Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 12 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 12 năm 2016

Đất cằn cho trái ngọt

 

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

 

Nhờ sự năng động, ham học hỏi, sau hơn 4 năm trồng cây có múi trên vùng đất cằn, gia đình ông Nguyễn Văn Thành ở thôn Cống Thuận, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã có cuộc sống khá giả, sung túc.

 

 

Ông Nguyễn Văn Thành.

 

Trước kia, hơn 3 ha đất đồi của gia đình ông chủ yếu trồng vải thiều, hiệu quả kinh tế không cao. Một lần lên huyện Lục Ngạn thấy có nhiều hộ làm giàu từ cam, bưởi, ông quyết định chuyển đổi cây trồng. Với số vốn dành dụm được và vay mượn thêm, năm 2012, ông Thành cải tạo đất vườn, mua hơn 1 nghìn cây giống gồm cam Vinh, cam đường Canh, bưởi Diễn về trồng.

 

Đất không phụ công người, đến nay khu vườn với nhiều loại cây có múi đã cho thu hoạch. Ông Thành nói: “Để thuận lợi cho chăm sóc, tôi khoan giếng, lắp đặt hệ thống ống nước tưới, xây dựng kho chứa thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Tôi luôn quan niệm phải có sản phẩm sạch, chất lượng tốt nên chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn".

 

Do mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năm 2015, ông Thành thu hoạch lứa quả đầu tiên, được 12 tấn cam, hơn 1 nghìn quả bưởi, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Năm nay, chủ vườn vừa thu hơn 5 tấn cam Vinh. Tới đây, ông tiếp tục thu khoảng 10 tấn cam và 2 nghìn quả bưởi, đạt lợi nhuận cao hơn năm ngoái. Không chỉ chăm lo cho gia đình, ông Thành còn nhiệt tình hướng dẫn người dân trong vùng kinh nghiệm, tạo điều kiện mở rộng diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

Linh Đan

 

Những vùng sản xuất cho “trái thoát nghèo”

 

Nguồn tin: Báo Lào Cai

 

Chúng tôi đến xã Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai) - thủ phủ của chuối, dứa để gặp anh Vàng Seo Dìn ở thôn Na Lốc - một trong những hộ trồng nhiều dứa, chuối của xã. Dù đã hẹn từ trước, vậy mà khi đến nơi, chúng tôi phải ngồi chờ gần 1 giờ đồng hồ vì anh còn bận lên nương kiểm tra vùng chuối sau mấy ngày mưa liên tục. Trong căn nhà 2 tầng khang trang, anh Dìn kể cho tôi nghe về cơ duyên đưa anh đến với danh hiệu “tỷ phú nông dân” cũng đơn giản như chính sự chất phác của anh. “Hơn chục năm về trước, gia đình tôi nằm trong diện “ăn bữa nay lần bữa mai”, kinh tế phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn, nên khó cứ hoàn khó. Vào những năm mất mùa, để có cái ăn cho các con, tôi phải vất vả đi làm thuê ở nhiều nơi. Nghèo quá, đói quá thì phải nghĩ cách thoát nghèo. Khi ấy, phong trào trồng dứa, chuối phát triển mạnh ở Bản Lầu, nhiều nhà thu hàng chục triệu đồng mỗi vụ. Vì thế, tôi dành thời gian đến nhiều địa phương để học kinh nghiệm rồi về vay vốn ngân hàng để trồng dứa. Hiện, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi cũng để ra được khoảng 300 triệu đồng”.

 

 

Nhiều hộ dân ở Bản Lầu có thu nhập cao từ trồng dứa.

 

Chia tay anh Dìn, chúng tôi ngược lên thị trấn Mường Khương để tìm hiểu thêm về hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân nơi đây. Vụ quýt vừa qua, gia đình anh Sền Pờ Diu, thôn Chúng Chải B thu hơn 100 triệu đồng tiền bán quả quýt. Đây chưa phải là số tiền lớn, bởi chỉ năm sau thôi, khi toàn bộ diện tích quýt đủ tuổi cho thu hoạch, số tiền này sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Trước năm 2010, anh Diu cũng như các hộ khác trong thôn chỉ “quay ra nhìn thấy lúa, quay vào nhìn thấy ngô” nên thu nhập không đủ ăn. Anh Diu cũng nhiều lần “khăn gói quả mướp” xuống xã Bản Lầu để học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhưng rồi đành ngậm ngùi từ bỏ bởi “thiên chưa thời, địa chưa lợi”. Thế rồi, anh Diu và nhiều hộ khác ở Chúng Chải B mừng như bắt được vàng, khi huyện Mường Khương triển khai nhiều dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân phát triển kinh tế, trong đó có mô hình trồng quýt. Được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, vận động, anh Diu và nhiều hộ khác trong thôn mạnh dạn đăng ký trồng. Nhà có nhiều đất thì trồng nhiều, nhà ít cũng 300 - 400 gốc. Giờ đây, sau 6 năm bén rễ trên đất Mường, cây quýt đã mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân.

 

Anh Diu, anh Dìn chỉ là hai trong rất nhiều hộ dân trên vùng cao Mường Khương thoát nghèo nhờ nhanh nhạy chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giờ đây, nhắc đến Mường Khương, nhiều người nghĩ ngay đến những cái tên như: Làn Mậu Thành (thị trấn Mường Khương); Thào Dìn, Thào Thắng, Thào Minh (Bản Lầu)… Từ những mô hình điểm của các hộ tiên phong, bà con trong huyện đã tích cực làm theo, bởi ai cũng có khát khao thoát nghèo.

 

Được biết, thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện là nhờ định hướng, lựa chọn của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Khương qua các nhiệm kỳ trên cơ sở phát huy tiềm năng của địa phương; sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của tỉnh, các sở, ngành thông qua các chương trình, dự án. Ngoài ra, phải kể đến yếu tố quan trọng đó chính sự vào cuộc tích cực của người dân. Lý do rất đơn giản, bởi bao đời nay, người dân phải sống trong nghèo khó, vì thế ngay khi chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đưa ra, người dân ở Mường Khương đã biết tranh thủ nguồn lực giúp đỡ của Đảng và Nhà nước; đồng thời phát huy nội lực để tự vươn lên, thoát nghèo. Để giúp dân xóa nghèo nhanh và bền vững, huyện Mường Khương đặc biệt coi trọng việc chuyển dịch cơ cấu nội ngành, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; chú trọng phát huy thế mạnh từ sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa. Các cây trồng được Mường Khương lựa chọn đưa vào canh tác phải đảm bảo những yếu tố: Thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, phù hợp với trình độ canh tác của người dân và quan trọng nhất là giá trị kinh tế cao, ổn định.

 

Giờ đây, Mường Khương đã hình thành nhiều vùng chuyên canh hàng hóa nổi tiếng như dứa (550 ha), chuối (646 ha) tập trung chủ yếu ở các xã Bản Lầu, Lùng Vai, Nậm Chảy; chè (2.348 ha), quýt (288 ha)... Chỉ tính riêng cây dứa, năm 2016, bà con trong huyện thu được 12.500 tấn, với giá bán bình quân 5.000 đồng/kg, giá trị ước đạt 62,5 tỷ đồng. Hay như cây chè, sản lượng chè búp tươi thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt 6.100 tấn, với giá bán bình quân 7.000 đồng/kg, giá trị đạt 42,7 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn còn phát triển một số loại cây trồng cho giá trị kinh tế như: Mía (70 ha), thảo quả (88 ha), ớt (100 ha), rau các loại (490 ha)… Các cây trồng này góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc tại các xã vùng cao trong huyện, góp phần thực hiện tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Trong 10 tháng năm 2016, toàn huyện có 543 hộ thoát nghèo (bằng 77,27% KH). Hiện, Mường Khương còn 54,45% hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều).

 

Ông Giang Trung Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường Khương cho biết, huyện có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, nhằm tạo sự ổn định cho sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

 

Dù vẫn nằm trong danh sách huyện 30a, nhưng những kết quả đạt được của Mường Khương về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là minh chứng rõ nét nhất cho sự vượt khó, vươn lên của chính quyền và người dân nơi đây.

 

THU NGỌC

 

Nông dân lo lắng vì giá chuối giảm mạnh

 

Nguồn tin: Báo Cà Mau

 

Những ngày qua, nông dân trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau vô cùng lo lắng vì giá chuối nguyên liệu liên tục giảm mạnh. Nếu như tháng trước giá chuối đạt mức khá cao, từ 7.000 - 8.000 đồng/nải thì nay giảm chỉ còn từ 2.500 - 3.000 đồng/nải, thậm chí không có người mua.

 

Bà Ðào Thị Nhỏ ở Ấp 18, xã Khánh Thuận, có hơn 20 năm trồng chuối nhưng chưa bao giờ bà thấy giá chuối xuống thấp như hiện nay. Với hơn 2 ha bờ bao trồng chuối, trước đây mỗi năm bà thu về hơn 150 triệu đồng. Vậy mà những ngày gần đây bà cũng phải ngao ngán nhìn đống chuối to đùng của gia đình từ từ chín thâm mà không thu được một ngàn nào do thương lái đột nhiên không thu mua.

 

 

Do giá chuối thấp nên người dân chọn cách làm chuối khô để bảo quản và bán được giá cao hơn.

 

Bà Phạm Thị Nga ở cùng ấp, cũng là một trong những hộ có diện tích chuối tương đối lớn, với hơn 1 ha, cũng chịu cảnh tương tự. Do trước đây giá chuối ở mức cao nên thương lái tìm đến nhà mua, ai mua cao thì bà bán chớ không có bắt mối với thương lái nào, mấy ngày nay đột nhiên thương lái đi đâu hết, khiến toàn bộ số chuối tới lứa của bà đành nằm lại ở vườn, số chín bà đốn về chất đống ì ra đó.

 

Bà Nga than thở: “Gia đình tôi có hai vợ chồng già, sống quanh năm chủ yếu nhờ vào tiền bán chuối. Giờ giá chuối giảm, cuộc sống rồi đây sẽ gặp khó khăn, nhất là lúc ốm đau...".

 

Không chỉ có các chủ vườn, các thương lái mua đi bán lại cũng điêu đứng khi giá chuối giảm. Bà Võ Thị Xuân ở Ấp 18, xã Khánh Thuận, là một trong những hộ tham gia thu gom chuối của các chủ vườn để bán lại cho các mối vùng trên xuống. Cách đây mấy ngày, mối lái cho giá chuối 3.000 đồng/nải nhưng khi bà thu mua của người dân xong, đến hẹn thì mối lái không đến mua nên bà đành chấp nhận một phen lỗ nặng. Ngoài số chuối bà thu mua của người dân, bà Xuân còn vườn chuối hơn 3 ha cũng không tìm được đầu ra.

 

Ðối phó với tình trạng giá chuối thấp, người dân trên địa bàn huyện U Minh đã năng động biến chuối thành nhiều loại sản phẩm khác nhau như: làm thức ăn cho cá, cho heo, rồi ép làm chuối khô. Nhưng chừng ấy vẫn không thể giải quyết hết lượng chuối tồn đọng vì số lượng chuối của mỗi gia đình quá lớn, mỗi hộ có hơn 1.000 nải chuối trong mỗi lần đốn. Ðây không phải là năm đầu tiên chuối giảm giá, gây thất thu cho bà con nông dân trên địa bàn huyện mà đã trở thành điệp khúc tái đi tái lại trong đời sống của người dân xứ rừng.

 

Qua tìm hiểu, các thương lái cho biết, phần lớn chuối trên địa bàn huyện U Minh trước đây được thu mua để vận chuyển về các tỉnh vùng ngoài tiêu thụ hoặc xuất khẩu sang thị trường Campuchia và Trung Quốc. Khi việc xuất khẩu thuận lợi thì giá chuối tăng, còn không thì lại giảm. Những ngày gần đây, phía Trung Quốc và Campuchia đột nhiên không nhập khẩu loại nông sản này, nên lượng chuối còn tồn đọng trong nước rất lớn, dẫn đến tình trạng giá chuối sụt giảm như hiện nay.

 

Trước thực trạng trên, người trồng chuối trên địa bàn huyện đang rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp để tìm đầu ra ổn định lâu dài, tránh tình trạng giá chuối bấp bênh như hiện nay. Nhà nước cần xây dựng hẳn một nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm bằng nguyên liệu chuối hay xây dựng một nhà máy sấy chuối tại địa phương để có thể tiêu thụ nguồn nguyên liệu dồi dào này, qua đó giúp người dân an tâm sản xuất, từng bước phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống./.

 

Trần Thể

 

Phú Thọ: Phú Lộc giàu nhờ bưởi Diễn

 

Nguồn tin: Báo Phú Thọ

 

Mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp, thay thế các cây ăn quả kém hiệu quả để trồng cây bưởi Diễn, mấy năm gần đây, đời sống nhiều gia đình trên địa bàn xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thời điểm cuối năm cũng là lúc người trồng bưởi tập trung công sức chăm sóc vườn bưởi cho ngày thu hoạch đang đến gần. Vụ này, bưởi Diễn ở Phú Lộc được mùa cho năng suất, chất lượng cao hơn những năm trước. Người trồng bưởi nhờ đó cũng thêm niềm vui, phấn khởi với nguồn thu không nhỏ trong tầm tay.

 

 

Anh Trịnh Xuân Bảng ở khu 5 phấn khởi bên vườn bưởi Diễn được mùa.

 

Gắn bó với cây bưởi đã 6 năm, nhận thấy giống bưởi Diễn mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Hà Việt Hoa ở khu 5 đã đầu tư cải tạo 3.600m2 đất vườn kém hiệu quả để trồng 100 gốc bưởi Diễn. Tham gia các lớp tập huấn, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chọn giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên vườn bưởi nhà anh năm nay cho trái nhiều, to đều, mẫu mã đẹp, năng suất và chất lượng đều khá hơn mọi năm. Kiểm đếm sơ bộ, cả vườn có tới 2.000 quả, dù bưởi chưa chín, nhưng nhiều người đã đến nhà anh, đặt hàng trước. Anh Hoa chia sẻ: “Năm ngoái tôi bán được 40 triệu đồng, năm nay dự kiến sẽ bán được trên 70 triệu đồng”.

 

Cùng chung niềm vui bưởi được mùa, được giá, dự kiến có nguồn thu lớn trước Tết cổ truyền dân tộc, anh Trịnh Xuân Bảng ở khu 5 phấn khởi cho biết: “Sáu năm trước, vợ chồng tôi quyết định vay mượn đầu tư trồng toàn bộ bưởi Diễn trên khoảnh đất vườn 3.000m2. Thời gian đầu cây nhỏ, tốn công chăm sóc, hai vợ chồng thấp thỏm lo lắng mãi. Giờ thì yên tâm rồi, vườn bưởi Diễn 130 gốc năm nay cho gần 5.000 quả. So với mọi năm, vụ này quả bưởi chắc, kích thước đều, mọng nước, ngọt thanh nên giá bán bình quân từ 25.000 - 30.000 đồng/quả. Dự kiến vườn bưởi sẽ cho chúng tôi nguồn thu từ 120-150 triệu đồng!”.

 

Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Phú Lộc khẳng định: Cây bưởi Diễn đã được bà con ở xã trồng từ lâu nhưng diện tích không nhiều, sản phẩm chưa trở thành hàng hóa. Từ khi được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học công nghệ triển khai Dự án trồng và thâm canh giống bưởi Diễn tại xã Phú Lộc, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi, ứng dụng phân bón, cung ứng cây giống giúp người dân trong xã có cơ hội mở rộng diện tích trồng bưởi. Đến nay, bưởi Diễn đã trở thành cây trồng chủ lực, cho năng suất khá cao, đem lại thu nhập ổn định cho bà con.

 

Toàn xã Phú Lộc hiện có khoảng 130 hộ dân trồng bưởi Diễn, với tổng diện tích bưởi lên đến gần 20ha, trong đó diện tích bưởi đã cho thu hoạch đạt 13ha. Vụ bưởi năm nay giá trị hàng hóa đạt khoảng trên 3 tỷ đồng. Bưởi Diễn đã giúp nhiều gia đình người dân Phú Lộc làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 14%, số hộ kinh tế khá, giàu ngày càng tăng, trong đó có sự góp phần quan trọng từ cây bưởi. UBND xã đã chỉ đạo bà con nông dân vùng bưởi ứng dụng rộng rãi các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bưởi quả.

 

Trong thời gian tới, UBND xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để trồng bưởi Diễn là một trong những hướng chính khai thác hiệu quả đất đồi, đất vườn, tạo bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống người dân.

 

Thanh Nga

 

Long Mỹ (Hậu Giang): Năng suất và giá dưa lê đều giảm

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Nông dân huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đang thu hoạch dưa lê, do ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất chỉ đạt khoảng 2 tấn/công, giảm gần 1 tấn/công so với cùng kỳ năm trước. Giá dưa lê hiện chỉ còn từ 5.000 - 5.100 đồng/kg, so với cùng kỳ năm trước giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Với giá bán hiện tại, sau khi trừ chi phí, mỗi công người dân chỉ lời khoảng 4 - 5 triệu đồng.

 

Theo thống kê, toàn huyện Long Mỹ có khoảng 40ha trồng dưa lê, tập trung nhiều ở các xã Lương Tâm, Lương Nghĩa… Tuy giá cả và năng suất giảm nhưng với đầu ra ổn định, thời gian thu hoạch ngắn, nên trong thời gian tới nông dân trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục xuống giống dưa lê, diện tích dự kiến sẽ tăng lên trên 80ha.

 

PHƯƠNG THÙY

 

An Giang: Nông dân Dương Văn Thủy – phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng Quýt Đường kết hợp trồng táo Hồng Thơm

 

Nguồn tin: An Giang

 

Những năm gần đây, bà con nông dân trên địa bàn phường Long Phú (An Giang), ngoài việc chuyên canh sản xuất cây lúa, đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, kết hợp cải tạo vườn tạp nhằm cải thiện đời sống kinh tế hộ gia đình. Điển hình là mô hình trồng quýt đường kết hợp trồng táo Hồng Thơm của nông dân Dương Văn Thủy – ngụ khóm Long Quới C, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

 

 

Theo ông Thủy, đầu năm 2014 ông áp dụng mô hình trồng vườn trên diện tích 3.000 m2, trước đây ông chỉ trồng táo, từ khi thấy được hiệu quả mô hình trồng quýt đường mang lại, chú mạnh dạn chuyển đổi 1.500m2 đất trồng táo sang trồng quýt. Cây quýt đường sau 18 tháng trồng, là bắt đầu cho trái, sau đó cứ từ 2,5 - 3 tháng thì có thể thu hoạch 1 đợt. Ông Thủy cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu cung cấp ra thị trường, ông thực hiện mô hình theo vụ lưu niên, nên tháng nào cũng có trái để thu hoạch. Vào những đợt cao điểm, ông Thủy thu hoạch hàng ngày có khi hơn 100 kg quýt. Thương lái vào tận vườn thu mua với giá dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng/ 1 kg, tùy vào thời điểm. Sau khi trừ các chi phí đầu vào, ước tính gia đình chú thu được lợi nhuận khoảng hơn 10 triệu đồng một tháng.

 

Ông Thủy chia sẻ, để đạt năng suất cao, đòi hỏi nhà vườn phải có những kỹ thuật chăm sóc cơ bản. Đặc biệt, phải làm rãnh mương cho thoáng và cao, giữ mực nước đến mặt liếp với tỷ lệ từ 6 đến 8 tấc, giữ mực nước cố định. Quan trọng nhất là khâu chọn đất. Cần phải làm giá để đỡ cây, tránh cây bị gãy khi trái chín, lớn. Để quýt sinh trưởng tốt, chú áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, bón phân cân đối hợp lý, tuy dễ trồng nhưng phải đảm bảo đủ nước tưới cho cây. Sau khi thu hoạch cần cắt tỉa bỏ bớt các cành già bên trong tán không có khả năng cho trái, cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành đã mang trái để tập trung dinh dưỡng cho cây, tăng diện tích lá hữu hiệu, tăng khả năng quang hợp của bộ lá, duy trì sức sống tốt cho cây, bảo đảm sự cân bằng giữa sinh trưởng và ra hoa kết trái và tạo cho vườn cây luôn được thông thoáng, khô ráo, hạn chế bớt tác hại của sâu bệnh.

 

Tạo tán là việc làm cần thiết nhằm tạo cho cây có bộ khung cơ bản, vững chắc, từ đó phát triển các cành nhánh thứ cấp. Ngoài ra cần cung cấp đủ canxi để cây giải độc, tăng khả năng chống chịu khi thời tiết thay đổi. Từ những kinh nghiệm của bản thân cộng với việc biết ứng dụng tốt những tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên vườn quýt của gia đình chú lúc nào cũng xanh tốt, ít bị sâu bệnh và cho trái quanh năm. Cây quýt cần nhiều nước nên việc tưới rất quan trọng. Đặc biệt vào mùa khô, nếu thiếu nước cây sẽ không phát triển.

 

Với những kinh nghiệm của bản thân và chịu khó học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên vườn quýt của chú Thủy phát triển tốt, cho trái sai, góp phần phát triển kinh tế giúp gia đình chú ổn định cuộc sống. Nhận xét về mô hình trên, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hội nông dân phường cho biết: “Về mô hình trồng quýt kết hợp với trồng táo của nông dân Dương Văn Thủy thực hiện trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với bản tính cần cù, chịu khó, tích cực học hỏi kinh nghiệm, nên mô hình chuyển đổi cây trồng của ông đạt hiệu quả cao, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình”.

 

Tuy nhiên, trồng quýt cũng gặp phải những khó khăn nhất định như cây quýt nhạy cảm với thời tiết, dễ sâu bệnh, do đó cần phải xử lý mầm bệnh tốt. Nếu bộ rể của cây yếu sẽ bị xì mũ, trước khi thực hiện trồng cần phải bón phân cho gốc, vệ sinh gốc tránh sâu bệnh cho cây. Cây quýt đường rất dễ bị sâu bệnh hại như vàng gân lá, nhện đỏ hại lá cây… đòi hỏi người làm vườn cần phải quan sát những thay đổi trên lá, cũng như thân cây. Cần xử lý tốt mầm bệnh trong đất trước khi xuống giống cũng như trong quá trình cây sinh trưởng phải thường xuyên thăm vườn, phát hiện sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời, nhằm hạn chế thiệt hại về năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.

 

Hiện nay, gia đình ông Dương Văn Thủy vẫn duy trì mô hình trồng táo Hồng Thơm và quýt đường. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Thủy còn luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm một cách tận tình cho bà con nông dân khi đến học hỏi kinh nghiệm, qua đó góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương./.

 

Hạnh Phúc

 

Xây dựng thương hiệu tỏi Khánh Hòa

 

Nguồn tin: VOV

 

Hơn 20 năm trước, người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã mang giống tỏi vào trồng trên dải đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa.

 

Hơn 20 năm trước, huyện đảo Lý Sơn thiếu đất, người dân rời quê tìm đến vùng đất cát ven biển khô cằn ở xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa để trồng tỏi. Dần dần không chỉ có người Lý Sơn mà người dân tỉnh Khánh Hòa cũng trồng tỏi. Giống tỏi Lý Sơn, kỹ thuật canh tác cũng từ Lý Sơn chỉ có vùng đất là ở Khánh Hòa.

 

Ban đầu tỏi được trồng tại đất cát ven biển, sau đó nhân rộng ra những vùng đất đồi cằn cỗi, bạc màu như Đá Bàn, thị xã Ninh Hòa hay Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, cách xa biển. Năm nay, giá tỏi giống 200.000 đồng/kg, tăng hơn 30% so với năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ tỏi, 1 ha người nông dân thu nhập 500-600 triệu đồng, lợi nhuận lên đến hơn 1/3 tổng thu.

 

Tỏi trồng ở Khánh Hòa được tiêu thụ mạnh, thương lái đến tận ruộng để thu mua. Nhiều người đã thay tên, đổi họ cho cây tỏi Khánh Hòa thành tỏi Lý Sơn để kiếm chênh lệch. Có người còn mang tỏi Khánh Hòa về Lý Sơn để bán.

 

Ông Châu Nguyên, một người trồng tỏi lâu năm tại thôn Ninh Yểng, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỏi Khánh Hòa không có giá bằng tỏi Lý Sơn vì tỏi Lý Sơn có thương hiệu.

 

Đến nay, diện tích trồng tỏi tại tỉnh Khánh Hòa lên đến 600 ha, trong đó 2/3 diện tích trồng ở thị xã Ninh Hòa, còn lại tại huyện Vạn Ninh. Mỗi năm, hàng ngàn tấn tỏi Khánh Hòa được bán ra thị trường cả nước. Tỏi trồng ở Khánh Hòa lại mang thương hiệu Lý Sơn.

 

Bà Nguyễn Thị Phương, một người dân Lý Sơn, trồng và kinh doanh tỏi tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, bình thường rất khó phân biệt được tỏi Khánh Hòa với tỏi Lý Sơn.

 

Cây tỏi đang trở thành cây trồng chủ lực, cho thu nhập cao tại những vùng đất cằn cỗi ở phía Bắc tỉnh Khánh Hòa. Trung bình mỗi hecta trồng tỏi cho năng suất 8 tấn, mỗi năm toàn tỉnh Khánh Hòa đạt gần 5.000 ngàn tấn tỏi khô. Để cây tỏi phát triển bền vững thì phải có thương hiệu được bảo hộ. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang quy hoạch lại diện tích trồng tỏi cùng với việc nghiên cứu sản xuất tỏi theo quy trình. Thương hiệu tỏi cũng đang được xây dựng, dự kiến đến năm 2018, tỏi Khánh Hòa sẽ có thương hiệu.

 

Ông Bùi Thanh Bình, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã Ninh Hòa, thừa nhận, cây tỏi có chất lượng nhưng chưa có thương hiệu là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

 

"Muốn cây tỏi bền vững đòi hỏi phải có thương hiệu mạnh, kênh phân phối rộng khắp. Rất cần những doanh nghiệp có tâm huyết, tiềm lực đầu tư để bà con nông dân yên tâm sản xuất theo quy trình an toàn để đảm bảo chất lượng của cây tỏi", ông Bình nhấn mạnh.

 

Từ những cây tỏi đầu tiên do người Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trồng trên đất Khánh Hòa, đến nay, cây tỏi Khánh Hòa ngày càng phát triển. Người trồng tòi nơi đây mong muốn tạo nên thương hiệu tỏi Khánh Hòa và có chỗ đứng vững trên thị trường./.

 

Thái Bình /VOV-Miền Trung

 

Bình Định: Thêm 3 giống mì mới triển vọng năng suất cao

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

 

Để đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn tỉnh Bình Định, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện Phù Cát, Hoài Nhơn, Vân Canh và Tây Sơn triển khai mô hình “Trồng thâm canh các giống mì mới đã qua khảo nghiệm”, diện tích 2 ha/huyện; trồng giống KM419 ở Tây Sơn, Vân Canh; giống KM7 ở Phù Cát và giống KM228 ở Hoài Nhơn.

 

 

Mô hình trồng giống mì KM419 ở Bình Nghi - Tây Sơn. Ảnh: P.T.SƠN

 

Kết quả trình diễn các giống mì mới khá khả quan. Các giống KM419, KM228 và KM7 có thời gian sinh trưởng từ 8 - 11 tháng, khả năng chịu hạn và chống chịu sâu bệnh khá, thích hợp trồng trên chân đất đồi gò và chân cao không chủ động nước tưới; năng suất và hàm lượng tinh bột bằng hoặc cao hơn giống KM94.

 

Với giống KM419 trồng ở Tây Sơn, năng suất củ tươi đạt 38,5 tấn/ha; tại Vân Canh đạt 33 tấn/ha. Giống sắn KM7 đạt năng suất 31,9 tấn/ha và giống KM228 đạt 33,3 tấn/ha, cao hơn so với giống KM94 từ 2,6 - 8,9 tấn/ha.

 

Với giá bán tại thời điểm là 920 ngàn đồng/tấn, tổng thu bình quân từ các mô hình đạt 33,71 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lãi 5,73 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với giống mì KM94.

 

Các giống mì mới nói trên cho thấy khả năng phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại tỉnh Bình Định, có năng suất và hàm lượng tinh bột cao, có khả năng thay thế dần một số giống mì cũ đang sản xuất đại trà tại địa phương nhưng có biểu hiện nhiễm bệnh, thoái hóa và cho năng suất thấp. Từ kết quả các mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đề xuất Sở NN&PTNT cho phép đưa các giống mì này vào sản xuất thử tại các địa phương để có đánh giá chính xác hơn trước khi chính thức đưa vào cơ cấu sản xuất.

 

PHAN THANH SƠN

 

Điện Biên – những tín hiệu vui từ cây cao su

 

Nguồn tin: VOV

 

Sau 8 năm triển khai, những ngày này, Công ty cổ phần cao su Điện Biên đang bắt đầu mở cạo những diện tích cao su đầu tiên.

 

Từng giọt “vàng trắng” tuôn chảy không chỉ mang đến niềm vui, mà còn phần nào xóa đi những nghi ngại về cây cao sư ở Điện Biên nói riêng và một số tỉnh vùng Tây Bắc nói chung.

 

 

Rừng cao su xanh tốt bắt đầu cho khai thác mủ

 

Chị Cà Thị Nga, dân tộc Thái, ở bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên và anh Sìn Văn Minh, dân tộc Khơ Mú, ở bản Hin 1, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên bày tỏ niềm vui mừng khi tận mắt chứng kiến những giọt nhựa "vàng trắng" đầu tiên tuôn chảy sau gần 10 năm chờ đợi.

 

Trước đây, cuộc sống của họ chỉ trông chờ vào việc làm nương, ruộng, chăm chỉ lắm cũng chỉ đủ ăn. Khi các cấp, ngành đưa cây cao su về trồng, không ít người cho rằng cao su là cây trồng ở miền Nam, đưa ra miền Bắc thì làm gì có mủ; hơn nữa góp đất trồng cao su rồi lấy đâu diện tích trồng cây lúa, cây ngô… Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, giải thích, bà con đã tích cực tham gia trồng, chăm sóc và hồi hộp chờ đợi. Để rồi, hôm nay, niềm vui như đã đến khi những chén mủ đầy ăm ắp nhựa trắng.

 

Tại nông trường Cao su Điện Biên thuộc xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, không khí vui tươi, phấn khởi hiện rõ không chỉ trên nét mặt, mà qua cả tiếng nói, cười rộn rã của gần 100 học viên ở đây. Họ đang được tập huấn cạo mủ cao su. Nhiều người trong số này là công nhân, nhiều người khác là người dân đến từ các xã, bản lân cận. Cạo mủ cao su là nghề mới, lần đầu được tiếp cận, vì vậy, ai ai cũng háo hức, hồi hộp khi đưa dao mở những đường cạo đầu tiên.

 

Chị Chớ Thị Sinh, dân tộc Mông, ở bản Sa Lông 2, xã Sa Lông, huyện Mường Chà chia sẻ: Việc cạo mủ cao su không dễ, đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ.

 

 

Bà con đang được hướng dẫn cạo mủ cao su

 

Chương trình phát triển cây cao su tại tỉnh Điện Biên được triển khai từ năm 2008. Đến nay, diện tích cao su ở tỉnh là trên 5.100 héc ta, chủ yếu tại các huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé và Tuần Giáo.

 

Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao su Điện Biên cho biết: Trong năm 2016, Công ty đưa 42 ha cao su trồng tại xã Thanh Nưa và Mường Pồn, huyện Điện Biên vào khai thác mủ. Đây là những vườn cây trồng năm 2008, giống PB260 có độ đồng đều cao, đường vanh thân từ 50 cm trở lên, đảm bảo theo các tiêu chí đưa vào khai thác của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

 

 

Cao su bắt đầu cho thu hoạch

 

Theo ông Lợi, trước mắt, diện tích cao su khai thác trong năm 2016 sẽ xuất bán mủ tươi, còn việc xây dựng nhà máy chế biến sẽ chính thức khởi công vào năm 2017. Theo lộ trình, trong năm tới, Công ty sẽ đưa gần 600 ha vào khai thác mủ cao su. Dự kiến, năng suất năm đầu đạt khoảng 630 kg mủ trên một héc ta. Năng suất bình quân cả chu kỳ đạt 1,6 tấn/ha/năm. Khi khai thác mủ, người dân sẽ được chia 10% sản phẩm. Còn sau 27 năm - khi cây cao su không còn cho khai thác mủ, người dân sẽ được hưởng 10% tiền gỗ khai thác.

 

Từ những tín hiệu vui của cây cao su, cùng với cam kết của doanh nghiệp, người dân Điện Biên có thể tin tưởng và hy vọng vào cao su sẽ giúp bà con phần nào thay đổi cuộc sống, nhờ có thu nhập ổn định./.

 

Thu Thùy/VOV-Tây Bắc

 

Tây Ninh: Mưa nhiều, người trồng mía lo không có lãi

 

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

 

Thời tiết thất thường năm nay ảnh hưởng nhiều đến việc canh tác của nông dân. Mưa lớn kéo dài đã làm cho nhiều diện tích trồng mía bị ngập mặn, ảnh hưởng đến năng suất cũng như chữ đường. Ngoài những loại cây trồng lâu năm, cây trồng hằng năm như mì, cao su, lúa bị ảnh hưởng nặng, trong đó cây mía cũng không thoát khỏi được hiện tượng thời tiết cực đoan...

 

 

Dây chuyền ép mía của Công ty TTCS đã chuẩn bị sẵn sàng cho vụ mới.

 

Cày bỏ mía thối gốc để trồng lại

 

Anh Vinh - một nông dân trồng mía tại ấp Hội Tân, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, vụ mía vừa qua, anh canh tác tổng cộng 15 ha. Thế nhưng do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, sau đó mưa lớn liên tục, ruộng mía của anh bị ngập khi chuẩn bị thu hoạch. Hiện tại, anh phải cày bỏ khoảng 5 ha mía năm đầu để trồng lại. Trong khi đó, để trồng lại 1 ha mía, người nông dân phải bỏ chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng.

 

Một nông dân trồng mía khác tại xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên cho biết, ruộng mía của anh bị ngập không nặng nên không phải cày bỏ, nhưng cũng bị giảm năng suất, chữ đường. Theo anh, người có mía bị ngập úng năm nay chỉ mong... huề vốn, chứ không mong có lãi như những năm trước.

 

Theo Công ty cổ phần đường Nước Trong, Công ty bắt đầu vào vụ ép từ ngày 15.7, dự kiến kéo dài đến cuối tháng 12.2016 thì kết thúc. Tuy nhiên, nhiều ruộng mía của nông dân hợp đồng với công ty bị ảnh hưởng do ngập nước. Theo thống kê, tại huyện Tân Châu, nông dân ký hợp đồng trồng mía với công ty được 2.663 ha, nhưng đến thời gian thu hoạch, có khoảng 250 ha mía vụ nhất phải cày bỏ do bị nước ngập thối gốc, không thể phát triển. Trước những khó khăn này, công ty đã hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để nông dân tiếp tục canh tác vụ tới.

 

Hiện một số ruộng mía còn bị ngập úng, phải chờ nước rút mới thu hoạch được. Ruộng mía bị ngập, ngoài việc giảm năng suất, mất chữ đường, nông dân còn tốn thêm chi phí tăng-bo từ ruộng ra ngoài xe vận chuyển… Theo Công ty cổ phần đường Nước Trong, công ty luôn có chính sách chia sẻ thiệt hại với người trồng mía, giúp nông dân an tâm, gắn bó lâu dài với công ty.

 

Ưu tiên thu hoạch mía bị ngập

 

Theo Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), dự kiến ngày 5.12.2016, công ty chính thức bước vào vụ chế biến 2016 - 2017. Do những bất lợi về thời tiết, vụ ép năm nay bắt đầu trễ hơn so với những năm trước. Đồng thời, cũng do mưa lớn kéo dài hơn mọi năm nên đã gây ảnh hưởng đáng kể đến sinh trưởng và thời gian thu hoạch mía.

 

Hiện tại, công tác chuẩn bị vào vụ mới tại công ty đã hoàn tất. Vụ chế biến năm nay, công ty chủ động áp dụng cơ giới hoá khâu thu hoạch. Hiện tại, công ty đã phân bổ 10 máy thu hoạch trên các vùng nguyên liệu, với sản lượng thu hoạch bằng máy dự kiến đạt khoảng 200.000 tấn mía. Điều này sẽ làm giảm áp lực công thu hoạch trong những thời gian cao điểm, bên cạnh đó còn tiết giảm chi phí và tăng chất lượng mía.

 

Đặc biệt, TTCS lập lịch thu hoạch ưu tiên đối với những thửa mía bị ngập úng, nhiễm sâu bệnh để giảm thiệt hại cho nông dân. Các trạm nông vụ xây dựng lịch thu hoạch linh động, hợp lý, đúng thời điểm để có năng suất và chất lượng cao nhất, đem lại lợi nhuận tối đa cho bà con nông dân.

 

Bên cạnh đó, TTCS cũng đã ban hành các quy chuẩn thu hoạch như chặt sát gốc, tề ngọn để giảm tạp chất, giảm thất thoát do công lao động... nhằm giúp bà con nông dân tăng thêm lợi nhuận, nhà máy tiết giảm được các chi phí trong quá trình chế biến, tăng hiệu suất thu hồi và tăng chất lượng đường.

 

Vụ ép vừa qua, TTCS cũng thường xuyên tổ chức cho các đơn vị giám sát và bà con nông dân tham gia trực tiếp công tác lấy mẫu đánh giá chữ đường, tạp chất của nhà máy. Việc công khai quy trình lấy mẫu, đánh giá chữ đường sẽ giúp bà con nông dân tin tưởng vào nhà máy hơn.

 

Riêng Công ty cổ phần đường Biên Hoà đã chính thức vào vụ ép mới vào cuối tháng 11.2016, dự kiến kết thúc khoảng giữa tháng 3.2017.

 

THIÊN TÂM

 

Trồng gấc lai hàng hóa thu lãi 80 triệu đồng/ha

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Dựa vào đặc tính của cây gấc lai dễ trồng, không kén đất, đầu ra ổn định, nhiều hộ dân ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) tăng cường trồng gấc. Từ mô hình này đã giúp cho nhiều bà con có thêm nguồn thu nhập.

 

Gia đình ông Ngô Trung Trực ở thôn 9 xã Hoa Sơn có 2 sào gấc trồng được 3 năm. Loại gấc lai chất lượng tốt, quả to, trọng lượng quả trung bình đạt 2 - 3kg. Quả ít gai, có màu xanh đen, khi chín có màu đỏ, tỷ lệ long cùi cao, ruột đỏ thẫm.

 

Ngày thường, gấc được bán với giá 5.000 - 7.000 đồng/kg, vào dịp lễ tết gấc rất đắt hàng, mỗi kg được bán với giá 12.000 đồng nhưng vẫn không có hàng bán.

 

 

Gấc lại được nhiều gia đình ở Anh Sơn trồng theo hướng hàng hóa.

 

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Tuyền, xóm 2 xã Tào Sơn trồng 5 sào gấc, quả treo lủng lẳng, dày đặc. Ông Tuyền cho biết: Gấc lai là một loại cây sống khá lâu từ 15 - 20 năm, không kén đất, ít sâu bệnh hại, nên gia đình đã đầu tư làm giàn kiên cố bằng cọc bê tông cho gấc leo để sử dụng lâu dài. Những lứa đầu, có những quả nặng tới 4 kg, trung bình mỗi lần thu hoạch, gia đình ông hái được 3,5 tạ, với gíá thu mua 7.000 đồng/kg, gia đình thu về 6 - 7 triệu đồng/sào.

 

Mô hình trồng gấc lai đen ở xã Tào Sơn có 32 hộ tham gia trồng gấc. Ông Hoàng Văn Cầm chủ tịch hội nông dân xã Tào Sơn cho biết: Hiện nay, xã Tào Sơn có 5,4 ha gấc, qua hơn 2 năm triển khai, mô hình đạt mỗi năm 6-7 tạ/sào, cho thu nhập từ 10- 15 triệu đồng/sào, sau khi thu hoạch gấc xong, công ty cổ phần thực phẩm Nghệ An sẽ bao tiêu, thu mua gấc tại vườn.

 

 

Cây Gấc có thể lưu gốc được trên 15 năm.

 

Hiện nay cây gấc lai tập trung chủ yếu ở các xã Tào Sơn, Hội Sơn, Phúc Sơn, Hoa Sơn… Theo tính toán của các hộ trồng gấc, 1 ha gấc sản lượng vụ đầu đã đạt từ 10-12 tấn. Với giá như hiện nay, trừ chi phí mỗi ha gấc cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng. Từ vụ thứ 2, loại bỏ những giống gấc đực không cho quả bằng giống gấc cái để đạt 100% diện tích cho sản lượng thu nhập sẽ còn tăng hơn nhiều.

 

Năm 2015, huyện Anh Sơn đã vận động bà con cải tạo đất, vườn, trồng mới 10 ha gấc, đưa diện tích gấc lai hàng hóa toàn huyện đạt 76 ha.

 

Thái Hiền

 

Hậu Giang: Giá gừng xuống thấp kỷ lục

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Hiện người trồng gừng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang đối mặt trước điệp khúc mất mùa, mất giá. Khoảng 1 tháng trước, mỗi ký gừng, nông dân bán tại vườn được khoảng 5.000-6.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Đáng nói là thời điểm này dịch bệnh xâm nhập cộng với tác động của thời tiết mưa nhiều gây ra tình trạng thối củ, buộc nông dân phải bán tháo để giảm thiệt hại.

 

 

Nông dân Dương Chí Quy thăm liếp gừng mỗi ngày để theo dõi tình trạng bệnh.

 

Nông dân Dương Chí Quy, ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, thông tin: “Dù tiếc lắm, nhưng tôi phải nhổ gừng non rồi chạy xe đi bán khắp nơi bởi mấy liếp gừng sau nhà đang bị thối củ. Bệnh này lây lan rất nhanh, nếu để lâu thì nguy cơ thua lỗ càng cao”.

 

THÚY HẰNG

 

Ủ rơm rạ thành phân hữu cơ: Tiết kiệm chi phí, giữ sạch môi trường

 

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Tháng 7, Trạm Khuyến nông huyện Yên Thế (Bắc Giang) triển khai mô hình thí điểm sản xuất chế phẩm FitoBiomix RR xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp với quy mô hơn 100 tấn rơm rạ, 32 kg chế phẩm sinh học tại xã Tiến Thắng.

 

 

Mô hình ủ rơm rạ tại thôn Hố Luồng, xã Tiến Thắng.

 

Tham gia mô hình, các hộ sản xuất được hỗ trợ 100% chế phẩm sinh học, hướng dẫn quy trình thực hiện.

 

Bà Nông Thị Hợp, thôn Hố Luồng nói: “Trước đây, gia đình có 4 sào lúa, sau mỗi vụ thu hoạch tôi thường đốt rơm rạ ở ngoài đồng, nhiều khói bụi. Vụ xuân vừa qua, được cán bộ khuyến nông phổ biến kỹ thuật, cấp miễn phí chế phẩm để ủ rơm rạ thành phân bón, gia đình tôi và nhiều hộ làm theo và thấy rất hiệu quả”.

 

Vụ mùa năm nay, bà Hợp xin thêm rơm của các hộ khác mua chế phẩm về ủ được 2 tấn phân bón hữu cơ để trồng dưa, tiết kiệm một phần chi phí trong sản xuất. Hiện nay, trên cánh đồng mẫu sản xuất dưa chuột với diện tích khoảng 40 ha, phần lớn người dân sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ bằng rơm rạ, tiết kiệm chi phí, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi không còn, giảm thiểu ô nhiễm.

 

Được biết, rơm rạ ủ chế phẩm FitoBiomix RR được thực hiện theo quy trình: 1 tấn rơm rạ tươi dùng 200 gam chế phẩm và 1 kg phân NPK; mỗi lớp dày 30 cm rơm rạ tưới một lượt dung dịch chế phẩm, luôn giữ cho đống ủ có độ ẩm 80%. Vun đống rơm rạ cho đến khi cao khoảng 1,5 m, sau 10-15 ngày kiểm tra và đảo đều, kiểm tra 1 lần.

 

Sau 60 ngày rơm rạ phân hủy thành phân hữu cơ, dùng bón cho lúa hoặc cây màu như cà chua, khoai tây. Theo bà Lục Thị Lan, Trưởng trạm Khuyến nông huyện, thời gian tới, đơn vị sẽ nhân rộng mô hình trên toàn huyện nhằm nâng cao năng suất cây trồng, cải tạo đất, sạch môi trường.

 

Ngọc Tâm

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop