Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 01 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 01 năm 2021

Đồng Tháp: Dưa lưới sạch khắc chữ được đặt hàng ngay khi chưa ra trái

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Nhận thấy nhu cầu sử dụng những quả dưa lưới khắc chữ chưng Tết tăng cao, năm nay, Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) quyết định trồng gần 1.000 gốc dưa lưới trong nhà màng, chủ yếu là giống dưa lưới vỏ xanh ruột cam, độ ngọt cao. Dự kiến trong dịp Tết cổ truyền, HTX sẽ cung cấp 180 cặp dưa lưới sạch khắc chữ cho người tiêu dùng với giá bán chỉ 400.000 đồng/cặp.

Chăm sóc dưa lưới để ra trái đẹp khắc chữ

Do nhu cầu tăng mạnh cùng với giá bán dưa lưới khắc chữ rẻ gần một nửa so với năm trước nên mặt hàng dưa lưới khắc chữ được khách hàng khắp nơi đặt mua, nhất là ở TP.HCM, Cần Thơ...

Hiện các nhân công của HTX đang tất bật chăm sóc, hỗ trợ cho cây dưa lưới thụ phấn để tạo ra những cặp dưa lưới to tròn đồng nhất, đẹp nhất có thể. Ngoài khắc các loại chữ thư pháp mang ý nghĩa may mắn trong dịp Tết như: tài – lộc – phú quý; HTX còn có thể khắc logo, họa tiết theo ý khách hàng.

Tân Hợp

Hậu Giang: Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ: Đã bán 35 tấn trái cho Công ty Tiến Thịnh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo ông Phùng Văn Rở, Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), qua 1 tháng thực hiện hợp đồng bao tiêu, hợp tác xã đã bán 35 tấn trái mãng cầu xiêm cho Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh, trung bình hợp tác xã giao từ 1,5-2 tấn trái/ngày. So với những năm trước, số lượng mãng cầu giao cho công ty giảm từ 5-10%, do nhà vườn cho mãng cầu ra trái rải vụ, thu hoạch không tập trung. Tuy nhiên, từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, số lượng giao cho công ty có thể tăng lên gấp đôi.

Ký hợp đồng bao tiêu, xã viên Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ rất an tâm sản xuất.

Theo hợp đồng bao tiêu, Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ sẽ bán cho Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh 350 tấn trái, với giá 8.000 đồng/kg loại 2, thu hoạch mỗi ngày, trừ chủ nhật, lễ và tết. Thời gian thực hiện trong 6 tháng, từ ngày 25-11-2020 đến 25-4-2021.

Tin, ảnh: BÁ KHÔI

Nam Định: Hướng đi hiệu quả của HTX sản xuất Nấm Nhật Bằng

Nguồn tin: Báo Nam Định

Sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 120-130 tấn nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi, mộc nhĩ chất lượng, an toàn mỗi năm, HTX sản xuất nấm Nhật Bằng, xã Trực Thái (Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã tạo được chuỗi liên kết khép kín từ nuôi cấy giống đến tiêu thụ sản phẩm, tạo hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên.

Anh Vũ Văn Bằng, xã Trực Thái (Trực Ninh) kiểm tra khu sản xuất nấm.

Chúng tôi đến HTX sản xuất nấm Nhật Bằng đúng thời điểm đang thu hoạch rộ nấm sò. Vừa tất bật đóng gói sản phẩm trước khi xuất hàng, anh Vũ Văn Bằng, Giám đốc HTX cho biết, anh bắt đầu đến với nghề trồng nấm từ năm 2006. Qua sự giới thiệu của một cán bộ địa phương, anh đã đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nghĩa Hưng để học kỹ thuật trồng nấm. Sau khi được chuyển giao kỹ thuật trồng nấm, anh cải tạo lại 40m2 vườn để sản xuất nấm và trồng 2 tấn nguyên liệu nấm mỡ. Có lãi ở ngay vụ nấm đầu tiên, năm 2007 anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất lên 100m2 và thu được hơn 2 tấn nấm thành phẩm.

Nhờ sự cần cù, chịu khó học hỏi, anh Bằng còn học được kỹ thuật trồng các loại nấm khác như nấm sò, nấm linh chi, nấm mèo (mộc nhĩ). Đồng thời anh tự nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống nấm sò và nấm linh chi. Đến nay, sau hơn 14 năm nỗ lực, anh Bằng đã có 1 trang trại nấm rộng 2.000m2 được thiết kế quy củ, bài bản với các khu sản xuất từng loại nấm, giống, phôi riêng biệt “kín vào mùa đông, thoáng vào mùa hè”. Tùy từng loại nấm, anh đầu tư hệ thống điều hòa để điều chỉnh đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp. Hiện trang trại của anh trồng các loại nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó chủ lực là nấm sò chiếm khoảng 80% diện tích. Theo anh Bằng, nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi là những loại nấm dễ trồng, dễ chăm sóc và được thị trường ưa chuộng. Từ nhiều năm nay, đầu ra sản phẩm nấm của gia đình anh Bằng chủ yếu là thị trường các tỉnh vùng Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu …) và các chợ đầu mối tại Hà Nội, Quảng Ninh.

Ngoài cung ứng sản phẩm nấm tươi, gia đình anh còn cung cấp nấm khô cho thị trường. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán 2-2,5 tấn nấm mỡ; 30-35 tấn nấm sò và gần 1 tấn nấm linh chi; trừ chi phí, lãi hơn 1 tỷ đồng. Anh Bằng cho biết: Trước vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan thì các loại nấm đang được người dân ưu tiên lựa chọn vì đây là loại thực phẩm sạch, không có chất bảo quản. Do vậy, nghề trồng nấm có điều kiện để phát triển. Mặc dù vậy, để phát triển bền vững nghề trồng nấm cần phải có sự liên kết. Năm 2015, anh Bằng đã liên kết với 16 hộ sản xuất nấm tại địa phương và các xã Hải Xuân (Hải Hậu); Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng)… thành lập HTX sản xuất nấm Nhật Bằng nhằm hỗ trợ nhau về kỹ thuật; giống, phôi nấm; nguyên liệu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Sau 5 năm đi vào hoạt động, HTX sản xuất Nấm Nhật Bằng đã bứt phá mạnh mẽ, sản lượng nấm xuất bán ra ngoài thị trường tăng theo từng năm. Từ 17 thành viên tham gia ban đầu, đến nay HTX đã phát triển lên trên 30 thành viên. Hiện HTX đang liên kết với một số công ty tiêu thụ nông sản sạch ở Hà Nội để lo đầu ra sản phẩm cho các thành viên. Tham gia HTX các hộ thành viên của HTX sản xuất nấm Nhật Bằng luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng sạch, an toàn từ khâu trồng cấy giống nấm vào bịch, sử dụng thực phẩm hữu cơ (cám gạo, cám ngô) để làm phôi nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, không dùng chất kích thích, thường xuyên khử khuẩn, diệt nấm mốc trong nhà trồng nấm… Nấm thương phẩm của HTX được bảo quản trong túi ni lông, luôn đảm bảo chất lượng. Với chất lượng nấm tốt, giá cả hợp lý, nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm nấm của HTX ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng.

Năm 2019, HTX cung ứng ra thị trường hơn 100 tấn sò, 3 tấn linh chi, hơn 10 tấn mộc nhĩ, khoảng 10 tấn nấm mỡ. Với giá xuất ra thị trường dao động từ 20-30 nghìn đồng/kg nấm sò, 600-800 nghìn đồng/kg nấm linh chi, 50-100 nghìn đồng/kg nấm mỡ… doanh thu cả năm của HTX đạt trên 3 tỉ đồng. Không chỉ bán nấm thành phẩm, HTX còn cung ứng, nguyên vật liệu làm nấm; sản xuất phân hữu cơ vi sinh; tiêu thụ, chế biến, thu mua các sản phẩm nấm. Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm nấm linh chi của HTX sau khi phân tích kiểm nghiệm 12 chỉ tiêu như: thủy ngân, đồng, kẽm, Aflatoxin B1, Salmonella… đều không vượt ngưỡng cho phép, đảm bảo an toàn, đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. “HTX luôn tạo được môi trường hợp tác để các thành viên tương trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật; cung cấp các sản phẩm dịch vụ đầu vào giá rẻ, các sản phẩm đầu ra đủ lớn, bảo đảm chất lượng có địa chỉ tin cậy” - anh Bằng cho biết thêm. Chị Nguyễn Thị Đào, xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) tham gia HTX từ năm 2016 chia sẻ: “Được HTX chuyển giao công nghệ từ sản xuất giống, sử dụng hệ thống lò sấy, hấp… tôi đã tổ chức sản xuất thành công, đạt năng suất cao. Các sản phẩm sau khi thu hoạch được HTX thu mua và bao tiêu toàn bộ nên tôi không phải lo lắng về đầu ra, chỉ chú tâm vào sản xuất để có sản phẩm tốt. Mỗi năm gia đình tôi sản xuất và cung ứng được khoảng 20 tấn nấm sò và 1,5 tấn nấm mỡ”.

Nghề trồng nấm ở HTX sản xuất nấm Nhật Bằng hiện nay không chỉ cho hiệu quả rất cao, gấp nhiều lần so với trồng lúa, mà còn phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Với những thành công trong thời gian vừa qua sẽ nền tảng để HTX sản xuất nấm sạch Nhật Bằng tiếp tục phát triển, tạo ra bước đột phá cho mô hình trồng nấm sạch để phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Vĩnh Long: Năm 2020: thêm 50ha khoai lang được chứng nhận VietGAP

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Trong năm 2020, huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) được Trung tâm Chất lượng nông- lâm- thủy sản Vùng 6 cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 50ha khoai lang thuộc 2 tổ hợp tác sản xuất, với 47 hộ tham gia.

Đó là tổ hợp tác sản xuất số 1 (ấp Tân Long, xã Tân Lược), với 17 hộ, diện tích sản xuất 19,2ha và tổ hợp tác số 3 (ấp Tân Yên, xã Tân Thành), với 30 hộ, diện tích sản xuất 30,8ha.

Như vậy, đến nay, toàn huyện Bình Tân có 100ha khoai lang được chứng nhận VietGAP, trong đó có 50ha ở xã Thành Trung, 19,2ha ở xã Tân Lược và 30,8ha ở xã Tân Thành. Riêng 14,8ha khoai lang được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP xã Thành Đông cũ đã hết hiệu lực.

Theo ngành chuyên môn, nếu khoai lang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP sẽ có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và nhiều nước khác trên thế giới; cũng như cung ứng cho các chuỗi siêu thị trong nước, góp phần ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

TRUNG THÀNH

Vụ Đông Xuân 2020-2021 có 3 đợt lấy nước

Nguồn tin: Công Thương

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, vụ Đông Xuân 2020-2021 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ có 3 đợt lấy nước kéo dài 18 ngày.

Căn cứ văn bản số 8278/TBBNN-TCTL ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thông báo về Lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó lịch lấy nước gồm 03 đợt tổng cộng 18 ngày. Cụ thể, Đợt 1: từ 0h00’ ngày 12/01/2021 đến 24h00’ ngày 15/01/2021 (4 ngày); Đợt 2: từ 0h00’ ngày 26/01/2021 đến 24h00’ ngày 02/02/2021 (8 ngày); Đợt 3: từ 0h00’ ngày 22/02/2021 đến 24h00’ ngày 27/02/2021 (6 ngày).

Vụ Đông Xuân 2020-2021 có 3 đợt đổ ải

Để đảm bảo đủ nước và đảm bảo điện phục vụ bơm nước gieo cấy vụ Đông Xuân năm 2020-2021, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thực hiện điều tiết nước các hồ thủy điện và vận hành hệ thống hợp lý để đáp ứng nhu cầu nước và đảm bảo kế hoạch cung cấp điện, đồng thời điều tiết các hồ chứa duy trì mực nước tại Hà Nội ở mức hợp lý để tiết kiệm nguồn nước đảm bảo hiệu quả cao nhất của 3 đợt lấy nước tập trung và đảm bảo cung cấp điện mùa khô cho hệ thống điện Quốc gia. EVN cũng đã yêu cầu các Công ty Điện lực rà soát, kiểm tra và chuẩn bị sẵn sàng để đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho các trạm bơm điện trong suốt thời gian lấy nước tập trung (từ ngày 12/01/2021 đến 27/02/2021) và sau các đợt lấy nước để phục vụ bơm dẫn nước.

Đặc biệt, để tránh lãng phí nước và tiết kiệm sử dụng điện, các đơn vị Điện lực thuộc EVN ở phía Bắc (Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, các công ty Điện lực liên quan) cũng đã có văn bản đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo ngay các địa phương chủ động bơm sớm, trữ nước vào ao, đầm, vùng trũng thấp và các kênh dẫn từ các nguồn nước sẵn có ở sông, ngòi. Ngoài ra cần lấy đủ nước vào ruộng trong thời gian xả nước tập trung từ các hồ thủy điện để tránh lãng phí nước và tiết kiệm sử dụng điện. Các đơn vị của ngành Điện cũng đề nghị các Công ty khai thác công trình thủy lợi theo dõi sát nguồn nước trong thời gian xả nước tập trung để bơm nước vào hệ thống thủy nông, sử dụng có hiệu quả nguồn nước từ các hồ thủy điện, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước đổ ải và tưới dưỡng cho lúa.

PV

Nông nghiệp ngày càng gia tăng giá trị

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

Trong bối cảnh những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và tình hình thiên tai, dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của cả nước, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu của cả nước. Qua đó cho thấy, ngành nông nghiệp có vai trò sống còn để bảo đảm an ninh lương thực, là “bệ đỡ” quan trọng của nền kinh tế nước nhà.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín theo hướng VietGAP trên địa bàn xã An Điền, TX.Bến Cát

“Bệ đỡ” của nền kinh tế

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2020, khu vực nông nghiệp dù đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng đại dịch bệnh Covid-19, thiên tai… đã tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là “bệ đỡ” của nền kinh tế, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.

Ngoài ra, cơ cấu nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả, quy mô sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng, thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục mở rộng. Cùng với đó, tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục phát triển, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ cho sản xuất, đời sống dân sinh.

Trong năm 2021, ngành nông nghiệp nước ta phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,7 - 3%; giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản tăng 2,8 - 3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương cần tăng cường thực hiện chương trình xây dựng NTM, phát triển kết cấu hạ tầng vùng nông thôn; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ.

Nông nghiệp Bình Dương tiếp tục tăng trưởng

Năm 2020 sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4% so với năm 2019. 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ NTM, 3 huyện còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ trình hội đồng thẩm định Trung ương xét công nhận.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, năm 2021, ngành nông nghiệp Bình Dương đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%; duy trì tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm ở mức 57,5%; duy trì tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tiếp tục duy trì và nâng chất các xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh. Phấn đấu có 5 xã được công nhận NTM nâng cao và NTM kiểu mẩu; 100% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Phấn đấu có tối thiểu 20 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn theo hướng công nghệ cao. Ngành NN&PTNT tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường, kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai...

THOẠI PHƯƠNG

Hưng Yên: Thêm 59 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP

Nguồn tin:  Báo Hưng Yên

Năm 2020, toàn tỉnh Hưng Yên đã cấp chứng nhận mới cho 59 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích hơn 922ha, trong đó trồng trọt 46 mô hình với diện tích 854,94ha; chăn nuôi 8 mô hình, diện tích 55,365ha; thủy sản 5 mô hình, diện tích 11,8ha, nâng tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh được chứng nhận VietGAP lên 2.352,76ha. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và nông dân, so với sản xuất truyền thống, sản phẩm từ những mô hình được chứng nhận VietGAP có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao và được thị trường tin dùng hơn.

Đức Toản

Long An: Phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Nguồn tin: Báo Long An

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Cổ truyền. Đây cũng là thời điểm người dân tập trung chăm sóc đàn vật nuôi để phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GSGC) diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tích cực phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.

Tăng cường tiêm phòng trên gia súc, gia cầm

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 71.000 con heo, trên 127.000 con trâu, bò và trên 9 triệu con GC. Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm 2020, tình hình dịch bệnh trên GSGC diễn biến phức tạp, nhất là ở huyện Cần Đước và Tân Trụ, xảy ra các ổ dịch nhỏ, lẻ và trên các đàn vật nuôi không được tiêm phòng đầy đủ. Cụ thể, đã có 7 ổ dịch cúm GC, tiêu hủy tổng cộng 19.309 con, trong đó 3 ổ dịch cúm A/H5N1 xảy ra tại huyện Thạnh Hóa, Cần Đước; 4 ổ dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại huyện Cần Đước, Tân Trụ và Châu Thành. Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xảy ra tại 13 hộ thuộc 13 xã của 9 huyện: Cần Đước, Tân Thạnh, Đức Hòa, Tân Trụ, Bến Lức, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và Tân Hưng, với tổng số 167 con bị tiêu hủy; dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò đã xảy ra tại 9 hộ thuộc 4 xã của 3 huyện: Đức Huệ, Tân Trụ, Cần Đước, với 44 con bệnh, 6 con bị tiêu hủy.

Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh chủ yếu liên quan đến việc tái đàn, nhập đàn mới, mua con giống không rõ nguồn gốc, không thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan thú y, nhất là người chăn nuôi chủ quan không tiêm phòng hoặc khi phát hiện bệnh không báo ngay với cơ quan thú ý mà tự ý điều trị. Ngoài ra, thời tiết giao mùa cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh dịch bệnh.

Xác định được các nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh, nhất là thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên GSGC với phương châm kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Bích Hằng cho biết, vừa qua, xã Tân Tây xuất hiện ổ DTHCP trên đàn heo 13 con, mỗi con khoảng 40kg. Sau khi nhận được tin báo, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành lấy mẫu test nhanh và cho kết quả dương tính với DTHCP. Theo đó, ngành chức năng đã tiêu hủy số heo bị nhiễm bệnh theo quy định; tiến hành khử trùng, tiêu độc chuồng trại và các hộ xung quanh; khoanh vùng các xã bị uy hiếp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh trên GSGC.

“Riêng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngành Nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên thận trọng tái đàn, trong trường hợp tái đàn phải mua con giống có nguồn gốc, thường xuyên tiêm phòng vắc-xin theo khuyến cáo của ngành Thú y. đặc biệt, khi thấy hiện tượng bất thường trên đàn GSGC phải báo ngay với cơ quan chức năng gần nhất để có biện pháp giải quyết nhanh, tránh tình trạng lây lan dịch trên diện rộng, ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi khác” - bà Hằng cho biết thêm.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Nhận thấy tình hình dịch bệnh trên GSGC diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp huyện Cần Giuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là các địa bàn giáp ranh với các địa phương xảy ra dịch. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Hiện nay, huyện đã lập danh sách các xã nằm trong vùng uy hiếp như Thuận Thành, Phước Vân, Phước Lâm, Phước Hậu và Long Thượng. Đây là những địa phương giáp ranh với huyện Cần Đước có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Theo đó, ngành Nông nghiệp phối hợp các cơ quan liên quan đến các địa phương kiểm tra các nội dung: Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên GSGC; kế hoạch triển khai tiêu độc, khử trùng; kế hoạch triển khai các đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh miễn phí trên GSGC; ban kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh. Nhìn chung, các xã đều thực hiện đầy đủ các kế hoạch của ngành đưa ra”.

Nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi được xem là “chìa khóa” phòng, chống dịch bệnh trên GSGC một cách hiệu quả. Hiểu được điều này, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, nói: “Nghe thông tin một số địa phương trong tỉnh xảy ra dịch bệnh, gia đình tôi cũng rất lo lắng mặc dù đã tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn vật nuôi và thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Trước tình hình này, gia đình tôi hạn chế người ra, vào chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học,... Tôi hy vọng người chăn nuôi nào cũng ý thức, chủ động phòng, chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm lợi ích chung của người chăn nuôi”.

Người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn thông tin, để bảo đảm vụ chăn nuôi tết của người dân trên địa bàn huyện đạt hiệu quả cao, thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp các lực lượng chuyên môn tăng cường giám sát việc tái đàn, tăng đàn và tình hình dịch bệnh ở từng hộ gia đình. Qua đó, nhằm kịp thời phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi xảy ra. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, yêu cầu các hộ chăn nuôi chủ động khai báo việc tái đàn và tiêm phòng các bệnh trên GSGC để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

“Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc phòng, chống dịch bệnh; vận động người chăn nuôi khi phát hiện GSGC có biểu hiện bệnh, chết bất thường phải thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để kiểm tra, xác định bệnh, không bán chạy, không vứt xác GSGC chết ra môi trường, không giết mổ GSGC bệnh chết làm thực phẩm,...” - ông Vấn thông tin thêm.

Theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp bởi thời tiết thay đổi, tổng đàn GSGC gia tăng, mật độ chăn nuôi cao. Hơn nữa, tình trạng giết mổ GSGC nhỏ, lẻ còn khó kiểm soát, mầm bệnh vẫn còn lưu hành nhiều trong môi trường và việc vận chuyển GSGC giữa các địa phương tăng cao vào dịp tết.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, nhằm bảo đảm an toàn trong chăn nuôi GSGC từ nay đến Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn GSGC, yêu cầu phải đạt hơn 80% tổng đàn có nguy cơ và đối tượng thuộc diện tiêm phòng; tăng cường nhắc nhở lực lượng thú y địa phương thực hiện việc giám sát chặt chẽ công tác tái đàn heo; đồng thời, triển khai hiệu quả công tác tiêu độc, khử trùng nhằm tiêu diệt triệt để mầm bệnh tồn tại trong môi trường, tránh gây ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.

“Đối với DTHCP, do loại bệnh này chưa có vắc-xin phòng ngừa, vi-rút dịch bệnh có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Đặc biệt, vào dịp tết, tổng đàn heo tăng cao do người dân tái đàn, phục vụ nhu cầu sử dụng thịt heo để làm thực phẩm. Do đó, Sở đã có văn bản phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền đến các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh, yêu cầu không được chủ quan, lơ là, cần phải thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như: Mua con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên,...; đồng thời, thực hiện tốt việc khử trùng xung quanh chuồng trại nhằm hạn chế mầm bệnh lây lan ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.

Ngoài các giải pháp trên, Sở tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Qua đó, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, Sở chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, hóa chất, cung ứng đầy đủ và sẵn sàng trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm kịp thời ngăn chặn, xử lý nhanh các ổ bệnh DTHCP phát sinh” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm.

Với tinh thần chủ động của cả hệ thống chính trị, tin rằng việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC sẽ được bảo đảm, góp phần tích cực vào việc tái đàn trong chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả; đồng thời, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người dân trên địa bàn tỉnh./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Phú Yên: Vỗ béo bò nông hộ, người nuôi lãi lớn

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Nông dân tham gia mô hình chăn nuôi bò vỗ béo tại HTX DVTH Tây An Phú. Ảnh: LÊ TRÂM

Lâu nay, người dân nuôi bò bằng cách tận dụng rơm, rạ và chăn thả bầy đàn, nên hiệu quả mang lại không cao. Để cải thiện thu nhập cho người chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai mô hình nuôi nhốt bò lai, bổ sung thức ăn tinh, tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp, thức ăn sẵn có tại địa phương để vỗ béo bò nuôi nhốt.

Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật

Mô hình được triển khai tại HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp (HTX DVTH) Tây An Phú, xã An Phú (TP Tuy Hòa), với 12 hộ chăn nuôi 24 con bò. Bò đưa vào vỗ béo là giống bò lai. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ không quá 50% tiền thức ăn, thuốc thú y, áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật theo yêu cầu của mô hình. Thời gian vỗ béo bò 3 tháng.

Cán bộ theo dõi chỉ đạo mô hình phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp chăn nuôi thú y trở lên, có kinh nghiệm hướng dẫn trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trị một số bệnh trên bò, nhiệt tình tham gia và hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình đúng theo quy trình kỹ thuật đề ra.

Hộ tham gia mô hình phải đảm bảo chuồng trại đạt yêu cầu, có nguồn vốn đối ứng, có nhu cầu tiếp cận, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi bò và cam kết thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn. Cán bộ của Trạm Khuyến nông TP Tuy Hòa tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo cho 12 hộ nông dân. Nhờ đổi mới trong cách thức chăn nuôi, hiệu quả chăn nuôi bò nâng lên rõ rệt.

Ông Dương Ngọc Hiệp, một người tham gia vỗ béo bò lai tại HTX DVTH An Phú, cho hay: Cách đây 3 tháng, tôi mua con bò lai với giá 30 triệu đồng về nuôi vỗ béo bằng cách cho ăn cỏ, bổ sung thức ăn tinh. Sau 3 tháng nuôi “thúc”, hiện giá thịt bò 220.000 đồng/kg, thì con bò nằm giá gần 40 triệu đồng, trừ chi phí ban đầu mua giống, đầu tư thức ăn hết 34 triệu đồng, còn lãi 6 triệu đồng/3 tháng. Tính ra một công lao động nuôi 5 con bò, thu 30 triệu đồng/3 tháng.

Ông Lê Công Chánh cũng tham gia mô hình cho hay: Nuôi bò theo quy trình kỹ thuật của mô hình thì tăng trọng bình quân đạt 877gam/con/ngày. Để bán bò thịt, người nuôi vỗ béo bò đực lai, xương to, thịt nhiều mới có lãi. Vừa qua, tôi bán cặp bò đực lai được 76 triệu đồng, lãi gần 12 triệu đồng.

Cũng chính vì nuôi bò đực lai lãi lớn nên dọc các vùng gò đồi rộng lớn Tây An Phú, nông dân vỗ béo bò lai. Trước đây, nông dân nuôi chăn thả, giờ chuyển sang phương pháp nuôi nhốt nên đòi hỏi người nuôi phải nắm bắt kỹ thuật vỗ béo, phòng trừ bệnh, đồng thời rút ngắn thời gian nuôi, tiết kiệm công lao động.

Ông Lâm Văn Hiệp tham gia mô hình chia sẻ: Lúc bò vỗ béo được 50-60 ngày tính từ thời điểm tẩy ký sinh trùng, Trạm Khuyến nông TP Tuy Hòa tổ chức cho 24 nông dân ngoài mô hình tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo. Qua đó quan sát, nhận xét và đánh giá khách quan về bò vỗ béo của mô hình, đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị một số bệnh thường gặp ở bò để các hộ kịp thời xử lý khi dịch bệnh xảy ra.

Nhân rộng nuôi nông hộ

Sau khi bò nuôi đạt được các chỉ tiêu kỹ thuật mà mô hình yêu cầu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông thành phố, UBND xã và HTX DVTH Tây An Phú tổng kết nghiệm thu mô hình. Hội đồng đã đánh giá cao quá trình triển khai cũng như kết quả mà mô hình đều vượt hơn so với các yêu cầu trước đó.

Ông Trần Văn Bình, Giám đốc HTX DVTH Tây An Phú, cho hay: Địa hình là vùng gò đồi rộng lớn với diện tích tự nhiên của HTX DVTH Tây An Phú trên 1.124ha; trong đó diện tích đất canh tác lúa nước 2 vụ là 196ha, 105ha đất hoa màu và trồng cỏ, phù hợp phát triển chăn nuôi. Hiện tổng đàn bò của HTX DVTH Tây An Phú có 665 con, bò lai chiếm 85% tổng đàn. Nghề chăn nuôi bò của nông dân ở đây đã có từ lâu, tuy nhiên nông dân chăn nuôi theo cách truyền thống. Việc chuyển giao thông tin khoa học kỹ thuật mới luôn được nông dân đón nhận.

Vì thế mô hình chăn nuôi bò vỗ béo là một hướng đi đúng đắn để giúp người chăn nuôi bò nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư thức ăn tinh cho bò, bỏ đi phong tục tập quán cũ là “cho ăn rơm khô, uống nước vũng”. Thông qua mô hình vỗ béo bò, đàn bò của xã trong các năm gần đây luôn tăng, đầu ra cho bò ổn định nên bà con nông dân hưởng ứng, nhân rộng mô hình.

Ông Bùi Văn Long, nông dân tham quan mô hình cho rằng: Thông qua mô hình tôi mới biết, những con bò nuôi đã đủ trọng lượng nên xuất bán, không nên tiếp tục đầu tư vì hiệu quả sẽ không cao. Trước đây, gia đình tôi có con bò đực, ráng nuôi thêm chỉ cầm công, vì bò không bung đùi, đổ thịt thêm nữa. Việc tham quan mô hình đã giúp bà con chăn nuôi bò nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo.

Bà Nguyễn Thị Mai Ngọc, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phụ trách mô hình cho biết: Trong 3 tháng triển khai, cán bộ theo dõi mô hình hướng dẫn cụ thể cho các hộ tham gia. Từ đó nông dân xác định cách đầu tư hợp lý, nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo, mang lại hiệu quả kinh tế khi chăn nuôi bò ở hộ gia đình.

Ông Ngô Thái Hưng, Phó phụ trách Trạm Khuyến nông TP Tuy Hòa: Mô hình này góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi bò theo phương thức thâm canh có đầu tư thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, rút ngắn thời gian nuôi, có khả năng xoay vòng vốn nhanh, tránh được rủi ro. Mô hình giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho nông hộ. Tổng kết mô hình có 47 nông dân trong và ngoài mô hình tham gia. Các hộ nông dân tham gia mô hình đã thấy được hiệu quả của việc đầu tư theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của bò, rút ngắn thời gian nuôi, tiết kiệm công lao động.

MẠNH LÊ TRÂM

Hiệu quả từ nuôi gà Minh Dư thả vườn

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về gà thịt chất lượng cao, anh Nguyễn Gia Quang (45 tuổi, ở thôn 4, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) quyết định nuôi gà Minh Dư thả vườn thay vì nuôi nhốt.

Với diện tích 3 sào đất vườn, anh Quang chia thành hai khu. Khu 1 xây chuồng nuôi gà giống; khu 2 xây chuồng để gà trưởng thành phát triển. Với hai khu này, khi gà nuôi được khoảng 40 ngày tuổi ở khu 1 sẽ thả sang khu 2 để gà ra ngoài tự do kiếm ăn. Như vậy, chất lượng thịt gà sẽ ngon hơn. Khi mới nuôi, vì chưa nắm vững kỹ thuật nên anh Quang chỉ nuôi thử 500 con. Qua quá trình tìm hiểu, học hỏi từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả và tiếp thu kiến thức từ những lớp tập huấn kỹ thuật, anh nhận thấy nuôi gà Minh Dư thả vườn rất dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, gà phát triển nhanh đều. Nuôi gà trong vườn còn tận dụng được nguồn phân bón trực tiếp cây cà phê.

Từ 500 con gà ban đầu, nuôi có hiệu quả, anh Quang mua thêm 2.000 con giống để nhân rộng đàn. Vốn đầu tư chuồng trại nuôi gà thả vườn từ 100 – 150 triệu đồng. Xung quanh khu chăn thả, anh dùng các vật liệu như lưới thép, lưới bao quanh để đảm bảo thoáng mát cho gà. Anh Quang chia sẻ, để đạt hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, điều kiện đầu tiên là phải cho gà ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh thường xuyên, đặc biệt là giao điểm giữa lứa cũ, lứa mới. Sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại, tìm kiếm thêm rau xanh, chuối, các loại cây trong vườn để cung cấp thức ăn cho lứa mới. Ngoài việc thiết kế quạt thông gió để chuồng trại luôn thoáng mát, anh cũng đầu tư hệ thống bóng điện chiếu sáng, bóng sưởi giữ ấm cho gà vào mùa đông, nhất là giai đoạn úm gà con. Hiện mỗi năm anh Quang nuôi 3 lứa gà, mỗi lứa khoảng 2.000 con.

Mô hình nuôi gà Minh Dư thả vườn của gia đình anh Quang.

Theo anh Quang, giống gà Minh Dư rất thích hợp nuôi tại địa phương, chất lượng thịt tốt; nguồn gốc con giống rõ ràng. Thông thường, gà nuôi khoảng 4 tháng là có thể bán và nếu chăm sóc cẩn thận có thể đạt trọng lượng hơn 2,2 kg/con. Mỗi lứa anh xuất bán từ 5 – 6 tấn gà thương phẩm. Hiện tại gà bán khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg nhưng lúc cao điểm như dịp Tết thì giá khoảng 70.000 đồng/kg và được thương lái đặt mua tại nhà. Với mô hình chăn nuôi mới này, thu nhập của gia đình anh Quang luôn ổn định và phát triển; mỗi lứa sau khi trừ chi phí, anh thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng. Hiện nay gia đình anh Quang mở rộng quy mô chăn nuôi khoảng 3.000 con gà Minh Dư để cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của gia đình anh Quang là một hướng đi mới hiệu quả trong phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở xã Ea Tu.

Đoàn Dũng
 
Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop