Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 03 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 03 năm 2020

Sử dụng nước tưới trong mùa khô

Nguồn tin: Báo An Giang

Các giải pháp tưới nước tiết kiệm được sử dụng phổ biến hiện nay như: tưới phun mưa tự động, tưới nhỏ giọt… đã giúp nông dân giải quyết được “bài toán” về nước tưới trong thời tiết nắng nóng, khô hạn như hiện nay, đồng thời góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.

Giảm chi phí sản xuất

Hiện nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh đang bước vào cao điểm mùa khô. Để đảm bảo đủ lượng nước tưới cho cây trồng, nhiều nông dân đã sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm cho vườn cây ăn trái. Một trong những biện pháp được ứng dụng rộng rãi là tưới nước phun mưa tự động.

Chú Nguyễn Văn Đom (nông dân ấp Tân Hòa C, xã Tân An, TX. Tân Châu, An Giang) canh tác 5 công nhãn Ido. Cùng với việc áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chú Đom còn áp dụng công nghệ tưới phun mưa tự động cho vườn nhãn của mình.

Theo chú Đom, áp dụng công nghệ này giúp gia đình chú tiết kiệm công sức, thời gian, việc tưới nước cũng dễ dàng và thuận tiện hơn. “Tưới tự động dạng phun mưa sẽ giúp nước rải đều 100% diện tích vườn, giúp rễ cây tiếp xúc ổn định với nguồn nước tưới, hiệu quả có thể cao hơn 3-4 lần so với tưới bằng vòi thông thường” - chú Đom chia sẻ.

Sử dụng nước tưới tiết kiệm là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngoài biện pháp tưới phun mưa tự động, nông dân còn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên các loại cây ăn trái. Phương pháp này không đòi hỏi yêu cầu cao về mặt kỹ thuật nhưng hiệu quả khả quan.

Anh Nguyễn Tấn Mẫn, một trong những nông dân đi đầu trong việc ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt ở xã Vĩnh Nhuận (Châu Thành) cho biết, điểm nổi bật của công nghệ tưới nhỏ giọt là giúp tiết kiệm nước.

Theo anh Mẫn, áp dụng công nghệ này, nước sẽ được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng hấp thụ, không bị thất thoát, bốc hơi. Khi tưới truyền thống, mỗi ngày phải dành nhiều giờ đồng hồ để tưới, chi phí điện và nước tăng lên. Với hệ thống tưới tiết kiệm, mỗi ngày chỉ cần tưới 1-2 tiếng, nước tưới đều vào đất giúp cây hấp thụ nước tốt, cây sinh trưởng và phát triển nhanh.

Tăng năng suất cây trồng

Các biện pháp giảm lượng nước tưới trong sản xuất nông nghiệp một mặt làm giảm lượng nước tưới cung cấp cho cây, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt; mặt khác giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm công lao động.

Ông Võ Văn Em (nông dân xã Long Kiến, Chợ Mới) cho biết, sau khi thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt trên cây sầu riêng cho thấy, nếu tưới cây bằng phương pháp thông thường sẽ tạo 1 lớp hồ trên đất. Lớp hồ này vô tình ngăn cản rễ hấp thụ ô-xy nên cây sinh trưởng và phát triển yếu.

Do cây sinh trưởng yếu nên dịch bệnh sẽ dễ dàng tấn công, từ đó chi phí chăm sóc cũng như chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật để chăm bón cây trồng sẽ tăng. Ngược lại, sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, nước và chất dinh dưỡng được đưa thẳng vào bộ rễ, cây hấp thu chất dinh dưỡng tốt nên sinh trưởng và phát triển mạnh, sức đề kháng cao, hạn chế được sâu bệnh phá hoại, tiết kiệm chi phí canh tác rất nhiều.

“Nếu so sánh về chi phí sản xuất và công lao động từ đầu vụ đến lúc thu hoạch, trồng sầu riêng áp dụng công nghệ giảm khoảng 50% so với canh tác thông thường” - ông Em nhấn mạnh.

Cùng ý kiến với ông Em, anh Nguyễn Phước Thanh (xã Mỹ Hiệp, Chợ Mới, An Giang) cho biết, sau khi thí điểm hệ thống tưới nhỏ giọt trên 1ha xoài đã giúp gia đình anh tiết kiệm được nước, phân bón, thời gian và công lao động… đặc biệt năng suất cao hơn so với phương pháp truyền thống.

Theo anh Thanh, trước đây, với 1ha xoài, mỗi năm anh thu hoạch từ 200-300 triệu đồng. Từ khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, mỗi năm anh thu lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng từ việc bán xoài.

Bên cạnh đó, nông dân còn sử dụng nhiều giải pháp nhằm giảm lượng nước trong đất bốc hơi, như: che phủ bằng các giải pháp truyền thống dùng rơm rạ, cỏ khô… giải pháp này còn bổ sung lượng mùn làm xốp đất, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Có thể thấy, việc sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm đã mang lại hiệu quả kép cho bà con nông dân. Vừa tiết kiệm được nước, phân bón, công lao động, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con.

Đây còn là giải pháp tích cực, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cho phương pháp này tương đối lớn, do đó cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp giúp nông dân phát triển sản xuất, có điều kiện giải quyết tốt “bài toán” kinh tế cho gia đình.

ĐÌNH ĐỨC

Rủ nhau làm nông nghiệp xanh

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ đang được huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) khuyến khích nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là mong muốn thực tế của nông dân giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, liên kết sản xuất và làm quen với nông nghiệp công nghệ cao.

Cắt 1 trái bưởi xẻ ra mời khách ăn thử, ông Lê Quang Tuyến ở ấp Tam Nguyên, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh tự tin khẳng định: “Chỉ bón phân hữu cơ, trồng sạch nên bưởi trong vườn của tôi đồng đều về chất lượng, trái ít hạt, vị ngọt đậm đà. Chính vì vậy, bước đầu có khó khăn tôi cũng không e ngại vì trồng bưởi sạch mới là giải pháp bền vững để phát triển thương hiệu loại trái cây đặc sản này. Tôi dự định xây dựng thương hiệu vì vài năm tới, khi 12 ha bưởi cho năng suất và chất lượng trái ổn định, bưởi có thương hiệu sẽ là cơ hội lớn để sản phẩm bưởi da xanh của địa phương mở rộng thị trường”.

NÔNG NGHIỆP SẠCH BẮT ĐẦU TỪ SẢN XUẤT HỮU CƠ

12 ha cao su năng suất kém đã được ông Lê Quang Tuyến mạnh dạn cắt bỏ để xuống giống bưởi da xanh. Qua 5 năm trồng, những cây bưởi khỏe mạnh, xanh mướt đang cho trái bói. Chọn bưởi da xanh làm cây trồng chuyên canh, theo ông Tuyến, mặc dù mất nhiều công chăm sóc nhưng bù lại có thu nhập cao hơn so với giá mủ cao su hiện tại. Mặt khác, cây bưởi phù hợp chất đất ở địa phương, có đầu ra, giá ổn định. Trong trường hợp các nơi rộ vụ, có thể kéo thời gian thu hoạch tại vườn đến 1 tháng, sau đó bảo quản trong mát được khoảng 1 tháng nữa nên không lo “dội chợ”.

12 ha bưởi da xanh của gia đình ông Lê Quang Tuyến (thứ 2 từ phải qua) ở ấp Tam Nguyên, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh chăm sóc hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ

Vườn bưởi được ông Tuyến để ra bông tự nhiên, một số xử lý cây cho thu hoạch thành các đợt trong năm. Ông Tuyến cho rằng, trồng cây ăn trái phải kiên trì. Đặc biệt, muốn sản phẩm có tính cạnh tranh và nâng cao giá trị thì phải hướng đến sản xuất sạch. Thay thế hoàn toàn phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân hữu cơ là cách ông Tuyến nâng cao chất lượng trái cây theo hướng xanh, sạch, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. “Ngay từ khâu xuống giống, tôi dùng phân gà Nhật để bón; tự ủ cá với đậu nành, phối trộn men vi sinh thành phân, sau đó trộn tỷ lệ phù hợp để bón cho cây. Bón phân hữu cơ, giai đoạn đầu cây không lớn nhanh và xanh tốt bằng việc thúc phân hóa học, đầu tư cũng tốn công, chi phí cao hơn nhưng về lâu dài có nhiều lợi ích mà vẫn tiết kiệm. Thành phần đạm, axít trong phân đậu nành cao và có độ bền hơn phân hóa học từ 5-6 tháng. Mỗi tháng nên luân phiên bón phân cá vì trong loại phân này chứa nhiều protein, kết hợp với men vi sinh sẽ giúp cây trồng hấp thu tốt, cho trái ngọt” - ông Tuyến chia sẻ.

Đặc biệt, để vườn bưởi cho trái quanh năm, ông Tuyến áp dụng biện pháp cắt tỉa cành, thay vì phải phun thuốc xử lý như nhiều nông dân khác. Với phương pháp này, năng suất trái bưởi đạt cao, không làm ảnh hưởng môi trường, kéo dài tuổi thọ của cây. Cỏ trong vườn ông chỉ cắt thủ công, không sử dụng thuốc diệt cỏ, tránh ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng và an toàn của trái.

LÀM VƯỜN BẰNG TÌNH YÊU

Trò chuyện với anh Vũ Tiến Cương (tổ 10, ấp 5, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh) - nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh 4 năm liền, chúng tôi cảm nhận anh có sự thích thú đặc biệt với công việc nhà nông. Chịu khó học hỏi, nhanh nhạy nắm bắt thị trường giúp anh có kho kiến thức khá phong phú về làm nông nghiệp. Từ con số không khi đến Lộc Ninh lập nghiệp, năm 1992 anh mua được 1 ha đất trồng tiêu xen cây ăn trái để hạn chế rủi ro. Khi cây ăn trái bắt đầu cho thu hoạch, anh Cương chặt bỏ vườn tiêu để tập trung cho cây ăn trái. Trong đó, sầu riêng và bưởi da xanh là 2 loại cây trồng chủ lực, đang cho thu hoạch ổn định năm thứ 10.

Ông Vũ Tiến Cương (trái) ở tổ 10, ấp 5, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ để tạo độ bền cho cây và hướng đến canh tác bền vững

Tùy từng giai đoạn phát triển của cây mà anh Cương sử dụng phân bón khác nhau. Anh còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước vừa khống chế nước để xử lý vườn cây ra bông, trái đồng loạt hoặc trái vụ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thái Cao Xuân Thao: Xã Lộc Thái có 318 ha cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng, bưởi da xanh. Trước đây, hầu hết các hộ làm ăn manh mún, nông dân trồng rất nhiều loại cây như bơ, sầu riêng, bưởi... Trong đó, sầu riêng chiếm diện tích lớn nhất và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất những năm gần đây. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ thành lập hợp tác xã, giúp nông dân tập trung sản xuất, hướng đến phát triển bền vững trái cây sạch theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Ngoài chế độ dinh dưỡng thì kỹ thuật xử lý ra bông đúng thời điểm cũng rất quan trọng. Ví dụ như giai đoạn đầu cho trái, mỗi cây sầu riêng anh Cương chỉ để khoảng 70 trái, mỗi trái trọng lượng từ 2,7-3,5kg để cây vừa sức. Bưởi da xanh trồng từ 7 năm trở lên chỉ để khoảng 200 trái/cây. Không lạm dụng thuốc trừ sâu độc hại và phân bón hóa học nên dù trái cây của gia đình anh chưa được dán nhãn VietGAP nhưng đã tạo dựng được thương hiệu “sạch” trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhờ sự cần cù và niềm đam mê học hỏi, vườn cây ăn trái tổng hợp của gia đình anh đem về nguồn thu bình quân 300 triệu đồng mỗi năm. Thu nhập ổn định từ cây ăn trái nên anh Cương đang có kế hoạch chuyển đổi 2 ha điều, cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, đáp ứng nhu cầu thị trường thời kinh tế mở.

Anh Vũ Tiến Cương, tổ 10, ấp 5, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh: Lâu nay, nhiều người cho rằng, sử dụng các loại thuốc hóa học, chất kích thích cây mang lại lợi nhuận cao hơn, nhưng thực tế làm nông nghiệp hữu cơ mới thật sự tốt về lâu dài vì đất được nuôi dưỡng, không bị hóa chất làm bạc màu, cây có tuổi thọ lâu hơn. Đối với cây bưởi, sầu riêng càng lâu năm càng cho trái ngon và có giá trị kinh tế cao. Do đó, người làm vườn phải bỏ công sức, thời gian và tâm huyết để học hỏi, nghiên cứu đặc tính về các loại cây, từ đó có cách chăm sóc phù hợp, đặc biệt phải có sự hỗ trợ của máy móc, kỹ thuật mới.

Ngân Hà

Quảng Ngãi: Dưa hấu nhích dần lên mức 4.000 đồng/kg

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Từ mức chỉ 2.000 đồng/kg, đến đầu tháng 3, mức giá dưa hấu tại Quảng Ngãi đã tăng lên gấp đôi, bình quân 4.000 đồng/kg. Giá dưa không cao đối với các hộ trồng dưa nhưng vẫn là sự khởi sắc trong thời điểm đang thu hoạch rộ.

Trên các bãi bồi ven sông Trà Khúc (TP Quảng Ngãi), từ đầu tháng 2-2020, người trồng dưa rất lo lắng khi giá dưa luôn tụt giảm, nhất là thời điểm dưa hấu tại Gia Lai rớt chỉ còn 500-1.000 đồng/kg. Tại Quảng Ngãi, hồi đầu tháng 2 giá dưa chỉ ở mức 2.000 đồng/kg, đến đầu tuần tháng 3, giá dưa đã tăng trở lại, mức trung bình 4.000 đồng/kg, nhiều nông dân hy vọng giá dưa vẫn ổn định.

Bạt ngàn dưa hấu tại bãi bồi ven sông Trà Khúc, TP Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Dưa hấu giá trung bình tăng lên 4.000 đồng/kg. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Gia đình bà Đặng Thị Nhành (xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thuê 10 sào đất ở bãi bồi sông Trà Khúc để trồng dưa hấu cho biết: “Dưa hấu được xuống giống từ hồi tháng 12 năm ngoái, đến nay đã chuẩn bị thu hoạch. Nhà tôi trồng giống dưa Hắc Mỹ Nhân, ước tính mỗi sào dưa thu khoảng 2 -3 tấn. Mức giá thương lái thu mua khoảng 4.000-4.500 đồng/kg, thì nông dân chỉ đủ thu hồi vốn, chứ không có lãi”.

Theo bà Nhành, những nông dân “di cư” trồng dưa hấu phải tính thuê đất, công chăm sóc, thuê nhân công trông nom. “10 sào phải thuê 4 đến 5 người chăm sóc, nhất là lúc vào vụ thu hoạch. Với tình hình thị trường hiện nay, nông dân chỉ mong thu vốn để tiếp tục xuống vụ sau”, bà Nhành chia sẻ.

Bà Đặng Thị Nhành với những trái dưa Hắc mỹ nhân có trọng lượng 2-3kg/trái. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 658ha diện tích trồng dưa hấu tại các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Hà và thành phố Quảng Ngãi, với năng suất ước đạt 254 tạ/ha. Đến nay đã thu hoạch 117ha, còn lại đang tiếp tục thu hoạch đến đầu tháng 4”.

Thị trường tiêu thụ dưa hấu của Quảng Ngãi chủ yếu vẫn là Trung Quốc, nghề dưa hấu vẫn còn tự phát, do vậy những rủi ro phụ thuộc thị trường rất lớn. Ông Nguyễn Thế Vĩnh cho biết: “Mới đây, Chi cục đã gửi số liệu thống kê về tình hình dưa hấu tại Quảng Ngãi cho Sở Công thương, dựa trên thực trạng để tìm hướng giải quyết, đồng thời tìm các thị trường mới cho nông sản này. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi đã xúc tiến đầu tư kêu gọi các công ty đầu tư vào trồng trọt, chế biến… để nâng cao giá trị sản phẩm dưa hấu trên thị trường”.

NGUYỄN TRANG

Bạc Liêu: Các mô hình sản xuất lúa trình diễn lợi nhuận từ 2,6 - 3,2 triệu đồng/ha/vụ

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Đến nay, các mô hình sản xuất lúa áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, tưới nước tiết kiệm, mô hình cánh đồng sinh thái, sản xuất lúa an toàn trên đất tôm, quy trình sản xuất và chứng nhận lúa an toàn... đã được trình diễn ở 15 điểm tại các huyện, thị trong tỉnh Bạc Liêu.

Mô hình cánh đồng sinh thái ở thị trấn Phước Long (huyện Phước Long). Ảnh: M.Đ

Các mô hình trên được ngành chức năng đánh giá đạt hiệu quả khá cao. Các ruộng lúa áp dụng mô hình cho lợi nhuận tăng hơn từ 2,6 - 3,2 triệu đồng/ha/vụ so với các ruộng lúa ngoài mô hình.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cho nông dân và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập cho bà con.

PV

Khánh Hòa: Xã Vạn Hưng được mùa tỏi

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Theo ông Trần Ngọc Phú - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), vụ tỏi 2019 - 2020, nhờ thời tiết thuận lợi, năng suất tỏi bình quân đạt 9 - 10 tấn tươi/ha, thương lái mua với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, nông dân có lãi từ 100 triệu đồng/ha trở lên. So với đầu vụ, giá tỏi có giảm nhưng nông dân vẫn lãi khá. Năm ngoái, đầu vụ giá tỏi rớt thê thảm, càng về cuối năm giá tăng dần, đạt đỉnh 100.000 đồng/kg khô, nhưng nông dân không có tỏi bán.

Xã Vạn Hưng có 140ha tỏi đang cho thu hoạch rộ và sẽ kết thúc trong vài ngày tới. Riêng việc thử nghiệm giống tỏi voi đang tiến triển tốt, 2 tháng tới sẽ cho thu hoạch.

V.L

Ia Grai (Gia Lai): Vụ điều thất bát

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Do diễn biến thời tiết phức tạp và ảnh hưởng của dịch Covid-19, cây điều trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đạt năng suất thấp và mất giá. Hàng trăm hộ dân trồng điều đang héo hon trong vụ thu hoạch này.

Gia đình ông Lê Văn Thành (thôn 3, xã Ia Tô) thu hoạch điều. Ảnh: H.S

Huyện Ia Grai có diện tích điều lớn với khoảng 6.000 ha. Những năm qua, giá hạt điều cao giúp hàng trăm hộ dân ở huyện biên giới này có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, bước vào niên vụ 2019-2020, người trồng điều ở huyện Ia Grai kém vui vì cây điều rớt giá và năng suất thấp. Bà Trần Thị Thu (thôn 3, xã Ia Tô) cho hay: Năm nay, gia đình bà trồng hơn 2 ha điều. Đầu vụ, điều ra hoa nhiều nhưng do không khí lạnh bất thường lẫn sương muối nên hoa rụng đầy gốc. “Vì thế, chúng tôi phải chờ đợt hoa thứ 2 sau Tết Nguyên đán mới thu hoạch nhưng năng suất rất thấp, ước 2 ha điều chỉ được khoảng hơn 2 tấn hạt”-bà Thu buồn rầu nói.

Còn ông Lê Văn Thành (cùng thôn) thì chia sẻ: “Tôi trồng 4 ha điều. Năm ngoái, tôi thu được tầm 350 triệu đồng. Bình quân những năm trước, năng suất đạt 2 tấn hạt/ha nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 1,2-1,3 tấn/ha. Với tình hình giá cả như hiện nay thì tổng số tiền thu về của vụ điều này chỉ khoảng 200 triệu đồng. Mấy hộ thu mua hạt điều bảo là do dịch Covid-19, hàng hóa thông quan qua cửa khẩu ít nên họ mua với giá thấp”.

Cũng như những hộ dân khác, gia đình chị Rơ Châm Blip (làng Tung Breng, xã Ia Krai) đang thu hoạch điều với tâm trạng kém vui. Chị Blip lo lắng: “Cả nhà đang trông vào vụ điều này để có tiền trả nợ, trang trải cuộc sống gia đình nhưng giá thấp, giờ chưa biết tính sao. Năm nay, giá điều dao động 25-28 ngàn đồng/kg. Mấy hộ trồng điều trong làng cũng lo không đủ tiền trả nợ đầu tư”.

Tại làng Ếch (xã Ia Khai), những ngày này, ông Rơ Lan Phinh cùng vợ và các con đang thu nhặt điều tại vườn nhà. “Tôi trồng dày nên 1 ha điều có 300 cây. Ban đầu cứ khấp khởi trúng vụ điều năm nay, ngờ đâu quả đậu ít quá. Năm ngoái thu được 1,7 tấn hạt. Năm nay, sản lượng chắc chắn giảm mạnh so với năm ngoái. Giá thấp nên tôi mới bán 100 kg với giá 25-28 ngàn đồng/kg, số còn lại đang để dành chờ xem đợt tới có lên giá hay không”-ông Phinh nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho biết: “Huyện Ia Grai có khoảng 6.000 ha điều, chủ yếu ở các xã phía Tây. Bà con đang thu hoạch đợt 1. Năm nay, giá hạt điều không cao, đầu vụ dao động 26-28 ngàn đồng/kg, hiện nay chỉ còn 25-27 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá 30-40 ngàn đồng/kg của mấy năm trước. Ngoài ra, sản lượng của vụ điều năm nay cũng không đạt bằng trước đây”.

HOÀNG SƠN

Tập trung cao độ cho phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 3-3, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 1818/VP-KT, yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tập trung cho phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là huyện Chương Mỹ và huyện Mê Linh quyết liệt, tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống, xử lý triệt để dịch cúm gia cầm trên địa bàn, không để dịch lây lan sang các địa phương khác. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn.

UBND thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tập trung cao độ cho công tác kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 ở 5 xã thuộc 2 huyện Chương Mỹ và Mê Linh; tổng số gia cầm tiêu hủy là 12.142 con. Đáng ngại, nguy cơ bùng phát của dịch bệnh này vẫn rất cao...

HOÀI THU

Người chăn nuôi hạn chế xuất chuồng, giá gà tăng cao

Nguồn tin: Công Thương

Chỉ cách đây một khoảng thời gian ngắn, giá gà ở khu vực miền Nam đã tăng trên dưới 12.000 đồng/kg, đạt mức 24.000-25.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, giá gia cầm thay đổi rất mạnh chỉ trong khoảng một tháng gần đây. Cách đây khoảng 10 ngày, giá gà công nghiệp đã giảm xuống còn 12.000-13.000 đồng/kg, mức giảm tới 50% so với thời điểm trước Tết Canh Tý và thấp nhất so với hàng chục năm qua. Nhưng hiện tại, giá gà loại này bán sỉ đã tăng lên 12.000 - 13.000 đồng/kg, đạt mức 24.000-25.000 đồng/kg.

Nhiều chủ trang trại ở miền Đông Nam bộ hy vọng ngành chăn nuôi gà công nghiệp sớm hồi phục để giảm lỗ

Theo các chủ trang trại chăn nuôi nuôi gà công nghiệp ở khu vực Đồng Nai, với mức giá 24.000-25.000 đồng/kg như hiện tại, người chăn nuôi đã giảm được nhiều khó khăn nhưng vẫn còn lỗ vốn từ 4.000-5.000 đồng/kg.

Ông Trần Văn Định - Chủ trại chăn nuôi gà công nghiệp ở TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai - cho biết, mặc dù giá gà bán ra đã tăng lên mỗi kg hơn chục nghìn đồng nhưng vẫn chưa lấy lại vốn là do giá thức ăn, thuốc thú y tăng cao.

Theo Hiệp hội Gia cầm Miền Đông, giá gà hiện tại đã tăng khá cao so với cách đây không lâu, nguyên nhân do giá gà xuống quá thấp nên nhiều trang trai chăn nuôi hạn chế bán ra, giảm bớt cơ hội cho tư thương ép giá mua rẻ. Đại diện Hiệp hội Gia cầm Miền Đông nhận định, do dịch cúm Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường vẫn chưa tăng nên khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây ngành công nghiệp chăn nuôi gà. Tuy nhiên, hy vọng sắp tới các bếp ăn tập thể ở trường học sẽ khởi động lại khi học sinh sắp đến trường; các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là ngành du lịch, nhà hàng, quán ăn hồi phục sẽ làm gia tăng mức tiêu thụ thịt gà nhiều hơn như hiện tại.

Trần Thế

Thu lãi trăm triệu đồng mỗi tháng từ nuôi bồ câu Pháp

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phú

Với 7.000 đôi chim sinh sản, mỗi ngày, trang trại chim bồ câu Pháp của gia đình ông Trần Văn Bính, thôn Vân Tập, xã Vân Hội (Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) xuất ra thị trường từ 150 - 200 đôi chim thương phẩm, cho thu lãi hơn 100 triệu đồng/tháng. Đây được đánh giá là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của địa phương.

Mô hình nuôi chim bồ câu theo hướng công nghiệp của ông Trần Văn Bính ở xã Vân Hội (Tam Dương)

Ông Bính cho biết: “Trong những năm gần đây, người chăn nuôi luôn phải loay hoay lựa chọn những con vật nuôi phù hợp với gia đình, cũng như nhu cầu của thị trường để phát triển kinh tế. Qua sách, báo, internet và đi tham quan thực tế nhiều trang trại, tôi đã lựa chọn con chim bồ câu Pháp nuôi theo hướng công nghiệp làm hướng đi mới cho gia đình.

Chim bồ câu Pháp được đánh giá dễ nuôi, ít bệnh tật, có sức đề kháng cao, dễ chăm sóc, đặc biệt là trong nhiều năm trở lại đây, giá chim thương phẩm luôn ở mức ổn định”.

Ông Bính quan niệm, ngày nay, trong chăn nuôi phải đầu tư, ứng dụng những tiến bộ khoa học nhằm nâng cao năng suất và giảm giá thành sản phẩm, có như vậy mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Vì vậy, trên diện tích 2 ha đất quy hoạch khu chăn nuôi tập trung của xã, ông Bính đã đầu tư xây dựng những dãy chuồng kiên cố và được bố trí khoa học. Tại mỗi dãy chuồng đều được lắp đặt hệ thống quạt gió để đảm bảo không khí thoáng mát.

Các lồng nuôi, máng ăn, máng uống tự động được ông đầu tư bài bản, kiên cố. Tỉ mỉ, chính xác hơn, trên mỗi ô nuôi, ông đều treo sổ theo dõi nhật trình của từng đôi để ghi chép quá trình tiêm vắc xin, ngày đẻ, chế độ cho ăn… Mặt khác, ông còn đầu tư tủ ấp trứng nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Để hiểu được tập tính của loài chim bồ câu, ông Bính đã dành nhiều thời gian theo dõi, quan sát, ghi chép thông tin về mọi thay đổi, thói quen của chúng. Đồng thời, tìm kiếm thông tin về loài chim qua sách, báo, mạng internet và học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi khác, từ đó rút ra những kinh nghiệm cho bản thân.

Nhằm tăng hiệu quả trong quá trình chăn nuôi, hiện nay, trang trại bồ câu Pháp của ông Bính đang áp dụng kỹ thuật dùng trứng giả. Chia sẻ về kỹ thuật này, ông Bính cho biết: “Thông thường, bồ câu mỗi lứa đẻ 2 trứng và ấp khoảng 16-17 ngày thì trứng nở. Sau khi nở được 3 tuần tuổi, chim lại chuẩn bị đẻ lứa tiếp theo. Như vậy, một cặp chim bố mẹ sau 40 - 45 ngày lại cho ra thế hệ mới. Mỗi năm, chỉ đẻ được từ 6-12 lứa. Việc sinh sản tự nhiên làm cho người nuôi bồ câu không có lãi.

Khi chim đẻ được 2 trứng, tôi sử dụng trứng giả để thay thế cho chim ấp. Nhưng không phải ổ chim nào cũng tráo trứng, chỉ những ổ chim chăm con tốt, mới thực hiện. Cứ 10 ổ chim, chọn 4 ổ chim biết chăm con tốt ấp trứng giả nhằm tạo ra sữa diều nuôi con.

Còn 6 ổ còn lại tập trung thu gom trứng rồi cho vào máy ấp. Sau khi chim non nở, tiếp tục ghép chim vào 4 ổ chim ấp trứng giả. Với mỗi ổ cho nuôi 4 chim con. Sau 9-12 ngày, các cặp chim bố mẹ ở các ổ lấy trứng đi tiếp tục cho lứa tiếp theo. Với phương pháp này, chim có thể đạt hơn 20 lứa đẻ/năm”.

Hiện nay, với 7.000 đôi chim sinh sản, ông Bính bán cả chim giống lẫn chim thương phẩm. Chim giống có giá 240.000 đồng/đôi, được lựa chọn cẩn thận từ những đôi bố mẹ trên một tuổi.

Còn chim thương phẩm, hàng ngày, trang trại xuất ra thị trường gần 200 đôi, với giá 110.000 đồng/đôi. Từ việc nuôi chim bồ câu hàng tháng đã mang lại nguồn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/tháng. Trang trại đang tạo công ăn việc làm cho 7 lao động địa phương, với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Dự kiến trong thời gian tới, trang trại sẽ nâng công suất lên khoảng 1 vạn đôi. Đây sẽ là địa chỉ tin cậy cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh đến học hỏi, lựa chọn mua con giống để phát triển kinh tế gia đình.

Bài, ảnh Khánh Linh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop