Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 04 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 04 năm 2021

Khánh Vĩnh: Vận động nông dân quan tâm chất lượng bưởi da xanh

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

UBND huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vừa có công văn về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất bưởi da xanh trên địa bàn huyện.

Theo đó, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân an tâm sản xuất và chăm sóc những diện tích bưởi da xanh hiện có, đảm bảo chất lượng sản phẩm và góp phần ổn định thu nhập. Việc phát triển trồng mới diện tích bưởi da xanh cần đảm bảo phù hợp quy hoạch về quy mô diện tích, thổ nhưỡng, có nguồn nước, khả năng đầu tư và phải xác định thị trường tiêu thụ để tránh tình trạng cung vượt cầu; khuyến khích người dân đầu tư thâm canh, sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm; khuyến cáo người dân không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm sử dụng và thuốc trừ cỏ làm ảnh hưởng đến môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích người dân đăng ký và sử dụng nhãn hiệu tập thể Bưởi da xanh Khánh Vĩnh, tem chứng nhận VietGAP (đối với những hộ dân được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP) và tem OCOP khi bán ra thị trường để phân biệt giữa sản phẩm bưởi da xanh Khánh Vĩnh với các sản phẩm bưởi da xanh của nơi khác.

V.THÀNH

Ninh Thuận: Bác Ái phát triển vùng cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Những năm gần đây, ngoài canh tác các loại cây trồng truyền thống như bắp, đậu, mỳ... nông dân huyện miền núi Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) đã đưa vào trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: Bưởi da xanh, bơ, xoài Đài Loan, xoài Úc, mãng cầu, đu đủ... Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành vùng trồng cây ăn quả với quy mô tập trung, mở ra hướng sản xuất mới, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Gia đình ông Tăng Màu ở thôn Bố Lang, xã Phước Bình là một trong những hộ đầu tiên ở xã Phước Bình, chuyển hơn 5 ha đất rẫy trồng bắp, chuối sang trồng bưởi da xanh xen canh với sầu riêng, chôm chôm, cam sành. Qua hơn 4 năm, các loại cây ăn quả phát triển tốt và đã cho thu hoạch, riêng cây bưởi và sầu riêng, mỗi vụ gia đình ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Ông Màu phấn khởi, chia sẻ: Từ ngày xã vận động trồng cây ăn quả, thu nhập cao hơn so với trồng bắp nhiều lần, cuộc sống nhờ đó ngày càng đi lên, tôi xây được nhà cửa khang trang, lo cho con cái đi học đến nơi đến chốn.

Ông Katơr Quỳnh ở thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình chăm sóc vườn bưởi chuẩn bị thu hoạch.

Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, hiện nay trên địa bàn huyện Bác Ái có hơn 280 ha cây ăn quả các loại, tập trung ở các xã: Phước Bình, Phước Thành, Phước Tân, Phước Tiến. Mặc dù bước vào mùa khô hạn, nhưng các diện tích cây trồng của người dân phát triển tốt nhờ áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm và sử dụng hệ thống nước tự chảy từ trên núi xuống. Các loại cây ăn quả tuy mới đưa vào trồng nhưng rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở địa phương nên nhiều hộ mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác. Nhờ chuyển đổi cây trồng đúng hướng và có sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã nên các loại cây trồng phát triển tốt, trung bình mỗi trái bưởi trọng lượng từ 1,5-2 kg, thương lái thu mua với gia từ 25 đến 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi gần 200 triệu đồng/ha/vụ.

Đồng chí Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Trên địa bàn huyện Bác Ái hiện nay có các sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao như: Bưởi da xanh, bơ, sầu riêng, chuối hột mồ côi, dưa lê, dưa lưới và nhiều sản phẩm khác có tiềm năng rất lớn, diện tích rộng, năng xuất cao và chất lượng sản phẩm rất tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung ở những khu vực có tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp, huyện sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với xúc tiến du lịch trải nghiệm, góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Kha Hân

Bình Định: Nông dân Tây Sơn mở rộng diện tích trồng ớt

Nguồn tin: Báo Bình Định

Nhận thấy cây ớt cho hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) tập trung phát triển loại cây trồng này. Ngoài vùng chuyên canh ớt của xã Bình Hòa, nông dân các xã Tây Thuận, Tây Giang, Bình Tân, Bình Nghi đã mở rộng trồng cây ớt trên đất vườn thừa, đất màu chuyển đổi từ những cây trồng kém hiệu quả như mía, mì, dưa hấu… Vụ Đông Xuân năm nay, nông dân huyện Tây Sơn trồng 175,2 ha ớt, tăng 30 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó Tây Thuận là xã có diện tích ớt vụ Đông Xuân nhiều nhất với 43 ha.

Ông Trần Văn Phường (thôn Dõng Hòa, xã Bình Hòa) thu hoạch ớt đợt 1.

Từ 1 tháng qua, một số hộ trồng sớm đang vào giai đoạn thu hoạch rộ. Anh Nguyễn Minh Quang (thôn Trung Sơn, xã Tây Thuận) trồng 7 sào ớt vụ này, cho hay: “Đã 6 năm chuyển từ các cây màu kém hiệu quả sang trồng cây ớt, đến thời điểm này, tôi thấy ớt là loại cây trồng cạn cho hiệu quả kinh tế cao. Đất ở đây không được tốt, nhưng nhờ đầu tư chăm sóc tốt, năng suất một vụ ớt đạt khoảng 2 tấn/sào. Nếu giá bán đạt từ 10.000 đồng/kg trở lên, thì có lời. Riêng vụ này, kết thúc trà đầu, năng suất trung bình đạt 1 tấn/sào. Giá ớt tương đối cao, dao động từ 15.000 - 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, còn lãi khoảng 10 triệu đồng/sào”.Theo nhiều hộ chuyên trồng ớt ở xã Bình Hòa, nhờ hiệu quả kinh tế cao mà trên 15 năm nay, nông dân của các thôn trong xã như Vĩnh Lộc, Dõng Hòa giữ vững chuyên canh cây ớt. Không chỉ mở rộng tối đa diện tích đất soi ven sông, nhiều hộ còn tận dụng cả diện tích đất vườn nhà, đất gò cao để trồng ớt, nâng tổng diện tích cây ớt toàn xã lên 37,5 ha. Bà Nguyễn Thị Thành (thôn Dõng Hòa) chia sẻ. “Trồng ớt tuy vất vả, giá cả cũng bấp bênh, thay đổi từng ngày, nhưng được cái ớt thu hoạch kéo dài, có thời gian để đắp đổi, ít bị thiệt hại nặng khi rớt giá. Cũng chẳng có năm nào vì ớt rớt giá mà người trồng ớt thua lỗ cả, chỉ có lãi ít hoặc đủ ngày công thôi”.

Thời vụ của cây ớt dài hay ngắn phụ thuộc vào giá, nếu đạt từ 15.000 đồng/kg trở lên, nông dân tiếp tục chăm sóc kéo dài thu hoạch cho tới mùa mưa. Ngược lại giá ớt thấp, không đủ chi phí ngày công chăm sóc, hái ớt, nông dân kết thúc vụ sớm hơn để lấy đất trồng các loại cây trồng cạn khác như bắp, mè…

Gần đây, việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong trồng ớt ở những vùng đất gò cao, không bằng phẳng đã tạo ra lợi ích đáng kể, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập. Đồng thời nhiều hộ tận dụng trồng xen kẽ đậu phụng hoặc cây hành cùng ớt. Các loại cây trồng phụ này góp thêm thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/sào.

Bài, ảnh: MỘC MIÊN

Thừa Thiên Huế: Phong Điền mở rộng diện tích trồng sen

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Phong Điền tập (tỉnh Thừa Thiên Huế) trung quy hoạch lại diện tích vùng trồng sen trên địa bàn, đến năm 2025, diện tích trồng sen lấy hạt đạt 500ha.

Cứ vào tháng 2 hàng năm, người dân các địa phương lại bắt đầu một vụ sen mới

Thu nhập gấp 5-7 lần trồng lúa

Cây sen đang là sản phẩm được huyện Phong Điền quan tâm để xây dựng thành sản phẩm chủ lực. Việc phát triển và xây dựng thương hiệu sen được các địa phương và bà con nông dân hưởng ứng.

Hiện nay, diện tích trồng sen trên địa bàn huyện Phong Điền hơn 346ha, tập trung ở các xã Phong Hiền, Phong An, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Chương, thị trấn Phong Điền...Các giống sen được trồng chủ yếu là sen cao sản, sen trắng, sen đỏ và sen hồng. Trung bình 1ha sen cho thu nhập gần 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao gấp 5-7 lần so với trồng lúa.

Ông Hoàng Đô, một trong những người tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trồng sen ở thôn Sơn Tùng (Phong Hiền) cho biết, cây sen rất dễ trồng, nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nước, bởi đây là loại cây khá nhạy cảm với điều kiện khí hậu. Giống sen đưa vào trồng trên địa bàn lâu nay chủ yếu là sen truyền thống của Huế (sen trắng Tịnh Tâm) và sen hồng cao sản. Trung bình 1 sào cho thu hoạch khoảng 1,5 tạ hạt sen tươi, với giá hạt sen tươi chưa bóc vỏ dao động ở mức từ 25.000 - 30.000 đồng/1kg, sau khi trừ các khoản chi phí, với hơn 1ha sen, gia đình ông Đô có thu nhập trên 100 triệu đồng.

Với 4,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả, gia đình ông Hồ Văn Thăng, thôn Phò Ninh (Phong An) chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi cá từ năm 2006 đến nay. Hàng năm, thu nhập của gia đình ông Thăng bình quân trên 200 triệu đồng từ mô hình này.

“Phong An hiện có 22 hộ gia đình trồng sen kết hợp nuôi cá với diện tích 41ha. Bước đầu thành công của mô hình trồng sen kết hợp cá, tạo tín hiệu tích cực cho bà con nông dân trên địa bàn xã khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

UBND xã Phong An đang tiếp tục khuyến khích bà con nông dân tận dụng ao, hồ, bàu và những diện tích trồng lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi cá", ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An thông tin.

Mở rộng diện tích

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết: Những năm gần đây, mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá ở huyện Phong Điền phát triển mạnh, không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp cải thiện môi trường, mở ra triển vọng cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng đa canh.

UBND huyện Phong Điền khuyến khích phát triển liên kết hộ nông dân với các đơn vị để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ sen; phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường, làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thông qua các chương trình, lễ hội đối với các sản phẩm từ cây sen; hướng đến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các địa phương vùng trồng có diện tích đủ lớn.

Phòng NN&PTNT đã tham mưu UBND huyện xây dựng đề án phát triển cây sen trên địa bàn và định hướng đến năm 2025. Trong đó, giải quyết vấn đề trước mắt như: tổ chức lại sản xuất, thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã... để liên kết lại; quy hoạch lại vùng trồng sen; hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo sự ổn định, giúp các nhóm hộ, tổ hợp tác yên tâm sản xuất lâu dài.

Với ngân sách thực hiện khoảng 1,5 tỷ đồng, trước mắt, UBND huyện triển khai rà soát diện tích lúa vùng thấp trũng hiệu quả thấp và một số diện tích khác (các trằm, bàu, ao, hồ...), vận động người dân chuyển đổi trồng sen kết hợp với nuôi cá để tăng thu nhập; xây dựng quy trình nhân giống sen quý hiếm đặc trưng của Huế, giống sen chất lượng cao. Đồng thời, tiến tới thành lập trung tâm sản xuất giống sen tại huyện Phong Điền, phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa bàn và cung ứng ở các thị trường khác.

Bài, ảnh: Hải Huế

Kon Tum cấp Giấy chứng nhận và Tem chỉ dẫn cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh

Nguồn tin:  VOV

Ngày 5/4, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum chính thức có Thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” và sử dụng Tem chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.

Theo đó các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sâm củ Ngọc Linh thuộc khu vực chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh, gồm các xã: Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng của huyện Tu Mơ Rông và Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp của huyện Đăk Glei có nhu cầu sử dụng Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh khẩn trương nộp hồ sơ về Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum trước ngày 17/4/2021 để được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ.

Sâm Ngọc Linh ở Măng Ri, tỉnh Kon Tum.

Các tổ chức, cá nhân căn cứ nhu cầu thực tế về số lượng sâm củ và bình rượu ngâm nguyên củ sâm đưa ra thị trường trong vòng 5 năm tới để đăng ký số lượng Tem chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh Kon Tum với Sở Khoa học và Công nghệ. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh và Tem chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh Kon Tum được hoàn thành ngay trong tháng 4/2021.

Mã QR Code của Tem chỉ dẫn địa lý có giá trị sử dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày in tem phát hành. Tem sẽ được gắn vào từng củ sâm và dán trên nắp chai rượu ngâm nguyên củ sâm củ.

Cũng theo Thông báo của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum, kể từ ngày 1/5/2021 các sản phẩm sâm củ; rượu ngâm nguyên củ sâm củ Ngọc Linh sản xuất, lưu thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum nếu không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh và không dán Tem chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh Kon Tum đều là sản phẩm hàng hóa vi phạm Chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành./.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Ninh Bình: Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện tại 6/8 huyện, thành phố

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh Ninh Bình, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò lần đầu tiên được phát hiện ở huyện Yên Mô vào cuối năm 2020 và khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh có chiều hướng lây lan nhanh.

Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra trên trâu, bò và không lây sang người.

Tính đến ngày 4/4, bệnh đã xuất hiện tại 42 xã thuộc 6/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Có tổng số 558 con trâu, bò tại 320 hộ chăn nuôi bị mắc bệnh, trong đó đã buộc phải tiêu hủy 33 con, với tổng trọng lượng hơn 6 tấn.

Nguy cơ lây lan dịch viêm da nổi cục trên trâu bò thời gian tới là rất lớn bởi người dân vẫn chăn thả trâu, bò tự do; chuồng trại nuôi nhốt của các hộ vẫn chưa bảo đảm vệ sinh, chưa được tiêu độc, khử trùng triệt để. Đặc biệt, trong bối cảnh thời tiết đang chuyển mùa, nhiệt độ, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh có điều kiện phát triển.

Do vậy, ngành chuyên môn đề nghị các địa phương làm tốt công tác cách ly những con đã nhiễm, có biểu hiện nhiễm bệnh. Giám sát chặt việc người dân bán chạy trâu, bò bị bệnh, nghi bị bệnh. Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đang khẩn trương liên hệ mua vắc xin để kịp thời tiêm phòng, bao vây, khống chế dịch.

Tin, ảnh: Nguyễn Lựu

Bình Định: Quản lý rác thải vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè: Người nuôi nâng cao nhận thức

Nguồn tin: Báo Bình Định

Cùng với việc phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, nhận thức của người nuôi thủy sản trong quản lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi để hạn chế dịch bệnh, cũng được nâng cao.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có khoảng 310 hộ nuôi thủy sản bằng lồng bè trên biển, tập trung ở xã Nhơn Hải, Nhơn Châu, phường Ghềnh Ráng, Hải Cảng (TP Quy Nhơn) với 273 bè/hơn 3.500 lồng nuôi cá, mực, tôm hùm. Bên cạnh đó, còn có khoảng 10.000 m 3 nuôi cá lồng trên các hồ chứa trong toàn tỉnh, tập trung tại các huyện Phù Cát, Vĩnh Thạnh và TX An Nhơn.

Người nuôi thủy sản bằng lồng bè ở Hải Minh Trong, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn chủ động thu gom rác thải đưa về bờ xử lý.

Ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT), cho hay: Trong nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, các loại rác thải qua quá trình sản xuất nuôi trồng như bao bì đựng thức ăn thủy sản, chai lọ đựng thuốc thú y thủy sản, rác thải sinh hoạt trên bè… xả thẳng xuống nước, lâu ngày sẽ gây ô nhiễm vùng nuôi. Việc kiểm soát được rác thải, nhất là rác thải nhựa trong nuôi trồng thủy sản trên biển sẽ đảm bảo được môi trường vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh trên thủy sản.

Ông Mai Phúc Trường, một hộ nuôi cá tại khu vực Hải Minh Trong, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), chia sẻ: Vùng nuôi này hiện có cả trăm bè với cả nghìn lồng nuôi nằm san sát nhau, nên việc thu gom rác thải trên lồng bè để hạn chế ô nhiễm vùng nuôi rất được chú trọng. Người nuôi dần chuyển sang sử dụng xô, can nhựa để đựng thức ăn cho cá, hạn chế sử dụng bì nhựa. Hằng ngày, người nuôi ra bè cho cá ăn thì vớt các loại rác thải như hộp xốp, bì nhựa, cây gỗ, quần áo, giày dép… do sóng đưa tấp vào lồng bè nuôi. Rác vớt lên được bà con thu gom đưa về cầu cảng cá Quy Nhơn đổ vào thùng.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Luật (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh), hộ nuôi cá tại hồ Định Bình, chia sẻ: “Nuôi cá bằng lồng bè trong lòng hồ ít lo chuyện thời tiết, nhưng môi trường nước cực kỳ quan trọng. Các loại rác thải, thức ăn thừa cho cá hằng ngày được các hộ nuôi gom lại, sau đó dùng ghe chở vào bờ để xử lý bằng cách chôn, đốt. Nhờ đó, môi trường nước ở vùng nuôi tại hồ này được giữ gìn sạch, dịch bệnh đối với cá nuôi ít xảy ra”.

Tháng 2.2021, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 687/QÐ-BNN-TCTS phê duyệt Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 - 2030. Kế hoạch đề ra mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các DN về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn.

Tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), hiện có 12 bè/57.500 con tôm hùm của 26 hộ nuôi. Theo ngư dân nuôi tôm, mỗi lồng tôm hùm có trọng lượng từ 0,7 - 0,8 kg/con, tiêu thụ hơn 5 kg thức ăn hải sản tươi sống mỗi ngày. Với lượng thức ăn được đựng trong bì nhựa, cộng với các loại rác thải sử dụng hằng ngày trên bè, nếu không được thu gom mà xả thải ra biển sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. “Nghề nuôi tôm hùm đầu tư nhiều vốn, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm thì phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại rất lớn. Bởi thế, khi cho tôm ăn, ngư dân nuôi tôm phải lặn xuống biển kiểm tra từng lồng nuôi, thu gom các loại rác thải trên lồng bè để đưa vào bờ đổ vào thùng rác; thức ăn thừa trong lồng được gom lại, đưa ra xa vùng nuôi. Khi vệ sinh lồng bè, ngư dân đưa về bờ để xử lý tại khu vực bãi biển do xã quy định và đóng phí vệ sinh cho xã”, ông Nguyễn Xuân Bá, Chi hội trưởng Chi hội nuôi tôm hùm xã Nhơn Hải, chia sẻ.

Ông Phạm Thanh Nhân nhấn mạnh: Nghề nuôi thủy sản nói chung, nuôi thủy sản bằng lồng bè nói riêng chịu tác động bởi nhiều yếu tố môi trường. Vì vậy, ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải trong quá trình sản xuất của người nuôi, kể cả rác thải sinh hoạt của người dân sống xung quanh vùng nuôi thủy sản, đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh việc hướng dẫn kỹ thuật, Chi cục thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương mở nhiều lớp tập huấn về nghề nuôi trồng thủy sản, gắn với tuyên truyền để người nuôi hạn chế rác thải, giữ gìn vệ sinh vùng nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh trong nuôi thủy sản, đảm bảo hiệu quả kinh tế...

Bài, ảnh: NGỌC NHUẬN

Vĩnh Long nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học trong cộng đồng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Chú Nguyễn Văn Bé Ba (thường được gọi là Ba Gờm, 64 tuổi) là tay “sát cá” có tiếng ở một vùng sâu thuộc ấp Rạch Rô, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, cho hay: Tôi “giải nghệ” cách đây khoảng 7 năm vì trên đồng, dưới kinh nguồn tôm, cá, lươn, ếch, rắn, rùa tự nhiên bị cạn kiệt, một số loài mất biệt (như cua đinh, rắn hổ mang, cá chày, cá trạch…). Nay phải chuyển sang kiếm sống bằng nghề bắt chuột dừa bằng bẫy lồng…

Xiệt điện, hình thức đánh bắt tận diệt các loài thủy sản.

Trong Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015-2020 (UBND tỉnh phê duyệt, công bố vào đầu tháng 3-2021): Trên địa bàn tỉnh ghi nhận hiện còn 16 loài thú. Trong đó 3 loài thú ăn thịt nhỏ được tìm thấy ở khu vực đất hoang, bãi lầy thuộc cù lao Lục Sĩ Thành - Phú Thành nhưng rất hiếm gặp. Một số loài thú gặm nhấm nhỏ như chuột, sóc cây còn khá phổ biến. Còn 2 loài thú hiếm nuôi nhốt là nhím đuôi ngắn và khỉ đuôi dài.

Tỉnh có 55 loài chim, trong đó có 2 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 (Sách ghi danh sách các loài động thực vật ở Việt Nam thuộc loại quý hiếm, đang bị giảm sút số lượng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng) là loài cổ rắn và cốc đế. Một số loài chim rừng còn sót lại rất ít vì môi trường sống không phù hợp.Trong tổng số 40 loài lưỡng cư, bò sát (như ếch giun, thằn lằn bóng, chàng xanh, ba ba Nam Bộ,...) thì có 11 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (chiếm tỷ lệ khá cao 27,5%).

TS Lê Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường Miền Nam (thuộc Tổng cục Môi trường) - đơn vị tư vấn thực hiện Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015-2020, cho rằng: Áp lực phát triển kinh tế - xã hội, tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu (BÐKH)… làm suy giảm nhanh các loài động vật tự nhiên. Nguồn chất thải từ sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… chưa được xử lý triệt để trước khi thải vào các kinh rạch, sông ngòi, đã góp phần gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học của các thủy vực, trong đó khu hệ thủy sinh vật bị tác động mạnh nhất. Các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ sản xuất, làm mất đi nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật, cũng là một trong những tác nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài động, thực vật, đặc biệt là loài quý hiếm, đặc hữu.

BÐKH là nguyên nhân quan trọng dẫn tới suy giảm hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Sự thay đổi nhiệt độ nước, mực nước, lưu lượng, đặc biệt là tần suất và thời gian của những trận lũ, hạn hán lớn, xâm nhập mặn, làm giảm sản lượng sinh học, sự diệt vong của nhiều loài động thực vật bản địa, tác động trực tiếp đến nền kinh tế của tỉnh.

Ngoài ra, nguồn lợi tự nhiên bị săn bắt, đánh bắt mọi lúc mọi nơi kiểu tận diệt là nguyên nhân gốc rễ làm sụt giảm nhanh lượng tôm, cá, chim thú tự nhiên trong những năm gần đây.

Năm 2016, UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt, công bố “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Vĩnh Long giai đoạn năm 2015-2020 và định hướng đến năm 2030”. Ðể tiến hành các giải pháp bảo tồn theo quy hoạch, ngành chức năng đã thống kê hiện trạng các loài động vật hoang dã hiện có trong tỉnh. Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm và Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản, các loài động vật hoang nguy cấp, quý, hiếm hiện có trên địa bàn tỉnh, gồm: 50 cá thể cá sấu bố, mẹ, 100 cá thể trăn đất bố, mẹ (thuộc loài nguy cấp quý hiếm theo Nghị định số 6/2019/NÐ-CP ngày 22-1-2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) được gây nuôi tại cơ sở; khoảng 150 cá thể với 35 loài được gây nuôi tại các khu du lịch (trong đó có 5 loài, với 6 cá thể ưu tiên bảo vệ).

Bên cạnh đó cũng đã có 100% các hộ, trang trại nuôi động vật hoang dã được quản lý theo đúng quy trình về bảo tồn động vật hoang dã và 100% các loài động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp có hồ sơ lý lịch theo dõi, trong đó có 57 trại nuôi có đăng ký gây nuôi các loài động vật rừng được quy định tại Nghị định số 6/2019/NÐ-CP của Chính phủ.

Trong giai đoạn năm 2015-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo, UBND cấp huyện triển khai 3 dự án truyền thông về bảo tồn đa dạng sinh học tại huyện Trà Ôn, Vũng Liêm và Long Hồ cho cán bộ quản lý, giáo viên và 117 cộng đồng dân cư, với 18 lớp tập huấn có 1.682 người tham dự. Dự án không những giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học cho những người tham gia mà còn tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan chức năng, công tác quản lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì còn gặp khó. Hiện công tác xử lý vi phạm trên lĩnh vực này đã được phân cấp trực tiếp cho UBND cấp xã. Lực lượng chuyên trách (Công an xã) ở đây quá mỏng, thiếu kinh phí, phương tiện chuyên dụng nên khó hoạt động. Phần lớn chính quyền địa phương còn nhẹ tay hoặc bỏ ngỏ vì đối tượng vi phạm đều là hộ nghèo, là người quen hoặc là bà con cùng chung xóm, ấp nên không nỡ ra tay xử phạt nặng...

Bài, ảnh: MỸ TRUNG

Xây nhà cho cá

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Để khôi phục và ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, các ngành chức năng ở Cà Mau đang triển khai mô hình xây dựng “ngôi nhà” cho cá ở dưới biển.

Thả rạn san hô nhân tạo xuống biển nhằm xây “ngôi nhà” cho cá

Những năm gần đây, ngư trường vùng biển Tây Nam bị đánh bắt quá mức dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng. Chính vì vậy, để khôi phục và ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, các ngành chức năng ở Cà Mau đang triển khai mô hình xây dựng “ngôi nhà” cho cá ở dưới biển.

Cá hồi sinh

Tại các cửa biển lớn ven biển Tây Nam trên địa bàn tỉnh Cà Mau như Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Khánh Hội (huyện U Minh)… có không ít tàu cá nằm bờ thời gian dài, do đánh bắt không hiệu quả bởi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Đáng lo ngại là nhiều nơi vẫn còn tồn tại phương tiện, ngành nghề đánh bắt mang tính hủy diệt.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, trong những năm gần đây, nguồn lợi hải sản không chỉ suy giảm tuyến bờ mà còn cả các tuyến ngoài khơi. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp để khôi phục như chuyển đổi tàu, chuyển đổi nghề, thả con giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Tháng 9-2020, tỉnh Cà Mau triển khai dự án thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, kết hợp phát triển du lịch trên vùng biển. Dự án có tổng mức đầu tư trên 7,7 tỷ đồng. Mục đích nhằm chống sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là suy giảm sản lượng cá do khai thác quá mức. Cụ thể, triển khai xây dựng “ngôi nhà” cho cá bằng cách thả 500 khối rạn (bê tông) xuống khu vực biển Tây của tỉnh (cách hòn Đá Bạc 14km); khối rạn hình lập phương, kích thước 1,5x1,5x1,5m, độ dày 17cm, được phân thành 5 cụm rạn với 100 khối rạn/cụm. Phương pháp thả rạn được thực hiện theo tài liệu hướng dẫn của các chuyên gia Thái Lan.

Sau khi xây “ngôi nhà” cho cá, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp với chính quyền địa phương thành lập tổ hợp tác nhằm cùng nhau quản lý, bảo vệ và khai thác khu vực thả rạn nhân tạo (gọi tắt tổ quản lý rạn). Tổ có 16 thành viên là ngư dân có tàu khai thác thủy sản quanh khu vực biển thả rạn, thuộc xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời).

Ông Lê Vũ Trường (Tổ phó tổ quản lý rạn, ngụ xã Khánh Bình Tây) cho biết: “Chúng tôi tích cực tham gia mô hình này, bởi ai cũng thấy được nhiều lợi ích trong việc giữ gìn “ngôi nhà” cho cá ở”. Theo ông Trường, hiện khắp vùng biển Tây cá thì ít nhưng tàu đánh bắt thì nhiều. Vì vậy, những năm gần đây, đánh bắt không còn hiệu quả như trước. Do đó nếu không có giải pháp bảo vệ, khôi phục lại nguồn cá thì vài năm nữa sẽ không có cá mà đánh. Khi đó, ngư dân sẽ khốn đốn hơn.

Hiện nay, các thành viên trong tổ chia ra 4 nhóm và có 8 tàu cá thay phiên canh giữ. Mỗi nhóm giữ một tuần rồi vào bờ, sau đó đến nhóm khác ra thay thế. “Sau khi xây ngôi nhà cho cá ở một thời gian, mấy anh em chúng tôi thấy cá kéo về nhiều lên. Chứ chừng 3 năm về trước, khi chạy ghe trên vùng biển này gần như cả ngày không thấy bầy cá nào, nay ghe đi ngang qua khu thả rạn đã thấy các bầy cá trích, cá sọc… kéo về nổi trên mặt nước, một tín hiệu đáng mừng”, ông Trường khoe.

Theo ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, khi “ngôi nhà” cho cá được xây dựng xong, định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, các cơ quan chuyên môn tiến hành theo dõi sự phát triển nguồn lợi thủy sản và hiện trạng vật lý của các cụm rạn bằng phương pháp lặn đánh giá, ghi hình ảnh, phim, cùng với thu mẫu để phân tích. Chỉ sau vài tháng đã có sự xuất hiện khoảng 13 họ cá, gồm một số loài đặc trưng như cá bướm, cá thia, cùng với một số họ cá có giá trị như cá bóp, cá mú, cá hồng, cá đổng… Các loài cá tập trung tại khu vực rạn có khuynh hướng tăng lên qua các lần lặn thu mẫu đánh giá. Đặc biệt, một số loài cá tại khu vực rạn có kích thước lớn hơn nhiều so với kích thước trung bình mà ngư dân khai thác ngoài biển…

Vì một nghề cá bền vững

Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), cho biết, các thành viên trong tổ quản lý rạn đều tham gia tích cực, với tinh thần tự nguyện, cùng đoàn kết chung tay phát huy vai trò cộng đồng nhằm bảo vệ khu vực biển thả rạn nhân tạo. Đồng thời hướng đến bảo tồn, tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản; đặc biệt là nguồn lợi thủy sản ven bờ, giữ gìn đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật biển. Với phương châm hoạt động vì một nghề cá bền vững.

Cũng theo ông Nguyễn Cảnh Hạnh, từ khi thực hiện dự án thả rạn nhân tạo thì những “hung thần” sát hại nguồn lợi thủy sản ven bờ như cào bay không dám vào hoạt động. Bởi nếu cào bay đi vào vùng này sẽ gặp phải “căn nhà” của cá, miệng cào không thể kéo được vì bị các khối bê tông cản trở. Không những thế, họ còn gặp phải sự truy cản quyết liệt của các tàu cá trong tổ quản lý rạn.

Theo ông Đỗ Chí Sĩ, dù thời gian xây “ngôi nhà” cho cá ở chưa lâu, nhưng có nhiều tín hiệu khả quan cho thấy ở các vùng thả rạn đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Thêm vấn đề quan trọng là ý thức cao của các thành viên trong tổ quản lý rạn, việc định hướng khai thác bền vững được nâng lên rõ rệt, qua đó đã tác động đến tập quán khai thác thủy sản của người dân ở địa phương trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm hướng đến việc khai thác lâu dài, bền vững.

TẤN THÁI

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop