Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 04 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 04 năm 2021

Đắk Lắk: Cơ hội đưa trái vải Ea Na vươn xa

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Cây vải thiều được người dân xã Ea Na (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) trồng từ hơn 20 năm nay song chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ ở một số hộ gia đình. Những năm gần đây, nhận thấy cây vải phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương lại có thể ra trái mùa, bán được giá cao nên nông dân đã nhân rộng mô hình này rộng khắp trên địa bàn xã. Một số hộ trồng trồng thuần và xen với diện tích lớn từ 5 – 7 ha vải thiều.

Để hỗ trợ đầu ra cho cây vải của người dân, năm 2019 Hội Nông dân xã Ea Na quyết định thành lập Tổ hợp tác (THT) vải Ea Na. Hiện THT vải Ea Na có 37 thành viên với tổng diện tích 25,4 ha. Định kỳ hằng tháng THT đều tổ chức các buổi sinh hoạt để các thành viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vải thiều. Khi có vườn cây của thành viên nào xuất hiện tình trạng sâu bệnh, THT sẽ đến tận nơi để kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để phòng và chữa trị bệnh kịp thời.

Nông dân xã Ea Na tham quan mô hình trồng vải của gia đình anh Phạm Hải Nam.

Ngoài ra, THT còn tổ chức cho thành viên đi tham quan các mô hình trồng vải thiều lâu năm ở huyện Krông Pắc, Ea Kar để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây vải; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, công ty chuyên về cây ăn trái có uy tín tổ chức hội thảo, tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách… giúp cho việc chăm sóc vườn cây của người dân hiệu quả hơn.

Nhờ đó, hầu hết các vườn vải của thành viên THT đều phát triển tốt, cho năng suất cao, đầu ra cho sản phẩm cũng thuận lợi nên thu nhập của các thành viên tăng cao, đời sống được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, mới đây THT vải Ea Na đã được Trung tâm Chất lượng nông - lâm - thủy sản vùng 3 chính thức công nhận đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm vải có tem truy xuất nguồn gốc. Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm vải của THT vải Ea Na nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và vươn xa hơn nữa.

Gia đình anh Phạm Hải Nam (ở thôn Quỳnh Ngọc) có 5 ha trồng 1.700 gốc vải thiều. Những năm đầu do không nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc vải nên thu nhập không đạt như kỳ vọng. Từ khi tham gia vào THT vải Ea Na, anh có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nhận được hỗ trợ từ các thành viên nên đã nắm vững quy trình chăm sóc cây vải theo từng giai đoạn.

Với vai trò là Tổ trưởng THT, anh Nam còn chủ động học hỏi thêm kỹ thuật trồng vải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tìm hiểu loại phân bón hữu cơ vừa tốt cho đất và cây để đem lại năng suất cao nhất. Năm nay, do điều kiện khí hậu thuận lợi lại được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn vải của gia đình anh Nam có tỷ lệ đậu trái rất cao, ước thu hoạch khoảng 100 tấn vải, thu nhập khoảng từ 500 – 600 triệu đồng/ha. Niềm vui càng nhân lên khi THT vải Ea Na được cấp chứng nhận VietGAP. Anh Nam chia sẻ: “Trước đây vải Ea Na được xuất ra bán tại chợ đầu mối và các siêu thị, năm nay được chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, chúng tôi đang kỳ vọng sản phẩm có thể xuất sang cả thị trường Trung Quốc và Nhật Bản”.

Vợ chồng anh Phạm Hải Nam trong vườn vải của gia đình.

Gia đình anh Lưu Xuân Bộ (ở thôn Quỳnh Ngọc 1) cũng là hộ trồng vải lâu năm ở xã Ea Na, hiện có khoảng 60 - 70 gốc vải. Thấy được những lợi ích của mô hình kinh tế tập thể, anh Bộ là người tiên phong đi đầu vận động những hộ trồng vải trên địa bàn xã tham gia THT liên kết sản xuất. Nếu như trước đây các hộ trồng vải mạnh ai nấy làm, mỗi người mỗi kiểu chăm sóc thì từ khi tham gia THT tất cả các khâu đều làm theo quy trình, có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên nên việc canh tác hiệu quả hơn nhiều.

Anh Bộ vui mừng bày tỏ: “Thành lập THT vải Ea Na là một bước đi mới của người dân trồng vải trên địa bàn xã. Sau gần 3 năm thành lập, THT đã nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng từ vật tư kỹ thuật đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Vải Ea Na đã được chứng nhận VietGAP, có tên, tuổi, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, mong rằng cơ quan chức năng các cấp tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hơn nữa để trái vải Ea Na vươn xa”.

H’Jim Hmok

Sản xuất sạch để ‘đi đường dài’ với cây cam xoàn

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Mặc dù mới phát triển thời gian gần đây nhưng sản phẩm cam xoàn của Tổ hợp tác (THT) cam xoàn Phong Mỹ (xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Bí quyết mang đến sự thành công bước đầu của THT chính là sự quan tâm đầu tư nâng chất cho nông sản...

Cam xoàn của Tổ hợp tác cam xoàn Phong Mỹ được trồng theo quy trình VietGAP

Cây cam xoàn bén rễ nơi xứ phèn

Năm 2011- 2012, trong một lần đến thăm nhà người quen ở huyện Lai Vung, anh Dương Văn Thành - Tổ Trưởng THT Cam xoàn Phong Mỹ nhận thấy cam xoàn là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân ở Lai Vung vươn lên làm giàu. Dù nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế của cây cam xoàn nhưng anh Thành cũng khá thận trọng.

Anh Thành nhớ lại: “Thấy nông dân ở Lai Vung làm giàu nhờ cây cam xoàn, tôi cũng ham lắm. Tuy nhiên, tôi lo lắng hơn vì trước giờ khu vực xã Phong Mỹ là vùng chuyên canh canh lúa, đất vẫn còn phèn khá nhiều nên sợ cây cam xoàn không phù hợp để phát triển. Để thử nghiệm, tôi mua 2 nhánh cam xoàn về trồng thử. Sau gần 2 năm, tôi thu hoạch được 3 trái cam bối đầu tiên. Thay vì để gia đình thưởng thức, tôi mời nhiều nông dân trong xóm đến dùng và cảm nhận hương vị của trái cam xoàn được trồng tại quê hương Phong Mỹ. Sau khi thưởng thức, nhiều bà con nhận định chất lượng trái và độ ngọt của cam xoàn trồng tại Phong Mỹ không thua kém cam xoàn được canh tác tại huyện Lai Vung và những địa phương khác. Xuất phát từ những trải nghiệm thực tế đó, năm 2013, tôi cải tạo 1.000m2 vườn tạp của mình để trồng thử nghiệm 100 gốc cam xoàn”.

Sau gần 2 năm sinh trưởng và phát triển tốt, khoảng cuối năm 2014, anh Thành thu hoạch vụ cam đầu tiên gần 3 tấn trái với giá bán thời điểm đó khoảng 40 ngàn đồng/kg. Tổng doanh thu từ vườn cam trong vụ đầu tiên là 120 triệu đồng. Với nhiều nông dân trồng lúa tại địa phương, khoản thu nhập trên là rất lớn và đáng mơ ước.

Từ thành công của vườn cam anh Thành, nhiều nông dân trong vùng bắt đầu mạnh dạn cải tạo vườn tạp và đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng cam xoàn. Qua đó, kinh tế của nhiều gia đình tại địa phương bắt đầu cải thiện đáng kể.

Sản xuất cam xoàn theo hướng sạch

Thời gian đầu chỉ có một vài hộ chuyển đổi sang trong cam xoàn. Vài năm trở lại đây, toàn xã Phong Mỹ có trên 20 hộ gia đình canh tác loại cây trồng này với quy mô trên 10ha. Hiện diện tích cam xoàn tại địa phương không ngừng tăng lên. Không dừng lại ở việc canh tác nhỏ lẻ, manh mún, năm 2017, nhiều nông dân trồng cam xoàn tại đây liên kết lại với nhau thành lập THT cam xoàn Phong Mỹ để cùng nhau sản xuất cam xoàn theo hướng hữu cơ, liên kết tiêu thụ. Hiện tại, THT cam xoàn Phong Mỹ có 17 thành viên, với trên 6,5ha cam xoàn đạt chứng nhận VietGAP. Hiện sản phẩm của THT được tiêu thụ mạnh tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, Phiên Chợ Xanh tử tế ở TP.HCM và một số cửa hàng bán trái cây sạch ở Đồng Tháp...

Chia sẻ về việc thay đổi tư duy canh tác của bà con nông dân hiện nay, anh Dương Văn Thành - Tổ Trưởng THT cam xoàn Phong Mỹ cho biết: “Năm 2017, Phong Tân Hội quán của xã Phong Mỹ được thành lập. Từ lúc tham gia sinh hoạt tại Hội quán, nông dân được các chuyên gia chia sẻ nhiều kiến thức về kỹ thuật canh tác và thị trường. Thấm thía từ những thông tin được truyền tải, nhà vườn chúng tôi quyết định thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ việc phụ thuộc vào phân thuốc hóa học sang sử dụng nhiều hơn các chế phẩm sinh học và phân hữu cơ cho cây cam. Việc chuyển đổi tư duy canh tác này, người được lợi đầu tiên là nông dân trực tiếp sản xuất vì không còn tiếp xúc nhiều với phân thuốc độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, người thân trong gia đình cũng được thưởng thức trái cây sạch do chính bàn tay mình làm ra”.

Sau thời gian miệt mài thay đổi phương thức canh tác, cuối năm 2017, THT cam xoàn Phong Mỹ được cấp chứng nhận VietGAP. Đây được xem là “tấm giấy thông hành” giúp cam xoàn Phong Mỹ chính thức được bước chân vào thị trường tiêu dùng khó tính. Thông qua việc tham dự các chương trình xúc tiến do UBND tỉnh, Sở Công Thương tổ chức, cam xoàn của THT cam xoàn Phong Mỹ được thị trường nhiều nơi biết đến. Trung bình mỗi năm, THT cung cấp cho thị trường trên 150 tấn cam xoàn đạt chuẩn.

Định hướng phát triển cây cam xoàn tại địa phương trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh cho biết, để “đi đường dài” với cây cam xoàn, việc sản xuất theo hướng sạch, an toàn là giải pháp thiết yếu. Khi nông sản được sản xuất theo quy trình được cấp giấy chứng nhận sẽ có thể mạnh dạn bước chân vào những “sân chơi” lớn hơn. Hiện tại, ngoài việc hỗ trợ cho THT cam xoàn Phong Mỹ chứng nhận VietGAP, địa phương cũng đang kết nối với các sở, ngành để hỗ trợ cấp mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam xoàn THT. Trong năm 2021, địa phương dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để sản phẩm cam xoàn của THT cam xoàn Phong Mỹ tham gia chương trình OCOP. Hiện đối với một số diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả và vườn tạp, địa phương cũng định hướng nông dân chuyển đổi sang canh tác cây ăn trái theo hướng sạch, an toàn...

MỸ LÝ

Hiệu quả liên kết sản xuất - tiêu thụ chanh GlobalGAP

Nguồn tin: Báo Long An

Giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ canh tác truyền thống sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) tiên tiến, nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của nông sản, tạo đầu ra ổn định cho nông sản,... là hiệu quả từ việc liên kết sản xuất - tiêu thụ chanh GlobalGAP mang lại trong thời gian qua.

Thay vì trồng chanh theo phương thức truyền thống, ít ứng dụng KHKT như nhiều nông dân khác ở địa phương, anh Huỳnh Hậu Tiến, ngụ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An mạnh dạn liên kết với Công ty (Cty) TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ sản xuất chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất sang thị trường châu Âu ngay từ những ngày đầu chuyển đổi 10ha đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng chanh. Theo đó, trên diện tích 10ha đất trồng chanh, anh Tiến tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu từ khâu chọn giống, triển khai trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Trong đó, anh đặc biệt chú ý áp dụng kỹ thuật trồng thưa, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học, thay vào đó là tăng cường sử dụng thuốc sinh học và phân hữu cơ,… góp phần bảo đảm cho trái chanh không tồn dư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đủ tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu - một trong những thị trường khó tính của thế giới.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ đang liên kết thu mua hơn 1.000ha chanh, trong đó có 200ha chanh sản xuất theo hướng GlobalGap, số còn lại sản xuất theo quy trình TFA

Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT theo tiêu chuẩn sản xuất GlobalGAP giúp vườn chanh của anh Tiến hạn chế sâu, bệnh, cây phát triển tốt, đạt năng suất 25 tấn/ha/năm, cao hơn bên ngoài 5 tấn/ha/năm. Chưa dừng ở đó, khi áp dụng tiến bộ KHKT theo tiêu chuẩn sản xuất GlobalGAP còn kéo dài tuổi thọ cây chanh lên 10 năm; đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Anh Tiến bộc bạch: “Trồng chanh theo tiêu chuẩn GlobalGap, bình quân mỗi hécta, tôi chỉ trồng 450 gốc (ở ngoài là 600-700 gốc); được Cty cử đội ngũ kỹ sư xuống hướng dẫn, chăm sóc vườn chanh thường xuyên và hỗ trợ xây dựng nhà kho, hố xử lý chanh bệnh,…Trong thời kỳ hội nhập, để được ổn định về đầu ra nông sản, trong đó có cây chanh thì đòi hỏi nông dân phải đặt chất lượng và an toàn, vệ sinh thực phẩm lên trên hết. Vì vậy, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là điều kiện bắt buộc đối với nông dân hiện nay và cả trong tương lai”.

Vốn là “tay ngang” chuyển đổi từ đất trồng mía cho năng suất, lợi nhuận thấp sang trồng chanh, anh Lê Văn Đặng, ngụ xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, không khỏi bỡ ngỡ, thậm chí không dám đầu tư mạnh. Thế nhưng, từ khi ký kết hợp đồng liên kết với Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ, anh lại trở thành nông dân giỏi ứng dụng KHKT vào sản xuất chanh. Nhìn vườn chanh của anh Đặng trái sum suê, xanh mượt, không tìm thấy vết tích của sâu, bệnh, cành vượt, cành khô, thậm chí trái hư, trái thối,… càng minh chứng cho sự liên kết hiệu quả này.

Anh Huỳnh Hậu Tiến sản xuất 10ha chanh theo hướng GlobalGAP, góp phần tạo ra sản phẩm sạch, tăng sức cạnh tranh trên thị trường

Anh Đặng chia sẻ: “Sau khi liên kết, cán bộ Cty đồng hành trong tất cả các khâu sản xuất, nhất là đầu ra sản phẩm ổn định, bán giá cao hơn thị trường từ 3.000-4.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm 15-20% so với trước đây. Ngoài ra, gia đình tôi cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả còn lại sang trồng chanh. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, đời sống không ngừng nâng lên, tất cả là nhờ cây chanh”.

Hiện diện tích liên kết sản xuất - tiêu thụ chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP giữa nông dân Long An và Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ khoảng 200ha. Đến cuối năm 2021, diện tích này sẽ tăng lên 260ha và tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Trưởng vùng nguyên liệu Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ - Hồ Vũ Khanh thông tin: “Hiện nay, Cty liên kết thu mua hơn 1.000ha chanh, trong đó có 200ha chanh sản xuất theo hướng GlobalGap, số còn lại sản xuất theo quy trình TFA. Dự kiến hàng năm, Cty sẽ tăng thêm 30% diện tích trồng chanh theo hướng GlobalGap tại Long An. Thông qua liên kết giữa Cty và nông dân, Cty sẽ góp phần thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân, hướng đến sản xuất sạch, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thay vào đó hướng đến thị trường châu Âu. Sau thời gian liên kết, tất cả người dân tham gia liên kết đều chấp hành tốt quy trình sản xuất của Cty đưa ra, nhất là chưa có nông dân nào bỏ liên kết”.

Có thể thấy, mô hình liên kết giữa Cty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ và nông dân trồng chanh trên địa bàn tỉnh đang mang lại nhiều hiệu quả và đầy tiềm năng, góp phần cho tỉnh phát triển mô hình gắn với Đề án Ứng dụng công nghệ trong sản xuất cây chanh, thúc đẩy mặt hàng nông sản của địa phương ngày càng phát triển nhanh, bền vững./.

Lê Ngọc

Ninh Thuận: Ninh Sơn mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Để duy trì và phát triển đàn gia súc theo hướng bền vững, chủ động nguồn thức ăn trong mùa khô, trồng cỏ là giải pháp hiệu quả mà nông dân huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) đã và đang thực hiện.

Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, ngoài việc vận động Nhân dân tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi, huyện Ninh Sơn còn khuyến khích, hướng dẫn bà con trồng thêm cỏ voi. Nhờ đó, các hộ chăn nuôi đã chủ động được nguồn thức ăn cho đàn gia súc, cân đối về dinh dưỡng, kháng được dịch bệnh và tăng thu nhập. Anh Nguyễn Thành Khôi, thôn Tân Hòa, xã Hòa Sơn, cho biết: Trước đây để tìm kiếm nguồn thức ăn cho đàn gia súc, tôi thường thả tại các đồng cỏ, sườn đồi. Tuy nhiên, đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp, đặc biệt là vào mùa khô thiếu nguồn thức ăn đàn gia súc chậm phát triển phải bán bớt để duy trì đàn. Không muốn tình trạng này tiếp diễn, năm 2019, tôi quyết định chuyển đất trồng mía sang trồng cỏ trên diện tích 4 sào. Từ khi chủ động được nguồn thứ ăn, đàn gia súc đã sinh trưởng ổn định, lợi nhuận cũng tăng lên, tới nay gia trại của tôi có 6 con bò và 14 con dê. Anh Nguyễn Hữu Nguyên, thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, có 17 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, chia sẻ: Cỏ voi là giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu hạn tốt, phát triển nhanh lại giàu chất dinh dưỡng, chỉ sau 1-2 tháng trồng là đã thu hoạch được. Tôi đầu tư trồng 1,3 ha cỏ voi làm thức ăn cho đàn bò 56 con, trong đó 25 con bò sinh sản và 7 con nuôi theo hình thức vỗ béo.

Nông dân xã Hòa Sơn trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc.

Đồng chí Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện có gần 62.000 con, để đảm bảo nguồn thức ăn, từ đầu năm đến nay, nông dân các xã, thị trấn đã trồng 339 ha cỏ, tập trung chủ yếu ở xã Nhơn Sơn và Mỹ Sơn. Mùa khô đã tới, bên cạnh vận động bà con chủ động tích trữ các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch cây trồng vụ đông - xuân 2020-2021 làm thức ăn cho gia súc, huyện còn khuyến khích người dân tận dụng đất gò đồi, đất thiếu nước trồng cỏ; đồng thời, tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.

Lê Tuấn

Lai Châu: Chè Shan tuyết cổ thụ ở Hoang Thèn

Nguồn tin: Báo Lai Châu

Chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) mọc tự nhiên, không chăm sóc bằng hóa chất, phân bón nên được người dân xem như chè sạch. Sự khắc nghiệt của khí hậu vùng cao, sương mù, giá rét đã hình thành nên lớp rêu mốc, bạc phếch trên thân chè. Song cũng chính sự khắc nghiệt ấy đã làm nên giá trị của chè Shan tuyết cổ thụ nơi đây.

Anh Giàng A Sang thu hái chè Shan tuyết cổ thụ.

Hiện xã Hoang Thèn có khoảng 700 cây chè Shan tuyết cổ thụ tập trung ở bản Xin Chải và Tả Lèng. Từ khi sinh ra, người dân 2 bản đã thấy những cây chè Shan tuyết sinh trưởng, phát triển ở vườn thành từng cụm, khóm. Đến nay, những cây chè này đã hơn 100 tuổi. Muốn thu hái phải kê ghế, bắc thang, đối với những cây cao chừng 4 – 5m phải trèo lên để thu hoạch.

Anh Giàng A Sang - Trưởng nhóm Thanh niên phát triển kinh tế bản Xin Chải chia sẻ: Trước đây, sau khi thu hái chè Shan tuyết cổ thụ, bà con giã, vo thành từng nắm nhỏ rồi mang sang Trung Quốc bán, đổi lấy nhu yếu phẩm, dụng cụ lao động. Thời điểm thương lái không mua, bà con hái mỗi lứa chè xuân còn lại để già. Do đó, việc phát triển chè Shan tuyết cổ thụ thành sản phẩm hàng hóa bán trên thị trường rất khó khăn.

Mấy năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ chè Shan tuyết cổ thụ tăng cao, một số hộ gia đình cũng đã sao chè theo phương pháp truyền thống để bán. Với cách chế biến này chè đẹp hơn, không bị nát, khi hãm nước búp chè nở ra y nguyên như lúc đầu, đặc biệt không làm mất hương chè và lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết của búp chè. Nhưng cách làm này tốn nhiều công sức, cầu kỳ, người sao chè phải đứng trước bếp củi rực lửa đảo tay liên tục khiến nhiều người nản chí. Vì vậy, số gia đình sao chè ít dần, thay vào đó bà con hái búp tươi bán với giá 140 nghìn đồng/kg.

Tháng 9/2020, được sự hỗ trợ của Tổ chức Plan, nhóm Thanh niên phát triển kinh tế bản Xin Chải được thành lập với sự tham gia của 20 thành viên. Trong đó, đa số là những gia đình có chè Shan tuyết cổ thụ. Tổ chức Plan hỗ trợ nhóm 2 máy vò, sao chè, máy hút máy chân không, đồng thời tạo điều kiện cho nhóm được tập huấn kỹ thuật.

Anh Sang cho biết thêm: Hiện nay đang là mùa xuân, thời điểm chè Shan tuyết cổ thụ ngon nhất trong năm. Vì chè mọc rải rác, do đó, nhóm cũng đang tập trung thu hái chè cho kịp thời vụ. Trung bình sao 10 cân búp tươi được 2 cân chè khô. Không như một số loại chè khác, chè Shan tuyết cổ thụ sau khi thu hoạch phải chế biến luôn, nếu để lâu thì lá héo ngả vàng, mất đi mùi thơm vốn có. Đặc biệt không sử dụng liềm, dao để cắt, mà phải dùng tay thu hái từng búp non. Tránh hái chè vào ngày mưa, sương mù ẩm ướt. Để chè giữ được hương thơm thì sau khi sao chè héo, tiếp tục sao đến lúc chè khô, rong, rồi đựng vào túi nilon ủ qua đêm. Hôm sau cho vào máy đánh lại hương. Tuy nhiên trong quá trình sao phải canh chè, đảm bảo nhiệt độ ổn định để không làm mất đi phần "tuyết" trắng bám ở búp chè.

Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ được phân thành 2 loại với giá 1 triệu đồng và 500 nghìn đồng/kg. Ngoài việc thu hoạch chè từ gia đình các thành viên, thì nhóm cũng thu mua thêm chè của những hộ khác về chế biến. Chè Shan tuyết cổ thụ nổi tiếng là chè sạch, ngon, diện tích chè trên địa bàn ít nên số lượng mỗi vụ cũng chưa nhiều, do đó chế biến đến đâu khách đặt mua đến đấy. Không có sản phẩm tồn.

Nói về khó khăn trong việc sao chè Shan tuyết cổ thụ, anh Sang cho hay, trong nhóm có một số thành viên không nhiệt tình hợp tác. Bên cạnh đó, nguyên liệu mua vào đắt, do đó khi bán ra thị trường muốn hạ giá thành cũng khó, không phải ai cũng có điều kiện sử dụng. Tháo gỡ vấn đề này, ngoài đóng túi có trọng lượng từ 5 lạng - 1kg thì nhóm cũng bán lẻ theo nhu cầu của khách hàng.

Nhấp ngụm chè Shan tuyết cổ thụ, ai cũng có thể cảm nhận được vị chát, ngọt lâu đặc trưng. Ngoài giá trị là một loại nước uống, chè Shan tuyết cổ thụ còn có tác dụng tốt cho sức khỏe như tăng cường khả năng tập trung, hỗ trợ tiêu hóa, tốt cho tim mạch... Có thể vì lẽ đó nên nhiều người thường nói chè Shan tuyết cổ thụ là “lộc của trời ban”.

Hoài Thương

Không tuân thủ khuyến cáo, nông dân gặp khó

Nguồn tin: Báo Long An

Từ sau Tết Nguyên đán 2021 đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến việc nuôi, trồng của nông dân. Trong đó, thiệt hại đáng kể nhất là những diện tích lúa Đông Xuân (ĐX) gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo ở các huyện phía Nam và những diện tích tôm nước lợ.

Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại

Đến nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ 267.096ha lúa, đạt 55,2% kế hoạch (483.500ha), bằng 97,7% so cùng kỳ năm 2020. Diện tích thu hoạch 161.302ha, năng suất (khô) bình quân ước 68,7 tạ/ha, sản lượng 1.107.424 tấn, đạt 41% kế hoạch (2,7 triệu tấn), bằng 75,4% so cùng kỳ năm 2020.

Ông Lê Văn Côn, ngụ ấp 1, xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, chia sẻ: “Năm nay, do chủ quan hạn, mặn không nghiêm trọng nên tôi gieo sạ lúa ĐX vào cuối đợt 2. Không ngờ xâm nhập mặn đến sớm và tôi đã lấy nước vào ruộng khi độ mặn cao nên gần như toàn bộ 6,5ha lúa đều bị thiệt hại. Tôi vừa thu hoạch 1ha nhưng chỉ được 1,7 tấn lúa, những diện tích còn lại sẽ thu hoạch trong vài ngày tới. Theo tôi tính, vụ này sẽ lỗ từ 12-15 triệu đồng/ha”.

Nhiều diện tích lúa bị xâm nhập mặn gây thiệt hại

Ông Trần Văn Mẫn, ngụ xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, bộc bạch: “Vụ này, gia đình tôi sản xuất 2ha lúa. Do không thường xuyên theo dõi độ mặn của nguồn nước cùng với việc nắng nóng kéo dài gây thiếu nước nên tôi đã nôn nóng lấy nước có độ mặn cao từ ngoài sông vào đồng gây thiệt hại cho lúa. Nhiều nông dân trên địa bàn cũng bị thiệt hại, gần như mất trắng do lấy nước mặn vào đồng. Thiệt hại ước tính trên 10 triệu đồng/ha”.

Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Bến Lức - Nguyễn Thanh Đức cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 1.200ha đất nông nghiệp, trong đó, lúa khoảng 500ha, chanh khoảng 570ha, thanh long 26ha, mai 105ha, còn lại là các loại cây trồng khác. Hiện nay, một số diện tích lúa vụ 3 của xã bị thiệt hại do xâm nhập mặn. Nguyên nhân chủ yếu là người dân tự ý xuống giống vụ 3 mặc dù đã có khuyến cáo không nên gieo sạ của chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp huyện; đồng thời, trước khi lấy nước vào ruộng, người dân cũng không kiểm tra độ mặn của nguồn nước. Nhìn chung, thời gian tới, việc tưới tiêu sẽ rất khó khăn khi có khoảng 50% diện tích đất sản xuất của xã thiếu nước tưới, nguy cơ thiệt hại cho người dân sẽ rất lớn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bến Lức - Lê Văn Nam thông tin, vụ ĐX 2020-2021, toàn huyện gieo sạ 5.841ha, trong đó thu hoạch 5.330ha, những diện tích chưa thu hoạch là những diện tích gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, tập trung chủ yếu ở xã Lương Hòa, Tân Hòa,... Hiện nay, một số diện tích lúa gieo sạ ngoài lịch sử dụng nguồn nước từ hệ thống sông Chợ Đệm bị thiệt hại do nước mặn làm năng suất lúa giảm đáng kể, ước tính mức độ thiệt hại của một số diện tích lúa có thể lên đến hơn 70%. Ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân nên thường xuyên thăm đồng và cập nhật thông tin về độ mặn của nguồn nước, tuyệt đối không lấy nước chưa được đo đạc chính xác vào ruộng, vườn. Theo dự báo, tình trạng hạn, mặn sẽ còn kéo dài, người dân nên chủ động dự trữ và tiết kiệm nguồn nước tưới nhằm hạn chế thiệt hại.

Trong tuần, giá lúa, nếp dao động so với tuần trước. Cụ thể: Lúa IR50404 từ 6.500-6.600 đồng/kg, ổn định so với tuần trước; lúa OM 5451 từ 6.500-6.600 đồng/kg, ổn định so với tuần trước; lúa Đài thơm 8 từ 6.700-6.800 đồng/kg, ổn định so với tuần trước; lúa ST24 khoảng 6.800-6.900 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với tuần trước; nếp (giống IR4625) từ 5.700-5.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg so với tuần trước.

Bùi Tùng

Sản xuất nông nghiệp thời chuyển đổi số

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Nông dân ĐBSCL đang ứng dụng nhiều mô hình tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp như sản xuất dưa trong nhà lưới, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao… Theo đó, những chiếc máy bay phun thuốc, máy phun giống, máy cấy mạ đã xuất hiện ở một số nơi trên đồng ruộng. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp bởi công nghệ sẽ giúp nâng cao năng suất và giá trị nhờ hệ thống canh tác theo quy mô và quản lý hiệu quả.

Nông dân Hậu Giang điều khiển máy bay phun thuốc trên ruộng lúa

“Phi công” trên đồng ruộng

Cách đây 5 năm, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh) “trình làng” khá ấn tượng nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Nổi lên là mô hình “sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh” được thực hiện tại Trà Vinh, sau đó được nông dân Đồng Tháp, Hậu Giang áp dụng. Đánh giá từ hàng trăm hécta lúa sản xuất cho thấy, giá thành sản xuất 1kg lúa trong mô hình này thấp hơn so với đối chứng từ 165-224 đồng/kg, năng suất bằng và cao hơn, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng khoảng 1,9-2,1 triệu đồng/ha. Cái hay của mô hình này là việc quản lý nước theo ứng dụng nông nghiệp 4.0 như lắp đặt hệ thống cảm biến mực nước, hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời và thiết bị bơm tưới tự động... tạo ra nhiều tiện lợi.

Tại xã Bình Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), ông Võ Văn Trưng là người đầu tiên trồng dưa lưới theo mô hình nhà lưới. Với 3.000m2, trong gần 5 năm qua nhờ trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao ông có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả mô hình sản xuất dưa lưới của ông Trưng, có 12 nông dân nơi đây đã tham gia hình thành HTX dưa lưới Thuận Phát với diện tích sản xuất 9.000m2, thu nhập mỗi năm gần 2 tỷ đồng (4 vụ/năm).

Tỉnh Hậu Giang cũng đang nhân rộng mô hình trồng dưa lưới (giống Nhật và Isarel) trong nhà lưới. Theo đó, nông dân đã ứng dụng hệ thống tưới thông minh tự động, theo nhu cầu tiêu thụ nước của dưa lưới bằng điện thoại thông minh, quản lý phân bón dinh dưỡng dưa lưới bằng điện thoại thông minh như cảm biến, nhiệt độ, pH và độ ẩm đất. Đồng thời, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm tiểu khí hậu của môi trường bằng điện thoại thông minh qua cảm biến không khí đặt trong nhà lưới, theo nhiệt độ và độ ẩm của môi trường xung quanh cũng như theo nhu cầu nhiệt độ và độ ẩm của dưa lưới.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm nhân công, giá thuê lao động tăng cao. Một số nơi thiếu nhân công trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong khâu phun thuốc bảo vệ thực vật. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã thành lập tổ phun thuốc dịch vụ bằng máy bay theo nhu cầu của nông dân. Hiện ngành nông nghiệp Hậu Giang đã đưa vào sử dụng 10 máy bay phun thuốc với khoảng 10 “phi công” thành thạo trong vận hành bay phun. Đến nay đã phun trình diễn và dịch vụ trên 1.000ha. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay trên cây lúa là một giải pháp vừa tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, vừa bảo vệ sức khỏe người sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Theo các chuyên gia dự báo, thời gian tới sản xuất nông nghiệp tất yếu sẽ sử dụng các thiết bị tương tự để gia tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp”. Theo ông Trần Chí Hùng, ngành nông nghiệp đã đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc “nông sản Hậu Giang” hơn 2 năm qua. Qua đó, giúp gần 2.000 tổ chức và nông dân có điều kiện thuận lợi để ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Người dân đã thành thạo ghi chép nhật ký điện tử trong hoạt động và sản xuất; tạo mã truy xuất nguồn gốc nông sản của mình thông qua mã QR Code; đưa sản phẩm lên sàn giao dịch để quảng bá…

Đầu tư đúng mức để tạo đột phá

Thực tế cho thấy, nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả cho nông dân làm nông nghiệp. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là vì sao các mô hình này chưa được nhân rộng ở ĐBSCL? Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhận định: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Công nghệ sẽ giúp nâng cao năng suất và giá trị, nhờ vào hệ thống canh tác theo quy mô và quản lý hiệu quả. Chủ trương của Chính phủ đã định hình cho hiện đại hóa ngành nông nghiệp nhưng quá trình thực hiện đến nay còn khá khập khiễng”.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, để số hóa hiệu quả thì tư duy và sự đồng bộ là cần thiết, không thể một đối tượng, một bộ phận ứng dụng số hóa mà số khác không làm. Khi đó, ngành nông nghiệp không thể kết nối đồng bộ được. Muốn số hóa, người nông dân phải có trình độ, phải có chứng chỉ nghề nông. Nhìn rộng hơn, trước hết phải có quy hoạch ngành nông nghiệp phù hợp và có quy chuẩn, sau đó áp dụng đồng bộ. Hiện nay, khâu quản lý nhà nước đã từng bước số hóa, định vị vùng nuôi trồng, đo đạc và lưu trữ dữ liệu, theo dõi diễn biến… “Tuy nhiên, những gì chúng tôi ghi nhận được chỉ nằm ở một số lĩnh vực hẹp, chưa áp dụng nhiều trên diện rộng. Một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư theo dõi chất lượng nước, giống, dịch bệnh, điều chỉnh thích ứng với nhu cầu, truy xuất nguồn gốc... nhưng vẫn chỉ tập trung ở doanh nghiệp có quy mô lớn. Đối với hộ nông dân thì bức tranh số hóa chưa rõ ràng, hay nói cách khác chưa tiếp cận được bởi nguồn lực và trình độ”, ông Nguyễn Phương Lam băn khoăn.

Từ lâu, những thiết bị thông minh cho nông nghiệp đã trở thành “chiến lược phát triển quốc gia” tại Nhật Bản, Hà Lan, đặc biệt là Israel. Theo các nhà khoa học, để đạt được như vậy đầu tư cho nghiên cứu khoa học nông nghiệp phải có bước đột phá mạnh mẽ hơn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nông nghiệp vùng ĐBSCL là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, bị tổn thương nhiều nhất. GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhận định: “Kết nối công nghệ 4.0 với nông nghiệp có trình độ cơ giới hóa cao, đồng bộ, diện tích ruộng đất tập trung, sẽ phát huy nhanh về số lượng ở giai đoạn đầu, thay vì kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao (vì vốn đầu tư quá sức so với khả năng của kinh tế Việt Nam hiện nay). Vùng chuyên canh phải đi liền với nhà máy chế biến nông sản. Việt Nam có thể tiến hành song song nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đại trà 2.0 và 3.0 sao cho phát huy hiệu quả tích cực nhất. Suy cho cùng, thị trường sẽ là yếu tố quyết định đầu ra cho nông sản và đáp ứng mục tiêu làm giàu cho nông dân”.

“Chúng ta cần một chương trình số hóa đồng bộ và trước khi chuyển đổi số, điều kiện cần là nông nghiệp sản xuất theo quy mô, tức phải sản xuất lớn mới làm số hóa, khi ấy mới hiệu quả. Muốn thế doanh nghiệp phải đi đầu, mô hình HTX phải đạt quy mô nhất định về diện tích và nguồn lực…”, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ đề xuất.

CAO PHONG

Bắc Kạn chuyển hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc

Nguồn tin: Nhân Dân

 

Chợ trâu, bò Nghiên Loan (Pác Nặm) là điểm tiêu thụ ổn định trâu, bò vỗ béo của tỉnh Bắc Kạn.

Là tỉnh miền núi, có tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi đại gia súc, tuy nhiên, vài năm trước tổng đàn trâu, bò, ngựa của tỉnh Bắc Kạn lại có chiều hướng giảm. Nguyên nhân là do thiếu bãi chăn thả, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện, Bắc Kạn đã kịp thời chuyển hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng liên kết, nâng cao chuỗi giá trị.

Hơn 10 năm trước, khi phong trào trồng rừng tại Bắc Kạn chưa phát triển mạnh thì việc chăn nuôi đại gia súc ở địa phương này khá dễ dàng theo cách chăn thả. Tổng đàn nhờ vậy tăng mạnh, tuy nhiên, giá trị kinh tế thấp do tiêu thụ bấp bênh. Từ năm 2016 đến nay, Bắc Kạn chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện hai cách chăn nuôi, gồm: nuôi nhốt vỗ béo và nuôi bán chăn thả. Từ đây, các địa phương đã hình thành phương thức chăn nuôi mới, ổn định, cho thu nhập cao.

Huyện Na Rì trước đây vốn không phải là địa phương trọng điểm về phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chủ trương phát triển nuôi nhốt vỗ béo và bán chăn thả thì chăn nuôi đã trở thành một trọng điểm phát triển kinh tế của huyện. Gia đình chị Triệu Thị Liều ở thôn Nà Kèn, xã Sơn Thành, từng nuôi trâu, bò nhưng chỉ theo cách thả rông. Ba năm gần đây, gia đình bắt đầu trồng cỏ voi và nuôi nhốt vỗ béo. Cứ sau năm tháng, xuất bán một lứa trâu, thu về trung bình hơn 100 triệu đồng. Thôn Nà Kèn có 25 hộ dân thì đến nay đã có 10 hộ thực hiện mô hình nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò. Nhà ít nuôi ba đến bốn con, nhà nhiều nuôi hơn 10 con. Người dân trồng được hơn 30 ha cỏ voi; trung bình một con trâu được nuôi nhốt, mỗi tháng có thể cho thu nhập một triệu đồng. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Na Rì Hoàng Thị Thu Nguyệt cho biết, ba năm qua, việc nuôi vỗ béo cho trâu, bò đã được nhân rộng ra tất cả các xã. Chỉ tiêu xuất bán đại gia súc của huyện luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra, với tổng đàn đại gia súc đạt bình quân 8.000 con/năm và có khoảng 134 ha cỏ voi làm thức ăn, phục vụ việc nuôi nhốt.

Việc phát triển chăn nuôi cũng được các địa phương phân vùng cụ thể, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm” kể cả khi không có điều kiện phù hợp. Đầu năm 2021, huyện Ba Bể ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại từ quy mô nhỏ đến vừa, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu thị trường. Huyện quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi trâu, bò tập trung tại các địa phương có lợi thế, gồm: Thượng Giáo, Phúc Lộc, Cao Thượng, Bành Trạch, Quảng Khê; đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất ruộng, đất vườn kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn xanh cho phương thức nuôi nhốt vỗ béo, chăn nuôi thương phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tại xã Thượng Giáo, thực hiện quy hoạch chăn nuôi, UBND xã tập trung rà soát những thôn, hộ gia đình có điều kiện về chăn nuôi để chỉ đạo thực hiện, trong đó ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hình thức nhốt vỗ béo và trồng cỏ. Tại thôn Nà Tạ, Nà Ché, nhiều hộ gia đình đã đầu tư chuồng trại nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình chị Nông Thị Niệm, thôn Nà Tạ thực hiện mô hình nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò từ năm 2020 đến nay, đã có sáu con trâu và hơn 2.000 m2 đất vườn trồng cỏ voi làm thức ăn. Cuối năm 2020, gia đình chị bán năm con thu về 150 triệu đồng. Có những lúc cao điểm, một số hộ ở hai thôn nuôi nhốt tới 50 con trâu, bò. Trâu, bò sau khi vỗ béo được vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng, Lạng Sơn...

Cùng với đổi mới phương thức chăn nuôi, Bắc Kạn duy trì, củng cố các chợ trâu, bò đầu mối, trong đó, chợ Nghiên Loan (Pác Nặm) là một trong những chợ lớn nhất phía bắc. Chợ họp vào mùng 3 và 8 âm lịch hằng tháng, mỗi phiên giao dịch hàng nghìn con trâu, bò với giá trị hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, còn có chợ Bộc Bố (Pác Nặm) đặt ở trung tâm huyện lỵ, mỗi phiên giao dịch 150 đến 200 con. Chợ Công Bằng đặt ở xã cuối huyện Pác Nặm, mỗi phiên giao dịch 150 đến 300 con. Thương lái đến từ các tỉnh miền xuôi, Cao Bằng, Tuyên Quang… mỗi phiên thường mua từ 15 đến 17 con, đủ một xe ô-tô vận chuyển về bán cho các lò mổ chuyên nghiệp. Mỗi phiên giao dịch, các chợ bán được ít nhất là hai phần ba tổng số gia súc đưa đến. Nhờ các chợ trâu, bò này, người dân Bắc Kạn đã có đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Chuyển biến trong phát triển chăn nuôi đại gia súc theo cách làm mới ở Bắc Kạn là rõ nét khi với phương thức nuôi nhốt vỗ béo, sau ba tháng, mỗi hộ có doanh thu từ 3 đến 5 triệu đồng/con trâu, bò. Nhờ cách làm mới, tổng đàn đại gia súc của Bắc Kạn giữ ổn định ở 60.000 con, tuy có giảm so với năm 2016 nhưng tổng lượng xuất bán, sản lượng thịt hơi không giảm mà lợi nhuận còn tăng cao. Đồng thời tạo thuận lợi cho việc kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, đây mới chỉ là cách phát triển ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Ngọc Cương cho biết, thời gian tới, tỉnh xác định hình thức nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò theo hướng mở rộng quy mô trang trại, hợp tác xã sẽ là chủ chốt. Đi đôi với đó, tỉnh cũng tăng cường thu hút đầu tư công nghiệp chế biến sản phẩm từ trâu, bò và mở rộng quy mô chợ bò Nghiên Loan để tạo kênh tiêu thụ bền vững cho nhân dân.

Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 phát triển ít nhất được 25 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô vừa và nhỏ, trong đó, xây dựng từ một đến hai trang trại chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi khép kín (từ trồng cỏ, nuôi trâu, bò, nuôi giun quế… đến sản phẩm thịt trâu, bò và sản phẩm phụ). Tổng đàn trâu, bò nuôi tại các trang trại chiếm khoảng 10% tổng đàn. Tổng đàn trâu duy trì ổn định 45.000 con, số con xuất chuồng bình quân 15.000 con/năm, tương đương với sản lượng thịt trâu hơi khoảng 3.600 tấn/năm. Tổng đàn bò duy trì ổn định 20.000 con, số con xuất chuồng bình quân 7.000 con/năm, tương đương với sản lượng thịt bò hơi khoảng 1.500 tấn/năm.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop