiện chủ yếu ở tuổi 3 - 5, bắt đầu gây hại mạnh.

Theo kết quả điều tra, hiện nay huyện Nghi Lộc có 2.474ha rừng thông bị nhiễm sâu róm thế hệ II/2017; mật độ sâu phổ biến 10 - 40 con/cây. Đặc biệt, tại một số lâm phần thuộc tiểu khu 962 xã Nghi Văn, tiểu khu 965 xã Nghi Lâm, tiểu khu 964A, 964B xã Nghi Hưng và tiểu khu 959 xã Nghi Yên sâu róm hại thông có mật độ 100 - 150 con/cây, cục bộ lên đến 400 - 700 con/cây và đã gây xơ tán rừng. Sâu róm thông hiện chủ yếu tuổi 3 đến tuổi 5, bắt đầu gây hại mạnh.

Công nhân Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc phun trừ sâu róm hại thông. Ảnh: Nhật Tuấn

Thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc đã huy động nhân lực, tập trung phun phòng trừ sâu róm hại thông trên diện tích 1.000ha rừng bị nhiễm sâu với mật độ 100 - 150 con/cây trở lên. Đơn vị đã sử dụng chế phẩm sinh học VBT16.000IU/MG để phun trừ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thời kỳ, đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng phương pháp.

Cùng với phun chế phẩm sinh học phòng trừ sâu, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc chủ động theo dõi xác định thời gian sâu róm thông vào nhộng vũ hóa để tổ chức bẫy đèn diệt sâu trưởng thành, giảm mật độ sâu róm thông chuyển sang thế hệ III/2017.

Nhật Tuấn

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop