Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 07 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 07 năm 2016

Trồng hẹ cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Xã Nam Xuân, Nam Đàn, Nghệ An đưa vào trồng hẹ sạch từ vài năm lại nay và đây được coi là cây rau sạch nhất, an toàn trong sản xuất và thu lãi cao so với các cây trồng khác. Toàn xã có 10ha hẹ, 1ha cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Gia đình chị Phương ở xã Nam Xuân trồng 2 sào hẹ, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Hiện nay toàn xã Nam Xuân có 10ha trồng hẹ với khoảng 150 hộ dân trồng giống cây này, tập trung ở xóm 4, xóm 5, xóm 6 và xóm 7. Trong đó xóm 6 và xóm 7 có diện tích lớn nhất với 7ha. Mỗi hộ dân trồng bình quân từ 1 – 2 sào.

Gia đình chị Nguyễn Thị Phương, xã Nam Xuân năm nay trồng 2 sào hẹ, sau 2 tháng cho thu hoạch đợt 1 và sau đó cứ khoảng 1 tháng sẽ thu hoạch một đợt tiếp theo. Mỗi đợt thu hoạch cho khoảng 350 bó hẹ/sào. Với giá thành 4.000 đồng/bó như hiện nay, mỗi đợt thu hoạch gia đình thu lại được gần 14 triệu đồng.

Cây hẹ có rất nhiều ưu điểm. Đây là giống cây thích hợp với đất cát pha thịt trên địa bàn xã Nam Xuân. Hẹ có thể thu hoạch quanh năm nên bà con có thu nhập thường xuyên. Chăm sóc hẹ chủ yếu là phân chuồng và lân nên đây là thực phẩm sạch, được ưa chuộng. Không những thế, trồng hẹ không mất tiền mua giống. Giống chủ yếu được lấy từ những cây hẹ của vụ mùa trước. Đặc biệt, có thương lái đến tận nhà thu mua nên bà con có đầu ra ổn định.

Mỗi bó hẹ được bán tại ruộng 4000 đồng và không khi nào ế hàng

Tuy nhiên, trồng hẹ còn gặp một số khó khăn như đây là giống cây không chịu được hạn nên cần tưới nước đầy đủ, nhất là trong ngày hè. Mặt khác, giá cả của hẹ thay đổi theo mùa, có lúc lên 7.000 đồng/bó nhưng cũng có khi chỉ 1.500 đồng/bó. Sự tăng giảm giá này chủ yếu dựa vào nhu cầu người tiêu dùng, những ngày nắng nóng, thị trường cần lượng rau nhiều thì cây hẹ luôn rất đắt hàng.

Thời điểm này, cây hẹ đang bước vào đợt thu hoạch cao điểm. Hẹ được bán theo bó chứ không bán theo cân. 1ha cho thu hoạch được 6000 - 7.000 bó/đợt. Mỗi đợt cho thu nhập 28 triệu đồng/ha, một năm thu hoạch khoảng 10 đợt cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Cứ 20 ngày sẽ thu hoạch 1 đợt tiếp theo, mỗi năm có 18 lần thu hoạch hẹ. Như vậy, với 10ha, sau một năm thu hoạch, cây hẹ đã cho thu nhập gần 5 tỉ đồng trên địa bàn toàn xã. Những cây hẹ được các thương lái trong vùng thu mua, sau đó được đưa đi tiêu thụ tại các chợ trong vùng và thị trường Vinh.

Để cây hẹ có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện thời tiết khô hạn, chính quyền xã Nam Xuân đã đào 2 ao ở gần các ruộng hẹ ở xóm 6 và xóm 7, đồng thời kéo điện để có thể có thể bơm nước từ ao tưới cho hẹ phát triển đúng chu kì và thu hoạch đúng hạn.

Nam Xuân hiện có 10ha hẹ

Ông Nguyễn Hữu Thuận, Trưởng ban Nông nghiệp xã Nam Xuân cho biết : Hẹ là cây trồng cho thu nhập cao, bởi vậy trong vòng 3 năm, toàn xã đã tăng diện tích sản xuất hẹ lên gấp đôi (từ 5ha lên tới 10ha). Cây hẹ phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, không mất tiền vốn mua giống, ít bị sâu bệnh và không tốn công chăm sóc nhiều. Đây là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nhất trong các loại cây trên địa bàn xã.

Theo Đông y, hẹ vị cay hơi chua, hăng, tính ấm, có tác dụng trợ thận, giải độc, cầm máu, tiêu đờm. Theo Tây y, Hẹ giảm đường huyết, giảm mỡ máu, có khả năng bảo vệ tuyến tụy. Ngoài ra, hẹ còn được làm gia vị trong các món ăn ngon hàng ngày.

Hẹ là loại rau không bị sâu ăn và không chịu các loại thuốc hóa chất như thuốc trừ sâu.

Quang An

Người đầu tiên trồng cây sachi ở vùng đất Đam Rông (Lâm Đồng)

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sau chuyến đi thực tế tìm hiểu cây sachi ở xã Hòa Trung - huyện Di Linh (Lâm Đồng), được sự giới thiệu của Công ty cổ phần Sacha Inchi Việt Nam (công ty đưa giống sachi về Việt Nam trồng khảo nghiệm) về người trồng cây sachi ở huyện Đam Rông, nhằm “mục tận sở thị” loài cây mới lạ này, tôi đã xuống huyện Đam Rông để gặp người trồng cây sachi đầu tiên ở huyện này.

Chú Tâm bên vườn sachi

Tôi đã gặp chú Nguyễn Minh Tâm ở thôn Thanh Bình, xã Phi Liêng, được chú dẫn đi xem những cây sachi xanh tốt đang ra hoa kết quả. Là một người ham học hỏi, luôn tìm hiểu những cây trồng mới có giá trị kinh tế; qua thông tin trên mạng nên chú đã biết được cây sachi. Sachi là loại cây trồng đa tác dụng mới nhập từ vùng Amaron về Việt Nam trồng khảo nghiệm từ năm 2014; sản phẩm chính là hạt được dùng để sản xuất ra dầu ăn, thực phẩm chức năng, lá cây dùng để làm trà, lá ngọn non là rau sạch.

Muốn tìm hiểu thêm về loài cây mới này, chú đã ra Hà Nội để tận mắt nhìn thấy cây sachi, chú thăm vườn trồng sachi đang ra hoa kết quả, thưởng thức những sản phẩm chế biến từ hạt sachi, được tiếp xúc trao đổi với các cán bộ kỹ thuật của công ty về cây sachi, thăm nhà máy chế biến hạt sachi. Đến nay, sau 4 tháng trồng, cây sachi đã không phụ lòng người; cây sinh trưởng phát triển tốt, đã ra rất nhiều hoa và quả. Ngoài 3 cây bị mối ăn, cây chưa xuất hiện một loại sâu bệnh nào. Các cây đều ra hoa, kết quả, cây cao đến 2,9 m, đường kính gốc đạt 1,7cm, có cây được hơn 30 quả. Cây ra hoa quả từ các cành gần gốc đến cả các ngọn non, tôi thật bất ngờ với khả năng ra hoa đậu quả rất nhiều của loại cây sachi này.

Qua trao đổi, chú Tâm cho biết, cây sachi dễ trồng, dễ chăm sóc; vườn sachi đã có những người dân ở trong và ngoài tỉnh (Ninh Thuận, Bình Thuận) đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng và họ đều ngạc nhiên về loài cây mới này. Để chứng minh giá trị của cây sachi, chú mời tôi thưởng thức món lá sachi non xào, hạt sachi rang. Chú cho biết, sắp tới sẽ trồng thêm khoảng 0,5 ha cây sachi; sự thành công của mô hình sẽ là điểm tham quan của người dân, mở ra một hướng canh tác cây trồng mới có giá trị kinh tế cung cấp sản phẩm hạt giàu dinh dưỡng (hạt giàu omega 3, 6, 9...). Cây sachi có thể trồng thuần, trồng xen, cũng như tận dụng trồng ở các hàng rào, trồng 7-8 tháng là đã có sản phẩm quả thu hoạch; cây ra hoa quả quanh năm, cây cho thu hoạch quả trên 15 năm.

Vào lập nghiệp ở đất Phi Liêng từ năm 1990, là một thương binh cần cù chịu khó, ham học hỏi, chú Tâm luôn tìm hiểu các giống cây mới để đưa vào sản xuất cải thiện kinh tế gia đình. Gia tài lớn nhất hiện tại của chú là 5 người con đều đã học đại học. Ở tuổi 68, tuy kinh tế vẫn còn khó khăn, nhưng chú vẫn đam mê đọc sách, lên internet tìm hiểu khoa học kỹ thuật, tìm hiểu những giống cây mới. Ở vùng đất Đam Rông còn nhiều khó khăn, rất cần những người như chú Tâm, mạnh dạn trồng các loại cây mới, sự thành công của chú sẽ giúp khơi dậy, phát huy những tiềm năng của địa phương, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

NGUYỄN VĂN DIỆN

Bến Lức (Long An): Diện tích cây mía tiếp tục giảm

Nguồn tin: Báo Long An

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, tỉnh Long An, niên vụ 2015 - 2016 tổng diện tích mía trồng của huyện chỉ đạt 7.566 ha, giảm 594 ha so với niên vụ trước.

Người dân không còn mặn mà với cây mía

Nguyên nhân diện tích mía của huyện giảm mạnh là do giá mía thu mua đầu vào của nhà máy đường giảm từ 100.000 đến 150.000 đồng/tấn so với các niên vụ trước. Bên cạnh đó, các chính sách như: Bao tiêu chữ đường, chính sách thu mua mía và thanh toán nợ cho người dân chưa được nhà máy đường giải quyết. Các chi phí sản xuất như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển tăng từ 10 - 20% so với các vụ trước.

Thời gian qua, người dân trồng mía bị lỗ nặng nên chuyển sang trồng một số loại cây trồng khác như: Mỳ, ổi, chanh, thanh long với hi vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Giá mía bấp bênh, nông dân dần quay lưng với cây trồng truyền thống này, nhưng trồng cây gì cho hiệu quả vẫn là bài toán khó của nông dân huyện Bến Lức./.

Việt Hằng

Hà Nội: Giúp Vân Nội khẳng định chất lượng rau an toàn

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Vốn có truyền thống sản xuất rau an toàn (RAT), mỗi năm xã Vân Nội (huyện Đông Anh) cung ứng cho thị trường hơn 100.000 tấn RAT.

Tuy nhiên, để phát triển sản xuất, tiêu thụ RAT bền vững, Vân Nội rất cần sự vào cuộc của các nhà quản lý, nhà khoa học nhằm khẳng định chất lượng RAT với người tiêu dùng.

Đưa sản xuất rau an toàn vào nền nếp

Sản xuất RAT manh nha tại Vân Nội từ năm 1995, trải qua 21 năm, sản xuất RAT tại địa phương đến nay đã đi vào nền nếp. Toàn xã hiện có 93ha RAT với 16 HTX, công ty tham gia hoạt động tiêu thụ RAT, sản lượng trung bình 50 tấn/ngày. Sản phẩm được bán chủ yếu qua các kênh siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Với giá trị sản xuất đạt trung bình từ 400 – 500 triệu/ha/năm, RAT đã giúp người dân Vân Nội nâng cao đời sống. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,47%.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên phải) tham quan ruộng sản xuất RAT tại xã Vân Nội. Ảnh: Ánh Ngọc

Cùng với kinh nghiệm sản xuất, các hộ trồng rau ở Vân Nội đều tuân thủ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng ATTP. Đáng chú ý, cùng với sự hỗ trợ của Chi cục BVTV Hà Nội, Vân Nội đang duy trì sản xuất trên 20 loại rau, trong đó có rau trái vụ (su hào, cải bắp, súp lơ…) cho hiệu quả kinh tế cao. Chị Nguyễn Thị Hường, thôn Ba Chữ, xã Vân Nội chia sẻ, gia đình có 2.000m2 trồng các loại rau ăn lá. Mỗi tháng, trừ các khoản chi phí, thu lãi trên 10 triệu đồng. “Tham gia HTX, tôi được tập huấn đầy đủ kiến thức sản xuất an toàn, nắm bắt thị trường. Nhờ đó, sản phẩm RAT của gia đình luôn được HTX thu mua với mức giá cao và ổn định” - chị cho biết.

Theo số liệu tổng hợp của Chi cục BVTV Hà Nội, có hơn 70% số hộ trên địa bàn xã Vân Nội tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sản xuất RAT. Việc sử dụng phân hữu cơ và các loại thuốc BVTV cũng được các hộ dân nghiêm túc thực hiện. Đặc biệt là sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học vào giai đoạn sắp thu hoạch, đảm bảo thời gian cách ly. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã lấy 8 mẫu rau tại vùng sản xuất RAT Vân Nội, kết quả phân tích 100% mẫu đều ở ngưỡng cho phép.

Cần hỗ trợ nông dân nhiều hơn

Là người có 20 năm kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ RAT, ông Trần Văn Mây – Chủ nhiệm HTX tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vân Nội cho hay, 2 năm trước, nông dân Vân Nội cứ phải loay hoay với việc làm thế nào để diệt trừ sâu đất. Bởi đây là loại sâu hại rau phổ biến nhưng trên thị trường chưa có thuốc đặc trị. Thế rồi từ kinh nghiệm thực tế, nông dân đã nghĩ ra cách bơm đầy nước có hòa vôi vào ruộng, ngâm từ 7 – 10 ngày là diệt trừ được loài sâu này. Ông Mây mong muốn các nhà khoa học ưu tiên nghiên cứu về rau nhiều hơn. Đồng thời, sáng chế ra các loại thuốc BVTV thảo mộc, sinh học để thay thế các loại thuốc BVTV hóa học.

Hiện nay, với sản lượng RAT thực tế 34 tấn/ngày, Vân Nội chỉ đáp ứng khoảng 65% nhu cầu tiêu thụ. Do đó, các HTX, công ty “đành” phải nhập thêm rau từ các địa phương khác để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Điều này làm xuất hiện những kẽ hở trong quản lý kinh doanh RAT và ít nhiều làm ảnh hưởng đến thương hiệu RAT Vân Nội. Nhằm xóa bỏ sự nhập nhèm trong kinh doanh RAT, mới đây, xã Vân Nội đã đầu tư xây dựng chợ đầu mối RAT với diện tích 2,9ha, kinh phí đầu tư 60 tỷ đồng bằng phương thức xã hội hóa. Ngày 28/6 vừa qua, chợ đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Để quản lý chặt chẽ khâu tiêu thụ, xã đã cấp phát thẻ cho từng hộ đăng ký buôn bán sản phẩm RAT tại chợ.

Ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND xã Vân Nội kiến nghị, TP và huyện Đông Anh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ xã về kinh phí, nhân lực trong hoạt động quản lý, giám sát sản xuất và tiêu thụ RAT. Đồng thời, TP cần sớm thành lập Ban điều phối hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) trong quản lý ATTP đối với sản phẩm rau. Đây là hệ thống giám sát có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp vào chuỗi cung ứng sản phẩm rau (người sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng) đang được nhiều tỉnh, thành áp dụng hiệu quả.

Hỗ trợ xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng nông sản an toàn

Liên minh HTX Việt Nam vừa thông qua kế hoạch hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn và thí điểm 200 cửa hàng từ quý III/2016. Cụ thể, Liên minh sẽ hỗ trợ 100% kinh phí bồi dưỡng cán bộ HTX, xây dựng website, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm… Cùng với đó, hỗ trợ các HTX tối đa 60% kinh phí xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, ưu tiên xúc tiến thương mại. Trước mắt, kế hoạch sẽ ưu tiên việc cung ứng cho một số trung tâm đô thị lớn. (Lâm Nguyễn)

Bình Minh

Phụng Hiệp (Hậu Giang): Giá mía giảm, nhưng bán mía chục vẫn cho lợi nhuận cao

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Vào mùa mưa, nhu cầu sử dụng mía nước cũng giảm nhiệt, nên đã làm cho giá mía chục cũng bắt đầu giảm. Tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), trong khoảng hai tuần qua, giá mía chục đã giảm gần 300 đồng/kg, nhưng người bán mía chục vẫn thu lợi nhuận cao.

Do mía chục cho hiệu quả kinh tế cao, nên đã thu hút nhiều nông hộ trồng mía, bán theo hình thức này.

Hiện nay thương lái vào tận rẫy mía thu mua với giá 1.200 đồng/kg (khoảng 24.000 đồng/chục), thấp hơn nửa tháng trước khoảng 300 đồng/kg. Ông Huỳnh Văn Tám, thương lái thu mua mía chục đến từ tỉnh Long An, cho biết: “Hiện nay nhu cầu sử dụng mía nước giải khát đã giảm hơn so với cách nay nửa tháng, chính vì thế đã làm cho giá mía chục cũng bắt đầu giảm. Hiện nay mỗi tháng, gia đình thu mua khoảng 150 tấn giao cho các đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tuy giá mía chục hiện nay sụt giảm, nhưng người bán mía chục vẫn đạt lợi nhuận khá cao. Do bán mía theo hình thức này, người trồng mía tiết kiệm được chi phí nhân công thu hoạch. Với giá bán hiện nay, cùng với năng suất mía bình quân đạt khoảng 13 tấn/công, mỗi công mía chục, người trồng thu về hơn 15 triệu đồng. Trừ hết chi phí lợi nhuận đạt khoảng 60% (khoảng 9 triệu đồng).

Hiện nay huyện Phụng Hiệp đã thu hoạch được khoảng 160ha mía chục. Do hiệu quả mang lại cao, nên người trồng mía đang ồ ạt bán mía theo hình thức này, khiến cho các nhà máy đường trong tỉnh lo lắng cho tình trạng thiếu nguồn mía nguyên liệu.

THANH DUY

Hậu Giang: Nguồn cung dừa tươi ít dần

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo các chủ vựa dừa tươi tại khu vực chợ Vị Thanh (phường III, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), hiện nay nguồn cung cấp dừa tươi tại một số địa phương quen thuộc như ở tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh… đang ít dần, do nhu cầu sử dụng của người dân ở các nơi tăng cao. Nhiều chủ vựa dừa tươi ở chợ Vị Thanh thường lấy hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, do dừa nhiều và đoạn đường vận chuyển gần hơn so với tỉnh Bến Tre.

Nhiều chủ vựa dừa không đủ hàng bán vì nguồn cung ít dần.

Theo chị Thanh, một chủ vựa dừa ở chợ Vị Thanh: “Người dân mua khá nhiều, nhưng nguồn cung ở tỉnh Vĩnh Long hơi khan hiếm, nên phải đi gom dừa ở nhiều nơi. Chồng tôi đi gom mấy chỗ ở trong tỉnh Hậu Giang, nhưng số lượng không nhiều. Mới hơn tháng trước, vô bọc nước dừa (loại bọc khoảng 1 lít) bán 10.000 đồng, bây giờ tôi lên giá 12.000 đồng, còn dừa trái bán lẻ vẫn giữ nguyên giá 10.000 đồng/trái. Nếu nguồn cung ít dần, có thể giá bán sẽ tăng, vì giá dừa mắc hơn trước”.

HOÀNG NGUYÊN

Bắc Giang: Liên kết trong sản xuất - tiêu thụ: Vải tươi được giá, lò sấy đìu hiu

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Với nhiều ưu điểm nổi trội, vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đang tiêu thụ thuận lợi, được giá qua việc liên kết giữa các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX).

Một lò sấy vải ở thôn Ba Gò, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) hoạt động cầm chừng.

Hợp đồng giá cao, ổn định

Những ngày cuối tháng 6, dòng người nườm nượp đổ về các điểm cân vải nằm dọc theo quốc lộ 31 và một số tuyến đường chính qua địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ông Vũ Đào, Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm cho biết: “DN đã xuất khẩu hơn 10 tấn vải thiều GlobalGAP sang thị trường Australia. Để bảo đảm chất lượng quả vải tốt nhất, trong hợp đồng với HTX sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang, chúng tôi cam kết mua vải của các nhà vườn với giá cao hơn 10% so với giá thị trường. Còn việc lựa chọn hộ nào tùy HTX nhưng nằm trong gần 100 hộ đã được cấp mã số ở xã Hồng Giang”.

Cùng đó, một số DN như: Big C, Hapro cũng đã ký hợp đồng thu mua gần 40 tấn vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Hồng Giang, Giáp Sơn để đưa vào tiêu thụ với giá từ 35 đến 45 nghìn đồng/kg. Được biết, hầu hết vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP khi ký hợp đồng tiêu thụ với các DN đều có giá cao hơn 10% so với giá thị trường.

Ông Giáp Văn Thành, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) cho biết: “Năm nay, nhà tôi có khoảng 15 tấn vải, bằng 75% so với năm trước nhưng bù lại giá khá cao. Hiện tôi đang bán với giá từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg, cao hơn năm trước từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg. Gia đình tôi cũng có gần 2 tấn vải được DN thu mua xuất khẩu sang thị trường Australia”.

Dù thương lái cũng mua vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP với giá cao nhưng theo một số chủ vườn thì khi có hợp đồng thu mua với DN, HTX, nhà vườn sẽ yên tâm hơn trong việc tiêu thụ, giá ổn định. Khi bán vải cho các HTX, DN, người trồng vải không bị trừ lùi cân (thông thường mỗi một tạ vải thương lái trừ lùi từ 7 đến 10 kg - PV). Tuy nhiên, số hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm của DN, HTX với người dân còn ít so với sản lượng khoảng 1 nghìn tấn vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên địa bàn huyện Lục Ngạn, do đó phần lớn vải thiều vẫn được bán tự do cho các thương lái.

Theo ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn), khi người trồng vải thay đổi phương thức sản xuất để tạo ra quả vải thiều có chất lượng cao nhất cũng rất mong ngành chức năng đẩy mạnh việc giới thiệu đối tác, quảng bá vải thiều GlobalGAP đến thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, có thêm những hợp đồng xuất khẩu để từng bước nâng cao giá trị quả vải.

Khan hiếm vải sấy

Quả vải tươi được giá đồng nghĩa với việc thu mua, sấy vải... “mất mùa”. Thôn Ba Gò, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) được gọi là “phố sấy vải” bởi trong thôn có hơn 30 lò sấy, những năm trước vào vụ vải thiều “nhà nhà sấy vải, người người làm vải sấy”. Tuy nhiên, năm nay do nguyên liệu đầu vào cao, tiêu thụ khó khăn nên chỉ còn khoảng 10 lò sấy hoạt động cầm chừng. Ông Nguyễn Văn Huê, chủ lò sấy cho biết: “Năm nay, tôi mua nguyên liệu với giá từ 10 đến 11 nghìn đồng/kg, cao hơn 3 đến 4 nghìn đồng/kg so với năm trước. Giá thành vải sấy hơn 40 nghìn đồng/kg mà thương nhân Trung Quốc hiện chỉ trả 35 nghìn đồng/kg, tôi đang tính dừng lò. Từ đầu vụ đến nay, nhà tôi chỉ sấy hơn 10 tấn”.

Người dân thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) thu hoạch vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Do khó khăn về nguyên liệu, đầu ra nên năm nay dự báo của ngành chức năng, sản lượng vải thiều sấy sẽ giảm khoảng 50% (10 nghìn tấn) so với năm trước.

Xung quanh việc chế biến vải thiều, nhất là vải sấy chiếm tỷ lệ nhỏ trong năm nay, theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương, do cơ chế thị trường, nguồn nguyên liệu cho vải sấy, chế biến khan hiếm, giá cao. Với đặc thù vải khô được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Trung Quốc nên thương nhân cần ký kết hợp đồng tiêu thụ chính ngạch với đối tác trước khi thu mua để sấy, không nên xuất theo đường tiểu ngạch dễ bị thương nhân ép cấp, ép giá.

Các thương nhân cũng nên tăng cường tìm kiếm đối tác mới tại một số thị trường như: Lào, Thái Lan… để tránh lệ thuộc vào một thị trường.

Liên kết tiêu thụ với DN, vải thiều được giá hơn nhưng ngành chức năng và chính quyền địa phương khuyến cáo người trồng vải không nên chờ hợp đồng ký kết với các DN mà cứ chín đến đâu thì thu hoạch và bán đến đó để tránh ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã quả vải.

Việt Anh

Mô hình trồng chanh bông tím - hướng đi mới của nông dân huyện Thoại Sơn (An Giang)

Nguồn tin: An Giang

Những năm gần đây, trước thực trạng giá cả rau màu bấp bênh, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thoại Sơn (An Giang) đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ đất lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng một số loại cây trồng mới.

Trong đó, cây chanh bông tím là loại cây được nhiều nông dân huyện Thoại Sơn chọn để chuyển đổi cây trồng. Bởi đây là loại cây dễ trồng, cho trái quanh năm và năng suất khá cao.

Điển hình là mô hình trồng chanh bông tím của anh Phạm Ngọc Đậm, ngụ ấp Trung Phú 3, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn. Theo anh Đậm cho biết: Trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng lúa nhưng giá cả không ổn định, hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhận thấy được điều đó, anh đi đây đó tham quan học hỏi nhiều mô hình trồng trọt, qua thời gian anh quyết định chuyển đổi 8 công đất đang canh tác lúa sang trồng chanh bông tím.

Theo đó, vào đầu năm 2015, anh qua huyện Chợ Mới mua 1.000 cây chanh giống với giá 15.000 đồng/cây về trồng, chanh bông tím trồng chỉ sau 08 - 10 tháng thì cho trái, nhưng vườn chanh của anh, anh cho dưỡng tàng đến hơn 12 tháng mới để trái, có như vậy thì cây chanh mới đủ sức, sẽ cho trái tốt và đạt chất lượng hơn.

Hiện tại, vườn chanh của anh đã thu hoạch được 04 đợt và mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng nửa tháng. Giá chanh dao động tùy theo thời điểm, có thời điểm anh bán được với giá 17.000 – 20.000 đồng/ký và có thời điểm chỉ 7.000 – 8.000 đồng/ký. Nhưng theo anh Đậm nhận định: nếu trung bình giá chanh từ 4.000 – 5.000 đồng/ký, sau khi trừ hết chi phí, người trồng vẫn có thể thu lãi từ 15 – 20 triệu đồng/công/năm.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng chanh anh Đậm, cho biết: Nếu muốn chanh ra trái nhiều vào mùa nghịch thì cần xịt thuốc kích thích, những tháng còn lại ra trái tự nhiên nên nhẹ chi phí phân thuốc, cần theo dõi một số bệnh thường gặp trên chanh như: nhện đỏ, bọ trĩ, bệnh vàng lá… Ngoài ra, vườn chanh của anh có thiết kế hệ thống ống nước phun tự động, nên giảm được chi phí chăm sóc. Bên cạnh, nguồn thu từ chanh trái, anh còn tranh thủ bầu nhánh bán cây giống cho những hộ có nhu cầu. Theo anh Đậm, trồng chanh không khó, nhưng để có trái đạt thì không phải ai cũng làm được.

Bởi vậy, anh thường xuyên đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm về áp dụng cho mô hình của mình, để giảm chi phí và tăng lợi nhuận

Cẩm Nang

Vĩnh Long: Nhiều liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp - PTNT, 6 tháng qua, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh Vĩnh Long đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp và bao tiêu nông sản.

Cụ thể: Tam Bình liên kết với DN Sài Gòn Coop đầu tư xây dựng mô hình sản xuất gạo sạch 43,3ha lúa hữu cơ và lúa bán hữu cơ và bao tiêu sản phẩm cho nông dân ở Ấp 9 (xã Mỹ Lộc).

Vũng Liêm liên kết với Công ty TNHH KTC Việt Nam thực hiện dự án trồng 47,56ha xoài Xiêm núm theo hướng VietGAP tại xã Trung Chánh (Quới An). Bình Tân liên kết với Công ty Thủy sản Bạc Liêu bao tiêu sản phẩm ổn định cho mô hình gần 10ha cây đậu bắp xanh sản xuất theo hướng VietGAP ở xã Tân Bình với sản lượng 25 - 30 tấn/ha/vụ, mời gọi Công ty TNHH TM Tùng Lâm chuyển giao 58,8kg mè giống gắn với ký hợp đồng tiêu thụ mè (16ha) cho các xã Tân Lược, Tân An Thạnh, Tân Bình và Thành Lợi.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức ký liên kết tiêu thụ bưởi Năm Roi giữa Công ty Hương Bưởi Mỹ Hòa với đại diện hộ nông dân 2 tổ hợp tác được hỗ trợ đầu tư chứng nhận GlobalGAP năm 2014, 2015 và hỗ trợ hộ nông dân tham gia mô hình ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm bắp lai (4,76ha) ở xã Loan Mỹ (Tam Bình) với Công ty TNHH TMDV Hiệp Quang.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ Công ty TNHH CNM Korea thu mua hơn 20 tấn xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc, hỗ trợ doanh nghiệp Rồng Đỏ tiếp cận vùng sản xuất nhãn Tân Hạnh, Hòa Ninh, An Bình với các mặt hàng nhãn tiêu da bò, Edor, xuồng cơm vàng. Đến nay, tổ hợp tác nhãn Edor Hòa Ninh đã cung cấp 4 chuyến với hơn 30 tấn nhãn xuất khẩu...

MỸ HÀ

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop