Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 01 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 01 năm 2021

Lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng từ trồng sầu riêng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Năm 2020, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng vườn sầu riêng của ông Lê Hồng Phúc, ở ấp Xáng Mới, thị trấn Rạch Gòi (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), vẫn cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng, trừ hết chi phí đạt lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.

Vườn sầu riêng của ông Phúc có hơn 300 cây, với giống Ri 6, Monthong Thái Lan. Từ năm 2015, ông Phúc đã đầu tư hệ thống bón phân thuốc và tưới nước tự động. Nhờ vậy, ông Phúc thường để sầu riêng ra trái sớm hơn khoảng 2 tháng để giá bán cao. Ông Phúc cho biết, ước sản lượng năm 2020 gần 20 tấn trái, bán cho thương lái với giá 35.000 đồng/kg.

VIỆT PHƯƠNG

Mỗi năm sản xuất, kinh doanh 877.000 cây giống mắc ca

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh 877.000 cây giống mắc ca mỗi năm.

Đáng kể 3 vườn cây mắc ca đầu dòng của Công ty TNHH Him Lam Mắc ca với diện tích 115.341 m2, đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng công nhận, mỗi năm khai thác 739.700 mầm chồi. Các nguồn giống mắc ca đầu dòng ở đây gồm: OC, 695, 246, 800, 741, 816, QN1, 849, A38 và Daddow, đáp ứng nhu cầu trồng mới diện tích mắc ca trong năm 2020 gần 707 ha…

Được biết, đến cuối năm 2020, diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hơn 4.863 ha. Trong đó, 1.270 ha diện tích thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt hơn 2,7 tấn/ha/năm. Phân loại diện tích mắc ca Lâm Đồng chiếm tỷ lệ 85% giống ghép và 15% giống thực sinh…

VŨ VĂN

Bình Định: Nông dân xuống giống vụ ớt Ðông Xuân 2020 - 2021

Nguồn tin: Báo Bình Định

Gần tháng qua, nông dân các huyện Tây Sơn, Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) đã xuống giống vụ ớt Đông Xuân 2020 - 2021. Những diện tích chân đất cao, dễ thoát nước, một số nông dân đã xuống giống vụ ớt Đông Xuân sớm hơn, kịp thu hoạch trong dịp tết Nguyên đán. Người dân cũng trồng thử nghiệm nhiều giống ớt cho năng suất và chất lượng cao, kháng bệnh tốt, như giống ớt chỉ thiên TN341, TN026, TN600 và ớt chỉ địa TN 356, TN265, TN625... Cây ớt cho thu nhập khá, nhiều diện tích trồng mía, mì, đậu... kém hiệu quả cũng chuyển đổi sang trồng ớt.

Tại cánh đồng ớt thôn Tường An, xã Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ), nông dân đang tất bật chăm sóc vụ ớt Đông Xuân 2020 - 2021.

Theo thống kê từ Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, vụ Đông Xuân 2020 - 2021, toàn huyện sản xuất 120 ha ớt, giảm 20 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích ớt trồng tập trung ở các xã Bình Hòa, Tây Thuận và Tây Giang (chiếm 76% diện tích toàn huyện). Đến nay, người dân đã xuống giống 103 ha ớt, đạt trên 85% kế hoạch.

Vụ Đông Xuân năm nay, bà Huỳnh Thị Hòa, ở thôn Thuận Hòa, xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) trồng 3,5 sào ớt trên chân đất thịt pha cát. Đầu tháng 9, bà Hòa đã xuống giống sớm 2,5 sào ớt; đến tháng 11, bà trồng thêm 1 sào ớt nữa. “Hơn 10 năm nay, vụ Đông Xuân nào tôi cũng trồng ớt. Nhờ đầu tư chăm sóc, ngoài bón phân kali, NPK tôi còn bón nhiều phân bò, nên ớt nhiều trái, năng suất bình quân đạt từ 1,5 - 2 tấn/sào. 2,5 sào ớt trồng sớm đã bắt đầu ra trái, cho thu hoạch trước và trong dịp tết Tân Sửu. Tôi vừa hái hơn 20 kg trái bói, thương lái mua với giá 90.000 đồng/kg, tiêu thụ tại chợ Phú Phong (huyện Tây Sơn). Từ nay đến cuối vụ, nếu giá ớt vẫn ổn định ở mức này thì chắc chắn sẽ có thu nhập cao”, bà Hòa phấn khởi chia sẻ.

Vụ Đông Xuân 2020 - 2021, toàn huyện Phù Mỹ sản xuất khoảng 1.200 ha ớt, giảm 33 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Triều (ở khu phố Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ) vụ Đông Xuân này trồng hơn 4 sào ớt, chia sẻ: “Vụ ớt Đông Xuân năm ngoái được mùa nhưng không được giá. Đầu vụ thương lái thu mua với giá 5.000 đồng/kg, cuối vụ chỉ còn 3.000 đồng/kg, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Biết là phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là rất rủi ro, nhưng gia đình tôi vẫn trồng ớt, vì nếu được giá lãi sẽ cao hơn so với các loại rau màu khác”.

Trên cánh đồng ớt thôn Tường An, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, nông dân đang tất bật chăm sóc ớt. Bà Trần Thị Thân vừa xuống giống 3 sào ớt, cho hay: “Thời gian trồng cây ớt cũng bằng trồng lúa, nhưng thời gian thu hoạch kéo dài 2 - 3 tháng, nên lợi nhuận cao hơn nhiều. Năng suất bình quân 1 sào ớt không dưới 1,5 tấn trái tươi, nếu tính mức giá ổn định 15.000 đồng/kg, người dân đã có lãi. Bà con đang hy vọng mùa ớt này giá cả ổn định, không lặp lại điệp khúc được mùa mất giá”.

Bài, ảnh: ÐÌNH PHƯƠNG

Tìm đầu ra cho nông sản

Nguồn tin:  Báo Ấp Bắc

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên thế giới, việc tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa của cả nước cũng như của doanh nghiệp Tiền Giang ngày càng khó khăn. Chính vì vậy, việc các địa phương, trong đó có Tiền Giang, đã và đang tự nỗ lực liên kết tìm đầu ra cho nông sản, hàng hóa là một trong những hướng đi phù hợp.

Mới đây, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức đoàn công tác để kết nối cung cầu và khảo sát thị trường các tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc, trong đó có các tỉnh biên giới Hà Giang và Lào Cai. Qua đó, mở ra cơ hội mới cho trái cây Tiền Giang, nhất là thời điểm thị trường cuối năm sôi động.

KẾT NỐI CUNG CẦU

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang Đặng Văn Tuấn, để nắm bắt thông tin về tình hình xuất nhập khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Lào Cai, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế các cửa khẩu, cơ sở mua bán, phân phối, tiêu thụ trái cây tại 2 địa phương này, qua đó đánh giá tình hình sức mua, thị phần trái cây tại đây, tạo kết nối cung cầu, hỗ trợ xuất khẩu giữa các địa phương.

Kết nối cung cầu thành công với tỉnh Hà Giang, Lào Cai, nông sản Tiền Giang có nhiều triển vọng xuất khẩu. Ảnh: VÕ NGUYÊN PHÚ

Đồng chí Đặng Văn Tuấn nhận định, Hà Giang và Lào Cai đều có vị trí địa lý thuận lợi trong đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh, thành của Việt Nam và thị trường Trung Quốc. Cụ thể, tỉnh Hà Giang có “cặp đôi” cửa khẩu song phương Thanh Thủy, Việt Nam - Thiên Bảo, Trung Quốc, là đầu mối xuất nhập khẩu quan trọng, cầu nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Hà Giang những năm gần đây đều trên 1 tỷ USD/năm, chủ yếu là mặt hàng hoa quả tươi như thanh long, dưa hấu, vải, chuối, nhãn, xoài...

Đặc biệt, tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, khu trung tâm đã được quy hoạch với diện tích 365 ha, hiện đã có khả năng tiếp nhận 500 container và thông quan tối đa 200 container/ngày. Thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu/xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Thanh Thủy đã được số hóa, liên thông, một số dịch vụ công đã thực hiện ở cấp độ 3, 4 (cấp giấy phép liên vận quốc tế, kiểm dịch).

Riêng Ban Quản lý Kinh tế cũng được phép cấp C/O, mẫu E và 100% doanh nghiệp khai báo hải quan điện tử 24/7, rất thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu này (thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt) và 7 sản phẩm đang đàm phán mở cửa vào thị trường Trung Quốc (sầu riêng, bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa).

Đó là chưa nói, mặc dù những sản phẩm chưa được phép xuất khẩu chính ngạch, nhưng nếu doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu và doanh nghiệp Việt Nam đồng ý ký hợp đồng thì cơ quan chức năng Trung Quốc cũng sẽ cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc một “giấy phép con” để được nhập khẩu.

Còn với tỉnh Lào Cai, sau khi khảo sát cửa khẩu Kim Thành và chợ đầu mối, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, Lào Cai có cơ sở hạ tầng giao thông khá thuận lợi cho việc khai thác cơ hội phát triển với vai trò là “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có thể phát triển trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, mậu dịch sôi động hơn trong tương lai giữa thị trường Tây Nam Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt, xuất khẩu nông sản của Lào Cai đạt kim ngạch khá cao qua các năm. Riêng năm 2019, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu đạt trên 2,6 tỷ USD, là cơ hội cho nông sản Tiền Giang nếu “kết nối ổn thỏa”.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, Trung Quốc tiếp tục siết chặt tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa là nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, nhất là các cửa khẩu phụ; quản lý chặt chẽ các mặt hàng chưa có trong danh mục được phép nhập khẩu, thực hiện nghiêm các quy định về nguồn gốc các mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới... nên việc xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp Việt, trong đó có Tiền Giang cũng chịu tác động rất lớn.

Bên cạnh đó, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh vào hoạt động xuất khẩu cả chính ngạch lẫn mậu biên từ Việt Nam sang Trung Quốc, do tác động của hàng loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Và mới đây, ngày 30-10-2020, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) vừa đưa ra một số lưu ý với doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Theo đó, tỉnh Vân Nam đã ra thông báo áp dụng một số biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thanh long có nhiều triển vọng xuất khẩu. Ảnh: HL

Trước mắt, theo Bộ Công thương, các biện pháp trên sẽ được áp dụng cho các phương tiện, người điều khiển phương tiện và hàng hóa của Trung Quốc. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng phía Trung Quốc cũng có thể đề nghị Việt Nam áp dụng các biện pháp tương tự trên trong thời gian tới. Do vậy, Bộ Công thương thông báo tới các cơ quan, doanh nghiệp nắm để chủ động trong hoạt động thương mại với các doanh nghiệp bạn. Đây là những vấn đề doanh nghiệp và cả các cơ quan chức năng của Tiền Giang cần tiếp tục nghiên cứu, có biện pháp thích ứng.

NHIỀU TRIỂN VỌNG CHO NÔNG SẢN

Theo đồng chí Đặng Văn Tuấn, qua làm việc, Tiền Giang và các tỉnh Hà Giang, Lào Cai đã thống nhất thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kết nối, tiêu thụ, xúc tiến quảng bá các sản phẩm nông sản mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Hà Giang, Lào Cai tại thị trường tỉnh Tiền Giang và ngược lại; tổ chức trao đổi các đoàn học tập kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm OCOP, gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp đầu mối của 3 tỉnh trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương. Các cơ quan chức năng của 3 tỉnh sẽ chủ động trao đổi thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của nhau xúc tiến đầu tư, thương mại, phát triển du lịch, dịch vụ, kể cả kết nối các trang thông tin, sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

Đặc biệt, tỉnh Hà Giang sẽ hỗ trợ tỉnh Tiền Giang kết nối đối tác ký hợp đồng nhập khẩu trái cây vào thị trường tỉnh Vân Nam qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, còn tỉnh bạn Lào Cai sẽ hỗ trợ tỉnh Tiền Giang xúc tiến, tìm kiếm kết nối đối tác ký hợp đồng nhập khẩu trái cây vào thị trường tỉnh Vân Nam, qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, cửa khẩu quốc tế đường sắt, cửa khẩu phụ Bản Vược và cửa khẩu Mường Khương. Cả tỉnh Hà Giang và Lào Cai cũng sẽ giới thiệu thương nhân 2 tỉnh này mở đại lý tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Tiền Giang... Các nội dung hợp tác trên nếu được tổ chức thực hiện tốt vào đúng thời điểm thích hợp sẽ là một trong những hướng đi mới, đầy triển vọng cho nông sản xuất khẩu của Tiền Giang.

QUỐC ANH

Phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn

Nguồn tin:  Báo Khánh Hòa

Đến nay, Khánh Hòa đã xây dựng được 9 chuỗi cung cấp thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn. Đây là tiền đề để nâng cấp, nhân rộng các chuỗi thực phẩm an toàn, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường trong giai đoạn tới.

Xây dựng thành công 9 chuỗi

Theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa, giai đoạn 2013 - 2016, chi cục đã phối hợp với các địa phương và đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng thành công 3 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn theo VietGAP. Đó là mô hình chuỗi cung cấp rau, củ tại xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa); chuỗi cung cấp rau, củ tại xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) và chuỗi cung cấp trái cây tại huyện Khánh Vĩnh.

Thu hoạch bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh.

Đến nay, bình quân mỗi năm, 2 chuỗi rau an toàn cung cấp cho thị trường gần 270 tấn rau; chuỗi cung cấp trái cây tại huyện Khánh Vĩnh chủ lực là bưởi da xanh cung ứng 1.500 tấn bưởi VietGAP cho thị trường. Điều đáng mừng là sau khi sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, những sản phẩm này đã nhanh chóng có mặt ở các kệ hàng siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn tỉnh.

Với thành công này, giai đoạn 2017 - 2020, việc xây dựng chuỗi đã được đẩy mạnh để nâng tầm giá trị nông sản của Khánh Hòa. Hơn 3 năm qua, đã có thêm 6 chuỗi được xây dựng thành công. Đó là mô hình cung cấp tỏi an toàn của nông dân các xã: Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh), Ninh Vân, Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa) với tổng sản lượng mỗi năm gần 300 tấn tỏi khô đạt chuẩn VietGAP đưa ra thị trường. Mô hình chuỗi cung cấp sầu riêng an toàn tại xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn) mỗi năm cung ứng hơn 1.000 tấn sầu riêng VietGAP cho các siêu thị, khu du lịch. Mô hình chuỗi cung cấp thịt heo VietGAP của doanh nghiệp chăn nuôi heo thịt theo quy trình VietGAP đầu tiên trong tỉnh cung ứng 360 tấn thịt cho thị trường. Chuỗi cung cấp thịt gà an toàn với công suất 30 tấn/năm tại xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) đã được xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu chăn nuôi, giết mổ và phân phối ra thị trường. Mô hình xoài VietGAP là sự kết hợp giữa doanh nghiệp trồng xoài kiêm bao tiêu sản phẩm cho 3 tổ hợp tác liên kết trồng xoài VietGAP tại huyện Cam Lâm, cung ứng mỗi năm hơn 300 tấn xoài cho thị trường.

Một số nông sản sản xuất theo chuỗi an toàn được trưng bày, quảng bá tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước ngành Nông nghiệp Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020.

Năm 2020, chuỗi cung cấp thủy sản nuôi an toàn theo VietGAP trên địa bàn huyện Vạn Ninh được triển khai. Ngay sau khi phát động, 5 tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản tại các xã: Vạn Hưng, Vạn Thạnh, Vạn Thắng, Vạn Thọ đã cùng bắt tay thực hiện nuôi trồng thủy sản theo chuẩn VietGAP. Trong đó, 30 hộ tham gia nuôi tôm hùm với sản lượng hơn 60 tấn/năm; 48 hộ nuôi tôm thẻ, ốc hương với sản lượng hơn 1.778 tấn/năm.

Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm

Trong quá trình xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương có trách nhiệm tập hợp, hướng dẫn, đồng hành với nông dân thực hiện liên kết, sản xuất. Theo đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa cùng các địa phương tiến hành khảo sát lựa chọn địa điểm, cơ sở tham gia mô hình. Sau khi chọn được mô hình phù hợp, cơ quan chức năng sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho các đối tượng tham gia; tiếp đó, tập hợp những người sản xuất vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành nên các vùng sản xuất VietGAP. Cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân ghi chép lại nhật ký phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quy trình chăm sóc, thu hoạch để hình thành nên hệ thống quản lý chất lượng nông sản.

Khi đã có sản phẩm được sản xuất an toàn, công tác kết nối, liên kết tiêu thụ và quảng bá sản phẩm được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Thông qua các hội chợ, các lễ ký kết ghi nhớ về hợp tác tiêu thụ giữa người sản xuất và đơn vị kinh doanh, phân phối sản phẩm. Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, giai đoạn 2021 - 2025, đơn vị sẽ đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, gắn kết tiêu thụ những sản phẩm nông, thủy sản an toàn đã được chứng nhận thông qua việc hỗ trợ tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh; hội thảo kết nối cung - cầu giữa người sản xuất và cơ sở, đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Chi cục hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác kết nối với những nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, siêu thị, điểm dừng chân nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP trên địa bàn tỉnh; đồng thời nghiên cứu tham mưu xây dựng Đề án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề án nói trên nhằm tập trung nhân rộng, phát triển các chuỗi đã được triển khai, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản, từng bước nâng cao tỷ lệ sản phẩm nông sản sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm quy mô hàng hóa, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu bền vững.

Hồng Đăng

Tuy Hòa (Phú Yên): Vỗ béo bò lai lãi trên 6 triệu đồng/con

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ông Ngô Thái Hưng, Phó phụ trách Trạm Khuyến nông TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho biết, Trung tâm Khuyến nông vừa triển khai mô hình vỗ béo bò lai tại HTX Nông nghiệp Tây An Phú (TP Tuy Hòa), quy mô 24 con bò, với 12 hộ tham gia mô hình.

Sau 3 tháng triển khai mô hình (từ tháng 8-11), đàn bò khỏe mạnh, phát triển tốt. Một con bò mô hình lúc đưa vào vỗ béo có trọng lượng 297,3kg, sau thời gian vỗ béo đạt trọng lượng trung bình 374,2kg. Với giá bán hiện nay 220.000 đồng/kg hơi, sau khi trừ chi phí mỗi con bò lãi trên 6 triệu đồng. Một công lao động nuôi 5 con bò có mức thu nhập hơn 30 triệu đồng sau 3 tháng nuôi. Đây là mức thu nhập rất hấp dẫn đối với nông dân hiện nay.

TRÂM TRÂN

Nghệ An: Hiệu quả mô hình nuôi gà đen thương phẩm

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Mặc dù nghề chăn nuôi gia cầm khá phổ biến tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, song bà con nông dân chủ yếu nuôi theo phương pháp truyền thống, thời gian nuôi dài, dịch bệnh thường xảy ra nên tỷ lệ sống không cao, năng suất thấp, hiệu quả chưa cao.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã thực hiện mô hình “Nuôi gà đen thương phẩm” với quy mô 800 con. Hai hộ tại xóm 5 xã Nghi Lâm tham gia thực hiện dự án được hỗ trợ 70% chi phí giống và vật tư thức ăn, thuốc thú y, dung dịch hóa chất sát trùng, vắc-xin phòng bệnh; cán bộ khuyến nông thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật. Giống gà được đưa vào nuôi trong mô hình là giống gà ác đen. Đây là giống gà dễ thích nghi, có nhiều ưu điểm, được nhiều người tiêu dùng ưa dùng, có giá trị kinh tế cao.

Mô hình nuôi gà đen ở xã Nghi Lâm

Trong quá trình thực hiện, các hộ tham gia đã tuân thủ quy trình kỹ thuật được hướng dẫn như úm gà đảm bảo, tiêm vắc-xin đầy đủ, làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất sát trùng định kỳ, chế độ ăn uống đảm bảo, máng ăn máng uống luôn sạch sẽ và chăm sóc nuôi dưỡng tốt… Vì vậy, giúp đàn gà sinh trưởng và phát triển khá tốt; tỷ lệ nuôi sống đến 12 tuần tuổi đạt 96%; trọng lượng bình quân đạt 1,8 kg/con.

Qua hoạt toán kinh tế, sau thời gian nuôi 12 tuần, tổng chi phí cho 800 con gà đen thương phẩm nuôi trong mô hình là 89.580.000 đồng; Tổng thu là 124.416.000 Đồng. Mô hình thu lãi thuần là 34.836.000 đồng, cao hơn so với mô hình đối chứng nuôi theo phương pháp truyền thống là 24.296.000 đồng.

Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình góp phần nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà cho người lao động ở vùng miền núi khó khăn, cung cấp sản phẩm thịt gà an toàn cho thị trường. Ngoài ra, mô hình trình diễn là nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm cho các hộ chăn nuôi những vùng lân cận, qua đó tạo điều kiện cho nông dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với nhau để cùng nhau làm giàu chính đáng.

Hồ Thị Ca - Trung tâm Khuyến nông Nghệ An

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop