Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 12 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 12 năm 2016

Gặp gỡ chàng trai 8X đưa mãng cầu xiêm Lai Vung xuất ngoại

 

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Lần đầu tiên mãng cầu xiêm được trồng theo quy trình an toàn ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường Singapore với giá bán cao gấp 3 lần so với thị trường trong nước. Hướng đi mới này đã đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cho chàng trai 8X ở vùng quê Lai Vung.

 

 

Anh Đặng Quý Ngọc bên cạnh sản phẩm của mình thức uống dinh dưỡng mãng cầu xiêm

 

Năm 2005, tốt nghiệp THPT, con đường lập nghiệp đưa anh Đặng Quý Ngọc đến với nhiều nghề, từ công nhân may, công nhân sản xuất linh kiện máy photto, nhân viên công ty xuất nhập khẩu... Chính sự thăng trầm trên con đường sự nghiệp đã giúp anh Ngọc tích lũy nhiều kinh nghiệm và đây cũng là nền tảng để anh Ngọc nảy sinh ý tưởng xây dựng dự án trồng và xuất khẩu mãng cầu xiêm.

 

Trong quá trình gắn bó với công việc xuất nhập khẩu, anh Ngọc nhận thấy Singapore là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho sản phẩm mãng cầu xiêm ở quê hương mình. Do đó, khoảng cuối năm 2015 anh quyết định về Lai Vung thực hiện dự án trồng và chế biến mãng cầu xiêm theo mô hình khép kín.

 

Sau thời gian bố trí lại quy trình sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, tháng 6/2016, anh Ngọc xuất khẩu được lô hàng mãng cầu xiêm đầu tiên sang thị trường Singapore với giá bán cao gấp 3 lần so với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều khách hàng ở thị trường này gợi ý anh Ngọc phát triển chế biến để sản phẩm mãng cầu xiêm được sử dụng lâu hơn. Đây là cột mốc quan trọng để sản phẩm thức uống dinh dưỡng mãng cầu xiêm của anh Đặng Quý Ngọc ra đời.

 

Từ “tay ngang” chuyển sang lĩnh vực chế biến thực phẩm là điều không dễ dàng. Thời gian đầu, anh Ngọc gặp nhiều khó khăn khi các mẫu sản xuất thử đều thất bại liên tục. Anh Đặng Quý Ngọc chia sẻ: “Từ việc xuất khẩu trái tươi sang đầu tư chế biến là một hành trình gian nan và đơn độc. Lúc đó, với Ngọc cái gì cũng thiếu thốn, từ thiếu kinh nghiệm cho đến thiếu công nghệ, máy móc, thiếu cộng sự và thiếu cả tài chính... Qua nhiều lần thất bại liên tục, chuyện khởi nghiệp của Ngọc gần như đi vào bế tắc, 600 triệu đồng tiền Ngọc tích góp suốt nhiều năm tan biến như mây khói. Lắm lúc tuyệt vọng, nhưng may mắn được sự động viên từ gia đình, Ngọc lại tiếp tục mày mò và dũng cảm đương đầu với con đường đi đến ước mơ của mình”.

 

Sau đó, anh Ngọc may mắn nhận được sự góp ý chân tình từ các đối tác ở Sigapore và gặp được những cộng sự có chuyên môn sâu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Sau khởi đầu khó khăn, hiện tại sản phẩm tâm huyết thức uống dinh dưỡng mãng cầu xiêm của anh Ngọc chính thức có mặt trên thị trường vào đầu tháng 9/2016. Là sản phẩm mới toanh, sản phẩm nhanh chóng chinh phục được nhiều khách hàng từ nội địa đến nước ngoài. Hiện thức uống dinh dưỡng mãng cầu xiêm đang chờ hoàn thiện một số thủ tục để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Singapore.

 

Sắp tới, cơ sở sản xuất Thuận Thiên Thành (ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) do anh Đặng Quý Ngọc làm chủ dự kiến sẽ triển khai dự án cùng hợp tác nông dân huyện Lai Vung trong việc mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất mãng cầu xiêm. Theo đó, mãng cầu xiêm ở vùng nguyên liệu này sẽ được sản xuất theo quy trình an toàn, hướng tới sản xuất theo quy chuẩn GlobalGAP của Châu Âu. Đây sẽ là vùng nguyên liệu chính để cơ sở đầu tư sản xuất thức uống dinh dưỡng mãng cầu xiêm, mãng cầu xiêm sấy dẻo, mứt mãng cầu xiêm, trà mãng cầu xiêm... anh Đặng Quý Ngọc cho biết thêm.

 

Ngoài việc thành lập cơ sở sản xuất ngay tại quê hương Lai Vung, anh Ngọc còn thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thuận Thiên Thành ở quận 7, TP.Hồ Chí Minh để đảm nhận khâu thủ tục, giấy tờ xuất khẩu mãng cầu xiêm. Song song với việc mang sản phẩm của quê nhà xuất ngoại, anh Ngọc cũng có ý tưởng sẽ kết hợp với các đơn vị có vùng nguyên liệu nông sản sạch để xuất khẩu tiếp tục sang thị trường Singapore và một số nước châu Á tiềm năng khác như: Đài Loan, Trung Quốc, Malaisia...

 

Mỹ Lý

 

Trồng mãng cầu xiêm lợi nhuận 15 - 20 triệu đồng/công

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Theo người trồng mãng cầu xiêm trên ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang hiện các thương lái thu mua trái mãng cầu xiêm tại vườn có giá dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ các khoản chi phí, người dân lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/công. Theo thống kê, toàn xã Thuận Hòa có tổng số 23ha diện tích trồng mãng cầu, tăng hơn 10ha so với cùng kỳ 2015.

 

Để thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, địa phương cũng đã thành lập tổ nghề nghiệp làm vườn trồng mãng cầu với sự tham gia của 20 thành viên cùng diện tích khoảng 16ha. Sau khi được thành lập, tổ nghề nghiệp sẽ được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất. Đồng thời, theo dự định trong thời gian tới, xã Thuận Hòa sẽ tiến hành các bước chuẩn bị thành lập hợp tác xã mãng cầu nhằm tạo thương hiệu cho loại cây này, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

MINH ĐƯƠNG

 

Nông dân 'chua chát' vì chanh… được mùa

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Đời sống nhờ cả vào hàng trăm ha chanh, vậy mà năm nay những người trồng chanh xã Nam Kim (Nam Đàn) nước mắt chảy dài vì chanh được mùa nhưng rớt giá thê thảm.

 

Xã Nam Kim là một trong những “vựa” chanh lớn nhất Nghệ An với tổng diện tích 192ha, đời sống người dân nơi đây khá lên phần lớn nhờ thu nhập từ các vườn chanh. Tuy nhiên, năm nay dù vụ thu hoạch chanh được mùa, song giá bán ra lại rẻ gấp đôi, gấp ba so với những năm trước. Điệp khúc “được mùa, rớt giá” chanh đang làm bà con Nam Kim điêu đứng.

 

Đến xóm Eo Vòng, một trong những xóm trồng chanh nhiều nhất Nam Kim là hình ảnh những vườn chanh chín vàng rực trải dài trên các sườn đồi. Ông Đặng Văn Chương, người trồng chanh nhiều nhất xóm với tổng diện tích gần 5ha cho biết: Những năm trước, mỗi sào chanh chỉ thu hoạch chưa đến 1 tấn quả, nhưng năm nay nhà nào cũng trúng vụ chanh với 1 sào thu được 1,5 tấn quả. Năm nay rớt giá, nên thu hoạch vài chục tấn chanh nhưng ông Chương chỉ thu về được vài chục triệu đồng, thất thua so với năm trước.

 

 

Ông Nguyễn Văn Long đang chặt bỏ những cành chanh chín vàng để cho vụ chanh trái ra quả

 

Tại xóm Trang Nậy, gặp bất cứ người nào hỏi về vụ chanh năm nay như thế nào, chúng tôi đều nhận chung một đáp án: “Chanh được mùa, nhưng chưa bao giờ rớt giá thê thảm như năm nay!” Vườn chanh nhà ông Nguyễn Văn Huệ cũng không nằm ngoài “danh sách” những gia đình “chua chát” vì... chanh. Nhà ông Huệ trồng hơn 2 sào chanh, thu hoạch được gần 2 tấn nhưng bán ra chưa được 7 triệu đồng.

 

“Mỗi cân chanh bán ra từ 1 đến 2 ngàn đồng, không đủ tiền chi phí phân bón, tiền phí xe trả cho thương lái...”, ông Huệ cho biết. Sáng ngày 30/11, ông Huệ bán nốt gần 1 tạ chanh đẹp còn lại trong vườn và thu lại được 100 ngàn đồng, còn lại khoảng 5 yến chanh vì đã chín vàng nên thương lái không mua, ông Huệ đành để như vậy cho đến khi rụng hết xuống vườn.

 

 

Người dân xót xa trước những vườn chanh đang chín vàng, không có người mua.

 

Những năm trước, giá chanh bán ra ngay tại vườn khá cao, cứ mỗi cân bán ra từ 5 đến 7 ngàn đồng nhưng cũng không kịp bán cho thương lái. Chanh trên cây đang xanh nhưng người dân cũng hái xuống bán vì được giá. Còn năm nay, chanh được mùa nhưng giá rẻ mạt nên để chín vàng hết từ vườn này sang vườn khác.

 

Ông Nguyễn Văn Long (xóm Trang Nậy) trồng 1ha chanh thu hoạch được hơn 10 tấn nhưng chỉ thu lại được 10 triệu đồng. “Những năm trước, cứ 1 tạ chanh tôi thu được 500 ngàn đồng, năm nay 1 tạ chanh quả đẹp nhưng chỉ bán được 100 ngàn đồng”. Cũng theo ông Long cho hay, năm nay chanh từ miền Nam nhập ra nhiều, nhà nào cũng được mùa cộng với việc đầu ra không ổn định, phụ thuộc vào việc thương lái mua tại chỗ nên chanh bị rớt giá mạnh.

 

Cùng với nhà ông Huệ, ông Long, những gia đình anh Lê Trung Công trồng hơn 6 sào chanh, anh Nguyễn Quốc Hoài trồng gần 1ha cũng điêu đứng vì chanh rớt giá. Riêng vườn anh Công hiện vẫn còn vài tạ chanh chín vàng trong vườn không thể bán được.

 

 

Những quả chanh đẹp như thế này nhưng chỉ bán được từ 1 đến 3 ngàn đồng cho mỗi cân.

 

Ông Trịnh Quang Hưng – Chủ tịch UBND xã Nam Kim cho biết: “Chưa năm nào chanh rớt giá mạnh như năm nay, người dân xã Nam Kim điêu đứng vì chanh. Hiện địa phương chưa tìm được biện pháp nào để khắc phục tình trạng này cho những mùa chanh tiếp theo”.

 

Thiên Thiên

 

Quýt đặc sản Lạng Sơn được giá, hút hàng

 

Nguồn tin: VnExpress

 

Mỗi kg quýt Bắc Sơn có giá trung bình 15.000 đồng, ổn định nhiều năm, được thương lái đến tận vườn thu mua.

 

Từ đầu tháng 10 âm lịch, quýt Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) bắt đầu cho thu hoạch. Đây là loại quả đặc sản giúp người dân xóa đói giảm nghèo trong nhiều năm qua.

 

Ông Bàn Phúc Thắng, Chủ tịch xã Nhất Tiến cho biết, trên địa bàn xã có 2,15ha quýt, trung bình mỗi cây quýt trưởng thành cho thu hoạch từ 50kg đến 1 tấn quả. Tại xã có hơn 20% số hộ dân trồng quýt Bắc Sơn và diện tích tiếp tục được mở rộng. So với mọi năm giá cả không chênh lệch nhiều dù năm nay sản lượng có sụt giảm so với năm ngoái.

 

 

Quýt Bắc Sơn là đặc sản của Lạng Sơn giá cả ổn định được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Hồng Vân

 

Quýt Bắc Sơn được trồng trong các thung lũng mà người dân thường gọi là “lân” -để tới được phải vượt qua nhiều đèo, dốc núi đá. Nhà ông Triệu Tiến Ngân (xã Nhất Tiến) có hơn 700 cây quýt trồng từ hơn 10 năm trước, mỗi cây trưởng thành cao khoảng 5m, trồng cây khoảng 5-6 năm mới bói quả, trọng lượng quả trung bình từ 100 đến 150gam.

 

“Trước kia ít hộ trồng quýt nhưng vài năm trở lại đây quýt Bắc Sơn được giá, thương lái đến tận vườn tìm mua. Năm nay, vườn quýt nhà tôi không sai quả nhiều như năm ngoái nhưng giá cả vẫn ổn định”, lão nông này chia sẻ.

 

 

Quýt Bắc Sơn khi chín quả vàng, vỏ mỏng, vị ngọt, ít hạt. Ảnh: Hồng Vân

 

Ông Ngân cho biết, mỗi kg quýt bán buôn giá dao động từ 13.000 đến 17.000 đồng tùy loại; bán lẻ giá 15.000 - 20.000 đồng một kg, loại quả to đẹp, vỏ nhẵn vẫn được giá đến 25.000 đồng. Ngay từ tháng 8, thương lái đã đến tận vườn nhà ông đặt mua toàn bộ vườn quýt giá hơn 100 triệu.

 

Theo chị Triệu Thị Lụa (xã Nhất Tiến), chăm sóc cây quýt không mất quá nhiều công sức, sau khi thu hoạch có thể bón phân hữu cơ đã hoại mục, không cuốc xới quanh gốc vì rễ cây này ăn lên mặt đất dễ bị đứt.

 

Mặc dù thời điểm chín rộ của quýt vào tháng 10 và tháng 11 âm lịch, nhưng nhiều gia đình để dành đến gần Tết mới thu hoạch vì giá bán buôn lên đến 35.000 - 40.000 đồng một kg.

 

Thống kê của ngành nông nghiệp, toàn huyện Bắc Sơn có khoảng 500 ha quýt. Nhận thấy giá trị kinh tế cao nên vài năm gần đây người dân mở rộng diện tích trồng. Thương lái Nông Thị Hợi (Thái Nguyên) cho hay, quýt Bắc Sơn khi chín ăn ngọt, vỏ quả căng bóng, ít sơ, ít hạt nên khách đặt mua nhiều.

 

“Loại quýt này không để được lâu nên tôi thường gọi điện trước rồi buổi chiều đánh xe tải đến cân hàng, sáng sớm hôm sau gửi xe khách đi TP Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội”, chị Hợi nói.

 

Hồng Vân

 

Yên Bái công bố nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn”

 

Nguồn tin: VOV

 

Nhãn hiệu Cam Văn Chấn là cơ sở pháp lý hữu hiệu để người trồng cam của huyện Văn Chấn sử dụng, khai thác và bảo vệ giá trị sản phẩm.

 

Ngày 3/12, tại xã Cát Thịnh, UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ công bố và đón nhận Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn”. Việc công nhận nhãn hiệu tập thể sẽ thêm điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất và kinh doanh Cam Văn Chấn.

 

 

Các đại biểu tham quan sản phẩm Cam Văn Chấn.

 

Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái hiện có hơn 1.300 ha cam, quýt, tập trung chủ yếu ở vùng ngoài của huyện như các xã Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú.

 

Với năng suất trung bình 12 - 15 tấn/ha; hàng năm sản lượng đạt trên 8.000 tấn, doanh thu khoảng 200 tỷ đồng. Cam Văn Chấn có vị ngọt mát, thơm, vàng, khả năng tiêu thụ ổn định và là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình.

 

Tại buổi lễ, Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn”. Nhãn hiệu Cam Văn Chấn là cơ sở pháp lý hữu hiệu để bà con vùng trồng cam của huyện Văn Chấn sử dụng, khai thác và bảo vệ giá trị sản phẩm của mình.

 

Đồng thời, nhãn hiệu "Cam Văn Chấn" còn giúp huyện xây dựng hệ thống văn bản quản lý, quy định sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm cam mang nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn” từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện tiếp tục quy hoạch phát triển và nâng cao giá trị cây cam trong thời gian tới.

 

Ông Nông Ích Chấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết, huyện Văn Chấn phấn đấu đến năm 2020 có 2.500 ha cam, để làm việc này, huyện sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, đặc biệt là những diện tích chè già cỗi, những diện tích rừng phân tán đã khai thác… sẽ được chuyển đổi thành vùng trồng cam./.

 

Tuấn Xuân/VOV-Tây Bắc

 

Gia lai: Đổ xô trồng cây sachi: Canh bạc mạo hiểm

 

Nguồn tin: Báo Gia lai

 

Dù chưa biết sau khi thu hoạch sẽ bán cho ai, nhưng thời gian qua, nhiều hộ dân tại huyện Đak Đoa và Mang Yang (Gia lai) đã mạo hiểm đầu tư trồng cây sachi. Thậm chí, có hộ còn chặt bỏ vườn cà phê để trồng loại cây này.

 

Đổ xô trồng cây sachi

 

Theo các nguồn tư liệu, cây sachi (hay sacha inchi, peanut inca, inca inchi) là loài thực vật họ thầu dầu xuất xứ từ Nam Mỹ. Tại Việt Nam, sachi được quảng bá là “vua của các loại hạt”, “siêu thực phẩm mới”, “dầu ăn tốt nhất thế giới”… Axit Omega-3 chứa trong hạt sachi được cho là có 48%-54%, giúp phát triển và nâng cao trí tuệ, giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, cân bằng tế bào thần kinh, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch gây nên…

 

 

Anh Đinh bên vườn cây sachi đã cho trái. Ảnh: L.V.N

 

Cây sachi được trồng khảo nghiệm tại Việt Nam từ năm 2014 với diện tích nhỏ ở các vùng miền núi với sự hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan nghiên cứu khoa học cũng như công ty để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Còn tại Gia Lai, từ giữa năm 2016, nhiều hộ dân ở huyện Đak Đoa, Mang Yang sau khi nghe về giá trị của loài cây này đã trồng theo kiểu tự phát dù hoàn toàn mờ mịt về đầu ra.

 

Qua tìm hiểu của P.V, gia đình anh Kyim (23 tuổi, thôn TLeo, xã Kdang, huyện Đak Đoa) là một trong những hộ đầu tiên trồng cây sachi. Anh cho biết: “Mình nghe người quen ở Bình Phước bảo rằng giống cây này có hiệu quả kinh tế rất cao vì bên đó đã trồng thử rồi. Mình lên mạng tìm hiểu thêm thông tin về giống cây này, sau đó nhờ người quen mua giùm hơn 2 kg giống với giá gần 1,5 triệu đồng về trồng”. Mua hạt giống về, gia đình anh Kyim tiến hành ươm và trồng xen canh trên hơn 1 ha cà phê từ tháng 5-2016. Đến nay, cây đã cho trái và 1 tháng tới có thể thu hoạch. Thế nhưng, khi được hỏi gia đình sẽ bán hạt cây này ở đâu thì anh Kyim lắc đầu: “Mình chỉ nghe nói hạt cây này có giá đến 600 ngàn đồng/kg. Với diện tích của nhà mình thì có thể cho đến hơn 1 tấn hạt, nhưng đến giờ vẫn chưa biết sẽ bán ở đâu cả”.

 

Ngoài gia đình anh Kyim, trên địa bàn xã Kdang và huyện Mang Yang cũng có nhiều hộ dân mạo hiểm thử nghiệm trồng loại cây này. Ông Trinh (thôn Bép, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) cho biết: “Tôi được một người bà con ở Đak Lak bảo cứ trồng loại cây này đi vì nó rất năng suất mà giá lại cao. Nghe vậy nên tôi đem loại cây này về trồng. Sau đó, nhiều bà con trong làng cũng hỏi mua rồi trồng theo. Đến giờ cũng có hàng chục hộ trồng loại cây này rồi”. Đa số các hộ dân trồng cây sachi chỉ bởi thấy người khác làm nên trồng theo. Ngoài ra còn do sachi có thể trồng xen canh với loài cây khác. “Tôi chỉ nghe hạt cây này bán giá cao nên mua về trồng chứ cũng không biết ai mua và họ mua làm gì. Nhà tôi cũng chỉ trồng vài chục cây, giờ cũng có quả rồi. Đến lúc thu hoạch xem họ bán ở đâu thì tôi bán ở đó. Nếu không bán được thì cũng không biết làm gì với loại cây này”-anh Brơc (xã Kdang) chia sẻ.

 

Đáng lo ngại

 

Dù không biết rõ hiệu quả kinh tế cũng như đầu ra cho hạt sachi nhưng nhiều người vẫn ồ ạt trồng, thậm chí có hộ chặt bỏ vườn cà phê để thay thế bằng loại cây này như anh Đinh (trú tại thôn TLeo, xã Kdang). Cách đây vài tháng, anh Đinh đã chặt bỏ hơn 1 ha cà phê kinh doanh rồi dùng thân cây cà phê làm trụ leo cho sachi. Anh Đinh nói: “Cây sachi phát triển khá tốt và nếu cứ như thế này chắc sẽ thu được khoảng 2 kg hạt khô/cây, bán với giá 600 ngàn đồng/kg thì lời hơn trồng cà phê nhiều nên mình mạnh dạn bỏ cà phê thử. Nếu không hiệu quả thì phá sachi trồng cà phê lại. Biết là sẽ lỗ rất nhiều nếu không bán được sachi và cây cà phê trồng mới phải đến 3 năm sau mới thu hoạch được nhưng mình làm mình chịu”.

 

Cũng theo các hộ dân, so với các loại cây đang trồng chủ yếu ở địa phương từ trước tới nay là cà phê và hồ tiêu thì cây sachi dễ chăm sóc hơn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư trồng loại cây này không phải là nhỏ. Theo anh Kyim, tính cả tiền giống, tiền phân, công chăm sóc thì 1 ha sachi phải đầu tư ngót nghét gần 50 triệu đồng. “Nếu không có người mua thì số tiền vốn bỏ ra sẽ mất trắng nhưng cứ thử xem thế nào. Nhà tôi trồng xen với cây cà phê nên nếu thấy cây nào hiệu quả hơn thì giữ lại, cây nào không hiệu quả thì chặt phá”-anh Kyim cho biết.

 

Trong khi đó, ông Trương Duy Lộc-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang cho biết: “Hiện chúng tôi mới nắm được thông tin về việc nhiều hộ dân trồng sachi trên địa bàn. Tới đây, chúng tôi sẽ cử cán bộ nông nghiệp thống kê lại diện tích cây này sau đó báo cáo với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện để có phương án chỉ đạo phù hợp. Trước mắt, chúng tôi sẽ khuyến cáo người dân không nên chạy theo phong trào, mở rộng diện tích khi đầu ra chưa đảm bảo, tránh những thiệt hại đáng tiếc”.

 

Chưa có cơ sở thu mua

 

Trao đổi với P.V, ông Lê Tuấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: “Hiện tại, Phòng vẫn chưa nhận được báo cáo về diện tích cũng như hiện trạng canh tác của cây sachi. Loài cây này mới du nhập, mà theo nắm bắt được thì trên địa bàn huyện cũng chưa có cơ sở nào thu mua cho bà con. Chúng tôi đang chờ chính quyền các xã báo cáo lại tình hình mới có hướng xử lý tiếp”.

 

Lê Văn Ngọc

 

Cây khoai mỡ trên đất Tân Phước (Tiền Giang)

 

Nguồn tin: Tiền Giang

 

Cây khoai mỡ được xem là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện Tân Phước (Tiền Giang). Trong những năm gần đây, giá khoai mỡ luôn duy trì ở mức cao, làm cho người trồng thêm phấn khởi.

 

 

Nông dân phấn khởi khi năm nay giá khoai mỡ duy trì ở mức cao.

 

Hiện toàn huyện có hơn 400ha khoai mỡ, được trồng nhiều tại các xã: Tân Hòa Đông, Thạnh Hòa, Thạnh Mỹ... Thời gian trồng khoai mỡ kéo dài khoảng 5 - 6 tháng sẽ cho thu hoạch. Năm nay, thời tiết thuận lợi, khoai mỡ phát triển tốt, cho năng suất cao, bình quân đạt khoảng 15 - 18 tấn/ha. Giá khoai mỡ đang được các thương lái đến thu mua với giá hơn 10.000 đồng/kg. Với giá bán này, sau khi trừ các chi phí, người trồng thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha.

 

Các hộ trồng khoai mỡ trong huyện cho biết, trước khi trồng, khoai mỡ được ủ từ 15 - 20 ngày, khi khoai lên mầm mới bắt đầu vận chuyển ra liếp để trồng, dùng dao đào lỗ sâu từ 2 - 3 cm đặt mầm khoai xuống dưới, sau đó phủ đất nhẹ, rồi phủ bổi để giữ ẩm. Nhờ dễ trồng, chống chịu phèn tốt, đầu tư không lớn nên thời gian qua khoai mỡ đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp các hộ dân miền đất mới dựng nên cơ nghiệp vững chắc.

 

Anh Nguyễn Văn Cu, xã Tân Hòa Đông chia sẻ: "Trồng khoai mỡ không khó, ít tốn công chăm sóc hơn so với các loại cây trồng khác, cực ở giai đoạn đầu ủ mầm và làm đất, các giai đoạn còn lại thì bón phân theo định kỳ để cây có đủ chất dinh dưỡng nuôi cho củ tốt, đồng thời phải rải hoặc phun thuốc ngừa các loại côn trùng đục củ để không làm giảm năng suất của khoai".

 

 

Ông Phan Văn Nhã, xã Thạnh Hòa cho biết: "Thời gian trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 5 - 6 tháng, chính vì thời gian dài nên khâu quan trọng đầu tiên là làm đất. Đất trồng khoai mỡ phải làm thật kỹ để tiêu diệt một số mầm bệnh có trong đất và tạo cho đất tơi xốp. Đồng thời, phải lên liếp cao để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu và thoát nước tốt khi có mưa nhiều. Ngoài các loại sâu hại, người trồng cũng cần lưu ý phòng ngừa bệnh do nấm làm thối dây, thối gốc, thối củ, bệnh thán thư và bệnh mục đầu củ. Đây là loại bệnh xuất hiện gây hại nhiều nhất đối với khoai mỡ, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, giảm giá trị thương phẩm".

 

Trong những năm gần đây, vì nhiều yếu tố khách quan, diện tích khoai mỡ đang có xu hướng giảm dần do người dân chạy theo lợi nhuận của một số cây trồng khác nhau. Trước thực trạng này, nhiều địa phương của huyện vẫn khuyến khích người dân duy trì và trồng xen canh 1 vụ khoai mỡ, 1 vụ màu để có giống khoai mỡ thay thế các loại cây khác trong tương lai.

 

Văn Minh

 

Giảm bón đạm cho lúa để tăng chất lượng gạo

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Bón phân đạm cho lúa với số lượng quá nhiều sẽ giảm năng suất lúa, chất lượng hạt gạo, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ruộng lúa. Do vậy, các nhà khoa học đã phối hợp với một số nhà nông thực nghiệm trên một số diện lúa để xác định lượng phân đạm bón hợp lý.

 

Một thực tế cho thấy, bà con nông dân lâu nay thường sử dụng quá nhiều lượng phân đạm urê cho lúa, khiến cây lúa mọc um tùm, thiếu ánh sáng dẫn đến sâu bệnh tấn công, cây dễ bị đổ ngã vào giai đoạn trổ bông và hình thành hạt.

 

Do vậy, nông dân phải mất thêm chi phí về công lao động và thuốc BVTV để phòng trừ. Khi lúa bị đổ, làm giảm năng suất và tăng tỷ lệ hạt lép, chất lượng gạo kém, giá bán thấp, lợi nhuận giảm.

 

Thừa đạm còn gây ô nhiễm môi trường do lượng nitrat chảy vào trong nguồn nước. Bón lượng đạm cho lúa bao nhiêu là đủ, đang được các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt quan tâm, nhằm giảm chi phí đầu tư, cho năng suất lúa cao hơn.

 

 

Bà con nông dân xã Phúc Thành (Yên Thành) bón lót phân đạm trước khi cấy lúa.

 

Gia đình ông Nguyễn Quang Tùng - nông dân xóm 8, xã Hưng Long (Hưng Nguyên, Nghệ An) một trong những hộ có ruộng thực hiện mô hình thực nghiệm “Xác định lượng phân đạm bón hợp lý cho cây lúa” cho biết: Với 1 sào ruộng lúa, vụ hè thu vừa rồi, gia đình bón 5 tạ phân chuồng, 7,25 kg đạm urê, 20 kg lân, 6 kg kali và 25 kg vôi bột (đối với lúa lai) và 5 tạ phân chuồng, 6,25 kg phân đạm urê, 20 kg lân, 5 kg kali và 25 kg vôi bột (đối với lúa thuần). Trong quá trình chăm sóc cho thấy, do lượng đạm bón ít, lượng phân chuồng, phân lân và kali bón đảm bảo và cân đối nên cây lúa cứng, không bị đổ, kể cả khi bị ảnh hưởng của một số cơn bão vừa qua. Lúa ít sâu bệnh, tỷ lệ dảnh hữu hiệu, hạt chắc cao. Năng suất lúa lai đạt 299 kg/sào, lúa thuần đạt 304 kg/sào.

 

Trong khi đó, diện tích lúa không thực hiện theo mô hình thì năng suất lúa lai chỉ đạt 282 kg/sào, lúa thuần 280 kg/sào. Theo ông Tùng, các ngành nên tiếp tục thực hiện 1 - 2 vụ tiếp theo để khẳng định tính hiệu quả, đồng thời tuyên truyền, thuyết phục bà con nông dân áp dụng.

 

Huyện Yên Thành là vựa lúa của cả tỉnh, với trên 12.000 ha đất sản xuất lúa 2 vụ/năm. Mỗi năm bà con nông dân ở đây sử dụng hàng nghìn tấn phân đạm để bón cho cây lúa. Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Tình trạng bà con nông dân sử dụng lượng phân đạm quá nhiều để bón cho cây lúa vẫn còn nhiều tại một số địa phương, dẫn đến cây lúa bị xanh lốp, tỷ lệ hạt lép nhiều, năng suất lúa đạt thấp, chất lượng hạt gạo không cao.

 

Do vậy, để bà con nắm được lượng phân đạm bón cho lúa bao nhiêu là đủ là rất cần thiết, giúp bà con giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất lúa. Tuy nhiên, để xác định được lượng phân đạm bón cho lúa bao nhiêu là hợp lý, quả thực là khó, vì phụ thuộc vào từng chân đất: ruộng sâu trũng, đồng cạn, cồn vệ... Bởi vậy, mô hình thực nghiệm “Xác định lượng phân đạm bón hợp lý cho cây lúa tại Văn Thành, Bắc Thành trong mấy vụ vừa qua chỉ áp dụng cho một số diện tích nhất định, chưa triển khai diện rộng.

 

 

Cán bộ nông nghiệp xã Mường Nọc (Quế Phong) hướng dẫn bà con cách chăm sóc lúa hợp lý, hạn chế sâu bệnh gây hại.

 

Kỹ sư Trần Minh Doãn - Hội Khoa học Nông nghiệp Nghệ An, chủ nhiệm đề tài thực nghiệm, cho biết: Đây là đề tài nhằm tăng thu nhập từ 7 - 10% cho người trồng lúa, nâng cao chất lượng hạt gạo, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái ruộng lúa.

 

Đề tài này được khảo sát ở Văn Thành, Bắc Thành (Yên Thành), Thanh Đồng, Thanh Lương (Thanh Chương), Hưng Long, Hưng Thông (Hưng Nguyên). Sau khi thực hiện đề tài “Xác định lượng phân đạm bón hợp lý cho cây lúa tại một số vùng trọng điểm sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh” cho thấy, lượng phân đạm bón khác nhau thì mức độ sâu bệnh xuất hiện gây hại trên ruộng lúa khác nhau, lượng đạm bón càng nhiều thì sâu bệnh gây hại trên ruộng lúa càng nhiều.

 

Tuy nhiên, theo Kỹ sư nông nghiệp Trần Minh Doãn, để có kết luận chính xác hơn, Sở NN&PTNT cần xây dựng thêm một số mô hình quy mô từ 5 - 10 ha, với giống lúa lai, lúa thuần trong vụ hè thu và vụ xuân tại các vùng trọng điểm lúa, theo hướng giảm bình quân 40 - 45 kg đạm urê/ha.

 

Qua điều tra khảo sát và nghiên cứu 3 vụ sản xuất trên địa bàn 6 xã của 3 huyện cho thấy, trên diện tích thực nghiệm, đạt năng suất cao nhất được xác định: Lúa lai vụ hè thu bón 145 - 150 kg đạm/ha, lúa lai vụ xuân bón 175 - 180 kg đạm/ha. Đối với lúa thuần hè thu bón 125 - 130 kg đạm/ha, lúa thuần vụ xuân bón 155 - 160 kg đạm/ha. Số lượng đạm đó được bón 3 lần/vụ: 1 lần bón lót và 2 lần bón thúc.

 

Xuân Hoàng

 

Thành công từ sử dụng phân cá vi sinh chăm sóc cây trồng

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước một số hộ nông dân ở xã Minh Lập đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật tự ủ cá làm phân bón vi sinh để tưới cho cây trồng vừa giảm chi phí đầu tư chăm bón mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.

 

 

Anh Mai Thanh Sơn với các thùng ủ phân cá vi sinh để bón cho cây trồng

 

Gia đình anh Mai Thanh Sơn ở ấp 7, xã Minh Lập có 10 ha quýt đường 7 năm. Những năm trước, anh Sơn thường dùng các loại phân hóa học như NPK, phân đạm, lân để bón cho cây quýt. Anh Sơn cho biết, chi phí phân bón hóa học cho 1 ha quýt trong 1 năm với 4 lần bón hết khoảng 18 triệu đồng. Trong năm 2015, được sự hướng dẫn kỹ thuật của Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Chơn Thành về ứng dụng công nghệ sinh học tự làm phân cá vi sinh và qua học hỏi thêm sách báo, anh Sơn mua 2 thùng nhựa loại 1.000 lít để tự ủ cá làm phân bón vi sinh. Anh mua phế phẩm các loại cá tươi, sau đó ngâm với men phân hủy thủy kim sinh M.2 và men thủy kim sinh proti của Nhà máy sản xuất chế phẩm vi sinh vật Khánh Hòa. Cứ 500kg cá tươi và 20 chai men vi sinh phân hủy ủ vào 1 thùng 1.000 lít hết khoảng 8 triệu đồng ngâm trong 1 tháng, sau đó mang ra pha với nước lã liều lượng cân đối để bón cho cây trồng. Anh Sơn cho biết: “1 ha quýt một vụ tưới bón phân cá vi sinh làm 6 lần chi phí hết khoảng 8 triệu đồng, so với phân hóa học tiết kiệm được 10 triệu đồng mà cây quýt vẫn tươi tốt, cho nhiều trái và ít bị sâu bệnh”. Như vậy với 10 ha quýt bón phân cá vi sinh anh tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng trái. Trung bình 1 ha quýt đường khi bón phân cá vi sinh cho thu hoạch khoảng 10 tấn trái/năm, với giá bán 15 ngàn đồng/kg, gia đình anh thu khoảng 150 triệu đồng. Năm 2016, gia đình anh Sơn đã làm 7 thùng 1.000 lít ủ phân cá để đảm bảo bón cho 10 ha quýt đường.

 

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Tấn Lực ở ấp 2, xã Minh Lập cũng được Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện hỗ trợ kỹ thuật ủ cá làm phân bón vi sinh. Gia đình ông Lực có 1 ha tiêu, với hơn 1.000 nọc giống Ấn Độ. Ông Lực cho biết: “2 năm trước, chi phí phân hóa học cho 1 ha tiêu trong 1 năm với 3 lần bón hết khoảng 45 triệu đồng. Năm 2015, tôi mua 2 thùng nhựa loại 1.000 lít về ủ làm phân cá vi sinh. Hiện gia đình tôi không cần sử dụng phân hóa học để bón cho cây tiêu mà thay bằng phân cá tự ủ, chi phí lại rẻ”. Hộ ông Lực có 1 ha tiêu một vụ bón phân cá vi sinh 6 lần, chi phí hết khoảng 15 triệu đồng, so với phân bón hóa học tiết kiệm được 30 triệu đồng mà cây tiêu vẫn bảo đảm năng suất, lại hạn chế được sâu bệnh. Dự tính năm nay, 1 ha tiêu của nhà ông sẽ cho khoảng 4 tấn hạt khô. Vườn tiêu chăm bón bằng phân cá vi sinh của gia đình ông đang thu hút nhiều nhà nông trong xã tới tham quan học tập.

 

Ông Doãn Đình Nghị, Trưởng trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Chơn Thành cho biết: Qua triển khai hướng dẫn một số hộ nông dân ở xã Minh Lập ủ phân cá bón cho cây trồng, nhận thấy mang lại nhiều lợi ích, như: cải tạo độ phì nhiêu của đất, phát triển tốt hệ sinh vật trong đất, làm tơi xốp đất, đảm bảo cây trồng sinh trưởng khỏe mạnh, hạn chế được sâu bệnh. Qua đánh giá của các nhà vườn, kết quả mang lại từ ủ phân cá vi sinh là có thể tiết kiệm được tới 50% chi phí phân bón mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng. Từ thành công của một số hộ nông dân xã Minh Lập, hiện nay trên địa bàn Chơn Thành có 16 nông hộ đang áp dụng ủ phân cá vi sinh trong sản xuất nông nghiệp - hướng phát triển sạch và bền vững. Thời gian tới, trạm tiếp tục nhân rộng cách làm này.

 

Đỗ Trình

 

Người trồng cà phê hụt hẫng vì doanh nghiệp đột nhiên bỏ liên kết

 

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

 

Năm 2012, Chi nhánh Công ty TNHH Armajaro Việt Nam tại Đắk Nông (công ty) đã thực hiện liên kết với khoảng 200 hộ dân ở xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) để sản xuất cà phê theo hướng an toàn.

 

Hằng năm, công ty này đều tổ chức các lớp tập huấn nhằm phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho bà con. Công ty cũng đã vận động nhân dân thành lập các nhóm, tổ có trả lương cho người đứng đầu nhằm củng cố sự liên kết với nông hộ. Đến vụ thu hoạch thì bà con được công ty hợp tác với các đại lý thu mua với giá cao hơn so với thị trường khoảng 400 đồng/kg.

 

Thế nhưng từ cuối năm 2015 đến nay, công ty này đã đột nhiên chấm dứt liên kết, mặc dù không gây thiệt hại lớn cho người dân nhưng để lại sự hụt hẫng đối với các hộ trồng cà phê.

 

 

Một điểm thu mua được lập ra nhưng chưa mua đã dừng hoạt động

 

Ông Nguyễn Duy Thanh là khuyến nông viên, Tổ trưởng Tổ hợp tác của toàn xã với công ty ở thôn 5, xã Quảng Tín cho biết: Nhiều lần, tôi đã gọi điện cho cán bộ, người mà thường xuyên xuống nhà dân để bàn các công việc liên kết nhưng đầu dây bên kia báo không liên lạc được. Qua thực tế liên kết, họ đã hướng dẫn chúng tôi sản xuất cà phê theo các chuẩn quốc tế như 4C, UTZ; trong đó chú trọng tới yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường. Nhà nông phải có sổ nhật ký nông hộ, trong đó ghi hết toàn bộ từ bón phân, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, chi chí, giá thành xem có lời không. Nhưng từ cuối năm 2015 đến nay thì công ty này bỏ liên kết, không mua sản phẩm cà phê của các hộ tham gia nữa.

 

Được biết, những năm trước công ty này đã thành lập các đại lý thu mua cà phê cho bà con với giá cao hơn thị trường. Thế nhưng, nhiều đại lý mới gắn bảng hiệu được vài tháng thì không thu mua nữa.

 

Theo lời giới thiệu của chị Lê Thị Sinh, chủ một đại lý thu mua số 5 ở Nhân Cơ, chúng tôi liên lạc với một người tên Bình, được cho là Trưởng Chi nhánh Công ty Armajaro tại Đắk Nông, có địa chỉ ở thị xã Gia Nghĩa. Thế nhưng, qua hai lần hẹn, ông Bình đều báo bận.

 

Qua điện thoại, ông Bình cho biết, đơn vị có một nguồn tài trợ cho hoạt động hợp tác liên kết cùng nông dân bị cắt. Do không còn kinh phí nữa nên công ty ngưng hợp tác. Đơn vị đã thông báo với nông dân, trả lương cho các nhóm trưởng đến tháng 9/2015. Doanh nghiệp thì nói thế, nhưng nhiều người dân lại không biết vì sao công ty ngưng hợp tác mà không báo cho dân biết.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Trọng Tài, Chủ tịch UBND xã Quảng Tín cho biết: “Thực tế thì chúng tôi cũng có biết nhưng không nắm rõ như thế nào, đây là một bài học cho xã trong công tác quản lý địa bàn. Sau này, khi có doanh nghiệp vào hợp tác thì chính quyền phải là bên thứ 3 bảo vệ quyền lợi cho bà con chứ không thể để doanh nghiệp thích thì vào làm không thích thì ra như trường hợp của Chi nhánh Công ty Aramajaro được”.

 

Trần Lê

 

Thành triệu phú từ mô hình trồng nấm sạch

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Trải qua nhiều nghề, từ trồng cà phê, chạy xe ôm…, niềm đam mê với những bụi nấm đã đưa anh Phùng Văn Nhớ (sinh năm 1974, trú tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) sang một ngã rẽ khác.

 

Bắt đầu từ suy nghĩ, trên địa bàn tỉnh có nguồn phế thải như mùn cưa, cây sắn, vỏ trấu, thân rơm… rất nhiều mà bỏ đi sẽ vô cùng lãng phí, nếu tận dụng để nuôi trồng nấm thì rất tốt, thế là anh tìm sách để học hỏi về kỹ thuật làm nấm. Hễ nghe nói ở đâu có tài liệu về nấm là anh lại tìm mua cho bằng được. Năm 2000, anh quyết tâm mở trang trại nấm không vì mục đích kinh tế mà để tích lũy kinh nghiệm. Nhưng khó ở chỗ, mỗi lần muốn trồng nấm thì phải mua giống tận Đồng Nai chuyển lên, vừa mất thời gian lại tốn phí vận chuyển. Sẵn niềm đam mê với nấm, anh dành nhiều thời gian để nghiên cứu về kỹ thuật chăm sóc, cách thức lai tạo ra các giống nấm từ những bụi nấm mọc trong tự nhiên.

 

 

Trại nấm của anh Phùng Văn Nhớ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Suốt ngày, anh Nhớ ngồi trong phòng thí nghiệm với những chai lọ, tự mày mò, lai tạo, nuôi cấy để hình thành nên những phôi nấm. 1 năm sau đó anh đã tự cấy thành công những loại giống nấm như nấm mèo, sò, bào ngư. Không dừng lại ở đó, trong một lần về Quảng Nam thăm chơi, anh bắt gặp bụi nấm linh chi hái từ rừng về và quyết tâm lai tạo ra loại nấm quý này.

 

Năm 2003, những bụi nấm linh chi đầu tiên do chính tay anh lai tạo ra đời, anh mừng đến không cầm nổi nước mắt. “Đó là thành quả của bao nhiêu ngày ngồi trong phòng kín, rồi chờ đợi đến mất ăn mất ngủ...”- anh Nhớ chia sẻ.

 

Ban đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật nên có không ít lần, phôi bị mốc, tơ nấm không mọc lên được, dần dần, anh liên tục cải tiến sao cho phù hợp với khí hậu địa phương và tận dụng mùn cưa, vỏ trấu, bắp… để tăng thêm chất dinh dưỡng, bảo đảm cho cây nấm phát triển khỏe mạnh, bông dày và to.

 

Thành công bước đầu đã giúp anh mạnh dạn nhân giống và mở rộng quy mô trại nấm. Anh Nhớ bây giờ đã là chủ của trại nấm hơn 0,5 ha trên đường Trần Quý Cáp, TP. Buôn Ma Thuột, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Linh Chi Việt. Trung bình mỗi tháng trang trại của anh cung ứng ra thị trường trên 3 tấn nấm tươi và gần 1 tấn nấm khô các loại, ngoài ra, còn cung cấp phôi giống cho các cơ sở trồng nấm khác.

 

Sản phẩm anh làm ra không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn phục vụ người tiêu dùng ngoại tỉnh với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg nấm sò và bào ngư tươi, 90.000 đồng/kg nấm mèo khô, 1 triệu đồng/kg nấm linh chi khô. Đây là sản phẩm mà thị trường đang có nhu cầu cao bởi nấm sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trại nấm đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 20 lao động tại địa phương.

 

Theo anh Nhớ, do sản xuất theo quy trình khép kín, chủ động được từ khâu nguyên liệu, chọn giống đến nuôi trồng nên nấm của trang trại không dùng chất bảo quản, kích thích hay bất cứ hóa chất gì. Từ khi cấy mô, lên phôi cho đến khi bụi nấm hình thành mất từ 2 tháng rưỡi đến 3 tháng (tùy loại). Trồng nấm không tốn quá nhiều diện tích và công chăm sóc nên được coi là mô hình phù hợp với nhiều gia đình ở đô thị. Người tiêu dùng có thể tự sản xuất nấm bằng cách mua bịch phôi (2.500 - 3.500 đồng/bịch) về trồng, ngày tưới hai lần và bảo đảm ánh sáng, độ ẩm đúng kỹ thuật…

 

Đỗ Lan

 

Máy sấy lúa tự động: Hiệu quả nhưng khó nhân rộng

 

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

 

Chị Cao Thị Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Bình Ngọc - ở thôn Ngọc Động, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội là người tiên phong lắp đặt dây chuyền máy sấy lúa tự động.

 

Mô hình sấy lúa hiện đại này hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân vơi nỗi nhọc nhằn sau mỗi vụ thu hoạch nhưng muốn nhân rộng vẫn còn nhiều việc cần bàn.

 

 

Mô hình máy sấy lúa tự động có công suất đạt 15 - 20 tấn/mẻ.

 

Bất cứ ai đến thăm xưởng chế biến lúa, gạo của chị Thủy đều thích thú trước dây chuyền sấy lúa tự động hiện đại. Dây chuyền máy sấy tự động theo quy trình đảo chiều dạng tháp này là kết hợp những ưu điểm của nhiều loại máy sấy nước ngoài. Tuy nhiên, để phù hợp đã có khoảng 80% các chi tiết máy được nội địa hóa. Riêng các bộ phận quan trọng như điều khiển tự động gió, nhiệt độ, độ ẩm hoàn toàn được nhập ngoại. Theo đó, lúa tươi được gầu bằng băng chuyền tải lên tháp cao 12m, trấu nhiên liệu cũng được gầu lên buồng đốt nhờ băng chuyền. Công việc vận hành máy chỉ cần một người đảm nhận.

 

Từ khi chị Thủy lắp đặt máy sấy lúa tự động, người dân ùn ùn mang lúa đến xếp hàng chờ sấy. Dù lắp đặt máy hơi muộn (giữa tháng 10), song dây chuyền máy sấy lúa tự động của chị Thủy đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Với công suất sấy trung bình đạt 17 tấn/mẻ/18 tiếng, vụ mùa 2016, chị Thủy đã sấy gần 200 tấn thóc cho nông dân với giá 300.000 đồng/tấn đối với lúa tẻ và 500.000 đồng/tấn đối với lúa nếp. Để dây chuyền hoạt động hiệu quả, chị Thủy đã xây thêm 2 silô có sức chứa 30 tấn/silô nhằm điều chỉnh lượng thóc sấy phù hợp để không ảnh hưởng đến chất lượng. Những khi lượng thóc cần sấy lớn, để thóc không bị ẩm mốc, nảy mầm, việc sấy sẽ chia làm 2 giai đoạn, lần 1 tạm sấy thóc khô khoảng 70%, lần 2 sấy khô hoàn toàn.

 

Điều chị Thủy tâm đắc nhất là hoạt động của máy sấy tự động không gây độc hại cho con người và môi trường. Việc sử dụng nhiên liệu trấu làm chất đốt vận hành máy đã giảm đáng kể chi phí sản xuất. Trấu sau khi đốt được để nguội rồi ủ hoai mục dùng làm phân bón cho cây trồng rất tốt. Bụi trong quá trình máy vận hành được thiết kế ống hạ thủy hút hoàn toàn xuống nước ao.

 

Chia sẻ việc đầu tư máy sấy lúa tự động, chị Thủy cho hay, chứng kiến người dân “một nắng hai sương” làm ra hạt thóc nhưng đến ngày thu hoạch mà gặp mưa nhiều thì vẫn coi như “xôi hỏng bỏng không” vì nguy cơ thóc bị nảy mầm. Trăn trở đó thôi thúc chị Thủy làm sao để giúp nông dân, giúp chính gia đình mình vượt qua nỗi lo này.

 

Năm 2012, chị Thủy đã lắp đặt dàn máy sấy ngang, song công suất sấy hạn chế, tốn nhiên liệu và mỗi lần sấy phải vào đảo thóc bằng tay rất vất vả nên chị đã dừng vận hành. Được sự tư vấn, giới thiệu của Công ty TNHH Công Nông nghiệp Hà Nội, chị Thủy đã mạnh dạn lắp đặt dàn máy sấy lúa tự động với mức đầu tư gần 1 tỷ đồng tại cơ sở xay xát gạo của gia đình. Đáng mừng là chất lượng gạo xay xát tăng rõ rệt, tỷ lệ gạo gẫy dưới 5% so với 25% lúa phơi thông thường. Ông Đỗ Văn Kiên – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Hưng (Thanh Oai) cho biết: “HTX Nông nghiệp Tam Hưng sử dụng dịch vụ máy sấy tự động cho 50 tấn lúa Nếp cái hoa vàng. Kết quả, chất lượng gạo sau xay xát đạt yêu cầu về kỹ thuật, hạt gạo tròn, mẩy, bóng và giữ nguyên mùi hương”.

 

Hiệu quả của mô hình sấy lúa hiện đại thấy rõ, song chị Thủy vẫn không khỏi băn khoăn vì sau mỗi năm hai vụ thì lấy nguồn nguyên liệu từ đâu để dây chuyền hoạt động? Dù tới đây, Công ty TNHH Bình Ngọc của chị Thủy mở rộng liên kết với các HTX trong huyện và vùng xung quanh để thực hiện dịch vụ bởi ngoài sấy thóc dây chuyền còn có công năng sấy các loại nông sản hạt như ngô, đậu tương, lạc… Tuy nhiên để duy trì hoạt động cho dây chuyền là cả một vấn đề không đơn giản! Trong khi số vốn đầu tư ban đầu không hề nhỏ? Thế nên chị Thủy rất mong được các cấp, ngành TP hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nông dân thông qua các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Có như vậy, người nông dân mới yên tâm sản xuất và mạnh dạn làm giàu trên mảnh đất quê hương.

 

NGỌC ÁNH

 

Nỗi niềm “hạt đắng”

 

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

 

Thời điểm cuối năm này, cùng với khu vực Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ cũng đang vào chính vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2016. Với giá cà phê nhân xô nội địa cuối tháng 11 từ 42.300 - 43.000 đồng/kg, xem ra đã cao hơn đầu vụ năm ngoái gần 10.000 đồng/kg và là mức giá khá tốt trong nhiều năm qua. Nhưng đây có lẽ là “điểm sáng” hiếm hoi của những người trồng cà phê.

 

 

Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua vào đầu năm 2016, đã khiến nguồn nước tại khu vực này cạn kiệt, dẫn đến hàng ngàn hécta cà phê cháy khô. Mặt khác, khi vào mùa mưa, nhiều cơn mưa liên tục đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển; làm sản lượng, năng suất cà phê sụt giảm trầm trọng. Tính toán sơ bộ, tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong tổng số gần 50.000ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, vụ thu hoạch năm nay sản lượng chỉ còn khoảng 60% so với năm trước. Điệp khúc “mất mùa, được giá” khiến người trồng không có niềm vui trọn vẹn.

 

Trong khi đó, tại huyện Bù Đăng - vùng chuyên canh cà phê trọng điểm của tỉnh Bình Phước, người dân lại phải đối mặt với nạn hái trộm cà phê. Kẻ trộm thường lợi dụng sơ hở của chủ vườn vào ban đêm, mang theo bạt vào tuốt quả. Theo tìm hiểu, tình trạng trộm cắp cà phê có lắng dịu mấy năm qua vì giá xuống thấp. Nhưng năm nay, khi cà phê có giá thì vấn nạn này tái diễn rầm rộ trở lại. Dù người dân đã tích cực đề phòng cảnh giác nhưng kẻ trộm luôn theo dõi, tìm sơ hở của chủ vườn để chặt cây, bẻ cành, tuốt trái. Thủ đoạn trộm cắp đó đang là nỗi ám ảnh của rất nhiều hộ gia đình trồng cà phê.

 

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, sản xuất cà phê đang chịu ảnh hưởng nặng do tình hình hạn hán nghiêm trọng nhất suốt 3 thập kỷ qua. Thiếu nước, khô hạn đe dọa gần 180.000ha cà phê ở Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, trong đó có hơn 40.000ha bị hư hỏng. Dự kiến, Việt Nam có khả năng chỉ xuất khẩu hơn 1 triệu tấn cà phê nhân trong năm nay, giảm 25% so với năm 2015.

 

Tạm quên những lo toan nói trên, giá cà phê nhân xô gia tăng ngay đầu vụ thu hoạch đã giúp người trồng thêm hy vọng về loại cây công nghiệp dài ngày này (kết thúc vụ vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán). Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước cũng khuyến cáo rằng, mặc dù Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cà phê nhân xô, nhưng giá cả lại phụ thuộc vào thị trường thế giới, cụ thể là những nhà đầu cơ lớn. Vì vậy, công tác dự báo giá cà phê rất khó chuẩn xác. Do đó, các nông hộ nên cân nhắc kỹ, khi quyết định bán hay tiếp tục trữ cà phê chờ giá tăng cao mới đưa ra thị trường tiêu thụ để thu lợi nhuận nhiều hơn.

 

ĐỨC TRUNG

 

Sản xuất gạo hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao

 

Nguồn tin: Hà Nội Mới

 

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), xã Đồng Phú (Chương Mỹ) đã hình thành vùng chuyên canh tập trung sản xuất lúa hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình mở ra hướng đi mới trong sản xuất lúa gạo tại Hà Nội.

 

Vụ mùa năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh, thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú trồng hơn 7 sào lúa Bắc thơm hữu cơ. Chưa đến độ thu hoạch đã có nhiều doanh nghiệp, thương lái đến đặt mua lúa gạo của gia đình. Ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Sản xuất theo mô hình VietGAP đã khó, sản xuất lúa hữu cơ còn khó khăn hơn. Bởi điều kiện về môi trường đất, nước phải đạt đủ tiêu chuẩn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

 

 

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Báo Nhân Dân

 

Anh Phạm Đức Kiền, thôn Hòa Xá, xã Đồng Phú rất hồ hởi khi lúa vụ mùa năm nay được, mùa được giá. Trong khi diện tích lúa các xã lân cận dịch bệnh bạc lá xảy ra trên diện rộng, nhưng 7 sào lúa gieo cấy bằng phương pháp hữu cơ của gia đình anh không bị nhiễm bệnh, năng suất bảo đảm, với giá bán trung bình từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, cho thu nhập khá.

 

Chia sẻ về sản xuất lúa hữu cơ trên đồng đất Đồng Phú, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đồng Phú Phạm Văn Thành cho biết: Được sự quan tâm của thành phố, địa phương sớm tiếp cận với dự án PAMSI (sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ) của tổ chức JICA. Ban đầu, dự án được triển khai thử nghiệm với diện tích 5ha. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần so với sản xuất lúa truyền thống nên nhân dân địa phương đã mở rộng diện tích. Đến nay, mỗi vụ, Đồng Phú có hơn 80ha sản xuất lúa hữu cơ, chiếm 40% diện tích lúa toàn xã.

 

Đáng mừng, lúa hữu cơ Đồng Phú không phải lo đầu ra, đến nay, 5 doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, do vậy, số lượng gạo làm ra không đủ cung ứng cho thị trường. Để bảo đảm đầu ra và phát triển lúa gạo hữu cơ Đồng Phú thành thương hiệu hàng hóa mạnh, UBND huyện Chương Mỹ đã hoàn thành hồ sơ trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể gạo hữu cơ Đồng Phú.

 

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho rằng: Trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang nhức nhối như hiện nay thì việc kiểm soát chất lượng từ khâu sản xuất được cho là phương án tối ưu và hiệu quả nhất. Để cung ứng những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, Chương Mỹ xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau, trái cây sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, song chỉ duy nhất có lúa hữu cơ Đồng Phú phát triển ổn định. Dự kiến, trong năm 2017, nhãn hiệu gạo hữu cơ Đồng Phú sẽ được công nhận và bảo hộ trên thị trường. Đây cũng là cơ hội để huyện Chương Mỹ mở rộng diện tích gieo cấy lúa theo mô hình hữu cơ.

 

Tuy nhiên, để phát triển ổn định, nhân dân xã Đồng Phú đã kiến nghị Ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống tưới tiêu cho vùng quy hoạch gạo hữu cơ; hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm gạo hữu cơ cho địa phương.

 

Đỗ Minh

 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cà phê tăng giá, nông dân tiếc nuối

 

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu

 

 

Ông Trần Duy Thanh (ấp Tân Bình, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) thu hoạch cà phê trong vườn.

 

Hơn 2 tháng trở lại đây, giá cà phê tăng vọt, có thời điểm đạt mức 45.000 - 46.000 đồng/kg cao nhất trong 3 năm trở lại đây nhưng nông dân lại không có hàng để bán. Hiện nhiều nông dân đang tiếc nuối vì phần lớn diện tích cà phê đã bị chặt bỏ để trồng các loại cây khác.

 

Nhiều diện tích cà phê đã bị chặt bỏ

 

Những ngày này, các vườn cà phê trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang bước vào vụ thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Vọng (tổ 2, thôn Sông Xoài 4, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) cho biết, gia đình chị hiện đang trồng 400 gốc cà phê xen với hồ tiêu trên diện tích 1ha. Theo ước tính, vụ cà phê năm nay đạt khoảng 7-8 tạ, năm suất giảm 30-40% so với năm 2015. Nguyên nhân khiến năng suất cà phê giảm là do vào mùa khô nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới khiến cây không đậu trái hoặc bị rụng trái non. Vào mùa mưa, cây bị nhiều loại bệnh như rầy nâu, kháng thư, chết cành... nên năng suất giảm. Do đó, mặc dù được giá nhưng năng suất giảm nên thu nhập của người trồng cà phê không cao.

 

Theo người trồng cà phê tại huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, niên vụ cà phê thường bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc thu hoạch vào tháng 1 năm sau. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và tạo hạt nên niên vụ cà phê 2016-2017 bắt đầu muộn hơn mọi năm (từ giữa tháng 11-2016 mới bắt đầu cho thu hoạch). Dự báo, sản lượng năm nay giảm 20-25% so với vụ trước. Đưa tay chỉ vườn cà phê chỉ còn khoảng 200 gốc, chị Nguyễn Thị Xuân (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) nói: “Mấy tháng nay, nghe tin cà phê tăng lên 46.000 đồng/kg, cả gia đình tôi ai cũng tiếc quá chừng, bởi gần 1.000 gốc cà phê của gia đình mới bị chặt bỏ từ tháng 1-2016. Mấy năm qua giá cà phê thấp quá, không đủ chi phí nên tôi quyết định chặt bỏ để chuyển sang trồng mít. Giờ giá tăng cao lại thấy tiếc”. Theo chị Xuân, không riêng gia đình chị, tại thôn Bình Sơn, nhiều hộ dân khác cũng đã chặt bỏ hết cà phê để trồng chuối, mít hoặc hồ tiêu.

 

Nên trồng xen cà phê và tiêu

 

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh còn hơn 5.600ha trồng cà phê, giảm 550ha so với năm 2015, năng suất trung bình đạt 18 tạ/ha. Do giá bán cà phê giảm sâu trong thời gian qua nên nhiều nông dân đã chặt bỏ loại cây này để trồng hồ tiêu, bởi đây đang là cây trồng “vàng” cho thu nhập 300-400 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần so với cà phê. Bà Trần Thị Hiến, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, việc người dân ồ ạt chặt bỏ cà phê để trồng tiêu chỉ có lợi ngay trước mắt. Về lâu dài, diện tích trồng cà phê giảm, sản lượng không đủ cung ứng cho thị trường sẽ gây mất cân đối cung cầu. Do đó, người dân cần tránh tình trạng chặt – trồng theo phong trào. Để phát triển cây cà phê, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và DN trong việc quy hoạch diện tích trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, tưới tiêu và bao tiêu đầu ra.

 

Ngoài ra, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, việc trồng cà phê xen tiêu cũng mang lại nhiều lợi ích, có thể hỗ trợ qua lại lẫn nhau. Cụ thể, cà phê là loại cây hút nước tốt, tiêu thì lại rất mẫn cảm với nước. Ngoài ra, lượng phân bón cần cho cà phê cũng ít nên mỗi khi bón cho cà phê có thể tăng thêm chất dinh dưỡng cho các cọc tiêu. Ông Trần Duy Thanh (ấp Tân Bình, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) cho biết, hiện tại gia đình ông đang trồng 400 gốc cà phê xen canh với khoảng 1.000 gốc tiêu trên diện tích 1,2ha. Với kinh nghiệm nhiều năm, ông Thanh cho rằng, việc trồng cà phê xen tiêu sẽ hỗ trợ lẫn nhau, giúp cho tiêu phát triển tốt, đặc biệt là mùa mưa, tiêu hạn chế được các dịch bệnh do bị úng nước.

 

Ông Hoàng Long Vỹ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) cho biết, năm 2016, diện tích cà phê trên địa bàn xã từ 50ha giảm còn 30-35ha. Theo ông Vỹ, để tránh việc người dân tập trung ồ ạt phát triển cây tiêu ảnh hưởng đến quy hoạch sản suất nông nghiệp, Hội Nông dân xã đã phối hợp với ban ngành địa phương vận động, khuyến cáo người dân nên duy trì hình thức trồng xen cà phê và tiêu. Mô hình này giúp cây tiêu có thể hạn chế được dịch bệnh chết nhanh chết chậm nhờ cây cà phê hỗ trợ hút nước. Đồng thời, khi trồng 2 loại cây này cũng giảm được chi phí phân bón hơn khi trồng riêng lẻ.

 

NGÔ THANH

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop