Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 11 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 11 năm 2020

Na ‘ròng rọc’ Chi Lăng khát khao vươn tầm Âu - Mỹ

Nguồn tin: Lao Động

Huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) có khoảng 15.000ha diện tích trồng na. Na là mặt hàng nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương này. Sau khu thu hoạch, bà con đóng na vào các thúng, sọt có trọng lượng khoảng 30kg rồi cài lên ròng rọc chuyển xuống chân núi.

Với diện tích hơn 15.000ha, cây na đang là thế mạnh vùng đất ải Chi Lăng (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), hình thành nên vùng sản xuất hàng hóa lớn nhất của tỉnh. Cây na theo chân người Tày, người Nùng ngạo nghễ vươn trên đỉnh núi, chạy dài tít tắp trong những thung lũng nên việc bà con nơi đây chế tạo ra hàng nghìn chiếc ròng rọc để vận chuyển na đã giảm tải sức lao động và đưa mặt hàng này đến thị trường nhanh nhất.

Từ Rằm tháng Bảy đến nay, khắp thị trường Hà Nội đã tràn ngập na Chi Lăng. Na Chi Lăng được các bà nội trợ bàn tán nhiều trên mạng xã hội, các diễn đàn, í ới đặt mua với các mỹ từ rằng “na ngon nhất Vịnh Bắc Bộ”, “núi đá hiểm trở cho quả na ngon nức nở”... đã thôi thúc chúng tôi về Chi Lăng để khám phá nơi được mệnh danh là thủ phủ na của miền Bắc.

1. Từ Hà Nội, ngược quốc lộ 1A, đến cầu Chi Lăng thuộc thị trấn Đồng Mỏ, chúng tôi đã thấy ven đường một khung cảnh nhộn nhịp khác thường. Từng đoàn người tấp nập gánh gồng, gùi từng sọt na khoảng 30kg từ các ròng rọc ven đường xuống các đại lý, rồi tỏa về chợ na Đồng Bành bán cho thương lái. Cây na bén duyên trên vùng ải Chi Lăng này từ những năm 60 của thế kỷ trước, do những người dân Bắc Giang đi vùng kinh tế mới mang lên trồng. Hợp thổ nhưỡng, khí hậu, cây na trồng ở đây cho quả to, vỏ mỏng, ít hạt, thịt dày, vị ngọt đậm thơm hơn trồng ở các vùng đất khác.

Sau một chu trình vận chuyển bằng ròng rọc, những sọt na đã được tập kết ở ven quốc lộ 1A đoạn qua huyện Chi Lăng, thuận tiện cho việc bán cho thương lái.

Đinh Văn Tú (dân tộc Tày ở thị trấn Chi Lăng) người mướt mải mồ hôi, đỡ từng sọt na từ ròng rọc trên núi cao xuống rồi lựa quả na chín nhất, ngon nhất mời khách. Vị thơm ngọt của trái na như ngấm vào từng tế bào làm chúng tôi quên đi cái mệt nhọc sau một chặng đường xa.

Cả vùng đá Chi Lăng này có đến hàng nghìn cái ròng rọc để vận chuyển na. Thông thường, những vạt na trên núi sẽ được bà con thu hái rồi đóng vào sọt, lắp vào ròng rọc chuyển xuống chân núi. Tú bảo: “Cách đây 15 năm, khi bà con chưa chế ròng rọc để vận chuyển thì mùa thu hoạch na vất vả lắm. Chúng tôi mất cả ngày trời chỉ để gùi, cõng từng sọt na xuống núi. Không chỉ quả na bị trầy xước, dập nát mà cả người gùi xuống cũng rất nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp thương tâm khi gùi na rơi từ trên núi xuống”.

Ròng rọc chuyển na quả là sáng tạo của bà con nông dân nơi đây. Chỉ cần hai cái vành xe máy đã cũ được đóng cố định ở đỉnh núi và chân núi cộng với khoảng 500m dây thép nối kín vào hai vành xe máy là có thể vận chuyển từ núi xuống hàng tấn na mỗi ngày. Tú cho biết thêm, mỗi chiếc ròng rọc từ công mua nguyên vật liệu đến lắp đặt mất khoảng 10 triệu đồng và có thể dùng trong vòng 10 năm.

Cạnh ròng rọc na nhà Đinh Văn Tú là hệ thống ròng rọc na nhà chị Nguyễn Thị Thơm. Nhà chị Thơm vừa trồng 2,7ha na trên núi, vừa mở đại lý thu mua na của bà con rồi bán lại cho thương lái. Chị Thơm bảo rằng: “Năm nay, na được mùa quả, được mùi hương và cả vị ngọt đậm đà hơn các mùa trước. Đầu mùa, tôi thu mua của bà con từ 40.000-60.000 đồng/kg loại quả to đẹp. Thời điểm này, tôi thu mua từ 20.000-30.000 đồng/kg. Nhà tôi thu mua không kịp đơn đặt hàng của thương lái”.

Anh Hoàng Văn Phú dùng xe công nông chở na đến các đại lý bán cho thương lái.

2. Đi dọc quốc lộ 1A đến thị trấn Đồng Bành, chúng tôi bắt gặp quang cảnh huyên náo của khu chợ buôn bán na lớn nhất miền Bắc. Từng đoàn người từ các xã Bắc Thủy, Bằng Hữu, Bằng Mạc, Chiến Thắng, Gia Lộc, Hòa Bình, Hữu Kiên, Lâm Sơn, Mai Sao, Quan Sơn, Vân Thủy, Y Tịch... đổ về chợ na Đồng Bành Bán cho thương lái. Chị Nguyễn Thị Lụa - một người buôn na ở Đồng Bành - cho hay, mỗi ngày có khoảng 50 tấn na được giao dịch thành công ở chợ này.

Theo ông Vi Nông Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, chợ na rộng 1ha này được hình thành từ năm 2017 để giúp bà con và thương lái giao dịch an toàn, tránh tai nạn giao thông khi buôn bán ở dọc quốc lộ 1A như trước đây. Song song với việc hình thành chợ na, huyện Chi Lăng và tỉnh Lạng Sơn đã thường xuyên phối hợp tổ chức các hội chợ quảng bá thương hiệu na Chi Lăng đến người tiêu dùng khắp các tỉnh thành phía Bắc.

Anh Hoàng Văn Chức - một hộ dân trồng na ở thị trấn Đồng Mỏ - cho rằng: “Thời gian thu hoạch và na chín rất nhanh, chỉ trong vòng 1 tuần. Nếu các cơ quan chức năng kêu gọi nghiên cứu phương pháp có thể bảo quản na lâu hơn, hoặc chế biến thành những mặt hàng như nước ép thì sẽ nâng cao giá trị của quả na. Người nông dân Chi Lăng chúng tôi cũng khát khao vị na ngọt thơm quê mình có thể lên máy bay đến được với khách hàng Châu Âu, Châu Mỹ giống như quả vải ở Bắc Giang”.

Tại chợ Đồng Bành, na được thương lái lựa chọn thu mua từ 20.000-60.000 đồng/kg tùy loại quả nhỏ to. Mỗi ngày, có khoảng 50 tấn na tập kết ở chợ này, được thương lái thu mua đi tiêu thụ khắp miền Bắc.

Huyện Chi Lăng là địa phương có diện tích trồng na tập trung lớn nhất cả nước với trên 1.550ha, sản lượng đạt 15.500 tấn/năm, giá trị thành tiền đạt hơn 460 tỉ đồng. Cây na đã và đang đảm bảo đời sống dân sinh cho hơn 300 hộ dân chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng trong huyện và bài toán để thương hiệu na Chi Lăng vươn ra quốc tế đang được địa phương này tìm lời giải đáp trong một tương lai gần.

TRỊNH THÔNG THIỆN

Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn năm 2020-2030

Nguồn tin:  Mard

Ngày 2/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn năm 2020-2030.

Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 do Bộ NN&PTNT trình Chính phủ và vừa được phê duyệt bắt nguồn từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đề án nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những năm qua. Và ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai chủ trương này. Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến nay, diện tích canh tác hữu cơ tại Việt Nam tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019. Cả nước có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ. Số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người.

Số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 doanh nghiệp; tham gia xuất khẩu là 60 doanh nghiệp với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt các nội dung chính của Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 giúp các đơn vị quản lý của Bộ, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, người sản xuất và doanh nghiệp nắm được quan điểm phát triển, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Qua đó triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Đề án phù hợp với chức năng của đơn vị và điều kiện thực tế của địa phương.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện nay rất nhiều hợp tác xã và hộ dân triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên để họ hiểu nông nghiệp hữu cơ như thế nào, các tiêu chuẩn ra sao thì còn thiếu nhiều kiến thức.

Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 nhằm tiến tới từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến. Để làm được việc này, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, bên cạnh diện tích tiếp tục phải thâm canh, tăng năng suất đảm bảo an ninh lương thực thì từng địa phương căn cứ vào diện tích đất, cũng như mặt hàng nông nghiệp chủ lực để chỉ đạo phát triển nông nghiệp hữu cơ. Mặt khác, các tỉnh cũng cần tập trung công tác đào tạo và nâng cao năng lực sản xuất để các hợp tác xã và hộ dân triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ hiểu rõ nông nghiệp hữu cơ như thế nào, tiêu chuẩn-quy chuẩn ra sao. Do đó, sau đợt này, bộ sẽ tổ chức các đợt tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý các cấp từ cấp sở, cấp địa phương và người sản xuất về các tiêu chuẩn hữu cơ, nhất là Tiêu chuẩn TCVN 11041:2017 - Tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn các quy trình sản xuất hướng đến nông nghiệp hữu cơ và đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ đến từng địa phương. Bởi lẽ, quy trình đầu tư để chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ là rất tốn kém, không phải nơi nào cũng làm được, nên cần phải triển khai từng bước.

Một vấn đề nữa được Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đó là làm sao để phối hợp với các ngành trong việc quản lý các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khi đưa ra thị trường về nhãn mác, chất lượng. "Vừa qua, chúng tôi thử đi tìm hiểu một số nơi cho thấy có những mặt hàng được dán nhãn mác nông nghiệp hữu cơ nhưng lại chưa được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ. Đây là vấn đề hiện nay cần phải chấn chỉnh. Việc này không chỉ riêng một mình Bộ NN&PTNT làm được mà đòi hỏi các ngành, nhất là các cơ quan quản lý thị trường cùng tham gia phối hợp".

Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ hỗ trợ về cơ sở pháp lý, tạo điều kiện để giúp đỡ các tổ chức chứng nhận hữu cơ trong nước để họ nâng cao năng lực đồng thời định hướng cho họ liên kết với các tổ chức chứng nhận quốc tế để từng bước nâng cao vị thế, trình độ, năng lực của các tổ chức chứng nhận trong nước ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới.

HNN

Nỗi lo từ việc phát triển nóng cây bơ: Cần kiểm soát chặt chẽ

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Kiểm soát chặt chẽ việc phát triển diện tích, cùng với đẩy mạnh các hoạt động chế biến được xem là lời giải cho việc phát triển bền vững cây bơ hiện nay

Để cây ăn quả, đặc biệt là cây bơ phát triển bền vững trong tương lai, thì bên cạnh việc đầu tư bài bản về quy trình chăm sóc, quan trọng hơn hết đó là phát triển vùng nguyên liệu trái cây phải gắn chặt với bài toán quy hoạch và đi kèm phát triển chế biến.

Bài toán quy hoạch

Đất đai là thứ bất biến, giá trị sản xuất trên đất mới là thứ có thể gia tăng. Chính vì vậy, việc người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cho các loại cây không còn cho hiệu quả kinh tế sang các loại cây ăn trái, cho thu nhập cao như hiện nay là một lẽ tất yếu.

Đề cập về vấn đề này, ông Hà Ngọc Chiến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trước đây, khi nói đến cây bơ, hầu như chỉ có Tây Nguyên là vùng đất thích hợp để trồng loại cây này. Tuy nhiên, hiện nay, từ khu vực Tây Bắc như Sơn La, cho đến các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, vùng Đông Nam Bộ đến một số tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đều đã trồng được cây bơ.

Chưa nói đến chất lượng, nhưng việc cây bơ được trồng khắp mọi miền đất nước đã nói lên diện tích, sản lượng bơ hiện nay đã và đang không ngừng tăng lên. Điều này khiến quy hoạch tổng thể các loại cây trồng nhiều nơi đang bị phá vỡ.

Hiện Lâm Đồng đang là một trong những địa phương có diện tích trồng bơ lớn nhất cả nước. Theo số liệu của Cục Thống kê Lâm Đồng, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh ước tính có 4.855,3 ha bơ, trong đó diện tích trồng mới 1.188,9 ha, diện tích cho thu hoạch ước đạt 2.175,7 ha với năng suất đạt 13,5 tấn/ha, sản lượng đạt gần 30.000 tấn bơ/năm.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất hiện vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún. Người dân trồng tự phát và dựa theo kinh nghiệm mà không theo bất kỳ quy trình nào nên sản phẩm làm ra chưa đạt năng suất, chất lượng, giá bán thì bấp bênh. Người trồng chỉ bán cho thương lái mà không thể tiếp cận được doanh nghiệp hay siêu thị. Do đó, việc phát triển và quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị...

Ông Chiến cho rằng: Để tránh tình trạng được mùa mất giá cần phải có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Muốn làm được điều này phải có diện tích lớn, quy hoạch bài bản. Khi đó doanh nghiệp sẽ có vùng nguyên liệu và người dân an tâm sản xuất.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có Đề án tổng thể về quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, các ngành có quy hoạch về vùng cây ăn trái, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hay thủy lợi...

Thế nhưng, hiện rất ít cơ quan, đơn vị thực hiện có động thái cam kết với nông dân thu mua sản phẩm trong vùng quy hoạch. Do vậy, các hộ trong hay ngoài vùng quy hoạch đều tự làm, tự tiêu thụ nông sản. Trước mắt, ngành Nông nghiệp và các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nông sản sạch, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để giảm chi phí đầu tư; không chạy theo sản lượng mà chú trọng về chất lượng. Đối với doanh nghiệp thì tăng cường công tác tuyền truyền, tổ chức, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu để tìm thị trường tiêu thụ.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân đầu tư phát triển cây bơ bền vững nằm trong vùng quy hoạch. Các địa phương đang thống kê lại toàn bộ diện tích cây bơ thực tế tại các huyện để có phương án chuyển đổi cây trồng phù hợp, sớm kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu trái cây - ông Chiến cho hay.

Nỗ lực kêu gọi đầu tư - phát triển chế biến

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 19.498 ha cây ăn quả các loại với sản lượng bình quân 178 ngàn tấn/năm. Có nhiều chủng loại cây ăn quả được trồng với diện tích lớn, đem lại thu nhập cao cho người nông dân, điển hình như mắc ca, sầu riêng, bơ, chanh dây, dâu tây... Dự báo, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian đến.

Tuy nhiên, đa số các chủng loại trái cây hiện nay chủ yếu được bán tươi, tỷ lệ qua chế biến còn thấp. Toàn tỉnh có 88 cơ sở chế biến trái cây các loại với sản lượng 11.133,5 tấn thành phẩm. Các sản phẩm qua chế biến còn hạn chế về chủng loại sản phẩm cũng như hình thức chế biến, chủ yếu là sấy và cấp đông.

Riêng đối với sản phẩm trái bơ, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có doanh nghiệp nào phát triển chế biến sâu.

Trong khi đó, hướng đi trồng bơ phục vụ cho xuất khẩu đã được nhiều người dân, doanh nghiệp nhắm đến. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, ngành Công thương cũng chưa ghi nhận lô hàng trái bơ nào của tỉnh Lâm Đồng xuất ngoại sang các nước.

Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thùy Qúy Tú - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho biết: Mỗi năm, nông dân trong tỉnh sản xuất hàng trăm ngàn tấn trái cây các loại, nhưng ngoài sầu riêng thì vẫn chưa có mặt hàng nào khẳng định được thế mạnh để xuất khẩu.

Đối với cây bơ, nguyên nhân là do người dân trồng trên diện tích không tập trung, số còn lại chủ yếu là vườn tạp, quy mô không lớn và chưa gắn kết với doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu...

Để cứu người trồng bơ thì việc phát triển chuỗi liên kết giá trị và phát triển chế biến được trông chờ là lời giải trong bối cảnh diện tích, sản lượng không ngừng tăng như hiện nay.

Theo bà Tú, hiện các cấp, ngành chức năng của tỉnh đang nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, tăng cường sản xuất, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến với Lâm Đồng như Công ty CP Lavifood đặt vấn đề xây dựng nhà máy chế biến và tiêu thụ nông sản với quy mô dự án 1.000 tỷ đồng, xây dựng nhà máy chế biến và tiêu thụ nông sản trên diện tích 15 ha.

Với các hạng mục lớn như kho mát, kho lạnh, Công ty đề xuất xây dựng trên diện tích khoảng 20 ha. Đặc biệt, phía Công ty đã đề xuất giải pháp và chính sách trung tâm hỗ trợ nông dân như đào tạo tư vấn, vườn thực nghiệm, nhà sơ chế nông sản và siêu thị nông nghiệp với mô hình trung tâm cây giống đầu dòng, vườn khảo nghiệm rộng khoảng 20 ha. Trong đó, Công ty dự kiến phát triển vùng rau quả là 15 ha và vùng trái cây khoảng 200 ha;...

Ngoài ra, Chi cục cũng đang phối hợp với các trường đại học, các cơ sở, doanh nghiệp... nhằm nghiên cứu phát triển chế biến cây bơ với các sản phẩm như tinh dầu, sấy khô...

Bên cạnh đó, việc tìm cách phát triển cây bơ theo các chuỗi giá trị là vô cùng cần thiết. Toàn tỉnh hiện đang có 150 chuỗi liên kết đang được triển khai với sự tham gia liên kết của 182 doanh nghiệp, HTX và 16.015 hộ dân, với tổng diện tích khoảng 24.000 ha; sản lượng đạt hơn 500.000 tấn nông sản. Trong đó, một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ trái cây đang hoạt động rất hiệu quả.

HOÀNG SA - HOÀNG YÊN

Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 10 tháng đầu năm 2020 đạt 33,56 tỷ USD

Nguồn tin:  Tổng cục Thủy sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 10 năm 2020 ước đạt 3,75 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2020 đạt 33,56 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 15,07 tỷ USD, giảm 1,6%; Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 256 triệu USD, giảm 21,4%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt gần 6,88 tỷ USD, giảm 2,5%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 10,31 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Ước tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam sang các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm thị phần 53,32%) và châu Âu (12,63%) giảm so với cùng kỳ năm 2019, giá trị xuất khẩu sang các khu vực này đạt lần lượt là: 17,85 tỷ USD (-5,8%) và 4,25 tỷ USD (-1,8%). Ngược lại, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam sang các thị trường thuộc khu vực Châu Mỹ, Châu Phi và châu Đại Dương đều tăng so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt lần lượt là: 9,36 tỷ USD (+16,2%), 731 triệu USD (+0,2%) và 561 triệu USD (+1,9%).

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với thị phần chiếm lần lượt là 25,59% (giá trị tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2019); 24,33% (-8%); 8,3% (-2,5%) và 5,7% (-0.9%).

Đối với mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10 năm 2020 ước đạt 840 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2020 đạt gần 6,88 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020, chiếm 59,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Anh (+22,9%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là Thái Lan (-17,6%).

Ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 10 năm 2020 đạt 2,72 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2020 đạt 25,59 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Ước tổng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam từ các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm thị phần 31,5%), châu Âu (thị phần 5,5%), châu Phi (thị phần 4,1%) và châu Đại Dương (thị phần 3%) đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, ước nhập khẩu từ các thị trường châu Á giảm 10,2%, đạt 8,06 tỷ USD; châu Âu giảm 2,2%, đạt 1,4 tỷ USD; châu Phi giảm 17,7%, đạt 1,04 tỷ USD; châu Đại Dương giảm 7,4%, đạt 773,4 triệu USD. Trong khi đó, ước tính nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam từ khu vực châu Mỹ (chiếm thị phần 29,2%) tăng 0,5% với cùng kỳ năm 2019, đạt 7,47 tỷ USD.

Thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ và khối ASEAN là ba thị trường/khối thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu ước chiếm lần lượt là 11,5%, 11,3% và 11%. Tuy nhiên, nhập khẩu của Việt Nam từ cả 3 thị trường này trong 10 tháng đầu năm 2020 đều được ước tính sẽ sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, nhập khẩu từ Trung Quốc ước giảm 10,5%, đạt 2,94 tỷ USD; Hoa Kỳ giảm 3,8%, đạt 2,89 tỷ USD và ASEAN giảm 12,1%, đạt 2,81 tỷ USD.

Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 10/2020 đạt 137 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2020 đạt gần 1,44 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2020 chủ yếu từ Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 14,4%), Nauy (11,4%), Nhật Bản (9,4%). So với cùng kỳ năm 2019, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 từ Ấn Độ tăng 27,1%, Nhật Bản tăng 25,3%, trong khi nhập khẩu từ Nauy giảm 6,3%.

NN

Năng suất lúa giống cao hơn lúa hàng hóa 600 kg/ha

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long) vừa hội thảo đầu bờ dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2020, mô hình triển khai tại huyện Long Hồ.

Năm nay, Long Hồ có 2 cơ sở, hộ tham gia sản xuất với tổng diện tích 3ha, trong đó vụ Hè Thu 2ha và vụ Thu Đông là 1ha tại xã Long An. Chủng loại giống là OM 5451 và OM 18.

Theo đánh giá của ban quản lý dự án, qua kiểm định đồng ruộng các cơ sở đều đạt cấp giống nguyên chủng. Lúa phát triển tốt, dự kiến năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha lúa tươi, cao hơn lúa hàng hóa 600 kg/ha.

Tuy chi phí sản xuất lúa giống cao hơn so với lúa hàng hóa nhưng giá bán lúa giống cao hơn giúp hiệu quả kinh tế sản xuất lúa giống mang lại cũng cao hơn.

Trong năm 2020, dự án trên được triển khai là 80ha tại 7 huyện gồm: Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít, Bình Tân và Long Hồ. Sản lượng lúa giống sản xuất dự kiến đạt 392 tấn.

Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 2,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí nhà nước trên 934 triệu đồng, người dân tham gia dự án đối ứng trên 1,68 tỷ đồng. Chủng loại giống sản xuất gồm các giống chủ lực như: OM 5451, OM 4900, OM 7347, OM 6976, IR 50404 (vụ Đông Xuân).

Dự án trên với mục tiêu củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần cấp nguyên chủng, xác nhận, đảm bảo hạt giống đạt chất lượng, cho năng suất cao, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm lúa gạo, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và mang lại lợi nhuận tốt nhất cho nông dân.

THANH LIÊM

Làm giàu từ trồng hoa thiên lý

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Hiện mỗi ngày, gia đình ông Hoàng Văn Thắng hái được 25 kg hoa thiên lý.

Ông Hoàng Văn Thắng, xóm Đồng Đình, xã Vũ Chấn (Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), một nông dân mạnh dạn đưa dây hoa thiên lý về trồng trên đồng đất quê mình để xóa nghèo. Bà Mai Kim Quyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: Chỉ sau 3 tháng đặt hom giống, gia đình ông đã hái được bộn tiền từ bán hoa thiên lý.

Còn ông Trần Văn Toàn, một chủ nhà hàng ở T.P Thái Nguyên chia sẻ: Hoa thiên lý không chỉ là loại thực phẩm bổ dưỡng, mà còn được dân gian sử dụng làm thuốc chữa bệnh, vì thế loại hoa này trở thành món đặc sản. Trước đây, nhà hàng chúng tôi phải đặt mua từ các tỉnh Nghệ An, Hải Dương. Nhưng nay chủ yếu đặt mua tại nhà vườn của gia đình ông Thắng.

Từng trải qua nhiều nghề mưu sinh, ông Thắng có điều kiện va chạm, tiếp cận với các thông tin liên quan đến việc nông dân làm giàu. Thường khi rảnh việc, ông đọc báo, xem các bài viết về mô hình nông dân điển hình vươn lên trong làm kinh tế. Cũng vì thế mà trong ông luôn trăn trở là vì sao mình có đất, có sức khỏe mà không vươn nổi trong làm kinh tế. Xem nhiều chuyện nông dân làm giàu, ông tâm đắc với mô hình trồng cây hoa thiên lý. Ông chia sẻ: Tôi thấy mô hình này ở tỉnh chưa ai làm, trong khi hoa thiên lý có thể thích nghi trên nhiều loại đất khác nhau. Quan trọng là loại hoa này mang lại giá trị kinh tế cao, đạt từ khoảng 30 đến 32 triệu đồng/sào/năm, nếu với cấy lúa 2 vụ, bán thóc chỉ được 1,4 triệu đồng/sào/năm.

Trước khi quyết định chuyển đổi đất sang trồng cây hoa thiên lý, ông đã nhiều lần cất công vào các tỉnh Nghệ An, Hải Dương, tìm đến một số mô hình có quy mô lớn để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản hoa thiên lý. Tuy nhiên, việc ông làm chưa được chính quyền địa phương ủng hộ, vì ở Thái Nguyên chưa ai nói tới việc trồng hoa thiên lý mà trở nên giàu có. Vợ ông Thắng là bà Ma Thị Tươi cũng nhất quyết không cho chồng làm. Ông băn khoăn, song nhất quyết đầu tư hơn 120 triệu đồng tiền vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho mô hình cây hoa thiên lý.

Vậy là từ sau Tết Nguyên đán năm 2020, toàn bộ diện tích đất của gia đình, gồm 10 sào và 6 sào đất ruộng liền kề ông thuê lại được cày bừa, lên luống. Trong thời gian đợi đất hả hơi, ông về Hải Dương mua 2.000 hom giống cây thiên lý, thuê xe chuyển về tận chân ruộng, thuê người về hướng dẫn đặt hom giống. Ông thở dài: Thật không may cho tôi, khi đặt giống gặp đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nên chỉ có 400 hom trên tổng số 2.000 hom sống sót. Tôi không nản, tiếp tục mua vật liệu về thuê người bắc giàn, chăm bón thêm phân chuồng ủ mục, vì thế những cây còn sống khỏe mạnh, vươn nhanh lên giàn và sinh nhánh, chẳng mấy đã nhú nụ khoe hoa.

Từ tháng 6, ông Thắng bắt đầu thu hoạch lứa hoa đầu tiên. Ông mang bán cho các nhà hàng ở T.P Thái Nguyên với giá bình quân 45.000 đồng/kg. Ngay sau hôm đó, ông nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các nhà hàng ẩm thực ở T.P Thái Nguyên gọi đến đặt mua với số lượng lớn hơn. Ông Thắng nói như mở lòng: Hiện mỗi ngày gia đình tôi hái được 25kg hoa thiên lý, thu về hơn 1,1 triệu đồng. Hiện tôi đang tự ươm giống, trồng dặm lại, dự kiến trên diện tích này vào năm tới.

Ông Thắng dừng lời, rồi tự tay vốc lên những nụ hoa chúm chím màu diệp lục, bảo: Cái hay của dây hoa thiên lý là trồng 1 lần, rồi có thể thu hái liên tục trong thời gian 5 năm mới phải trồng thay thế. Người già, em nhỏ cũng có thể tham gia thu hái, và việc chăm sóc cũng giản tiện hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác. Hiện ngoài diện tích đất đã trồng, tôi mới thuê thêm gần 1ha đất liền kề. Hoa thiên lý của tôi đã nở trên vùng đất cằn Vũ Chấn, nên việc tôi làm không chỉ vợ con, mà các anh cán bộ lãnh đạo xã đã phấn khởi ủng hộ.

Phạm Ngọc Chuẩn

Bạc Liêu: Hơn 25.150ha lúa, rau màu, cây ăn trái bị ngập úng

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Theo thống kê sơ bộ của ngành Nông nghiệp Bạc Liêu, do ảnh hưởng của mưa bão, áp thấp nhiệt đới kéo dài trong những ngày qua đã làm cho hơn 25.150ha lúa, rau màu, cây ăn trái bị ngập úng. Riêng diện tích lúa bị ngập trên 24.730ha, trong đó thiệt hại trên 70% chiếm khoảng 12.198ha và thiệt hại từ 30 - 70% trên 445ha. Về rau màu và cây ăn trái bị thiệt hại gần 300ha.

Hiện nông dân đang tích cực khắc phục và tranh thủ việc vận hành các cống đầu mối để tiêu úng. Đồng thời làm tốt công tác thủy lợi - thủy nông nội đồng để chủ động chống xâm nhập mặn, nhất là vào những ngày triều cường dâng cao cùng với mưa lớn không thể mở cống thoát nước.

PV

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Đợt lũ lớn vừa qua tại tỉnh Quảng Trị đã gây ngập lụt sâu trên diện rộng ở hầu hết các địa phương, làm ảnh hưởng lớn đến tài sản, tính mạng của người dân và sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương, xảy ra hiện tượng gia súc, gia cầm chết hoặc trôi mất do nước lũ và ngập úng. Sau khi nước rút, công tác vệ sinh các khu chăn nuôi, phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi là rất quan trọng.

Hướng dẫn người dân cách phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm -Ảnh: P.V.T

Hiện nước lũ đã rút hết, tuy nhiên nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh từ các loài gia súc, gia cầm chết đang là mối quan tâm của nhiều người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi. Hiện các hộ dân đang tích cực tìm mọi biện pháp để phòng, tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, sớm khôi phục sản xuất.

Gia đình chị Phan Thị Nhạn ở Đội 1, Như Lệ, Hải Lệ, thị xã Quảng Trị có 11 ô chuồng nuôi lợn, trong đó có 8 ô lợn nái và 3 ô lợn thịt với tổng đàn gần 50 con. Khi nước lũ dâng cao, gia đình chị đã dùng ghe, xuồng đưa lợn lên nơi cao hơn. Trong lúc di chuyển có 5 con lợn bị thương, một con lợn nái trọng lượng lớn không vận chuyển được, do nước lũ ngập gây thiệt hại. Hiện nay sau khi nước lũ rút, được sự hỗ trợ của cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chị Nhạn cùng các thành viên trong gia đình tập trung làm vệ sinh, đẩy bùn đất ra, khử trùng các ô chuồng, vận chuyển lợn về để chăm sóc, ổn định khu chăn nuôi. “Tôi mong muốn ban, ngành và chính quyền các cấp có sự quan tâm, hỗ trợ thêm cho thuốc sát trùng, vôi bột, các chất tẩy khử chuồng trại và kinh phí để sửa sang chuồng trại, giúp gia đình tôi và các hộ dân khác ổn định chăn nuôi sau lũ”, chị Nhạn đề xuất.

Theo thống kê, về chăn nuôi toàn tỉnh có hơn 5.862 con gia súc, 547.868 con gia cầm các loại bị chết, cuốn trôi. Để chủ động triển khai các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ và tăng cường phòng, chống dịch bệnh động vật sau mưa lũ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố xuống cơ sở để hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ, xử lý tốt môi trường, xây dựng phương án chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm để hạn chế tối đa thiệt hại và ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh. Tiến hành rà soát, tổng hợp thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ hỗ trợ, giúp nông dân ổn định đời sống và sản xuất.

Kỹ sư Nguyễn Quang Dương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lưu ý một số biện pháp trong công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêu hủy gia súc, gia cầm chết do mưa bão, ngập úng. Khi nước rút, người dân cần thực hiện vệ sinh cơ giới trước khi phun hóa chất sát trùng. Nước rút đến đâu cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom rác thải đến đó… rồi tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả. Tổ chức quét dọn, thu gom toàn bộ bùn, đất, phân, chất thải, rác thải tại khu vực chuồng nuôi gia súc, gia cầm và khu vực tiếp giáp xung quanh, rắc vôi, đóng vào bao kín để gọn một nơi, đào hố ủ làm phân, đảm bảo vệ sinh môi trường. Sửa chữa, cải tạo chuồng trại bị hư hỏng do ngập nước. Nạo vét, dọn bùn đất, khơi thông cống rãnh bên trong chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Đặt túi vôi bột tại các rãnh thoát nước.

Tiến hành cọ rửa sạch sẽ bề mặt nền chuồng, tường chuồng, dụng cụ chăn nuôi trước khi phun thuốc sát trùng. Sử dụng các loại hóa chất thông dụng để phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các loại hóa chất như NavetIodine hoặc Benkocid bằng cách pha 20-50ml hóa chất nói trên trong 10 lít nước sạch; 1 lít dung dịch pha phun 3 - 5 m2 nền chuồng nuôi. Ngoài ra, có thể sứ dụng thuốc Hantox-200 để phun diệt ruồi, muỗi tại khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh để tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh. Để chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ mới đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Với những gia súc có biểu hiện rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh đường hô hấp thì phải cách ly và điều trị kịp thời. Mở bạt chuồng nuôi để cho ánh nắng chiếu sáng vào khu vực chuồng để tăng hiệu quả diệt khuẩn. Định kỳ 1-2 lần/tuần thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi để chủ động phòng dịch.

Bên cạnh đó, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn; tình trạng sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm. Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, dịch tả lợn Châu Phi, phải báo ngay cho nhân viên thú y hoặc trưởng thôn để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. Khi có gia súc, gia cầm ốm, chết, phương pháp hiệu quả nhất là đốt xác vật chết, phun thuốc diệt côn trùng, thuốc sát trùng hoặc tưới dầu hỏa lên xác vật chết để chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp; phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột. Tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đạt hiệu quả, nhất là trong mùa mưa lũ, người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết hằng ngày và tăng cường chăm sóc gia súc, gia cầm trong mùa mưa lũ để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết cùng sự đe dọa của dịch bệnh cho vật nuôi. Những công việc này cần được các hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục và bên cạnh đó cần được sự quan tâm của cộng đồng dân cư để đảm bảo an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm và hạn chế đến mức thấp thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Phan Việt Toàn

Người chăn nuôi chuẩn bị vụ Tết

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Người chăn nuôi vỗ béo bò đề chuẩn bị cho vụ Tết. Ảnh: TRUNG HIẾU

Hiện nay, người chăn nuôi các địa phương bắt đầu thả giống chuẩn bị cho vụ Tết sắp tới. Để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro, các hộ chăn nuôi triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi.

Người mạnh dạn, người ngần ngại

Từ đầu tháng 9 âm lịch, các hộ nuôi heo trên địa bàn tỉnh Phú Yên bắt đầu chuẩn bị cho vụ sản xuất Tết. Ông Lê Minh Trung ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), cho biết: “Để kịp vào lứa heo Tết, từ 2 tháng trước tôi đã phải đặt cọc mua heo giống tại trại sản xuất giống ở Hòa Thắng, đồng thời tiến hành khử trùng chuồng trại, phơi vôi, khử khuẩn máng ăn… Đầu tháng 9 vừa qua, tôi nhập 10 con giống, đến nay heo đã đạt trọng lượng từ 20-25kg/con. Dự kiến lứa heo này sẽ đủ trọng lượng xuất chuồng vào khoảng tháng Chạp, cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm”.

Hiện nay heo hơi có giá 73.000 đồng/kg nên người nuôi heo khá mạnh dạn tăng đàn cho vụ Tết. Theo bà Nguyễn Thị Hồng ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An), từ sau đợt dịch tả heo châu Phi đến nay, giá heo hơi liên tục ở mức cao, khả năng trong mùa Tết sắp tới cũng sẽ duy trì mức giá này. Đồng thời, thị trường heo giống hiện đã bớt “căng”, giá cũng giảm còn 160.000 đồng/kg nên các hộ nuôi heo đều mạnh dạn tăng đàn. Vụ Tết này, nhà bà Hồng tăng đàn lên 15 con, gấp đôi so với bình thường.

Trong khi đó, những hộ chăn nuôi gà cũng đã bắt đầu vào lứa gà Tết từ 2 tuần trước và hầu hết các trại gà đều giảm đàn so với mọi năm. Ông Nguyễn Gian Phúc, chủ trại chăn nuôi gà thịt ở xã An Chấn (huyện Tuy An), cho biết: Cách đây 10 ngày, tôi đã cho nhập 700 con gà giống 1 ngày tuổi, đây là lứa gà chuẩn bị cho thị trường Tết năm nay, so với mọi năm thì giảm 300 con. Nguyên nhân tôi giảm đàn là vì từ đầu năm đến nay gà mất giá, chỉ khoảng 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, dịch COVID-19 chưa hết hẳn; nếu dịch tái bùng phát, đám tiệc bị buộc dừng thì gà sẽ tiếp tục khó tiêu thụ. Vì vậy, không chỉ tôi mà các hộ nuôi gà đều chọn giảm đàn để an toàn.

Cũng như những người nuôi heo và gà, các hộ chăn nuôi bò cũng bắt đầu thực hiện nhiều phương pháp vỗ béo cho đàn bò thịt để đạt trọng lượng lý tưởng trước khi xuất chuồng vào dịp Tết sắp tới. Ông Lê Văn Phụng ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) cho hay: Nhờ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tập huấn phương pháp nuôi bò vỗ béo hiệu quả nên nhiều năm nay, gia đình tôi chuyển từ nuôi bò sinh sản sang nuôi vỗ béo. Mỗi con bò thường được đưa vào vỗ béo trong khoảng 3 tháng trước khi xuất bán nên lúc này là thời điểm bắt đầu vỗ béo. Vụ này gia đình tôi nuôi vỗ béo 4 con để bán Tết. Để bò tăng trọng tốt, tôi đã tẩy ký sinh trùng và bắt đầu cho bò ăn theo khẩu phần riêng, gồm thức ăn hỗn hợp do gia đình tự phối trộn và các loại thức ăn thô xanh đã được ủ chua. Chăm theo phương pháp này, từ giờ đến khi xuất chuồng mỗi con bò sẽ tăng được 60-70kg, giá trị kinh tế cao hơn hẳn.

Đảm bảo an toàn vật nuôi

Song song với việc thả giống, người chăn nuôi chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, nhất là trong lúc mưa bão đang diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Gian Phúc cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, gia đình tôi đã dùng bạt nhựa che chắn khu chuồng nuôi úm gia cầm non để hạn chế bị gió lùa, mưa tạt; đồng thời cũng gia cố chằng chống mái chuồng, rong dọn cây trong trại để hạn chế ảnh hưởng bởi mưa bão”.

Trong khi đó, những hộ nuôi heo chú trọng đến việc phòng ngừa dịch bệnh, nhất là nguồn gốc giống. Ông Lê Văn Hòa ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cho biết: Toàn bộ đàn heo giống đều được gia đình tôi mua ở trại heo giống trong Đông Hòa. Các con giống đã được kiểm dịch, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đảm bảo an toàn dịch bệnh trước khi đưa vào nuôi. Ngoài ra, gia đình còn chủ động tiêu độc môi trường hàng tuần để hạn chế mầm bệnh phát sinh. Còn theo những người nuôi bò thì mùa này bò rất dễ bị các bệnh nhiễm trùng như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng… nên bà con đặc biệt chú trọng đến việc tiêm phòng vắc xin và bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Văn Lâm: Các hộ chăn nuôi đang bắt đầu tăng đàn cho vụ Tết, trong khi đó thời tiết giai đoạn này thường xuất hiện mưa bão nên ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của bà con. Để đảm bảo an toàn trước thiên tai và dịch bệnh, người chăn nuôi cần chú trọng thực hiện các biện pháp phòng dịch, chủ động tích trữ thức ăn, che chắn chuồng nuôi và kịp thời di dời đàn vật nuôi đến nơi an toàn khi bão lụt…

THỦY TIÊN

Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Không để bùng phát dịp cuối năm

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Hiện nay, các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội đang tập trung tái đàn vật nuôi để đủ nguồn cung phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như thời tiết diễn biến bất thường, kiểm soát vận chuyển khó khăn nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp cuối năm là rất lớn. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được thành phố Hà Nội triển khai là tổ chức giám sát dịch bệnh ngay từ cơ sở, hộ chăn nuôi...

Tiêm phòng vắc xin là một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia cầm.

Từ nguy cơ dịch bệnh…

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch cúm gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện nhỏ lẻ ở các hộ chăn nuôi của 268 xã thuộc 95 huyện của 29 tỉnh, thành phố với số lợn tiêu hủy là 15.769 con.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, thời gian tới, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có thể tiếp tục xảy ra, nhất là chăn nuôi nông hộ.

Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, hiện tại dịch bệnh vẫn xảy ra nhỏ lẻ ở các địa phương là do tình trạng kinh doanh, buôn bán gia súc, gia cầm không đúng nơi quy định, thậm chí nhiều nơi giết mổ gia cầm ngay ở các chợ dân sinh. Không ít tỉnh, thành phố chưa có những cơ sở, điểm giết mổ bảo đảm quy định nên khó kiểm soát trước và sau khi giết mổ, làm phát tán dịch bệnh...

Ở góc độ địa phương, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn ra lẻ tẻ trên địa bàn thành phố với các bệnh thông thường như: Tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi... Bệnh Dịch tả lợn châu Phi không xảy ra dịch lớn, song gần đây đã xuất hiện trở lại ở một số huyện như: Chương Mỹ, Đông Anh, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên là do chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hà Nội còn chiếm tới 60% nên luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm, chưa kể, Hà Nội có 738 cơ sở giết mổ nhưng có tới 673 cơ sở giết mổ thủ công trong khu dân cư. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn mầm bệnh rất cao từ các nơi về cũng như trên địa bàn thành phố.

Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và thú y huyện Chương Mỹ Hoàng Lê Đại Thắng cho rằng, nguyên nhân xảy ra ổ bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại một số xã ở huyện Chương Mỹ mới đây là do nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng, sử dụng thức ăn thừa, chưa thực hiện tốt việc khai báo khi nhập đàn, tái đàn và người dân chủ quan với dịch bệnh.

Như vậy có thể thấy, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là các địa phương, người chăn nuôi cần quyết liệt các biện pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

… đến giải pháp phòng tránh

Thời điểm hiện tại có ý nghĩa quan trọng trong chăn nuôi để giữ và tăng tổng đàn, cung cấp nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Để chủ động kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, giảm thiệt hại kinh tế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu, các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y; đồng thời theo dõi chặt chẽ, giám sát dịch bệnh ngay từ hộ chăn nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời, không để lây lan.

Mặt khác, các cơ quan chức năng của địa phương cần hướng dẫn thú y cơ sở cũng như người chăn nuôi theo dõi đàn gia súc, gia cầm; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin, ngành Nông nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất, vật tư để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

Từ nay đến cuối năm 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện 2 đợt tiêu độc môi trường; đồng thời duy trì hoạt động 5 chốt kiểm dịch gia súc, gia cầm vào thành phố, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, đặc biệt là kiểm soát các cơ sở giết mổ lớn như: Vạn Phúc (huyện Thanh Trì); Hải Bối, Minh Hiền (huyện Thanh Oai)…

Vấn đề cốt lõi là người chăn nuôi cùng vào cuộc, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh phát sinh. Bà Trần Thanh Hiền (ở xã Thụy An, huyện Ba Vì) cho biết: “Hiện nay, với quy mô tổng đàn 1.000 con gia cầm, để bảo đảm an toàn dịch bệnh, trang trại đã tiến hành tổng vệ sinh môi trường xung quanh khu vực chuồng trại, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định… Tôi cũng mong muốn các trang trại, gia trại cùng chung sức bảo vệ đàn vật nuôi để dịch bệnh không phát sinh và lây lan ra diện rộng”.

Với những giải pháp cụ thể cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của người chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sẽ có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới.

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop