Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 07 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 07 năm 2016

Nông dân Nghệ An dùng máy phun nước tự động cho chè

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Nông dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) đang trồng chè sạch bằng công nghệ hiện đại. Những chiếc bét phun nước tự động lần đầu tiên xuất hiện ở vùng miền núi Nghệ An.

Việc sử dụng bét phun nước tự động vừa tiết kiệm thời gian tưới nước vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện có nhiều hộ dân trồng chè ở huyện Thanh Chương đang đầu tư hệ thống phun nước tự động để chống hạn cho cây trồng công nghiệp này.

Những chiếc bét phun nước tự động trên các đồi chè như một dàn pháo hoa giữa ban ngày. Để đầu tư một hệ thống phun nước tự động có chi phí khá cao, gồm máy bơm nước, vòi dẫn nước và hệ thống bét phun tự động. Mỗi ha chè tốn khoảng 30 triệu đồng, tuy nhiên nó có tác dụng lâu dài.

Bà Nguyễn Thị Hải, công nhân Đội sản xuất số 1, Tổng đội TNXP 5 chia sẻ, trước kia với diện tích 2.700 m2 chè của gia đình bà phải tưới đến 5 đến 6 tiếng đồng hồ mỗi lần. Từ khi lắp hệ thống tưới tự động gia đình bà chỉ mất 2 tiếng để tưới. Đặc biệt, bà không mất thời gian để chuyển các vòi nước đến các vị trí như trước đây.

Các hệ thống ống nối, vòi dẫn được lắp đặt khá đơn giản.

Theo một số hộ dân, việc trồng chè ở địa hình cao nên sử dụng các máy bơm nước có công suất hợp lý, đặc biệt là các máy bơm chìm, dùng điện 1 pha.

Diện tích chè được tưới bằng hệ thống phun nước tự động sẽ ít bị rửa trôi, giữ độ ẩm tốt và cho năng suất chè cao hơn các hình thức tưới khác.

Từ khi có hệ thống tưới nước tự động, những hộ dân trồng chè của Thanh Chương đã chủ động hơn nếu thời tiết khô hạn.

Hồ Phương

Đồng Tháp: Nông dân huyện Hồng Ngự trúng mùa hành lá

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Vụ này, anh Lê Bảo Toại ngụ ấp Long Hưng, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp trồng tổng cộng 14 công hành lá, giống hành hương gốc trắng của địa phương. Do giống hành này có khả năng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, cộng với kỹ thuật chăm sóc hiệu quả nên sau 2,5 tháng chăm sóc, đến nay ruộng hành của anh đang được thu hoạch, năng suất bình quân 2 tấn/công. Với giá bán từ 19.000 - 20.000 đồng/kg, anh tổng thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Anh Toại nói: “So với vụ trước, năng suất và giá cả của vụ này cao hơn, số lượng không đủ bán cho thương lái”.

Nông dân huyện Hồng Ngự chăm sóc hành lá

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn ngụ ấp Long Hưng trồng 2 công hành lá đang thu hoạch cũng cho lợi nhuận cao. Anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Mùa này, hành lá bị bệnh nhiều hơn. Chi phí đầu tư khoảng 9 - 10 triệu đồng/công, tăng hơn so với vụ đông xuân khoảng 1 triệu đồng/công nhưng do giá cả ổn định nên nông dân phấn khởi”.

Theo Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Hồng Ngự, vụ này nông dân trong huyện trồng 320ha hành lá, tập trung chủ yếu trong diện tích quản lý của Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Long Thuận. Hiện tại với giá bán 20.000 đồng/kg, bình quân nông dân thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha. Thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp với Chi cục BVTV, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn cho nông dân, đồng thời tổ chức nhiều mô hình hội thảo trình diễn trên cây hành lá để nông dân áp dụng mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư các dàn phun tưới tự động cho thành viên trong HTX áp dụng quy trình sản xuất nông sản sạch nên các sản phẩm rau an toàn của huyện Hồng Ngự được thị trường ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ưa chuộng. Rau màu của huyện còn được nước bạn Campuchia lựa chọn tiêu thụ. Ông Dương Minh Sang - Phó Giám đốc HTX Rau an toàn xã Long Thuận cho biết: “Vụ hè thu này, nông dân thắng lợi đầu tiên là giá cả ổn định, thứ hai là năng suất ổn định do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp sản xuất hoa màu, nhất là hành lá tươi. Bà con được tập huấn nhiều về sản xuất rau an toàn, sản xuất hành lá theo tiêu chuẩn và có kế hoạch sản xuất tránh dư thừa, dội chợ làm giá sụt giảm”.

Bên cạnh hành lá trúng giá, những ngày qua, giá một số loại hoa màu chủ lực của huyện cũng tăng và giữ ổn định ở mức cao như củ cải trắng 6.000 đồng/kg, hẹ 12.000 đồng, dưa leo 7.000 đồng/kg, rau thơm 20.000 đồng/kg. Mỗi loại đều tăng từ vài ngàn đến trên 10.000 đồng/kg nên nhìn chung vụ này nông dân thu hoạch hoa màu thắng lợi, bà con rất phấn khởi.

Minh Hồ

Thanh Hóa: Hiệu quả từ mô hình cánh đồng một lúa

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

Cánh đồng Vọn tại xã Đông Minh (Đông Sơn) canh tác một giống lúa TBR 225 cho năng suất tới 7 tấn/ha. (Ảnh: Lê Đồng)

Ít năm trở lại đây, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa nhà thường khuyến cáo nông dân và các địa phương chỉ nên cơ cấu một đến hai giống lúa trên cùng một xứ đồng. Qua thực tế, việc gieo cấy càng ít giống lúa trên một cánh đồng sẽ cho năng suất cao hơn.

Trước đây, việc chọn giống lúa chưa được ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền chú trọng định hướng. Nông dân chọn giống lúa tùy theo sở thích, dẫn đến hiện tượng “loạn” giống lúa, có khi một khu đồng được gieo cấy cả chục giống lúa khác nhau. Mỗi một giống lại có thời gian sinh trưởng khác nhau nên thời điểm cấy, chăm bón, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch... không đồng nhất. Ngay từ thời điểm gieo cấy, một số gia đình cấy trước Tết Nguyên đán, trong khi một số gia đình lại cấy các trà muộn sau Tết nên bị các ruộng đã cấy vây quanh, gây khó khăn cho việc cày bừa, điều tiết nước phù hợp... Trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa sau đó, việc chăm bón cũng mỗi nhà một kiểu, đáng nói nhất là việc phun thuốc bảo vệ thực vật không cùng thời điểm (do phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của lúa) đã phát sinh hệ lụy. Một gia đình phun thuốc, các loại rầy nâu, côn trùng có hại bay sang những ruộng chưa được phun để trú ngụ, đến khi các ruộng còn lại được phun thì côn trùng lại bay về ruộng ban đầu, vô hình chung việc diệt côn trùng, sâu bọ không mấy hiệu quả. Việc chỉ đạo, khuyến cáo của bộ phận khuyến nông và chính quyền cơ sở đến nông dân trong cả quá trình chăm bón cũng gặp nhiều khó khăn bởi hiện thực muôn hình muôn vẻ trên đồng ruộng.

Tại các cánh đồng chỉ canh tác một đến hai giống lúa, thời điểm cấy, giai đoạn lúa trổ bông, làm đòng và phơi màu trên các ruộng đều diễn ra gần như trùng thời điểm. Khi đó, hạt phấn được phát tán với mật độ cao nên việc thụ phấn của lúa đạt hiệu quả. Đến kỳ thu hoạch, các địa phương dễ dàng triển khai cơ giới hóa đồng loạt, dẫn đến giải phóng đất nhanh, đồng đều nên triển khai vụ tiếp theo nhanh gọn, kéo dài được thời gian cho vụ sau. Với nhiều xã, ưu điểm lớn nhất khi triển khai cánh đồng một lúa là hình thành được các vùng chuyên canh, chuyên môn hóa sản xuất một sản phẩm hàng hóa. Các công ty giống, các doanh nghiệp mua lúa thương phẩm cũng sẵn sàng thu mua đồng loạt với số lượng lớn nên việc tìm đầu ra cho hạt lúa của nông dân cũng dễ dàng hơn nhiều.

Để ghi nhận những ưu điểm trên trong vụ thu hoạch lúa chiêm xuân 2015 – 2016 vừa diễn ra, chúng tôi đã đi khảo sát tại nhiều địa phương trong tỉnh. Tại xã Quảng Đông (TP Thanh Hóa), ngay từ đầu vụ, HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Quảng Đông đã đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân, triển khai canh tác những cánh đồng gần như 100% lúa lai Thái Xuyên 111. Toàn xã có 334 ha lúa thì đã có 80% diện tích được nông dân đồng tình gieo cấy lúa Thái Xuyên 111 trên những cánh đồng đã được xã quy hoạch. Ông Nguyễn Duy Luyện, chủ nhiệm HTXDVNN Quảng Đông cho biết: “Chúng tôi phải thận trọng trồng khảo nghiệm 5 vụ vừa qua để lựa chọn giống lúa Thái Xuyên 111 cho nông dân canh tác thành vùng. Việc trồng tập trung một giống lúa cho nhiều ưu điểm, năng suất lúa đạt tới 7,5 tấn/ha, nhiều diện tích tới hơn 8 tấn/ha – cao nhất trong các giống lúa đã được canh tác tại xã từ trước đến nay”. Nông dân Đặng Sỹ Khuyên ở thôn 11 cùng xã, chia sẻ: Ngay từ đầu vụ, gia đình tôi chỉ cần đăng ký số lượng giống, sau đó HTXDVNN của xã làm việc với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình đưa giống về cung ứng tập trung, nông dân không lo thiếu giống hay mua phải giống trôi nổi kém chất lượng. Trước đây, chúng tôi sợ nhất là sâu bệnh, nhưng trồng một giống lúa đã hạn chế được điều này, giảm được chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật. Hiện, nông dân trong xã đã thấy được tác dụng của việc chỉ trồng một giống lúa trên một xứ đồng, đa phần đồng ý lựa chọn phương thức này trong những năm tới.

Cũng trong vụ chiêm xuân vừa qua, xã Đông Minh (Đông Sơn) triển khai canh tác 40 ha lúa thuần TBR 225 tập trung tại Đồng Vọn, thôn 4. Cánh đồng tập trung này được triển khai cày bừa, cấy và chăm bón theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ, máy móc thay thế gần như hoàn toàn sức người. Việc bón phân cũng được triển khai đồng loạt và cùng một loại phân theo định hướng của HTXDVNN Đông Minh. Sau hơn 100 ngày gieo cấy và chăm sóc, cánh đồng một lúa này đã cho thu hoạch với năng suất 7 tấn/ha. Cùng quan điểm với 40 hộ dân tham gia mô hình, nông dân Lê Thị Cúc ở thôn 4 cho biết: Sau khi tham gia mô hình, nông dân chúng tôi phấn khởi lắm, vừa giải phóng cơ bản được sức lao động, mà năng suất lúa lại cao. Chủ nhiệm HTXDVNN Đông Minh Lê Thanh Tường cũng khẳng định: Mới là vụ đầu tiên xã triển khai cánh đồng tập trung chỉ một giống lúa, song đã cho nhiều ưu điểm cần nhân rộng. Đây chính là điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, phát triển nông nghiệp hàng hóa không chỉ với xã Đông Minh.

Vừa qua, Công ty CP Giống cây trồng Thanh Hóa cũng phối hợp với các địa phương để triển khai một số mô hình cánh đồng một giống lúa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các huyện trong tỉnh và đều cho năng suất cao. Hy vọng nông dân và chính quyền ở nhiều nơi xem xét, có thể triển khai ở địa phương mình.

Lê Đồng

Cẩn trọng khi dùng thuốc diệt ốc bươu vàng

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Ốc bươu vàng là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm, rất khó phòng trừ. Hiện nay, đa số nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt ốc. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ để lại hậu quả khó lường, nếu không sử dụng đúng cách.

Ốc bưu vàng đẻ trứng trên các nhánh lúa

Đại dịch trên ruộng đồng

Thời điểm này, hầu hết diện tích lúa đã đẻ nhánh, làm đòng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân phải dặm lại một số diện tích lúa bị ốc bươu vàng cắn phá. Tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 80ha lúa bị ốc bươu vàng phá hại nặng, tập trung ở các xã Quảng Vinh, Quảng Phước, thị trấn Sịa…

Trước sự “xâm nhập” của ốc bươu vàng, hầu hết người dân ở các địa phương đều dùng thuốc để diệt ốc. Bà Vương Thị Đào (thị trấn Sịa) cho biết: “Tui làm 4 sào ruộng, khoảng 2 ngày sau khi làm đất, gieo sạ, tui bơm thuốc diệt cỏ khô rồi dùng thuốc bảo vệ thực vật diệt ốc bươu vàng. Ốc xuất hiện nhiều ở thời điểm tháo nước vào đồng ruộng. Trứng ốc theo nguồn nước chảy vào, sinh sôi, cắn phá những chồi non của lúa mới gieo. Có hai cách diệt ốc, đó là trộn thuốc vào phân bón và phun thuốc trực tiếp lên đồng ruộng. Nếu bắt thủ công, mỗi ngày bắt vài bao, nhiều quá không bắt hết nên phải dùng thuốc. Bơm thuốc xuống, ốc chết ngay lập tức. Không chỉ ốc, các loài cá, cua ở đồng cũng chết theo”.

Theo nhiều nông dân ở huyện Quảng Điền, so với các năm trước, vụ mùa năm nay ốc bươu vàng xuất hiện gấp nhiều lần. Nhiều diện tích lúa của bà con bị phá hoại nghiêm trọng.

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng NN &PTNT huyện Quảng Điền cho biết: “Sau trận mưa gần cuối tháng 6, ốc bươu vàng xuất hiện dày đặc gây hại mùa màng. Ốc quá nhiều nên bà con thường dùng các loại thuốc như milax, mapponos, tunxai, viniclorua… để diệt. Bây giờ nếu không có biện pháp phòng trừ hữu hiệu, nhiều khả năng ốc bươu vàng sẽ trở thành đại dịch trên đồng ruộng vào năm sau”.

Cần có phương pháp canh tác hợp lý

Ốc bươu vàng sống dưới nước lẫn trên cạn. Chúng có thể sống nhiều tháng trong điều kiện khô hạn bằng cách đóng nắp và vùi sâu trong đất. Khi gặp nước, chỉ sau thời gian ngắn, ốc hoạt động trở lại bình thường. Chúng có thể tồn tại trong môi trường ô nhiễm, thiếu oxy nhờ có ống thở. Loài sinh vật này có tốc độ sinh sản rất nhanh; đẻ trứng thành từng ổ, mỗi ổ từ 200 - 300 trứng trong khoảng 3 giờ. Để tiêu diệt ốc tận gốc, đa số bà con đều chọn cách sử dụng các loại thuốc có độc tính cao. “Thuốc diệt ốc thuộc nhóm độc loại 2, sau khi phun, thuốc sẽ trực tiếp ngấm vào đất, gây hại trực tiếp đến các sinh vật; môi trường nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Vọng cho biết.

Hiện nay, khắp tất cả các đồng ruộng đều có hệ thống kênh mương, dẫn nước ra các ao hồ, thậm chí các vùng nuôi trồng thủy sản. Việc sử dụng thuốc diệt ốc tác động không nhỏ đến môi trường nước. “Thuốc diệt ốc là hóa chất cực độc. Vừa qua, tôm tại huyện Quảng Điền bị chết hàng loại, nguyên nhân là do ô nhiễm nguồn nước. Việc sử dụng thuốc diệt ốc có thể là một tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại các khu nuôi trồng thủy sản”, ông Vọng nhìn nhận.

“Nhiều bà con muốn diệt sạch ốc nên dùng thuốc quá mức cho phép trong khi quy định chỉ sử dụng khoảng 500 g/sào. Nguyên tắc khi sử dụng thuốc diệt ốc, bà con phải cắm bảng thông báo ngay tại ruộng, để không cho gia súc, gia cầm tiếp cận khu vực này, song hầu như bà con không thực hiện. Sử dụng thuốc diệt ốc không đúng cách chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến kết cấu của đất, hạn chế sinh trưởng của các loại sinh vật khác”, ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết.

Ngoài sử dụng thuốc độc, hiện nay chưa có một biện pháp thực sự hữu hiệu nào để diệt trừ ốc. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo bà con nông dân hạn chế tối đa sử dụng hóa chất để diệt trừ loài sinh vật gây hại này. Theo ông Hoàng Vọng, để phòng trừ ốc bươu vàng, nông dân cần thực hiện tốt các phương pháp canh tác nhằm hạn chế môi trường sống của ốc. “Ôc bươu vàng chỉ phá hại lúa trong điều kiện môi trường có trũng nước (nước đọng 1cm trở lên) do vậy làm đất kỹ bằng phẳng, tránh chỗ trũng nước. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất và không gây ô nhiễm môi trường. Bà con nên bắt ốc và ổ trứng bằng tay vào buổi tối hoặc buổi sáng sớm; đánh rãnh thoát nước cách nhau 10 - 15m, để ốc bươu vàng tập trung vào rãnh, sau đó thu gom bằng tay hay xử lý thuốc diệt ốc thuận tiện hơn”, ông Vọng chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Diễn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, thời gian qua, Chi cục đã tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất các nhà hàng, quán ăn bán ốc bươu vàng. Thông thường các cửa hàng nhập ốc sống, ngâm qua một đêm mới chế biến thành món ăn. “Ốc bươu vàng có hàm lượng đạm cao, nếu bị chết sẽ bốc mùi thối, người sử dụng dễ dàng phát hiện. Nếu sử dụng ốc chết vì hóa chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. “Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, muốn đánh giá được mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng ốc bươu vàng bị chết do hóa chất cần phải lấy mẫu để kiểm tra, phân tích các loại chất tồn dư và xác định các loại chất đó có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng hay không.

Ông Cái Văn Thám cho hay: “Lâu nay, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp bà con dùng thuốc nằm ngoài danh mục cho phép nhưng bà con thường lạm dụng hóa chất để diệt ốc, làm suy giảm các loài thủy sinh có ích. Thuốc diệt ốc càng đắt thì độc tính càng cao. Bà con cần sử dụng một cách hợp lý để các chất độc này có thời gian phân hủy, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Cách phòng trừ ốc an toàn nhất là nông dân phải thường xuyên thăm đồng và có phương pháp canh tác hợp lý, nên bắt ốc bằng thủ công”.

LÊ THỌ

Long Xuyên (An Giang): Phát triển diện tích sản xuất rau an toàn

Nguồn tin: Báo An Giang

Trước thực trạng rau quả ô nhiễm do sử dụng hóa chất độc hại để phun tưới nông sản gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, TP. Long Xuyên (An Giang) đã có những bước đi đúng đắn khi thực hiện tốt các vùng sản xuất rau màu an toàn, đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng chất lượng.

Sản xuất rau an toàn trên cù lao Ông Hổ

Theo bà Lương Sơn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Long Xuyên, mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) xuất phát đầu tiên ở phường Mỹ Thạnh từ những năm 1999-2000. Ban đầu, Tổ sản xuất RAT phường Mỹ Thạnh thành lập gồm 12 thành viên, với diện tích 3.000m2. Nông dân tận dụng những diện tích đất trống xung quanh nhà, tranh thủ gieo sạ vài loại rau màu, mở 2 gian hàng rau sạch ở chợ Mỹ Bình và chợ Long Xuyên, góp phần tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, lúc này sản xuất còn rất manh mún, hiệu quả chưa cao, nên nông dân vẫn chưa mặn mà với mô hình này. Nhận thấy điều này, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV), Hội Nông dân thành phố đã nhanh chóng mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng cho nông dân ở địa phương. “Hiện nay, diện tích sản xuất của tổ đã tăng lên 4 héc-ta, với 26 thành viên, tập trung sản xuất ở 2 khóm Hòa Thạnh, Thới Thạnh. Do các loại rau màu có hệ số quay vòng đất nhanh, có thể sản xuất từ 8-10 vụ/năm, với giá bán trung bình khoảng 3.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, nông dân có thể thu lợi nhuận khoảng 1,5 triệu/công”- ông Mai Thành Phước- Tổ trưởng Tổ sản xuất RAT phường Mỹ Thạnh phân tích.

Từ đó, nông dân ngày càng có ý thức trong ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, trong đó có sản xuất RAT. Điều này đã góp phần không nhỏ đưa nông nghiệp của thành phố phát triển đa dạng, đời sống người dân ngày càng ổn định. Với 1,3 héc-ta đất sản xuất cùng 9 thành viên lúc mới thành lập, hiện nay, Tổ sản xuất RAT xã Mỹ Khánh đã tăng lên 17 thành viên, diện tích trên 2 héc-ta. Bà con sản xuất bằng cách tận dụng tối đa diện tích đất xung quanh nhà, sân bãi, trên triền đê bao để mở rộng diện tích, trồng nhiều chủng loại: Rau muống, cải, mồng tơi, hành, ngò…, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. “khi mới thành lập, các tổ viên còn rất lúng túng, vào từng thời điểm trong năm chưa phân bổ được loại rau màu nào để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cũng nhờ tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật ở xã, rồi học được cách sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đảm bảo thời gian cách ly an toàn… nên bà con mạnh dạn sản xuất”- anh Đào Quang Trí, Tổ trưởng Tổ sản xuất RAT xã Mỹ Khánh chia sẻ.

Bằng việc ham học hỏi, nhanh chóng nắm bắt được thị trường, cùng với việc nhận được sự đầu tư hợp lý, nhiều năm nay, Tổ hợp tác sản xuất RAT theo hướng VietGAP ở xã Mỹ Hòa Hưng đã giúp cho bà con có được thu nhập ổn định, từng bước tạo được thương hiệu riêng. Hiện nay, diện tích sản xuất của tổ đã tăng lên gần 12,7 héc-ta, với 31 thành viên tham gia. Được UBND TP. Long Xuyên đầu tư: Nhà sơ chế, nhà vệ sinh, máy rửa rau, hệ thống tưới phun, nhà lưới cấp giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và được vay vốn từ quỹ Hỗ trợ nông dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tham gia sản xuất. “Khi tham gia mô hình, nông dân được tiếp cận với kỹ thuật mới, tham gia các lớp tập huấn sản xuất RAT, như: Quản lý đất trồng rau, nước tưới, phân bón, thu hoạch phải đảm bảo đúng quy trình sản xuất, phân phối xuống giống hợp lý,… với nhiều chủng loại phong phú và sơ chế phân phối đưa ra thị trường”- anh Huỳnh Ngọc Diện, Tổ trưởng Tổ sản xuất RAT xã Mỹ Hòa Hưng cho hay. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 400.000 - 500.000 đồng/héc-ta/vụ, sản phẩm chất lượng và lợi nhuận cũng tăng theo.

Tổ sản xuất RAT xã Mỹ Hòa Hưng được cấp chứng nhận 17 loại rau - củ - quả, cung cấp thường xuyên cho siêu thị Co.opmart Long Xuyên, chợ Mỹ Bình, Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam từ 500 - 700 kg/ngày. Ngoài ra, còn cung cấp cho các chợ Long Xuyên, Mỹ Phước, Bình Khánh, Trà Ôn… với giá cả hợp lý, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận được với các sản phẩm an toàn.

ÁNH NGUYÊN

Trồng mía siêu ngọt thu lãi trên 160 triệu đồng/ha

Nguồn tin: Thái Nguyên

Trong khoảng 1 năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xóm Cộng Hòa, xã Động Đạt (Phú Lương, Thái Nguyên) đã chú trọng phát triển cây mía nhằm nâng cao thu nhập.

Hiện, xóm có khoảng 10 hộ dân trồng mía, toàn bộ là giống Quế Đường 93 (giống mía lai nhập từ Trung Quốc) với diện tích trên 4ha, đạt sản lượng hơn 100 tấn/ha/năm. Với giá bán trung bình 8.000 đồng/cây, mỗi ha mía cho thu nhập đạt gần 300 triệu đồng/vụ (mỗi vụ kéo dài 7 tháng), trừ chi phí lãi trên 160 triệu đồng/ha (gần 6 triệu/sào), cao gấp 4-5 lần so với trồng một số loại rau màu khác.

Theo đánh giá của các hộ dân, đây là loại cây trồng có thời gian thu hoạch ngắn, có thể trồng được quanh năm, chi phí thấp và không tốn nhiều công chăm sóc nên một số hộ dân của xóm Cộng Hòa đã chuyển từ trồng chè, ngô sang trồng mía.

Ngoài xóm Cộng Hòa, một số xóm khác của xã Động Đạt như: Đồng Nghè, Ao Trám… cũng đã chuyển một số diện tích đất trồng rau màu sang trồng mía. Đến nay, tổng diện tích trồng mía của toàn xã đạt trên 10ha.

Thu Huyền

Hiệu quả mô hình sử dụng phân hữu cơ

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Mô hình sử dụng phân hữu cơ phục vụ cho cây lúa nhằm cải tạo đất và tăng độ phì nhiêu cho cây trồng đã được thực hiện thí điểm tại Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Tân Bình (Đồng Tháp), diện tích 1ha với giống Nàng Hoa 9 do Trường Đại học Cần Thơ hướng dẫn quy trình sản xuất và cung ứng lượng sản phẩm phân hữu cơ hóa sử dụng.

Trà lúa bón phân hữu cơ cho lúa của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình sắp thu hoạch

Theo ông Phan Công Chính - Giám đốc HTXNN Tân Bình, mặc dù năng suất không cao (3,5 tấn/ha) nhưng bù lại chi phí sản xuất thấp, giảm hơn 9,2 triệu đồng/ha so với ruộng truyền thống và giá lúa có thể cao gấp 2 đến 3 lần so với lúa truyền thống. Cái được nhất của mô hình là tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường...

TRẦN BẢNH

Người dân Kiên Giang bất lực nhìn chuột hoành hành

Nguồn tin: VOV

Tình trạng chuột cán phá lúa ở Kiên Giang khiến người dân phải nghĩ cách diệt. Tuy nhiên, họ đã dùng nhiều cách để diệt chuột nhưng vẫn không hiệu quả.

Hiện nay, hàng trăm ha lúa hè thu ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đang bị chuột cắn phá dữ dội làm sản lượng lúa bị thất thoát nghiêm trọng. Ruộng đồng vừa trải qua đợt hạn mặn, diện tích lúa bị thiệt hại chưa kịp hồi phục thì nay đến nạn chuột hoành hành, làm cho cuộc sống của nhiều nông dân đã khó lại càng khó khăn hơn.

Anh Lê Hoàng Phương, ở xã Vĩnh Điều dẫn chúng tôi ra cánh đồng hơn 11ha của gia đình đang bị chuột cắn phá gần hết. Anh Phương cho biết, đã dùng nhiều cách để diệt chuột nhưng vẫn không hiệu quả, cuối cùng anh đành phải bỏ đất, mặc cho lũ chuột cắn phá, ước tính thiệt hại gần 200 triệu đồng.

Ở xã Tân Khánh Hòa có bà Phạm Hòa Bình, gia đình có 2ha lúa bị mất trắng hoàn toàn do chuột cắn phá. Bà Phạm Hòa Bình nói: “Tôi có 2ha lúa tới 35 ngày tuổi bị chuột ăn hết 90%. Tôi đầu tư vào đó 30 triệu đồng, giờ bị thất trắng rồi, chồng tôi phải đi làm thuê kiếm tiền. Nhờ chính quyền các cấp có hỗ trợ cho dân chúng tôi”.

Người dân tập trung ra đồng bắt chuột

Vụ lúa hè thu sớm năm nay, bà con nông dân huyện Giang Thành gieo sạ gần 16.000 héc ta. Đến giai đoạn lúa trổ đã bị chuột cắn phá dữ dội, diện tích thiệt hại khoảng 500 ha.

Trước nạn chuột cắn phá, nhiều người dân vì xót của nên đã dùng bẫy điện để diệt chuột. Việc làm này đã dẫn đến nhiều hậu quả đau lòng. Cụ thể, ngày 21/6 vừa qua, anh Nguyễn Thanh Phong, 32 tuổi ở ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú ra đồng thăm bẫy điện diệt chuột, không may anh bị trượt chân chạm vào dây điện, dẫn đến tử vong.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ, cha anh Phong đau buồn nói: “Nếu làm lúa mà không diệt chuột thì không có để ăn được nên bắt buộc phải dùng điện diệt chuột. Cũng vì vậy nên cho con tôi chết nhưng hiện giờ lúa như thế, chuột vẫn vào cắn phá”.

Ông Nguyễn Thành Được, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Thành cho biết, năm nay diện tích lúa bị chuột cắn phá nhiều là do nông dân không tuân thủ theo lịch thời vụ, gieo sạ không đồng loạt, dẫn đến thu hoạch lúa rải rác, tạo điều kiện để chuột có nơi trú ẩn, sinh sản và cắn phá diện tích lúa gieo sạ và thu hoạch. Ngành đã khuyến cáo nông dân cần tuân thủ đúng lịch thời vụ, sử dụng nhiều biện pháp thủ công để diệt chuột; tuyệt đối không sử dụng điện để bẫy chuột.

Ông Nguyễn Thành Được khuyến cáo bà con nông dân không sử dụng biện pháp dùng điện để diệt chuột, có thể sử dụng các phương pháp khác như đặt rập, thuốc hoá học, đuổi lon để diệt chuột, hạn chế thiệt hại đến tính mạng của bà con nông dân./.

Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL

Huyện Phụng hiệp (Hậu Giang): Phát triển mô hình trồng thanh long ruột tím

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Thanh Long ruột tím có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 18 tháng. Đây là loại trái cây cho thu hoạch rải vụ kéo dài khoảng 6 tháng (mùa thanh long chín từ khoảng tháng 3 đến tháng 9). Năng suất bình quân đối với cây 3 năm tuổi khoảng 60 kg/cây/năm. Với giá bán hiện nay khoảng 25.000 đồng/kg, mỗi cây cho thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/năm; một công tương đương khoảng 200 triệu đồng.

Trồng thanh long ruột tím - mô hình đang phát triển ở huyện Phụng Hiệp.

Do là loại cây trồng mới nên diện tích thanh long ruột tím đang cho trái ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) hiện nay chỉ khoảng 5ha, tuy nhiên diện tích này đang bắt đầu tăng nhanh, do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.

D.KHÁNH - V.MINH

Trung tâm chiếu xạ Hà Nội: Chiếu xạ 1-2 tấn vải xuất khẩu mỗi ngày

Nguồn tin: Báo Công Thương

Đây là thông tin được đại diện Trung tâm chiếu xạ Hà Nội cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ, diễn ra ngày 5/7, tại Hà Nội.

Vải thiều được chiếu xạ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội

Tại cuộc họp báo, đại diện Trung tâm chiếu xạ Hà Nội cho biết, việc nâng cấp Trung tâm chiếu xạ Hà Nội nhằm đẩy mạnh hơn việc xuất khẩu các loại hoa quả đặc sản của nước ta đến các thị trường lớn. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian (ít nhất hơn 1 ngày chiếu xạ) và chi phí (khoảng 15-16 triệu đồng/1 tấn vải), do không phải vận chuyển vào Nam như trước. Đồng thời, giúp nông sản tươi hơn và tránh được hư hại do vận chuyển nhiều.

Tuy nhiên, hiện nay lượng hàng được chiếu xạ tại trung tâm còn ít, mỗi ngày chỉ có từ 1-2 tấn vải được chiếu xạ để xuất khẩu sang Australia. Trong khi công suất của trung tâm chiếu xạ có thể đáp ứng 20-30 tấn vải/ngày. “Vấn đề quan trọng lúc này là các doanh nghiệp phải đẩy mạnh khai thác thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm”, đại diện Trung tâm chiếu xạ Hà Nội nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đàm phán với phía Mỹ để có giấy phép cho Trung tâm chiếu xạ Hà Nội được phép xử lý chiếu xạ vải, nhãn để xuất khẩu sang Mỹ.

Hiện nay, chi phí chiếu xạ ở Trung tâm chiếu xạ Hà Nội ở mức thấp, khoảng 6.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật đã bố trí một phòng thí nghiệm kiểm dịch thực vật ngay tại trung tâm và bố trí cán bộ túc trực 24/7. Bất kể lúc nào có hàng đến chiếu xạ để xuất khẩu đều được kiểm tra và làm ngay tại chỗ, tạo điều kiện tối đa, thông thoáng và nhanh chóng hết sức theo yêu cầu của doanh nghiệp để làm sao quả vải của chúng ta xuất đi được càng nhiều và càng nhanh càng tốt.

Quỳnh Nga

Hướng đi mới cho trái xoài ở một hợp tác xã

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Sẽ chẳng đi đến thành công nếu thiếu ý tưởng và hành động, vì vậy sau khi đại hội thành viên, Ban giám đốc Hợp tác xã (HTX) Xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp) quyết định lên ý tưởng tìm hướng đi riêng cho trái xoài địa phương - một ngành hàng trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà tỉnh đang thực hiện.

Xây dựng vùng nguyên liệu xoài đáp ứng nhu cầu thị trường

Xây dựng vùng nguyên liệu

Thời gian qua, sản phẩm xoài của tỉnh được người tiêu dùng trong nước “chọn mặt” và thị trường ngoài nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chấp nhận. Sẽ là một thiếu sót nếu như thiếu vắng nguồn nguyên liệu cung ứng cho người tiêu dùng thông qua các doanh nghiệp, chính vì vậy, HTX Xoài Mỹ Xương tiến đến xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Võ Việt Hưng - Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương chia sẻ: “Trong định hướng xây dựng vùng nguyên liệu, HTX kêu gọi thêm xã viên tham gia, liên kết với các nhà vườn ngoài xã. Vùng nguyên liệu được HTX định hướng sẽ sản xuất theo quy trình sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong tình hình mới, nhất là đáp ứng yêu cầu phục vụ các nước xuất khẩu. Với vùng nguyên liệu sẵn sàng sẽ thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chặt chẽ hơn. Đối với xoài loại 1, HTX sẽ làm cầu nối để phục vụ cho thị trường xuất khẩu, xoài loại 2 sẽ phục vụ cho các doanh nghiệp có nhu cầu sấy, chế biến”.

Hiện nay, thị trường có sự canh tranh gay gắt giữa các sản phẩm cùng loại, vì vậy việc giảm chi phí sản xuất là tác động tích cực cho sự tồn tại của xoài địa phương, giúp người nông dân có lãi cao hơn. Để giảm chi phí đầu vào, HTX đang mời gọi các doanh nghiệp cung ứng vật tư đồng hành cùng HTX với mức giá hợp lý. “Hiện nay cũng có một số doanh nghiệp đã “gật đầu” thực hiện nhưng vẫn còn một số vướng mắc nhất định. Vì vậy, HTX cũng mong tỉnh và các ngành chức năng làm cầu nối để HTX tiếp cận được những doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp uy tín tham gia liên kết đầu vào cho nhà vườn” - ông Võ Việt Hưng cho biết thêm.

“Cây xoài nhà tôi”

Theo bà Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, Đồng Tháp sở hữu sản phẩm cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đặc biệt là trái xoài. Tuy nhiên, việc khai thác xoài đến nay vẫn chưa hết giá trị của nó. Để trái xoài giúp người nông dân làm giàu, cần đẩy mạnh khai thác giá trị gia tăng từ nông sản này như sấy, mứt, chế biến các món ăn từ xoài, gắn sản xuất nông sản với du lịch trải nghiệm.

Cùng chung góc nhìn nhằm tạo sự khác biệt cho khách hàng đồng thời mang lại thu nhập thêm cho xã viên HTX Xoài Mỹ Xương đã xây dựng mô hình “Cây xoài nhà tôi” . Với mô hình này, những cây xoài của xã viên sẽ được giới thiệu lên trang web của đơn vị, người mua ưng ý cây xoài nào (hoặc nhiều cây) sẽ tiến đến làm hợp đồng sở hữu trong thời gian nhất định và khách hàng được hưởng toàn bộ nguồn lợi từ cây xoài. Riêng người bán – xã viên HTX sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cây đến khi cho trái. Đặc biệt là mô hình này được sản xuất theo mô hình VietGAP.

Khách hàng sẽ được trải nghiệm cảm giác mình sở hữu một vườn xoài thực thụ khi giới thiệu với bạn bè đây là “cây xoài nhà tôi” (của mình) trong các chuyến thu hoạch quả, kết hợp với du lịch. Đồng thời, người mua sẽ được trải nghiệm cùng tham gia với nhà vườn trong mùa vụ mà những người vùng đô thị khó thực hiện được.

Theo ông Võ Việt Hưng, hiện HTX đang triển khai thử nghiệm sau đó rút kinh ngiệm để nhân rộng. Với mô hình này, HTX sẽ làm “trọng tài” giữa 2 bên bán và mua. HTX cũng yêu cầu các nhà vườn chăm chút sản phẩm của mình để trái xoài sau khi thu hoạch đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Những mô hình này được HTX Xoài Mỹ Xương lên ý tưởng và đang triển khai thực hiện, kết quả vẫn còn ở phía trước nhưng với ý tưởng mới đã là sự thành công bước đầu của đơn vị.

K.D

Huyện Chợ Gạo (Tiền Giang): Nông dân phấn khởi thu hoạch thanh long ra hoa tự nhiên

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Cây thanh long đã phát triển thành vùng chuyên canh trên địa bàn huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đạt 4.406ha. Thời gian qua, việc trồng thanh long đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, hàng năm tạo việc làm ổn định và nguồn thu nhập lớn, nâng cao đời sống cho nhiều hộ nông dân.

Huyện cũng đã thành lập Hợp tác xã thanh long xã Mỹ Tịnh An để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện toàn huyện có 5 doanh nghiệp đã đầu tư kho lạnh và 42 cơ sở thu mua thanh long.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chợ Gạo lần thứ X, huyện nhân rộng quy trình sản xuất thanh long an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2020 có 30% diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP.

Nông dân dùng ly úp bông thanh long để trái không bị chay khi trời mưa.

Hiện nay, diện tích thanh long đang khai thác đạt 3.000 ha (năng suất rải vụ 18 tấn/ha), sản lượng đến nay đạt 54.000 tấn. Trong tuần, giá thanh long ruột trắng từ 8.000 đồng - 10.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/kg, với giá này nông dân phấn khởi.

Nông dân đang tích cực chăm sóc vườn thanh long nhằm hạn chế bệnh thán thư, thối cành, đặc biệt hiện nay do trời mưa nhiều bệnh đốm nâu bắt đầu phát triển mạnh, xuất hiện chủ yếu ở đầu trụ và các cành non, nhiều nhất ở những vườn vệ sinh kém.

NGỌC DUYÊN

Bắc Giang: Tiêu thụ vượt dự báo gần 2 nghìn tấn vải thiều

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Theo Sở Công thương Bắc Giang, đến hết ngày 6-7, toàn tỉnh đã tiêu thụ gần 132 nghìn tấn vải thiều, vượt so với dự báo ban đầu gần 2 nghìn tấn.

Vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội.

Lý do sản lượng vải thiều Bắc Giang tăng hơn là do sản lượng của huyện Lục Ngạn tăng. Theo đó, sản lượng vải thiều năm nay của tỉnh Bắc Giang ước đạt 150 nghìn tấn tăng 20 nghìn tấn so với dự báo.

Tính đến hết ngày 6-7, sản lượng vải thiều xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đạt gần 60 nghìn tấn, đưa tổng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 90 nghìn tấn. Trong đó, qua cửa khẩu Lào Cai là hơn 27 nghìn tấn, còn lại là qua cửa khẩu của tỉnh Hà Giang.

Đánh giá của cơ quan chuyên môn, giá vải thiều xuất khẩu qua các cửa khẩu năm nay nhìn chung ổn định. Theo đó, vải thiều qua các cửa khẩu của Lạng Sơn giá dao động từ 30-35 nghìn đồng/kg; qua các cửa khẩu Lào Cai giá từ 30 - 40 nghìn đồng/kg.

Ngay sau khi tổ chức tuần lễ vải thiều tại Hà Nội, hiện nay đã có 44 tấn vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ qua hệ thống siêu thị Big C và Hapro.

Thông tin từ chợ đầu mối Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, sản lượng tiêu thụ đến thời điểm này tại đây là hơn 17 nghìn tấn với mức giá từ 20 - 30.000 đồng/kg.

Đến nay, toàn huyện Lục Ngạn đã thu hoạch hơn 82 nghìn tấn và dự kiến sẽ thu hoạch xong trước ngày 20-7. Các huyện: Tân Yên, Sơn Động, Lục Nam, Lạng Giang và Yên Thế cơ bản thu hoạch xong.

Khảo sát tại huyện Lục Ngạn, hôm nay 6-7 cho thấy, giá vải thiều ổn định và dao động từ 10 - 30.000 đồng/kg. Những ngày này, trên địa bàn huyện tình hình giao thông, an ninh ổn định, không xảy ra tắc đường do có sự vào cuộc tích cực của lực lượng công an, quân đội, thanh niên tình nguyện...

Giá vải thiều bán tại TP Bắc Giang ngày 6-7 dao động từ 20 - 35 nghìn đồng/kg.

Ngọc Hân

Hơn 10 tấn vải thiều Việt Nam đã được tiêu thụ tại Australia

Nguồn tin: VOV

Đa số vải thiều nhập khẩu từ Việt Nam được Australia tiêu thụ tại 2 thành phố Sydney và Melboune.

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, từ ngày 23-29/6 đã có hơn 10 tấn vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu sang Australia. Khác với năm đầu tiên, vải thiều nhập khẩu từ Việt Nam năm nay chủ yếu được tiêu thụ tại 2 thành phố Sydney và Melboune. Gần 1/2 số vải nói trên đã được chuyển đến thành phố Perth, Tây Australia.

Vải thiều Việt Nam tiếp tục được đón nhận tại thị trường Australia.

Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, giá thành nhập khẩu vải năm nay thấp hơn năm ngoái do giảm chi phí vận chuyển vào miền Nam chiếu xạ. Vải thiều cũng được trợ giá vận chuyển bằng đường hàng không.

Mặc dù trái vải của Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với vải Trung Quốc, được vận chuyển bằng đường biển có giá thành thấp hơn hẳn, tuy nhiên, vải thiều Việt Nam tiếp tục được đón nhận tại thị trường Australia do chất lượng ngon hơn hẳn vải Trung Quốc.

Vừa qua, nhân chuyến công tác tại Australia với đoàn Cục Công nghiệp Địa phương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương - ông Nguyễn Trọng Tuệ đã cùng Thương vụ Việt Nam tại Australia đi khảo sát thị trường vải thiều tại thành phố Melbourne. Hy vọng trong các niên vụ tiếp theo, vải thiều Bắc Giang và vải Thanh Hà của tỉnh Hải Dương sẽ sớm có mặt tại thị trường này./.

PV/VOV.VN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop