Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 02 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 02 năm 2021

Sản xuất giỏi từ cây có múi…

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Phát triển kinh tế gia đình từ thế mạnh cây ăn trái có múi đã và đang là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả đối với người dân ở huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Qua mô hình trên, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo và góp phần đưa thương hiệu cam, bưởi, quýt Bắc Tân Uyên ngày càng vươn xa. Hộ anh Nguyễn Hồng Nhân, ngụ ấp Cây Dừng, xã Hiếu Liêm là một trong những tấm gương điển hình về trồng cây ăn trái có múi.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn (bên trái), Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm tham quan vườn bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP của gia đình anh Nhân

Vốn xuất thân từ nghề nông, nhưng anh Nguyễn Thành Nhân chỉ mới thực sự tập trung, chuyên sản xuất cây có múi từ 6 năm trở lại đây. Trang trại cây có múi được anh tiếp quản lại từ người anh của mình. Nhờ kinh nghiệm sẵn có về nghề nông và được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, các đơn vị chuyên ngành khoa học, kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản, vườn cây có múi của anh luôn cho ra sản lượng cao, chất lượng tốt. Hiện nay, với diện tích 50 ha trồng 4 loại cây chính là cam xoàn, cam sành, bưởi da xanh và quýt đường, bình quân hàng ngày gia đình anh thu hoạch từ 3 - 4 tấn, đúng vụ bưởi khoảng 5 - 10 tấn/ ngày, thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm.

Anh Nguyễn Thành Nhân tâm sự: “Đối với loại cây ăn trái có múi nguồn nước rất quan trọng, Bắc Tân Uyên có lợi thế về tự nhiên, nằm cạnh sông Bé và sông Đồng Nai nên thuận lợi công việc tưới tiêu. Để cây ra trái ngọt, đẹp cần chú ý hệ thống tưới nước, chọn loại phân cung cấp lượng kali phù hợp, riêng với cây cam và quýt cần để ý tới kỹ thuật phủ bạt để mặt đất giữ nước, giăng lưới hạn chế nắng...”. Anh Nguyễn Thành Nhân cho biết thêm, vườn cây của gia đình luôn cho ra sản lượng tốt, không bao giờ bị tồn đọng hàng, kể cả thời điểm bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên giá cả bị giảm mạnh. Để sản phẩm được giá, gia đình anh lựa chọn thời điểm “vàng” để cung ứng loại trái cây phù hợp, từ tháng 2 đến tháng 8 thời tiết nóng, chú trọng cung ứng cam sành, dịp tết tập trung vào bưởi và quýt. Ngoài kênh thương lái đến thu mua tại vườn, gia đình anh luôn chủ động xuất hàng đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, từ đó góp phần giúp thương hiệu trái cây có múi Bắc Tân Uyên vươn xa trên toàn quốc.

Từ hiệu quả mô hình trồng cây có múi không những cải thiện được cuộc sống gia đình mà còn giải quyết được việc làm cho 40 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân của một lao động 6 triệu đồng/tháng. “Bản thân tôi luôn ý thức việc phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho gia đình là rất cần thiết, khi kinh tế gia đình ổn định mới có thể giúp đỡ người khác và luôn bảo đảm thu nhập cho lao động làm việc tại trang trại của mình”, anh Nhân tâm sự.

Với những kết quả đạt được, anh Nguyễn Thành Nhân đã tạo được uy tín, là tấm gương trong công tác vận động tuyên truyền nhân dân phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Anh Nguyễn Thành Nhân xứng đáng với danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.

TIẾN HẠNH

Nhà vườn trồng bưởi Thúng bán Tết giá gấp 20 lần bưởi da xanh

Nguồn tin: VOV

Tết cổ truyền Tân Sửu 2021, nhiều nhà vườn ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang tiếp tục bội thu với giống bưởi Thúng. Đây là loại trái cây độc đáo ở địa phương này giúp nhiều nhà vườn có thu nhập cao khi xuân về, Tết đến.

Đây là loại bưởi trái to, có trọng lượng từ 4-8kg, khi chín vỏ màu vàng rất đẹp, có giá trị để chưng mâm ngũ quả. Tết cổ truyền năm nay, bưởi Thúng tiếp tục hút hàng. Trước Tết 1 tháng, các doanh nghiệp từ TP.HCM đến hợp đồng thu mua với giá trên 1 triệu đồng/quả.

Vườn bưởi Thúng tại xã Đạo Thạnh, Tp. Mỹ Tho rất say trái.

Nếu so với giá bưởi da xanh từ 25.000 - 30.000 đồng/kg như hiện nay thì một quả bưởi Thúng có giá trị gấp 20 lần trái bưởi da xanh và gấp hơn 30 lần so với trái bưởi Năm roi hay bưởi Long Cổ Cò.

Theo nhà vườn, bưởi Thúng rất khó nhân rộng vì loại bưởi này tuổi thọ thấp, một năm chỉ thu hoạch một lần vào dịp Tết cổ truyền và do trọng lượng lớn nên dễ bị rụng khi mưa bão. Tại xã Đạo Thạnh, Thành phố Mỹ Tho có đế 5 hộ trồng cây bưởi Thúng với khoảng 500 quả. Để đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ và tránh thiệt hại cho trái bưởi, nhà vườn áp dụng hình thức bao trái và dùng dây treo trái vào cành cây.

Đây Thúng là loại bưởi trái to, có trọng lượng từ 4-8kg

Khi chín trái bưởi Thúng màu vàng rất đẹp.

Gia đình ông Ngô Văn Tám ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, là người trồng vườn bưởi thúng đầu tiên ở thành phố Mỹ Tho có 10 năm thu hoạch trái bưởi thúng bán Tết. Tết cổ truyền Tân Sửu, với chỉ gần 1.500m2 đất trồng cây bưởi Thúng xen canh với các loại cây ăn trái khác, ông bán được 170 triệu đồng.

Ông Ngô Văn Tám là người đầu tiên ở Thành phố Mỹ Tho trồng bưởi Thúng bán Tết.

Ông Ngô Văn Tám chia sẻ: "Bưởi Thúng khó trồng hơn bưởi da xanh, nó kén đất hơn, đất phải tốt. Khi có trái mình phải xử lý, thu hoạch xong phải rửa cành, tưới nước xong thì bón phân cho cây sung, tốt lại. Có bưởi này Tết tôi bán được, có thu nhập khá ổn"./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Đồng Tháp: Thu hoạch dưa hấu, dưa lưới khắc chữ

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Vườn trồng dưa hấu kim hồng hình vuông, hình thỏi vàng của ông Trần Văn Cưng ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đã bắt đầu thu hoạch. Dưa có giá khoảng 1 triệu đồng – 3 triệu đồng/cặp. Hiện ông bán được hơn 70% số dưa thu hoạch.

Ông Cưng cho biết, phục vụ nhu cầu chưng Tết năm nay, ông chọn khoảng 300 cặp dưa cho vào khuôn, chủ yếu là các chữ như: Tài, Lộc (chữ Hán). Hiện mỗi trái dưa hấu kim hồng vuông, thỏi vàng có trọng lượng nhỏ nhất là 2,5kg, lớn nhất là 4kg.

Dù giá cao hơn gấp nhiều lần so với dưa hấu chưng truyền thống nhưng dưa hấu tạo hình vẫn hút hàng. Vì hình dáng độc lạ, sắc vàng bắt mắt kèm chữ in mang lại ý nghĩa cho gia chủ. Bằng sự sáng tạo không ngừng, người nông dân đã tạo ra nét khác biệt cho nông sản mà mình làm ra, vừa mang lại ý nghĩa cho ngày Tết cổ truyền, vừa nâng cao giá trị cho nông sản của địa phương.

Theo ông Dương Minh Sang - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, đơn vị vừa thu hoạch 50 cặp dưa lưới khắc chữ để giao cho các đơn hàng đặt trước, mỗi cặp nặng hơn 5kg, có giá 400 ngàn đồng. Phục vụ thị trường Tết Tân Sửu 2021, Hợp tác xã cung cấp 4.000 trái dưa lưới sạch, trong đó có 300 cặp khắc chữ: tài, lộc, phú quý... cùng với đó là các logo, họa tiết theo ý khách hàng. Hiện dưa lưới của Hợp tác xã đã có mặt tại một số siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Nguyên Lộc - Văn Bửu

Tỏi mất giá, Tết của người dân Lý Sơn kém vui

Nguồn tin: VOV

Tết đã cận kề nhưng người trồng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi kém vui vì tỏi năm nay rớt giá thê thảm.

Bao nhiêu trông chờ vào nguồn thu từ bán tỏi để sắm Tết đành gác lại, nông dân Lý Sơn cầu mong vụ tỏi mới được mùa, khởi sắc hơn.

Còn mấy ngày nữa đến Tết nhưng bà Phạm Thị Mai, ở thôn Đông, An Vĩnh thấp thỏm bên đống tỏi hàng trăm ký. Ra chợ từ tờ mờ sáng nhưng mỗi ngày, bà chỉ bán được mấy chục ký. Tầm này mấy năm trước, mỗi ngày bà Mai bán được mấy tạ tỏi. Chợ ế ẩm, cả người trồng tỏi và tiểu thương đều lo không có tiền sắm Tết.

“Năm nay so với mọi năm, giá tỏi giảm thấp nhiều. Thấp nhất hồi nào tới giờ luôn, bà con rất buồn rầu vì thua lỗ. Tỏi nhiều, vì dịch bệnh nên bán chậm hơn mọi năm” - bà Phạm Thị Mai than vãn.

Chợ tỏi Lý Sơn vắng vẻ hơn mọi năm.

Dịp Tết mấy năm trước, từ tờ mờ sáng chợ tỏi An Vĩnh, huyện Lý Sơn nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Nhưng năm nay, người bán nhiều hơn người mua. Mấy năm trước, tỏi có giá hơn 120.000 đồng/kg nhưng nay giảm còn chưa tới 40.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Lợi, thôn Đông, An Vĩnh cho biết: “Tỏi còn nhiều lắm nhưng bán ra không được, không có đầu ra. Những năm trước có khách du lịch ra mua nhiều, năm nay khách ít hơn nữa tỏi các tỉnh phía nam trồng nhiều nên tỏi Lý Sơn tiêu thụ cũng chậm”.

Tỏi tiêu thụ chậm, cả tiểu thương và người trồng tỏi kém vui.

Chợ tỏi An Vĩnh, Lý Sơn có từ lâu. Tỏi bán ở chợ là tỏi khô được người dân dự trữ sau mùa thu hoạch để bán kiếm tiền sắm Tết. Hàng năm, sau vụ thu hoạch, người trồng tỏi Lý Sơn bán một ít, số còn lại dự trữ trong nhà để làm giống và bán dần. Nhà ít nhất cất trữ mấy trăm trăm ký, nhà nhiều nhất cũng vài tấn. Năm 2020, huyện Lý Sơn trồng hơn 320 ha tỏi, sản lượng đạt hơn 3.000 tấn.

Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khách du lịch ra đảo giảm nên việc tiêu thụ tỏi khó khăn.

“UBND huyện giao Phòng Kinh tế Hạ tầng Nông thôn xây dựng kế hoạch làm việc với Sở Công thương để tiếp tục quảng bá sản phẩm tỏi cho người nông dân. Vừa rồi, chúng tôi cũng đã xây dựng xong chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Ngay từ đầu năm, chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp để làm sao nâng cao giá trị cây tỏi Lý Sơn và tạo niềm tin cho người tiêu dùng” - ông Đặng Tấn Thành nói./.

Vinh Thông/VOV-miền Trung

Sóc Trăng: Hiệu quả ứng dụng máy cấy trong sản xuất nông nghiệp

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Ngoài chuyển đổi giống lúa đạt chất lượng cao thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất lúa. Đặc biệt việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa được xem là vấn đề then chốt, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nhà nông, nhất là vào giai đoạn chuẩn bị gieo sạ, việc ứng dụng máy cấy lúa của nông dân đã giảm nhân công lao động, giảm dịch bệnh trên lúa trong quá trình sinh trưởng.

Ứng dụng máy cấy giảm tối thiểu 1/2 lượng hạt giống so với phương pháp gieo sạ truyền thống. Ảnh: THÚY LIỄU

Ứng dụng máy cấy giúp giảm lượng giống gieo sạ. Phương pháp gieo trồng này còn tạo tiền đề giúp giảm sâu bệnh. Qua đó, nông dân giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 2 đến 3 lần/vụ, chủ yếu là nhóm thuốc trừ sâu, rầy hại lúa. Ngoài ra, lúa thu hoạch từ ruộng gieo trồng bằng phương pháp cấy có độ đồng đều cao hơn phương pháp sạ lan và cấy. Từ thực tế của các mô hình ứng dụng máy cấy trong sản xuất lúa do các ngành chuyên môn triển khai thực hiện thí điểm tại một số địa phương, bà con nông dân đã đến tham quan các mô hình từ lúc cấy lúa cho đến khi thu hoạch lúa đã nhận ra lợi ích thiết thực từ chiếc máy cấy như: lúa tăng năng suất, giảm sâu hại… Từ đó, nhiều diện tích lúa của nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã ứng dụng máy cấy thay thế phương pháp gieo sạ truyền thống. Theo đó, tại xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) hơn 5 năm qua, nông dân ứng dụng máy cấy để sản xuất lúa. Thông qua việc sử dụng máy cấy, nhiều diện tích lúa đã được doanh nghiệp liên kết bao tiêu ầu ra, số lúa được doanh nghiệp thu mua phần lớn phân phối đến nông dân làm giống gieo sạ trên đồng ruộng tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Đưa chúng tôi ra tham quan cánh đồng lúa của gia đình đang chuẩn bị làm đòng, anh Sơn Ngọc Thanh, ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) bộc bạch: “Tôi áp dụng sản xuất lúa bằng cách cấy lúa đã hơn 10 năm qua. Trước đây khi chưa có chiếc máy cấy thì toàn bộ diện tích đất lúa của gia đình được cấy bằng tay, khi cấy tay tốn nhiều công sức, phải chuẩn bị phần đất riêng biệt và làm đất thật kỹ để gieo sạ lúa làm mạ, đợi mạ lớn tìm thuê người đến cấy. Theo đó, lao động khan hiếm, khó khăn trong việc tìm người cấy lúa nên đẩy giá cấy lên 600.000 - 650.000 đồng/công, kèm theo đó cấy tay tốn nhiều thời gian, bởi gần cả ngày 2 lao động mới cấy xong 1.000m2. Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây có chiếc máy cấy đã giúp nông dân chúng tôi giải quyết được nhu cầu cấy lúa khi mùa vụ tới. Qua 4 năm ứng dụng máy cấy lúa cho đồng ruộng, thực tế khi cấy lúa, giảm 30% phân bón, giảm 2 - 3 lần phun thuốc phòng trừ dịch bệnh trên lúa, giảm lượng giống gieo sạ 7kg/công, năng suất lúa tăng 100kg/công…”.

Anh Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có 80 chiếc máy cấy, trong đó loại máy 4 bánh là 8 chiếc, loại máy 2 bánh là 72 chiếc; mức độ cơ giới hóa khâu gieo cấy khoảng 34.573ha, đạt hơn 10% tổng diện tích sản xuất lúa. Để giảm chi phí, giảm hạt giống gieo sạ, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng", vì Dự án này đã triển khai hiệu quả ở một số tỉnh ĐBSCL. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2022. Trong năm 2020, đơn vị triển khai xây dựng mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trong sản xuất lúa tại xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên), với diện tích 110ha/43 hộ trong vụ lúa Đông - Xuân (2020 - 2021) và hiện tại diện tích lúa trong mô hình đang giai đoạn chuẩn bị làm đòng cho đến trổ chín, với giống lúa cấy là ST24, ST25".

Qua thực tế triển khai mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy đã góp phần tăng năng suất lao động trên 50% so với cấy truyền thống, giảm tối thiểu 1/2 lượng hạt giống so với phương pháp gieo sạ truyền thống và hiệu quả kinh tế tăng trên 20%. Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa giúp nông dân tăng thu nhập và hình thành các tổ dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa, góp phần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các địa phương trên địa bàn tỉnh…

THÚY LIỄU

Xã Thanh Tuyền, Dầu Tiếng (Bình Dương): Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

Những ngày cuối năm Canh Tý, chúng tôi có dịp trở lại xã Thanh Tuyền - địa phương cửa ngõ của huyện Dầu Tiếng (Bình Dương). Vùng quê anh hùng ngày càng thay da đổi thịt nhanh chóng, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội ngày một đi lên.

Ông Nguyễn Văn Tỵ chài cá lên để kiểm tra sức tăng trưởng

Cây đặc sản phát triển

Cùng với việc cải tạo và gia tăng hiệu quả canh tác đối với các loại cây trồng truyền thống như cao su, lúa, những năm gần đây xã Thanh Tuyền đã tích cực gầy dựng và phát triển những vườn cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái. Theo đó, tính đến đầu năm 2021, xã Thanh Tuyền có khoảng 215 ha diện tích chuyên canh cây ăn trái, chủ yếu các loại cây măng cụt, sầu riêng, bưởi… Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền, cho biết so với các loại cây trồng truyền thống, cây ăn trái đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, khi trồng các loại cây ăn trái, chủ vườn còn dễ dàng kết hợp thả cá, nuôi gà… để tạo nên hệ sinh thái khép kín và tăng thu nhập.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những vườn cây ăn trái ở Thanh Tuyền đã được tỉnh đầu tư dự án phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản với thương hiệu tập thể “Măng cụt Dầu Tiếng”, kết hợp với du lịch sinh thái. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 37 hộ với tổng diện tịch 22 ha tại các ấp Lê Danh Cát, Xóm Bưng, Đường Long và Suối Cát chuyên canh măng cụt trên địa bàn xã được chọn tham gia dự án.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Vĩnh Quốc, Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền, cho biết thời gian qua, xã đã phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền, vận động người dân tham gia các dự án phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó tiêu biểu nhất là dự án phát triển vườn cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái. Ông Quốc cho biết sau khi tham gia dự án, người dân sẽ được tỉnh cử kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn phương pháp trồng, chăm sóc và phát triển vườn cây theo hướng ứng dụng kỹ thuật theo quy trình VietGAP.

Hiện hầu hết những vườn cây măng cụt của các nông hộ trên địa bàn xã đã được trồng, chăm sóc theo hướng kỹ thuật chuẩn GAP kết hợp ứng dụng tự động hóa trong việc tưới, bón phân, phun thuốc… nên chất lượng và trọng lượng trái được khách hàng đánh giá khá cao, tạo nên thương hiệu “Măng cụt Dầu Tiếng” nức tiếng gần xa.

Bội thu từ cá rô đồng

Tận dụng lợi thế ven sông Sài Gòn, bên cạnh những vườn cây ăn trái, nhiều nông hộ ở xã Thanh Tuyền thường đào ao cá để nuôi cá. Tuy nhiên, để những ao cá này tạo ra hiệu quả kinh tế nổi bật thì ở xã Thanh Tuyền có hai hộ Huỳnh Văn Đường và Nguyễn Văn Tỵ. Cụ thể, ngoài việc có vườn măng cụt rộng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao thì hai nông hộ này còn có một điểm chung nữa là cùng tham gia dự án phát triển mô hình nuôi cá rô đồng lai do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Dầu Tiếng triển khai.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Dầu Tiếng cho biết sau khi ký thỏa thuận tham gia dự án, hai nông hộ Nguyễn Văn Tỵ và Huỳnh Văn Đường đã được tài trợ 200kg cá giống, tiền mua thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá. Kết quả kiểm tra sức khỏe và tăng trưởng của đàn cá sau 4 tháng thả cá giống, hiện trọng lượng trung bình của hai ao đạt từ 200 - 250g/con, sẵn sàng bán ra thị trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tỵ cho biết cùng với việc gầy dựng vườn măng cụt, những năm gầy đây ông đã thử nuôi nhiều loại cá nhưng hiệu quả kinh nhất có lẽ là loại cá rô đồng lai. Theo ông, giống cá rô đồng lai khá dễ nuôi, ít bệnh tật và có tốc độ tăng trưởng nhanh, tiện cho việc thu hồi vốn và xoay vụ, qua đó giúp gia đình ông tăng thu nhập đáng kể.

Do có mùi vị thơm ngon, thịt dai, phù hợp cho chế biến nhiều món ăn nên cá rô đồng lai đang được mua với giá sỉ tại ao từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, giá bán lẻ tại chợ khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Theo ước tính của ông Tỵ, nếu bán cho thương lái với giá sỉ tại ao gia đình ông sẽ thu về khoảng 80 triệu đồng mỗi vụ. Sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận còn lại đạt khoảng 40 đến 50 triệu đồng, một nguồn thu nhập đáng mơ ước của nhiều nông hộ.

ĐÌNH THẮNG

Tây Ninh: Nghề nuôi yến vẫn còn tiềm năng nhưng…

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Thời gian qua, người dân đầu tư xây dựng nhà nuôi yến một cách ào ạt, làm đã nảy sinh nhiều bất cập về âm thanh, môi trường khiến dư luận quan tâm, lo lắng. Hiện tỉnh Tây Ninh đang xây dựng dự thảo quy định về khu vực được phép nuôi chim yến, nhằm giải quyết những vấn đề bất cập nảy sinh thời gian qua.

Do lợi ích kinh tế mang lại nên nhiều người đã bỏ số tiền không hề nhỏ để đầu tư xây dựng nhà yến với quy mô lớn ( ảnh minh họa)

Về góc độ kinh tế, nghề nuôi chim yến mang lại nhiều lợi nhuận cho chủ đầu tư. Vì vậy, thời gian qua, bất chấp các quy định, khuyến cao của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhiều người vẫn xây dựng nhà để nuôi yến.

Mang lại lợi ích kinh tế cao

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, cả nước hiện nay có khoảng 6.000 nhà nuôi yến. Chỉ riêng tại Tây Ninh có khoảng 600 nhà nuôi yến đã được xây dựng, chiếm khoảng 10% số lượng nhà yến trong nước. Điều đó cho thấy, thời gian qua nghề nuôi yến tại tỉnh ta phát triển khá nhanh.

Ông H.C, một người đầu tư xây dựng nhà yến ở khu vực khu phố Sân Cu (phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành) cho biết, sau gần 3 năm bỏ tiền ra xây dựng nhà yến, đến nay ông C đã bắt đầu thu hoạch tổ yến với sản lượng khoảng 2kg yến thô/tháng.

Với giá thị trường hiện nay, tổ yến thô có giá khoảng 16 triệu/kg, mỗi tháng mang về cho gia đình ông C. khoảng 30 triệu đồng. Theo ông C, nghề nuôi yến quan trọng vẫn là vốn đầu tư ban đầu bỏ ra xây dựng nhà yến, còn sau đó không phải tốn công chăm sóc nhiều nên nhiều người sẵn sàng bỏ vốn đầu tư.

Tuy nhiên, không phải ai xây dựng nhà yến cũng đều mang lại hiệu quả kinh tế. Chia sẽ với chúng tôi, một cán bộ xã Tân Hội, huyện Tân Châu cho biết, trước việc xây dựng nhà yến ồ ạt trên địa bàn xã. Nhưng thực tế, có những nhà yến dù trước khi xây dựng đã tư vấn, nghiên cứu kỹ, nhưng khi xây xong thì yến không về nhiều hoặc có về nhưng chỉ với số lượng ít và không làm tổ nên chủ đầu tư đành phó mặc nhà yến cho “ trời". Theo vị cán bộ này, không phải ai xây dựng nhà yến cũng đều “thắng” như dư luận đồn thổi.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo tham khảo của ông, tại khu vực Đông Nam Á, nghề nuôi chim yến phát triển trong vài năm gần đây. Cụ thể tại Indonesia có khoảng 150 ngàn nhà nuôi yến, Malaysia có khoảng 100 ngàn nhà nuôi yến. Trong khi đó tại Việt Nam có khoảng 6.000 ngàn nhà nuôi yến nên chứng tỏ ngành nuôi yến ở Việt Nam vẫn còn tiềm năng phát triển. Tây Ninh là địa phương rất thuận lợi cho phát triển ngành nuôi yến.

Hiện nay, việc đầu tư nhà nuôi yến rất đa dạng, nếu đầu tư quy mô lớn thì một nhà yến có giá đầu tư ban đầu khoảng 4 đến 5 tỷ đồng; đầu tư sơ sài có giá khoảng 500 triệu đồng/nhà yến. Đối với các hộ nuôi yến, sau khi đầu tư khoảng 3 đến 5 năm bắt đầu thu hoạch được tổ yến.

Có những nhà yến cho sản lượng khoảng 50kg yến thô/tháng, cũng có nhà yến cho sản lượng khoảng 20 kg yến thô/ nhà yến. Với giá tổ yến thô đang bán trên thị trường hiện nay khoảng 16 triệu đồng/kg, còn yến qua sơ chế khoảng 25 triệu đồng/kg. Tùy theo quy mô của nhà yến, chỉ trong khoảng từ 4 đến 5 năm, chủ đầu tư đã có thể thu hồi vốn đầu tư, và sau đó là hưởng lợi từ việc nhà yến mang lại mà không cần phải đầu tư thêm nhiều.

Bên cạnh đó, chim yến cũng góp phần vào việc diệt côn trùng gây hại cho mùa màng, mang lại lợi ích cho môi trường. Đồng thời khi thu hoạch tổ yên thô, nhiều chủ đầu tư đã phải thuê nhân công để sơ chế tổ yến. Tính ra mỗi tổ yến thô cần phải có đến 20 ngày công lao động để sơ chế, do đó nghề nuôi yến còn tạo ra công ăn, việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi.

Nhưng...

Về mặt trái, nghề nuôi yến đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập mà chúng ta nhận thấy trong thời gian qua ở tỉnh. Để có chim yến về làm tổ, các nhà yến phải phát loa dụ yến với nhiều cường độ khác nhau, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

Nhà nuôi yến xây dựng trong khu dân cư thời gian qua đã nảy sinh nhiều bất cập về môi trường, âm thanh

Thời gian qua, đã có 6 trường hợp nhà dân phàn nàn vì âm thanh nhà yến. Ngoài ra, nhà nuôi yến còn gây ra mùi hôi, ảnh hưởng đến các hộ dân lân cận, nhất là đối với các nhà yến nuôi trong khu dân cư, rồi vấn đề phân chim yến rơi trên các nhà dân lân cận..

Một bất cập khác, chim Yến lại là món ăn yêu thích của các loài chim cú, chim cắt. Do đó để bảo vệ đàn chim yến, nhiều chủ đầu tư đã tìm cách bẫy chim cú, chim cắt để bắt tiêu diệt những loại chim này gây thiệt hại về đa dạng sinh học.

Theo ông Xuân, dù với tiềm năng nghề nuôi chim yến còn phát triển nhưng trước những bất cập từ các nhà yến nuôi trong khu dân cư. Hiện nay tỉnh đang xây dựng dự thảo quy định về khu vực được nuôi chim yến với định hướng sẽ sớm ban hành những quy định như nhà yến phải xa khu dân cư, xây dựng trên loại đất phù hợp như đất phi nông nghiệp, đất ở nông thôn….không được xây dựng trên đất lúa, đất rừng.

Ngoài ra chủ đầu tư còn phải tuân thủ các quy định về xây dựng, môi trường, bảo đảm nhà yến không gây ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh. Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư tuân thủ các quy định này trong thời gian tới. Đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc tổ yến trước khi đưa ra tiêu thụ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng, tổ yến từ xưa được coi là thực phẩm quý, chỉ có các bậc vua chúa, quan lại sử dụng. Ngày nay nhờ nghề nuôi yến phát triển nên giá tổ yến đã giảm nhiều, nhiều người có thể tiếp cận nguồn thực phẩm này để bồi bổ sức khỏe.

Về phía ngành nông nghiệp dù thấy rằng nghề nuôi yến ở tỉnh còn tiềm năng nhưng để nghề nuôi yếnphát triển đúng quy định, nhất là vấn đề xây dựng thương hiệu thì chính các chủ đầu tư phải xây dựng thương hiệu tổ yến của mình để bán ra thị trường và trong tương lai có thể xuất khẩu vì có tổ yến vẫn là mặt hàng ưa chuộng tại một số nước hiện nay. Riêng ngành NN chỉ hỗ trợ về các quy định như truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn việc bảo vệ môi trường…đối với các chủ đầu tư xây dựng nhà yến.

Thế Nhân

Gia Lai: Kỳ vọng từ giống bò Úc

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Sau hơn 5 tháng được Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Gia Lai chăm sóc, 120 con bò Úc bắt đầu thích nghi với điều kiện khí hậu trên vùng đất mới Đak Pơ. Đây là cơ sở để phát triển ngành chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của tỉnh trong thời gian tới.

Nằm trong dự án “Đầu tư phát triển giống cây trồng, vật nuôi và khu thực nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ” do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh thực hiện, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà kho chứa thức ăn, chuồng trại tại Trại giống vật nuôi Đak Pơ (huyện Đak Pơ) và xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) rộng trên 2.000 m2, cánh đồng cỏ 6 ha cùng đàn bò sinh sản nhập về từ Úc và nhiều công trình phụ trợ khác. Tháng 8-2020, Trung tâm đã tiếp nhận 120 con bò Úc giống Brahman có nguồn gốc nhiệt đới, khả năng chịu nhiệt và sức đề kháng cao để nuôi thử nghiệm.

Từ khi nhập về đến nay, đàn bò được nuôi dưỡng theo quy trình kỹ thuật của đơn vị cung cấp bò giống. Theo đó, hàng ngày, Trung tâm cho bò ăn 2 buổi sáng và chiều với cỏ xanh, thức ăn hỗn hợp, nước uống theo quy trình khép kín. Đến nay, đàn bò Úc đã sinh sản được 20 con bê, chưa kể hơn 10 con khác sắp đẻ.

Đàn bò Úc đang sinh trưởng phát triển tốt tại Trại giống vật nuôi Đak Pơ. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Lê Hoàng Tùng-cán bộ kỹ thuật phụ trách chăm sóc và nuôi dưỡng đàn bò Úc sinh sản tại Trại giống vật nuôi Đak Pơ-cho biết: Đến nay, đàn bò Úc đã thích nghi tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, ít dịch bệnh. Đặc biệt, bê con sinh ra có trọng lượng trên 23 kg/con, cao hơn so với các giống bò khác, sức đề kháng tốt. Hiện nay, bê đã được 3 tháng tuổi, trọng lượng 75-80 kg/con. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cung cấp giống cho người chăn nuôi trong tỉnh.

Gia đình ông Hàn Lưu Thủ (thị trấn Đak Pơ) chăn nuôi 2 con bò lai sinh sản từ nhiều năm nay. Đều đặn hàng năm, 2 con bò này đẻ 2 con bê. Ông nuôi bê con khoảng 1 năm thì bán, thu được vài chục triệu đồng.

Ông Thủ cho biết: “Vừa rồi, tôi đi tìm hiểu về bò sinh sản giống Úc nuôi tại Trại giống vật nuôi Đak Pơ. Tôi thấy giống bò mới này thích nghi với điều kiện địa phương, trọng lượng đạt cao. Vì vậy, nếu nuôi theo hướng bò thịt thì hiệu quả kinh tế sẽ còn cao hơn. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mua bê con giống Úc về nuôi thử nghiệm”.

Nhà kho trữ thức ăn cho bò Úc. Ảnh: Nguyễn Diệp

Trao đổi với P.V, ông Lê Quang Vịnh-Phó Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh-cho hay: “Thời gian qua, Trung tâm đầu tư về cơ sở vật chất chuồng trại và phát triển đồng cỏ theo hướng công nghệ cao. Đặc biệt, việc chăn nuôi 120 con bò sinh sản nhập từ Úc cho thấy những tín hiệu tích cực khi đàn bò sinh trưởng phát triển khá tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm, ít dịch bệnh… Tỷ lệ bê sinh ra nuôi sống rất cao. Đây là điều kiện thuận lợi để Trung tâm nhân giống cung cấp cho người chăn nuôi trong tỉnh phát triển bò thịt chất lượng cao từ giống bò Úc. Ngoài ra, Trung tâm sẽ chuyển giao những tiến bộ khoa học trong chăn nuôi bò chất lượng cao cho người dân trong tỉnh”.

Theo tính toán của ông Vịnh, trọng lượng bò đực trưởng thành đạt 500-600 kg/con, cao hơn bò lai 100-200 kg/con. Tỷ lệ thịt khi mổ xẻ đạt 52-56%, trong khi bò thịt hiện nay chỉ đạt 50-52%. Đặc biệt, chất lượng thịt bò Úc thơm ngon và có vị ngọt đặc trưng nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

NGUYỄN DIỆP

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop