Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 3 năm 2019

Nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ cao, giá chanh tăng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Giá trái chanh tại nhiều địa phương ĐBSCL hiện tăng thêm từ 2.000-3.000 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần và đang ở mức khá cao.

Thu hoạch chanh tại một hộ dân ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL, chanh giấy được các tiểu thương và vựa trái cây thu mua với giá 25.000-26.000 đồng/kg; chanh không hạt có giá 19.000-20.000 đồng/kg; chanh tàu giá 17.000-18.000 đồng/kg. Riêng giá trái tắc tại nhiều địa phương đang ở mức 5.000-6.000 đồng/kg.

Bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ chanh tăng cao đã kéo giá tăng theo, nhất là khi nguồn cung trái chanh tại nhiều địa phương đang hạn chế do mùa này chanh cho trái ít. Ngoài ra, các loại chanh và tắc cũng đang được nhiều đơn vị, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu và làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu dùng.

Tin, ảnh: Khánh Trung

Nông dân Ninh Thuận làm ‘nhà lưới’ để sản xuất táo sạch

Nguồn tin: Nhân Dân

Với mục tiêu xây dựng thượng hiệu quả táo sạch để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, khoảng một năm qua, nhiều nông dân tại Ninh Thuận đã bỏ vốn làm “nhà lưới” bao phủ cả vườn táo để ngăn chặn con ruồi vàng đục thủng quả táo vào thời điểm táo chín. Nhờ đó, thương hiệu táo sạch Ninh Thuận đã và đang hấp dẫn thị trường.

Xu hướng thực hiện mô hình nhà lưới bao vườn táo đang được nông dân Ninh Thuận nhân rộng

Những ngày đầu tháng ba, chúng tôi đến các xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn… để chia vui với nông dân nơi đây về thành công khi bà con áp dụng mô hình “nhà lưới” trong sản xuất quả táo sạch. Gia đình anh Phạm Minh Đèo ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn trồng 1,5 sào (1.500m2), anh là một trong những người tiên phong khi bỏ ra 12 triệu đồng để làm “nhà lưới” cho vườn táo. Giữa vườn táo xanh, trĩu quả, anh nói: “Nhiều năm trước chưa làm “nhà lưới”, ở thời điểm này, nông dân rất vất vả vì không biết làm cách nào để ngăn được con ruồi vàng đeo bám vườn táo và đục thủng, gây hư hại quả táo khi chín, khiến năng suất sụt giảm rất nhiều. Giờ có “nhà lưới”, bà con không tốn chi phí mua thuốc phun hết vườn táo để trừ khử con ruồi vàng, đồng thời năng suất tăng cao, chất lượng quả bảo đảm sạch”.

Hộ anh Lê Văn Ba ở thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn đã đầu tư 60 triệu đồng làm nhà lưới cho vườn táo, nên mùa vụ thu hoạch năm nay kéo dài khoảng sáu tháng, không còn sợ quả táo chín bị con ruồi vàng gây hư hại.

Nhiều nông dân nơi đây cho biết, mấy năm trước, bà con tìm cách ngăn con ruồi vàng gây hại cho quả táo trong giai đoạn chín bằng thuốc trừ sâu, nhưng không đạt hiệu quả, vì sau vài ngày, thuốc phun không còn khả năng tiêu diệt thì con ruồi vàng lại xuất hiện và đục thủng quả. Khoảng một năm qua, “nhà lưới” đã ngăn con ruồi vàng, các loài sâu đục quả, con rệp sáp… không thể xâm nhập vào vườn táo để gây hại nữa. Nhờ đó, quả táo chín được bảo đảm sạch vì nông dân không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Chi phí đầu tư làm “nhà lưới” từ 10-50 triệu đồng/sào, tùy cách thiết kế và bao phủ vườn táo của mỗi gia đình. Độ bền của lưới từ ba đến năm năm, tùy theo chất lượng lưới, nhiệt độ, môi trường riêng ở mỗi vùng trồng.

Hiện tại, những vườn táo có “nhà lưới” đạt năng suất từ 40 - 50 tấn/ha/vụ kéo dài sáu tháng thụ hoạch, cao gấp hai lần so với những vườn trồng nhưng không có “nhà lưới”. Theo đó, giá táo bán ra cũng chênh lệch nhiều. Cụ thể, thương lái thu mua táo loại một, loại hai tại các vườn táo có “nhà lưới” từ 8 – 12 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 2- 4 nghìn đồng/kg, so với những vườn trồng không có “nhà lưới”.

Với năng suất và giá bán ra cho thương lái hiện nay, nông dân trồng 1 ha táo có “nhà lưới”, thu nhập bình quân là 450 triệu đồng/vụ, còn những vườn trồng không có “nhà lưới” chỉ 210 triệu đồng/vụ.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận, hiện tại, trong tổng số hơn 1 nghìn ha trồng táo xanh toàn tỉnh, có gần 24 ha được nông dân ứng dụng mô hình “nhà lưới”. Toàn bộ diện tích sản xuất có “nhà lưới” đề đạt năng suất cao hơn những vườn khác. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận Phạm Dũng, cho biết: “Nếu mỗi vụ sản xuất, các vườn chưa ứng dụng “nhà lưới” thường phun thuốc bảo vệ thực vật từ 9 đến 16 lần/vụ. Riêng các vườn có “nhà lưới” thì không phun thuốc trừ ruồi vàng và sâu đục quả, nên sản phẩm bảo đảm an toàn, hấp dẫn người tiêu dùng ngày càng nhiều”.

Ông Phạm Dũng cho biết thêm, từ mô hình do nông dân sáng tạo, áp dụng và đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, sắp tới, đơn vị sẽ đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng kinh phí thực hiện nhân rộng mô hình, nhân rộng tiến bộ kỹ thuật “Bao lưới chống ruồi vàng” vào trồng táo. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hệ thống Ngân hàng xây dựng gói vay vốn ưu đãi cho nông dân có nhu cầu vay vốn đầu tư nhân rộng mô hình, nhằm đẩy mạnh quảng bá hiệu quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật rộng rãi,... góp phần đưa thương hiệu táo sạch Ninh Thuận đến với người tiêu dùng, giúp nông dân trồng táo tăng cao thu nhập, nâng cao đời sống. Từ đó, định hướng nông dân tích cực đẩy lùi tình trạng sản xuất nông nghiệp chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.

NGUYỄN TRUNG

Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dừa xiêm xanh đạt hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Nông dân Trương Mạnh Tuân bên cây dừa xiêm xanh tơ. Ảnh: H. Đức

Nông dân Trương Mạnh Tuân, ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) hiện rất phấn khởi vì trồng dừa xiêm xanh đạt hiệu quả kinh tế cao.

“Trồng dừa xiêm xanh lợi nhuận thu được gấp ba, bốn lần trồng lúa” - ông Tuân khẳng định.

Trước đây, ông Tuân có 3.000m2 đất trồng lúa, canh tác 3 vụ/năm. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi cả 3 vụ được từ 8-9 triệu đồng/năm. Năm 2015, ông lên bờ và trồng 300 gốc dừa xiêm xanh trên diện tích đất của mình.

Năm 2018, vườn dừa của ông Tuân bắt đầu cho trái tơ và sản lượng thu hoạch ngày càng nhiều hơn.

Theo ông Tuân, tiền thu hoạch dừa của năm 2018 được khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong những tháng đầu năm 2019, tiền thu hoạch dừa được hơn 4,5 triệu đồng/tháng và sẽ còn nhiều hơn nữa.

Hiện tại, nhiều nông dân ấp Lương Thuận, xã Lương Quới đã chuyển đổi đất từ trồng lúa sang trồng dừa xiêm xanh, cây ăn trái hoặc hoa màu. Xã hiện có 287ha đất dừa.

H. Đức

Xoài Việt cạnh tranh với 6 đối thủ mạnh tại thị trường Hoa Kỳ

Nguồn tin: VOV

Trái xoài Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ đối mặt cạnh tranh với sản phẩm từ 6 nhà cung cấp đối thủ: Mexico, Peru, Guatemala, Brazil, Haiti, Ecuado.

Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, Hoa Kỳ cho biết, tại Hoa Kỳ, nhu cầu trái cây nhiệt đới, bao gồm cả quả xoài đã tăng lên trong vài thập kỷ qua. Tiêu thụ xoài theo đầu người tại Hoa Kỳ đã tăng dần theo thời gian. Theo số liệu năm 2005, Hoa Kỳ tiêu thụ ít hơn nửa kg xoài mỗi người/năm, nhưng đến năm 2016, con số này đã tăng lên gần 1,3 kg/người/năm.

6 nước đang giữ 99% thị phần xuất khẩu xoài vào Hoa Kỳ

Ở Hoa Kỳ, xoài tươi thường được dùng cùng bột yến mạch, làm rau trộn hoặc sinh tố. Xoài cũng có thể được làm khô, đông lạnh, hoặc chế biến để tăng giá trị. Xoài chưa chín được chế biến thành nước sốt, dưa chua, và cà ri. Xoài chín thường được chế biến thành các sản phẩm như bánh kẹo, lát hộp, thanh trái cây, nước trái cây và các đồ uống khác, salsas, nước sốt và các loại khác. Xoài tươi thường được bán ở siêu thị, ở địa phương thông qua các trang trại, chợ của nông dân, và các cửa hàng tạp hoá đặc sản.

Sau hơn 10 năm đàm phán, ngày 18/2/2019, đại diện Cục Kiểm dịch Thực Động vật thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (APHIS) đã trao giấy thông hành xuất khẩu trái xoài của Việt Nam vào Hoa Kỳ. (Ảnh minh hoa: KT)

Theo Hội đồng xoài quốc gia Hoa Kỳ, xoài chỉ được trồng thương mại hạn chế ở Hoa Kỳ phần lớn do thời tiết không thích hợp. Theo Cục Kiểm dịch Thực Động vật thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (APHIS), xoài được trồng tại các bang Florida, California, Hawaii và vùng lãnh thổ Puerto Rico với sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm, chiếm khoảng 1% tổng lượng nhập khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Hoa Kỳ là nước nhập khẩu xoài lớn nhất thế giới. Tổng lượng nhập khẩu xoài của Hoa Kỳ khoảng hơn 400.000 tấn/năm. Phần lớn xoài được bán tại Hoa Kỳ được nhập khẩu từ 6 nước sau: Mexico, Peru, Guatemala, Brazil, Haiti, Ecuado. 6 nước này chiếm khoảng 99% tổng lượng nhập khẩu xoài vào Hoa Kỳ.

Thời điểm nhập khẩu cao điểm là tháng 4, 5, 6, 7, thời điểm nhập khẩu thấp là các tháng 9 và tháng 10.

Ngoài xoài tươi, Hoa Kỳ còn nhập khẩu dưới dạng xoài sấy khô, đông lạnh, đã qua chế biến hoặc bảo quản cũng như nước ép xoài.

Nhu cầu tiêu thụ gia tăng

Cũng theo khảo sát của Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, trong thập kỷ qua, tiêu thụ xoài tươi đã tăng ở mức ổn định trên thị trường Hoa Kỳ. Khi việc tiêu thụ xoài trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Hoa Kỳ, Hội đồng Quản lý Xoài Quốc gia dựa vào kết quả nghiên cứu người tiêu dùng năm 2017 và Nghiên cứu về Cách sử dụng điều chỉnh chiến lược tiếp thị để thúc đẩy tốt hơn nữa cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Với việc đồng ý cho trái xoài từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ kể từ ngày 18/2/2019, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của trái xoài Việt Nam.

Xoài Việt có cơ hội thị phần ở Hoa Kỳ khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương khoảng gần 1% lượng xoài tươi nhập khẩu của quốc gia này và ngang bằng với sản lượng xoài nội địa của Hoa Kỳ.

Cùng với xoài, hiện có một số loại quả khác của Việt Nam được cấp phép vào thị trường Hoa Kỳ, gồm: Vải thiều, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long.

Một nghiên cứu gần đây của Hội đồng Xoài Hoa Kỳ đã cho thấy, tỷ lệ người mua xoài từ năm 2013 đến 2017 đã tăng từ 60% lên 67%; người mua tiếp tục mua xoài vì hương vị và bởi vì chúng được coi là thực phẩm lành mạnh.

Hai lý do hàng đầu mà người ta không mua xoài là không nghĩ tới chúng và không biết cách chọn xoài chín. Nhưng gần đây, lượng người tiêu dùng biết đến xoài gia tăng và biết chọn xoài cũng tăng. Nhận thức về xoài đang dần dần phát triển và ‘ngày càng nhiều người tiêu dùng bị quyến rũ bởi loại quả này’, đánh giá của Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco.

Hầu hết những người mua hiện tại đều tập trung vào các loại xoài tươi, xoài cắt lát.Điều này có thể do sự thay đổi về sở thích hoặc sự sẵn có của mặt hàng này trong cửa hàng trong vài năm qua. Tuy nhiên, doanh số bán xoài tươi vẫn vượt nhiều so với xoài cắt lát. Điều này chỉ ra rằng tăng trưởng tiêu thụ cả hai loại sản phẩm này chủ yếu là nhờ mua quả xoài tươi nhưng nhiều người mua mới mua loại quả này mua cả hai sản phẩm trên. Đặc biệt, người tự mua xoài vẫn là người tiêu dùng xoài lớn nhất

Cạnh tranh bằng chất lượng

Về quả xoài Việt Nam hiện nay, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco đánh giá rằng, tuy giá thành xuất khẩu khá cao nhưng nói chung sẽ có khả năng cạnh tranh nhất định so với xoài các nước do có chất lượng ngon, tỷ lệ ngọt cao. Tuy nhiên, với thị trường Mỹ lại rất đặc biệt, bởi đây là thị trường có ảnh hưởng rất lớn từ nguồn trái cây tại Mexico, đất nước có sản lượng xoài lớn nhất khu vực châu Mỹ, với tiêu chuẩn chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cho nên, để xuất khẩu thành công vào thị trường Hoa Kỳ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco khuyến nghị: các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm thì cần chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là tại các khu vực có cộng đồng người Á Châu và Mỹ La tinh một cách mạnh mẽ.

Đồng thời, cũng truyền tải các thông điệp theo đó khuyến khích người tiêu dùng tăng cường tiêu thụ xoài, trong đó cần nhấn mạnh hương thơm độc đáo của trái xoài, các giá trị dinh dưỡng và lợi ích về sức khoẻ mà xoài mang lại, song song với đó hướng dẫn cách sử dụng, chế biến quả xoài./.

PV/VOV.VN

Tiền Giang: Nông dân đam mê nhân giống cây khoai mỡ

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Đó là anh Lê Việt Hà ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Qua tìm tòi, học hỏi để chọn giống mới sạch bệnh, anh đã tìm đến với kỹ thuật nhân giống khoai mỡ bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Được biết, cây khoai mỡ chủ yếu được người dân nhân giống theo cách truyền thống là giữ lại củ của vụ trước, đợi đến thời điểm xuống giống thì được người dân đem ra cắt các củ thành từng mặt khoai có kích thước khoảng 4 x 5 (cm) và ủ cho mọc mầm trước khi đặt xuống đồng ruộng. Với cách giữ giống này, sau nhiều năm liên tục sẽ làm cây sinh trưởng yếu, tính kháng sâu bệnh giảm, do đó làm ảnh hưởng đến năng suất.

Anh Lê Việt Hà canh tác 3 ha khoai mỡ từ năm 1997. Tuy nhiên cây khoai mỡ ngày càng bị nhiều loại sâu bệnh hại, trong đó bệnh làm “đau đầu” nhất là hiện tượng mục đầu khoai, gây ảnh hưởng đến phẩm chất khoai và thất thu năng suất. Năm 2010 anh Hà nghiên cứu sách vở tìm ra phương pháp hạn chế hiện tượng này là xử lý nước nóng “3 sôi, 2 lạnh” để khử tuyến trùng gây mục đầu khoai, hiệu quả chiếm trên 90%. Từ đó đến nay, anh Hà đã có nguồn giống khoai sạch bệnh để bán cho bà con nông dân trong xã và khu vực Bến Kè Long An với sản lượng trên 100 tấn giống.

Không dừng lại, anh còn tìm đến Trung tâm Công nghệ Sinh học tỉnh Tiền Giang học hỏi phương pháp nuôi cây mô trên khoai mỡ nhằm cải thiện nguồn giống bệnh mục đầu. Năm 2013, kỹ sư Văn Thị Thúy Hoa đã nhận nuôi cây mô giống khoai mỡ cho anh. Sau 1 năm anh nhận 100 cây giống về trồng, rồi tiếp tục nhân ra bằng việc sử dụng phân hữu cơ, tro trấu, xơ dừa. Một năm chăm sóc tiếp theo, anh Hà đã có khoảng 150 kg khoai mỡ sạch bệnh. Đến năm 2016 anh đã cung cấp giống khoai nuôi cấy mô cho nhiều hộ sản xuất khoai mỡ trong xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ và Bến Kè Long An.

Với sự nhiệt tình tâm quyết của mình, năm 2018, anh tiếp tục liên hệ các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả Miền Nam nhờ nhân giống nuôi cây mô từ 3 kg khoai mỡ tím của gia đình với giá 5000đồng/bầu. Đến 9/2018 này anh sẽ nhận về nhân giống để tiếp tục có nguồn giống mới, sạch bệnh phục vụ cho bà con nông dân.

Anh Hà tâm sự: “Khi thấy khoai mỡ bị bệnh mục đầu nhiều mà cây bệnh ảnh hưởng trong đất, trong giống nên tôi luôn trăn trở tìm giống mới. Bên cạnh nguồn giống tốt, tôi nghĩ cần xây dựng quy trình trồng khoai mỡ để hạn chế sâu bệnh, giúp tăng thu nhập cho mình và người dân trồng khoai xung quanh”.

Anh Lê Việt Hà bên ruộng khoai trồng được 4 tháng của gia đình

Từ năm 2017 đến nay anh Hà canh tác khoai mỡ sau khi nuôi cây mô. Thời gian trồng 5 tháng thì củ to từ 1 – 1,2 kg, không mục đầu, sức sinh trưởng cây mạnh, hạn chế việc sử dụng phân hóa học. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 16 – 18 tấn khoai/ha/5 tháng. Giống khoai của nhà anh cung cấp cho bà con nông dân đồng đều, giá bán giống là 20.000 đồng/kg khoai giống, so với khoai hàng chợ 16.000 đồng/kg nhưng được nhiều bà con lựa chọn. Hiện nay anh đang trồng 3 ha khoai giống để cung cấp giống tốt cho bà con trong vụ tới.

Từ một nông dân canh tác khoai mỡ lâu đời trên vùng đất nhiễm phèn, sâu bệnh hại ngày một nhiều gây ảnh hưởng năng suất cây trồng nhưng với ý chí nhiệt tình học hỏi, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, anh Lê Việt Hà đã thành công trên mô hình trồng nhân giống khoai mỡ cho hiệu quả kinh tế cao. Anh là tấm gương để nông dân gần xa học tập.

Ks Trương Hồng Huy - Trung Tâm DVNN huyện Tân Phước, Tiền Giang

Bình Định: Tiêu rớt giá, người trồng lao đao

Nguồn tin: Báo Bình Định

Vài năm gần đây, giá tiêu hạt liên tục xuống dốc, khiến nông dân trồng tiêu cả nước, trong đó có tỉnh Bình Định, như ngồi trên “đống lửa”. Ðáng nói, cây hồ tiêu tại tỉnh ta không nằm trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp.

Ông Lê Văn Chức rầu rĩ khi cây tiêu vụ 2019 sai trái, chắc hạt nhưng giá mua lại quá thấp, nguy cơ thua lỗ nặng.

Giá tiêu thấp

Ông Lê Văn Chức, 53 tuổi - đã 30 năm trồng tiêu ở xóm 1, thôn Hội An, xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân), cho biết: “Giá hạt tiêu khô đang được thương lái thu mua dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg; thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Cách đây 3 - 4 năm, mức giá lên tới 150 - 200 ngàn đồng/kg”.

Ông Chức nằm trong “top” những hộ có diện tích hồ tiêu lớn ở xã Ân Thạnh với 800 trụ. Từ năm 2015 đến nay, sản lượng thu hoạch luôn đạt bình quân 2 - 3 tấn hạt tiêu khô/năm. Với 3 tấn tiêu vào thời điểm thu hoạch, giá chưa tới 100 ngàn đồng/kg nên ông quyết định “găm hàng” đợi giá lên. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, nhận thấy giá tiêu tiếp tục rớt, không có dấu hiệu chững lại nên ông quyết định xuất bán một phần sản lượng. “Tôi bán 2 tấn với giá 57.000 đồng/kg, so với mức giá giữa năm 2018 thì mất trên 100 triệu đồng”, ông Chức buồn bã.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thơm, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) cũng buồn nẫu ruột khi chứng kiến 1.300 trụ tiêu bắt đầu cho trái rộ. “Một trụ tiêu từ lúc trồng đến khi thu hoạch mất khoảng 4 năm. Tiền đầu tư trụ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho 1 trụ tiêu khá lớn. Với giá mua như hiện nay, tui chỉ mong huề vốn, chứ nói chi tới lãi”, ông Thơm giãi bày.

2 tấn hạt tiêu khô thu hoạch niên vụ 2018 của ông Lê Văn Chức vẫn chưa bán được do giá tiêu sụt giảm ở mức thấp.

Hạn chế mở rộng diện tích

Đến nay, toàn tỉnh có trên 650 ha hồ tiêu; trong đó, huyện Hoài Ân chiếm diện tích lớn nhất với 495 ha, huyện Hoài Nhơn 117 ha...

Cây hồ tiêu niên vụ 2019 ở các địa phương phát triển khá tốt, lượng hạt nhiều và chắc. Cơ quan chuyên môn ước tính năng suất sẽ vượt 12,2 tạ/ha. Song, với mức giá như hiện nay, nông dân gần như không có lãi, thậm chí phải bù lỗ.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng: “Cây hồ tiêu không nằm trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh. Sở đã nhiều lần cảnh báo người dân không nên trồng và mở rộng diện tích, bởi Bình Định không phải là vùng đất có lợi thế về giống cây này; hơn nữa, cây tiêu có thị trường bấp bênh và dễ mắc bệnh”.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Định chưa phù hợp để trồng tiêu, do đó phẩm cấp, chất lượng hạt tiêu so với các tỉnh, thành trong cả nước không đồng đều cũng ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

Ở góc độ địa phương, ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân và ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, đều cho rằng hồ tiêu là cây công nghiệp không bền vững, nên các huyện không khuyến khích người dân phát triển. Thế nhưng, người dân vẫn tự phát trồng một cách ồ ạt. Còn ông Hà Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Trinh, nhận định: “Giá tiêu ở mức cao những năm trước đây là nguyên nhân khiến nông dân đổ xô trồng tiêu, bất chấp cảnh báo của địa phương và cơ quan chuyên môn”.

Trong bối cảnh giá tiêu sụt giảm như hiện nay, Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ yêu cầu phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế các huyện cần hướng dẫn người dân cách giữ, chăm sóc cây tiêu để tồn tại. Bên cạnh đó, người trồng tiêu cũng cân nhắc mức đầu tư vừa phải để giữ cây tiêu không bị chết yểu. “Theo quy luật, cứ 2 - 3 năm thì giá tiêu có sự biến động tăng, giảm. Do vậy, các địa phương cần rà soát, đánh giá thực trạng trồng cây hồ tiêu ở từng địa phương để định hướng, khuyến cáo và hạn chế tối đa việc người dân trồng hoặc mở rộng diện tích”, ông Hổ nói.

TRỌNG LỢI - VĂN LỰC

Chủ động phòng ngừa sâu bệnh cho cây trồng Đông Xuân ở Gia Lai

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Hiện nay, nhiều loại cây trồng vụ Đông Xuân 2018-2019 đang bước vào giai đoạn phát triển có ý nghĩa quyết định đến năng suất, chất lượng. Do đó, ngoài chủ động nguồn nước tưới kịp thời vụ giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, cơ quan chuyên môn cũng đang tăng cường hướng dẫn nông dân đầu tư chăm sóc, hạn chế không để sâu bệnh gây hại.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai, đến nay, nông dân các địa phương trong tỉnh đã xuống giống được trên 65.149 ha cây trồng các loại, đạt 96,4% kế hoạch vụ Đông Xuân 2018-2019. Trong đó, lúa nước 25.417 ha, bắp 3.651 ha, đậu các loại 3.522 ha, mì trồng mới 10.525 ha, rau các loại 11.074 ha… Hiện tại, cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái và làm đòng; cà phê nuôi quả non. Với cây mì, mía và hồ tiêu, một số địa phương đang tập trung thu hoạch.

Chị Phạm Thị Đào (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) tưới nước cho vườn cà phê của gia đình. Ảnh: N.H

Vụ Đông Xuân thường trùng vào cao điểm của mùa khô nên dễ xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại lúa nước như sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn, bọ trĩ, nghẹt rễ… Còn trên cây cà phê, các loại bệnh thường gặp là rệp sáp, rỉ sắt, khô cành; cây hồ tiêu là bệnh vàng lá chết chậm do nấm gây hại. Vì vậy, việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng trong thời điểm hiện nay rất quan trọng bởi một số loại cây đang giai đoạn kết trái, tạo hạt. Đặc biệt, đây là thời điểm hầu hết các loại cây trồng đều cần nguồn nước tưới kịp thời để trao đổi chất dinh dưỡng, đảm bảo cho cây nuôi quả, hạt chắc hơn, nhất là cây cà phê và lúa nước. Do đó, những ngày này, người trồng cà phê đang tập trung tưới nước, bón phân cho cây nuôi quả.

Đang tưới nước và bón phân đợt 3 cho vườn cà phê, chị Phạm Thị Đào (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: “Trong thời kỳ cao điểm của mùa khô, chúng tôi thường tập trung tưới nước, bón phân, làm cành để cây đảm bảo đủ chất dinh dưỡng nuôi quả non. Có như vậy năng suất cà phê cuối vụ mới đạt cao”.

Cùng với cà phê, diện tích lúa nước vụ Đông Xuân cũng đang được nông dân quan tâm đầu tư chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh gây hại. Đặc biệt, tại những khu vực có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước tưới, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang triển khai các giải pháp phòng-chống hạn cuối vụ để diện tích lúa nước đảm bảo năng suất.

Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh-cho biết: “Hiện đang là cao điểm của mùa khô nên việc chăm sóc, bảo vệ các loại cây trồng vụ Đông Xuân rất cần thiết. Để chủ động phòng ngừa hiệu quả các loại sâu bệnh gây hại cây trồng, hàng tuần, Chi cục đều có dự báo, khuyến cáo và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân. Theo đó, trên cây lúa, người dân cần thường xuyên thăm đồng, nắm bắt tình hình sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ; tập trung điều tiết nguồn nước tưới hợp lý giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Người trồng rau nên ứng dụng biện pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM) vào sản xuất theo quy trình an toàn. Trên cây cà phê, người dân cần tưới nước kết hợp bón phân cân đối, thường xuyên kiểm tra khu vực nhiễm rệp sáp ở vụ trước để tránh lây lan. Đối với cây hồ tiêu, cần kiểm tra diễn biến tuyến trùng gây hại rễ; nếu phát hiện rễ có nhiều nốt u, sần cần xử lý thuốc phòng trừ tuyến trùng đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo như hoạt chất Abamectin, Landsaver 18EC kết hợp với Mancozeb”.

Cũng theo ông Uyển, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn chỉ đạo về công tác phòng-chống bệnh khảm lá vi rút hại mì. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho người trồng mì hiểu được tác hại của bệnh để có biện pháp phòng trừ; chuyển những diện tích mì bị nhiễm bệnh sang trồng các loại cây khác như đậu, bắp, mía…; kiểm soát chặt chẽ nguồn giống.

NGUYỄN HỒNG

Sản xuất tỏi VietGAP

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Trồng tỏi theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đã giúp nông dân bảo vệ sức khỏe và môi trường, góp phần nâng cao giá trị và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Ruộng tỏi tại Ninh Hòa (Ảnh: KS)

"Bước đầu sản phẩm tỏi an toàn theo hướng VietGAP trồng ở TX Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã vào một số siêu thị trên địa bàn như Co.opmart Nha Trang và Big C...", ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa chia sẻ.

Khánh Hòa là một trong những địa phương trồng tỏi lớn nhất cả nước, với diện tích gần 500 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Ninh Phước, Ninh Vân (TX Ninh Hòa) và xã Vạn Hưng (Vạn Ninh). Tổng sản lượng tỏi tươi thu hoạch hàng năm dao động từ 10.000 -15.000 tấn. Nguồn gốc tỏi giống và phương pháp canh tác tại đây xuất phát từ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tuy nhiên sau đó đã được bà con cải tiến để phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương.

Theo bà con trồng tỏi, thời điểm xuống giống từ tháng 9 hàng năm và thu hoạch vào tháng 1 - 2 năm sau, năng suất trung bình từ 7-8 tấn tỏi khô. Mỗi năm chỉ làm được một vụ, thời gian “đất rảnh” sẽ trồng hoa màu.

Từ năm 2017, Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Khánh Hòa phối hợp với UBND các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng mô hình chuỗi cung cấp tỏi an toàn theo VietGAP trên địa bàn TX Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Mô hình với sự tham gia "4 nhà" (nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, người trồng tỏi).

Thu hoạch tỏi ở Vạn Hưng (Ảnh: KS)

Cụ thể, mô trình triển khai tại 3 xã. Trong đó, tại HTX SX tỏi Ninh Vân, với diện tích 2,5ha, 10 thành viên tham gia. Tổ liên kết SX tỏi Ninh Phước, diện tích 4,62 ha, 8 thành viên và HTX SX tỏi Vạn Hưng, diện tích 21 ha, 32 thành viên.

Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa, sau thời gian hướng dẫn các hộ dân tham gia mô hình thực hiện các quy định theo yêu cầu VietGAP, Chi cục phối hợp với Phòng Kinh tế TX Ninh Hòa và Vạn Ninh hướng dẫn các HTX tổ chức đánh giá nội bộ tại các hộ thành viên tham gia mô hình; đồng thời tiến hành lấy mẫu sản phẩm tại 3 vùng SX tỏi gửi phòng kiểm nghiệm để kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP.

Kết quả tất cả các mẫu sản phẩm đều đạt các chỉ tiêu về ATTP theo quy định của Bộ Y tế. Ngày 24 - 25/6/2018, sản phẩm tỏi được SX tại 3 đơn vị trên đã được Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vùng 3 chứng nhận phù hợp với các quy định VietGAP.

Ghi nhận của PV tại vùng trồng tỏi xã Vạn Hưng, ông Cao Như Hoàng, Giám đốc HTX SX tỏi Vạn Hưng cho biết, việc SX tỏi theo VietGAP của các thành viên HTX đã đi vào nề nếp. Nông dân thay đổi lối SX thật sự khi chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Đặc biệt, bà con đều ghi chép hồ sơ, nhật ký SX đầy đủ và thực hiện cách ly 15 ngày sử dụng phân bón, thuốc BVTV trước khi bước vào thu hoạch. Vì vậy sản phẩm tỏi của HTX chất lượng, ATTP đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.

Tỏi VietGAP ở Khánh Hòa đã vào siêu thị (Ảnh: KS)

“Mặc dù hiện giá thu mua tỏi theo VietGAP không chênh lệch mấy so với SX thông thương nhưng diện tích trồng của các thành viên trong HTX vẫn giữ vững. Chúng tôi đang xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Điều đáng mừng là hiện một ít sản lượng tỏi của HTX đã vào siêu thị trong tỉnh”, ông Hoàng chia sẻ.

"SX tỏi VietGAP mang lại hiệu quả cao nhưng rất nhọc công trong việc ghi chép nhật ký. Quy trình SX này chi phí cao nên giá bán sản phẩm cũng cao hơn nên khó được thị trường chấp nhận. Do đó, hầu hết các sản phẩm tỏi VietGAP vẫn chưa được tiêu thụ đúng với giá trị làm ra", một người trồng tỏi chia sẻ.

KIM SƠ - ĐÌNH THUNG

Nông dân Ninh Thuận lãi cao nhờ trồng ớt Hàn Quốc

Nguồn tin: VnExpress

Sau ba tháng trồng giống ớt Hàn Quốc trên diện tích rộng 5.000 m2, hộ dân ở Ninh Thuận thu hoạch 10 tấn, lãi 70 triệu đồng.

Vườn ớt Hàn Quốc của gia đình bà Bé ở Ninh Thuận vào mùa thu hoạch. Ảnh: Thanh Châu

Bà Nguyễn Thị Bé ở xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn) cho biết, gia đình có khoảng 5.000 m2 đất trồng giống ớt Hàn Quốc, đang bước vào đợt chín rộ và cho thu hoạch.

"Mùa ớt bắt đầu rộ lên từ tháng này rồi sau đó thu hoạch dần cho đến 2-3 tháng sau, tuỳ vào sản lượng hái", bà Bé nói và cho biết giống ớt Hàn Quốc khá hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất xã Lâm Sơn, nên mỗi cây cho trái nhiều, đỏ tươi. Quả ớt khá lớn, trung bình khoảng 30 trái một kg, bán với giá 11.000 đồng mỗi kg.

Với khoảng 5.000 m2 trồng ớt, gia đình bà Bé thu hoạch khoảng 10 tấn. "Vụ này, trừ mọi chi phí, tôi lãi khoảng 70 triệu đồng", bà cho hay.

Từng trồng ngô, song thường xuyên mất mùa, giá lại thấp nên ông Soh Ao Ha Thuỷ ở xã Lâm Sơn đã rẽ sang giống ớt Hàn Quốc, sau khoảng ba tháng thì có thể thu hoạch. "Hơn 2 sào ớt, tôi thu được 35 triệu đồng mỗi vụ, giúp cải thiện đời sống của gia đình", ông nói.

Để ớt sai quả, chất lượng tốt, ngoài việc bón phân, người trồng còn sử dụng nguồn nước sạch để tưới cây. Khi ấy, quả ớt đủ nước chín đều, da căng và cho nhiều bột.

Giống ớt Hàn Quốc cho quả to, thơm ngon. Ảnh: Thanh Châu.

Theo chính quyền địa phương, xã Lâm Sơn có gần 35 hộ dân với 12 hecta trồng giống ớt Hàn Quốc. Toàn bộ sản lượng ớt được Hợp tác xã ký hợp đồng canh tác thu mua theo giá thị trường thỏa thuận với các hộ dân, đảm bảo đầu ra của sản phẩm.

Ớt sau khi mua từ người dân được đưa đến xưởng sơ chế thành ớt bột tại địa phương. Mỗi năm, cơ sở gia công khoảng 500 tấn ớt bột để đưa ra thị trường trong và ngoài nước.

Ớt Hàn Quốc có đặc điểm trái to, chất lượng tốt, thơm ngon, có độ cay và cho hiệu quả kinh tế cao nên được người dân chọn phát triển. Ngoài ra, đây là dự án trồng ớt giữa UBND Ninh Thuận ký kết với một tập đoàn của Hàn Quốc, để phát triển nông nghiệp của địa phương hồi năm 2014 với kinh phí khoảng 1,8 triệu USD.

Tập đoàn này hỗ trợ vốn, cung cấp giống cùng các chuyên gia của nước này đến hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác, gieo trồng để đảm bảo đúng giống Hàn Quốc.

Thanh Châu

Hội chợ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 2019

Nguồn tin:  Mard

Ngày 4/3, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế tổ chức họp báo giới thiệu về Hội chợ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 2019.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp phát biểu tại buổi họp báo

Theo Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, hội chợ sẽ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm dược liệu sạch, an toàn, chất lượng nên đây sẽ là một địa điểm mua sắm dược liệu, thuốc cổ truyền tin cậy cho nhân dân.

Hội chợ được tổ chức với mục tiêu tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ dược liệu và sản phẩm y dược cổ truyền của các doanh nghiệp nuôi trồng, khai thác, kinh doanh dược liệu; cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền; bệnh viện Y học cổ truyền; địa phương nuôi trồng, khai thác dược liệu; hội đông y tỉnh, thành phố, đồng thời tạo ra một địa điểm mua sắm dược liệu, thuốc cổ truyền tin cậy phục vụ nhu cầu mua sắm và chăm sóc sức khỏe của nhân dân; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng các sản phẩm dược liệu sạch an toàn, chất lượng đến người tiêu dùng và nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp đối với vấn đề an toàn, sức khỏe trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, thuốc cổ truyền.

Hội chợ dự kiến có quy mô từ 120-150 gian hàng. Đến thời điểm này, Ban tổ chức đã nhận được sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị đến từ các địa phương, cơ sở trồng dược liệu, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh dược liệu và các sản phẩm y dược của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Khung cảnh buổi họp báo

Ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết: Qua hội chợ có thể phát triển chuỗi giá trị dược liệu. Nhiều nơi có thể trồng được dược liệu, nhưng sản phẩm lại không đạt hàm lượng tiêu chuẩn để làm thuốc. Do đó, dược liệu phải được trồng ở những nơi phù hợp, cho sản phẩm chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn, có hàm lượng thuốc cao nhất. Hiện đã có khoảng 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia khu chợ thường xuyên.

Trong khuôn khổ của Hội chợ, sẽ diễn ra Hội nghị giao thương, kết nối cung – cầu, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng hợp tác giữa các địa phương, nhà sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối dược liệu và các sản phẩm y dược cổ truyền. Đặc biệt, sau hội chợ sẽ thành lập chợ dược liệu tại địa chỉ Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). Đây là nơi cung cấp, trao đổi dược liệu có chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

HNN (mard.gov.vn)

Những điểm mới của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019

Nguồn tin:  Báo Đắk Lắk

Theo Ban tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 có nhiều điểm mới nổi bật với thông điệp từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.

Điểm mới đầu tiên chính là Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam, thu hút nhiều nhà sản xuất, chế biến cà phê đăng ký tham gia, trong đó Ban giáo khảo là các chuyên gia thử nếm uy tín quốc tế đến từ Mỹ, Mexico, Nhật Bản, Indonesia... Điểm mới thứ hai là Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột được đầu tư xây dựng, khai trương đúng ngày khai mạc Lễ hội (9-3) và được duy trì trở thành phố đi bộ, điểm nhấn độc đáo của thành phố. Điểm mới thứ ba là lịch sử cà phê thế giới được triển lãm tại Bảo tàng Thế giới cà phê với hàng nghìn hiện vật độc đáo.

Người dân và du khách được các tình nguyện viên tại Trạm dừng chân hỗ trợ thông tin và dán tặng bé voi biểu tượng truyền thông của Lễ hội.

Điểm mới thứ tư cũng là điểm nhấn đặc biệt của Lễ hội chính là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018 H’Hen Niê làm Đại sứ truyền thông của Lễ hội, hứa hẹn mang đến cho du khách và nhân dân những cảm nhận sâu sắc về tinh hoa cà phê, bản sắc văn hóa, tình cảm và sự hiếu khách của Tây Nguyên, cũng như ước mong đưa nơi đây trở thành điểm đến của những người yêu cà phê trên toàn cầu…

Bên cạnh đó, công tác truyền thông của Lễ hội lần này được đơn vị tổ chức chú trọng, trong đó “Bé voi" - Biểu tượng truyền thông của Lễ hội lần này - lần đầu tiên xuất hiện đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng, mang lại hiệu ứng tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Tiếp đến là trạm dừng chân và đón tiếp du khách và 3 điểm truyền thông cho Lễ hội được lắp đặt, vận hành với sự tham gia của đông đảo tình nguyện viên cùng sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng cảnh sát giao thông góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xây dựng hình ảnh về một Đắk Lắk thân thiện và mến khách. Ngoài ra, hệ thống wifi miễn phí cũng được lắp đặt tại Bảo tàng tỉnh, Quảng trường 10-3 và Đường sách cà phê, giúp người dân và du khách có thể dễ dàng truy cập internet, tra cứu, tìm kiếm mọi thông tin cần thiết trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội.

Lê Hương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop