Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 06 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 06 năm 2016

Được mùa ớt chỉ thiên ở vùng ngoại ô thành phố Vinh (Nghệ An)

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Nông dân xã Nghi Ân - TP.Vinh - tỉnh Nghệ An triển khai mô hình trồng ớt chỉ thiên, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mùa này, ớt được mùa, mỗi sào thu lãi 15 – 20 triệu đồng/vụ.

Những ngày này, cánh đồng ớt chỉ thiên của bà con nông dân ở xóm 8 xã Nghi Ân đang vào vụ thu hoạch. So với năm ngoái, năm nay cây ớt cay được triển khai trồng sớm và thời tiết thuận lợi nên phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho quả sai. Bà con nông dân phấn khởi bởi ớt được mùa, được giá.

Nông dân Nghi Ân phấn khởi vì ớt được mùa, được giá.

Trên diện tích 1 sào, bà Phạm Thị Hương (xóm 8) trồng ớt cay chỉ thiên. Bà Hương cho biết: Giống cây trồng mới này cho năng suất cao từ 8 tạ - 1 tấn/sào. Với gần 1 sào ớt, gia đình tôi thu lãi gần 15 triệu đồng.

Ớt năm nay quả to, đẹp, giá cao 30.000/kg (cao hơn 10 nghìn so với năm ngoái).

Đây là năm thứ 3 xã Nghi Ân triển khai mô hình trồng ớt chỉ thiên. Toàn xã có 27 hộ trồng, với diện tích hơn 1ha, tập trung ở các xóm Kim Mỹ, Kim Bình, Kim Hợp.

Năm nay, ớt tươi được công ty chuyên thu mua nông sản mua ngay tại ruộng với giá cao hơn năm trước (30.000/kg). Lợi nhuận từ trồng ớt chỉ thiên của xã Nghi Ân đạt gần 400 triệu đồng/ha.

Người dân tưới cho ớt trong mùa nắng nóng, mỗi đợt phun thường cách nhau từ 7 – 10 ngày. Ớt là cây trồng không tốn nhiều công chăm sóc; cứ 3 ngày sẽ cho ra một đợt quả chín mới.

Ông Nguyễn Đình Trúc – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết: Trồng cây ớt cay chỉ thiên hiệu quả kinh tế cao, bà con rất phấn khởi. Hiện nay xã đã có hệ thống nước tưới thuận lợi phục vụ bà con sản xuất. Triển khai mô hình này, người dân còn được doanh nghiệp chuyên thu mua nông sản hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

Nhiều hộ nông dân Nghi Ân trồng ớt cay chỉ thiên cho thu nhập cao.

Với hiệu quả kinh tế vượt trội, mô hình trồng cây ớt cay chỉ thiên ở Nghi Ân đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của ngành nông nghiệp ở TP Vinh. Ông Trần Quang Lâm - Trưởng phòng Kinh tế TP.Vinh cho biết: “Mô hình này cũng thể hiện sự liên kết giữa 3 nhà: Nhà nông, nhà doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong sản xuất. Thành phố đang có kế hoạch nhân rộng mô hình trồng ớt ở một số xã ngoại thành như: Nghi Liên, Nghi Kim… nhằm chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, đồng thời nâng cao nhu nhập cho người dân.

Hoàng Loan – Quang An

Sóc Trăng: Nông dân Vĩnh Châu trúng mùa củ cải trắng

Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng

Những năm gần đây do giá hành tím bấp bênh, nên nông dân ở các xã Vĩnh Hải, Lạc Hòa và Phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng chuyển sang trồng củ cải trắng với diện tích ngày càng tăng và cây màu này đã mang lại hiệu quả.

Nông dân Vĩnh Châu trúng mùa, được giá vụ củ cải trắng.

Ở vụ sản xuất này, nông dân Vĩnh Châu đã trồng trên 1.047ha củ cải, năng suất bình quân 44,28 tấn/ha, sản lượng đạt 44.409 tấn. Diện tích củ cải trắng tăng hằng năm là do cây dễ trồng, ít tốn chi phí, mau cho thu hoạch và không sợ bị thương lái ép giá, vì sau khi thu hoạch nếu được giá thì bán, còn không thì đem muối làm xá bấu, nhờ đó mà thu nhập của người trồng củ cải trắng luôn ở mức cao và ổn định. Ông Tăng Rươl ở khóm Vĩnh An, phường 2, cho biết: “Vụ củ cải năm nay đa số bà con đều trúng mùa và bán được giá. Hiện giá củ cải loại tốt để làm xá bấu từ 4.100 đến 4.300 đ/kg, trừ chi phí mỗi công cũng lời trên 10 triệu đồng”.

Nông dân phường 2 và các xã Lạc Hòa, Vĩnh Hải đang phấn khởi vì củ cải trắng được mùa, được giá. Như hộ anh Lý Bình Danh có trên 1.000m2 đất canh tác, anh cho biết: Hai năm nay, ở vụ hành tím chính vụ thì anh chuyển sang trồng củ cải, năng suất trên 9 tấn/công. Anh không bán củ cải tươi mà muối làm xá bấu, tuy tốn thêm ít công và chi phí nhưng bán có lời hơn củ cải tươi”.

Nông dân Vĩnh Châu thu hoạch củ cải.

Trồng củ cải trắng đem bán tươi hoặc làm xá bấu đều giúp nông dân Vĩnh Châu tăng thu nhập, góp phần đa dạng hóa cây trồng, giúp cho quê biển ngày thêm phát triển./.

Chí Thanh - Đài TT thị xã Vĩnh Châu

Mô hình nấm linh chi ở xã Tiến Lợi (Bình Thuận)

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Xuất phát từ ý tưởng tạo ra thực phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng và tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, ông Nguyễn Văn Phúc (xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) và những người bạn hưu trí của mình thành lập trại nấm linh chi với quy mô 5.000m². Mặc dù mới chỉ ở giai đoạn đầu, tuy nhiên tiềm năng kinh tế của mô hình này được Hội Nông dân xã đánh giá cao, có thể nhân rộng.

Là người có nhiều năm trực tiếp sản xuất nông nghiệp và từng kinh qua nhiệm vụ cán bộ kinh tế xã Tiến Lợi nên khi về hưu, ông Nguyễn Văn Phúc – ngụ thôn Tiến Thạnh dành nhiều công sức, tâm huyết cho các mô hình nông nghiệp. Năm 2000, ông là người đầu tiên tại địa phương tổ chức mô hình chăn nuôi gà gia công với số lượng hơn 4.000 con. Hiệu quả kinh tế của mô hình qua các năm vẫn duy trì tốt, tuy nhiên do yếu tố môi trường trong khu dân cư khó đảm bảo nên năm 2015 ông Phúc ngưng chăn nuôi gà gia công. Sau thời gian tìm tòi, học hỏi, năm 2016 ông Nguyễn Văn Phúc đưa ra ý tưởng đầu tư trại trồng nấm linh chi và được nhóm bạn của mình là các cán bộ hưu trí hết sức ủng hộ, cùng tham gia góp vốn. Sau khi tham khảo mô hình trồng nấm linh chi ở nhiều nơi khác nhau, vào cuối tháng 5 vừa qua, 32.000 túi nấm giống từ TP. Hồ Chí Minh được đưa về khu trại rộng 5.000m². Ông Phúc cho biết, mỗi túi nấm giống như thế này có giá khoảng 5.000 đồng. Cộng với chi phí đầu tư trại nấm như giàn sắt để đỡ túi nấm, lưới, hệ thống phun sương, máy bơm thuốc khử trùng… ông và nhóm bạn của mình đã đầu tư bước đầu gần 400 triệu đồng cho mô hình mới này.

Trại nấm linh chi của ông Nguyễn Văn Phúc.

Cũng theo ông Phúc, để chăm sóc tốt loại nấm này thì phải đảm bảo khắt khe các yếu tố về ẩm độ, nhiệt độ, không khí và nhất là ánh sáng. Chính vì vậy mà toàn bộ trại nấm đều được bao bọc bởi lớp lưới nông nghiệp, bên ngoài có phủ thêm bạt che. “Nấm linh chi khá nhạy cảm với diễn biến thời tiết nên khi xây dựng trại tôi cũng đầu tư hệ thống phun sương phía trên và máy chạy nước dưới nền để chủ động điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ. Khi nấm linh chi đang ở giai đoạn quả thể (phôi nấm còn nằm trong túi giá thể) thì nhiệt độ tốt nhất là từ 25 đến 32ºC, ẩm độ từ 70 đến 80%; và khi đến giai đoạn hình thành nên tai nấm thì nhiệt độ vẫn giữ nguyên, trong khi ẩm độ sẽ gia tăng thêm để đảm bảo sự phát triển của nấm. Giá thể để ươm nấm linh chi thông thường là hỗn hợp của các chất mùn cưa không chứa tinh dầu, cám gạo, bột bắp, bánh dầu đậu phộng. Để cây nấm linh chi phát triển tốt thì môi trường trong vườn phải đảm bảo không khí thông thoáng, sử dụng lưới nông nghiệp để tạo ra ánh sáng khuếch tán” - ông Phúc chia sẻ thêm về kỹ thuật trồng nấm.

Được biết, phôi nấm linh chi sau khi được mua về sẽ có thời gian sản xuất từ 50 đến 60 ngày. Còn nếu làm luôn công đoạn sản xuất phôi thì thời gian trồng nấm khoảng 90 ngày. Các tai nấm sau khi đạt kích cỡ đường kính từ 10 đến 12cm thì có thể thu hoạch được. Hiện nay nấm linh chi trên thị trường có giá trên dưới 1 triệu đồng/kg. Trước khi triển khai mô hình trồng nấm linh chi, ông Phúc và nhóm bạn hưu trí của mình đã tính đến thị trường đầu ra và hướng mở rộng mô hình. Hiện nay, ông đang xúc tiến các bước để thành lập HTX sản xuất nấm linh chi, sau đó sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tiến tới thành lập xưởng sản xuất phôi nấm tại chỗ, phục vụ nguồn cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân tại địa phương. Đánh giá về mô hình trồng nấm linh chi của ông Phúc, ông Nguyễn Ngọc Việt – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Lợi cho biết: “Mô hình nấm linh chi của hội viên Nguyễn Văn Phúc được đầu tư bài bản, giá trị công trình khá lớn so với những mô hình đang có ở địa phương. Mặc dù mô hình còn khá mới mẻ nhưng Hội Nông dân xã nhận thấy đây là hướng đi đúng đắn trong việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi ở địa phương”.

Châu Tỉnh

Hiệu quả từ trồng cây bí xanh ở xã Yên Thọ (Thanh Hóa)

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

Những năm gần đây, diện tích trồng cây bí xanh trên địa bàn xã Yên Thọ (Như Thanh, Thanh Hóa) tăng lên khá nhanh. Đến nay, diện tích trồng cây bí xanh ổn định hàng năm của xã đạt gần 30ha, với khoảng 150 hộ tham gia.

Năng suất bí xanh của xã đạt bình quân gần 30 tấn/ha, cho thu nhập bình quân đạt từ 10 đến 12 triệu đồng/sào, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Theo kinh nghiệm của bà con nông dân thì cây bí xanh thích hợp trồng cả 2 vụ: xuân hè và thu đông, có thời gian sinh trưởng từ 110 - 120 ngày; cùi dày, ruột đặc, ít hạt; chống chịu sâu bệnh tốt, thích hợp trên nhiều loại đất khác nhau, sức chống chịu điều kiện bất lợi tốt, có năng suất và chất lượng ổn định, giá trị kinh tế cao, đặc biệt sản phẩm làm ra được tiêu thụ ổn định trên các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Được biết, từ năm 2011 đến đầu tháng 6-2016, xã Yên Thọ đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi được gần 70ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía nguyên liệu, ớt xuất khẩu, bí xanh. Theo tính toán của các hộ dân, diện tích được chuyển sang trồng mía năng suất ước đạt trên 55 tấn/ha, cho thu nhập gấp từ 2 đến 3 lần so với trồng lúa và các cây trồng khác. Đối với diện tích được chuyển sang trồng ớt, doanh thu đạt từ 160 - 350 triệu đồng/ha/năm (tùy theo mức giá từng thời điểm), lợi nhuận đạt 100 - 240 triệu đồng/ha/năm.

Lê Quốc

Gỡ khó cho ngành chè Hà Nội

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Với diện tích 3.000ha, sản lượng chè búp tươi đạt gần 23.000 tấn/năm, Hà Nội có lợi thế để phát triển ngành chè.

Tuy nhiên, Hà Nội hiện đang gặp không ít khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản này.

Năng suất, chất lượng thấp

Vùng chè Hà Nội tập trung chủ yếu tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ nhưng manh mún, năng suất và chất lượng thấp. Phần lớn diện tích là các giống chè cũ (Trung du lá nhỏ, PH1) được trồng từ 30 - 40 năm trước, nay đã già cỗi, chưa được đầu tư thâm canh. Từ năm 2012, Sở NN&PTNT đã xây dựng và triển khai Đề án sản xuất và tiêu thụ chè an toàn tại các vùng chè trên địa bàn TP. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm chè đã được nâng lên đáng kể, giá trị sản xuất đạt trung bình gần 200 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của các vùng khác trên cả nước, giá trị hàng hóa của chè Hà Nội vẫn thấp hơn từ 1,5 - 2 lần.

Mô hình chè VietGAP tại thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai. Ảnh: Ánh Ngọc

Đáng nói, hầu hết các sản phẩm chè của Hà Nội không có được mùi thơm đặc trưng, cánh chè (sau chế biến) to và thô. Đây là nguyên nhân khiến chè chỉ tiêu thụ được với giá thấp, trung bình từ 80.000 - 150.000 đồng/kg. Hơn nữa, nếu xét về góc độ xuất phát điểm thì chè Hà Nội tham gia vào thị trường muộn hơn so với chè của một số tỉnh khác, bởi tháng 8/2008, Hà Tây mới sáp nhập về Hà Nội. Đánh giá về những khó khăn mà ngành chè TP đang gặp phải, theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay, chế biến đang là khâu yếu nhất: Công nghệ lạc hậu, chế biến thủ công trong điều điều kiện chưa đảm bảo VSATTP, kỹ thuật sao chè kém... Bên cạnh đó, diện tích manh mún, phân tán khó áp dụng công nghệ sản xuất đồng bộ; nông dân chưa thay đổi thói quen canh tác cũ là những hạn chế lớn mà các vùng chè vẫn chưa khắc phục được.

Các chuyên gia cũng nhận định, nguyên nhân khiến chè Hà Nội gặp khó trong tiêu thụ là do sản phẩm chưa được đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Đáng chú ý, việc phối hợp tiêu thụ chè giữa nông dân, HTX với DN còn lỏng lẻo, phụ thuộc nhiều vào khâu trung gian qua thương lái. Theo TS Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, mỗi HTX phải có một nhân viên trồng trọt để hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn, đồng nhất theo quy trình. Cùng với đó, các HTX cần liên kết với nhau để bầu ra người đại diện ký kết với DN. Nếu không vận dụng giải pháp này, nông dân và HTX sẽ mãi loay hoay với bài toán tiêu thụ.

Tổ chức lại sản xuất

Sản phẩm chè Hà Nội muốn tiêu thụ được nhất thiết phải đảm bảo an toàn và rõ nguồn gốc xuất xứ. Để làm được điều này, TP cần có chiến lược và giải pháp lâu dài, đó là đẩy mạnh hợp tác 4 nhà (Khoa học, Quản lý, DN, Nông dân). Theo ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chè Kim Anh, các HTX, nông dân nên tổ chức các chuyến đi tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm tại vùng chè Thái Nguyên. "Công đoạn sao chè là yếu tố quyết định đến mùi vị của chè, nên nếu chúng ta sao chè bằng công nghệ nén chủ động thì cánh chè sẽ nhỏ, đều, đẹp và tiêu thụ cũng dễ dàng hơn" - ông Khánh chia sẻ.

Nhận định về thị trường tiêu thụ chè thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, những sản phẩm chè sản xuất đại trà thông thường sẽ tiêu thụ ngày càng khó khăn. Như vậy, sản xuất chè an toàn là xu hướng tất yếu và người sản xuất chè phải có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Hà Nội phải kịp thời bắt nhịp với tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất chè an toàn, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các "nhà" trong chuỗi giá trị.

Ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trước mắt, Hà Nội sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất, bởi đây là yếu tố gắn kết nông dân, HTX với DN. Hiện, TP đang từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất chè và tiếp tục xây dựng cơ chế, giải pháp hỗ trợ nông dân và DN tham gia vào chuỗi sản xuất - tiêu thụ chè. Căn cứ vào tình hình thực tế và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, DN và nông dân, thời gian tới, TP sẽ quan tâm, hỗ trợ cho các địa phương thay thế các nương chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Mặt khác, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để nông dân, DN yên tâm đầu tư sản xuất.

Ánh Ngọc

Liên kết tạo vùng nguyên liệu ngô để tăng giá trị sản xuất ở Nghệ An

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Liên kết tiêu thụ sản phẩm ngô không còn là chuyện xa lạ đối với nông dân Nghệ An. Tuy nhiên, để sự hợp tác phát huy hiệu quả, rất cần đến vai trò quản lý của nhà nước, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp và nông dân.

Có diện tích ngô hàng năm lên tới trên 7.000 ha, Thanh Chương được coi là một trong những “vựa ngô” lớn của Nghệ An. Trước đây, ngô được trồng để lấy hạt bán và phục vụ chăn nuôi, nhưng vài năm lại nay, khi các trang trại chăn nuôi tìm về ký hợp đồng và mua ngô cây làm thức ăn cho bò sữa, bà con đã có thêm một hướng làm ăn mới.

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngô hạt là loại nông sản rất dễ tiêu thụ và khá ổn định về giá cả. Tuy nhiên, từ trước đến nay người dân chủ yếu bán cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi qua hệ thống thương lái chứ chưa có hợp đồng tiêu thụ ổn định với các nhà máy lớn.

Mấy năm nay, các trang trại lớn của TH True milk và Vinamilk về tận các xã để mua ngô cây làm thức ăn, ở nhiều vùng bà con đã chuyển dần sang bán theo loại hình này, vừa rút ngắn được thời gian canh tác mà thu nhập lại không thua kém, thậm chí cao hơn. Đây là một hướng đi hiệu quả, ổn định và sẽ khuyến khích nông dân đi theo hướng này.

Nông dân xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn thu hoạch ngô cây bán cho Trang trại chăn nuôi của tập đoàn TH. Ảnh: Huyền Trang

Với trên 45 nghìn con bò sữa, nhu cầu về thức ăn ở Trang trại nuôi bò sữa của TH True milk là rất lớn. Ông Nguyễn Bá Trường, Quản lý thu mua nguyên liệu, Công ty cổ phần nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc tế thuộc Tập đoàn TH cho hay: Diện tích sản xuất của đơn vị hiện chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thức ăn cho đàn bò, số còn lại phải mua của nông dân các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa.

Đầu mỗi vụ sản xuất, chúng tôi đến tận các xã, ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm, đưa ra mức giá cụ thể và đầu tư cho nông dân vay không lãi suất giống và phân bón. Trong quá trình mua, nếu trên thị trường sản phẩm ngô hạt tăng giá thì giá mua ngô cây sẽ được điều chỉnh tăng, còn nếu giá ngô hạt giảm thì giá ngô cây vẫn giữ nguyên, đảm bảo cho nông dân được lợi từ 10 - 15% so với bán ngô hạt.

“Trong thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ ký hợp đồng với các địa phương để tạo vùng nguyên liệu tập trung và ổn định, trong đó TH sẽ đưa dần các công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất để giúp nông dân nâng cao năng suất, hiệu quả khi trồng ngô cây bán cho TH” - ông Nguyễn Bá Trường chia sẻ.

Sản phẩm ngô hạt chủ yếu vẫn tiêu thụ qua hệ thống tư thương. Ảnh: Huyền Trang

Tuy nhiên, nếu như ngô cây hiện đã “vào” được các trang trại chăn nuôi lớn thì sản phẩm ngô hạt vẫn đang chủ yếu được tiêu thụ nhờ vào hệ thống thương lái tư nhân.

Bà Kiều Thị Thu - Phòng Quản lý Hành chính- Nhà máy chế biến thức ăn gia súc Con heo vàng cho biết: Mỗi năm, nhà máy cần khoảng 3.500 tấn ngô nguyên liệu dùng sản xuất thức ăn, nhưng đến nay, nguồn nguyên liệu này vẫn chỉ được nhập về từ các nước khác, chủ yếu là Lào. Nguyên nhân ngô Nghệ An không “vào” được, là do việc phơi sấy ngô vẫn đang được thực hiện thủ công mà chưa có hệ thống sấy hiện đại, không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của sản xuất thức ăn gia súc tại các nhà máy lớn khi cần mua khối lượng lớn.

Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Văn Lập, thì để ngô Nghệ An có được thị trường tiêu thụ ổn định và hiệu quả, nhất là khi chúng ta đang chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích trồng ngô trên địa bàn tỉnh, cần có các giải pháp khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng hệ thống sấy tại các vùng ngô nguyên liệu tập trung ở Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương…, hoặc các nhà máy chế biến thức ăn gia súc có thể đầu tư xây dựng các lò sấy.

Riêng với sản phẩm ngô cây, các địa phương cần làm tốt vai trò quản lý nhà nước, không để xảy ra tình trạng tranh mua cướp bán nguyên liệu trong những thời gian cao điểm dù đã ký kết hợp đồng như hiện nay, có như vậy mới tạo được sự gắn kết ổn định, hiệu quả giữa nông dân và doanh nghiệp.

Phú Hương

Bạc Liêu: Vụ lúa hè thu 2016: Nông dân đối mặt với nguy cơ ngập úng

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Thời điểm này, nhiều nơi nông dân xuống giống lúa hè thu nhưng gặp phải mưa lớn kéo dài nên có nguy cơ bị thiệt hại ngay từ đầu vụ. Ngoài việc tập trung chống ngập úng thì nông dân hiện còn phải đối mặt với nỗi lo tăng chi phí sản xuất trong vụ này. Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ mới xuống giống hơn 2.850/5.300ha vụ hè thu…

Nỗi lo của nông dân vùng trũng

Hè thu được xem là vụ lúa khó sản xuất nhất trong năm do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Hiện nay, lúa vừa mới gieo sạ xong thì bà con phải đương đầu với nguy cơ ngập úng. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm cho nhiều cánh đồng trở thành những biển nước mênh mông. Đặc biệt là đối với những vùng trũng thấp, nơi dễ ngập và khó tháo nước thì nông dân càng điêu đứng hơn. Cụ thể như một phần cánh đồng ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) hiện đã chìm trong nước. Ông Nguyễn Văn Thuận (ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông) không giấu được vẻ buồn: “Cả 3ha lúa vừa sạ được hơn 1 tuần tuổi phải chịu cảnh ngập nước mà không có cách nào để tháo nước. Nếu mấy ngày tới vẫn tiếp tục mưa, nước không rút được thì khả năng lúa chết là rất cao. Vùng này năm nào cũng vậy, vụ hè thu thì lúa bị ngập nước, còn vụ đông xuân thì thiếu nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất”. Điều đáng nói là để cứu cây lúa với hy vọng “còn nước còn tát”, nông dân buộc phải bón phân và sử dụng thuốc diệt ốc bươu vàng. Chi phí sản xuất cho vụ mùa này tăng thì đã rõ, nhưng liệu cây lúa có sống và phát triển được hay không thì không ai dám chắc.

Cách huyện Phước Long không xa là vùng tam giác Tha Na Rộn (thuộc xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) - một trong những nơi thường xuyên gặp khó khăn về vấn đề điều tiết nước. Những ngày này, nông dân chỉ mới cải tạo đất chuẩn bị xuống giống vụ hè thu. Song, nỗi lo của nhiều nông dân không chỉ là ngập úng mà còn cả mùa mưa bão đang chờ ở cuối vụ. Ông Đặng Hoàng Nam (ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) e ngại: “Năm nay gia đình tôi xuống giống trễ vì không biết nước dưới sông đã hết mặn chưa. Không riêng gia đình tôi mà nhiều hộ khác cũng chưa dám xuống giống vụ này. Nhưng nếu làm trễ vụ, đến lúc lúa chín thì lại ngay mùa mưa bão, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hoạch”. Có thể thấy, đây là vụ mùa đầy khó khăn với bà con nông dân.

Ông Nguyễn Văn Thuận (ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) bên cánh đồng lúa hè thu vừa xuống giống hơn 1 tuần tuổi bị ngập nước. Ảnh: P.Đ

Tập trung cứu lúa

Để đảm bảo cho nông dân ổn định sản xuất và tiếp tục xuống giống đúng lịch thời vụ, hiện nay, ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp chống ngập úng cục bộ. Ông Trương Phước Hiền - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phước Long cho biết: “Huyện có 1.200ha đất trũng thấp nằm phân bố ở các xã Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây, Hưng Phú và thị trấn Phước Long. Do địa hình trũng thấp nên một số khu vực dễ bị ngập úng cục bộ khi có mưa lớn. Những ngày qua, huyện đã điều tiết bằng cách mở 6 cống tuyến vành đai để tháo nước liên tục khi có mưa. Đồng thời, các cống ở tuyến Phụng Hiệp cũng được đóng kín để ngăn mặn, giữ ngọt. Các trạm bơm điện cũng được vận hành để tháo úng cứu lúa. Đến thời điểm này, mực nước trên ruộng đã rút và lúa cũng an toàn”. Bên cạnh giải pháp trên, ngành Nông nghiệp còn khuyến cáo nông dân ở các vùng trũng nên gia cố bờ bao để tiện cho việc bơm tháo nước khi có mưa lớn gây ngập úng. Với những diện tích chưa xuống giống, cần khẩn trương gieo sạ tập trung để đảm bảo lịch thời vụ và thuận tiện cho việc điều tiết nước. Riêng đối với lúa còn đang bị ngập, bà con nên tháo nước nhanh nhất có thể và tiến hành diệt ốc bươu vàng... Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta vẫn cần một hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh với các ô đê bao khép kín và trạm bơm điện để điều tiết nước có hiệu quả.

Phạm Đoàn

Mô hình trồng nho Vietgap ở thôn An Thạnh 1 (Ninh Thuận)

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Là thôn của xã An Hải thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), An Thạnh 1 có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có nho, loại cây trồng thế mạnh của địa phương. Tính đến nay, toàn thôn đã có khoảng 15ha diện tích trồng nho.

Để phát triển chuỗi giá trị nho, được sự hỗ trợ của Dự án HTTN tỉnh, đầu tháng 6-2014, Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện Ninh Phước và Ban Phát triển xã An Hải đã thành lập 2 tổ nhóm đồng sở thích (có chung lợi ích) trồng nho tại các thôn An Thạnh 1 và An Thạnh 2, riêng nhóm trồng nho thôn An Thạnh 1 có 14 thành viên (trong đó có 1 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo). Tham gia các nhóm này đều là nông dân đã có kinh nghiệm trong việc trồng nho. Đến An Thạnh 1 đúng mùa thu hoạch nho vừa kết thúc, chúng tôi nhận thấy các vườn nho đều đã cắt cành, có vườn đang ra hoa hoặc bắt đầu cho trái non. Anh Nguyễn Văn Phái, trưởng nhóm trồng nho thôn An Thạnh 1, cho biết: “Diện tích nho trồng toàn tổ có khoảng 2ha, chiếm tỷ lệ 80% là nho đỏ (Red Cardinal), còn lại 20% là nho xanh NH 01-48”. Sau khi chính thức hoạt động, tổ đã 2 lần được dự án hỗ trợ, lần thứ nhất vào tháng 6-2014, hỗ trợ phân, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho 5 sào nho của 4 hộ thành viên; lần thứ 2 vào tháng 6-2015, dự án hỗ trợ 120 triệu đồng (trong đó có 20 triệu đồng vốn đối ứng của nhóm) cho 10 hộ thành viên để mua vật tư, phân bón, thuốc BVTV.

Anh Nguyễn Văn Phái chăm sóc nho mới trồng được 5 tháng, sản xuất theo hướng VietGAP.

Điểm đáng chú ý trong hoạt động của nhóm trồng nho thôn An Thạnh 1 là từ tháng 2-2015, đã có 1,5ha nho được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Qua liên kết sản xuất trong tổ nhóm, lợi ích có thể thấy rõ trước hết là ở khâu canh tác. Theo các thành viên, nhờ tham gia tổ nhóm, họ đã có thêm hiểu biết về quy trình bón phân, xịt thuốc, thời gian cách ly trước khi thu hoạch, bảo đảm tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm của nho. Từ nền tảng có được về sản xuất nho sạch, trong khuôn khổ Dự án HTTN tỉnh, từ cuối năm 2015, tổ nhóm trồng nho thôn An Thạnh 1 bắt đầu tham gia thực hiện tiểu dự án liên kết với Doanh nghiệp (DN) Tư nhân Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Ba Mọi ở thôn Hiệp Hòa (xã Phước Thuận, Ninh Phước). Qua tiếp cận với tổ, DN cam kết thu mua nho tươi với giá tương đương trên thị trường, trong quá trình liên kết bao tiêu sản phẩm, DN đã tài trợ mở được 4 lớp tập huấn sản xuất an toàn cho nông dân và hướng dẫn quy trình thực hiện theo hướng VietGAP cho các hộ thành viên còn lại. Đến nay, DN đã thu mua khoảng 10 tấn nho đỏ của 3 hộ thành viên trong nhóm.

Việc kết nối với DN đem lại kỳ vọng giúp nông dân trong tổ nhóm có đầu ra sản phẩm ổn định, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương và không còn phải chịu cảnh giá cả bấp bênh, thất thường. Tuy nhiên theo các thành viên trong tổ, việc DN Tư nhân Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Ba Mọi mua nho sạch trong thời gian qua với giá ngang bằng nho bình thường cần phải xem xét lại.

Để trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, đòi hỏi phải áp dụng một quy trình chặt chẽ, tốn nhiều công sức, thời gian nên với giá mua theo kiểu đánh đồng của DN đã không tạo động lực cho người nông dân. Trong nhóm trồng nho thôn An Thạnh 1, có nhiều người dành hết diện tích 2 sào hoặc hơn 2 sào nho mà mình có để canh tác theo hướng VietGAP, ngay như anh Phái, dù chỉ có 1,5 sào nho, anh cũng sản xuất hết diện tích theo tiêu chí trên. Vì vậy, để có giá cả hợp lý, các thành viên tổ nhóm yêu cầu DN đánh giá đúng chất lượng sản phẩm khi thu mua.

Theo anh Nguyễn Văn Phái, qua hình thành tổ nhóm đã chứng minh chỉ có liên kết mới tạo cơ hội cho nông dân có đầu ra sản phẩm ổn định, đồng thời thiết lập mối quan hệ làm ăn bền vững, hướng tới mục tiêu tăng thu nhập cho người trồng nho. Với trách nhiệm trưởng nhóm, anh đang cố gắng gắn kết các thành viên trong tổ, kết nối với DN Tư nhân Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Ba Mọi. Nhưng để đem lại hiệu quả, điều quan trọng là phải tập trung giải quyết khâu tiêu thụ nho VietGAP, thỏa thuận giá cả thu mua hợp lý theo hướng 2 bên (DN và nông dân) cùng có lợi.

Bạch Thương

Hậu Giang: Ổi lê Đài Loan chỉ còn 2.000 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Giá ổi lê Đài Loan giảm hơn 50% so với tháng trước.

Ông Dương Thanh Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Bình (Hậu Giang) cho biết, hơn 2 tuần nay giá ổi lê Đài Loan thu mua tại vườn sụt giảm mạnh từ 4.500 đồng/kg xuống còn 2.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá ổi sụt giảm là rơi vào mùa mưa lại do đụng hàng với các loại trái cây khác… Theo ông Thuận, với giá bán hiện tại thì lợi nhuận đã giảm 50%, chỉ còn khoảng 2 triệu đồng/công/tháng sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên, theo dự đoán của các nhà vườn thì đến cuối tháng 6, ổi lê Đài Loan có khả năng tăng giá trở lại khi một số loại trái cây khác hết mùa thu hoạch.

LINH LAN

Vải đầu mùa Bắc Giang đã có mặt tại thị trường Mỹ

Nguồn tin: VOV, 07/06/2016
Ngày cập nhật: 8/6/2016

1 tấn vải thiều xuất khẩu được doanh nghiệp mua ở ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGap.

Công ty TNHH Ánh Dương Sao (TP HCM) vừa xuất khẩu thành công 1 lô vải thiều đầu mùa sang thị trường Mỹ. Lô vải thiều với khối lượng hơn 1 tấn được thực hiện chiếu xạ tại TP HCM trước khi xuất khẩu.

Toàn bộ số vải thiều xuất khẩu được Công ty TNHH Ánh Dương Sao mua ở các vùng gắn mã số sản xuất theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp Tốt toàn cầu (GlobalGap) ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Theo ông Phạm Ngọc Tú, Giám đốc Công ty TNHH Ánh Dương Sao, muốn thâm nhập thị trường Mỹ, doanh nghiệp phải hiểu rõ thị hiếu của người tiêu dùng từng nước nhập khẩu. Theo đó ở Mỹ, người tiêu dùng chuộng vải có vị ngọt, độ đường cao và màu sắc đỏ tươi. Căn cứ vào đó thì quả vải Lục Ngạn phù hợp với sở thích của họ, tuy nhiên, vải thiều xuất khẩu sang thị trường khó tính phải bảo đảm các tiêu chí ngặt nghèo của đối tác.

Ông Tú dự kiến, sau lô vải đầu tiên, doanh nghiệp sẽ xem xét thu mua thêm khoảng 20 tấn vải nữa để xuất khẩu, với giá cao hơn giá thị trường từ khoảng 10% tại thời điểm mua.

“Năm nay nhu cầu vải thiều tại Mỹ sẽ cao hơn bởi mùa vụ ở Mexico chậm hơn Việt Nam khoảng 2 tuần. Năm 2015 doanh nghiệp xuất khẩu bước đầu 2 container vải thiều sang Mỹ, năm nay sẽ xuất khẩu nhiều hơn. Nhìn chung thị trường vào Mỹ rất cạnh tranh, dự kiến doanh nghiệp sẽ thu mua và xuất khẩu từ 10 - 20 tấn vào thị trường này”, ông Tú cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) cho biết, sản lượng vải thiều xuất khẩu được doanh nghiệp liên hệ qua hợp tác xã đặt hàng trực tiếp với nông dân trồng vải ngay từ đầu tháng 6. Đây là tín hiệu vui đối với người trồng vải thôn Kép 1, xã Hồng Giang nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung.

“Việc doanh nghiệp đặt vấn đề với hợp tác xã mua 1 container vải thiều xuất khẩu sang Mỹ khiến người trồng vải rất vui. Hợp tác xã hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về xem xét thu mua tại các nhà vườn, trên tinh thần hỗ trợ cùng nhau giúp đỡ, hỗ trợ tiêu thụ vải cho nông dân. Đồng thời, HTX cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đến để thu mua khi vụ vải sắp bước vào thời điểm chính vụ”, ông Đông cho biết.

Niên vụ vải năm 2015, Công ty TNHH Ánh Dương Sao cũng là 1 trong những doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu vải thiều vào Mỹ. Theo các chuyên gia, nông sản xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Australia, Nhật Bản và các nước trong Liên minh châu Âu là động lực để nông dân sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn cao hơn, đồng thời mở ra cơ hội thâm nhập thêm các thị trường khác đối với mặt hàng vải thiều. Dự kiến năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt 130.000 tấn, trong đó 40% phục vụ xuất khẩu./.

Minh Long/VOV-Trung tâm Tin

Giống nho mới NH01-152: Cơ hội phát triển

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Thực hiện chương trình đa dạng giống trong sản xuất, tránh rủi ro cho người trồng nho và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từ năm 1993 đến nay, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã thu thập, nhập nội và đánh giá tập đoàn giống nho. Trong thời gian qua, Viện đã nghiên cứu và giới thiệu một số giống phục vụ sản xuất như giống nho ăn tươi NH01-48 (White Malaga), NH01-93 (Black Queen), NH01-96 (Italia) và giống nho rượu NH02-90 (Syrah). Trong đó, giống NH01-48 đã được Bộ NN&PTNT công nhận giống TBKT; các giống còn lại đã được Bộ NN&PTNT công nhận giống sản xuất thử.

Để tiếp tục thực hiện đa dạng cơ cấu giống phục vụ sản xuất, trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã được UBND tỉnh giao (thông qua Sở Khoa học và Công nghệ) tiến hành nghiên cứu chọn lọc, khảo nghiệm và triển khai sản xuất thử nghiệm giống nho ăn tươi chất lượng cao NH01-152 (Mariaue finger) tại một số vùng trồng nho chính của tỉnh. Đây là giống nho ăn tươi, khi chín quả có màu đỏ tươi, ít hạt (từ 1-2 hạt/quả), độ đường cao (15 -170 Brix), vỏ dày, có mùi vị đặc trưng; chùm thon dài, quả hình bầu dục, mẫu mã đẹp; thời gian sinh trưởng từ cắt cành đến thu hoạch khoảng 115-120 ngày; tỷ lệ đậu quả cao, khối lượng quả trung bình 5,5gr/quả; khối lượng chùm dao động khoảng 400-800gr/chùm; năng suất cao, trung bình 12-17 tấn/ha/vụ (trong điều kiện thâm canh đạt 20-25 tấn/ha/vụ). Chất lượng của giống này tương đương so với sản phẩm cùng loại từ nước ngoài nhập vào thị trường Việt Nam.

Quang cảnh vườn nho NH01-152 giai đoạn chín bói.

Để thúc đẩy việc mở rộng diện tích, tăng hiệu quả cho cây nho nói chung và giống nho NH01-152 nói riêng, các cấp, ngành cần chú trọng đầu tư về mọi mặt và có chính sách phù hợp: (1) Đầu tư xây dựng bộ giống nho phù hợp phục vụ sản xuất, hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng giống nho mới NH01-152, cần tiếp tục thử nghiệm các giống mới (ăn tươi, nho rượu, sấy khô) để xác định thêm một số giống đưa vào cơ cấu giống nho của tỉnh; (2) hoàn thiện hồ sơ và trình Hội đồng Khoa học Bộ NN&PTNT công nhận giống sản xuất thử; (3) đầu tư để ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác nho chất lượng cao NH01-152 theo tiêu chuẩn VietGAP; (4) nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ kỹ thuật, người sản xuất, kinh doanh… để áp dụng giống mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, sử dụng các giống chất lượng cao, tăng lợi nhuận và thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác; (5) hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản (kho lạnh bảo quản nho ăn tươi), chế biến sản phẩm (rượu vang, nước giải khát, mứt…) và có chính sách khuyến kích các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm từ nho; (6) cần có chủ trương, chính sách khuyến khích nông dân tiếp cận giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới và tạo điều kiện thuận lợi để người dân vay vốn đầu tư sản xuất; (7) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nho Ninh Thuận, giúp ổn định đầu ra (trong đó, chú trọng đến giống nho mới NH01-152).

Chùm nho NH01-152 trước khi thu hoạch (117 ngày sau cắt cành).

Hiện nay, ở nước ta hằng năm nhập khẩu một lượng khá lớn nho ăn tươi chất lượng cao từ nhiều nước trên thế giới, giá bán các sản phẩm này tại siêu thị dao động từ 80.000 - 140.000 đồng/kg. Theo thăm dò của các doanh nghiệp thu mua nho, sản phẩm từ giống nho NH01-152 được đưa vào sản xuất theo hướng sản xuất an toàn (đạt tiêu chuẩn VietGAP) thì đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Đối với Ninh Thuận, giống nho chất lượng cao NH01-152 cũng như giống nho xanh NH01-48 có thể phát triển mạnh trong thời gian tới bởi các ưu thế sau: (1) Điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu…) khá phù hợp với các giống nho này. Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào, cần cù, chịu khó, nhanh tiếp thu và áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất…; (2) giống nho chất lượng cao NH01-152 có tiềm năng năng suất cao, ổn định và chất lượng tương đương với nho ngoại nhập (cùng loại) nhưng giá thành chỉ bằng ½ nên đủ sức cạnh tranh với nho nhập khẩu; (3) trồng các giống nho chất lượng cao NH01-152 và NH01-48 trong điều kiện thâm canh đều cho hiệu quả hơn hẳn giống nho đỏ Cardinal và các cây trồng nông nghiệp khác; (4) quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi về mọi mặt (cây giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm…) để nông dân mở rộng sản xuất. Vì vậy, giống nho ăn tươi NH01-152 nói riêng và các giống nho chất lượng cao nói chung hội đủ các yếu tố thuận lợi cho phát triển, kể cả khi Hiệp định TPP có hiệu lực thì nho chất lượng cao của Ninh Thuận vẫn đủ sức canh tranh và đứng vững trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu sang các nước lân cận.

TS. Phan Công Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố

Châu Thành A (Hậu Giang): Xoài cát Hòa Lộc giảm giá mạnh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện xoài cát Hòa Lộc được các nhà vườn ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) bán ra còn 15.000 - 18.000 đồng/kg (giảm 5.000 - 10.000 đồng so tháng trước và giảm gần phân nửa so với những tháng mùa khô). Nguyên nhân, do vụ xoài xử lý trái sau tết tỷ lệ đậu cao hơn, cùng với mùa thu hoạch một số loại trái cây và một số yếu tố khác. Tuy vậy, giá xoài bán lẻ tại các sạp vẫn giữ ở mức trên 30.000 đồng/kg. Được biết, vụ xoài thu hoạch đầu năm giá cao nhưng giảm năng suất từ 50 - 70%, qua đây cho thấy, người trồng xoài luôn gặp cảnh “trúng mùa, mất giá” và ngược lại. Để người trồng xoài có thu nhập ổn định, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nhà vườn trồng xoài áp dụng quy trình VietGAP và các biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng.

KIM VIẾNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop