Tin nông nghiêp ngày 07 tháng 12 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 07 tháng 12 năm 2019

Quảng Ngãi: Nông dân Nghĩa Hành kỳ vọng mùa bưởi Tết

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ngãi

Sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, kết hợp với kinh nghiệm thực tế trong quá trình chăm sóc để Bưởi ra quả trái vụ vào dịp Tết, nhiều hộ nông dân ở huyện Nghĩa Hành kỳ vọng Tết nguyên đán Canh Tý sắp tới sẽ có một vụ mùa bội thu.

Từ nhiều ngày qua, ông Huỳnh Sum, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh, tự tìm hiểu, áp dụng khuôn mẫu tạo dáng, tạo hình cho những quả bưởi da xanh, bưởi năm roi trái vụ trong khu vườn nhà mình, nhằm tạo ra những sản phẩm mới lạ, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và nâng cao giá trị thu nhập.

Ông Sum chia sẻ: “Tôi ấp ủ ý tưởng tạo hình cho quả bưởi từ lâu rồi, năm nay quyết phải làm cho bằng được. Một là tạo hình bưởi lồ ô, hai là dùng khuôn hình tạo chữ phước – lộc – thọ trên quả bưởi. Mới lần đầu nên chỉ làm thử ít chục quả để xem mẫu mã, hình thức, đồng thời thăm dò thị hiếu người tiêu dùng Quảng Ngãi như thế nào. Nếu thành công, năm sau tôi sẽ áp dụng nhiều hơn”.

Cũng như nhiều nhà vườn ở huyện Nghĩa Hành, anh Phan Hai, ở thôn Long Bình, xã miền núi Hành Tín Tây, sử dụng túi lưới chuyên dụng bao bọc bên ngoài để ngăn côn trùng phá hoại, giúp quả bưởi đẹp, màu sắc bắt mắt.

Trên diện tích 01 hecta trồng Bưởi da xanh, có nhiều cây ra quả trái vụ, anh Hai dự tính thu về từ 35 đến 40 triệu đồng vào dịp tết nguyên đán sắp tới.

Anh Hai bộc bạch: “Năm nay vườn bưởi của gia đình ra quả trái vụ nhiều gấp ba lần so với mấy vụ trước. Tính sơ sơ cũng được 500 quả, hiện tại mỗi quả có trọng lượng từ 01kg đến gần 02 kg/quả. Nếu tính theo giá bưởi tiêu dùng 35 đồng/kg, mình cũng kiếm được gần 35 triệu đồng, còn tính theo giá bưởi tết bán cho bà con đơm mâm ngũ quả, thu nhập sẽ cao hơn nhiều”.

Trên địa bàn huyện Nghĩa Hành hiện có hàng chục ha đất trồng các loại bưởi da xanh, bưởi thanh trà, bưởi năm roi theo quy mô tập trung và hàng nghìn cây trồng phân tán, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình.

Vườn bưởi tết trĩu quả của anh Thế

Anh Trịnh Văn Thế, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh, là chủ nhân của vườn Bưởi da xanh 100 cây. Mùa bưởi chính vụ vừa qua, anh thu hoạch trên 4 tấn quả, trị giá gần 200 triệu đồng. Đặc biệt từ cuối tháng 8 âm lịch đến nay, vườn bưởi của anh Thế tiếp tục ra quả trái vụ, bảo đảm cung ứng cho thị trường Tết canh Tý sắp đến từ 02 nghìn đến 03 nghìn sản phẩm chất lượng cao.

Anh Thế chia sẻ: “Đúc kết kinh nghiệm thực tế của chính bản thân mình cộng với kiến thức học hỏi những người trồng bưởi ở Nghĩa Hành và các tỉnh Nam bộ, sau mùa thu hoạch chính vụ, tôi lại bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây bằng phân NPK, kết hợp bấm tách vỏ để hạn chế nước dẫn lên đầu cành, kỹ thuật này giúp bưởi ra hoa, đậu quả trái vụ với tỷ lệ khá cao. Bưởi thường ra quả thành chùm, mình phải kiểm tra để loại bỏ bớt những quả không đẹp, chỉ để lại mỗi nhánh từ 1 đến 3 quả, có như vậy quả bưởi mới lớn nhanh và cho mẫu mã đẹp. Mùa trái vụ này vườn bưởi nhà tôi có hơn 03 nghìn quả, nếu tết tiêu thụ không hết thì để bán lai lai qua tháng giêng, tháng hai, giá cả vẫn cao như thường”.

Mùa thu hoạch bưởi chính vụ ở Nghĩa Hành thường kéo dài từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 âm lịch hàng năm.

Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào quy trình chăm bón để bưởi ra quả trái vụ, giúp cho nhiều gia đình ở huyện Nghĩa Hành có thêm nguồn thu nhập đáng kể và góp phần đáp ứng thị trường tiêu dùng tăng cao trong dịp tết cổ truyền dân tộc.

Phương Thái – Ngọc Diệu

Hậu Giang: Hợp tác xã quýt đường Long Trị: Chỉ còn khoảng 5ha quýt cung ứng cho thị trường tết

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Do bị ảnh hưởng của bệnh vàng lá nên Hợp tác xã quýt đường Long Trị, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), chỉ còn khoảng 5ha quýt cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo chia sẻ của nhà vườn trồng quýt, để thu hoạch quýt mùa (chính vụ), các nhà vườn bắt đầu tưới nước cho cây vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch, rồi chăm sóc đến tháng 9, tháng 10 sẽ cho thu hoạch. Còn muốn để trái ra kịp thời điểm Tết Nguyên đán, khâu tưới nước phải dời lại sau 1-2 tháng. Thường trong 1 năm, nhà vườn trồng quýt đường ở thị xã Long Mỹ thu hoạch quýt 2 lần. Trong đó, thu hoạch quýt tết là vụ nghịch, năng suất không nhiều, nhưng được giá rất cao. Thời gian thu hoạch đồng loạt thường từ 24-25 tháng Chạp. Năm nay, diện tích cho trái không nhiều nên nhà vườn xã Long Trị chỉ bán lẻ theo đơn đặt hàng của khách mua làm quà biếu hoặc trưng tết với giá 50.000-60.000 đồng/kg.

HOÀNG NHÂN

Niên vụ mới, nỗi lo… cũ

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Dù đã bước vào cuối tháng 10, nhưng niên vụ mía đường năm 2019 - 2020 vẫn khá trầm lắng khi chỉ mới có một vài nhà máy trong khu vực bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, chuyện khởi động niên vụ mới sớm hay muộn đối với nông dân trồng mía bây giờ không còn quá quan trọng bởi nỗi lo mía ngập lũ đã không còn, điều mà họ quan tâm nhất bây giờ là liệu giá mía có được cải thiện hơn so với niên vụ trước hay không.

Sau 2 năm liên tiếp thua lỗ vì giá thấp, niên vụ mía đường 2019 – 2020, vùng mía nguyên liệu tỉnh Sóc Trăng và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều có sự giảm mạnh về diện tích. Tuy nhiên, việc giảm diện tích mía để hy vọng kéo giá mía tăng lên ở niên vụ này đến nay gần như vô vọng, khi giá mía vào đầu tháng 10 được Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ thu mua chỉ ở mức 700 đồng/kg cho loại mía đạt 10 chữ đường (10CCS) đo tại nhà máy. Với mức giá này, người trồng mía coi như cầm chắc thua lỗ vì chỉ riêng tiền công đốn mía, vận chuyển ra đến ghe thu mua đã chiếm trên 200 đồng/kg.

Mỗi năm diện tích mía ở Cù Lao Dung lại giảm thêm khiến tương lai cây mía càng thêm mù mịt.

Hôm giữa tháng 10, có dịp về vùng nguyên liệu mía Cù Lao Dung mới thấy hết cái khó cùng nỗi lo của người trồng mía ở nơi từng được mệnh danh là “đảo mía” này. Nhìn những cây mía ốm yếu, khẳng khiu cũng đủ thấy suất đầu tư cho cây mía của nông dân cù lao vụ này là không cao, bởi theo chia sẻ của nông dân trồng mía, sau 2 niên vụ thua lỗ họ gần như không còn vốn, mà nếu có họ cũng không đủ can đảm để đầu tư mạnh cho cây mía. Một nông dân tâm sự: “Năm rồi, có lúc giá bán mía tại một số nơi trong huyện chỉ còn 300 đồng/kg, hỏi sao người trồng mía sống nổi. Bởi vậy, sau vụ mía vừa rồi, những hộ có điều kiện hầu như không ai giữ lại mía mà chuyển qua nuôi tôm hoặc trồng cây ăn trái hay cây màu. Chỉ những người không có vốn như tôi mới buộc phải tiếp tục trồng mía cầu may thôi, chứ cũng ít có hy vọng lắm vì dự báo cho thấy, giá mía năm nay khó mà lên được”.

Giá mía đầu vụ đã ở mức thấp, tình trạng thua lỗ lại tiếp diễn với người trồng mía.

Đúng là khó lên thiệt, khi giá đường trong nước vẫn ở mức thấp, còn các nhà máy thì bắt đầu tính chuyện chạy cầm chừng vì nếu bung hết công suất, đường làm ra biết tiêu thụ đi đâu?! Riêng nhà máy đường Sóc Trăng, đến hơn giữa tháng 10 vẫn chưa thấy bóng dáng ghe mía nào cặp cầu cảng. Trò chuyện với chúng tôi về cây mía, một nông dân sản xuất giỏi của huyện Cù Lao Dung cho biết, anh đã “chia tay” với cây mía, chuyển sang trồng cây ăn trái từ 3 năm nay rồi, nên cũng không bị ảnh hưởng gì chuyện giá mía. Anh kể: “Từ khi giá mía xuống thấp đến nay, giá đất trồng mía cũng xuống theo thấy rõ. Hồi trước, mỗi công đất trồng mía có trả từ 40 – 50 triệu đồng cũng không ai bán, còn bây giờ giá đất khu vực có đường đal hơi nhỏ giá chỉ 35 triệu đồng/công”.

Trở lại với niên vụ mía đường năm nay mới thấy hết cái khó, cái đáng lo không chỉ của người trồng mía mà còn của cả ngành mía đường ở Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung. Sản lượng mía năm nay chắc chắn sẽ giảm so với năm rồi không chỉ do diện tích trồng mía giảm mà một phần còn do giảm năng suất vì cây mía không còn được nông dân chăm chút, đầu tư như trước nữa. Năng suất thấp, giá bán thấp trong khi chi phí thu hoạch vẫn giữ ở mức cao thì chuyện thua lỗ không cần phải bàn cũng đủ hiểu. Bây giờ người trồng mía hầu như không màng đến chuyện bán mua ở niên vụ này nữa, mà họ lo là sau vụ mía này nên chọn cây, con gì để thay thế cho cây mía. Còn trong kế hoạch phát triển sản xuất của các địa phương có vùng trồng mía thì gần như con số diện tích năm sau luôn thấp hơn năm trước.

Tương lai cây mía vốn dĩ đã không mấy sáng sủa nay càng thêm mù mịt khi các dự báo đều nghiêng về trạng thái khó khăn nhiều hơn là thuận lợi đối với ngành mía đường kể từ đầu năm 2020. Đó là khi Hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực, hạn ngạch sẽ được dỡ bỏ và thuế nhập khẩu mía đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ bằng 0. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đường từ các nước sản xuất đường lớn trong khối ASEAN như Thái Lan dù có đi bằng con đường chính ngạch đi chăng nữa cũng đủ sức chiếm lĩnh thị trường trong nước nhờ mức giá rẻ.

Thêm một niên vụ mía đường đầy khó khăn với người trồng mía và chưa ai dám khẳng định tương lai cây mía Sóc Trăng hay nói rộng ra là cả vùng ĐBSCL sẽ đi về đâu, nhưng có một điều gần như chắc chắn là sẽ có thêm nhiều nông dân từ bỏ cây mía, tìm đến những cây trồng, vật nuôi khác để ổn định thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho gia đình.

Tích Chu

Nông dân hết mặn mà với cây cà phê

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Thời điểm này, các vườn cà phê trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang rộ vụ thu hoạch. Tuy nhiên, sản lượng cà phê năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Không những vậy, giá cà phê cũng giảm mạnh ngay từ đầu vụ khiến bà con gặp nhiều khó khăn. Liên tiếp nhiều vụ mùa không thuận lợi, nông dân hầu như đã hết mặn mà với cây cà phê.

Ông Đỗ Kế, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức thu hoạch cà phê.

Ông Đỗ Kế, thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đang trồng 2,5ha cà phê. Vụ thu hoạch năm 2018, ông Kế thu được hơn 4 tấn cà phê, tuy nhiên, năm nay năng suất cà phê giảm mạnh, chỉ còn chưa đến 3 tấn. Ông Kế nhận định: “Nguyên nhân chính khiến cà phê mất mùa là thời tiết không thuận lợi. Năm nay mưa sớm, nhưng đến tháng 10 lại không có mưa mà nắng kéo dài nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây cà phê ở giai đoạn quả kết nhân. Ngoài ra, đa số các cây cà phê trong vườn đều đã già cỗi. Giá giảm, tiền phân bón tăng, nên tôi không đầu tư chăm sóc nữa”.

Cùng với việc năng suất không đạt như kỳ vọng, giá cà phê cũng giảm mạnh so với năm ngoái. Gia đình ông Vương Khả Phú, thôn Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức có 2ha trồng cà phê xen canh đang bước vào vụ thu hoạch. Ông Phú cho biết, thương lái chỉ đang thu mua loại nông sản này với giá 31-32 ngàn đồng/kg, thấp hơn 3-4 ngàn đồng/kg so với năm 2018.

Đà sụt giá của cà phê trên thực tế đã kéo dài trong suốt 4 năm qua. Nếu như cùng thời điểm này của năm 2016 cà phê có giá 45 ngàn đồng/kg, năm 2017 là 38 ngàn đồng/kg, năm 2018 là 34-35 ngàn đồng/kg và hiện nay chỉ là 31-32 ngàn đồng/kg. Ở chiều ngược lại, chi phí sản xuất ngày càng tăng lên. Ví dụ như giá nhân công thu hái hiện nay đã lên đến 220 ngàn đồng/ngày, tăng 20% so với năm ngoái. Chi phí phân bón cũng tăng 30-40% trong vòng ít năm.

Ghi nhận từ các DN cho thấy, nguyên nhân giá cà phê đầu vụ giảm sâu là do từ nhiều tháng nay, xuất khẩu cà phê gặp khó khăn khi thị trường lớn là Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản bằng đường tiểu ngạch, các thị trường khác cũng đã bão hòa do trước đó tăng nhập khẩu. Hiện cà phê lại đang vào niên vụ thu hoạch mới càng gây áp lực lên thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, những năm gần đây, giá cà phê luôn ở mức thấp, lại thêm tình hình thời tiết diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất của loại cây này. Điều này đã khiến nhiều nông dân nản lòng, không còn mặn mà đầu tư trồng mới cà phê, thậm chí chặt bỏ. Đến nay, diện tích cà phê toàn tỉnh chỉ còn khoảng 5.040ha, giảm gần 600ha so với năm 2018, năng suất trung bình đạt gần 19 tạ/ha. Trong thời điểm này, phần lớn diện tích này được bà con nông dân chuyển sang trồng một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng. Về lâu dài, tỉnh sẽ không tăng diện tích cà phê mà chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn người dân đẩy mạnh tái canh diện tích cà phê già cỗi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trên diện tích cà phê hiện có, đảm bảo các điều kiện sản xuất bền vững cũng như khuyến khích phát triển cây cà phê đặc sản.

QUANG VINH - NGỌC BÍCH

Kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng thịt lợn

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Ngành chăn nuôi nên khuyến cáo người chăn nuôi nên kéo dài thời gian nuôi, đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất, vừa có lãi cho người chăn nuôi vừa giúp tăng nguồn cung.

Giá lợn tăng cao do nguồn cung vẫn hạn chế . Ảnh: VGP/ Đỗ Hương

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 11, giá lợn hơi trong nước biến động tăng do nguồn cung giảm. Thị trường xuất hiện hiện tượng găm hàng làm tăng giá của một số đơn vị kinh doanh buôn bán thịt lợn.

Ngoài ra, tâm lý lo lắng thiếu nguồn cung nên người chăn nuôi có xu hướng nuôi lợn lên đến 170 - 180 kg/con thay vì 90-110 kg/con như thông thường để chờ tăng giá. Bên cạnh đó, giá lợn còn bị tác động bởi tình trạng thương lái thu gom lợn để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc qua đường mòn, lối mở.

Trong tháng, tại miền Bắc giá lợn hơi đã tăng 10.000-11.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại Hưng Yên hiện là 76.000 đ/kg, Hà Nội 73.000 đ/kg, Lào Cai ở mức 78.000 đ/kg, Thái Nguyên và Ninh Bình 77.000 đ/kg. Các địa phương còn lại giá 70.000-76.000 đ/kg.

Trong khi đó, tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng tăng với mức tăng 15.000-16.000 đ/kg, hiện đạt ở mức ổn định trong khoảng 68.000-72.000 đ/kg. Cùng chung xu thế tăng giá, tại miền Nam, giá lợn hơi cũng tăng mạnh từ 13.000-15.000 đ/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại TPHCM và Bình Dương là 71.000 đ/kg. Tại Tiền Giang và Sóc Trăng, giá đạt ở mức 75.000 đ/kg.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo: Giá thịt lợn thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tăng cao đợt cuối năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

Dịp cuối năm nay, dự báo Việt Nam thiếu 200.000 tấn thị lợn.

Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay: Bộ NN&PTNT đã có nhiều giải pháp như tái đàn ở các doanh nghiệp lớn, trang trại, gia trại, hộ gia đình cam kết đảm bảo an toàn sinh học; nhân rộng nhanh các mô hình an toàn sinh học trong sản xuất; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ; ngăn chặn không cho lợn và sản phẩm lợn bất hợp pháp nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới…

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi nên khuyến cáo người chăn nuôi nên kéo dài thời gian nuôi. Trước đây, lợn nuôi 25-26 tuần thì xuất bán, nếu nuôi trên 30 tuần sẽ tăng 20-30% sản lượng thịt. Đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất, vừa có lãi cho người chăn nuôi vừa giúp tăng nguồn cung.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các địa phương, nhất là các địa phương biên giới ở phía bắc và cả phía tây nam ngăn chặn việc đưa lợn sang nơi khác, ảnh hưởng đến giá cả thị trường.

“Đặc biệt, các cơ quan cũng phải chú ý đến việc kiểm soát lợn từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam, mặc dù chúng ta thiếu nhưng cần lưu ý là 24 quốc gia chúng ta cho phép nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam lại không có 2 quốc gia này. Điều này dễ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, có khả năng mang dịch bệnh vào trong nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Đỗ Hương

Đưa chăn nuôi trâu, bò thành hàng hóa theo chuỗi liên kết

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Chăn nuôi trâu, bò hiện đang là một trong những ngành hàng quan trọng của nông nghiệp Tuyên Quang. Chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, tỉnh đã có nhiều giải pháp giúp nông dân liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi, đảm bảo nâng cao giá trị chăn nuôi.

Từ những mô hình thành công…

Anh Đặng Văn Cảnh, thôn Tiên Hóa 2, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chuyển đổi từ nuôi lợn sang chăn nuôi trâu, bò được 2 năm nay. Năm 2017, sau chuyến tham quan mô hình chăn nuôi gia súc ở Hải Dương, anh quyết định chuyển từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng vỗ béo. 6.000 m2 đất trồng mía kém hiệu quả, anh Cảnh chuyển đổi sang trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi. Từ 2 con đầu tiên, giờ mỗi lứa anh Cảnh nuôi từ 8 - 10 con trâu, bò các loại. Sau khoảng 3 tháng vỗ béo, anh Cảnh lãi khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/con.

Khu vực chăn nuôi trâu của Hợp tác xã Toàn Dũng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình).

Giám đốc Hợp tác xã Tiến Quang Lê Văn Thứ cho biết, thành công của mô hình này được minh chứng ở số lượng thành viên không ngừng tăng lên mỗi năm. Nếu như năm đầu tiên khởi động (2017) chỉ có 7 thành viên tham gia, chăn nuôi 9 con trâu, thì sau 2 năm, đã có 35 thành viên tham gia, tổng đàn là 350 con. Nuôi theo chuỗi liên kết này, mỗi tháng 1 hộ chăn nuôi trong hợp tác xã có thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng, một con số không hề nhỏ với những người nông dân nơi đây.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong 3 năm (2017 - 2019), Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đã cung ứng 2.345 con trâu, bò cho 20 hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn. Sau thời gian nuôi vỗ béo từ 2,5 đến 3 tháng, trừ chi phí lãi bình quân 4 - 5 triệu đồng/con trâu và 2,5 - 3 triệu đồng/con bò.

Liên kết mở rộng

Ông Ma Văn Kết, thôn An Phong, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) hiện đang nuôi 20 con trâu, bò. Trong đó, đàn bò của gia đình ông lên đến 18 con. Số trâu, bò này ông nhận lại từ các hộ chăn nuôi không hiệu quả tại Xuân Quang, Hùng Mỹ, Tân Mỹ, Hà Lang. Theo ông Kết, thời điểm mới đưa đàn về chăn nuôi, đàn bò gầy yếu, không tăng trọng lượng, nhưng nhờ đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, lại chủ động trồng trước hơn 3 ha cỏ, nguồn thức ăn tinh được phối trộn theo đúng công thức nên mỗi ngày, đàn trâu bò của gia đình ông tăng từ 1,2 - 1,5 kg. Cuối tháng 11, toàn bộ đàn trâu, bò của gia đình ông sẽ được Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành thu mua. Ông Kết tính toán, sau khi trừ chi phí, mỗi con sẽ cho lãi khoảng 3 triệu đồng.

Hợp tác xã Toàn Dũng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) hiện cũng đang nuôi 14 con trâu bò theo chuỗi liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành. Ông Vi Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Toàn Dũng cho biết, lâu nay việc chăn nuôi trâu bò của người dân vùng cao chủ yếu vẫn theo hình thức nhỏ lẻ, phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên. Khi được đi thăm một số mô hình chăn nuôi hàng hóa đã thành công tại Chiêm Hóa, Hàm Yên, ông quyết định thành lập hợp tác xã với 7 thành viên để chăn nuôi tập trung tại khu vực Nà Lung. Theo ông Dũng, chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo khá đơn giản, khi đàn trâu bò đã được tiêm đầy đủ các loại vắc xin, nguồn thức ăn được phối trộn, đủ dinh dưỡng nên đàn tăng trưởng khá nhanh. Ông Hùng cho biết, vì là trang trại chăn nuôi lớn đầu tiên nên hầu như ngày nào cũng có người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đầu vào được cung cấp đầy đủ, đầu ra được cam kết, nên ông đang tiếp tục cải tạo chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi lên từ 25 - 30 con trong lứa nuôi tiếp theo. Hiện tại ở Thượng Lâm, Hợp tác xã chăn nuôi Toàn Dũng là hợp tác xã đầu tiên chăn nuôi trâu tập trung theo hướng hàng hóa.

Hợp tác xã Minh Quang, thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương (Na Hang) cũng đang bắt tay với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành chăn nuôi 12 con trâu. Khác với các hợp tác xã khác, ngoài chăn nuôi trâu nhốt chuồng, Hợp tác xã Minh Quang mở rộng sang cả chăn nuôi trâu sinh sản để chủ động nguồn con giống. Anh Phan Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, qua một thời gian chăn nuôi từ dê, lợn, anh nhận thấy việc chăn nuôi trâu nhốt chuồng là có lãi hơn cả. Đàn trâu được cho ăn đầy đủ, tiêm phòng các loại vắc xin trước khi bàn giao cho hộ chăn nuôi nên khả năng chống chịu dịch bệnh tăng. Hiện, Hợp tác xã Minh Quang đang xây dựng khu vực nuôi giun quế để nuôi thêm gà, vịt.

Tổng đàn đại gia súc trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 141 nghìn con, trong đó, tổng đàn trâu là gần 102 nghìn con, đàn bò trên 35,6 nghìn con, còn lại là đàn bò sữa. Để chủ động nguồn thức ăn, các địa phương đã trồng trên 4.000 ha cỏ voi, VA06, Ghine, ngô… làm thức ăn, với sản lượng tương ứng trên 39,5 nghìn tấn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để chăn nuôi trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, trong những năm tiếp theo ngành tiếp tục hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp để nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi tập trung trên tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi.

Bài, ảnh: Trần Liên

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop