Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 09 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 09 năm 2017

Một cây bưởi Phúc Trạch cho gần 500 quả

Nguồn tin: Nhân dân

Mùa bưởi năm nay, một cây bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Bình, ở thôn 6, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho gần 500 quả, tổng giá trị khoảng hơn 20 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ, đây là cây bưởi được gia đình trồng năm 1995; được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cấp biển cây giống đầu dòng năm 2013. Những năm gần đây, nhờ áp dụng tốt các biện pháp canh tác kỹ thuật nên vườn bưởi của gia đình ông luôn đạt năng suất cao, riêng cây bưởi đặc biệt này hằng năm thường cho trên 200 quả. Năm 2016, cây bưởi này cũng đậu trên 500 quả, cho thu nhập hơn 25 triệu đồng.

“Do đây là cây bưởi cổ thụ, quả có chất lượng cao, được cơ quan có thẩm quyền xác định là cây giống đầu dòng nên nhiều khách hàng đã đặt mua từ khi quả còn nhỏ. Giá bưởi trên thị trường hiện nay chỉ đạt mức khoảng 30 đến 35 nghìn đồng/quả, nhưng cây bưởi này được giá 50 nghìn đồng/quả, ước thu về khoảng hơn 20 triệu đồng.

Ông Bình phân tích, vườn có vị trí khá gần với sông Ngàn Sâu, hằng năm được phù sa bồi đắp nên chất đất rất tốt. Ngoài ra, dù thời tiết trên địa bàn khắc nghiệt, hạn hán nhưng do vườn ở gần sông nên rất thuật lợi cho sự phát triển của cây. Còn về cách chăm sóc, gia đình chỉ thực hiện theo kỹ thuật canh tác đã được các đơn vị, cơ quan nhà nước tập huấn, hướng dẫn.

Ông Bình chia sẻ thêm, chỉ với hơn hai sào đất vườn, trồng 35 gốc bưởi, mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 150 ha bưởi Phúc Trạch, trong đó khoảng 80 ha cho thu hoạch, hằng năm đều mang lại doanh thu rất lớn cho người dân địa phương. Trong xã cũng có một số cây bưởi lớn, cổ thụ, năng suất cao nhưng tối đa cũng chỉ đạt khoảng trên dưới 200 quả/mùa.

Theo thông tin từ phòng NN và PTNT huyện Hương Khê, sản lượng bưởi Phúc Trạch năm 2017 ước đạt khoảng 15.000 tấn, thấp hơn so với năm 2016 (19.000 tấn). Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NN và PTNT huyện cho biết, nhìn chung, bưởi Phúc Trạch năm nay được mùa, tỷ lệ ra hoa, đậu quả tương đối cao so với các năm trước. Tuy nhiên, cuối năm 2016, do các trận lũ lớn liên tiếp đã khiến nhiều diện tích bưởi bị chết, điển hình như các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Thủy…, dẫn đến sản lượng chung toàn huyện có giảm so với năm trước (Hương Khê có khoảng 1.400 ha bưởi Phúc Trạch bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2016 - PV). Về giá cả, bưởi Phúc Trạch có giá ổn định, tương đương với năm ngoái, qua đó giúp nhiều gia đình trồng bưởi có thu nhập ổn định.

NGÔ TUẤN – DƯƠNG CHIẾN

Lợi ích xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Anh Nguyễn Chánh Bình, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre, cho biết: Trong các biện pháp kỹ thuật, nhiều nhà vườn đã nhận ra lợi ích mang lại của việc áp dụng kỹ thuật xử lý chất thải trong chăn nuôi không chỉ có khí sinh học (khí gas làm chất đốt sử dụng trong bếp của gia đình), xử lý triệt để mùi hôi mà chất thải sau cùng còn là nguồn phân bón hữu cơ cho vườn cây tươi tốt, tăng độ ngọt cho trái chín. Hiệu quả có thể tính được trước mắt giảm hơn 70% lượng phân NPK so với trước.

Vườn sầu riêng của anh Hoàng ở Chợ Lách (Bến Tre) tự làm và bón phân hữu cơ từ phân chuồng tươi tốt.

Ở Bến Tre, các hộ chăn nuôi heo thường phân chất thải từ chăn nuôi thành 2 nguồn: Trong chăn nuôi heo nái, phân được thu gom đưa vào kho và cung cấp cho các điểm thu mua ủ phân hữu cơ hoặc các trang trại trồng cây ăn trái trong và ngoài tỉnh. Đối với trại nuôi heo thịt, phân được đưa vào các công trình xử lý nước thải khí sinh học (hầm biogas) và qua hệ thống cống bê tông xử lý và sau đó nước thải đưa vào bể lắng, kế tiếp đưa vào ao sinh học trước khi tưới cho vườn bưởi da xanh, măng cụt, vườn dừa… Phân trong chăn nuôi bò được các chủ trang trại thu gom để khô, cung cấp cho các nhà vườn. Riêng phần nước thải: một phần phân đưa vào bể biogas xử lý, một phần dùng tưới cho cỏ trồng.

Huyện Chợ Lách là vùng có nhiều nông dân giỏi trồng hoa kiểng và vườn sầu riêng, chôm chôm… có nhu cầu sử dụng nhiều phân hữu cơ. Tuy nhiên, người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ trong gia đình: gà vườn, dê và nuôi heo ít nên nguồn phân chuồng nguyên liệu khô từ heo, trâu, bò các nhà vườn phải đi mua từ nơi khác về, sau đó trộn bổ sung thêm mụn dừa, chất thô xanh trong vườn nhà. Anh Hồ Trung Hoàng ở ấp Long Quới, xã Long Thới trồng 6 công sầu riêng Ri 6 và nuôi 300 con gà thả vườn. Để có đủ phân hữu cơ cung cấp cho trồng trọt, anh phải đi mua thêm phân gia cầm, gia súc từ nơi khác. Sau khi mua về, anh thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông từ Dự án Các - bon thấp, như: xây bồn chứa, lắp hệ thống quạt thổi oxy vào chuồng ủ và trộn nấm Trichoderma hoặc Compost (Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Bến Tre cung cấp) với 2kg tương ứng cho 1 tấn phân chuồng, nhằm tác động thêm vi sinh giúp phân ủ mau phân hủy. Sau 1 tháng ủ, phân sẽ không còn mùi hôi, có thể dùng bón dưới tán cây sầu riêng, bưởi da xanh khi vào vụ nhằm thúc cây trổ bông nhiều, đậu trái.

Anh Hồ Trung Hoàng xác nhận: Mô hình trên có tiện lợi, không tốn kém. Sau 5 ngày xử lý được 80% mùi hôi của phân trong chăn nuôi. Mỗi lần xử lý phân, không mất nhiều thời gian, chỉ tốn công 1-2 ngày. Nếu đủ nguồn phân chuồng nguyên liệu 1,5-2 tấn/lần ủ, trong năm có thể ủ phân tới 10 lần. Lượng phân bón dưới tán cây khoảng 10kg/cây (1kg/m2). “Từ năm 2016, áp dụng theo cách làm phân hữu cơ từ phân chuồng, vườn của anh Hoàng giảm lượng phân bón NPK, DAP và ước giảm chi phí phân bón hơn 60% so với trước. Bà con trong xóm thấy tôi bón phân hữu cơ hiệu quả, một số hộ nhà vườn học hỏi, làm theo” – anh Hoàng chia sẻ.

Ông Ba Sốt (Nguyễn Văn Sốt) ở ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, có trại nuôi heo thịt 40-50 con và 10 công vườn trồng bưởi da xanh. Tham gia Dự án Các - bon thấp, ông xây công trình khí sinh học xử lý phân, nước thải 16m3, chi phí 18 triệu đồng. So với mô hình dùng túi ni lông Biogas trước đây, ông cho biết cách làm này kín đáo, an toàn, sạch sẽ hơn và không có mùi hôi. Phân heo tươi thải ra được đưa xuống hầm gas, hầm lọc 1 và qua hầm lọc 2 chứa trước khi nước thải ra tưới cho vườn bưởi. Điều đáng nói là phần chất thải ra hầm thành bã bùn - chính là phân hữu cơ bón cho bưởi, dừa ít bị sâu bệnh, làm cho trái đẹp, ngọt, thơm. Sau 6 tháng, phải hút hầm ủ biogas một lần, nhưng lượng phân không đủ bón cho vườn nhà. Ông Ba Sốt phải mua thêm 100 bao phân chuồng khô để bón lót thêm. “Cách làm hầm Biogas kiểu mới đã giúp giảm được tới 70% chi phí mua phân NPK như trước đây. Điều tôi muốn nói là 10 công bưởi đạt hiệu quả cao nhờ loại phân hữu cơ “nguyên chất” do tự mình chế ra” - ông Ba Sốt khoe. Hiện nay, không chỉ riêng vườn nhà ông Ba Sốt, tất cả thành viên nhà vườn trong Hợp tác xã Bưởi Tân Long 2 với 48 hộ đã áp dụng 100% mô hình chăn nuôi và xử lý chất thải tạo nguồn phân hữu cơ với nhiều lợi ích này. Hơn nữa đây là điều kiện để hợp tác xã áp dụng quy trình canh tác bưởi da xanh theo hướng VietGAP, hạn chế tối đa xịt thuốc sâu để có trái ngon, an toàn.

Nhà vườn sản xuất phân bón hữu cơ

Anh Trần Công Tín, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách, cho biết: Hiện nay một nhóm các nhà vườn ở Chợ Lách tự lập ra tổ sản xuất phân bón hữu cơ, năng lực sản xuất cung ứng dự kiến khoảng 5-7 tấn/tháng. Về việc kiểm định chất lượng được dự án hỗ trợ, Trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách gởi mẫu về Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam phân tích các hàm lượng dinh dưỡng phân sau ủ… Lượng phân hữu cơ bón cây trồng chỉ với quy mô nhỏ, chia sẻ cộng đồng xung quanh, giá bán khoảng 3.500 đồng/kg.

Hữu Đức

Tây Nguyên trúng đậm sầu riêng, giá bán cao hơn năm ngoái

Nguồn tin: Nông nghiệp VN

Thời điểm hiện nay, bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hoạch sầu riêng với niềm phấn khởi, bởi mùa vụ năm nay trúng đậm.

Hiện nay trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, sầu riêng có giá trung bình từ 45-50.000 đồng/kg

Theo khảo sát, hiện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, sầu riêng có giá trung bình từ 45.000-50.000 đồng/kg, cao hơn năm trước từ 5-7.000 đồng/kg, loại sầu riêng loại 1 có giá cao từ 47.000 - 52.000 đồng/kg (năm 2016 sầu riêng có giá từ 35.000-40.000 đồng/kg). Không chỉ vậy, năm nay bà con vui mừng khi sầu riêng được mùa, tỷ lệ đậu quả cao.

Ghé thăm vườn sầu riêng của chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Hòa Thành, huyện Krông Păc (Đăk Lăk), chúng tôi được “mục sở thị” những trái sầu riêng lủng lẳng trĩu cành. Chỉ tay về phía những cây sầu riêng trĩu quả, chị Thanh cho biết: 'Trung bình mỗi cây cho thu hoạch tới gần 2 tạ quả. Tính ra mỗi cây cho thu khoảng 3,5 triệu đồng. Năm nay sầu riêng được mùa, giá lại cao nên nông dân chúng tôi cũng rất phấn khởi'.

Anh Lê Quang Hùng, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) cũng không thể giấu nổi niềm vui khi dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng của mình khi đang thu hoạch lứa trái đầu vụ. Anh Hùng chia sẻ: Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên vườn sầu riêng bị sâu bệnh, năng suất rất thấp. Sau khi được trang bị kỹ thuật từ những lần thăm quan các tỉnh miền Tây, cộng với nghiên cứu tài liệu sách báo nên vườn sầu riêng của tôi năm nay tỷ lệ đậu quả cao, không còn tình trạng cây bị chết, rụng quả non nữa. Nhà tôi có 83 cây, hiện đã thu hoạch được 40% sản lượng. Năm nay nếu thu hoạch hết chắc cũng được trên 10 tấn quả, nếu giá cứ giữ như hiện nay chắc cũng thu về được 400 triệu đồng".

Là người làm nghề thu mua hoa quả, chị Bùi Thị Hạnh ở chợ đầu mối Tân Hòa, Tp. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) cho biết: Năm nay, sầu riêng được mùa, giá lại rất cao nên những người đi thu mua như chúng tôi gặp nhiều thuận lợi, nông dân cũng phấn khởi mà chúng tôi xuất đi cũng dễ dàng. Chỉ riêng địa bàn tỉnh Đăk Lăk hàng ngày chúng tôi thu mua cũng được hàng chục tấn rồi…

Hiện nay, ở Tây Nguyên cây sầu riêng được đánh giá là một trong những loại cây trồng cho thu nhập kinh tế cao, nên diện tích loại cây này tăng lên đáng kể. Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Đăk Lăk, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 3.000 ha sầu riêng (tăng gần 300 ha so với năm 2016). Cây sầu riêng tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Păc, Tp. Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Buk, Cư Kuin…

Sầu riêng Tây Nguyên trúng mùa, trúng giá

Tại tỉnh Đăk Nông, diện tích sầu riêng có khoảng hơn 1.000 ha, trong đó, sầu riêng trồng tại Đắk Mil có diện tích và năng suất vượt trội so với các địa phương khác.

Tỉnh Lâm Đồng cũng có hàng ngàn ha sầu riêng, trong đó huyện Đạ Huoai được coi là “thủ phủ” cây sầu riêng của tỉnh, toàn huyện hiện có 2.000 ha, chủ yếu trồng những loại giống cao cấp như: Mong Thong, Ri6, Đô Na…

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, trồng sầu riêng đúng quy trình, sau 3-4 năm tuổi cho thu hoạch, 5-7 năm tuổi đạt năng suất ổn định. Làm đúng kỹ thuật canh tác, bình quân mỗi ha trồng thuần có thể đạt 30-40 tấn quả/năm. Với giá bán bình quân 25.000đ/kg, người trồng đã có lãi. Để sầu riêng đạt năng suất cao, những năm qua bà con nông dân ở Tây Nguyên thường sử dụng giống chất lượng cao như: Dona, Monthong, Ri6…

Nguyễn Thăng

Ninh Thuận trồng nho công nghệ cao

Nguồn tin: Người lao động

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Ninh Thuận, tổng diện tích đất có lợi thế phát triển cây nho trong tỉnh khoảng 7.100 ha; trong đó trên 4.000 ha chủ động nước.

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết hiện ngành đã hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nho ăn tươi an toàn, áp dụng công nghệ cao để canh tác, với diện tích trên 2.500 ha tại các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Sơn và TP Phan Rang - Tháp Chàm và ít nhất 250 ha nho để làm rượu tại 2 xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn. "Diện tích nho rượu nói trên nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho Công ty Vang nho Ladorafarm đang được xây dựng tại Ninh Thuận" - ông Thựu cho biết.

Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2020, nho sẽ trở lại là cây trồng chủ lực của tỉnh

Nghề trồng nho ở Ninh Thuận bắt đầu từ cuối thập niên 70 (thế kỷ trước) với giống nho truyền thống là Red Cardinal. Hiện giống nho nói trên cho năng suất suy giảm trầm trọng, khả năng kháng bệnh yếu. Trước thực trạng này, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã lai tạo thành công một số giống nho như NH-0148, NH01-152, Black Queen trồng phổ biến tại một số vùng chuyên canh của Ninh Thuận, từng bước thay thế giống nho cũ. Ngoài ra, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cũng quy hoạch 3 vùng trồng nho tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 100 ha kết hợp sơ chế, để bán buôn theo hướng thương phẩm chất lượng cao tại phường Văn Hải (TP Phan Rang - Tháp Chàm), xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn), thị trấn Khánh Hải, (huyện Ninh Hải).

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, khẳng định nho được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương nên ngoài việc tiếp tục mở rộng quy hoạch sản xuất nho an toàn, tỉnh đã chỉ đạo ngành NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất, bảo đảm hài hòa lợi ích cho các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị nho và các sản phẩm sau nho. Mục tiêu của tỉnh Ninh Thuận là đến năm 2020, nho sẽ trở thành trái cây thương phẩm có giá trị kinh tế cao.

Học cách trồng nho của Ý

Theo ông Phan Quang Thựu, những nỗ lực của ngành NN-PTNT Ninh Thuận đưa cây nho trở lại vị trí "độc tôn" như trước đây, bước đầu đã có kết quả khả quan. Tại xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, giống nho xanh NH-0148 được trồng tập trung 70 ha cho năng suất và chất lượng cao; mô hình trồng nho ứng dụng công nghệ tiên tiến kết hợp du lịch vườn ở xã Vĩnh Hải. Mới đây, tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với chính quyền vùng Tuscany (Ý) để hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trồng nho và chế biến rượu vang nho hiện đại. Đây là hướng mở, mang tầm cao mới của nghề trồng nho ở Ninh Thuận.

Lê Trường

Hậu Giang: Giá mít Thái tăng cao

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Mít Thái ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang hiện được các thương lái thu mua tại vườn loại 8kg trở lên với giá 47.000 đồng/kg, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Mít dưới 8kg cũng có giá trên 30.000 đồng.

Theo một số nhà vườn tại xã Đông Phước A, nơi có diện tích trồng mít Thái nhiều nhất huyện Châu Thành, nếu như cây mít được 2 năm tuổi có thể cho 2 trái, trọng lượng trung bình 10 kg/trái thì cho lợi nhuận gần 1 triệu đồng. Một héc-ta trồng khoảng 1.000 cây mít, với mức giá hiện nay, sau khi trừ chi phí còn lời gần 1 tỉ đồng. Tuy hiện mít Thái được giá, nhưng theo ngành nông nghiệp huyện Châu Thành khuyến cáo, người dân không nên phát triển diện tích ồ ạt, nếu muốn trồng chỉ nên trồng lại ở diện tích bị lão hóa, hay đối với những diện tích vườn kém hiệu quả; không nên phát triển những vùng đã được ngành nông nghiệp quy hoạch. Cùng với đó, khi phát triển diện tích khó tránh khỏi nguồn cung vượt cầu, điệp khúc “trồng rồi chặt” lại tiếp diễn.

Văn Xuân

Đồng Nai: Ồ ạt trồng cây gia vị

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, vụ mùa năm 2017 diện tích một số loại cây gia vị, như: nghệ, gừng, sả... tăng đột biến lên gần 2.643 hécta, nhiều hơn 1.400 hécta so với cùng kỳ năm ngoái. Nông dân đua nhau trồng cây gia vị, trong đó đứng đầu là cây nghệ do vụ sản xuất năm 2016, các loại cây trồng này thu lợi nhuận cao nhờ giá bán tốt, ổn định.

Nông dân huyện Long Thành đua nhau mở rộng diện tích cây nghệ.

Tuy nhiên, tình trạng phát triển ồ ạt diện tích các loại cây gia vị theo phong trào mà bỏ quên việc tính bài toán thị trường đầu ra đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

* Đua nhau trồng nghệ

Theo ông Nguyễn Thanh Yên, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch), cây sả là một trong những cây trồng phụ nhưng mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với cây bắp, cây mì. Theo đó, Phú Hữu đã hình thành vùng chuyên canh cây sả với diện tích lên đến khoảng 70 hécta. Tuy nhiên, địa phương vẫn khuyến cáo nông dân không đua nhau trồng sả theo phong trào mà phải dựa trên nhu cầu thị trường. Địa phương đang rất quan tâm thu hút doanh nghiệp chế biến về đầu tư, liên kết với nông dân xây dựng chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững.

Những năm trước, cây nghệ chỉ được một số hộ nông dân trồng xen canh với các loại cây trồng khác để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, năm 2016 giá nghệ tươi tăng mạnh nên trồng nghệ đạt lợi nhuận gấp nhiều lần so với cây mì, cây bắp.

Bước sang niên vụ sản xuất năm 2017, nông dân tại các địa phương ồ ạt chuyển đổi sang trồng cây nghệ, thậm chí nhiều người thuê thêm đất để mở rộng diện tích.

Bà Trần Thị Dần (ở ấp 7, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) là một trong những nông dân đã mạnh dạn thuê thêm 4 hécta để trồng nghệ với hy vọng sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận.

Bà Dần tính toán: “Những năm gần đây, giá củ mì và bắp lên xuống thất thường, lợi nhuận thu được chẳng bao nhiêu. Trong khi đó, vụ năm rồi củ nghệ tươi bán tại vườn được 5 ngàn đồng/kg. Tính bình quân 1 hécta, tôi thu hoạch được từ 30-35 tấn nghệ tươi là có trên 170 triệu đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí phân, giống, nhân công, tôi lời cả 100 triệu đồng/hécta”.

Chỉ tính riêng Long Thành, dù cây nghệ không nằm trong kế hoạch sản xuất của huyện nhưng hiện diện tích cây trồng này vẫn tăng đột biến đến 504 hécta.

Vụ năm ngoái, nông dân trồng nghệ càng đạt lợi nhuận cao do nghệ giống cũng “sốt” giá, nhiều nơi thương lái đánh hàng xe tải đi thu gom nghệ giống đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích cây trồng này.

Ông Lê Văn Tiên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên nông sản Hoàng Dũng (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc), nhận xét: “Vụ sản xuất năm nay, nông dân trồng nghệ bạt ngàn. Không chỉ phát triển mạnh ở Đồng Nai mà ở tỉnh Bình Dương, Bình Phước... rất nhiều thương lái cũng liên lạc với tôi chào hàng với sản lượng lớn vì diện tích nghệ đang tăng nhanh. Năm nay, mưa nhiều thuận lợi cho cây nghệ phát triển, nếu trúng mùa thì sản lượng nghệ sẽ càng tăng cao hơn so với dự tính”.

* Rủi ro về thị trường

Trước thực trạng nơi nơi đua nhau trồng nghệ, ông Tiên đưa ra dự đoán: “Vụ thu hoạch năm nay, củ nghệ rất khó đạt mức giá tốt như vụ rồi. Đặc biệt, vài tháng trở lại đây nghệ Ấn Độ đang ồ ạt nhập khẩu ngược trở lại Việt Nam với giá còn rẻ hơn sản phẩm nội địa. Thường đến tháng cuối năm khi doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu mới nắm được nhu cầu, giá cả thị trường, nhưng khi cung vượt cầu quá lớn luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”.

Tuy thời gian gần đây thị trường cây gia vị ngày càng giàu tiềm năng vì xuất khẩu tốt, nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng tăng do ngoài được sử dụng làm gia vị, đây còn là nguyên liệu để điều chế thuốc chữa bệnh hoặc sản xuất mỹ phẩm... Tuy nhiên, so với nhiều cây trồng khác, dòng cây gia vị nghệ vẫn là cây trồng phụ với thị trường tiêu thụ hạn chế.

Ông Vi Văn Quang, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Cạn (huyện Long Thành), nhận xét: “Cây nghệ đỏ vẫn là cây trồng tự phát không nằm trong kế hoạch sản xuất của huyện, của xã. Do vậy, chính quyền địa phương khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng ồ ạt dẫn đến cảnh không tìm được thương lái thu mua như đã từng xảy ra trước đó”.

Chí Tài - Bình Nguyên

Công ty CP Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Ðịnh: Cam kết mua hết mì nguyên liệu trong tỉnh

Nguồn tin: Báo Bình Định

Công ty CP Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Ðịnh (tên viết tắt là BDSTAR - nhà máy đặt tại thôn Hữu Lộc, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) vừa bước vào vụ sản xuất mới 2017 - 2018. Trong vụ này, BDSTAR đưa ra kế hoạch thu mua 120 ngàn tấn mì nguyên liệu, đồng thời sản xuất 25.000 tấn tinh bột. Công ty cam kết mua hết mì nguyên liệu trên địa bàn tỉnh với giá hợp lý, đảm bảo nông dân có lãi từ 30% trở lên.

Mua mì nguyên liệu tại nhà máy BDSTAR. Ảnh: NGUYỄN HÂN

Mua 200 - 250 tấn mì nguyên liệu/ngày

Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Phòng Kinh doanh của BDSTAR, cho biết: Để đảm bảo mua hết mì nguyên liệu của nông dân, thời gian qua, công ty đã hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, nâng công suất chế biến lên gấp đôi (từ 60 tấn lên 120 tấn/ngày). Bước vào niên vụ sản xuất mới này, đơn vị đưa ra kế hoạch mua 120 ngàn tấn mì nguyên liệu, đồng thời sản xuất 25.000 tấn sản phẩm tinh bột. Nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và nhà máy, BDSTAR đã ban hành, điều chỉnh các chính sách đầu tư, mua nguyên liệu hợp lý, bảo đảm cho nông dân trồng mì có lãi trên 30%. Đối với các vùng nguyên liệu trọng điểm của nhà máy, đơn vị đã hỗ trợ cho nông dân mượn mì giống, mượn vốn sản xuất; bao tiêu sản phẩm với giá sàn ở mức 1,5 triệu đồng/tấn.

Từ đầu vụ sản xuất (ngày 21.8.2017) đến nay, BDSTAR đã mua bình quân từ 200 - 250 tấn mì nguyên liệu/ngày, tại các địa bàn: Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài n, An Lão... Hiện, BDSTAR đang mua mì nguyên liệu với các mức giá 1,7 triệu đồng/tấn đối với mì có hàm lượng tinh bột đạt 30%; 1,45 triệu đồng/tấn đối với mì 25% tinh bột; 1,2 triệu đồng/tấn đối với mì 20% tinh bột. So với cùng kỳ năm ngoái, giá mì nguyên liệu tăng hơn 30%. Với giá mua mì như hiện nay, nếu đạt năng suất 30 tấn/ha, nông dân có lãi 18 - 20 triệu đồng/ha.

Trong vụ sản xuất mới này, công tác tổ chức mua mì nguyên liệu cũng được BDSTAR quan tâm, chấn chỉnh, tạo điều kiện để nông dân bán mì cho công ty được thuận lợi nhất. Nông dân đưa mì nguyên liệu đến nhà máy, sau khi cân trọng lượng nhập vào bãi nguyên liệu sẽ được thanh toán tiền mặt một lần. Đặc biệt, khi mùa mưa lũ đang đến gần, nhà máy tập trung ưu tiên mua nguyên liệu của nông dân ở các vùng sâu, vùng xa. Trong tháng 9 này, BDSTAR sẽ đẩy mạnh mua nguyên liệu với số lượng 350 - 400 tấn/ngày. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2017, nhà máy sẽ mua khoảng 55.000 tấn mì nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc BDSTAR, cho biết: Với hệ thống dây chuyền sản xuất đồng bộ vừa được nâng cấp, công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhập khẩu từ châu u, sản phẩm tinh bột của công ty đạt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian qua, sản phẩm tinh bột mì do đơn vị sản xuất được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Indonesia, Peru... Công ty cũng đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sấy bã công suất 6.000 tấn/năm, nhằm tận thu nguồn sản phẩm phụ từ chế biến tinh bột mì; hoàn thiện quy trình xử lý nước thải khép kín, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công ty đã đầu tư hoàn thiện hệ thống biogas để thu hồi khí mê tan làm nhiên liệu đốt thay dầu FO, góp phần giảm chi phí sản xuất và đảm bảo xử lý ô nhiễm môi trường. Đây là cơ sở để đơn vị tiếp tục đầu tư chế biến sâu các sản phẩm sau tinh bột, sẵn sàng hợp tác đầu tư liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường với các đối tác trong và ngoài nước.

Sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu

Theo ông Nguyễn Minh Thắng, để đảm bảo đủ lượng mì nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sau khi nâng công suất, thời gian qua, công ty đã triển khai nhiều chính sách đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu và nâng cao năng suất mì, phấn đấu mở rộng vùng nguyên liệu của nhà máy từ 4.400 ha lên 8.800 ha vào năm 2020 tại các vùng trọng điểm như: Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài n, An Lão và các tỉnh trong khu vực như Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum.

Nhằm triển khai vùng nguyên liệu có hiệu quả, BDSTAR đã nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống mì mới có tiềm năng năng suất, sản lượng cao đưa vào sản xuất để thay thế các giống mì cũ đã thoái hóa. Tại các cánh đồng khảo nghiệm giống của công ty trên địa bàn xã Bình Tân, Bình Thuận (huyện Tây Sơn), các giống mì mới như KM 140, KM 419, Lay Joong 09 đã được đưa vào sản xuất. Kết quả, năng suất mì đạt bình quân từ 35 - 40 tấn/ha, hàm lượng tinh bột trên 30%; các giống mì này khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương, có thể trồng rải vụ để phục vụ nhu cầu sản xuất liên tục của nhà máy.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã hỗ trợ phân bón, tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân các quy trình kỹ thuật trồng thâm canh, rải vụ nhằm nâng cao năng suất mì. BDSTAR cũng chủ trương từng bước giảm diện tích trồng mì trên đất nương rẫy, đất có độ dốc trên 150 để trồng rừng, bảo vệ môi trường; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các mô hình trồng mì xen đậu phụng trên đất cát, đất xám bạc màu để tăng năng suất, sản lượng; bố trí lại thời vụ trồng mì hợp lý để tránh tập trung thu hoạch quá nhiều vào thời điểm tháng 11 - 12 hàng năm, giảm rủi ro do mưa lũ xảy ra.

NGUYỄN HÂN

Đại Từ (Thái Nguyên): Xuất hiện sâu bệnh gây hại trên chè

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Do ảnh hưởng của thời tiết, một số diện tích chè, đặc biệt là chè trồng ở ruộng, soi bãi trên địa bàn huyện Đại Từ (Thái Nguyên) bị ảnh hưởng, sinh trưởng, phát triển kém hơn. Trên nương chè xuất hiện các đối tượng sâu bệnh như: Rầy xanh, bọ cánh tơ... Với tổng diện tích nhiễm khoảng 300ha ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện, mật độ nhiễm phổ biến ở mức 100-150 con/m2. Ngoài ra còn có các đối tượng sâu bệnh hại khác như nhện đỏ, bọ xít muỗi, bệnh chấm xám, thối búp, đốm mắt cua gây hại.

Nhằm hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ, hiện nay, cán bộ khuyến nông đang tích cực theo dõi diễn biến sâu bệnh, tuyên truyền cho bà con cách trừ sâu bằng các biện pháp như: Dọn dẹp nương chè, khử trùng, phun thuốc trừ rầy, bọ, nhện... Không để lan rộng các loại sâu bệnh hại, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng chè.

Hải Hằng

Hiệu quả mô hình trồng rau che vòm nilon

Nguồn tin: Nông nghiệp VN

Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ đắc lực về khoa học kỹ thuật từ phía Chi cục BVTV Hà Nội và sự cần cù, sáng tạo của bà con nông dân, nhiều vùng rau an toàn của Thủ đô đã phát triển mạnh mô hình trồng rau che vòm nilon, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ su hào trái vụ

Là loại cây trồng ôn đới nên trước đây chỉ mùa đông mới trồng được su hào. Nhưng mấy năm trở lại đây, sự ra đời các bộ giống chịu nhiệt kết hợp công nghệ trồng rau có mái che nilon nên nông dân Hà Nội đã thành công trong việc trồng su hào trái vụ.

Mô hình trồng rau che vòm nilon tại Hà Nội đang phát huy hiệu quả kinh tế to lớn

Theo Chi cục BVTV Hà Nội, khi áp dụng trồng rau có vòm che mang lại rất nhiều lợi ích. Ngoài việc giúp tăng hệ số quay vòng SX rau trong năm nhờ chủ động hoàn toàn thời vụ, không phụ thuộc vào thời tiết còn giảm chi phí phân bón do không bị rửa trôi. Giảm chi phí mua thuốc BVTV vì sâu tơ là sâu gây hại chính không thích hợp với nhiệt độ cao nên mật độ rất thấp; cây trồng không bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa, sương, bộ lá của cây trồng luôn khô ráo nên hạn chế bệnh do nấm, vi khuẩn phát sinh gây hại. Từ đó, giảm công chăm sóc, xới xáo mặt luống, đặc biệt là công phá váng sau khi trời mưa. Chi cục BVTV Hà Nội đang tiến hành tập huấn và nhân rộng mô hình này ra nhiều địa bàn khác của Thủ đô.

Ông Đỗ Duy Chuyên, Phó Chủ nhiệm HTX Sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau, củ, quả an toàn xã Tiên Dương (Đông Anh) chia sẻ, cách đây chừng 6 năm, khi mô hình trồng rau có mái che xuất hiện, nhiều gia đình tiền hành trồng thử su hào trái vụ vào mùa hè. Lúc đầu, tỉ lệ thất thoát rất cao, năng suất lại thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng vì giá bán cao, nhiều gia đình tại Tiên Dương vẫn kiên trì theo đuổi cây su hào trái vụ.

Để hình thành nên quy trình kỹ thuật cũng như lựa chọn được bộ giống su hào trái vụ như ngày hôm nay, người dân Tiên Dương thất bại và trả giá không phải nhỏ. Hiện, ngoài thị trường có hàng chục giống su hào nhưng ở Tiên Dương chỉ chọn được hai giống, một giống chịu nhiệt của Pháp để trồng trái vụ, một giống của Hàn Quốc để trồng chính vụ vào mùa đông.

“Khi làm chủ được công nghệ, việc trồng su hào trái vụ trở nên khá đơn giản. Mùa hè là thời điểm có khí hậu nóng ẩm mưa nhiều mà cây su hào lại kỵ nhất mưa và úng. Do đó, dùng nilon che phủ sẽ hạn chế ảnh hưởng của thời tiết vì cây trồng không bị mưa và sương muối tác động trực tiếp. Qua đó, bộ lá của cây luôn khô ráo nên hạn chế bệnh do nấm, vi khuẩn phát sinh gây hại.

Thực tế, trước đây khi nông dân thử nghiệm trồng không có mái che, tỉ lệ su hào bị chết lên tới 70%. Ưu điểm rất lớn khác là khi che nilon giúp hạn chế sâu bệnh nên người trồng su hào ở Tiên Dương ít phải sử dụng thuốc BVTV. Vì vậy, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm dùng sản phẩm su hào giữa mùa hè, chứ quan niệm rau trái vụ phải phun nhiều giờ không còn đúng nữa", ông Chuyên cam kết.

Được biết, xã Tiên Dương đã quy hoạch được 80ha rau an toàn, trong đó su hào là cây trồng chủ lực. Trồng su hào trái vụ tuy năng suất không cao, song hiệu quả kinh tế gấp đôi, gấp ba so với lúc chính vụ. Hiện su hào được bà con bán tại ruộng với giá 5.000 - 7.000 đồng/củ. Với quy mô 1 sào cho khoảng 2.500 củ, nông dân có thu nhập 15 - 20 triệu đồng.

Đến cà chua hạn chế bệnh mốc sương, héo xanh

Được sự quan tâm của Chi cục BVTV Hà Nội, từ năm 2015, Trạm BVTV huyện Đan Phượng phối hợp với HTXNN Phương Đình, triển khai ứng dụng mô hình che nhà vòm trên cây cà chua để hạn chế bệnh gây hại.

Mục đích giúp nông dân giảm việc dùng thuốc BVTV trong phòng trừ sâu bệnh hại, hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho sản phẩm rau và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Kết quả sau khi che vòm nilon, cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất từ 3 - 3,5 tấn/sào sau 6 tháng trồng. Nhân với giá trung bình 5.000 - 7.000 đồng/kg, thu khoảng 15 - 20 triệu đồng/sào/vụ.

So với tập quán SX truyền thống không che vòm thì cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn, mẫu mã quả đẹp hơn, quả không bị nứt sau những trận mưa, sương muối do cây đã được che vòm.

Qua theo dõi, đánh giá của chủ hộ, bệnh mốc sương, héo xanh gây hại nhẹ hơn so với cây không che vòm. Vì cây được che, ít bị ảnh hưởng của sương, mưa, cây có bộ lá luôn khô nên tỷ lệ nhiễm bệnh ít hơn.

Thời gian sinh trưởng của cây được che vòm kéo dài hơn do không bị ảnh hưởng của sương, mưa, hạn chế bệnh hại. Qua đó, tỷ lệ đậu hoa, đậu quả cao hơn nên cây có tuổi thọ dài hơn, thời gian cho thu quả lâu hơn. Cây trong vòm cho thu quả trên 4 tháng, không che thu trên 3 tháng/vụ nên năng suất của che vòm cao hơn.

Tính hiệu quả của mô hình trong 1 năm SX rau: Sau khi thu hoạch hết cà chua, chủ hộ trồng từ 2 - 3 lứa rau ăn lá ngắn ngày như rau cải, trồng 1 lứa su hào trái vụ trong mùa hè hoặc trồng 1 lứa đậu đũa và đến vụ thu đông lại tiếp tục trồng cà chua thì 1 năm cho thu khoảng 30 - 40 triệu đồng/sào.

Nguyên Huân

Nông dân Nghệ An thu tiền tỷ từ làm đất vụ đông

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Có trong tay 6 chiếc máy làm đất, mỗi vụ đông anh Nguyễn Trọng Văn ở xã Bảo Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) thu về trên 1 tỷ đồng từ tiền công làm đất.

Có mặt trên cánh đồng của xã Lý Thành (Yên Thành) khi anh Nguyễn Trọng Văn đang theo dõi 1 trong 6 chiếc máy làm đất của mình làm đất trồng ngô cho bà con, anh cho biết: Năm 2012, anh bắt đầu đầu tư mua máy làm đất, nhận làm đất gieo cấy, trồng rau màu cho bà con trong vùng.

Thấy có hiệu quả, mỗi năm anh đầu tư thêm 1 - 2 máy, cho đến nay anh đã có trong tay 6 chiếc máy làm đất, trong đó có 3 máy được hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn của nhà nước. Mỗi máy làm đất trị giá 310 triệu đồng.

Máy làm đất trồng cây vụ đông gọn đất nhờ bộ phận phay đất kết hợp lên luống do anh Nguyễn Trọng Văn nghiên cứu áp dụng có hiệu quả. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Vũ Văn Đương - chủ ruộng ở xã Lý Thành đang thuê máy của anh làm đất trồng ngô vụ động cho biết: Máy làm đất này lên được luống cao, gọn đất, chỉ cần sửa sang một ít ở góc ruộng và hai đầu luống là gieo trỉa ngô được.

Đối với vụ đông, những năm gần đây bà con thường trồng ngô, đậu tương... trên đất 2 vụ lúa cần phải lên luống cao, nên anh nghiên cứu chế ra bộ phận phay đất kết hợp lên luống rất phù hợp, hiệu quả, được bà con ưa chuộng. Công suất máy có thể làm được từ 5 - 6 mẫu đất/ngày/máy. Tiền công làm đất là 180.000 đồng/sào.

Anh Nguyễn Trọng Văn luôn theo sát máy để theo dõi và nghiên cứu khắc phục thêm những điểm yếu trong quá trình máy hoạt động để điều chỉnh bộ phận làm đất hiệu quả hơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Vụ đông bắt đầu triển khai từ đầu tháng 9 nhưng phải hoạt động đến hết năm, bởi sau khi thu hoạch xong, bà con lại thuê anh hoàn trả lại mặt bằng ruộng để làm đất sản xuất lúa vụ xuân. Anh Văn cho hay, thường bà con Yên Thành triển khai làm vụ đông sớm, nên làm xong ở đây lại chuyển xuống Diễn Châu, Nghi Lộc.

Tính ra, mỗi vụ đông anh Văn thu về khoảng 1,3 tỷ đồng, trừ 50% chi phí còn lãi khoảng 700 triệu đồng, chưa kể trong năm anh còn nhận làm đất sản xuất vụ hè thu và một số đất trang trại, đất màu khác của bà con trong vùng./.

Xuân Hoàng

Nông dân lời ít trong vụ lúa Thu Đông sớm 2017

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Đó là nhận định của một số nông dân ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long khi vừa thu hoạch vụ lúa Thu Đông sớm năm 2017.

Hiện giá lúa được thương lái hỏi mua ở mức giá cao hơn 1 tuần trước từ 100-200 đ/kg.

Vừa thu hoạch lúa, bác nông dân Bảy Rùm-ngụ ở ấp Nhơn Trí, xã Nhơn Bình cho biết, năm nay năng suất thấp, giá trung bình nên nông dân ở đây lời không cao.

Cụ thể, đối với giống lúa OM5451, năng suất khoảng 30 giạ/công (tầm lớn), giá bán 4.900 đ/kg; lúa IR50404 giá thấp hơn chỉ 4.800 đ/kg, năng suất đạt từ 33-35 giạ/công; lúa ML202 (lúa gà) giá 5.000 đ/kg năng suất đạt tương tự lúa IR50404.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trà Ôn, lúa Thu Đông 2017 gieo sạ trong 2 đợt với tổng diện tích là 8.989,9 ha.

Đến nay trong 4.545ha diện tích lúa gieo sạ trong đợt 1 (vụ Thu Đông sớm) đã chín và đang thu hoạch được 2.261 ha, năng suất bình quân (NSBT) đạt 5,8 tấn/ha.

Cụ thể, diện tích thu hoạch và năng suất bình quân tương ứng tại xã Thiện Mỹ 910ha- NSBQ 6 tấn/ha, xã Tân Mỹ 250 ha- NSBQ 5,5 tấn/ha, Vĩnh Xuân 621ha-NSBQ 6,1 tấn/ha, Tích Thiện 410ha- NSBQ 5,5 tấn/ha, Nhơn Bình 70ha- NSBQ 6 tấn/ha).

Theo nhận định của một số nông dân Trà Ôn, năng suất vụ lúa năm nay cũng ở mức trung bình như năm trước, nhưng giá lại thấp hơn vụ Thu Đông năm ngoái từ 100- 300 đ/kg.

Với giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng, bác Bảy Rùm cho biết, nếu lấy công làm lời thì người nông dân cũng còn lời khoảng 2 triệu đồng/công, nhưng nếu mướn nhân công toàn bộ thì nông dân còn lời “meo lắm”, từ 1 triệu đồng/công trở xuống.

Tấn Anh

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop