Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 07 năm 2017

Xuất khẩu trái cây: Không thể mãi theo đường tiểu ngạch

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Thời gian gần đây, trái cây Việt Nam đã đáp ứng về điều kiện kiểm dịch thực vật để vào những thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đầu ra trái cây Đồng Nai vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Sầu riêng đang sốt giá vì thương lái gom hàng xuất đi Trung Quốc. Ảnh chụp cảnh thương lái mua sầu riêng tại xã Bình Lộc (TX. Long Khánh).

Từ đầu năm 2017, Australia đã đồng ý cho phép nhập khẩu thanh long tươi từ tất cả các vùng sản xuất thanh long của Việt Nam vào thị trường này. Tuy nhiên trên bình diện chung, xuất khẩu trái cây vẫn chủ yếu dựa vào các thị trường dễ tính và qua đường tiểu ngạch.

* Đi “chui” là chủ yếu

Khoảng 1 tuần trở lại đây, giá sầu riêng hạt lép bán tại vườn bỗng nhảy đột biến lên mức 40-45 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 15 ngàn đồng/kg so với trước. Thương lái đua nhau về nhà vườn thu mua sầu riêng để đóng hàng đi Trung Quốc.

Bà Bùi Thị Lý, nông dân trồng sầu riêng ở TX.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Gần đây, thương lái tranh giành nhau về nhà vườn mua sầu riêng. Theo đó, giá bán loại trái cây này đột nhiên tăng cao khi bắt đầu bước vào rộ mùa thu hoạch. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không biết mức giá tốt này duy trì được bao lâu, vì những đợt gom hàng đi Trung Quốc thay đổi rất thất thường”.

Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của rau, quả Việt Nam. Trong quý I-2017, Trung Quốc tiêu thụ trên 73% tổng sản lượng trái cây, rau xuất khẩu của Việt Nam. Tại Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đạt khoảng 811 triệu USD, tăng khoảng 18,5% so với cùng kỳ. Trong đó, những mặt hàng nông sản được thống kê chủ yếu chỉ gồm: hạt điều, cà phê, cao su, hạt tiêu, thủy sản.

Cụ thể, so với cùng kỳ, xuất khẩu cao su vào thị trường này tăng trên 18%, hạt điều tăng khoảng 3%, hạt tiêu giảm gần 50%, cà phê giảm 13%...Tuy theo các thương lái, Trung Quốc là thị trường chính tiêu thụ nhiều mặt hàng trái cây của Đồng Nai nhưng ngành hàng này vẫn chưa có trong danh mục các mặt hàng nông sản xuất khẩu được theo dõi vì chủ yếu chỉ xuất theo đường tiểu ngạch.

Nói về thị trường xuất khẩu trái cây, bà Nguyễn Thị Huệ, chủ vựa trái cây xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) cho biết, bao nhiêu năm qua, trái cây Việt Nam chỉ xuất được vào thị trường Trung Quốc. Hiện đang là vụ chính thu hoạch thanh long, nhưng đa số nhà vườn đều chọn cách ngắt bỏ hoa để giảm sản lượng vì mùa này giá thanh long rất thấp.

"Giá mua tại vườn loại tuyển để cung cấp cho các thương lái đóng đi Trung Quốc có mức từ 12-15 ngàn đồng/kg, hàng dạt bán nội địa chỉ còn khoảng 5 ngàn đồng/kg. Thanh long rớt giá vì thời điểm này bên Trung Quốc cũng thu hoạch nên giảm nhập thanh long Việt Nam" - bà Huệ nói.

Thanh long rớt giá vì Trung Quốc giảm ăn hàng. Ảnh chụp tại vựa trái cây ở xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất).

Không chỉ riêng trái cây mà đa số các mặt hàng nông sản khác từ thịt heo đến con cá sấu... nhiều năm qua đều phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Do hoạt động xuất khẩu đều theo đường tiểu ngạch (thương lái còn gọi là xuất khẩu “lậu”) nên đầu ra gặp rất nhiều rủi ro, bất trắc. Ngay bản thân các thương lái cũng mù mờ thông tin về thị trường này.

* Cần quy hoạch lại sản xuất

Nhiều năm qua, Đồng Nai đã ký kết hợp tác với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nội dung hỗ trợ về thị trường, cụ thể Nhật Bản đã chấp nhận mở cửa cho trái xoài Đồng Nai. Nhưng đến nay, việc mở rộng kênh xuất khẩu trái cây theo đường chính ngạch vẫn còn bỏ ngỏ.

Đồng Nai không thiếu những loại cây chủ lực có diện tích lớn, chất lượng ngon, như: chôm chôm, sầu riêng, xoài... hoàn toàn đạt yêu cầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Cụ thể, trái sầu riêng của Đồng Nai từng xuất khẩu rất tốt vào thị trường Mỹ.

Công ty phát triển công nghệ sinh học DONA - TECHNO (TX.Long Khánh) đã mạnh dạn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với hàng trăm hécta để xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhưng khi thị trường sốt giá, nông dân sẵn sàng phá vỡ hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp để bán hàng cho thương lái bên ngoài. Và nghịch lý nông dân bán đổ bán tháo trái cây trong khi doanh nghiệp mất cơ hội vì không gom đủ sản lượng hàng xuất khẩu vẫn tiếp diễn.

Đồng Nai cũng không thiếu những vùng chuyên canh trái cây với diện tích lớn, nhưng khi doanh nghiệp tìm đến đặt hàng thì lại không đáp ứng được cả về mặt chất lượng và sản lượng cho thị trường xuất khẩu. Trong đó, nông dân vẫn sản xuất theo kiểu tự phát, chạy theo phong trào là rào cản không nhỏ.

Tình trạng cùng một vườn sầu riêng, chôm chôm nhưng thường được xen nhiều giống khác nhau; mỗi nông dân lại có một bí quyết riêng chăm sóc vườn cây. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cần một chuẩn chung với tiêu chuẩn khắt khe từ kích cỡ, hình dáng đến chất lượng trái.

Ông Võ Văn Vịnh, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối nông sản sạch Dầu Giây (huyện Thống Nhất), có hơn 20 năm kinh doanh các mặt hàng trái cây, nhận xét: “Trái cây Đồng Nai rất nhiều, rất ngon nhưng chủ yếu chỉ bán được sang Trung Quốc. Nhưng đây chưa thể gọi là xuất khẩu vì vẫn đi theo đường tiểu ngạch theo kiểu được chăng hay chớ”.

Theo ông Vịnh, rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến Đồng Nai đặt vấn đề xuất khẩu trái cây nhưng rồi đều bỏ cuộc vì không tìm được nguồn cung đạt yêu cầu cả về sản lượng và chất lượng. Khó khăn lớn nhất là nông dân vẫn sản xuất theo kiểu phong trào, chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thiếu cả niềm tin và sự ràng buộc mang tính pháp lý cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp càng e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực quá nhiều rủi ro này.

Những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn, như: thanh long, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, xoài... đều là những cây trồng chủ lực của Đồng Nai với diện tích lớn. Cụ thể, toàn tỉnh có hơn 11,6 ngàn hécta xoài, sản lượng thu hoạch trên 95 ngàn tấn; chôm chôm trên 11 ngàn hécta, sản lượng khoảng 152 ngàn tấn; cây có múi gần 6 ngàn hécta, sản lượng khoảng 56 ngàn tấn; sầu riêng gần 4 ngàn hécta, sản lượng gần 31 ngàn tấn; mít gần 3 ngàn hécta, sản lượng đạt trên 36 ngàn tấn... Tuy UBND tỉnh đã có nhiều chương trình xúc tiến, kết nối nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trái cây Đồng Nai ra thị trường thế giới, nhưng đến nay trái cây Đồng Nai chủ yếu vẫn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, thiếu bền vững.

Bình Nguyên

Dưa hấu phủ ni lông lãi 10 triệu đồng/sào

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Trên khắp cánh đồng nông dân Nghi Lộc (Nghệ An) đang vào vụ thu hoạch dưa hấu; hiện 100 ha dưa hấu phủ ni lông được thương lái các tỉnh phía Bắc về mua với giá cao.

Khắp các cánh đồng, đâu đâu cũng thấy nụ cười rạng rỡ của nông dân bởi năm nay dưa hấu bán được giá. Từ sáng sớm, anh Nguyễn Văn Cường ở xóm 13, xã Nghi Long (Nghi Lộc) đã ra ruộng dưa hái bán cho thương lái.

"Năm nay 4 sào dưa hấu tôi đều phủ ni lông, đất ẩm hơn, cây hút được nhiều dưỡng chất hơn, kỳ thu hoạch quả dưa to, ngọt nên rất đắt hàng. Hiện dưa bán tại ruộng giá 6.500 đồng/kg, cao hơn vụ hè thu năm ngoái khoảng 2.000 đồng/kg. Với 4 sào dưa sản xuất trong vòng 2 tháng, gia đình tôi thu nhập 40 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác” - anh Cường chia sẻ.

4 sào dưa hấu phủ ni lông của anh Nguyễn Văn Cường đến kỳ thu hoạch quả đều to và ngọt. Ảnh: Thu Hiền

Theo người dân trồng dưa xã Nghi Long, thông thường, dưa hấu đầu vụ bán được 5.000 đồng/kg, thời điểm chính vụ giảm xuống 4.300 đồng/kg, song năm nay dù đã vào đợt thu hoạch rộ nhưng giá bán tại ruộng vẫn được 6.500 - 7.000 đồng/kg. Đặc biệt, năm nay, số lượng thương lái đến mua dưa nhiều hơn những năm trước, không chỉ có xe thồ mà cả xe trọng tải lớn, đến từ nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc.

Một thương lái tên Đào cho hay, dưa hấu Nghi Lộc không chỉ cung cấp tại các chợ trên địa bàn trong tỉnh mà còn được chúng tôi mang đi các chợ ở Hà Nội để bán. Tôi nghĩ có lẽ chất đất ở đây hợp với cây dưa hấu, nên quả ngọt đậm, thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.

Tại xã Nghi Long (Nghi Lộc), trung bình 1 sào dưa hấu vụ hè thu cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Ảnh: Thu Hiền

Ông Nguyễn Tứ Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết: “Năm nay, địa phương chỉ đạo sản xuất dưa hấu bằng phương pháp phủ ni lông nên quả to, dưa ngọt; trung bình trồng 1 sào dưa, nông dân thu về 10 triệu đồng. Hiện nay chúng tôi chỉ đạo bà con vừa thu hoạch vừa làm cỏ sản xuất gối vụ”.

Dưa hấu là cây trồng thích nghi với những cánh đồng có hệ thống tiêu thoát nước nhanh; diện tích trồng dưa chủ yếu tập trung ở các xã vùng màu như: Nghi Long, Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Hợp, Nghi Khánh. Thời gian từ lúc gieo trồng đến lúc thu hoạch trong vòng 2 tháng. Vụ hè thu này, năng suất dưa đạt 32 tấn/ha; với giá bán trung bình 6.500 đồng/kg, Nghi Lộc thu về trên 20 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc: "Huyện tiếp tục rà soát để xây dựng quy hoạch các vùng trồng rau, quả có hiệu quả kinh tế cao ở các xã vùng màu. Tuyên truyền nhân rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế theo hướng VietGAP; tập trung cải tạo hạ tầng kỹ thuật đảm bảo việc thâm canh cho người dân, nhất là vấn đề tiêu úng".

Thu Hiền

Đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tại thị trường Trung Quốc

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Gần đây, tình hình tiêu thụ thanh long của Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng tại đất nước đông dân nhất thế giới diễn ra bình thường và duy trì sản lượng xuất khẩu tương đối lớn. Số liệu tổng hợp từ Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang cho thấy: Lượng thanh long cả nước xuất sang Trung Quốc trong năm 2016 hơn 970.000 tấn, đạt kim ngạch khoảng 777 triệu USD. 5 tháng đầu năm 2017, thị trường Trung Quốc đã nhập trên 500.000 tấn thanh long của Việt Nam với kim ngạch đạt gần 380 triệu USD.

Thanh long Bình Thuận tiếp tục được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Đáng chú ý hoạt động xuất khẩu thanh long qua Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay tại các tỉnh phía Bắc bắt đầu có sự chuyển dịch giữa các cặp cửa khẩu. Như lượng thanh long xuất khẩu qua cặp cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Trung Quốc) chỉ đạt khoảng 200.000 tấn, bằng 33% so thực hiện cả năm 2016. Trong khi đó cùng thời gian nhưng xuất khẩu thanh long qua cặp cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) - Thiên Bảo (Trung Quốc) là 260.000 tấn, gần bằng 70% cả năm 2016, còn xuất qua cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) - Hà Khẩu (Trung Quốc) đạt 41.000 tấn, tăng gần 27 lần so cả năm ngoái… Được biết, số lượng thanh long xuất qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) sụt giảm là do thương lái chủ động chuyển hàng sang các cặp cửa khẩu khác nhằm tận dụng chính sách ưu đãi về thuế VAT của Trung Quốc. Đồng thời việc giảm bớt lượng thanh long ngay tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cũng góp phần hạn chế tình hình ùn tắc hàng hóa xuất khẩu xảy ra tại cửa khẩu này.

6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản Bình Thuận được 8,4 triệu USD (tăng hơn 30% so cùng kỳ năm trước), trong đó mặt hàng thanh long đạt 4,45 triệu USD. Để đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường đông dân nhất thế giới, theo kế hoạch vào đầu tháng 8 tới đây, địa phương sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ thanh long tại TP. Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tham dự sự kiện, dự kiến đoàn Bình Thuận có khoảng 25 đại biểu (trong đó đại diện doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh từ 15 - 25 đại biểu), riêng đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản phía Trung Quốc là 40 đại biểu. Thông qua hội nghị, doanh nghiệp Bình Thuận sẽ có cơ hội gặp gỡ trực tiếp đối tác là những doanh nghiệp, nhà nhập khẩu thanh long bên nước bạn để trao đổi, giới thiệu sản phẩm, tăng cường đưa hàng hóa vào Trung Quốc theo đường chính ngạch. Bởi với diện tích trồng cũng như sản lượng nhiều nhất Việt Nam và dành đến 80 - 85% sản lượng cho xuất khẩu, nhưng thanh long Bình Thuận mới xuất khẩu chính ngạch khoảng 2 - 3%, số còn lại chủ yếu mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc với tỷ lệ chiếm hơn 80%...

Quốc Tín

Thăng trầm cây nhãn Châu Thành

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Từ lâu cây nhãn có thể xem là cây chủ đạo gắn liền với tên gọi vùng đất Châu Thành (Đồng Tháp). Tuy vậy, trong thời gian dài cây nhãn bị bệnh chổi rồng, hiệu quả kém, sản xuất bấp bênh.

Những năm gần đây, nhờ chuyển sang trồng nhãn idor, lợi nhuận kinh tế của người dân dần được nâng lên, sản phẩm được thị trường trong nước ưa chuộng và xuất khẩu với giá trị kinh tế cao…

Nông dân điều chỉnh lịch rải vụ theo thị trường

Thăng trầm cây nhãn

Khi nhắc đến Châu Thành hầu như ai cũng liên tưởng đến những vườn nhãn da bò đến mùa thu hoạch tỏa hương thơm ngọt cả một vùng. Khoảng hơn 20 năm trước, nhãn da bò đứng “top” đầu cây ăn trái có hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Văn Phạn (ngụ xã Phú Hựu) nhớ lại: Hồi trước, nhãn da bò giống quý lắm, giá rất cao. Người dân chỉ mua vài nhánh trồng trước cửa nhà để dễ giữ, sau đó chiết nhân giống trồng ra vườn. Thời điểm đó, một ký nhãn mua được gần 2 giạ lúa. Gia đình có nhãn da bò đến mùa tiền rủng rỉnh trong túi, sắm sửa tiện nghi trong nhà rất dạn tay”.

Theo các lão nông ở đây, nhãn da bò (còn gọi là nhãn tiêu quế) rất thích hợp với đất Châu thành, cây mau lớn có giá trị cao. Có thời điểm, cây nhãn da bò hầu như “phủ sóng” khắp Châu Thành.

Chú Võ Văn Sang (ngụ xã An Nhơn) cười sảng khoái, nhắc lại: “Cây nhãn da bò như là một kỷ niệm. Mới đầu gia đình mua được 10 cây, giá 10 ngàn đồng/cây đem về trồng, rồi nhân giống và bán giống cũng “hốt” được mớ tiền. Đến mùa nhãn chín, thương lái tranh nhau đến đặt cọc, giá rất cao, chỉ cần một vụ là gia đình sẽ đổi đời. Thời điểm đó, chợ Cái Tàu ghe xuồng buôn bán nhãn đậu kín khúc sông, vui lắm...”.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cây nhãn da bò bị dịch bệnh chổi rồng tàn phá, suy kiệt chết dần chết mòn, có nhà buộc phải đốn bỏ... làm củi, có nhà tiếc của ráng tìm phương cách điều trị nhưng bất thành. Có thời điểm nông dân cứ loay hoay tìm loại cây trồng thích hợp thay thế và lúc này, nhãn idor nổi lên như một giải pháp cho người dân Châu Thành.

Chặt nhãn... trồng nhãn

Sau những thăng trầm, lao đao, vườn cây ăn trái ở Châu Thành đang có dấu hiệu hồi sinh bởi các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như thanh long, sầu riêng, bưởi... đặc biệt là cây nhãn idor. Từ năm 1997, sau lô nhãn đầu tiên do ông Út Hiện mang từ nước ngoài về vùng đất An Hòa, giống nhãn này nhanh chóng phủ khắp các xã trên địa bàn huyện, nhờ đặc tính dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhãn idor ít bệnh chổi rồng nên người dân rất ưa chuộng chọn làm cây thay thế nhãn da bò.

Ông Võ Văn Hùng (ngụ xã An Nhơn), người có hơn chục năm gắn bó với cây nhãn da bò nhưng cũng bỏ chuyển sang nhãn idor do dịch bệnh chổi rồng hoành hành. Ông Hùng nhắc lại: “Gắn bó với cây nhãn da bò hơn chục năm mà đốn bỏ cũng không đành nhưng thời điểm đó giá thấp, cộng thêm bệnh chổi rồng hoành hành, “bám” mãi theo nó thì mình cũng chết theo. Năm 2010, ở đây rộ lên phong trào trồng nhãn idor, thấy vậy tôi cũng trồng thử. Cũng như nhãn da bò, nhãn idor sau 3 năm trồng bắt đầu cho trái, tuy nhiên so về giá thì cao hơn 2-3 lần nhãn da bò. Thấy hiệu quả nên dần dà tôi mở rộng toàn bộ diện tích sang trồng nhãn idor. Hiện nay, với 2,6ha, mỗi năm thu hoạch trên 20 tấn trái, giá bán dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg (tùy vào thời điểm mùa thuận hay mùa nghịch). Sau khi trừ chi phí cũng lãi vài trăm triệu đồng”.

Theo ông Hùng, hiện nay hầu như người dân vùng cù lao đều chuyển sang trồng nhãn idor, chỉ còn một số ít diện tích nhãn da bò, nhưng nông dân cũng đang “nhấp nhổm” chuyển đổi sang nhãn idor.

Nhãn Châu Thành hiện đã liên kết với doanh nghiệp cung ứng cho thị trường nước ngoài

Trong năm 2016, nhãn Châu Thành (nhãn idor) được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu và liên kết được với các công ty, doanh nghiệp để cung ứng cho các thị trường trong nước. Nhãn Châu Thành bước đầu được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu... Đây là cơ hội mới để nâng cao thu nhập cho người dân trồng nhãn.

Theo các nhà vườn trồng nhãn idor, nhờ liên kết trồng nhãn xuất khẩu mà lợi nhuận thu được khá cao so với trồng nhãn thông thường. Ông Nguyễn Văn Sáu - thành viên Hợp tác xã nhãn Châu Thành cho biết, nếu nông dân áp dụng đúng theo kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp chỉ dẫn và theo yêu cầu của công ty, thì sản phẩm nhãn sẽ được “đi nước ngoài”. Một điều phấn khởi nữa là giá nhãn xuất khẩu ổn định ở mức 30.000 - 45.000 đồng/kg (tùy từng thời điểm), với giá cả như thế nhà vườn trồng nhãn có thể yên tâm canh tác.

Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân trồng nhãn Châu Thành và bà con nông dân đang điều chỉnh lại vườn nhãn của mình trồng rải vụ theo hướng sạch, an toàn đáp ứng theo nhu cầu thị trường.

Thảo Vy

Vĩnh Long: Trồng thêm 862ha cam sành

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Vĩnh Long, 6 tháng qua, nông dân trong tỉnh đã trồng mới thêm 862ha cam sành, tập trung ở các huyện Trà Ôn, Vũng Liêm và Tam Bình, nâng tổng số diện tích trồng cam toàn tỉnh lên gần 9.000ha (trong đó có trên 2.000ha trồng trên đất ruộng).

Cam sành trồng trên đất ruộng ở Trà Ôn.

Phong trào trồng cam sành ở Vĩnh Long lại rộ lên trong vòng 5 năm trở lại đây bởi hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.

Nhiều nông dân có kinh nghiệm, có vốn đã chấp nhận thuê thêm đất trồng cam với giá thuê từ 4- 5 triệu đồng/công ruộng/năm, trong vòng 5 năm rồi trả nguyên trạng cho chủ cũ.

Cam trồng có mật độ rất dày (bình quân 400 cây/công). Lứa thu hoạch đầu (sau 2- 3 năm trồng), cho năng suất từ 40- 60 tấn/ha (10- 15 kg/cây), doanh thu 1- 1,2 tỷ đồng/ha, lợi nhuận 500- 600 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, phần lớn diện tích cam được người trồng sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để rút ngắn thời gian sản xuất nên chất lượng sản phẩm đạt thấp, dẫn đến việc sơ chế, bảo quản bị hư hỏng nhiều, làm cho giá cam sành xuống thấp. Hiện tại giá cam khoảng 10.000- 13.000 đ/kg, thấp hơn so với giá cùng kỳ 10.000- 15.000 đ/kg.

Mỹ Trung

Tăng giá trị cây điều nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước có tổng diện tích tự nhiên 93.542,53 ha, chủ yếu là đất đỏ bazan. Với tiềm năng về đất đai và điều kiện khí hậu thuận lợi Đồng Phú thích hợp phát triển cây công nghiệp. Trong đó cây điều có vị trí quan trọng với diện tích 14.390 ha phân bố đều trên địa bàn 11 xã, thị trấn trong toàn huyện.

Vài năm trở lại đây, diện tích cây điều ở Đồng Phú có xu hướng tăng. Năm 2014, toàn huyện có 14.340 ha thì đến cuối năm 2016 tăng lên 14.390 ha. Tuy nhiên, giá điều nhân trên thị trường không ổn định; tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên xảy ra, diện tích điều già cho năng suất thấp tăng, năng suất bình quân trong toàn huyện chỉ đạt 1,2 tấn/ha...

Nông dân Đồng Phú chăm sóc vườn điều

Một số hộ trồng điều ở Đồng Phú cho rằng điều là cây trồng dễ tính nên không cần đầu tư nhiều. Một số diện tích trồng trước năm 2003 bằng giống điều hạt năng suất thấp, do người trồng chưa chú trọng chọn giống phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, chưa có định hướng sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, nông dân thiếu vốn, chưa gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ thông qua mối liên kết “4 nhà”; giá nguyên vật liệu và vật tư nông nghiệp cao cũng ảnh hưởng đến việc duy trì và phát triển vườn điều.

Trước những khó khăn chung, một số hộ nông dân ở Đồng Phú đã có nhiều sáng tạo, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc nên năng suất vườn điều tăng cao. Điển hình như gia đình anh Vương Khánh Tuất, ngụ ấp Đồng Búa, xã Thuận Phú với 2,3 ha điều, anh luôn chú trọng cải tạo vườn điều già cho năng suất thấp bằng cách ghép chồi, hoặc tưới nước vào mùa khô khi cây đang ra bông. Anh Tuất cho biết, sau mùa thu hoạch, anh cưa những cành điều già, khi cây ra chồi mới thì chọn vị trí thuận lợi ghép với giống điều năng suất cao. Việc ghép chồi cải tạo vườn điều già kết hợp bón phân, tỉa cành, tạo tán... giúp năng suất vườn điều luôn đạt từ 2,5-3 tấn/ha, thậm chí có năm đạt gần 4 tấn/ha, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Hồ Quốc Hưng ở ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng có 15 ha điều. Ngoài thường xuyên đọc báo, nghe đài, tham gia các buổi tập huấn khuyến nông do xã, huyện tổ chức, ông còn đi tham quan những vườn điều cho năng suất cao để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế vườn nhà. Ông Hưng cho rằng, muốn cây điều đạt năng suất cao và ổn định cần áp dụng đúng quy trình khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, như: bón phân cân đối, tỉa cành sau thu hoạch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách... Vì vậy, vườn điều của ông luôn cho năng suất 3 tấn/ha, thu nhập từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ, với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng/người.

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện Đồng Phú Lê Hà Minh Chương cho biết: Để cây điều phát triển bền vững, Đồng Phú cần xây dựng mô hình trình diễn các giống điều cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu với thời tiết bất lợi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn huyện. Đối với các vườn điều già, năng suất thấp từng bước khuyến cáo nông dân thay thế dần bằng giống điều ghép năng suất cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Xây dựng các mô hình xen canh, thâm canh, canh tác 3 tầng trong vườn điều; xen ca cao, chăn nuôi dưới tán điều, tăng năng suất theo hướng hữu cơ bền vững... Các mô hình trình diễn thực hiện: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới để thay đổi cơ cấu giống; khai thác tốt các lợi thế của địa phương để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế của vườn điều; sản xuất sản phẩm an toàn và bảo vệ môi trường.

Song song đó, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chú trọng tỉa cành, tạo tán, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Thông qua các lớp tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, tuyên truyền trên phương tiện truyền thông để người dân tự nguyện thực hiện và nhân rộng các mô hình. Tổ chức hội thảo đầu bờ, tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình điều năng suất cao và hiệu quả trong, ngoài tỉnh với phương châm “Nông dân chuyển giao cho nông dân”. Thành lập nhóm sở thích trồng điều hướng đến các hộ trồng điều liên kết hình thành vùng chuyên canh. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần có chính sách tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để canh tác cây điều bền vững.

Khắc Bảy

Trồng ớt sừng xen chuối cau cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Mô hình trồng xen ớt và chuối của ông Huy mang lại hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang phấn khởi khi trồng xen canh ớt sừng với chuối cau mang lại nguồn thu nhập khá và đây cũng là mô hình lấy ngắn nuôi dài. Gia đình ông Trương Hoàng Huy, ở ấp Mỹ Hòa, thị trấn Cây Dương, với 3 công đất trồng ớt xen chuối, hiện cách một ngày ông thu hoạch ớt một lần từ 20-30kg, thương lái thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, chuối cau cũng cho thu hoạch khoảng 2.000-2.500 nải/tháng, với giá bán 90.000 đồng/chục (12 nải/chục). Với mức giá này, vườn ớt sừng xen chuối cau của gia đình ông Huy mang về thu nhập hơn 24 triệu đồng/tháng.

Ngọc Anh

 

Nghịch lý rau an toàn

Nguồn tin: Báo An Giang

Xuất phát từ chủ trương bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, mô hình canh tác rau an toàn đã được triển khai ở các địa phương trong tỉnh An Giang. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển mô hình này lại găp nhiều khó khăn do những nghịch lý từ nhu cầu thị trường và đầu ra hạn chế.

Khái niệm RAT đã không còn xa lạ với người tiêu dùng. Trên các phương tiện truyền thông, người ta dễ dàng bắt gặp những bản tin cảnh báo về tình hình sản xuất nông nghiệp lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay những hành động vi phạm đạo đức vì lợi nhuận trước mắt của một bộ phận nông dân. Tuy nhiên, các bà nội trợ lại không mấy “mặn mà” với RAT dù ai cũng sợ sẽ rước bệnh vào người khi ăn phải rau lạm dụng thuốc BVTV.

Là người gắn bó với mô hình sản xuất RAT, ông Hồ Tấn Phong, Tổ trưởng Tổ sản xuất RAT phường Châu Phú A (TP. Châu Đốc), chia sẻ: “Đang tồn tại một nghịch lý trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Đa số bà nội trợ đều ý thức được việc ăn rau lạm dụng thuốc BVTV sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bản thân và gia đình. Tuy nhiên, khi họ đến chợ lại không quan tâm lắm đến những mặt hàng RAT bởi 2 lý do. Thứ nhất, RAT có giá cao hơn rau sản xuất đại trà khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Thứ 2, RAT không có hình thức đẹp bằng rau sản xuất đại trà nên ít ai muốn mua về ăn”.

Người trồng rau an toàn cần đầu ra ổn định

Lý giải 2 lý do vừa nêu, ông Hồ Tấn Phong cho biết, sâu bệnh hiện nay phát triển khá nhanh và chỉ có thể tính bằng đơn vị giờ, trong khi để đảm bảo thời gian cách ly của thuốc BVTV thì người trồng phải đợi đến 3 - 4 ngày sau thời điểm phun mới thu hoạch. Do đó, việc RAT bị sâu bệnh “đánh tơi tả” trước khi ra chợ là điều hiển nhiên. Mặt khác, RAT thường có năng suất thấp nên giá bán có nhích lên đôi chút so với rau đại trà đã khiến các bà nội trợ “quay lưng” dù chẳng ảnh hưởng lắm đến túi tiền của họ. “Tâm lý người tiêu dùng khá nghịch lý. Sợ ảnh hưởng sức khỏe nhưng lại thích rau xanh mướt. Muốn ăn RAT nhưng lại sợ tốn thêm tiền. Vì vậy, mới có chuyện nông dân cố gắng sản xuất RAT nhưng lại bán với giá của rau đại trà. Cuối cùng, “Trăm dâu đổ đầu… người trồng”. Chúng tôi muốn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nhưng chẳng biết làm sao để “bảo vệ” nguồn thu của gia đình mình” - ông Phong thật tình.

Là nông dân tham gia mô hình sản xuất RAT tại thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên), anh Nguyễn Hữu Thành cho hay: “Tôi được ngành chuyên môn hỗ trợ mọi điều kiện để trồng RAT, từ kinh phí xây dựng nhà lưới cho đến sạp bày bán rau ngoài chợ. Tuy nhiên, người mua lại không hiểu hết tác dụng của RAT nên dù có cố gắng thuyết phục họ vẫn thờ ơ. Đa số họ đều không ưng ý bề ngoài của RAT. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, tất cả rau có hình thức đẹp, xanh mướt ngoài chợ đều phải sử dụng thuốc BVTV liều lượng cao mới không bị sâu bệnh phá hại. Rất khó để RAT có hình thức đẹp theo ý muốn người tiêu dùng, nhất là đa số nông dân không có điều kiện xây dựng nhà lưới”.

Ngoài cái khó từ tâm lý người tiêu dùng, RAT vẫn còn “vướng” trong việc tìm đầu ra ổn định. Trường hợp của ông Hồ Tấn Phong có thể xem là có đầu ra ổn định qua việc ký hợp đồng với Công ty Phan Nam, siêu thị Co.opmart Châu Đốc, siêu thị Tứ Sơn… Tuy nhiên, mỗi đơn vị chỉ có thể tiêu thụ chừng 20 - 30kg củ, quả/ngày, số còn lại ông Phong phải đem ra chợ bán khiến RAT bỗng chốc trở thành rau đại trà. “Do không có đầu ra ổn định nên 15 thành viên trong Tổ sản xuất RAT phường Châu Phú A đành chuyển sang canh tác các loại hoa. Họ chia sẻ, do hoa không “ăn” được nên có thể phun thuốc BVTV thoải mái mà không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe người mua. Thực tế, nông dân nào cũng muốn có được nguồn thu từ mảnh đất của mình nên việc họ quay lưng với RAT là điều dễ hiểu. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cấp, các ngành có hướng tháo gỡ khó khăn để người nông dân có thể tiếp tục gắn bó với RAT đúng như ý nghĩa tốt đẹp mô hình đang hướng đến”- ông Hồ Tấn Phong thật tình.

Thanh Tiến

Chủ động kiểm soát bệnh xoăn lá virus trên cây họ cà

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa chủ trì hội nghị với các sở, ngành liên quan cùng đại diện tổ chức Hội Nông dân Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đơn Dương, đã kết luận cần chủ động quản lý, kiểm soát hữu hiệu hơn bệnh xoăn lá virus đang diễn biến phức tạp trên cây họ cà…

Chủ động các biện pháp kiểm soát bệnh xoăn lá virus trên cây họ cà, sẽ giảm thiểu những thiệt hại xảy ra. Ảnh: V. Việt

Mỗi năm gieo trồng 14.000 ha

Thống kê 5 năm qua, diện tích rau họ cà tại các địa bàn tỉnh Lâm Đồng gồm Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Đà Lạt từ hơn 12.000 ha đến 14.000 ha/năm. Trong đó, chiếm trên 90% diện tích cà chua, khoai tây, ớt ngọt; 10% diện tích còn lại gồm cà tím, ớt cay, cà pháo…, đạt tổng sản lượng gần 460.000 tấn đến hơn 620.00 tấn/năm. Thị trường trong nước tiêu thụ rau họ cà Lâm Đồng chiếm 90%; thị trường xuất khẩu đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… chiếm 10%.

Cụ thể cây cà chua Lâm Đồng có năm diện tích hơn 9.300 ha, năng suất bình quân 45 - 52 tấn/ha, gồm các giống chủ lực là Rita (canh tác ngoài trời ở Đơn Dương, Đức Trọng), giống Beef, Haley, Socola, Cherry (canh tác nhà kính ở Đà Lạt, Lạc Dương). Hoặc cây ớt ngọt trồng tại Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt, Lạc Dương, diện tích hàng năm 1.600 ha đến gần 2.000 ha với các giống Hồng Ngọc, BM08, BM09, Pasarella, Baschata… đạt năng suất 25-44 tấn/ha. Ngoài ra, ở Lâm Đồng, cây khoai tây phát triển hàng năm từ 1.400 ha đến 1.880 ha với nhiều giống chủ lực 06 - 07, PO3, Atlantic, đạt năng suất từ 18 - 22 tấn/ha; cây cà tím, cà pháo, ớt cay… canh tác diện tích từ 165 - 950 ha/năm…

“Rau họ cà là nhóm rau chủ lực có lợi thế cạnh tranh, vì vậy việc duy trì ổn định diện tích, thâm canh tăng năng suất, sản lượng luôn được ngành nông nghiệp Lâm Đồng quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua, dịch bệnh xoăn lá virus bùng phát mạnh, một số khu vực trồng cà chua bị nhiễm nặng như xã Tu Tra và Ka Đơn (huyện Đơn Dương) phải chuyển đổi 70% diện tích sang trồng rau thập tự, đậu leo, xà lách...” - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.

Chủ động kiểm soát bệnh virus xoăn lá

Qua điều tra ở Lâm Đồng, bệnh virus xoăn lá lây nhiễm trên rau họ cà trong năm 2011 với 940 ha, nhưng đến năm 2015 chỉ còn 112 ha ở mức nhẹ - trung bình, tập trung trên cây cà chua đang thu hoạch như giống 386, Kim cương, Anna... Giai đoạn từ tháng 7 - 10/2016, bệnh xoăn lá virus đột biến gia tăng trên cây rau họ cà, ban đầu chỉ gây hại nặng 30 ha tại các xã Ka Đơn, Tu Tra (Đơn Dương), xã Phú Hội (Đức Trọng), sau đó lây lan trên diện tích lên đến 1.350 ha, trong đó 150 ha phải tiêu hủy.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích cây rau họ cà Lâm Đồng nhiễm bệnh xoăn lá virus là 695 ha (72 ha phải nhổ bỏ tiêu hủy).

So với các năm trước đây, năm 2017, thành phần loài virus xoăn lá rất đa dạng, không chỉ gây hại cây cà chua ngoài trời ở 2 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, mà còn bắt đầu xuất hiện trên một số diện tích cà chua Beef trong nhà kính tại Đà Lạt; chưa kể đang gây hại đến cây ớt cay, cây cà tím, cà pháo…

Ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã xác định các nguyên nhân bùng phát dịch virus hại rau họ cà trên địa bàn, đó là: thời tiết mưa - nắng thất thường kéo dài, phát sinh các loài virus ToMV, TMV, CMV gây xoăn lá và dễ dàng lây nhiễm từ cây bệnh sang cây khỏe qua dụng cụ cắt tỉa cành, tay người làm vườn, quần áo bảo hộ lao động, hạt giống… Trong đó, chiếm 98% diện tích sản xuất cà chua giống ghép Rita khá mẫn cảm với bệnh virus xoăn lá. Một số diện tích bị nhiễm nặng, nông dân không thu gom và tiêu hủy triệt để tàn dư, nên đã tạo môi trường cho bọ trĩ, bọ phấn, rầy rệp… phát triển và lan truyền mầm bệnh virus sang các khu vực lân cận. Ngoài ra, do canh tác liên tục cây họ cà (cà chua, ớt, cà tím…) trên một diện tích, dẫn đến nguồn bệnh virus xoăn lá luôn tồn tại trong đất vẫn không được xử lý...

Để chủ động quản lý bệnh virus cây rau họ cà, từ năm 2016 đến nay, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp như: rà soát việc công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống xuất vườn; tập huấn, hướng dẫn cơ sở ươm giống cà chua về thiết kế vườn và quản lý cây giống sạch bệnh xoăn lá virus; kiểm tra, lấy mẫu phân tích virus đối với hạt giống, cây giống họ cà; tổ chức phát động ra quân thu gom cây họ cà nhiễm bệnh virus… Và đặc biệt, ngành nông nghiệp Lâm Đồng còn phối hợp chính quyền xã Tu Tra và xã Ka Đơn ra quân thu gom 1,7 ha diện tích cây họ cà nhiễm bệnh virus xoăn lá; tổ chức khảo nghiệm xác định các loại thuốc phòng trừ; cấp phát 5.000 bẫy vàng cho nông dân diệt trừ các loại bọ phấn, bọ trĩ, ruồi đục lá… làm “trung gian” truyền nhiễm bệnh virus xoăn lá cây họ cà…

Giải pháp trọng tâm, trọng điểm để quản lý bệnh xoăn lá virus giống rau họ cà trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Lâm Đồng xác định trước hết phải tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở chỉ mua hạt giống từ các đơn vị có kiểm tra virus trước khi gieo ươm. Bên cạnh đó, phối hợp với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp triển khai các mô hình trình diễn giống cà chua có tính chống chịu bệnh xoăn lá virus, đạt năng suất, chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường, từ đó khuyến cáo nhân rộng sản xuất, khắc phục tình trạng độc canh 1 giống cà chua Rita hiện nay.

Văn Việt

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop