Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 3 năm 2019

ĐBSCL đối diện với hạn mặn khốc liệt

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Đầu tháng 3-2019, nước mặn đã xâm nhập vào nhiều tỉnh ven biển ở ĐBSCL. Nhiều địa phương như Bến Tre, Kiên Giang đã có hàng ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tại Hậu Giang, nước mặn đã xâm nhập vào địa bàn huyện Long Mỹ (giáp với Hồng Dân - Bạc Liêu), độ mặn được ghi nhận là 1,4%0.

Một cánh đồng ở ĐBSCL bị xâm nhập mặn

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Trung ương, Nam bộ đang vào mùa nắng nóng, mà cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5. Tình hình xâm nhập mặn trong thời gian tới sẽ diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng.

Dự báo tình hình xâm nhập mặn năm 2019 nồng độ cao hơn và xâm nhập sâu hơn năm 2018, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

“Trước dự báo tình hình xâm nhập mặn năm 2019 diễn ra phức tạp và khó lường, chúng tôi khuyến cáo người dân chuẩn bị các vật dụng chứa nước sinh hoạt; gia cố đê bao, nạo vét ao mương nhằm chủ động trong sinh hoạt và sản xuất; nông dân thường xuyên thăm đồng, theo dõi các bản tin diễn biến xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin để chủ động ứng phó”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng cử cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, vận hành hệ thống công trình thủy lợi sẵn sàng đóng cống khi có mặn xâm nhập.

CAO PHONG

Thúc đẩy sản xuất gắn với xuất khẩu nông sản

Nguồn tin:  Báo Công Thương

Thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.

Ngày 5/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, World Bank Group tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019”.

Chủ động ứng phó với những khó khăn về thị trường nông sản

Nhiều thách thức từ thị trường trọng điểm

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá, trong năm 2018 ngành nông nghiệp đã vượt qua các khó khăn, thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra như: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86%, kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD.

Trong năm 2019, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ gặp một số khó khăn, thách thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Theo đó, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dich bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

Nông sản Việt đối diện với nhiều khó khăn trong tiêu thụ

Thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu. Trong khi đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, những bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) – nhận định: 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản tiếp tục tăng trưởng tích cực, nhiều thị trường trọng điểm như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục được mở rộng. Có được kết quả trên là do công tác đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, việc các thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch thực vật đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi từ phương thức sản xuất, thay đổi thói quen giao dịch đến cách tiếp cận thị trường đã hình thành từ lâu nay.

Tập trung đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường

Để thúc đẩy xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam, Bộ NN&PTNT, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất các mặt hàng nông thủy sản có trọng tâm, trọng điểm, có quy mô và theo hướng nâng cao chất lượng. Tập trung đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng xác định rõ mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên. Phát hành các ấn phẩm, hướng dẫn về xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nghiên cứu thị trường, thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, thay đổi phương thức giao dịch từ tiểu ngạch sang thương mại chính quy, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Công ty Cổ phần Nafoods Group – nêu quan điểm, xúc tiến thương mại mở thị trường cần mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc. Hiện, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý xem xét mở cửa thêm với 7 loại trái cây và nông sản Việt Nam, trong trái chanh leo có thể xuất khẩu theo chính ngạch vào thị trường này. Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm thế nào để trái cây và nông sản của Việt Nam có thể đàng hoàng đi chính ngạch sang thị trường tỷ dân này. “Hiện doanh nghiệp vẫn chưa xuất khẩu được vào thị trường này theo con đường chính ngạch mà vẫn phải xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và xuất khẩu qua đối tác Thái Lan để vào thị trường Trung Quốc. Do đó, tôi kiến nghị, phải có giải pháp, có thủ tục để cho trái chanh leo nói riêng và nhiều loại trái cây khác có thể nhanh chóng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc”, ông Hùng nói.

Năm 2019, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2019. Theo đó, tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý. Cạnh đó, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, HTX. Nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm. Tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiến tới hài hòa hóa với các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới.

Nguyễn Hạnh - Phạm Tiệp

Làm giàu từ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi

Nguồn tin:  Báo An Giang

Chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm, nông dân Nguyễn Văn Dũng (xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi để nâng cao thu nhập gia đình và mở ra hướng sản xuất nông nghiệp mới.

Xuất phát từ 15 công đất trồng lúa như bao nông dân khác, nhưng do giá cả bấp bênh nên năng suất không cao, anh Nguyễn Văn Dũng không thu lại lợi nhuận nhiều từ sản xuất lúa. Nhận thấy cây xoài Đài Loan thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, anh Dũng mạnh dạn chuyển đổi lập vườn trồng xoài. Bằng sự chăm chỉ và ý chí vươn lên, có thu nhập ổn định từ trồng xoài, anh Dũng tích góp mua đất mở rộng diện tích vườn. Đến nay, gia đình anh đã có 3ha đất vườn để chăn nuôi và trồng các loại cây như: xoài, dừa, mít siêu sớm, sầu riêng, nuôi cá tra bột, nuôi heo rừng… Dù thực hiện nhiều mô hình cùng lúc nhưng sản xuất theo kiểu luân phiên, bố trí khoa học, linh hoạt và tận dụng triệt để thời gian nhàn rỗi nên anh Dũng có thể chăm sóc tốt cây trồng, vật nuôi của mình và cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Dũng (bìa trái) trong vườn dưa lưới ứng dụng công nghệ cao

Anh Dũng cho biết, muốn sản xuất hiệu quả và cho lợi nhuận cao, bản thân phải có phương án sản xuất thích hợp với mô hình mình đã lựa chọn, sản xuất theo quy hoạch, đồng thời nắm bắt thông tin và tiếp cận thị trường. Để “lấy ngắn nuôi dài” xoay đồng vốn chăm sóc cho cây ăn trái, anh Dũng đã nghiên cứu cách ương nuôi cá tra bột. Hiện, anh Dũng đào 3 ao ương nuôi cá tra bột theo kiểu xoay vòng liên tục với tổng diện tích khoảng 6.000m2, đây được xem là nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, thấy phần đất trống dưới tán các cây xoài, anh Dũng thử nghiệm mô hình nuôi heo rừng dưới tán xoài. Nhờ nuôi heo rừng dưới tán xoài theo mô hình bán hoang dã nên có nguồn phân chuồng bón cho vườn xoài phát triển và nhẹ công làm cỏ. Anh còn tận dụng thức ăn từ tự nhiên trong vườn như: rau, cỏ và xoài rụng dưới vườn xoài nhằm tiết kiệm chi phí, bảo đảm chất lượng thịt heo. Nhờ cách làm này, sản phẩm heo rừng của anh Dũng được thương lái chọn mua với giá cao. Đến nay, việc nuôi heo rừng dưới tán xoài đã mang lại kết quả “kép”, đàn heo rừng ban đầu chỉ có 5 con, nay đã lên đến 30 con và vườn xoài phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. Không chỉ vậy, anh Dũng còn tìm hòi, học hỏi các nhà vườn ở Tiền Giang cách thức, phương pháp và trồng xen gần 200 gốc sầu riêng vào 1.000 gốc mít Thái siêu sớm. “Mít Thái siêu sớm từ lúc trồng đến khoảng 18 tháng sau là có thể thu hoạch trái, còn cây sầu riêng đến hơn 3 năm mới bắt đầu cho trái, như vậy sẽ tận dụng được diện tích đất, mang hiệu quả kinh tế gấp đôi…” - anh Dũng lạc quan.

Chăm sóc đàn heo rừng

Hiện tại, anh Dũng đang tất bật chuẩn bị cho lứa dưa lưới thứ 2 trồng trong nhà màng. Trước Tết Nguyên đán, ngoài sự hỗ trợ 30% chi phí làm nhà màng của TP. Châu Đốc, anh Dũng đã đầu tư gần 500 triệu đồng để trồng thử nghiệm và thành công với 1.000m2 dưa lưới ứng dụng hệ thống tưới tự động và theo dõi quá trình phát triển của cây trên thiết bị di dộng. Thấy mô hình có hiệu quả kinh tế cao, anh Dũng đã đầu tư thêm 1 nhà màng với diện tích 1.000m2 để tiếp tục phát triển dưa lưới. “Sắp tới, tôi sẽ tìm hiểu quy trình, phương pháp nuôi bò và trùn quế để tạo mô hình khép kín tận dụng mọi phụ phẩm từ cây trồng và vật nuôi trong vườn. Qua đó, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm để dễ dàng xuất bán với giá thành cao”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Châu Nguyễn Nhựt Thắng cho biết, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để tránh rủi ro, biến động của thị trường cũng như tận dụng tối đa thời gian sản xuất và có thể sử dụng hiệu quả các phế phẩm trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Dũng mang lại hiệu quả kinh tế về nhiều mặt. Sắp tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Châu sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp, ngành chuyên môn tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn cũng như kỹ thuật cho các hộ nông dân mở rộng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với mục đích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó, sẽ hướng các tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

TRỌNG TÍN

Khi nông dân thay đổi cách trồng thanh long

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Trò chuyện với một số nhà vườn trồng thanh long xuất khẩu ở Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), được biết: Vài năm trước đây vì sản xuất thanh long theo VietGAP tốn nhiều công sức như tuân thủ quy định vệ sinh, ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình… nhưng giá bán không chênh lệch nên nhiều nông dân không mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trải qua nhiều đợt thanh long rớt giá mạnh, hàng tấn trái không có người mua, nhưng riêng thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vẫn tiêu thụ, xuất khẩu bình thường với giá cả ổn định. Từ những bài học giá thanh long “nhảy múa” đã khiến nhiều hộ nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm để phát triển thanh long bền vững hơn.

Một vụ TNGT khiến 2 người thiệt mạng trên cầu Sông Lũy (Tuy Phong).

Một tín hiệu vui khi Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hàm Thuận Nam thông tin: Năm 2018, huyện thực hiện cấp mới trên 586 ha với 46 tổ, nhóm, vượt 245% KH tỉnh giao, tương đương 170 ha. Trong đó, có 302 ha/10 tổ, nhóm thành lập mới và tăng tái cấp 283 ha/34 tổ, nhóm. Đến nay, toàn huyện có 5.960 ha/3.857 hộ/205 tổ nhóm, trang trại tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm đến 47,7% trên tổng số thanh long toàn huyện (12.497 ha). Với con số khá ấn tượng này, Hàm Thuận Nam dẫn đầu toàn tỉnh về chương trình sản xuất thanh long VietGAP. Điều này cho thấy, sau thời gian thờ ơ nhiều nông dân đã thấy rõ được ý nghĩa của chương trình sản xuất theo VietGAP nên đã tự nguyện đăng ký tham gia hoạt động và thực hiện đúng các yêu cầu của VietGAP để được đánh giá chứng nhận cùng với các tổ/nhóm trên địa bàn. Nông dân cũng đang nỗ lực phát triển thanh long theo hướng bền vững.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trịnh Nhất Hằng, Trưởng bộ môn kỹ thuật canh tác, Viện Cây ăn quả miền Nam: Việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có ý nghĩa quan trọng, nhất là làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Bởi ngoài việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, bà con còn được huấn luyện ý thức kỷ luật, ý thức về môi trường, tính cộng đồng, ý thức gắn kết trách nhiệm đối với sản phẩm mình sản xuất. Mặt khác, quả thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu với yêu cầu tiêu chuẩn rất cao, vì vậy để vượt qua rào cản kỹ thuật các nước nhập khẩu, không có con đường nào khác là sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân Nguyễn Văn Toàn - trồng thanh long xuất khẩu ở thôn Phú Cường, xã Hàm Cường so sánh: “Nếu so với lối canh tác cũ thì sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP rất khắt khe, nhất là khâu quy trình chăm sóc phải đúng công đoạn theo tiêu chuẩn quy định. Và chỉ có sản xuất an toàn mới không còn thấp thỏm lo rớt giá”.

Nhận thức của nông dân được nâng lên cộng với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo huyện, sự sâu sát Ban Chỉ đạo phát triển thanh long bền vững huyện, người dân trồng thanh long tại Hàm Thuận Nam đang dần thay đổi tập quán canh tác thanh long theo VietGAP. Ngoài ra, tại một số trang trại thanh long ở Hàm Thuận Nam, nông dân còn đẩy mạnh thực hiện sản xuất theo quy trình GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) sản xuất thanh long sạch để có thể xuất khẩu qua các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản... Đã có nhiều trang trại thanh long được các thị trường khó tính đón nhận nhờ trồng theo quy trình GlobalGAP, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu…Đơn cử, Trang trại thanh long rau quả Bình Thuận (xã Hàm Minh) với diện tích trên 20 ha đã cho thu hoạch sản lượng mỗi năm gần 500 tấn. Phần lớn được xuất khẩu chính ngạch qua thị trường châu Âu và các nước khác. Trang trại Phúc An (xã Hàm Cường) hiện có 25 ha thanh long ruột trắng theo chuẩn GlobalGAP đã cho thu hoạch xuất khẩu qua Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, New Zealand, Canada, Úc. Trang trại đang trồng thử nghiệm thêm 20 ha thanh long ruột tím hồng…

THANH DUYÊN

Ðưa dưa lưới về vùng biên giới

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Trải qua nhiều ngành nghề khác nhau nhưng khi “bén duyên” với cây dưa lưới, anh Nguyễn Văn Ðệ (ngụ xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang) mới thành công. Hơn 4 năm đưa cây dưa lưới về vùng biên giới, anh Ðệ đã hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc và mở ra hướng mới cho nông nghiệp địa phương.

Anh Đệ đang kiểm tra vườn dưa lưới.

Anh Đệ kể, năm 2006, sau khi tốt nghiệp ngành nông học tại Trường Đại học Cần Thơ, anh bắt đầu mưu sinh với nhiều nghề khác nhau. Khi thì làm ở Trung tâm Dạy nghề nông dân huyện An Phú, lúc thì làm ngân hàng rồi cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện… Những công việc không đúng chuyên môn đã học luôn khiến anh trăn trở. “Trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng tôi vẫn thấy tiếc nuối một cái gì đó, bởi những gì mình được học giờ đây không có cơ hội phát huy. Từ đó, tôi quyết định về vùng biên giới khởi nghiệp nhằm thỏa đam mê với nghề nông”- anh Đệ chia sẻ.

Năm 2014, anh Đệ thế chấp đất của gia đình vay 500 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp. Để chuẩn bị tốt cho quá trình khởi nghiệp, ngoài kiến thức trên ghế nhà trường, anh đã đi tham quan khắp nơi, tìm những người khởi nghiệp thành công, học hỏi rút kinh nghiệm. Trong quá trình đó, anh để ý thấy dưa lưới có triển vọng phát triển mạnh, phù hợp với cách làm nông nghiệp sạch mà anh ấp ủ lâu nay, nên quyết tâm trồng loại dưa này. Theo anh Đệ, do thị trường mới, không yên tâm đầu ra nên lúc đầu anh chỉ trồng khoảng 2.700 gốc dưa/1.000m2. “Tuy đã có bước chuẩn bị khá kỹ nhưng lúc thí điểm tôi rất lo lắng, đặc biệt là khi dưa bị nứt. Sau khi tìm hiểu kỹ thì đây là giai đoạn nứt trái để tạo lưới nên yên tâm. Với nhiều hộ không biết đây là giai đoạn phát triển của trái dưa, tưởng bị hư, nhổ bỏ trồng lại, sẽ rất phí. Không chỉ có giai đoạn này, mà cả chu kỳ phát triển cũng phải được nghiên cứu kỹ sau cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để đề ra quy trình sản xuất cơ bản và hiệu quả nhất”- anh Đệ tâm sự.

Theo anh Đệ, vụ đầu thành công, dưa được tiêu thụ nhanh đã tạo tiền đề để anh mở rộng quy mô sản xuất. Sau 2 năm đưa cây dưa lưới ra vùng biên giới, anh Đệ đã trả hết nợ và có lời. Nối tiếp thành công, anh nâng dần diện tích nhà lưới lên, rồi trồng đa dạng các giống dưa xuất xứ từ Đài Loan và Thái Lan. Anh cũng tự nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất để đưa cho nông dân, trong đó bà con phải cam kết thực hiện đúng quy trình để dần tạo nên một chuỗi sản xuất khép kín. Anh Đệ cũng trực tiếp đứng ra làm đầu mối mua phân bón chia lại cho nông dân trong chuỗi. Vì theo anh, khi mua số lượng lớn vật tư nông nghiệp, được chiết khấu nhiều. Số tiền này anh thành lập quỹ nhằm chia sẻ rủi ro với những người thất bại.

Anh Đệ tính toán chi phí giống, chất dinh dưỡng, nhân công khoảng 45 triệu đồng/1.000m2, còn nhà lưới thì 5 năm sau mới bảo trì nên bảo đảm người tham gia sản xuất sẽ có lời. Những nông dân tham gia với anh sẽ được thu mua lại trái với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, bảo đảm lời trên 30 triệu đồng/vụ/1.000m2. Nhãn hiệu dưa Mr. Đệ cũng được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh và dần mở rộng ra tận miền Trung, miền Bắc. “Cái khó là thuyết phục bà con chuyển từ sản xuất truyền thống qua hiện đại. Để thay đổi tư duy sản xuất, tôi đã cử kỹ thuật viên xuống theo dõi hỗ trợ nhằm bảo đảm bà con thực hiện đúng quy trình. Khi trồng có lời, bà con tin tưởng hợp tác sẽ đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững”- anh Đệ nói.

Đến nay, anh Đệ đã liên kết với 6 nông dân tại Cà Mau, An Giang trồng dưa lưới với tổng diện tích khoảng 1ha. Anh phấn đấu trong năm nay sẽ nâng tổng diện tích liên kết khoảng 2ha tại Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ. Song song đó là khẩn trương thí nghiệm trồng dưa hấu an toàn tiến tới hoàn thiện quy trình chuyển giao cho nông dân, ngoài ra còn thực nghiệm trồng thêm cà chua bi, dưa lê để đa dạng sản phẩm.

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Rau an toàn Hà Nội: Kiểm soát từ vùng sản xuất

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Thời gian qua, việc giám sát quá trình sản xuất tại những vùng rau an toàn đã được ngành Nông nghiệp và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội triển khai tích cực nhằm từng bước hướng đến sản xuất nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn, vì sức khỏe cộng đồng...

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy, Hà Nội hiện có 12.734ha trồng rau các loại, đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu thị trường Thủ đô. Trong đó, hoạt động sản xuất rau an toàn theo chuỗi từng bước được ngành Nông nghiệp Hà Nội kiểm soát chặt chẽ, diện tích khoảng 5.000ha (224ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, gần 50ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ); tổng sản lượng rau an toàn ước 350.000 tấn/năm...

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, hiện diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện khoảng 200ha. Những năm qua, Đan Phượng luôn coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định... Từ đó, nhận thức của người dân cũng dần thay đổi theo hướng tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Tại ruộng rau của gia đình, chị Nguyễn Thị Lan (thôn Bãi Tháp, xã Đồng Tháp) cho biết: “Trước đây, người dân địa phương chủ quan trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên nhiều khi dùng không đúng chủng loại, chưa đủ thời gian cách ly đã thu hoạch rau. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi tham gia tập huấn và thường xuyên được tuyên truyền, chúng tôi đã hiểu và coi việc sản xuất rau an toàn trước hết là bảo vệ bản thân và gia đình; sau đó là tạo niềm tin với người tiêu dùng... nên ai cũng tự giác thực hiện quy trình sản xuất an toàn”.

Một trong những điển hình trồng rau an toàn trên địa bàn thành phố là huyện Đông Anh. Hiện Đông Anh có 7 xã tham gia trồng rau an toàn, trong đó, xã Vân Nội được thành phố quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung (hơn 500ha). Đông Anh cũng là huyện đứng đầu Hà Nội về số cơ sở sản xuất, sơ chế rau an toàn (37 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất; 16 cơ sở đủ điều kiện sơ chế rau an toàn). Theo Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Anh Nguyễn Hồng Tuyển, để rau an toàn bảo đảm chất lượng, từ năm 2018 đến nay, Đông Anh tích cực kiểm soát từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Qua kiểm tra hơn 150 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, lực lượng chức năng chưa phát hiện việc buôn bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục. Hằng năm, tại các vùng rau trọng điểm, huyện tổ chức 2-3 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); cấp phát, hướng dẫn các cửa hàng treo hình ảnh cảnh báo, danh mục thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam...

Sản xuất rau an toàn là xu thế tất yếu trong nông nghiệp. Theo chia sẻ của Giám đốc Hợp tác xã Tự Do (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) Trần Hữu Quý: Hợp tác xã có 14 hộ thành viên trồng rau sạch và hợp tác xã đã xây dựng vùng sản xuất tập trung trồng rau trên tổng diện tích 1,5ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, nông dân vẫn băn khoăn khi phát triển vùng rau an toàn bởi sản xuất rau an toàn vất vả, tốn công sức nhưng giá bán chỉ tương đương rau thường khiến người trồng thiệt thòi...

Theo thông tin từ Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Mạnh Phương: Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội thiết lập các vùng sản xuất rau an toàn ổn định với 16.276ha, kiểm soát 80% lượng rau trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân; bố trí cán bộ giám sát, hướng dẫn người trồng rau tại ruộng; thực hiện các biện pháp nhân rộng mô hình sản xuất an toàn đã có hiệu quả. Cùng với đó là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; tăng cường lấy mẫu tại các vùng rau an toàn trọng điểm và công khai kết quả nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng; hỗ trợ người dân trong quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm... Những việc làm này chắc chắn sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Hà Nội phát triển hiệu quả hơn.

SƠN TÙNG

Trồng nấm giữa lòng thành phố

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Sinh ra và lớn lên tại TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), từng tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, anh Nguyễn Ngọc Quý (sinh năm 1992, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) lại quyết định về quê chọn nghề trồng nấm rơm sạch để khởi nghiệp.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà của anh Nguyễn Ngọc Quý tại phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa Ảnh: H.Hải

* Cơ duyên với nghề trồng nấm

Anh Quý cho biết, trước đây sau khi tốt nghiệp Trường đại học công nghệ TP.Hồ Chí Minh, anh từng trải qua nhiều vị trí công việc, trong đó có thời gian kinh doanh quán ăn. Thời gian đó, nhờ sự giới thiệu của bạn bè, anh bắt đầu tìm hiểu về nghề trồng nấm. Sau một thời gian tìm tòi, anh Quý bắt đầu thấy say mê và quyết định khởi nghiệp với cây nấm.

“Vào năm 2015, tôi bắt đầu trồng nấm linh chi. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về đầu ra nên sau đó tôi đã xác định lại và chọn mô hình trồng nấm rơm. Tôi đã rong ruổi khắp các trại nấm lớn ở các huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh khác, chủ động tìm hiểu để học hỏi kinh nghiệm và về áp dụng cho mình” - anh Quý cho hay.

Theo anh Quý, ban đầu mô hình trồng nấm rơm của anh gặp khá nhiều khó khăn, từ thiếu vốn, thiếu nhân lực đến thiếu kỹ thuật, trong đó có nguồn giống ở một số nơi anh mua chưa đạt chất lượng nên cũng nhiều lần thất bại. “Tôi quyết tâm không nản chí, cố gắng phân tích, tìm nguyên nhân thất bại để rút kinh nghiệm và tiếp tục theo đuổi giấc mơ phát triển nghề trồng nấm của mình” - anh Quý chia sẻ.

* Hướng tới mô hình sạch

Trải qua những khó khăn ban đầu, hiện tại trại nấm cũng anh Quý đã phát triển khá ổn định. Trại nấm rộng 500m2với hệ thống 6 nhà vòm cùng với nhiều thiết bị khá hiện đại, phù hợp với mô hình nông nghiệp đô thị.

“Vì là mô hình trồng nấm trong nhà nên đòi hỏi các tiêu chí kỹ thuật khắt khe hơn. Quy trình sản xuất và thu hoạch nấm rơm từ 18-21 ngày, trong đó từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 8 là công đoạn xử lý nguyên liệu - nuôi sợi. Từ ngày thứ 9 đến ngày thứ 20 công đoạn chăm sóc và thu hoạch nấm.

Hiện tại, trại nấm rơm của anh hằng tháng cung cấp ra thị trường khoảng 400-500kg nấm rơm, giá bán ra từ 60-80 ngàn đồng/kg. Tuy trại nấm của anh hoạt động chưa lâu, nhưng bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế khá ổn định, anh Quý chia sẻ.

Anh Quý cho biết, hiện thị trường cung cấp chính của trại nấm là khu vực TP.Biên Hòa và một số địa phương lân cận. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, chủ động quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội…

Bên cạnh đó, anh Quý cũng được Hội Nông dân TP.Biên Hòa hỗ trợ để xây dựng mô hình sản xuất sạch theo hướng VietGAP để tăng hiệu quả kinh tế, ổn định đầu ra, cũng như phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, tiết kiệm diện tích đất…

Hoàng Hải

Su su rớt giá còn 1.000 đồng một kg ở Nghệ An

Nguồn tin: VnExpress

Từ mức giá 3.000 - 4.000 đồng một kg, hiện su su tại Nghệ An chỉ còn 1.000 đồng.

Những ngày này, nhiều hộ trồng su su ở xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) rất lo lắng vì giá su su đang ở mức thấp.

Một vườn su su bị chủ vứt bỏ do giá quá thấp. Ảnh: Thanh Yên.

Ông Trương Văn Thức, trú tại xóm 3 (xã Quỳnh Liên) cho hay gia đình trồng 1 ha và cho thu hoạch từ cuối tháng 11 (âm lịch) năm ngoái. Thời điểm cuối tháng 11 đầu 12 (âm lịch) giá su su 3.000 - 4.000 đồng một kg, nhưng đến 20/12 (âm lịch) chỉ còn 200 - 300 đồng một kg.

"Thời gian giá cầm chừng 200 - 300 đồng một kg kéo dài khoảng một tháng, tới tuần trước thì nhích lên 1.000 đồng", ông Thức kể và cho biết nguyên nhân su su rớt giá là do dịp Tết Nguyên đán thương lái nghỉ mua và những ngày ra năm mới, sức tiêu thụ ít.

Theo nông dân nơi đây, nếu được mùa và với mức 3.000 - 4.000 đồng một kg thì một ha su su sau khi trừ chi phí, người trồng thu được hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên với giá 1.000 đồng mỗi kg, người nông dân đang bị lỗ nặng.

"Thời điểm giá 200 đồng một kg, nhiều hộ dân đã để su su rụng đầy gốc hoặc vứt bỏ mà không thèm gom bán vì không bõ công sức", một hộ dân nói.

Một vườn su su tại Quỳnh Liên. Ảnh: Thanh Yên.

Ông Nguyễn Ngọc Tăng - Chủ tịch xã Quỳnh Liên cho biết, toàn xã có 1.500 hộ thì có khoảng 200 hộ trồng su su với tổng diện tích 80 ha. Cây trồng này cũng được nông dân nơi đây canh tác vài chục năm nay theo diện tự phát mà không ký kết thu mua với đơn vị nào. Ước tính mỗi năm sản lượng su su tại địa phương đạt hàng chục nghìn tấn. Nếu với mức giá 3.000 - 4.000 đồng một kg thì đây là cây trồng cho thu nhập tốt hơn so với nhiều hoa màu khác.

"Với mức 1.000 đồng một kg như hiện nay thì người dân không còn vứt bỏ. Dự báo trong thời gian tới giá có thể tăng trở lại", ông Tăng nói.

Nguyễn Hải

Hiệp hội mắc ca khuyên người dân không mua giống trôi nổi

Nguồn tin: VnExpress

Để phát triển cây mắc ca thành cây trồng chiến lược, nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng quy trình sản xuất giống theo tiêu chuẩn chất lượng.

Cây mắc ca được nhập vào Việt Nam từ 1994 với số lượng nhỏ và diện tích tăng dần từ năm 2003, cho đến nay ước tính lên đến vài triệu cây. Vì là cây trồng nhập nội còn mới nên thông tin về giống và quy trình canh tác cũng như công tác nghiên cứu đang tiếp tục triển khai từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay với sự gia tăng nhanh chóng diện tích, nhiều cơ sở, hộ gia đình đã tự ươm giống mắc ca không xuất phát từ cây đầu dòng khiến cho chất lượng giống không đảm bảo, cây sau khi trưởng thành sẽ đậu quả kém.

Chuyên gia đến từ Australia hướng dẫn người dân tại Lâm Đồng cách phân biệt, lựa chọn giống mắc ca tốt. Ảnh: Khánh Hương

Tại Hội thảo phát triển và nâng cao chất lượng cây giống mắc ca do Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức, các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển cây mắc ca ở Việt Nam, trong đó giống cây trồng có vai trò quan trọng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho rằng, một cây giống sinh tồn và phát triển cho cả một chu kỳ mấy chục năm thì người trồng phải tính toán kỹ. Nếu mua giống không rõ nguồn gốc, sau này không hiệu quả thì mất mát rất lớn. Người dân nên mua giống tại các cơ sở có uy tín, được xác nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất giống từ cây đầu dòng.

"Nếu người dân chọn nhầm giống không tốt sẽ thiệt hại rất lớn, vì trồng vài năm cây mới cho quả. Thiệt hại về kinh tế khi phải chăm sóc, chờ đợi nhưng thiệt hại lớn nhất là niềm tin vào loại cây trồng đó", chuyên gia Nguyễn Lân Hùng chia sẻ.

Còn ông Võ Duẩn, Giám đốc Công ty TNHH Him Lam Mắc ca phân tích, cây đầu dòng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất cây giống mắc ca ghép. Do đó cây đầu dòng phải là cây được định danh rõ ràng, được trồng khảo nghiệm và được công nhận phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại vùng trồng đã ra hoa đậu quả, cho năng suất ổn định ít nhất 3 năm trở lên mới được khai thác hom ghép.

Khánh Hương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop