Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 12 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 12 năm 2016

Xây dựng thương hiệu cho vùng trái cây

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Nhiều khả năng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ lần đầu tiên vượt ngành lúa gạo trong năm 2016, riêng mặt hàng trái cây cũng là năm được giá ở thị trường nội địa.

Đó là nỗ lực của ngành nông nghiệp và nông dân trong việc tạo niềm tin của khách hàng đối với trái cây Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Nhiều địa phương đã chú ý xây dựng thương hiệu cho vùng trái cây với những cách làm hay.

Mở cửa thị trường tiềm năng

Vú sữa Lò Rèn Phong Điền cũng đang sản xuất theo quy trình an toàn và chuẩn bị đăng ký chứng nhận VietGAP.

Theo ông Nguyễn Minh Tiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), hiện nay huyện tập trung phát triển 3 loại trái cây chính là: xoài, chanh, ổi.

Trong đó, xoài có diện tích lớn nhất với 3.700ha, sản lượng hàng năm trên 30.000 tấn và áp dụng kỹ thuật rải vụ cho trái quanh năm. Xoài cát Hòa Lộc, cát Chu được chứng nhận nhãn hiệu xoài Cao Lãnh, đây là yếu tố quan trọng giúp trái xoài chinh phục người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Cây chanh hiện có 800ha, tiềm năng thị trường rất lớn. Trước kia, nếu chỉ tiêu thụ chanh ở nội địa thì thời gian gần đây được các nhà phân phối lớn trong và ngoài nước chú ý.

Chẳng hạn, Công ty In Jae (Hàn Quốc) đã đạt được thỏa thuận liên kết tiêu thụ chanh tươi với Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh. Tập đoàn Vingroup đã ký hợp đồng nguyên tắc đưa chanh vào hệ thống siêu thị…

Hiện xoài Cao Lãnh có 90ha được nhà vườn sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP và “các thị trường đều đòi hỏi trái cây phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy diện tích sản xuất theo quy trình được chứng nhận còn khiêm tốn, nhưng hầu hết nhà vườn đã ý thức sản xuất an toàn”- ông Nguyễn Minh Tiền nói.

Từ hơn 10 năm qua, ngành nông nghiệp đã bắt tay cùng nông dân ứng dụng các biện pháp sản xuất an toàn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… để nâng chất lượng sản phẩm, mẫu mã đẹp hơn.

Tương tự, vùng trái cây Phong Điền (TP Cần Thơ) hiện có 6.500ha và dự kiến sẽ tăng lên 8.000ha vào năm 2020.

Ông Trần Thái Nghiêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Phong Điền, cho hay huyện xác định cây ăn trái chủ lực là: dâu Hạ Châu, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng,... Xây dựng vùng sản xuất tập trung, mỗi mùa đều có mùa trái cây.

Đến nay trái cây của huyện chưa được chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP, nhưng theo ông từ nhiều năm qua ngành nông nghiệp đã khuyến cáo và cùng nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, nâng cao nhận thức cho nông dân.

Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn còn nắm bắt nhu cầu của du khách gắn với du lịch sinh thái, “xuất khẩu” trái cây ngay tại vườn.

Anh Phan Thanh Trung - Phó Trạm Khuyến nông Phong Điền cũng cho rằng: “Chúng tôi đang thực hiện theo hướng VietGAP một số vườn cây ăn trái, thường xuyên tập huấn kỹ thuật và rút kinh nghiệm để nhân rộng sản xuất an toàn.

Hiện khoảng 30% nông dân áp dụng giải pháp này và tuân thủ thời gian cách ly. Nhiều hộ mới xịt thuốc kêu hái trái bán giá cao nhất định không hái, nên trái cây tự tin bước ra thị trường”.

Quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm

Anh Trung hướng dẫn kỹ thuật và thường xuyên trao đổi rút kinh nghiệm sản xuất với nhà vườn.

Với thương hiệu trái cây Phong Điền, theo ông Trần Thái Nghiêm, nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề liên kết tiêu thụ trái cây. Mặc dù chất lượng trái cây của huyện “được khách hàng ưa chuộng, bán được giá cao”, nhưng tới đây cũng phải áp dụng theo quy trình an toàn để được cấp “visa” ra thị trường.

Đồng thời, đưa ra những khuyến cáo về việc mở rộng diện tích để tránh thừa hàng dội chợ. Nếu như năm 2004 diện tích trồng dâu Hạ Châu chỉ 28ha thì đến 2013 tăng lên 600ha, vú sữa đến nay đã có 1.038ha và cũng khuyến cáo không mở rộng.

Ông Trần Thái Nghiêm cho rằng: “Quan điểm của huyện không phải loại cây nào đang được giá cao là mở rộng diện tích, mà phải dựa trên nhu cầu của thị trường.

Vì thế, ngành nông nghiệp cùng nông dân thử nghiệm giống mới, xác định tiềm năng về thị trường, chất lượng sản phẩm và tính thích nghi thổ nhưỡng, điều kiện canh tác… Khi giống cây mới đáp ứng được các yêu cầu này thì sẽ ưu tiên phát triển”.

Ngoài thị trường tiêu thụ nội địa, theo ông Tiền, xoài Cao Lãnh đã “xuất ngoại” sang New Zealand, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nhiều đối tác từ Nga, Ba Lan đang tìm hiểu đặc điểm trái cây Đồng Tháp để đầu tư. Huyện cũng đang đăng ký xuất khẩu thêm ở các nước EU, Mỹ, Nhật.

Các thị trường nước ngoài đòi hỏi chất lượng rất cao. Yêu cầu họ đặt ra là sản phẩm phải đảm bảo sản xuất theo quy trình VietGAP, mẫu mã và chất lượng phải đồng nhất. Sau khi thu hoạch, chanh phải được sơ chế, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Theo ông Nguyễn Văn Đúng - Phó Giám đốc Hợp ta1x xã Xoài Mỹ Sương, ngoài việc sản xuất đúng kỹ thuật, bắt buộc phải bao trái, khi thu hoạch xoài cũng phải được sơ chế qua nước nóng 45 độ giúp bảo quản được lâu hơn và vỏ xoài đẹp.

Đến nay, ông Nguyễn Minh Tiền cho biết: “Hơn 90% nhà vườn áp dụng bao trái. Trái cây được bao sẽ đẹp hơn và cho lợi nhuận cao hơn”.

Thay đổi tập quán sản xuất, theo ông “đó là quá trình trần ai”. “Lúc đầu người dân không chịu hợp tác, phun thuốc vô tội vạ. Chúng tôi vận động, tuyên truyền hoài hoài, hạn chế phân thuốc để an toàn cho người tiêu dùng, bao trái để xoài có da mịn, láng bóng”.

“Bây giờ trồng xoài biểu nông dân đừng bao trái là họ cự liền. Bởi thực tế, trái cây được bao trái giá luôn cao hơn 2.000 - 3.000 đ/kg so với không bao trái. Khi có sản phẩm chất lượng rồi thì trái cây được nhiều đối tác, doanh nghiệp tìm tới” - ông Nguyễn Minh Tiền đúc kết như vậy.

Hiện Phong Điền đang phát triển nhiều giống cây ăn trái mới thích nghi điều kiện thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn, mô hình trồng cam mật không hạt của anh Phạm Văn Đảo (ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới) là sự “bắt tay” của nhà vườn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mới và ngành nông nghiệp chuyển giao khoa học kỹ thuật. Vườn cam hơn 2 năm đã cho những trái ngọt đầu tiên. Cam mật không hạt có ưu điểm nước nhiều, dễ lột vỏ… Hiện được bán với giá 60.000 đ/kg.

TRẦN PHƯỚC - THẢO LY

Trái cây Tết: Nhiều biến động do thời tiết

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều loại cây ăn trái đã và đang được nhà vườn chăm sóc, xử lý để cho trái thu hoạch bán tết. Dù chưa đến thời điểm thu hoạch nhưng nhiều nhà vườn đánh giá, vụ tết này sẽ có không ít loại trái cây thu hoạch trễ vụ, năng suất thấp hơn mọi năm.

Năng suất giảm do thời tiết

Không như mọi năm, năng suất cho trái của sa pô trong năm 2016 khá thấp. Đặc biệt, trong đợt cho trái vụ tết này, sản lượng giảm rõ rệt. Đó là nhận định của nhiều chủ vườn trồng sa pô ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Nguyên nhân chủ yếu là do đợt hạn, mặn cộng với thời tiết diễn biến bất thường vừa qua làm cho nhiều vườn sa pô bị ảnh hưởng dẫn đến năng suất cho trái thấp. Ông Tư Hòa, ấp Mỹ, xã Kim Sơn (huyện Châu Thành) cho biết, sau hạn, mặn, nhà vườn nỗ lực chăm sóc để hạn chế cây bị “sốc” nhưng cũng chỉ giảm tác động được phần nào. “Hiện nay, lứa trái cho thu hoạch đợt tết của vườn nhà tôi đang to cỡ nửa cổ tay. Số lượng trái cỡ này hiện nay giảm khoảng 30% so với mọi năm. Lượng trái của vườn sa pô nhà tôi như thế đã khá lắm rồi, nhiều vườn năng suất trái giảm đến 50%. Trong khi đó, số lượng trái cỡ ngón tay sẽ cho thu hoạch vào sau tết lại khá nhiều” - ông Tư Hòa vừa nói vừa chỉ tay về vườn sa pô hàng xóm trước nhà.

Những trái bưởi da xanh ở vùng ven TP. Mỹ Tho đang “chuẩn bị” cho tết.

Cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết, vụ vú sữa năm nay, nhiều vườn cho trái rất muộn do đợt ra bông đầu tiên phần lớn không đậu trái. Sau đó, vú sữa ra bông đợt thứ 2, tỷ lệ đậu trái có khá hơn nhưng năng suất cũng không cao. Do đó, nhiều diện tích vú sữa năm nay sẽ thu hoạch rộ vào thời điểm sau tết.

Không chỉ sa pô, vú sữa mà nhiều loại cây ăn trái khác cũng cho năng suất trái vụ tết giảm so với mọi năm, trong đó có những loại trái cây phục vụ cho nhu cầu chưng tết của người dân như bưởi, mãng cầu... Nằm trong vùng bị hạn, mặn xâm nhập kéo dài kỷ lục vừa qua, mãng cầu Xiêm ở nhiều vườn của huyện Tân Phú Đông vốn rất giỏi chịu hạn, mặn (trong giới hạn cho phép) cũng bị suy kiệt dẫn đến năng suất cho trái giảm khoảng 30% so với những năm trước. Trong khi đó, dù không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn nhưng trước những thay đổi bất thường của thời tiết trong năm 2016 cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây bưởi. Ông Đỗ Văn Niệm, nhà vườn trồng bưởi da xanh (BDX) ở xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) cho biết, nắng nóng kéo dài trong đầu năm, sau đó mưa liên tục làm cho bưởi phát triển không tốt. Từ đó dẫn đến cây bưởi cho trái trong năm nói chung và vụ tết nói riêng thấp hơn năm rồi khoảng 20% - 30%. “Bưởi tết hiện nay đã đạt cỡ trên 1 kg/trái. Trung bình mọi năm, năng suất bưởi cho thu hoạch đợt tết khoảng 700 - 800 kg/công nhưng năm nay chỉ khoảng 400 - 600 kg/công. Ước tính 3 công BDX của tôi thu hoạch bán tết năm nay chỉ khoảng 1,2 - 1,8 tấn. Để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng của thời tiết đến chất lượng trái, thời gian qua, tôi lặt bớt những trái nhỏ, tăng cường chăm sóc để cây tập trung dinh dưỡng nuôi những trái còn lại cho to, đẹp để bán tết” - ông Niệm cho biết.

Kỳ vọng vào giá

Trước tình hình năng suất trái của nhiều loại cây trồng trong vụ tết giảm, nhiều nhà vườn đang đặt nhiều kỳ vọng vào giá trái cây tết năm nay sẽ tốt. Niềm kỳ vọng của nhà vườn càng có cơ sở khi từ đầu năm đến nay, giá của nhiều loại trái cây ổn định ở mức cao. Ông Tư Hòa cho biết, vụ tết năm rồi sa pô chưng tết (để cành lá) có giá khoảng 24.000 đồng/kg, sa pô bán sa cạ giá từ 14.000 - 15.000 đồng/kg. Năm nay, giá sa pô khá ổn định, từ khoảng 17.000 - 20.000 đồng/kg, cộng với đó năng suất sa pô vụ tết giảm mạnh nên nhiều khả năng sa pô bán tết năm nay có giá trên 20.000 đồng/kg. Cũng theo ông Tư Hòa, vú sữa tết khả năng cũng có giá khả quan do nhiều diện tích vú sữa thu hoạch rộ vào thời điểm ngoài tết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tuần qua, giá của nhiều loại trái cây đứng ở mức cao, trong đó một số loại trái cây có xu hướng tăng. Cụ thể, mãng cầu Xiêm giá từ 35.000 - 37.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng trên 10.000 - 12.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 20.000 - 35.000 đồng/kg, sầu riêng trên dưới 70.000 đồng/kg, BDX ổn định ở mức không dưới 45.000 đồng/kg. Chỉ hơn 1 tháng nữa là thị trường trái cây tết bắt đầu, cùng với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, nhiều nhà vườn dự đoán thời gian tới giá trái cây sẽ còn tốt hơn. Tuy nhiên, kèm với giá cao, thị trường tết cũng đòi hỏi chất lượng trái cây phải tốt, đẹp, nhất là trái cây dùng chưng tết. Những trái cây có chất lượng cao, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, GAP sẽ có cơ hội về đầu ra, giá cả tốt hơn.

Ông Đỗ Văn Xinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) BDX Bình Thành cho biết, năm nay giá BDX luôn ở mức cao. Với năng suất BDX hiện nay thấp, từ giờ đến tết, giá trái cây này có thể sẽ còn cao hơn. Đặc biệt, sau hơn 1 năm sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, vụ tết này nhà vườn trồng BDX trong THT rất phấn khởi khi được Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu sản phẩm với giá theo từng thời điểm và cao hơn giá thị trường (dự kiến việc thu mua sẽ triển khai trong tháng tới). Giờ đây, nhà vườn trồng BDX theo tiêu chuẩn VietGAP của THT nói riêng và những hộ thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm bưởi với Tập đoàn Lộc Trời trong vùng nói chung đã không còn lo về đầu ra, giá cả, mà chỉ lo tập trung chăm sóc bưởi để cho chất lượng trái tốt đáp ứng yêu cầu của đối tác tiêu thụ.

NGÔ VĂN

Thu nhập cao nhờ trồng quýt đường

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện nay gia đình ông Nguyễn Đức Ngọc (65 tuổi), ngụ tại thôn Tân Lập, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng mỗi năm thu nhập gần 400 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí đầu tư trên diện tích 6.000 m2 quýt đường.

Dẫn chúng tôi ra vườn, ông Nguyễn Đức Ngọc với tay hái những trái quýt chín vàng trên cây trĩu quả bóc mời khách. Mùi hương của từng chùm quýt đường “nguyên quán” miền Tây trên vùng đất Tân Lập, xã Đan Phượng chín vườn khiến bất kỳ ai cũng muốn thử. Quả đúng như chủ vườn giới thiệu, những trái quýt đường ở đây ngọt lịm, mọng nước và ít hạt. Tuy mới chính thức cho thu hoạch được 2 năm qua nhưng hiện trung bình mỗi cây quýt đường hằng năm cho gia đình ông Nguyễn Đức Ngọc khoảng 50 kg quả. Đặc biệt, loại quýt này cho ra trái quanh năm nên hầu như lúc nào vườn quýt của gia đình ông Ngọc cũng có nguồn thu. Thương lái quen hàng, cứ vài ngày lại cho xe vào vườn tự thu hoạch một lần.

Gia đình ông Nguyễn Đức Ngọc vốn là người gốc Long An, một trong những vựa trái cây nức tiếng vùng đồng bằng Cửu Long. Lên vùng đất Tân Lập, xã Đan Phượng định cư, thấy đất đai dọc theo sông Đạ Dâng “đá nhiều hơn đất” trồng gì cũng khó, theo kinh nghiệm nhiều năm, ông Ngọc nhận định đây là loại đất chỉ phù hợp cho cam, bưởi, quýt...

Vậy là năm 2012, ông Nguyễn Đức Ngọc trở về quê cũ Long An mua hàng trăm cây quýt đường giống mới đưa lên Tân Lập và trồng trên diện tích 6.000 m2. Sẵn có kinh nghiệm chăm sóc cây ăn trái, dưới bàn tay lao động cần mẫn của ông Ngọc cùng vợ con, chẳng mấy chốc vườn quýt đã bén rễ, đơm cành, vươn lộc.

Ông Ngọc cho biết, so với thổ nhưỡng ở các tỉnh miền Tây, đất đai ở Tân Lập, xã Đan Phượng phù hợp cho cây ăn trái hơn rất nhiều, trong đó có quýt.

“Đất ở đây có đá, rất mát, loại đất này nếu trồng cây ăn trái thì sẽ cho quả ngọt, chất lượng hơn hẳn trồng ở trên đất thịt”, ông Ngọc chia sẻ. Hơn một năm sau, hàng trăm gốc quýt này đồng loạt đơm hoa, kết trái. Tuy nhiên, để cho cây tập trung chất dinh dưỡng phát triển, gia đình ông Ngọc đã hái bỏ lứa hoa đầu tiên này và tiếp tục đầu tư, chăm sóc. Sang năm thứ 3, khi cây quýt đã trưởng thành, đủ điều kiện để cho trái thương phẩm mà vẫn giữ được cây khỏe mạnh ông Ngọc mới để cho hoa kết quả. Ông Ngọc cho biết, so với trồng các loại hoa màu khác như cà phê, doanh thu từ cây quýt đường cao hơn hẳn. Giá quýt bán tại vườn trung bình là 20.000 đồng/kg. Như vậy, hằng năm mỗi cây quýt đường của gia đình ông Nguyễn Đức Ngọc cho thu nhập trên dưới 1 triệu đồng. Vài năm gần đây, do trồng quýt đường thu nhập cao hơn hẳn các loại hoa màu khác nên nhiều gia đình tại thôn Tân Lập, xã Đan Phượng cũng đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích canh tác sang trồng quýt đường. Theo ước tính của người dân địa phương, hiện nay thôn Tân Lập đã có khoảng 15 ha quýt đường, mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm tấn quả. Quýt đường ở Tân Lập được các tiểu thương vào tận vườn thu mua sau đó vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ, trong đó có nhiều tỉnh, thành phía Bắc.

Quýt đường trồng ở Đan Phượng cho năng suất, chất lượng khá cao. Do đó, chính quyền xã Đan Phượng đang rất khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi những vùng đất pha đá, không phù hợp với cà phê và các cây hoa màu khác sang trồng cây ăn trái, trong đó có quýt đường, cam, bưởi da xanh…

VĂN BÁU

Huyện Châu Thành A (Hậu Giang): Diện tích thanh long ruột đỏ tăng nhanh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tại huyện Châu Thành A (Hậu Giang), nhiều nông dân bắt đầu trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ, một trong những giống cây trồng đang phát triển mạnh hiện nay, do giá cả luôn ở mức cao. Điển hình, hộ ông Đinh Công Thuẩn, ở xã Trường Long Tây, vừa thu hoạch 1ha thanh long ruột đỏ được 2 năm tuổi với khoảng 1.500 trụ, thu về gần 8 tấn trái. Với giá bán 55.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi trên 300 triệu đồng.

Thanh long ruột đỏ đang phát triển ở huyện Châu Thành A.

Theo các hộ dân trồng thanh long ruột đỏ, vùng đất Châu Thành A thích hợp trồng cây này, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, biết cách xông đèn cho ra trái nghịch vụ thì mỗi trụ có thể cho năng suất từ 90 kg/năm và tăng theo từng năm. Hiện nay số hộ trồng thanh long ruột đỏ ở huyện tăng lên gần 10 hộ, với diện tích trên 6ha. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã Trường Long Tây, thị trấn Bảy Ngàn và thị trấn Một Ngàn.

HỮU TOÀN

Hà Nội: Chương Mỹ được mùa bưởi Diễn

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Những ngày cuối năm, vùng bưởi Diễn Chương Mỹ (Hà Nội) tấp nập, hối hả hơn bao giờ hết, bởi sau 2 vụ thất thu liên tiếp, niềm vui được mùa đã trở lại với các chủ vườn nơi đây.

Thu 500 triệu đồng/ha

Chưa năm nào vườn bưởi Diễn của anh Phùng Văn Hà, ở khu Đồng Bưởi, xã Nam Phương Tiến lại sai quả như năm nay. Hiện tại, anh Hà có 1.000 gốc bưởi đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 6 vạn quả. Với giá bán (tại vườn) 25.000 đồng/quả, trừ các khoản chi phí, anh cầm chắc trong tay 1 tỷ đồng tiền lãi. Anh Hà chia sẻ: “Được mùa bưởi mà tôi cứ ngỡ như là mơ vì đã 2 năm liên tiếp phải chứng kiến cảnh bưởi tốt cây mà không cho quả”. Cách đó không xa, vườn bưởi Diễn 200 gốc của hộ anh Nguyễn Hải Sơn cũng nức tiếng cả vùng vì trong vườn đang sở hữu cây bưởi có tới 150 quả.

Mô hình trồng bưởi Diễn của anh Nguyễn Hải Sơn, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc

Toàn huyện Chương Mỹ hiện có 460ha bưởi Diễn, tập trung tại 7 xã, thị trấn, trong đó nhiều nhất là xã Nam Phương Tiến với diện tích 150ha. Năm nay, nhờ được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ mạnh về khâu kỹ thuật mà năng suất bưởi của vùng đồi gò Chương Mỹ đã được cải thiện rõ rệt, bình quân đạt 20 tấn/ha. Với giá bán dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/quả, các mô hình trồng bưởi cho giá trị thu nhập trung bình đạt 500 triệu đồng/ha. Song, điều đáng mừng nhất là người trồng bưởi Chương Mỹ đã chủ động xử lý được các tình huống do thời tiết bất thuận gây nên và xóa đi nỗi lo mất mùa.

Phát triển vùng chuyên canh bền vững

Lý giải về hiện tượng mất mùa bưởi Diễn ở Chương Mỹ, các chuyên gia nông nghiệp đã chỉ ra nguyên nhân do địa phương chỉ độc canh giống bưởi Diễn tôm vàng. Trong khi đặc thù của giống bưởi Diễn tôm vàng là sức sống hạt phấn kém, gặp thời tiết bất thuận thì hoa bị rụng nhiều, tỷ lệ thụ phấn, đậu quả thấp dẫn đến năng suất không ổn định, thậm chí là mất mùa.

Thực tế cho thấy, tại Chương Mỹ, không ít hộ trồng bưởi đã chán nản, bỏ bê việc đầu tư chăm sóc khiến vườn bưởi bị suy thoái, sinh trưởng kém, sâu bệnh gây hại nặng. Để khắc phục tình trạng này, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ và các nhà khoa học đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực.

TS Cao Văn Chí – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Rau quả T.Ư) khuyến cáo, để đảm bảo cây bưởi cho năng suất quả ổn định, người trồng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật: Tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, kích thích ra hoa, thụ phấn bổ sung. Tuyệt đối không được bỏ qua bất cứ một biện pháp nào vì cây bưởi Diễn là loại cây khó tính. Trong đó, quan trọng nhất là tăng khả năng thụ phấn chéo cho cây bằng phương pháp trồng xen trong vườn một số giống bưởi khác như bưởi Diễn trái chum, bưởi chua, bưởi đỏ Tân Lạc…

Theo ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nên diện tích trồng bưởi Diễn tại các vùng bưởi truyền thống ngày càng bị thu hẹp. Xác định bưởi Diễn là một trong 4 loại cây ăn quả chủ lực của Hà Nội, ngành nông nghiệp TP phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có 3.000ha bưởi và phát triển đa dạng hóa các giống bưởi. Do đó, giai đoạn 2016 – 2020, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng vùng bưởi Chương Mỹ trở thành vùng chuyên canh bưởi Diễn phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao.

ÁNH NGỌC

Tín hiệu vui từ giá cao su bắt đầu tăng

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 20.000 ha cao su với sản lượng khoảng 12.000 tấn mủ quy khô, tập trung ở vùng đồi 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ; trong đó cao su của Công ty Cao su Quảng Trị có khoảng 5.000 ha, còn lại là cao su tiểu điền của hộ gia đình, cá nhân khoảng 15.000 ha, chiếm 75% diện tích cây cao su toàn tỉnh.

Từng được được mệnh danh là “vàng trắng” vào những năm 2010 - 2011, giá mủ cao su đã “trượt dốc không phanh” trong những năm trở lại đây. Giá mủ từ 100 - 120 triệu đồng/tấn vào “thời hoàng kim” năm 2011 đã xuống 20 - 25 triệu/ tấn mủ khô vào cuối năm 2015, đầu năm 2016, tức giảm giá đến 4 lần. Việc giảm giá cao su đã ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập và đời sống của hàng vạn hộ trồng cao su. Giá mủ cao su trong những năm trở lại đây phần lớn đều dưới giá thành đầu tư. Người trồng càng đầu tư càng lỗ dẫn đến nhiều diện tích cao su gần như bị bỏ hoang, năng suất mủ giảm, chất lượng vườn cây ngày càng đi xuống. Một số hộ dân còn phá vườn cao su để chuyển sang cây trồng khác như hồ tiêu, sắn…

Nhà máy chế biến cao su Cam Lộ xuất bán sản phẩm ra thị trường - Ảnh: PV

Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp và PTNT, chính quyền các địa phương đã tích cực hướng dẫn, tuyên truyền vận động người dân bình tĩnh, chủ động giảm đầu tư, tận dụng công lao động tự có trong gia đình, tiết giảm chi phí xuống mức thấp nhất nhằm duy trì, ổn định vườn cây, từng bước vượt qua thời kỳ khó khăn. Khuyến cáo chỉ chuyển đổi sang trồng cây khác ở những diện tích đất kém phù hợp với cây cao su, những diện tích già cỗi, bị thiên tai phá hoại. Lý do đơn giản là bất cứ một loài cây nào cũng có những bước thăng trầm và nó chỉ phù hợp trên một dạng lập địa nhất định nào đó. Nếu cứ thấy một loại cây lên giá thì đua nhau trồng tràn lan, khi giảm giá đua nhau chặt bỏ thì sẽ thành một vòng luẩn quẩn, phá vỡ quy hoạch của ngành, của địa phương, thậm chí của cả nước.

Đáng mừng là sau một thời gian dài giảm giá, từ giữa năm 2016 đến nay, giá mủ cao su đã tăng và có xu hướng ổn định. Theo Tạp chí Cao su Việt Nam, trên thế giới giá cao su kỳ hạn TOCOM, hợp đồng benchmark tăng lên mức cao nhất 17 tháng hôm thứ năm (24/11), tăng phiên thứ 3 liên tiếp, do giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải qua đêm tăng trở lại và đồng yên giảm so với đồng đô la Mỹ. Như vậy, giá cao su đã có sự phục hồi đáng kể trong quý II/2016. Giá cao su latex của Malaysia đạt mức trung bình 1,1 USD một ki lô gam, tăng 5,7% so với mức trung bình cùng kỳ 2015. Giá cao su trên sàn giao dịch Tokyo hiện đã đạt gần 195 yên một ki lô gam, tăng 29,3% so với thời điểm đầu năm.

Do giá cao su thế giới tăng cao, trái với tình trạng ảm đạm thường thấy suốt thời gian dài, những tháng gần đây, giá cao su xuất khẩu đang có dấu hiệu phục hồi khi giá cao su thiên nhiên tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 37 - 38 triệu đồng/tấn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn cao su với giá trị 1,43 tỷ USD, tăng 12,3% về khối lượng và tăng 4,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, chiếm 65,5% thị phần (Trung Quốc đạt 583 nghìn tấn, tương đương 732 triệu USD). Giá trị xuất khẩu cao su sang hai thị trường này tăng lần lượt là 20,3% và 14,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Tại thị trường trong nước, cuối năm 2016 giá cao su thành phẩm tăng mạnh cùng với xu hướng thị trường cao su thế giới. Cụ thể: Cao su SVR3L tăng từ 30.100 đ/kg lên 34.300 đ/kg; cao su SVR10 tăng từ 29.100 đ/kg lên 33.300 đ/kg. Giá mủ cao su dạng nước cũng đã tăng từ 6.000 đ/kg lên 14.500 đ/kg đối với mủ tạp 32 độ. Trong báo cáo phân tích mới công bố, nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, nhờ giá cao su thế giới cao hơn 30% so với đầu năm giúp giá cao su trong nước được dự báo sẽ giao dịch ổn định ở mức 30-31 triệu đồng mỗi tấn trong những tháng cuối năm 2016 và cả năm 2017.

Nhận định chung của các cơ quan trên thế giới (như Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên - ARNPC, Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế - IRSG,…) cũng như trong nước (như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam - RRIV, Hiệp Hội Cao su Việt Nam - VRA,…) đều cho rằng, giá cao su thế giới và trong nước có khả năng sẽ còn tiếp tục ổn định trong hết quý IV/2016 và duy trì trong năm tới.

Hiện tại ở Quảng Trị theo khảo sát của chúng tôi mủ nước 25 - 30 độ (DRC) đang được thu mua với giá khoảng 14.000 - 15.000 đ/kg, quy ra cao su sơ chế dạng SVR3L, SVR10 có giá bán khoảng 40 - 42 triệu đồng/tấn, là giá khá cao. Giá này nếu ổn định lâu dài có thể bảo đảm cho chủ vườn cây đủ chi phí để tiếp tục đầu tư thâm canh.

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cũng khuyến cáo nên đầu tư ở mức độ hợp lý, bám sát quy trình kỹ thuật cây cao su và hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, bón phân theo chẩn đoán dinh dưỡng để tiết kiệm phân bón, giảm cường độ cạo từ D1,5 (2 ngày cạo/1 ngày nghỉ) sang D3 (1 ngày cạo 2 ngày nghỉ) kết hợp với dùng chất kích thích mủ để giảm công lao động, tăng sản lượng và nuôi dưỡng vườn cây, tận dụng công lao động sẵn có để chăm sóc và khai thác vườn cao su. Có thể chuyển đổi những diện tích già cỗi, không phù hợp với điều kiện lập địa, hạn chế mở rộng diện tích cao su ở những vùng không thuận lợi. Việc mở rộng diện tích trồng cao su cần tham khảo quy hoạch của ngành, có sự khảo sát, đánh giá rất cụ thể trước khi thực hiện.

LÊ CÔNG NAM

U Minh (Cà Mau): Người trồng gừng điêu đứng

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Những ngày này, đi đến đâu cũng nghe bà con trồng gừng than thở vì gừng năm nay rớt giá thê thảm. Mọi năm, thương lái đến tận vườn mua với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, gần Tết giá lên đến 20.000 - 25.000 đồng/kg. Trong khi đó, năm nay thời điểm này thương lái đến vườn mua 1 kg gừng với giá 5.000 - 7.000 đồng, thấp hơn 2 - 3 lần so với năm ngoái.

1 ha gừng của gia đình anh Lê Văn Niệm, ở Ðội 9, xã Khánh Thuận, đến ngày thu hoạch, nhưng giá thấp nên chưa nhổ bán.

Anh Lê Văn Niệm, ở Ðội 9, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau người có kinh nghiệm trồng gừng hơn 7 năm, nói: "Năm nay tôi trồng 1 ha gừng, giá ổn định như mọi năm, sau khi trừ chi phí tôi còn lãi trên 800 triệu đồng. Nhưng năm nay 1 kg bán giá 5.000 - 7.000 đồng. Trồng gừng là như vậy đó, khi được mùa thì không được giá, 5 năm trở lại đây, chưa có năm nào gừng rớt giá thê thảm như năm nay".

Anh Hà Thanh Trình, ở Ấp 16, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, chia sẻ: “Tôi thật bất ngờ và không nghĩ giá gừng năm nay thời điểm này rẻ như vậy. Hơn 10 năm trồng gừng, chưa có năm nào giá tuột xuống như thế. Mọi năm, giá rẻ gì 1 kg thời điểm này cũng bán được 10.000 - 12.000 đồng. Trong khi đó, năm nay gừng bán tại vườn chỉ có 5.000 - 7.000 đồng/kg. Chạy xe đi bán cho các chợ Khánh Lâm, Khánh Hội, Khánh Hoà, thị trấn U Minh… mỗi ký chỉ được 9.000 - 10.000 đồng, nhưng mỗi chợ bán chỉ được vài chục ký, 1 tuần bán được 1 - 2 lần"./.

Hùng Phước

Khan hiếm lao động hái cà phê

Nguồn tin: VnExpress

Nhiều vườn cà phê ở Lâm Đồng đang chín rộ nhưng chủ vườn không tìm được người để thu hái, trong khi giá nhân công tăng 15-20% so với vụ trước.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn tỉnh hiện có 140.000ha cà phê đang cho thu hoạch, để thu hái hết diện tích này trong 2 tháng cuối năm cần tới 70.000 lao động thời vụ. Tuy nhiên, hiện nhiều chủ vườn không tìm ra lao động để thu hái, hoặc chỉ đáp ứng được trên 50% so với nhu cầu.

Giá thuê nhân công thu hái cà phê mỗi ngày lên tới 230.000 đồng nhưng vẫn khó tìm.

Tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, hiện lượng trái cà phê chín đã đạt 70-80%, nhưng do thiếu nhân công thu hái, nhiều vườn để quả già rụng xuống gốc, cộng với thời tiết Lâm Đồng liên tục có mưa càng ảnh hưởng đến khâu thu hoạch.

Ông Thiên Ân ở xã Liên Đầm huyện Di Linh có 4ha cà phê đang thu hoạch cho biết, những năm trước ông cần tới 10 lao động làm việc liên tục trong hơn 2 tháng, tức bắt đầu từ tháng 11 đến qua tháng 1 năm sau, nhưng năm nay mới chỉ thuê được 6 người thu hái, khiến vợ chồng ông phải dọn hẳn vào rẫy ở để làm việc và tránh mất trộm.

Một chủ vườn cà phê cho hay, vừa tìm được 4 lao động hái cà phê thông qua một nhà xe đường dài. Khi tiếp nhận lao động, ngoài việc chủ vườn phải thanh toán tiền xe, tiền ăn dọc đường cho người lao động, nhà xe còn lấy 300.000 - 400.000 đồng tiền công môi giới trên mỗi người. Tiền công thu hái năm nay cũng tăng hơn năm trước 15-20%, giá thuê hiện phổ biến ở mức 220.000 - 230.000 đồng một ngày.

Quốc Dũng

Ra mắt CLB Măng tây xanh Bắc Ninh

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) vừa tổ chức lễ ra mắt CLB Măng tây xanh gồm 14 thành viên là các hộ trồng măng tây xanh trong tỉnh.

Mô hình trồng măng tây xanh hiệu quả cao của gia đình anh Phan Duy Phượng, xã Lãng Ngâm (Gia Bình).

CLB tập trung vào các hoạt động: Hướng dẫn, giúp đỡ hội viên nông dân áp dụng KHKT, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tuyên truyền, vận động nhiều hội viên vào CLB; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mạng lưới tiêu thụ cho hội viên… Qua đó góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác, phát triển và gắn kết phong trào trồng măng tây xanh, từng bước khẳng định thương hiệu măng tây xanh Bắc Ninh trên thị trường.

Toàn tỉnh có gần 20ha trồng măng tây xanh, tập trung tại các huyện Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành... Đây là loại cây có hàm lượng dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng với giá bán từ 60.000 - 70.000 đồng/kg.

Việt Anh

An Giang: Giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa

Nguồn tin: Báo An Giang

Trong canh tác lúa, giảm được lượng giống gieo sạ vào đầu vụ, giúp nông dân tiết kiệm chi phí ban đầu, giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), năng suất vẫn đạt cao hơn so với sản xuất truyền thống. Đó là hiệu quả của mô hình “Giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa”, vừa giúp nông dân tăng đáng kể mức lợi nhuận thu được vào cuối vụ, vừa bảo vệ được môi trường sống.

Mô hình “Giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa” đã được triển khai thực hiện trong vụ hè thu, thu đông ở xã An Bình (Thoại Sơn, An Giang). Có khoảng 45 nông dân tham gia thực hiện trên 30 héc-ta diện tích sản xuất. Đây là mô hình nằm trong dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ”, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện. Chị Đinh Thị Thu Hồng, cán bộ Trạm Khuyến nông tỉnh, người theo dõi dự án cho biết, qua triển khai sản xuất thực tiễn 2 vụ trên ruộng của nông dân, bà con đều đánh giá cao hiệu quả mô hình đem lại. Đặc biệt, nhờ giảm lượng giống, sạ thưa đã giúp giảm hơn một nửa lượng thuốc BVTV sử dụng, mà năng suất lại đạt cao.

Nông dân phấn khởi vì tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận

Các yếu tố để giúp cây lúa đạt năng suất, có thể nhắc đến là: số chồi, chiều cao, tỷ lệ bông, hạt chắc… Theo đó, chiều cao cây lúa phụ thuộc nhiều vào lượng phân đạm bổ sung vào đất. Đây là chất tạo hình cây lúa, thành phần chủ yếu của protein và chất diệp lục làm cho lá xanh tốt, gia tăng chiều cao cây, số chồi và kích thước lá thân. Ngoài ra, chiều cao cây cũng phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và địa hình mặt ruộng, việc giữ mặt ruộng bằng phẳng, chủ động được nước giúp nông dân quyết định một phần chiều cao cây. “Vào giai đoạn 90-95 ngày sau sạ, chiều cao cây trung bình ở mô hình áp dụng phương pháp giảm giống đạt từ 96-97cm. Theo các chuyên gia, chiều cao cây lúa từ 90-100cm là lý tưởng chống được đổ ngã, cho năng suất cao”- chị Hồng giải thích.

Từ trước đến nay, bà con vẫn quen với quan niệm lúa ra bông nhiều sẽ cho năng suất cao vào cuối vụ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã khẳng định, số bông có quan hệ nghịch với số hạt trên bông và trọng lượng hạt. Từ đó, khi tăng mật độ, số bông trên đơn vị diện tích sẽ tăng nhưng số hạt trên bông và trọng lượng hạt sẽ giảm. Nếu mật độ quá dày, đầu tư phân bón cao nhưng dễ dẫn đến gia tăng sâu bệnh trên ruộng lúa. Số hạt chắc là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất lúa (khoảng 74%) và nó chịu tác động của môi trường và điều kiện canh tác. Theo kết quả lấy chỉ tiêu từ ruộng lúa tham gia mô hình cho thấy, số hạt chắc/bông cao hơn so với ruộng đối chứng. Các ruộng có số bông/m2 vừa phải nhưng số hạt chắc cao sẽ giúp tăng năng suất. Ruộng lúa giảm lượng giống gieo sạ hoàn toàn đáp ứng được điều này. Bởi, năng suất thu được từ ruộng tham gia mô hình 6,4 tấn/héc-ta và 5,6 tấn/héc-ta ở ruộng đối chứng. Sự chênh lệch này ảnh hưởng đến lợi nhuận mà bà con thu được.

Khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ tiền giống và tiền vật tư nông nghiệp trong quá trình sản xuất. Với 1 héc-ta canh tác, ông Trịnh Công Minh (xã An Bình, Thoại Sơn) đã 2 vụ liên tiếp tham gia mô hình, áp dụng giảm lượng giống gieo sạ theo hướng dẫn. Theo ông Minh, trước khi tham gia vào mô hình, ông sạ khoảng 12kg lúa/công, phun thuốc BVTV từ 5-6 lần/vụ. Tuy nhiên, khi tham gia mô hình, đầu tiên là lượng lúa giống gieo sạ đã giảm đáng kể (8kg/công), chỉ cần xịt từ 2-3 lần thuốc BVTV cho đến khi thu hoạch lúa. “Tuy dự án đã được tổng kết, nhưng bà con ai nấy đều thấy được hiệu quả mang lại là lợi nhuận tăng hơn rất nhiều. Chính vì thế, trong vụ đông xuân tới, tôi và các xã viên trong Hợp tác xã nông nghiệp An Bình sẽ tiếp tục áp dụng để giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc BVTV trong canh tác”- ông Minh chia sẻ.

“Lượng giống giảm nhưng năng suất không hề giảm mà còn tăng. Qua 2 vụ rồi, ruộng của tôi cũng như bà con tham gia mô hình đều trúng hơn sản xuất truyền thống, đây là điều mà nông dân ai cũng phấn khởi”- ông Minh hào hứng.

ÁNH NGUYÊN

Thu lãi nửa tỷ đồng từ trồng nấm

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Gia cảnh khó khăn, phải đi làm thuê mưu sinh ở xứ người, anh Nguyễn Đức Trọng ở xã Ninh Hòa (Hoa Lư, Ninh Bình) đã vươn lên bằng nghề trồng nấm từ phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa... Gia trại của anh thu lãi gần nửa tỷ đồng mỗi năm.

Anh Trọng theo dõi sự sinh trưởng của nấm vụ thu đông.

Anh Nguyễn Đức Trọng sinh ra từ mảnh đất đồng chiêm Ninh Hòa. Cũng như bao hộ khác trong xã với 2 sào ruộng, anh cảm thấy nếu chỉ dựa vào nghề nông sẽ không đủ chi tiêu, sau bao năm anh đã quyết định đi tìm cho mình một công việc ổn định, với thu nhập khá. Trong chuyến đi làm xa, một lần tình cờ vào thăm mô hình trồng nấm của một người bạn tại Đồng Nai, anh Trọng nhận thấy loại cây này có thể sẽ làm giàu được ngay tại địa phương.

Vì trên địa bàn nông thôn sau mỗi vụ lúa, còn dư tồn một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp, như rơm, gốc rạ tuốt ra để đầy đồng, mùn cưa, vỏ bào… không dùng đến nên đã gây ô nhiễm môi trường khi không được thu gom, xử lý. Đây là nguồn nguyên liệu rất tốt có thể tận dụng để sản xuất nấm, mộc nhĩ. Từ đây anh bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về cây nấm và bắt tay vào trồng thử nghiệm.

Nhớ lại những ngày đầu gây dựng gia trại, anh Trọng cho biết: Năm 2000, tôi bắt tay vào trồng nấm. Trở ngại lớn của tôi là kinh nghiệm chưa có, vốn ít, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng nấm chưa được bài bản. Rất may anh được Huyện đoàn Hoa Lư và Phòng Nông nghiệp huyện cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng nấm.

Có kiến thức, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cộng thêm niềm say mê, tính ham học hỏi, sự sáng tạo của tuổi trẻ, đầu năm 2000, anh Trọng đầu tư xây dựng trại, trồng thí điểm 5.000 bịch phôi mộc nhĩ. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, với số vốn bỏ ra ban đầu là 50 triệu đồng, trừ các loại chi phí cho lãi trên 30 triệu đồng. Hiệu quả bước đầu đã tạo thêm động lực để anh Trọng mở rộng diện tích và bắt tay vào trồng đa dạng các loại nấm.

Gia trại của anh Trọng trồng các loại mộc nhĩ, nấm sò và nấm linh chi… Đây là những loại nấm có kỹ thuật trồng không cầu kỳ, vốn đầu tư ít, công chăm sóc không nhiều mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình trồng, anh vẫn tích cực xem báo đài, đi thực tế học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi. Sản phẩm của anh được nhiều cơ sở trong và ngoài tỉnh đến tiêu thụ.

Hiện nay, mỗi ngày, gia đình anh Trọng thu hoạch được 70 - 80 kg nấm các loại, bán ra thị trường với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, mộc nhĩ với giá 100.000 đồng/kg, chưa kể đến nấm linh chi có giá thành cao 700.000 - 800.000 đồng/kg. Những tháng cuối năm cận Tết, riêng mộc nhĩ cho thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi tháng, anh Trọng cho hay. Trừ các chi phí, mỗi năm gia trại nấm cho thu về từ 400 - 500 triệu đồng.

Anh Nguyễn Đức Trọng cũng chia sẻ thêm: Trồng các loại nấm không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải chịu khó, siêng năng từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu xử lý, tưới nước, chuẩn bị đất cũng như chăm sóc. Nghề trồng nấm như nuôi con mọn, không chỉ cần sự tỉ mỉ, kiên trì mà còn đòi hỏi người trồng biết quan sát, để ý từng thời kỳ phát triển của nấm để có sự can thiệp kỹ thuật kịp thời.

Bên cạnh đó, việc thu hoạch nấm sớm hay muộn cũng ảnh hưởng đến chất lượng nấm để bán được giá hay không trên thị trường. Để đảm bảo duy trì sản xuất, gia đình anh còn thuê thêm từ 8 - 10 lao động phụ giúp việc đóng bịch, vào lò, ra lò, vào giống. Ngày cao điểm lên đến 15 nhân công, với mức thu nhập 100.000 – 120.000 đồng/công.

Nhận xét về anh Trọng, anh Nguyễn Hùng Vương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Hòa chia sẻ: Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, anh Trọng còn hăng hái tham gia các hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương. Điều đáng quý hơn, anh đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật và truyền đạt kinh nghiệm làm ăn của mình cho những đoàn viên, thanh niên có nhu cầu phát triển kinh tế nói chung, bằng nghề trồng nấm nói riêng.

Bằng ý chí, quyết tâm và sự nhạy bén, anh Trọng trở thành gương điển hình trong phát triển kinh tế của huyện Hoa Lư. Năm 2013, anh đạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình với sáng kiến nồi hơi hấp sấy nguyên liệu. Năm 2014, 2016, anh được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi.

Kim Yến

Bình Thuận: Hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Gần một tháng nay, người trồng hồ tiêu ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, rất lo lắng khi cây tiêu chết hàng loạt nhưng chưa tìm được cách để cứu chữa. Nhiều vườn tiêu chết khô xơ xác, trụi gốc vì bệnh hoành hành.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, ở khu rẫy Ba Lon, xã Đức Hạnh, là hộ có thâm niên trong việc trồng tiêu. Khoảng 1 tháng trở lại đây gia đình ông đứng ngồi không yên bởi hơn 400 trụ tiêu 5 - 6 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch đang bị bệnh chết nhanh, chết chậm.

Ông Tuấn có hơn 3ha với hơn 3.000 trụ tiêu. Vài năm trước, vì tiêu được giá nên gia đình đầu tư mở rộng. Sau thời gian dài chăm sóc, đến thời kỳ thu hoạch, tiêu lại bị bệnh chết dần chết mòn, đến nay vẫn chưa kiểm soát được. Với giá tiêu như hiện nay, khoảng 150.000 đồng/kg, gia đình ông Tuấn thất thu từ 500.000 - 600.000 đồng/trụ. Kể cả công chăm sóc, chi phí đầu tư và không có thu hoạch, năm nay mỗi trụ tiêu gia đình ông mất khoảng 2 triệu đồng.

Trên địa bàn xã Đức Hạnh, nhiều hộ trồng tiêu cũng lâm vào tình cảnh bất lực khi nhìn tiêu chết úa, trơ gốc mà không thể cứu chữa.

Nông dân cho biết, trước đó cây tiêu phát triển bình thường, đang trong giai đoạn làm chuỗi (làm hạt) thì nhiễm bệnh. Ban đầu là một vài cây sau đó lan sang các cây bên cạnh và tạo thành vùng bệnh.

Ông Nguyễn Trọng Linh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hạnh cho biết, tiêu là cây trồng chủ lực của người dân địa phương. Trong một vài năm gần đây, vì giá tiêu cao, người dân trồng ồ ạt. Do mật độ trồng dày, thời tiết bất thường và kỹ thuật canh tác của người dân còn hạn chế, sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích nhiều khiến đất chai, rễ cây không phát triển được bị thối, trở thành cửa ngõ cho nấm bệnh xâm nhập, gây hại.

Theo thống kê, huyện Đức Linh hiện có 1.900ha tiêu (vượt quy hoạch hơn 600ha). Từ đầu vụ đến nay, đã có hơn 150ha cây tiêu bị chết do dịch bệnh, tập trung nhiều nhất là ở các xã Đức Hạnh, Trà Tân, Tân Hà…

HỒNG HIẾU

Hiệu quả các tổ tự quản bảo vệ cà phê cho người dân

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2016-2017, để bảo đảm mùa màng của bà con nông dân ngăn chặn tình trạng hái trộm, nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Nông đã xây dựng các tổ dân phòng, tổ an ninh thôn, bon bảo vệ cà phê và tổ chức hoạt động hiệu quả.

Tại xã biên giới Thuận Hà (Đắk Song), thời gian qua, UBND xã đã thành lập 4 tổ tự quản đường biên. Hằng ngày, ngoài việc tham gia với các tổ an ninh nhân dân thôn, bản, đồn biên phòng, bảo vệ đường biên, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới thì đến vụ thu hoạch cà phê, các tổ còn đảm trách thêm nhiệm vụ bảo vệ mùa màng.

Ông Trần Văn Được, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà cho biết thêm: “Hiện nay, về công tác bảo vệ mùa vụ, Ban Công an xã, các thôn, bản trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch chi tiết để bảo đảm an toàn cho vụ thu hoạch của bà con. Đến nay, với tổ tự quản đường biên, tổ an ninh nhân dân thôn, bản, 9 nhóm đồng trách nhiệm sản xuất cà phê cùng với hộ gia đình tiến hành tuần tra, kiểm soát nên tình hình an ninh trật tự trên đia bàn xã cơ bản bảo đảm”.

Công an xã Đức Mạnh (Đắk Mil) kiểm tra vườn cà phê đang thu hoạch của một người dân trên địa bàn

Cũng như các địa phương khác, sản xuất cà phê là nguồn thu nhập chính của người dân xã Đức Mạnh (Đắk Mil). Toàn xã hiện có hơn 2.800 ha cà phê. Ðể phòng ngừa, ngăn chặn nạn trộm cắp cà phê trên địa bàn, nhất là nạn hái trộm cà phê xanh ngoài rẫy, ngay từ đầu vụ, cấp ủy, chính quyền và công an xã đã lên phương án bảo vệ và triển khai đến tận các thôn, hộ gia đình.

Ông Hồ Quốc Thắng, Phó trưởng Công an xã Đức Mạnh cho biết: “Bước vào đầu vụ, Công an xã đã thành lập 7 tổ bảo vệ, mỗi tổ từ 6-8 người, bao gồm công an viên và tổ an ninh trật tự của 19 thôn tham gia tuần tra ban đêm tại các khu vực trọng điểm thường mất trộm cà phê trên địa bàn. Công an xã đã rà soát, lên danh sách và theo dõi các đối tượng có biểu hiện trộm cắp trên địa bàn để kịp thời răn đe, giáo dục và xử lý nghiêm trong trường hợp sai phạm”.

Song song với đó, Công an xã cũng mời các chủ đại lý, điểm thu mua cà phê lên làm việc trực tiếp, ký cam kết không thu mua cà phê xanh, cà phê của các đối tượng trộm cắp, cà phê không rõ nguồn gốc… Công an xã còn rà soát, kiểm tra nhân khẩu, tổ chức đăng ký lưu trú, tạm trú cho những nhân công hái cà phê trên địa bàn. Nhờ vậy, vụ mùa cà phê năm nay được đánh giá là an toàn, tạo điều kiện để người dân yên tâm thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Toàn tỉnh hiện có trên 126.000 ha cà phê. Để bảo đảm cho việc thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2016-2017 đạt hiệu quả, các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phương án, kế hoạch và triển khai công tác bảo vệ diện tích cà phê, đồng thời đề ra biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp hái trộm cà phê, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp, đại lý không thu mua cà phê xanh, non làm ảnh hưởng đến chất lượng cà phê của tỉnh.

Qua thực tế cho thấy, từ đầu mùa vụ đến nay, nhiều địa phương đã triển khai tốt công tác bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự trong vụ thu hoạch cà phê năm nay. Khi bước vào vụ thu hoạch, nhiều địa phương trong tỉnh lại “tái khởi động” tổ tự quản, tổ dân phòng để bảo vệ, canh giữ, ngăn chặn nạn hái trộm cà phê.

Vì vậy, nhiều khu vực tỷ lệ cà phê chín rất cao nhưng bà con nông dân vẫn thư thả đi thăm đồng, hái bói, đợi tỷ lệ quả chín đạt từ 90% trở lên mới tiến hành thu hái. Trong đó, các thôn, bon, buôn có tổ chức chặt chẽ các mô hình tổ dân phòng, tổ liên kết, tổ an ninh tự quản bảo vệ cà phê thì ở đó an ninh trật tự được giữ vững, góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất, chất lượng cà phê vì vậy được bảo đảm và nâng cao.

Văn Tâm

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop