Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 03 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 03 năm 2020

Đông Nam bộ đối mặt khô hạn

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Nhiều nơi ở Đông Nam bộ đang chịu ảnh hưởng của hạn hán, đối diện nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh trong khu vực đang triển khai nhiều giải pháp kết hợp và tập trung phát huy hết công suất của các công trình thủy lợi để chống hạn.

Người dân xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) phải dẫn nước từ hồ suối để tưới cho hồ tiêu

Nguy cơ thiếu nước

Tỉnh Bình Phước có 458.152ha cây trồng, tập trung ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, cần được cung cấp nước tưới thường xuyên. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, lượng mưa năm giảm 10% - 30% , các dòng chảy giảm 30% - 50%, mực nước tại các hồ đập đang xuống thấp, đe dọa đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Mấy năm trước anh Điểu Sa Ry (ngụ xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh) đào một cái ao rộng 50m2 để lấy nước tưới cho vườn cà phê 5ha, nhưng giờ đang thấp thỏm lo lắng vì năm nay thời tiết khô hạn hơn mọi năm. Anh chia sẻ: “Vài tháng trở lại đây mới có một trận mưa lớn, các cơn mưa rải rác không đủ để ao hồ tích trữ nước. Gia đình phải đắp đập trên dòng suối gần vườn để ngăn nước và nối thêm đường ống dẫn để tưới cho cà phê”.

Còn khu vườn 300 trụ tiêu của gia đình anh Điểu Quân (xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) đang bắt đầu vàng héo vì thiếu nước tưới. Gia đình đã bỏ 30 triệu đồng mua máy bơm và 12 cuộn ống để dẫn nước tưới từ con đập cách vườn 600m, nhưng đang vào cao điểm mùa khô nên giếng khoan chỉ đủ phục vụ sinh hoạt hàng ngày và nước uống cho gia súc. Dù trang bị hệ thống tưới nước nhưng hơn các dây tiêu đang ngả vàng, có nguy cơ khô héo rồi chết.

Còn tại Đồng Nai, gần 6.600ha cây hàng năm cũng đang đối mặt khô hạn. Lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm nên mực nước tại các hồ chứa xuống thấp, cộng thêm nhiệt độ trung bình trên khu vực từ nay đến cuối tháng 6 phổ biến ở mức cao hơn so với cùng thời kỳ khoảng 0,5oC - 1,5oC. Ông Đặng Đức Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Thuận (huyện Tân Phú), cho biết hiện nông dân đều đã xuống giống, cây lúa phát triển tốt nhưng nguồn nước ở các kênh mương, đập thủy lợi không dồi dào bằng mọi năm. Dự báo, mùa khô năm nay nắng hạn hơn mọi năm, nông dân nên chủ động hơn về việc vào vụ cũng như chăm sóc, không để cây trồng bị ảnh hưởng trong trường hợp mùa khô đến sớm.

Phát huy công năng hồ chứa nước

Tỉnh Bình Phước có 67 công trình thủy lợi, trong đó huyện biên giới Lộc Ninh có 20 công trình cung cấp nước tưới cho hơn 2.000 ha cây trồng. Thời điểm này, do phải cấp nước cho nhiều diện tích cây trồng nên mực nước tại các hồ chứa như hồ Tà Tê (xã Lộc Thành), hồ Rừng Cấm (thị trấn Lộc Ninh)… đang xuống thấp. Tuy nhiên, hàng chục ngàn ha cây trồng đã được cứu nhờ nguồn nước từ các hồ chứa; riêng hồ Rừng Cấm đang phát huy công năng, cung cấp nước sạch người dân ở thị trấn Lộc Ninh và nước tưới cho 4 xã lân cận trong mùa khô hạn.

Còn huyện Bù Đăng có 30 công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới cho 3.163ha gieo trồng. Do xây dựng đã lâu nên nhiều hạng mục của các công trình xuống cấp, không phát huy hết công năng, điển hình là hồ chứa nước xã Phú Sơn. Trước đây, khu vực hồ nhỏ thì mực nước luôn ổn định, nhưng sau khi dự án làm lại đường đã hạ cống xuống sâu khiến mực nước cạn kiệt.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước Trần Văn Lộc, tỉnh đang giám sát chặt chẽ tình hình khô hạn, nâng cao năng lực tưới tiêu của các công trình thủy lợi, trong đó phát huy hiệu quả công suất các hồ chứa để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới, đồng thời khuyến khích nông dân chủ động tích trữ nguồn nước uống và thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa khô.

Tại Đồng Nai, ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quan tâm thực hiện các phương án chống hạn tại chỗ, tập trung cho công tác cải tạo, sửa chữa, duy tu công trình thủy lợi; đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, đặc biệt cho vụ Đông Xuân 2019-2020. Trong đó, 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch cần triển khai hiệu quả công tác ngăn mặn, hạn chế tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

HOÀNG BẮC

Châu Thành (Hậu Giang): 300ha mít Thái bị dịch bệnh tấn công

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Toàn huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) hiện có gần 5.000ha mít Thái siêu sớm, trong đó có trên 50% diện tích đang cho trái, qua rà soát có 300ha bị dịch bệnh nứt thân xì mủ và thối trái. Trước tình hình này, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh vườn, bón vôi đầu và cuối mùa mưa, khi phát hiện trái bị bệnh cần đem ra khỏi vườn tiêu hủy, áp dụng các biện pháp để quản lý bệnh, bởi hiện tại các dịch bệnh trên chưa có thuốc đặc trị, phòng là chính.

VĂN XUÂN

Vĩnh Long: Cam hút hàng, giá tăng 30 - 40%

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Nhiều tiểu thương cho biết, khoảng 2 tháng nay giá cam tăng mạnh, nguyên nhân là do lo sợ dịch COVID-19 nên các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C thu hút người tiêu dùng.

Thương lái cho hay, giá cam tăng nhưng không còn hàng nhiều.

Bên cạnh đó, số lượng cam về chợ giảm so với trước tết, nguồn hàng ít cũng khiến giá cam tăng mạnh. Theo đó, cam sành được thương lái thu mua tận vườn với giá xô 15.000- 16.000 đ/kg, giá bán tại chợ từ 20.000- 30.000 đ/kg, cam xoàn từ 40.000- 55.000 đ/kg.

Một số thương lái cho hay, cam mùa này đẹp, chất lượng hơn, tỷ lệ hao hụt do sâu bệnh cũng ít nên rất hút hàng.

Bà Nguyễn Thanh Trúc- Giám đốc Hợp tác xã Cam sành Phú Nông (xã Thới Hòa-Trà Ôn) cho biết, hiện giá cam sành đã tăng 3.000- 4.000 đ/kg so với khoảng 2 tháng trước và tăng khoảng 6.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước. Thương lái đến hỏi mua nhiều nhưng hợp tác xã còn số lượng rất ít, khoảng tháng 4 mới có hàng lại.

Nhiều tiểu thương cho hay, không chỉ có cam tăng giá mà các loại chanh, bưởi, tắc,... cũng hút hàng, giá tăng 10- 20%.

Tin, ảnh: THẢO NGUYÊN

Bình Phước: Bọ trĩ gây hại cây điều ở Bù Gia Mập

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Hiện nay, nông dân nhiều nơi trong tỉnh đang thu hoạch điều đợt 1 năm 2020. Tại huyện biên giới Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước), một số vườn điều xuất hiện bọ trĩ, gây hại. Nhiều nông dân không nhận diện được chính xác sâu bệnh gây hại, phòng trừ không thích hợp thời điểm nên hiệu quả không cao.

Vườn điều 4,5 ha của gia đình bà Trần Thị Nhiều ở xã Đức Hạnh vài năm trở lại đây luôn cho năng suất 8-9 tấn/vụ. Năm nay, dù mỗi lần thu cách nhau cả tuần nhưng chỉ lác đác trái chín rụng. Nhiều cây có biểu hiện khô bông, trái non... Một số khác tuy lộn hạt nhưng trái không phát triển mà chỉ nhỏ bằng ngón tay có màu xám, thân trái nứt nẻ. Bà Nhiều cho biết: “Vụ điều này, gia đình tôi đã xịt thuốc dưỡng bông, dưỡng trái tới 2 lần nhưng bông héo khô chiếm hơn nửa vườn”.

Image result for Bình Phước: Bọ trĩ gây hại cây điều ở Bù Gia Mập

Kỹ sư Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập hướng dẫn nông dân phát hiện cách thức ngụy trang của bọ trĩ

Cũng với những biểu hiện tương tự, năm nay gần 6 ha điều của gia đình chị Nguyễn Thị Công (hàng xóm của bà Nhiều) trái chín cũng giảm mạnh. Chị Công cho biết: “Năm nay, giá cao su, hồ tiêu giảm nên gia đình chú tâm chăm sóc điều với hy vọng có tiền lo cho con ăn học. Gia đình đã xịt 2 lần thuốc để phòng trừ côn trùng gây hại kết hợp dưỡng bông, trái. Thế nhưng, bông nở sớm lại có hiện tượng bị khô, tỷ lệ đậu trái ít. Lúc đầu, tôi nghi ngờ do tác động của sương muối nhưng khi nhân viên khuyến nông xã tìm hiểu và lấy mẫu thì mới biết điều bị bọ trĩ tấn công”.

Qua chăm sóc, hầu hết các hộ trồng điều ở huyện Bù Gia Mập nhận thấy biểu hiện chung của vườn điều là khô bông, khô trái non, trái chậm phát triển và hạt lép nhưng không biết chính xác nguyên nhân. Kỹ sư Phan Văn Hà, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập cho biết: “Chúng tôi ghi nhận sâu bệnh gây hại chính trên cây điều là bọ trĩ. Biểu hiện rõ nhất là bông khô, trái bị bọ trĩ hút dinh dưỡng nên không phát triển được. Có những trái đã lộn hạt nhưng bọ trĩ tấn công gây nứt trái, không truyền được dinh dưỡng dẫn đến hạt bé, nhân không chắc”.

Kỹ sư Hà cho biết thêm, bọ trĩ là loài côn trùng có kích thước rất nhỏ (chưa tới 1mm), khả năng bay rất nhanh, ngụy trang bằng màu sắc, thường trùng với màu hoa hoặc biểu bì của cây nên bằng mắt thường khó nhận thấy. Vì vòng đời chỉ kéo dài khoảng 14-15 ngày và tấn công vườn cây trong một thời điểm nhất định nên người dân phun thuốc sai thời điểm vài ngày thì dù có xịt bao nhiêu lần cũng không có hiệu quả phòng trừ.

Năm nay, giá bán điều thời điểm đầu mùa thấp hơn năm trước khoảng 10 ngàn đồng/kg. Tác động kép từ giá bán thấp và năng suất giảm khiến nhiều chủ vườn lo lắng. Tuy nhiên, nông dân trồng điều cần chú ý, cây điều mỗi vụ ra từ 2-3 đợt bông nên vẫn còn đợt bông tiếp theo. Vì vậy, nông dân nên tham khảo cơ quan chuyên môn để nắm bắt chính xác thời điểm phòng trừ bọ trĩ để những đợt bông sắp tới mang lại hiệu quả cao hơn.

Quang Xuân - Viết Bằng

Giá nấm rơm tăng cao

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Báo cáo của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, giá nấm rơm tươi hiện nay khá cao, từ 45.000- 60.000 đ/kg. Mức giá này những ngày giáp Tết Nguyên đán 2020 lên 100.000 đ/kg, do nhu cầu tiêu dùng nấm tươi trong dịp lễ tết tăng cao.

Theo ngành nông nghiệp huyện, diện tích trồng nấm rơm trong tháng 2 năm nay là 186ha, nâng tổng số 415ha kể từ đầu năm, tập trung nhiều ở các xã Trung Hiệp, Trung Hiếu, Tân An Luông... Hiện ở huyện có hơn 200 hộ tham gia trồng nấm rơm.

Rơm vụ lúa Đông Xuân tốt hơn các vụ khác và được nhà nông tích trữ cho bò ăn, ủ nấm rơm; đóng cuộn bán trong và ngoài tỉnh phục vụ chăn nuôi, trồng trọt.

TƯỜNG VÂN

Vũng Liêm (Vĩnh Long): Nuôi bò sinh sản lợi nhuận 4- 6 triệu/con

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) chọn phát triển 3 loại sản phẩm chủ lực của huyện là lúa, cây ăn trái và đàn bò. Trong đó, đàn bò tiếp tục phát triển đạt hiệu quả khả quan.

Huyện phối hợp với ngành chuyên môn tỉnh hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi bò theo hướng chất lượng và giá trị kinh tế cao.

Riêng trong năm 2019 vừa qua, huyện phối hợp tỉnh thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển đàn bò chất lượng cao theo hướng an toàn sinh học quy mô nông hộ với 35 con bò ở các xã Trung Nghĩa, Hiếu Nghĩa, Quới An.

Ngoài ra, thực hiện Chương trình 135, huyện còn hỗ trợ nông dân ở xã Trung Nghĩa 22 con bò, trong đó 11 con bò thịt và 11 con bò nái sinh sản.

Riêng nguồn ngân sách huyện hỗ trợ lãi suất mô hình chăn nuôi bò ở 2 xã Trung Thành và Trung Thành Đông với 57 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo. Còn Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 1,76 tỷ đồng để mua 74 con bò nái.

Hầu hết các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó các hộ chăn nuôi bò sinh sản cho lợi nhuận từ 4- 6 triệu đồng/con/năm, nuôi bò vỗ béo lợi nhuận 3,5-5,5 triệu đồng/con/năm.

Tính đến cuối năm 2019, tổng đàn bò của huyện phát triển tổng số 31.443 con, đạt 101% kế hoạch, tỷ lệ bò Lai sind và các giống bò ngoại khác chiếm 98%. Các xã có số lượng bò phát triển khá như Trung Hiệp, Quới An, Tân Quới Trung, Trung Thành.

ĐÀO NHIỄN

Nuôi dê kết hợp trồng trọt cho thu nhập khá

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn, sau khi triển khai mô hình chăn nuôi dê kết hợp trồng trọt, gia đình chị Hoàng Thị Tâm (tổ 1, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah, Gia Lai) đã trở nên khá giả với thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm.

Quê ở Hà Tĩnh, năm 2011, chị Tâm cùng gia đình vào thị trấn Ia Ly (huyện Chư Pah, Gia Lai) lập nghiệp. Ban đầu, cuộc sống của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn. Tình cờ trong một chuyến đi thăm người quen ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, thấy mô hình nuôi dê hiệu quả, chị về nhà bàn với chồng đầu tư nuôi dê. Sau đó, chị tìm đến các hộ chăn nuôi dê để học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, chị tìm hiểu thêm kỹ thuật nuôi dê trên sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ chịu khó học hỏi, vợ chồng chị có được vốn kiến thức kha khá. Vợ chồng chị gom góp số tiền tích góp và vay mượn thêm anh em bạn bè được 70 triệu đồng đầu tư làm chuồng trại và mua 24 con dê giống về nuôi. Giống tốt, lại biết cách chăm sóc nên đàn dê của gia đình chị ngày một phát triển.

Chị Hoàng Thị Tâm cho dê ăn. Ảnh: H.P

Hàng ngày, khi mặt trời lên, cây cỏ hết ướt sương, chị Tâm thả đàn dê đi ăn, đến tối mới lùa về chuồng. Theo chị Tâm, dê là loài tạp ăn, có thể ăn nhiều loại lá cây và cả phụ phẩm nông nghiệp. Việc nuôi dê cũng khá đơn giản, chủ yếu cần nắm được các đặc tính của chúng để phòng ngừa dịch bệnh. Trước tiên, chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh nắng nóng và độ ẩm cao. Phía trước chuồng nuôi cần dành một khoảng đất trống để quản lý theo dõi đàn dê, cho ăn, phối giống và phòng trị bệnh. Dê ít bị dịch bệnh, chi phí thức ăn không nhiều nên hiệu quả mang lại khá cao.

Chị Tâm cho hay, chăn nuôi dê phù hợp với địa bàn thị trấn Ia Ly bởi nơi đây địa hình cao ráo, khí hậu thuận lợi cho các loại cây trồng phát triển, là nguồn thức ăn dồi dào cho dê. Hiện nay, nhu cầu thịt dê trên thị trường rất cao, các nhà hàng tìm đến tận nhà hỏi mua với giá khá cao và ổn định. Dê con nếu nuôi dưỡng tốt thì sau 10 tháng là bắt đầu sinh sản. Trung bình 1 năm, dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2-3 con, nuôi khoảng 7-8 tháng là có thể xuất bán. Mỗi năm, gia đình chị Tâm xuất bán khoảng 60 con dê trọng lượng bình quân 20-30 kg/con với giá khoảng 130.000 đồng/kg.

Từ nguồn tiền bán dê, vợ chồng chị Tâm có điều kiện đầu tư trồng cà phê, cây ăn quả. Năm 2013, gia đình chị mua 1 ha đất trồng cà phê và hồ tiêu. Sau đó, vợ chồng chị tiếp tục tích lũy mua thêm 1 ha đất để trồng mít Thái, mãng cầu, bơ. Đến nay, mít Thái và mãng cầu đã cho thu hoạch. Với mô hình nuôi dê kết hợp trồng trọt, vợ chồng chị Tâm có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Hoa-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ia Ly-nhận xét: “Chúng tôi thấy mô hình kinh tế của gia đình chị Tâm đạt kết quả khả quan. Đàn dê phát triển tốt và là vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, có thể nhân rộng. Hội Nông dân thị trấn cũng đã định hướng người dân phát triển chăn nuôi mà chủ yếu là nuôi dê và bò để tận dụng nguồn thức ăn có sẵn, đỡ tốn chi phí nhằm nâng cao lợi nhuận. Hội cũng đã vận động một số hội viên sản xuất giỏi, có tư duy nhạy bén tiếp tục phát triển mô hình nuôi dê để khích lệ người dân chuyển đổi vật nuôi nhằm tăng thu nhập”.

Hà Phương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop