Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 12 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 12 năm 2020

Hồng Ngự (Đồng Tháp): Nguồn cung hạn chế, giá gương sen cao kỷ lục

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Tại vùng đầu nguồn huyện Hồng Ngự, gương sen được thu mua tại ruộng lên mức 52 ngàn đồng/kg, cao kỷ lục từ trước đến nay. Riêng giá bán lẻ gương sen tại chợ cho người tiêu dùng là 70 ngàn đồng/kg. Trong khi, vụ trước giá bán gương sen tại chỗ chỉ khoảng 15 ngàn - 17 ngàn đồng/kg. Theo nhiều hộ dân trồng sen, giá gương sen tăng do đang được nhiều doanh nghiệp cơ sở chế biến hạt sen tăng cường thu mua để phục vụ sản xuất các sản phẩm làm từ hạt sen và do nguồn cung hạn chế, vì thời điểm này sen thường hay nhiễm bệnh, diện tích sen thu hẹp.

Tại huyện Hồng Ngự, cây sen đang được nông dân lựa chọn trồng thay thế cây lúa tại các khu vực đất kém hiệu quả hoặc vùng trũng thấp thường hay ngập nước nhằm cải thiện môi trường đất và phát triển kinh tế.

Văn Bửu

Cam ra 'trái ngọt', Hà Giang tính chuyện dài hơi hơn

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Với 10.000ha cam các loại, sản lượng ước đạt 63.000 tấn, tỉnh Hà Giang chủ trương không mở rộng thêm diện tích trồng cam, thay vào đó, nâng cao chất lượng sản phẩm bằng các mô hình canh tác an toàn, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.

Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt” cho cam Hà Giang - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trồng cam thoát nghèo

Năm nay 27 tuổi nhưng chị Bàn Thị Khẽ ở xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã có hơn chục năm gắn bó với nghề trồng cam. Hiện, gia đình chị Khẽ có khoảng 100ha cam đang trong thời kỳ cho thu hoạch.

“Gia đình tôi trồng cam theo hướng hữu cơ, cam chủ yếu “ăn” đỗ tương nên hương vị rất thơm ngon, an toàn. Chính vì vậy, dù thị trường cam đang bão hòa do sản lượng tăng vọt nhưng gia đình tôi vẫn tiêu thụ tốt với giá ổn định” – chị Khẽ cho biết.

Tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế năm 2020 tổ chức tại Hà Nội, sản phẩm cam, quýt của gia đình chị Khẽ vẫn được bán với giá 40.000 đồng/kg. Được biết, nhờ trồng cam, gia đình chị Khẽ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Trần Việt Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng với nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp hữu cơ. trong những năm qua, tỉnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, song song với việc quy hoạch định hướng lại hàng hóa nông nghiệp gắn với ban hành các cơ chế, chính sách tập trung cho các sản phẩm như cam, chè, mật ong, dược liệu, đại gia súc và chương trình OCOP.

Đến nay, toàn tỉnh có 7 sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý gồm: cam sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, gạo tẻ Già Dui, hồng không hạt, sản phẩm thịt bò và thảo quả; đồng thời, thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, gắn hoạt động kinh tế của làng nghề với thương mại dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, tỉnh đã đánh giá, phân hạng cho 82 sản phẩm đạt 3 sao, 36 sản phẩm đạt 04 sao và 02 sản phẩm đạt 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, công nhận...

Ngoài cam, sản phẩm chè của Hà Giang có sản lượng đứng thứ 3 cả nước (trong đó có 7.200 ha trà Shan tuyết cổ thụ) và tại cuộc thi Trà quốc tế 2019 tổ chức tại Pháp, sản phẩm Trà Shan tuyết Cổ thụ Tây Côn Lĩnh của Hà Giang đã đạt được 3 giải thưởng cao nhất...

Thông qua công tác xúc tiến thương mại, một số sản phẩm nông sản của tỉnh Hà Giang đã tạo được thị trường ổn định và tiêu thụ mạnh ở trong nước như cam sành, chè, mật ong…, đặc biệt sản phẩm chè đã xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu.

Trong đó, riêng sản phẩm cam, hiện Hà Giang có khoảng 10.000ha cam các loại, sản lượng ước đạt 63.000 tấn. Trong đó, sản phẩm cam sành Hà Giang có diện tích lớn nhất các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với tổng diện tích 6.849,1 ha, được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”.

Cây cam trên đất Hà Giang thực sự đã ra "trái ngọt" với nhiều người nông dân.

Đẩy mạnh chế biến sâu

Bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, những năm qua, Hà Giang còn ban hành cơ chế, chính sách tập trung cho các sản phẩm như: cam, chè, mật ong, dược liệu, đại gia súc và chương trình OCOP, trong đó sản phẩm cam luôn được ưu tiên hàng đầu.

Nâng cao giá trị sản xuất, kết nối người sản xuất với người tiêu dùng là một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh Hà Giang quan tâm triển khai và đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nhiều sản phẩm đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và khẳng định được vị thế trên thị trường nhờ uy tín, chất lượng.

Ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho biết: "Những năm gần đây, Hà Giang coi xúc tiến thương mại là vấn đề quan trọng hàng đầu, có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các sở ngành nên chúng tôi đã chủ động xây dựng chương trình xúc tiến thương mại ngay từ lúc cam mới ra hoa để người tiêu dùng cả nước nắm bắt được về quy trình sản xuất và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, Hà Giang có hai sản phẩm chính gồm cam vàng và cam sành, tỉnh đang chỉ đạo xây dựng Đề án cây có múi trên địa bàn tỉnh, do đó, chúng tôi sẽ quy hoạch lại toàn bộ vùng nguyên liệu của tỉnh, vùng nào trồng cam sành, vùng nào trồng cam vàng, để diện tích không mở rộng thêm, đảm bảo sản xuất ra hàng hóa có chất lượng, có chỉ dẫn địa lý".

Theo ông Quyền, tỉnh hiện có 3 cơ sở chế biến, tuy nhiên sản lượng chế biến chỉ chiếm khoảng 5% sản lượng. “Trong tương lai, để đảm bảo tiêu thụ, ổn định đầu ra, chúng tôi sẽ kêu gọi thêm các đơn vị chế biến đảm bảo cho các sản phẩm cam cung cấp cho người tiêu dùng quanh năm, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm” – ông Quyền nhấn mạnh.

Đỗ Hương

Quảng Trạch (Quảng Bình): Khôi phục nhanh các mô hình sản xuất VietGAP

Nguồn tin:  Báo Quảng Bình

Trong đợt lũ lụt lịch sử tháng 10 năm 2020, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại cho người dân, trong đó có các mô hình sản xuất rau, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi nước lũ rút đi, người dân đã bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất để sớm có sản phẩm đưa ra thị trường.

Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Trạch cho biết, hầu hết các trang trại trên địa bàn huyện đều chịu thiệt hại do lũ lụt gây ra. Đặc thù của các vùng sản xuất rau quả là thường nằm ở vùng thấp trũng, dễ bị ngập lụt, vì thế khi mưa lũ sản phẩm của bà con bị hư hại gần hết, rất khó khăn để khôi phục lại các diện tích rau quả sau lũ, để vừa bảo đảm cung cấp cho bữa ăn mỗi gia đình, vừa xuất bán ra thị trường.

Trước thực trạng trên, sau khi rà soát, nắm bắt tình hình, nhu cầu của người dân, ngay sau lũ lụt, huyện Quảng Trạch đã gấp rút trích ngân sách gần 100 triệu đồng mua hạt giống rau màu cấp phát về tận các thôn, xã để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Tiếp đó, huyện tiếp nhận 1,1 tấn giống rau các loại từ các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ và cũng đã cấp ngay về cho người dân đưa vào sản xuất. Các mô hình sản xuất rau, quả trên địa bàn cũng bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất với các sản phẩm chủ lực của mình.

Giống dưa leo Israel được trồng trong nhà màng ở HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan.

Cùng với kỹ sư Phạm Tất Cường, cán bộ Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Quảng Trạch, chúng tôi đến thăm HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan, có diện tích hơn 5ha ở thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng trong lúc cơ sở này đang tập trung nhân lực khôi phục diện tích rau quả bị hư hại sau lũ; đồng thời, mở rộng thêm các diện tích trồng hoa phục vụ thị trường Tết.

Chủ cơ sở, ông Võ Trung Tuấn cho biết, 3 năm trở lại đây, nắm bắt nhu cầu thị trường và nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia đình ông đã đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiêu chuẩn VietGAP, trồng các loại cây, như: mướp đắng, dưa leo, các loại rau… và đặc biệt là trồng dưa vàng, dưa lưới trong khu nhà màng diện tích 1.200m2. Bên ngoài khu nhà màng là diện tích trồng hoa và các loại cây ăn quả đã cho thu nhập, đào ao thả cá. Doanh thu của mô hình sản xuất này đạt 1,2 tỷ đồng/năm, bảo đảm việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Khi vào vụ sản xuất, cơ sở thường sử dụng thêm 4-5 lao động mùa vụ.

Ông Võ Trung Tuấn bên vườn dưa lưới đã được khôi phục sau lũ.

Ông Võ Trung Tuấn cho biết: "Năm nay lũ lụt, cơ sở mất trắng 1 vụ dưa lưới, trôi ao cá, ngập thối hoa, rau màu, hư hỏng nhà màng, thiệt hại gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, nước rút là chúng tôi khắc phục khó khăn, đầu tư giống để khôi phục sản xuất ngay, kịp thời có sản phẩm cung cấp cho thị trường, nhất là vụ Tết sắp tới". Ngoài diện tích dưa lưới, ông Tuấn trồng giống dưa leo (dưa chuột) Israel, hơn 700 chậu hoa cúc cùng nhiều loại hoa khác, chăm sóc 500 gốc ổi dự kiến mang lại nguồn thu nhập khá trong vụ Tết bằng hình thức vừa bán sản phẩm vừa kết hợp thu hút khách hàng tham quan, du lịch sinh thái.

Theo ông Tuấn, cơ sở đang chuẩn bị đầu tư thêm 1 nhà màng diện tích 1.000m2 để trồng các loại rau quả sạch, trong đó, chủ lực vẫn là dưa lưới, vì đây là sản phẩm có đầu ra và giá bán khá ổn định, làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu và chủ yếu bán ra thị trường các tỉnh phía Bắc...

Chia tay ông chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch năng động Võ Trung Tuấn, chúng tôi ngược đường ngang qua trung tâm huyện lỵ mới Quảng Trạch để về thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương, nơi cũng có một cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch bị thiệt hại khá nặng trong đợt lũ lụt lịch sử.

Ông Nguyễn Đình Thế, chủ cơ sở nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phương về hưu và rất hào hứng với mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu chuẩn VietGAP. Được sự hỗ trợ sau đầu tư của các ngành chức năng, ông Thế xây dựng khu nhà màng 850m2 để trồng dưa lưới, dưa vàng và rau màu các loại. Đây là vụ đầu tiê ông trồng rau quả trong nhà màng, mới thu hoạch sản phẩm được tầm 20 triệu đồng thì lũ lụt ào về, cây ngập sâu và ngâm trong nước…

Nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn huyện Quảng Trạch đang trồng hoa vụ Tết.

Ông Thế tâm sự: “Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên mô hình đưa vào sản xuất hơi chậm, không thì đã lách được trận lụt này và gia đình tôi đã có khoảng 60 triệu đồng thu từ dưa lưới, dưa vàng; đó là chưa kể đến 400m2 các loại rau màu đang phát triển xanh tốt cũng sẽ cho thu hoạch, 200 con gà thịt, trọng lượng từ 1,5-2kg/con…, vậy mà rốt cuộc trôi hết theo lũ và ảnh hưởng của cơ bão số 13”.

Cũng như các mô hình sản xuất rau quả khác trên địa bàn, gia đình ông Thế đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, tập trung trồng lại vườn dưa lưới và diện tích rau sạch. Đón đầu vụ Tết, ông Thế còn trồng thêm 3.000 gốc hoa cúc, bởi năm ngoái cũng vào vụ Tết, với 1.500 gốc hoa cúc đưa ra thị trường, gia đình ông đã có một khoản kha khá sắm sửa. Các loại giống chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, ông Thế đã sớm lo đủ, với quyết tâm phủ lên một màu xanh rau, quả cho cả khu nhà màng.

Kỹ sư Phạm Tất Cường cho biết, hiện tại, toàn huyện Quảng Trạch có 5 mô hình nhà màng sản xuất rau, quả sạch tiêu chuẩn VietGAP được Nhà nước hỗ trợ một phần sau đầu tư, bao gồm chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống vụ đầu và lắp đặt nhà màng. Các mô hình đang từng bước phát huy hiệu quả, sản phẩm làm ra được thị trường tiêu thụ mạnh, đưa lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Thành công của các mô hình này sẽ mở ra một hướng đi mới, vững chắc cho người nông dân trên địa bàn.

A.T

Phí thẩm định kinh doanh nông nghiệp cao nhất là 18 triệu đồng/lần

Nguồn tin:  VOV

Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có mức từ 230.000 - 18 triệu đồng/lần.

Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 101/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y.

Trong đó, phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có mức cao nhất là 18 triệu đồng/lần. Mức thu phí, lệ phí trong công tác thú y thực hiện theo quy định tại Biểu phí, lệ phí trong trong công tác thú y.

Cụ thể, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất (gồm kho ngoại quan), chuyển cửa khẩu là 40.000 đồng/lần; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y là 50.000 đồng/lần.

Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có mức cao nhất là 18 triệu đồng/lần. Ảnh minh họa: KT

Phí phòng chống dịch bệnh cho động vật có mức từ 300.000 - 3,5 triệu đồng/lần. Phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật (gồm cả thủy sản) có mức từ 35.000 - 800.000 đồng/xe ô tô/xe chuyên dụng/lô hàng. Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có mức từ 230.000 - 18 triệu đồng/lần.

Chậm nhất là ngày 5 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước. Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí, lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước, trừ trường hợp theo quy định. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí hoặc đơn vị sự nghiệp công lập, được trích lại 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định; nộp 10% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước./.

PV/VOV.VN

Trồng sắn dây mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Nông dân thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng cây sắn dây, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá.

Đào đất, chuẩn bị thu hoạch củ sắn.

Ông Nguyễn Hoài Khánh (sinh năm 1970, ngụ khu phố 2, thị trấn Châu Thành) cho biết, gia đình sống chủ yếu dựa vào nghề trồng sắn dây. Đây là loại cây có nhiều công dụng hay, giải nhiệt hiệu quả trong mùa nóng.

Trong một lần tình cờ nghe bạn bè giới thiệu, sắn dây là loại cây dễ trồng, không kén đất, ít tốn thuốc và năng suất cao. Ông Khánh mạnh dạn chuyển khoảng 7.000 mét vuông đất trồng các loại cây không hiệu quả sang trồng sắn. Sau nhiều năm kiên trì với mô hình trồng sắn dây, hiệu quả ban đầu khá ổn, vợ chồng ông Khánh dành dụm được một số tiền, mua thêm đất để mở rộng quy mô.

Do sắn dây thuộc loại cây lấy củ, muốn có năng suất cao, ngoài chăm sóc, người trồng phải quan tâm đến công đoạn đắp ụ, làm giàn. Ụ trồng sắn phải to, bảo đảm cho cây có điều kiện phát triển bình thường. Giàn rộng đủ cho cây leo, tránh hiện tượng dây sắn trên giàn quá dày dẫn đến quang hợp kém, năng suất thấp.

Với cách trồng này, cây sắn không chỉ cho củ to, đều, nông dân còn dễ thu hoạch. Một mùa vụ kéo dài 7 – 8 tháng, thường bắt đầu trồng vào tháng 3 để cây có thời gian tích luỹ tinh bột và thu hoạch vào khoảng tháng 10.

Ngoài việc chăm sóc, người trồng còn quan tâm đến công đoạn đắp ụ cho cây.

“Trên diện tích 7.000 mét vuông, tôi bố trí gần 2.000 ụ, dự kiến thu hoạch khoảng 20 tấn. Củ sắn được bán cho thương lái và các cơ sở chế biến bột sắn dây, giá thay đổi tuỳ thời điểm, dao động từ 8.000 – 13.000/kg. Hiện nay, sắn dây có giá 10.000/kg, trừ tất cả chi phí lợi nhuận thu được có thể trên 160 triệu đồng”, ông Khánh cho biết.

Nhờ giá trị kinh tế cao, sắn dây trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn khu phố 2, thị trấn Châu Thành. Trồng sắn dây trên diện tích gần 1.500 mét vuông, gia đình ông Trần Văn Chánh (sinh năm 1964) có tiền trang trải cuộc sống, nuôi thêm bò, sửa sang nhà cửa.

Ông Chánh chia sẻ, “ban đầu, tôi cày xới đất, đào lỗ, bón phân, giâm dây sắn mầm. Khi cây bắt đầu phát triển, tôi làm giàn leo, trụ cách trụ khoảng 3,2 mét, duy trì khoảng cách giúp củ phát triển tốt, nhiều bột, không bị xơ. Việc tưới nước không cần thực hiện thường xuyên, cách 2 – 3 ngày làm một lần”.

Sắn dây là loại cây dễ trồng, không kén đất, ít tốn thuốc và năng suất cao.

Năm 2020, gia đình ông Chánh trồng 200 ụ sắn dây, dự kiến thu hoạch khoảng 3 tấn. Do gia đình tự bỏ công làm lời, tận dụng phân bò có sẵn để bón cây, vụ này dự kiến lời hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, sau khi thu hoạch sắn, ông Chánh sẽ trồng các loại cây khác như khổ qua, mướp, đậu que… để tăng thu nhập.

Ông Võ Đức Tài – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Châu Thành cho biết, sắn dây là một trong những loại cây trồng chủ yếu của hội viên hội nông dân khu phố 2. Hội đã hỗ trợ cho nhiều hộ nông dân vay vốn, có chi phí để trồng sắn, phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ chăm sóc kỹ, củ sắn phát triển tốt, to, nhiều bột, không bị xơ.

Với hy vọng tạo ra mô hình phát triển kinh tế mới cho địa phương, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu Đảng uỷ, UBND thị trấn định hướng vùng nguyên liệu cây trồng tại khu phố 2, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, đầu tư sản xuất theo hướng VietGAP, có sản phẩm tốt cung cấp cho thị trường. Hội Nông dân thị trấn sẽ tham mưu, hỗ trợ tìm nguồn ra, bao tiêu sản phẩm ổn định.

Phương Thảo

Triển khai sử dụng nhãn hiệu chứng nhận ‘Lúa sinh thái Cà Mau’

Nguồn tin: CTV Cà Mau

Toàn tỉnh Cà Mau có diện tích canh tác lúa sinh thái theo hình thức lúa-tôm kết hợp khoảng 40.000 ha. Đây là một trong những tiềm năng, thế mạnh kinh tế của tỉnh. Cuối tháng 9 năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Lúa sinh thái Cà Mau”, cho vùng sản xuất tôm lúa kết hợp. Đây là cơ hội rất tốt để quảng bá, giới thiệu sản phẩm thế mạnh, nâng cao hơn giá trị sản phẩm lúa gạo của Cà Mau.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau là đơn vị sở hữu, quản lý khai thác sử dụng nhãn hiệu “Lúa sinh thái Cà Mau”, với thời gian bảo hộ 10 năm. Chi cục đã trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này cho 04 hợp tác xã và 03 công ty trong và ngoài tỉnh.

Hiện các đơn vị được trao quyền sử dụng nhãn hiệu này đã và đang bắt đầu khai thác, xây dựng vùng nguyên liệu lúa sinh thái tại các vùng sản xuất tôm lúa kết hợp, với phương thức đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình sản xuất cho nông dân và bao tiêu lúa cuối vụ.

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã tổ chức công bố, cũng như tập huấn, hướng dẫn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sinh thái Cà Mau” cho các chủ thể tham gia sử dụng. Qua đó, tạo điều kiện cho các công ty xây dựng vùng nguyên liệu lúa sinh thái ổn định phục vụ cho chế biến lúa gạo xuất khẩu.

Để nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sinh thái Cà Mau” phát huy hết giá trị, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nhãn hiệu một cách hiệu quả, phù hợp, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho các chủ thể trồng lúa và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tham gia sử dụng nhãn hiệu./.

PV: Cẩm Nhi

Nỗ lực xây dựng thương hiệu cho rau rừng Tây Ninh

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Từ những cây rau rừng tự mọc tự nhiên, hoang dại ven sông, trong rừng, như: trâm, ổi, lộc vừng, mặt trăng, sơn máu, cóc… một số hộ dân trên địa bàn thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) đã đưa về trồng trong vườn. Qua thực tế, mô hình trồng rau rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi những loại cây trồng kém năng suất sang trồng rau rừng. Cùng với đó, các tổ hợp tác, tổ liên kết rau rừng trên địa bàn thị xã cũng dần hình thành, nhằm liên kết sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sản phẩm rau rừng của ông Tuấn được bán cho các khách hàng quen thuộc.

Ông Nguyễn Hồng Mao–Tổ trưởng Tổ liên kết rau rừng tại thị xã Trảng Bàng cho biết, xác định thực phẩm sạch có vai trò quan trọng làm nên thương hiệu rau rừng của địa phương. Vì vậy, ngay từ khi mới thành lập, Tổ đã định hướng cho các thành viên sản xuất rau theo hướng VietGAP. Đến nay tất cả các sản phẩm rau rừng của tổ đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn.

Sản xuất theo hướng VietGAP là hướng đi đúng đắn, rau rừng trên địa bàn không chỉ có người tiêu dùng tại địa phương sử dụng, mà tổ liên kết đã kết nối được với một số nhà hàng nổi tiếng tại TP.Hồ Chí Minh như, chuỗi nhà hàng Hoàng Ty và các siêu thị có tiếng như Aeon, Co.opMart… giúp các tổ viên và bà con trên địa bàn có thu nhập ổn định.

Chăm chỉ trồng rau sạch, biết cách đưa rau rừng vào siêu thị và hướng đến xây dựng thương hiệu cho rau rừng. Đó là cách giúp ông Trần Văn Thành (ngụ phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng) vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.

Ông Thành cho biết, qua tìm hiểu nhận thấy người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ rau rừng rất lớn, trong khi nguồn cung chưa bảo đảm, giá cả lại đắt đỏ. Từ đó, vào năm 2013 gia đình ông bắt đầu trồng 7.000m2 với nhiều loại rau khác nhau như: trâm ổi, trâm sắn, sơn máu, mặt trăng, chùm mồi, bí bái…

Ông Thành cho biết thêm, cây ra lá và đọt quanh năm, càng thu hoạch cây càng bung nhiều đọt non, sản lượng thu hoạch năm sau luôn cao hơn năm trước, trung bình mỗi ngày gia đình ông thu hoạch khoảng 40 – 50 kg, với giá bán 15.000 – 20.000 đồng/kg. Để có sản phẩm đạt chất lượng, ông Thành đã đăng ký chứng nhận VietGAP cho toàn bộ sản phẩm rau rừng gia đình, để cung cấp cho siêu thị Co.opMart mỗi ngày.

Ông Tuấn thu hoạch rau rừng.

Trong khi mọi người tìm hướng đi bền vững cho các loại rau thịnh hành trên thị trường, thì gia đình ông Thành vẫn kiên trì phát triển thương hiệu rau rừng. “Đây là hướng phát triển bền vững. Không dừng lại ở việc bán, cung cấp, hiện tôi đang cố gắng xây dựng thương hiệu rau rừng. Với tôi - câu chuyện về rau rừng vẫn còn dài phía trước”, ông Thành khẳng định.

Cùng chung suy nghĩ với ông Thành, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ khu phố Phước Hội, phường Gia Bình) cho biết, khách hàng ưa chuộng rau rừng không chỉ vì ngon mà còn vì sạch, an toàn. Chính vì vậy, tôi sẽ hướng đến sản xuất rau rừng theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng cho cây.

Đặc biệt, để bảo đảm chất lượng rau bán đi, ông Tuấn không hái rau khi quá non hay quá già mà tập trung hái đúng thời điểm. Tỉ mỉ trong cách chăm, cách trồng hiện nay, mỗi ngày ông Tuấn bán ra thị trường từ 40 -50 kg rau rừng các loại cho các khách hàng quen thuộc.

Phát triển rau rừng dù còn khó khăn nhưng là hướng đi đúng, nên không dừng lại ở diện tích 2.000m2, ông Tuấn cho biết, nếu có quỹ đất, gia đình ông sẽ tiếp tục nhân rộng và phát triển thêm diện tích trồng rau rừng, cố gắng tạo dựng thương hiệu từ loại cây đặc trưng này.

Ông Lê Văn Hòa - Chủ tịch Hội nông dân phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 30 hộ gia đình tham gia Tổ liên kết rau rừng. Hộ nào ít cũng có 1 công, hộ nhiều thì 6 - 7 công. Trung bình mỗi công cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đây không chỉ là mô hình phát triển kinh tế mang về thu nhập ổn định mà còn là cách để người dân giữ gìn và phát triển đặc sản của thị xã Trảng Bàng.

Rau rừng được nhiều người ưa chuộng.

Nhi Trần

Nuôi heo bằng... thảo mộc

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ở huyện vùng núi Hoài Ân (tỉnh Bình Định) có mô hình nuôi heo kết hợp giữa dây chuyền chăn nuôi sinh học với các loại thảo mộc. Heo được chăn nuôi trong điều kiện sạch sẽ, hưởng nhiều “phúc lợi” động vật và được ăn 10 loại nhân sâm, mỹ vị, cỏ thuốc nên thịt thơm ngon trứ danh, đem hiệu quả kinh tế khá cao.

Các công nhân đang cho heo ăn cây dược liệu

Chăn nuôi kỹ thuật cao

Địa danh Lỗ Bom trước kia vốn vùng sình lầy sạt lở, choáng nhiều diện tích đất của người dân ở thôn Khoa Trường (xã Ân Đức, huyện Hoài Ân). Tưởng nơi hóc hiểm chẳng thể nuôi trồng được cây con gì sẽ bị bỏ hoang hóa. Thế nhưng, năm 2006, một người phụ nữ đến chọn nơi đây khởi dựng cơ nghiệp chăn nuôi heo tiền tỷ. Chỉ hơn 4 năm, xứ Lỗ Bom đã được phục hóa trở thành một trang trại chăn nuôi heo sạch bậc nhất huyện Hoài Ân.

Người phụ nữ đó là bà Lê Thị Liễu (47 tuổi, thôn Khoa Trường). Theo bà Liễu, để mở trang trại ở Lỗ Bom, doanh nghiệp của bà đã mất rất nhiều thời gian bạt đất đồi, lấp những hố sình lầy, hố nước sâu tạo mặt bằng. “Mất gần 3 năm phục hóa xứ Lỗ Bom, đến 2018 mới hình thành được các khu trang trại và thả nuôi được lứa heo sạch đầu tiên. Ngày đầu nuôi heo gian nan lắm, giá heo liên tục rớt khiến chúng tôi thất thu nặng. Mỗi năm tôi buộc phải nuôi thêm 50 con bò theo mô hình VietGAP để cầm cự, trả lương công nhân chờ thời cơ mới”, bà Liễu nói.

Bà Liễu bên vườn dược liệu dùng làm thức ăn cho đàn heo của mình

Mô hình chăn nuôi heo của bà Liễu được áp dụng theo công nghệ của một doanh nghiệp ở Hà Nội, heo được nuôi theo một chuỗi tuần hoàn khép kín. Theo đó, heo con đầu vào được thả nuôi tại sàn úm (dành cho heo con), ăn các loại men và dung dịch trùn quế để kích thích ăn và tạo hệ miễn dịch kháng thể ban đầu. Đến khi đạt khoảng 20kg thợ sẽ đưa heo sang nuôi dưới đệm lót sinh học (chuồng vi sinh), heo lớn đến 40 - 50kg đưa xuống chuồng có hồ tắm…

Như thế con heo trong vòng đời sẽ di chuyển theo dây chuyền chăn nuôi đầy đủ, kỹ lưỡng, được hưởng các phúc lợi. “Chăn nuôi theo chuỗi tuần hoàn như thế rất thân thiện với môi trường, hầu như heo trong vòng đời của nó rất ít chất thải, nếu có chúng tôi cũng tận dụng để bón phân các vườn rau, thảo mộc, dược liệu…”, bà Liễu nói.

Dùng thảo mộc làm thức ăn

Từ mô hình chăn nuôi heo sạch, đến năm 2019 bà Liễu bắt đầu chuyển sang nuôi heo bằng các loại thảo mộc. Bắt đầu thực hiện mô hình, bà Liễu cho trang trại thả nuôi 100 con heo để thử nghiệm. Heo vẫn được nuôi theo dây chuyền, thức ăn được chế biến từ trên 10 loại thảo mộc, như: sâm đất, xạ hương, đinh lăng, trà đại, hồng ngọc, lá cách, tía tô, trùn quế, xô thơm… Heo được nuôi trong vòng đời thảo mộc liên tục, bổ trợ thêm nhiều loại thức ăn khác như bột cám, bột gạo, bột bắp… đến khi đạt trọng lượng xuất bán từ 100 đến 120kg/con.

Nguyên liệu từ các loại thảo mộc tự nhiên được chế biến để phục vụ chăn nuôi heo thảo mộc

Để cung ứng đủ thảo mộc, dược liệu cho heo ăn, bà Liễu nhân giống trồng ở trang trại hoặc tìm mua, đặt hàng từ những người dân bản địa. Lứa thử nghiệm thành công, thịt heo thảo mộc rất được khách hàng chào đón, ưa chuộng nên nuôi bao nhiêu hết bấy nhiêu. Cứ thế, bà Liễu nhân rộng mô hình chăn nuôi lên 500 con, nuôi gối vụ với heo công nghiệp. Theo đánh giá của người tiêu dùng, thịt heo bằng thảo mộc có mùi thơm độc đáo khi luộc. Khi ăn, thịt có vị ngọt, mềm, thơm, thớ thịt chắc, mỡ đặc, dai dẻo ngon… Giá cả cũng vừa phải, khoảng 85.000 đồng/kg (heo hơi), cao hơn giá thịt heo truyền thống khoảng 20.000 đồng/kg.

Để phương thức chăn nuôi heo bằng thảo mộc được đánh giá đúng tầm mức, bà Liễu đã lập đề tài nghiên cứu quy trình chăn nuôi heo bằng đệm lót sinh học kết hợp với thảo mộc gửi UBND tỉnh Bình Định phê duyệt. “Khi đề tài được chấp thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục xin đánh giá khoa học của các cơ quan chức năng về chất lượng, giá trị trong y học, sức khỏe của thịt heo nuôi bằng thảo mộc.

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết, thành công bước đầu của bà Lê Thị Liễu cùng với một số người dân đã đánh thức ngành chăn nuôi heo thịt của Hoài Ân, làm phong phú thêm vào các danh mục sản vật của huyện. Tới đây, địa phương sẽ hướng để nhân rộng mô hình chăn nuôi heo bằng thảo mộc, hứa hẹn sẽ tạo ra được sản phẩm đặc trưng, độc đáo cho huyện Hoài Ân phục vụ cho các mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai!

NGỌC OAI

Tây Ninh: Không được phát loa dẫn dụ chim yến đối với nhà nuôi yến trong khu dân cư

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Theo Sở NN&PTNN tỉnh Tây Ninh, đối với nhà yến đã được xây dựng nằm trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư... thì không được sử dụng loa phóng, phát âm thanh theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP và cần có thỏa thuận với các hộ dân liền kề xung quanh về cách thức đảm bảo vệ sinh môi trường, nếu không sẽ phải di dời đi nơi khác.

Nhà yến nuôi trong khu dân cư có thể không được sử dụng loa phóng thanh, phát âm thanh trong thời gian tới ( ảnh minh họa).

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn ( Sở NN&PTNN), trên địa bàn tỉnh, hiện có 371 hộ chăn nuôi yến với 416 nhà nuôi chim yến trên địa bàn 9/9 huyện, thị xã, thành phố, tăng hơn 2 lần so với năm 2019, tập trung chủ yếu tại các huyện: Dương Minh Châu (85 nhà yến, chiếm 20,43%), Châu Thành (69 nhà yến, chiếm 16,6%), Tân Châu (62 nhà yến, chiếm 14,9%), Tân Biên (61 nhà yến, chiếm 14,66%) và thị xã Trảng Bàng (68 nhà yến, chiếm 16,35%).

Trong đó, có 166/416 nhà yến (chiếm gần 40%) được xây dựng trong khu vực nội thành, nội thị và khu dân cư. Tuy nhiên thời gian qua, có 6 nhà yến bị khiếu nại, phản ánh về tiếng ồn loa dẫn dụ chim yến và phân chim vấy bẩn quần áo người dân.

Tuy chưa có số liệu điều tra cụ thể, nhưng ước tính có khoảng 50% nhà yến hoạt động có hiệu quả về kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều nhà nuôi chim yến được xây dựng trong đô thị, khu dân cư, trên đất nông nghiệp chưa đảm bảo quy định về việc xây dựng, sử dụng đất sai mục đích, cũng như việc sử dụng loa phóng phát âm thanh dẫn dụ chim yến, phân chim yến rơi vãi mất vệ sinh và mùi hôi xuất phát từ nhà yến làm ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của các hộ dân sống xung quanh.

Trước thực trạng trên, nhằm chủ động quản lý hoạt động nuôi chim yến, ngày 8.11.2019 UBND tỉnh có Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động nuôi chim yến.

Theo Sở NN&PTNT, nuôi chim yến và khai thác tổ yến là ngành chăn nuôi khá mới mẻ, góp phần đa dạng hóa ngành nghề chăn nuôi, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, nhiều nhà yến có hiệu quả kinh tế cao; đem lại thu nhập khá cho nông hộ, góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp.

Vì vậy, việc định hướng phát triển nuôi chim yến trong thời gian tới là tạo điều kiện để chăn nuôi và khai thác, chế biến tổ yến phát triển. Tuy nhiên, không phát triển ồ ạt, tự phát, thiếu kiểm soát về quy mô bởi vì chim yến phát triển đàn cần phải có thời gian.

Song song đó cần phải tăng cường quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới nhà yến, chỉ cho phép xây dựng mới nhà nuôi chim yến khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vùng nuôi, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. Đồng thời tập trung xử lý nhà yến xây dựng không đúng quy định, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Theo Sở NN&PTNN, đối với nhà yến đã được xây dựng nằm trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư... thì không được sử dụng loa phóng, phát âm thanh theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP và cần có thỏa thuận với các hộ dân liền kề xung quanh về cách thức đảm bảo vệ sinh môi trường, nếu không sẽ phải di dời đi nơi khác.

Đồng thời phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch tễ đàn chim yến; đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh và xử lý tốt môi trường nuôi. Định kỳ, đột xuất lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để giám sát, đánh giá…

Hiện nay Sở NN& PTNT đang chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh về Quy định khu vực không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh...

Thế Nhân

Nguồn cung dồi dào, giá lợn hơi giảm

Nguồn tin: VOV

Hiện giá lợn hơi trung bình trên cả nước dao động trong khoảng 65.000 – 74.000 đồng/ kg, giảm 2.000 - 4.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2020.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 11/2020, giá lợn hơi trong nước có xu hướng giảm so với tháng 10/2020, hiện giá lợn hơi trung bình trên cả nước dao động trong khoảng 65.000 – 74.000 đồng/ kg, giảm 2.000 - 4.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2020, do nguồn cung dồi dào.

Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai đến cuối năm 2020, tổng đàn lợn sẽ khôi phục được 2,5 triệu con như thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi và sẽ đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường.

Đến cuối năm 2020, tổng đàn lợn sẽ khôi phục được 2,5 triệu con. Ảnh minh họa.

Cục Thú y cảnh báo các nhà sản xuất chăn nuôi lợn về mức độ gia tăng dịch tả lợn sau hàng loạt các ổ dịch mới trong những tháng gần đây. Dữ liệu từ Cục Thú y cho thấy từ tháng 10/2020 đến nay, dịch tả lợn đã bùng phát tại 31 tỉnh, làm chết 20.500 con lợn, tăng gấp đôi so với các tháng trước đó.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2020, Việt Nam nhập khẩu 21,08 nghìn tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS 0203), trị giá 50,72 triệu USD, tăng 861,1% về lượng và tăng 1.245,5% về trị giá so với tháng 10/2019.

Lũy kế 10 tháng năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 111,51 nghìn tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 265,51 triệu USD, tăng 407,3% về lượng và tăng 530,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong 10 tháng năm 2020./.

PV/VOV.VN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop