Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 12 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 05 tháng 12 năm 2020

Trà Ôn (Vĩnh Long): Vú sữa Lò Rèn đầu mùa có giá cao

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Vào thời điểm này, nông dân trồng cây vú sữa trên địa bàn huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) đã bắt đầu vào vụ thu hoạch trái vú sữa đầu mùa và bán với giá khá cao, nông dân rất phấn khởi.

Hiện trái vú sữa Lò Rèn được thương lái thu mua tại vườn có giá dao động từ 35.000- 40.000 đ/kg, tăng 5.000- 10.000 đ/kg so cùng kỳ năm 2019, còn giá bán lẻ tại chợ và các điểm bán trái cây trên địa bàn huyện ở mức 45.000- 50.000 đ/kg.

Theo một số thương lái chuyên thu gom vú sữa và tiểu thương kinh doanh trái cây, giá vú sữa tăng do số lượng chín rộ chưa nhiều, mỗi ngày nhà vườn chỉ hái vài chục ký. Bên cạnh đó, các hộ trồng vú sữa ở huyện không còn nhiều vì đa phần người dân chuyển đổi canh tác sang các loại cây trồng khác khi những năm qua vú sữa liên tục giảm giá.

Xác nhận vú sữa đầu vụ tăng giá mạnh, một số hộ trồng vú sữa Lò Rèn ở xã Phú Thành phấn khởi cho biết: “Năm nay, nhờ bán được giá khá cao, giúp nhà vườn trồng vú sữa có thu nhập khá tốt.

Đặc biệt hiện nay trái vú sữa được mở rộng thị trường xuất khẩu và nông dân cũng quan tâm áp dụng các giải pháp nhằm xử lý cho trái ra sớm nên đã hạn chế được tình trạng rộ mùa, rớt giá”.

TỐ LOAN

Thu nhập khá nhờ trồng xen cam canh trong vườn cà phê

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, ông Lê Văn Tươi, ở thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã đưa các loại cây ăn quả như cam, bưởi để trồng xen canh vào vườn cà phê của gia đình. Mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, giúp tăng nguồn thu nhập, được nhiều hộ xung quanh học tập, áp dụng.

Đến vườn cà phê của gia đình ông Tươi, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi xen giữa các hàng cà phê là màu vàng tươi của những cây cam trĩu quả. Theo ông Tươi, từ năm 2015, khi đến xã Quảng Sơn lập nghiệp, gia đình ông đã mua đất có sẵn cà phê để tiện cho việc canh tác, có ngay nguồn thu nhập. Tuy nhiên, không dừng lại ở việc chăm sóc cà phê, ông bắt đầu trồng xen 300 gốc cam canh vào vườn cây. Giống cam canh được ông đặc biệt chọn lựa cẩn thận, đem từ quê Hưng Yên vào để trồng.

Ông Lê Văn Tươi trồng xen cây cam canh trong vườn cà phê đem lại nguồn thu nhập khá

Ông Tươi cho biết: "Khi thấy giá cà phê lên xuống thất thường, không ổn định, qua tìm hiểu thực tế, tôi quyết định trồng xen thêm cây cam canh để có nguồn thu nhập ổn định hơn. Việc trồng xen cây cam canh vào vườn cà phê cũng giúp cho cây dễ phát triển nhờ được che chắn gió, tiết kiệm được công chăm sóc, phân bón".

Ông Tươi học tập kinh nghiệm kỹ thuật trồng, chăm sóc từ các nhà vườn ở Hưng Yên, Lâm Đồng cũng như tham khảo qua tài liệu. Sau 3 năm chăm sóc, 300 gốc cam canh của ông đã bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi cây cam canh phát triển tốt đạt năng suất từ 50-70 kg trái, có giá bán từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, đem nguồn thu nhập khá cho gia đình ông.

Hiện tại, vườn cam canh đang vào vụ thu hoạch thứ hai. Từ hiệu quả của 300 gốc cam, ông Tươi đã tiếp tục trồng thêm 700 gốc cam canh, 1.000 cây cam vinh và 2.000 cây bưởi trên 4 ha đất của gia đình.

Trồng xen cam trong vườn cà phê, giúp cây dễ phát triển nhờ được che chắn gió

Ông Tươi cho biết: "Trồng cam đầu tư không cao nhưng quan trọng là phải chịu khó học hỏi kỹ thuật như điều hòa sinh trưởng, thời điểm khoanh gốc, kỹ thuật tỉa cành… Bởi nếu chăm sóc không đúng kỹ thuật, cây cam sẽ không ra trái hoặc rụng trái non, quả không đẹp, không ngọt".

Thấy ông Tươi có nguồn thu khá từ trồng cây ăn quả, nhiều người dân trên địa bàn đã đến vườn học tập kinh nghiệm. Ông không giấu nghề, mà luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chọn giống, chăm sóc cây ăn quả cho bà con quanh vùng. Đến nay, ông đã hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn giúp 5 hộ gia đình trên địa bàn trồng, phát triển kinh tế từ cây ăn quả với diện tích gần 10 ha.

Mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê của gia đình ông Tươi giúp đem lại hiệu quả kinh tế khá và là hướng phát triển kinh tế mà bà con nông dân trên địa bàn có thể học hỏi, nghiên cứu áp dụng.

Bài, ảnh: Đặng Hiền

Bến Tre: Cây dừa phục hồi sau hạn mặn

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Hiện nay, các vườn dừa tại tỉnh Bến Tre đã phục hồi sau đợt hạn mặn kéo dài từ đầu năm 2020. Người trồng dừa đang tích cực áp dụng các giải pháp ngăn mặn trữ ngọt, chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ, giúp cây dừa có khả năng chống chịu mặn trong thời gian tới.

Nếu chăm sóc tốt cây dừa sẽ phục hồi nhanh sau hạn mặn.

Nhìn đọt dừa phát triển xanh trở lại, trái dừa to hơn trước, ông Nguyễn Văn Thanh, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm mới có thể ngủ ngon giấc. Ông Thanh cho biết, sau đợt hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng, từ đầu năm 2020, hơn 1,4ha dừa của gia đình bị ảnh hưởng mặn. Dừa cho trái nhỏ, kích thước trọng lượng chỉ bằng 1/3 so với trái dừa bình thường.

Thu nhập từ vườn dừa giảm nghiêm trọng, do dừa quá nhỏ thương lái không mua, nếu mua góp chung 3 trái chỉ tính giá 1 trái dừa bình thường. Nhưng theo ông Thanh, hiện nay dừa đã dần phục hồi sau hạn mặn. Các đợt trái sau này đã to lên, thương lái không còn chê như trước đây.

Ông Thanh cho hay, sau hạn mặn, ông tập trung các giải pháp cứu cây dừa để dừa nhanh chóng phục hồi, như: rải vôi, bón phân đúng cách… kết hợp trời mưa nhiều nên cây dừa của ông dần hồi phục, đọt dừa không bị teo lại. Dừa vẫn cho ra trái đồng đều.

Ông Thanh chia sẻ: Mặc dù cây dừa chịu mặn, nhưng sau khi hết mặn phải chăm sóc bón phân, tưới nước để giải độc, rửa phèn, mặn không tích tụ trong đất, nên cây mới nhanh chóng phục hồi. Bên cạnh đó, do năm trước ông Thanh không đắp đập ngăn mặn nên để nước mặn vào sâu trong vườn dừa ảnh hưởng đến phát triển của cây. Hiện tại, ông Thanh cho đắp đập ngăn mặn, tích trữ nước ngọt để ứng phó hạn mặn trong thời gian tới.

Theo ông Trần Văn Hùng, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, so với cây trồng khác (bưởi, chôm chôm, sầu riêng…), cây dừa có khả năng hồi phục sau mặn nhanh hơn. Mặt khác, cây dừa mỗi tháng sẽ cho trái một lần. Vì vậy, nếu bị ảnh hưởng một vài tháng thì các tháng còn lại chăm sóc tốt sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng. Ngoài ra, nếu trồng theo phương pháp hữu cơ thì khả năng chống chọi với hạn, mặn trong cây dừa sẽ tăng cao, cây dừa ít bị ảnh hưởng hơn.

Theo ông Hùng, sau 4 tháng cây dừa bị ảnh hưởng hạn mặn, trái dừa nhỏ đi. Nhưng hiện tại, vườn dừa hơn 1ha của ông Hùng đã phục hồi hơn 85% diện tích. sau 1 tháng nữa, cây dừa trở lại cho trái bình thường. Ông Hùng đã tập trung cho đắp đập cao hơn lúc trước để tránh nước mặn tràn vào, kết hợp bón phân hữu cơ, giúp cây dừa tập trung dinh dưỡng, vượt qua hạn, mặn trong mùa tới.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có hơn 72 ngàn héc-ta dừa. Diện tích dừa thu hoạch hơn 65 ngàn héc-ta. Đa số là dừa khô nguyên liệu, với sản lượng hơn 600 triệu trái/năm. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết, hiện nay, cây dừa tại tỉnh đang phục hồi rất tốt sau đợt hạn mặn kéo dài. Tùy theo từng vùng trồng, có khả năng từ đầu tháng 1-2021 cây dừa sẽ phục hồi hoàn toàn.

Cây dừa được xem là cây thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh, nhất là tình trạng hạn, mặn đang ngày càng diễn ra gay gắt. Vì cây dừa có khả năng phục hồi nhanh hơn các loại cây ăn trái khác. Bên cạnh đó, cây dừa phù hợp với nhiều vùng đất, với điều kiện bị ảnh hưởng mặn kéo dài.

Ông Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh: Cây dừa cho khoảng 12 đợt trái trong năm. Do đó, nếu bị ảnh hưởng hạn mặn, cây dừa sẽ mất vài tháng để phục hồi. Các tháng sau sẽ cho trái bình thường. Để giúp cây dừa ứng phó tốt với hạn, mặn, người dân cần chăm sóc, bón phân cho cây dừa sau khi hạn mặn diễn ra để cây dừa nhanh chóng phục hồi. Cùng với đó, người trồng dừa cần có giải pháp ngăn mặn, tích trữ nước ngọt trong vườn để giảm độ mặn cho đất. Ngoài ra, bón phân cân đối giúp cây dừa có đủ dinh dưỡng nuôi cây trong đợt hạn mặn. Đặc biệt, trồng dừa theo hướng hữu cơ giúp cây dừa có khả năng chống chịu mặn tốt hơn, không giảm năng suất, chất lượng trái.

Bài, ảnh: Phúc Nhân

Tuyên Quang: Những ông chủ trẻ ở Đại Phú

Nguồn tin:  Báo Tuyên Quang

Tuổi đời còn trẻ nhưng họ đã sáng tạo trong lao động sản xuất, sớm trở thành ông chủ. Những thanh niên đó còn truyền đam mê cho những người trẻ khác trên bước đường khởi nghiệp không ít khó khăn của mình.

Anh Lại Quang Việt, Bí thư Đoàn xã Đại Phú cho biết, từ phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp, xã Đại Phú đã có không ít bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo gây dựng nên các mô hình chăn nuôi ếch, cá, bò vỗ béo, phát triển kinh tế VAC, hàng năm cho thu nhập từ một đến vài trăm triệu đồng. Hiện xã có 6 mô hình kinh tế của thanh niên cho thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm.

Đoàn viên thanh niên xã Đại Phú tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình chăn nuôi của anh Hoàng Văn Tác, thôn Hải Mô (ngoài cùng bên phải).

Anh Khúc Hoàng Việt, sinh năm 1988, thôn Vinh Phú là một điển hình. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc, anh Việt sang Nhật Bản xuất khẩu lao động với mức lương 30 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2019, anh quyết định về quê lập nghiệp. Tháng 1-2020, anh Việt khởi nghiệp với 5 lồng nuôi 5.000 ếch, sau gần 2 tháng chăm sóc, lứa ếch đầu tiên xuất bán được trên 1 tấn, thu lãi gần 30 triệu đồng. Anh tận dụng 1.900 m2 ao nuôi ếch kết hợp nuôi 4.000 con cá trắm, chép, rô phi đơn tính để làm thức ăn cho ếch. Từ đó đã tiết kiệm chi phí thức ăn cho ếch và có thêm nguồn thu nhập từ bán cá. Anh Việt tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, thú y để có thể xử lý được những bệnh thường gặp ở đàn vật nuôi.

Ngoài nuôi cá và ếch, anh Việt còn nuôi 50 con lợn thương phẩm, 100 gà và 100 chim bồ câu; 1 ha vườn trồng những giống cây ngắn ngày như ớt, dưa hấu. Đến nay, mô hình VAC của anh Việt cho thu lãi 350 - 400 triệu đồng. Tới đây anh sẽ cải tạo 3.000 m2 vườn trồng ngô đầu tư lồng nuôi thêm 2.000 ếch trên vườn. Hiện tại, anh Việt đang tìm nguồn bán con giống và học hỏi thêm các kinh nghiệm nuôi ếch sạch cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Hoàng Văn Cư, sinh năm 1994 ở thôn Hải Mô đã ấp ủ mong ước sẽ làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 2014, anh Cư đầu tư 100 triệu đồng cải tạo 2.800 m2 ao nuôi cá rô phi, cá trắm. Do chưa có kinh nghiệm cá chết hàng loạt, thua lỗ gần 80 triệu đồng. Không nản chí, anh coi thất bại là bài học quý để đúc rút kinh nghiệm. Anh đi làm thuê cho một đại lý bán thuốc thú y ở xã Sơn Nam và học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, cách nắm nhu cầu của thị trường và đầu ra của sản phẩm từ đó. Khi đã có chút vốn và kinh nghiệm, năm 2018 anh Cư mạnh dạn đầu tư máy quạt khí, máy đánh sóng nuôi 6.000 cá rô phi đơn tính, trắm, trôi và xây dựng chuồng trại chăn nuôi hơn 70 con lợn thương phẩm/lứa. Kết quả, mỗi năm anh thu 15 tấn cá và 16 tấn lợn hơi, thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Anh Khúc Hoàng Việt, thôn Vinh Phú chăm sóc ếch.

Chia sẻ kinh nghiệm thành công trong chăn nuôi anh Cư cho biết, điều quan trọng là mình phải yêu nghề, làm gì cũng cần có kinh nghiệm và kỹ thuật. Đối với nuôi cá phải tạo môi trường sạch, thường xuyên kiểm tra nồng độ oxy để phát hiện khí độc và xử lý. Đối với chăn nuôi lợn khâu chọn con giống quan trọng nhất. Chọn giống phải có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, cùng với đó là công tác vệ sinh chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, có như vậy đàn lợn mới khỏe mạnh và phát triển tốt.

Cũng là một thanh niên năng động ở thôn Hải Mô, anh Hoàng Văn Tác, 31 tuổi được nhiều người biết đến là một thanh niên cần cù, chịu khó và nhạy bén trong chăn nuôi. Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Khoa Luật, trường Đại học Vinh, anh Tác quyết định về quê lựa chọn hướng đi chăn nuôi bò giống và bò thương phẩm để phát triển kinh tế.

Anh Tác cho biết, trước đây gia đình anh chỉ nuôi bò để làm sức kéo sản xuất, không đem lại thu nhập cao. Qua một lần đi tham quan mô hình nuôi bò vỗ béo ở huyện Chiêm Hóa, anh nắm bắt được kiến thức vỗ béo bò. Năm 2018, anh thực hiện vỗ béo 15 con bò bằng phương pháp nuôi bán chăn thả, kết hợp trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn xanh. Sau một thời gian chăn nuôi anh thu lãi 100 triệu đồng. Nhận thấy hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, anh đã mạnh dạn mua thêm bò vừa để nuôi sinh sản, vừa mua những con gầy về vỗ béo. Đến nay, anh duy trì nuôi 20 con bò. Ngoài ra, anh Tác còn cải tạo lại 3.600 m2 ao nuôi 10.000 cá trắm, chép và chăn nuôi 10 con lợn nái; trồng hơn 3 ha mía. Từ chăn nuôi và trồng mía, bình quân mỗi năm anh Tác thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng.

Trong những năm qua, Đoàn xã đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực triển khai các chính sách ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua Ngân hàng CSXH. Từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 30 đoàn viên thanh niên được vay vốn theo chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH với dư nợ gần 1,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi cá, trâu bò vỗ béo, trồng rừng. Ngoài ra, đoàn xã cũng thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho đoàn viên thanh niên.

Thời gian tới, Đoàn xã Đại Phú sẽ thành lập tổ hợp tác thanh niên cùng sở thích, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế để tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, xuất hiện thêm nhiều “ông chủ” trẻ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: Lý Thu

Khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế trang trại

Nguồn tin:  Báo Bắc Ninh

Kinh tế trang trại là một trong những phương thức sản xuất hiệu quả nhằm tạo chuyển biến tích cực về giá trị, sản lượng hàng hóa, đưa sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh phát triển theo hướng tập trung và gắn với thị trường tiêu thụ.

Lãnh đạo Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thăm mô hình nuôi thỏ ở xã Đức Long (Quế Võ).

Theo Hội NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh, đến nay toàn tỉnh có 2.846 trang trại, gia trại, trong đó có 248 trang trại đủ tiêu chí trang trại với tổng vốn đầu tư 628,3 tỷ đồng. Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế trang trại của tỉnh là xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ngày càng nhiều, chiếm từ 45 - 60% tổng số trang trại, gia trại. Các trang trại nuôi trồng thủy sản hầu hết được quản lý tự động bằng phần mềm máy tính, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý nguồn nước, thức ăn, bảo quản, hạn chế đến mức thấp nhất sức lao động của con người, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cho phép. Nhiều sản phẩm do trang trại sản xuất có mã truy xuất nguồn gốc (QR code) để kiểm tra xuất xứ, quy trình.

Mô hình nuôi thỏ của ông Phạm Trọng Thuần tại xã Đức Long (Quế Võ) là điển hình cần nhân rộng.Trang trại có tổng diện tích gần 1ha, được xây dựng từ năm 2017, thường xuyên nuôi 2.000 con thỏ. Ngoài ra, ông liên kết với 6 trại nuôi thỏ khác, mỗi tháng cung cấp 2.000 con cho Công ty Nippon Zoki Việt Nam. Do Công ty Nhật Bản bao tiêu sản phẩm nên các quy định trong quá trình nuôi thỏ được kiểm soát nghiêm ngặt, gắn mã số trên tai để theo dõi ngay từ khi mới sinh. Trung bình mỗi tháng gia đình ông xuất bán 400 con, cho doanh thu tiền tỷ mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Nhờ lựa chọn được hướng đi đúng, cách làm hay mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều hộ dân trong và ngoài địa bàn quan sát, học hỏi để có phương hướng phù hợp trong việc phát triển kinh tế trang trại.

HTX Quang Tiến, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành) thành lập năm 2017, hoạt động trong khu trang trại tổng hợp rộng 8ha, nuôi gần 2.000 con lợn, được đầu tư đầy đủ hệ thống chống nóng, điều hoà không khí, nước uống tự động, hầm biogas và xử lý chất thải hiện đại. Bình quân mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường khoảng 350 tấn thịt lợn thương phẩm. Trong lĩnh vực thuỷ sản, HTX duy trì số lượng 30 lồng nuôi cá cá lăng, chép giòn, diêu hồng theo tiêu chuẩn VietGap, đạt sản lượng khoảng 40 tấn cá mỗi năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài tiếp thu khoa học kỹ thuật hiện đại, HTX chú trọng đầu ra sản phẩm, ký kết tiêu thụ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trang trại, liên kết hợp tác thành lập HTX nông nghiệp, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng giống, các dịch vụ phục vụ sản xuất, kỹ thuật tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng. Các trang, gia trại hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đang từng bước được nhân rộng, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau màu, chăn nuôi… cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc phát triển mạnh các trang trại không chỉ tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản lớn, tập trung, mang lại thu nhập cao cho các chủ trang trại, mà còn góp phần giải quyết việc làm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Trung bình, mỗi trang trại tạo việc làm từ 3 - 5 lao động, mức thu nhập đạt 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Để kinh tế trang trại tiếp tục phát triển bền vững khuyến khích người dân dồn đổi, tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa theo vùng để tăng tính cạnh tranh; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, về lâu dài, để khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng về vốn, đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn vùng nguyên liệu với chế biến sản phẩm đòi hỏi các chủ trang trại cần thay đổi tư duy cách làm, tích cực cập nhật thông tin về giá cả, thị trường để áp dụng vào thực tế.

Hà Linh

Thu tiền tỷ nhờ phát triển rừng xoan trên vùng đất xấu

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Sau thời gian trồng và chăm sóc, 5 ha rừng xoan đã mang về cho gia đình ông Trịnh Văn Lý, thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú (Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) gần 1 tỷ đồng. Đây là hộ đầu tiên ở Quảng Phú có thu nhập từ rừng và đang tạo nên phong trào phát triển kinh tế rừng trên địa bàn.

Ngôi nhà xây kiên cố của gia đình ông Lý được bao quanh bởi rừng xoan hơn 13 năm tuổi. Rừng xoan này được ông Lý trồng thuần, đến nay mỗi cây cao từ 5-6 m, đường kính từ 25-30 cm và đang đến thời kỳ khai thác.

Rừng xoan của ông Lý đã trồng được 13 năm, đang trong thời kỳ thu hoạch

Theo ông Lý, năm 1998, gia đình ông rời quê hương Hà Nam vào thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, lập nghiệp. Thời điểm đó, dân cư ở Quảng Phú còn thưa thớt, giao thông khó khăn. Do ít vốn, nên ở đâu có thể mua được đất là ông ưu tiên mua ngay.

Sau một thời gian, gia đình ông Lý đã mua được 10 ha đất. Tuy nhiên, đây là vùng đất có nhiều rặng đá xếp lớp, không thể dùng máy móc để sản xuất. Bản thân ông cũng thiếu kinh nghiệm sản xuất trên vùng đất mới, nên ông chọn trồng các loại cây ngắn ngày để trồng.

Thu nhập từ các loại cây ngắn ngày như đậu, bắp... cũng chỉ giúp gia đình ông đủ trang trải cuộc sống. Thế nhưng, canh tác được một thời gian, vợ chồng ông nhận thấy không hiệu quả vì đất quá xấu, nên đã quyết định chuyển sang trồng rừng.

Năm 1997, ông Lý chuyển 5 ha đất sang trồng rừng (đối với 5 ha đất còn lại màu mỡ hơn, gia đình ông đã trồng 2.000 cây cà phê, 600 cây điều và trồng cây ngắn ngày để tạo nguồn thu nhập hằng năm). Để có giống cây rừng, ông Lý phải chạy xe gần 100 km sang tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu, mua cây giống về trồng. Ông chọn trồng cây xoan vì theo ông, thị trường thời điểm đó rất chuộng loại cây này, giá cả gỗ xoan cũng cao.

Ngoài ra, xoan là loại cây thường rụng lá vào mùa thu, nên hoàn toàn có thể trồng xen cây ngắn ngày vào mùa rụng lá. Chính vì thế, từ khi trồng xoan đến năm thứ 5, gia đình ông vẫn duy trì trồng xen cây ngắn ngày để bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Gỗ xoan ông Lý đã khai thác để bán ra thị trường

Ông Lý cho biết: "Cách làm của tôi là "lấy ngắn nuôi dài" và hiệu quả kinh tế khá bền vững. Trồng rừng năm thứ nhất và năm thứ 2 đều có thể trồng xen cây ngắn ngày. Các năm tiếp theo chỉ tốn công chặt tỉa cành từ 2-3 lần/năm để rừng xoan lên thẳng. Sau đó thì rừng tự phát triển, hầu như không mất công chăm sóc".

Hiện nay, ông Lý bắt đầu khai thác, bán 5 ha rừng xoan với giá gần 1 tỷ đồng. Những diện tích rừng được khai thác, ông tiếp tục mua giống cây da lợn, gáo vàng về trồng lại.

Ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú đánh giá, trước đây người dân còn e dè với việc trồng rừng. Thế nhưng, từ khi ông Lý bán rừng gỗ xoan và mang lại nguồn thu nhập lớn, phong trào trồng rừng trên địa bàn đã phát triển mạnh.

Trên địa bàn đã bắt đầu hình thành các phong trào phát triển "kinh tế rừng". Nhiều người dân đã chủ động chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp không phù hợp sang trồng rừng.

Ông Hùng cho biết: "Tính đến cuối năm 2019, người dân trên địa bàn xã Quảng Phú đã bỏ vốn trồng tổng cộng 166 ha rừng. Riêng năm 2020, người dân Quảng Phú cũng đã trồng mới được gần 200 ha rừng. Đây là sự lan tỏa vô cùng lớn xuất phát từ vườn cây rừng của gia đình ông Lý".

Bài, ảnh: Đức Hùng

Lào Cai: Bát Xát thu trên 10 tỷ đồng từ củ hoàng sin cô

Nguồn tin: Báo Lào Cai

“Tổng sản lượng sâm đất (củ hoàng sin cô) của huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) năm 2020 đạt khoảng 2.000 đến 2.500 tấn củ tươi, bán ra thị trường thu về trên 10 tỷ đồng”, ông Sí Trung Kiên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết.

Người dân xã Trịnh Tường thu hoạch và phân loại củ hoàng sin cô bán cho thương lái.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát, năm 2020 toàn huyện có khoảng 200 ha hoàng sin cô. Đến thời điểm này, người dân trồng hoàng sin cô trên địa bàn huyện đã cơ bản thu hoạch xong củ và bán cho thương lái. Tổng sản lượng đảm bảo yêu cầu xuất bán đạt 2.200 đến 2.500 tấn củ tươi, tập trung chủ yếu ở 3 xã: Trịnh Tường, A Lù, Y Tý.

Thương lái đến thu mua hoàng sin cô trên vùng cao Bát Xát.

Năm nay, giá củ hoàng sin cô tươi dao động từ 4.000 đồng/kg – 10.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Với lượng củ bán ra thị trường đã đem về cho nông dân vùng cao Bát Xát hơn 10 tỷ đồng, tăng gần 9 tỷ đồng so với năm trước. Riêng Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải đã hợp đồng từ đầu vụ thu mua của nông dân 500 tấn củ.

Củ hoàng sin cô đem lại niềm vui cho nhiều hộ dân vùng cao Bát Xát.

Được biết, năm nay, do thời tiết mưa nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng hoàng sin cô của huyện Bát Xát. Ngoài lượng đã xuất bán, toàn huyện có khoảng 1.000 tấn củ hoàng sin cô bị thối hỏng không thể tiêu thụ.

Tuấn Ngọc

Hậu Giang: Thu hoạch hơn 4.500ha mía

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Casuco điều chỉnh giá thu mua mía lên 850 đồng/kg

Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, đến thời điểm này, nông dân trồng mía trong tỉnh đã thu hoạch hơn 4.500ha trong tổng số diện tích đã xuống giống của niên vụ mía 2019-2020 là gần 5.400ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Trung bình mỗi tuần, diện tích mía được bà con thu hoạch khoảng 500ha, với năng suất bình quân từ 95-105 tấn/ha, riêng năng suất mía tại huyện Phụng Hiệp hiện đạt 110 tấn/ha. Về giá bán, theo ghi nhận từ người dân tại vùng mía huyện Phụng Hiệp, hiện thương lái cân mía tại rẫy có giá từ 800-850 đồng/kg. Như vậy, với năng suất và giá bán mía như trên thì sau khi trừ chi phí sản xuất, người dân chỉ huề vốn. Bởi theo tính toán của bà con, giá thành sản xuất mía năm nay xấp xỉ với giá thu mua hiện tại của nhà máy đường, trong đó nhiều hộ dân phải bỏ ra chi phí khá cao do mua xăng, dầu bơm rút nước vào thời điểm triều cường dâng cao vừa qua.

Nông dân đã thu hoạch hơn 2/3 diện tích mía và đang trong tâm trạng kém vui vì không có nguồn lợi nhuận.

Một khía cạnh khác thì theo thông tin từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), kể từ ngày 23-11 vừa qua, công ty áp dụng mức giá mới trong thu mua mía của bà con. Cụ thể, giá thu mua mía nguyên liệu (mía tại ruộng đã bốc lên phương tiện vận chuyển và chưa bao gồm chi phí vận chuyển từ ruộng mía về nhà máy đường) là 850 đồng/kg mía sạch và đạt 10 chữ đường (CCS). Mức tăng hoặc giảm mỗi 0,1CCS là 8 đồng/kg. Mức giá hiện tại đã tăng 50 đồng/kg so với mức giá công bố vào đầu vụ. Về CCS tại nhà máy đường Phụng Hiệp từ khi vào vụ ép đến nay đạt bình quân là 9,5CCS.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Nâng cao hiệu quả lĩnh vực chăn nuôi

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Thời gian qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi. Theo đó, bằng các giải pháp nâng cao chất lượng con giống và công nghệ chăn nuôi, đồng thời cơ cấu lại công tác quản lý đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Gia đình anh Vi Quốc Hòa (thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) chăm sóc đàn bò 3b cho hiệu quả cao.

Từ đầu năm nay, gia đình anh Vi Quốc Hòa (thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi bò chăn thả tự nhiên sang quy mô gia trại tập trung mang tính chất hàng hoá. Gia đình anh đã xây chuồng chăn nuôi kiên cố nằm cách xa khu dân cư để đảm bảo môi trường và phòng tránh dịch bệnh. Đồng thời, anh cũng được huyện hỗ trợ một phần để chuyển đổi từ giống bò cũ sang phát triển giống bò 3b với tổng đàn 20 con. Đến nay, sau 5 tháng chăn nuôi, đàn bò của gia đình anh phát triển rất tốt và chuẩn bị cho xuất chuồng. Anh Hòa chia sẻ: Khác với nuôi bò theo hình thức chăn thả tự nhiên như trước kia, giờ đây chúng tôi đã chủ động hơn trong các khâu chăm sóc, thức ăn, phòng bệnh; với chuồng trại kiên cố, các vấn đề về thời tiết đã không còn là trở ngại nhiều trong quá trình chăn nuôi. Đặc biệt, giống bò 3b dễ chăm sóc, phát triển tốt, ít bệnh tật, nên hiệu quả chăn nuôi cũng cao hơn nhiều.

Tương tự như gia đình anh Hòa, thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã từng bước chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, tập trung và mang tính chất hàng hóa. Ngành nông nghiệp của tỉnh đã tiến hành rà soát vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung đã được quy hoạch; xây dựng quy định cụ thể về khu vực được chăn nuôi và vùng cấm nuôi; chú trọng thực hiện kiểm soát dịch bệnh để chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững; khuyến khích các mô hình chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại…

Bên cạnh đó, xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, tiêu biểu như: Chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ...

Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... cho doanh nghiệp triển khai dự án chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ, bền vững với môi trường. Bằng những chính sách hỗ trợ cần thiết, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đến nay toàn tỉnh đã hình thành nên 240 trang trại chăn nuôi, 26 doanh nghiệp, 24 hợp tác xã hoạt động chăn nuôi, 8 cơ sở chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Toàn tỉnh có đàn bò ước đạt trên 36.000 con, tăng 5,34% so với cùng kỳ; đàn gia cầm trên 3,892 triệu con, tăng 4,8% so với cùng kỳ; đàn lợn 280.000 con, tăng gần 2% cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của tỉnh hiện đạt trên 88.800 tấn, sản lượng trứng đạt trên 134 triệu quả, sản lượng sữa tươi đạt trên 1.000 lít. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành ngành chăn nuôi tăng từ 4.214 tỷ đồng (năm 2017) lên 4.683 tỷ đồng (năm 2020). Tỷ trọng ngành chăn nuôi hiện chiếm 55,4% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), trong thời gian tới ngành nông nghiệp tiếp tục bám sát mục tiêu tăng trưởng về giá trị sản xuất của ngành, trên cơ sở tăng tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản, tăng tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt, lâm nghiệp. Đặc biệt ưu tiên trước mắt là tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương thực hiện tái đàn lợn đối với các địa phương đủ điều kiện tái đàn và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi giúp người dân khôi phục sản xuất. Đồng thời, khuyến khích mở rộng quy mô đàn gia súc; chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ giống cho các doanh nghiệp, cá nhân theo chính sách sản xuất tập trung, liên kết sản xuất. Mặt khác, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh triển khai nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi, như: Sử dụng đệm lót sinh học, thụ tinh nhân tạo cho gà Tiên Yên; phục tráng giống lợn Móng Cái... Qua đó, góp phần phát triển các giống đặc sản địa phương, tăng giá trị sản phẩm…

Nguyễn Thanh

Hiệu quả mô hình nuôi ong nội lấy mật ở xã Thạch Sơn

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Thạch Sơn là một xã miền núi có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế đồi rừng của huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Thời gian qua, xã Thạch Sơn đã tập trung phát triển xen kẽ giữa trồng rừng với mô hình nuôi ong lấy mật. Mô hình đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Trong những năm qua, mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Thạch Sơn (Anh Sơn) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu trong lành, thảm thực vật phong phú, nghề nuôi ong ngày càng phát triển, sản phẩm mật ong xã Thạch Sơn được ưa chuộng, từ đó trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.

Nghề nuôi ong ở xã ban đầu chỉ là những hộ nhỏ lẻ nuôi theo phương pháp truyền thống, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình. Qua quá trình phát triển, đến nay, toàn xã có gần 30 hộ nuôi ong hơn 600 đàn. Người nuôi ong đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản phẩm từ ong được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, nhờ đó chất lượng ngày càng được nâng lên, khẳng định được thương hiệu, uy tín, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Phong trào nuôi ong đã phát triển rộng khắp tại địa bàn xã. Một số hộ mạnh dạn đầu tư nuôi với số lượng lớn như anh Bùi Đức Vinh (xóm 1 Thạch Sơn) có 250 đàn, Nguyễn Tài Anh (xóm 3 - Thạch Sơn) có 30 đàn, Trần Trọng Toàn (Xóm 2 -Thạch Sơn) có 20 đàn…

Đến thăm gia đình anh Bùi Đức Vinh (xóm 1 Thạch Sơn) với hàng chục năm gắn bó với nghề, hiện nay gia đình anh có gần 250 đàn ong, ước tính mỗi vụ thu được gần 1 tấn mật được các thương lái ở nhiều tỉnh lân cận về thu mua. Anh Vinh cho biết: "Nhờ cải tiến phương thức nuôi ong, áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng đến tiêu chí sản phẩm sạch nên chất lượng mật ong luôn được người dân ưa chuộng, thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy. Ngoài ra hàng năm gia đình anh còn nhân hàng trăm đàn ong giống bán ra thị trường. Thời điểm lấy mật rộ nhất trong năm từ tháng 3 đến tháng 6. Với giá bán nhập sỉ từ 120.000 - 150.000 đồng/kg (1 kg mật tương đương với 1 chai 650ml). Sau khi chi phí thì thu nhập từ bán mật ong, nhân đàn giống, làm sữa ong chúa và các sản phẩm mật ong đem lại cho gia đình ông 130 - 150 triệu đồng/năm.

Với ưu điểm vốn đầu tư ban đầu không lớn, không tốn nhiều nhân lực, đem lại thu nhập cao, do đó không ít người đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi không hiệu quả để nuôi ong. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả, năng suất và chất lượng mật ong cao đòi hỏi nhiều kỹ thuật và tính cần mẫn. Ông Nguyễn Anh Tài (xóm 3 Thạch Sơn), chủ 30 đàn ong cho biết: "Điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi ong là chọn ong chúa, nếu ong chúa khỏe mạnh thì cả đàn ong và giống ong những lứa sau sẽ khỏe mạnh, cho mật nhiều nhất. Nguồn mật hoa cho ong phải là hoa nhãn, hoa táo… như vậy sẽ cho chất lượng mật tốt nhất. Ong sống trong quần thể lớn nên khả năng nhiễm và lây lan bệnh rất cao, do đó việc phòng, chống bệnh cho ong, dập bệnh ngay tại thời điểm phát hiện cũng được đặt lên hàng đầu”.

Sản phẩm mật ong của xã bán ra thị trường được ưa chuộng bởi chất lượng tốt, giá cả phù hợp lại đảm bảo vệ sinh. Không chỉ tiêu thụ ở xã, mật ong xã Thạch Sơn còn đến được với nhiều tỉnh, thành trong nước. Các sản phẩm khác từ ong như sữa ong chúa, phấn hoa…. đều được ưa chuộng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong. Tuy nhiên, sản phẩm từ ong được làm ra và bán trên thị trường chủ yếu vẫn theo hình thức tự phát, không có sự thống nhất giá cả giữa các hộ nuôi ong dẫn đến người tiêu dùng hoài nghi về chất lượng mật ong. Bên cạnh đó những năm gần đây việc phát triển nuôi ong ngoại tự phát rất nhiều, giá thành bán ra lại rẻ nên việc cạnh tranh thị trường tiêu thụ của ong nội gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu cần được quan tâm hơn nữa để mật ong nội xã Thạch Sơn ngày càng có chỗ đứng ổn định.

Lệ Hằng - Trung tâm Khuyến nông Nghệ An

Hướng đến xây dựng thương hiệu yến sào Ayun Pa

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Những năm qua, nghề nuôi chim yến phát triển mạnh ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vì hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Để đảm bảo cho nghề này phát triển bền vững, hướng đến xây dựng thương hiệu yến sào Ayun Pa, UBND thị xã đã thuê một đơn vị xây dựng đề án quy hoạch vùng nuôi chim yến và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật khi nuôi.

Nghề “siêu” lợi nhuận

Ông Nguyễn Văn Toàn (phường Đoàn Kết) tiên phong xây nhà dẫn dụ chim yến về nuôi ở vùng đất Ayun Pa. Sau 11 năm nuôi chim yến, gia đình ông thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Ông Toàn chia sẻ: “Gia đình tôi có 6 nhà nuôi yến tại thị xã Ayun Pa. Mỗi tháng, tôi thu hoạch được 20 kg tổ yến thô, bán với giá 18-20 triệu đồng/kg. Với tổ yến khô đã làm sạch thì mức giá dao động trong khoảng 28-30 triệu đồng/kg. Bên cạnh đó, tôi cũng làm dịch vụ lắp đặt thiết bị dẫn dụ, tư vấn nuôi chim yến cho người dân trong vùng”.

Với 8 năm gắn bó với nghề nuôi chim yến, gia đình bà Nguyễn Thị Lợi (phường Hòa Bình) đang có thu nhập “khủng” từ nghề này. Theo tính toán, mỗi tháng, gia đình bà thu hoạch được hơn 10 kg tổ yến thô, bán được 180-200 triệu đồng.

Người dân thị xã Ayun Pa có thu nhập cao nhờ nuôi chim yến lấy tổ. Ảnh: Hoành Sơn

Thành công từ những người tiên phong đã thúc đẩy nghề nuôi chim yến ngày càng phát triển ở thị xã Ayun Pa. Nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định và hứa hẹn sẽ còn tăng cao trong những năm tiếp theo.

Ông Hồ Văn Diện-nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa-cho hay: “Xây dựng 1 nhà nuôi chim yến cao 4 tầng, khoảng 400 m2 sàn hết khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau 2 năm dẫn dụ chim về làm tổ sẽ cho thu hoạch ổn định với năng suất 1-2 kg tổ yến thô/tháng. Tôi có 3 nhà nuôi chim yến cho thu nhập rất ổn định. Nuôi chim yến đang là nghề mới “siêu” lợi nhuận, là mỏ “vàng trắng” ở Ayun Pa”.

Quy hoạch vùng nuôi chim yến

Nghề nuôi chim yến không chỉ giúp nhiều hộ dân có thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho không ít lao động ở khu vực Đông Nam tỉnh. Một đội ngũ lao động phổ thông chuyên đảm nhận nhiệm vụ phụ giúp người nuôi chim yến khai thác, sơ chế tổ đã hình thành ở các địa phương này.

Chị Trần Thị Bích Liên-chủ Cơ sở sản xuất, mua bán, chế biến các sản phẩm từ yến sào Liên Thành Liên (số 153 Lê Hồng Phong, phường Đoàn Kết)-cho hay: “Cơ sở của chúng tôi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài sử dụng tổ yến khai thác từ nhà yến của gia đình, chúng tôi còn thu mua tổ yến của các hộ khác để sơ chế thành sản phẩm tổ yến khô, tươi. Hiện tại, cơ sở thường xuyên có 3 nhân công chuyên nhặt lông, làm sạch tổ yến thô sau thu hoạch. Mỗi nhân công được trả thù lao 200 ngàn đồng/ngày hoặc 200 ngàn đồng/lạng tổ yến thô. Hiện có khoảng 100 người chuyên đảm nhiệm việc thu hoạch, làm sạch tổ yến thô cho các hộ nuôi yến ở Ayun Pa”.

 

Hầu hết nhà nuôi chim yến ở Ayun Pa đều nằm trong khu dân cư. Ảnh: Hoành Sơn

Làm công việc phụ giúp người nuôi yến ở thị xã Ayun Pa hơn 5 năm qua, chị Nguyễn Thùy Minh (phường Sông Bờ) bộc bạch: “Hàng ngày, tôi đến cơ sở nhận tổ yến thô rồi làm sạch lông và vết bẩn. Nghề này đòi hỏi người làm có đôi mắt sáng để nhặt những sợi lông tơ, tạp chất nhỏ và cần sự tỉ mỉ, cẩn thận nên thích hợp với phụ nữ. Công việc không nặng nhọc mà tiền công ổn định, khoảng 180-200 ngàn đồng/ngày. Mấy năm gần đây, lượng người làm công cho chủ cơ sở nuôi yến ngày càng nhiều”.

Theo thống kê, trên địa bàn thị xã Ayun Pa có 120 cơ sở nuôi yến, tăng hơn 30 cơ sở so với năm 2019. Hiệu quả kinh tế cao từ nghề nuôi chim yến đã “đánh thức” khát vọng làm giàu của người dân Ayun Pa. Tuy vậy, sự phát triển ồ ạt theo hình thức tự phát của nghề này kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Một trong trong số đó là vấn đề ô nhiễm tiếng ồn từ loa dẫn dụ chim lắp trên nhà yến.

Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ngày 9-7-2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND quy định: Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 19-7-2020, các cơ sở nuôi chim yến trong khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư phải chấm dứt hoạt động hoặc di dời đến nơi đúng quy định.

Nghị quyết này nhận được sự đồng tình của người dân trong tỉnh. Dù vậy, nhiều hộ nuôi chim yến trong khu dân cư trước ngày 9-7-2020 vẫn mong mỏi một giải pháp cụ thể hơn đối với nghề này để giúp người dân làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Văn Toàn kiến nghị: “Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền sớm hình thành vùng quy hoạch nuôi chim yến để di dời vì nghề này cần nhiều thời gian dẫn dụ mới đạt hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi rất muốn di dời nhưng theo quy định thì cơ sở nuôi chim yến chỉ được đặt ở vùng đất nông nghiệp, trong khi không thể xin cấp phép xây nhà kiên cố, cao tầng trên đó”.

Tương tự, anh Huỳnh Thanh Thọ-một chủ cơ sở nuôi chim yến ở xã Ia Rtô nêu ý kiến: “Qua tìm hiểu, tôi thấy đến nay cũng mới chỉ có TP. Hồ Chí Minh quy hoạch vùng nuôi chim yến ở huyện Cần Giờ. Nhờ nuôi chim yến nên người dân có thu nhập rất cao. Tôi mong muốn tỉnh sớm hình thành vùng quy hoạch nuôi chim yến ở thị xã Ayun Pa để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Quang-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa-cho biết: Nuôi chim yến lấy tổ là một nghề “siêu” lợi nhuận tại địa phương.

“Ủy ban nhân dân thị xã đang hỗ trợ một số hộ dân xây dựng sản phẩm tổ yến sào để tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh. Đặc biệt, thị xã phấn đấu xây dựng thương hiệu yến sào Ayun Pa và đang đặt hàng cho 1 công ty uy tín để xây dựng chi tiết đề án quy hoạch vùng nuôi chim yến cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi. Hy vọng đề án sẽ hỗ trợ người dân thị xã trong việc nuôi chim yến”-Trưởng phòng Kinh tế thị xã khẳng định.

HOÀNH SƠN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop