Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 07 tháng 6 năm 2019

Bắc Giang: Doanh thu vải thiều và dịch vụ phụ trợ ước đạt hơn 1,4 nghìn tỷ đồng

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Theo Sở Công Thương Bắc Giang, đến nay, tổng doanh thu vải thiều và dịch vụ phụ trợ ước đạt hơn 1,4 nghìn tỷ đồng.

Điểm thu mua, đóng gói vải thiều tại phố Kim, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn)

Trong đó, toàn tỉnh đã tiêu thụ hơn 30,2 nghìn tấn vải thiều, tổng giá trị đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng. Các dịch vụ phụ trợ như sản xuất thùng xốp, đá cây, vận tải, lao động, ngân hàng... đạt giá trị hơn 350 tỷ đồng.

Hiện nay, vải thiều tại các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế đang được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa.

Thống kê cho thấy, mỗi ngày chợ đầu mối Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) tiếp nhận hơn 2 nghìn tấn vải thiều từ Bắc Giang vào tập kết, phân phối đến thị trường các tỉnh phía Nam.

Toàn tỉnh đã thu hút hơn 300 thương nhân Trung Quốc đến thu mua vải thiều, ước tính mỗi ngày có hàng nghìn tấn vải thiều được xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới này.

Văn Thương

Trồng mít Thái tự phát, rủi ro lớn!

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Gần đây, giá trái mít Thái trên thị trường giảm mạnh so với trước nhưng diện tích trồng mít Thái vẫn tiếp tục tăng tại nhiều địa phương. Bất chấp cảnh báo nguy cơ rủi ro, nhiều nông dân vẫn đẩy mạnh trồng mít theo kiểu tự phát, theo phong trào mà không biết tương lai đầu ra sẽ như thế nào...

Mua bán mít Thái giống tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, giá mít Thái loại 1 (loại 10 kg/trái trở lên) đang được nhiều tiểu thương thu mua với giá 12.000-13.000 đồng/kg, giảm khoảng 30.000 đồng/kg so với cách nay 1-2 tháng. Các năm 2017, năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, giá trái mít Thái thường xuyên ở mức cao, từ 40.000-55.000 đồng/kg, thậm chí có một số thời điểm giá lên tới 60.000-65.000 đồng/kg. Nguyên nhân do mít Thái được thương lái thu mua xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc. Theo nhiều nông dân, với giá mít Thái từ 10.000 đồng/kg là nông dân có thể “sống khỏe”, còn giá từ 40.000-55.000 đồng/kg, nhiều nông dân dễ dàng có thể trở thành tỉ phú khi mỗi héc-ta mít cho thu nhập trên dưới 1 tỉ đồng/năm. Do vậy, mít Thái vẫn còn là cây trồng hấp dẫn đối với nhiều nông dân. Bởi chỉ cần trồng từ 12 đến 15 tháng cây mít Thái đã bắt đầu cho trái, nếu chăm sóc tốt năng suất trung bình có thể đạt 20-25 tấn/ha/năm.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2017 diện tích trồng mít Thái cả nước khoảng 21.075ha, đến năm 2018 tăng lên 26.174ha, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng trên 307.530 tấn, vùng ĐBSCL có diện tích lớn nhất cả nước, với hơn 10.100ha, trong đó có hơn 6.396ha đang cho thu hoạch. Tổng diện tích mít Thái trồng mới cả nước trong năm 2017 đến 2018 là 5.789ha, diện tích trồng mới tăng nhanh nhất tại các tỉnh ĐBSCL, với tổng diện tích từ năm 2017 đến nay là 5.129ha. Cụ thể, năm 2017 là 581ha, năm 2018 là 2.407ha, từ đầu năm 2019 đến nay là 1.141ha, tập trung nhiều tại tỉnh Tiền Giang và Hậu Giang.

Trước thực tế trên, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần rà soát lại diện tích mít Thái đã trồng, có định hướng cụ thể vùng sản xuất, tránh để nông dân phát triển “nóng”, sản xuất trên những vùng đất không phù hợp, có nguy cơ ngập úng trong mùa lũ, xâm nhập mặn trong mùa khô. Tăng cường công tác quản lý giống, quản lý tốt cây đầu dòng, vườn đầu dòng và các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn. Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh tới người sản xuất, đặc biệt các giải pháp kỹ thuật cụ thể cho các hình thức khác nhau như: trồng xen, trồng thuần trên đất lúa... Đồng thời, có chính sách hỗ trợ trong liên kết sản xuất theo hướng quản lý vùng trồng được bao tiêu và hợp đồng sản xuất.

Để giảm thiểu rủi ro cho người trồng mít Thái, vừa qua Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cũng đã gửi Công văn yêu cầu Sở NN&PTNT các địa phương cần thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc chuyển đổi cây trồng đúng kế hoạch, theo tín hiệu thị trường, tránh hiện tượng chuyển đổi tự phát, theo phong trào. Rà soát lại diện tích đã chuyển đổi, thực hiện chuyển đổi theo đúng hướng dẫn của Thông tư 19/2017/TT-BNNPTNT ngày 9-11-2017 và Quyết định 586/QĐ-BNN-TT ngày 12-2-2018 của Bộ NN&PTNT về Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2017-2020. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ cây giống, hướng dẫn người dân trình tự thủ tục chuyển đổi, kỹ thuật trồng, chăm sóc đảm bảo hiệu quả cao trong chuyển đổi cây trồng và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Huyện Long Mỹ (Hậu Giang): Quản lý bệnh ‘thối rễ chết cành’ trên cây mãng cầu xiêm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) vừa tổ chức triển khai thực hiện mô hình quản lý bệnh “thối rễ chết cành” trên cây mãng cầu xiêm, tại xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ.

Mô hình được triển khai trên cây mãng cầu xiêm tại nhà ông Trần Phú Quốc, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, với diện tích khoảng 2.000m2. Trong đó, 1.000m2 thực hiện mô hình và 1.000m2 còn lại làm đối chứng. Thời gian thực hiện từ tháng 6-2019 và đến tháng 11-2019 sẽ tổng kết. Tại buổi triển khai, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã hướng dẫn người dân cách nhận biết các triệu chứng, nguyên nhân, điều kiện phát sinh và phát triển bệnh, quy trình trị bệnh “thối rễ chết cành”.

Được biết, toàn huyện Long Mỹ hiện có trên 150ha mãng cầu xiêm, chủ yếu tập trung tại xã Thuận Hòa.

MINH TIẾN

Bình Tân (Vĩnh Long): Trên 80% diện tích đất dành cho khoai lang tím Nhật

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long), từ đầu năm 2019 đến nay, nông dân trong huyện đã xuống giống gần 9.000ha khoai lang các loại, trong đó, khoai lang tím Nhật chiếm trên 80% tổng diện tích.

Ngoài giống khoai lang tím Nhật giữ vai trò chủ đạo, trong thời gian gần đây, nông dân huyện Bình Tân ngày càng chú ý hơn đến các loại giống tiêu thụ thị trường nội địa như: khoai sữa, khoai trắng giấy, khoai đỏ, khoai cao sản,...

Đồng thời, tìm kiếm các giống khoai mới đưa vào sản xuất thử nghiệm nếu sản lượng và chất lượng đạt yêu cầu cũng như đáp ứng thị hiếu nhu cầu của thị trường thì sẽ mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Hiện giá khoai lang tím Nhật dao động từ 500.000- 600.000 đ/tạ, các giống khác cũng dao động từ 200.000- 400.000 đ/tạ. Với mức giá như hiện nay, tùy vào năng suất và chất lượng củ, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân có lời từ 8- 12 triệu đồng/công.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nông dân huyện Bình Tân cần sản xuất khoai lang theo hướng luân canh, rải vụ và đa chủng loại giống, không nên trồng ồ ạt giống khoai lang tím Nhật trong cùng một thời điểm vì sẽ dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

TRUNG THÀNH

Giá lúa hè thu giảm

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang thu hoạch lúa hè thu. Song, trái với mong đợi, giá lúa hiện đang giảm so với tháng trước.

Nông dân có lúa hè thu đang thu hoạch gặp nhiều khó khăn

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện đang thu hoạch hơn 50 ngàn ha lúa hè thu. Các trà lúa khác đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng...

Nhiều nông dân thu hoạch lúa hè thu cho biết, hiện lúa tươi giống IR 50404 có giá 4.300 đồng/kg; OM 5451 giá 4.500 - 4.600 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 4.600 đồng/kg; Nàng hoa 9 giá 4.700 đồng/kg, giảm khoảng 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm tháng trước.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân khiến giá lúa tươi giảm là do thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, lượng lúa cung ứng có kích thước không phù hợp với nhu cầu thu mua của doanh nghiệp xuất khẩu.

Trang Huỳnh

Trồng mì ruộng: Cần quan tâm hệ thống tiêu thoát nước

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Dù mới vào mùa mưa, nhưng gần một tháng qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh liên tục có những cơn mưa lớn khiến nhiều diện tích mì vụ Đông Xuân ở vùng đất thấp có nguy cơ ngập úng, buộc nông dân phải thu hoạch mì non.

Người dân ấp Sa Nghe, xã An Cơ hối hả nhổ mì chạy mưa.

Đang tất bật cùng hơn chục nhân công hối hả nhổ mì tránh ngập, ông Nguyễn Văn Phương (ngụ ấp Sa Nghe, xã An Cơ, huyện Châu Thành) cho biết, vụ mì Đông Xuân năm 2019, ông trồng gần 10 ha. Do những ngày qua mưa nhiều nên ông phải gấp rút thuê người thu hoạch dù mì chỉ mới hơn 5 tháng tuổi. Theo ông Phương, hiện các nhà máy thu mua với giá tương đối cao, khoảng 2.800 đồng/ kg mì đủ 30 điểm bột. Tuy nhiên, do thu hoạch sớm nên mì của ông chỉ đạt khoảng 21 đến 23 điểm bột, giá bán vì thế cũng thấp, khoảng 1.700 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, ông Phương xem như hoà vốn.

Ông Tùng, một nông dân khác cũng đang tranh thủ nhổ mì “chạy mưa” cho biết, mì trồng phải từ 7 - 8 tháng mới có thể thu hoạch để đạt được năng suất và điểm bột cao. Nhờ đó nông dân mới bán có giá và có lợi nhuận khá. Nhưng đó là điều kiện lý tưởng khi mì trồng trên đất cao. Còn trồng mì ruộng như ông thì gần như năm nào cũng phải thu hoạch sớm. “Giờ thu hoạch sớm nên củ nhỡ, năng suất thấp, ít bột nhưng nếu so với trồng lúa thì trồng mì vẫn nhẹ nhàng và lợi nhuận cao hơn”, ông Tùng nói thêm.

Theo anh V.H - một thương lái thu mua mì, vài năm trở lại đây, nhiều loại cây trồng như mía, cao su và lúa liên tục rớt giá nên nhiều người đổ xô trồng mì vì đây là cây trồng ít tốn công chăm sóc và hiện đang cho hiệu quả kinh tế khá. Tuy nhiên, vào thời điểm mưa nhiều, người dân lo lắng phải tranh thủ nhổ mì sớm thì mới đây, một lò mì trên địa bàn xã An Cơ lại thông báo giá thu mua củ mì giảm khiến nhiều người hoang mang. Bởi thu hoạch mì “chạy mưa” đã là một thất thoát lớn đối với nông dân mà giá bán lại thấp thì đúng là “hoạ vô đơn chí”.

Trái ngược với nông dân trồng mì ruộng tại các vùng đất thấp ở một số xã tại huyện Châu Thành, hiện phần lớn diện tích trồng mì ruộng trên địa bàn các xã Bàu Năng, Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu), xã Tân Hưng (Tân Châu) vẫn chưa phải thu hoạch. Ruộng mì tại các khu vực này vẫn thoát nước tốt nên người trồng mì có thêm thời gian để cây mì trưởng thành.

Theo một cán bộ lãnh đạo UBND xã Phước Ninh, vụ mì này nắng nhiều nên người trồng mì ruộng trên địa bàn xã “được mùa”, thu hoạch trễ hơn mọi khi. Toàn xã Phước Ninh hiện có khoảng 2.400 ha mì, trong đó rất nhiều diện tích mì ruộng. Gần đây tuy đã có vài cây mưa lớn nhưng cũng chỉ mới có một số ít người trồng mì ở vùng trũng thấp cho thu hoạch, còn lại vẫn đang phập phồng trông vào thời tiết.

Ông Huỳnh Hưng Thời - Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Năng cho biết, thông thường, mì ruộng trồng trên địa bàn xã được thu hoạch muộn hơn những vùng khác khoảng 20 ngày và hiện nay vẫn chưa thu hoạch. Sau những cơn mưa vừa qua, do các ruộng mì ở đây có đường thoát nước tốt nên chưa xảy ra tình trạng mì bị ngập, phải thu hoạch sớm.

Chủ một lò mì trên địa bàn xã Bình Minh (TP. Tây Ninh) chia sẻ, những ngày qua, lò mì đã bắt đầu thu mua mì ruộng của nông dân ở khu vực Mỏ Công (Tân Biên), An Cơ (Châu Thành)… Mì dù được nông dân thu hoạch sớm cũng đạt khoảng trên 20 chữ bột. Sau khi trừ khoảng 10 đến 15% tạp chất thì giá bán trung bình cũng đạt trên 1.700 đồng/kg. Với năng suất bình quân 35 tấn/ha, so với lúa, người trồng mì vẫn có lãi khá hơn.

Nông dân hy vọng với sự đồng hành của ngành nông nghiệp tỉnh, nhất là các dự án thuỷ lợi kênh tiêu đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới tại một số địa phương trong tỉnh, người trồng mì ruộng không còn cảnh “cá cược” với thiên nhiên!

THIÊN TÂM - MINH DƯƠNG

Bà Rịa - Vũng Tàu: Vùng nuôi tôm Lộc An là vùng nông nghiệp công nghệ cao

Nguồn tin:  Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản công nhận Vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) Lộc An (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) là vùng nông nghiệp ƯDCNC kể từ ngày 1-6.

Theo đó, vùng nuôi tôm Lộc An đáp ứng đủ các điều kiện: là vùng sản xuất tập trung, ƯDCNC trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Hiện tại, vùng nuôi tôm ƯDCNC Lộc An có 2 cơ sở sản xuất kinh doanh gồm: Công ty TNHH nuôi trồng Thủy sản Minh Phú - Lộc An (ấp An Bình, xã Lộc An) hoạt động nuôi trồng thủy sản ƯDCNC và Công ty TNHH Ngọc Tùng (phường 12, TP. Vũng Tàu) hoạt động chế biến, bảo quản thủy sản; nuôi trồng thủy sản nội địa; sản xuất giống thủy sản ƯDCNC. Các DN này khi có đề án, phương án sản xuất nông nghiệp ƯDCNC sẽ được xem xét hỗ trợ tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ.

QUANG VINH

Hàng Việt lên sàn thương mại điện tử Lazada và Amazon: Cơ hội rộng mở

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Hợp tác giữa cơ quan chức năng với hai sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới là Lazada, Amazon đã và sẽ mang lại cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong quảng bá, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để tận dụng thành công, doanh nghiệp cần sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Sàn thương mại điện tử Lazada đã triển khai chương trình đầu tiên trong khuôn khổ dự án “Làng nghề đặc sản online” tại Việt Nam với mong muốn tạo điều kiện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các vùng nông thôn trên toàn quốc tiếp cận mô hình thương mại điện tử, đưa hàng hóa chất lượng cao không chỉ đến với người tiêu dùng trong nước, mà cả thị trường thế giới.

Dừa Bến Tre và các sản phẩm từ dừa được Lazada đưa lên sàn thương mại điện tử.

“Ngày của Làng dừa Bến Tre” được khởi động từ 00h00 và kết thúc lúc 23h59 ngày 20-5 trên sàn Lazada với nhiều ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng như giảm giá đến 50%, mua 1 tặng 1 và hàng loạt phiếu ưu đãi giảm giá 12% cho các sản phẩm làm từ dừa. Lazada cũng dành tặng 50.000 đồng phí vận chuyển cho các đơn hàng trên 99.000 đồng khi đặt mua sản phẩm của Làng dừa Bến Tre trong ngày này trên toàn quốc…

Các nhóm sản phẩm được giới thiệu trong “Ngày của Làng dừa Bến Tre” trên Lazada gồm: Thực phẩm từ dừa (kẹo dừa, nước dừa đóng hộp, thạch dừa…), mỹ phẩm từ dừa (dầu dừa, son dưỡng, dầu gội, xịt chống muỗi…), thủ công mỹ nghệ (bộ muỗng, đũa; bộ ấm trà…).

Tham gia chương trình, bà Nguyễn Thị Kim Truyền - chủ cơ sở sản xuất dầu dừa và nước màu dừa Thiên Ân chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên cơ sở tôi bán hàng trực tuyến. Đội ngũ nhân viên của Lazada đã hướng dẫn và hỗ trợ từ các khâu thủ tục, thanh toán, giao nhận… để sản phẩm của tôi được chính thức có mặt trên trang".

Ông Max Zhang - Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam cho biết: Sau "Ngày của Làng dừa Bến Tre”, dự án “Làng nghề đặc sản online” sẽ lần lượt triển khai tại nhiều địa phương có các đặc sản truyền thống nổi tiếng khác trên khắp cả nước. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh khi tham gia dự án này sẽ được Lazada hỗ trợ miễn phí mở gian hàng và các chương trình đào tạo bán hàng online, các hỗ trợ về thiết kế, hình ảnh gian hàng, dán nhãn đặc sản nếu đã có đăng ký chỉ dẫn địa lý… Việc xuất khẩu hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử quốc tế cũng được Lazada Việt Nam hỗ trợ về mặt thông tin và thủ tục cần thiết.

Theo ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Phát triển dịch vụ trực tiếp của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), việc các doanh nghiệp thương mại điện tử hiện nay chú trọng chất lượng sản phẩm, đồng thời đa dạng hóa mặt hàng đã thu hút sự tham gia của các thương hiệu lớn. Đây là những “điểm sáng” để kích cầu tiêu dùng, đồng thời củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với các kênh mua sắm trực tuyến.

Để nắm bắt cơ hội...

Có thể thấy, hệ sinh thái thương mại điện tử đang phát triển là nhờ vào sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp, mang đến nhiều chương trình khuyến mãi uy tín, khắc phục tình trạng “khuyến mãi ảo”.

Ở góc độ khác, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận các chương trình bán hàng chất lượng với mức giá ưu đãi. Chị Nguyễn Thu Hoài, nhân viên kế toán - Khách sạn Hilton (quận Hoàn Kiếm) vui vẻ chia sẻ: Những chương trình đưa đặc sản của các vùng, miền lên sàn thương mại điện tử như thế này thực sự rất thú vị. Chỉ cần click chuột, hoặc gọi điện lên tổng đài, mình đã chọn mua được khá nhiều sản phẩm chất lượng như nước dừa đóng hộp, son dưỡng và tinh dầu dừa với giá ưu đãi...

Để có được điều này, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling đã thống nhất thực hiện kế hoạch phối hợp trong giai đoạn từ nay đến 2021 với các nội dung chính như: Chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam về thương mại điện tử; chương trình phát triển thương hiệu trên thương mại điện tử với Amazon; chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử.

Trong đó, chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử đã lựa chọn 100 doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tiềm năng để đào tạo kỹ năng, hỗ trợ tư vấn trực tiếp và kết nối với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ đã được thiết kế riêng cho chương trình để đưa sản phẩm xuất khẩu lên hệ thống thương mại điện tử Amazon tại Hoa Kỳ trong tháng 6-2019.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, để chuẩn bị và tham gia tốt kênh bán hàng trực tuyến Amazon, Lazada, chính các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, việc gia nhập nền tảng thương mại điện tử B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) còn giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng, từ đó mở rộng được cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang sở hữu các sản phẩm tốt tham gia lớp đào tạo kỹ năng, kiến thức xuất khẩu qua thương mại điện tử cũng như tư vấn các giải pháp logistics, thủ tục xuất - nhập khẩu, giải pháp tài chính… nhằm khắc phục những điểm yếu hiện tại.

THANH HIỀN

Liên kết sản xuất để phát triển nông nghiệp bền vững

Nguồn tin:  Báo Đắk Nông

Liên kết sản xuất trong nông nghiệp đang góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, tạo hướng đi bền vững trong phát triển nông nghiệp.

Nông dân sản xuất theo quy trình liên kết giúp nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Từ năm 2018 đến nay được xem là thời kỳ “u ám” nhất của cây hồ tiêu Đắk Nông khi hàng ngàn hécta bị dịch bệnh, chết hàng loạt, cùng với giá cả xuống dốc không phanh. Thế nhưng, các hộ dân tham gia Hợp tác xã (HTX) hồ tiêu hữu cơ Đắk R’moan (xã Đắk R’moan, Gia Nghĩa) không bị cuốn vào vòng xoáy này. Tất cả các hộ dân không có hồ tiêu bị chết, trong khi giá bán lại cao hơn thị trường.

Trước đây, với 3 ha hồ tiêu, ông Phan Văn Thuận, trú tại thôn Tân Hòa, xã Đắk R’moan) thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, nhưng nhiều trụ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh. Trong lúc đang mông lung, ông Thuận đã biết đến mô hình sản xuất tiêu hữu cơ của HTX mới được thành lập trên địa bàn. Thế rồi, tham gia HTX, ông Thuận được hướng dẫn sản xuất theo quy trình hữu cơ, sử dụng phân chuồng hoai mục, kết hợp phân lân, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc. Nhờ vậy, vườn hồ tiêu chẳng những không bị chết mà còn có giá bán cao hơn giá tiêu xô các thương lái đang thu mua ngoài thị trường.

Ông Thuận chia sẻ: "Sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ có nhiều ưu điểm như cây rất ít bệnh, an toàn với người sản xuất, năng suất được giữ mức ổn định, trung bình đạt từ 3-4 tấn/ha, chăm sóc tốt đạt từ 5 tấn/1 ha. Hiện tại, HTX đang ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Bách Sinh bao tiêu sản phẩm, cao hơn giá thị trường 3.000 đồng/kg hồ tiêu nếu sản phẩm sạch, còn nếu đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì giá sẽ tăng cao gấp nhiều lần".

Tương tự, đầu năm 2017, ông Phạm Đình Bộ ở thôn 3, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) tham gia vào HTX Nông nghiệp, Thương mại, Dịch vụ Quyết Tâm có trụ sở tại địa bàn. Ông được cán bộ HTX trực tiếp xuống vườn dùng máy đo độ pH và độ dinh dưỡng trong đất. Từ kết quả đo được, ông được HTX tư vấn, hướng dẫn cách đầu tư phân bón và kỹ thuật canh tác hiệu quả vườn cà phê của gia đình. Bên cạnh đó, ông được tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, được HTX cung cấp các vật tư nông nghiệp thấp hơn ngoài thị trường nên tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất. Vì vậy, vườn cà phê của gia đình ông phát triển tốt, ổn định, chất lượng cao, năng suất đã tăng lên từ 3,7- 4 tấn/ha, lợi nhuận mỗi hécta tăng từ 20-40 triệu đồng. HTX đã trực tiếp đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên với giá cao hơn thị trường từ 3.500 đồng- 6.000 đồng/kg.

Liên kết đầu ra, đầu vào sẽ giúp người sản xuất giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất

Doanh nghiệp và nông dân phải có sự kết nối chặt chẽ

Sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực “trụ cột” trong phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Nông. Để nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tham gia các mô hình liên kết phát triển sản xuất giúp giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc liên kết sản xuất giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp đã từng bước đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường, cung cấp sản phẩm đủ về số lượng, đồng đều về chất lượng, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Những nông dân sau khi tham gia các HTX, sản xuất theo chuỗi liên kết đã thay đổi tư duy, nhận thức, sản xuất theo quy trình canh tác an toàn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Việc nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ truyền thống sang an toàn là điều rất đáng khích lệ và cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thị trường, thương hiệu thực phẩm an toàn. Hơn nữa, việc “bắt tay” với nông dân là giải pháp phát triển phù hợp với đặc thù và xu hướng phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp.

Tuy nhiên, để sự hợp tác này có hiệu quả và bền vững, cả doanh nghiệp và nông dân cần phải có sự kết nối chặt chẽ với nhau, nêu cao trách nhiệm trên tinh thần tương hỗ. Về phía chính quyền địa phương cũng cần phải có sự tác động, can thiệp nhất định để nông dân nâng cao tính chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp, tạo nên nền tảng cơ bản, bền vững trong mối quan hệ với doanh nghiệp hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Theo ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, các HTX liên kết các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất cùng một quy trình theo chuỗi liên kết, đứng ra hỗ trợ, thực hiện cung ứng vật tư đầu vào và tổ chức thu mua nông sản cho thành viên. Để bảo đảm tính bền vững trong liên kết sản xuất, vai trò của HTX nông nghiệp hết sức quan trọng. HTX phải đại diện các hộ dân, đứng ra tổ chức sản xuất, làm đầu mối ký kết các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, vừa bảo đảm vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định, vừa tăng tính bền vững của hợp đồng liên kết.

Bài, ảnh: Phan Tuấn - Đức Hùng

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop