ĐBSCL chỉ còn trên mực nước biển 0,8m, nguy cơ di tản 12 triệu người
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Các nhà khoa học Hà Lan công bố phát hiện rằng ĐBSCL chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m (so với mức 2,6m theo công bố hiện tại), đồng nghĩa với nguy cơ 12 triệu dân vùng đồng bằng này sẽ phải di cư trong 50 năm tới.
ĐBSCL có nguy cơ chìm dưới nước trong vài chục năm tới - Ảnh: Grey Line
Dữ liệu mới nhất về tốc độ chìm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Communications ngày 28-8 bởi nhóm nghiên cứu của ĐH Utrecht (Hà Lan), dẫn đầu bởi nhà địa chất Philip Minderhoud.
Sau quá trình nghiên cứu và đo đạc trên thực địa, học giả Minderhoud và các cộng sự phát hiện khu vực hạ nguồn sông Mekong - tức ĐBSCL - thực tế chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được trích dẫn (2,6m).
Với tốc độ chìm hiện nay, nước biển sẽ "xóa" khoảng cách 0,8m này trong 57 năm tới. Điều này đồng nghĩa số người dân chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó (nhóm khoa học Hà Lan ước tính 12 triệu người).
Ông Torbjörn E. Törnqvist, nhà địa chất thuộc ĐH Tulane (Mỹ), nhận xét với đà này, không chỉ khu vực Mekong, các vùng châu thổ trên khắp thế giới cũng có nguy cơ chịu chung số phận. "Tôi chỉ hi vọng phát hiện mới sẽ đánh động mọi người rằng những dữ liệu chúng ta đang có trong tay không đúng với tầm mức của nguy cơ", ông bình luận.
Theo tạp chí Scientific American, ở nhiều quốc gia đang phát triển, người ta đánh giá cao độ của địa hình dựa trên dữ liệu vệ tinh toàn cầu, thiếu các chỉ số đo đạc thực địa; nhưng dữ liệu vệ tinh lại không chính xác khi ước lượng cao độ thẳng của các khu vực trũng.
Vì lý do đó, nhà địa chất Törnqvist bổ sung thêm dữ liệu địa hình không chính xác sẽ dẫn đến dự báo sai về tốc độ chìm của các vùng châu thổ. Ngoài Mekong, hàng chục triệu người ở các vùng đồng bằng như sông Hằng (Bangladesh, Ấn Độ), Irrawaddy (Myanmar)... cũng chịu chung nguy cơ.
Khác với cấu tạo đá của các bờ biển lục địa, các vùng châu thổ được hình thành từ lớp phù sa mềm tích tụ qua hàng ngàn năm, dễ nén và dễ chìm. Tình trạng sụt lún có thể diễn ra nhanh hơn khi các con đập trên thượng nguồn chặn dòng phù sa, hoặc khi nước ngầm, khí đốt... bị rút khỏi lòng đất.
Việc xây dựng hạ tầng đô thị, đường sá... cũng làm giảm lượng nước thấm xuống lòng đất, khiến các túi nước nâng đỡ vùng đất không kịp phục hồi.
Tất cả các yếu tố trên là những gì đã và đang diễn ra ở ĐBSCL trong vài chục năm qua. Một vài khu vực đồng bằng thậm chí đang chìm với tốc độ gần 5cm/năm - thuộc hàng nhanh nhất thế giới.
Thực ra, các dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện từ khá lâu. Cách đây 10 năm, nhà hải dương học người Mỹ James Syvitski (ĐH Colorado) đã đăng tải một công trình nghiên cứu cảnh báo rằng nhiều vùng châu thổ của thế giới sẽ đối mặt với ngập lụt thảm họa trong thế kỷ 21.
Ông Syvitski dự báo dựa trên thông tin thu thập bởi tàu con thoi Endeavour trong một sứ mệnh do đạc địa hình (SRTM) kéo dài 11 ngày vào tháng 2-2000. Khảo sát toàn cầu này được Bộ Quốc phòng Mỹ dùng cho mục đích quân sự nhưng họ cũng chia sẻ cho các nghiên cứu dân sự.
PHÚC LONG
Chờ mùa lũ về
Nguồn tin: Báo An Giang
Người dân An Giang có câu: “Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ” là thời điểm nước lũ về tràn ngập ruộng đồng, để cùng nhắc nhau sớm thu hoạch nông sản, hoa màu nếu không sẽ gây thiệt hại. Nhưng năm nay, đã hết tháng 8 mà nước lũ vẫn còn thấp hơn so với các năm trước.
Đợi nước vào đồng
Hàng năm, cứ đầu tháng 7, nước từ thượng nguồn đổ về sông Cửu Long mang theo phù sa, tôm cá tràn vào ruộng đồng. Vậy mà đến thời điểm hiện nay, cánh đồng thuộc các huyện: An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, TX. Tân Châu nằm ven kênh rạch, sông Hậu, sông Tiền… khô cạn phù sa. Nước rất thấp so với độ cao bờ ruộng cho nên không thể tràn đồng. Đã hơn 30 năm gắn bó cùng cây lúa, cũng là bấy nhiêu năm ông Phan Văn Dũng (55 tuổi, xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) đón lũ, nhưng chưa bao giờ thấy con nước thấp như vậy. Theo ông Dũng, năm 2015 lũ thấp nhưng mực nước vẫn vào được đến đồng, có lũ bà con nhà nông mở đồng đón, vừa tháo chua rửa phèn, vừa cho đất nghỉ ngơi. “Nước lũ vào đồng giúp nông dân xua đuổi chuột bọ, sâu rầy, đè chết cỏ dại, bà con không tốn tiền mua thuốc trừ cỏ hay tiền mua phân bón cho đất. Vậy mà bây giờ, nước ở đồng chỉ xâm xấp, phần nhiều do nước mưa ứ đọng”- ông Dũng lo ngại.
Người dân chờ lũ về từng ngày
Theo kế hoạch, năm nay An Giang cho xả lũ hơn 20.000ha để giảm áp lực năng suất lúa nếp và làm đất thêm phì nhiêu. Nhưng với tình hình nước lũ thấp như thế, nhà nông lo ngại lượng phù sa vào đồng sẽ giảm. Lão nông Nguyễn Văn Đàng (ấp Bình Quới 1, xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân) cho biết, mấy năm trước, nước lũ về, địa phương chủ trương mở đồng đón lũ, được phù sa bồi đắp, nhờ vậy giúp nông dân bớt tốn kém từ 200-300.000 đồng/công cho tiền mua thuốc xịt cỏ, phân bón, thuốc diệt côn trùng. “Ruộng đồng có phù sa nhìn khác hẳn, lúa nếp gì cũng đều tươi tốt, xanh mơn mởn, bớt tốn kém chi phí phân, thuốc mà lại có năng suất. Vậy mà năm nay nước lũ vẫn chưa về, nông dân tụi tui chờ nước về từng ngày, mà giờ này rồi, còn gì mà lũ nữa”- ông Đàng tiếc nuối.
Cá linh không về
Năm 2018, ngành chức năng phải cho xả lũ sớm hơn thường lệ ở 2 đập Tha La và Trà Sư (Tịnh Biên) nhằm giảm áp lực nước tránh vỡ đập. Nhưng năm nay, nước lũ tại 2 đầu bờ đập này khô queo. “Vụ lúa vừa qua giá thấp nên lỗ, chờ lũ về kiếm tôm, cá còn gỡ gạc, nhưng ai ngờ được đã thất bát mùa lúa, nay lại không có lũ làm gì có cá mà trông”- ông Dương Minh Thiện, xã Phước Hưng (Tịnh Biên) than thở. Nhà được 10 công đất trồng lúa, năm nào lũ cũng vào đồng nên ông Thiện tranh thủ bắt cá linh, cá sông, cá đồng, 1 ngày “trúng mánh” dính vài chục kg cá đem ra chợ bán từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Khi lũ rút, không chỉ riêng gia đình ông Thiện mà hầu như nhà nào cũng dư giả vài chục triệu đồng từ nguồn lợi cá tự nhiên. Nhưng năm nay lũ thấp, tôm cá từ thượng nguồn không về.
Những con cá linh ít ỏi ở những năm trước đến giờ vẫn chưa xuất hiện
Điều lo nhất của ngư dân vùng đầu nguồn là mất trắng mùa cá linh, loài cá chỉ xuất hiện trong nước lũ với số lượng rất lớn, giúp nhiều gia đình có được ăn cái ăn, cái mặc. Thông thường, cá linh tháng 7 đã có và tháng 8 cá lớn bằng đầu đũa bán từ 70.000-300.000 đồng/kg, nhưng đến giờ, ngư dân thả lưới trên sông, rạch chỉ bắt được cá chốt, cá lăng, cá sát, cá hú… Không có con cá linh non nào dính lưới, đây là điều chưa từng xảy ra trong nghề cá. Ông Nguyễn Văn Lợt (xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) sống gần 30 năm với nghề cá lo lắng bởi một ngày thả lưới có khi về tay không. “Mấy ngày nay, các vựa cá gọi điện hỏi tôi mua cá nhưng cá mắm ít quá nên đâu có mà bán”- ông Lợt cho biết. Nước không có, không chỉ người dân An Giang mà cả bà con miền Tây sắp phải đối mặt với mùa lũ cạn phù sa, cạn tôm cá, làm đảo lộn cuộc sống và sản xuất của nông dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, ứng phó tình trạng khô hạn, cạn lũ, thiếu nước tưới tiêu, tỉnh sẽ tập trung nạo vét các hồ trữ, bố trí những cây trồng tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng có lợi… Đồng thời, tỉnh cảnh báo người dân không nên chủ quan với lũ thấp hay không có lũ; yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành, địa phương lên kịch bản ứng phó lũ lớn, đề phòng tình huống từ thượng nguồn nước đổ về do mưa bão bất thường, do xả đập...
ÁNH NGUYÊN
Vùng bưởi Phúc Trạch chìm trong lũ
Nguồn tin: VnExpress
1.200 ha trồng bưởi ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang ngập trong nước, nguy cơ thối quả, giá bán giảm một nửa.
Nhiều ngày qua, người dân ở huyện Hương Khê phải bọc túi nylon cho bưởi để chống chọi với mưa lũ. Những quả nào bị bong túi nylon, nguy cơ rụng thì người dân hái xuống, bán rẻ.
Phúc Trạch là giống bưởi đặc sản của Hà Tĩnh, được trồng ở 22 xã, thị trấn của huyện Hương Khê với diện tích 2.400 ha; gần một nửa trong số này đang chìm trong nước lũ.
Hai hôm nay, nhiều người trồng bưởi ở các xã bị ngập nặng như Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Giang phải ra vườn hái bưởi cất vào nhà để tránh bị nước lũ gây rụng, thối quả.
"Bưởi trên cây bán 60.000 đồng một quả, nếu hái xuống hoặc ngâm nước, giá sẽ giảm một nửa. Nhà tôi có hơn 100 gốc bị ngập lũ, năm nay chắc lỗ vài chục triệu đồng", ông Nguyễn Trọng Huấn, trú xã Hương Trạch nói.
Mỗi cây bưởi Phúc Trạch cao khoảng 3 m nhưng nhiều nơi nước lũ đã ngập hơn 1 m. Ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch nói, xã có khoảng 1.350 tấn bưởi đang bị ngập úng, đối diện nguy cơ hư hỏng.
Ở những nơi chưa bị ngập, người dân dùng cọc gỗ chống vào cành bưởi để tránh quả sà xuống đất. "Bưởi ngâm nước thì vị ngọt và thơm sẽ giảm, giá cũng chỉ còn từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng mỗi quả", bà Nguyễn Thị Anh, trú xã Phúc Trạch, nói.
Vườn bưởi của bà Cao Thị Hường rộng hơn 1.000 m2 với hơn 100 gốc. Sáng 5/9, nước rút khoảng 30 cm, bà Hường tranh thủ ra vườn dọn dẹp những rác thải còn mắc trên cành cũng như quả bưởi.
Người nhà bà Hường múc nước lũ rửa từng quả bưởi, tránh rác thải bám vào.
Nhiều quả bưởi rụng, ngâm nước nhiều ngày nên đã bị thối.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hương Khê cho biết, hơn 1.000 ha bưởi bị ngập trị giá khoảng 300 tỷ đồng; nếu trời tiếp tục mưa thì phần lớn diện tích bưởi này sẽ mất trắng.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong 3 ngày qua các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa to với lượng phổ biến 250-450 mm, một số trạm mưa lớn, như: Vinh (Nghệ An) 430 mm, Hương Khê (Hà Tĩnh) 490 mm; Trường Sơn (Quảng Bình) 530 mm, Khe Sanh (Quảng Trị) 520 mm...
Đức Hùng
Liên kết canh tác nhãn theo hướng an toàn
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Nhận thấy việc sản xuất theo phương thức cũ không mang lại hiệu quả kinh tế cao, các thành viên Câu lạc bộ khuyến nông xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) cùng thành lập mô hình Tổ liên kết sản xuất nhãn Châu Thành (gọi tắt là tổ). Tuy hoạt động chưa lâu, nhưng tổ đã và đang phát huy hiệu quả trong việc liên kết, chia sẻ, giúp các thành viên phát triển kinh tế.
Tổ hợp tác liên kết nhãn Châu Thành giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác nhãn
Từ năm 2017, nhận thấy bà con sản xuất nhãn còn nhỏ lẻ, không chỉ hiệu quả kinh tế thấp mà còn ảnh hưởng đến môi trường do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng, ông Nguyễn Văn Ba - Chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyến nông xã An Phú Thuận vận động các thành viên cùng thành lập Tổ liên kết sản xuất nhãn Châu Thành (ông Nguyễn Văn Ba làm Tổ trưởng) với 76 nông dân đăng ký tham gia, sản xuất 35ha.
Xác định việc sản xuất nông nghiệp an toàn là kim chỉ nam, tổ luôn cập nhật các kỹ thuật sản xuất mới. Hàng tháng, tổ họp các thành viên nội dung xoay quanh các kỹ thuật sản xuất nhãn như: tỉa cành, tạo tán, cách canh tác; phương pháp hạn chế sử dụng thuốc BVTV nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, tổ được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ đầu tư nhà kho và hệ thống tưới phun tự động trên cây nhãn; hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn rải vụ...
Ông Nguyễn Văn Ba cho biết: “Các thành viên trong tổ được được Viện Cây ăn quả Miền Nam đồng hành, hỗ trợ kinh phí vật tư nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật sản xuất nhãn theo hướng VietGAP; thông tin tình hình dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất... Qua đó giúp nhà vườn nắm vững các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Là một trong những thành viên tham gia ngay từ những ngày đầu thành lập tổ, ông Nguyễn Văn Ửng cho biết: “Trước đây, chúng tôi trồng nhãn theo hình thức chăm bón truyền thống, chất lượng trái không cao; đầu ra chủ yếu là cung ứng tại các chợ do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, từ khi tham gia tổ, tôi được tập huấn, hướng dẫn sản xuất theo quy trình an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt về làm đất, bón phân, sử dụng các loại thuốc BVTV, đặc biệt là thời gian cách ly từ khi sử dụng thuốc BVTV và vệ sinh môi trường xung quanh, nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn rất nhiều”.
Bà Trương Thị Kim Ngân - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: “Thời gian qua, ngoài việc tập trung hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, huyện luôn quan tâm kết nối các công ty, doanh nghiệp và các hệ thống siêu thị,... tìm đầu ra ổn định cho trái nhãn và các loại nông sản khác của huyện. Trong đó, kết nối với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Vina T&T trong việc đầu tư nhà máy sơ chế thu mua nhãn của huyện; phối hợp Sở Công Thương Đồng Tháp tổ chức buổi thông tin chuyên đề “Tiêu chuẩn, quy cách và phương pháp đưa nông sản vào hệ thống Siêu thị Co.op mart...”.
Quy trình sản xuất nhãn theo hướng VietGAP được Tổ liên kết sản xuất nhãn Châu Thành thực hiện tương đối đơn giản và không vất vả về khâu chăm sóc. Cách này giúp giảm được hơn 50% nhân công và đặc biệt sâu bệnh ít xuất hiện. Các tổ viên được canh tác trong môi trường sạch, an toàn, đảm bảo sản phẩm phải sạch mới cung ứng cho thị trường.
Ngoài việc hạn chế sử dụng phân bón, trong quá trình sản xuất, nông dân trong tổ luôn có nhật ký và bố trí mật độ cây trồng phù hợp; thường xuyên thăm vườn, cắt tỉa nhãn để nuôi trái lớn; duy trì việc đo độ PH đất để kiểm soát tốt sinh thái đất. Trong mỗi vụ, nông dân cũng sử dụng phân hữu cơ vi sinh khoảng 3 lần xen kẽ. Sau khi thu hoạch, để giúp cây sớm phục hồi, nông dân sử dụng phân hữu cơ kết hợp phân chuồng; xử lý vôi nhằm khử clorat, kali còn tồn dư, nấm bệnh dại trong đất. Ông Nguyễn Hoàng Sang – thành viên tổ cho biết: “Ngày trước, do sử dụng thuốc không tuân thủ nên sản lượng và chất lượng cây nhãn rất thấp. Song, từ khi tham gia vào tổ sản xuất theo hướng VietGAP, sản phẩm nhãn được thương lái và doanh nghiệp thu mua với giá cao nên thu nhập bình quân mỗi năm cao hơn trước khoảng 30%”.
Ông Nguyễn Văn Ba đánh giá: “Qua hơn 1 năm hoạt động, tổ đã tạo được lòng tin của nông dân bằng chính hiệu quả kinh tế và các hoạt động hỗ trợ nhau trong sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật... góp phần đưa phong trào trồng nhãn ở xã An Phú Thuận nói riêng và huyện Châu Thành nói chung phát triển ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Khánh Phan
Mắc ca đang... ‘mắc cạn’
Nguồn tin: Báo Đắk Nông
Năm 2014, UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt Đề án phát triển 12.400 ha cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuy Đức đến năm 2020. Đó cũng là thời kỳ mà cây mắc ca mới "du nhập" vào Đắk Nông và tạo nên "cơn sốt" đối với nông dân. Thế nhưng, đến nay toàn huyện Tuy Đức chỉ mới phát triển khoảng 800 ha mắc ca và thực tế loài cây này chưa đáp ứng được kỳ vọng của nông dân. Xem ra Đề án phát triển 12.400 ha cây mắc ca đã gần như bị..."mắc cạn" nếu không nói là "phá sản".
Kỳ 1: "Bỏ thì thương, vương thì..."
Do được kỳ vọng nhiều đối với cây trồng mới mắc ca nhưng kết quả nhận được sau nhiều năm đầu tư chăm sóc chỉ là nỗi thất vọng, nên nhiều nông dân đã không còn mặn mà, tỏ ra bối rối với việc "lỡ" trồng loại cây này.
Nông dân xã Quảng Trực (Tuy Đức) thu hoạch cây mắc ca
Nỗi thất vọng của nông dân...
Những ngày cuối tháng 8, khi giá mắc ca đạt gần 100 nghìn đồng/kg, ông Đoàn Lê Anh, bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực cố thu hoạch vớt vát những trái mắc ca còn sót lại trong vườn để bán. Có 7 sào đất vừa trồng cà phê xen mắc ca, nhưng ông Đoàn Lê Anh cũng phải nhờ thêm người để hái vì trái cho không tập trung, rất tốn công. Vườn mắc ca do gia đình ông trồng gần chục năm tuổi, với nhiều loại giống khác nhau. Theo ông Đoàn Lê Anh, cũng vì trồng nhiều loại giống, nên trong vườn có cây cao, cây lại rất thấp; cây cho trái, cây không.
Trồng nhiều giống khác nhau, nên trong một vườn mắc ca cây thì tốt, cây trơ trụi lá
Thời gian qua, ông Đoàn Lê Anh đã đến nhiều địa phương trồng mắc ca như: Huyện Krông Năng (Đắk Lắk), Ba Vì (Hà Nội), Đức Trọng (Lâm Đồng)... để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Thế nhưng, các kinh nghiệm đó đều rất khó để áp dụng để chăm sóc cây mắc ca hiện nay tại Tuy Đức. Do đó, hầu như việc chăm sóc vườn mắc ca của gia đình đều được thực hiện theo cảm tính, dựa vào kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp là chính. Có lẽ chính vì thế, những năm qua, vườn mắc ca của gia đình ông không có sự phát triển đột biến nào và cũng không thể hiện được các lợi thế về kinh tế so với các loại cây trồng khác.
Hàng năm, 7 sào mắc ca cũng chỉ cho thu nhập làng nhàng dăm ba chục triệu đồng. Điều này cũng khiến cho gia đình ông không còn xem trọng cây mắc ca như trước đây nữa. “Như vườn mắc ca của gia đình, giờ tôi cũng chỉ biết một số giống cho trái nhiều. Việc cây cho trái không đồng đều thì đương nhiên là năng suất cả vườn không thể cao được. Với một cây trồng mới và không có ưu thế vượt trội khi so sánh cùng các loại cây trồng khác thì không thu hút được nhiều người dân quan tâm”, ông Đoàn Lê Anh giải thích.
Cùng một vườn, một vụ thu hoạch, nhưng theo ông Đoàn Lê Anh, xã Quảng Trực (Tuy Đức), cây cho trái nhiều, cây thưa trái
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Dung, bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực, có 3 ha đất trồng mắc ca; trong đó, gần 1 ha mắc ca trồng xen cà phê đã cho thu hoạch. Với vườn mắc ca đã cho thu hoạch thì trái cũng không đồng đều giữa các loại giống. Cây thì nhiều trái, cây lại rất ít…
Cũng theo chị Dung, so với các vườn khác, cây mắc ca của gia đình chị cho trái tương đối cao. Chỉ riêng 1 ha mắc ca trồng xen cà phê cũng cho khoảng 1 tấn hạt. Với giá bán hiện nay, trừ chi phí, gia đình có thu nhập khoảng 70 triệu đồng. So với cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng thì rõ ràng, mắc ca cũng chỉ cho thu nhập ở mức bình thường, thậm chí là thấp. Với mức thu nhập này, nếu duy trì cây mắc ca sẽ rất khó khăn, nhưng nếu phá bỏ thì lại lãng phí. Do đó, gia đình chị cũng như nhiều hộ dân khác đang ở vào thế "mắc cạn" vì cây mắc ca.
"Dấu hỏi" về hiệu quả kinh tế
Cuối tháng 6/2019, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng UBND huyện Tuy Đức tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng và định hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện. Ngay trong tham luận do ngành Nông nghiệp trình bày tại hội thảo đã có những thông số khẳng định về những nhược điểm của mắc ca. Cụ thể khi khảo sát 100 ha mắc ca trồng tập trung ở Tuy Đức đã cho thu hoạch, tỷ lệ đậu trái thấp và không đồng đều. Trong cùng một vườn, số cây ra hoa, kết trái chỉ chiếm 50-60% và thường không ổn định.
Khảo sát các vườn mắc ca trồng từ năm 2010-2018, năng suất thu được từ 5-15 kg/cây, tùy theo từng dòng. Giá trị kinh tế mang lại trên một ha cây mắc ca (tùy trồng thuần, hoặc trồng xen canh) dao động từ 41,9-267,8 triệu đồng (chưa tính chi phí đầu tư, chăm sóc). Đáng chú ý hơn, tham luận này chỉ kết luận cây mắc ca có “tiềm năng” phát triển ở một số địa phương chứ chưa khẳng định được hiệu quả về phương diện kinh tế.
Nông dân xã Quảng Trực (Tuy Đức) thu hoạch cây mắc ca
Còn theo đánh giá của UBND huyện Tuy Đức, trong tổng số 800 ha cây mắc ca được trồng trên địa bàn, có 335 ha đã cho thu hoạch. Thế nhưng, hầu hết diện tích mắc ca này đều có sản lượng thấp, mang lại thu nhập không đáng kể cho người dân. Nguyên nhân mắc ca cho năng suất, sản lượng thấp cho đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng đánh giá, xác định một cách cụ thể.
Mặt khác, hiện nay các vườn mắc ca ở Tuy Đức đều được người dân trồng với nhiều loại giống khác nhau. Các loại giống này phần lớn đều do người dân tự tìm mua trên thị trường, ít có sự kiểm tra, giám sát về nguồn gốc, chất lượng. Nông dân trên địa bàn cũng chưa hề được chỉ dẫn hoặc tiếp cận với những kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca một cách bài bản, khoa học... Tất cả những điều này đã và đang khiến cho chính quyền, người dân trở nên rất băn khoăn và đặt ra những câu hỏi về tính hiệu quả kinh tế của cây mắc ca.
Cũng theo UBND huyện Tuy Đức, hiện nay có một số người dân đã mất dần sự kiên nhẫn, nảy sinh tâm lý muốn phá bỏ, chuyển đổi cây mắc ca sang loại cây trồng khác. Tuy nhiên, người dân lại đang ở vào thế lưỡng lự "bỏ thì thương mà vương thì...". Do đó, huyện đã kiên trì vận động, có những giải pháp hỗ trợ, động viên người dân giữ nguyên diện tích mắc ca đã trồng để chờ sự đánh giá cụ thể của cơ quan chức năng.
Bài, ảnh: Phan Tuấn - Công Tính
Nấm rơm liên tục rớt giá
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Hiện nấm rơm được các thương lái thu mua tại huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) với giá 18.000-35.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với cách nay một tháng và giảm gần 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nấm rơm loại I có giá 35.000 đồng/kg, nấm loại II có giá 26.000-29.000 đồng/kg, nấm loại III có giá 18.000-20.000 đồng/kg.
Bình quân 1kg nấm rơm giảm 20.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Nấm rơm từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất khoảng 15 ngày, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 20 ngày. Bình quân một cuộn rơm và 3 chai meo cho ra 1,7kg nấm rơm. Với giá bán hiện nay, trừ hết chi phí, người trồng nấm rơm lời chưa đến 10.000 đồng/cuộn rơm.
Tin, ảnh: DUY KHÁNH
Nuôi ếch từ… chuồng heo bỏ trống
Nguồn tin: Báo An Giang
Do xuất hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi, một số hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) đang tạm dừng chăn nuôi. Trong quá trình chờ tái đàn heo mới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Phú đã tiến hành khảo sát và khuyến khích các hộ đủ điều kiện, tận dụng chuồng heo bỏ trống chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi mới.
Chị Nguyễn Dương Tường tận dụng chuồng heo bỏ trống để làm bể nuôi ếch
Gia đình chị Nguyễn Dương Tường (ấp Bình Phú, xã Bình Thủy) là một trong những hộ chăn nuôi có heo bị bệnh dịch tả heo Châu Phi, các ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn heo và tạm dừng tái chăn nuôi heo theo quy định để ngăn bệnh dịch tả heo Châu Phi lây lan. Trong thời gian chị Tường tạm dừng chăn nuôi heo, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến khích và hỗ trợ chị tận dụng chuồng heo bỏ trống để làm bể nuôi ếch Thái Lan. Chị Tường cho biết: “Ban đầu, tôi còn ngần ngại vì từ trước đến nay chưa từng nuôi ếch nên không có kinh nghiệm, nhưng được cán bộ nông nghiệp huyện khuyến khích và nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi nên tôi chuyển sang nuôi ếch để không bỏ phí chuồng trại”. Chuồng heo của chị Tường được xây bằng xi măng, chia thành 5 ngăn, sau khi tiêu hủy đàn heo, chuồng heo đã được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, nay chị tận dụng 3 ngăn để tạo thành 3 bể nuôi ếch (mỗi bể có diện tích 15m2), thả tổng số 4.000 con ếch giống, chi phí đầu tư khoảng 45 triệu đồng.
Hôm chúng tôi tham quan mô hình tận dụng chuồng heo bỏ trống để nuôi ếch của gia đình chị Tường, 3 bể ếch đã được thả nuôi khoảng 7 ngày, chị Tường bắt đầu phân loại những con ếch cùng kích cỡ ra từng bể nuôi riêng. Chị Tường chia sẻ: “Khi bắt tay vào nuôi ếch thấy cũng đơn giản, theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, sau khi thả ếch vào bể nuôi khoảng 7 - 9 ngày, thấy ếch chênh lệch kích cỡ thì tiến hành phân đàn, lựa những con ếch lớn nuôi riêng để tránh trường hợp ếch lớn ăn ếch nhỏ. Ếch thả nuôi trong mỗi bể với mật độ vừa phải, cho ăn đủ lượng và đủ chất, chia đều trong ngày, không để ếch bị đói. Thường mỗi ngày tôi cho ăn 3 lần, định kỳ bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn để ếch tiêu hóa tốt. Ngoài ra, cần phải thay nước trong bể mỗi ngày để đảm bảo nước sạch, ếch không bị dịch bệnh”. Anh Phan Hoàng Minh, Tổ trưởng Tổ thủy sản (Phòng NN&PTNT huyện Châu Phú) cho biết: “Chúng tôi khuyến khích và hướng dẫn chị Tường tận dụng chuồng heo bỏ trống để chuyển sang nuôi ếch, bởi hiện tại đang là thời điểm thuận lợi để thả nuôi, chi phí đầu tư không quá cao, kỹ thuật nuôi cũng không khó. Ếch nuôi khoảng 3 tháng, đạt trọng lượng từ 200 đến 250gr/con là có thể bán được, chỉ cần giá ếch ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg là hộ nuôi đã có lời, nếu giá tăng cao hơn thì mức lợi nhuận tăng theo”.
Ngoài hộ của chị Tường, Phòng NN&PTNT huyện Châu Phú đã cử cán bộ chuyên môn đến từng hộ chăn nuôi có chuồng heo bỏ trống để khảo sát, đối với những hộ có chuồng nuôi đủ điều kiện chuyển đổi, cán bộ nông nghiệp sẽ hướng dẫn thực hiện mô hình chăn nuôi mới phù hợp. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Phú Lê Trần Minh Hiếu cho biết: “Trong thời gian các hộ chăn nuôi chưa thể tái đàn nuôi mới tại các chuồng heo đã bị bệnh dịch tả heo Châu Phi, chúng tôi khuyến khích các hộ tận dụng chuồng trại đang bỏ trống để chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi, sản xuất khác phù hợp. Các hộ thực hiện chuyển đổi sẽ được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, với thời gian 6 tháng không lãi suất. Ngoài ra, chúng tôi còn cử cán bộ chuyên môn theo sát để hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi”.
MỸ LINH
Long An tăng cường kiểm tra các cơ sở nuôi chim yến
Nguồn tin: Báo Long An
Cử tri một số địa phương trong tỉnh Long An phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường (tiếng ồn), nguy cơ phát tán dịch bệnh (cúm H5N1) tại một số cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, việc xây dựng nhà nuôi và dẫn dụ chim yến trên đất nông nghiệp và đất đô thị ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và phá vỡ quy hoạch nông thôn.
Một cơ sở nuôi chim yến được cấp phép tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa
Sau cuộc tiếp xúc cử tri và nghe phản ánh từ Đại biểu HĐND, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ngành phối hợp địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đánh giá tình hình lưu hành vi rút cúm H5N1 trên chim yến.
Ngày 24/12/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn 6162/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý dẫn dụ và gây nuôi chim yến, nội dung chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các địa phương tiếp tục tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y, đồng thời phối hợp cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý đối với hành vi phát âm thanh gây tiếng ồn quá quy định tại các cơ sở nuôi chim yến.
Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền phải quản lý chặt chẽ lĩnh vực xây dựng và cấp phép xây dựng, thiết kế nhà ở và nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể từ Trung ương, UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo chính quyền cấp cơ sở không cấp phép xây dựng nhà nuôi, dẫn dụ chim yến trong khu vực nội thành thành phố, thị xã, thị trấn và các khu dân cư.
Ngành chức năng tuyên truyền, tập huấn kiểm tra việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm từ tổ yến.
Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) ban hành Công văn số 797 ngày 29/01/2019 về quản lý dẫn dụ và gây nuôi chim yến nhằm hướng dẫn UBND cấp huyện triển khai thực hiện quản lý nuôi chim yến. Nội dung chủ yếu yêu cầu các cơ sở phải chấp hành các quy định về điều kiện vệ sinh thú y về khai thác và sơ chế tổ yến, hợp tác với các cơ quan chuyên môn trong việc lấy mẫu và xét nghiệm để kiểm soát sự lưu hành của mầm bệnh theo định kỳ 6 tháng/lần và đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc khi có dịch bệnh xảy ra. Các cơ sở nuôi và sơ chế tổ yến cần phối hợp, chấp hành sự kiểm tra, thanh tra điều kiện vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Ngành NN&PTNT Long An xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát bệnh cúm gia cầm trên chim yến tại các cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến. Đồng thời phối hợp ngành liên quan, tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh thú y và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi biện pháp xử lý môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm.Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra và cấp 5 giấy chứng nhận ATVSTP cho 5 cơ sở sơ chế và sản xuất tổ yến trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi cục Thú y - chăn nuôi và Thủy sản Long An, từ đầu năm 2019 đến nay, Đoàn kiểm tra của Chi cục đã lấy 39 mẫu gộp (gồm 195 tổ chim) từ 39 cơ sở nuôi chim yến trong tỉnh (9 địa phương) để kiểm nghiệm vệ sinh thú y; kết quả cho thấy cả 39 mẫu đều âm tính với cúm gia cầm.
Tuy nhiên, theo Chi cục Thú y - chăn nuôi và Thủy sản, các cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đều nuôi bằng hình thức dẫn dụ chim trời về làm tổ nên khả năng mang theo mầm bệnh rất cao. Do vậy, người chăn nuôi cần hết sức cảnh giác thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh thú y để phòng bệnh.
Một nhà nuôi yến tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc
Cũng theo Sở NN&PTNT, qua kiểm tra có nhiều trường hợp gia đình ở tầng dưới, tầng trên cải tạo nuôi chim yến, nguy cơ phát sinh dịch bệnh tăng cao. Hiện nay, tỉnh Long An chưa có quy hoạch vùng nuôi chim yến. Theo số liệu tổng hợp từ 10 địa phương trong tỉnh báo về, tính từ đầu năm đến nay, cả tỉnh phát sinh mới hơn 120 nhà nuôi, dẫn dụ chim yến. Theo đó, 70% là xây nhà mới nuôi yến, 30% cải tạo từ nhà ở, đa số cải tạo, xây mới nhưng không xin phép; đặc biệt, việc nuôi chim yến lại thường gần khu dân cư vì nuôi ở khu vực vắng vẻ thì rất khó dẫn dụ chim yến.
Được biết, Luật Chăn nuôi có nội dung quy định về quản lý nuôi chim yến nhưng đến năm 2020 thì luật mới có hiệu lực. Hiện nay, các văn bản dưới luật về quản lý và liên quan đến chim yến rất thiếu và không đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ phát triển của việc nuôi, dẫn dụ và khai thác chim yến.
Trong thời gian tới, sau khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp đơn vị liên quan và các địa phương tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh quyết định khu vực nuôi chim yến, khu vực không được phép nuôi chim yến. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh quy định chặt chẽ việc nuôi, khai thác chim yến theo đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Hiện nay, tình trạng phát sinh các cơ sở nuôi chim yến rất phức tạp (cả vùng nông thôn và thành thị). Sở đang có ý kiến trình UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, dần đưa việc nuôi chim yến vào quy hoạch, để khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực thì đi vào ổn định vì để tự phát sẽ rất khó xử lý trong thời gian tới”./.
Đ.Lâm
Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác chăn nuôi rắn
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên
Mô hình chăn nuôi rắn của gia đình anh Bạch Thanh Tùng, ở xã Động Đạt, là địa điểm được nhiều thành viên trong THT và người dân ở các địa phương khác đến học hỏi kinh nghiệm.
Nhận thấy trên địa bàn huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) nói chung và xã Động Đạt nói riêng có nhiều gia đình chăn nuôi rắn phát triển tốt, tháng 7-2018, được sự cho phép của chính quyền xã, Hội Nông dân xã Động Đạt đã kêu gọi và hướng dẫn các hộ chăn nuôi rắn thành lập tổ hợp tác (THT) để hướng tới sản xuất hàng hoá theo chuỗi liên kết. Sau 1 năm, quy mô chăn nuôi của các thành viên THT ngày càng được mở rộng và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Với mong muốn có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, bên cạnh công việc chính là thợ nhôm kính, tháng 4-2018, anh Nguyễn Đức Cương (xóm Đuổm, xã Động Đạt) đã mạnh dạn chăn nuôi rắn. Anh Cương cho biết: Tôi đã đầu tư khoảng 80 triệu đồng để xây dựng chuồng, mua 60 con rắn hổ mang giống và các dụng cụ chăn nuôi. Thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc, chẩn đoán bệnh của rắn, tìm đầu ra cho sản phẩm… Từ khi tham gia THT chăn nuôi rắn, tôi thường xuyên được trao đổi với những người có kinh nghiệm. Nhờ đó, tôi đã nắm bắt được kỹ thuật để chăm sóc đàn rắn phát triển tốt. Sau hơn 1 năm tham gia THT, tôi đã xuất bán được 2 đợt trứng rắn với hơn 1000 quả, giá bán dao động từ 50 đến 80 nghìn đồng/quả (tuỳ thuộc vào thị trường), lợi nhuận thu được đạt trên 50 triệu đồng. Với kết quả ban đầu như vậy, tôi vừa mạnh dạn mở rộng chuồng lên quy mô 200 con với diện tích 60m2 (gấp 2 lần diện tích ban đầu).
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, THT chăn nuôi rắn xã Động Đạt có 13 thành viên. Anh Bạch Đình Thi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Động Đạt, Tổ trưởng THT chăn nuôi rắn cho biết: Thời gian đầu, các hộ chăn nuôi rắn còn ngần ngại tham gia THT vì lo lắng quy trình hoạt động phức tạp. Sau quá trình tuyên truyền về lợi ích của mô hình THT, chúng tôi đã kêu gọi được 13 hộ chăn nuôi tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia. Các thành viên trong Tổ sẽ được hỗ trợ pháp lý; giúp đỡ về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi; định hướng thị trường, giá cả đối với từng loại sản phẩm để thu được lợi nhuận cao nhất; thăm hỏi và động viên khi bị tai nạn lao động…
Hằng quý, THT sẽ tiến hành sinh hoạt một lần để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các hộ chăn nuôi. Trong buổi họp, mỗi thành viên sẽ báo cáo kết quả chăm sóc, số lượng tăng giảm đàn rắn, thống kê số lượng mua bán các sản phẩm về rắn; đánh giá công tác quản lý trong quý trước; thảo luận để định hướng về công tác chăm sóc, tình hình giá cả, thị trường trong thời gian tới… Ngoài ra, THT cũng liên kết, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho các thành viên có nhu cầu. Nhờ vậy, thành viên không chỉ có điều kiện để trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm, mà còn kịp thời nắm bắt được thông tin thị trường để có hướng chăn nuôi phù hợp.
Anh Bạch Thanh Tùng, xóm Làng Mạ, xã Động Đạt - là một trong những hộ chăn nuôi rắn đầu tiên và lớn nhất trên địa bàn huyện Phú Lương chia sẻ: Hiện nay, tôi đang nuôi gần 2000 con rắn hổ mang. Hằng năm, gia đình thu được 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng (tùy từng năm) từ việc bán các sản phẩm về rắn. Từ khi tham gia THT, tôi đã liên kết với các thành viên còn lại để hỗ trợ thu mua và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, tôi còn tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên khác hoặc những người có nhu cầu về cách xây dựng chuồng, chăm sóc rắn…
Ngoài hỗ trợ phát triển chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, THT còn thành lập Quỹ tiết kiệm để tạo nguồn lực giúp đỡ những thành viên có nhu cầu mở rộng quy mô chăn nuôi. Hằng năm, mỗi thành viên đóng góp 500 nghìn đồng, hộ chăn nuôi nào bán sản phẩm thu được lợi nhuận cao thì có thể đóng nhiều hơn. Đến nay, tổng quỹ của Tổ khoảng 10 triệu đồng và đã cho một thành viên vay với lãi suất 1%/tháng.
Với việc tích cực hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, đến nay, quy mô chăn nuôi của các thành viên ngày càng phát triển. Hiện, tổng số rắn của 13 hộ là trên 5.000 con (tăng hơn 1.100 con so với lúc mới thành lập THT), chủ yếu là rắn hổ mang. Các sản phẩm bán ra thị trường khá đa dạng, gồm: Rắn thương phẩm, cao rắn, trứng rắn, rượu rắn, các dụng cụ phục vụ cho chăn nuôi rắn… Thu nhập trung bình một năm của các hộ chăn nuôi dao động từ 130 triệu đồng đến 1 tỷ đồng (phụ thuộc vào quy mô chuồng trại).
Phan Trang
Hiếu Giang tổng hợp