Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 04 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 04 năm 2021

Kon Tum: Mùa dâu tây Măng Đen

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Sau thời gian chăm sóc, những vườn dâu tây ở Măng Đen (tỉnh Kon Tum) cũng vào vụ thu hoạch. Cùng với những loại rau, củ quả khác, những luống dâu xanh với quả đỏ mọng trải dài trong không gian thoáng đãng, mát mẻ vừa là địa điểm cho khách tham quan, du lịch, vừa mang lại thu nhập cao cho người vun trồng.

Vào vụ

Dây tây là cây trồng có nguồn gốc từ các nước xứ lạnh được du nhập vào nước ta và được trồng nhiều trên các vùng núi, cao nguyên có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt (Lâm Đồng) và Kon Plông (Kon Tum)... Qua thực tế sản xuất, cây dâu tây thích nghi tốt và đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực gắn với du lịch sinh thái ở Măng Đen.

Để tìm hiểu mùa thu hoạch dâu tây, tôi về một cơ sở sản xuất dâu ở Măng Đen. Chỉ sau vài phút chờ đợi, cô Nguyễn Thị Thiện Mỹ - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ Thiện Mỹ Kon Tum (thôn Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông) mang ra 3 ly nước ép dâu rất bắt mắt. Đi đường dài, trời lại nắng nóng khiến cơ thể khá mệt, thế nhưng, ly nước dâu với vị ngọt thanh, dịu mát đã xua tan mệt mỏi. “Cô không bỏ đường đâu, dâu mới hái, tươi mà vị ngọt lắm” – cô Mỹ niềm nở nói.

Để minh chứng cho những lời mình nói, cô Mỹ dẫn chúng tôi ra tham quan vườn dâu đang vào mùa thu hoạch. Dưới ánh nắng chiều, những luống dâu xanh với quả đỏ mọng trải dài trong không gian thoáng mát, sạch sẽ càng thêm bắt mắt. Hái, phủi sơ bụi và ăn trực tiếp quả như lời cô giới thiệu, dâu ngon, giòn tưng, căng mọng nước, vị ngọt thanh, mang lại cảm giác rất dễ chịu.

Trong không gian rộng 9ha, cô Mỹ trồng đủ loại rau quả. Song, những năm trở lại đây, chọn dâu tây làm cây trồng chủ lực nên cô dành 7 sào đất để trồng. Cô trồng 3,5 sào ngoài đất tự nhiên, trồng 2 sào trong vườn lưới và 1,5 sào trong nhà kính.

 

Từ Tết đến nay cô Mỹ đã bán được khoảng 4 tạ dâu tây. Ảnh: H.T

Không phải ngẫu nhiên chọn dâu làm cây trồng chủ lực của nông trại. Theo lời cô Mỹ, dâu tây được xuống giống vào tháng 7, tháng 8 và thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Mặc dù tốn công chăm sóc và yêu cầu phải có kỹ thuật, tuy nhiên, dâu tây mang lại thu nhập cao. “Vào mùa thu hoạch, mỗi ngày, 1 sào cho ít nhất 40kg quả. Hiện nay, giá dâu tây dao động từ 200-300 ngàn/kg, việc thu hoạch liên tục trong vòng nhiều tháng sẽ mang lại thu nhập khá. So với các loại rau hoa khác, dâu tây cho hiệu quả kinh tế cao”-cô Mỹ tính toán.

Hiện nay, ngoài việc cung ứng trong tỉnh, cô còn cung ứng dâu tây tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn… Không chỉ bán dâu, cô Mỹ cho biết, sắp tới sẽ quy hoạch một vùng dâu để phục vụ du khách đến tham quan, chụp hình và trải nghiệm, phát triển du lịch nông nghiệp.

Không riêng cô Mỹ, cũng trồng dâu tây từ lâu và hướng tới phát triển du lịch nông nghiệp nên từ Tết Nguyên đán đến nay, vườn dâu nhà anh Lê Văn Tú ở thôn Tu Rằng, xã Măng Cành luôn tấp nập người đến tham quan, du lịch. Khách đến tham quan vườn dâu không mất vé, có thể tự hái dâu và mua tại vườn. Thông thường, 1kg dâu khách tự hái, tự mua sẽ có giá cao hơn so với giá chủ vườn hái bán khoảng 30-50 ngàn đồng tùy loại. “Có thời điểm, khách quá đông, vườn phải đóng cửa, treo biển không đón khách. Sau Tết Nguyên đán, những ngày thứ 7, chủ nhật khách đổ về tấp nập. Thay vì bán dâu ra các tỉnh khác, tôi chủ yếu bán dâu tại vườn cho khách đến trải nghiệm” – anh Tú cho hay.

Ngoài việc bán cho khách tham quan, anh Tú còn “ship” hàng đến các địa điểm trên địa bàn tỉnh. “Vì chỉ có 2 sào dâu, mỗi ngày thu hoạch được vài chục kg nên chỉ đủ bán trong tỉnh thôi” – anh Tú chia sẻ.

Kỳ vọng

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, hơn thế, việc canh tác hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý sâu bệnh nên sản phẩm dâu tây Măng Đen vừa chất lượng, vừa an toàn. “So với dâu tây ở những địa điểm khác, dâu tây ở Măng Đen không kém cạnh. Thế nhưng, hiện nay, dâu tây Măng Đen chưa có thương hiệu nên vẫn lép vế”- cô Mỹ bày tỏ.

Từ những hiệu quả mà cây dâu tây đem lại, với mong muốn xây dựng thương hiệu cho dâu tây, cô Mỹ đã mang sản phẩm tại vườn tham gia dự thi OCOP cấp huyện. Ngoài việc chờ đợi vào kết quả, cô cũng tự quảng bá ra thị trường bằng chính chất lượng của sản phẩm. “Tôi mong muốn chính quyền có các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu dâu tây Măng Đen. Một khi có thương hiệu, chắc chắn sản phẩm sẽ được nhiều người biết đến và thị trường tiêu thụ cũng đa dạng và phong phú hơn”- cô Mỹ mong muốn.

Mặc dù hiện nay, sản phẩm dâu tây chín đến đâu, hết đến đó, nhưng anh Tú khẳng định, ngoài 2 sào dâu tây hiện tại đang trồng, anh sẽ không mở rộng diện tích. Giải thích về điều này, anh cho biết, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ dâu tây. Bản thân anh, chưa có các thị trường lớn cũng như chưa có các cơ sở chế biến sản phẩm từ dâu tây, bởi vậy, anh không dám mở rộng diện tích, sợ gặp rủi ro cao. “Nếu bán không được, không có cách chế biến, dâu tây sẽ hư hỏng ngay. Bởi vậy, ngoài việc định hướng, cải tạo vườn để khách tham quan, du lịch, bản thân tôi chưa có ý định sẽ phát triển thêm về loại cây này” – anh Tú cho hay.

Trong đề án phát triển rau hoa xứ lạnh theo quy hoạch, dâu tây là một trong những sản phẩm được định hướng phát triển. Không phải là cây trồng mới, nhưng hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ có vài doanh nghiệp tham gia trồng dâu tây, phát triển được hơn 2ha. Ông Phạm Thanh Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết, để xây dựng thương hiệu dâu tây Măng Đen, UBND huyện đã hỗ trợ làm nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn đối với sản phẩm dâu tây Măng Đen. Hiện nay, dâu tây là 1 trong 22 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Ngoài ra, để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên giới thiệu, đưa sản phẩm dâu tây Măng Đen bày bán tại các hội chợ trong khu vực cũng như các hội chợ ở các địa phương. “Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp trồng dâu tây, vừa bán sản phẩm, vừa thu hút du lịch. Tin rằng, với chất lượng cao, có nhãn hiệu, dâu tây Măng Đen sẽ trở thành sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế trên địa bàn”- ông Bình kỳ vọng.

Hoài Tiến

Nho ngoại công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Hiện nay, có nhiều nông dân, doanh nghiệp theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp công nghệ cao, không bằng lòng với những gì đạt được, luôn có khát vọng, hoài bão mở rộng sản xuất, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị sản phẩm. Tại huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), có một mô hình trồng nho ngoại trong nhà màng, thu hoạch 2 vụ mỗi năm, không chỉ cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm ổn định mà còn góp phần phá thế độc canh cây trồng thanh long tại huyện này.

3 năm mang giống nho ngoại về trồng

Bà Phạm Thị Tuyết Mai chủ trang trại Bình An (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) bén duyên với những cây nho trĩu trái được 3 năm nay. Hỏi về cơ duyên nào mà bà lại có ý tưởng trồng nho công nghệ cao ở vùng đất xưa nay chỉ biết đến một loại cây là thanh long, bà Mai kể: “Trong những chuyến đi tham quan ở các nước trên thế giới, tôi thấy rằng nho là một loại cây không quá khó trồng và vùng khí hậu của tỉnh Bình Thuận mình thì nó tương đối gần với khí hậu của vùng Italia là một đất nước mà trồng nho để cung cấp cho toàn bộ châu Âu. Vì thế, bà quyết định nhập giống cũng như kỹ thuật trồng nho từ nước ngoài về trồng trên mảnh đất này”.

Vườn nho ngoại hữu cơ của bà Mai có diện tích trên 2 ha. Vì đang vào vụ thu hoạch nên những chùm nho chín treo lúc lỉu trên cao trông rất đẹp mắt. Nho ở đây được trồng trong nhà màng, được bảo bọc che nắng, che mưa cẩn trọng. Đặc biệt, hệ thống tưới hiện đại, nho vừa tưới nước, vừa bón phân chăm sóc cẩn thận. Nhiệt độ và độ ẩm trong nhà màng luôn ở mức cân bằng, tạo môi trường ổn định cho cây trồng.

“Đối với tôi, giống là khâu quan trọng và tất yếu để mang lại thành công hay không. Vì vậy, tôi đã mất 3 năm để tập trung cho vấn đề này. Theo đó, tôi đã bỏ ra trên 2 tỷ đồng để nhập khẩu cây giống và kỹ thuật. 26 giống nho từ các nước: Mỹ, Ý, Nhật được đưa về trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, chỉ có 4 giống thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Đó là nho đen có hạt của Ý; nho xanh không hạt của Nhật; nho vàng và nho đỏ không hạt của Mỹ. Hiện tại đã thu hoạch lứa trái thứ 2, năng suất đạt 80% so với bản địa, chất lượng thịt trái giòn, độ ngọt và hương thơm có giá trị tương đồng, đồng thời hơn hẳn nho nhập khẩu bởi tươi lâu do không tốn nhiều thời gian vận chuyển” - bà Mai nói.

Phá thế độc canh cây thanh long

Sau nhiều năm tìm hiểu thị trường, bà Mai nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam khá chuộng các loại nho ngoại nhập. Thế nhưng, giá cả của những loại trái cây này lại vô cùng đắt đỏ, mặt khác lại không tươi ngon so với nếu được cung cấp trong nước. “Nhờ liều và can đảm nên giờ vườn nho ngoại nhập theo tiêu chuẩn GlobalGap của tôi đã cho thu hoạch 2 vụ mỗi năm, tăng 1 vụ và tăng năng suất gấp 6 - 7 lần so với cách thức sản xuất truyền thống. Tôi đang nung nấu ý tưởng nhân rộng trồng nho công nghệ cao đến người dân địa phương. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng nho lên đến 50 ha, vừa phục vụ thị trường nho tươi trong nước cũng như các sản phẩm chế biến sâu từ trái nho. Cái chính để không chỉ gia đình có điều kiện mới ăn được nho nhập khẩu mà người có thu nhập trung bình, thấp cũng có thể ăn nho ngoại với giá cạnh tranh khi được trồng trong nước”, bà Mai chia sẻ thêm.

Nho công nghệ cao – mô hình mới phá vỡ thế độc canh cây thanh long

Cũng theo bà Mai, sau khi thu hoạch, sản phẩm nho nhập ngoại này được cung cấp cho siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh với giá thành thấp hơn từ 1/2 - 2/3 tùy theo sản phẩm nhập khẩu từ các nước như Nhật, Mỹ…

Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, những năm qua, thanh long là cây trồng chủ lực của huyện. Tuy nhiên, huyện cũng đã khuyến khích phát triển những loại cây trồng khác mang lại lợi nhuận cao để phá thế độc canh. Nhờ vậy, hiện nay trên địa bàn huyện đã có nhiều loại cây trồng mới như dưa lưới, nho… Từ đó tạo thế phát triển cho ngành nông nghiệp đa sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập của người nông dân. Trong thời gian tới, Hàm Thuận Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo bước phát triển đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nhiều loại nông sản, sản xuất nông nghiệp từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại và an toàn. Để nâng cao giá trị sản phẩm, huyện có chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư.

Nho công nghệ cao được trồng trải dài trên một vùng rộng lớn, xanh bạt ngàn, đến mùa chín thì lại tím cả một vùng trời, khiến ai cũng khao khát.

Ngọc Diệp

Vĩnh Long: Dừa khô lên giá, nguồn cung ít

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Giá dừa khô tăng nhưng nguồn cung không nhiều.

Nhiều thương lái cho hay, khoảng 1 tháng nay, giá dừa khô tại Vĩnh Long đã nhích dần, đại lý thu mua ở mức 75.000- 80.000 đ/chục (12 trái), tăng 10.000 đ/chục so với tháng trước đó. Tuy giá dừa khô tăng, nhưng nguồn cung không nhiều.

Giá dừa tăng do thị trường xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc, đồng thời, nhu cầu về nguồn nguyên liệu dừa khô để công ty chế sản xuất, chế biến các sản phẩm như: xơ dừa, thảm xơ dừa, cơm dừa sấy khô, nước cốt dừa cấp đông… tăng hơn trước.

Thêm vào đó, do ảnh hưởng của thời tiết, vườn dừa ít được cải tạo, nhiều cây lâu năm nên làm cho cây dừa giảm năng suất trái. Mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ dừa tươi tăng cao, (giá dừa tươi ở mức 90.000- 110.000 đ/chục) nên nhiều nhà vườn tranh thủ bán dừa tươi để tăng thu nhập, dẫn đến nguồn cung dừa khô bị hạn chế.

Tin, ảnh: THẢO NGUYÊN

Hồ tiêu chuẩn bị vào đợt tăng giá mới, khả năng phá ngưỡng 80.000 đồng

Nguồn tin: Lao Động

Dự báo hồ tiêu sẽ vào đợt tăng giá mới trong tháng 4.2021. Ảnh: Vũ Long

Sau khi giảm nhẹ 1.000-1.500 đồng/kg, giá hồ tiêu đang đi ngang và dự báo sẽ vào đợt tăng mới trong tháng 4.2021 khi nhu cầu thu mua tăng cao.

Theo thông tin từ các thương nhân ngành hồ tiêu, ngày 4.4, giá hồ tiêu đã ngừng đà giảm, được bán ra ở mức từ 71.000-74.000 đồng/kg. Trong đó, giá hồ tiêu cao nhất tại Bà Rịa Vũng Tàu và Bình Phước, giá thu mua lần lượt là 74.000 đồng và 73.000 đồng/kg.

Giá hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông bán ra ở mức 72.500 đồng/kg. Tại Gia Lai: 71.500 đồng/kg. Tại Đồng Nai: 71.000 đồng/kg.

Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho biết: Trong nhiều năm qua, do giá hồ tiêu “rớt thảm” nên người trồng tiêu tại Gia Lai đã chặt bỏ để chuyển sang trồng giống cây khác cho hiệu quả cao hơn, diện tích hồ tiêu tại Gia Lai đã giảm nhiều. Do vậy, nguồn cung giảm mạnh so với trước.

Năm nay hồ tiêu mất mùa, bên cạnh đó, do người dân không chăm sóc nhiều nên sản lượng giảm mạnh. Tính riêng tỉnh Gia Lai, sản lượng niên vụ 2020 – 2021 dự kiến giảm tới 60 -70%.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, tính trên cả nước, sản lượng hồ tiêu Việt Nam 2021 có thể giảm từ 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168.000 – 180.000 tấn do nhiều vườn tiêu già và người dân giảm đầu tư chăm sóc. Số liệu của VPA cũng dự báo sản lượng hồ tiêu tỉnh Bình Phước có thể giảm trên 50%; Đăk Nông giảm 20% so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2017. Riêng tỉnh Đăk Lăk chưa thể đánh giá tương đối vì khảo sát chỉ mang tính đại diện tại hai huyện Cư Kuin và Buôn Hồ.

Các thương nhân cũng cho rằng, giá hồ tiêu trong tuần qua giảm nhẹ từ 1.000-1.500 đồng chủ yếu là do yếu tố tâm lý, hoàn toàn không phải do nguồn cung tăng lên. Hiện nay, tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 244 ha tiêu (cả trồng thâm canh và xen canh) với năng suất trung bình khoảng 3,8 tấn/ha/năm. Đến thời điểm hiện tại, dù giá tiêu tại địa phương đang rất hấp dẫn nhưng nông dân vẫn chủ yếu nghe ngóng, tại địa phương chưa phát sinh diện tích trồng mới.

Ông Hoàng Phước Bính cũng dự báo, với sản lượng giảm mạnh như hiện tại, khả năng giá hồ tiêu trong nước sẽ tiếp tục tăng trong tháng 4.2021, khi mùa thu hoạch hồ tiêu kết thúc. Nhiều thương nhân cũng nhận định, giá hồ tiêu có thể vượt ngưỡng 80.000 đồng.

Được biết, sản lượng hồ tiêu hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 170.000 tấn, trong đó xuất khẩu chiếm đến gần 95%, tiêu thụ nội địa khoảng 5%.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ tăng 663,65 rupee/tạ, ở mức 39.300 rupee/tạ. Tỉ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 1.4.2021 đến ngày 7.4.2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,65 VND/INR.

VŨ LONG

Bình Định: Hành khô rớt giá sâu

Nguồn tin: Báo Bình Định

Những ngày qua tại huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), vụ hành Đông Xuân gần như đã thu hoạch xong, người trồng hành ở đây không vui vì giá củ hành khô rớt thấp đến mức kỷ lục, thậm chí nhiều hộ không bán được sản phẩm.

Tại xã Mỹ Thọ, nơi được xem là vùng chuyên canh hành lớn nhất huyện nhiều nông hộ buồn thiu vì hành củ không có người mua dù giá rất thấp. Ông Đặng Mậu Thoàng, ở thôn Chánh Tường nói: “Trồng hành mấy chục năm nay rồi chưa bao giờ giá hành lại thấp kỳ quá như thế này. Đầu vụ còn bán được 20.000 đồng/kg, giờ rớt xuống chỉ còn từ 2.000 đến 5.000 đồng, loại đẹp nhất cũng chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Thương lái mua bán èo uột lắm, để đống đống trong nhà đây chứ không dám chở lên chợ phiên, dễ lỗ tiền xăng xe”.

Một nông dân ở huyện Phù Mỹ buồn bã vì không bán được hành.

Ông Trần Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ chia sẻ: Cả xã có 78 ha hành, xét về chất lượng, hành năm nay củ chắc, to, năng suất đạt tầm 550 - 600 kg/sào, một vài chỗ đạt tầm 700 kg/sào. Nhưng giá hành thì quá tệ, chỉ còn bằng 1/3 - 1/4 so với thời điểm mới vào vụ thu hoạch.

Để thích ứng với sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiếu nước tưới, nhiều hộ ở Phù Mỹ chuyển sang cây trồng cạn có sức hấp dẫn lớn, ổn định nhiều năm qua là cây hành. Ở xã Mỹ Châu, nơi có nhiều diện tích chuyển đổi sang trồng hành tình cảnh còn buồn hơn Mỹ Thọ. Ông Lê Đình Quang, ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu, cho biết: Cả nhà tôi giờ thành kho hành vì có bán được cân nào đâu. Không có người nào hỏi mua, đến hỏi giá cũng không có ai.

Ông Lê Việt Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu xác nhận, vụ này, toàn xã Mỹ Châu có hơn 40 ha hành, tăng hơn 25 ha so với cùng vụ năm ngoái. Diện tích hành tập trung ở thôn Vạn An, Quang Nghiễm… Trong đó, Vạn An có đến 70 hộ trồng hành với gần 30 ha.

Theo thống kê từ Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, vụ Đông Xuân năm nay, toàn huyện trồng 241,6 ha hành. Do đầu tư chăm sóc đơn giản, giá cả trong nhiều năm qua ổn định từ 30.000 - 60.000 đồng/kg, nên nhiều người chọn trồng hành.

Hành khô bán tại các chợ trong tỉnh hiện ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg, giảm chỉ còn 1/3 - 1/4 so với đầu năm 2021. Ðây là mức giá thấp nhất trong 3 năm qua. Ðược biết, tại các huyện có nhiều vùng chuyên canh hành như: Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn… thương lái mua vào chỉ ở mức 5.000 đồng - 7.000 đồng/kg.

Theo nhiều chủ cửa hàng ăn uống họ vẫn thích dùng loại hành khô nhập từ Trung Quốc hơn. Loại hành khô này có ưu điểm to, tròn, dễ lột. Tuy nhiên, hành khô Trung Quốc không có mùi thơm như hành khô trồng trong nước và hành khô Trung Quốc được cho là chứa rất nhiều hóa chất bảo quản không có trong danh mục hợp pháp.

B.NGHĨA

Diện tích đậu xanh giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Hàng năm, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) xuống giống đậu xanh gần 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đa số nông dân không xuống giống vụ đậu xanh.

Do sâu và chuột phá hoại, đậu xanh xuống giống trên đất vườn của bà Nguyễn Ðình Lượn (xã Trần Hợi) thu hoạch bị giảm năng suất khoảng 100 kg/công.

Gia đình anh Lê Út Chính (ấp Nhà Máy C, xã Khánh Hưng) năm trước xuống giống trồng 10 công đậu xanh, nhưng năm nay anh chỉ thực hiện trên diện tích 4 công, với giá đậu xanh giống là 38.000 đồng/kg.

Anh Chính cho biết: “Giá đậu xanh năm trước chỉ 20.000 đồng/kg. Trồng cực mà giá đậu giảm. Thêm ảnh hưởng của hạn hán, đất nứt nẻ, chuột cắn phá nhiều quá nên năng suất cũng mất một nửa, lời không được 10 triệu đồng. Vụ này, đậu xanh trồng được 30 ngày rồi, chuột cũng đã xuất hiện nhiều, phải canh giữ suốt. Thời điểm này năm trước, gia đình đang thu hoạch đậu xanh, năm nay do vụ lúa đông xuân trễ nên kéo theo vụ đậu xanh cũng trễ khoảng 20 ngày so với vụ năm trước”.

Theo nhiều bà con trồng đậu xanh, năm nào thời tiết thuận lợi sẽ xuống giống đậu xanh trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tuần. So với các loại cây trồng khác, đậu xanh rất thích nghi với thời tiết khô hạn, năm nào mùa khô đến sớm và nắng hạn kéo dài, bà con sẽ trúng mùa. Tuy nhiên, mùa mưa năm trước đã gây ngập úng khiến thời gian xuống giống và thu hoạch vụ sản xuất lúa đông xuân trễ gần 1 tháng sau Tết Nguyên đán. Cộng với mưa trái mùa thường xuyên xuất hiện, mặt đất bị ẩm ướt, nên vụ đậu xanh này khó có thể xuống giống. Trồng đậu xanh có 2 giai đoạn quan trọng là lúc mới xuống giống và lúc ra hoa, nếu gặp trời mưa sẽ hư hết.

Vụ đậu xanh năm trước, ông Nguyễn Văn Hùng (ấp Nhà Máy C, xã Khánh Hưng) xuống giống hơn 15 công, nhưng năm nay ông quyết định không trồng. Cũng vì những nguyên nhân trên và theo dõi thông tin nông nghiệp thì vụ đậu xanh năm nay rất may rủi.

Gia đình ông Võ Văn Bền (ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây) trồng đậu xanh hơn 20 năm nay. Ðây là năm đầu tiên ông bỏ đất trống. Ông Bền chia sẻ: “Những năm trước, sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân thì xuống giống vụ đậu xanh dưới ruộng. Ðậu xanh trồng khoảng 60 ngày là thu hoạch, năng suất khoảng 1,5-2 tấn/ha. Giá đậu xanh dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg. Hai năm gần đây, giá đậu xanh giảm còn 20.000-26.000 đồng/kg. Trồng đậu xanh rất cực, nhất là công tỉa và thu hoạch, phải mướn thêm người, mà giá đậu giảm nên người trồng đậu không còn lời bao nhiêu. Năm nay, theo dự báo thời tiết và cán bộ chuyên môn ở xã khuyến cáo, trong thời gian trồng có khả năng xuất hiện mưa trái mùa nên tôi không xuống giống để tránh khả năng thất mùa”.

Những năm qua, trồng đậu xanh dưới ruộng được coi là vụ sản xuất thứ 3 trong năm của nông dân trong mùa nắng hạn. So với vụ lúa, đậu xanh mang lại thu nhập khá cho nông dân, từ 30 triệu đồng/ha chỉ trong khoảng 2 tháng canh tác.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Bình Tây Nguyễn Hoàng Chiến thông tin: “Toàn xã Khánh Bình Tây có hơn 200 ha trồng đậu xanh. Riêng năm nay, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, cán bộ cũng đã tuyên truyền lại cho bà con trong xã. Vì vậy, chỉ có vài hộ tự ý xuống giống. Ðối với những hộ này, vụ đậu xanh này sẽ gặp khó, do thực hiện riêng lẻ. Nhưng địa phương vẫn cử cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi và hỗ trợ bà con đến khi thu hoạch, tránh thiệt hại, thất thu”./.

Thảo Mơ

Ngọc Hiển (Cà Mau): Hơn 150 con chồn nuôi của hộ dân bị chết

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Theo thông tin từ UBND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), trong thời gian qua xảy ra tình trạng chồn nuôi của hợp tác xã và một số hộ dân trên địa bàn xã Đất Mũi bị chết.

Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn phát triển ở huyện Ngọc Hiển, đem lại hiệu quả kinh tế khá cho nhiều hộ nuôi (ảnh minh hoạ: Chí Hiểu)

Qua thống kê, số lượng chồn chết khoảng 150 con.

Hiện cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang tiến hành xác định nguyên nhân khiến chồn chết.

Theo khảo sát ban đầu của các cơ quan chức năng, thì chồn giống được người dân mua từ nhiều nơi khác về, có thể vốn đã có mang mầm bệnh.

Để tránh lây lan mầm bệnh trong đàn vật nuôi, UBND huyện Ngọc Hiển đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trong việc mua chồn giống, đồng thời thực hiện vệ sinh chuồng trại trong quá trình nuôi./.

Nguyễn Phú

Nuôi bò sinh sản thu lãi lớn

Nguồn tin: Báo Phú Thọ

Mô hình đang được nhân rộng tại xã Mỹ Thuận

Với đức tính cần cù, ham học hỏi và không cam chịu đói nghèo đã giúp gia đình chị Trần Thị Toan, khu Mịn 1, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) xây dựng thành công mô hình nuôi bò sinh sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên chị Trần Thị Toan luôn thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của một gia đình nghèo. Năm 2016, khi gia đình được ra khỏi danh sách hộ nghèo, qua nhiều kênh thông tin, biết được mô hình nuôi bò sinh sản rất phù hợp với vùng gò đồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị đã mạnh dạn đăng ký vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Có vốn trong tay, gia đình chị đầu tư xây dựng chuồng trại và chuyển qua mô hình nuôi bò sinh sản.

Ban đầu chị mua 2 cặp bò cái về thả nuôi, phương châm của chị là “bê cái thì để nuôi nhằm tăng đàn, bê đực bán thịt để lấy tiền đầu tư tiếp”. Cứ xoay vòng như vậy, đến nay số lượng đàn bò của gia đình chị đã lên gần 30 con, trong đó có hơn 20 bò cái sinh sản. Chị Toan cho biết, nuôi bò trên vùng gò đồi có nhiều lợi thế, vừa tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, vừa có môi trường chăn thả rộng lớn giúp bò có thể sinh trưởng, phát triển tốt. Khi đàn bò tăng về số lượng, để chủ động nguồn thức ăn, chị trồng thêm 2 sào cỏ voi, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp như: rơm, ngô, cám… bổ sung thêm nguồn thức ăn thô dự trữ vào mùa mưa rét, thời tiết xấu cho đàn bò.

Chị Toan đang chăm sóc cho đàn bò của gia đình

Chị Toan chia sẻ, nuôi bò sinh sản cũng đơn giản, ít bị rủi ro, trong một năm bò đẻ và nuôi 8 tháng đến 10 tháng là cho một con bê bán khoảng 10 triệu đồng. Theo chị để bò cái sinh sản con giống tốt cần rút ngắn khoảng cách giữa các lứa đẻ đảm bảo sao cho bò mẹ đẻ mỗi năm một lứa là hợp lý.

Bên cạnh nuôi bò sinh sản, gia đình chị còn tập trung trồng rừng, chăm sóc gần 2ha chè và nuôi lợn, gà...; tổng các nguồn thu nhập, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị Toan thu về trên 300 triệu đồng. Trong đó, thu nhập từ mô hình chăn nuôi bò sinh sản đem lại gần 200 triệu đồng/năm.

Ông Hà Văn Vận - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận cho biết: Mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình chị Trần Thị Toan đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, cũng như địa phương. Mô hình này đang nhiều người dân trong xã học tập và làm theo, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương.

Hoàng Quý

Giá lợn hơi đang dần ổn định

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 4-4, kết thúc một tuần, giá lợn hơi duy trì ở mức ổn định, cao nhất vẫn ở mức 77.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá lợn hơi tại miền Bắc tăng - giảm trái chiều. Tại các tỉnh: Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và thành phố Hà Nội giảm 1.000 đồng/kg, được các thương lái thu mua trong khoảng 75.000 đồng/kg; tại các tỉnh: Lào Cai, Nam Định, Thái Nguyên tăng 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 76.000 đồng/kg… Như vậy, giá lợn hơi tại miền Bắc đang dao động trong khoảng 74.000 - 76.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi ổn định trong tuần qua được các thương lái thu mua trong khoảng 73.000 - 76.000 đ/kg. Còn tại miền Nam, giá lợn hơi ổn định được các thương lái thu mua ở mức 73.000 - 77.000 đồng/kg, trong đó, 2 tỉnh: Bạc Liêu, Trà Vinh, giá cao nhất cả nước (77.000 đồng/kg).

Theo các chủ trang trại, hiện nay, nguồn cung thịt lợn bắt đầu tăng do các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tái đàn, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cùng chi phí khác (thuốc thú y, nhân công lao động...) đều tăng khiến giá lợn hơi chưa giảm về mức hơn 50.000 đồng/kg như thời điểm trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thịt lợn giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với tuần trước, dao động trong khoảng 120.000-160.000 đồng/kg.

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop