Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 07 năm 2017

Cây sachi bén đất Đông Thanh

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ông Chữ Văn Xoa (57 tuổi) ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng được xem là hộ dân đầu tiên mạnh dạn đưa cây sachi về địa phương trồng thương phẩm. Hiện vườn sachi rộng 3.000 m2 của gia đình ông đang ra trái chi chít, hứa hẹn một vụ bội thu.

Ông Chữ Văn Xoa bên vườn sachi. Ảnh: V.Báu

Trước đây, gần như hầu hết các hộ trong thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh và gia đình ông Xoa lấy cây cà phê làm kinh tế chủ lực. Trên 1ha đất trồng cà phê, làm lụng quanh năm nhưng vợ chồng ông Xoa cũng chỉ đủ ăn, thậm chí thâm hụt nếu vụ đó cà phê mất mùa. Cách đây 2 năm, gia đình ông Chữ Văn Xoa có một quyết định táo bạo, phá bỏ vườn cà phê đang vào thời kỳ cho ra trái tốt nhất để chuyển sang trồng cây dược liệu.

Ông Xoa chia sẻ, sau khi được dự lớp tập huấn của khuyến nông xã, thấy trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao hơn cà phê nên ông đã về bàn bạc với vợ, con, chuyển một phần cây cà phê sang trồng sachi. Một năm sau, gia đình ông Xoa phá bỏ hết diện tích cà phê còn lại để trồng cây sâm quy, đan sâm, đương quy. Hiện nay, toàn bộ diện tích 1ha đất của gia đình ông Xoa đều đã được chuyển sang trồng các loại cây dược liệu. Ông Xoa cho biết, cây sachi rất phù hợp với vùng đất Đông Thanh, từ khi xuống giống tới nay, vợ chồng ông chưa lần nào phải sử dụng thuốc để bơm xịt vì cây hầu như không có bệnh. Cây sachi được trồng theo hàng như cách trồng chanh dây, cây cũng leo trên giàn. Tổng đầu tư để trồng sachi vào khoảng 40 triệu đồng/sào, bao gồm giàn leo, giống và phân bón (chủ yếu phân chuồng). Loại cây trồng này trồng được 2 năm thì bắt đầu cho ra trái. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sachi cho thu hoạt liên tục trong vòng 20 năm mới phải phá bỏ. Năm nay, 3.000 m2 sachi của gia đình ông Chữ Văn Xoa đồng loạt ra quả sai chi chít từ gốc lên ngọn, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Hiện giá sachi khô trên thị trường là 60.000 đồng/kg và vườn sachi của gia đình ông Xoa đã có người tới đặt mua. Ông Trần Ngọc Huân, cán bộ khuyến nông xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà cho biết, cây sachi là loài thực vật họ thầu dầu xuất xứ từ Nam Mỹ. Axit Omega-3 chứa trong hạt sachi được cho là có 48%-54%, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên…

Hiện tại, trên địa bàn xã Đông Thanh vẫn đang còn rất khiêm tốn. Thời gian gần đây thấy trồng cây sachi cho hiệu quả kinh tế cao nên một số gia đình tại địa phương mới bắt đầu mua giống về trồng. Theo thống kê, trên địa bàn xã Đông Thanh hiện có khoảng 10ha cây dược liệu các loại. Việc đưa các loại cây dược liệu về gieo trồng đã giúp nhiều gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không còn hoàn toàn phụ thuộc vào cây cà phê và mở rộng triển vọng nâng cao kinh tế gia đình.

Văn Báu

Hồ tiêu rớt giá: Vườn ươm ế ẩm!

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Các năm trước, thời điểm này rất đông người dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk “rồng rắn” kéo nhau đi Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông để săn tiêu giống về trồng do các vườn ươm trong tỉnh không cung ứng đủ. Nhưng năm nay, hầu hết các chủ vườn ươm tiêu giống như ngồi trên đống lửa vì không có khách mua.

Thưa thớt người mua

Đến thời điểm này, hầu hết chủ các vườn ươm trên địa bàn tỉnh “đứng ngồi không yên” vì tiêu giống không có ai mua, nhất là những vườn lỡ “vung tay” đầu tư quá lớn vào tiêu giống (từ 70 – 130 vạn cây) vì nghĩ sức mua vẫn ổn định như năm ngoái. Anh Văn Bá Xuân, chủ vườn ươm Bá Xuân (thôn 8, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) buồn rầu, không chỉ vườn ươm gia đình anh mà hầu hết các vườn ươm khác tại Hòa Thắng đều đứng ngồi không yên vì tiêu giống chưa biết bán cho ai. Cuối năm 2016, anh vào Đồng Nai mua 5 tấn giống tiêu lươn về ươm bầu, với giá khoảng 100 triệu đồng, chưa kể công cán cắt giống, tiền vận chuyển. Dự đoán tiêu giống sẽ bán chạy như năm trước, anh thuê nhân công thời vụ đóng hơn 100.000 bầu, sau mấy tháng, tiêu phát triển nhanh, đến mùa mưa những tưởng bán chạy hàng, ai ngờ mới chỉ được vài nghìn bầu. Tương tự, tại vườn ươm Ngọc Duân (thôn 11, xã Hòa Thắng) năm nay đầu tư 50.000 bầu tiêu, hiện mới chỉ bán được khoảng 2.000 bầu, chủ yếu chỉ bán rộ trong tháng đầu mùa mưa; còn nay đã vào giữa mùa mưa mà hầu như không ai đến hỏi. Chị Phan Thị Ngọc, chủ vườn ươm cho hay, năm ngoái, chưa đến mùa mưa đã có hàng chục khách đến đặt cọc tiền trước để mua giống, còn năm nay, lượng người hỏi mua giống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vắng khách mua, kéo theo giá tiêu giống rớt thê thảm, đầu mùa mưa chủ vườn còn bán được mỗi bầu từ 4.000 – 5.000 đồng, thì nay chỉ dao động từ 1.500 – 2.000 đồng/bầu.

Gần 50.000 bầu tiêu tại vườn ươm Ngọc Duân (thôn 11, xã Hòa Thắng) vắng bóng khách mua.

Theo các chủ vườn ở xã Hòa Thắng, do không dự đoán được tình hình nên đa số vườn ươm năm nay đầu tư nhiều cho tiêu giống nhưng lại không bán được, hiện có nhiều vườn đã phải thuê người nhổ bỏ toàn bộ vì không còn vốn để nuôi và nếu không bán được, đến cuối mùa mưa tiêu giống phát triển cao cũng không ai mua…

Chuyển hướng đầu tư

Trái ngược với sự ế ẩm của tiêu giống thì cà phê giống lại “cháy” hàng, không vườn ươm nào có đủ hàng để bán. Theo chủ vườn ươm Huệ Phú (thôn 11, xã Hòa Thắng), trong khi 30.000 bầu tiêu chỉ bán được có 10.000 thì 70.000 cây cà phê giống đã bán hết từ lâu, thậm chí cây mới 3 cặp lá đã được khách hàng hỏi mua (bình thường phải đến 5 – 6 cặp lá khách mới mua). Do vậy nên giá cà phê giống cũng tăng gấp đôi so với năm ngoái (giá bán hiện từ 3.000 – 4.000 đồng/cây). Vườn ươm Ngọc Duân năm nay chỉ ươm 30.000 cây cà phê giống đã bán hết từ đầu vụ, với giá 3.000 đồng/cây. Hiện có rất nhiều khách hàng hỏi mua nhưng không còn để bán.

Theo thông tin từ các khách hàng mua cây giống, do giá tiêu giảm sâu khiến nhiều nông dân e ngại phát triển diện tích, thậm chí có không ít hộ đã đào hố trồng tiêu nhưng thấy giá tiêu không ổn lại chuyển sang trồng cà phê. Chị Nguyễn Thị Hồng, xã Ea Toh (huyện Krông Năng) cho hay, trước mùa mưa gia đình đã chặt 3 sào cà phê để trồng thuần tiêu, tuy nhiên, thấy giá tiêu giảm sâu nên gia đình lại chuyển hướng trồng xen cà phê với tiêu và một số loại cây ăn quả. Để tiết kiệm chi phí, gia đình chị chỉ mua trụ gỗ bạch đàn làm trụ chứ không dùng trụ xi măng như những năm trước.

Phòng NN – PTNT huyện Ea Kar cho biết, diện tích cà phê trên địa bàn đang có dấu hiệu tăng, hiện đã lên 8.000/7.000 ha kế hoạch, trong đó diện tích trồng mới tái canh khoảng 350 ha. Nguyên nhân là do giá tiêu giảm mạnh cộng với nhiều diện tích tiêu trên địa bàn bị chết do ngập úng và sâu bệnh hại, trong khi giá cà phê hiện khá ổn (trên 40.000 đồng/kg) nên nông dân chuyển hướng đầu tư vào cà phê hoặc trồng xen cà phê với tiêu...

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, diện tích cà phê năm 2016 là 203.737 ha, trong đó trồng mới 4.578 ha, tăng 380 ha so với năm 2015. Sở khuyến cáo nông dân không nên chạy theo vòng xoáy “chặt, trồng”, mà nên sản xuất theo hướng bền vững, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tiếp cận với những thị trường khó tính đem lại giá trị gia tăng cao.

Minh Thuận – Hoàng Tuyết

Vụ lúa thu đông: Cần chủ động ứng phó với thời tiết, dịch hại

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Nông dân tại TP Cần Thơ và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang bước vào vụ lúa thu đông năm 2017. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất cho vụ lúa này, các địa phương cần chủ động ứng phó với thiên tai và các loại dịch hại; tích cực áp dụng các giải pháp nhằm giảm tối đa giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để đầu ra thuận lợi.

Cảnh giác mưa lũ, triều cường

Trình diễn cách sử dụng chế phẩm sinh học Biorat để diệt chuột tại một ruộng lúa ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt.

Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ hè thu 2017 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2017 tại Đông Nam bộ và ĐBSCL, Cục Trồng trọt đề xuất tổng diện tích gieo trồng lúa vụ thu đông 2017 tại ĐBSCL là 832.000ha, tăng 7.071ha so với năm 2017. Các địa phương cần theo dõi diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa hè thu 2017 để có kế hoạch cụ thể cho vụ thu đông 2017. Đồng thời, lưu ý chủ động chuẩn bị cho vụ sản xuất lúa đông xuân 2017-2018 và các vụ lúa của năm 2018. Khi bố trí thời vụ cho lúa thu đông 2017, các địa phương cần lưu ý đến thời diểm xuống giống chính vụ lúa đông xuân 2017-2018 (dự kiến gồm 2 đợt chính: từ 20 đến 30-11-2017 và từ 20 đến 3-12-2017), căn cứ vào thời điểm xuống giống hằng năm, dự báo khả năng di trú của rầy nâu và khả năng xâm nhập mặn sớm. Từ vụ hè thu sang thu đông, cần có thời gian giãn cách và làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt để tiêu hủy rơm rạ và các nguồn sâu bệnh, tránh lúa bị ngộ độc hữu cơ. Quan tâm sử dụng các giống có khả năng chống chịu với rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống lúa có độ cứng cây để hạn chế lúa đổ ngã. Sử dụng phân bón trong vụ thu đông ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng phải lưu ý bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão. Trong canh tác và chăm sóc, cần lưu ý tránh để tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong lúa gạo hàng hóa nhằm đảm bảo tốt chất lượng lúa gạo xuất khẩu. Trong vụ thu đông, vụ mùa 2017, đáng lưu ý nhất là khả năng xảy ra ngập sớm ở ĐBSCL. Vì vậy, các địa phương cần rà soát hệ thống đê bao, bờ bao và xây dựng phương án chủ động ứng phó để bảo vệ sản xuất.

Theo các dự báo và nhận định gần đây của các cơ quan khí tượng thủy văn và Tổng cục thủy lợi thuộc Bộ NN&PTNT, mùa mưa năm 2017 ở Nam bộ có khả năng sẽ kết thúc sớm. Tuy nhiên, trong thời kỳ từ tháng 6 đến tháng 8-2017, lượng mưa tại vùng Nam bộ phổ biến cao hơn khoảng 30% so với trung bình nhiều năm (TBNN); đến tháng 10 thấp hơn khoảng 30% so với TBNN. Ở ĐBSCL lũ ở thượng nguồn sông Mekong và đầu nguồn sông Cửu long có khả năng đến sớm hơn so với TBNN. Đến cuối tháng 7-2017, mực nước đầu nguồn sông Cửu long tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức 2,5-3,0m, nguy cơ xảy ra ngập lụt ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng (Long An) và một số vùng ven sông, ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động II đến báo động III (sông Tiền tại Tân Châu 4-4,5m, sông Hậu tại Châu Đốc 3,5-4m), thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10-2017. Năm nay, xâm nhập mặn ít có khả năng xảy ra trên diện rộng nhưng cần đề phòng xâm nhập mặn bất thường ở khu vực ven biển Tây vào tháng 7 như đã từng xảy ra năm 2015.

Quan tâm phòng chống dịch hại

Theo Viện lúa ĐBSCL, vụ lúa hè thu 2017 tương đối thuận lợi, ít sâu bệnh đối với các trà lúa xuống giống sớm. Tuy nhiên, với những diện tích gieo sạ muộn sẽ ảnh hưởng của mưa lớn liên tục, nhiệt độ cao nên một số dịch hại đã bộc phát và đang gây hại, như: rầy nâu, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh đạo ôn và đặc biệt là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã xuất hiện trở lại cục bộ ở một số trà lúa hè thu muộn. Vì vậy, triển khai sản xuất lúa thu đông 2017, các địa phương vùng ĐBSCL cần lưu ý phòng tránh các loại dịch hại như chuột, ốc bươu vàng, cỏ dại, lúa cỏ… Nông dân cần quan tâm áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, "1 phải, 5 giảm", ruộng lúa bờ hoa… để khống chế khả năng bộc phát dịch hại.

Nông dân huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang thực hiện vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ lúa thu đông 2017.

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cho biết, rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã tái bộc phát từ giữa vụ hè thu 2017 sau hơn 10 năm khống chế tốt dịch hại. Hiện đã có hơn 7.383ha lúa hè thu 2017 bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, tăng 7.354 ha so với cùng kỳ năm trước. Bệnh xuất hiện ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang và Sóc Trăng. Tỷ lệ rầy nâu mang virus truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn là tại nhiều địa phương cũng khá cao. Đây là nguy cơ lớn ngay từ đầu vụ cho lúa thu đông và lúa vụ mùa 2017 nếu không thực hiện tốt những giải pháp quản lý kịp thời và hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu và khuyến cáo nông dân ĐBSCL chỉ nên sử dụng lượng lúa giống từ 80-120 kg/ha, nhưng có nhiều nông dân sử dụng vượt mức này rất nhiều, vừa lãng phí lúa giống, vừa tạo thuận lợi cho các loại dịch bệnh dễ phát sinh. Để giảm giá thành sản xuất, các địa phương cần tăng cường khuyến cáo nông dân ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú ý giảm lượng giống, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách và sử dụng phân bón phù hợp…

Nhiều vụ sản xuất lúa vừa qua, TP Cần Thơ là 1 trong 5 địa phương có giá thành sản xuất lúa thấp nhất tại ĐBSCL. Giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 2017 trung bình tại thành phố là 3.484 đồng/kg, trong nhiều địa phương khác ở mức 4.192-5.192 đồng/kg. Đạt được kết quả này là do ngành nông nghiệp thành phố quan tâm hỗ trợ và hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất gắn với ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, thực hiện các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, áp dụng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", bón phân xịt thuốc theo bảng so màu lá lúa và "4 đúng"… Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN& PTNT TP Cần Thơ, vụ thu đông 2017 thành phố có kế hoạch xuống giống 52.600ha lúa và hiện nông dân đã gieo trồng được hơn 59.000 ha, dự kiến diện tích lúa thu đông năm nay có thể đạt gần 70.000 ha.

Theo ông Nguyễn Kiệt, Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong nửa cuối tháng 6 và tháng 7-2017, ở đầu nguồn sông Cửu long sẽ có những đợt nước lên trên sông Cửu long, đến cuối tháng 7-2017 mực nước tại Tân Châu có khả năng ở mức dưới 2,5m nhưng cao hơn cùng kỳ 2016 khoảng 0,5-0,6m. Trong tháng 8 và tháng 9, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu long sẽ lên dần đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu, châu Đốc có khả năng đạt xấp xỉ mức BĐII, xuất hiện trong nửa đầu tháng 10 (BĐII tại Tân Châu 4,0m, tại Châu Đốc 3,5m). Đối với hạ lưu sông Cửu long, triều cường sẽ lên cao vào tháng 10, 11-2017, đỉnh triều cường tại các trạm chính hầu hết cao hơn mức BĐIII từ 0,1-0,2m: tại Mỹ Thuận (Sông Tiền) 1,9-2m; Cần Thơ (Sông Hậu) 2-2,1m.

Năm nay, dự báo lũ về sớm và cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT khuyến cáo toàn vùng ĐBSCL cần kết thúc xuống giống lúa thu đông 2017 vào ngày 20-8 và tối đa là 30-8-2017.

Khánh Trung

Giá mủ giảm, cao su tiểu điền gặp khó

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Ngày 30-6, Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh (Bình Phước) thu mua mủ cao su tư nhân tại Nhà máy chế biến mủ Lộc Hiệp với giá 265 đồng/độ TSC, tại khu vực Đồn biên phòng Tà Nốt là 260 đồng/độ. So với tháng 5 giá mủ giảm 40-45 đồng/độ. Mùa thu hoạch mủ năm nay ở khu vực tiểu điền đến muộn gần 1 tháng do mưa trái mùa xảy ra thường xuyên.

Điều đáng nói, giá mủ giảm nhưng vật tư nông nghiệp, công lao động thu hoạch mủ lại tăng 15-20% so với năm 2016. Đặc biệt giá chén hứng mủ (loại sành) tăng đến 300-400%. Cụ thể, năm trước giá chén chỉ 1.600-2.000 đồng/cái, năm nay tăng lên 4.000-5.000 đồng/cái, từ tháng 5 đến tháng 6 lên tới 6.000-7.500 đồng/cái nhưng cũng không đủ bán. Giá chén tăng đột biến theo các đại lý vật tư nông nghiệp là do năm nay Lào, Campuchia đồng loạt khai thác mủ nên cần lượng chén rất lớn từ Việt Nam xuất khẩu sang. Mặt khác, hiện có rất nhiều lò sản xuất chén ở Bình Dương đóng cửa do ô nhiễm môi trường, chỉ còn lại ít lò đang hoạt động. Hơn nữa, nhiều người nghĩ rằng giá mủ cao su năm 2017 vẫn giữ được ổn định, vì vậy đã đẩy giá vật tư, công lao động tăng theo.

Khó khăn của cao su tiểu điền năm nay là khan hiếm công nhân cạo mủ. Bà Nguyễn Thị Hẹ ở phường Tân Xuân (Đồng Xoài) có 2 ha cao su năm thứ 10, cho biết, công cạo mủ (cạo, trút) là 250 đồng/cây nhưng rất khó kiếm người. Đầu mùa tất cả hộ có vườn cây cao su đều đôn đáo kiếm công cạo mủ...

P.Thảo

Rối bời khoai mỡ héo dây

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Nhiều hộ dân trồng khoai mỡ ở xã Long Mỹ (Mang Thít, Vĩnh Long) rũ rượi vì khoai mỡ mắc phải bệnh lạ làm héo lá, héo dây. Người dân đã tốn nhiều tiền phun thuốc nhưng bệnh trên khoai mỡ chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí đang lan rộng.

Khoai mỡ bị bệnh héo dây có màu xám đen.

Nhiều ruộng khoai mỡ của người dân ở ấp Long Hòa 2 (xã Long Mỹ - Mang Thít) đang độ 3,5 tháng tuổi, sẽ cho thu hoạch vào khoảng tháng 9âl. Tuy nhiên, người dân nơi đây đang phải chống chọi với căn bệnh gây héo dây khoai mỡ xuất hiện thời gian gần đây.

Ba công khoai mỡ của ông Đào Văn Nghĩa (ấp Long Hòa 2) bị lốm đốm da beo vì khoai nhiễm bệnh. Chỉ tay về phía xa, ông cho biết chỉ nhìn sơ thôi cũng đã thấy những mảng khoai bị bệnh tấn công có màu xám đen. Quả thật, khoai mỡ nhiễm bệnh thì lá và dây đều bị khô quéo và ngả màu đen sậm.

Theo ông Nghĩa, khi khoai hơn 3 tháng tuổi thì bệnh xuất hiện, ban đầu với những mảng nhỏ và lan rộng nhanh chóng. Ông đã mua thuốc và phun 6- 7 đợt nhưng vẫn không ngăn chặn được bệnh, trái lại còn lây lan khá nhanh.

Gần đó là 9 công khoai của ông Nguyễn Văn Đức cũng đang bị nhiễm bệnh khá trầm trọng. Ông Đức đã tốn cả chục triệu đồng tiền thuốc để cứu ruộng khoai mỡ nhưng xem ra không kết quả, nhiều khả năng mất trắng.

Người dân đã thử phun xịt nhiều loại thuốc khác nhau với nhiều đợt phun nhưng bệnh trên khoai mỡ vẫn chưa được ngăn chặn.

Cùng chung cảnh ngộ, bệnh cũng tấn công ruộng khoai mỡ của anh Trần Thành Tấn (cùng ngụ ấp Long Hòa 2). Anh Tấn cho biết, bệnh xuất hiện trên khoai mỡ trắng rồi dần lan sang khoai mỡ tím.

Năm trước, ruộng khoai mỡ của anh Tấn cũng có xuất hiện bệnh này nhưng chỉ sau một lần phun thuốc là bệnh được chặn đứng ngay.

Còn năm nay, mặc dù anh Tấn và nhiều hộ trồng khoai lân cận đã thử nhiều loại thuốc khác nhau để phun xịt nhưng bệnh vẫn cứ lây lan ngày một nặng thêm.

Cũng theo anh Tấn, những ruộng khoai được chăm sóc tốt, lá xanh tươi thì bệnh tấn công càng dữ, tốc độ lây lan càng nhanh. Chỉ với một khoảnh nhỏ ban đầu thì bệnh có thể lây lan ra cả công khoai chỉ sau một ngày đêm. Thời tiết mưa gió thất thường cũng khiến bệnh lây lan nhanh hơn.

Ở ấp Long Hòa 2, anh Nguyễn Thành Vinh được biết đến là người chuyên thuê đất trồng khoai mỡ và hiện là Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất khoai mỡ xã Long Mỹ.

Hiện ruộng khoai mỡ của anh cũng xuất hiện bệnh này. Theo anh Vinh, bệnh trên khoai nhiều khả năng do thời tiết thất thường, nắng nóng rồi mưa nhiều khiến khoai mỡ dễ nhiễm bệnh. Tình trạng bệnh hiện nay khiến khoai mỡ giảm năng suất là điều khó tránh khỏi.

Mặc dù khoai mỡ đầu vụ có giá khá cao nhưng diện tích cho thu hoạch chưa nhiều. Ông Huỳnh Hoàng Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Long Mỹ- cho biết, nhiều hộ xuống giống sớm đã cho thu hoạch, khoai mỡ đầu vụ được thương lái thu mua với giá 9.200 đ/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Người dân chưa kịp mừng vì khoai mỡ đầu vụ có giá thì nhiều người trồng khoai đang rối bời vì khoai nhiễm bệnh. Theo nhiều hộ dân, hiện tiền thuốc trị bệnh cho khoai đã đội chi phí lên rất cao.

Lê Sơn

700 đồng một lá tía tô xuất sang Nhật

Nguồn tin: VNExpress,

Loại tía tô màu xanh được chọn lọc từng lá với kích cỡ bằng nhau, không rách nát khi xuất khẩu sang Nhật Bản có giá 500-700 đồng mỗi lá.

Trao đổi với VnExpress, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết đơn vị này vừa có những lô hàng đầu tiên xuất khẩu lá tía tô xanh (tía tô mùi tây) sang Nhật Bản. Theo đó, giá bán mỗi chiếc lá tía tô vào nhà hàng Nhật Bản có giá lên tới 500-700 đồng.

Vị này cho biết, đây là loại lá tía tô giống của Nhật Bản, lá màu xanh, không phải loại lá tím thường thấy ở Việt Nam. Đại diện May Hồ Gươm cho biết, để đủ điều kiện xuất khẩu, công ty đã khảo sát địa điểm, nguồn nước, chất đất, xây nhà kính và áp dụng quy trình gieo trồng, sản xuất nghiêm ngặt theo kỹ thuật, công nghệ và chuyên gia Nhật Bản. Bên cạnh yêu cầu khắt khe về kỹ thuật khi trồng, các lá tía tô còn phải được thu hoạch đúng ngày tuổi và có kích cỡ đều tăm tắp, không được rách, nát. Với những lá để quá lứa phải hái bỏ.

Hiện nay, mỗi ngày công ty này xuất khẩu sang Nhật vài chục nghìn lá, đồng thời phải đặt riêng một chỗ với hãng hàng không để đảm bảo ngày nào cũng có sản phẩm xuất sang Nhật Bản.

Theo tính toán, nếu áp dụng đúng theo quy trình này thì một ha trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, cho doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng, nhất là sản phẩm rau sạch, an toàn này đều được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Đơn vị này xây dựng trang trại trồng lá tía tô ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh có trên diện tích 11,3 ha, với tổng số vốn khoảng 150 tỷ đồng được triển khai từ giữa năm 2016. Trong đó, bên cạnh 8,2ha nhà kính còn có các công trình phụ trợ khác, như: nhà xưởng, ao hồ, đường đi, cây xanh…

Minh Châu

Trồng rau treo thẳng ở Định Farm

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Không chỉ riêng dưa pepino mà còn có cả chục loại rau mới lạ khác, được Định Farm canh tác bằng kỹ thuật treo thẳng của Israel. Mỗi ngày Định Farm thu hoạch đều đặn từng loại “sản phẩm treo thẳng”, bán tại chỗ cho khách tham quan và chuyển đến các siêu thị trong nước.

Chủ nhân Định Farm trong vườn rau treo thẳng theo phương pháp Israel. Ảnh: V.Việt

Rễ bám vào đất, thân cây treo thẳng

Lần đầu tiên đến được Định Farm, tôi như lạc vào rừng thông bên hồ Chiến Thắng, Đà Lạt. Nghe vậy, chủ nhân Nguyễn Định (31 tuổi) nói: “Khách du lịch vào Định Farm lần đầu cũng vậy. Nhưng lần sau quen đường, khách vẫn tranh thủ chụp hình rừng thông trước hoặc sau khi tham quan, thưởng thức tại chỗ và mua các nông phẩm của Định Farm mang về…”.

Thực ra khách du lịch bắt đầu biết đến điểm tham quan miễn phí Định Farm, tọa lạc bên rừng thông hồ Chiến Thắng từ những tháng cuối năm 2015 với sản phẩm dưa pepino giống gốc Nam Mỹ, sinh trưởng ở vùng khí hậu ôn hòa Đà Lạt tạo ra hương vị thơm ngon khác lạ.

Đến nay Định Farm vẫn duy trì 5.000 cây (2.000 m2) dưa pepino kinh doanh, thu hoạch mỗi ngày từ 100 - 150 kg bán hết nhanh cho khách tham quan và khách phương xa đặt hàng.

Điểm đặc biệt ở cây trồng pepino thử nghiệm thành công ở Định Farm là trồng trong nhà kính, chăm sóc gốc cây tỏa rễ bám trực tiếp xuống đất, lấy dinh dưỡng nuôi thân cây treo thẳng lên cao từ 3,5 - 4 m.

Từ đó, Định Farm nhân rộng phương pháp chăm sóc treo thẳng cả chục loại rau trồng luân canh trong nhà kính, mở rộng diện tích đến nay khoảng 5.000 m². Tháng 6/2017, vào trong cánh cửa Định Farm tham quan xuất phát với những luống cà chua baby siêu ngọt, trồng treo thẳng gần 50 ngày đang nở hoa vàng rực ở luống bên này, đồng thời đậu những hàng trái xanh non bằng đầu ngón tay ở luống cây bên kia. Bên dưới đắp từng luống đất phủ màng ni lông, chừa ra từng hàng ô tròn làm bồn cho cây bám rễ. Định dự đoán, chừng nửa tháng tới, cà chua sẽ thả đọt kéo thẳng lên gần một mét nữa, chính thức bước vào thời điểm thu hoạch liên tục đến một năm sau đó.

Tiếp theo gồm những hàng dưa leo baby Hà Lan 1.000 cây mới trồng 20 ngày, đang phát triển chiều cao hơn một gang tay, bò leo theo đường dây kéo thẳng lên gần đỉnh chóp nhà kính. “Lứa trước, những luống đất luân canh từ cà chua beef đến 8 giống dưa leo Hà Lan trái lớn, từng cây đều cắt cành tỉa tán, treo thẳng lên cao, tạo không khí thông thoáng cho cây hấp thu đủ lượng ánh sáng, nhiệt độ trong nhà kính, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm đạt cao hơn….” - Định giải thích.

Tham quan giáp một vòng, khách tôi “mãn nhãn” từ luống rau dài ngày này đến luống rau dài ngày khác với nhiều chủng loại mới lạ, sinh trưởng theo từng thời gian xuống giống cách xa nhau trong năm, trong tháng, nhưng cùng chung một phương pháp canh tác treo cây thẳng hàng, thẳng lối. Đó là những hàng cây ớt chuông 4 tháng tuổi trên diện tích 1.000 m², một tuần thu hoạch và tiêu thụ 300 - 400 kg. Hoặc 300 cây cà chua dâu gieo trồng 3 tháng, đang vào thời điểm thu hoạch đầu vụ, mỗi ngày hơn 10 kg; cà chua beef 1.000 cây trồng 3 tháng, thu hoạch cả năm, sản lượng trung bình 5 kg/cây; ớt sừng 400 cây thu hái 10 - 15 kg/ngày. Ngoài ra còn có các loại cải khổng lồ, cải cầu vồng, chăm sóc 60 ngày có thể thu hoạch liên tục đến một năm sau…

Phân hữu cơ bên dưới, bẫy sinh học bên trên

Sau 5 năm tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp và làm việc trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở thành phố Hồ Chí Minh, nam thanh niên 8X Nguyễn Định tích lũy kiến thức và thực tiễn trở về quê hương Đà Lạt khởi nghiệp xây dựng thương hiệu Định Farm. Tháng 9/2015, Định Farm trình làng ấn tượng với sản phẩm dưa pepino chăm sóc với phương pháp treo thẳng, sau đó đúc kết kinh nghiệm nhân rộng cả chục loại rau nêu trên.

Để đạt năng suất và chất lượng cao từ phương pháp canh tác treo thẳng cây rau lên cao, kỹ sư Nguyễn Định phải kết hợp đồng bộ các giải pháp sinh học về cải tạo đất, bón phân hữu cơ, lắp đặt bẫy dẫn dụ côn trùng và trồng các rau mùi đối kháng xua đuổi sâu bệnh gây hại. Chẳng hạn, Định chia sẻ: “Phần diện tích đất cứ sau một năm canh tác, phải được cày xới tơi xốp, bón lót phân hữu cơ chế biến từ vỏ cà phê, nhằm tạo môi trường độ ẩm thích hợp cho khả năng sinh sôi trở lại của các loài sinh vật có lợi…trong thời gian trên dưới 30 ngày trước khi gieo trồng lứa rau mới, đảm bảo chăm sóc trên nền đất dinh dưỡng bền vững…”.

Hiện tại 5.000 m² diện tích đa chủng loại rau canh tác treo thẳng của Định Farm Đà Lạt đều được cấp chứng nhận VietGAP, ước mỗi năm thu lãi bạc tỷ đồng. Chủ nhân trẻ Nguyễn Định đang liên kết với người thân quen tiếp tục áp dụng phương pháp trồng rau treo thẳng của Israel trên diện tích 5 ha nhà kính ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.

Văn Việt

Nỗi lo dịch bệnh trên cam sành

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trong vài năm gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang diễn ra khá mạnh mẽ. Nhiều diện tích mía, vườn tạp kém hiệu quả được nông dân chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, trong đó có cây cam sành. Tuy nhiên, việc lựa chọn cây giống không rõ nguồn gốc, cùng với chuyển đổi ồ ạt, thiếu định hướng làm cho hàng trăm héc-ta bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ.

Không còn cách nào khác, ông Thọ buộc phải đốn bỏ những cây cam nhiễm bệnh để ngừa bệnh lây lan.

Cách đây 3 năm, khi xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, phát động phong trào chuyển đổi cây trồng thì ông Nguyễn Văn Thọ, ở ấp Mỹ Hưng đã mạnh dạn chuyển đổi 5 công đất mía để trồng gần 1.000 cây cam sành. Thay vì hy vọng “hốt bạc” như nhiều nhà vườn khác thì ông Thọ đang phải đốn bỏ dần diện tích cam trong vườn, bởi những cây cam của gia đình đang cho trái bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh trên 50%. Ông Thọ cho biết: “Cam trồng một, hai năm đầu rất tốt, cây xanh tán rộng. Nhưng đến năm thứ ba khi bắt đầu cho trái thì cây có dấu hiệu chựng lại, lá xuất hiện những vân xanh ngày một nhiều. Ban đầu chỉ có một vài cây, sau đó lan rộng ra gần hết vườn và cây bắt đầu chết. Vườn cam của tôi đến nay đã đốn gần 200 gốc”.

Ông Thọ cũng cho biết trước đây khi thấy nhiều người dân trong xóm mua cây giống dưới ghe bán dạo thì gia đình cũng mua theo. Giá bán những cây này thường rẻ hơn các điểm bán cây giống tập trung từ 1.000-2.000 đồng/cây. Do bao nhiêu vốn liếng đã đầu tư vào vườn cam này, giờ bệnh không thu lại được gì nên gia đình rất khó khăn.

Không riêng trường hợp của ông Thọ, mà theo thống kê của ngành chức năng, trong khoảng 3 năm qua toàn huyện Phụng Hiệp có trên 1.000ha cam nhiễm bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ nên người dân đã đốn bỏ nhiều diện tích. Hiện tại, huyện Phụng Hiệp có gần 3.300ha cam thì cũng có đến 150ha đang nhiễm bệnh, phần lớn là diện tích mới trồng từ 3-5 năm tuổi. Bệnh đang tiếp tục gia tăng mạnh tại các địa phương như xã Tân Long, Hiệp Hưng, thị trấn Búng Tàu...

Như trường hợp của anh Nguyễn Thanh Sang, trồng hơn 600 gốc cam sành tại thị trấn Búng Tàu, khi cam được 5 năm tuổi thì bắt đầu nhiễm bệnh nên anh đành làm theo phong trào hiện nay là chích một loại thuốc vào cây với hy vọng phục hồi vườn cam của gia đình. Anh Sang cho biết: “Nghe bạn bè giới thiệu, gia đình quyết định đầu tư thêm ít tiền với hy vọng phục hồi lại vườn cam, thu hoạch thêm 1-2 vụ nữa sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác”.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Hai loại bệnh đang phổ biến trên cây có múi ở Phụng Hiệp hiện nay là vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ. Đối với bệnh vàng lá gân xanh chủ yếu là do rầy chổng cánh truyền vi khuẩn, chích từ cây bệnh truyền sang cây không bệnh làm cho bệnh lây lan. Mặt khác, cũng do người dân vì ham rẻ sử dụng nguồn cây giống trôi nổi, với những mắt ghép nhiễm bệnh cũng mang mầm bệnh làm lây lan trên diện rộng. Còn đối với bệnh vàng lá thối rễ là do quá trình chuyển đổi, nông dân lên liếp không đúng kỹ thuật làm cho lượng nước không thể thoát dẫn đến bộ rễ bị thối không hấp thu được dinh dưỡng dẫn đến tình trạng chết dần”.

Cũng theo ông Tự, ngành nông nghiệp huyện đang triển khai giải pháp bằng việc mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng cam. Thông qua những buổi chuyển giao như vậy sẽ hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, lựa chọn cây giống, chăm sóc, cắt tỉa cành, cách thức tiêu hủy những nhánh cây mang mầm bệnh không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Hiện nay, hai loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị nên công tác phòng bệnh là chủ yếu. Với những vườn cam bị nhiễm bệnh, cách làm “chữa cháy” của nhiều nhà vườn hiện nay là thực hiện chích thuốc cho cây để phục hồi sức sinh trưởng. Tuy nhiên, cách làm này được đánh giá là phản khoa học, bởi những hệ lụy của nó mang lại. Chính vì thế rất cần có những động thái tích cực từ ngành chức năng để tiếp sức cho các nhà vườn giúp phục hồi sớm vườn cam bị bệnh.

Thanh Duy

Thơm ngon nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa

Nguồn tin: Báo An Giang

Từ lâu, xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang) nổi tiếng với giống nhãn Mỹ Đức có hương vị thơm đặc trưng. Tuy nhiên, qua nhiều năm, đa số gốc nhãn Mỹ Đức đều bị lão hóa, nên diện tích dần thu hẹp. Đến nay, người dân chỉ giữ lại một vài gốc, để tới mùa cây cho trái làm quà biếu cho bạn bè.

Những năm gần đây, diện tích trồng nhãn Mỹ Đức năm xưa ở Khánh Hòa đã được thay thế bằng giống nhãn xuồng cơm vàng. Giống nhãn mới này chỉ có 1 mùa, cho trái kéo dài từ đầu tháng 5 đến khoảng giữa tháng 7 âm lịch.

Ở Khánh Hòa, nông dân trồng nhãn xuồng cơm vàng chủ yếu tập trung ở 2 ấp Khánh An và Khánh Mỹ, với diện tích khoảng trên 15 héc-ta. Theo nhiều nông dân có kinh nghiệm trồng nhãn cho biết, nhãn khi trồng ở 2 ấp này sẽ cho trái to, cơm dày, vị thơm, ngon hơn nhãn những nơi khác rất nhiều. Chính điều này đã tạo nên thương hiệu cho xứ nhãn Khánh Hòa.

Khi đặt cây giống xuống, khoảng 3 năm sau, nhãn sẽ cho đợt trái đầu tiên. Chính vì thế, người dân tận dụng 2 năm đầu trồng xen các loại rau màu, để “lấy ngắn nuôi dài”.

“So nhiều loại cây trồng khác, thì nhãn xuồng cơm vàng dễ trồng, nhẹ chăm sóc. Đây là loại trái cây sạch, bởi ngoài thuốc dưỡng được xịt từ lúc ra hoa… đến khi đậu trái, thì không sử dụng loại thuốc hóa học nào khác”, anh Đào Phi Hùng, nông dân ấp Khánh An canh tác gần 3 công nhãn xuồng cơm vàng cho biết.

Nhãn xuồng cơm vàng được trồng ở xã Khánh Hòa cho trái to, hạt nhỏ, vị ngọt thanh, có giá khá cao, nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhãn cho trái sớm, thương lái lại tận vườn thu mua giá cao (khoảng 75.000 đồng/kg). Hiện nay, nhãn đang bước vào giai đoạn chín rộ, nên giá còn từ 60.000 – 65.000 đồng/kg.

Năm nào cũng vậy, đợi tới mùa nhãn xuồng cơm vàng, cô Loan - người dân ở ấp Khánh An cũng tranh thủ cân vài chục ký nhãn tại vườn, rồi bày bán ở ven Quốc lộ 91.

“Khách vãng lai từ Long Xuyên lên Châu Đốc hay những nơi khác ưa lắm. Xe du lịch mỗi lần ghé, có người mua đến 3kg, 5kg. Tuy giá hơi cao, nhưng được cái cơm dày, ngọt thanh, trái to gấp đôi loại nhãn khác, nên khách rất "chịu”", cô Loan nói.

Ánh Nguyên

Thanh long vụ mùa đối diện nhiều loại sâu bệnh

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Thời gian gần đây, giá cả thanh long vụ mùa đang ở mức từ 10-13 ngàn đồng/kg nên nông dân các địa phương rất phấn khởi. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường nên tình hình sâu bệnh trên cây thanh long diễn biến phức tạp…

Bỏ trái nuôi cành

Những ngày qua, không khí thu hoạch, thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh khá nhộn nhịp. Nhìn ven các vườn thanh long dọc quốc lộ 1A, những khay nhựa chứa đầy thanh long được xếp thành hàng chờ xuất bán. Anh Tư An - chủ một vườn thanh long ở xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận vừa thu hoạch xong phấn khởi cho biết: “Dù thanh long nhiều sâu bệnh, nhưng thời điểm này được giá nên sản lượng thấp, vẫn có lãi khá hơn so năm ngoái”. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít hộ có lãi khá từ thanh long vụ mùa. Hiện nay, không ít hộ dân khác lại chọn cách bỏ trái nuôi cành để dưỡng cây cho vụ chong đèn. Đơn cử gia đình chị Nguyễn Thị Trang có 200 trụ thanh long trên địa bàn xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc). Mấy năm nay, mỗi năm gia đình chị thu nhập từ những trụ thanh long này được khoảng xấp xỉ vài chục triệu đồng. Riêng vụ mùa năm nay, do thanh long bị đốm nâu nhiều, cây yếu nên anh chị quyết định cắt bỏ trái để nuôi cành. Khi nói về tình hình giá cả thuận lợi hiện nay, chị Trang cho biết: “Các hộ gia đình trong xóm dù biết thanh long bệnh nhưng vẫn cố công chăm sóc để bán kiếm thêm thu nhập, riêng gia đình tôi quyết định bỏ vụ này để cây có sức cho cho vụ chong đèn sắp tới”.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay toàn tỉnh có 27.247 ha, thời kỳ ra hoa chính vụ. Do thời tiết đã chuyển sang mùa mưa nên bệnh đốm nâu có xu hướng gia tăng về diện tích và tỉ lệ bệnh hại. Cụ thể, các loại bệnh đang xảy ra trên cây thanh long là bệnh đốm nâu với diện tích 4.181 ha, so với tuần trước tăng 991 ha và so với cùng kỳ năm 2016 tăng trên 2.000 ha. Bệnh phát sinh gây hại tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, thị xã La Gi, Hàm Tân, TP. Phan Thiết và Tuy Phong. Ngoài ra, bệnh thối rễ, teo tóp cành có diện tích nhiễm 369 ha, phân bố tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, TP. Phan Thiết và thị xã La Gi. Các đối tượng dịch hại khác phân bố rải rác, cục bộ trên toàn vùng trồng thanh long.

Cần chăm sóc, bón phân

Kỹ sư Trần Minh Tân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, tình hình thời tiết hiện nay mưa nắng thất thường nên bệnh đốm nâu, thán thư (đốm đồng tiền), thối đầu trái vi khuẩn sẽ gia tăng trên diện rộng. Do đó, đề nghị bà con áp dụng đúng quy trình phòng trừ tổng hợp (IPM) do Chi cục Bảo vệ thực vật ban hành.

Kỹ sư Tân cho biết thêm, theo thông lệ, khoảng đầu tháng 8 dương lịch (tháng 7 âm lịch) sẽ đến mùa chong điện, nhưng nhiều vườn thanh long hiện nay bị suy kiệt, cỏ dại, dịch bệnh, teo tóp cành…đang diễn ra trên diện rộng, nguy cơ vụ điện sắp tới sẽ khó thành công. Vì vậy, bà con phải tiến hành chăm sóc, bón phân, quản lý dịch bệnh, tăng khả năng hồi phục cho cây khỏe, với hy vọng vụ chong điện sắp tới sẽ thuận lợi. Riêng đối với bệnh đốm nâu trên cây thanh long, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện cần tăng cường theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn; tuyên truyền, phổ biến “Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh đốm nâu hại thanh long” của Cục Bảo vệ thực vật ban hành cho người dân biết và áp dụng. Đối với bệnh thối rễ, teo tóp cành: xử lý nguồn bệnh bằng thuốc BVTV (thuốc trừ nấm + thuốc trừ tuyến trùng) và phục hồi bộ rễ bằng các thuốc kích thích sinh trưởng hoặc các loại phân bón có khả năng kích thích ra rễ. Đối với những cây bị nặng có thể phun thêm phân bón qua lá để hồi phục. Sau khi cây đã phục hồi rễ có thể bón thêm các phân có chứa hàm lượng lân cao như: Super lân, lân nung chảy, lân phosphorite... hoặc bón thêm phân hữu cơ khoáng hay hữu cơ vi sinh, tránh bón phân NPK, vôi với hàm lượng cao dễ gây tổn thương cho rễ mới hồi phục.

K. Hằng

Hỗ trợ chứng nhận GAP cho nông dân trồng cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020, có 10% diện tích các loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; theo đó, trong năm 2017 sẽ hỗ trợ chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP) cho 9 vùng gồm Tân Biên (5 vùng), Tân Châu (2 vùng), TP. Tây Ninh (1 vùng), Dương Minh Châu (1 vùng) trồng cây ăn quả với diện tích từ 250 - 280 ha.

Kiểm tra quá trình sinh trưởng của dưa lưới tại Trung tâm thực nghiệm sinh học kỹ thuật cao (huyện Châu Thành). Ảnh: Nguyễn Tường

Theo Sở NN&PTNT, thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020, diện tích sản xuất một số loại cây ăn quả đặc sản chủ lực đạt như sau: mãng cầu 5.117 ha, chuối 6.000 ha, xoài 3.826 ha, bưởi 1.500 ha, tăng diện tích trồng thơm và một số loại cây ăn quả đặc sản có giá trị cao lên khoảng 3.000 ha. Hiện diện tích trồng chanh dây cũng khá lớn và có xu hướng tăng mạnh do có hợp đồng tiêu thụ và có hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, các thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, trong đó có yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đòi hỏi phải sản xuất theo quy trình GAP, ứng dụng công nghệ cao. Từ thực tế trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ chứng nhận GAP (VietGAP, Global GAP) cho nông dân trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 và định hướng đến năm 2020.

Mới đây, Sở đã ban hành Kế hoạch số 1405/KH-SNN ngày 26.6.2017 về hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt cho nông dân trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh năm 2017.

Mục tiêu của kế hoạch này là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - sơ chế - tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả; hình thành cánh đồng mẫu và thành lập các tổ liên kết sản xuất để cung cấp sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình sản xuất tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng cây ăn quả của tỉnh; hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020, có 10% diện tích các loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; theo đó, trong năm 2017 sẽ hỗ trợ chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP) cho 9 vùng gồm Tân Biên (5 vùng), Tân Châu (2 vùng), TP. Tây Ninh (1 vùng), Dương Minh Châu (1 vùng) trồng cây ăn quả với diện tích từ 250 - 280 ha. Trong đó diện tích chứng nhận GlobalGAP đạt 60 - 80 ha. Các loại cây trồng được chứng nhận gồm chanh dây (130 ha), chuối (60 ha), mãng cầu (50 ha), bưởi (20 ha), xoài (20 ha).

Điều kiện và đối tượng hỗ trợ là nông dân sản xuất các loại cây ăn quả như mãng cầu, bưởi, xoài, chuối, chanh dây... trên địa bàn và cây trồng đang trong chu kỳ bắt đầu làm trái; có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm được ghi trong giấy đăng ký áp dụng GAP và có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn tại địa điểm đăng ký hoặc kế hoạch, dự án đầu tư được sự đồng ý của UBND tỉnh; có diện tích sản xuất tối thiểu 1 ha/hộ và cam kết duy trì sản xuất trong thời gian tối thiểu 2 năm.

Trên cùng một diện tích, người sản xuất chỉ nhận được hỗ trợ chứng nhận một lần (chứng nhận lần đầu hoặc chứng nhận lại).

Mức hỗ trợ gồm: hỗ trợ 100% chi phí phân tích mẫu đất trồng, nước tưới; 100% kinh phí đào tạo, tập huấn thực hiện quy trình GAP và 100% chi phí chứng nhận GAP. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện cho kế hoạch này khoảng 1,1 tỷ đồng.

Từ tháng 5.2017, Sở NN&PTNT đã tiến hành triển khai, chọn điểm và khảo sát, đánh giá điều kiện vùng sản xuất.

Trúc Ly

Xoài cát Hòa Lộc tăng giá trở lại

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Nếu như tháng trước xoài cát Hòa Lộc giảm giá mạnh, có lúc chỉ còn khoảng 18.000-20.000 đồng/kg thì nay đã tăng trở lại. Hiện nay, tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, thương lái cân xoài cát Hòa Lộc tại vườn giá 35.000-40.000 đồng/kg xoài bao trái, 30.000 đồng/kg xoài không bao trái. Vụ này xoài đạt năng suất khá, với giá cả như hiện nay, 1ha trồng xoài có thể cho thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm, nên nhà vườn rất phấn khởi.

Phú Hữu

Xuất khẩu thành công lô vải thiều Lục Ngạn đầu tiên sang Thái Lan

Nguồn tin: Báo Công thương

Sau nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy xuất khẩu trái vải Việt Nam, ngày 30/6 vừa qua, lô hàng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tiên đã chính thức được Central Group Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Thái Lan.

Vải thiều Lục Ngạn chính thức lên kệ hệ thống đại siêu thị Tops, Central Food Hall tại Thái Lan

Đến hôm nay (3/7/2017), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã chính thức được trưng bày lên quầy kệ của hệ thống đại siêu thị Tops, Central Food Hall (chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của Central Group) để giới thiệu đến người dân thủ đô Bangkok (Thái Lan).

Trước đó, trong nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm thông qua xuất khẩu, tháng 7/2016, Central Group Việt Nam đã tổ chức quảng bá trái vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đến người tiêu dùng Thái tại Tuần lễ Việt Nam tại Thái Lan 2016, và tích cực làm việc với đối tác để lên kế hoạch xuất khẩu trái vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang).

Trong dịp khai mạc Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) tại Hà Nội 2017 vừa diễn ra cách đây 2 tuần, Big C Việt Nam và Central Group Việt Nam cũng lần đầu tiên giới thiệu những trái vải thiều Lục Ngạn có thương hiệu riêng, đóng hộp với đủ thông tin: chứng nhận Viet GAP, mã vạch truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, in logo nhãn mác bắt mắt. Đây chính là loại vải thiều được đem xuất khẩu sang Thái Lan trong lần đầu tiên này.

Mặc dù mùa vải năm nay không được nhiều thuận lợi do hạn hán và giá cao, nhưng Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam đã hợp tác thành công với CFR (Central Food Retail, Thái Lan) để lần đầu tiên đưa trái vải Việt Nam tiếp cận thị trường Thái Lan, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng bản xứ.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị nhập khẩu rau quả 6 tháng đầu năm nay ước đạt 655 triệu USD (tương đương 14.890 tỷ đồng), tăng hơn 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặt hàng trái cây chiếm khoảng 507 triệu USD, tương đương 11.525 tỷ đồng. Khoảng hai năm trở lại đây, Thái Lan vượt mặt Trung Quốc để vươn lên ngôi vị dẫn đầu về giá trị xuất khẩu trái cây vào Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam đã chi hơn 376 triệu USD, tương đương 8.560 tỷ đồng để nhập khẩu trái cây từ Thái Lan trong nửa đầu năm nay.

Trong bối cảnh đó, việc Central Group Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu thành công lô hàng vải thiều sang Thái Lan mở ra tín hiệu vui cho người nông dân trồng vải thiều, đồng thời đây cũng là cơ sở để các loại trái cây khác của Việt Nam xuất khẩu ngược trở lại Thái Lan, tận dụng cơ hội các dòng thuế xuất nhập khẩu đã được cắt giảm theo cam kết của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Và đặc biệt, điều này cũng sẽ góp phần giúp Việt Nam giảm dần nhập siêu trái cây từ Thái Lan như hiện nay.

Phát biểu về ý nghĩa của việc xuất khẩu thành công trái vải thiều vào Thái Lan, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công Thương - cho biết: Việc lần đầu tiên trái vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu thành công sang Thái Lan và được bày bán tại chuỗi phân phối của Tập đoàn Central Group là một thành công lớn đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng để mặt hàng nông sản Việt Nam chiếm được sự tin tưởng về chất lượng của người tiêu dùng Thái Lan.

Bộ Công Thương hy vọng trong tương lai, không chỉ trái vải mà còn nhiều sản phẩm nông sản phong phú khác của Việt Nam cũng lấy được niềm tin của người tiêu dùng Thái Lan nói riêng và người tiêu dùng trên thế giới nói chung. Trong cuối tháng 7/2017, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Tập đoàn Central Group để tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, đây sẽ là cơ hội để không chỉ mặt hàng nông sản mà các sản phẩm khác có chất lượng của Việt Nam được quảng bá rộng rãi tới người tiêu dùng Thái Lan.

Mai Ca

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop