Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 08 tháng 6 năm 2019

Lúa sạch

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Trong bối cảnh hội nhập, nông dân cần phải thay đổi phương thức, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhận thức được lợi ích dài lâu, ông Dương Đình Vũ, ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh đã tiên phong trong việc trồng lúa sạch. Sản phẩm làm ra bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và đây được xem là mô hình mới, mở ra nhiều triển vọng cho nông dân TP Cần Thơ.

Dù không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhưng ruộng lúa của ông Vũ luôn xanh tốt.

Với diện tích 10ha, ông Vũ đã phát triển mô hình trồng lúa sạch được 3 năm nay. Quy trình trồng lúa sạch của ông Vũ là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học từ khi trồng đến khi thu hoạch lúa. Đây là mô hình mới, đáp ứng nhu cầu hội nhập mà nông dân TP Cần Thơ hướng đến.

Trước đây, theo cách sản xuất lúa truyền thống, nông dân phải tốn ít nhất 1 triệu đồng/công cho chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật và thuê nhân công phun xịt. Do sử dụng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều nên sản phẩm làm ra còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, năm 2015, ông Vũ đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng lúa sạch. Ông Vũ cho biết: "Để thí điểm mô hình trồng lúa sạch theo phương pháp không bón phân hóa học và phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, những năm đầu, gia đình tôi chấp nhận thua lỗ, vì sản phẩm làm ra năng suất không cao và bán đồng với giá lúa hàng hóa".

Qua 4 năm nghiên cứu, đến nay ông Vũ đã làm chủ được quy trình và kỹ thuật trồng lúa sạch. Hiện tại, ông Vũ đã ủ phân vi sinh từ bã đậu nành để cung cấp dinh dưỡng cho lúa; còn thuốc xua đuổi thiên địch chủ yếu là dùng tinh dầu chiết xuất từ xả, ớt, tỏi… Với cách làm trên, năng suất lúa của ông Vũ đã cải thiện, sản xuất đảm bảo có lời. Ông Vũ Phấn khởi nói: "Hiện tại, năng suất lúa đạt từ 600-650kg/ công. Sản phẩm làm ra được gia đình phơi khô tích trữ và bán cho thị trường. Hiện tại, mỗi ký gạo sạch của tôi bán với giá từ 14.000 - 20.000 đồng. Trung bình tôi xuất bán từ 4 - 5 tấn gạo/ tháng vào các siêu thị và các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố". Các giống lúa được ông Vũ trồng là Đài thơm 8 và ST 24. Đây là những giống lúa được lai tạo có ưu điểm kháng sâu, bệnh rất cao, hạn chế đổ ngã nên rất phù hợp cho việc trồng lúa sạch. Năm 2018, ông Vũ đã đăng ký nhãn hiệu lúa sạch và được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận đơn hợp lệ vào tháng 12-2018.

Không chỉ mạnh dạn trong lĩnh vực sản xuất lúa sạch, ông Vũ còn vận động nhiều hội viên trên địa bàn ấp phát triển mô hình trồng lúa sạch và hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đến nay, ông Vũ đã hợp đồng thu mua 13ha lúa của các hội viên lân cận. Ngoài ra, ông Vũ còn kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với lợi nhuận từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Với những thành tích đáng ghi nhận, nhiều năm liền ông Vũ được Hội Nông dân thành phố, Hội Nông dân huyện tặng Bằng khen, Giấy khen có thành tích tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.

Bài, ảnh: K.V

Hiệu quả từ mô hình trồng chanh bông tím

Nguồn tin: Báo An Giang

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân ở huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó mô hình trồng chanh bông tím được áp dụng tại nhiều địa phương đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các nông hộ.

Gia đình chị Lê Thị Dạ Ngọc (xã Hòa An) có khoảng 1 công đất vườn tạp. Trước đây, phần đất này được chị sử dụng để trồng các loại rau màu như: đậu nành, đậu xanh, cải xanh, cải ngọt, hành… Tuy nhiên, việc canh tác không mang lại hiệu quả do thường xuyên bị mất mùa, rớt giá… Với quyết tâm thay đổi, sau khi tìm hiểu kỹ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tham quan tại nhiều địa phương, nhận thấy mô hình trồng chanh bông tím đang phát triển mạnh, mang lại lợi nhuận cao, phù hợp với bản thân nên chị quyết định phát triển loại cây trồng này trên diện tích đất của gia đình.

Nhờ thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây chanh phát triển tốt, chỉ sau 8-10 tháng trồng với sự chăm sóc cần mẫn của chị Ngọc, cây chanh đã cho vụ hoa đầu tiên, nhưng thân cây còn nhỏ nên đến 15-16 tháng tuổi mới quyết định để cây nuôi trái. “Lúc đầu, tôi chỉ trồng vài cây để thử nghiệm. Sau một thời gian, nhận thấy cây chanh bông tím phát triển rất tốt, thích hợp với vùng đất địa phương, nên tôi mua thêm cây giống để nhân rộng mô hình” - chị Ngọc cho hay.

Trồng chanh bông tím mang lại thu nhập cao cho nông hộ

Theo chị Ngọc, chanh bông tím là cây dễ trồng, lớn nhanh và cho trái to, nhiều nước, năng suất mang lại cao, tuổi thọ lâu bền, đặc biệt là không kén đất và có thể cho trái quanh năm (lượng trái ít, nhiều tùy thời điểm). Mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng nửa tháng nên đảm bảo được nguồn thu nhập cho bà con nông dân. Ngoài ra, cây chanh bông tím là loại cây trồng có sức đề kháng tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất, chất lượng, nông dân cần thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện và phun thuốc diệt trừ sâu vẽ bùa, rệp, sâu xanh ăn lá. Đặc biệt, vào mùa mưa, cây chanh bông tím hay bị bệnh ghẻ trái, bị bệnh vàng lá... Do vậy, cần phun thuốc ngừa nấm và vi khuẩn định kỳ, đồng thời thường xuyên cắt tỉa những cành vượt, cành vô hiệu để tạo sự thông thoáng nhằm ngăn ngừa bệnh vàng lá và bón vôi diệt khuẩn định kỳ hàng năm...

Cũng như chị Ngọc, gia đình ông Trần Quang Hà (ngụ ấp An Phú, xã Long Kiến) phát triển mô hình trồng chanh bông tím. Mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình trong gần 4 năm qua. Theo ông Hà, việc trồng chanh bông tím ở địa phương có nhiều thuận lợi như: không đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, cây dễ trồng, dễ thích nghi với các điều kiện môi trường thời tiết khác nhau, năng suất cao, đặc biệt là cho trái quanh năm nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác ở địa phương.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, cây chanh bông tím đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Trên diện tích 2 công tầm cắt, mỗi năm gia đình ông Hà thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Theo ông Hà, cây chanh bông tím không cần phải xử lý nghịch vụ, mà cứ để cho trái quanh năm. “Cách 20 ngày bón 1 cữ phân NPK 20-20-15, thêm một ít DAP là cây phát triển tốt và ra bông. Khi thu hoạch xong, dọn bớt cành để chanh phát triển tán, tán càng nhiều, năng suất trái càng cao. Vào mùa thuận, giá chanh bông tím khoảng vài ngàn đồng/kg. Nhưng vào mùa nghịch giá chanh rất cao, từ 20.000-35.000 đồng/kg. Hiện tại, thương lái đến tận vườn mua với giá 17.000 đồng/kg. Trước đó khoảng 1-2 tháng, giá chanh lên đến 22.000-27.000 đồng/kg. Từ tháng 10 đến nay, chanh bông tím đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình tôi khoảng 100 triệu đồng” - ông Hà phấn khởi cho biết.

Hiệu quả từ mô hình trồng chanh bông tím cho thấy, nông dân địa phương ngày càng nhạy bén trong chuyển đổi cây trồng phù hợp, nâng cao thu nhập và góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp bền vững của địa phương.

ĐÌNH ĐỨC

Phú Yên: Hiệu quả trồng cây ăn trái trên đất đồi

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Mô hình trồng ổi lê của gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng ở huyện Sông Hinh mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: MINH DUYÊN

Đất gò đồi không bằng phẳng, ít nước không phù hợp trồng lúa và rau màu, còn cây công nghiệp ngắn ngày thì hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy, người dân đã trồng cây ăn trái lâu năm trên đất đồi, mang lại thu nhập cao. Hiện một số địa phương quy hoạch thành vùng trồng cây ăn trái để đầu tư.

Hiệu quả từ thực tế

Theo ông Lê Tấn Quốc ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), gia đình ông có hơn 2ha đất đồi. Trước đây, ông chủ yếu trồng keo và bạch đàn, sau đó chuyển sang trồng cây ăn trái, thu nhập từ đó cũng cao hơn hẳn. “Cây trên đồi chủ yếu phụ thuộc vào nước trời, đường đi lại cũng khó khăn nên trước đây, tôi chủ yếu trồng rừng, 5 năm khai thác một lần, cho thu nhập 10-15 triệu đồng/ha/năm. Nhận thấy lợi nhuận so với công bỏ ra đằng đẵng 5 năm liền không đáng bao nhiêu nên tôi chuyển sang trồng mít. Với giá bán sỉ như hiện nay 8.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình thu về khoảng 130 triệu đồng/ha”, ông Quốc cho biết.

Không chỉ ông Lê Tấn Quốc mà 56 hộ thành viên của Tổ hợp tác Sơn Ngọc đều có thu nhập khá từ trồng cây ăn trái. Ông Huỳnh Văn Tánh, Tổ trưởng tổ hợp tác này, cho biết: Mít cho sản lượng bình quân 15-20 tấn/ha, mãng cầu từ 10-14 tấn/ha. Các hộ trồng mít có thu nhập từ 120-160 triệu đồng/ha. Cây mãng cầu nhờ áp dụng kỹ thuật ra trái trái vụ nên mỗi năm thu 2 vụ, thay vì 1 vụ như mãng cầu thông thường nên thu về từ 200-250 triệu đồng/ha. Hiện toàn tổ hợp tác có 56 hộ, không có hộ nghèo, 100% hộ có điều kiện kinh tế ổn định với nhà kiên cố, mua sắm đầy đủ phương tiện hiện đại.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết: Từ trước tới nay, người dân chủ yếu trồng cây ăn trái manh mún, nhỏ lẻ và tự tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng. Cùng với nhu cầu của thị trường, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh ngày một tăng. Để bà con sản xuất an toàn theo hướng bền vững và tăng giá trị kinh tế, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật trồng và đề xuất với UBND tỉnh quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái gắn với xây dựng các nhà máy chế biến. Đồng thời từ chương trình mỗi xã một sản phẩm làng nghề, hướng các xã xây dựng vùng cây ăn trái chủ lực để xây dựng thương hiệu tập thể cho cây trái.

Còn Ksor Y Thoai ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh), chia sẻ: Gia đình tôi có 5ha đất; trong đó, 2ha đất đồi chỉ chờ nước trời nên thời gian đầu tôi trồng cao su, nhưng giá mủ thấp rồi bão làm cây ngã đổ nên hơn 1 năm, tôi để cỏ mọc làm thức ăn nuôi bò. Thấy nhiều hộ trồng cây ăn trái lâu năm có thu nhập khá, tôi cải tạo trồng mít, bơ, sầu riêng. Tôi xuống giống vào mùa mưa hưởng nước trời để cây có điều kiện phát triển, sau hơn 1 năm rễ cây bám sâu, nhu cầu về nước không nhiều là cây tự sinh trưởng phát triển. Tôi chỉ bón thêm phân vào giai đoạn cây đơm hoa kết trái. Hiện gia đình tôi có thu nhập 300-500 triệu đồng/năm từ cây ăn trái.

Còn ông Nguyễn Văn Hoàng ở xã Đức Bình Tây, có 7.000m2 đất đồi, trước đây trồng chuối nhưng thu nhập bấp bênh. Nay ông chuyển diện tích đất này sang trồng 500 gốc ổi lê, mỗi mùa cho sản lượng 10-15 tấn, mang lại doanh thu từ 200-300 triệu đồng/năm. “Cây ăn trái đang được thị trường ưa chuộng. Tôi đầu tư giống mới, áp dụng kỹ thuật an toàn sinh học nên trái đạt chất lượng cao, được khách hàng tin tưởng chọn mua”, ông Hoàng nói.

Đến quy hoạch vùng

Ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: Ban đầu chỉ vài hộ trồng, sau phát triển thêm nên các hộ tập hợp thành tổ hợp tác để cùng trồng cây ăn trái. Hiện diện tích trồng đã lên đến gần 50ha; trong đó, 40ha thuộc diện tích của bà con và khoảng 10ha nằm trong quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bà con chủ yếu trồng mít và mãng cầu. Địa phương đang định hướng phát triển thành vùng cây ăn trái theo hướng VietGAP, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM… Hiện, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 3 đang hoàn tất thủ tục để cấp chứng nhận VietGAP trên cây mãng cầu và mít cho bà con ở đây.

Còn ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Ngoài cây mía, sắn, cao su thì cây ăn trái cũng đang được địa phương quan tâm đầu tư theo hướng quy hoạch vùng gắn với sản phẩm nông sản chủ lực của từng xã. Sau khi thí điểm mô hình 10ha sầu riêng, bơ, xoài, ổi lê… tại 11 xã, thị trấn trên toàn huyện thì đến nay diện tích cây ăn trái là 39,3ha.

Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT), vụ đông xuân vừa qua, đơn vị triển khai 2 mô hình trồng cây ăn trái, gồm mô hình thâm canh cây sầu riêng trên 1ha tại xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh và mô hình bưởi da xanh trên 3ha tại xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa. Vụ hè thu này, đơn vị tiếp tục triển khai mô hình thâm canh cây mít và trồng thâm canh cây bơ. Việc thực hiện các mô hình điểm này nhằm chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn trái theo GAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), tạo ra các loại trái cây an toàn, hợp vệ sinh; tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.

MINH DUYÊN

Phát triển chuỗi cung ứng nông sản

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Bà An Tú Anh, Giám đốc Hợp tác xã rau Tân Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đang xây dựng mô hình khép kín từ trồng, sơ chế đến khâu tiêu thụ các loại sản phẩm rau, củ, quả ở địa phương.

Bà An Tú Anh, Giám đốc Hợp tác xã rau Tân Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) khảo sát vườn rau của các thành viên

* Vạn sự khởi đầu nan

Hợp tác xã rau Tân Yên được thành lập vào năm 2016 với ý tưởng liên kết các hộ trồng rau, trái cây riêng lẻ của địa phương để phát triển chuỗi sản xuất nông sản an toàn. Nguồn vốn ban đầu của hợp tác xã khoảng 210 triệu đồng.

“Trong hơn 1 năm đầu triển khai, hợp tác xã chưa nhận được sự đồng thuận từ các thành viên nên chấp nhận thua lỗ, gần như không thu về được lợi nhuận. Lúc đó hợp tác xã loay hoay để tìm mô hình phù hợp để phát triển hiệu quả mà vẫn đảm bảo được ý tưởng ban đầu” - bà Anh cho hay.

Sau đó, bà Anh chủ động tìm hiểu các mô hình phát triển tương tự, đồng thời thường xuyên trao đổi, thảo luận với các thành viên và thuyết phục các hộ nông dân tham gia ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo hướng ngắn hạn. Theo bà Anh, hợp tác xã chủ động “lấy ngắn nuôi dài” để vừa đảm bảo thu nhập các thành viên tham gia, vừa từng bước tạo ra lợi nhuận phát triển.

Bên cạnh đó, hợp tác xã còn chú trọng phát triển đa dạng các loại hình từ sản xuất các loại rau an toàn, đến bao tiêu các loại nông sản có thế mạnh của địa phương. Ngoài ra, hợp tác xã còn đầu tư một sạp hàng tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) để thuận tiện cho việc tiêu thụ, phân phối sản phẩm.

* Hướng tới mô hình phát triển khép kín

Theo bà Anh, đến nay vốn điều lệ của hợp tác xã đã đạt hơn 3 tỷ đồng. Nguồn lợi nhuận thu về được tái đầu tư các mô hình sản xuất khép kín. Trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung ứng ra thị trường từ

30-50 tấn rau xanh các loại. Hiện tại, hợp tác xã đang hoàn thiên mô hình nhà lưới để trồng các loại rau, củ, quả theo hướng an toàn với diện tích khoảng 1 hécta.

Đồng thời, hợp tác xã cũng chuẩn bị đầu tư thêm hệ thống kho lạnh để bảo quản các loại trái cây, nhà sơ chế nông sản, các phương tiện vận tải chuyên dụng để vận chuyển nông sản vừa để tiết kiệm chi phí về dịch vụ vận chuyển, logistics... vừa hướng tới chuỗi sản xuất, phát triển thương hiệu cho các loại sản phẩm của hợp tác xã.

“Thị trường tiêu thụ chính của hợp tác xã là cung ứng phân phối sản phẩm về TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và một số địa phương lân cận. Đồng thời, hợp tác xã cũng có một số đối tác để xuất khẩu trái cây đặc sản” - bà Anh cho biết thêm.

Hướng đi sắp tới của hợp tác xã là tiếp tục hướng đến sản xuất nông sản sạch, phấn đấu đạt được các tiêu chuẩn sạch để hướng tới những phân khúc thị trường ổn định, xây dựng kế hoạch sản xuất, bao tiêu nông sản phù hợp, đồng thời chú trọng hơn việc quảng bá thương hiệu riêng.

Lam Phương

Hà Nội rộ mô hình cho thuê đất trồng rau

Nguồn tin: VnExpress

Mô hình cho thuê đất trồng rau để phục vụ gia đình, hoặc đầu tư nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp nông nghiệp được nhiều chủ đầu tư phát triển ở vùng ven Hà Nội.

Chủ một đơn vị đang cho thuê đất trồng rau tại Sóc Sơn, Hà Nội báo giá thuê mỗi lô đất 50 m2 là 1,6 triệu đồng mỗi tháng, loại 35 m2 là 1,3 triệu đồng. Giá thuê trên đã bao gồm tiền giống, phân bón, công chăm sóc, đất, nước, lưới... và tiền vận chuyển rau đến tận nhà hàng tuần. Những khách hàng thuê từ vườn rau thứ 2 trở lên sẽ được khuyến mại, giảm giá. Khoản tiền thuê được trả theo từng tháng vào 5 ngày đầu tháng.

"Với diện tích vườn đã thuê, khách hàng có thể lựa chọn các loại rau được trồng trong danh sách của chúng tôi. Hàng tuần, đơn vị quản lý trang trại sẽ tổ chức một buổi đưa khách lên tham quan vườn rau hoặc hái rau. Khi được thu hoạch, mỗi tuần một lần, trang trại sẽ vận chuyển rau thành phẩm tới tận nhà của khách hàng", chủ dự án cho biết và chia sẻ thêm, nhiều nhóm khách hàng cùng nhau thuê một hoặc nhiều vườn rau để sử dụng.

Trang trại cho thuê để trồng rau của một doanh nghiệp ở vùng ven Hà Nội. Ảnh: NVCC

Đại diện một đơn vị đang phát triển nhiều trang trại tại Thanh Trì cũng cho biết bắt đầu triển khai mô hình cho khách hàng thuê vườn hơn một năm nay. Trên mảnh vườn đó, công ty sẽ giúp khách hàng gieo trồng các loại rau, củ theo yêu cầu với 4 tiêu chí không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc kích thích tăng trưởng, không dư thừa nitrat, không kim loại - hóa chất tồn dư trong đất, nước tưới...

Trong đó, với diện tích 30 m2 trồng 6 chủng loại và cam kết mỗi tháng nhận 30 kg rau, khách hàng sẽ phải trả 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Các loại rau chồi trên diện tích 60 m2, sản lượng 60 kg mỗi tháng, chi phí là 4,6 triệu đồng. Với rau lá, trên khu vườn diện tích 90 m2, cam kết cho 90 kg rau mỗi tháng mức phí sẽ là 5,4 triệu đồng.

"Ở mô hình này, doanh nghiệp đóng vai trò là đơn vị làm dịch vụ nông nghiệp, chăm sóc sản phẩm, không phải là kinh doanh rau", đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh. Anh cho biết thêm, quá trình canh tác, chăm sóc, bảo vệ thực vật chủ yếu bằng phương pháp hữu cơ với từng mảnh vườn đều được minh bạch cho từng khách. Các khách hàng sẽ có tài khoản để đăng nhập vào hệ thống theo dõi lịch trình trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch vườn rau. Ở đó, nhật trình cày đất, phơi ải, bón lót, gieo hạt cho đến bón phân, tỉa lá... được cập nhật chi tiết, kèm hình ảnh. Đến ngày thu hoạch, công ty này sẽ giao đến tận nhà cho khách với tần suất 1-3 lần mỗi tuần.

Ngoài mô hình cho thuê đất và chăm sóc trồng rau đơn thuần, một số chủ đầu tư kết hợp mô hình nghỉ dưỡng sinh thái kết với nông nghiệp ở vùng ven đô.

Một chủ đầu tư đang mở bán các lô đất vườn tại Hòa Bình với diện tích 150-165 m2 với giá khoảng 400 triệu đồng. Mỗi tháng chủ sở hữu được nhận 15 kg rau sạch hữu cơ chính tại vườn của mình và được miễn phí dịch vụ quản lý vườn trong 5 năm. Anh cho biết lô đất nằm trong một dự án nghỉ dưỡng rộng hơn 30 ha, sở hữu các tiện ích khác như hồ bơi, nhà hàng, café, nhà điều hành, khu khách sạn trung tâm, mini golf, hồ sen, khu thiền, thưởng trà, câu cá, trung tâm hội nghị... Bởi vậy, ngoài số rau được nhận hàng tháng, mỗi năm chủ nhân các lô đất có 15 ngày miễn phí nghỉ dưỡng trong quần thể, để chăm sóc vườn, cắm trại...

Đặc biệt, để thu hút khách, các chủ đầu tư cam kết hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở và làm sổ đỏ cho khách hàng trong thời hạn 90 ngày (tức 3 tháng kể từ khi mua). Trong trường hợp không làm được sổ đỏ, đơn vị này cam kết mua lại với giá trị bằng 124% giá trị hợp đồng khách đã mua.

Sau khi nhận sổ đỏ, trên lô đất này, chủ nhân các lô đất có thể trả 200 - 300 triệu đồng để chủ đầu tư xây dựng một căn nhà, rồi ủy thác cho chủ đầu tư kinh doanh với mức cam kết lợi nhuận 30-50 triệu đồng một năm. Căn nhà gỗ này sẽ được bàn giao sau 120 ngày kể từ khi khách hàng ký thỏa thuận cho doanh nghiệp triển khai việc xây dựng.

"Không giống như các sản phẩm đất nền thông thường là khách hàng chủ yếu kỳ vọng gia tăng lợi nhuận nhờ sự tăng giá đất và phải chờ đợi cơ hội sốt giá. Với mô hình này, chúng tôi hướng đến những khách hàng có nhu cầu hưởng lợi từ mô hình trồng rau sạch và sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần", một chủ đầu tư nói.

Nguyễn Hà

VNPT Smart Agri: Thêm giải pháp hỗ trợ nông dân thời 4.0

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là một trong những mục tiêu hướng đến trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam, trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là yếu tố không thể thiếu.

Giải pháp quản lý nông nghiệp thông minh (VNPT Smart Agri).

Đồng hành cùng sự chuyển mình và phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn VNPT đã cung cấp các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ ngành nông nghiệp toàn bộ quy trình từ khâu quản lý sản xuất như giám sát thời tiết, thổ nhưỡng, dịch bệnh, tiêm chủng, tưới tiêu… đến khâu tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc hàng hóa… thúc đẩy liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) nhằm tiến đến một ngành nông nghiệp an toàn thực phẩm, hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Trong đó, giải pháp nông nghiệp thông minh (VNPT Smart Agri) được triển khai gần đây đã hỗ trợ nông dân, chủ trang trại sản xuất theo chuỗi khép kín của nông nghiệp xanh và thông minh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nhờ ứng dụng CNTT hiệu quả, sẵn sàng trước xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời 4.0.

Giải pháp nông nghiệp thông minh VNPT Smart Agri được phát triển trên nền tảng IoT Platform - Smart Connected Platform (SCP). Giải pháp nông nghiệp thông minh được thiết kế để triển khai trên nhiều đơn vị diện tích khác nhau, với khả năng tùy biến cao và nhân rộng không giới hạn.

Trên mỗi đơn vị diện tích triển khai, các thiết bị lắp đặt có thể tùy biến linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu giám sát và điều khiển thiết bị phục vụ nhu cầu sinh trưởng của từng cây trồng. Hệ thống nông nghiệp thông minh hoạt động dựa trên nguyên lý chung của nền tảng Smart Connected Platform do VNPT phát triển, kết nối các thiết bị thông qua IoT gateway và kết nối với Cloud thông qua mạng Internet.

VNPT Smart Agri hỗ trợ nông dân, chủ trang trại sản xuất theo chuỗi khép kín của nông nghiệp xanh và thông minh, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Giải pháp ứng dụng phần mềm và phần cứng được thiết kế để giám sát toàn bộ quá trình từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến và vận chuyển theo chuẩn thiết kế định hướng trang trại ứng dụng công nghệ cao.

Với VNPT Smart Agri, người nông dân có thể quản lý và hỗ trợ vận hành trang trại; quản lý vật tư và chi phí; cung cấp các thông tin như thời tiết, thị trường cho nông dân, chủ trang trại; theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong trang trại theo thời gian thực; giám sát chất lượng nước; tưới tiêu tự động; quản lý mùa vụ và phương thức thu hoạch. Giải pháp cũng cung cấp hệ thống camera giám sát điều khiển từ xa; quản lý hệ thống logistics, vận chuyển; quản lý khách hàng; hệ thống báo cáo phân tích chuyên sâu…

Được biết, thời gian qua, các giải pháp nông nghiệp thông minh VNPT Smart Agri và truy xuất nguồn gốc hàng hóa của VNPT đã được áp dụng rộng rãi tại các địa phương trong cả nước như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Bình, Đà Nẵng, Kon Tum, Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau... trên nhiều đặc sản nông nghiệp địa phương đem lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp, hộ gia đình cũng như nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, cùng với các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế…, VNPT cho biết, sẽ tiếp tục tập trung phát triển các giải pháp, dịch vụ CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu chuyển từ khái niệm nhà mạng viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông kỷ nguyên số, nhằm chuyển đổi sang kinh doanh các dịch vụ số, các dịch vụ giá trị gia tăng, CNTT, truyền thông và công nghiệp CNTT, trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam và Trung tâm giao dịch số thị trường khu vực và thế giới vào năm 2030.

Hiền Minh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop