Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 11 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 11 năm 2020

Gia Lai: Phú Thiện phát triển và nâng cao giá trị cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Những năm gần đây, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khuyến khích người dân trồng cây ăn quả phù hợp với điều kiện địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản xuất.

Ông Đoàn Văn Thủy (thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ) kiểm tra vườn ổi đang kỳ thu hoạch. Ảnh: Vũ Chi

Phát huy lợi thế từ công trình thủy lợi, xã Ayun Hạ định hướng nông dân phát triển cây ăn quả, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, diện tích cây ăn quả của xã tăng gấp đôi so với 2 năm trước. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây ăn quả. Tiêu biểu như mô hình trồng ổi của ông Đoàn Văn Thủy và Nguyễn Văn Vỹ (thôn Đoàn Kết), mô hình trồng xoài và bưởi của ông Lê Xuân Sót (Plei Ơi), mô hình trồng mít, na, bơ của ông Phạm Văn Nhiệm (thôn Thanh Thượng).

Sau 6 năm xuống giống, vườn cây ăn quả rộng 4,5 ha của ông Đoàn Văn Thủy (thôn Đoàn Kết) đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Đưa chúng tôi tham quan vườn cây, ông cho biết: Trước đây, ông trồng mì nhưng năng suất thấp, thu nhập chẳng được là bao. Năm 2013, sau nhiều lần tham quan tại các nhà vườn và được bạn bè tư vấn, ông đổ thêm một lớp đất màu để cải tạo vườn rồi trồng thử nghiệm 1.000 cây ổi Đài Loan.

Sau 2 năm, nhận thấy cây ổi phát triển tốt, ông trồng thêm 1.000 cây. Đến nay, 4,5 ha vườn được trồng 8.000 cây xoài, mít, chanh, bưởi da xanh, bơ… Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, ông thu về gần 700 triệu đồng.

“Tôi mới đăng ký tham gia Chương trình OCOP cho sản phẩm ổi Đài Loan nhằm xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất. Được UBND xã chỉ đạo, chúng tôi cũng thành lập Nông hội nhà vườn xã Ayun Hạ để chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ giống, kỹ thuật, đầu mối tiêu thụ sản phẩm”-ông Thủy bộc bạch.

Nhờ ép ra hoa trái vụ, 2000 cây nhãn của gia đình ông Lại Quang Huấn (thôn Ia Chă Wău, xã Chư A Thai) hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao. Ảnh: Vũ Chi

Tại xã Chư A Thai, ngoài 8 ha xoài Úc mới được trồng thì nhãn đang là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Ông Lại Quang Huấn (làng Ia Chă Wău) sở hữu trang trại rộng 11 ha, trong đó có 5 ha cây ăn quả gồm 200 cây xoài tượng và gần 2.000 cây nhãn. Năm 2016, giá mía giảm mạnh, ông đã chuyển đổi 1/2 diện tích sang trồng cây ăn quả. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông áp dụng khoa học kỹ thuật cho cây trồng ra hoa trái vụ. Hiện tại, khoảng 1.000 cây nhãn chuẩn bị cho thu hoạch.

“Nhờ không trùng với vụ thu hoạch chính nên thường bán giá cao. Mỗi năm, gia đình tôi thu về 800 triệu đồng. Con số này sẽ tăng lên trong những năm tới khi cây trồng phát triển thêm và cho thu hoạch”-ông Huấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Huấn, trồng cây ăn quả phải đảm bảo quy trình kỹ thuật, đặc biệt là giai đoạn đầu, tránh cây bị nhiễm bệnh. Ngoài sâu đục thân thì ruồi vàng gây hại trong thời kỳ ra quả cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng cây trồng. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, người dân phải kết hợp các biện pháp dân gian như sử dụng thuốc nhử ruồi để vừa diệt ruồi hiệu quả vừa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho sản phẩm.

Huyện Phú Thiện hiện có khoảng 348 ha cây ăn quả, trong đó tập trung nhiều ở các xã Ayun Hạ, Ia Peng, Chư A Thai… Các loại cây trồng chiếm ưu thế gồm: xoài, chanh, ổi, na dai, mít. Thực hiện Đề án phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, huyện phấn đấu đến năm 2025 diện tích cây ăn quả tăng lên khoảng 500 ha.

Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Tuy mới phát triển nhưng cây ăn quả đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trước đây. Nhằm hỗ trợ người dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các ban, ngành, địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, hình thành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

“Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên phát triển ồ ạt mà phải tìm hiểu giống cây trồng có năng suất cao, đầu ra ổn định, khuyến khích người dân đăng ký tham gia Chương trình OCOP, đảm bảo quy trình sản xuất theo hướng VietGAP để tạo thương hiệu cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế”-ông Thành nhấn mạnh.

VŨ CHI

Quảng Trị: Người trồng cam ở Phong Bình thiệt hại nặng

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Những đợt mưa lũ lớn kéo dài cùng ảnh hưởng bão số 9 vừa qua dẫn đến tình trạng đất thừa nước, gây úng những vườn cam ở xã Phong Bình, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Hàng tấn cam đang vào mùa thu hoạch đã bị rụng chất đống, gây thiệt hại rất lớn cho nhà vườn.

Anh Lê Thanh bên vườn cam đang bị rụng quả do úng nước - Ảnh: T.L

Anh Lê Thanh ở thôn Xuân Tiến, xã Phong Bình, huyện Gio Linh đại diện cho nhóm hộ sở hữu trang trại cam Xã Đoài có diện tích 4,5 ha trồng theo phương pháp hữu cơ, không phun thuốc trừ sâu và không bón phân hóa học, giăng màn cho cây để tránh sâu bọ phá hoại. Nhờ thích nghi tốt với đất đỏ pha sỏi và tiểu khí hậu tại địa phương nên cam phát triển tốt, các năm trước cho năng suất trung bình 10 tấn/ha. Vụ cam năm 2020 còn được mùa hơn, ước tính năng suất cao hơn năm trước 2 tấn/ha. Nhóm hộ anh Thanh hy vọng sẽ có một mùa cam bội thu, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Thế nhưng lượng mưa quá lớn tạo nên các trận lũ liên tiếp trong tháng 10/2020 cùng với ảnh hưởng bão số 9 vừa qua đã làm trang trại cam của nhóm hộ này bị úng vì đất thừa nước, những trái cam trên cây cứ thế rụng hàng loạt, gây thiệt hại lên đến 60 %. Anh Thanh cho biết, tháng 11 này đang là cao điểm mùa thu hoạch cam. Giống cam Xã Đoài của trang trại quả mọng nước, ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá bán tại vườn 25 nghìn đồng/kg, nếu đưa vào thành phố Đông Hà bán đến 30 nghìn đồng/kg. Anh Thanh tính toán sản lượng cam năm nay của trang trại chừng 50 tấn, nhưng đã có gần 30 tấn bị rụng, đến thời điểm này anh chỉ mới thu hoạch bán được 5 tấn quả. Số quả còn lại trên các cây cam tưởng chừng sẽ duy trì được nhưng mấy ngày này vườn cam của nhóm hộ vẫn tiếp tục rụng quả, nhiều cây rụng không còn một quả.

Tránh tình trạng cam thối làm chua đất ảnh hưởng đến cây cũng như chất lượng quả ở vụ mùa sau, nhóm hộ phải tốn thêm tiền thuê người khẩn trương thu gom, chôn lấp số cam rụng ra khu vực khác. Nhìn cam rụng dày dưới gốc cây, anh Thanh không khỏi xót xa cho biết, để góp phần tiêu thụ nhanh sản lượng cam còn lại, giảm bớt thiệt hại do mưa lũ gây ra, vào chiều ngày 3/11/2020 nhóm hộ này đã quyết định giảm giá bán tại vườn từ 25 nghìn xuống 22 nghìn đồng/kg để thúc đẩy quá trình tiêu thụ và tích cực tìm kiếm thêm thị trường.

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình Bùi Ngọc Dương cho biết, sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình trồng cam hữu cơ giống Xã Đoài, có thể khẳng định mô hình nhóm hộ anh Thanh làm rất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, được chính quyền địa phương rất quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên mưa lũ cùng với ảnh hưởng bão số 9 vừa qua đã khiến trang trại cam thiệt hại nặng nề. Thời điểm này nhóm hộ đang tích cực thu hoạch để kịp tiêu thụ nhằm vớt vát được phần nào trước thất thu quá lớn này. UBND xã Phong Bình kiến nghị với các cấp tạo điều kiện cho người trồng cam được vay vốn ưu đãi, gia hạn vốn vay và hỗ trợ kỹ thuật, thị trường tiêu thụ để xã nhân rộng mô hình này theo kế hoạch trồng đạt diện tích 20 ha trong các năm đến.

Ông Nguyễn Trung Hậu, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đơn vị phối hợp với nhóm hộ trên triển khai mô hình cam hữu cơ cho biết, không chỉ vườn cam của nhóm hộ này, nhiều vườn cam ở huyện Gio Linh cũng bị rụng do úng nước, cây chết. Thời tiết không thuận lợi là nguyên nhân khiến cam rụng quả nhiều. Trước tình hình này, trung tâm yêu cầu các địa phương và chủ vườn thực hiện tiêu thoát nước tốt nhằm giảm tình trạng cây bị úng; không bón phân ngay sau khi trời mưa và phòng trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, cần huy động nhân công thu gom cam rụng vào các hố tập trung, sử dụng vôi bột rắc phủ trên cam rụng và chôn lấp kín để hạn chế côn trùng, nấm bệnh phát sinh gây hại cho vụ tới. Tích cực tìm kiếm, giới thiệu thêm các đầu mối tiêu thụ cam, đồng thời thực hiện các biện pháp kỹ thuật, bón phân cân đối để tăng sức chống chịu cho vườn cam.

Tú Linh

Phú Thọ: Đoan Hùng hiện có hơn 2.450 ha bưởi

Nguồn tin: Báo Phú Thọ

Với diện tích hơn 2.450 ha, cây Bưởi đang là cây kinh tế chủ lực của huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ), góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giầu cho nhiều địa phương trên địa bàn

Theo thống kê, huyện Đoan Hùng đang có 2.450ha bưởi và là địa phương đang dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích trồng bưởi. Cụ thể bưởi đặc sản là bưởi Sửu hiện có 530ha, bưởi Bằng Luân có 890ha, bưởi Diễn là 830ha....với sản lượng bưởi đặc sản 8.000 tấn/ năm, giá trị sản phẩm đạt trên 180 tỷ đồng.

So sánh với các cây trồng khác, bình quân 1ha bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa, gấp 20 lần trồng cây lâm nghiệp, gấp 5 lần trồng chè. Cây bưởi đã trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện Đoan Hùng. Cũng theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 4.900ha bưởi; trong đó có 3.000ha bưởi cho thu hoạch; 151 vùng liên kết sản xuất theo hình thức liên gia, liên thôn, liên xã. Trong những năm qua, người dân trồng bưởi đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGap, dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, từ đó nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, trung bình mỗi năm thu 150 - 200 triệu đồng từ cây bưởi.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, các huyện Đoan Hùng, Thanh Sơn và Yên Lập sẽ trồng mới trên 4.000ha bưởi, nâng số diện tích bưởi toàn tỉnh lên 9.000ha.

Minh Tự

Trung tâm công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh phát huy thế mạnh sản xuất giống cây con chất lượng

Nguồn tin:  Khoa học Phổ thông

Là đơn vị đi đầu trong sản xuất các giống cây con chất lượng, có giá trị kinh tế cao, Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM liên tục triển khai các hoạt động nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng. Góp phần to lớn đưa TP.HCM trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao của cả nước.

Trung tâm công nghệ sinh học (CNSH) TP.HCM (trực thuộc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố) được thành lập năm 2004, chính thức đi vào hoạt động vào năm 2005. Trung tâm được xây dựng trên khuôn viên rộng 23 ha (quận 12, TP.HCM) với hơn mười phân khu chức năng. Trong đó, các phân khu quan trọng nhất là khu nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm với 12 phòng thí nghiệm về CNSH, khu sản xuất chế phẩm sinh học, khu nuôi động vật thử nghiệm, khu nhà kính, nhà lưới...

Với nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao CNSH phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghiệp thực phẩm và y dược học. Tiếp nhận, triển khai các quy trình, kỹ thuật hiện đại về CNSH (công nghệ gen, công nghệ tế bào động thực vật, công nghệ vi sinh, công nghệ lên men...) phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp và xử lý môi trường. Đồng thời, Trung tâm CNSH TP.HCM còn có nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện các kỹ thuật viên và sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm CNSH.

Đây cũng là một trong những đơn vị tham gia thực hiện các chương trình trọng điểm của thành phố và đã triển khai nhiều nội dung nghiên cứu theo hướng ứng dụng CNSH vào công tác chọn tạo giống mới thích nghi với điều kiện khí hậu khu vực Nam bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng. Nhờ đó, góp phần đưa thành phố trở thành trung tâm giống cây trồng cho vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Tiến tới nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 60 - 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả thành phố.

Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng có giá trị kinh tế thích nghi với điều kiện khí hậu khu vực Nam bộ. Đặc biệt là chọn tạo giống hoa lan dendrobium, dưa lưới, cà chua bi, ớt ngọt, dưa leo... Trong giai đoạn 2018 - 2019, trung tâm đã cung cấp trên 20.000 cây cấy mô từ 12 giống lan lai đã được bảo hộ để phục vụ xây dựng mô hình sản xuất lan dendrobium. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã tuyển chọn được 15 dòng dưa lưới đạt độ thuần trên 90% về một số tính trạng chính như dạng trái, mật độ lưới, khối lượng trái, độ giòn, độ ngọt.

Về chọn tạo giống ớt ngọt chịu nhiệt, trung tâm đã sàng lọc được 37 cá thể thế hệ F5 - F7 có nhiều đặc điểm tốt phù hợp với yêu cầu chọn giống như kích thước trái, hình dạng trái, màu sắc vỏ trái và có khả năng kháng bệnh.

Ngoài ra, Trung tâm CNSH TP.HCM cũng tiến hành chọn lọc và nhân giống in vitro một số giống hoa, kiểng lá, dược liệu có triển vọng. Kết hợp thực hiện lưu trữ và bảo tồn nguồn gen các giống rau, hoa, kiểng lá và cây dược liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất. Trung tâm đã sưu tập được 381 giống lan (trong đó có 145 giống lan rừng), 166 giống kiểng lá, 124 giống hoa nền, 26 giống hoa hồng và 110 giống dược liệu. Hiện nay, trung tâm đang tiến hành nhân nhanh 21 giống lan dendrobium, 3 giống lan hồ điệp, 6 giống lan rừng, 6 giống dược liệu.

AN CHI

Phòng, tránh tai nạn về điện trong mùa mưa bão

Nguồn tin:  Công Thương

Ở khu vực miền Nam, tai nạn về điện dễ xảy ra trong mùa mưa bão, nhất là lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp, trồng thanh long, tưới tiêu nước trên đồng ruộng. Dù ngành điện rất nỗ lực tuyên truyền, khuyến cáo người dân cách sử dụng điện an toàn, nhưng tai nạn về điện vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương.

Hướng dẫn người dân miền Tây Nam bộ sử dụng điện an toàn

Trong những năm gần đây, Công ty Điện lực (PC) Bến Tre tổ chức nhiều cuộc vận động, tập huấn hướng dẫn khách hàng các giải pháp sử dụng điện đúng cách, cảnh báo sự nguy hiểm dùng điện câu móc, đấu nối sai kỹ thuật, dẫn đến rò rỉ điện gây tử vong và làm hư hại tài sản. Tuy nhiên, các sự cố tai nạn về điện, nhất là vào mùa mưa bão, vẫn xảy ra. Đầu tháng 10/2020, 8 công nhân của Công ty Cấp nước Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày, Bến Tre) được giao sửa chữa máy bơm nước bị hỏng. Do lớp vỏ bọc cách điện của dây máy bơm bị bong tróc, đã làm hai công nhân tử vong, 3 công nhân bị thương nặng. Đây là một trong những vụ tai nạn về điện điển hình.

Từ đầu năm đến nay, trong hoạt động nuôi tôm công nghiệp, trồng thanh long, tưới tiêu hoa màu trên đồng ruộng ở khu vực miền Nam xảy ra không ít tai nạn do sự cố điện gây ra. Ông Đỗ Anh Duy - Phó trưởng Phòng An toàn, PC Sóc Trăng - cho biết, năm 2019, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, xảy ra 30 vụ. 6 tháng đầu năm 2020, có 5 vụ tai nạn về điện trong hoạt động nuôi tôm công nghiệp. Số vụ tại nạn về điện ở Sóc Trăng tuy có giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão.

Năm 2019, PC Sóc Trăng đã đầu tư 12,2 tỷ đồng để kéo dây điện, lắp mới trạm biến áp và xóa 2.423 hộ câu đuôi. Năm nay, việc đầu tư hệ thống điện vẫn đang được triển khai, tiếp tục ưu tiên xóa 3.728 hộ sử dụng điện câu phụ nhằm góp phần hạn chế thấp nhất những tai nạn về điện.

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn đã xảy ra 21 vụ tai nạn điện, làm tử vong 19 người và 2 người bị thương. Trong đó, tai nạn về điện do nuôi tôm công nghiệp xảy ra 3 vụ, làm tử vong 3 người; tai nạn về điện trong sinh hoạt có 13 vụ, làm tử vong 14 người; vi phạm hành lang lưới điện có 4 vụ, gây tử vong 2 người. Địa bàn xảy ra các vụ tai nạn về điện từ đầu năm đến nay tập trung tại các huyện Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Phú Tân và Đầm Dơi.

Các chuyên gia về điện cho rằng, với lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp, không ít hộ dân sử dụng điện rất chủ quan. Nhiều hộ nuôi tôm muốn giảm chi phí nên chỉ kéo dây nóng vào ao nuôi để đấu nối môtơ điện chạy quạt oxy, dây nguội được dẫn xuống đất. Khi chăm sóc, thu hoạch tôm, vô tình chạm vào dây dẫn điện ghim dưới ao, gây nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. "Cách đấu dây nối dây, dựng trụ bằng bê tông cốt thép để an toàn trong vận hành khi trời mưa giông. Theo đó, trụ điện dành cho ao nuôi tôm phải dựng với khoảng cách gần nhau và kéo bằng hai dây phù hợp công suất để sử dụng" - ông Nguyễn Văn Luy - Phòng An toàn, PC Cà Mau - chia sẻ.

Để khắc phục, hạn chế những sự cố về điện, nhất là trong mùa mưa bão, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục công tác truyền thông đến các cơ quan, trường học và người dân cách sử dụng điện an toàn. Mặc khác, EVNSPC chỉ đạo các đơn vị thành viên tại 21 tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sử dụng điện và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn điện.

Ông LÂM XUÂN TUẤN - Phó Tổng giám đốc EVNSPC: An toàn về điện là một trong những tiêu chí ưu tiên thực hiện hàng đầu của EVNSPC. Những năm qua, EVNSPC đã đầu tư xây dựng nhiều công trình điện; tổ chức tuyền thông, tập huấn về các giải pháp sử dụng điện toàn đến từng khách hàng sử dụng điện, nhưng các tai nạn về điện vẫn còn xảy ra.

Trần Thế

Bạc Liêu: Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Biến đổi khí hậu đang là thách thức đối với quá trình phát triển của tỉnh Bạc Liêu, vì thế ngành Nông nghiệp đã quan tâm xây dựng những mô hình sản xuất thích ứng và mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó, mô hình lúa - tôm là một điển hình.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (người thứ hai từ phải sang) kiểm tra tình hình xuống giống lúa ST 24 ở TX. Giá Rai.

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH LÚA - TÔM

Sản xuất lúa - tôm được xác định là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Nắm bắt lợi thế này, thời gian qua TX. Giá Rai đã chỉ đạo phát triển mô hình lúa - tôm, nhằm từng bước làm thay đổi thói quen trong sản xuất độc canh con tôm và tư duy sản xuất của người nông dân, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện sản xuất đa canh trên cùng một đơn vị diện tích. Theo đó, diện tích áp dụng mô hình này ngày càng tăng, đến năm 2019 TX. Giá Rai có hơn 3.000ha lúa - tôm. Thực tiễn cho thấy, khi áp dụng mô hình lúa - tôn thì lúa ít sâu bệnh, ít bón phân, môi trường đồng ruộng được cải tạo tốt, góp phần giảm rủi ro cho vụ tôm. Từ đó, năng suất lúa đạt 5 tấn/ha, tôm khoảng 400kg/ha, tổng thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Cá biệt, hộ ông Trịnh Văn Điện (xã Tân Thạnh) áp dụng mô hình lúa - tôm rất hiệu quả, nhiều năm liền, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi gần 100 triệu đồng/ha/năm.

Còn ở huyện Phước Long - “thủ phủ” của mô hình sản xuất lúa - tôm, năm 2019 toàn huyện đưa vào sản xuất khoảng 13.000ha. Nhờ mô hình phát triển và mang lại hiệu quả cao, nên năm 2020, toàn huyện đã có hơn 13.800ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm, tăng khoảng 800ha.

Mô hình lúa - tôm còn được nông dân sản xuất kết hợp một vụ lúa với tôm càng xanh (con tôm ôm cây lúa) và một vụ chuyên tôm. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình tôm - lúa ở TX. Giá Rai. Ảnh: M.Đ

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN "LÚA THƠM, TÔM SẠCH"

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hướng tới nhân rộng mô hình “lúa thơm, tôm sạch”, tỉnh đã triển khai sản xuất 3.560ha giống lúa ST 24, ST 25 trên vùng lúa - tôm tại các huyện: Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi và TX. Giá Rai… Để mô hình đạt hiệu quả, ngành chức năng đã tổ chức 64 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác với sự tham dự của 2.600 lượt nông dân. Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị có liên quan, các tổ chức hỗ trợ nông dân sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP gắn với cánh đồng lớn…

Có thể nói, sản xuất lúa - tôm là mô hình không mới đối với nông dân trong tỉnh. Song, để mô hình ngày càng phát triển, tỉnh khuyến khích nông dân tiếp tục chuyển đổi diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang áp dụng mô hình lúa - tôm. Bởi theo các nhà khoa học, đây là mô hình hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Và tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển hơn 37.000ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Đối với mô hình lúa - tôm, trước đây bà con chưa quan tâm nhiều đến cây lúa, chủ yếu là con tôm. Lúa chỉ là vụ phụ, nhưng hiện nay có nhiều giống lúa chất lượng cao cho năng suất và giá trị. Vì vậy, phát triển mô hình là chú trọng cả lúa và tôm. Đồng thời, mục tiêu hướng đến là canh tác lúa - tôm theo hướng “lúa thơm, tôm sạch”, lúa - tôm hữu cơ, nhằm nâng cao giá trị con tôm và hạt lúa, tăng thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khốc liệt, mô hình lúa - tôm được xác định là mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, là giải pháp sản xuất thích ứng của nông dân trong giai đoạn hiện nay”.

MINH CHÂU

Quảng Ninh: Rau thủy canh công nghệ cao ở Đông Triều

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Với thế mạnh về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, TX Đông Triều đã phát triển nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh những lợi thế được tự nhiên ưu đãi, thị xã cũng dành sự quan tâm đầu tư không nhỏ cho ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mô hình rau thủy canh Green Farm 188 đang được thị trường đón nhận tích cực bởi chất lượng và đảm bảo các yếu tố về VSATTP.

Mô hình rau thủy canh tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188.

Nhờ đáp ứng được tiêu chuẩn cao, năm 2016, mô hình sản xuất rau thủy canh (Green Farm 188) của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188, phường Mạo Khê, TX Đông Triều, đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với diện tích 2,5ha nhà màng trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu, là công nghệ trồng rau hiện đại, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố về ánh sáng, nhiệt độ, độ thông khí và nhất là thành phần dinh dưỡng giúp cây rau sinh trưởng và phát triển tốt nhất, đảm bảo VSATTP và giữ lại được hàm lượng vi chất cao hơn nhiều lần so với rau trồng theo các phương pháp thông thường.

Chị Đỗ Thị Thanh Huyền, nhân viên Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188, cho biết: Rau thủy canh ở đây khác với rau trồng đất, rau hữu cơ ở chỗ phát triển sinh trưởng hoàn toàn trong môi trường nước. Tuy nhiên, nước để nuôi dưỡng rau ở đây lại là nước dinh dưỡng được pha chế theo công thức riêng của công ty để đảm bảo cho sự tăng trưởng của rau. Cùng với đó, rau được trồng trong nhà màng, cũng sẽ hạn chế tối đa được côn trùng nên hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc. Nhờ đó, cây rau phát triển tốt và lưu giữ được các vi chất rất tốt cho sức khỏe. Tại đây, tất cả các khâu từ ươm giống đến thu hoạch và tiến hành đóng gói đều phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng cây rau và mẫu mã trước khi đưa ra thị trường.

Hiện nay, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 đang canh tác khoảng 10 loại rau, củ, quả phục vụ nhu cầu của thị trường, như: Rau muống, rau cải, rau đay, rau mồng tơi, xà lách, cà chua toiro, dưa leo baby, đỗ cove, ớt chuông... Toàn bộ hạt giống đều được nhập khẩu từ Isarel và Hà Lan. Mỗi tuần, đơn vị cung cấp cho thị trường khoảng 2,5 tấn rau, củ, quả các loại. Các sản phẩm rau thủy canh Green Farm 188 cũng đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP Quảng Ninh, đạt 3 sao, thường cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn cao cấp, hiện đã có mặt tại BigC, cũng như nhiều hệ thống thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh và một số khu vực miền Bắc.

Quá trình phân loại, đóng gói các loại rau thủy canh được thực hiện kỹ lưỡng và đảm bảo VSATTP.

Chị Lê Thị Hằng (phường Hồng Hải, TP Hạ Long), chia sẻ: So với các loại rau trồng ở ngoài thì rau thủy canh có mẫu mã và chất lượng rất tốt. Từ khi sử dụng các sản phẩm rau thủy canh, gia đình tôi cảm thấy rất yên tâm vì chất lượng và đảm bảo được các yếu tố về VSATTP.

Tươi ngon, giàu dưỡng chất và tuyệt đối đảm bảo VSATTP, rau thủy canh Green Farm 188 của Đông Triều đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, đồng thời cũng là đặc sản của nông nghiệp địa phương. Hiện ở Quảng Ninh, người dân và du khách có thể mua sản phẩm rau thủy canh Green Farm 188 tại BigC Hạ Long, chuỗi cửa hàng Ozone, Vinmart, vinmart+, MM Mega Maket... với giá từ 15.000-35.000 đồng tuỳ loại.

Minh Đức

Hiệu quả mô hình nuôi vịt biển ở môi trường nước ngọt tại Quảng Trị

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Vịt biển 15 - Đại Xuyên (còn được gọi là vịt biển) là giống gia cầm mới được công nhận giống và chuyển giao sản xuất vào tháng 6 năm 2014 ở nước ta và là cái tên còn khá mới trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Quảng Trị.

Thấy được tiềm năng của của vùng đất Quảng Trị có bờ biển dài và để tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng biển bãi ngang; năm 2018 Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị xây dựng mô hình nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học tại các xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong), Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng). Qua quá trình theo dõi cho thấy các thông số kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu kỹ thuật đề ra, mô hình phù hợp với nhiều hộ dân sống tại vùng ven biển.

Để khẳng định giống vịt biển nuôi được trong điều kiện nhiều nguồn nước và phương thức nuôi khác nhau, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp với Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học trong môi trường nước ngọt cho 10 hộ dân trên địa bàn xã Hải Định, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Với quy mô 3.400 con, 10 hộ tham gia được hỗ trợ 50% giá trị về giống, thức ăn và thuốc thú y. Mục tiêu của mô hình nhằm chuyển giao đến nông dân giống vịt mới có khả năng thích nghi ở nhiều môi trường nước, tạo sinh kế cho các hộ dân vùng nước lợ, nước mặn... và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; là điểm trình diễn cho các nông dân khác trong vùng tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Kỹ sư Trần Lương, Trạm Khuyến nông Hải Lăng (cán bộ phụ trách thực hiện mô hình) cho biết: Trước khi nhận con giống và vật tư, các hộ tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật kiểm tra các điều kiện, tiềm năng chăn nuôi như chuồng trại, tài chính, nhân công. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, các hộ dân đã được hướng dẫn về quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cách phòng trừ dịch bệnh, phương pháp ghi chép nhật ký chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học và hạch toán hiệu quả kinh tế của mô hình. Nhờ chọn con giống đạt tiêu chuẩn, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường, đặc biệt là khâu tiêm chủng đầy đủ nên đàn vịt ở các điểm thực hiện mô hình đều phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Vịt biển nuôi nhanh lớn và có khả năng cho lợi nhuận cao hơn so với nuôi giống vịt ở địa phương, tiêu tốn thức ăn thấp nên rất thích hợp với hình thức chăn nuôi công nghiệp.

Vịt biển nuôi trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt

Sau hơn 2 tháng nuôi đàn vịt biển 15- Đại Xuyên có sức đề kháng cao, tỷ lệ nuôi sống bình quân đạt 93%. Qua theo dõi của cán bộ kỹ thuật cho thấy những hộ nuôi vịt chăn thả trên khe nước chảy, hồ nước sạch không bị ô nhiễm thì có tỷ lệ nuôi sống cao. Vịt biển dễ nuôi, có khả năng thích nghi cao với nhiều phương thức nuôi khác nhau, có thể uống được nước nhiều nguồn khác nhau và tìm kiếm, sử dụng thức ăn từ thiên nhiên như cá, ốc,…với số lượng nhiều mà không bị tiêu chảy. So với một số giống vịt nuôi phổ biến tại Quảng Trị có cùng độ tuổi, thì giống vịt biển có khả năng tăng trọng nhanh hơn, kháng bệnh cao hơn. Trọng lượng bình quân đạt 2,73kg/con, vượt mức yêu cầu đề ra (>2,5kg/con) và cao hơn so với vịt lai nuôi tại địa phương có cùng độ tuổi từ 5-10%. Mô hình cho lợi nhuận bình quân đạt 5,8 triệu/MH (chưa tính khấu hao chuồng trại và công). Do vịt biển là đối tượng nuôi mới, nên hầu hết người dân và các thương lái chưa được biết đến chất lượng thịt của giống vịt biển, mặt khác tại thời điểm kết thúc mô hình do ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19 nên giá bán vịt thịt xuống thấp, vì vậy lợi nhuận thu được chưa cao so với trước đây.

Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu Vịt Đại Xuyên, đối với vịt biển có thể sử dụng 50% cá biển (cá đồng) trong khẩu phần thức ăn mà không gây ảnh hưởng đến tiêu hóa, trong khi đó giống vịt địa phương cho ăn 20% có thể bị tiêu chảy. Khả năng tìm kiếm và thu nhận thức ăn của giống vịt biển là rất tốt. So với các giống vịt địa phương có cùng thời gian nuôi thì vịt biển có khả năng tăng trọng nhanh, sức đề kháng cao hơn, ít bệnh, thịt của giống vịt biển nạc dày ít mỡ nên phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Từ kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Vịt Đại Xuyên và kết quả của mô hình nuôi vịt biển Đại xuyên 15 tại Quảng Trị trong những năm qua có thể khẳng định giống vịt biển nuôi được trong các điều kiện nước lợ, nước mặn, nước ngọt theo nhiều phương thức khác nhau như: nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi nhốt kết hợp cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt. Từ đó có thể khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu giống, thay đổi tập quán chăn nuôi vịt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra, đồng thời tạo ra sản phẩm thịt vịt với số lượng lớn, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo sinh kế cho người dân trong tỉnh./.

Thu Hiền, Trần Lương - Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị

Chủ động biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Chiều 4-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc lần đầu tiên được phát hiện tại Zambia vào năm 1929. Sau đó, dịch bệnh đã lây lan và lưu hành ở hầu khắp các châu lục. Đây là bệnh truyền nhiễm do một số loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra chủ yếu trên trâu, bò. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 14 ngày; tỷ lệ gây chết từ 1 đến 5%. Tuy nhiên, vi rút gây bệnh viêm da nổi cục không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.

Tại Việt Nam, từ giữa tháng 10-2020 đến nay, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra ở 13 xã thuộc 3 huyện của các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Tổng số gia súc mắc bệnh là 232 con, trong đó 19 con bị chết. Cụ thể, tại tỉnh Lạng Sơn, bệnh này xuất hiện tại 5 xã của huyện Hữu Lũng với tổng số 68 con bò mắc bệnh, trong đó, 6 con bị chết. Tại Cao Bằng, có 8 xã thuộc 2 huyện Hạ Lang, Hòa An có vật nuôi bị mắc bệnh, tổng số 164 con bò bị bệnh viêm da nổi cục,13 con bị chết.

Ngay sau khi xác định đàn bò ở 2 tỉnh nói trên bị bệnh, Cục Thú y đã thành lập 6 đoàn công tác trực tiếp đến phối hợp với chính quyền địa phương để chỉ đạo xử lý các ổ dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan diện rộng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã yêu cầu Cục Thú y chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về xét nghiệm để ứng phó với nguy cơ bùng phát bệnh viêm da nổi cục. Bộ cũng đã có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước tập trung ứng phó với nguy cơ bệnh.

Hiện, bệnh này mới chỉ xuất hiện ở một vài địa phương, không lây nhiễm và không gây bệnh trên người nên các hộ chăn nuôi và người dân nói chung không nên hoang mang. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tổ chức, hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.

Trong khi chờ vắc xin, Bộ chỉ đạo Cục Thú y phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp thí điểm sử dụng vắc xin phòng bệnh đậu ở dê để tiêm phòng cho đàn gia súc tại các xã đã có dịch, vì vi rút gây bệnh viêm da nổi cục cùng họ với vi rút gây bệnh đậu ở dê, có mức tương đồng kháng nguyên và gen di truyền hơn 95%...

Cùng với đó, các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi...

NGỌC QUỲNH

Bảo tồn nguồn gen, giữ vững thương hiệu gà Tiên Yên

Nguồn tin: VOV

Để có sản phẩm đặc sản trứ danh như gà Tiên Yên, phải kể đến công sức của những người luôn tìm tòi áp dụng các phương pháp khoa học tiên tiến, gìn giữ giống gà có nguồn gen quý hiếm này.

Gà Tiên Yên (Quảng Ninh) là giống gà bản địa với đôi mắt sáng, mào to đỏ rực, đặc biệt là có chòm râu dưới mỏ. Sau khi luộc da vàng ươm như thoa nghệ, có độ dày và bóng nhẫy. Thoạt trông, có cảm giác hơi ngậy, nhưng cắn một miếng mới thấy thật ngọt và giòn tan. Loài gà này, tính thuần hóa không cao, mỗi năm chỉ đẻ một vài lứa nhưng tỉ lệ trứng có phôi không cao nên giống gà này rất hiếm và chỉ được nuôi nhỏ lẻ trong các bản làng.

Ông Lý Văn Diểng, người Sán Dìu, Chủ tịch hội Nông dân huyện Tiên Yên cho biết, sau 3 năm nghiên cứu (2010-2013) với không biết bao nhiêu lần thất bại, ông đã thành công vì luôn khao khát bảo tồn nguồn gen quý cho dân bản.

Gà Tiên Yên là giống gà bản địa với đôi mắt sáng, mào to đỏ rực, đặc biệt là có chòm râu dưới mỏ

“Đây là công nghệ mới được thực hiện ở Việt Nam và được thực hiện từ năm 2013. Để gà trống đạp gà mái 1 cách tự nhiên thì tỷ lệ phôi không cao, đặc biệt chất lượng gà giống bị tạp giao, dẫn đến chất lượng giống thấp. Chỉ số nhân giống mới rất khó. Vì vậy, áp dụng công nghệ này tạo thuận lợi khi lấy tinh trùng thụ cho gà mái, tạo tính đồng đều cho gà giống rất cao và đặc biệt là tạo ra di truyền lớn nhất nhờ thụ tinh nhân tạo”, ông Lý Văn Diểng chia sẻ.

Gà Tiên Yên là 1 trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh được dày công xây dựng thương hiệu thông qua dán tem điện tử và đeo nhẫn truy xuất nguồn gốc. Gà Tiên Yên luôn được giá từ 120.000 - 200.000 đồng/kg và thường “cháy hàng” nhất là vào các dịp lễ, tết. Vào ngày thường, hơn 1.000 con gà được bán ra qua hệ thống chợ, các điểm dừng chân và các quán ăn dọc Quốc lộ 18A địa bàn huyện Tiên Yên. Bên cạnh đó, địa phương tích cực quảng bá, giới thiệu gà Tiên Yên vào bán tại các công ty, nhà hàng, siêu thị, như: TKV, Big C Hạ Long và các địa bàn lân cận như Hà Nội, Hải Phòng.

Huyện Tiên Yên đã hỗ trợ các trại gà sản xuất gà giống theo quy trình thụ tinh nhân tạo để duy trì nguồn gen quý

“Đối với giống gà Tiên Yên được thụ tinh nhân giống rất khỏe mạnh. Từ khi nở đến 21 ngày tuổi sẽ được chăm sóc theo phương pháp nuôi gà đồi, sau đó được tiêm các vắc xin phòng chống dịch, chăn toàn bộ là ngô. Gà thả đồi ở không gian rất rộng để chạy nhảy. Một con gà mái đạt chất lượng ngon phải từ 6 tháng còn gà thiến là 8 tháng. Gà Tiên Yên đã giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo và thoát nghèo bền vững”, anh Tô Văn Hà, một hộ nuôi gà tại xã Tiên Lãng chia sẻ.

Dù đã có thương hiệu, tuy nhiên để gà Tiên Yên phát triển như kỳ vọng và giữ vững được chất lượng như hiện nay, huyện Tiên Yên cần ứng dụng khoa học công nghệ để lựa chọn 1 bộ giống chuẩn đồng bộ về kiểu dáng, chất lượng màu da, độ ngọt, dai mềm của thịt... Quan trọng là cần lựa chọn những trang trại gà giống uy tín thực hiện đúng quy trình nuôi, xử lý vắc xin phòng bệnh, thuần dưỡng tạo tính ổn định, tránh mùa vụ như hiện nay.

Gà Tiên Yên được dán tem điện tử và đeo nhẫn truy xuất nguồn gốc, trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Quảng Ninh

“Chúng tôi sẽ phối hợp với những nhà khoa học để lựa chọn mã gen, tuyển chọn được bộ gen gốc và duy trì được hệ số duy trì tối ưu nhất để bảo tồn và gìn giữ chất lượng tốt nhất cho thương hiệu gà Tiên Yên”, ông Lâm Văn Phong, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh cho biết.

Từ truyền thuyết trên dãy Pạc Sủi, Tiên Yên đã xây dựng thành công hình tượng Vua gà với tên gọi gợi thương, gợi nhớ – "Tiên Yên nơi bình minh thức giấc". Việc áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà Tiên Yên không chỉ là bước đột phá cho ngành nông nghiệp mà còn là câu chuyện đầy cảm hứng, giúp người nông dân nhất là cộng đồng người Tày, Dao, Sán Chỉ làm giàu trên mảnh đất khó, đưa gà Tiên Yên trở thành niềm tự hào của vùng đất vốn rất giàu bản sắc văn hóa vùng Đông Bắc, Quảng Ninh./.

Vũ Miền/VOV-Đông Bắc

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop