Tin nông nghiêp ngày 09 tháng 12 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 09 tháng 12 năm 2019

Ồ ạt trồng mít Thái

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Từ vài ngàn hiện đã tăng lên hàng chục ngàn héc-ta, cho thấy mít Thái đang là cây trồng “hot” ở ĐBSCL. Tuy giá có lúc xuống thấp nhưng với nhiều nhà vườn, chỉ 1 lứa trái đã thu hồi vốn… nên họ vẫn quyết tâm theo đuổi loại cây trồng này.

Nhà nhà trồng mít Thái

Nhiều năm chịu cảnh làm ruộng được mùa mất giá, ông Lương Văn Tám, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, quyết định lên liếp 2 công ruộng trồng thử 200 cây mít Thái. Sau 14 tháng, cây mít bắt đầu cho trái. Ông Tám cho biết, mít Thái cho trái quanh năm, thu hoạch rộ vào khoảng tháng 5 và 11. Năm đầu tiên cây cho trái, ông Tám đã lời trên 30 triệu đồng từ vườn mít. Từ đó, ông Tám quyết định mở rộng 6 công đất nữa để trồng mít Thái. Vậy là đã 8 năm, ông Tám gắn bó với loại cây trồng đang là “hiện tượng” tại ĐBSCL. Giá có lúc lên xuống nhưng mỗi cây mít giúp ông có thu nhập khoảng 1 triệu đồng/năm.

Hiện vườn mít của ông Tám cứ cách nhau 5 ngày thu hoạch 1 lần được vài trăm ký đến khoảng 1 tấn trái. “Cây mít khi còn nhỏ nên để khoảng 2 - 3 trái/cây, cứ thế số lượng trái tăng lên khi tuổi đời cây càng lớn, như vậy cây không bị mất sức. Trồng mít Thái rất khỏe vì chi phí đầu tư thấp lại ít công chăm sóc”- ông Tám nói.

Ông Nguyễn Văn Hộ, ở xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, kể mấy năm trước ông trồng nhãn, khi thu hoạch trái, tìm nhân công rất khó. Vì vậy 2 năm nay, ông chuyển sang trồng 400 gốc mít Thái, đang cho trái năm thứ 2 đã thu lời cả trăm triệu đồng. Ông Hộ cho biết, mít trồng 18 tháng cho trái, bình quân 1 cây cho 2 trái, mỗi trái nặng từ 10-15kg, hiện giá mít Thái bán trên thị trường khoảng 20.000 đồng/kg.

Gần đó, ông Nguyễn Văn Chót, cũng quyết định chuyển 2.000m2 dất trồng chanh sang trồng mít Thái. “Nhiều năm, cây chanh lên xuống giá thua lỗ quá, nên năm 2017 tôi mua giống mít về trồng xen trong vườn chanh. Năm nay, cây cho trái lứa đầu, tôi bán được 20 triệu đồng. Năm tới, tôi sẽ đốn hết chanh để cho mít phát triển”- ông Chót nói.

Từng thất bại với cây cam rồi chuyển sang trồng mít Thái, ông Hà Văn Lâm, ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, kể trước đây ông trồng cam nhưng giá giảm lại bán không được nên chuyển sang trồng mít. Vài năm trước, mít rớt giá, ông lại đốn chuyển sang trồng cam. “Trồng cam lần sau vẫn thua lỗ vì giá xuống quá thấp, nên 2 năm trước tôi quyết định đốn cam trồng mít hết diện tích 8 công. Đến nay, mít đã cho trái chiếng và bắt đầu thu hoạch. Đến giờ so với cây cam thì cây mít Thái dễ trồng, ít tốn phân thuốc, nhẹ công chăm sóc, nếu giá ổn định từ 25.000-30.000 đồng/kg, mỗi cây để 2 trái thì vụ đầu đã lấy được vốn” - ông Lâm nói.

Việc ồ ạt trồng mít Thái đang mang lại kinh tế cao cho nhiều nhà vườn tại ĐBSCL, tuy nhiên cũng đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là dịch bệnh. Mỗi ngày mua hơn 2 tấn mít bán lại, ông Nguyễn Minh Luân, thương lái thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cho biết: “Gần đây mít hay bệnh, đặc biệt là xơ đen nên cánh thương lái chúng tôi khi thu mua phải kiểm tra kỹ, nếu không dễ bị trả hàng, thua lỗ”.

Ông Trần Hồng Đức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết toàn huyện có gần 5.000ha trồng mít Thái, trong đó đã đăng ký mã số vùng trồng mít lên 2.000ha. Năm 2020, huyện sẽ đăng ký hết diện tích trồng huyện đều có mã số vùng trồng mít Thái.

“Theo đề án chuyển đổi cây trồng từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030, toàn huyện sẽ hình thành vùng chuyên canh các nông sản chủ lực, hướng mạnh vào nhu cầu của các đô thị và xuất khẩu, cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Huyện tập trung xác định 4-5 sản phẩm chủ lực gồm: cây có múi (cam sành, bưởi, chanh không hạt), mít, xoài cát, rau màu, gắn với hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm tiện lợi cho người dân. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp huyện đang khuyến cáo nông dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và quy hoạch vùng trồng mít chất lượng cao để đảm bảo thị trường trong nước và xuất khẩu”- ông Đức nói.

Cẩn thận khi tăng diện tích

Thời gian qua, mít Thái là cây trồng có diện tích tăng vào loại nhanh nhất tại ĐBSCL. Từ vài ngàn héc-ta đến nay diện tích đã trên 50.000ha, tập trung tại các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… Theo tính toán của các nhà vườn, với lợi thế thời gian cho trái ngắn, nhẹ công chăm sóc, chỉ cần giá mít duy trì ổn định trên 20.000 đồng/kg là người trồng mít đã có lời. Bình quân một trái mít nặng từ 10-15kg, với giá bán này nông dân thu lợi từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/trái, có lúc giá cao lên trên 70.000 đồng/kg, mỗi trái mít giá bán cho thương lái lên tới 1 triệu đồng và chỉ cần vụ trái đầu tiên thì nông dân đã có lời.

Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” của cây mít Thái đang đặt ra nhiều vấn đề như phát sinh dịch bệnh, khả năng cung vượt cầu… Đặc biệt, ở nhiều tỉnh, thành, cây mít chưa được xác định là cây ăn trái chủ lực nên việc đầu tư, hỗ trợ cho phát triển sản xuất mít chưa có. Phần lớn nông dân vẫn sản xuất tự phát, chưa có quy trình sản xuất cụ thể cho các loại hình trồng xen, trồng thuần và chuyển đổi từ đất lúa.

Ông Hà Văn Lâm đang chăm sóc vườn mít Thái chuẩn bị thu hoạch.

Việc chuyển đổi sang trồng mít Thái diễn ra rải rác ở nhiều địa phương, lại không theo vùng trồng tập trung. Diện tích lớn sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong mùa lũ, ngập úng và thiệt hại do hệ thống đê bao chưa hoàn thiện. Tình hình sâu bệnh xuất hiện gây hại vẫn còn diễn biến phức tạp trong khi nguồn cung cấp cây giống sạch bệnh, quản lý chất lượng nguồn gốc cây giống còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, gần đây mít đang mắc phải bệnh xơ đen trong trái rất phổ biến, làm ảnh hưởng năng suất, đầu ra khó khăn và đặc biệt không đảm bảo chất lượng trái xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, khuyến cáo mít Thái hiện đang phát triển mạnh tại ĐBSCL vì đây là loại trái cây thuận lợi xuất khẩu. Tuy nhiên, các tổ chức doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật địa phương phổ biến cho nông dân những yếu tố bất lợi. Trước hết cây mít sống ở vùng có độ cao từ 400-1.200m trong khi ĐBSCL không có lợi thế này. Vì vậy, cần thiết kế lại vườn cho phù hợp với sự tăng trưởng của cây, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Thứ hai, đây là một loại cây trồng có rất nhiều các loại dịch hại. Vì là một loại cây trồng mới nên các cơ quan nghiên cứu chưa nghiên cứu một cách đầy đủ, hoàn thiện quy trình phòng trừ dịch hại. Do đó, bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi nắm bắt những thông tin về dịch hại để phòng trừ. Vấn đề thứ ba là cần quan tâm đến vấn đề thị trường. Hiện nay thị trường xuất khẩu cây mít chủ yếu là sang Trung Quốc, trong khi nước này đã có 180.000ha mít. Nếu phát triển thêm nữa thì phải xem xét quốc gia nhập khẩu có thể tiếp nhận thêm không. Điều này, các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu và cung cấp thông tin, càng nhiều càng tốt, để nông dân có thêm tư liệu để tính toán đầu tư phù hợp.

TS Nguyễn Bá Phú, Bộ môn Khoa học Cây trồng, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết để cây mít Thái phát triển ổn định và giảm chi phí đầu tư thấp nhất nhưng mang lại lợi nhuận cao, đòi hỏi nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đạt năng suất tối đa. Riêng bệnh xơ đen thường phát tán qua không khí, nước và đất… chính vì vậy nhà vườn nên cho ra trái tránh những lúc thời tiết bất lợi, bao trái, sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học…

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Kbang (Gia Lai): Trồng cam, quýt thu "trái ngọt"

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Kbang (Gia Lai), cây cam, quýt cho sản lượng ổn định, chất lượng thơm ngon và được thị trường ưa chuộng. Nhờ trồng loại cây này mà nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vườn cam, quýt của gia đình anh Đặng Văn Đức (thôn 1, xã Sơ Pai) đang bước vào vụ thu hoạch, cây nào cây nấy sai trĩu quả. Anh Đức cho biết: Vườn nhà anh hiện có trên 2.700 cây cam, quýt, trong đó 2.000 cây đang cho thu hoạch, sản lượng bình quân đạt hơn 40 tấn quả/năm. Tùy loại quả mà giá bán từ 12 ngàn đồng đến 40 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh thu về hơn 350 triệu đồng/năm.

Vườn cam, quýt trĩu quả của gia đình anh Đặng Văn Đức (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) mỗi năm cho thu nhập trên 350 triệu đồng. Ảnh: N.M

Theo anh Đức, trước đây, gia đình anh trồng cà phê và mì nhưng thu nhập thấp. Sau khi đi tham quan và tìm hiểu một số mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn, anh nhận thấy trồng cam, quýt là khả thi nhất. Đầu năm 2009, anh mạnh dạn phá bỏ hơn 1 sào cà phê để trồng 180 cây quýt đường; lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Cây quýt thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển tốt, ít sâu bệnh. Nhờ chăm sóc, bón phân, phun thuốc, tưới nước... đúng quy trình kỹ thuật, 3 năm sau, cây ra hoa đậu quả. “Ngay vụ đầu tiên, tôi thu được hơn 1 tấn quýt. Bán giá 20 ngàn đồng/kg, gia đình tôi thu về hơn 20 triệu đồng, cao gấp gần 3 lần so với trồng cà phê. Từ kết quả thực tế này, tôi đã chuyển toàn bộ hơn 2 ha cà phê sang trồng cam, quýt”-anh Đức nói.

Tương tự, nhận thấy cây ăn quả có múi mang lại thu nhập cao, đầu năm 2015, anh Phạm Tố Hữu (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) đã phá bỏ 8 sào cà phê để trồng cam, quýt và bưởi. Anh Hữu chia sẻ: Trên địa bàn xã có nhiều hộ dân thành công với mô hình trồng cam, quýt. Vì thế, sau khi đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình này và nắm vững kỹ thuật, tôi bắt tay vào cải tạo vườn, lắp hệ thống tưới nước tự động để trồng 200 cây cam sành, 250 cây quýt đường và 50 cây bưởi da xanh. Đến nay, các loại cây trồng này đã cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 8-10 tấn quả/năm Với giá bán 20-25 ngàn đồng/kg, mỗi năm tôi thu lãi 150-180 triệu đồng từ vườn cây ăn quả. Cuối năm 2018, tôi trồng thêm 1 ha cam, quýt. Cũng theo anh Hữu, Kbang có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ nên cam, quýt phát triển tốt, cho quả mọng nước, vị ngọt đậm đà được thị trường ưa chuộng.

Chị Nguyễn Phương Lan là một thương lái ở thị xã An Khê đã có hơn 10 năm buôn bán trái cây. Cứ tới mùa thu hoạch cam, quýt, chị lại vào tận các nhà vườn ở Kbang thu mua, đóng thùng xuất bán đi Bình Định, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng. Chị Lan cho hay: “Bình quân mỗi ngày, tôi mua khoảng 600 kg cam, quýt. Hàng nhập về đến đâu, khách đặt mua hết tới đó. Cũng như nhiều loại trái cây khác của Kbang, cam, quýt được người tiêu dùng đánh giá rất cao cả về mẫu mã và chất lượng”.

Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Cách đây hơn 20 năm, nhiều giống cam nổi tiếng của cả nước như cam sành, cam Bố Hạ, cam Vinh… đã được người dân Kbang mang về trồng thử. Cây hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho sản lượng ổn định, chất lượng quả ngọt thơm không thua kém so với nơi xuất xứ, được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam, quýt. Đến nay, toàn huyện có gần 100 ha cam, quýt, bưởi tập trung ở các xã: Sơn Lang, Sơ Pai, Nghĩa An, Kông Lơng Khơng và xã Đông.

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, UBND các xã tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ để người dân áp dụng vào sản xuất, trồng trọt. Ngành cũng sẽ định hướng người dân trồng cam, quýt liên kết sản xuất theo nhóm hộ; tuyên truyền, hướng dẫn người dân ghi chép đầy đủ quá trình chăm sóc để trên cơ sở đó, sau này, cơ quan chuyên môn, ngành chức năng làm thủ tục cấp mã số vùng trồng… Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập”-ông Tình thông tin thêm.

NGỌC MINH

Dưa lưới bén đất Cà Mau

Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi

Lâu nay, cứ nghĩ đất bồi của tỉnh biển Cà Mau sẽ không thể trồng được các loại cây ăn trái vốn là thế mạnh của các tỉnh ven Sông Tiền, Sông Hậu với phù sa vùng ngọt. Tuy nhiên, những năm gần đây, nào là chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng… xuất hiện tốt tươi, cho trái trĩu cành khắp nơi trong tỉnh. Và trên 1.600 gốc dưa lưới vụ đầu tiên trồng tại Cà Mau mới vừa thu hoạch của một chủ vườn trên địa bàn phường Tân Thành (TP. Cà Mau) là minh chứng khẳng định thêm đất Cà Mau không phụ lòng người, nếu có quyết tâm và mạnh dạn áp dụng đúng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Sau khoảng 3 tháng trồng và chăm sóc, vườn dưa lưới có nguồn giống F1 nhập từ Hàn Quốc và Hà Lan cho thu hoạch, mang lại lợi nhuận khá cho người sản xuất.

Những ngày này, tuyến đường từ Quốc lộ 1A vào Khóm 4, phường Tân Thành nhộn nhịp hẳn lên, bởi sự nô nức của những nhóm người tham quan, trải nghiệm vườn dưa lưới của anh Nguyễn Hữu Huy Vũ. Vốn yêu thích trồng trọt, nhất là trồng cây ăn trái, sau những lần tham quan các vườn cây ăn trái tại các tỉnh trên, anh Vũ biến trăn trở “tại sao người ta trồng được, còn mình lại không” thành quyết tâm và anh đã thành công khi phải cải tạo khu vườn tạp thành khu trồng dưa lưới trong nhà kính.

Ngoài việc mở cửa cho khách vào tham quan, trải nghiệm và thưởng thức dưa tại chỗ, nguồn dưa còn lại sau khi thu hoạch sẽ được anh Vũ dán tem, bao gói cẩn thận mới vận chuyển giao cho khách hàng.

Trong suốt 3 tháng trồng, bên cạnh việc cải tạo đất tốt, anh Vũ sử dụng nguồn phân hữu cơ hợp lý, việc tưới nước được tự động hóa nhằm kiểm soát lượng nước vừa đảm bảo đủ nước, đủ chất dinh dưỡng, tiết kiệm nước, tất cả được tính toán cẩn thận. Việc thụ phấn, tuyển chọn trái để lại cũng phải theo trình tự, từ 4 trái ban đầu/dây, cuối cùng chỉ chừa lại 1 trái duy nhất/dây, nhằm đảm bảo trái đủ chất, phát triển tốt nhất.

Chỉ qua 2 ngày mở cửa cho khách tham quan, trải nghiệm, sử dụng sản phẩm tại chỗ và mua về, 1.600 trái dưa lưới của anh Vũ gần như được bán hết, trong khi các đơn hàng tại các địa phương, đơn vị tiếp tục đặt cọc, anh chỉ biết “xin lỗi, hẹn ra Giêng”, vụ sau mới có thể đáp ứng.

Phấn khởi với kết quả thành công từ vụ dưa đầu tiên, anh Nguyễn Hữu Huy Vũ sẽ tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đang rất cao.

“Lời, tuy không nhiều, nhưng vụ tới đây sẽ không phải bỏ kinh phí lớn cho đầu tư ban đầu: Nhà kính, hệ thống tưới… thì nguồn thu lợi chắc chắn sẽ cao hơn”, anh Vũ chia sẻ, đồng thời khẳng định chỉ hơn 3 tháng nữa thôi, sẽ lại tiếp tục có một vườn dưa trĩu quả đón khách tìm tới với nhiều trải nghiệm lý thú. Anh cho biết tới đây sẽ mở rộng quy mô và diện tích trồng dưa lưới, hướng đến cung cấp số lượng lớn, rải vụ quanh năm, nhằm đáp ứng cho du khách đến tham quan và nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh.

Đất lành sẽ sinh trái ngọt. Đất sẽ không phụ lòng người nếu biết cần cù, quyết tâm, sáng tạo, áp dụng đúng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Mỗi trái dưa có trọng lượng từ 1,5 - 2kg.

Dưa lưới chứa Vitamin C, A, B cùng nhiều dưỡng chất quan trọng khác, có tác dụng hữu hiệu trong làm đẹp da, sáng mắt, ngăn ngừa ung thư, bảo vệ tim mạch, giảm căng thẳng… Dưa lưới còn được gọi là “dưa vua”, bởi rất khó trồng ở điều kiện khí hậu Việt Nam. Dưa lưới với vị ngọt, giòn và thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng dù có giá khá đắt.

TRẦN NGUYÊN

Huyện Lai Vung (Đồng Tháp): Khan hiếm quýt hồng lên chậu trong dịp Tết Nguyên đán

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Những năm gần đây, quýt hồng lên chậu là sản phẩm trưng Tết đầy sáng tạo của người dân huyện Lai Vung (Đồng Tháp), rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng lớn của thực trạng bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi khiến số lượng quýt lên chậu phục vụ thị trường Tết năm nay giảm mạnh...

Nông dân tất bật chăm sóc quýt hồng lên chậu

Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán năm nay, toàn huyện Lai Vung chỉ cung ứng cho thị trường Tết hơn 800 chậu quýt hồng. Số lượng này giảm khá nhiều so với mọi năm.

Là một trong những nông dân khởi xướng việc đưa quýt hồng lên chậu, dịp Tết Nguyên đán này, ông Lưu Văn Ràng – Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng quýt chậu xã Vĩnh Thới cung ứng khoảng 180 chậu quýt hồng cho thị trường. Để có được những cây quýt hồng lên chậu đạt yêu cầu, ông Ràng bỏ ra thời gian khoảng 2 năm chuẩn bị cây giống đảm bảo chất lượng, thường xuyên chăm sóc cây trồng từng giai đoạn để cây cho trái vào đúng dịp Tết.

Ông Ràng cho biết: “Từ lâu, nông dân trên địa bàn huyện Lai Vung rất quen thuộc với mô hình đưa quýt hồng lên chậu nhằm nâng cao giá trị nông sản. Công việc này tuy khá công phu nhưng mang lại lợi nhuận lớn hơn so với trồng quýt truyền thống. Theo tôi, quýt hồng lên chậu năm nay sẽ khan hiếm do lượng hàng cung ứng ra thị trường không còn nhiều. Để đáp ứng nhu cầu trưng bày của người dân vào dịp Tết, năm nay, tôi vẫn giữ nguyên giá bán so với các năm trước, dao động từ 1,5 – 10 triệu đồng/chậu (tùy vào kích cỡ, lượng trái mỗi chậu). Đến nay, khoảng 60% lượng quýt lên chậu của tôi được các đơn vị, doanh nghiệp đặt hàng”.

Chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay, ông Hà Thanh Hồng ngụ ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới sẽ cung ứng khoảng 250 chậu quýt hồng nhưng đến nay chỉ còn 150 chậu đạt chất lượng. Vừa chăm sóc những chậu cây quýt hồng, ông Hồng cho biết: “Trồng quýt hồng lên chậu rất vất vả, phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật chăm sóc. Đồng thời, thời tiết và sâu bệnh cũng là vấn đề rất đáng quan tâm trong khâu sản xuất. Thời gian qua, tình trạng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng, nhất là quýt hồng lên chậu. Trong vụ này, số lượng cây quýt bị bệnh nhiều, tôi phải nhổ bỏ và tìm cách khắc phục cho các vụ sau”.

Còn ông Lưu Văn Khiêm – chủ vườn quýt hồng Bảy Khiêm thuộc xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung chia sẻ, lượng quýt hồng lên chậu của vườn nhà ông chỉ còn khoảng 50% so với năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết. Để hạn chế thiệt hại từ những điều kiện khó khăn chung, ông Khiêm đầu tư hệ thống nhà lưới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, đây chỉ được xem là giải pháp tạm thời, bởi về lâu dài phải có giải pháp căn cơ để vực dậy loại cây trồng chủ lực này. Vì vậy, nhà vườn rất mong các ngành hữu quan, địa phương hỗ trợ nông dân trong việc cải tạo vườn, góp phần xây dựng thương hiệu cho quýt hồng Lai Vung vươn xa.

Trang Huỳnh

Vĩnh Long: Liên kết tìm đầu ra cho khoai lang

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa theo quy trình kỹ thuật sản xuất khiến khoai lang từ thế chủ động của vùng nguyên liệu lớn chuyển sang thế bị động khi phải phụ thuộc giá cả vào thương lái. Do đó, để tìm đầu ra hiệu quả cho khoai lang, giải pháp đặt ra là phải xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, phân phối xuất khẩu.

Để nâng chất lượng khoai lang, nông dân cần ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đầu ra còn phụ thuộc

Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định khoai lang là một trong 3 cây trồng chủ lực.

Theo ông Bùi Văn Ngọc- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, trong năm 2019, Bình Tân đã xuống giống trên 12.900ha khoai lang, với năng suất trung bình 30 tấn/ha, ước sản lượng 387.000 tấn.

Do điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi nên khoai lang được trồng quanh năm và chất lượng thơm ngon, tập trung tại các xã Thành Đông, Thành Trung, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Lược,…

Trong đó, các giống khoai được trồng phổ biến là tím Nhật chiếm 80% diện tích xuống giống do thị trường xuất khẩu ưa chuộng, các loại trắng giấy, trắng sữa, bí đường xanh, Nhật cao sản,… chiếm 20% diện tích và chủ yếu phục vụ thị trường trong nước.

Đối với thị trường xuất khẩu thì chủ yếu vẫn là xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc với 86%, một phần khác xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Đông Nam Á.

Hiện nay, thương hiệu khoai lang Bình Tân khá nổi tiếng trên thị trường. Việc khai thác thương hiệu đã được doanh nghiệp Nhật Thành và các hợp tác xã (HTX) khoai lang, các vựa khoai thực hiện.

Trên địa bàn huyện có 4 HTX chuyên thu mua và cung cấp ra thị trường như HTX Khoai lang Thành Đông, HTX Khoai lang Tân Thành, HTX Chế biến nông sản Tân Lập, HTX Nông nghiệp dịch vụ Thanh Ngọc.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bình Tân và TX Bình Minh có hơn 40 điểm thu mua khoai lang để xuất sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng khoai, còn mang tính thụ động vì không có nhiều thông tin về người mua, người tiêu dùng.

Từ ưu thế chủ động sản xuất tập trung chuyên canh khoai lang đã rơi vào tình trạng bị động do giá cả bấp bênh. Giá khoai lang phụ thuộc vào thương lái quyết định.

Giám đốc một HTX thu mua khoai lang trên địa bàn huyện Bình Tân cho hay, việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc không có hợp đồng chắc chắn, luôn có sự thay đổi về quy cách sản phẩm nên việc sản xuất của nông dân chủ yếu là tự phát, hoàn toàn không biết thông tin về nhu cầu và yêu cầu sản phẩm từ thị trường tiêu thụ, kể cả thông tin về giá cả.

Trong khi đó, tập trung sản lượng lớn giống khoai lang tím Nhật dễ tạo nên dư thừa khi đến mùa thu hoạch nhưng các giống khác lại khan hiếm, nên rủi ro thị trường rất cao.

Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, phân phối xuất khẩu

Đánh giá về khả năng tiêu thụ, cung ứng khoai lang cho thị trường, trong đề tài “Nghiên cứu chuỗi cung ứng cho sản phẩm khoai lang tỉnh Vĩnh Long”, PGS. TS. Hồ Thanh Phong- Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc gia Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Để xây dựng chuỗi cung ứng, tìm đầu ra cho khoai lang, tỉnh Vĩnh Long cần quyết liệt triển khai một cách bài bản và áp dụng rộng rãi mô hình thu hoạch, sơ chế, bảo quản khoai lang tím tươi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng thời gian tồn trữ và giảm tỷ lệ hư hỏng.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét toàn diện từ khâu đầu vào để nâng cao năng suất chất lượng đến khâu bảo quản tiêu thụ, chú trọng xác định thị trường đầu ra để ứng phó với các khó khăn hiện nay và phát triển bền vững, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho nông dân.

Tại hội thảo xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, phân phối xuất khẩu khoai lang Bình Tân mới đây, TS. Lê Minh Hùng- Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, thông tin: Đến nay, phân viện đã nghiên cứu thử nghiệm một số thiết bị và công nghệ sau thu hoạch đối với khoai lang.

Trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp chế biến khoai lang, đạt được kết quả tích cực.

Tuy nhiên, sắp tới cần nghiên cứu hoàn thiện quy trình sơ chế, xử lý và bảo quản khoai lang tím trồng tại Vĩnh Long. Đồng thời, nghiên cứu cơ giới hóa trong sản xuất khoai lang, chế tạo hoặc điều chỉnh thiết bị nước ngoài để phù hợp với tình hình sản xuất trong nước.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc (Việt Phúc Group)- cho biết: Cơ hội thị trường cho sản phẩm khoai lang gồm các yêu cầu phải có truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng, các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP và cao hơn. Các tiêu chuẩn về chế biến thực phẩm như ISO 22000, HACCP, Halal,…

Bên cạnh, đa dạng hóa các sản phẩm khoai lang chế biến như sấy khô, sấy dẻo, bánh khoai lang, đồ uống từ khoai lang, khoai lát sơ chế, tinh bột, mì miến,… nhằm đáp ứng các thị trường tiềm năng gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Trung Đông,…

Để xây dựng thành công chuỗi liên kết tiêu thụ khoai lang, bà Lan Hương khuyến nghị chính quyền địa phương tiếp tục giới thiệu và bảo đảm liên kết cho các bên trong chuỗi, hướng dẫn canh tác, quản lý theo VietGAP, GlobalGAP, có các chính sách hỗ trợ các HTX, nông hộ sản xuất theo kế hoạch, quảng bá giới thiệu sản phẩm theo các chương trình xúc tiến thương mại, đăng ký vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý cho đơn vị sản xuất. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho HTX, cơ sở sơ chế (nước sạch, máy rửa thô, hệ thống quạt sấy, nhà màng phơi,…) cũng như đưa vào chương trình OCOP và họp định kỳ các bên trong chuỗi.

Đối với HTX, nông trại cần thực hành sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, cam kết cung cấp sản phẩm theo hợp đồng đã ký. Hợp tác và tuân thủ các thỏa ước trong chuỗi.

Riêng cơ sở chế biến thì nhà xưởng phải đạt yêu cầu, máy móc quy trình đạt chuẩn, đáp ứng các tiêu chuẩn thực phẩm được công nhận (HACCP, Halal…), đưa ra các nhu cầu về nguyên vật liệu.

Còn đối với doanh nghiệp thì cần ký hợp đồng tiêu thụ theo giá ổn định, cung cấp các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đóng gói, thông tin phát triển thị trường, dự báo; phối hợp quảng bá sản phẩm, giới thiệu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và lựa chọn các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin phù hợp để quản lý sản xuất.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- LÊ SƠN

Giá atisô Đà Lạt tăng kỷ lục

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ghi nhận tại chợ Đà Lạt những ngày gần đây, giá hoa atisô Đà Lạt dao động từ 250.000-340.000 đồng/kg tùy độ tươi và kích cỡ, cao gấp 2,5 lần so với thời điểm này năm 2018.

Do giá hoa atisô tươi tăng mạnh nên giá hoa atisô khô cũng tăng theo lên đến 700.000-900.000 đồng/kg. Nhiều nông dân Đà Lạt cho hay, nguyên nhân khiến giá hoa atisô tươi tăng mạnh là do Đà Lạt vừa trải qua mùa mưa nên năng suất hoa chỉ đạt khoảng 60% so với thời điểm tháng 3-4 hằng năm. Bên cạnh đó, người dân Đà Lạt đang chuyển một phần diện tích atisô sang trồng rau, hoa trong nhà kính khiến cho diện tích cây trồng dược liệu này ngày càng bị thu hẹp. Chính việc khan hiếm cộng với thời điểm này không phải mùa thu hoạch chính vụ đã đẩy giá bông atisô Đà Lạt tăng cao kỷ lục.

Được biết, nhằm ổn định nguồn cung, các công ty sản xuất cao dược liệu, trà từ cây atisô trên địa bàn đang khẩn trương thúc đẩy liên kết với nông dân TP Đà Lạt và các huyện lân cận bằng hình thức cung cấp cây giống, bao tiêu sản phẩm với giá thành cao hơn.

C.PHONG

Tưới ngập khô xen kẽ - giải pháp mới cho nông nghiệp hiện đại

Nguồn tin: Báo An Giang

Trong bối cảnh ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình trạng khô hạn, thiếu nước diễn ra thường xuyên thì kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ được xem là một trong những giải pháp tối ưu để thích ứng. Chỉ riêng việc giảm bơm nước từ kỹ thuật này, nông dân An Giang có thể tiết kiệm đến hàng chục tỷ đồng mỗi vụ.

Triển vọng mới

Tại Hội thảo “Sản xuất lúa phát thải khí carbon thấp ở ĐBSCL” do An Giang đăng cai tổ chức, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đã bàn giao chính thức Bản đồ cấp tỉnh và cấp huyện về xác định khu vực phù hợp với kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ (AWD) trong sản xuất lúa cho Sở NN&PTNT An Giang và 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là bản đồ chi tiết cấp tỉnh, cấp huyện đầu tiên được bàn giao, mở ra triển vọng đẩy mạnh áp dụng AWD tại An Giang, từ đó nhân rộng ra toàn vùng ĐBSCL.

Bàn giao Bản đồ tưới ngập khô xen kẽ (AWD map) cấp tỉnh cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang

Theo TS Ole Sander Trưởng đại diện IRRI tại Việt Nam, với kỹ thuật trồng lúa hiện nay tại ĐBSCL, phải cần đến 2.000 lít nước để sản xuất ra 1kg lúa. Canh tác lúa nước cũng gây phát thải vào khí quyển một lượng lớn khí nhà kính. Đối với vụ đông xuân, hệ số phát thải khí Metan (CH4) là 2,65kg/ha/ngày, còn vụ hè thu là 2,3kg CH4/ha/ngày. Qua triển khai kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ cho thấy, kỹ thuật này giúp tiết kiệm 30% nước tưới, giảm 50% phát thải khí CH4 và tăng năng suất từ 9-15%. “Bản đồ AWD sẽ là công cụ cho Sở NN&PTNT An Giang xây dựng kế hoạch sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, phục vụ NDC (chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của ngành NN&PTNT) giai đoạn 2021-2030. Kết quả này cũng sẽ là kinh nghiệm tốt để các tỉnh trồng lúa khu vực ĐBSCL xây dựng bản đồ AWD và nhân rộng việc thực hiện sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính” - TS Ole Sander nhấn mạnh.

Nhiều lợi ích

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, từ năm 2005, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật “tưới tiết kiệm nước” trên ruộng lúa của IRRI, An Giang đã triển khai công nghệ này và xây dựng Đề án “Tưới tiết kiệm nước trên lúa” nhằm giúp nông dân giảm chi phí tưới nước. Vụ thu đông 2005, 19 nông dân ở phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) là những người đầu tiên được Chi cục TT&BVTV mời làm thí nghiệm về biện pháp “tưới tiết kiệm nước cho cây lúa”. Bằng việc đặt ống theo dõi mực nước trong ruộng và áp dụng biện pháp tưới ướt khô xen kẽ, các nông dân tham gia thí nghiệm cho rằng: cây lúa cứng cáp hơn, bông lúa dài và nhiều hạt chắc hơn, kéo theo năng suất cao hơn 0,5 tấn/ha so với ruộng đối chứng.

Từ kết quả này, ngay đầu vụ đông xuân 2006-2007, Chi cục BVTV đã phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện chương trình “3 giảm, 3 tăng” kết hợp “tưới tiết kiệm nước” đến các trạm BVTV để tiến hành vận động nông dân tham gia. Kết quả cho thấy, kỹ thuật này giúp tăng năng suất lúa từ 0,2-0,7 tấn/ha, giảm 20-50% số lần bơm nước, giảm tỷ lệ đổ ngã 10-20%. Đến vụ hè thu 2009, với sự hỗ trợ của IRRI, An Giang đẩy mạnh xây dựng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, tạo tiền đề để xây dựng mô hình “1 phải, 5 giảm” (giảm nước là 1 thành phần trong “5 giảm”). Từ 2005-2017, có 28.679 nông dân được tập huấn kỹ thuật “tưới tiết kiệm nước” trên ruộng lúa (kết hợp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”). Đến cuối năm 2018, đã có 334.531 lượt hộ nông dân đã áp dụng kỹ thuật này với tổng diện tích 303.205ha, chiếm 48,4% diện tích. Kết quả khảo sát cho thấy, kỹ thuật “tưới tiết kiệm nước” giúp giảm 1,3 số lần bơm nước trong vụ đông xuân (tiết kiệm 117.000 đồng/ha), giảm 1 lần bơm nước vụ hè thu (tiết kiệm 90.000 đồng/ha) nhưng lúa vẫn phát triển tốt, hạn chế đổ ngã do rễ ăn sâu. Đối với các cánh đồng bơm điện, kỹ thuật “tưới tiết kiệm nước” giúp giảm 1 lần bơm/vụ, tương đương tiết kiệm gần 21,8 tỷ đồng cho 186.000ha phục vụ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Nguyễn Thị Lê cho rằng, đối với (AWD), nếu được áp dụng phổ biến trên đồng ruộng An Giang, chỉ riêng việc giảm bơm nước có thể giúp tiết kiệm 73 tỷ đồng/vụ đông xuân, 53 tỷ đồng/vụ hè thu. Đó là chưa kể những lợi ích như: tăng năng suất, giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm nguồn nước… “Thời gian tới, An Giang sẽ đưa bản đồ AWD vào ứng dụng trong thực tế của ngành tại các huyện, xã, làm cơ sở để bố trí, quy hoạch cơ cấu cây trồng và bố trí mùa vụ thật thích hợp. Bản đồ AWD sẽ được trang bị cho từng kỹ thuật viên dưới dạng file mềm, bản giấy, giúp dễ sử dụng. Bản đồ cũng được đưa lên trang web của Sở NN&PTNT để các địa phương có thể truy cập và tham khảo” - bà Lê thông tin.

NGÔ CHUẨN

Đồng Tháp: Hiệu quả mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Vừa qua, tại xã Mỹ Thọ, Hội Nông dân huyện Cao Lãnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu ASD tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học.

Mô hình có 13 hộ ở các xã: Phong Mỹ, An Bình, Mỹ Thọ, Mỹ Hội, Tân Hội Trung, Bình Hàng Trung và Bình Hàng Tây tham gia thực hiện, với quy mô 10.000 con giống gà nòi lai của Bến Tre. Bằng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện hỗ trợ 60% con giống và 30% vắc-xin, qua 4 tháng nuôi có 4 mô hình đã thu hoạch, trọng lượng trung bình 1,4kg/con, tỷ lệ hao hụt 10%. Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu ASD bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 65.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, người nuôi có lời hơn 5,5 triệu đồng/500 con.

Thành Sơn

Mô hình nuôi gà lấy trứng - trồng dừa khép kín

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Vườn dừa của ông Mão đang phát triển tốt nhờ ủ phân hữu cơ.

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi nói chung và mô hình nuôi gà lấy trứng nói riêng là hướng đi không mới đối với nhiều hộ nông dân, song điều đáng ghi nhận là mô hình trên được thầy giáo nghỉ hưu Nguyễn Văn Mão (sinh năm 1952, ở ấp Vinh Trung, xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) thực hiện theo quy trình sử dụng chế phẩm sinh học EM và máy thổi khí ASP để ủ phân hữu cơ kết hợp trồng dừa.

Trước đây, ông Mão sống chủ yếu dựa vào lương hưu và tiền bán dừa hàng tháng. Thời điểm dừa liên tục bị rớt giá, đời sống gia đình ông ở mức tạm ổn. Năm 2016, ông Mão trăn trở trước chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp”. Đến năm 2017, từ nguồn vốn gần 300 triệu đồng đền bù giải tỏa đất triển khai thực hiện tuyến đê sông Tiền, ông Mão mạnh dạn đầu tư nuôi gà lấy trứng theo hướng công nghiệp kết hợp ủ phân hữu cơ để cải tạo và khôi phục lại vườn dừa trên 10 năm tuổi của gia đình theo quy trình khép kín.

Ban đầu, ông Mão đầu tư xây dựng dãy chuồng khép kín và mua 3.000 con gà giống về nuôi thử nghiệm. Sau 18 tuần chăm sóc, đàn gà cho trứng với tỷ lệ cao, ông Mão bán với giá bình quân 1.700 đồng/trứng. Năm 2018, ông Mão tiếp tục đầu tư vốn xây thêm 2 dãy chuồng và nuôi thêm 3.000 con gà giống, nâng tổng đàn gà lên 6.000 con, với tổng diện tích chuồng nuôi 2.000m2, được chia thành 3 dãy, gồm: 2 dãy nuôi gà trên lồng chuyên biệt dành cho gà đẻ trứng, 1 dãy nuôi gà hậu bị, trong đó dãy nuôi gà hậu bị được ông sử dụng đệm lót sinh học để giữ chuồng khô ráo, sạch sẽ và không có mùi hôi. Đến nay, mỗi ngày ông thu được 4.800 trứng, hiện ông bán với giá 1.500 đồng/trứng. Như vậy, mỗi tháng sau khi trừ các khoản chi phí, ông còn lãi trên 200 triệu đồng.

Ông Mão cho biết: Để phát triển tốt mô hình, ông đã thực hiện chuẩn quy trình chuồng nuôi đảm bảo đủ tiêu chí ấm trong mùa mưa và thoáng mát trong mùa nắng. Ngoài ra, ông còn thực hiện vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gà. Quy trình chăm sóc đàn gà cũng được đầu tư, cung cấp nước uống bằng hệ thống tự động và đảm bảo vệ sinh, nguồn nước lấy trực tiếp từ nhà máy sau đó đưa qua hệ thống lắng lọc; thức ăn nhập trực tiếp tại nhà máy chế biến đạt chất lượng ISO-9001 theo tiêu chuẩn GlobalGAP; giống gà nhập từ công ty có kiểm định sức khỏe và tiêm vắc-xin. Ông còn đầu tư hệ thống phun sương tự động, quạt làm mát và đèn chiếu sáng đảm bảo xuyên suốt đủ 16,5 tiếng để gà phát triển và cho trứng sai.

Từ hiệu quả của mô hình, ông Mão được Hội Nông dân xã và huyện giới thiệu đến Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho ông 1 đệm lót sinh học sử dụng chế phẩm EM và 1 máy ủ phân hữu cơ sinh học theo công nghệ ASP. Từ đó, ông đầu tư vốn xây dựng 6 hầm ủ phân, mỗi hầm có dung tích chứa 5m3, mỗi tháng ra phân ủ 1 lần dùng để bón cho vườn dừa bị lão hóa, số phân còn lại ông bán cho bà con xung quanh. Đến nay, vườn dừa 10.000m2 của gia đình ông phát triển tốt, hiện thu hoạch mỗi tháng từ 800 - 1.000 trái. Ngoài ra, ông còn xây hầm biogas để đun nấu hàng ngày gắn với xây dựng 3 hầm lắng chứa nước thải từ hầm biogas, đặt máy hút lấy nước tưới đảm bảo môi trường và tốt cho vườn dừa.

Hiện ông Mão dự kiến tiếp tục hoàn thiện quy trình nuôi gà khép kín như: phân loại rác thải tại nguồn, lấy rác thải hữu cơ đem ủ phân, rác vô cơ tập trung chôn, đốt, bán phế liệu để đảm bảo môi trường, đồng thời tiếp tục đầu tư nuôi ruồi lính xanh lấy ấu trùng nuôi cá”.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Thu nhập cao từ nghề nuôi rắn

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Anh Hồ Đức Tài ở tổ 4, thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn làm nghề nuôi rắn từ hàng chục năm nay. Nhờ sự kiên trì vượt qua bao khó khăn, bằng nghề này mỗi năm gia đình anh có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Anh Tài kiểm tra rắn trong trại nuôi của gia đình. Con rắn này nặng khoảng 3kg, có giá gần 2 triệu đồng.

Sinh ra và lớn lên ở quê hương Chợ Mới, từ năm 1997 anh đã mạnh dạn làm mô hình nuôi hươu và bươn trải nhiều nghề để kiếm sống, thế nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Từ việc tìm hiểu trên sách báo, biết về nghề nuôi rắn ở làng Vĩnh Sơn, thị trấn Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cho hiệu quả kinh tế cao, anh Tài khăn gói tìm đến học nghề. Sau đó, năm 2009, anh mua về những con rắn giống đầu tiên sau khi xin phép cơ quan Kiểm lâm.

Sau bao khó khăn, những con rắn giống đầu tiên đã sinh sản thành công. Từ chỗ quy mô nhỏ, có kinh nghiệm thực tiễn, anh Tài đã mạnh dạn vay vốn xây chuồng theo mô hình chuẩn ở Vĩnh Sơn, mỗi ô chuồng nhốt một con rắn, việc chăm sóc riêng để giảm việc lây lan bệnh trong đàn, vệ sinh chuồng cũng dễ hơn.

Ở Chợ Mới hiện nay, anh Hồ Đức Tài là người tiên phong trong việc nuôi rắn hổ mang bành với số lượng lớn. Với diện tích chuồng khoảng 1.000m2, anh chia thành 1.700 ô chuồng nhỏ để nuôi rắn. Bình quân trong chuồng lúc nào cũng có hơn 1.500 con rắn hổ mang bành.

Ngoài chuồng nuôi rắn đẻ và rắn thịt thương phẩm, anh Tài còn xây dựng khu vườn khoảng 200m2, lợp mái tôn một nửa, có tường kín bao quanh để nuôi rắn con. Khi nuôi một thời gian ngắn, rắn hổ mang giống đạt trọng lượng 0,3 đến 0,5kg sẽ được đem vào ô chuồng để nuôi thành rắn hổ mang thương phẩm.

Số lượng đàn luôn ổn định do rắn bố mẹ sinh sản đều. Một phần trứng rắn anh bán ra thị trường cho những trại rắn chưa có đàn bố mẹ đủ để sản xuất ra rắn nuôi thương phẩm. Hiện trong chuồng có 800 con rắn hổ mang bành bố mẹ, trọng lượng mỗi con khoảng 2 đến 4kg. Năm 2018, gia đình bán khoảng 8.000 quả trứng rắn, giá tùy thời điểm dao động trên dưới 10.000 đồng/quả. Rắn giống cũng luôn có sẵn để cung cấp cho người nuôi, dao động từ 50.000 đến 80.000 đồng/con.

Chia sẻ về hiệu quả nuôi rắn, anh Hồ Đức Tài cho biết thêm: Mỗi con rắn từ khi nở ra đến khi trở thành thương phẩm khoảng 3 năm, trọng lượng đạt từ 2 đến 3kg/con. Ở trọng lượng này giá rắn dao động từ 500.000 đến 700.000 đồng/kg. Rắn thương phẩm của gia đình anh chưa bao giờ đủ để bán ra thị trường. Trong khi đó, nuôi rắn an toàn dịch bệnh hơn so với các vật nuôi khác, giá trị kinh tế cao hơn. Thức ăn cho rắn cũng không cầu kỳ, chỉ là gà, vịt, ngan mới nở… được mua từ các lò ấp thải loại với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Mỗi con rắn thường 3-5 ngày mới ăn một lần, nuôi 2 năm thì sẽ đến tuổi xuất bán. Mức chi phí cho một con rắn đến lúc thu hoạch khoảng 6kg thức ăn.

Đến nay, thu nhập hằng năm của gia đình anh Hồ Đức Tài đạt vài trăm triệu đồng. Anh mong muốn Hội Nông dân trong tỉnh đưa bà con tới tham quan. Anh sẽ cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi rắn, chắc chắn chỉ sau vài năm bà con sẽ có thu nhập ổn định. Con rắn rất dễ nuôi, chi phí nhân công thấp, thu nhanh thì bán trứng, hiệu quả hơn chút nữa thì bán rắn giống, để có khoản thu lớn thì bán rắn thương phẩm, thị trường tiêu thụ rộng./.

Trần Tuyến

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop