Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 08 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 08 năm 2020

Xử lý ra hoa rải vụ trên xoài

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Với mong muốn xây dựng và hoàn thiện quy trình xử lý ra hoa xoài cải tiến dần thay thế cho quy trình sử dụng Paclobutrazol và Thiourea đang được áp dụng hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh vừa phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học “Xử lý ra hoa rải vụ xoài”. Tham dự chương trình có trên 130 đại biểu là cán bộ ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và đông đảo nông dân đến từ tỉnh Đồng Tháp, một số tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.

Thời gian qua, nhiều nông dân ở Đồng Tháp đã áp dụng kỹ thuật cho xoài rải vụ giúp tăng hiệu quả kinh tế

Diện tích trồng xoài ở tỉnh Đồng Tháp trong những năm qua có xu hướng tăng nhưng sản lượng các tháng trong năm chưa đều và ổn định nên việc cung ứng cho thị trường còn hạn chế, gây khó khăn cho việc liên kết tiêu thụ bền vững. Trước những khó khăn này, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã triển khai xây dựng nhiều điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn gắn với liên kết tiêu thụ cho nhà vườn. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nhiều mô hình rải vụ xoài gắn với liên kết tiêu thụ, thực hành sản xuất rải vụ thu hoạch xoài theo hướng an toàn. Với những hiệu quả bước đầu mang lại, mô hình rải vụ đang mang lại nhiều hiệu quả về mặt kinh tế cho nhà vườn trồng xoài. Vì vậy trong những năm qua, diện tích xoài rải vụ của Đồng Tháp không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 2.800ha được thực hiện rải vụ thì đến năm 2020 ước đạt khoảng 8.000ha, chiếm khoảng 70% tổng diện tích trồng xoài toàn tỉnh.

Vấn đề được nhiều nhà vườn rồng xoài quan tâm hiện nay là việc hoàn thiện về quy trình kỹ thuật rải vụ xoài. Theo GS.TS Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay quy trình xử lý ra hoa trái vụ trên xoài bằng Paclobutrazol và Thiourea không còn phù hợp. Theo Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 9/2/2018 hoạt chất Paclobutrazol không được sử dụng trên cây ăn trái từ tháng 8/2019 và Thiourea đã bị rút khỏi danh mục phân bón được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Do đó, việc tìm ra một chất để thay thế Paclobutrazol để tạo mầm hoa và Thiourea kích thích chỗ hoa là điều bức xúc đối vơi người nông dân trồng xoài.

Xuất phát từ thực tế đó, GS.TS Trần Văn Hâu cùng các cộng sự Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài nghiên cứu tìm ra chất Uniconazonle thay thế cho Paclobutrazol để tạo mầm hoa và Thiourea để kích thích chỗ hoa trên xoài. Sau khi thực hiện nhiều mô hình nghiên cứu tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long, bước đầu cho thấy hoạt chất Uniconazonle đáp ứng tốt những yêu cầu về kỹ thuật cho xoài ra hoa trái vụ, đac biệt đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Tại hội thảo, nhiều nhà vườn đánh giá cao về quy trình xử lý ra hoa cải tiến trên xoài của GS.TS Trần Văn Hâu cùng các cộng sự. Đồng thời, nhiều nhà vườn cho rằng, giải pháp kỹ thuật mới này sẽ là hướng đi triển vọng giúp nâng cao chất lượng cho trái xoài của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Mỹ Lý

Công nhận 2.800 cây bơ 034 đầu dòng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa quyết định công nhận 2.800 cây bơ 034 đầu dòng, tọa lạc trên tổng diện tích 70.000 m2, địa chỉ thôn 8, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm. Đây là giống bơ có trái thuôn dài và cong hình lưỡi liềm, cơm vàng, hạt lép, hương vị dẻo thơm khác biệt so với các giống bơ khác.

Công suất khai thác tối đa mỗi năm của 2.800 cây bơ 034 đầu dòng khoảng 1.120.000 mầm, chồi sử dụng để ghép vào gốc cây bơ thực sinh hoặc các giống bơ kém hiệu quả khác đã ghép trước đây, chăm sóc đến năm thứ 3 bắt đầu thu bói.

Được biết, tổng số 2.800 cây bơ 034 đầu dòng nêu trên được chủ nhân là Công ty TNHH Cây giống Bảo Nguyên trồng mới trong 2 năm 2011 và 2015, canh tác theo quy trình VietGAP. Vụ mùa năm 2020 vừa qua, mỗi cây bơ 034 ở đây thu hoạch từ 50 kg trở lên. Giá thị trường tiêu thụ bình quân 50.000 đồng/kg.

MẠC KHẢI

Hưng Yên: Tiêu thụ nhãn gặp khó do tác động dịch Covid-19

Nguồn tin: Công Thương

Đến thời điểm này, Hưng Yên đã tiêu thụ được khoảng 18.000 tấn nhãn (chiếm 30%). Tuy nhiên, vụ thu hoạch nhãn Hưng Yên đúng vào dịp dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tiêu thụ dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hưng Yên, năm 2020 sản lượng nhãn dự kiến đạt 50.000 tấn; vải 15.000 tấn; cam 33.000 tấn; chuối 66.850 tấn,… Ông Trần Văn Cường - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên - cho biết, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng trong đó các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và xuất khẩu sang các nước.

Tiêu thụ nhãn tại Hưng Yên gặp khó do tác động dịch Covid-19

Đến thời điểm này, Hưng Yên đã tiêu thụ được khoảng 18.000 tấn nhãn (chiếm 30%). Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên - thông tin, những ngày vừa qua, các đối tác phía Trung Quốc bất ngờ dừng mua sản phẩm long nhãn của 3 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu long nhãn tại Hưng Yên. “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xúc tiến thương mại để tiêu thụ nhãn gặp nhiều khó khăn. Sau khi trao đổi với 2/3 doanh nghiệp thì được biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phía Trung Quốc tạm thời dừng mua nhãn và long nhãn”, ông Thơ nói.

Tại buổi gặp và trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - ông Lê Quốc Doanh - với Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam - ông Hồ Tỏa Cẩm - về các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với một số nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có việc thúc đẩy tiêu thụ quả nhãn ở thị trường Trung Quốc diễn ra cuối giờ chiều 5/8, ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - cho biết, năm nay, nhãn được mùa, lại vào đúng đợt dịch Covid-19 nên việc xúc tiến thương mại, tiêu thụ nhãn tại các địa phương gặp nhiều khó khăn kể cả những hợp đồng đã được ký kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp cũng đang phải tạm dừng. Hiện nay có một số hợp đồng mà đối tác phía Trung Quốc đang phải tạm dừng nhập vì lý do dịch Covid-19.

Do đó, tỉnh Hưng Yên mong muốn thông qua Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, đặc biệt là Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ hỗ trợ cho một kênh bán hàng cũng như tiếp cận đến các đối tác bạn hàng khác của Trung Quốc để thông quan được lượng long nhãn của tỉnh Hưng Yên.

“Chúng tôi kỳ vọng rất cao với kinh nghiệm của Bắc Giang trong thời gian vừa qua, sẽ sớm có hội nghị trực tuyến giữa 2 điểm cầu tại Trung Quốc và tại Việt Nam để kết nối được các đơn vị tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng của Hưng Yên”, ông Bùi Thế Cử nói.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, tác động cơ quan chức năng phía Trung Quốc tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc, đặc biệt với nhãn tươi và long nhãn đang vào mùa thu hoạch.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Trung Quốc và Việt Nam cũng có điểm tương đồng về tập quán tiêu dùng nông sản, đơn cử như long nhãn được dùng nhiều trong sản xuất bánh trung thu. Ngoài chuyện nhập khẩu nhãn tươi rất muốn đề nghị chế biến tại Trung Quốc để giúp cho Hưng Yên và tới đây là Sơn La là 2 vùng nhãn hàng hóa tập trung ở Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trái ngược với các nước trong khu vực ASEAN thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không bị tác động nhiều bởi dịch, vẫn giữ ở mức cao. Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm tỷ lệ gần 26,5% trong tổng kim ngạch của Trung Quốc với các nước trong ASEAN, là điểm sáng khích lệ cho doanh nghiệp 2 nước phát triển kinh tế thương mại và những lĩnh vực khác.

Ông Hồ Tỏa Cẩm cho hay, nhãn Hưng Yên quả to, thịt dày, hạt nhỏ, ăn tươi rất ngon. Người Trung Quốc cũng rất thích sản phẩm long nhãn. Tham tán Thương mại Trung Quốc tại Việt Nam cũng đã làm việc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để đẩy mạnh xuất khẩu trái nhãn. Trong bối cảnh dịch Covid-19, để thúc đẩy xuất khẩu nhãn tươi và long nhãn sang thị trường Trung Quốc, tỉnh Hưng Yên cần chủ động xúc tiến thương mại trực tuyến, tìm kiếm và đa dạng bạn hàng, đầu mối nhập khẩu phía Trung Quốc. “Các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung xuất khẩu nhãn tươi, sản phẩm long nhãn qua cửa khẩu Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) vì đây có nhiều đầu mối, doanh nghiệp nhập khẩu quy mô lớn, có thể đưa hàng vào nội địa Trung Quốc”, ông Hồ Tỏa Cẩm khuyến cáo.

Cũng theo ông Hồ Tỏa Cẩm, Đại sứ quán Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với các Bộ ngành liên quan để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn như: Làm việc trực tuyến, liên hệ các doanh nghiệp, đầu mối lớn trong nước của Trung Quốc để doanh nghiệp 2 bên kết nối, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhãn cũng như thúc đẩy nhập khẩu long nhãn của Việt Nam…

Việt Nam hiện nay có 9 loại hoa quả xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, xếp thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm cho hay, hai bên thỏa thuận nhất trí sẽ tiếp tục đàm phán cho nhiều loại hoa quả nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. “Tôi tin tưởng sẽ đàm phán thành công để sớm đưa mặt hàng sầu riêng và khoai lang vào xuất khẩu chính ngạch”, ông Hồ Tỏa Cẩm nói.

Dự kiến trước ngày 10/8, cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị thương mại trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhãn tươi và long nhãn của Hưng Yên và Sơn La tại thị trường Trung Quốc.

Trước mùa thu hoạch nhãn năm nay, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động tại Hà Nội trong tháng 8 để xúc tiến tiêu thụ nhãn, nhưng do dịch Covid-19, chuỗi sự kiện này đã bị hủy bỏ.

Nguyễn Hạnh

Phát huy hiệu quả kinh tế trang trại

Nguồn tin:  Báo Bình Thuận

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 412 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chí trang trại. Các mô hình này đã sớm khẳng định được vai trò quan trọng đối với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp và kinh tế - xã hội nông thôn.

Hướng sản xuất tập trung

Bình Thuận có nhiều lợi thế cạnh tranh theo hướng sản xuất tập trung, hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển kinh tế trang trại. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung như lúa, cao su, điều, rau các loại ở huyện Tánh Linh, Đức Linh; thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, và chăn nuôi ở Bắc Bình, Tuy Phong…

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có 412 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chí trang trại. Trong đó, có 223 trang trại về trồng trọt,104 trang trại chăn nuôi, 73 trang trại tổng hợp… Các trang trại được tập trung chủ yếu ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Đức Linh và Tánh Linh. Mô hình kinh tế trang trại ở Bình Thuận đã sớm khẳng định được vai trò quan trọng đối với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp và kinh tế - xã hội nông thôn. Qua đó, đã tạo ra bước chuyển biến về giá trị sản phẩm hàng hóa và thu nhập, có thể nói là vượt trội hơn so với kinh tế hộ. Kinh tế trang trại thu hút lực lượng lao động, hạn chế bớt làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị, tăng thu nhập vùng nông thôn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khá nhiều trang trại điển hình. Trong đó có trang trại thanh long Kim Hải (Hàm Thuận Nam) đã và đang xuất khẩu thanh long tươi, chế biến các sản phẩm từ thanh long như nước ép thanh long, thanh long sấy dẻo ra thị trường theo tiêu chuẩn GlobalGAP sang các nước ở châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ngoài ra, một số trang trại đang áp dụng công nghệ cao, tưới tiên tiến, tiết kiệm, sản xuất theo quy trình sạch như trang trại thanh long của bà Đoàn Thị Liễu ở thôn 7, xã Hàm Đức là 30 ha, trang trại thanh long của ông Nguyễn Hữu Hồng tại xã Hàm Hiệp là 5,6 ha. Hay như trang trại dưa lưới của ông Trần Huy Hàm, xã Đa Mi. Tại huyện Đức Linh, liên kết chăn nuôi heo lên đến 3.000 con, chăn nuôi gà 70.000 con gà thịt…

Áp dụng kỹ thuật tiên tiến

Tuy nhiên, Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, thực tế thời gian qua, lĩnh vực kinh tế trang trại vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Do đó, chưa tạo ra bước đột phá trong việc đầu tư khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích trống, đồi núi trọc, mặt đất, mặt nước hoang hóa ở các khu vực trên địa bàn tỉnh. Kinh tế trang trại mang đặc tính quy mô sản xuất hàng hóa, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh các mặt hàng nông sản trong điều kiện thị trường mở cửa và hội nhập kinh tế. Nhưng hiện nay ở tỉnh còn nhiều trang trại quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, liên kết hợp tác…

Chính vì vậy, để đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại trong thời gian tới, đưa kinh tế trang trại của tỉnh phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đến các chủ trang trại, chọn giống có năng suất chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất trang trại. Đồng thời, thông tin thị trường thường xuyên, giúp trang trại có định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường. Vận dụng, lồng ghép phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn… Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong các trang trại giúp cho việc bảo vệ đất đai khỏi bị ô nhiễm, thoái hóa, tiết kiệm nước và hạn chế ô nhiễm môi trường. Mặt khác, sự kết hợp hài hòa về kinh tế - xã hội, môi trường đảm bảo cho kinh tế trang trại phát triển bền vững, góp phần cải thiện và đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó, tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế trang trại.

Kiều Hằng

Hậu Giang: Trồng nấm rơm cho lợi nhuận cao

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trong những năm gần đây, nghề trồng nấm rơm đang hình hành và phát triển mạnh ở nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh. Không ít người cho đây là loại dễ trồng, mau thu hoạch và cho lợi nhuận cao.

Thương lái thu mua nấm rơm của anh Phú.

Anh Năm Phú, ở ấp 7, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, người có nhiều năm kinh nghiệm với nghề trồng nấm rơm tại địa phương cho biết nấm rơm có thể trồng được quanh năm, nếu như nền đất không bị ngập nước. Với giá thương lái thu mua tại nơi chất hiện nay là 35.000-42.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so tháng trước. Tính ra sau khi trừ đi các khoản chi phí, người trồng nấm còn lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/1.000m2 đất trồng nấm, với khoảng 400 chai meo/vụ.

Tin, ảnh: QUANG HẢI

Rửa mặn chuẩn bị cho vụ lúa trên đất nuôi tôm

Nguồn tin: CTV Cà Mau

Trong canh tác vụ lúa trên đất nuôi tôm, rửa mặn là khâu quan trọng, chủ yếu sử dụng nước mưa. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau vừa có khuyến cáo để rửa mặn đạt hiệu quả, bà con cần lưu ý.

Theo đó, bà con cần tập trung cải tạo rửa mặn tích cực trong những ngày tới, nhất là vào cao điểm các đợt mưa nhiều, đảm bảo độ mặn trong ruộng ổn định ở mức dưới 2 phần ngàn trước khi gieo sạ.

Đón những cơn mưa lớn, giữ cho ngập mặt, ngâm ruộng từ 02 đến 03 đêm, sau đó lại xổ cạn như trước và lặp lại 03 đến 05 lần. Bà con nên xẻ nhiều rảnh trên mặt ruộng giúp mặn trong đất khuyếch tán vào nước để rửa mặn nhanh, triệt để. Cày xới giúp đất tơi xốp, tăng khả năng thấm rút nước giúp cho việc rửa muối trong đất được dễ dàng. Bà con nên tổ chức rửa mặn đồng loạt trên từng địa bàn ấp, xã./.

PV: Diễm Tươi

Bảo tồn xáo tam phân

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Sau cơn sốt xáo tam phân (XTP) diễn ra rầm rộ trong 2 năm 2012 - 2013, lượng cây ngoài tự nhiên đã cạn kiệt, một số người tìm cách bảo tồn để giữ nguồn gen quý. Xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là địa phương có nhiều người tâm huyết bảo tồn XTP nhất vì dòng XTP nơi đây có dược tính cao.

Bảo tồn trong dân

Ông Nguyễn Văn Trường (thôn Tây, xã Ninh Vân) cho biết, để bảo tồn loại cây quý này, cách đây 8 năm, ông bắt đầu đem cây từ tự nhiên về trồng trên rẫy, số lượng hàng ngàn cây nhưng qua thời gian, cây không được chăm sóc tốt nên chỉ còn lại vài trăm cây. Một số cây lớn tuổi đã cho trái, đường kính gốc cây lớn nhất cũng chỉ 4 - 5cm. Cây trồng từ hạt có sức sống mạnh, lớn nhanh và rễ nhiều hơn cách trồng từ giâm cành. Số lượng người trồng XTP tại Ninh Vân hiện không nhiều, khoảng 3 - 4 hộ, tổng diện tích chừng vài ngàn mét vuông. Việc buôn bán XTP nơi đây tuy không còn rầm rộ nhưng vẫn diễn ra âm ỉ, giao dịch lấy nguồn từ nơi khác. Giá XTP gốc Ninh Vân có thể lên tới 10 triệu đồng/kg (khô), nhưng nguồn gốc từ nơi khác chỉ vài trăm ngàn/kg. Ông mong muốn Nhà nước có giải pháp hỗ trợ người dân gây trồng loài cây này để không bị mất nguồn gen quý.

Vườn xáo tam phân đầu dòng tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Tiễn (thôn Đông, xã Ninh Vân) cũng âm thầm đem XTP trồng lên rẫy. Sau thời gian trồng trên rẫy khó chăm sóc, ông đã đưa về vườn nhà trồng với số lượng hàng chục cây. “Trồng XTP rất khó, cây chậm lớn, giâm hom cũng khó sống. Tôi trồng được 7 năm nhưng chiều cao cây chỉ có 2m. Tôi cứ để cây phát triển tự nhiên, hình thành bụi mà không cần làm giàn”, ông Tiễn chia sẻ.

Ở thôn Bắc (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa), ông Nguyễn Văn Cùng cũng đang đầu tư trồng XTP trên diện tích 3ha, hiện cây đã cao 1m.

Kiến nghị chuyển giao quy trình

Sau khi cây XTP trong tự nhiên cạn kiệt, để bảo tồn nguồn gen, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp điều tra, bảo tồn XTP. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở đã thực hiện vùng điều tra rộng hơn 4.200ha của 28 xã, phường trên địa bàn tỉnh, trong đó có 27 xã, phường có XTP nhưng chỉ phát hiện có hơn 50 cây, hầu hết là dạng tái sinh (trồng lại) chứ không phải nguyên gốc. Do số lượng XTP trong tự nhiên quá ít nên ngành kiến nghị bảo tồn bằng phương pháp chuyển vị, có nghĩa là không bảo tồn tại chỗ mà chuyển cây đến nơi có điều kiện thích hợp để bảo vệ và phát triển. Vì thế, tỉnh đã lập vườn cây đầu dòng tại Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và tăng cường chuyển giao cây con giống cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Ông Bùi Văn Binh - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao cho biết, đề tài bảo tồn XTP được tỉnh giao cho trung tâm thực hiện từ năm 2014 với nội dung lập vườn cây đầu dòng với số lượng ban đầu 500 cây. Đến năm 2015, vườn đã phát triển giâm hom chồi lên 5.000 cây. Giai đoạn 2016 - 2017, trung tâm cung cấp cho thị trường 3.000 cây/năm. Tuy nhiên, đến năm 2018, 2019 thị trường chững lại nên trung tâm không tiếp tục phát triển cây giống nữa nhưng vẫn giữ toàn bộ cây đầu dòng. Có thị trường là trung tâm phát triển ngay trên cơ sở vườn cây đầu dòng. Thời gian qua, một số cá nhân ở xã Phước Đồng (TP. Nha Trang), Ninh Hòa và một số nơi khác trong và ngoài tỉnh tìm mua về trồng để bảo tồn XTP. Trung tâm không triển khai nhân giống bằng cấy mô vì thời gian nuôi cấy rất lâu, không hiệu quả bằng cách giâm hom.

Theo bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân, hiện tại trên địa bàn xã một số người dân quan tâm nhân giống bảo tồn loài cây quý này. Cây con lấy từ một trại ươm cây XTP trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển giao kỹ thuật còn hạn chế. XTP là loại cây khó trồng, lại chậm phát triển, trong khi khí hậu, thổ nhưỡng Ninh Vân thích hợp cho loài cây này. Nên chăng, tỉnh cần nghiên cứu đề tài chuyển giao quy trình trồng XTP cho người dân để Ninh Vân bảo tồn được nguồn gen quý đặc hữu này.

V.L

Trồng dừa xiêm lùn và nuôi gà cho hiệu quả kinh tế

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Đó là mô hình của ông Hồ Đức Trung ở xã An Dân (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Trên diện tích 1ha, ông Trung trồng 230 cây dừa xiêm lùn. Sau 3 năm, dừa cho trái, mỗi buồng từ 30-40 trái. Mỗi năm ông thu hoạch bình quân 60 trái/cây, với giá bán 12.000-15.000 đồng/trái, mang lại thu nhập 160 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, dừa có thể tận thu 20 năm, nên người trồng chỉ mất chi phí đầu tư một lần và trong quá trình sinh trưởng, dừa cũng ít sâu bệnh lại phù hợp với điều kiện khí hậu khô cằn. Ngoài trồng dừa, ông còn kết hợp chăn nuôi gà dưới gốc, vừa tăng thu nhập vừa có nguồn phân bón cho cây. Hiện nay, ông nuôi hơn 1.000 con gà thịt, mỗi năm cũng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

BẠCH VÂN

Chủ đàn trâu tiền tỉ dưới chân cầu Vĩnh Tuy bối rối với lệnh cấm chăn nuôi

Nguồn tin: Lao Động

Đàn trâu gần 200 con có giá tiền tỉ được chăn thả trên khu đất bồi sông Hồng, dưới chân cầu Vĩnh Tuy đang có tương lai bất định trước lệnh cấm chăn nuôi trong nội thành Hà Nội.

Là người góp công tôn tạo, khai hoang, phục hóa khu đất bồi sông Hồng dưới chân cầu Vĩnh Tuy, gia đình bà Ngô Thị Hải (trú tại phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) cũng chăn nuôi, trồng trọt gần 30 năm trên khu đất này.

Đàn trâu nhà bà Hải gần 200 con được chăn thả ở bãi nổi sông Hồng, nằm ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Tùng Giang.

Sau khi chật vật với nghề trồng trọt, đến năm 1993, gia đình bà Hải bắt đầu nuôi con trâu đầu tiên bằng số vốn vay mượn là 1,8 triệu đồng. Từ đó đến nay, đàn trâu sinh trưởng khỏe mạnh, mỗi năm cho ra đời những lứa trâu mới, thu về hàng trăm triệu đồng.

Nổi tiếng là gia đình sở hữu đàn trâu “đẹp mã” nhất vùng bãi nổi sông Hồng và được mệnh danh là một “chuyên gia” trong chăn nuôi đàn trâu khoẻ mạnh, to béo với gần 200 con, nhưng dịch COVID-19 đã khiến nhiều người làm kinh doanh như gia đình bà Hải phải điêu đứng.

Mỗi năm đàn trâu lại cho ra đời những lứa trâu mới, thu về hàng trăm triệu đồng cho gia đình bà Hải.

Bà Hải chia sẻ, dịch COVID-19 kéo dài làm tăng những khoản nợ ngân hàng của gia đình khi đầu tư chăn nuôi, còn đàn trâu gần 200 con thì không có đầu ra.

Trăn trở với lệnh cấm không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm bà Hải cho biết: “Việc cấm chăn nuôi trong nội thành khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa vì cả 2 vợ chồng đã gần 60 tuổi. Hiện giờ, đàn trâu có 70 con đang chửa, nếu phải giải quyết thì cũng không ai mua”.

Ngoài ra, để chăn dắt được đàn trâu có số lượng khủng, gia đình bà Hải đang tạo công ăn việc làm cho 5 lao động người dân tộc thiểu số với mức lương khoảng 5 - 7 triệu đồng/người.

Người chăn trâu trên bãi đất bồi dưới chân cầu Vĩnh Tuy.

Anh Giàng Văn Phúc (sinh năm 1994, quê ở Hà Giang) cho biết, trước đây anh làm shipper, nhưng vì dịch COVID-19 mà công việc không suôn sẻ. Chăn trâu trên bãi bồi sông Hồng đã giúp anh có thu nhập ổn định trong mùa dịch trong thời gian này.

"Mỗi ngày, công việc của tôi chỉ xoay quanh trông nom đàn trâu, ít tiếp xúc với người ngoài khi dịch COVID-19 bùng phát. Nếu mất công việc này những người lao động như tôi không biết phải xoay sở thế nào”.

Ảnh 2: Anh Giàng Văn Phúc dành 10 tiếng mỗi ngày chăm nom đàn trâu.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND Phường Long Biên cho rằng, việc chăn nuôi theo mô hình thủ công, tự phát đang làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe và cảnh quan đô thị. Nên HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội thành và các thị trấn thuộc Hà Nội là điều cần thiết.

Cũng theo ông Kiên, trước khi Nghị quyết được ban hành, UBND phường Long Biên đã vào cuộc, thực hiện kế hoạch dưới sự chỉ đạo của quận về việc giảm đàn, dừng chăn nuôi trong khu dân cư.

"Cái khó là nhiều hộ chăn nuôi gia súc làm kinh doanh đều là những người cao tuổi, khó tiếp cận với việc làm mới. Về việc này, phường cũng đang nỗ lực định hướng, tìm việc làm phù hợp cho người nông dân", ông Kiên nói.

Trước đó, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ di dời những cơ sở này.

Theo đó, 12 quận, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây và 5 thị trấn của Hà Nội không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, trừ việc nuôi động vật cảnh, phục vụ thí nghiệm. Quy định cấm được áp dụng từ ngày 1.8.2020.

Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội áp dụng nhằm khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp trong thành phố. Việc cấm chăn nuôi ở đô thị cũng giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường sống, bảo vệ sức khỏe người dân.

GIANG QUANG - THANH HUYỀN

Quảng Trị: Phát triển mô hình nuôi dê ở vùng gò đồi Cam Lộ

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Cùng với chăn nuôi bò thâm canh, thời gian gần đây trên địa bàn huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), nhiều hộ gia đình còn chuyển hướng sang mô hình nuôi dê. Đây là hướng đi mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế ở vùng gò đồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Phát triển chăn nuôi dê ở xã Cam Thành, Cam Lộ. Ảnh: AV

Ngoài trồng rừng, cao su, để nâng cao thu nhập, 2 năm nay, gia đình ông Bùi Văn Tiến ở thôn Cam Phú, xã Cam Thành còn đầu tư chuồng trại để nuôi dê. Ban đầu do còn hạn chế về nguồn vốn, kinh nghiệm nuôi nên ông Tiến chỉ nuôi 8 con dê cái sinh sản. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh, sau gần 2 năm, từ 8 nái sinh sản nay đàn dê của ông Tiến tăng lên trên 40 con. Ông Tiến chia sẻ: “Hằng ngày, sau khi cạo mủ cao su xong, trong khi chờ để đổ mủ, tôi tranh thủ thời gian đó cắt lá cho dê ăn, chăm sóc đàn dê, thành ra một công đôi việc. Nhờ mô hình nuôi dê này mà gia đình tôi có thêm việc làm, nguồn thu nhập cũng tăng lên”.

Là địa phương có địa hình gò đồi bán sơn địa, huyện Cam Lộ có nhiều thuận lợi trong phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi dê nói riêng, nhất là nguồn thức ăn phong phú. Vì vậy, những năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình ở Cam Lộ chuyển hướng sang chăn nuôi dê. Hiện nay, có hai hình thức nuôi được người dân áp dụng đó là nuôi nhốt chuồng và nuôi bán chăn thả. Trên địa bàn huyện có gần 100 hộ gia đình phát triển mô hình này với số lượng trên 2.000 con. Trong đó, hộ nuôi với quy mô lớn từ 40- 50 con, hộ ít từ 10-15 con. Theo người dân cho biết, dê là động vật có sức đề kháng cao nên rất ít khi bị bệnh, chỉ cần chú trọng là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ. Thời gian sinh trưởng nhanh, dê từ khi sinh ra cho đến 4 tháng là có thể xuất bán. Đặc biệt thị trường đầu ra rất ổn định, nếu bán dê thịt thì trung bình 140.000-150.000 đồng/kg, còn dê giống giá cao hơn. Nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ, các loại lá sẵn có trên đồi, so với nuôi trâu bò thì nuôi dê cần lượng thức ăn ít hơn.

Thấy được hiệu quả từ mô hình này, mấy năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Huế ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính không nuôi bò mà chuyển sang xây dựng chuồng trại để phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Ông Huế cho biết: “Với đặc điểm là vùng gò đồi thuận lợi trong phát triển chăn nuôi dê, nhất là nguồn thức ăn phong phú nên nuôi dê nhốt chuồng hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi bò. Hằng ngày, chỉ cần vài giờ đi cắt lá là đủ cho đàn dê hơn 20 con ăn cả ngày. Mỗi năm thu nhập từ nuôi dê của gia đình tôi hơn 50 triệu đồng”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Chính Nguyễn Ngọc Thanh thông tin, hiện nay các mô hình nuôi dê ở xã Cam Chính đều mang lại hiệu quả cao hơn so với các vật nuôi khác. Ở địa phương có trên 15 mô hình nuôi dê của hội viên nông dân, mỗi đàn từ 15- 20 con. Nhờ chăn nuôi dê mà nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên hộ khá.

Nuôi dê là hướng đi mới trong khai thác tiềm năng vùng gò đồi của Cam Lộ. Tuy nhiên hiện nay người dân vẫn còn nuôi theo tính tự phát, việc ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi còn hạn chế, chưa chú trọng đến việc đầu tư con giống nên hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Ông Đào Văn Khánh, cán bộ khuyến nông xã Cam Thành cho biết, hiện nông dân chủ yếu nuôi giống dê địa phương, không thay đổi đực giống nên tình trạng phối giống cận huyết xảy ra nhiều, dẫn đến dê chậm phát triển, dễ phát sinh dịch bệnh. “Nhằm từng bước xóa bỏ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ sẽ tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi dê. Đồng thời, quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi tại các xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi để giúp người dân nâng cao thu nhập”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết.

Với lợi thế của một huyện vùng gò đồi, ngoài phát triển chăn nuôi bò thâm canh thì việc nhân rộng mô hình nuôi dê là hướng đi mới, phù hợp. Qua đó giúp người dân khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, chuyển đổi kinh tế theo hướng đa cây, đa con để nâng cao thu nhập, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Anh Vũ

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop