Nhà nông nhạy bén với thị trường
Nguồn tin: Báo Bình Phước
“Để phát triển kinh tế, người nông dân phải dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Một yếu tố quan trọng là trong quá trình sản xuất phải áp dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích” - anh Nguyễn Văn Chục (SN 1970), ngụ ấp 5, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) cho biết.
Sinh ra tại tỉnh Tiền Giang - vùng đất chuyên canh cây ăn trái, từ nhỏ anh Chục đã được tiếp cận nhiều vườn cây ăn trái. Nhìn những vườn cây trái xanh tốt, xum xuê, anh luôn mong muốn một ngày nào đó mình sẽ là chủ nhân một vườn như thế, nhưng diện tích đất của gia đình hạn chế. Năm 1995, anh lên Bình Phước thăm người thân, nhận thấy nơi đây đất màu mỡ; năm 1996, anh đưa vợ con đến ấp 5, xã Tân Hưng lập nghiệp. Dồn hết vốn liếng, anh mua 4 ha đất trắng, lúc đầu trồng nhãn. Qua nhiều năm chăm sóc, khi nhãn cho thu hoạch thì rớt giá, làm ăn thua lỗ, gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Để tránh rủi ro, anh chặt bỏ nhãn và trồng 4 ha dó bầu xen quýt đường. Sau 5 năm, quýt đường cho thu hoạch. Thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật nên quýt đường cho năng suất cao, mỗi vụ anh thu 80 tấn trái, trị giá khoảng 800 triệu đồng. Với cây dó bầu, sau 10 năm chăm sóc thì cho thu hoạch, anh bán ra thị trường trung bình khoảng 1,2 triệu đồng/cây.
Anh Nguyễn Văn Chục tạo tán cho cây cảnh
Thu hoạch xong dó bầu, năm 2014, anh trồng 1,4 ha chôm chôm Thái. Giống chôm chôm Thái có ưu điểm là trái lớn, cơm dày, hạt dẹt rất nhỏ, năng suất cao, chất lượng tốt, khi chín vỏ có màu đỏ hấp dẫn người tiêu dùng. Theo anh, kỹ thuật trồng và chăm sóc chôm chôm Thái không phức tạp, nên trồng vào đầu hay giữa mùa mưa. Tuy nhiên, trồng trong điều kiện ngập úng, đất đóng váng, hay tưới quá nhiều nước dễ bị thoái hóa rễ, do đó phải tạo rãnh thoát nước trong vườn. Năm đầu trồng phải cắt tỉa cành nhằm tạo cho cây có hình dáng khỏe mạnh, đầy đặn, cành lá tỏa đều quanh cây. Với chôm chôm, cứ vào vụ thu hoạch thường gặp tình trạng dội hàng, rớt giá. Để cây chôm chôm ra bông, đậu trái đồng loạt và cho thu hoạch sớm, anh Chục bón phân và chăm sóc đặc biệt để giá bán cao hơn. Từ 1,4 ha chôm chôm, vụ vừa qua anh thu hoạch hơn 3 tấn trái, với giá trung bình gần 20.000 đồng/kg cho thu nhập hơn 250 triệu đồng.
Thời gian gần đây, anh Chục thường xuyên tham quan các mô hình cây ăn trái ở miền Tây. Anh nhận thấy cây nhãn Ido phát triển nhanh, ít sâu bệnh, năng suất cao, tuổi thọ đạt 30-40 năm, trái to, cơm dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng, vị ngọt dịu nên được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, nhãn Ido kháng được bệnh chổi rồng - loại bệnh rất phổ biến ở nhiều giống nhãn khác. Năm 2017, anh trồng 7 sào nhãn Ido, đang cho trái bói. Anh Chục cho biết: “Nếu chăm sóc tốt, nhãn sẽ cho năng suất khoảng 30 tấn/ha. Với giá nhãn Ido trên thị trường hiện nay khoảng 33.000 đồng/kg, mỗi héc ta cho thu nhập hơn 900 triệu đồng”.
Số diện tích còn lại, anh đầu tư trồng cây cảnh, đặc biệt ưu tiên trồng cây nguyệt quế và tùng la hán. Nguyệt quế thuộc cây thân gỗ nhỏ, thân nhẵn, cành lá cong nên rất được ưa chuộng uốn bonsai. Anh Chục chia sẻ, để một cây bonsai có giá trị thì nước tưới luôn là yếu tố hàng đầu giúp cây phát triển. Việc bón phân theo định kỳ giúp cây đủ chất dinh dưỡng phát triển tốt, người trồng phải tạo hình thù cho cây theo 4 yếu tố: nhất rễ, nhì thân, ba cành, tứ lá. Anh đang chăm sóc khoảng 200 cây tùng la hán và 80 cây nguyệt quế. Giá cây cảnh khác nhau tùy theo năm tuổi, dáng dấp. Đối với cây nguyệt quế từ 20 năm tuổi anh bán với giá khoảng 60-100 triệu đồng/cây, cây tùng la hán anh bán 50-100 triệu đồng/cây.
Ông Phạm Văn Hiếu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng, cho biết: Nhà nông Nguyễn Văn Chục luôn nắm bắt nhu cầu thị trường, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tìm tòi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Đây là cách làm hay, cần được nhân rộng để nông dân trên địa bàn xã Tân Hưng học tập.
Khắc Bảy
Sầu riêng Monthong thu hoạch sớm, giá bán cao
Nguồn tin: Báo Đắk Nông
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đưa vào trồng loại sầu riêng Monthong xuất xứ từ Thái Lan. Bước đầu cho thấy, sầu riêng Monthong cho thu hoạch sớm, mang lại thu nhập tốt cho người trồng.
Sầu riêng Monthong bán tại xã Đức Mạnh (Đắk Mil) với giá từ 60.000 đồng/kg trở lên
Với 200 cây sầu riêng Monthong dù đang trong giai đoạn kiến thiết, nhưng năm nay gia đình ông Lê Huy Sáng, ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) đã thu về được 20 tấn quả. Theo ông Sáng, sầu riêng Monthong chín tới đâu thì có thương lái tới tận vườn thu mua tới đó. Thời điểm hiện nay, cây sầu riêng Monthong đang bước vào chính vụ và cũng rất được giá.
“Hiện tại, gia đình tôi bán được trên 60.000 đồng/kg ngay tại vườn. Với doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, công cán thì gia đình ước tính vẫn có lãi khoảng 900 triệu đồng”, ông Sáng cho hay.
Tương tự, mấy năm trước, gia đình anh Đỗ Trung Quốc, ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) trồng 200 cây sầu riêng Monthong. Năm nay, vườn sầu riêng của gia đình anh Quốc bắt đầu cho quả và ước được khoảng 10 tấn. Với số lượng này, sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh Quốc thu về hơn 400 triệu đồng. Anh Quốc phấn khởi: Năm nay thời tiết ít mưa nên trái sầu riêng chín rụng không bị sượng và giữ được hương vị. Những năm gần đây thương lái vào tận vườn “đặt cọc” trước, nên đầu ra cho sản phẩm này tương đối thuận lợi.
Qua khảo sát thị trường cho thấy, thời điểm này, sầu riêng Monthong đang được các thương lái thu mua tại vườn với giá trên 60.000 đồng/kg. Theo một số thương lái, giá cả được như vậy một phần là do cây sầu riêng Monthong đang còn ít người trồng, sản lượng trên thị trường chưa đáng là bao so với các loại sầu riêng khác. Hơn nữa cây sầu riêng Monthong còn bước vào thời kỳ thu hoạch sớm hơn nhiều dòng sầu riêng khác, nên cũng tránh được tình trạng bị “đụng hàng” trên thị trường. Có thời điểm, sầu riêng Monthong chạm đỉnh với giá trên 90.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, sầu riêng Monthong là loại giống cây trồng tương đối mới, do người dân tự phát đem về trồng. Đến nay, ngành nông nghiệp chưa có kết quả khảo nghiệm về loại giống này nên chưa khẳng định được cả về chất lượng lẫn hiệu quả kinh tế lâu dài. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có địa chỉ nào cung cấp loại giống sầu riêng Monthong bảo đảo uy tín, chất lượng. Do đó, người dân khi lựa chọn trồng sầu riêng Monthong cần phải cân nhắc kỹ càng để tránh những hệ lụy sau này.
Theo một số chuyên gia nông nghiệp, hiện tại sầu riêng đang là loại cây mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Đặc biệt, những hộ gia đình hiện đang có vườn sầu riêng Monthong thu hoạch thì trúng đậm. Thế nhưng, nông dân cũng lưu ý sầu riêng Monthong được giá nên theo quy luật thị trường thì diện tích những năm tới chắc chắn sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, trong điều kiện Nhà nước chưa thể bao tiêu được sản phẩm, người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích mà nên trồng xen canh để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, người dân nên mua giống ở những cơ sở bán giống uy tín, bảo đảm, tránh tình trạng vì “ham rẻ” mà mua phải giống kém chất lượng, gây ra những thiệt hại.
Bài, ảnh: Phan Tuấn - Lê Phước
Sóc Trăng: Vĩnh Châu: Nông dân phấn khởi nhãn xuồng cơm vàng giá cao
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng
Ngoài hành tím thì nhãn xuồng cơm vàng từ lâu đã trở thành “thương hiệu” và cây trồng chủ lực của TX. Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng). Hiện nông dân địa phương đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ, năm nay, do thời tiết khá thuận lợi nên chất lượng nhãn ngon cũng như mẫu mã đẹp, giá bán cao, ổn định, nông dân phấn khởi.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, hiện nay, TX. Vĩnh Châu có trên 301 ha cây ăn trái, trong đó nhãn xuồng chiếm 209 ha, diện tích còn lại là một số các loại cây ăn trái khác như: Thanh long ruột đỏ, mãng cầu ta… Nhãn xuồng cơm vàng tập trung chủ yếu ở phường Vĩnh Phước, phường 1 và ở xã Vĩnh Tân, Lai Hòa. Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TX. Vĩnh Châu Thạch Thu Hiền cho biết: “Những năm gần đây, chúng tôi đang triển khai quy hoạch lại vùng trồng nhãn xuồng nhằm phát triển giống cây trồng chủ lực của địa phương, gắn với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện nay, chúng tôi đã thành lập được hợp tác xã và tổ hợp tác trồng nhãn xuồng để phát triển nhãn theo hướng an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các buổi tọa đàm để phổ biến kỹ thuật trồng nhãn xuồng cho bà con. Từ đó, nhiều nông dân đã áp dụng vào sản xuất để nâng cao giá trị, làm giàu từ cây nhãn xuồng cơm vàng”.
Cũng theo đồng chí Hiền, vụ nhãn năm ngoái do thời tiết bất lợi nên ảnh hưởng đến sản lượng, vào thời điểm nhãn rộ, giá rớt xuống chỉ còn khoảng 28.000 đồng, sản lượng cũng thấp chỉ đạt khoảng 500kg đến 800 kg/công. Trồng nhãn ngoài phụ thuộc thời tiết thì một số nhà vườn đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nhãn ra trái sớm, bán đầu vụ nên giá cao. Năm nay thời tiết thuận lợi nhãn xuồng ra trái rải rác nông dân thu hoạch nhiều đợt nên giá nhãn năm nay không chỉ cao hơn năm ngoái mà còn giữ ở mức ổn định. Tùy theo loại, tuy nhiên đến thời điểm này, tại vườn, bà con vẫn bán với mức giá trên 40.000 đồng/kg, thậm chí đầu vụ giá bán dao động từ 55.000 đồng đến 60.000 đồng/kg, sản lượng cũng ước đạt trung bình trên 1,2 tấn/công.
Anh Lý Chí Hào đang thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng.
Theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn, so với các loại cây trồng khác ở địa phương thì nhãn xuồng cơm vàng ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu không cao. Việc chăm bón, tưới nước cho nhãn không quá vất vả, chủ yếu tập trung chăm sóc vào thời điểm nắng nóng trong năm. Đến khi cây nhãn bắt đầu trổ bông chỉ cần xịt sâu, bón thúc cho cây bằng phân tổng hợp hay phân chuồng để cây có sức nuôi hoa, nuôi trái. Sau 3 năm trồng cây bắt đầu cho trái. Nhờ thích nghi với vùng đất giồng cát ở địa phương nên nhãn sinh trưởng tốt, trái ngọt, thơm, cơm dày. Với chất lượng vượt trội nên nhãn xuồng cơm vàng của TX. Vĩnh Châu ngày càng được thị trường ưa chuộng, thương lái ở nhiều nơi tìm về mua. Trước giá trị kinh tế của cây nhãn xuồng cơm vàng, hiện nhà vườn đang mở rộng diện tích trồng nhãn xuồng cơm vàng thay cho giống nhãn thường của địa phương. Trước đây, anh Lý Chí Hào, ở khóm Biển Trên đã từng trồng rất nhiều các giống nhãn nhưng hơn 10 năm nay anh Hào chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng và thấy giống nhãn này tương đối phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Hơn 2 công nhãn xuồng của gia đình anh Hào đang bước vào thu hoạch rộ nhưng giá bán tại vườn hiện nay vẫn ở mức ổn định 40.000 đồng/kg. Anh Hào chân tình bộc bạch: “Nếu so với năm trước thì thời điểm này giá nhãn cao hơn nhiều so với vụ trước, thu nhập khá hơn năm rồi. Đang thu hoạch rộ nhưng giá nhãn vẫn giữ ở mức ổn định chứ không rớt giá như năm ngoái. Ngoài ra, vụ trước nhãn còn bị thiệt hại phân do thời tiết bất lợi, mưa nhiều nên vườn nhãn của gia đình tôi nhãn thối và rụng. Theo tôi, trồng nhãn không khó nhưng người trồng phải có kỹ thuật chăm sóc, không lạm dụng một số thuốc kích thích tăng trưởng thì cây nhãn sẽ phát triển bền vững”.
Rời vuờn nhãn của gia đình anh Hào, chúng tôi đến thăm vườn nhãn xuồng cơm vàng 2 ha của gia đình chú Lữ Nhỏ cũng ở khóm Biển Trên, với trên 200 gốc nhãn xuồng cơm vàng 8 năm tuổi đang cho trái vàng tươi, trĩu quả. Do áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên nhãn của gia đình chú Lữ Nhỏ chín sớm lại cho trái to, mẫu mã đẹp lại nên bán đầu vụ, giá cao. “Rút kinh nghiệm từ vụ nhãn trước, ngoài phụ thuộc thời tiết thì năm nay tôi tưới nước sớm nhãn ra bông cho trái sớm nên đến thời điểm này vườn nhãn của gia đình thu hoạch sắp xong vụ. Chủ yếu bán đầu mùa với giá 56.000 đồng/kg, còn hiện tại nhãn rộ nên giá nhãn còn 40.000 đồng/kg. Với mức giá này thì nhãn có giá hơn năm ngoái, hơn nữa năm nay nhãn ra trái nào được trái đó chứ nhãn không bị thối như năm rồi nên sản lượng ổn định, giá bán cao, gia đình cũng có thu nhập khá. Sau khi thu hoạch xong, tôi tiến hành tạo tán tỉa cành, cắt bỏ những nhánh nhỏ để dưỡng sức cho cây vụ sau. Theo tôi, lợi nhuận từ trồng nhãn khá cao thế nhưng hiện nay người nông dân vẫn đang còn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng của cây nhãn. Chính vì vậy, để mùa nhãn đạt hiệu quả thì người nông dân trồng nhãn nên áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh do ngành chức năng hướng dẫn có như thế mùa nhãn mới đạt hiệu quả kinh tế cao” - chú Lữ Nhỏ phấn khởi chia sẻ.
Vụ nhãn xuồng năm nay nông dân giá bán ở mức cao lại ổn định cũng như tín hiệu tích cực từ thị trường tiêu thụ nên thương hiệu nhãn xuồng cơm vàng của TX. Vĩnh Châu ngày càng được khẳng định, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp, phát huy lợi thế của địa phương, tăng thu nhập cho nông dân.
K. Thoa
Phú Yên: Thu hoạch tiêu không đủ chi phí nhân công
Nguồn tin: Báo Phú Yên
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra tình hình nắng hạn, dịch bệnh tại vườn tiêu xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) - Ảnh: LÊ TRÂM
Vụ tiêu năm nay ảnh hưởng bởi nắng hạn kéo dài, khiến cây tiêu bị bệnh ít trái; thêm vào đó, giá tiêu hạt trên thị trường xuống thấp nên thu hoạch không đủ chi phí nhân công, nhiều chủ vườn mất tiền tỉ.
Hiện vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá tiêu hạt trên thị trường xuống thấp, năng suất giảm, nhiều chủ vườn không muốn thu hoạch. Bà Nguyễn Thị Hiền ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) phân trần: Hiện nay, giá tiêu trên thị trường thương lái mua chỉ 26.000 đồng/kg tươi, trong khi đó công lao động thuê 200.000 đồng/công, một người hái giỏi được 10kg/ngày, đó là thời điểm thu hoạch rộ, tiêu sai, còn tiêu bệnh rụng hạt thì thu hoạch không đạt như vậy.
Với giá tiêu thấp như hiện nay thì nhiều người trồng hồ tiêu mất tiền tỉ. Cũng trồng tiêu tại xã Sơn Thành Tây, gia đình ông Phan Văn Tấn sở hữu 1ha tiêu, cách đây 3 năm thu hoạch được 5 tấn tiêu khô, giá tiêu bình quân 200.000-220.000 đồng/kg, có thời điểm giá tiêu lên đến 250.000 đồng/kg, thu về 1 tỉ đồng. Năm nay cũng 1ha tiêu nhưng nắng hạn, chỉ thu được 3 tấn tiêu khô bán với giá 50.000 đồng/kg, trừ chi phí nhân công, phân thuốc, số tiền còn lại ông chỉ đủ mua mấy bao phân nuôi vườn tiêu.
Trước đây, hồ tiêu mở ra cơ hội làm giàu cho hàng ngàn hộ nông dân, thế nhưng thời gian qua, hết mưa bão đến nắng hạn rồi dịch bệnh đeo bám, làm cho tiêu chết nhiều nên diện tích tiêu giảm mạnh. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, năm 2016, toàn tỉnh có 975ha tiêu; trong đó huyện Tây Hòa 600ha, Sông Hinh 200ha, Sơn Hòa 50ha và Tuy An 5ha. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 590ha, tập trung chủ yếu ở vườn tiêu Sơn Thành (huyện Tây Hòa).
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa cho hay: Hiện giá tiêu xuống thấp, người trồng đang gặp khó. Thời gian đến, ngành chức năng hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát trên cây tiêu; đồng thời tổ chức khảo nghiệm, chọn lọc giống tiêu mới cho năng suất cao và kháng một số bệnh nguy hiểm để nông dân yên tâm sản xuất.
TRÂM TRÂN
Sản xuất lúa vụ 3 không còn hấp dẫn
Nguồn tin: Báo An Giang
“Sản xuất lúa vụ 3 không còn hấp dẫn nông dân là do từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo gặp rất nhiều khó khăn, giá lúa trên đồng ở mức thấp, nông dân sản xuất lợi nhuận không cao. Ngoài ra, sản xuất trong tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều rủi ro; các sản phẩm từ hoa màu, cây ăn trái đang có đầu ra và giá cả rất tốt” - ông Trần Văn Ngói (xã Tân Lập, Tịnh Biên, tỉnh An Giang) phân tích.
Đầu ra gặp khó
Gia đình ông Trần Văn Ngói có 4ha đất trồng lúa. Vụ hè thu năm nay, trên mảnh đất của mình, ông Ngói trồng giống lúa ML202. Theo ông Ngói, đây là giống lúa có đặc tính ít bị nhiễm sâu bệnh, song do vụ hè thu năm nay, ông xuống giống vào thời điểm không phù hợp, dẫn đến lúa trổ gặp mưa giông, từ đó năng suất thấp so với những vụ mùa trước. “Lúa xuống giống không đúng với lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp đưa ra nên năng suất thấp. Không những thế, từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó nên giá lúa trên đồng ở vụ hè thu thấp, nông dân bị “thiệt hại kép”, vừa mất mùa, vừa mất giá, vì vậy sản xuất vụ 3 sắp tới, tôi đang tính toán xem có nên trồng lúa nữa hay không, vì sản xuất đến 3 tháng mà mỗi công chỉ lời 300.000 - 500.000 đồng và có khi bị thua lỗ thì sản xuất làm gì, cho đất nghỉ, mình đi làm thuê trong 3 tháng đó để kiếm tiền tập trung cho vụ đông xuân hay hơn” - ông Ngói tính toán.
Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang tìm hướng đi mới. Có hộ đã chuyển sang trồng rau màu (đối với vùng đất phù hợp, vì năm nay mặt hàng rau màu luôn có giá), có hộ tính toán cho đất nghỉ hoặc chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Tất cả những tính toán đó nhằm sản xuất ổn định hơn, nông sản tiêu thụ được thuận lợi, nông dân có lãi sau mỗi vụ thu hoạch.
Theo dõi tình hình xuất khẩu gạo của cả nước từ đầu năm đến nay cho thấy, phần lớn các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam đều giảm mạnh so cùng kỳ, ngoại trừ thị trường Philippines. Nếu 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang 3 thị trường: Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đạt 1,44 triệu tấn thì 5 tháng đầu năm 2019, con số này giảm còn 239.000 tấn (giảm trên 6 lần). Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 2,76 triệu tấn, với giá trị 1,18 tỷ USD, giảm 6,3% về khối lượng và 20,4% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái.
Sản xuất lúa vụ 3 không còn hấp dẫn nông dân vì giá lúa không ổn định
Biến đổi khí hậu gia tăng
Nông dân không còn mặn mòi với sản xuất lúa vụ 3, ngoài đầu ra gặp khó khiến giá lúa trên đồng ở mức thấp thì một yếu tố bất lợi khác khiến nông dân lo sợ chính là tình hình biến đổi khí hậu gia tăng. “Mưa gió thất thường là chuyện diễn ra hàng ngày đối với thời tiết trong 5 năm trở lại đây. Sự bất thường này làm cho mùa vụ sản xuất gặp rất nhiều bất lợi. Cụ thể, nếu lúa trổ vào thời điểm mưa nhưng kèm theo giông lốc thì vụ đó lúa sẽ bị lem lép nhiều. Khi lúa trổ vào lúc trời nắng nóng, nhiệt độ ở mức cao thì lúa không thụ phấn, vỏ trấu bị hư, dẫn đến thất bát. Nếu 20 năm trước, sản xuất vụ đông xuân và hè thu thường ăn chắc thì nay cả 3 vụ trong năm, khi thu hoạch rồi mới biết, chứ không đoán trước được vì yếu tố thời tiết” - ông Nguyễn Văn Mân (xã Lê Chánh, TX. Tân Châu) chia sẻ.
An Giang là 1 trong 3 địa phương tại ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng của tình hình biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng và hạn hán kéo dài vào mùa khô. Mưa to và kéo dài vào mùa mưa gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Năm 2011, biến đổi khí hậu đã gây thiệt cho tỉnh 981 tỷ đồng, năm 2017 là 403 tỷ đồng. Đây là những con số thống kê được, con số chưa thống kê được còn lớn hơn nhiều. Thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu để sản xuất hiệu quả hơn, muốn vậy thì ngoài thị trường đầu ra, bà con cần chọn giống cây, con để sản xuất vào thời điểm thích hợp, áp dụng triệt để khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng để lúa và cây trái cho năng suất cao.
Nông dân trồng xoài để thay cho cây lúa
“Sản xuất lúa vụ 3 không còn hấp dẫn, nông dân đang chuyển dịch trồng các loại cây màu, cây ăn trái có thị trường tiêu thụ và lợi nhuận sau mỗi mùa vụ thu hoạch cao hơn. Ngay trên địa bàn xã An Thạnh Trung (Chợ Mới), diện tích trồng lúa ngày càng thu hẹp, diện tích trồng cây ăn trái ngày càng tăng lên, nhiều nông dân hợp tác với các công ty chuyên xuất khẩu, trồng lá tía tô để xuất khẩu sang Hàn Quốc, việc này mở ra triển vọng lớn cho vùng đất An Thạnh Trung hôm nay” - Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Trung Huỳnh Ngọc Cường thông tin.
Bài, ảnh: MINH HIỂN
Hậu Giang: Gừng mất mùa, nhưng trúng giá
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Nông dân huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đang vào vụ thu hoạch gừng, được thương lái thu mua với giá từ 15.000-17.000 đồng/kg tùy loại, tăng từ 4.000-5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết không thuận lợi, nhiều diện tích trồng gừng bị mất mùa do các loại dịch bệnh tấn công, như: cháy lá, thối khô củ, héo xanh… làm năng suất gừng chỉ đạt khoảng 800-900kg/công. So với năm trước, năm nay trung bình năng suất rừng giảm 1-1,5 tấn/công, nhưng nhờ có giá nên sau khi trừ hết chi phí, người trồng lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/công.
Sau khi thu hoạch, người dân huyện Phụng Hiệp tiếp tục xuống giống vụ gừng mới.
Do giá gừng không ổn định, thường bị sâu bệnh tấn công, nên năm nay diện tích trồng gừng ở huyện Phụng Hiệp đã giảm hơn một nửa, còn khoảng 20ha.
Tin, ảnh: BÁ ĐĨNH
Làm trà từ vỏ cà phê
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Những người dân ở Cầu Ðất - một vùng vốn nổi tiếng từ lâu về cà phê - đã làm tăng thêm giá trị của loại cây trồng truyền thống này bằng một sản phẩm độc đáo và mới lạ: trà Cascara làm từ vỏ quả cà phê.
Sản phẩm trà Cascara sẽ góp phần làm tăng giá trị kinh tế cho cây cà phê Cầu Đất. Ảnh: V.Quỳnh
Vài năm trở lại đây, HTX Trường Sơn tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) đã nghiên cứu và sản xuất thành công trà Cascara làm từ vỏ trái cà phê Arabica. Trà Cascara là loại đồ uống mới đã được cả thế giới biết đến nhờ xuất hiện trong thực đơn của các thương hiệu cà phê lớn như Starbucks, nhưng vẫn còn khá mới mẻ đối với thị trường Việt Nam.
Trên khoảnh sân phơi cà phê trong nhà kính của gia đình anh Nguyễn Song Vũ (thôn Trường Sơn), bên cạnh những hạt cà phê Arabica nhân thơm lừng, nay có thêm một gian dành cho vỏ quả cà phê để là nguyên liệu làm trà. Anh Vũ là một trong những người đầu tiên mạnh dạn thử làm trà Cascara ở vùng Cầu Đất này.
Anh Vũ tâm tư chia sẻ rằng: Cây cà phê là một loại cây trồng truyền thống của vùng Cầu Đất - một trong bảy vùng nguyên liệu Arabica ngon nhất thế giới hiện nay. Thế nhưng theo thời gian, từ vị thế một loại cây trồng lâu đời cho thu nhập cao, diện tích cây cà phê Cầu Đất hiện nay đang suy giảm đáng kể.
Theo số liệu thống kê, toàn vùng Cầu Đất hiện có gần 3.000 ha cà phê, sản lượng cà phê nhân hằng năm ước đạt gần 9.000 tấn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây thu nhập từ cây cà phê giảm sút, cộng thêm tình hình dịch bệnh, sâu hại bùng phát khiến nhiều nông dân dần chặt bỏ, quay lưng với cây cà phê.
Sống giữa vùng đất trồng cà phê nổi tiếng nhất nước, lại xuất thân từ một gia đình thuần nông, nhiều năm qua, đã không ít mùa cà phê anh Vũ - cũng là thành viên Ban quản trị HTX Trường Sơn - suy nghĩ vì chứng kiến cảnh giá nông sản rớt giá, nhà vườn loay hoay đi tìm đầu ra cho tương xứng với giá trị hạt cà phê.
Sau khi biết được thông tin Starbucks giới thiệu đồ uống mới có tên Cascara, hay còn gọi là trà vỏ cà phê tại Mỹ và Canada, sau đó các hãng đối thủ như Stumptown Coffee Roasters và Blue Bottle Coffee cũng đang thêm vào thực đơn của họ món này dưới dạng trà và đồ uống có ga, anh Vũ mạnh dạn tìm tòi học hỏi cách làm loại trà này.
Anh Vũ cho biết: Mọi người đã rất quen thuộc với hạt cà phê, vì chúng được sử dụng hàng ngày. Còn vỏ quả cà phê thường bị loại bỏ trong quá trình sơ chế. Ước tính mỗi năm nông dân Cầu Đất thải ra hàng trăm tấn vỏ quả cà phê và chỉ được tái sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây cà phê.
Qua quá trình nghiên cứu, anh Vũ nhận thấy vỏ quả cà phê Arabica còn chứa đựng nhiều điều thú vị khi có chứa cafein, vitamin và nhiều chất chống oxi hóa rất có lợi cho sức khỏe. Hương vị trà lại phong phú, tùy thuộc vào nguyên liệu vỏ. Những mẻ trà thử nghiệm đầu tiên nhận được sự ủng hộ của nhiều người càng khiến anh có động lực hoàn thành quy trình sản xuất và đưa sản phẩm độc đáo này ra thị trường.
Theo anh Vũ, để sản xuất được loại trà Cascara, quả cà phê phải đủ độ chín trên 90% thì mới tiến hành thu hái để làm nguyên liệu. Sau đó được đem đi rửa sạch hai lần rồi phơi nắng nhẹ cho ráo nước. Kế đến là giai đoạn ủ trái kéo dài từ 24-36 tiếng, sau đó vỏ được tách rời khỏi phần hạt bằng quá trình sơ chế ướt. Phần vỏ sau khi được tách phải được phơi khô dưới nắng trong 48 giờ, sau đó lại ủ tiếp 24h rồi phơi lại lần hai trước khi đem đi bảo quản. Nắng là yếu tố rất quan trọng, bởi nếu không được phơi đủ nắng thì sẽ phải bỏ cả mẻ trà vì không đạt chuẩn chất lượng.
“Vỏ của hạt cà phê Arabica được chọn lựa cẩn thận bằng tay để đảm bảo chọn được những vỏ chín nhất và không bị giập nát. Do điều kiện trồng, cách chăm sóc ảnh hưởng đến chất lượng hương vị của vỏ cà phê nên những cây cà phê được trồng để lấy vỏ thường hạn chế hoặc thậm chí là không sử dụng thuốc trừ sâu” - anh Vũ cho biết.
Kể từ khi nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm trà Cascara Cầu Đất, HTX Trường Sơn liên tục nhận được các đơn hàng từ khách hàng trong và ngoài nước với số lượng tăng theo thời gian. Nếu trong năm 2017, HTX chỉ sản xuất và cung cấp cho các đối tác 400 kg trà thì năm 2018, con số này đã tăng lên 700 kg. Trong năm 2019, HTX dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường sản lượng lên đến 1 tấn. Do các công đoạn sản xuất trà Cascara từ vỏ cà phê đa phần đều làm thủ công nên giá thành của loại trà này khá đắt, gấp 7 -10 lần so với giá hạt cà phê thô.
“Điều khó khăn nhất hiện tại vẫn là thuyết phục bà con nông dân trồng cà phê sạch để lấy vỏ đảm bảo chất lượng và sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, với những tín hiệu khả quan từ thực tế, chúng tôi hy vọng rằng bên cạnh lợi nhuận thu được từ hạt cà phê nhân, việc sản xuất trà Cascara từ vỏ cà phê Arabica sẽ giúp người nông dân Cầu Đất tăng thêm nguồn thu đáng kể. Từ đó mở ra hướng đi mới, giúp cho việc trồng cà phê của người nông dân sẽ bền vững hơn” - anh Vũ chia sẻ.
VIỆT QUỲNH
Thái Bình: Vũ Thư phát triển chăn nuôi bò
Nguồn tin: Báo Thái Bình
Nhờ có định hướng sớm và kiên trì triển khai, những năm qua, đàn bò thịt trên địa bàn huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) phát triển mạnh, trở thành hướng đi giúp nhiều nông dân xóa nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành, bò thịt là con vật nuôi được huyện khuyến khích phát triển tại các nông hộ.
Đàn bò của gia đình ông Đỗ Xuân Phường (xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư).
Một góc cánh đồng Quan, xã Minh Lãng trước kia bỏ hoang, cỏ mọc um tùm hoặc có vài hộ cấy lúa kém hiệu quả. Mấy năm nay, gia đình ông Đỗ Xuân Phường, thôn Lại Xá, xã Minh Lãng thuê, mượn 4ha ruộng ở đây để làm trang trại chăn nuôi bò thịt. Ông Phường đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi và chia trang trại ra làm 4 khu riêng biệt, tại mỗi khu đều trồng cỏ voi, cỏ tự nhiên và quây kín lưới sắt xung quanh. Thay vì nuôi nhốt, ông Phường nuôi thả bò lần lượt ở các khu, khi bò ăn hết cỏ ở khu này sẽ được thả sang khu khác, quay vòng 4 khu để bảo đảm cỏ kịp phát triển. Ông chú trọng bón phân hữu cơ cho cỏ tự nhiên, cỏ voi phát triển nhanh, làm thức ăn cho bò.
Ông Phường chia sẻ: Một trang trại nuôi hàng chục con bò, nghe có vẻ to tát chứ thật ra tôi thấy không quá vất vả. Hàng ngày tôi chỉ việc thả bò ra 1 trong 4 khu cỏ tại trang trại, khi nắng bò tự vào bóng râm nghỉ ngơi, đến chiều mát tôi kiểm tra bò, nếu bò chưa no thì cắt thêm cỏ để mang về chuồng cho bò ăn thêm. So với chăn nuôi lợn, thì nuôi bò nhàn hơn hẳn, chi phí đầu tư ít hơn vì thức ăn chủ yếu là cỏ và rau tận dụng, bò ít dịch bệnh hơn. Với mỗi con bò mẹ, trung bình sinh ra 1 con bê con/năm, cho người chăn nuôi thu lãi hơn 10 triệu đồng/con bê, bò thịt. Với quy mô chăn nuôi hiện tại là 25 - 50 con bò mẹ/lứa, tôi thu về hàng trăm triệu đồng/năm.
Người dân xã Nguyên Xá (Vũ Thư) chăm sóc đàn bò.
Không riêng gia đình ông Phường, hiện có hàng chục hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Vũ Thư mạnh dạn phát triển đàn bò với quy mô từ 10 - 60 con/hộ.
Ông Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sớm nhận thức được vai trò của đàn bò trong phát triển chăn nuôi, từ tháng 7/2014, UBND huyện Vũ Thư đã ban hành đề án phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Những năm qua, huyện tập trung triển khai các dự án xây dựng mô hình nuôi bò cái lai sinh sản quy mô 20 con, lựa chọn đàn bò mẹ có chất lượng tốt, tập trung các biện pháp kỹ thuật từng bước cải thiện, nâng cao quy mô, chất lượng đàn bò; huyện quy hoạch vùng trồng cỏ ở các xã hiện tại đạt 95,5ha, dự kiến đạt 192,7ha vào năm 2020 để làm nguồn thức ăn cho đàn bò. Ngoài ra, để khuyến khích các hộ phát triển đàn bò, huyện chú trọng công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật viên và trang bị dụng cụ, vật tư phục vụ công tác chăm sóc, sinh sản đàn bò; hỗ trợ lãi suất cho các hộ mua bò giống, hỗ trợ công tiêm vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn bò...
Với sự tập trung, quan tâm hỗ trợ phát triển đàn bò, đến nay Vũ Thư có 7.769 con trâu, bò, trong đó đàn bò chiếm 96% tổng đàn, chủ yếu là bò lai Brahman. Trong tổng đàn bò, số bò cái chiếm khoảng 50% và khoảng 25% tổng đàn bò có trọng lượng từ 200kg/con trở lên. Ngoài trang trại bò có quy mô lớn, đàn bò phát triển khá đều ở các hộ chăn nuôi ở hầu khắp các xã, trong đó một số xã có tổng đàn bò lớn như Việt Hùng (837 con), Xuân Hòa (532 con), Hồng Lý (493 con), Dũng Nghĩa (350 con)... Với quy mô chăn nuôi này, sản lượng thịt bò xuất chuồng của huyện hiện đạt khoảng 450 tấn/năm, mang lại giá trị khoảng 90 tỷ đồng/năm cho người chăn nuôi.
Mục tiêu đến năm 2020 Vũ Thư có tổng đàn bò trên 8.200 con và đạt 15.200 con vào năm 2030; trong đó, đến năm 2030 huyện có trên 6.700 con bò sinh sản, 12 hộ nuôi bò quy mô 50 con/hộ trở lên, sản lượng thịt xuất chuồng đạt 900 tấn/năm. Để đạt mục tiêu này, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển đàn trâu, bò đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Huyện dự kiến quy hoạch 430ha đất để trồng cây nguyên liệu làm thức ăn cho đàn bò; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đàn bò. Trong điều kiện đàn lợn bị thiệt hại nặng nề do bệnh dịch tả lợn châu Phi, việc quan tâm phát triển đàn bò bền vững của cấp ủy, chính quyền các cấp giúp nông dân trên địa bàn huyện tận dụng lợi thế để phát triển chăn nuôi đúng hướng, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Quỳnh Lưu
Tây Ninh vất vả chống dịch tả heo châu Phi
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Ngày 2.7 đã có thêm tỉnh Bến Tre phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi. Như vậy, đến chiều ngày 2.7, trong cả nước chỉ còn hai tỉnh Tây Ninh và Ninh Thuận chưa phát hiện loại dịch bệnh này.
Trước tình hình này, công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi ở tỉnh ta được tăng cường tối đa. Tại những huyện giáp ranh với tỉnh, thành khác, tỉnh Tây Ninh đều lập chốt kiểm dịch động vật và lực lượng chức năng liên ngành túc trực 24/24 giờ trong ngày.
Nhân viên thú y chốt kiểm dịch động vật cầu Sài Gòn kiểm tra sức khỏe đàn heo trên xe ô tô tải.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày 2.7, tại các chốt kiểm dịch động vật lưu động, như chốt cầu Sài Gòn (giáp ranh giữa xã Tân Hòa, huyện Tân Châu với xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), chốt cầu K33T giáp ranh xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu với huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, chốt cầu Tàu (xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu) giáp với huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đều có 3- 4 xe ô tô tải chở hàng trăm con heo lớn, nhỏ các loại từ các tỉnh giáp ranh vào Tây Ninh và từ Tây Ninh sang tỉnh bạn.
Nhân viên thú y kiểm tra hồ sơ xe vận chuyển heo tại chốt kiểm dịch cầu K33T.
Tất cả những ô tô này đều được các nhân viên thú y, quản lý thị trường, cảnh sát trật tự kiểm tra chặt chẽ, như dấu niêm phong cửa của thùng xe tải, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đàn gia súc…
Sau khi kiểm tra, nhân viên thú y dùng bình xịt máy phun thuốc khử trùng xung quanh xe rồi mới cho xe tiếp tục lưu thông.
Phun độc khử trùng đối với xe ô tô tải vận chuyển qua chốt kiểm dịch động vật cầu Sài Gòn.
Ngoài công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi, chốt kiểm dịch này còn kiểm tra việc vận chuyển các loại động vật khác và sản phẩm động vật nhằm tránh việc lây lan các bệnh dịch nguy hiểm trên gia súc, gia cầm.
Đại Dương- Thái Hòa
An Giang: Hiệu quả mô hình nuôi gà an toàn sinh học
Nguồn tin: Báo An Giang
Những năm qua, mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang triển khai và mang lại nhiều tín hiệu khả quan, giúp bà con giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Đồng thời, thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi giúp cho người nuôi cũng như người tiêu dùng giải quyết bài toán về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Nâng cao hiệu quả chăn nuôi
Nhằm giúp người chăn nuôi gà trên địa bàn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường… Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân triển khai nhiều mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng chế phẩm probiotic. Trong đó, mô hình chăn nuôi gà của anh Nguyễn Văn Đực (ngụ ấp Phú Đức, xã Phú Thạnh) là một điển hình. Mô hình chăn nuôi gà thả vườn kết hợp đệm lót sinh học được anh Nguyễn Văn Đực triển khai lần đầu tiên vào năm 2018 với 100 con gà ta lai. Sau hơn 2 tháng nuôi thí điểm, trọng lượng mỗi con gà đạt khoảng 1,2kg và bán với giá 80.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh Đực thu lãi trên 3 triệu đồng.
Mô hình nuôi gà trên đệm lót của anh Nguyễn Văn Đực
Theo anh Nguyễn Văn Đực, để mô hình đạt hiệu quả cao, điều quan trọng nhất là phải áp dụng KHKT. Theo đó, chuồng trại được xây dựng theo kiểu hở, thông thoáng tự nhiên. Nền chuồng được lót bằng đệm lót lên men, gà sau khi đem về nuôi được chiếu đèn sáng liên tục trong 15 ngày đầu. Từ ngày thứ 16-30 ngày tuổi, chỉ sử dụng chiếu sáng vào ban đêm. Gà chủ yếu ăn thức ăn công nghiệp, ngoài ra còn kết hợp cho ăn thêm lúa để tăng sức đề kháng. Hàng ngày, phải dọn dẹp và vệ sinh máng ăn, máng uống sạch sẽ, định kỳ 1 tuần sát trùng sân chơi 1 lần. Bên cạnh đó, người nuôi phải chủ động tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ để ngăn ngừa một số bệnh phổ biến trên gà.
“Việc áp dụng phương thức nuôi trên đệm lót lên men giúp giảm tỷ lệ gà mắc các bệnh đường tiêu hóa, nâng cao tỷ lệ nuôi sống một cách đáng kể. Nuôi gà trên đệm lót sinh học không phải quét dọn phân, thay chất độn chuồng trong suốt quá trình nuôi nên giảm tối đa công lao động trong quét dọn, vệ sinh chuồng trại trong quá trình chăn nuôi. Khi đó, úm gà con trên đệm lót lên men, gà con đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt về sau. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông mượt và sạch” - anh Đực thông tin.
Thân thiện môi trường
Cũng như ông Nguyễn Văn Đực, ông Nguyễn Văn Thi (ngụ ấp Phú Hiệp, thị trấn Chợ Vàm) cũng áp dụng mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, bước đầu mang lại hiệu quả tương đối khả quan.
Ông Thi cho biết, trên diện tích 30m2, ông xây dựng chuồng trại cao ráo, thoáng mát để thả nuôi 200 con giống. Trước khi bắt gà về nuôi, ông Thi tiến hành vệ sinh chuồng trại, phun xịt hóa chất chuồng úm. Nền chuồng được lót lớp trấu dày khoảng 10cm, sau đó rải men ủ làm đệm lót và dùng lưới làm hàng rào xung quanh, cách ly với các con vật bên ngoài, có cổng ra vào, trước cổng có hố vôi sát trùng. Khi gà con được khoảng 7-10 ngày tuổi, bắt đầu tiến hành ủ men Balasa N01 làm đệm lót. Sau 13 tuần nuôi, gà đạt trọng lượng khoảng 1,2kg/con, với giá bán khoảng 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Thi thu lợi nhuận trên 4 triệu đồng.
Nuôi gà trên đệm lót sinh học giảm ô nhiễm môi trường
Nói về ưu điểm của việc áp dụng mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, ông Thi đánh giá, nuôi gà trên nền đệm lót hạn chế nhiều loại dịch bệnh, chi phí đầu tư giảm rất nhiều so với phương pháp nuôi truyền thống. Đặc biệt, mùi hôi và khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn nên môi trường chăn nuôi không bị ô nhiễm. “Mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học, kết hợp với ứng dụng chế phẩm sinh học giúp gà khỏe mạnh, phát triển đồng đều, giảm 1/3 khẩu phần thức ăn, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, hạn chế dùng thuốc kháng sinh. Đồng thời, cho xuất chuồng sớm từ 10-15 ngày, giảm ngày công lao động, giảm mùi hôi phân từ 70-80%, góp phần giảm ô nhiễm môi trường” - ông Thi cho biết.
Thực tế cho thấy, mô hình chăn nuôi gà thả vườn kết hợp ứng dụng chế phẩm sinh học là hướng đi mới kết hợp ứng dụng KHKT trong chăn nuôi, giúp người chăn nuôi phát triển ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng, tăng thêm nguồn thu nhập cho người nông dân.
ĐÌNH ĐỨC
Nuôi chồn hương làm giàu
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Những năm gần đây, tại các tỉnh ÐBSCL, nhiều người dân đã chuyển dịch sang nghề nuôi động vật như: trăn, rắn, nhím, ba ba, cua đinh, cá sấu… Ðặc biệt, mô hình nuôi chồn hương đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả, điển hình như ông Trần Văn Long, 51 tuổi, ở ấp Phước Chí A, xã Bình Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Ông Trần Văn Long và con chồn hương đã thuần dưỡng.
Chồn hương có người còn gọi là cầy hương, cầy xạ (tên khoa học là Viverricula indica). Loại chồn này thịt rất thơm ngon, mềm và bổ dưỡng. Con trưởng thành nặng từ 3-5kg. Đặc biệt, chồn hương đực có tuyến xạ hương có vị cay và tính ấm, nhất là trong thời kỳ động đực nên được y học dân gian coi là một trong những dược liệu quý. Dân gian gọi là chồn hương, còn khi hộ nuôi đăng ký với kiểm lâm có tên là "cầy vòi hương".
Ông Trần Văn Long bắt đầu nuôi chồn hương từ năm 2016. Ông đã đầu tư trên 500 triệu đồng để mua con giống và xây chuồng trại. Theo ông chồn hương tuy là động vật hoang dã nhưng rất dễ thuần hóa, cách chăm sóc cũng đơn giản vì ít khi bị dịch bệnh. Tuy nhiên, muốn nuôi chồn cho sinh sản không đơn giản. Người nuôi phải có kinh nghiệm, hiểu rõ tập quán sinh trưởng của chúng, nhất là khâu chọn giống, chọn thức ăn và chuồng trại phải đúng quy cách. Thời gian đầu nuôi động vật hoang dã, ông Long thất bại vì hầu hết vật nuôi đều bị viêm đường tiêu hóa do thức ăn chưa phù hợp. Sau một thời gian rút kinh nghiệm, ông đã tìm tòi, nghiên cứu thay đổi thức ăn và thường xuyên tiêm chủng, chồn mới phát triển nhanh chóng. Phần đông người nuôi chồn đều cho ăn trái cây, tôm, cá… nên dễ bị bệnh đường ruột. Riêng ông cho chồn ăn thức ăn viên mỗi ngày 1 lần vào lúc 16 giờ. Ngoài ra ông còn cho chúng ăn thêm chuối chín để giúp cho bộ lông mượt mà. Đặc biệt chồn sinh sản ông cho ăn thêm cá trê con để tăng thêm nguồn năng lượng.
Chồn hương nuôi trong chuồng có lưới bao.
Lúc đầu ông Long chỉ thả nuôi vài chục con, sau tăng dần, hiện ông đang sở hữu 47 con cái, 5 con đực và hàng trăm con chồn con. Cũng theo ông Long, muốn cho chồn hương tăng đàn nhanh, đạt năng suất cao, trước hết chuồng trại phải cao ráo, yên tĩnh, nhất là nên tránh chỗ mưa tạt gió lùa. Về chuồng nuôi, hiện nay mỗi người mỗi cách khác nhau, có người xây bằng gạch, tráng xi măng, có người làm chuồng cây, nhưng xung quanh phải bao lưới chắc chắn. Điều quan trọng là diện tích chuồng phải rộng, thoáng để giúp cho chồn bố mẹ vận động. Càng vận động chồn càng khỏe, đẻ nhiều, đẻ sai và nuôi con an toàn hơn là nhốt trong những chiếc lồng nhỏ hẹp và tăm tối. Theo ông Long chuồng trại là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp cho chồn đẻ. Hiện trang trại của ông chỉ rộng 100m2, nhưng bố trí thành 10 chuồng xi măng và 10 chuồng cây, giúp cho đàn chồn phát triển dễ dàng và thuận lợi.
Chồn con nuôi sau 6 tháng có thể bán thịt, còn muốn nuôi đẻ phải mất trên 1 năm mới bắt đầu giao phối. Chồn cho ăn đầy đủ, nuôi đúng kỹ thuật mỗi năm có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3 - 6 con. Sau khi sinh con, chồn mẹ tự cho con bú. Sau 60 ngày tuổi, người nuôi có thể tách con ra nuôi riêng. Giá bán chồn thương phẩm hiện nay từ 1,5-1,7 triệu đồng/con. Đặc biệt, chồn cái đang trong thời kỳ sinh sản có giá trên 20 triệu đồng/con. Khách hàng đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Huế là nhiều nhất… Theo tính toán, sau khi trừ hết các chi phí, mỗi năm ông còn lời từ 200-300 triệu đồng.
Ngoài sản xuất kinh doanh, ông còn tư vấn kỹ thuật cho người nuôi, thu mua chồn con của các hộ nuôi nhỏ lẻ về thuần dưỡng theo cách riêng của ông. Nhờ vậy mà người nuôi chồn yên tâm không sợ đầu ra bị gặp khó.
Bà Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phước, huyện Mang Thít, cho biết: Mô hình nuôi chồn hương của ông Long đạt hiệu quả kinh tế cao là nhờ con giống tốt, chuồng trại xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và được chăm sóc kỹ lưỡng.
Bài, ảnh: Thành Hiệp
Hiếu Giang tổng hợp