Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 06 tháng 6 năm 2019

Vụ trái cây hè: Khó ‘dò ý’ thị trường

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Mọi năm, thời điểm này trái cây hè đã bắt đầu rộ vụ, giá giảm mạnh. Nhưng hiện tại, giá các loại trái cây hè vẫn “đứng” ở mức cao. Do ảnh hưởng của thời tiết khiến vụ trái cây hè năm nay vừa trễ vụ hơn cả tháng, lại cho thu rải vụ so với mọi năm nên lúc này nhiều nhà vườn hầu như mới thu những đợt trái đầu tiên.

Chủ vựa trái cây tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây thu mua chôm chôm của nông dân Đồng Nai

Dự kiến khoảng 1 tháng nữa thì chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... mới vào đợt thu hoạch chính. Nông dân lo lắng vì nếu trái cây rộ vụ trễ thì dễ “đụng” mùa mận, mùa vải... ở miền Bắc. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc lại không còn “rộng cửa” như trước.

* Đầu mùa khan hàng, trúng giá

Hiện thương lái đang đổ về các nhà vườn, trả giá cao và cạnh tranh nhau mua sầu riêng, chôm chôm, măng cụt. Tuy nhiên, nhiều thương lái không mua được đủ nguồn hàng do nhiều nhà vườn đang “đứt” hàng, sầu riêng, chôm chôm phải cả tháng nữa mới thu hoạch nhiều.

Bà Lê Thị Thỏa, thương lái thu mua trái cây tại huyện Thống Nhất nhận xét: “Năm nay trái cây trễ vụ, lại thu rải rác chứ không tập trung cùng thời điểm nên thương lái phải cạnh tranh nhau nhưng có ngày cũng chỉ thu được vài tạ sầu riêng, chôm chôm chứ không mua được hàng tấn như cùng kỳ năm ngoái. Phải cả tháng nữa các vườn mới thu hoạch rộ nên giá các loại trái cây hè đều đứng ở mức cao”.

Cụ thể, giá sầu riêng rụng bán tại vườn lên đến 70-75 ngàn đồng/kg, sầu riêng cắt già vẫn đứng ở mức cao trên 50 ngàn đồng/kg. Chôm chôm Java có giá từ 12-14 ngàn đồng/kg; chôm chôm nhãn, chôm chôm thái từ 22-28 ngàn đồng/kg; măng cụt bán ra được 60 ngàn đồng/kg. Mức giá này cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi so với mức giá cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Công Tiến, nông dân có vườn trái cây chôm chôm, sầu riêng, măng cụt tại xã Bàu Sen (TP.Long Khánh) cho biết: “Hiện nhiều nhà vườn chỉ mới cho trái đợt đầu và cả tháng nữa mới bắt đầu vào vụ thu hoạch, trễ gần 2 tháng so với vụ trái cây hè năm ngoái. Do ảnh hưởng của thời tiết mưa trái mùa nên cây trồng ra hoa nhiều đợt, cho thu hoạch cũng rải vụ so với mọi năm. Vì nguồn cung kém dồi dào nên giá trái cây ổn định ở mức khá cao”.

Ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) cho hay: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, tỷ lệ trái cây tươi về nhiều hơn, chiếm tỷ lệ lớn vẫn là các loại trái cây của Đồng Nai. Kênh tiêu thụ chính vẫn là thị trường trong nước. Do nguồn cung chưa tăng mạnh nên giá trái cây vẫn giữ ổn định ở mức khá cao”.

* Lo đầu ra khi rộ vụ

Tuy nhiên, không ít nhà vườn tiếc nuối vì không có hàng bán khi thị trường đang ở mức giá tốt. Trong khi dự báo thị trường đầu ra, nhất là thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc không còn “ăn” hàng mạnh như mọi năm nên nỗi e ngại trái cây rộ vụ, rớt giá là điều khó tránh khỏi.

Bà An Tú Anh, Giám đốc Hợp tác xã rau Tân Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) khảo sát vườn rau của các thành viên

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh) lo lắng về việc vào vụ trễ nên nhiều nhà vườn mới thu được một ít trái bói so với mùa vụ năm ngoái. Đa số vẫn phải chờ đợt thu chính trong khoảng hơn 1 tháng tới. Hiện nay, tuy có siêu thị đặt hàng trái cây với hợp tác xã nhưng chỉ được vài tạ/ngày, sản lượng này quá ít nên rất khó nhận đơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Hà Nội cũng chưa đặt hàng nhiều, đơn hàng xuất khẩu hầu như chưa có. “Các nhà vườn vẫn chưa thực hiện đăng ký mã số vườn trồng để truy xuất nguồn gốc nông sản nên cũng chưa đủ điều kiện tham gia kênh xuất khẩu. Đầu ra của trái cây hè vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và chủ yếu là tiêu thụ nội địa nên rủi ro rộ vụ, rớt giá là rất lớn” - ông Tâm nói.

Cùng quan điểm, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) cũng là thương lái thu mua trái cây cung cấp các đơn hàng xuất khẩu đi Trung Quốc dẫn chứng những khó khăn của thị trường này: “Từ đầu vụ đến nay, nhiều thương lái “đóng” hàng đi Trung Quốc bị chặn lại ở cửa khẩu không xuất được, buộc phải chở về bán lẻ tại các tỉnh miền Bắc, thậm chí chở ngược về Long Khánh tiêu thụ. Nguyên nhân là do mặt hàng sầu riêng chưa đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch, vẫn xuất “chui” theo đường tiểu ngạch nên nhiều xe hàng đến cửa khẩu bị chặn lại, không qua được”.

Cũng theo bà Nga, điều đáng lo ngại cho các mặt hàng trái cây xuất khẩu khác như: mít, chôm chôm, xoài... không chỉ các thị trường khó tính mà muốn xuất đi Trung Quốc cũng phải thực hiện đăng ký mã truy xuất nguồn gốc nông sản. Nhưng đa số nông dân hiện vẫn lơ là, chưa quan tâm với quan niệm thương lái mua chưa ai yêu cầu.

Tuy có doanh nghiệp muốn ký hợp đồng bao tiêu chôm chôm, sầu riêng xuất khẩu với Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định, nhưng đơn vị này cũng không dám ký vì các nhà vườn chưa đáp ứng yêu cầu này. Bỏ qua những đơn hàng lớn, ổn định thì đầu ra cho trái cây hè vẫn còn nhiều bấp bênh vẫn là bài toán còn bỏ ngỏ.

Bình Nguyên

Saigon Co.op bao tiêu 500 tấn vải thiều Lục Ngạn

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 3-6, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị này cam kết bao tiêu 500 tấn trái vải thiều tươi được khai thác trực tiếp tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Để kích cầu tiêu dùng, Saigon Co.op chủ động giảm lợi nhuận để giá bán chỉ bao gồm giá thu mua trực tiếp cộng chi phí vận chuyển, từ đó đảm bảo tối đa quyền lợi của nông dân.

Trái vải thiều được vận chuyển bằng xe chuyên dụng và phân phối tại hơn 700 điểm bán của Saigon Co.op từ khu vực miền Trung đến mũi Cà Mau để khách hàng có thể thưởng thức trái vải thiều chính gốc với mức giá tốt nhất.

Ngoài ra, vải thiều Lục Ngạn sẽ được đưa vào danh sách các mặt hàng trong “Lễ hội trái cây Việt” được triển khai liên tục trong tháng 6 và 7-2019 tại hơn 700 điểm bán của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opSmile, Cheers, HTVCo.op với nhiều hoạt động trưng bày, giảm giá, ăn thử…

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề Saigon Co.op đặt lên hàng đầu, vì vậy 100% sản phẩm trái vải đợt này đều đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, hoặc có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

HẢI HÀ

Giống nho mới NH01-152 cho hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Trong dịp hè này, lượng du khách trong nước và quốc tế đến Ninh Thuận ngày càng đông. Nằm trong chuỗi quảng bá hình ảnh, sản phẩm đặc thù của địa phương, hơn 1 năm qua, hộ ông Nguyễn Khắc Phòng, ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) đã đầu tư trồng 7 sào giống nho mới NH01-152 theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và bao chùm trái nho, hiện nay đang cho thu hoạch với năng suất bình quân 1-1,5 tấn/sào/vụ.

Đặc tính ưu việt của giống nho này là trái nho có hình bầu dục, vỏ dày, có màu đỏ tươi ở phần cuối của trái; trái nho lớn hơn nhiều so với giống nho khác mà nông dân tỉnh ta trồng nhiều năm qua. Nho NH01-152 có chùm trái to và dài, trọng lượng từ 1,5-1,8kg/chùm; vỏ trái dày, thịt chắc, giòn, độ ngọt vừa phải, có mùi hương nhẹ đặc trưng; thời gian bảo quản khá dài ngày… Giá bán tại vườn từ 100-120 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các chi phí sản xuất, nông dân lãi từ hơn 80 triệu đồng/sào/vụ.

Du khách quốc tế tham quan và thưởng thức giống nho mới NH01-152.

Theo Thạc sĩ Phạm Văn Phước, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển công nghệ thuộc Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, giống nho mới NH01-152 được nghiên cứu lai tạo thành công từ trồng trên gốc ghép của giống nho dại, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các giống nho đỏ Cardinall và giống nho xanh NH01-48 ở chỗ, giai đoạn ra hoa, mặc dù thời tiết nắng nóng gắt, cây nho vẫn đậu được trái; có khả năng chống chịu tốt các đối tượng sâu bệnh; nếu gặp mưa thì khó tụt bông, nên có nhiều khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế với các giống nho đến từ Mỹ, Italia, Pháp…

Giống nho mới NH01-152 đang góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm nho ăn tươi của tỉnh ta và góp phần quảng bá du lịch tỉnh nhà.

Văn Miên

Lạc L14 che phủ nilon thắng lớn

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Giá lạc tươi bán tại vườn 15.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với vụ năm 2018, nhiều hộ nông dân ở huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) thắng lớn.

Những ngày này, huyện Chiêm Hóa đang vào vụ thu hoạch lạc rộ. Vụ năm nay, huyện gieo trồng 1.900 ha lạc, trong đó có 1.144 ha lạc trồng trên đất ruộng 1 vụ lúa, còn lại trên đất soi bãi. Ngay từ đầu vụ, do thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên củ khá chắc, năng suất trung bình đạt 34 tạ/ha.

Nông dân xã Phúc Sơn trao đổi kinh nghiệm trồng lạc cho năng suất cao

Xã Phúc Sơn là địa phương có diện tích lạc lớn nhất huyện Chiêm Hóa. Vụ này, xã trồng 474 ha lạc. Với đặc điểm thổ nhưỡng đất pha cát cộng với kinh nghiệm nhiều năm canh tác của người nông dân, hằng năm cây lạc ở Phúc Sơn luôn đạt năng suất trung bình 37 tạ/ha. Cao nhất vùng lạc Chiêm Hóa.

Vụ lạc năm nay, gia đình anh Trần Văn Tuấn, thôn Bản Lai, xã Phúc Sơn trồng 2.500 m2 lạc, giống L14. Nhờ thời tiết thuận lợi, lại chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên gia đình anh thu được gần 10 tạ lạc khô. So với những vụ trước, vụ năm nay năng suất cao hơn 1 tạ.

Anh Tuấn bảo, gia đình gắn bó với vùng lạc đã nhiều năm, các giống lạc sử dụng cũng nhiều, nhưng giống L14 ở đây được nhiều hộ trồng do giống lạc mới chịu thâm canh cho năng suất cao và kháng chịu sâu bệnh tốt, nhất là bệnh đốm nâu, đốm đen và bệnh rỉ sắt. Trừ chi phí giống, phân bón, vụ năm nay gia đình anh thu lãi gần 20 triệu đồng.

Trồng lúa năng suất thấp, 4 năm nay gia đình anh Khổng Thanh Mạnh, thôn Nà Bó, xã Phúc Thịnh đã chuyển đổi hơn 1.000 m2 đất trồng lúa sang trồng lạc, giống L14. Năm nay, nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời nên cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt.

Anh Mạnh cho biết, lạc vụ này được mùa, đến khi thu hoạch thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 15.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với vụ trước nên người trồng rất phấn khởi. Riêng gia đình anh, hơn 1.000 m2 đất lạc cho thu lãi trên 8 triệu đồng. So với trồng lúa cây lạc cho hiệu quả kinh tế cao gấp đôi.

Một trong những thành công trong vụ lạc năm nay ở Chiêm Hóa là huyện triển khai hiệu quả mô hình trồng lạc che phủ nilon vụ đông xuân tại 11 xã với diện tích 132,4 ha. Mô hình này có nhiều ưu điểm như: Cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế được thoát hơi nước, cỏ mọc và đảm bảo giữ ẩm, giữ ấm về mùa đông. Ngoài ra, phương pháp này còn chống được xói mòn đất, phòng tránh được nhiều loại sâu bệnh; lạc trồng theo mô hình này rút ngắn được thời gian sinh trưởng từ 10 - 15 ngày, lạc phát triển đều, sai củ, cho năng suất cao hơn 20%.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, mô hình trồng lạc che phủ nilon cho năng suất đạt 42 tạ/ha lạc khô, cao hơn mô hình trồng thông thường từ 5 - 8 tạ/ha. Cùng với đó, để nâng cao năng suất, chất lượng cây lạc, Sở đã phối hợp với huyện Chiêm Hóa thực hiện chương trình phục tráng giống lạc. Giống lạc được lựa chọn là giống gốc, năng suất cao, làm cơ sở phục vụ cho sản xuất đại trà và phát huy lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lạc của tỉnh.

Với năng suất như hiện nay, trung bình mỗi năm huyện Chiêm Hóa thu tổng sản lượng khoảng 6.500 tấn lạc, giá trị đạt gần 130 tỷ đồng. Huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp tập trung, đồng bộ để tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng nhãn hiệu tập thể lạc Chiêm Hóa. Huyện phấn đấu đến năm 2020, nâng diện tích trồng lạc trên địa bàn là 3.000 ha, tổng sản lượng đạt hơn 10.000 tấn.

ĐÀO THANH

Hòa Bình: Đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất nấm linh chi đỏ và cây sachi

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Nhờ tích cực đổi mới, năng động trong cách làm, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hòa Bình (thành phố Hòa Bình) không chỉ đảm bảo tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo niềm tin cho các thành viên mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân địa phương.

HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hòa Bình với ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện nay HTX đang thực hiện 2 chuỗi liên kết trong sản xuất cây sachi và nấm linh chi đỏ.

Ông Lê Minh Hưng, sáng lập viên HTX cho biết: Mục tiêu và chiến lược phát triển của HTX là luôn tạo điều kiện để các thành viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua việc tổ chức lại quy mô sản xuất, ứng dụng nhanh các tiến bộ KH-CN. Xây dựng chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, đủ sức cạnh tranh cung ứng vào thị trường.

Trồng nấm linh chi đỏ đòi hỏi kỹ thuật cao hơn so với những loại nấm thông thường khác. Để có được nấm linh chi sạch, không hóa chất, HTX đã liên kết với các nhà khoa học để có được những hỗ trợ thiết thực trong sản xuất và liên kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu nấm linh chi Hòa Bình. Từ năm 2016, HTX đã liên kết với doanh nghiệp để bắt đầu thực hiện mô hình trồng nấm linh chi đỏ. Qua liên kết này, doanh nghiệp cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm thô cho HTX. Một kg giống cho 100 giá thể, năm đầu tiên khi chưa có kinh nghiệm tỷ lệ thất thoát cao. Sang năm thứ 2, xã viên nắm bắt được quy trình kỹ thuật lượng thất thoát ít hơn. Năm 2017, HTX thực hiện 2 vạn giá thể. Năm 2018, HTX làm 3 vạn giá thể. Năm 2019 làm hơn 1 vạn giá thể.

Thay vì sử dụng mùn cưa hoặc các phế phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu trồng nấm linh chi theo cách truyền thống, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hòa Bình đã liên kết với Sở KH&CN ứng dụng thành công giải pháp mới (công nghệ sản xuất bán tự nhiên) sử dụng những khúc gỗ keo để nâng cao hiệu quả nuôi trồng nấm linh chi. Để loại bỏ mầm bệnh, những khúc gỗ keo được xử lý thanh trùng, bảo đảm hoàn toàn sạch bệnh trước khi đưa vào trồng nấm. Việc HTX sử dụng thân gỗ keo trồng nấm giúp vị đắng của nấm tăng lên, từ đó tăng giá trị của nấm thương phẩm. Bên cạnh đó, làm theo phương pháp này, HTX tận dụng được nguồn gỗ khúc dư thừa và sẵn có tại địa phương, được áp dụng mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường. Sản phẩm đáp ứng những quy định tiêu chuẩn khắt khe và kiểm định của cơ quan chức năng.

Nấm linh chi do HTX trồng trên thân gỗ keo bảo đảm sạch, hoạt chất dược liệu cao. Mỗi năm thu 3 lứa, mỗi lứa cách nhau 4 tháng. Áp dụng công nghệ mới, năng suất 1 vạn giá thể cho thu khoảng 7 tạ nấm tươi (tương đương hơn 3 tạ nấm khô), bán ra với giá bán buôn 480.000 đồng/kg, bán lẻ 600.000 đồng/kg nấm loại 1.

Trồng nấm linh chi đỏ sử dụng những khúc gỗ keo tăng giá trị của nấm thương phẩm

Bên cạnh mô hình trồng nấm linh chi đỏ, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hòa Bình thực hiện ươm cây giống sachi và chuyển giao kỹ thuật trồng cây sachi và thu mua hạt sachi cho bà con nông dân. Chuỗi liên kết sản xuất trồng cây sachi được HTX thực hiện tại xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) và một số xã ở huyện Đà Bắc với diện tích trên 5ha.

Sachi là loại cây trồng mới, lần đầu tiên được HTX đưa vào trồng thử nghiệm nhưng theo đánh giá cây trồng này khá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, đã và đang cho thu hoạch. Cây cho thu hoạch quanh năm khi quả khô và lá già là thu hoạch. Năng suất cao dần từ năm thứ 2 đến năm thứ 7 và trồng một lần có thể thu trong hơn 10 năm. Sản phẩm được HTX ký hợp đồng với Công ty SachiViNa thu mua trong 20 năm với giá thu mua theo giá thị trường nhưng thấp nhất là 40.000 đồng/kg hạt khô; 30- 50.000 đồng/kg lá khô. Ước tính ban đầu 1 ha sachi có thể cho thu lãi 120 triệu đồng.

Gia đình bà Phùng Thị Chung ở xóm Cang 1, xã Hòa Bình là một trong những hộ tham gia trồng cây sachi với hơn 300 gốc trồng trên diện tích 800 m2. Tham gia trồng từ năm 2018 đến nay cây bắt đầu đã cho thu hoạch. Lứa đầu tiên đã thu hoạch được gần 2 tạ quả khô, ước tính mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 10 triệu đồng (cả bán quả và bán lá). Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây hoa màu khác, đầu ra của sản phẩm được công ty bao tiêu toàn bộ nên người dân đặt niềm tin cây sachi sẽ nâng cao nguồn thu nhập.

Việc HTX thực hiện ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản đã giúp nông dân, xã viên yên tâm sản xuất, không lo về đầu ra cho sản phẩm, có thu nhập ổn định và hạn chế được rủi ro. Đồng thời, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, kiểm soát được chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng.

Thời gian tới, đối với cây sachi, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hòa Bình tiếp tục phát triển ổn định vùng nguyên liệu, tiến tới đầu tư dây chuyền, thiết bị để sản xuất các sản phẩm từ cây sachi. Đối với sản phẩm nấm linh chi đỏ, HTX tiếp tục tìm kiếm thị trường, liên kết với các đơn vị ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, từ đó sẽ tăng quy mô sản xuất, nhằm đem lại doanh thu và việc làm cho người dân./.

Thanh Hằng - Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình

Xuất khẩu rau, quả giữ tăng trưởng ổn định

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhiều loại trái cây của Việt Nam như Xoài Yên Châu (Sơn La) đã tìm được đường vào những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. Ảnh minh hoạ

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PPTNT), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 5 năm 2019 ước đạt 424 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 với 74,26% thị phần. Tiếp đến là Mỹ chiếm 3,16%; Hàn Quốc chiếm 3,03%; Nhật Bản chiếm 2,53%...

Các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Australia tăng 39,9%; Hà Lan tăng 29,22%; Hàn Quốc tăng 25,53% và Pháp tăng 24,81%.

Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau, quả tháng 5/2019 đạt 228 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2019 đạt 878 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2018.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, cuối tháng 4/2019, Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu măng cụt của Việt Nam, đây là loại trái cây thứ 9 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này (sau thanh long, vải, dưa hấu, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm).

Theo dự báo, năm 2019 thị trường Trung Quốc sẽ nhập khẩu trái cây với giá trị vượt 10 tỷ USD. Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu rau quả của thị trường Trung Quốc đã tăng lên 3,1 tỷ USD, vượt 26% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó tăng nhanh nhất là măng cụt (tăng 600%).

Mục tiêu của ngành nông nghiệp đặt ra trong năm 2019 là đạt 4,2 tỷ USD và các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực mở rộng xuất khẩu được sang các thị trường mới, khó tính nhưng có tiềm năng lớn như Mỹ, châu Âu.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Mỹ đạt 123 triệu USD. Tổng sản lượng quả tươi xuất khẩu sang Mỹ phải qua chiếu xạ đạt gần 7.500 tấn các loại, tăng 75 lần so với năm 2008. Có nhiều khả năng kim ngạch sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2019, vì mới đây các doanh nghiệp Việt Nam đã chính thức xuất khẩu quả xoài tươi sang Mỹ (sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa). Hai bên đang tiếp tục đàm phán để Mỹ mở cửa thêm cho quả bưởi từ Việt Nam.

Sau thị trường Mỹ, châu Âu là thị trường xuất khẩu rau quả nhiều tiềm năng. Đây cũng là thị trường nhập khẩu rau quả đông lạnh lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả đông lạnh toàn cầu.

(Nguồn: TTXVN)

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop