Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 11 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 11 năm 2020

Nông nghiệp đặc sản các tỉnh phía Bắc: Sự trỗi dậy thần kỳ

 

Nguồn tin:  VOV

 

So cả nước, trung du miền núi phía Bắc là vùng cây ăn quả lớn thứ hai, chỉ sau vùng ĐBSCL. Nhiều loại đặc sản trái cây đã có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới.

 

Tổng diện tích cây ăn quả vùng trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) đạt khoảng 247,9 nghìn ha. So miền Bắc, TDMNPB là vùng cây ăn quả chủ lực, chiếm 59,11% diện tích cây ăn quả toàn miền (419,3 nghìn ha); So cả nước, TDMNPB là vùng cây ăn quả lớn thứ hai (23,23% so cả nước), chỉ sau vùng ĐBSCL (33,83%).

 

Trong nhóm các loại quả chủ lực phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, vùng TDMNPB có 8 loại quả có đóng góp đáng kể gồm vải, nhãn, cam, bưởi, chuối, xoài, na và dứa; với tổng diện tích đạt 185,96 nghìn ha, chiếm 28,27% so cùng nhóm loại quả của cả nước và chiếm hơn 75% tổng diện tích cây ăn quả vùng TDMNPB.

 

 

Vườn chanh leo sai trĩu quả ở Sơn La.

 

Với sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong thời gian qua, sản xuất quả an toàn, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ, liên kết sản xuất được chú trọng, quan tâm triển khai thực hiện, đạt những kết quả bước đầu, tuy nhiên đến nay còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn so quy mô sản xuất. Đã hình thành được một số THT, HTX sản xuất cây ăn quả, liên kết chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ. Tiêu biểu là tỉnh Sơn La tính đến đầu năm 2019 có 190 hợp tác xã trồng cây ăn quả, trong đó có 41 hợp tác xã được cấp chứng nhận VietGAP.

 

Đánh giá về những kết quả đạt được của các tỉnh TDMNPB, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Trên cả ba trụ cột kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi gò, xây dựng nông thôn mới vùng này đã có bước tiến bộ rất đáng kể. “Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cho đến nay đã đạt được kết quả tổng quan tích cực. Vùng này coi trọng kinh tế lâm nghiệp, kinh tế rừng. Hiện nay đã trở thành một vùng có hệ số che phủ cao nhất cả nước với bình quân của 14 tỉnh là 53%. Đây là một kết quả để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế và sự bền vững trước tác động biến đổi khí hậu” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

 

Cụ thể theo ông Lê Văn Đức – Cục trưởng Cục trồng trọt – Bộ NN-PTNT, người dân khu vực này đã phát triển tốt kinh tế vùng đồi gò với chủ lực là tập trung phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và các nhóm cây trồng khác kết hợp với chăn nuôi. Hiện nay diện tích cây ăn quả đạt 255.000 ha đứng thứ 2 trong 7 vùng kinh tế - xã hội về chỉ tiêu cây ăn quả. Chính cây ăn quả đã đem lại đời sống rất tích cực cho bà con khu vực này. Cùng với đó, phong trào phát triển OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới đã giúp bộ mặt nông thôn ở đây có những bước thay đổi vượt bậc. Hiện nay vùng này đã có trên 1.000 sản phẩm OCOP, bước đầu khai thác tiềm năng, lợi thế của một nền nông nghiệp đặc sản của khu vực. Sự kết hợp giữa tận dụng yếu tố khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng đa dạng sinh học với nét văn hóa đã bước đầu làm nên hơn 1.000 sản phẩm OCOP và còn nhiều sản phẩm tiềm năng.

 

“Các sản phẩm OCOP đã mang lại sức sống, sức sản xuất để cùng với các thiết chế hạ tầng cứng là 35% xã đạt chỉ tiêu nông thôn mới đã tạo ra một diện mạo mới và đời sống với thu nhập bình quân bà con nông dân đạt trên 30.000.000 đồng/người trong năm 2019. Trên cả ba trụ cột kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi gò, xây dựng nông thôn mới vùng này đã có bước tiến bộ rất đáng kể” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.

 

Nhiều nhà đầu tư lớn đã vào cuộc cùng bà con

 

Chỉ tính riêng Sơn La, đến nay riêng cây ăn quả đã có tới 37 cơ sở chế biến, trong đó có 11 nhà máy rất hiện đại. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc mời gọi được các DN vào đầu tư các nhà máy mới là bước 1. Vấn đề là phải tạo được sự liên kết bền chặt, hữu cơ giữa việc tổ chức vùng nguyên liệu, công tác chế biến với tổ chức thị trường. Cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm Sở Nông nghiệp, các đơn vị thành tố phải vào cuộc cùng với nhà đầu tư, doanh nghiệp để bàn với dân mở ra những cây trồng gì, sản phẩm gì, tuân thủ theo quy trình nào, tiêu chuẩn nào… thật nghiêm ngặt để sản phẩm đủ quy mô hàng hóa theo yêu cầu, thời điểm; đủ quy chuẩn chất lượng, đủ thời gian theo yêu cầu của nhà cung cấp dịch vụ.

 

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, phải đảm bảo môi trường thương mại thật tốt để ổn định thị trường chứ không để tình trạng tranh mua tranh bán; phải xúc tiến đầu tư thương mại thật tốt để phát triển thị trường trong nước và thị trường quốc tế. “Tỉnh vừa qua đã vào cuộc, tới đây Bộ cũng sẽ vào cuộc quyết quyết liệt hơn nữa để chúng ta phải mở tất cả các nhóm thị trường, kể cả thị trường cao cấp, thị trường phổ thông, thị trường truyền thống, có như vậy thì nông sản mới tạo ra chuỗi giá trị dài hơn, bền vững hơn trên thị trường quốc tế và thúc đẩy phát triển” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

 

Nông sản của Sơn La được khách hàng ưa chuộng.

 

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, nếu tập trung sản xuất lớn lại có tình trạng “được mùa mất giá” hoặc hàng ùn ứ không bán được. Giải tỏa băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Câu chuyện về dung lượng thị trường thế giới thì chúng ta chưa vội lo là bão hòa, vì dung lượng thị trường thương mại thế giới là 360 tỷ USD tiền rau quả thương mại, so với gạo gấp 10 lần (gạo hiện nay chỉ có 36 tỷ USD). Tăng trưởng về nhu cầu thị trường này từ 3 đến 5% theo năm. Do đó, chúng ta chưa vội sợ bão hòa thị trường thế giới. Chúng ta chỉ không bán được hàng khi hàng của ta không đủ không tốt, không đảm bảo an toàn, không cung ứng đúng theo yêu cầu.

 

Chính vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các địa phương trong vùng phải căn cứ lợi thế từng vùng để lựa chọn đối tượng (từ điều kiện thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu, điều kiện đa dạng sinh học, điều kiện tổ chức văn hóa, sản xuất…) để lựa chọn nhóm đối tượng chứ không phải là cái gì cũng có. Chúng ta đa dạng trên cơ sở có chọn lọc, có giới hạn để tập trung vào chuyên sâu những nhóm nông sản. Làm như vậy, chúng ta sẽ đảm bảo được sức sản xuất chung và đảm bảo hài hòa không bị quá tập trung vào một đối tượng sản xuất để dẫn đến bất cập về thị trường./.

 

Vũ Hạnh/VOV.VN

 

Đắk Lắk: Nông dân xứ vải vào Ea Kar trồng vải

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Anh Lê Văn Lập quê ở huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương), vùng đất nổi tiếng với đặc sản vải thiều.

 

Năm 2011, tình cờ đến huyện Ea Kar đúng mùa thu hoạch vải, anh thấy chất lượng quả vải ở đây không khác nhiều so với vải trồng ở Thanh Hà, lại chín sớm trước từ 1 - 1,5 tháng. Xem xét chất đất ở Ea Kar rất phù hợp với cây vải, anh Lập bàn với gia đình chuyển đến thôn 9, xã Ea Sar (huyện Ea Kar) lập nghiệp vào năm 2012; mua hai mảnh đất trồng vải với diện tích 14 ha.

 

Bước đầu nơi quê hương mới, gia đình anh Lập cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật, phương tiện sản xuất. Anh vừa trồng cây ngắn ngày vừa trồng vải, mỗi năm trồng 5 ha vải, kết hợp lấy ngắn nuôi dài. Các năm 2016, 2017, gia đình anh được Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh thị trấn Ea Knốp cho vay 1 tỷ đồng để đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất và anh tiến hành trồng vải trên diện tích đất còn lại.

 

 

Cán bộ, hội viên nông dân tham quan vườn vải của gia đình anh Lập.

 

Đến nay, gia đình anh Lập đã có 10 ha vải giống U trứng và U hồng, 2 ha bơ giống 034 và 2 ha ao thả cá, lấy nước tưới cho vườn cây. Nhờ nắm rõ đặc tính của cây vải ở Thanh Hà, chịu khó học hỏi kinh nghiệm canh tác của một số gia đình làm ăn có hiệu quả, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nên vườn vải của gia đình luôn đạt năng suất 17 tấn/ha. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, gia đình anh Lập đã đăng ký mở đại lý phân phối quả vải tại chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh và hợp đồng thu mua vải với hội viên, nông dân. Mỗi năm gia đình anh xuất bán tại chợ đầu mối 500 tấn quả vải, thu nhập từ 2,5 - 3 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí.

 

Anh Lập chia sẻ, để vườn cây phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại, chất lượng quả thơm, ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gia đình anh chủ yếu bón phân hữu cơ (chỉ sử dụng phân hóa học khi thật cần thiết để điều chỉnh cho cây phát triển), sử dụng thuốc sinh học để trừ sâu bệnh hại. Hiện nay toàn bộ vườn vải, bơ của nhà anh đều lắp đặt hệ thống tưới phun sương theo công nghệ mới, vừa tiết kiệm nước vừa tiết kiệm được công lao động, đảm bảo cây phát triển tốt không bị xói mòn, rửa trôi. Không chỉ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hội viên, nông dân, gia đình anh Lập còn tạo việc làm cho 15 lao động mùa vụ với tiền công khoảng 6 triệu đồng/người/tháng; tích cực đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện ở địa phương.

 

Tề Thị Thanh

 

Bình Thuận: Trồng dưa lưới công nghệ cao tại Hàm Tân

 

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Thay vì trồng các loại cây ăn trái truyền thống như xoài, bưởi, nhãn; anh Phạm Thành Đô - chủ trang trại Farmstay G7 ở thôn Suối Tứ, xã Thắng Hải lại chọn mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng để phát triển kinh tế và mang lại lợi nhuận cao. Đây cũng là mô hình nông nghiệp công nghệ cao và đang mở ra triển vọng lớn trong sản xuất nông nghiệp tại Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận).

 

Học hỏi việc áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất dưa lưới từ các trang trại lớn, anh Phạm Thành Đô - chủ trang trại Farmstay G7 đã đầu tư khoảng 400 triệu đồng để xây dựng nhà màng trên diện tích hơn 1.000m2 và được trang bị đầy đủ hệ thống tưới phun sương, hệ thống tưới xoay ɴướᴄ và hệ thống nhỏ giọt tự động. Mô hình trồng dưa lưới của anh Đô áp dụng phương thức tưới nhỏ giọt theo ᴄông nghệ Israel. Công nghệ tưới này giúp chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng ɴướᴄ cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí. Đến nay, trang trại của anh có tất cả 5 nhà lưới với tổng diện tích 5.000m2 để trồng dưa lưới gối vụ nhằm đảm bảo đủ nguồn dưa cung cấp cho thị trường tiêu thụ.

 

 

Anh Phạm Thành Đô - chủ trang trại

 

Để dưa lưới đạt chất lượng cũng như trọng lượng theo quy định, người trồng phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc mới cho hiệu quả cao. Bởi sau khi gieo trồng phải theo dõi diễn biến thời tiết hàng ngày và thăm vườn thường xuyên để điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật, chăm bón cho phù hợp nhu cầu về ɴướᴄ và chất dinh dưỡng cho cây. Quy trình công nghệ được nhận chuyển giao, hạt giống dưa lưới được nhập khẩu từ Nhật Bản và chất lượng cây trồng được kiểm soát kỹ lưỡng bằng kinh nghiệm của đội ngũ kỹ sư làm việc hàng ngày trong nông trại, cây dưa lưới của Farmstay G7 đã được hình thành và cho ra những lứa trái có chất lượng cao ngay từ những lứa dưa đầu tiên.

 

Theo anh Phạm Thành Đô - chủ trang trại Farmstay G7 cho biết: Thời tiết, khí hậu tại Bình Thuận có nhiệt độ cao, đất cát nên rất phù hợp với loại dưa lưới này. Ưu điểm nổi trội của dưa lưới có giống nhập từ Nhật Bản là độ đồng đều về kích thước, giàu brix (độ ngọt tự nhiên), thịt trái dưa dày, giòn và khác biệt hoàn toàn so với các giống dưa lưới khác. Với trọng lượng trung bình chỉ khoảng 1,5 kg mỗi trái và được sản xuất trên một quy trình sạch, chuyên nghiệp. Dưa lưới tại đây đảm bảo sẽ làm phong phú thêm đặc sản trái cây của người Việt và là một sự lựa chọn an toàn trong thực đơn dinh dưỡng của mọi gia đình. Hiện nay, dưa lưới của trang trại Farmstay G7 đã cung cấp cho các siêu thị Big-C, siêu thị Lotte Mart…

 

Mỗi cây dưa lưới thường đậu 4 - 5 trái, tuy nhiên chỉ giữ lại 1 trái để cho phát triển tốt nhất. Trọng lượng lý tưởng để dưa đạt tiêu chuẩn loại 1 là mỗi trái chỉ đạt 1,5 kg và các vân lưới phải đều, đẹp. Chất lượng dưa lưới được người dân đánh giá thơm ngon, mẫu mã đẹp và an toàn do được trồng trong nhà màng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

 

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, 1 nhà lưới diện tích 1.000m2 của anh Đô cho năng suất trên 4 tấn/vụ. Với giá thương lái thu mua tại vườn là 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mang lại thu nhập trên 20 triệu đồng/vụ. Đây là con số đáng mơ ước đối với nhiều hộ nông dân. Do đó, đã có rất nhiều nông dân đến tìm hiểu, tham quan và học tập mô hình dưa lưới trực tiếp tại vườn. Qua đó, mô hình còn góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, cách làm của nông dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích theo hướng bền vững. Và đặc biệt mô hình dưa lưới này đang mở ra triển vọng lớn trong sản xuất nông nghiệp tại Hàm Tân nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.

 

T.Thảo - N.Phong

 

Nhân rộng mô hình trồng mận phủ lưới

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân (HND) phường Thới Long, quận Ô Môn (TP. Cần Thơ), nhiều nông dân ở khu vực Thới Thạnh Đông tham gia tổ hợp tác (THT) trồng mận phủ lưới. Nhờ liên kết sản xuất, nông dân đã ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, ở khu vực có nhiều thành viên trong THT có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm nhờ mô hình trồng mận phủ lưới.

 

 

Ứng dụng mô hình trồng mận phủ lưới, các thành viên THT trồng mận ở khu vực Thới Thạnh Đông giảm chi phí chăm sóc, mận đạt năng suất cao.

 

Năm 2018, THT trồng mận phủ lưới khu vực Thới Thạnh Ðông được thành lập, với 30 thành viên, diện tích canh tác 16,8ha. Theo ông Trần Hiếu Nghĩa, Tổ trưởng THT trồng mận phủ lưới, giống mận được các thành viên THT chọn trồng chủ yếu là mận An Phước và mận Hồng đào đá. Nhờ trồng mận phủ lưới, người trồng nhẹ công chăm sóc, hạn chế sâu bệnh nên hiệu quả kinh tế đạt được khá cao. Anh Ðoàn Bé Năm, ở khu vực Thới Thạnh Ðông, cho biết: “Gia đình tôi có 6 công vườn trồng mận An Phước và Hồng đào đá, trong đó 2 công đang thu hoạch, 4 công đang trong giai đoạn phát triển, chuẩn bị cho trái. Hai công mận đang thu hoạch được trồng theo mô hình phủ lưới, trung bình thu hoạch hơn 10 tấn trái, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”.

 

Anh Năm thường xuyên tham quan, học tập kinh nghiệm từ chủ các vườn mận hiệu quả trên địa bàn thành phố và dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, để ứng dụng vào sản xuất. Anh đã xử lý thành công cho mận ra trái nghịch vụ để bán được giá cao. Theo anh Năm, xử lý cho mận ra hoa vào tháng 5-6 âm lịch để đến tháng 8-9 là có mận thu hoạch. Hiện tại, mận của THT có đầu ra ổn định, tùy vào thời điểm, các giống mận An Phước và Hồng đào đá được thu mua từ 6.000-25.000 đồng/kg.

 

Trước khi trồng mận, anh Năm trồng cam xoàn, nhưng cây bị bệnh vàng lá, chi phí đầu tư lớn mà hiệu quả kinh tế không cao. Những năm gần đây, ruồi đục trái là nỗi ám ảnh của nhà vườn, cứ 4 ngày, các nhà vườn phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, từ khi phủ lưới đến nay, mận cho năng suất rất cao, chất lượng mận đảm bảo. Ðể mận có trái to, bán được giá, anh Năm chăm bón rất kỹ, từ lúc cây mới ra hoa, cắt tỉa những cành kém hiệu quả và cho cây mang lượng trái vừa đủ. Nhờ chăm sóc đúng theo quy trình, vườn mận của anh Năm lúc nào cũng xanh tốt, trái xum xuê...

 

Mô hình trồng mận phủ lưới đạt hiệu quả cao, ngoài nỗ lực của nông dân, các cấp HND đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay phát triển mô hình và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Ông Võ Văn Thảo, ở khu vực Thới Thạnh Ðông nói: “Năm 2019, tôi được HND thành phố tạo điều kiện vay 40 triệu đồng chăm sóc vườn mận. Nhờ có nguồn vốn, tôi mua phân, thuốc đầu tư chăm sóc vườn mận phát triển xanh tốt. Với 3 công mận An Phước, trung bình mỗi năm tôi thu nhập được hơn 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 100 triệu đồng”.

 

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HND phường Thới Long, cho biết: “Trên địa bàn phường có 588ha vườn cây ăn trái, trồng chủ yếu là mận, nhãn, mít và cam. Trong đó, mô hình trồng mận phủ lưới ở khu vực Thới Thạnh Ðông là mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nông dân lựa chọn đầu tư. Những năm qua, ngoài việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái, HND phường còn tạo điều kiện để các hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện tại, trên địa bàn phường có 606 hội viên vay trên 15 tỉ đồng để phát triển sản xuất. Riêng THT trồng mận ở khu vực Thới Thạnh Ðông được HND thành phố phát vay 500 triệu đồng, giúp nông dân cải tạo, chăm sóc vườn mận. Nhìn chung, các hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có thu nhập ổn định”.

 

Bài, ảnh: THANH THƯ

 

Nông dân Bình Thuận thiệt hại nặng do mưa lũ

 

Nguồn tin:  VOV

 

Do ảnh hưởng liên tiếp của bão số 6, 7, 8 và 9, hoàn lưu sau bão và áp thấp nhiệt đới gây ra, tại Bình Thuận đã xảy ra mưa lớn, ngập cục bộ, ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân trong tỉnh.

 

Vụ lúa Hè thu năm nay ở Bình Thuận thu hoạch năng suất thấp, các trà lúa vừa gieo sạ bị ngập úng trên diện rộng, rau màu bị hư hại nặng… Tại cánh đồng Tầm Ru thuộc địa phận xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình, lúa chín đầy đồng nhưng ngã rạp sát đất, nhiều đám ruộng do vùi lấp nhiều ngày nên hạt lúa đã nảy mầm. Một số diện tích lúa máy không gặt được, cũng không thuê được nhân công, nhiều bà con phải bỏ không thu hoạch.

 

“Lúa ngã, bị nước ngập úng, máy không cắt được, mình sót nên tranh thủ cắt được bao nhiêu thì cắt, mang về cho gà, vịt ăn thôi, vớt vát được chút nào hay chút đó. Một sào lúa vụ trước tôi thu hoạch tám tạ, nay coi như trắng tay, mất đến 40 triệu đồng”, ông Mai Văn Tâm, ngụ ở thôn Bình Thắng, xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình chia sẻ.

 

Ông Nguyễn Mưa, ở xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết, gia đình ông có 3 sào ruộng, phải gieo sạ đến lần thứ 3 mới trụ được: “Năm nay mùa màng bà con làm ăn thất bát, thiệt hại không có năm nào mà như năm nay. Mưa gió liên tục, sản xuất bị hư hại hết. Bà con thiệt hại nặng nề”.

 

Không chỉ nông dân dân trồng lúa bị thất thu, mà nhiều bà con canh tác rau màu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng bị thiệt hại nặng do mưa kéo dài. Theo bà Nguyễn Thị Huệ, có thâm niên trồng cây hành ở thôn Vĩnh Hanh, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, chưa năm nào khó khăn như năm nay. Gia đình bà trồng hành mất 1 tháng 20 ngày thì cho thu hoạch, còn vào mùa gió Bắc (tháng 8, 9) phải mất 2 tháng.

 

 

Nước san bằng cánh đồng

 

“Để như vậy thì mình ăn củ nhỏ. Nhỏ như thế này sợ người ta không chịu mua, củ phải to cỡ ngón chân cái người ta mới mua, như thế này người ta chê. Năm nay, có người lỗ tới 50-60 triệu đồng”, bà Huệ nói.

 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bình Thuận, trong đợt mưa bão vừa qua, toàn tỉnh bị thiệt hại trên 3.228 ha, trong đó hơn 1.600 ha rau màu các loại. Ước giá trị thiệt hại gần 50 tỷ đồng. Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, tuỳ theo tỷ lệ thiệt hại, ngành Nông nghiệp tham mưu đề xuất UBND tỉnh các mức hỗ trợ cho bà con nông dân. Mức hỗ trợ tối thiểu 2 triệu đồng/hecta tỷ lệ thiệt hại trên 70% và 1 triệu đồng/ha nếu tỷ lệ thiệt hại dưới 70% đối với cây lúa và cây rau màu.

 

 

Bà con tranh thủ vớt vát mang lúa về cho gà, vịt ăn

 

“Theo đề xuất của các huyện thì ngành nông nghiệp đi kiểm tra xác minh, căn cứ các quy định hiện hành thì có Nghị định 42 năm 2017 của Chính phủ là cơ sở để hỗ trợ một phần thiệt hại cho bà con đối với cây lúa và hoa màu”, ông Phan Văn Tấn cho hay.

 

Mong muốn lớn nhất của nông dân tỉnh Bình Thuận lúc này là chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục để hỗ trợ kịp thời cho bà con, giúp giảm bớt khó khăn, có nguồn vốn khôi phục sản xuất./.

 

Đoàn Sĩ/VOV-TPHCM

 

Kiên Giang: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh của ngành nông nghiệp đạt hơn 19.009 tỷ đồng

 

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

 

Theo số liệu của Cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn 9 tháng đầu năm 2020 ước hơn 19.009 tỷ đồng, đạt 84,81% kế hoạch, tăng 2,85% cùng kỳ năm 2019; chiếm 37,73% tổng GRDP của tỉnh Kiên Giang.

 

 

9 tháng năm 2020, tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ước 633.241 tấn (trong ảnh). Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên hồ tròn phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho nông dân huyện Hòn Đất.

 

Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng 9 tháng năm 2020 ước 633.241 tấn. Dự kiến đến cuối năm 2020, tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt 769.000 tấn. Về việc khắc phục thẻ vàng Ủy ban châu Âu (EC), trong 9 tháng, Sở NN&PTNT tổ chức 41 cuộc tuần tra kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lập biên bản 271 vụ vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; qua đó, xử phạt 145 vụ với số tiền nộp qua kho bạc nhà nước 4,5 tỷ đồng.

 

Ngành NN&PTNT triển khai kế hoạch sản xuất điều chỉnh, bố trí lịch thời vụ sản xuất từng vụ lúa ở từng vùng và các tiểu vùng hợp lý nhằm phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ; cùng việc giá lúa ổn định, duy trì ở mức cao so trung bình nhiều năm nên người dân yên tâm sản xuất. Qua đó, góp phần đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch sản lượng lúa năm 2020 được giao. Tỉnh công nhận thêm 14/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 78/117 xã và huyện Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân ước đạt 16,86 tiêu chí/xã.

 

Quý IV-2020, ngành NN&PTNT tăng cường công tác phối hợp các huyện, thành phố rà soát, tính toán các chỉ tiêu dự báo còn đạt thấp cũng như các chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt kế hoạch đề ra để điều chỉnh lại nhằm góp phần ổn định, đảm bảo tăng trưởng. Sở NN&PTNT tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình khí tượng, thủy văn nhằm tham mưu kịp thời Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh thông báo các ngành, địa phương và nhân dân chủ động trong sản xuất. Sở chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh tăng cường theo dõi diễn biến mực nước tại khu vực các cống và tình hình thời tiết để phối hợp địa phương trong vận hành đóng, mở cống phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt cho người dân; chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống mưa, lũ, mặn xâm nhập để bảo vệ sản xuất vụ lúa hè thu và thu đông còn lại, nhất là vụ mùa và đông xuân 2020-2021. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị của đoàn thanh tra EC hướng tới phát triển thủy sản bền vững; đồng thời, hài hòa các quy định về kiểm tra, kiểm soát thủy sản phù hợp thông lệ quốc tế; đẩy nhanh hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.../.

 

Thùy Trang

 

Thái Nguyên: Trồng ba kích dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế cao

 

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 

 

Các đại biểu tham quan mô hình trồng ba kích tím của gia đình ông Nguyễn Văn Chỉnh, ở tổ dân phố Vinh Quang 2, phường Châu Sơn (T.P Sông Công).

 

Sáng 3-11, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên) đã tổ chức đánh giá hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu ba kích trên địa bàn T.P Sông Công.

 

Thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc, giai đoạn 2018-2020”, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện trồng cây ba kích tím dưới tán rừng keo trên địa bàn xã Nghinh Tường (VõNhai) và phường Châu Sơn (T.P Sông Công) với tổng diện tích 10ha. Đối với T.P Sông Công, có 18 hộ dân ở xóm Vinh Quang 2, phường Châu Sơn tham gia, diện tích là 5ha. Các hộ dân được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ba kích tím… Qua đánh giá, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, tỷ lệ sống của cây đạt trên 90%; cây sinh trưởng và phát triển tốt… Trung bình 1ha (khoảng 4.000 cây), người dân sẽ thu được 6 tấn củ tươi. Với giá bán hiện nay dao động từ 100.000-200.000 đồng/kg, bà con sẽ có thu nhập gần 1 tỷ đồng/1ha.

 

Ba kích tím là loại cây dược liệu dễ trồng trên các chất đất, chịu hạn tốt… Để càng lâu thì chất lượng sản phẩm dược liệu càng tốt, được thị trường ưa chuộng và giá bán cũng cao hơn. Vì vậy, người dân mong muốn mô hình được nhân rộng trong thời gian tới, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

 

Vi Vân

 

Gạo thơm ST25 sẽ dự thi gạo ngon tại Mỹ

 

Nguồn tin: Tuổi trẻ

 

Tại hội thi gạo ngon Việt Nam lần thứ II-2020, gạo thơm ST25 của Anh hùng lao động Hồ Quang Cua vượt xa điểm gạo của các đơn vị khác, đoạt giải nhất.

 

 

Ông Hồ Quang Cua (thứ hai phài qua) nhận giải tại hội thi gạo ngon Việt Nam lần II-2020 - Ảnh: K.T

 

Ngày 3-11, tại TP.HCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và báo Nông thôn Ngày nay tổ chức hội thi gạo ngon Việt Nam lần thứ II.

 

Có 11 chủng loại gạo thơm của 6 đơn vị trong nước dự thi.

 

Theo ban tổ chức hội thi, để đảm bảo khách quan, điểm thi cơ cấu gồm nhiều chỉ tiêu và được đánh mã số.

 

Kết quả là gạo ST25 của Sóc Trăng đã đoạt giải nhất một cách thuyết phục khi vượt xa điểm các chủng loại gạo còn lại.

 

"Tác giả" gạo ST25 - ông Hồ Quang Cua cho biết với kết quả này, gạo ST25 cùng với hai chủng loại khác của Việt Nam sẽ được VFA gửi dự thi gạo ngon nhất thế giới tổ chức tại Mỹ vào đầu tháng 12 tới.

 

Năm ngoái, tại hội thi gạo ngon Việt Nam lần I, gạo ST25 chỉ đoạt giải nhì, còn giải nhất thuộc về gạo ST24.

 

Cuối năm 2019, gạo ST25 đã đoạt giải gạo ngon nhất thế giới được tổ chức tại Philippines .

 

KHẮC TÂM

 

Hậu Giang: Vùng mía huyện Phụng Hiệp vào vụ thu hoạch

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Theo ghi nhận của ngành chuyên môn, qua hai ngày đã thu hoạch được gần 10ha bán cho nhà máy đường tại rẫy với giá 820 đồng/kg đối với mía đạt 10 ccs, cao hơn 90 đồng/kg so với vụ mía năm trước.

 

 

Chi phí sản xuất cao đã ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp.

 

Năm nay, tuy giá mía có cao hơn, nhưng chi phí nhân công thu hoạch cũng tăng theo, hiện dao động 200.000-250.000 đồng/tấn. Mặt khác, do mía bị ngập lâu trong nước nên năng suất giảm, hiện đạt khoảng 90 tấn/ha, giảm 10 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước. Bà Nguyễn Thị Sương, ở thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), cho biết nhân công thu hoạch mía khan hiếm, nên khi vào vụ thu hoạch rộ có khả năng sẽ tăng lên 300.000 đồng/tấn. Với giá bán, năng suất và chi phí nhân công thu hoạch như hiện nay, đa phần người dân trồng mía đã thu hoạch đều không có lãi.

 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, toàn huyện có hơn 800ha mía bị ngập, hiện đã có hiện tượng đỏ lá, sẽ bắt đầu chết nếu không kịp thu hoạch trong một tuần nữa.

 

Tin, ảnh: DUY KHÁNH - VĂN MINH

 

Hiệu quả từ nuôi bò ứng dụng công nghệ cao

 

Nguồn tin: Báo Long An

 

Nuôi bò ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) đang là hướng đi đúng, phù hợp, phát huy thế mạnh tại huyện biên giới Đức Huệ, tỉnh Long An. Việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi bò như bổ sung dinh dưỡng trong thức ăn, thực hiện gieo tinh nhân tạo đã dần cải thiện tầm vóc, chất lượng đàn bò.

 

 

Đàn bò của ông Nguyễn Văn Ninh, xã Bình Hòa Bắc

 

Thay đổi thói quen chăn nuôi

 

Trước khi có Nghị quyết số 08, ngày 04-3-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chăn nuôi bò trên địa bàn chủ yếu nhỏ, lẻ, theo hướng truyền thống. Mặt khác, giống bò địa phương tầm vóc nhỏ, phối giống bằng phương pháp truyền thống, áp dụng gieo tinh chưa nhiều nên chất lượng con giống thấp.

 

Dinh dưỡng cho bò chủ yếu tận dụng thức ăn sẵn có như rơm, cỏ nên bò phát triển chậm, hiệu quả kinh tế không cao. Hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất chuồng trại và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi.

 

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đức Huệ xây dựng Chương trình hành động số 16, ngày 14-6-2017 về xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ƯDCNC trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020. Từ đây, UBND huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ƯDCNC và mục tiêu thực hiện cho từng năm.

 

Để tạo được sự đồng thuận cao trong người dân về chăn nuôi bò thịt ƯDCNC, các phòng, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền. “Công tác tuyên truyền phải phân tích cho người dân hiểu, nuôi bò ƯDCNC là hướng đi đúng đắn, phù hợp với thế mạnh của địa phương, sẽ tạo ra giá trị tăng cao cho người dân” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phạm Văn Luốc cho biết.

 

Các ngành chuyên môn, địa phương đã tổ chức những chuyến đi tham quan, học tập mô hình chăn nuôi có hiệu quả ở nhiều tỉnh lân cận và tổ chức nhiều đợt tập huấn nuôi bò ƯDCNC. Cũng từ đó, đoàn viên, hội viên tiên phong thực hiện các mô hình điểm, thành lập các câu lạc bộ chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình.

 

Sau thời gian xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt ƯDCNC, đến nay, huyện Đức Huệ đã triển khai, thực hiện ở 7 xã: Mỹ Thạnh Đông, Bình Hòa Bắc, Mỹ Bình, Mỹ Thạnh Bắc, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Tây và Mỹ Quý Đông.

 

Nâng cao chất lượng đàn bò và thu nhập cho người nuôi

 

Đến nay, huyện Đức Huệ đã thành lập được 4 mô hình điểm chăn nuôi bò ƯDCNC của tỉnh tại các xã: Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông, Mỹ Thạnh Bắc, Bình Hòa Bắc; 12 tổ hợp tác với gần 170 thành viên tham gia và 1 Hợp tác xã Tây Hòa; thực hiện gieo tinh được gần 2.500 con bò và đàn bò sinh ra gần 1.000 con. Ngoài ra, địa phương xây dựng được gần 60 mô hình trồng cỏ cao sản làm thức ăn cho bò với diện tích gần 9ha và hỗ trợ 4 mô hình biogas để xử lý chất thải.

 

Việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi như bổ sung dinh dưỡng trong thức ăn của bò, thực hiện gieo tinh nhân tạo đã dần cải thiện tầm vóc đàn bò giống, bê con sinh ra có tầm vóc và trọng lượng cao, lớn hơn. Hộ chăn nuôi tham gia các mô hình từng bước áp dụng cơ giới hóa, trồng cỏ có dinh dưỡng cao và xử lý chất thải trong chăn nuôi, giữ gìn vệ sinh môi trường.

 

Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Đông - Trương Thị Thu Trang cho biết: “Nuôi bò ƯDCNC đang là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. Tin tưởng rằng, thời gian tới, áp dụng theo phương pháp chăn nuôi này tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân”.

 

Qua tìm hiểu, HTX Tây Hòa có những tín hiệu rất khả quan khi số lượng đàn bò được gieo giống chất lượng cao ngày càng tăng lên. Hiện nay, HTX có 32 thành viên nuôi gần 200 con bò (trong đó có hơn 100 con bò sinh sản). Điển hình, ông Nguyễn Văn Ninh - thành viên HTX, đã đầu tư xây dựng chuồng trại thích hợp để nuôi bò ƯDCNC. Chuồng có máng uống tự động, chất thải được xử lý qua hệ thống bảo đảm vệ sinh môi trường.

 

 

Tầm vóc, chất lượng đàn bò ở huyện Đức Huệ dần cải thiện

 

Ông Ninh cũng chú ý đến nguồn thức ăn cho bò bằng cách chọn trồng các giống cỏ năng suất và chất lượng cao. Hiện ông có 1ha trồng cỏ. Để cho ra những con bò to, khỏe và có lượng thịt nhiều, đàn bò của ông được gieo tinh nhân tạo loại giống tốt. Trong quá trình nuôi, ông thực hiện tiêm phòng các loại bệnh cho bò đúng theo quy trình, hướng dẫn.

 

“Thời gian qua, tôi đã bán được một số con với giá bình quân 20 triệu đồng/con. Hiện đàn bò tại chuồng 24 con, trong đó có 15 con sinh sản đang phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao” - ông Ninh tin tưởng.

 

Để phát triển thế mạnh nông nghiệp tại địa phương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đức Huệ, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chương trình đột phá là Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đối với cây chanh và con bò. Chỉ tiêu đặt ra, tổng đàn bò đến cuối nhiệm kỳ 9.000 con, trong đó ƯDCNC đạt 50%./.

 

Việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi như bổ sung dinh dưỡng trong thức ăn của bò, thực hiện gieo tinh nhân tạo đã dần cải thiện tầm vóc đàn bò giống, bê con sinh ra có tầm vóc và trọng lượng cao, lớn hơn. Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025 của huyện Đức Huệ đặt ra chỉ tiêu, tổng đàn bò đến cuối nhiệm kỳ 9.000 con, trong đó ứng dụng công nghệ cao đạt 50%.

 

Vũ Quang

 

Nuôi gà đẻ trứng thu nhập 50 triệu đồng mỗi tháng

 

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

 

Nuôi 4.000 con gà đẻ trứng, mỗi tháng anh Trần Văn Nhật, ở Buôn K62, xã Đắk Drô (Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) có thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi của anh Nhật đã góp phần đẩy mạnh phong trào thanh niên khởi nghiệp, sản xuất giỏi tại địa phương.

 

Học hết lớp 9, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, khiến anh Trần Văn Nhật (25 tuổi) phải tạm dừng việc học để phụ giúp gia đình làm kinh tế. Gắn bó với nương rẫy qua nhiều năm, anh Nhật nhận thấy chi phí đầu tư vào rẫy cà phê, hồ tiêu cao, nhưng giá cả bấp bênh, dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp.

 

 

Anh Nhật có nguồn thu nhập ổn định từ nuôi gà

 

Sau nhiều trăn trở, năm 2017, anh Nhật bắt đầu chuyển hướng làm kinh tế bằng chăn nuôi. Sau quá trình đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ các mô hình trong và ngoài tỉnh, anh quyết định chọn nuôi gà để khởi nghiệp.

 

Anh Nhật chia sẻ, gia đình nuôi gà từ khi anh còn nhỏ. Chính vì thế, anh có thể nhìn nhận rằng gà là loài dễ nuôi, dễ chăm sóc, lượng thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Anh bắt tay vào làm chuồng trại và mua 1.000 con gà lấy thịt về nuôi. Sau thời gian chăm sóc, đến ngày xuất bán thì đầu ra gặp khó khăn, lượng gà tiêu thụ chậm, giá thấp, nên nguồn thu nhập không cao.

 

Sau khi tìm hiểu thêm, anh nhận thấy thị trường trứng gà trên địa bàn huyện đầy tiềm năng. Do đó, anh đã quyết định chuyển hướng mua giống gà siêu trứng về nuôi. Bước đầu nuôi 1.000 con gà giống, qua thực tế nguồn thu nhập đem lại khá cao, nên anh tiếp tục mở rộng mô hình. Đến nay, quy mô chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình anh Nhật đã lên đến 4.000 con.

 

Trên diện tích gần 1.000m2, anh Nhật xây dựng chuồng trại với hệ thống máng nước tự động, quạt gió để chuồng nuôi luôn thông thoáng. Mỗi khu chăn nuôi, anh chia thành các giàn, mỗi giàn được chia thành các ô nhỏ để dễ chăm sóc gà.

 

Anh Nhật chia sẻ: "Yếu tố quan trọng nhất trong chăn nuôi gà là chuồng trại và giống, nên lúc mua giống, phải chọn những cơ sở uy tín. Còn chuồng trại phải làm sao luôn thoáng mát, mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Ngoài ra, người nuôi gà cần chú ý đến phòng dịch bệnh bằng cách thường xuyên khử trùng chuồng trại và tăng sức đề kháng cho gà".

 

 

Việc chăm sóc gà khá nhẹ nhàng và không mất quá nhiều thời gian

 

Với 4.000 con gà mái đẻ, trung bình mỗi ngày, gia đình anh Nhật cung cấp ra thị trường hơn 3.600 quả trứng. Với giá bán từ 1.600 đồng/quả trứng, mỗi tháng gia đình anh thu nhập 50 triệu đồng trừ chi phí. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập hơn 700 triệu đồng trừ chi phí.

 

Theo anh Nhật, muốn gà đẻ đều, chất lượng trứng tốt, môi trường phải thoáng mát. Để gà ăn khỏe, đẻ khỏe, cần cung cấp đủ thức ăn và bảo đảm nước uống sạch cho gà. Người chăn nuôi gà cũng phải nắm vững kỹ thuật và cần có nhiều kinh nghiệm để chăm sóc gà theo từng giai đoạn cụ thể, nhất là khâu chọn lựa con giống, nuôi dưỡng gà.

 

Hiện anh Nhật đang nuôi giống gà siêu trứng ngoại nhập từ Công ty CP Đồng Nai. Gà có ưu điểm đẻ liên tục 14 – 16 tháng, hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn. Sau khi khai thác trứng, đàn gà có thể bán thịt với giá 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, với 4.000 con gà, mỗi tuần anh Nhật còn lấy được 3 tấn phân, với giá bán 2 triệu đồng/tấn, giúp anh có thêm khoản phụ thu đáng kể.

 

 

Mô hình đang trở thành nơi chuyển giao kinh nghiệm làm ăn cho nhiều thanh niên trên địa bàn huyện

 

Hiện nay, gia đình anh Nhật cung cấp trứng cho các cơ sở bán trứng trên địa bàn huyện Krông Nô. Với mô hình chăn nuôi gà lấy trứng theo hướng an toàn sinh học, sản phẩm trứng của gia đình anh Nhật luôn được ưa chuộng và được người tiêu dùng tin tưởng.

 

Anh Trần Anh Ba, Phó Bí thư Huyện đoàn Krông Nô cho biết, mô hình nuôi gà của anh Nhật mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thanh niên địa phương. Đây là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu để nhiều thanh niên tại địa phương học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

 

Thời gian qua, đoàn thanh niên các xã đã tổ chức cho các thanh niên đến mô hình nuôi gà của anh Nhật để thăm quan, học hỏi, chuyển giao kỹ thuật, học tập kinh nghiệm nuôi gà. "Mô hình của anh Nhật đã góp phần đẩy mạnh phong trào thanh niên khởi nghiệp, sản xuất giỏi tại địa phương", anh Ba cho biết.

 

Bài, ảnh: Đức Hùng

 

Chủ động phòng chống rét cho gia súc

 

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

 

Năm nay dự báo thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, có nhiều đợt rét kéo dài kèm theo mưa nên nguy cơ xảy ra rét đậm, rét hại tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là rất lớn. Trước những nguy cơ thời tiết cực đoan ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với đàn gia súc, công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi đã được chú trọng thực hiện từ sớm.

 

 

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn bà Nguyễn Thị Ngát (khu 10, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) kỹ thuật chăm sóc dê sinh sản khi có rét đậm, rét hại.

 

Toàn tỉnh hiện có gần 35.000 con trâu, trên 31.000 con bò, 246.000 con lợn và một số loại gia súc khác. Đây là đối tượng vật nuôi chịu tác động trực tiếp khi có rét đậm, rét hại, nhất là trâu, bò do lượng thức ăn chính là rau xanh. Để chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc, Sở NN&PTNT và các địa phương đẩy nhanh công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc đợt 2, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn nhằm tăng cường sức đề kháng. Hiện, một số địa phương như: Móng Cái, Hải Hà, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hạ Long, Quảng Yên đã cơ bản tiêm phòng cho gia súc theo đúng tiến độ.

 

Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các địa phương tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động tích trữ thức ăn thô khô như rơm, rạ, cỏ khô và bảo quản phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Lượng thức ăn đảm bảo tối thiểu từ 5-7kg thức ăn thô/xanh/con/ngày cho gia súc nuôi nhốt. Đồng thời, chủ động cải tạo, gia cố lại chuồng nuôi phòng chống mưa rét, gió lùa và có biện pháp sưởi ấm cho gia súc, nhất là gia súc mới sinh; dọn dẹp chuồng trại thường xuyên; cung cấp đủ nước, thức ăn thô xanh, thức ăn tinh giàu đạm, vitamin và muối khoáng nhằm tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi trong giai đoạn chuyển mùa.

 

TX Đông Triều là địa phương có số lượng đàn gia súc lớn trên địa bàn tỉnh với trên 3.200 con trâu, gần 2.300 con bò... Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra, từ đầu tháng 10/2020, thị xã đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, vận động, người dân nâng cao ý thức trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi như nhốt trâu bò vào chuồng, tiến hành quây bạt để giữ ấm chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn dự trữ, bổ sung thêm thức ăn tinh để tăng sức đề kháng.

 

 

Lợn nái sinh sản của Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường được nuôi trong chuồng kín, có hệ thống điều chỉnh nhiệt, được theo dõi thường xuyên.

 

Ông Phạm Văn Phong, Phó phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Phòng đã cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn, khu hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách dự trữ, tận dụng triệt để nguồn thức ăn sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp; chế biến bảo quản làm thức ăn cho gia súc, chuẩn bị đủ thức ăn tinh và thô cho gia súc, giữ chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, che kín chuồng trại để tránh gió lùa, tăng cường cho gia súc ăn thêm các loại thức ăn tinh như cám gạo, ngô, khoai và các thức ăn thô như rơm, rạ, cỏ. Bên cạnh đó, chỉ đạo bộ phận thú y các xã, thị trấn phải tăng cường công tác tuyên truyền, nắm tình hình và thường xuyên nhắc nhở người dân tuyệt đối không được thả rông trâu, bò khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp.

 

Ông Trần Văn Dồn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, cho biết: Thôn Ngàn Pạt nằm ở vùng núi cao của huyện nên nhiệt độ thường thấp hơn các khu vực khác. Trước đây, do tập quán, bà con chủ yếu thả rông gia súc, nhiều hộ không che chắn và dự trữ thức ăn, nên trâu, bò thiếu thức ăn, không đủ sức chống chịu những đợt rét đậm, rét hại. Xã cũng tận dụng các nguồn chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện di dời, xây dựng, kiên cố chuồng trại nuôi nhốt xen kẽ ra khu vực tập trung. Qua đó đảm bảo điều kiện chuồng trại kiên cố, chống rét tốt cho đàn gia súc của bà con. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực vận động bà con chủ động phòng, chống rét cho gia súc. Đến nay, người dân đã thường xuyên nhốt trâu bò khi rét đậm, rét hại, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn như: Cỏ voi, ngô, rơm để bổ sung lượng thức ăn tươi có nhiều chất dinh dưỡng cho gia súc.

 

Cao Quỳnh

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop