Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 04 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 04 năm 2021

Trái mận tiếp tục giảm giá mạnh

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Hiện giá nhiều loại mận tại vùng ĐBSCL như: mận hồng đào đá, mận An Phước… giảm thêm từ 5.000-7.000 đồng/kg so với trước, xuống còn ở mức rất thấp.

Thương lái thu mua mận hồng đào đá của nông dân tại phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, giá các loại mận hồng đào đá và mận An Phước chỉ còn ở mức 2.000-5.000 đồng/kg; còn giá bán lẻ mận tại nhiều chợ ở mức 8.000-12.000 đồng/kg. Theo nông dân trồng mận, với mức giá này người trồng không có lời do trồng mận tốn nhiều chi phí tiền phân bón, chăm sóc và thu hoạch. Để bảo vệ trái mận, nông dân đã áp dụng kỹ trùm mùng lưới khắp vườn mận để hạn chế sâu bệnh và côn trùng tấn công làm hư trái, thay cho biện pháp sử dụng túi ni lông chuyên dụng để bao từng trái mận, giúp giảm chi phí tiền nhân công và giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, phần lớn các công đoạn của quá trình chăm sóc, thu hoạch mận vẫn còn làm bằng bằng tay nên tốn rất nhiều công sức và chi phí, nhất là thu hoạch mận đòi hỏi phải rất cẩn thận để tránh trái bị dập hư.

Giá mận giảm thấp được cho do đầu ra xuất khẩu mận gặp khó vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong khi đó, gần đây nguồn cung mận lại tăng mạnh do bước vào mùa thu hoạch rộ, thời gian qua người dân cũng tăng diện tích trồng mận. Các năm trước do đẩy mạnh xuất khẩu nên giá các loại mận thường xuyên ở mức cao, đặc biệt giá mận An Phước có thời điểm lên đến 40.000-60.000 đồng/kg.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Đắk Nông: Quảng Khê phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Những năm gần đây, nông dân xã Quảng Khê (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các mô hình kinh tế trang trại, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Những ngày nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên, vườn ổi của gia đình chị Ừng Thị Ngọc, ở thôn 8, xã Quảng Khê, vẫn xanh mướt. Từ căn nhà nhỏ nhìn ra, vườn ổi bạt ngàn, uốn lượn theo triền đồi, với chi chít quả trên cành. Ổi được bọc túi nilon trắng cẩn thận để chống sâu bọ.

Vườn ổi của gia đình bà Ừng Thị Ngọc là một trong nhiều trang trại áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao

Nhanh tay hái những quả chín trên cây, chủ vườn nhiệt tình mời những người đến tham quan thưởng thức sản phẩm sạch ngay tại vườn. Theo chị Ngọc, ổi mùa nắng trái không đẹp, nhưng ngọt hơn so với mùa mưa.

Giống ổi chị trồng có vị ngọt dịu, ăn nhiều không chán. Không chỉ ra trái quanh năm, vườn ổi còn rất an toàn vì áp dụng theo quy trình sản xuất hữu cơ.

Vườn ổi này toàn bộ là giống ổi Trân Châu Đài Loan, được gia đình chị Ngọc xuống giống cách đây 10 năm. Từ đó tới nay, gia đình luôn áp dụng quy trình chăm sóc đặc biệt, cách ly với các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Đây là một trong những vườn ổi đầu tiên áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ tại địa phương. Vườn cây được bón phân vi sinh, các chất hữu cơ và bảo đảm cách ly tốt nhất với các chất độc hại bên ngoài. Hiện vườn ổi cho thu hoạch khoảng 2 tạ/ngày và có giá bán 15.000 - 20.000 đồng/kg, mang lại thu nhập tương đối cao.

Đây chỉ là một trong số nhiều mô hình trang trại áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất tại xã Quảng Khê. Những năm gần đây, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn ngày càng tăng về số lượng và quy mô. Hiện toàn xã có 5 mô hình trang trại trồng trọt, quy mô nhỏ nhất 3ha và lớn nhất là 62ha.

Sản phẩm ổi “sạch” của người dân Quảng Khê được thị trường ưa chuộng

Ngoài các trang trại lớn, những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Quảng Khê đã chú trọng vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Nhiều giống cây công nghiệp, cây ăn quả, cây trồng ngắn ngày có tiềm năng và chất lượng đã được người dân đưa vào sản xuất.

Hiện tại, toàn xã có khoảng 250ha cây ăn quả (măng cụt, cam, quýt, sầu riêng, ổi…), 50 ha cây trồng ngắn ngày (lúa, ngô…) đã được sử dụng giống mới trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào chăm sóc đã giúp cho sản lượng các giống mới này cao hơn từ 30 - 40% so với các giống cũ tại địa phương.

Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Khê Phạm Văn Duẩn, thời gian qua, hoạt động khuyến nông đang được địa phương duy trì đều đặn. Xã Quảng Khê đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh các loại cây trồng cho khoảng 3.000 lượt người tham gia. Xã thường xuyên tổ chức tham quan các mô hình trồng trọt có hiệu quả để đánh giá, chia sẻ và hướng tới việc nhân rộng.

Quảng Khê có diện tích trên 11.900 ha, với dân số trên 11.100 người. Trong số hơn 7.100 người dân trong độ tuổi lao động, có gần 69% người hoạt động trong ngành nông nghiệp. Theo ông Duẩn, nông nghiệp vẫn là ngành có vai trò chủ yếu trong nền kinh tế và thu nhập của đại đa số người dân địa phương.

Do đó, việc người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là hướng đi tất yếu của xã. Quảng Khê rất tin tưởng trong tương lai, nông nghiệp của địa phương sẽ ngày càng phát triển, góp phần từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Lê Phước

Phú Yên: Dưa hấu tăng giá, nông dân phấn khởi

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Nông dân xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) thu hoạch dưa hấu. Ảnh: LÊ TRÂM

Những ngày qua, thương lái thu mua dưa hấu đến vùng trồng dưa ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) mua dưa tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg. Dưa được giá nên sau khi thu hoạch xong nông dân đầu tư trồng vụ mới, tuy nhiên ngành chức năng khuyến cáo người trồng cần phải cẩn trọng.

Thương lái đến ruộng đặt tiền cọc

Ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), người chuyên thuê đất trồng dưa hấu cho hay: Dưa hấu được thương lái dạo mua với giá 7.000 đồng/kg nên nông dân đang rất phấn khởi. Vụ dưa này thời tiết thuận lợi nên năng suất dưa đạt khá, ước đạt gần 2 tấn/sào. Với giá dưa mua tại ruộng như hiện nay trừ chi phí thì người trồng dưa có lãi khá.

Theo tính toán của ông Thanh, tổng chi phí cho 1 sào dưa khoảng 10 triệu đồng. Với giá bán tại ruộng hiện nay là 7.000 đồng/kg, mỗi sào (500m2/sào) thu hoạch được gần 2 tấn, bán được 14 triệu đồng thì lãi được 4 triệu đồng/sào. Với 1,5ha dưa thu hoạch vụ này, tôi lãi 120 triệu đồng”, ông Thanh nói.

Còn ông Bùi Văn Minh, người trồng dưa hấu ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) cho hay: Vụ dưa này tôi xuống giống muộn, gần một tuần nữa sẽ thu hoạch. Dưa được trồng bài bản, chăm sóc tốt nên trung bình mỗi trái dưa nặng từ 2-3kg. Các thương lái đã liên hệ đặt tiền cọc mua tại ruộng. Trồng 1ha dưa, tôi lời 80 triệu đồng.

Với giá dưa như hiện nay người trồng có lãi nên nông dân các huyện miền núi có kế hoạch đầu tư trồng vụ mới. Đây cũng là vụ dưa chính trong năm sẽ thu hoạch rộ cuối tháng 6. Tuy nhiên giá dưa lên xuống thất thường, người trồng phải cẩn trọng.

Cẩn trọng trồng vụ mới

Vụ dưa năm ngoái do ảnh hưởng dịch COVID-19, không xuất khẩu được nên thương lái không mua, người trồng dưa bán nhỏ lẻ không tiêu thụ kịp, thiệt hại nặng. “Thời điểm này năm ngoái, giá dưa bán tại ruộng chỉ 2.000 đồng/kg, tôi trồng 0,5ha lỗ hơn 5 triệu đồng.

Đó là ruộng dưa trồng gần đường, còn ruộng trồng xa không có đường xe vào thì chi phí đẩy lên cao vì phải thuê công gánh, người trồng lỗ nặng”, ông Trần Văn Long, người trồng dưa ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc ở xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa), thuê đất ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) trồng dưa, thời điểm này năm trước, bà thuê 1ha đất để trồng dưa hấu, đến khi thu hoạch, do ảnh hưởng dịch COVID-19, phải nhờ “giải cứu”, số còn lại bán đổ bán tháo. “Ròng rã gần 3 tháng trời, vợ chồng cất chòi “ăn ngủ” với dưa. Cuối vụ tôi bán đổ bán tháo lỗ hơn 10 triệu đồng”, bà Cúc nói.

Theo nhiều người trồng dưa ở huyện Sông Hinh, hiện dưa hấu tăng giá, có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu, không phân biệt trái lớn hay nhỏ như trước đây.

Dưa hấu là loại cây trồng không có trong quy hoạch, không được khuyến khích trồng vì đầu ra không ổn định. Diện tích trồng dưa hấu thường xuyên thay đổi phụ thuộc vào giá thị trường.

Thống kê của Sở NN-PTNT, diện tích trồng dưa hấu trên toàn tỉnh vừa qua khoảng 670ha, thời gian đến là vụ chính nên tăng lên 1.000ha, trong đó tập trung nhiều ở huyện Sơn Hòa, Sông Hinh; các huyện khác nông dân trồng rải rác, năng suất bình quân 40 tấn/ha.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Vụ dưa này, thời tiết thuận lợi nên năng suất dưa hấu dự kiến đạt khá, sản lượng thu hoạch sắp tới tương đối lớn. Mặc dù hiện nay dưa được giá nhưng Sở NN-PTNT khuyến cáo, người trồng dưa nên cẩn trọng vì dưa hấu phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Có thể đầu vụ giá dưa nhích lên nhưng cuối vụ thu hoạch rộ, giá dưa sẽ rớt xuống thấp. Vì vậy, không nên trồng tập trung mà trồng rải vụ để tránh thu hoạch cùng lúc.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT: Mặc dù hiện nay dưa được giá nhưng Sở NN-PTNT khuyến cáo, người trồng dưa nên cẩn trọng vì dưa hấu phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Có thể đầu vụ giá dưa nhích lên nhưng cuối vụ thu hoạch rộ, giá dưa sẽ rớt xuống thấp. Vì vậy, không nên trồng tập trung mà trồng rải vụ để tránh thu hoạch cùng lúc.

HOÀI NAM

Hành tây Đà Lạt rớt giá mạnh

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Nhà vườn tại Đà Lạt đang bước vào chính vụ thu hoạch hành tây vụ Đông Xuân 2021. Tuy nhiên, thời gian qua, giá nông sản này liên tục giảm mạnh khiến không ít gia đình lâm vào cảnh hòa vốn hoặc lỗ nhẹ.

Thu hoạch hành tây tại Đất Mới, Phường 7, TP Đà Lạt

Ông Nguyễn Văn Hải, một nông dân chuyên trồng hành tây ở khu Đất Mới, Phường 7, TP Đà Lạt cho biết, so với niên vụ trước, năm nay nhìn chung hành tây cho năng suất, chất lượng khá cao. Tuy nhiên, bước vào thời điểm chuẩn bị được thu hoạch, nhà vườn liên tiếp nhận tin không vui do giá cả loại nông sản này liên tục xuống thấp.

Theo ghi nhận, giá hành tây mua tại vườn ở Đà Lạt chỉ còn 3.500- 4.000đ/kg, chỉ bằng một nửa giá cùng kỳ năm ngoái. “Đã vậy, thương lái còn lựa chọn những vườn có hành đẹp mới thu mua” - ông Hải cho biết.

Trước thực trạng trên, không ít nhà vườn đang có hành tây trong thời kỳ thu hoạch nhưng phải chấp nhận để ngoài trời, chưa thu hoạch.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Bảo ở Tổ 1, Đất Mới, Phường 7, cho biết, đầu vụ 2021, vợ chồng anh đầu tư trồng gần 2.000 m2 hành tây. Mặc dù cho năng suất khá cao nhưng giá lại thấp quá khiến gia đình lâm vào cảnh thua lỗ. “Đến kỳ thu hoạch nhưng giá cả lại thấp và cũng không thể thuê nhân công vì với giá thuê hiện tại là 300.000 đồng/ngày thì coi như lỗ trắng vụ hành tây này. Gia đình phải tự thu hoạch về dự trữ đợi giá lên. Nếu giá vẫn tiếp tục rẻ thì sau 1 tháng sẽ phải đổ bỏ” - anh Bảo nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ Huyền, một người có thâm niên trồng hành tây cho biết, vụ Đông Xuân năm nay, gia đình bà đầu tư trên 300 triệu đồng để canh tác hơn 1 ha hành tây. Sau gần 4 tháng chăm sóc, hiện vườn hành tây của gia đình bà đang trong thời kỳ thu hoạch. Theo ước tính, sản lượng thu hoạch ước đạt 80 tấn. Nếu giá bán trung bình 3.500 đồng/kg thì gia đình sẽ thu về 280 triệu - 300 triệu. Như vậy chỉ đủ cho tiền đầu tư cây giống và mất trắng công chăm sóc sau gần 4 tháng.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, vụ Đông Xuân năm nay toàn thành phố gieo trồng 102 ha hành tây sản lượng ước đạt 4.500 tấn.

VĂN BÁU

Ninh Thuận: Nông dân xã Mỹ Sơn được mùa đậu xanh

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Sau hơn 2 tháng xuống giống, những ngày qua, nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) đang tất bật thu hoạch đậu xanh với niềm vui được mùa.

Vụ đông - xuân 2020-2021, toàn xã Mỹ Sơn gieo trồng 169 ha đậu xanh, trong đó có 10 ha đất chuyển đổi từ cây lúa kém hiệu quả, tập trung ở 2 thôn Mỹ Hiệp và Nha Húi. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới dồi dào từ các cơn mưa vào cuối năm ngoái nên cây sinh trưởng rất tốt và cho năng suất cao.

Chị Mai Thị Lan, thôn Mỹ Hiệp, cho biết: Vụ này, gia đình trồng 4 sào, năng suất đạt 2 tạ/sào, với giá thương lái thu mua hiện tại 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 3 triệu đồng/sào, cao hơn so với trồng lúa.

L.Tuấn

Liên kết xây dựng cánh đồng lớn trên cây mía

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Vụ Đông Xuân 2020 – 2021, Công ty Cổ phần Thành Thành Công–Biên Hoà (TTCS) triển khai xây dựng cánh đồng mía lớn, đồng thời chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía cho nông dân.

Trồng dặm stump bầu.

Cánh đồng mía tại khu vực ấp Thanh An, xã Mỏ Công (huyện Tân Biên) có cơ sở hạ tầng và hệ thống tưới tiêu phù hợp cho việc xây dựng cánh đồng mía lớn. Ông Nguyễn Hữu Nghị, một trong những nông dân tham gia mô hình cho biết, vụ này, ông liên kết với các nông dân có đất sản xuất trên địa bàn để trồng mía với diện tích khoảng 40 ha. Trong quá trình sản xuất, áp dụng cơ giới hoá từ khâu làm đất, trồng bằng máy, chăm sóc… bên cạnh đó, ông cũng cải tạo hệ thống kênh mương, thuỷ lợi để phục vụ cho việc tưới, tiêu.

Trước đó, khu vực này, nông dân trồng nhiều loại cây như lúa, mì, rau màu và mía nên khó áp dụng cơ giới hoá đồng bộ; ngoài ra, nhu cầu nước tưới cho các loại cây trồng cũng khác nên việc triển khai cánh đồng lớn còn khó khăn.

Phun chế phẩm phân bón lá cho cây mía.

Để thực hiện mô hình, ông Nghị cùng cán bộ Trạm Nông vụ 4 (TTCS) kiên trì vận động, thuyết phục các nông dân liên kết cánh đồng lớn, chuyển đổi sang trồng mía. Nhằm khai thác lợi thế cánh đồng mía lớn, trong quá trình triển khai, nông dân cùng cán bộ Trạm chú ý đến vấn đề quy hoạch đồng ruộng, bố trí lô thửa phù hợp với mùa vụ, giống mía, đồng nhất quy trình canh tác; áp dụng cơ giới hoá, thuỷ lợi nội đồng, tưới tiêu chủ động theo nhu cầu cây mía.

Ngoài ra, nông dân còn trồng xen dưa hấu với mía ở giai đoạn cây mía còn nhỏ, từ đó tận dụng được nguồn phân bón, nước tưới cho dưa hấu. Mô hình trồng xen còn giúp che phủ cỏ dại cho mía, tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển và tăng thu nhập cho nông dân. Theo ông Nghị, để thực hiện có hiệu quả cánh đồng lớn thì phải liên kết nhiều nhà, nông dân cũng phải liên kết với nhau, vụ Hè Thu tới đây, ông dự kiến mở rộng thêm 25 – 30 ha.

Trồng xen dưa hấu trong ruộng mía.

Ông Phan Công Tỷ – Trưởng Trạm Nông vụ 4 cho biết, khu vực này hiện có nhiều loại cây trồng, lúc liên kết có một số hộ chưa đồng thuận, do đó còn một số diện tích nhỏ (trồng mì, lúa) xen lẫn với mía. Tới đây, Trạm sẽ tiếp tục vận động nông dân tham gia cánh đồng lớn, đồng thời nghiên cứu, sắp xếp lại lịch thu hoạch để nông dân yên tâm sản xuất và liên kết mở rộng vùng nguyên liệu.

“Nếu liên kết được toàn bộ diện tích sẽ thuận lợi cho vấn đề cơ giới hoá. Hiện nay, mới cơ giới được ở khâu trồng và chăm sóc, còn thu hoạch bằng máy chỉ được một phần diện tích. Cánh đồng này có diện tích khoảng 200 ha, nếu liên kết toàn bộ thì việc thu hoạch sẽ được chuyển sang cơ giới hoá hoàn toàn, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân”- ông Tuỷ cho biết thêm.

TTCS vừa thông báo chính sách đầu tư trồng mía Hè Thu 2021 và chính sách bảo hiểm giá mua mía 3 vụ thu hoạch tiếp theo. Theo đó, giá thu mua mía sạch 10 CCS tại ruộng (trên phương tiện vận chuyển) từ 950.000 đồng – 1.112.000 đồng/tấn (tuỳ theo đối tượng khách hàng và khu vực; vụ trồng); bảo hiểm chữ đường là 8.5 CCS.

Bảo hiểm giá thu mua mía 3 vụ thu hoạch tiếp theo (từ năm 2021 – 2024) với mức tối thiểu là 850.000 đồng/tấn và tối đa 920.000 đồng/tấn mía 10 CCS tại ruộng (tuỳ theo cự ly và vùng nguyên liệu). Trợ giá mua mía Hè Thu là 100.000 đồng/tấn (cao hơn so với chính sách chung mía nguyên liệu/ mía giống cùng thời điểm).

Trong trường hợp khách hàng có nhu cầu tạm ứng trước tiền mía, định mức ứng trước tối đa 3.000.000 đồng/ha. Mục đích ứng cho nhu cầu giống, vật tư, dịch vụ cơ giới, tưới mía. Hình thức ứng gồm: tiền mặt/ hom giống/ vật tư/ dịch vụ cơ giới/ tưới mía, tùy theo nhu cầu của khách hàng.

Bảo hiểm chữ đường trong trường hợp thu hoạch làm nguyên liệu 9,5%. Điều kiện áp dụng: mía phải thu hoạch làm nguyên liệu do không có nhu cầu giống hoặc mía không đủ điều kiện làm giống; mía thu hoạch từ 7 giờ ngày 1.3.2022.

Giang Hà

Chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Từ thực tế cho thấy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất đóng vai trò quan trọng cải thiện năng suất lao động, gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Sản phẩm trà hoa vàng của hộ ông Lê Mạnh Quy (xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa.

Sở hữu nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng KHKT. Nhằm phát triển thương hiệu chè Hải Hà, huyện đã hỗ trợ trồng mới, trồng thay thế gần 70ha chè; hỗ trợ 32 máy hái chè cho người dân xã Quảng Long, Quảng Thịnh; nâng cấp 4 xưởng chế biến và lắp đặt 3 dây chuyền chế biến tiên tiến. Đồng thời, đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật để trồng thâm canh trên 60ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ phân vi sinh cho các hộ dân, hoàn thiện hồ sơ đủ điều kiện cấp chứng nhận VietGAP cho tổ sản xuất chè an toàn; hỗ trợ hoàn thiện bao bì, mã số, mã vạch, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè.

Nhiều nông sản khác cũng đã được địa phương hỗ trợ ứng dụng KHKT vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm hàng hóa như: Trà hoa vàng, vịt trời Duy Khương, ổi Đài Loan...

Ông Lê Mạnh Quy (thôn 5, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) cho biết: Thời gian qua, tôi được huyện hỗ trợ vốn đầu tư máy móc, thiết bị, kỹ thuật để tạo giống, trồng và chế biến trà hoa vàng; được hỗ trợ một phần kinh phí ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa với kinh phí 2 tỷ đồng. Nhờ đó, hoa trà giữ trọn vị, sắc và dinh dưỡng sau khi sấy, được người tiêu dùng đánh giá cao, mang lại doanh thu từ 300-400 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương.

Khu nuôi tôm nhà bạt của hộ anh Doãn Bình Vinh (phường Tân An, TX Quảng Yên) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhiều năm nay, gia đình anh Doãn Bình Vinh (khu Thống Nhất, phường Tân An, TX Quảng Yên) là một trong số ít hộ trên địa bàn thị xã nuôi từ 3-4 vụ tôm/năm, mang lại thu nhập từ 500-600 triệu đồng/năm. Để chủ động được các vụ nuôi, anh Vinh đầu tư hệ thống nhà bạt rải đáy ao, nhà kính di động, dây chuyền cho ăn tự động, máy quạt nước tạo ô xy... cho 4ha ao nuôi. Các ao nuôi đều được ứng dụng công nghệ nuôi tuần hoàn nước. Hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường được lắp đặt tại toàn bộ các ao nuôi đã giúp cho anh Vinh có thể kiểm soát chặt chẽ mọi diễn biến bất thường có thể gây hại, giảm tối đa các nguy cơ rủi ro dịch bệnh. Thêm vào đó, việc gieo giống rút ngắn thời gian, tôm phát triển tốt, thu hoạch ổn định.

Kết quả trên có được là nhờ tỉnh luôn quan tâm bố trí ngân sách, triển khai các chính sách cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đẩy mạnh ứng dụng KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn cho KHKT, triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN, tập trung nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng có giá trị kinh tế cao; hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học để tạo giống cây trồng, vật nuôi...

Điều này cho thấy vai trò của kỹ thuật trong sản xuất không chỉ giúp cho ngành nông nghiệp địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, quan trọng hơn cả là giúp người nông dân nâng cao năng suất lao động, đảm bảo thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Đó cũng là ý nghĩa của việc ứng dụng KHKT nói chung, khi mỗi hộ nông dân từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất cũ, dần quen và áp dụng kỹ thuật sản xuất theo phương pháp tiên tiến, đem lại hiệu quả kinh tế. Đó là những vườn cây ăn quả có hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt tự động; những vườn hoa, vườn dưa, đầm tôm... đặt trong nhà màng, nhà lưới; những luống rau thay vì trồng trên mặt đất thì chuyển sang phương pháp thủy canh để cách ly được mầm bệnh, nguồn nước ô nhiễm, tránh được các độc tố từ chất hóa học... Qua đó, tạo nên những vùng nông thôn trù phú, an lành và giàu có.

Hạ An

Bến Tre: Muối mất mùa, giá thấp

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Năm nay, vùng sản xuất muối bị mất mùa và giá thấp. Đời sống diêm dân gặp khó khăn. Nguyên nhân do thời tiết thất thường khiến sản lượng muối giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Diêm dân xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri thu hoạch muối.

Sản lượng thấp, giá cả bấp bênh

Cánh đồng muối ấp Thạnh Khương, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) đang vào mùa thu hoạch muối nhưng diêm dân chẳng vui vì bị mất mùa, giá thấp. Diêm dân Mai Văn An canh tác gần 5 công muối cho biết: “Năm nay thời tiết rất bất lợi cho nghề làm muối như: không khí lạnh, gió ít... Lượng muối thu hoạch thấp hơn nhiều so với cùng kỳ hàng năm. Năm rồi, tôi thu hoạch hơn 1 ngàn giạ (mỗi giạ 45kg). Nhưng năm nay, tới thời điểm này, tôi chỉ thu hoạch hơn 200 giạ. Trong khi đó, gần bắt đầu vào mùa mưa nên dự kiến thất thu hơn so với năm rồi rất nhiều”.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi gia đình ông An thuê đất để sản xuất muối (khoảng 7 triệu đồng/năm), tính ra chẳng có lợi nhuận và phải tính chuyện trữ muối lại vì bán rất khó khăn. Vụ sản xuất năm rồi, gia đình ông An không bán được hạt muối nào nên trữ lại toàn bộ sản lượng hơn 1 ngàn giạ. Năm nay, nếu bán không được thì tiếp tục trữ vì thương lái mua với giá khá thấp. Hiện tại, trung bình thương lái mua với giá 32 ngàn đồng/giạ nhưng phải vận chuyển ra tới ghe. Trung bình chi phí vận chuyển khoảng 10 ngàn đồng/giạ nên diêm dân chẳng thu được bao nhiêu trong khi làm lụng vất vả suốt nửa năm liền.

Diêm dân Nguyễn Văn Liêm, ngụ xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tính toán chi tiết: “Năm rồi, gia đình tôi làm 1ha đất muối, thu hoạch được 2,1 ngàn giạ, giá bán trung bình 30 ngàn đồng/giạ. Trừ đi tiền thuê 1 lao động không thường xuyên, tính ra mỗi ngày tôi chỉ thu khoảng 200 ngàn đồng, thua xa so với làm phụ hồ hay làm thuê, làm mướn. Vì vậy, thời gian mùa mưa thì đi làm thuê, làm mướn hay chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập chứ làm muối không đủ trang trải chi phí lo cho gia đình”. Năm nay, bị mất mùa, gia đình ông Liêm thu nhập thấp hơn nhiều, đời sống sẽ khó khăn.

Tại địa bàn xã Bảo Thạnh, mấy năm nay, diêm dân đã dần chuyển sang làm muối trải bạt thay cho nền đất theo kiểu truyền thống. Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh Lê Văn Vũ Thanh thông tin: “Trên địa bàn xã có 600ha muối. Trong đó, diêm dân chuyển sang làm muối trải bạt khoảng 75ha. Dự kiến trong nhiệm kỳ này, Nghị quyết đảng bộ xã Bảo Thạnh đưa ra là quyết tâm phát triển 100ha muối trải bạt, với năng suất và chất lượng cao. Trong năm 2021, địa phương sẽ thành lập hợp tác xã sản xuất muối để liên kết nông dân sản xuất muối chất lượng cao, bao tiêu sản phẩm, nhằm từng bước nâng cao đời sống của diêm dân”. Hiện tại, địa phương đã có cơ sở sản xuất muối ớt giúp tiêu thụ sản lượng muối của diêm dân.

Hướng đến sản xuất muối sạch

Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thuận Lê Văn Tuấn cho biết: “Năm nay, 362 diêm dân xã sản xuất khoảng 180ha muối. Phần lớn có đời sống khá khó khăn. Thu nhập từ làm muối không đảm bảo cho cuộc sống nên nửa năm còn lại diêm dân phải làm nghề khác để kiếm sống. Trong khi đó, năm nay sản lượng thấp, giá cả lại bấp bênh nên diêm dân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Hiện tại, một số hộ dân đã chuyển sang hình thức sản xuất muối trải bạt với sản lượng cao hơn từ 30 - 40% nhưng chi phí đầu tư khá lớn nên diêm dân không có vốn đầu tư”.

Hiện trên địa bàn tỉnh còn khoảng 1.400ha sản xuất muối, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Bình Đại và Ba Tri với 1.058 hộ tham gia và giải quyết việc làm ổn định cho 2.116 lao động diêm nghiệp. Diêm dân Lê Văn Kỳ, ngụ xã Thạnh Phước (Bình Đại) cho biết: “Sản xuất muối là nghề truyền thống từ lâu đời của người dân vùng ven biển nhưng thu nhập rất thấp. Một số hộ dân có vốn đã chuyển sang nuôi thủy sản, còn một số hộ vẫn bám với nghề vì không biết làm nghề gì khác để kiếm sống”.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Võ Tiến Sĩ cho biết: “Theo quy hoạch của tỉnh, diện tích muối trên địa bàn tỉnh sẽ giảm. Diện tích còn lại sẽ được chuyển đổi sang nuôi thủy sản, kêu gọi đầu tư phát triển điện mặt trời, điện gió... Hiện tại, sản xuất muối theo cách truyền thống không được khuyến khích vì nhỏ lẻ, giá cả bấp bênh. Địa phương đang có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao để sản xuất muối sạch, liên kết diêm dân để bao tiêu sản phẩm. Diện tích còn lại sẽ có hướng chuyển đổi nghề để đảm bảo cuộc sống cho người dân”.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh duy trì sản xuất muối với quy mô hợp lý và phát triển mô hình sản xuất muối sạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm, kết hợp nuôi thủy sản phù hợp trong ruộng muối. Đến năm 2025, tổng diện tích đất làm muối của Bến Tre là 1.350ha, tập trung chủ yếu ở 2 huyện biển Ba Tri và Bình Đại. Đến năm 2030, diện tích quy hoạch vùng sản xuất muối tập trung 600ha ở huyện Ba Tri, với sản lượng muối đạt 32.400 tấn/năm.

Hiện sản lượng muối dự trữ tại kho của diêm dân khoảng 24.630 tấn; trong đó, sản lượng muối niên vụ 2020-2021 là 10.108 tấn, sản lượng muối năm 2020 chuyển sang 14.522 tấn. Đến nay, toàn tỉnh có diện tích đất sản xuất muối chuyển sang nuôi trồng thủy sản hơn 236ha.

Bài, ảnh: Hoàng Mai

Ông Hai chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Những năm qua, tại nhiều vùng nông thôn tỉnh Cà Mau, chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Bên cạnh vật nuôi như heo, gà, vịt, hiện nay nhiều bà con nông dân có hướng đi mới từ mô hình chăn nuôi bò, dê kết hợp. Tuy đồng vốn ban đầu bỏ ra khá lớn, song mô hình này được người nuôi đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Nguyễn Quốc Hưng (Hai Hưng), ở Ấp 10, xã Khánh An, huyện U Minh là một trong những hộ chăn nuôi bò, dê thành công tại xã Khánh An. Khởi nghiệp ban đầu chỉ bằng 1 con bò cái, nhờ cần cù và chịu khó, đến nay vợ chồng ông Hai Hưng đã nhân rộng thành công mô hình.

Từ niềm đam mê chăn nuôi, ông Hai Hưng dành nhiều thời gian học hỏi và nghiên cứu về con giống, kỹ thuật chăn nuôi. Khi có đủ vốn, ông Hai Hưng mạnh dạn tìm tới tận Bến Tre để mua bò. Nhờ đặc tính khá dễ nuôi, cộng thêm chịu khó bỏ công chăm sóc, 2 con bò cái phát triển khoẻ mạnh và sinh sản đều. Sau 6 năm chăn nuôi, chuồng bò của ông lúc nào cũng đông con, từ dê thịt đến bê con. Bò đực thì bán, riêng bò cái thì ông để lại nhân giống. Ông Hai Hưng cho biết: “Hiện nay bê con 6 tháng tuổi khoảng 12 triệu đồng, 14 tháng tuổi khoảng 30 triệu đồng. Mỗi năm đàn bò nhà tôi đẻ được 3 bê con. Hiện nay, việc nhân giống cho bò thường không dùng bò đực mà người nuôi sẽ mua tinh về gieo. Cách gieo tinh này tuy tốn kém nhưng dễ đậu, tỷ lệ thành công cao. Bê con sinh ra cũng khoẻ mạnh hơn, tránh được tình trạng đồng huyết sau nhiều lứa bò sinh đẻ sẽ không tốt”.

Ðàn dê 19 con được ông Hai Hưng chừa lại để nhân giống, mở rộng cơ sở chăn nuôi.

Thành công từ chăn nuôi bò, cách đây hơn 1 năm ông Hưng tìm mua thêm 3 dê cái và 3 dê đực để kết hợp chăn nuôi. Hiện nay, chuồng dê của ông Hai Hưng đã nhân giống được 19 con. Ông Hai Hưng chọn nuôi bò và dê vì cả hai đều có tập tính như dễ nuôi, nguồn thức ăn khá giống nhau là cỏ nên tiện cho việc tìm thức ăn. “Bò tuy nhiều vốn nhưng dễ nuôi và chăm sóc hơn dê. Người nuôi dê phải thường xuyên theo dõi vì dê dễ bị ho viêm phổi, các bệnh vặt. Dê nuôi khoảng 5 tháng là có thể đẻ. So với bò, dê khó nuôi hơn nhưng nhanh bán. Hiện nay trên thị trường thịt dê và bò đều có giá, khoảng từ 180.000-250.000 đồng/kg nên người nuôi đều có lời”, ông Hai Hưng phân tích.

Ðể tiết kiệm chi phí chăn nuôi, nguồn thức ăn cho bò, dê được ông Hai Hưng tận dụng từ các nguồn khác nhau, như rơm khô, cắt cỏ mé bờ… Ngoài ra, ông Hai Hưng còn mạnh dạn đầu tư đất trồng thêm cỏ xả, cỏ voi để làm nguồn thức ăn cho bò và dê. Ông Hai Hưng tính toán: “Mùa mưa thì cỏ cắt vòng vòng sân nhà, thêm vụ lúa tôi chừa rơm lại nữa là cho bò, dê ăn không hết. Phần cỏ mềm cho dê ăn trước, phần nào cứng dê không ăn thì mình chuyển qua cho bò. Tới mùa khô hạn, lượng cỏ không đủ thì mình mới dặm thêm thức ăn”.

Hiện tại, số lượng dê và bò trong chuồng ông Hai Hưng đều đã lớn nhưng ông Hai Hưng không bán mà để lại nhân giống thêm. Ngoài lợi nhuận từ bò, dê, ông Hai Hưng còn kiếm thêm thu nhập nhờ tận dụng được nguồn phân từ chăn nuôi. Mỗi bao phân bò khoảng 15 ký bán được 25.000 đồng, phân dê thì 30.000 đồng. Tính ra mỗi tháng ông Hai Hưng bán được từ 1,5-2 triệu đồng từ phân chăn nuôi. Tiền này ông Hai Hưng để mua thức ăn dặm thêm cho bò, dê. Ông Hai Hưng bộc bạch: “Sau nhiều năm tôi nhận thấy việc chăn nuôi dê và bò rất phù hợp với bà con nông dân. Chỉ cần nguồn vốn ban đầu rồi lấy công làm lời, đi cắt cỏ cho nó ăn chứ không tốm kém gì thêm. Hiện tại tôi để lại hết số bò, dê đang nuôi trong chuồng để nhân giống, sang năm sẽ mở thêm trang trại. Mong rằng thời gian tới, những người có mô hình chăn nuôi hiệu quả như tôi sẽ được tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất thấp để mở rộng việc chăn nuôi”.

Anh Nguyễn Chí Nguyện, phụ trách khuyến nông xã Khánh An, cho biết: “Thời gian gần đây dê và bò ngày càng có giá trên thị trường nên việc chăn nuôi của bà con có nhiều lợi nhuận hơn. Người nuôi dê, bò tại địa phương đã tận dụng đất trồng được các loại cỏ để chăn nuôi tiết kiệm chi phí. Hiện tại, mô hình nuôi bò, dê kết hợp rất có triển vọng và hiệu quả để nhân rộng trong thời gian tới”./.

An Kỳ

Tháng Ba, mùa ong đi lấy mật

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Tháng Ba được coi là mùa con ong đi lấy mật. Bởi lẽ, đây là thời điểm tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa lá tốt tươi - đó là môi trường lý tưởng nhất để ong đi gom mật ngọt, cần mẫn tạo những giọt mật vàng sánh ngon nhất dâng tặng cho đời. Nhiều nhà vườn để gọi ong về thụ phấn cho hoa cũng chủ động không phun thuốc bảo vệ thực vật vào mùa hoa nở để góp phần bảo vệ đàn ong. Hoa tàn, đàn ong rời đi mang theo nhiều mật ngọt và không quên để lại cho nhà vườn một mùa cây trái xum xuê…

Tháng bBa là thời điểm thu hoạch mật ong được nhiều và ngon nhất trong năm. Ảnh: M.Q

Ông Đinh Văn Lợi, ở thôn Sấm 1, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan) nuôi ong từ hơn 20 năm nay. Ông Lợi bảo, vì ở gần Vườn quốc gia Cúc Phương có đa dạng loài hoa cho đàn ong lấy mật: Tháng 3, tháng 4 là hoa vải hoa nhãn nở rộ trong vườn nhà; tháng 9, 10 thì bạt ngàn hoa keo; những tháng còn lại là các loại hoa rừng.

Bởi vậy, mùa thu hoạch mật của ông Lợi và các hộ nuôi ong ở Cúc Phương bắt đầu từ tháng Giêng cho tới tận tháng 10. Riêng tháng 11, 12 ong lấy mật từ hoa rừng như hoa Bông Hôi. Nhưng vì lượng mật trong hoa này không nhiều, nên chủ yếu ong hút mật để … cầm hơi, đợi đến tháng Giêng lại đi tìm mật ngọt ở các loài hoa khác.

"Dẫu thời gian thu hoạch mật kéo dài, song tháng Ba vẫn là thời điểm thu hoạch mật được nhiều và ngon nhất trong năm. Bởi đây là lúc thời tiết ấm dần lên, trăm hoa đua nở. Đây là mùa để ong đi lấy mật và cho những giọt mật vàng sáng, ngon nhất"- ông Đinh Văn Lợi cho biết thêm.

Nuôi ong hàng chục năm, với ông Lợi, ong đã trở thành bạn. Niềm vui bao nhiêu năm nay của ông Lợi vẫn thế: vui sướng khi rút một cầu ong trong tổ ra mà tay nặng trĩu bởi mật đóng dày đặc kín; niềm vui là thu được những dòng mật vàng óng đặc sánh sau mỗi lần quay mật. Hơn 40 đàn ong ông Lợi nuôi, mỗi năm cũng mang lại cho ông nguồn thu vài chục triệu đồng. Thêm tiền thu hoạch được từ trồng keo, nuôi đại gia súc… cuộc sống của một lão nông như ông Lợi khá ổn định.

Những ngày này, ông Đinh Đức Bình ở thôn Hoa Tiên, xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn) cũng rất bận rộn với việc quay mật ong. Ông Bình cho biết, mùa nào con ong cũng đi lấy mật. Cứ hoa nở là ong sẽ đi. Thế nhưng tháng 3 là mùa của hoa nhãn, hoa vải nên ong lấy được nhiều mật nhất. Sẵn hoa nên chúng tôi không cần phải di chuyển đàn ong để tìm đến nơi nhiều hoa.

"Đến những mùa khác trong năm, để có hoa cho ong lấy mật, chúng tôi phải tìm nơi hợp lý để đặt tổ ong sao chúng kiếm được nhiều mật nhất. Khi tìm được vị trí đặt ong, những con ong "trinh sát" sẽ bắt đầu làm nhiệm vụ đi tìm nguồn hoa. Mỗi loại hoa sẽ cho một loại mật riêng. Có năm thời tiết thất thường, hoa ít, mưa nhiều hoặc lạnh… ong không lấy đủ mật, người nuôi phải cho ong ăn đường. Bởi vậy, khát vọng của người nuôi ong, đó là chỉ mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, hoa nở rực rỡ để ong cần mẫn lấy mật.

Ông Bình là hộ đầu tiên trong xã Gia Hưng nuôi ong mật. Ông Bình tâm sự, cách đây hơn 20 năm, tôi tham quan mô hình nuôi ong mật, sau đó mạnh dạn mua 3 thùng ong giống về nuôi thử. Vừa nuôi, vừa mày mò áp dụng kỹ thuật đã học, cuối vụ ông Bình thu được 30 lít mật. Quay được giọt mật ngọt đầu tiên, gia đình Bình vui mừng khôn tả…

Nếu khi mới nuôi, quay được số mật như thế đã được xem là thành công thì nay, qua việc áp dụng kỹ thuật và nâng cao tay nghề, gia đình ông Bình đã thu được bình quân 40 lít/thùng. Có thời điểm, ông Bình nuôi hàng trăm đàn ong. Không chỉ bán mật, ông Bình còn nhân giống, tách đàn để bán đàn ong.

Ông Bình chia sẻ, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ với những người ham thích, chịu khó học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Nuôi ong, công sức và thời gian chỉ bằng nửa thời gian làm ruộng và ít hao phí sức lực nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, chăm bẵm ong như trẻ nhỏ.

Chính người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong. Con ong thường mắc phải bệnh bại liệt, tiêu chảy… nếu không phát hiện kịp thời để điều trị, dễ lây lan dẫn đến hỏng luôn cả đàn. Để phát hiện bệnh nhanh, người nuôi phải có cả kinh nghiệm và trang bị kỹ thuật thật tốt. Dùng thuốc không đúng liều không những bệnh không hết mà có khi mật lại bị nhiễm độc.

Đào Hằng

Mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp đang dần khẳng định thế mạnh

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Với sự cần cù, chịu thương chịu khó, vợ chồng anh Vũ Văn Dưỡng, chị Trần Thị Hồng, tổ dân phố Quảng Khuân, thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình từ mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp.

Mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Vũ Văn Dưỡng.

Là một nông dân quanh năm gắn bó với đồng ruộng, anh Vũ Văn Dưỡng nhận thấy nếu muốn phát triển kinh tế không thể chỉ làm ăn manh mún, phụ thuộc vào tự nhiên.

Năm 2012, trong bối cảnh chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, anh Dưỡng đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp kết hợp làm đại lý buôn bán gạo và đại lý cám chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Anh Dưỡng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi vừa trồng lúa, vừa kết hợp chăn nuôi nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu của gia đình nên năng suất, chất lượng không cao.

Với mong muốn có một trang trại phát triển kinh tế gia đình, từ khi được Hội Nông dân ở địa phương tập huấn, chia sẻ kỹ thuật cũng như tạo điều kiện vay vốn, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi theo hướng bài bản hơn.

Từ chỗ chỉ có 1 con lợn nái để sinh sản và bán lợn con, tôi đã vay vốn để phát triển mô hình chăn nuôi thêm lợn nái và lợn thịt bởi tôi nhận thấy năng suất và chất lượng vật nuôi muốn cao thì phải áp dụng kỹ thuật, có sự chăm sóc và đầu tư thì mới có thể chăn nuôi hiệu quả”.

Theo chân anh Dưỡng tham quan khu vực chăn nuôi của gia đình, chúng tôi nhận thấy khu chuồng chỉ rộng hơn 140 m2 nhưng được thiết kế khoa học và hợp lý. Đặc biệt, toàn bộ nước thải được dẫn thẳng xuống hầm Biogas, không gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, anh Dưỡng còn chú trọng tới phòng chống dịch bệnh, 1 tháng 1 lần phun thuốc vi sinh để khử trùng chuồng lợn, khu vực xung quanh chuồng, dọn dẹp vệ sinh hàng ngày đối với chuồng gà.

Anh cũng thường xuyên tiến hành tiêm phòng định kỳ kết hợp kiểm tra, theo dõi, quan sát các biểu hiện của vật nuôi khi thấy có dấu hiệu của dịch bệnh và cách ly, cứu chữa kịp thời nên đàn vật nuôi của gia đình anh luôn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt.

Nhờ tích cực trau dồi, tích lũy kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn, đến nay, gia đình anh đã có 8 lợn nái và 60 lợn thịt. Kết hợp với chăn nuôi lợn, gia đình anh chăn nuôi hơn 100 gà ta lai.

Ngoài ra, làm đại lý cung cấp gạo và cám chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp anh vừa tận dụng nguồn thức ăn tự cung tự cấp, vừa gia tăng thu nhập cho gia đình.

Được biết, trong năm 2020, tổng thu nhập của gia đình anh từ nuôi lợn, nuôi gà kết hợp làm đại lý lên đến gần 400 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Dưỡng còn tích cực giúp đỡ bà con cùng phát triển kinh tế cũng như tham gia các hoạt động của địa phương.

Anh Trần Khánh, cán bộ Địa chính - Môi trường thị trấn Hoa Sơn cho biết: “Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Dưỡng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp thị trấn ngày càng phát triển. Anh là tấm gương điển hình cho phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi và được chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng.

Bài, ảnh: Thảo My

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop