Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 05 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 05 năm 2016

Giảm công sức lao động từ máy bơm nước đeo vai

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện nay, nhiều nông dân trồng hoa màu, cây ăn trái… trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiết kiệm được công sức lao động nhờ vào máy tưới nước được chế từ chiếc máy phát cỏ rất tiện dụng (nhiều người còn gọi đây là máy bơm nước đeo vai). Chiếc máy này được lắp ghép từ một máy cắt cỏ đeo vai gắn thêm bơm đuôi có tay cầm, dây đeo; trọng lượng mỗi chiếc máy từ 5 - 9kg. Theo bà con nông dân, hiện chiếc máy này rất dễ tìm mua tại cửa hàng cơ khí ở các chợ, giá dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/máy.

Máy bơm nước đeo vai đã giúp nông dân giảm bớt công sức lao động và chi phí sản xuất.

Ông Đỗ Văn Nê, ở ấp Nhơn Thuận 1A, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho biết: Chiếc máy này rất tiện lợi do có cấu tạo nhẹ và gọn nên người dùng có thể di chuyển tới, lui hoặc từ liếp này sang liếp khác rất dễ dàng. Bình quân, một người với một máy tưới một công rẫy chỉ mất 15 - 20 phút, trong khi tưới thủ công phải hơn 2 giờ.

HỮU PHƯỚC

Mắc ca - cây trồng khảo nghiệm ở Bảo Lâm (Lâm Đồng)

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Mặc cho thiên hạ kháo nhau rằng, mắc ca là cây tỷ đô, nông dân huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) vẫn tiếp cận vấn đề cây mắc ca khá dè dặt. Sự dè dặt này không phải không có cơ sở, khi mà cho đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Bảo Lâm vẫn chưa có một điểm thu mua quả mắc ca nào.

Một vườn mắc ca ở Lộc Thành đang sinh trưởng và phát triển tốt

Ông Nguyễn Văn Khởi (thôn 7, xã Lộc Nam) cho biết: “Sau 7 năm, cây đã cao vống lên. Mình mà không “hãm” kịp, chiều cao của cây sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cà phê. Hiện, 3ha mắc ca của gia đình tôi đã bắt đầu cho trái bói”. Cũng như ông Khởi, năm 2009, bà Phan Thị Nghĩa (thôn 8, xã Lộc Nam) và ông Lê Văn Sơn (thôn 6, xã Lộc Nam), thông qua Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Đức Anh (gọi tắt là Công ty Đức Anh, có trụ sở chính tại Đắk Lắk) bắt đầu trồng xen mắc ca trong vườn cà phê. Bà Nghĩa trồng được 2,5ha, ông Sơn trồng 2ha.

Năm 2009 và năm 2010, Công ty Đức Anh đã triển khai cho nông dân 2 xã (Lộc Nam và Lộc Thành) của huyện Bảo Lâm trồng xen loại cây này trong vườn cà phê. Trong đó, Lộc Thành trồng 80ha và Lộc Nam trồng 42,7ha. Thời điểm trên, Công ty Đức Anh cung cấp 45.000 cây mắc ca giống cho nông dân 2 xã này, với giá 65.000 đồng/cây. Công ty trợ giá cho bà con nông dân dưới hình thức bán thiếu 50%. Khoản nợ này, nông dân sẽ thanh toán cho Công ty vào mùa thu hoạch. Ngoài ra, Công ty Đức Anh còn mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch cũng như đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con...

Ông Đào Duy Phi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Nam, cho hay: “Địa bàn xã Lộc Nam có khoảng 100 hộ tham gia dự án trồng mắc ca với Công ty Đức Anh, với tổng diện tích 42,7ha. Nhưng trên thực tế, diện tích trồng mắc ca của Lộc Nam vào khoảng 55 - 60ha, vì về sau một số bà con tự phát trồng thêm”. Tương tự, Lộc Thành có 60 hộ tham gia mô hình trồng mắc ca. Hội Nông dân xã Lộc Thành đánh giá: mắc ca là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Mặc dù ít được chăm bón, nhưng mắc ca vẫn sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Theo tính toán của Công ty Đức Anh, trồng từ 7 - 10 năm, mắc ca bắt đầu cho năng suất ổn định. Lúc đó, 1 cây mắc ca có năng suất bình quân 25kg. Giá bán mắc ca hiện nay là 70 ngàn đồng/kg. Như thế, nếu chiết tính theo giá hiện tại, 1ha mắc ca trồng thuần (307 cây) cho lợi nhuận trên 537 triệu đồng và hơn 323 triệu đồng đối với những diện tích trồng xen (185 cây). Chưa kể, ở những diện tích trồng xen, 1ha cà phê (trong diện tích trồng xen với mắc ca) còn cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Từ những tính toán này, bà Phan Thị Hồng Lâm - Giám đốc Công ty Đức Anh, khẳng định: “Mắc ca là loại cây có giá trị kinh tế cao”. Ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Nam cũng thừa nhận, mắc ca có thể tận dụng trồng trên các loại đất xấu, độ dốc lớn, thiếu nước cục bộ, nguồn dinh dưỡng thấp, yêu cầu đầu tư chăm sóc không nhiều.

Tuy nhiên, ông Đào Duy Phi vẫn băn khoăn: “Thực ra, mắc ca đang là một loại cây trồng mang tính khảo nghiệm tại địa phương. Bởi vậy, chúng tôi khuyên bà con nông dân (những người có nhiều đất canh tác) chỉ nên trồng mắc ca ở những diện tích đất còn trống hoặc những diện tích trồng chè, cà phê bị thiếu nước cục bộ. Còn những bà con nông dân có ít đất sản xuất thì tuyệt đối không được phá bỏ vườn cà phê hoặc chè để trồng mắc ca”.

Hiện tại, nhiều vườn mắc ca của nông dân Lộc Nam và Lộc Thành đã cho trái bói, nhà nhiều thì 30 - 40kg, ít thì 3 - 4kg. “Tuy mới cho trái bói, chưa thể đánh giá được hiệu quả kinh tế của loại cây này, nhưng tôi và nhiều hộ trồng mắc ca vẫn chưa thể yên tâm canh tác vì chưa có điểm thu mua tại địa phương”, bà Phan Thị Nghĩa tâm sự.

Trả lời cho vấn đề này, bà Giám đốc Công ty Đức Anh lý giải: “Do đang trong thời kỳ cho trái bói, sản lượng quả mắc ca chưa nhiều nên công ty chưa đặt điểm thu mua như đã cam kết trong dự án. Song, để bà con yên tâm canh tác, tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng một điểm thu mua mắc ca trên địa bàn xã Lộc Thành. Chúng tôi sẽ tính toán sao cho địa điểm thu mua mắc ca sẽ thuận lợi nhất cho cả nông dân 2 xã”.

TRỊNH CHU

"Trở mình" cùng đất mía

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

Nắng cháy, mía xanh, nông dân dù mồ hôi nhễ nhại vẫn nở nụ cười bởi họ tin, sự trở lại của cây mía sẽ mở ra tương lai tươi sáng cho gia đình mình...

Sẽ không có gì đáng nói nếu như mía – loại cây trồng đã làm nên thương hiệu của người dân miền quê núi Ấn sông Trà đang dần nhường chỗ cho những loại cây trồng khác. May thay, trong cuộc đổi ngôi chóng vánh ấy, vẫn còn nhiều nông dân đau đáu, trăn trở với nghề trồng mía.

Bôn ba...

Gặp nông dân Võ Minh Tuấn, thôn 1, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) vào một sáng cuối tháng 4, tôi thoáng bất ngờ. Bởi, ngoài gương mặt sạm đen, cách nói chuyện dí dỏm, thu hút người đối diện bằng cái tính thật như đếm của mình, anh Tuấn cũng chẳng có gì nổi bật để được xem là bạn hàng sản xuất nguyên liệu lớn nhất của Nhà máy đường hiện nay. Nhưng khi bàn về chuyện cây mía, tôi thật sự bị cuốn hút bởi kiến thức, cũng như tâm huyết của nông dân trẻ tuổi mà già dặn kinh nghiệm này.

Chuyện bắt đầu từ việc làm mía nhọc công, tốn kém mà tiền lãi chẳng đáng là bao, có khi còn bị thua lỗ. Mỗi sào mía, gắng lắm chỉ được 2 – 2,5 tấn. Ai làm giỏi cũng không quá 4 tấn. Trừ chi phí giống, phân bón, công thu hoạch, may mắn còn dư 100.000 – 200.000 đồng, không thì hòa vốn, thậm chí lỗ. Vậy nên, càng ngày càng có nhiều người từ bỏ cây mía để trồng mì, đậu phụng và bây giờ là đến cà gai leo.

Với 22ha đất mía liên vùng liên thửa, anh Tuấn trở thành đối tác sản xuất, cung ứng nguồn mía nguyên liệu lớn nhất của Nhà máy Đường Phổ Phong.

Anh Tuấn cũng không ngoại lệ. Gắn bó với cây mía từ thuở còn thơ đến khi ngoài 40 tuổi, không biết bao lần nông dân này tự hỏi: Hà cớ gì mình phải bám mía cho cực thân? Nhưng rồi, cái suy nghĩ ấy cũng chóng trôi theo hình ảnh nắng cháy, đất nẻ chân chim vì thiếu nước.

“Tại sao anh không trồng mì, đậu phụng như những hộ khác”, tôi hỏi. Chỉ vạt mì lọt thỏm giữa ruộng mía xanh, anh Tuấn bảo, mì, đậu phụng đều “chịu” đất Nghĩa Lâm. Riêng cây mì vừa cho năng suất cao, chất lượng lại cực tốt, với độ bột đạt đến 29 – 30% nên nông dân rất thích, mỗi sào cũng cho 700.000 – 800.000 đồng tiền lãi. Song, trong suy nghĩ của anh Tuấn, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nếu cùng lúc mì và mía rớt giá, thua lỗ, nông dân sẽ chọn trồng cây gì? Vậy là mãi luẩn quẩn với những tính toán không kém phần khập khiễng ấy, anh Tuấn vẫn không tìm ra được lối thoát cho mình, cho đến khi ý nghĩ thuê đất dồn ruộng ra đời...

... không qua “vận” mía

Năm trước, khi phong trào tẩy chay cây mía diễn ra rầm rộ ở xã Nghĩa Lâm, anh Tuấn lại đến từng nhà năn nỉ bà con xin thuê lại đất với giá 1,5 triệu đồng/sào/năm để... trồng mía!. Nhưng với giá thuê đất quá cao nên nhiều người không tin anh Tuấn sử dụng để đầu tư trồng mía. Họ hỏi thẳng: “Chỉ có điên mới trồng mía lúc này. Hay là ông có ý đồ gì khác!”.

Mặc kệ những nghi vấn, dèm pha, anh Tuấn vẫn kiên định với ý tưởng của mình. Sau 2 tháng đi tới đi lui để vận động, giải thích, anh Tuấn cũng hoàn tất việc thuê 22ha đất liên vùng của hơn 200 hộ dân trong xã. Có đất, anh ký hợp đồng với Nhà máy đường đầu tư trồng mía.

Ngày máy cày đất, rồi máy rạch hàng bón phân kéo nhau về phá bờ trồng mía, người dân xã Nghĩa Lâm mới dần ngộ ra. Đến khi nhìn 22ha mía xanh tốt, thẳng đều tăm tắp trải dài ngút mắt, định kỳ lại có máy đến bón phân thì bà con bắt đầu hiểu chuyện. Từ nghi ngờ, họ dần mến phục cách làm ăn cũng như tấm lòng của anh Tuấn. Đó là không lợi dụng tình trạng khô hạn mà ép nông dân cho thuê đất giá rẻ để trục lợi cho riêng mình. Bởi, anh Tuấn trả mức giá thuê đất 1,5 triệu đồng/sào/năm như hiện nay đã là quá cao khi mà mỗi năm, một sào đất trên cũng không mang về cho bà con quá 1 triệu đồng tiền lãi.

Sở hữu 22ha đất mía liên vùng liên thửa, anh Tuấn nghiễm nhiên trở thành đối tác sản xuất, cung ứng nguồn mía nguyên liệu lớn nhất hiện nay của Nhà máy đường. Anh được Nhà máy bảo hiểm năng suất mỗi hécta lên đến 100 tấn mía nguyên liệu, cao gần gấp đôi so với thông thường. Con số lợi nhuận vì thế cũng gia tăng theo kiểu “năng nhặt chặt bị”.

Nhận thấy cái kết rất “ngọt” từ anh Tuấn, ngày càng có nhiều nông dân mạnh dạn tích tụ ruộng đất và bắt tay làm ăn với Nhà máy đường. Chính sự hợp lực này đã giúp cây mía dần đủ sức, vươn mình để mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho người trồng mía. Âu đó cũng là cách để họ gìn giữ thương hiệu mía đường cho Quảng Ngãi.

Thanh Phong

Mở lối cho “Cánh đồng lớn”

Nguồn tin: Báo An Giang

“Cánh đồng lớn”được xem là hướng đi đúng của nông nghiệp ĐBSCL trong bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên, trước khi mơ đến mục tiêu nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, cần giải quyết hài hòa bài toán lợi ích của nông dân – đối tượng chính trong chuỗi giá trị lúa, gạo. Muốn vậy, cần thay đổi cách làm và tìm kiếm mô hình phù hợp hơn.

Có tăng nhưng chưa tương xứng

Từ sau khi thực hiện chủ trương đổi mới, chia ruộng đất về cho nông dân, vai trò của thương lái ngày càng được phát huy trong khâu thu mua lúa hàng hóa. Theo thống kê, tại ĐBSCL, hiện có 90% lượng lúa hàng hóa được phân phối thông qua thương lái. Sau đó, thương lái tự đi xay xát, lau bóng để phân phối cho đại lý bán lẻ hoặc bán vào kho của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Hầu hết DN chế biến vẫn chuộng mua lúa qua thương lái, trong khi chỉ có khoảng 10% là mua trực tiếp của nông dân. Những năm gần đây, ở các vùng nông thôn còn xuất hiện thêm nhiều “cò lúa”. Các đối tượng này tìm đến nông dân thỏa thuận trước về giá bán, thời gian thu hoạch rồi báo cho thương lái đến mua, hưởng huê hồng của thương lái.

Xây dựng cánh đồng lớn là yêu cầu tất yếu

Sở dĩ kênh phân phối qua thương lái vẫn phổ biến hiện nay vì khá đơn giản, thuận tiện cho nông dân. Tuy nhiên, khuyết điểm của cách làm này là chi phí đầu tư cao khi nông dân mua vật tư nông nghiệp (VTNN) qua nhiều trung gian, giá bán thường thấp bởi lúa cũng qua nhiều khâu trước khi xuất khẩu, không đồng nhất về chất lượng. Khi xuất khẩu, do gạo bị phối trộn, không kiểm soát được nguồn gốc nên giá bán luôn thấp hơn gạo cùng loại của các nước khác. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp bách về xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) An Giang, ngay trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, ngày 24-6-2002, về chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa nông sản thông qua hợp đồng thì trên địa bàn tỉnh An Giang đã có nhiều hợp đồng được ký kết theo giá cố định giữa nông dân và DN. Tuy nhiên, việc thực hiện cam kết của các bên còn nhiều khó khăn. Năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt thực hiện dự án “Xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ sản phẩm lúa và cung ứng VTNN”, góp phần khắc phục những khó khăn mà cả DN và nông dân đang gặp phải. Nhờ quyết liệt hỗ trợ, diện tích ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa DN với nông dân từ 13.150 héc-ta (năm 2011) tăng lên 40.615 héc-ta (2015). Năm 2015, có 18 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 17 tổ hợp tác tham gia thực hiện “Cánh đồng lớn” (CĐL) chiếm 60% diện tích liên kết. Tuy nhiên, ngay cả con số nỗ lực 40.615 héc-ta cũng chỉ chiếm 6,5% diện tích gieo trồng của cả năm 2015.

Phát huy vai trò HTX

Thực tế qua nhiều năm triển khai CĐL cho thấy, nhiều DN dự kiến thực hiện kế hoạch khá lớn nhưng khi thảo luận với địa phương và nông dân thì thường “teo” lại. Điển hình như năm 2015, có 31 DN có kế hoạch tham gia liên kết với diện tích 72.561 héc-ta. Tuy nhiên, chỉ có 26 DN triển khai ký hợp đồng với diện tích 40.615 héc-ta (đạt 56% kế hoạch). Đến cuối vụ, chỉ còn 23 DN tổ chức thu mua theo hợp đồng với diện tích 34.410 héc-ta (đạt 85%).

Dù còn những khó khăn nhất định nhưng theo GS.TS. Nguyễn Thị Lang, Viện lúa ĐBSCL, mô hình CĐL lúa, gạo ở An Giang được xem là giải pháp hiệu quả trong xây dựng chuỗi giá trị hạt gạo. “CĐL với mục tiêu rõ ràng và nội dung hành động như hiện nay đã chứng minh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu. Qua xây dựng CĐL, ruộng đất được tập trung dưới hình thức liên kết giữa nông dân với DN, tạo ra sản phẩm hàng hóa thật sự có chất lượng, hướng đến sự phát triển bền vững theo phương châm “nông dân nhỏ, CĐL”, với giấc mơ nông sản Việt Nam sẽ có thương hiệu mạnh trên thương trường quốc tế” – vị chuyên gia này phân tích.

GS.TS. Nguyễn Thị Lang cho rằng, dù phấn đấu theo chuẩn mực nào thì mục tiêu cuối cùng của CĐL vẫn là an sinh xã hội và thu nhập cao của nông dân bởi trên thực tế, dù bình quân lương thực trên đầu người đạt cao nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp thấp thì nông dân không thể có cuộc sống khá hơn được. “Hãy nhìn nông nghiệp Nhật Bản với quy mô ruộng đất nhỏ hẹp nhưng nông dân trồng lúa của họ có cuộc sống sung túc không thua kém gì người ở thành thị. Thành công lớn của họ chính là xây dựng kinh tế hợp tác với các HTX nông – công nghiệp thành công. Thái Lan cũng là một nước Đông Nam Á, rất chú trọng chính sách phát triển HTX theo hướng như vậy và họ cũng có những thành công nhất định. Đó là những bài học tốt cho Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng” - GS.TS. Nguyễn Thị Lang nhấn mạnh.

Nâng cao vai trò của HTX trong thực hiện chuỗi liên kết cũng là vấn đề được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nhắc đến nhiều nhất tại hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả các CĐL trong xây dựng các chuỗi lúa, gạo”, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật An Giang tổ chức. Tuy nhiên, để tránh “gãy kèo” như lâu nay, tỉnh cần hỗ trợ HTX về nhân lực và pháp lý, có sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng giữa các bên tham gia, sẵn sàng xử lý và loại ra khỏi cuộc chơi những nông dân cũng như DN bội tín, làm ăn không đàng hoàng, đảm bảo tính bền vững của mô hình liên kết…

HOÀNG XUÂN

Nông dân vẫn “mặn mà” với lúa giống

Nguồn tin: Báo An Giang

Là một trong những tổ sản xuất giống lúa hoạt động mạnh ở Thoại Sơn, Tổ sản xuất lúa giống xã Vĩnh Trạch (THT) phát triển từ mô hình “xã hội hóa” đến “thương mại hóa” giống lúa của An Giang, được tỉnh hỗ trợ máy sấy, máy tách hạt, sàng và làm sạch, máy đo ẩm độ. Hiện nay, trên nền tảng THT, đã tiến lên một bước thành lập Hợp tác xã lúa giống Tư Minh (HTX), xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường lúa giống trong, ngoài tỉnh.

Từ hiệu quả THT

Ban đầu, chỉ với 24 thành viên khi thành lập nay đã tăng lên 39 người, với diện tích canh tác khoảng 91 héc-ta. Mỗi năm sản xuất 1.000 tấn lúa giống nguyên chủng, xác nhận để cung cấp cho địa phương và khu vực lân cận. Theo ông Trần Hoàng Minh, Tổ trưởng THT, trong khoảng 3 năm đầu thành lập, THT gặp rất nhiều khó khăn vì chưa được biết đến nên sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ. Sau đó, thông qua các buổi hội thảo, hội chợ, THT đã tiếp cận các công ty, đại lý trong và ngoài tỉnh, từng ngày xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, duy trì chất lượng. Đến nay, tổng doanh thu hàng năm của THT gần 10 tỷ đồng. Do đã tạo được thương hiệu và uy tín, THT liên kết sản xuất với nhiều công ty lúa giống trong và ngoài tỉnh, như: Đăng Vũ, Hưng Thịnh, Hưng Phát, Tập đoàn Lộc Trời, Hạt Ngọc Trời…

Nông dân vẫn lựa chọn sản xuất lúa giống

“Ngoài việc đưa giống cho nông dân trồng, các công ty liên kết còn đưa trước tiền cấy lúa cho các hộ hợp đồng nhằm tạo niềm tin cho người dân. Việc liên kết với các công ty lúa giống giúp đầu ra ổn định, có lợi nhuận và mang lại kinh tế cao cho người dân. Đó là chưa kể 3 vụ sản xuất trong năm, THT còn giải quyết việc làm cho khoảng 9.000 lao động cấy, giặm lúa, khử lẫn…”- ông Minh thông tin. Bên cạnh giao lúa thô, sấy khô cho các công ty theo hợp đồng ký kết từ đầu vụ, THT còn nhận giao lúa qua sàng lọc, vào bao có logo của các công ty, đại lý; lúa qua sàng lọc cho nông dân, đại lý; bán cho nông dân lúa giống chưa qua sàng lọc.

Tiến lên Hợp tác xã

HTX được thành lập vào cuối năm 2015, với 12 thành viên, trong đó có một số là nông dân của THT, ông Minh nằm trong Ban cố vấn, tư vấn kỹ thuật cho các thành viên. Theo ông Minh, do mới thành lập không lâu và vẫn duy trì hoạt động sản xuất lúa giống song song với THT nên còn hạn chế số thành viên tham gia. Tuy nhiên, khi hoạt động hiệu quả sẽ thêm thành viên, để bà con cùng nhau chia lợi nhuận có được. Có chiến lược kinh doanh riêng, cùng thương hiệu uy tín nên lúa của HTX được nông dân tin tưởng về chất lượng và lựa chọn sử dụng gieo trồng. Tuy diện tích sản xuất còn ít, chỉ trên 10 héc-ta, nhưng HTX đã và đang giới thiệu sản phẩm đi ra nhiều nơi trong, ngoài tỉnh. Song song đó, với lợi thế “giá mềm” hơn các nơi khác cộng thêm thị trường của HTX khá rộng nên quan trọng vẫn là có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Trong năm đầu hoạt động, tuy lãi chia cho các thành viên còn ít, nhưng đây vẫn là điều đáng mừng. “Trong vụ tới, sản xuất theo lộ trình của HTX, dự trù tiêu thụ được bao nhiêu sẽ sản xuất bấy nhiêu. Tuy nhiên, nếu công ty có nhu cầu đặt thêm thì sẽ cho các thành viên tăng sản xuất để đáp ứng”- ông Minh chia sẻ. Bốn thành viên trong HTX, như: Ban quản trị, Ban cố vấn, kiểm soát đều có trình độ thạc sĩ, đại học… Mỗi người phụ trách một công việc khác nhau: Kinh doanh, chạy hàng, giới thiệu sản phẩm, kiểm phẩm... “Trong tương lai, có thể sẽ sáp nhập HTX này với HTX lúa giống xã Vĩnh Trạch. Vì các thành viên trong HTX đã có sẵn trình độ nhưng kinh nghiệm thực tế sản xuất, hoạt động vẫn còn mới nên sẽ rèn một thời gian trước khi sáp nhập”- ông Minh thông tin.

Năm nay, diện tích sản xuất của THT giảm vì một số công ty tạm thời ngưng hợp đồng, do số lượng giống tồn kho nhiều và sự cạnh tranh của nhiều công ty sản xuất giống ra đời. Tuy nhiên, các thành viên vẫn duy trì sản xuất lúa giống để giữ nền đất không lẫn tạp, khó khử lẫn lúa cỏ… “Thay vì cấy thì họ sẽ sạ hàng, vừa giúp giữ được đất nền, vừa có thể đảm bảo năng suất, chất lượng… cung cấp giống cho những nông dân có nhu cầu xung quanh”- ông Minh giải thích.

ÁNH NGUYÊN

Khoai lang Đồng Thái - đặc sản xứ Đoài

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Ba Vì là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch lớn của Hà Nội với hàng chục địa danh du lịch nổi tiếng đang ngày càng thu hút du khách.

Ngoài ra, Ba Vì cũng là địa phương có nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng như chè Ba Trại, sữa Ba Vì, miến dong Minh Hồng và khoai lang Đồng Thái.

Đặc sản tiến vua

Đồng Thái là xã nằm phía Bắc của huyện Ba Vì. Cũng như nhiều vùng quê khác, người dân ở đây bao đời quanh năm cần cù chịu khó lam làm không cho đất nghỉ để có những vụ mùa bội thu. Vì thế cứ hết vụ mùa đến vụ Đông, người dân Đồng Thái lại chuẩn bị đầy đủ giống, vốn cho việc trồng khoai lang. Trên diện tích 300ha, người Đồng Thái đã trồng giống khoai lang Hoàng Long, một giống khoai lang – theo các cụ cao niên ở Đồng Thái - đã đi vào câu ca xưa: “Khoai lang có tự ngàn xưa - Khai thiên lập địa, nắng mưa với làng - Bởi thơm ngọt lịm lòng vàng - Khoai lang đặc sản, dân làng tiến vua”.

Ông Nguyễn Văn Chí (bên phải) - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hà Nội đang trao đổi với lãnh đạo HTX Đồng Thái.

Khoai lang Đồng Thái có đặc điểm mà khoai lang ở nơi khác không thể có được. Củ khoai có vỏ màu trắng bạc, lòng màu vàng như mật. Độ bở của khoai vừa phải, dễ ăn bởi độ ngọt của đường và một mùi thơm hiếm thấy. Khoai lang Đồng Thái ngon không chỉ vì giống tốt mà còn phụ thuộc vào đặc điểm thổ nhưỡng. Đồng đất nơi đây có những chân ruộng cao, đất pha cát là loại đất rất thích hợp cho sự phát triển của củ khoai lang. Nếu là đất thịt, đất sét, củ khoai sẽ khó phát triển và không có được độ bở, độ ngọt như khoai Đồng Thái. Chả thế, nhiều địa phương khác mua giống khoai này về trồng thử nhưng chất lượng không được ngon như khoai lang Đồng Thái. Hơn nữa, người dân Đồng Thái có kinh nghiệm lâu đời trồng và chăm sóc khoai lang. Theo kinh nghiệm của người Đồng Thái, để khoai có củ to vừa phải, thon, dài thì việc chăm sóc cần đảm bảo đủ độ ẩm và bón phân chuồng đầy đủ, phù hợp. Sau khi thu hoạch phải phơi nắng cho khoai mất nước, héo lại rồi luộc hoặc hầm ăn thì khoai mới ngọt, lại vừa bở, vừa bùi. Những năm trước đây, nông dân trồng khoai rất vất vả vì sau khi thu hoạch phải gồng gánh, chở khoai đi bán khắp các chợ trong huyện. Nhưng nay, tiếng lành đồn xa nhờ thương hiệu nên khoai Đồng Thái vẫn trên ruộng mà thương lái khắp các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình… đã về đặt mua trước.

Giá trị thương hiệu

Năm 2013, sau khi nhãn hiệu tập thể khoai lang Đồng Thái được công nhận thì người dân ở đây đã có thu nhập cao hơn từ giống cây này . Chị Phùng Thị Hoàn, thôn Tri Lai, xã Đồng Thái chia sẻ, khoai lang vừa dễ trồng lại cho năng suất cao. So với các cây rau màu khác thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. "Năm ngoái gia đình tôi thu hoạch khoai bán mỗi sào cũng được từ 2 - 3,5 triệu đồng”. Một gia đình khác là chị Phùng Thị Xuyến trồng 7 sào khoai lang. Theo chị Xuyến, mỗi vụ gia đình chị cũng thu nhập khoảng 25 đến 26 triệu đồng. Nếu so với cấy lúa, hiệu quả kinh tế mỗi sào khoai lang cao gấp nhiều lần.

Người dân Đồng Thái đang chăm sóc khoai lang.

Bởi mỗi sào trồng lúa chỉ cho khoảng 200 kg/sào, trừ chi phí thu nhập chỉ được từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Lãnh đạo UBND xã Đồng Thái cho biết, năng suất khoai lang Đồng Thái trung bình đạt từ 750 - 800 kg/sào. Cả xã hiện đạt sản lượng trung bình khoảng 4.000 tấn/năm. Vào đầu vụ người dân thường bán với giá 10.000 đồng/kg. Thời điểm sau Tết, giá cao hơn một chút khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg là thu nhập đáng kể cho người dân ở đây. Hiện tại, thu nhập từ khoai lang chiếm khoảng 30% tổng thu nhập trong các hộ gia đình ở Đồng Thái.

Khoai lang là loại dễ chế biến, dễ ăn nên hiện nay du khách vãng lai khi đi qua Đồng Thái trên Quốc lộ 32 luôn dừng chân mua khoai về ăn và làm quà cho bạn bè, người thân. Anh Chu Vũ Mạnh ở một quận trung tâm TP Hà Nội có người thân được an táng ở nghĩa trang Yên Kỳ tâm sự: “Biết khoai lang Đồng Thái ngon, giá trị dinh dưỡng cao nên lần nào đi qua tôi cũng mua vài chục cân để ăn dần”.

Mong muốn phát triển

Khoai lang Đồng Thái đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.Thế nhưng để mở rộng và phát triển giống khoai này vẫn còn những khó khăn. Hiện tại, địa phương đang loay hoay tìm hướng phát triển cho thương hiệu này. Ông Phùng Quốc Lượng - Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) dịch vụ và kinh doanh Đồng Thái cho biết, mỗi năm HTX mua của bà con khoảng 30 tấn. Khoai lang Đồng Thái đã được dán mác hiện nay đang chủ yếu bán ở Hà Nội. Khoai lang Đồng Thái cũng đã vào các sạp hàng rau quả sạch ở một số chợ lớn ở Hà Nội với giá bán khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, so với sản lượng khoảng 4.000 tấn mỗi năm thì việc tiêu thụ trong các đại lý lớn ở Hà Nội hiện nay vẫn còn rất ít.

Theo ông Lượng, khoai lang Đồng Thái hiện nay tiêu thụ chủ yếu là khách từ Hà Nội và khách đi qua khu vực xã mua luôn tại chỗ, nên giá thành không được cao. Chính điều này đã khiến nhiều người dân không mặn mà với việc gắn nhãn mác tập thể cho sản phẩm của mình. Một vấn đề nan giải khác của khoai lang Đồng Thái là giống và bảo quản. Giống khoai lang Hoàng Long hiện nay vẫn được người dân dùng dây trồng từ khi được thu hoạch vụ Đông đến trồng vụ Xuân. Dây giống này lại tiếp tục được dùng để trồng vụ Đông năm sau. Vì vậy, sau năm đã xuất hiện sự thoái hóa, ảnh hưởng đến bảo tồn giống và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, tới đây, HTX đang cùng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam bảo tồn, gìn giữ gen quý của loại khoai lang này. Cùng với đó, việc bảo quản khoai tránh bị hà, mối, hỏng là bài toán chưa có lời đáp. Hiện tại, người dân vẫn chỉ bảo quản bằng cách rắc vôi bột, phủ lá xoan, sau đó dựng đứng củ khoai lên. Vôi bột rắc thưa, rồi dựng hai đến 3 tầng khoai. Thường khoai để trong gầm giường, gầm phản, vì vậy khi thời tiết nóng bức khoai rất dễ bị hà. Những tháng từ tháng 6 đến tháng 11 dương, người dân Đồng Thái thường không có khoai bán. Chất lượng khoai trong giai đoạn này cũng không ngon như đầu vụ và ra giêng. Nhiều gia đình do tích trữ khoai đầu vụ, nên khi gặp nắng nóng thiệt hại hàng chục tấn. Chính vì vậy, mà hợp tác xã đã cùng với UBND xã có kiến nghị với UBND huyện cấp đất cho hợp tác xã để xây dựng trụ sở, nhà bảo quản. Đồng thời, có địa điểm giới thiệu và bán khoai lang Đồng Thái chính hiệu, giúp người tiêu dùng được dùng hàng thật, chất lượng đảm bảo.

Khoai lang Đồng Thái, một sản phẩm nổi tiếng xứ Đoài, một thứ quá dân dã, dễ ăn, hợp khẩu vị nhiều người. Ngày nay, người dân Đồng Thái đang nỗ lực để sản phẩm của họ có mặt nhiều hơn trong bữa ăn của các gia đình. Bởi khoai lang vừa ngon, rẻ, dễ chế biến là sản phẩm an toàn. Nhưng để mở rộng và phát triển thương hiệu khoai lang Đồng Thái, ngoài nỗ lực của người dân thì còn phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các cấp chính quyền TP.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy thành phần tạo thành củ khoai lang có nhiều xơ, protein, các vitamin A, C, B6, E, sắt, canxi… đứng cao nhất về giá trị dinh dưỡng so với các loại rau củ khác. Chất xơ của khoai lang là Pectin có tác dụng giúp tiêu hóa tốt, tăng thải cholesterol, chống táo bón...

Quân Đạt

Hạn, mặn ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái ở Kế Sách

Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng

Kế Sách là huyện có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất tỉnh Sóc Trăng. Do ảnh hưởng của hạn, mặn nên nhiều vườn cây, nhất là vườn sầu riêng bị thiệt hại nặng nề. Tuy không có dấu hiệu rõ ràng như trên cây lúa hay hoa màu nhưng hậu quả để lại kéo dài và khó khắc phục.

Diện tích Sầu riêng ở kế Sách vào mùa cho trái.

Trên 16 công sầu riêng 12 năm tuổi của anh Nguyễn Văn Nghiệp ở ấp An Lợi, xã An Lạc Tây do nước mặn bất ngờ tràn vào vườn, nên dần bị rụng lá, teo đọt và rụng trái non. Theo anh Nghiệp, hơn 50 triệu đồng đầu tư vào khâu chăm sóc và xử lý ra hoa vụ này xem như mất trắng, nhưng vẫn còn may là sầu riêng không bị chết cây nhờ ngành chuyên môn can thiệp kịp thời. Anh Nghiệp cho biết: “Vườn sầu riêng của tôi do bị nước mặn tràn vào trong lúc cây đang cho trái non. Mặn làm cây héo đọt và rụng gần hết trái, Coi như vụ sầu riêng năm nay tôi bị mất trắng”.

Do nước mặn xâm nhập sâu vào hệ thống kênh rạch nên nhiều vườn cây ăn trái ở các xã An Mỹ, Nhơn Mỹ, An Lạc Tây... bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng trên 70 công vườn sầu riêng tại xã An Lạc Tây thì có trên 50% diện tích bị ảnh hưởng. So với các loại cây ăn trái khác thì sầu riêng rất mẫn cảm với nguồn nước tưới bị nhiễm mặn, chỉ cần độ mặn cao hơn 1 phần ngàn là đã gây hại cho cây. Dấu hiệu nhận biết là lá sầu riêng bị chết khô, rụng, chết nhánh và nghiêm trọng là chết cây. Ông Võ Thanh Việt- Phó Chủ tịch UBND xã An Lạc Tây, cho biết: “Trên địa bàn xã An Lạc Tây mặn xâm nhập đã làm thiệt hại trên 4ha vườn cây ăn trái, trong đó chủ yếu là sầu riêng vì loại cây này rất nhạy cảm với mặn. Còn những loại cây khác thì không đến nỗi, bà con có thể dùng nhiều biện pháp khắc phục”.

Sầu riêng kế Sách thất mua do bị ảnh hưởng hạn, mặn

Huyện Kế Sách có hơn 15.600 ha cây ăn trái, trong đó chuyên canh sầu riêng hơn 300ha. Những năm qua, sầu riêng đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều nhà vườn, tuy nhiên khi đất trồng sầu riêng bị nhiễm mặn sẽ rất khó khắc phục. Nhất là hiện tượng sượng múi vẫn còn xảy ra trong những năm tiếp theo, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sầu riêng và thu nhập của nhà vườn. Ông Nguyễn Hoàng Nhu - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách, cho biết: “Theo dự báo hình tình hạn, mặn còn diễn biến phức tạp, bà con nên chủ động theo dõi thông tin của Trạm Khuyến nông, Trạm Quản lý thủy nông, báo, đài để kịp thời ngăn mặn, giữ ngọt. Đồng thời gia cố mương vườn để không bị nước mặn rò rỉ vào”.

Với những diễn biến bất lợi của thời tiết hiện nay, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng, nhà vườn cần theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn để ứng phó kịp thời, giúp vườn cây phát triển tốt để ổn định thu nhập./.

Đoan Trang

Nâng cao uy tín dâu tây Đà Lạt

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Để nâng cao hơn nữa uy tín sản phẩm dâu tây trên thị trường cạnh tranh đang có chiều hướng phức tạp, bên cạnh việc chọn những giống mới phù hợp với điều kiện sản xuất của mình, người nông dân Đà Lạt cần được chuyển giao, cập nhật quy trình kỹ thuật tiên tiến để đạt những tiêu chí về hình dáng, kích thước và chất lượng an toàn.

Dâu tây Đà Lạt đang được khuyến khích sản xuất gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn

Nhiều giống, nhiều giá khác nhau

Theo Phòng Kinh tế Đà Lạt, dâu tây được đưa về từ nước Pháp trồng đầu tiên ở Đà Lạt trong những năm 40 của thế kỷ 20, tên khoa học là Fragaria Vesca L, trái nhỏ, màu đỏ nhạt, mùi ngọt thơm đặc trưng. Đến thập niên 60, phát triển thêm nhiều giống dâu tây nhập về từ Mỹ, trái có màu đỏ đậm, đạt năng suất cao hơn, nhưng ít vị thơm như các giống dâu Pháp. Khoảng 30 năm sau đó - năm 1995, một công ty của Pháp đã chọn một trong 20 giống dâu tây trồng thử nghiệm thành công với kích thước trái lớn, cứng và chắc, hương vị chua chua, ngọt ngọt khác biệt, vận chuyển đường xa với tỷ lệ hư hỏng không đáng kể, năng suất thu hoạch đã tăng lên vượt trội khi đối chứng với các giống dâu tây trước đó canh tác trên cùng một vùng khí hậu Đà Lạt và các vùng phụ cận. Giống dâu tây này có tên Fragaria x ananassa, nông dân Đà Lạt quen gọi là giống dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm và đã liên tục mở rộng diện tích sản xuất, thu hoạch quanh năm không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, mà còn tiêu thụ xuất khẩu đến các nước châu Á và châu u.

Nông dân “kiêm” thương lái Vương Đình Phi ở đường Thánh Mẫu, Đà Lạt, nhớ lại: “Thời điểm năm 1997 - 2000, tôi thu mua mỗi ngày trên dưới 1 tấn dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm tươi của nông dân Đà Lạt thu hoạch tại vườn rồi đóng trong hộp nhựa, vận chuyển về Sài Gòn bán hết trong ngày hôm sau. Khách hàng Sài Gòn mua dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm của tôi gồm các quày hàng bán sỉ ở nhiều khu vực chợ đầu mối cùng lực lượng bán lẻ lưu động thường trực với hơn 10 sinh viên làm thêm. Tuy nhiên, sau năm 2000, diện tích dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm ở Đà Lạt tăng tự phát quá nhanh bằng cách nhân giống “cây ngó” (cây con mọc ra từ rễ cây mẹ) thiếu tuyển chọn, nên sức đề kháng yếu, dẫn đến xuất hiện nhiều loại bệnh gây hại, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm thu hoạch. Thêm vào đó, ngay trên thị trường trong nước bắt đầu lưu thông, bày bán nhiều loại dâu tây Trung Quốc giá rẻ, khiến cho phần lớn người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn với dâu tây Đà Lạt. Bởi vậy, tôi quyết định tạm dừng công việc thương lái để tập trung làm công việc nông dân chuyển đổi các giống dâu tây mới, sản xuất theo hướng công nghệ cao trong nhà kính”.

Trong nhà kính, ông Phi chọn các giống dâu tây Nhật trồng ban đầu dưới đất phủ màng ni lông. Từ năm 2012 đến nay, ông Phi chuyển sang trồng trên giàn giá thể xơ dừa, trấu... cách mặt đất gần 1m, diện tích ổn định với 3.000m². Toàn bộ quy trình tưới nước, bón phân hữu cơ đều tự động hóa nhỏ giọt. Tính riêng trong dịp trước và sau Tết Bính Thân năm 2016, ông Phi đón khách du lịch khắp nơi vào tham quan, chụp hình lưu niệm và trực tiếp hái chọn dâu tây Nhật ăn tươi tại chỗ, hoặc mua về làm quà với giá từ 250 - 300.000 đồng/kg. Như vậy, với hàng chục ký dâu tây tươi nhà kính của ông Phi bán ra mỗi ngày, giá mỗi ký cao hơn từ 5 - 6 lần so với giá dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm trồng ngoài trời ở Đà Lạt và các vùng phụ cận.

Cần những tiêu chí chất lượng an toàn

Đánh giá chung cho thấy: Hiện nay, việc canh tác dâu tây trong nhà kính chưa được nông dân Đà Lạt áp dụng đại trà, chỉ mới phát triển trên diện tích nhỏ khoảng chục ha. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trang này như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung; sản xuất chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ... Thống kê diện tích dâu tây Đà Lạt đang biến động hàng năm từ 100 - 120ha, nhưng ưu thế về năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ ổn định lại thuộc về diện tích chỉ chục ha sản xuất trong nhà kính; còn lại hầu hết diện tích sản xuất ngoài trời vì không có thương hiệu bảo hộ độc quyền, chưa xây dựng thành những chuỗi sản phẩm liên kết, nên tình trạng được mùa, mất giá vẫn xảy ra. Mặt khác, phần lớn sản phẩm dâu tây ngoài trời Đà Lạt khi đưa ra thị trường tiêu thụ không thông qua quy trình kiểm định chất lượng, lại chịu ảnh hưởng trước tình trạng giả mạo, lạm dụng địa danh Đà Lạt của các mặt hàng dâu tây từ nơi khác còn len lỏi đưa về.

Để nâng cao uy tín của sản phẩm dâu tây Đà Lạt trên thương trường trong và ngoài nước, Phòng Kinh tế Đà Lạt đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng thực hiện quy trình xây dựng nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ độc quyền. Khi nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận (sau khoảng 12 tháng thẩm định hồ sơ), người sản xuất sẽ được gắn nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” trên sản phẩm của mình, nếu hội đủ các tiêu chí an toàn về nguồn giống, môi trường sinh thái, quy trình canh tác, hình thức và chất lượng sản phẩm thu hoạch…

Thiết nghĩ, trong thời gian đón chờ nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” được chính thức công nhận hiệu lực sử dụng, ngành nông nghiệp Đà Lạt cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, tích cực hỗ trợ nông dân triển khai những giải pháp về lựa chọn, cải tạo các loại giống dâu tây đạt năng suất và chất lượng cao để xây dựng các vườn thực nghiệm đầu dòng. Đồng thời, tăng cường công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề trồng và chăm sóc dâu tây; vận động nông dân sản xuất dâu tây tập trung theo mô hình liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, khuyến khích phát triển ngày càng nhiều những mô hình trồng dâu tây kết hợp với du lịch sinh thái vườn tại các doanh nghiệp, hộ gia đình, qua đó có thêm cơ hội quảng bá rộng rãi thương hiệu “Dâu tây Đà Lạt” được “bảo chứng” chất lượng an toàn.

VĂN VIỆT

Trồng chuối già Nam Mỹ cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Nhận thấy trồng chuối già Nam Mỹ mang lại lợi nhuận cao, ông Lê Văn Thành đã đầu tư khoảng 240 triệu đồng để trồng 3ha chuối.

Ông Lê Văn Thành, ngụ khu phố 1, Thị trấn Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết: Sau khi đi tham quan thực tế các tỉnh miền Tây, nhận thấy trồng chuối già Nam Mỹ mang lại lợi nhuận cao, ông Thành đã đầu tư mua gần 6.000 cây chuối giống về trồng trên phần diện tích gần 3 ha ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu.

Ông Lê Văn Thành và Vườn chuối già Nam Mỹ ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Thạnh Đông.

Với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 80 triệu/ha, sau gần một năm trồng thử nghiệm, hiện nay chuối đã cho thu hoạch mùa thứ nhất, giá bán dao động từ 6.000 đồng - 12.000 đồng/kg, được thương lái đến tận vườn thu mua.

Sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu, ông Thành thu lãi trên 40 triệu đồng/ha.

Ông Thành cho biết thêm, khi thu hoạch xong đợt đầu, khoảng 6 tháng sau chuối con sẽ cho thu hoạch đợt hai. Khi trồng chuối già Nam Mỹ, người dân chỉ đầu tư một lần thì sẽ thu hoạch từ 3 - 5 đợt, những đợt sau chỉ tưới nước chứ không cần phải đầu tư gì thêm.

Theo ông Thành, sau khi làm đất bón phân lót thì tiến hành trồng với khoảng cách như sau: Hàng cách hàng 2 - 2,5m, cây cách cây 2m và đặc biệt là phải tưới nước thường xuyên, tưới đủ nước cây chuối mới phát triển tốt được.

Trước thành công của mô hình, hiện nông dân 3 xã Tân Đông, Tân Hiệp và Thạnh Đông đã đầu tư trồng chuối già Nam Mỹ với tổng diện tích gần 10ha.

Chí Thành

Xoài rớt giá, người trồng khốn đốn

Nguồn tin: Người Lao Động

Thương lái ngừng mua, xoài ngoại lấn át khiến người trồng xoài ở Đồng Nai điêu đứng, thua lỗ nặng

Xoài được xem là một trong những loại cây ăn trái xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Đồng Nai với diện tích hơn 10.000ha. Tuy nhiên, giá xoài đang rớt giá mạnh, thu nhập bấp bênh khiến nhà vườn đành để chín rục ngoài vườn do không đủ tiền trả công thu hoạch.

Mất trắng

Theo người dân Đồng Nai, thời gian đầu vụ xoài như tháng 3, tháng 4, giá thương lái thu mua tận vườn rất cao, như: xoài ba mùa mưa ở mức từ 15.000 đến 18.000 đồng/kg; xoài keo Campuchia, xoài Thái, xoài cát Hòa Lộc dao động mức 20.000 - 40.000 đồng/kg… thì hiện nay, giá xoài chỉ còn chưa tới 3.000 đồng/kg, có nơi chỉ 500 - 700 đồng/kg, thậm chí không thu mua.

Nông dân tỉnh Đồng Nai điêu đứng vì xoài rớt giá thảm hại

Ông Quách Hải Hạc (63 tuổi; ấp Phú Quý 1, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) vất vả chở 1,5 tạ xoài từ vườn ra đại lý năn nỉ mối quen thu mua giúp với giá 3.500 đồng/kg. “Chưa bao giờ tôi thấy giá xoài lại rớt thê thảm đến vậy. Giá này bán ra không đủ trả tiền thuê công thu hoạch. Mùa xoài năm nay, gia đình tôi coi như mất trắng” - ông Hạc than thở.

Có kinh nghiệm trồng xoài hơn 35 năm, thời gian đầu, ông Hạc canh tác hơn 10ha, đến nay diện tích chỉ còn chưa tới 3ha cũng vì giá cả bấp bênh. Theo ông Hạc, do giá xoài xuống thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua nên người dân chỉ còn bán được cho những mối lái thân quen.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số vườn xoài ở các huyện Vĩnh Cửu và Định Quán (Đồng Nai), nhiều chủ vườn đã bỏ không mặc cho người ngoài hái mang về vì có để cũng không bán được.

Chuộng xoài ngoại hơn nội

Ông Nguyễn Đức Hòa (46 tuổi) - một trong nhiều đại lý thu mua xoài ở xã La Ngà, Định Quán (Đồng Nai) - cho biết do nhiều đầu nậu ở phía Bắc ngưng thu mua xoài buộc các đại lý như ông chỉ thu mua với số lượng cầm chừng để bán lẻ tại các chợ.

Còn theo một số thương lái thu mua xoài tại Đồng Nai, giống xoài ba mùa mưa đột ngột rớt giá, tồn hàng là do xoài keo của Campuchia đang rộ mùa, giá rẻ nên lượng nhập về tăng đột biến. Giống xoài keo này đang có mặt khắp các chợ từ quê ra tỉnh. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, xoài ngoại cũng lấn dần chỗ đứng của xoài nội. “Hiện nay, không có giống xoài nào của Việt Nam cạnh tranh được với trái xoài keo nhập khẩu giá 8.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi xoài cát Hòa Lộc, xoài Thái giá khoảng 20.000 - 35.000 đồng/kg; xoài ba mùa mưa có giá rẻ dễ mua thì vị quá chua nên trái xoài ngoại lên ngôi. Cả tháng nay, xoài keo rộ mùa, nhập về ồ ạt, giá giảm chỉ còn một nửa so với tháng trước nên các tiểu thương đều chọn xoài keo về bán” - chị Lê Hoa, chủ vựa trái cây 9 Hoa ở Đồng Nai, nói.

Còn theo các chủ vườn, đa phần xoài thu hoạch ở Đồng Nai được các thương lái thu mua rồi đưa ra phía Bắc tiêu thụ và một phần xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng gần 2 tháng nay, thương lái đột ngột ngừng thu mua, tạo nên cảnh tượng ùn ứ, ế ẩm. Để giảm bớt lỗ, nhiều chủ vườn đã hái xoài rồi thuê xe chở ra dọc các tuyến quốc lộ như 1, 20, 50, 51… để bán nhằm vớt vát chút đỉnh. “Dù không bán được nhiều nhưng được giá hơn khi bán cho thương lái. Mình hái từ vườn rồi bán tới tay người đi đường với giá 10.000 - 15.000 đồng/3kg cũng gỡ gạc được đôi chút tiền công chăm sóc cả năm trời” - chị Hà Thị Thu Giang (44 tuổi), một chủ vườn đang bán xoài ở Quốc lộ 20, cho biết.

Chất lượng quá kém

Ông Cao Văn Toan - Phó Chủ tịch UBND xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai - cho biết La Ngà hiện có gần 1.600ha xoài, là vùng chuyên canh xoài ba mùa mưa lớn nhất của huyện Định Quán. Do vụ xoài năm nay nắng hạn kéo dài khiến chất lượng xoài kém nên giá cả thấp. Ngoài ra, nông dân vẫn còn lệ thuộc nhiều vào thương lái.

Nói về nguyên nhân các HTX chế biến xuất khẩu xoài trên địa bàn hoạt động cầm chừng, năng suất chưa được một nửa so với dự kiến ban đầu, ông Toan cho biết vì xoài vườn thiếu nước nên trái nhỏ, vị chua chát hơn so với xoài ngoại nên thị trường không ưa chuộng, buộc nhiều HTX phải nhập khẩu xoài ngoại về để chế biến thay vì thu mua của bà con trong tỉnh.

ĐÌNH THI

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu trái cây sẽ đạt hơn 2 tỷ USD

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2016 dự kiến kim ngạch xuất khẩu trái cây sẽ đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước.

Hiện trái cây Việt Nam đã có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính. Đặc biệt năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã khai thác nhiều thị trường mà trước đây chưa đầu tư hoặc lãng quên như EU, Canada, các nước ASEAN, Đông Âu, Trung Đông, thậm chí hướng đến cả thị trường Nam Mỹ.

Từ đầu năm đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã nộp hồ sơ đề nghị xuất khẩu quả tươi của Việt Nam sang Argentina, Brazil, Peru… Hiện các nước này đang xem xét để làm các thủ tục tiếp theo cho Việt Nam xuất khẩu trái cây vào. Điều đó đồng nghĩa với việc trái cây đặc sản của Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng tại các thị trường khó tính.

Đào Huyền

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop