Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 07 năm 2017

Sáng chế máy băm cành thanh long giúp tăng lợi nhuận cho người dân

Nguồn tin: VOV

Trước đây để xử lý khoảng 1 tấn dây thanh người dân phải tốn 300.000 đồng tiền công, nhưng với máy băm cành chi phí phải bỏ ra rất ít .

Những tưởng sáng chế là công việc của các nhà khoa học, nhưng trên thực tế đã có không ít nông dân đã tự tìm tòi làm ra các loại máy móc nông cụ phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình. Ông Nguyễn Văn Cường, nông dân xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là một trong số đó. Mới đây, ông Cường đã sáng chế ra máy băm cành thanh long giúp tiết kiệm công lao động trong quá trình sản xuất.

Thông thường sau mỗi chu kỳ thu hoạch, hằng năm các nhà vườn thanh long phải cắt bỏ những cành thanh long kém hiệu quả do già, bệnh hoặc nằm lẩn bên dưới không tiếp xúc với ánh sáng. Lượng cành rong bỏ chiếm đến 50% số cành trên mỗi trụ. Vì số lượng cành bỏ đi rất lớn, không thể để chất đống trong vườn, nên nông dân phải tốn nhiều công sức để vận chuyển đi nơi khác đổ hoặc dùng dao băm nhỏ ngay tại chỗ để cành mau phân hủy.

Ông Cường vận hành máy băm cành thanh long.

Là nông dân trồng thanh long, ông Nguyễn Văn Cường (ở xã Thiện Nghiệp) nhận thấy gia đình ông cũng như nhiều nông dân khác khá vất vả trong mỗi lần thu dọn cành già, cành bệnh. Ông luôn trăn trở làm thế nào để giảm bớt công sức thu dọn sau khi cắt cành. Từ đó, ông đã nghĩ đến việc làm ra một cái máy băm cành thanh long bằng động cơ.

“Cây thanh long Bình Thuận rất nhiều nên để xử lý thân cành gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không xử lý tốt vừa gây ô nhiễm môi trường lại vừa mất đi nguồn phân tự nhiên. Xuất phát từ đó tôi có ý tưởng làm ra cái máy này để băm, vừa làm sạch môi trường vừa làm nguồn phân tự nhiên trong đất”, ông Cường chia sẻ.

Trước đây khi còn trong quân ngũ, ông Cường có học qua động lực học, nên việc tìm tòi ý tưởng làm máy băm thanh long không quá khó đối với người nông dân này.

Sau khi nhìn qua cách thức hoạt động của các loại máy xắt mì, xắt chuối, ông Cường nhận thấy nếu làm máy băm cành thanh long theo cơ chế như thế sẽ không hiệu quả vì cối xoay không thế tự đẩy cành băm ra bên ngoài. Liên tưởng đến chiếc rìu khum chặt cây của đồng bào miền núi, ông đã tự thiết kế cái dao băm hình chữ C có khả năng cuốc xuống làm đứt dây thanh long và kéo thải sản phẩm ra ngoài theo nguyên lý “vừa băm chặt vừa đẩy ra ngoài”.

Sau thời gian mày mò thử nghiệm, tháng 5 vừa qua, nông dân Nguyễn Văn Cường đã hoàn thiện chiếc máy băm nặng 102kg, dài 2 mét gồm 3 bộ phận chính gồm thùng tiếp nhận cành, cối dao băm và hộc thải sản phẩm ra ngoài. Cối băm được nối với máy nổ Yamaha động cơ 6 mã lực chạy bằng xăng. Chiếc máy băm này nhỏ gọn có bánh đẩy, nên thuận tiện di chuyển trong vườn thanh long.

Ông Cường cho biết, máy có hiệu quả sử dụng rất cao. Trung bình một bụi thanh long già phải rong bỏ khoảng 50kg cành. Nếu như dùng xe rùa, người nào giỏi nhất cũng chỉ đẩy được khoảng 1 tấn dây thanh long/ngày (thu 300.000 đồng tiền công). Nhưng với chiếc máy này, chỉ cần 1 giờ đồng hồ là xong.

“Chiếc máy này cùng với 2 người trong 1 giờ có thể băm được 1 tấn dây thanh long, trong khi mức nhiên liệu tiêu thụ chỉ vào khoảng 0,5 lít xăng nên rất tiết kiệm chi phí” ông Cường cho biết.

Cành thanh long sau khi qua máy băm chặt có kích thước nhỏ vụn, là nguồn phân tự nhiên cho cây thanh long, giảm ô nhiễm.

Ông Trần Minh Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết bà con nông dân trong xã rất bất ngờ trước sáng tạo của ông Cường. Qua thử nghiệm, bà con nông dân nhận thấy máy băm cành thanh long mang lại hiệu quả thực sự cho các nhà vườn. Hiện nay, Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp đang phối hợp với ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận và thành phố Phan Thiết để bảo hộ sở hữu trí tuệ cho ông Cường và phổ biến rộng rãi sản phẩm này.

“Hội Nông dân của xã đã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Phan Thiết, Sở Khoa học Công nghệ Bình Thuận đưa sản phẩm của ông Cường đi đăng ký sản phẩm và tham dự Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật của tỉnh, qua đó tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế”, ông Quân cho hay.

Tỉnh Bình Thuận là địa phương có diện tích thanh long lớn nhất nước với hơn 26.000 ha. Tới đây nếu như sáng chế này được công nhận và sản xuất đại trà, thủ phủ thanh long Bình Thuận sẽ có thêm một loại máy nông cụ mới phục vụ đắc lực cho nông dân trong quá trình canh tác loại cây trồng lợi thế này của địa phương./.

Việt Quốc/VOV-TP HCM

Bến Tre: Chợ Lách tập trung phát triển cây đầu dòng bản địa

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Sau quá trình phân ly tự nhiên thành các tính trạng khác nhau, một chủng loại chôm chôm mới xuất hiện với trái to hơn chôm chôm Java, có râu ngắn, chóp màu xanh nhạt, khi chín vỏ đỏ, cơm dày, hạt nhỏ, ăn rất ngọt miệng. Chủng loại chôm chôm có nguồn gốc từ giống bản địa này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre xác nhận cây đầu dòng với tên gọi “Chôm chôm Cái Mơn - Maca”.

Hiện 4,2 công đất trồng giống chôm chôm Cái Mơn - Maca của ông Dương Văn Lợi (ở ấp Phụng Châu, xã Sơn Định), là diện tích trồng nhiều nhất huyện, được Phòng NN&PTNT hỗ trợ để phát triển vườn cây đầu dòng cho huyện. “Đó là vườn cây giống đầu tiên của chủng loại chôm chôm Cái Mơn - Maca. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng trên địa bàn huyện. Song song đó, huyện xây dựng chỉ dẫn địa lý cho chủng loại giống chôm chôm đặc trưng bản địa này. Qua đó, sẽ nâng cao chất lượng cây giống chôm chôm và tiến tới xây dựng một thương hiệu trái chôm chôm đặc trưng cho huyện Chợ Lách”, Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết.

Cây chôm chôm Cái Mơn - Maca xuất hiện và gây sự chú ý của nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Lách cách nay khoảng 4 năm. Ông Dương Văn Lợi đã mạnh dạn nhân giống trồng, với hơn 4 công vườn nhà mình. Mùa chôm chôm năm 2016, vườn chôm chôm Cái Mơn - Maca của ông Lợi cho vụ trái đầu tiên. Tuy trái chôm chôm thu hoạch chưa nhiều nhưng đủ gây tiếng vang vì ăn rất ngon miệng và các thương lái đua nhau để nhận “bao tiêu sản phẩm”. Đến năm 2017, vườn ông Lợi bắt đầu sai trái, với năng suất ước khoảng 3,5 tấn/công. Hiện nay, ông quyết định dưỡng cây, tập trung để nhân giống.

Theo Tiến sĩ Liêm, Chợ Lách đã xác định việc phát triển cây đầu dòng từ trước năm 2010. Đến nay, 15 vườn cây đầu dòng, gồm 7 chủng loại như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, mít, bơ, măng cụt trên địa bàn huyện đã được chứng nhận cây đầu dòng. Thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách phối hợp với Dự án AMD tỉnh tiếp tục hỗ trợ nông dân cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống đầu tư phát triển hệ thống vườn cây đầu dòng đạt chuẩn.

Chợ Lách có bề dày lịch sử, một quá trình phát triển nghề trồng cây giống, cây ăn trái rất lâu đời với nhiều chủng loại giống có nguồn gốc bản địa. Đó là một lợi thế lớn trong tập trung xây dựng thương hiệu nông sản địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” kết hợp triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

M.Phương - C.Khiết

Cây sầu riêng giống hút hàng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo một số hợp tác xã (HTX) ươm ghép cây giống trên địa bàn huyện Châu Thành (Hậu Giang), hiện đối với loại cây giống sầu riêng trên địa bàn trở nên hút hàng, thậm chí không đủ nguồn cung.

Anh Hồ Văn Giữ, Giám đốc HTX Cửu Long chuyên sản xuất và buôn bán cây giống ở thị trấn Ngã Sáu, cho biết chỉ tính từ đầu năm đến nay HTX bán ra thị trường trên 10.000 cây giống sầu riêng Ri 6 với giá từ 100.000-150.000 đồng/cây tùy loại, tăng 50.000 đồng/cây so với thời điểm này năm trước. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ của nông dân ngày càng nhiều. Sở dĩ giá loại cây giống này tăng là do tại địa phương không có nguồn cây ghép nên phải hợp đồng những điểm nhân cây giống từ các tỉnh khác, chủ yếu là tỉnh Bến Tre, do đó giá thành cũng tăng theo.

Văn Xuân

 

Vải thiều vào Thái Lan mở ra tín hiệu tích cực cho trái cây Việt

Nguồn tin: VOV

Vải thiều vào thị trường Thái Lan đã mở ra một tín hiệu tốt, là cơ sở để các loại trái cây khác của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu vào thị trường này.

Sau khi thâm nhập vào các thị trường như Mỹ, Australia, Trung Đông và Nhật Bản… Thái Lan là điểm đến tiếp theo của vải thiều Việt Nam. Ngày 30/6 vừa qua, lô vải thiều đầu tiên từ Việt Nam đã được xuất khẩu sang Thái Lan và vài ngày sau đó, tại siêu thị Food Hall và Tops của tập đoàn Central ở Thủ đô Bangkok, vải thiều Việt Nam đã được bày bán cùng với các loại hoa quả nhập khẩu khác. Đây cũng là những siêu thị hàng đầu của Thái Lan về cung cấp thực phẩm.

Vải không phải là loại quả khan hiếm ở Thái Lan, tuy nhiên, khác với vải thiều của Việt Nam, loại quả này ở Thái Lan thường có chất lượng không tốt bằng. Vải của Thái có vị chua và mỏng cùi. Chính vì thế, tập đoàn Central đã quyết định đưa loại trái cây này của Việt Nam sang với thị trường Thái Lan.

Vải thiều Việt Nam có giá bán khoảng 200.000 đồng/kg tại Thái Lan.

Đây không phải là một thị trường khó tính như châu Âu hay Nhật Bản, nhưng hoa quả Việt Nam cũng khó có thể cạnh tranh tại đây vì chất lượng cũng như chủng loại ở đây khá tương đồng.

Anh Nathee, một người dân Bangkok cho biết, anh đã từng sang Việt Nam và biết tới quả vải thiều. Tuy nhiên, giá bán của loại quả này tại Thái Lan khá đắt, 299 baht/kg (gần 200.000 đồng), gấp 4 lần loại trồng trong nước. Chính vì thế, anh cũng sẽ cân nhắc khi lựa chọn.

“Tôi đã biết tới vải thiều khi tới Việt Nam công tác. Vải thiều Việt Nam ngọt hơn loại của Thái Lan nên dù giá thành khá đắt nhưng nhiều người vẫn mua. Hy vọng trong thời gian tới giá của vải thiều Việt Nam sẽ rẻ hơn để nhiều người Thái có thể mua và thưởng thức”, anh Nathee nói.

Thực ra đây không phải là lần đầu tiên vải thiều Việt Nam được đưa sang Thái Lan, trước đó, năm 2016, loại quả này cũng đã được giới thiệu đến với người tiêu dùng xứ Chùa Vàng trong tuần lễ Việt Nam tại Thái Lan.

Loại vải thiều được xuất khẩu sang Thái Lan lần này là loại tới từ Lục Ngạn, Bắc Giang. Những trái vải được đóng hộp với nhãn mác đầy đủ thông tin về thương hiệu, nguồn gốc và chứng nhận an toàn.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khoảng 2 năm trở lại đây Việt Nam đã chi hơn 376 triệu USD để nhập khẩu trái cây từ Thái Lan và Thái Lan đã vượt Trung Quốc để vươn lên dẫn đầu về giá trị trái cây xuất khẩu vào Việt Nam.

Việc có thể xuất ngược lại nông sản sang thị trường Thái Lan mở ra một tín hiệu tốt không chỉ cho người trồng vải. Đồng thời cũng là cơ sở để các loại trái cây khác của Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan, tận dụng cơ hội các dòng thuế xuất nhập khẩu đã được cắt giảm theo cam kết của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Điều này cũng giúp Việt Nam giảm dần nhập siêu trái cây từ Thái Lan như hiện nay.

Quang Trung-Xuân Hùng/VOV-Bangkok

Quảng Trị: Tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho người trồng chuối ở Hướng Hóa

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Từ lâu, cây chuối là nguồn thu nhập chính của người dân xã Tân Long và một số xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Chuối được trồng ở đây chủ yếu phục vụ xuất khẩu đi các thị trường tiêu thụ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên khi thị trường xuất khẩu nước ngoài gặp khó khăn, giá chuối giảm sâu, nông dân không khỏi lo lắng.

Sản phẩm chuối ở Hướng Hóa cần một thị trường tiêu thụ ổn định

Những ngày gần đây, địa điểm tập kết của sản phẩm chuối Hướng Hóa trước khi xuất đi các nơi nằm ở khu vực ngã ba Tân Long (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa) trở nên đìu hiu, vắng vẻ, trái ngược với không khí nhộn nhịp, tấp nập vào thời gian này trước đây. Nguyên nhân là do giá chuối giảm thấp khiến người mua cũng không mặn mà, còn người bán thì không muốn bán bởi giá rẻ như cho.

Anh Hồ Văn On, một nông dân trồng chuối ở bản 1, xã Thuận, huyện Hướng Hóa cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 2.000 gốc chuối, trước đây với giá thu mua chuối bình quân từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, có thời điểm lên gần 10.000 đồng/kg, mỗi ngày tôi có thu nhập từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Nay chuối chín đầy trên nương mà cũng không muốn thu hoạch, bởi với mức giá khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ công làm, chi phí vận chuyển thì hầu hết người trồng chuối như tôi đều lỗ nặng”.

Còn bà Lê Thị Oanh, ở thôn Long Phụng, xã Tân Long thì không giấu được sự lo lắng khi nhắc đến câu chuyện giá chuối. Theo bà Oanh, hiện gia đình bà có gần 1.000 gốc chuối, phần lớn đang cho thu hoạch. Nếu như mọi năm, với giá không biến động nhiều, mỗi vụ chuối sau khi trừ chi phí bà Oanh có thu nhập gần 200 triệu đồng. Thế mà hiện nay, mặc dù chuối đã chín vàng trên nương nhưng bà vẫn không muốn thu hoạch bởi càng thu hoạch nhiều thì càng lỗ nhiều. Bà Oanh cho biết: “Với mức giá thu mua như hiện nay, chỉ những chủ vườn có vị trí gần đường giao thông thuận lợi mới dám thu hoạch chứ những chủ vườn có vị trí xa các trục đường đường giao thông thì không thể thu hoạch bởi giá bán ra không bù đắp được chi phí vận chuyển”.

Không chỉ ông On và bà Oanh mà nhiều nông dân trồng chuối khác ở huyện Hướng Hóa cũng đang lâm vào tình cảnh lao đao khi giá chuối giảm thấp. Lý giải về nguyên nhân giá chuối giảm thấp như hiện nay, một số tiểu thương chuyên nghề thu mua chuối xuất khẩu ở khu vực ngã ba Tân Long cho rằng chủ yếu là do 2 thị trường tiêu thụ truyền thống là Trung Quốc và Thái Lan đột ngột ngừng nhập chuối khiến tình trạng cung vượt cầu, cũng là nguyên nhân trực tiếp đẩy giá chuối trên địa bàn xuống thấp như hiện nay. Bên cạnh đó, theo một số tiểu thương có kinh nghiệm, giá chuối giảm có một phần nguyên nhân do hiện nay ở miền Nam nông dân đang vào cao điểm của vụ trái cây nên sức tiêu thụ chuối quả giảm, dẫn đến giá chuối giảm sâu như hiện nay. Đây là quy luật cung cầu hàng năm của thị trường trái cây nên hi vọng giá chuối sẽ sớm hồi phục trong thời gian tới.

Để góp phần tháo gỡ đầu ra cho nông dân, hiện nay một số tiểu thương trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã chuyển hướng sang thị trường tiêu thụ trong nước, tuy nhiên sức mua và giá cả không bằng các thị trường xuất khẩu nên đầu ra cho cây chuối vẫn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, để đa dạng hóa thị trường cho sản phẩm chuối, thời gian gần đây, một số tiểu thương trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã tìm hướng xuất khẩu sản phẩm chuối quả sang thị trường Campuchia.

Tuy nhiên hiện nay chỉ mới xuất đi một sản lượng chuối quả không nhiều, nhưng đây cũng là một hướng đi rất cần được khuyến khích trong bối cảnh việc tiêu thụ sản phẩm chuối ở huyện Hướng Hóa vẫn còn quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Theo nhiều người dân trồng chuối lâu năm ở huyện Hướng Hóa, mặc dù hiện nay diện tích chuối trên địa bàn rất lớn (hơn 2.000 ha, chưa tính diện tích người dân thuê đất trồng ở nước bạn Lào), có thể xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với xây dựng nhà máy chế biến nhưng đến nay trên địa bàn vẫn chưa có nhà máy chế biến nào đi vào hoạt động.

Đến nay sản phẩm chuối do nông dân trồng được vẫn chủ yếu xuất đi các nước dưới dạng thô, tươi trong khi khi chuối quả không thể để lâu dài nếu không được bảo quản, chế biến theo công nghệ thực phẩm nên chỉ cần các thị trường này ngừng nhập khẩu là nông dân rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”, thậm chí phải vứt bỏ.

Chính vì vậy, về lâu dài huyện Hướng Hóa và tỉnh Quảng Trị cần nghiên cứu việc xây dựng nhà máy chế biến chuối theo hướng công nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu “chuối Hướng Hóa” để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm mà không phải bị lệ thuộc rất bấp bênh vào thị trường nước ngoài như hiện nay. Đồng thời với đó, cần tính toán diện tích quy hoạch phát triển trồng chuối, tránh tình trạng đổ xô trồng chuối khi giá tăng và chặt bỏ đồng loạt khi giá giảm như đã từng xảy ra. Nếu làm được điều trên, tin tưởng sản phẩm chuối Hướng Hóa sẽ được nhiều thị trường khác biết đến, để cây chuối thực sự mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.

Công Điền

Bình Tân (Vĩnh Long): Từng bước khôi phục, phát triển vườn chuyên canh cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) bên cạnh các mảng mô hình trồng rẫy, hoa màu trên đất lúa và chăn nuôi, còn chú trọng phát triển diện tích vườn cây ăn trái.

Theo báo cáo kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, huyện tiếp tục chỉ đạo từng bước khôi phục lại vườn chuyên canh các xã: Tân An Thạnh, Tân Lược, Tân Bình, Tân Quới, Thành Đông, Thành Lợi và một phần của Mỹ Thuận, trồng khoảng 1.000ha cam, quýt, bưởi, sầu riêng, vú sữa, nhãn, xoài... Còn gần 1.700ha vườn đa canh được người dân tiếp tục cải tạo những thửa kém hiệu quả.

Hiện các mô hình vườn cây có múi tập trung gần 100ha ở các xã: Tân An Thạnh, Tân Lược, Tân Bình, Tân Quới, Thành Đông, Thành Lợi đang phát triển khá và đây là mô hình triển vọng, huyện đang theo dõi để nhân rộng.

Tường Vân

Xử lý bệnh vàng lá nghẹt rễ

Nguồn tin: Kinh tế đô thị

Thời tiết vụ Mùa 2017 nắng nóng kết hợp với những đợt mưa kéo dài là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại, nhất là bệnh vàng lá nghẹt rễ sinh lý trên cây lúa.

Triệu chứng: Khi bệnh mới phát sinh lá lúa thường bị vàng, đỉnh lá đỏ khô. Bệnh nặng thì nhiều lá phía trên bị vàng sau đó cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh ít. Bộ rễ bị thối đen hoặc rễ mới không phát sinh, tốc độ sinh trưởng chậm. Bệnh phát triển trên cả chân ruộng trũng và ruộng cạn nước, tuy nhiên, không có khả năng lây lan do đây là bệnh sinh lý.

Nguyên nhân: Do không bón hoặc bón ít phân hữu cơ (phân chuồng), bón phân không cân đối dẫn đến môi trường đất bị thay đổi gây trở ngại cho việc trao đổi khí trong đất của cây. Do thời vụ cấy gấp nên gốc rạ chưa phân hủy hết. Do chân ruộng bị thiếu oxy kéo dài, đất úng hoặc đất quá chặt.

Để chủ động phòng trừ bệnh vàng lá nghẹt rễ, bà con cần thực hiện biện pháp kỹ thuật sau:

Phòng bệnh: Ngay sau khi thu hoạch lúa vụ Xuân cần làm đất cày bừa kỹ bón thêm vôi hoặc dùng các chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh trước khi cấy để cải tạo độ chua, thúc đẩy các chất hữu cơ chưa hoai mục phân giải nhanh ngay từ đầu. Kết hợp bón thêm 10 – 15kg vôi bột/sào giúp gốc rạ nhanh phân hủy, hạn chế bệnh vàng lá sinh lý phát sinh gây hại sau này.

Không bón phân hữu cơ chưa hoai mục, không để gốc rạ dài ở các chân ruộng trũng và những chân ruộng bị bệnh vàng lá hại nặng từ vụ trước. Không bón thừa lượng phân đạm ngay cả khi ruộng lúa chậm phát triển. Bà con lưu ý, nên cấy nông tay, dùng mạ xúc, mạ khay để cấy giúp cho rễ lúa được cung cấp thêm oxy từ không khí, cây đẻ nhánh sớm, khỏe, tập trung và sinh trưởng, phát triển tốt.

Trị bệnh: Khi phát hiện lúa bị bệnh, không nên bón thêm phân đạm hoặc phun thuốc BVTV. Cần tiến hành tháo nước, bón thêm 10 – 15kg vôi bột + 10 – 15kg phân lân/sào kết hợp làm cỏ, sục bùn để giải phóng bớt khí độc trong đất. Sau khi bón vôi và lân, khi cây đã bén rễ thì cần bổ sung phân bón phun qua lá để giúp cây phục hồi nhanh, phát triển tốt.

TS. Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng viện Bảo Vệ Thực Vật

Phú Yên: Giá mủ tăng, người trồng cao su vẫn lo

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Nông dân xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) thu hoạch mủ cao su - Ảnh: Lê Trâm

Hiện giá mủ cao su được các thương lái mua với giá 10.500 đồng/kg mủ đông, tăng 500 đồng/kg so với cùng thời điểm này năm ngoái, nhiều người trồng cao su ở huyện Sông Hinh, Sơn Hòa (Phú Yên) phấn khởi. Tuy nhiên người trồng vẫn lo vì giá mủ lên xuống thất thường.

Ông Lê Đức Đoàn ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), loay hoay trút mủ cao su cho hay: Mùa thu hoạch mủ này, trung bình mỗi ngày 1ha trút được 50kg mủ, bán với giá 10.500 đồng/kg, được 550.000 đồng.

Vườn cao su của ông Đoàn trồng trên 10 năm tuổi, cứ cách đêm cạo mủ một lần, một tháng cạo 15 lần mủ, thu nhập trên 8,2 triệu đồng, trừ chi phí mỗi hécta ông còn 6 triệu đồng. Trước đó, những năm 2013-2015, ông Đoàn cũng như nhiều người trồng cao su khác bỏ vụ thu hoạch vì giá mủ thấp, không đủ chi phí thuê nhân công.

Còn ông Lê Đức Phong, cũng ở xã Sơn Định, trồng 3ha cao su, bày tỏ: Cao su mỗi năm thu hoạch 6 tháng cạo mủ, như vậy mỗi hécta thu hơn 49 triệu đồng/vụ. Trừ lại các khoản chi phí, trong đó phân bón 10 bao, với giá 550.000 đồng/bao và 2 triệu đồng công chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật nữa là hết 7,5 triệu đồng, còn lại bỏ túi hơn 42 triệu đồng/ha. Tôi trồng 3ha, tính ra thu trên 120 triệu đồng. Tuy nhiên cũng theo ông Phong, giá mủ tăng nhưng người trồng cao su vui mừng lẫn lo âu vì cũng thời điểm này năm ngoái giá mủ tăng nhưng sau đó hạ thấp, đến cuối vụ thu hoạch thì giá mủ tăng trở lại.

Bà Nguyễn Thị Thắm ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), phân trần: Cạo mủ cao su từ khi mở miệng đến lát thứ 8 cao su mới cho ra mủ đều (tức là cạo 8 lần mủ), còn từ lúc mở miệng đến lát thứ 7 thì mủ cho ra lúc nhiều lúc ít. Tuy nhiên, năm ngoái lúc cao su cho mủ đều là thời điểm giữa tháng 7 thì giá hạ thấp chỉ còn 8.000 đồng/kg mủ đông. Đến cuối vụ giá mủ “nhảy” lên 12.000 đồng/kg mủ đông, tuy nhiên số lượng mủ cuối vụ nông dân thu hoạch mót nên sản lượng không nhiều.

Hỏi về tình hình thu hoạch cũng như giá mủ cao su, ông Lê Đức Diện ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), giãi bày: 2 năm nay giá mủ cao su có tăng nên người trồng phấn khởi. Thế nhưng đối với năm nay, thời điểm thu hoạch mủ cao su rộ thì trời lại mưa nên khâu cạo mủ gặp khó. Nguyên nhân, khi cạo mủ mà gặp mưa thì miệng cạo không ra mủ mà khô lại, muốn lấy mủ phải cạo tiếp, điều này dẫn đến số lần cạo nhiều dẫn đến cây nhanh xuống sức.

Theo nhiều người trồng cao su, cách đây gần 10 năm, thời điểm giá mủ từ 27.000-30.000 đồng/kg, nhiều người đầu tư vốn trồng cao su, cuộc sống người trồng cao su phụ thuộc vườn cao su. Giá mủ hiện nay tăng 4.000 đồng so với cách đây 2 năm nhưng chỉ bằng 1/3 so với thời điểm “vàng son”; hiện giá mủ cũng lên xuống thất thường nên nhiều người lo vì thu nhập không ổn định để trang trải cuộc sống gia đình, nhất là nuôi con ăn học ở xa.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 3.999ha cao su, tập trung ở 2 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa. Trong số diện tích trên thì diện tích cho khai thác mủ thuộc dự án Phát triển cao su tiểu điền 1.800ha, số còn lại nhân dân tự trồng. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết: Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng chung của thị trường cao su thế giới và trong nước, giá mủ cao su liên tục hạ thấp, có lúc nhích lên nhưng vẫn còn ở mức thấp so với trước đây. Đối với những vườn cao su sinh trưởng phát triển tốt và trung bình đang thời kỳ kinh doanh, sở khuyến cáo giảm đầu tư phân bón, thay chế độ cạo mủ từ 1 ngày sang 3-4 ngày/lần để kéo dài tuổi thọ cây. Nông dân không nên mở rộng diện tích cây cao su so với quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu, dẫn đến giá mủ xuống thấp.

Trâm Trân

Lúa chưa gặt giá đã tăng, gạo xuất khẩu hút hàng

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Các DN kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL cho biết, từ sau vụ lúa ĐX 2016 - 2017 đến nay lúa tăng giá ở mức cao.

Thời điểm này lúa HT sớm trong vùng vừa thu hoạch ở Hậu Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ nhưng theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) giá lúa có thể còn duy trì mức cao đến tháng 9/2017.

Năng suất, sản lượng, giá "rủ" nhau tăng

Chuyển động thị trường mua bán lúa gạo trở nên nhộn nhịp, nhất là thương lái và một số DN đang cần mua để có đủ số lượng đáp ứng thời hạn các hợp đồng đã ký.

Chế biến gạo xuất khẩu ở ĐBSCL

Tại Cần Thơ, vụ lúa HT có 80.000ha, tăng hơn 5.000ha từ đất trồng mè chuyển sang lúa do không xuống giống kịp thời vụ. Năng suất cao hơn vụ HT 2016 khoảng 100 kg/ha. Một thương lái rảo qua hết các cánh đồng lúa ngoại thành ở Cần Thơ cho biết: Lúa sắp cạn đồng nên đang chuyển hướng lên Thoại Sơn (An Giang) đặt cọc trước mua lúa IR50404 với giá 5.000 đ/kg (lúa tươi) - Loại gạo xô từ giống lúa này hồi đầu vụ DN thu mua 6.100 đ/kg đến nay đã tăng lên 7.300 đ/kg.

Hiện nay lúa HT các tỉnh trong vùng vào mùa thu hoạch rộ. Hậu Giang có tiến độ thu hoạch trên 22.500/77.000ha; Vĩnh Long thu hơn 15.000/55.700ha; Long An thu hoạch trên 37.600/221700ha. Các tỉnh bắt đầu vào mùa thu hoạch như: Đồng Tháp thu hoạch 107.000/198.000ha; Kiên Giang thu trên 37.600/276.000ha và An Giang thu hoạch lúa HT sớm được trên 12.400/235.600ha.

Do tình hình thị trường lúa gạo có giá tốt nên nông dân một số địa phương thu hoạch lúa HT sớm đã bắt tay gieo sạ sớm vụ TĐ 2017. Ở Cần Thơ hiện có vài cánh đồng lúa TĐ sớm đã qua 40 ngày tuổi, nghĩa là còn gần 2 tháng tới mới thu hoạch, nhưng có thương đến đặt tiền cọc trước 300.000 - 400.000 đồng/công, bao tiêu trồng lúa IR50404 với giá 4.500 đ/kg.

Cty Trung An chào hàng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Ông Lâm Minh Trí, Giám đốc Cty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, nói: Cty nằm trên vùng đất SX của nông trường Cờ Đỏ (cũ), vụ lúa HT 2017 có khoảng 5.300ha vừa thu hoạch xong, năng suất trên 5 tấn/ha, cao hơn 100 kg/ha so vụ HT 2016. Cty bao tiêu toàn bộ lúa các hộ thành viên được tính trên cơ sở giá thành SX. Tuy nhiên do thị trường tăng giá nhanh, có một số hộ dân bán lúa ra thương lái bên ngoài, công ty thu mua được khoảng 70 - 80%.

Cty nhắm vào kế hoạch SX kinh doanh trong 2 vụ lúa chính ĐX và HT. Riêng vụ TĐ các hộ nông dân thành viên tự canh tác, mỗi năm khoảng 50 - 60% diện tích. Dự đoán từ nay đến cuối năm giá lúa tăng mạnh, vụ TĐ năm nay nông dân xuống giống canh tác 100% diện tích.

Gạo xuất khẩu hút hàng

Theo nhận định của các DN, thị trường gạo chuyển biến tích cực. Giá gạo xuất khẩu tăng do nhu cầu đang gia tăng trên thị trường thế giới, nhất là từ những nước châu Á như Bangladesh, Philippines. Trong khi Thái Lan, Pakistan, Campuchia… lượng gạo giá cao và không còn nhiều. Vào lúc này ở ĐBSCL qua vụ ĐX đã cạn nguồn cung, lúa HT mới thu hoạch khoảng 300.000ha. Cùng lúc 2 TCty lương thực Vinafood 1 và Vinafood 2 có thêm các hợp đồng xuất khẩu vào các thị trường tập trung. Bên cạnh đó các DN trong vùng gặp thuận lợi hơn so vụ HT 2016 nhờ có khách hàng và các hợp đồng thương mại ký kết.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Cty CP Gentraco (Cần Thơ), nhận định: Dự báo sắp tới nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường một vài nước có thể tăng thêm từ 250.000 tấn lên 500.000 tấn. Do đó vào thời điểm này nếu DN nào có nguồn hàng, chân hàng sẵn trong kho thì khả năng kinh doanh có hiệu quả.

Trong năm 2016 Cty Gentraco xuất khẩu đạt 100.000 tấn gạo. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017 Gentraco đã xuất 80.000 tấn. Thị trường lúa gạo hứa hẹn triển vọng. Cty Gentraco đang theo đuổi mục tiêu nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu để bán giá trị cao hơn, kể cả đối với giống lúa có phẩm chất gạo trung bình vẫn có thể bán giá cao nếu ứng dụng kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị.

Thu hoạch lúa HT ở ĐBSCL

Theo cách này, trong 2 năm qua, Cty Gentraco xây dựng vùng nguyên liệu ổn định tại An Giang với 1.000ha chuyên giống lúa IR50404 SX lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) đáp ứng theo hợp đồng đặt hàng chế biến cơm ăn liền xuất vào thị trường châu Âu.

Đầu năm 2017, Gentraco mở rộng SX tại Sóc Trăng, tham gia đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm trong chuỗi giá trị lúa gạo tại Việt Nam (GRAISEA), thông qua Oxfam - Việt Nam tổ chức, gắn kết mối quan hệ giữa DN và nông dân, tăng cường đầu tư tác động xã hội nhằm cải thiện nguồn cung lúa gạo chất lượng và bền vững; xây dựng vùng SX lúa IR50404 với 200 ha theo tiêu chuẩn SRP, Gentraco sẽ thu mua cao hơn lúa SX bên ngoài 300 đ/kg.

Theo số liệu tổng hợp từ Sở NN-PTNT các tỉnh trong vùng ĐBSCL, vụ lúa HT năm nay toàn vùng có trên 1,6 triệu ha. Tuy giảm hơn 31.000ha so vụ lúa HT 2016 nhưng nhờ nông dân canh tác chăm sóc lúa tốt; năng suất ước đạt trên 5,69 tấn/ha, tăng 3,07 tạ/ha, dự kiến sản lượng lúa HT toàn vùng trên 9,3 triệu tấn, tăng hơn 336.000 tấn so cùng kỳ năm 2016.

Theo VFA, trong 5 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu gạo 2,282 triệu tấn, sản lượng tăng 9,71% so cùng kỳ năm 2015; giá xuất (FOB) tăng bình quân 6,06 USD/tấn. Dự kiến trong tháng 6 các DN xuất khẩu trên 450.000 tấn. Hiện nay các hợp đồng đã đăng ký trên 3,5 triệu tấn. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2017 sẽ xuất khẩu thêm 2,92 triệu tấn.

Hữu Đức

Đồng Tháp: Nông dân sáng chế xuồng nhôm phun thuốc bảo vệ thực vật

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Anh Ngô Quang Tuyên (SN 1984) canh tác 4ha lúa ở ấp Cà Dâm (Đồng Tháp) cho biết: Vụ hè thu năm 2016, gia đình anh đầu tư 20 triệu đồng làm một chiếc xuồng bằng nhôm có chiều dài 5,5m, ngang 0,5m.

Anh Tuyên bên xuồng nhôm gắn hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật

Trên xuồng gắn chiếc máy Honda 5 ngựa rưỡi, một bình pha thuốc (tháo ráp di động) và gắn một đầu bơm, một đầu nén cùng với một cần phun bằng Inox dài 20m để phun thuốc bảo vệ thực vật. Hệ thống xuồng nhôm phun thuốc do anh Tuyên cải tiến phun thuốc rất nhanh so với cách phun truyền thống và hạn chế cây lúa bị đổ ngã do giẫm đạp, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm giá thuê nhân công...

Với 4ha lúa, trước đây, anh Tuyên thuê nhân công phun thuốc bảo vệ thực vật với giá 450.000 - 500.000 đồng và mất thời gian gần 1 ngày phun từ 45 - 50 bình. Còn sử dụng hệ thống xuồng nhôm phun thuốc này, anh Tuyên chỉ tốn hơn nửa lít xăng và gần 2 giờ là phun xong cho 4ha lúa.

Anh Tuyên đang tiếp tục nghiên cứu gắn thêm động cơ để đẩy chiếc xuồng đi mà không cần một người đẩy xuồng như hiện tại.

Được biết, tại ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông hiện có trên 10 hộ sở hữu hơn 10 chiếc xuồng nhôm gắn hệ thống máy phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu rầy hại lúa.

Trần Trọng Trung

Trồng mía trên cánh đồng lớn: Chi phí giảm, lãi tăng gấp đôi

Nguồn tin: VOV

Chi phí xây dựng cánh đồng lớn giảm hơn so với cách làm thủ công trong khi đó năng suất, chất lượng mía cao làm tăng lợi nhuận.

Đổi mới hoặc bị đào thải, đó là vấn đề đang được đặt ra cho ngành mía đường cả nước, khi mức độ cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Đặc biệt, sang năm 2018, một số cam kết giảm thuế nhập khẩu đường của nước ta với các quốc gia ASEAN, chính thức có hiệu lực, áp lực cạnh tranh càng nặng nề.

Chuẩn bị sớm cho vấn đề sẽ gặp phải, Nhà máy đường An Khê (tỉnh Gia Lai) thuộc Công ty CP mía đường Quảng Ngãi đã thành lập các cánh đồng mẫu lớn gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa, đổi mới công nghệ sản xuất đường. Đến nay, những đổi mới của doanh nghiệp đã khẳng định được hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế thỏa đáng cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Cơ giới hóa từ khâu làm đất, xuống giống tới thu hoạch đang chứng tỏ hiệu quả của mô hình trồng mía trên cánh đồng mẫu lớn.

Ông Nguyễn Minh Chúc, ở tổ 1, phường Ngô Mây, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đã tham gia liên kết làm mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cây mía đến nay được 3 năm. Ông cùng 20 nông dân khác xây dựng nên cánh đồng mía khoảng 20ha. Trên diện tích này, nhóm nông dân của ông được Nhà máy đường An Khê hỗ trợ tối đa về mọi mặt. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt.

“Người dân tham gia cánh đồng mẫu lớn được nhà máy hỗ trợ về cơ giới hóa, phân bón cũng như thu hoạch nên có thu nhập rất tốt. 1 ha trồng múa trừ chi phí, lợi nhuận được 80 triệu đồng nên so với cây trồng khác ở vùng này hiện nay, cây mía đang là cây trồng có lợi nhuận cao nhất”, ông Chúc nói.

Sau 5 năm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, Nhà máy đường An Khê (Công ty CP mía đường Quảng Ngãi) đã đầu tư hơn 400 chiếc máy cày công suất lớn và 8 chiếc máy thu hoạch mía trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Sự đổi thay này đã biến các cánh đồng mía rộng lớn nơi đây thành một công trường, cơ giới hóa từ khâu làm đất, xuống giống tới thu hoạch. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu giống mía mới cho năng suất cao cũng được quan tâm, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất mía và hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Trưởng phòng Đầu tư - Nguyên liệu, Nhà máy đường An Khê cho biết, chi phí xây dựng cánh đồng lớn so với bình thường đã giảm từ 15-17 triệu đồng so với cách làm thủ công. Trong khi đó, năng suất, chất lượng mía cao hơn gấp đôi nên mô hình đang chứng tỏ hiệu quả.

Sau 4 năm triển khai, đến niên vụ mía đường 2016-2017, Nhà máy đường An Khê đã xây dựng đượng 4.000 ha cánh đồng mẫu lớn tại các huyện phía đông Gia Lai. Chính vì hiệu quả thấy rõ trên thực tế vườn cây, nên mô hình cánh đồng mẫu lớn dành cho cây mía đang được các huyện, thị xã tại tỉnh Gia Lai tích cực triển khai, với mục tiêu đạt 10.000 ha vào năm 2020.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cho biết, để tăng tính pháp lý và đồng bộ trong quá trình triển khai, chính quyền địa phương đã chỉ đạo thành lập các hợp tác xã mía đường kiểu mới.

“Mục tiêu của địa phương muốn người dân hưởng lợi nhiều nhất trong quá trình ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, tăng sản lượng trên một đơn vị diện tích. Hợp tác xã kiểu mới với cơ chế bảo vệ sẽ đứng làm vai trò trung gian giữa nhà máy đường và người nông dân”, ông Vỹ cho biết.

Những đổi mới toàn diện mà Nhà máy đường An Khê và tỉnh tỉnh Gia Lai đang tiến hành, là sự chuẩn bị cần thiết cho ngành mía đường ở địa phương trước những sức ép to lớn của cạnh tranh quốc tế.

Với những đổi mới này, lợi ích của nông dân đã được đảm bảo hơn trước, mối lên kết nông dân-doanh nghiệp được củng cố, sản xuất mía-đường ở đây đang cho thấy sự phát triển bền vững./.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Lạc Hà Tĩnh rẻ như cho, chất đống chẳng ai mua

Nguồn tin: Nông nghiệp VN

Đến các xã Thạch Châu, Thạch Bằng, Thịnh Lộc... là những địa phương có diện tích sản xuất lạc nhiều của huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh). Đi đến đâu cũng nghe dân kêu trời về giá lạc…

Người trồng lạc như ngồi trên đống lửa vì thương lái thu mua với giá bèo bọt

Tại Hà Tĩnh thời điểm này những năm trước, thương lái đổ về các xã, thôn có diện tích đất màu nhiều để thu mua lạc (đậu phộng), bà con xắn áo quần tranh thủ thời tiết nắng ráo phơi phóng lạc để kịp bán. Tuy nhiên, năm nay thị trường kinh doanh lạc ảm đạm, nông dân như ngồi trên đống lửa khi hàng trăm tấn đang chất đống chờ “giải cứu”.

Các xã Thạch Châu, Thạch Bằng, Thịnh Lộc... là những địa phương có diện tích sản xuất lạc nhiều của huyện Lộc Hà. Đi đến đâu cũng nghe dân kêu trời về giá lạc, đã thế thị trường còn ế ẩm chưa từng có. Anh Phan Huy Minh ở xóm 10, xã Thạch Châu than thở: “Gia đình tôi làm gần 2 mẫu lạc, thu hoạch về bán với giá 15.000 đ/kg, đến nay còn gần 1 tạ nhưng rao bán mãi chả thấy ai ngó tới”.

Chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Lan ở xóm 8 buồn rầu nói: “Lạc nhổ về, phơi khô đóng bì đã 1 tháng nay, giờ cần bán để có tiền cho con chuẩn bị vào kỳ học mới nhưng chờ mãi chẳng thấy ai mua, giá càng ngày càng rẻ”.

Chị Lan cho biết, thường thì mỗi mùa thu hoạch lạc, nông dân chỉ có việc nhổ về, phơi khô, đóng bì “ngồi chờ” người đến mua. Còn năm nay, thỉnh thoảng mới có vài bóng người rao vặt vào nhà cò kè giá cả xuống còn 10.000 đ/kg. Nói vậy, để biết dân trồng lạc khó khăn đến mức nào.

Nông dân huyện Lộc Hà còn kiên trì “ngâm” hàng chờ giá nhưng bà con huyện Cẩm Xuyên dù giá chạm đáy nhưng vẫn phải bán tống, bán tháo để lấy tiền trả chi phí đầu tư và trang trải cuộc sống.

Bà Dương Thị Báu ở thôn 3, xã Cẩm Mỹ hụt hẫng nói: “Làm nông đúng là như chơi bạc. Năm ngoái có thời điểm giá lạc lên cao vút (35.000 đ/kg) nhưng giờ rớt thảm hại. Vừa rồi tôi bán 1 tạ chỉ được gần 1,5 triệu đồng, lỗ nhưng vẫn phải bán”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Trình, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà cho biết, vụ xuân hè năm nay toàn xã trồng 200ha lạc. Tuy nhiên năm nay bà con gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, lạc xuống giá quá thấp khiến người dân dở khóc, dở cười. Bán thì lỗ, không bán để phơi khô để đợi giá lên lại càng lỗ hơn vì lạc càng khô càng nhẹ.

Được biết, giá lạc những mùa vụ trước thương lái thu mua bình quân từ 23.000 - 25.000 đ/kg, thời điểm cao nhất lên đến 35.000 đ/kg.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Phan Văn Nhàn chia sẻ: “Lạc là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích gieo trồng là 1.247ha, nhưng hiện nay “vướng” ở giá và tiêu thụ. Hiện, huyện đã làm tờ trình báo cáo lên tỉnh. Giờ chính quyền, người dân cũng chỉ biết chờ cho thị trường biến chuyển chứ chưa có cách nào khác”.

Thanh Nga

Quản lý giống – giải pháp kỹ thuật bảo đảm cho sản xuất cà phê bền vững

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Theo định hướng quy hoạch của Đắk Lắk thì diện tích cà phê trong thời gian tới của tỉnh khoảng 170.000 ha.

Như vậy, diện tích cà phê không những không mở rộng mà còn giảm khoảng hơn 30.000 ha so với hiện nay. Vấn đề đặt ra trong sản xuất cà phê bền vững ở Đắk Lắk là phải trồng tái canh một số lớn diện tích cà phê già cỗi để duy trì diện tích và sản lượng theo quy hoạch. Đây là thách thức và cũng là cơ hội để thay dần bộ giống cà phê trước đây cho năng suất không cao, trọng lượng cà phê nhân thấp bằng bộ giống mới (TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12) vừa cho năng suất cao, chất lượng hạt cà phê nhân cao và kháng bệnh rỉ sắt, góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành hàng cà phê của tỉnh.

Để trồng tái canh cà phê bằng bộ giống mới thì cần phải có các giải pháp quản lý vừa mang tính tổ chức vừa mang tính kỹ thuật, trong đó tổ chức sản xuất là giải pháp cơ bản cần phải được quan tâm đầu tiên.

Hiện tại nhiều nông dân chưa thật sự có cơ hội, điều kiện để tiếp cận với các thành tựu khoa học về giống cà phê do nhiều lý do, trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề quản lý về giống. Hiện có quá nhiều cơ sở sản xuất giống cà phê không thực hiện đúng theo các quy định về kinh doanh giống cây trồng, đặc biệt là quanh khu vực của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, dọc đường Nguyễn Văn Cừ, khu vực sân bay... Rất nhiều cây giống cà phê được sản xuất ra không có nguồn gốc rõ ràng, không bảo đảm chất lượng. Đáng chú ý là hệ thống "cò" cây giống ở khu vực xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) rất phát triển và hoạt động công khai, nhộn nhịp bằng nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi, kể cả mạo danh là đại lý cây giống của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khiến nhiều nông dân đã mua phải cây giống không bảo đảm nguồn gốc và chất lượng. Và, hậu quả của việc này sẽ diễn ra trong thời gian 4 - 5 năm sau khi trồng, năng suất, chất lượng cà phê không như mong đợi, cây bị bệnh rỉ sắt… và tất yếu sẽ ảnh hưởng chung đến Đề án sản xuất cà phê bền vững của tỉnh.

Vì vậy, để bảo đảm cho người dân tiếp cận được với giống cà phê mới đúng chất lượng, các cơ quan quản lý địa phương cần tập trung giải quyết các vấn đề sau: Tăng cường quản lý chất lượng giống của các cở sở sản xuất cây giống theo đúng quy định của Nhà nước. Có chế tài xử lý nghiêm và đủ mạnh đối với các cơ sở sản xuất cây giống không đăng ký kinh doanh; người đứng đầu cơ sở sản xuất giống không bảo đảm tiêu chuẩn nghiệp vụ; không có vườn đầu dòng, vườn nhân giống; lý lịch giống không rõ ràng và chưa được cấp thẩm quyền công nhận cho phép sản xuất; cây giống không bảo đảm chất lượng... Tiếp đó, cần hình thành hệ thống sản xuất và cung ứng giống cà phê bảo đảm đúng yêu cầu về chất lượng cây giống phục vụ cho Chương trình sản xuất cà phê bền vững của tỉnh; hoặc hình thành một Hiệp hội sản xuất giống cây trồng chất lượng cao của tỉnh để thuận lợi cho công tác quản lý cũng như giúp nông dân tiếp cận được với giống tốt, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân trong quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, cần tổ chức lại hộ nông dân sản xuất cà phê thành các tổ, câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững hoặc sản xuất cà phê chứng nhận của các tổ chức như Utz certified, 4C, Rainforest Alliance... để họ có cơ hội tiếp cận được các tiến bộ khoa học công nghệ về giống và các biện pháp kỹ thuật mới. Thông qua các hình thức tổ chức sản xuất mới này, các địa phương của tỉnh có thể nắm được nhu cầu về cây giống để trồng mới, trồng tái canh, trồng thay thế hoặc ghép cải tạo của hộ nông dân để từ đó cung cấp thông tin cho cấp thẩm quyền làm căn cứ cho các đơn vị của hệ thống sản xuất và cung ứng giống xây dựng kế hoạch hằng năm.

Ngoài ra, Nhà nước cần có chương trình hỗ trợ cây giống cà phê cho nông dân thông qua các hình thức tổ chức sản xuất như tổ, câu lạc bộ, hợp tác xã... Việc hỗ trợ này có thể trực tiếp cho nông dân, song có cơ chế ràng buộc nông dân phải mua giống tại các cơ sở sản xuất cây giống nằm trong hệ thống quản lý của Nhà nước; các vườn ươm giống của Dự án VnSAT, hoặc gián tiếp thông qua các cơ sở sản xuất giống trong hệ thống. Mức hỗ trợ cây giống có thể từ 30-40 % giá bán giúp nông dân mua được giống tốt, có địa chỉ, có nguồn gốc.

TS Trương Hồng (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên)

Khoai mỡ héo dây: Nhiều khả năng do tuyến trùng gây hại

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Theo ông Nguyễn Văn Thành- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nhiều diện tích khoai mỡ của một số hộ dân thuộc ấp Long Hòa 2 (xã Long Mỹ) bị héo dây nhiều khả năng là do tuyến trùng gây hại.

Có 3 loại tuyến trùng được xem là gây hại nhiều cho khoai mỡ là Scutellonem bradys, Pratylenchus coffeae và Meloidogyne spp. Trong đó, tuyến trùng Meloidogyne spp còn gọi là tuyến trùng gây sưng rễ. Các cây bị nhiễm tuyến trùng này thường có bộ lá vàng úa, rụng sớm, ngọn không phát triển.

Ngoài ra, việc trồng khoai mỡ nhiều năm trên nền đất cũ mà không luân canh các loại cây trồng khác cũng khiến khoai dễ nhiễm bệnh.

Trong đó, bệnh cháy lá do nấm Corticium sp gây cháy rụi cả lá và thân, làm giảm năng suất. Bệnh này có thể phòng trị bệnh này bằng cách bón phân cân đối NPK, không bón dư đạm, thoát nước tốt trong điều kiện mưa gió, trồng với mật độ thưa…

Lê Sơn

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop