Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 07 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 07 năm 2016

Trồng bắp biến đổi gen: Năng suất cao nhưng nông dân vẫn e ngại

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Cán bộ kỹ thuật Công ty Syngenta Việt Nam kiểm tra hiệu quả trồng bắp BĐG tại cánh đồng xã Đá Bạc (huyện Châu Đức).

BR-VT là một trong 6 tỉnh, thành trong cả nước gồm Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đắk Lắk và Đồng Tháp được chọn khảo nghiệm trồng các loại giống bắp biến đổi gen (BĐG). Hiện toàn tỉnh có hơn 100ha diện tích trồng loại bắp này, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Đức. Theo đánh giá của các hộ nông dân, bắp BĐG có nhiều ưu điểm đặc biệt như kháng sâu bệnh, kháng cỏ, giảm chi phí và cho năng suất cao.

Gia đình ông Trần Kim Tuyến (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) được Công ty Syngenta Việt Nam hỗ trợ giống bắp BĐG NK66 Bt/GT để trồng thử nghiệm trên 3,7ha từ năm 2014. Theo ông Tuyến, với giống bắp BĐG này, ông hoàn toàn không phải phun thuốc trừ sâu, trong khi các giống bắp thường, phải phun khoảng 4 cữ thuốc trừ sâu. Do không có sâu gây hại nên trái bắp đều hạt, năng suất cao. “Nhờ vậy, mỗi vụ tôi tiết kiệm được khoảng 30-40% chi phí thuốc BVTV, công lao động. Với giá bắp từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, năng suất 7-8 tấn/ha, tôi thu lãi từ 15-20 triệu đồng. Đây là vụ thứ 4 tôi trồng loại bắp này”, ông Tuyến cho biết.

Thấy được hiệu quả của giống bắp BĐG, vụ Đông Xuân 2016, ông Nguyễn Văn Hiển (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cũng đã trồng thử nghiệm 4 sào giống bắp NK66 Bt/GT. Kết quả cho thấy ưu điểm của giống mới này hạn chế được sâu bệnh từ lúc nảy mầm đến ngày thu hoạch. “Tôi rất mừng vì có thể giảm được chi phí thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà không lo về sâu bệnh so với giống bắp lai thường trước đây. Vụ Hè Thu, tôi đã chuyển sang trồng hơn 1,2ha giống bắp mới này”, ông Hiển cho biết.

Tuy mang lại hiệu quả nhưng thời gian qua, giống bắp BĐG vẫn chưa được nhiều nông dân đưa vào sản xuất. Ông Bùi Lê Phi, nhân viên Công ty Syngenta Việt Nam phụ trách thị trường BR-VT cho biết, từ năm 2015 đến nay, bắp giống BĐG bán tại BR-VT chỉ vào khoảng 2 tấn. Theo ông Phi, bà con nông dân vẫn e ngại trồng bắp BĐG khi tiêu thụ sẽ gặp khó khăn, nên chưa dám mở rộng diện tích trồng. Tuy nhiên, công ty cũng giải thích cặn kẽ và cam kết sẽ phối hợp với các cơ sở thu mua bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân.

Ông Phi cho biết thêm, ngoài những giống đã được công nhận, hiện công ty đang tiến hành trồng khảo nghiệm các giống bắp lai bằng công nghệ xử lý khác nhau nhằm chọn ra giống tốt và giải pháp tối ưu nhất để chuyển giao cho nông dân. Tại BR-VT, Syngenta đang khảo nghiệm cả trăm giống bắp lai để lựa chọn ra được 70 giống cho vụ kế tiếp và tiếp tục chọn lựa 30 giống cho vụ sau, cuối cùng chỉ còn lại 1 hoặc 2 giống cho giai đoạn này. Toàn bộ quá trình tuyển chọn hạt giống mất khoảng 4 năm mới có thể đưa được 1 giống ra thị trường.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, mô hình khảo nghiệm bước đầu cho thấy, bắp BĐG hạn chế được việc sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, đối với những vùng trồng trọt dễ bị sâu bệnh, loại cây này là một lực chọn tối ưu. Hiện ngành nông nghiệp đang phối hợp một số công ty khảo nghiệm diện rộng một số giống bắp BĐG, từ đó đánh giá rủi ro đa dạng sinh học và môi trường, trước khi quyết định cho trồng đại trà hay khôn.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam Hiện phải nhập khẩu hơn 4 triệu tấn bắp để sản xuất thức ăn chăn nuôi và chủ yếu là nhập bắp BĐG. Do đó, nếu các cuộc khảo nghiệm thành công, các giống bắp BĐG không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và môi trường sẽ là điều kiện tốt để nông dân mở rộng diện tích trồng, góp phần giảm áp lực nhập khẩu.

NGÔ THANH

Kiên Giang: Xây dựng 14 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa theo hướng VietGAP

Nguồn tin: Kiên Giang

Thực hiện chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa theo hướng VietGAP, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Kiên Giang đến nay đã xây dựng được 14 cánh đồng, với tổng diện tích 1.935ha.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn triển khai ở 9 huyện, gồm: Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Biên, Tân Hiệp, Châu Thành, Giang Thành, Giồng Riềng, Gò Quao và Hòn Đất, với 849 hộ nông dân tham gia. Năng suất lúa bình quân đạt 6,5 tấn/ha, tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm hơn 70% tổng sản lượng. Mô hình sản xuất này ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, quy trình canh tác 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, cơ giới hóa nông nghiệp, sử dụng giống mới, giống xác nhận, đồng bộ hệ thống thủy lợi chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất. Sản phẩm lúa hàng hóa nâng lên chất lượng so với sản xuất lúa truyền thống cung ứng cho chế biến gạo xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Trong một diễn biến khác, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã gây thiệt hại hơn 56.500 ha lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2015-2016. Tổng sản lượng 2 vụ lúa này đạt hơn 1,95 triệu tấn, giảm 543.640 tấn so với kế hoạch. Bù đắp sản lượng thiếu hụt đó, tỉnh Kiên Giang đã cơ bản hoàn thành kế hoạch xuống giống 302.000 ha lúa Hè Thu, tập trung các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho lúa phát triển tốt, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, phấn đấu đạt sản lượng hơn 1,6 triệu tấn. Cùng với đó, bố trí sản xuất 120.000 ha trở lên vụ lúa Thu Đông ở những vùng, tiểu vùng có điều kiện thuận lợi, đảm bảo sản xuất an toàn và hiệu quả để đạt sản lượng khoảng 650.000 tấn.

Để đạt mục tiêu kế hoạch này, tỉnh Kiên Giang kịp thời tạm ứng ngân sách cho các địa phương hỗ trợ nông dân có diện tích lúa bị thiệt hại do hạn mặn hơn 463 tỷ đồng sản xuất 2 vụ lúa Hè Thu và Thu Đông. Tập trung sản xuất hiệu quả vùng lúa chuyên canh chất lượng cao 120.000 ha ở vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và các cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức sản xuất hiệu quả lúa Mùa trên nền đất nuôi tôm vùng U Minh Thượng./.

Lê Huy Hải

Tiền tỷ nhờ cây giống

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Nhắc đến bà Phạm Thị Tính ở thôn Tây Phú, xã Thượng Hiền (Kiến Xương, Thái Bình) ai cũng biết. Gia đình bà mạnh dạn trong phát triển kinh tế và táo bạo với các dự án đưa cây lên rừng trồng mỗi năm cho thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương.

Nhờ ươm cây giống, mỗi năm gia đình bà Phạm Thị Tính có thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn rộng hơn 5.000m2 ươm trồng đủ các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả, bà Tính chia sẻ ý tưởng làm giàu từ nghề ươm cây giống. Xã Thượng Hiền nổi tiếng với nghề truyền thống mây tre đan. Nhận thấy nguồn nguyên liệu phục vụ làng nghề dần cạn kiệt do người dân không trồng mây trong vườn, kéo theo nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thực tế này đã lóe lên trong đầu bà ý tưởng về nghề ươm trồng cây mây giống và đưa lên rừng trồng. Nghĩ là làm, vợ chồng bà Tính ngày đêm trăn trở suy nghĩ lai tạo ra giống mây nếp K83 thân thuôn đều, cho năng suất, sản lượng cao. Vợ chồng bà cũng lặn lội đi đến các tỉnh như: Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa và một số tỉnh khu vực Tây Nguyên để tuyên truyền, vận động, chuyển giao kỹ thuật và hợp đồng với bà con nông dân trồng mây cung cấp nguyên liệu. Năm 2006, gia đình bà Tính đã quyết định thành lập Công ty Cổ phần Mây Song Dũng Tấn và thuê mượn đất của bà con trong thôn, quy hoạch làm vườn ươm cây giống với tổng diện tích hơn 5.000m2.

Đi dưới những hàng cây cao hàng chục mét và ngắm những luống cây giống xanh mát, ai cũng mừng cho bà Phạm Thị Tính nhưng ít người hình dung nổi, có được kết quả như hôm nay gia đình bà cũng từng khốn đốn vì thất bại. Để đầu tư cho mô hình ươm cây giống, bà Tính phải thế chấp nhà cửa vay ngân hàng hơn 700 triệu đồng. Do thiếu kinh nghiệm và kiến thức kỹ thuật nên ban đầu, việc ươm, nhân cây giống gặp rất nhiều khó khăn. Và khi hơn 50 vạn cây mây giống cùng nhiều giống cây khác chuẩn bị xuất bán thì cơn bão lớn năm 2007 ập đến làm đổ rạp, táp lá rồi chết hàng loạt vì ngập úng. Vậy là hai vợ chồng trắng tay. Không nản chí trước thử thách của ông trời, vợ chồng bà Tính bảo nhau, quyết tâm làm lại từ đầu. Trời không phụ người có tâm và nghị lực, mô hình vườn ươm cây giống lại bắt đầu hồi sinh nhờ sự chịu thương, chịu khó, tích lũy kinh nghiệm và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất.

Từ mô hình độc canh ươm mây giống, đến nay, Công ty Cổ phần Mây Song Dũng Tấn đã phát triển cung cấp đa dạng loại cây trồng cho thị trường khắp trong Nam, ngoài Bắc. Ngoài 5 vườn ươm cây giống tại xã Thượng Hiền, Công ty còn mở thêm 2 vườn ươm tại Thanh Hóa và Khánh Hòa. Bà Tính chia sẻ: Để mở rộng và phát triển được thị trường, Công ty đã tích cực tham gia các hội chợ thương mại công, nông nghiệp; mang cây giống tới các chợ từ thành thị tới nông thôn bày bán và treo biển quảng cáo. Đặc biệt, từ khi lập website của Công ty để giới thiệu sản phẩm, có rất nhiều đơn hàng được đặt nên toàn bộ lượng cây giống làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Một trong những lý do để cây giống của Công ty Cổ phần Mây Song Dũng Tấn do bà Tính làm chủ được thị trường ưa chuộng chính là sự uy tín trong hợp tác làm ăn. Ngoài chất lượng cây giống được bảo đảm, bà Tính còn quan tâm tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Mỗi năm, Công ty thu mua toàn bộ hơn 280 tấn cây mây thương phẩm của bà con nông dân ở các tỉnh có thực hiện dự án, giúp cho nhiều hộ nông dân yên tâm trồng mây và có thu nhập ổn định, nâng cao cuộc sống. Cũng nhờ những hợp đồng trồng và tiêu thụ mây này mà bà Tính đã góp phần duy trì cho nghề đan mây làm mặt ghế xuất khẩu của làng nghề Thượng Hiền tồn tại, phát triển, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương.

Ông Tạ Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Thượng Hiền cho biết: Mô hình tích tụ ruộng đất để ươm trồng cây giống của gia đình bà Tính cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân trong xã là chuyển đổi, tích tụ đất đai để làm giàu. Điều đáng quý, bên cạnh làm kinh tế giỏi, bà Tính còn hỗ trợ cây giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nhiều nông dân của địa phương phá bỏ vườn tạp, quy hoạch trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để vươn lên thoát nghèo.

Khắc Duẩn

Tăng sức cạnh tranh cho dược liệu trồng theo tiêu chuẩn quốc tế

Nguồn tin: Nhân Dân

Cán bộ kỹ thuật cùng người dân xã Yên Than (Tiên Yên, Quảng Ninh) kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cây dây thìa canh.

Trồng dược liệu theo tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO), là mô hình trồng mới nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu sạch để làm thuốc, an toàn, chất lượng. Hiện nay đã có bảy đơn vị trồng thành công, nhiều doanh nghiệp đang định hướng phát triển theo tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, vẫn còn những trăn trở khi đầu ra cho dược liệu đạt chuẩn còn bấp bênh, thiếu các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Hiệu quả từ mô hình mới

Đây là năm thứ tám, cây dây thìa canh được trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO đưa lại thu nhập tốt cho 19 hộ dân ở xóm 3, xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, Nam Định. Năm đầu bén rễ, cây khó tính như một đứa trẻ kén ăn, người nông dân đã dày công để thao tác đúng quy trình chăm sóc, ghi chép đủ lịch sinh trưởng từng ngày. Đã có không ít hộ thiếu kiên trì, nhổ bỏ vì sau nhiều tháng chăm bón, cây không chịu lớn. Còn hiện nay, đều đặn cứ ba tháng một lần, các hộ dân lại được thu hoạch, trong khi công chăm sóc, vốn đầu tư những năm về sau ngày càng ít. Công ty cổ phần Nam Dược là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm, làm nguyên liệu sản xuất thuốc trị bệnh tiểu đường. Dẫn chúng tôi tham quan 1,2 ha trồng cây dây thìa canh theo tiêu chuẩn GACP-WHO, ông Lâm Thanh Vân, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng và chế biến dược liệu ở đây cho biết: "Người dân địa phương đã từng trồng nhiều cây như lúa, đậu tương, rau nhưng chưa có cây nào cho thu nhập cao như dây thìa canh. Nếu trồng lúa, lãi được khoảng bốn triệu đồng/sào/năm, tốn nhiều công chăm sóc, còn trồng cây dược liệu này lãi 16 triệu đồng/sào/năm. Chúng tôi mong được liên kết lâu dài với doanh nghiệp, để có thu nhập ổn định”.

Mô hình doanh nghiệp liên kết với người nông dân trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn quốc tế như trên đã bắt đầu hình thành một vài năm qua và đang là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp nuôi trồng dược liệu. Trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO khác với phương pháp canh tác truyền thống, buộc người nông dân phải bảo đảm môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, dược liệu không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, hàm lượng nitrat). Người trồng còn phải theo dõi, ghi chép tốc độ sinh trưởng của cây để xác định nhu cầu và bổ sung dinh dưỡng, nước cho từng giai đoạn phù hợp. Ngay công đoạn thu hái tưởng chừng đơn giản, nhưng đòi hỏi nghiêm ngặt về kỹ thuật như: các dụng cụ sử dụng thu hái, vận chuyển phải làm sạch, không rỉ sét, nhiễm bẩn, không xếp đống dược liệu ngoài trời nắng, không giẫm chân lên dược liệu... Bởi vậy, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm bao giờ cũng phải chấp nhận mua với giá cao hơn so với dược liệu khác trên thị trường.

Đến nay, cả nước đã hình thành 13 vùng trồng GACP-WHO của bảy đơn vị với 11 cây dược liệu là: a-ti-sô, bìm bìm, rau đắng đất, đinh lăng, diệp hạ châu, cỏ nhọ nồi, tần dày lá, dây thìa canh, trinh nữ hoàng cung, kim tiền thảo, chè dây. Điều đáng nói là chưa có nhiều cơ sở chuyên trồng trọt, chế biến dược liệu tham gia trồng, mà phần lớn là các doanh nghiệp dược tự liên kết với chính quyền và người dân đặt hàng trồng để chủ động nguồn dược liệu đạt chuẩn, làm nguyên liệu sản xuất thuốc cho chính đơn vị mình. Tuy vậy, theo nhận định của các nhà chuyên môn, trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO là một xu thế tất yếu, một hướng đi giải quyết được nhiều hạn chế lâu nay của ngành dược. Trồng dược liệu đạt chuẩn sẽ giúp ngành dược chủ động được nguồn dược liệu sạch, hàm lượng hoạt chất đạt tiêu chuẩn để sản xuất thuốc tốt (dược liệu đạt chuẩn được kiểm soát cả quá trình từ lúc trồng đến lúc thu hái, sơ chế) thay vì trồng tự phát, trồng theo phương pháp canh tác truyền thống cho sản lượng, chất lượng không ổn định. Trồng dược liệu đạt chuẩn cũng giúp hạn chế việc nhập khẩu dược liệu vốn khó kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, còn góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương trồng dược liệu.

Tín hiệu đáng mừng là từ đầu năm đến nay, đã có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu với định hướng sẽ dần “nâng cấp” theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) những ngày này, người dân tại bốn xã Yên Than, Tiên Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải đã bắt đầu xuống giống, trồng dược liệu để phủ xanh 5,2 ha đất theo kế hoạch của UBND huyện. UBND huyện Tiên Yên xác định phát triển cây dược liệu là mục tiêu trọng điểm trong những năm tới để tăng thu nhập cho người dân.

Thiếu chính sách hỗ trợ phù hợp

Theo Thông tư 14/2009/TT-BYT, việc trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO được Nhà nước khuyến khích, đồng thời, các cơ sở kinh doanh dược liệu, cơ sở sản xuất dược liệu, thuốc từ dược liệu được khuyến khích kinh doanh, sử dụng các dược liệu của các cơ sở đạt chuẩn GACP-WHO. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thời gian qua, việc khuyến khích mới chỉ dừng ở văn bản, chưa có các hoạt động triển khai trong thực tế. Điều này dẫn đến thực trạng, tại các vùng trồng GACP-WHO đã thành công, nhiều hộ nông dân muốn đăng ký tham gia trồng dược liệu nhưng doanh nghiệp chưa dám mở rộng diện tích do khó khăn đầu ra.

Từ thực tế của đơn vị đã sử dụng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO để sản xuất thuốc nhiều năm qua, ông Lê Văn Sản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Dược cho biết, Bộ Y tế chưa có chính sách mạnh mẽ để khuyến khích hoạt động trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Các dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO thường có chi phí cao, trong khi đó, hoạt động đấu thầu dược liệu và thuốc từ dược liệu vào các cơ sở y tế thực chất là đấu giá, sản phẩm giá thấp sẽ trúng. Điểm kỹ thuật cho mặt hàng thuốc tham dự thầu được sản xuất từ dược liệu có chứng nhận đạt GACP-WHO chỉ có 5 điểm/100 điểm (quy định tại Thông tư số 31/2014/TT-BYT). Điểm cộng này không đủ sức để cạnh tranh về giá với các dược liệu, thuốc từ dược liệu không đạt tiêu chuẩn. Bởi vậy, đầu ra cho sản phẩm khó khăn. Ông Lê Văn Sản kiến nghị, Bộ Y tế cần có chính sách ưu tiên dùng các dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO, như cho phép đấu thầu trong một khung riêng giống như Bộ Y tế đang áp dụng đối với thuốc của nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU được đấu thầu khung riêng so với các sản phẩm của nhà máy có tiêu chuẩn thấp hơn. Như vậy sẽ vừa tạo thị trường minh bạch, vừa khuyến khích các đơn vị nỗ lực để nuôi trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn cao và người dân được tiếp cận thuốc tốt từ chế độ khám bảo hiểm y tế.

Đồng quan điểm trên, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco cho biết, các doanh nghiệp tiên phong có thể phải chịu nhiều rủi ro khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ, người trồng dược liệu luôn có tư duy chỉ vì cái lợi trước mắt, sẵn sàng quay lưng với doanh nghiệp. Dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO vẫn bị “đối xử” như các dược liệu khác là không công bằng. Để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, Nhà nước cần xây dựng các tiêu chí kỹ thuật chi tiết trong đấu thầu dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền vào bệnh viện theo hướng ưu tiên sử dụng dược liệu Việt Nam, nhất là dược liệu đạt tiêu chuẩn cao; cần tăng tỷ lệ thuốc sản xuất từ dược liệu tại Việt Nam trong tổng giá trị tiền sử dụng thuốc hằng năm của bệnh viện. Chỉ khi coi trọng sử dụng thuốc từ dược liệu được trồng và khai thác theo GACP-WHO thì mới kích thích việc phát triển dược liệu sạch.

Một số đơn vị khác cũng đề nghị cơ quan quản lý cần cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO cho những đơn vị công bố đạt chuẩn, thay vì cấp phiếu tiếp nhận công bố sản xuất dược liệu GACP-WHO như hiện nay. GACP-WHO là hệ thống quản lý chất lượng cần được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền, chứ không chỉ đơn thuần là một tiêu chuẩn chất lượng để cấp phiếu tiếp nhận. Do tên gọi chưa phản ánh đúng bản chất của hệ thống đã khiến một số doanh nghiệp mất cơ hội xuất khẩu dược liệu khi đối tác chỉ chấp nhận giấy chứng nhận của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, đối với những loại dược liệu trong nước đã đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, đủ cung ứng cho thị trường thì các cơ quan chức năng cần có cơ chế để hạn chế việc nhập khẩu các loại dược liệu.

Được biết, Bộ Y tế đang sửa đổi Thông tư 14/2009/TT-BYT để hướng dẫn, thực hiện GACP-WHO theo quy định của Luật Dược sửa đổi. Những bất cập nêu trên cần được xem xét, tháo gỡ để thật sự khuyến khích được các đơn vị đầu tư trồng dược liệu, tăng sức cạnh tranh cho dược liệu sạch và góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 60 loài dược liệu được trồng đạt chuẩn GACP-WHO như Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã đề ra.

Quý Nguyên

Kỹ sư về làng trồng nấm làm giàu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Sau khi tốt nghiệp Đại học quốc gia TP.HCM, anh Cao Minh Long, xóm 11 Diễn Lộc, Diễn Châu, Nghệ An đã quyết định về quê sản xuất nấm giống. Tiên phong trồng nấm giống tại địa phương, mô hình của chàng kỹ sư đã thu lãi gần 40 triệu đồng/tháng.

Theo học chuyên ngành Công nghệ sinh học - Đại học Quốc Tế - Đại học Quốc Gia TP.HCM, anh Cao Minh Long đặc biệt say mê sản xuất thực phẩm. Từ khi còn là sinh viên, anh vừa học vừa làm thêm tại một cơ sở chuyên sản xuất nấm. Nhờ đó, anh có được những kinh nghiệm thực tiễn quý giá, quy trình làm ra các loại nấm sạch, chất lượng đảm bảo; đồng thời có được các mối quan hệ kinh doanh; tạo tiền đề để khởi nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Long quyết định về quê lập nghiệp với mô hình sản xuất nấm giống. Theo anh, ở Diễn Châu quê anh, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình như: diện tích đất vườn rộng để xây dựng kho, nguyên liệu trồng nấm có thể tận dụng, hoặc mua với chi phí rẻ, chi phí thuê nhân công không cao như ở thành phố, thị trường tiêu thụ lớn...

Bởi vậy, anh Long đã mạnh dạn vay vốn gần 1 tỷ đồng, đầu tư dây chuyền sản xuất nấm giống như máy trộn mùn cưa, lò hấp, bao bì, các loại nguyên liệu… Ngoài ra còn có hệ thống phun sương làm mát cho nấm vào mùa hè.

Những bịch phôi nấm giống bao gồm các nguyên liệu: mùn cưa, cám, phân NPK…

Hiện nay, anh Long sản xuất 3 loại nấm giống chính đó là nấm bào ngư, nấm linh chi đỏ và nấm mèo đen và đông trùng hạ thảo. Quá trình sản xuất ra bịch giống bào ngư và mèo đen khoảng 1 tháng, riêng với nấm cao cấp linh chi đỏ kéo dài từ 4 - 6 tháng.

Sản xuất nấm giống (bào ngư, linh chi đỏ và nấm mèo đen) trải qua nhiều công đoạn: chọn mùn cưa (chủ yếu lấy từ cây cao su và cây keo), ủ mùn cưa từ 1 – 2 tháng, sau đó, sàng lọc kỹ và cho vào máy trộn. Sau khi trộn xong, mùn cưa sẽ được đưa vào máy đóng bịch và bỏ vào lò hấp hơn 110 độ trong vòng 10 – 12 tiếng. Hoàn thành công việc hấp, bịch phôi nấm sẽ đưa ra ngoài cho nguội và bắt đầu cấy giống.

Từ kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập ở trường đại học, anh Long tự nghiên cứu, sản xuất các loại giống nấm.

Các giống nấm được anh Long tự nghiên cứu và sản xuất từ kiến thức tích lũy được. Anh cho biết: Quy trình sản xuất nấm giống ban đầu từ các nguyên liệu gồm: xương hầm, khoai tây, nước giá luộc, cám, đường trong môi trường sạch. Sau khi hoàn thành, nấm giống sẽ được gieo cấy vào từng phôi nấm. Mỗi bịch giống sẽ cấy được 40 - 50 bịch phôi.

Nấm giống đã được cấy vào các phôi nấm. Mỗi bịch nấm thế này có khối lượng 1,3kg có giá 4.000 – 5.000 đồng/bịch.

Riêng với loại nấm đông trùng hạ thảo, anh Long nuôi trong phòng có diện tích 35 mét vuông, nhiệt độ từ 18 - 22 độ, độ ẩm 80%. Nguyên liệu làm ra đông trùng hạ thảo bao gồm nhộng tằm và gạo, sản xuất trong môi trường vô trùng. Để cho ra 1 bình đông trùng hạ thảo mất khoảng từ 4 - 5 tháng, giá bán ra 800.000/bình. Anh Long cho biết sắp tới sẽ sản xuất ra 10.000 bình/tháng. Tuy nhiên, mặt hàng này tiêu thụ chậm hơn do giá thành đắt hơn.

Tuy nhiên, khó khăn của nghề trồng nấm giống là tỉ lệ giống thành công chỉ đạt khoảng trên 70%. Lần đầu tiên triển khai mô hình này nên thời gian đầu anh bị thiệt hại vì nấm giống không phát triển chậm, phải hủy giống. Thế nhưng, anh vừa làm vừa tự tìm tòi kỹ thuật chăm sóc, học hỏi thêm từ bạn bè, người quen đã có kinh nghiệm trồng nấm để áp dụng cho mô hình của gia đình mình. Nhờ đó, anh dần có thêm kỹ thuật chăm sóc nấm giống đạt hiệu quả.

Kho chứa nấm giống của gia đình anh Long được che kín lại tránh ánh nắng trức tiếp làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm giống. Mỗi tháng, gia đình anh Long sản xuất khoảng 20.000 bịch nấm giống.

Tuy mới sản xuất được hơn nửa năm nhưng sản phẩm nấm giống của cơ sở anh Long được thị trường Vinh và Hà Nội ưa chuộng. Mỗi tháng cơ sở của anh Long xuất ra từ 20.000 – 25.000 bịch nấm giống, giá bán hiện nay 4.000 đồng/bịch. Sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất gia đình anh thu lãi gần 40 triệu đồng/tháng.

Từ phát triển sản xuất, kinh doanh nấm, anh Long đã tạo việc làm cho 6 nhân công, chủ yếu là bà con trong vùng, với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Anh dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất nấm giống trong thời gian tới.

Trao đổi về mô hình trồng nấm của chàng kỹ sư trẻ Cao Minh Long, ông Nguyễn Duy Thành – Chủ tịch Hội nông dân xã Diễn Lộc cho biết: “Đây là mô hình làm nấm giống đầu tiên tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao; mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Thời gian tới, Hội Nông dân sẽ phối hợp với anh Long, mở lớp tập huấn cho bà con phương pháp sản xuất được mặt hàng có giá trị kinh tế cao này. Đồng thời, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả này”

Quang An

Nhân rộng mô hình phun, tưới tự động trong nông nghiệp

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Với mong muốn nâng cao hiệu quả trong canh tác nông nghiệp, ông Nguyễn Phú Thạnh (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) mày mò nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa. Hiện hệ thống mang nhiều tính năng ưu việt này được nông dân trong và ngoài tỉnh học hỏi, nhân rộng.

Bộ điều khiển do ông Nguyễn Phú Thạnh thiết kế hoàn thiện hơn với lệnh mở, tắt được cài đặt trên sim điện thoại

Những năm đầu vận hành, hệ thống pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa của ông Thạnh chỉ hoạt động được trong phạm vi khoảng 20 - 30m và người sử dụng phải tốn công chạy khắp vườn để rà sóng.

Song, với tinh thần đam mê sáng chế, ông Thạnh đã cải tiến thêm nhiều tính năng cho hệ thống pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa giúp hỗ trợ tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp. Theo ông Thạnh: “Ban đầu, việc vận hành hệ thống tuy có suôn sẻ nhưng khoảng cách phun tưới vẫn còn hạn chế và khá thủ công. Chính vì điều này, tôi đã nghiên cứu làm sao cho khoảng cách điều khiển xa hơn mà không phải chạy khắp vườn. Sau thời gian tìm tòi, tôi nghĩ ngay đến việc sử dụng sóng điện thoại để điều khiển hệ thống hoạt động. Và chỉ sau một thời gian nghiên cứu, tôi thành công khi đưa một sim số vào bộ điều khiển, thiết lập lệnh tắt mở, thời gian hoạt động của mỗi van... Với tính năng này, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là có thể điều khiển toàn bộ hệ thống”.

Qua khảo sát thực tế, với hệ thống ban đầu, để tưới nước cho 5.000m2 vườn, người sử dụng phải mất thời gian hơn 7 giờ đồng hồ. Nhưng khi hệ thống đã hoàn thiện, với thiết kế 6 van (mỗi van 100 béc phun), thời gian tưới nước chỉ mất 60 phút cho 5.000m2; tiết kiệm được hơn 50% thời gian hoạt động.

Nói về tính năng phun thuốc, ông Thạnh chia sẻ: “Trước đây khi tưới thuốc phải cần 2 - 3 người và mất thời gian hơn nửa ngày mới phun xong thuốc cho cả vườn, bây giờ chỉ cần một người mở nắp chai thuốc (mỗi lần pha được 4 loại thuốc khác nhau) là tất cả lượng thuốc, lượng nước đến việc phun đều được thực hiện tự động. Đặc biệt, trong quá trình phun thuốc nếu có xảy ra sự cố, người sử dụng chỉ cần thao tác một lệnh tắt trên điện thoại là toàn bộ hệ thống ngưng hoạt động ngay, không cần đi tới chỗ để tắt điện”.

Với tấm lòng cùng sẻ chia, ông Thạnh không ngại hướng dẫn và trực tiếp lắp đặt hệ thống pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa cho nhiều nông dân trong tỉnh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cho biết: “Tôi thấy hệ thống pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa của ông Thạnh sáng chế thể hiện được nhiều tính năng hiệu quả. Rất nhiều nông dân lân cận và từ nơi khác đến nhờ ông hướng dẫn để lắp ráp sử dụng trên vườn nhà. Qua thời gian sử dụng, tôi thấy hệ thống này giúp giảm công lao động, chi phí, thời gian, nhất là người nông dân có thể chủ động trong việc tưới tiêu và phun thuốc. Điều đáng mừng nhất là nhờ hệ thống này mà nông dân không phải tiếp xúc với hóa chất độc hại”.

Hiện sáng chế của ông Thạnh đã hoàn tất hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và chờ Cục sở hữu trí tuệ công nhận với tên gọi chính thức là “Hệ thống tưới vườn điều khiển từ xa - mở van tự động”.

Khánh Pha

Canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo An Giang

Nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, Trạm Khuyến nông Châu Phú, tỉnh An Giang phối hợp các ngành chuyên môn thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện.

Lý giải về quá trình hình thành mô hình, Trưởng trạm Khuyến nông Châu Phú Lương Hoàng Tuấn cho biết: “Mô hình do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL nhằm hướng nông dân đến thói quen canh tác lúa thân thiện môi trường, giảm thiểu các chi phí sản xuất, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Thực tế, mô hình dựa trên nền tảng “1 phải, 5 giảm” cộng thêm một số yêu cầu mới về giống và quy trình phun thuốc bảo vệ thực vật”.

Theo ông Tuấn, Châu Phú là huyện tiên phong trong việc ứng dụng mô hình và vừa triển khai trong vụ hè thu năm 2016 nên chưa thể xác định hiệu quả thực tế. Tuy nhiên, diện tích ruộng thí điểm đã cho thấy những kết quả bước đầu. “Mô hình được thực hiện trên diện tích 2.500m2 tại xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú) với 5 nông dân tham gia. Đến thời điểm này, lúa đang phát triển tốt, lượng giống gieo sạ chỉ khoảng 1/3 so với cách sạ lan truyền thống. Điểm mới của mô hình so với “1 phải, 5 giảm” là lượng giống sử dụng tiết kiệm hơn nhưng hiệu quả không thua kém” - ông Tuấn thông tin thêm. Theo tiêu chuẩn của mô hình, lượng giống sử dụng khoảng 80 kg/héc-ta, trong khi mô hình “1 phải, 5 giảm” sẽ sử dụng 100 - 120 kg/héc-ta.

Mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu

Do xuất phát trên nền tảng “1 phải, 5 giảm” nên mô hình canh tác lúa thông minh vẫn hướng đến việc tiết kiệm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước và giảm thất thoát sau thu hoạch. Tuy nhiên, mô hình canh tác lúa thông minh đang hướng đến “6 giảm”, đó là giảm hiện tượng phát thải khí nhà kính. Vốn là người đầu tiên “phát pháo” cho mô hình này, ông Từ Bá Đạt (nông dân xã Thạnh Mỹ Tây) thật tình: “Tui đã quen với “1 phải, 5 giảm” từ lâu nên khi ứng dụng mô hình này cũng không bỡ ngỡ lắm. Mô hình chỉ khác ở chỗ người nông dân hướng đến việc trồng lúa thân thiện với môi trường. Theo yêu cầu của mô hình, chúng tôi không đốt gốc rạ sau thu hoạch mà xới đất lấp xuống để biến chúng thành phân hữu cơ, nhờ đó tránh được tác hại với môi trường”.

Mặt khác, Trạm Khuyến nông huyện còn tập huấn cho nông dân kiến thức sử dụng phân bón hợp lý theo nhu cầu của cây lúa và diễn biến của thời tiết, chứ không thực hiện theo chu kỳ như trước kia. “Chúng tôi đã mở lớp tập huấn cho bà con nắm được kỹ thuật đo độ mặn, độ phèn để nhận biết thời điểm bón phân cũng như tỷ lệ các loại phân đạm - lân - kali cân đối. Đây cũng là cách giúp người nông dân giảm thiểu việc sử dụng thừa phân đạm gây nhiễm độc cho đất và ảnh hưởng môi trường” - ông Tuấn lý giải. Việc bón phân hợp lý cũng như không phun thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian 40 ngày sau sạ, ông Đạt và những nông dân thực hiện mô hình đã tiết kiệm trên 1 triệu đồng/héc-ta. Đây được xem bước phát triển thuận lợi, tạo niềm tin cho nông dân khi áp dụng mô hình này.

Mô hình “1 phải, 5 giảm” khi ứng dụng trên đồng ruộng đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân. Từ chỗ chạy theo năng suất, họ đã dần thay đổi suy nghĩ và hướng đến việc giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận. Đối với mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu, người nông dân còn có thể đáp ứng tiêu chí an toàn, thân thiện với môi trường qua việc ứng dụng nhiều biện pháp sinh học không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế hiện tượng phát thải khí nhà kính.

“Người nông dân canh tác lúa hiện nay không nên chỉ nghĩ cho riêng mình mà hãy hướng đến cộng đồng. Mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó biến đổi khí hậu sẽ đáp ứng được những yêu cầu về kinh tế, đồng thời giúp họ trở thành một trong những nhân tố tích cực bảo vệ môi trường. Nếu mô hình thí điểm tại xã Thạnh Mỹ Tây thành công, chúng tôi sẽ hướng đến việc giới thiệu rộng rãi đến nông dân trong huyện. Mong rằng, mô hình sẽ được bà con đón nhận, áp dụng trên đồng ruộng trong thời gian tới” - ông Tuấn kỳ vọng.

THANH TIẾN

Phát triển ca cao: Tiếp cận mới

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Năm 2013, giải thưởng ca cao tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Paris (Pháp) có nguyên liệu từ những hạt ca cao Việt Nam. Các nhà chế biến thế giới xếp ca cao Việt vào nhóm nước có chất lượng cao như Ghana, Bờ Biển Ngà, Brazil. Năm 2015, Tổ chức Ca cao thế giới (ICCO) đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất ca cao có hương vị hàng đầu thế giới.

Ca cao trồng tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: THÀNH TRÍ

Có cơ hội - Thiếu niềm tin

Sự gia tăng tầng lớp trung lưu các nước có dân số nhiều nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ… làm tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm từ ca cao như sôcôla… Hơn 10 năm qua, tiêu thụ sản phẩm từ ca cao tại Trung Quốc tăng gấp ba lần, ở Ấn Độ và Brazil hơn gấp đôi. Các nước châu Á nhập khẩu hơn 500.000 tấn/năm ca cao lên men từ Tây Phi và Nam Mỹ. Thế nhưng, nguồn cung hạt ca cao chưa áp ứng đủ nhu cầu. Lý do, các nước có nguồn cung ứng lớn ở châu Phi và châu Á (Indonesia - thứ 3 thế giới về sản lượng) sụt giảm do vườn cây già cỗi và sâu bệnh. Nông dân trồng ca cao những khu vực này ít hoặc không ủ chua để lên men, lại không áp dụng thực tiễn nông nghiệp tốt nên không thể bán giá cao, một bộ phận chuyển sang trồng cây công nghiệp khác.

Theo số liệu của ICCO, tổng nhu cầu ca cao tăng khoảng 3%/năm, mà sản lượng liên tục giảm nên thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá bán lên. Sản lượng ca cao thế giới ở mức 4 triệu tấn/năm. Năm 2014, giá ca cao tăng 25%; năm 2015 tiếp tục tăng, với mức giá hơn 3.300 USD/tấn (tháng 7-2015) và tháng 5-2016, giá bán ở sàn New York dao động ở mức 3.100 USD/tấn. Ca cao là một trong số ít mặt hàng nông sản, như hồ tiêu, duy trì mức giá cao khá ổn định. Đến năm 2020, với nhu cầu tăng như hiện nay mà việc phát triển diện tích và năng suất không thành công, thế giới sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn ca cao.

Là nước duy nhất ở châu Á trồng và xuất khẩu ca cao lên men (mới làm được sôcôla), nếu không chỉ làm bột hoặc những sản phẩm thấp cấp hơn nên Việt Nam được kỳ vọng là nước xuất khẩu ca cao lớn trong khu vực nhờ vị thế đắc địa để đáp ứng nhu cầu hạt ca cao lên men cho các nhà sản xuất sôcôla, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc. Một lợi thế khác, Việt Nam là thành viên của khu vực tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), ca cao Việt Nam xuất sang Trung Quốc không bị đánh thuế nhập khẩu như ca cao từ Tây Phi hay Nam Mỹ.

Giai đoạn 2004-2012, cây ca cao được hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn sản xuất sôcôla nên diện tích ca cao từ 4.270ha ở năm 2005 lên 25.700ha năm 2012. Nhưng sau đó, giá ca cao giảm hơn 50%, còn 3.000 đồng/kg trái tươi, dù sau đó phục hồi lại giá nhưng đến năm 2015, diện tích ca cao cả nước còn khoảng 11.700ha, giảm 14.000ha. Trong lúc người nước ngoài kỳ vọng về cây ca cao Việt Nam thì trong nước, niềm tin vào cây trồng này chưa phải là đông, nếu không nói có phần suy giảm do cú sốc rớt giá năm 2012-2013. Nguyên nhân là cây ca cao chỉ là thân phận trồng xen, chưa được nhìn nhận là loại cây chủ lực cho xuất khẩu; tính tập trung chưa cao nên khó tiêu thụ và đối tượng nông dân nghèo không đủ nguồn lực đầu tư thâm canh.

Vai trò dẫn dắt

Là người gắn bó với ngành ca cao Việt Nam hơn 10 năm, ông Đinh Hải Lâm, nguyên Giám đốc Phát triển Ca cao Việt Nam của Công ty Mars Inc. Việt Nam, cho rằng để phát triển bền vững cây ca cao phải áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và nhất là có sự tham gia của doanh nghiệp (DN) làm vai trò dẫn dắt. Điều này thấy rõ ở ngành hàng cao su, cà phê, mía đường, trà, tinh bột mì… Thông qua sự đầu tư của DN, các nông trường trồng ca cao tập trung làm nền tảng và động lực cho các nông hộ nhỏ làm theo. Với ca cao, các công ty nước ngoài mới dừng lại ở việc thu mua hoặc liên kết với nông dân, nên vẫn chưa thật sự hiệu quả để thuyết phục bà con gắn bó. Vì vậy, ông Đinh Hải Lâm cùng các đối tác thành lập Công ty cổ phần Ca cao Intercontinental Coporation (CIC) với hy vọng ngành ca cao có điều kiện phát triển ổn định. CIC là DN đầu tiên đầu tư vào trồng ca cao bằng công nghệ cao khi xây dựng trang trại ca cao tại Đắk Lắk. Trong đó, nông trường như là mô hình hạt nhân, các nông hộ trong xung quanh làm vệ tinh. Bà con tiếp cận kỹ thuật, vật tư, được bao tiêu đầu ra, hình thành mối liên kết giữa DN và nông dân để sản xuất ca cao hàng hóa theo chuỗi, dựa trên nguyên tắc cùng hỗ trợ phát triển và chia sẻ lợi ích. Giữ được sự gắn bó với người dân từ các hoạt động hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật và mua với mức giá cạnh tranh là chìa khóa để mối liên kết này bền vững nhờ hai bên đều có lợi. CIC muốn đưa ra giải pháp tổng thể cho người trồng ca cao. Người dân tiếp cận được tín dụng, cây giống và vật tư chất lượng với giá hợp lý, tiếp cận kiến thức canh tác, dịch vụ trồng trọt mới, nhất là dễ tiêu thụ, kỳ vọng mô hình này rồi sẽ được nhân rộng.

Nói về mô hình hạt nhân và vệ tinh, ông Đinh Hải Lâm đưa ra bài toán, nếu sở hữu 1.000ha ca cao cũng chỉ là một công ty sản xuất được 2.000 tấn/năm, nhưng nếu liên kết được với nông dân để phát triển thành 10.000ha, lúc đó sẽ là công ty với 20.000 tấn nguyên liệu/năm. Đây chính là sự lớn mạnh nhờ chia sẻ lợi ích. CIC đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ thiết lập các nông trường ca cao với tổng diện tích khoảng 2.000ha trồng tập trung, áp dụng công nghệ hiện đại như tưới nhỏ giọt và mở rộng trồng ca cao tới khoảng 10.000 nông hộ sinh sống xung quanh các nông trường ca cao của CIC đầu tư. Nhưng để phát triển, đặc biệt là với ngành hàng mới cần sự tham gia tích cực từ nhiều đối tác. Trong đó, có vai trò kiến tạo của Nhà nước khi làm quy hoạch, chính sách, phân bổ nguồn lực để thực hiện các chính sách; DN giữ vai trò dẫn dắt, định hướng chất lượng, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, kết nối thị trường; người nông dân là đối tượng làm ra hạt ca cao. Sự thành công của mô hình này sẽ là tiền đề để DN khác làm theo, với mong muốn cùng đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu ca cao chất lượng cao.

ĐĂNG LÃM

Sơn La: Cây nhãn ghép lên ngôi

Nguồn tin: Báo Sơn La

Xã Chiềng Khương là vùng nhãn tập trung của huyện Sông Mã (Sơn La). Những ngày này, về xã Chiềng Khương, đâu đâu cũng nghe câu chuyện của bà con về cây nhãn ghép đang lên ngôi, góp phần phát triển kinh tế và đời sống xã hội của bà con vùng biên cương này.

Vườn nhãn ghép ở xã Chiềng Khương (Sông Mã) phát triển tốt.

Chúng tôi đến bản Quyết Thắng - nơi được mệnh danh là vựa nhãn ghép lớn nhất của xã Chiềng Khương. Từ bên này cầu cứng Chiềng Khương bắc qua sông Mã, phóng tầm mắt sang bờ sông bên kia thuộc địa phận bản Quyết Thắng, từng đồi nhãn xum xuê trĩu quả đang thời kỳ vào mật cong cành phủ kín cả một vùng. Anh Đoàn Ngọc Sáng, chủ trang trại 1,7 ha nhãn ghép hồ hởi thông tin: “Gia đình hiện đã ghép thành công 740 gốc, năm ngoái thu hơn 40 tấn quả, năm nay ước thu khoảng 50 tấn, với giá như hiện nay sẽ cho thu không dưới 1 tỷ đồng. Tìm hiểu thêm, được biết, bản Quyết Thắng có 68 hộ, 70 ha trồng nhãn thì đã có hơn 30 ha chuyển sang nhãn ghép, vụ nhãn năm nay dự kiến thu hơn 600 tấn quả, thu ít nhất trên 15 tỷ đồng. Nhờ chuyển đổi sang phát triển nhãn ghép nên đời sống kinh tế của bà con trong bản ổn định, không có hộ nghèo và là bản có thu nhập cao nhất xã Chiềng Khương.

Tìm hiểu về kỹ thuật thâm canh nhãn ghép mang lại hiệu quả, chất lượng cao, anh Đoàn Ngọc Sáng không giấu giếm: Cây nhãn cổ thụ để lấy mắt ghép phải là gốc giống nhãn lồng Hưng Yên vốn có quả to, cùi dày. Sau khi ghép thành công theo quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông cơ sở, nhãn ghép phải được chăm sóc thường xuyên. Đặc biệt, chú trọng khâu chăm bón, tỉa cành sau khi thu hoạch; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ khuyến nông hướng dẫn để được sản phẩm quả to, mọng, đẹp mã, hạn chế nứt nẻ, đảm bảo chất lượng cho đến khi thu hoạch.

Tuy diện tích nhãn không nhiều như bản Quyết Thắng, nhưng bà con bản Búa cũng đã ghép vườn nhãn bản địa bằng giống nhãn Hương Chi, nhãn chín muộn chất lượng cao. Anh Lò Văn Nhiệm, Trưởng bản Búa cho biết: Bản Búa hiện có trên 20 ha nhãn, đến nay đã có 8 ha chuyển sang nhãn ghép, riêng nhà tôi có 1 ha nhãn địa phương đều đã được đốn hạ để ghép mắt nhãn chất lượng cao. Tuy mới ghép từ năm 2012, nhưng do chăm bón tốt, đúng quy trình theo cán bộ khuyến nông huyện tập huấn, đến nay đã cho thu hoạch, cây cho quả nhiều nhất đạt 3 tạ, với giá 25 nghìn đồng/kg bán đổ tại vườn thì vụ nhãn năm nay gia đình ước thu không dưới 400 triệu đồng. Trong bản có gia đình anh Lò Văn Nam, Lò Văn Linh tiên phong chuyển toàn bộ diện tích 1,5 ha nhãn thường của gia đình sang ghép mắt, dự kiến vụ nhãn năm nay ước đạt trên 30 tấn quả/hộ, cho thu trên 700 triệu đồng/hộ, bà con phấn khởi lắm!

Được biết, để có được giống nhãn ghép chất lượng cao như hiện nay, từ năm 2010, huyện Sông Mã được Sở Nông nghiệp & PTNT Sơn La phối hợp Viện nghiên cứu Rau quả Trung ương chọn xây dựng nhiều mô hình nhãn ghép, mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua những mô hình này, bà con xã Chiềng Khương đã tranh thủ thời cơ, phát huy tiềm năng lợi thế, mạnh dạn cải tạo vườn nhãn, phát triển đại trà nhãn ghép theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, góp phần nâng cao và ổn định mức thu nhập cho hộ trồng nhãn. Hiện, xã Chiềng Khương có 330 ha nhãn, trong đó đã có 1/3 diện tích chuyển sang nhãn ghép hàng hóa chất lượng cao, nếu tính bình quân 20 tấn/ha thì sản lượng hằng năm ước đạt trên 2.000 tấn quả, thu nhập từ nhãn ghép không dưới 50 tỷ đồng. Nhờ phát triển nhãn ghép đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 16,5 triệu đồng/năm. Sau vụ thu hoạch tới, xã Chiềng Khương tiếp tục chuyển đổi trên 50% diện tích nhãn thuần hiện có sang nhãn ghép, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 18,5 triệu đồng/người/năm; hoàn thành 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến kỳ thu hoạch nhãn, điều mà bà con xã Chiềng Khương băn khoăn là diện tích nhãn ghép phát triển tự phát ở các hộ gia đình nên giá bán ra chưa thống nhất, chưa có tổ chức hay cá nhân đứng ra can thiệp bình ổn giá. Bà con vùng nhãn Chiềng Khương mong muốn có sự vào cuộc của ngành Nông nghiệp & PTNT và huyện, xúc tiến xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng vùng sản xuất nhãn an toàn và bảo quản sau thu hoạch; thành lập HTX để đảm bảo đầu ra, ổn định giá cả cho bà con.

Anh Đức

Phát triển cây ăn quả ôn đới: Một số vấn đề về cây lê VH6

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Vụ sản xuất 2016, 77ha lê VH6 (lê Tai nung) tại xã Tả Phời, thành phố Lào Cai tiếp tục mất mùa. Khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy vấn đề phát triển cây lê VH6 đang có một số bất cập cần sớm được khắc phục.

Cây lê VH6 tại xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) được mùa, nhưng chất lượng quả thấp vì không được tỉa bớt và bọc quả.

Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả ôn đới, ngành nông nghiệp Lào Cai đã khảo nghiệm nhiều loại giống cây trồng để tìm loại phù hợp với điều kiện của tỉnh và một trong những cây nổi bật là lê VH6. Năm 2002, đoàn công tác của tỉnh Lào Cai khi đến Đài Loan (Trung Quốc) công tác đã thu thập và mang về giống lê này, rồi giao cho Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp tỉnh trồng khảo nghiệm. Việc khảo nghiệm đã tiến hành từ năm 2002 đến năm 2010 và khảo nghiệm sản xuất từ năm 2005 tại huyện Sa Pa, huyện Bắc Hà, một số xã vùng cao thuộc huyện Bát Xát và thành phố Lào Cai. Lý do cây lê VH6 được chọn để phát triển sản xuất trên phạm vi rộng (Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát và thành phố Lào Cai) là có khả năng thích ứng sinh trưởng với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng. Ở độ tuổi thu hoạch tốt (sau 5 năm) đạt 40 - 50 kg quả/cây, năng suất khoảng 15 - 20 tấn/mô hình khảo nghiệm, ở mức độ sản xuất phổ biến khoảng 10 - 12 tấn/ha. Quả lê VH6 tại Lào Cai được đánh giá có lượng đường, vitamin C cao, hàm lượng a xít thấp, quả có màu xanh vàng, hình thức đẹp. Nếu tính giá trung bình 30.000 đồng/kg như thời gian vừa qua, thì cây lê VH6 cho giá trị từ 300 - 360 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, chi phí đầu tư trực tiếp (chưa kể nhân công) cho mỗi ha lê VH6 tại thành phố Lào Cai là 14 triệu đồng/ha. Cây lê VH6 đang được Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp tỉnh nhân giống bằng biện pháp ghép mắt với cây mắc coọc (một loại lê bản địa) nên chỉ đến năm thứ 3 đã cho quả rộ. Sau gần 15 năm có mặt tại Lào Cai, cây lê VH6 có nhiều triển vọng, nhất là góc độ sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, để chương trình phát triển cây ăn quả ôn đới nói chung, sản xuất lê VH6 nói riêng đạt kết quả như mong đợi, cần khắc phục một số hạn chế mà ngành nông nghiệp và các địa phương đang gặp phải.

Từ năm 2009 - 2013, Nhà nước đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để trồng 77 ha lê VH6 tại thôn Phìn Hồ và Phìn Hồ Thầu, xã Tả Phời (số tiền này chủ yếu để mua cây giống, phân bón, nguyên liệu phụ trợ). Năm 2014, cũng là thời điểm lê VH6 trồng năm 2009 và năm 2010 tại xã Tả Phời cho ra quả rộ, sản lượng trong năm này đạt khoảng 200 kg. Do sản lượng thấp, nên giá bán lê VH6 trong năm này khá cao, từ 25.000 - 45.000 đồng/kg, khiến người trồng lê phấn khởi. Nhưng đến năm 2015 và vụ quả năm 2016, lê VH6 tại Phìn Hồ và Phìn Hồ Thầu nối nhau mất mùa, người sản xuất ngẩn ngơ, cơ quan chuyên môn không khỏi lúng túng. Là cây du nhập, nên cho đến thời điểm này, lý do thuyết phục nhất vẫn là nhiệt độ thấp và độ ẩm cao (sương mù) trong thời gian lê VH6 trổ hoa, khiến bao phấn không thể bung ra (hoa lê VH6 thuộc hàng lưỡng tính) để tự thụ phấn. Về mặt địa hình, thôn Phìn Hồ và Phìn Hồ Thầu, xã Tả Phời nằm trong thung lũng, nên có thời điểm, sương mù dày đặc cả tuần và kéo dài suốt ngày, đêm. Tuy nhiên, hiện mới là giả thiết, còn các luận cứ có tính khoa học, kỹ thuật vẫn đang được cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi và tổng kết.

Khác với thành phố Lào Cai, lê VH6 tại các huyện năm nay được mùa và không có sâu, bệnh hại. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên là đến nay cơ quan quản lý chưa có rà soát chính xác về diện tích hiện còn so với diện tích lê VH6 đã trồng làm cơ sở phát triển. Tại xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà), ông Tráng Seo Pao, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, cây lê VH6 phát triển tại địa bàn vào năm 2012 với hơn 21 ha, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 8 ha. Tuy nhiên, báo cáo chuyên ngành hiện vẫn như diện tích ban đầu khi lập dự án. Nguyên nhân khiến quá nửa diện tích lê VH6 tại xã Hoàng Thu Phố bị chết được cho là thời tiết nắng nóng và không được người trồng chăm sóc đúng kỹ thuật. Hầu hết diện tích lê VH6 còn lại đang phát triển tự nhiên, thiếu sự can thiệp cần thiết là vít cành, tỉa bớt quả. Điều này khiến quả lê nhỏ, ảnh hưởng đến năng suất của những vụ lê sau.

Còn tại xã Tả Phời, dù năm lê VH6 đạt giá cao nhất, người trồng cũng không thực hiện đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Thậm chí, địa phương đã phải huy động các đoàn viên tới giúp người dân vít cành, làm cỏ. Lê VH6 có đặc điểm là vỏ mỏng, hàm lượng đường cao, nên cần bọc quả bằng túi chuyên dụng để tránh côn trùng gây hại, song người dân nhiều nơi vẫn trông chờ, ỷ lại vào các dự án và địa phương cấp phát, dù chi phí mua túi không lớn so với giá trị quả lê.

Theo định hướng, đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 2.000 ha cây ăn quả ôn đới, trong đó sẽ ứng dụng sản xuất công nghệ cao trên cây lê VH6. Mục tiêu sẽ khó đạt kết quả cao khi có những tồn tại hạn chế trong phát triển cây lê VH6 như hiện nay.

CAO CƯỜNG

Phú Tân (Cà Mau): Khôi phục cây dừa trên đất mặn

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Sau thời gian vắng bóng trên đồng đất Phú Tân (Cà Mau), hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã xây dựng được mô hình khôi phục vườn dừa ở quy mô nhỏ. Bước đầu, bà con đã thực hiện có hiệu quả việc ngọt hoá trên diện tích nhỏ để trồng dừa, tăng thu nhập từ trái dừa. Tuy ít, nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng trong việc đa dạng hoá sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trồng dừa trên đất mặn không khó, nhưng để cây phát triển tốt và cho trái ngọt là vấn đề khó đối với bà con nông dân. Sau nhiều năm kinh nghiệm, một số bà con thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt kết hợp trồng dừa trên đất mặn cho kết quả tốt. Một khi giữ ngọt tốt, cây sẽ ít thấm mặn trong mùa nắng và cho trái năng suất cao, nước ngọt hơn. Tuy nhiên, để làm được mô hình này, bà con nông dân phải có sự kiên trì trong việc giữ ngọt. Hơn nữa, cây dừa ít nhất 3 năm trở lên mới có thể cho trái và thu hoạch được.

Ngọt hoá đất mặn

Ông Nguyễn Văn Phen, ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, trồng hơn 10 cây dừa trên bờ ao nuôi cá bống tượng. Do việc giữ ngọt để nuôi cá nên dừa phát triển tốt và cho năng suất khá cao. Do thường xuyên bơm nước bổ sung cho cá vào mùa nắng, cũng như giữ nước mưa vào mùa mưa để nuôi cá, nên cây dừa cũng phát triển tốt do độ mặn không cao, dừa cho trái ổn định.

Mỗi năm gia đình ông Phen bán hơn 400 cây dừa giống, mỗi cây 25.000 đồng. Thu nhập 1 năm cũng được 10 triệu đồng. Số còn lại gia đình tiêu dùng hoặc bán dừa tươi. Theo ông Phen, giống dừa ông trồng cho năng suất mỗi năm 1 cây không dưới 60 trái.

Kiên trì giữ ngọt nhiều năm

Một số ít bà con nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân đã kiên trì giữ ngọt nhiều năm. Cùng với nuôi cá, bà con bảo tồn khá tốt diện tích cây dừa đã trồng trước đây. Ông Ðoàn Hữu Hạnh, ấp Vàm Ðình, xã Phú Thuận, là một trong số ít nông dân còn giữ được vườn dừa trên đất mặn khá nguyên vẹn. Do bà con chung quanh lấy nước mặn để nuôi tôm, nên vườn dừa này ít nhiều cũng thấm mặn vài ba phần ngàn. Tuy nhiên, với điều kiện này, cây dừa vẫn phát triển và cho trái tốt. Hằng năm, ông Hạnh có thu nhập khoảng 40 triệu đồng từ cây dừa.

Ông Hạnh cho biết, một cây dừa mỗi năm cho thu hoạch chắc chắn được 500.000 đồng, bởi mỗi cây ít nhất cho 50 trái/năm. Tính bình quân mỗi trái tươi hay khô gì thì cũng 10.000 đồng thôi, cây dừa thì cho trái quanh năm, không theo mùa. Hiện nay, hằng ngày, gia đình ông Hạnh đều có dừa bán do con ông bán hàng tạp hoá trên sông.

Từ sau ngày chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm đến nay, màu xanh ngút ngàn của những vườn dừa, đặc trưng của huyện Phú Tân, bị thu hẹp dần. Ðất đai một số nơi trở nên hoang hoá do vắng bóng cây xanh, sản xuất cũng gặp khó khăn. Chính vì vậy, từng bước khôi phục vườn dừa, cũng như các loại cây ăn trái kết hợp nuôi thuỷ sản ngọt trên đất mặn là hướng đi đúng của một số bà con nông dân hiện nay. Ðiều này chẳng những góp phần tăng thu nhập mà còn đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, hướng đến sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu./.

Quốc Hiệp

Lục Ngạn: Sản lượng vải thiều tăng 15 nghìn tấn so dự báo

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Theo UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), do quy trình chăm sóc vải thiều muộn được áp dụng khoa học, diện tích vải chùm cuối vụ cho năng suất cao nên sản lượng vải thiều của huyện Lục Ngạn năm nay ước đạt 90 nghìn tấn, tăng 15 nghìn tấn so với dự báo ban đầu.

Giá vải thiều tại TP Bắc Giang dao động từ 20 - 35 nghìn đồng/kg.

Đến thời điểm này, toàn huyện Lục Ngạn đã thu hoạch gần 80 nghìn tấn và dự kiến sẽ thu hoạch xong trước 20-7. Các huyện: Tân Yên, Sơn Động, Lục Nam, Lạng Giang và Yên Thế cơ bản thu hoạch xong.

Khảo sát tại huyện Lục Ngạn, hôm nay 3-7 cho thấy, giá vải thiều ổn định và dao động từ 10.000 - 30.000 đồng/kg. Những ngày này, trên địa bàn huyện tình hình giao thông, an ninh tương đối ổn định, không xảy ra tắc đường do có sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an, quân đội, thanh niên tình nguyện....

Giá vải thiều bán tại TP Bắc Giang hôm nay dao động từ 20 - 35 nghìn đồng/kg.

Thông tin từ chợ đầu mối Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, sản lượng tiêu thụ đến thời điểm này tại đây là hơn 18 nghìn tấn với mức giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Đánh giá của cơ quan chuyên môn, giá vải thiều xuất khẩu qua các cửa khẩu năm nay nhìn chung ổn định. Theo đó, vải thiều qua các cửa khẩu của Lạng Sơn giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg; qua các cửa khẩu Lào Cai giá từ 35.000 - 45.000 đ/kg.

Ngọc Hân

Đồng Nai: Măng cụt Long Khánh mất mùa nặng nhất trong nhiều năm qua

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Vụ trái cây năm nay, hầu hết các loại trái cây ở TX. Long Khánh (Đồng Nai) năng suất đều giảm hơn so với năm trước. Đặc biệt là đối với cây măng cụt có nhiều nhà vườn năng suất giảm đến 90%, gây thất thu nặng cho nông dân.

Xuân Lập là xã có gần 100 hécta măng cụt. Năm nay hầu hết các vườn măng cụt ở Xuân Lập năng suất đều giảm, có những vườn thu hoạch chỉ bằng, 1/10 năm trước. Như năm trước, hộ ông Lê Bá Tòng ở ấp Phú Mỹ thu khoảng 30 tấn trái, thế nhưng năm nay chỉ thu được khoảng 3 tấn. Ông Đỗ Văn Ánh cũng ở ấp Phú Mỹ, năm trước thu được khoảng 2 tấn thì năm nay ước chừng thu khoảng 2 tạ.

Theo nhiều nông dân, năng suất của cây măng cụt phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Vì thế, với tình hình thời tiết ngày càng diễn biến thất thường như những năm gần đây thì nông dân sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Quốc Tuấn

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop