Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 12 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 12 năm 2020

Xuất khẩu cà phê đã thu về hơn 2,32 tỷ USD

Nguồn tin: VOV

Xuất khẩu cà phê tính tới 10 tháng của năm 2020 đã thu về hơn 2,32 tỷ USD giảm 1,17% về lượng, giảm 0,59% về kim ngạch.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2020, cả nước xuất khẩu trên 1,34 triệu tấn cà phê, thu về hơn 2,32 tỷ USD, giá trung bình 1.733 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 10/2020 cả nước xuất khẩu cà phê, thu về 168,73 triệu USD giảm 8,4% về lượng, giảm 10,3% kim ngạch và giảm 2,1% về giá so với tháng 9/2020.

Xuất khẩu cà phê trong tháng 10/2020 sang đa số các thị trường lớn sụt giảm so với tháng 9/2020, trong đó, giảm mạnh ở một số thị trường: Mỹ giảm 21% cả về lượng và kim ngạch, Italia giảm 19% cả về lượng và kim ngạch, Nga giảm 43% cả về lượng và kim ngạch…

Xuất khẩu cà phê đã thu về hơn 2,32 tỷ USD trong 10 tháng. (Ảnh: KT)

Tuy nhiên, vẫn có một số thị trường xuất khẩu cà phê lại tăng trong tháng 10/2020 như: Anh tăng 156% về lượng và tăng 103% về kim ngạch, Malaysia tăng 58% về lượng và tăng 245% về kim ngạch… Tính chung cả 10 tháng đầu năm, Đức, Đông Nam Á, Mỹ là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,1%; 12,6% và 9,3%.

Trong 10 tháng năm 2020, xuất khẩu cà phê sang các thị trường chủ đạo tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ như: Đức tăng 1% cả về lượng và kim ngạch, đạt 196.870 tấn, tương đương 303,9 triệu USD; Nhật Bản tăng 13,6% về lượng và tăng 16,5% kim ngạch, đạt 90.832 tấn, tương đương 159,07 triệu USD; Italia tăng 5% về lượng và tăng 3,8% kim ngạch, đạt 124.569 tấn, tương đương 196,05 triệu USD.

Trong năm 2020, nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn thế giới đã sụt giảm mạnh do bị phong tỏa toàn cầu khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù vậy, sản lượng cà phê trên toàn cầu phần lớn vẫn không bị ảnh hưởng bởi đại dịch này. Mặt hàng cà phê xuất khẩu có giảm về sản lượng về giá nhưng vẫn nằm trong 5 mặt hàng nông sản chủ lực tỷ USD./.

Phương Hoài/VOV.VN

Thái Nguyên: Nâng tầm thương hiệu na La Hiên

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Na La Hiên được các thương lái thu mua, đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã La Hiên (Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đã tập trung phát triển cây na, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Điều phấn khởi là cùng với việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể na La Hiên, quả na nơi đây cũng vừa mới được công nhận sản phẩm 3 sao theo tiêu chuẩn của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn na của gia đình, chị Bế Thị Hà, ở xóm La Đồng, xã La Hiên chia sẻ: Trước khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm na La Hiên đã được người tiêu dùng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh biết đến. Song, việc tiêu thụ sản phẩm mới chỉ đóng gói, sản xuất thô sơ, chưa có nhãn mác, bao bì sản phẩm. Tham gia Chương trình OCOP, bà con chúng tôi triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm có bao bì, nhãn mác ghi rõ xuất xứ nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.

Cùng với việc quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm, nông dân xã La Hiên cũng đã từng bước thay đổi phương thức chăm sóc, thu hoạch. Cụ thể, đối với những vườn na già cỗi, cho năng suất thấp, bà con đã tiến hành đốn ngọn, tỉa cành. Đến mùa hoa nở, người dân dùng xi-lanh từng nhụy hoa, lấy phấn từ những nhụy hoa to, tỉ mẩn đến từng nhụy hoa khác để thụ phấn. Kết quả, phương pháp đốn ngọn tỉa cành và thụ phấn nhân tạo khiến tỷ lệ đậu quả đạt trên 98% và có những ưu việt rõ rệt như: năng suất cao, quả chín sớm, dễ bán; cây thấp nên việc phun thuốc trừ sâu và thu hái quả nhanh.

Na La Hiên sinh trưởng và phát triển trên những sườn núi đá, cho vị ngọt thanh mát, cùi dầy ít hạt, có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao. Sản phẩm na có mức giá trên thị trường trung bình từ 20.000 đến 50.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 70.000 đồng/kg. Hiện, na được trồng với tổng diện tích gần 250ha. Tháng 7-2018, na La Hiên được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và mới được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao. Đây là cơ hội lớn, không chỉ khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng mà còn góp phần quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong, ngoài tỉnh và vươn xa hơn là ra thế giới.

Trao đổi với chúng tôi, anh Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người nông dân tiếp tục chuyển đổi từ sản xuất na truyền thống sang quy trình VietGAP nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thực hiện đầy đủ truy xuất nguồn gốc, tem nhãn… để ngoài phục vụ thị trường trong nước còn hướng tới đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với đó, chúng tôi chú trọng nâng cao chất lượng, các khâu sản xuất, đảm bảo an toàn đáp ứng đúng bộ tiêu chí sản phẩm OCOP…

Lương Hạnh

Kết nối, mở rộng thị trường cho quýt Mường Khương

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Để “mở đường” cho sản phẩm quýt ngọt đi xa hơn trong tương lai, ngành nông nghiệp huyện Mường Khương đã và đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn nỗ lực quảng bá hình ảnh, xúc tiến để phát triển thị trường cho loại cây ăn quả chủ lực này. Vừa qua, sản phẩm quýt ngọt Mường Khương có mặt tại thị trường Hà Nội thông qua Tuần lễ quýt Mường Khương và các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lào Cai.

Quýt ngọt Mường Khương được đưa ra thị trường, đến tay người tiêu dùng đã hơn 10 năm nay và chiếm nhiều cảm tình từ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Từ đó, diện tích quýt liên tục được mở rộng, sản lượng tăng qua các năm.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm quýt Mường Khương tại Hà Nội.

Gia đình chị Pờ Thị Sen, thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương là một trong những hộ đầu tiên mang quýt về trồng thay thế ngô trên đồi núi đá. Sau 16 năm, từ một vài gốc quýt trồng thử, số quýt của gia đình chị Sen đã lên đến hơn 6.000 cây, trong đó có khoảng 2.000 cây đang cho thu hoạch quả. Vụ quýt năm 2019, gia đình chị thu được hơn 20 tấn quýt, chủ yếu bán tại vườn cho các thương lái từ khắp nơi đổ về. Thị trường tiêu thụ thuận lợi, chị không phải vất vả đi bán lẻ quýt dù sản lượng của gia đình khá lớn. Vì chất lượng quýt ngon có tiếng, gia đình chị Sen vinh dự là 1 trong hơn 10 hộ được chọn tham gia Tuần lễ quýt Mường Khương và các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lào Cai tại Hà Nội vào tháng 11. Chị Sen cho biết: Chuyến đi này, tôi mang theo 1 tấn quýt. Không chỉ bán, giới thiệu quýt mà còn mong muốn quảng bá hình ảnh về con người, văn hóa và một số loại nông sản của địa phương nên trong những ngày diễn ra tuần lễ quýt, tôi mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Được tham gia chương trình này, tôi rất phấn khởi, háo hức, hy vọng loại quả đặc sản của Mường Khương sẽ đi khắp nơi, được người tiêu dùng cả nước biết tới.

Tham gia Tuần lễ quýt và các sản phẩm nông nghiệp lần này, 11 hộ trồng quýt tiêu biểu của Mường Khương và đại diện ngành nông nghiệp huyện đã mang sản phẩm quýt ngọt đến với người tiêu dùng Hà Nội. Sản phẩm trưng bày và bán tại tuần lễ quýt phải bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc, có mẫu mã đẹp, đồng đều, chất lượng quả tốt. Các gian hàng đều có phương án bổ sung sản phẩm kịp thời để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng hàng hóa trong thời gian tổ chức. Trong chuyến đi đầu tiên, huyện Mường Khương mang theo 15 tấn quýt ngọt. Sản phẩm được người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng nên việc tiêu thụ thuận lợi và đã có những đơn hàng hợp tác sản xuất, tiêu thụ được ký kết.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Mường Khương, trên địa bàn huyện hiện có 653 ha quýt, trong đó diện tích kiến thiết là 357 ha, đang cho thu hoạch 296 ha. Tính đến trung tuần tháng 11, người dân trong huyện đã thu hoạch được hơn 900 tấn quýt, giá bán bình quân 12.000 đồng/kg, tổng giá trị đạt hơn 10 tỷ đồng.

Nông dân Mường Khương thu hoạch quýt.

Hiện nay, quýt ngọt (hay còn gọi là quýt sen) mới bắt đầu vào vụ thu hoạch. Theo đánh giá của các hộ trồng, năm nay diễn biến thời tiết có mưa nhiều, đặc biệt do ảnh hưởng của các trận mưa đá vào thời điểm cây đang đậu quả nên quýt bị rụng nhiều, năng suất dự kiến thấp hơn những năm trước. Tuy nhiên, giá bán quýt ngọt năm nay cao hơn cùng kỳ năm 2019, giá bán lẻ tại thị trấn Mường Khương đang ở mức 17.000 - 20.000 đồng/kg (cùng kỳ năm trước giá bán khoảng 15.000 - 18.000 đồng/kg).

Những năm gần đây, hiệu quả kinh tế từ cây trồng này đã thu hút nhiều hộ mạnh dạn đầu tư, vì thế vùng trồng quýt ngày càng mở rộng, từ thị trấn Mường Khương, xã Tung Chung Phố sang các xã lân cận như Tả Ngài Chồ, Lùng Khấu Nhin, Nậm Chảy, Thanh Bình… Thị trường tiêu thụ quýt cũng được mở rộng hơn nhờ hạ tầng giao thông thuận tiện giúp việc vận chuyển dễ dàng và sự tích hợp quảng bá trên các hệ thống bán hàng trực tuyến, mạng xã hội.

Theo ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông huyện Mường Khương, dù có chất lượng nhưng quýt Mường Khương nói riêng và các nông sản đặc sản khác của Mường Khương chưa được nhiều người biết đến do nằm ở huyện vùng cao, biên giới, giao thông kết nối với các khu vực trong và ngoài tỉnh bị hạn chế. Vì vậy, việc tổ chức Tuần lễ quýt Mường Khương và các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lào Cai tại Hà Nội có ý nghĩa lớn trong việc quảng bá, giới thiệu nông sản của địa phương với người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh lân cận. Việc tham gia tuần lễ quýt còn góp phần quảng bá, xúc tiến thương mại và thu hút các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hợp tác với huyện Mường Khương trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó nâng cao vị thế nông sản Mường Khương, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của nông dân, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Mường Khương phát triển bền vững.

Thúy Phượng

Nhiều nỗi lo của nông dân tạo hình trái cây bán Tết

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Thời tiết bất lợi, giá cả sụt giảm, vườn cây bị lão hóa, hạn mặn... là những mối lo của các nhà vườn tạo hình trái cây phục vụ Tết Tân Sửu sắp tới. Tuy vậy, nông dân miền Tây vẫn đang nỗ lực vượt khó để có trái cây “độc, lạ” cung ứng cho thị trường.

Nhà vườn miền Tây vượt khó để có sản phẩm trái cây tạo hình phục vụ thị trường Tết. Trong ảnh: Nông dân đang cho bưởi da xanh vào khuôn tạo hình. Ảnh: DUY TÂN

Thời điểm này, nhiều nhà vườn tạo hình trái cây phục vụ thị trường Tết ở các địa phương: Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang... đang “chạy nước rút” cho kịp thời vụ, dù đứng trước nhiều khó khăn. Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) trái cây tạo hình ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), chia sẻ nỗi lo khi những năm gần đây, vườn bưởi của các thành viên trong CLB bị lão hóa, cằn cỗi, không còn đủ sức cho trái đẹp, phục vụ việc tạo hình. Nhiều nông dân trong CLB phải tìm thuê vườn ở tận Sóc Trăng, Vĩnh Long... để tạo hình bưởi. “Do khai thác nhiều năm, nhiều vườn bưởi ở địa phương bị lão hóa, sâu bệnh nên năng suất thấp, chất lượng trái giảm. Nhiều người đành chọn cách phá bỏ trồng mới và ít nhất 3 năm nữa mới có trái để tạo hình”- ông Thành thông tin.

Một nỗi lo khác của các nhà vườn là thời tiết bất lợi, ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Anh Nguyễn Thành Tâm ở ấp 2, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, người được mệnh danh là “phù thủy” tạo hình bưởi da xanh. Vậy nhưng năm nay anh Tâm cũng gặp nhiều khó khăn do vườn bưởi chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt hạn mặn giữa năm. Thời tiết cực đoan khiến tỷ lệ bưởi đậu trái rất thấp; dưa hấu, xoài, dừa, đu đủ... cũng vậy. Anh Tâm phải liên kết với hơn 10 nhà vườn mới đủ số lượng trái xuất bán thị trường Tết. Anh Tâm chia sẻ: “Bưởi đang vào khuôn năm nay cũng hao hụt nhiều. Nhiều trái tự động teo tóp, ngưng phát triển vì độ mặn trong đất vẫn còn cao”. Với ý định ban đầu tạo hình khoảng 3.000 trái cây các loại để phục vụ thị trường Tết nhưng theo dự đoán của anh Tâm, số trái đạt chỉ chừng dưới 2.000 trái.

Theo ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB trái cây tạo hình ấp Phú Trí A, số lượng trái ở các vườn bưởi địa phương cũng giảm mạnh. Nguyên nhân, năm nay là năm nhuần, mưa tới sớm nên cây ra hoa sớm. Khi xử lý cây ra hoa đợt 2 cho vụ Tết thì lại đúng thời điểm mưa, bão liên miên nên tỷ lệ đậu trái rất thấp. “Có vườn rụng trái đến 90%, không có bưởi để tạo hình” - ông Thành cho biết.

Khó khăn là vậy nhưng các nhà vườn lại đau đầu tính chuyện giảm giá sản phẩm để kích cầu sức mua trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, anh Nguyễn Thành Tâm cho biết, nhiều nhà vườn tạo hình trái cây ở Bến Tre đồng loạt giảm giá các sản phẩm. Dự kiến, dừa khắc chữ từ 300.000 đồng giảm còn 250.000 đồng mỗi trái; dừa hồ lô từ 400.000-500.000 đồng giảm còn 350.000-450.000 đồng mỗi trái; bưởi thỏi vàng, bưởi vuông mỗi trái giá từ 1-1,5 triệu đồng của các năm trước, nay giảm còn 800.000-1,2 triệu đồng...

Với CLB trái cây tạo hình ấp Phú Trí A, mẫu mã năm nay có nhiều loại như bưởi hồ lô “Tài - Lộc”, “Phúc - Lộc - Thọ”, “Tài - Lộc thỏi vàng đồng tiền”... Giá dự kiến khoảng 1-1,3 triệu đồng mỗi trái, giảm đến vài trăm ngàn đồng so với các năm trước.

DUY TÂN - DUY KHÔI

Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang): Phát triển các mô hình sản xuất ‘thông minh’

Nguồn tin:  Báo Ấp Bắc

Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đã tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt tư tưởng trong cán bộ từ huyện đến cơ sở, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo.

Theo đó, huyện đề ra nhiều giải pháp thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Trong đó, tập trung phát triển các mô hình sản xuất “thông minh”, thích ứng biến đổi khí hậu, tăng thu nhập cho người dân.

MÔ HÌNH TÔM - LÚA

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết: “Các ban, ngành huyện luôn khuyến cáo, tuyên truyền, vận động người dân chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, luân canh trồng lúa kết hợp nuôi tôm là mô hình sáng tạo, bởi mô hình này thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn mà huyện đã và đang triển khai thực hiện. Trên địa bàn huyện hiện có gần 200 ha nuôi trồng theo mô hình tôm - lúa, chủ yếu tập trung ở xã Phú Tân. Mục đích sản xuất “lúa thơm, tôm sạch”, đảm bảo lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng đã và đang được Tân Phú Đông hướng đến”.

Mô hình nuôi tôm - lúa của gia đình bà Nguyễn Thị Nhành, ở ấp Phú Hữu, xã Phú Tân.

Thật vậy, huyện Tân Phú Đông vừa được Công ty TNHH Thương mại HK hỗ trợ người dân trồng xen giống lúa VD20 (gạo VD20 đã được chứng nhận OCOP, xếp hạng 3 sao) trong ao tôm. Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK cho biết: “Công ty HK hiện đã triển khai cho nông dân trồng lúa hữu cơ VD20 ở 5 địa phương của tỉnh Tiền Giang, với diện tích trên 500 ha; đồng thời, sản xuất gạo VD20. Công ty đang tiến hành đăng ký thương hiệu sản xuất lúa hữu cơ. Việc sản xuất lúa chất lượng đồng nghĩa với việc sử dụng ít phân bón. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc nuôi tôm của người dân. Con tôm vì thế cũng sạch, không có kháng sinh, chất lượng cao. Công ty sẽ hỗ trợ giống lúa VD20, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm gạo cho bà con”.

BÍ THƯ HUYỆN ỦY, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN TÂN PHÚ ĐÔNG BÙI THÁI SƠN: "Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi là xu thế phát triển. Đối với ngành Nông nghiệp huyện Tân Phú Đông, việc thực hiện nuôi trồng theo mô hình tôm - lúa và nuôi tôm công nghệ cao tạo ra bước phát triển mới, triển vọng cho huyện. Trước tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, người dân cần lắng nghe những khuyến cáo, thông tin của cơ quan chức năng về vấn đề hạn, mặn để có thể bố trí sản xuất hợp lý. Chính người nông dân sẽ đúc kết kinh nghiệm qua từng vụ mùa sản xuất. Tình hình hạn, mặn năm 2020 là kinh nghiệm lớn để huyện đề ra những giải pháp thực hiện tốt việc nuôi trồng thủy, hải sản nhằm nâng cao đời sống nhân dân trong năm 2021 và những năm tiếp theo".

Gia đình bà Nguyễn Thị Nhành, ở ấp Phú Hữu, xã Phú Tân đang trồng hơn 1,5 ha lúa VD20 trong ao tôm. Bà Nhành phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình cũng có trồng lúa trong ao tôm, chủ yếu là các giống lúa thường, phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. Từ khi được Công ty HK hỗ trợ giống, quy trình sản xuất trồng lúa VD20, tôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nên không ảnh hưởng đến việc nuôi tôm. Bên cạnh đó, tỷ lệ bón phân vi lượng cũng giảm. Việc bón phân vi lượng có thể giúp tạo nguồn thức ăn cho tôm. Từ đó, chi phí phân, thuốc, công lao động giảm đáng kể, chất lượng lúa đạt rất cao. Với 1,5 ha lúa 1 vụ/năm có thể cho thu nhập thêm gần 30 triệu đồng”.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân Nguyễn Trung Hòa cho biết: “Ngoài gần 200 ha nuôi tôm theo mô hình tôm - lúa, thì tại xã Phú Tân còn có hàng trăm ha nuôi tôm quảng canh. Để tăng thêm thu nhập, bà con nuôi tôm còn trồng xen thêm 1 vụ lúa. Mô hình tôm - lúa giúp hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm và mùa trong năm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí tượng thủy văn, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa. Ngoài ra, mô hình này giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước, lão hóa vùng nuôi tôm, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh, tạo điều kiện giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững”.

NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO

Nhằm ứng phó cũng như thích nghi với biến đổi khí hậu để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương, huyện Tân Phú Đông đã quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là mô hình nuôi tôm công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị canh tác.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền, xã Phú Tân.

Tạo ra môi trường ao nuôi ổn định, giúp thủy sản nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế tối đa những tác động bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, có thể giúp tăng mùa vụ nuôi tôm trong năm. Sản phẩm tôm sạch, nhanh lớn, không sử dụng hóa chất kháng sinh, bền vững, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu… Đó là những kết quả khả quan mà mô hình nuôi tôm trong ao bạt công nghệ cao của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền (xã Phú Tân) đạt được trong hơn 3 năm qua.

Ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền cho biết: “Nuôi tôm công nghệ cao là một mô hình giúp tăng năng suất sản phẩm nhờ kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi. Thông qua các công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước. Hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, trữ nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải. Công ty đang có 80% diện tích nước trong ao lắng, ao chứa, ao sẵn sàng và ao xử lý nước thải, còn 20% là ao nuôi”.

Ông Ngô Minh Tuấn khuyến cáo: “Với môi trường, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, người nuôi tôm cần chủ động thực hiện các giải pháp như có thể chia tôm nuôi thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 30 ngày, thả tôm giảm mật độ theo từng giai đoạn để quản lý được môi trường hoặc có thể làm ao nhỏ lại để dễ quản lý nhằm hạn chế rủi ro”.

Có thể thấy, những mô hình thích ứng biến đổi khí hậu, giúp người dân phát triển kinh tế là những nhân tố quan trọng góp phần từng bước hiện thực hóa quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đồng thời, từng bước thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Tân Phú Đông là đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đưa Tân Phú Đông phát triển nhanh và bền vững.

PHƯƠNG MAI

Hơn 500 sản phẩm từ dừa hội tụ ở Coconutmart

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Sau gần 3 tháng đi vào hoạt động, Siêu thị Dừa (Coconutmart) đã hội tụ hơn 500 sản phẩm từ dừa để trưng bày, giới thiệu, quảng bá cho khách hàng trong và ngoài tỉnh Bến Tre. Đây cũng là một dự tính được ấp ủ từ bấy lâu của những người con Đồng Khởi muốn giới thiệu đặc trưng của quê hương mình đến với khách gần xa.

Khách hàng đến tham quan, mua sắm tại Siêu thị Dừa Bến Tre (Coconutmart).

Hàng trăm sản phẩm từ dừa

Siêu thị Dừa trực thuộc Công ty TNHH Chế biến dừa Cửu Long, nằm ở Khu đô thị Hưng Phú, phường Phú Tân. Nơi mà những người con Bến Tre muốn khẳng định niềm tự hào, tình yêu quê hương, sức lao động, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sau đúng 45 năm đất nước hoàn toàn giải phóng. Và hôm nay, đang đổi mới, phát triển, với khát vọng bay cao.

Bà Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Cửu Long cho biết: Khi Siêu thị Dừa khai trương, nhiều người dân trong tỉnh, trong đó có lãnh đạo tỉnh, có người Bến Tre xa quê đã bày tỏ sự phấn khởi. Đó là niềm ao ước có một Siêu thị Dừa ở Bến Tre từ rất nhiều năm của họ. Nay ao ước đó đã thành hiện thực nên họ cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào và bày tỏ lòng cảm ơn.

“Chính điều đó đã tạo động lực, niềm tin cho tôi tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn, thử thách ban đầu để duy trì vận hành hiệu quả Siêu thị Dừa. Bước đầu, siêu thị đã quy tụ trên 500 sản phẩm từ dừa (thuộc các loại mỹ phẩm, dược phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thủ công mỹ nghệ, nông sản) của doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp trong tỉnh…”, bà Trương Thị Cẩm Hồng bộc bạch.

Qua gần 3 tháng đi vào hoạt động kinh doanh sản phẩm dừa tại siêu thị này, phấn khởi bước đầu là sản phẩm dừa được người tiêu dùng rất nhiệt tình đón nhận, nhất là đối với khách hàng đến từ các tỉnh và khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm làm quà tặng cho người thân, bạn bè ngoài tỉnh. Sản phẩm vừa phong phú, chất lượng và có giá cả hợp lý.

Ông Nguyễn Văn H (huyện Châu Thành) cho biết, hai vợ chồng ông là giảng viên ở một trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, rất bất ngờ vì qua Siêu thị Dừa mới biết tỉnh nhà nay có rất nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp mắt và đa dạng chủng loại. Trong đó, có nhiều sản phẩm được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đã xuất hiện trên các hệ thống siêu thị lớn trên thế giới, như: nước dừa đóng hộp, dầu dừa tinh khiết, nước cốt dừa, kem dừa… của các doanh nghiệp ngành dừa chủ lực trong tỉnh với thương hiệu Vietcoco, Delta coco, Cocoxim…

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề về sản phẩm, thị trường, doanh nghiệp khởi nghiệp cần quan tâm khắc phục để phát triển sản phẩm, thị trường trong thời gian tới. Trước hết, có nhiều sản phẩm từ dừa, như: các loại mứt, bánh kẹo, nước uống chưa đăng ký đủ các loại giấy tờ theo quy định nhà nước; hay bao bì, mẫu mã sản phẩm còn đơn giản; chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; nhà cung cấp sản phẩm chưa có hóa đơn; một số sản phẩm có giá cả chưa hợp lý.

“Đó cũng là những hạn chế chung của sản phẩm khởi nghiệp. Vì thế, hiện chưa thể đưa vào siêu thị. Các bạn phải từng bước khắc phục hạn chế ban đầu để cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm và thực hiện đầy đủ các quy định để hội nhập và phát triển xa hơn”, bà Trương Thị Cẩm Hồng chia sẻ.

Sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Hiện tại, siêu thị cũng trưng bày, giới thiệu 27 sản phẩm từ dừa được chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao, ở các chủng loại đồ uống, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, nông sản…

Qua nghiên cứu thị trường, khách hàng tiếp nhận sản phẩm OCOP Bến Tre cho thấy, khách hàng các tỉnh miền Bắc rất quan tâm yêu thích sản phẩm OCOP. Khách hàng đánh giá rất cao về chất lượng của sản phẩm dừa Bến Tre nên rất tự tin mua về làm quà tặng cho bạn bè, gia đình và người thân.

Bên cạnh đó, vẫn còn khách hàng chưa biết nhiều về nhãn chứng nhận OCOP. Điều này cho thấy, việc thông tin truyền thông về xây dựng tiêu chuẩn OCOP cần được thường xuyên, rộng khắp hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, người dân tại địa phương cần nắm bắt thông tin, quan tâm nhiều hơn về việc cần thiết phải xây dựng tiêu chuẩn OCOP cho sản phẩm của mình làm ra. Đây được xem là thước đo cơ bản để sản phẩm có thể ra thị trường và hội nhập trong giai đoạn hiện nay, khi mà nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng hướng đến chuẩn - chất.

Theo bà Trương Thị Cẩm Hồng, điều quan trọng nhất để quyết định sự sống còn của sản phẩm là “đầu ra”. Vì thế, không còn cách nào khác là người sản xuất, nhà cung cấp các sản phẩm dừa phải nắm bắt tâm lý, nhu cầu người tiêu dùng để từng bước hoàn thiện, đổi mới sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Trong bối cảnh cả nước vẫn còn đang phải đối mặt với dịch Covid-19, Siêu thị Dừa đã đa dạng các kênh bán hàng để phục vụ khách mua sắm online. Đặc biệt, phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết đến, xuân về. Ngoài ra, siêu thị có dịch vụ gói quà theo nhu cầu của khách và gửi hàng đến tận nơi.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Hậu Giang: Sản lượng lúa năm 2020 của tỉnh đạt hơn 1,3 triệu tấn

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Diện tích gieo trồng lúa cả năm 2020 toàn tỉnh Hậu Giang được 196.779ha, tăng 0,3% so cùng kỳ. Năng suất bình quân đạt 6,6 tấn/ha, tăng 0,25 tấn/ha so cùng kỳ; sản lượng đạt 1.308.612 tấn, tăng 3,95% (tương đương 49.688 tấn) so với cùng kỳ. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh thì việc chuyển đổi cơ cấu giống từ chất lượng thấp sang chất lượng cao đã góp phần nâng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Giá lúa trung bình năm 2020 cao hơn từ 300-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2019, nông dân có lợi nhuận từ 30%.

Sản lượng lúa năm nay tăng 49.688 tấn so với năm 2019.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương còn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và đã có khoảng 25 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết bao tiêu lúa với diện tích 30.052ha, có 23.509 hộ tham gia.

Tin, ảnh: H.TÂM

Nông dân phấn khởi vì bắp cải được mùa, được giá

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Những ngày này, người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang bước vào vụ thu hoạch bắp cải với niềm vui được mùa, được giá.

Ông Thái Vĩnh Thạnh, một người dân ở huyện Tuy Đức cho biết, thời gian qua, giá cả các loại cây công nghiệp và cây ăn trái xuống thấp, nên gia đình ông đã chuyển đổi 4 ha đất để trồng cây bắp cải. Rút kinh nghiệm những năm trước, gia đình chú trọng chăm sóc cây bắp cải bảo đảm quy trình, từ khâu chọn giống cho đến lúc lên luống, bón phân...

Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đang phấn khởi bước vào vụ thu hoạch bắp cải với niềm vui được mùa, được giá

Nhờ chăm sóc bài bản, nên 4 ha bắp cải cho năng suất khá cao, đạt khoảng 60 tấn/ha. Bên cạnh niềm vui được mùa thì thương lái cũng đến tận vườn thu mua bắp cải với giá cao. Hiện nay, gia đình ông Thạnh bán được bắp cải với giá dao động từ 4.000 – 12.000 đồng/kg. Tính sơ bộ, gia đình ông đã thu được lợi nhuận khoảng 150-200 triệu đồng/ha bắp cải.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Hanh, ở huyện Đắk Song, cũng đang bước vào vụ thu hoạch 2 ha bắp cải. Theo ông Hanh, năm nay thời tiết thuận lợi, nên cây bắp cải phát triển rất tốt, đạt năng suất cao hơn năm trước, bình quân đạt gần 50 tấn/ha.

Ông Hanh vui mừng cho biết: "Gia đình tôi rất phấn khởi khi chỉ mất 4 tháng trồng và chăm sóc bắp cải, nhưng thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Trong bối cảnh giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp, cây bắp cải đang là “phao cứu sinh” để cho người dân chúng tôi có mức thu nhập khá".

Nhiều người dân trồng bắp cải cho biết, chi phí cho một cây bắp cải từ khi trồng đến thu hoạch vào khoảng 2.000 đồng. Một cây bắp cải khi thu hoạch thường có trọng lượng trên 1 kg. Năm nay, giá bắp cải liên tục biến động, có thời điểm lên đến 12.000 đồng/kg.

Thời điểm này, giá bắp cải giảm xuống còn 4.000 đồng/kg, nhưng nông dân vẫn có lãi cao. Điều khiến người dân phấn khởi nhất là trong những năm qua, chưa khi nào giá bắp cải giảm xuống dưới mức 2.000 đồng/kg. Có nghĩa là người trồng bắp cải luôn có lãi, thậm chí có những vụ mùa lãi đậm.

Giá bắp cải dao động từ 4.000 - 12.000 đồng/kg, nông dân vẫn có thu nhập khá

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Song, thời gian qua, cây bắp cải được các thương lái từ Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... đến tận vườn của người dân để thu mua với số lượng lớn. Năm nay, cây bắp cải được mùa, được giá, nên bà con nông dân hết sức phấn khởi.

Cũng theo ông Vinh, nhằm hạn chế thấp nhất việc cung vượt cầu khiến cho cây bắp cải mất giá, sau mỗi vụ thu hoạch, cán bộ ngành nông nghiệp lại đến từng thôn, từng gia đình để nắm bắt thông tin về diện tích, thăm hỏi tình hình sản xuất, lợi nhuận, rồi tuyên truyền kinh nghiệm cho bà con nông dân cùng nhau sản xuất.

Để nâng cao giá trị cho cây bắp cải, các địa phương đã nỗ lực tổ chức tạo mối liên kết giữa nông dân với các thương lái, doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Điều này đã từng bước giúp người trồng bắp cải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo được uy tín cho sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bài, ảnh: Phan Tuấn

Phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Đó là chủ đề diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày 4/12 tại tỉnh ta. Dự diễn đàn có đại diện Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia; lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh; Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên cùng một số doanh nghiệp, HTX và 100 hộ nông dân tiêu biểu trong nuôi gà của tỉnh.

Nông dân tham gia trao đổi, thảo luận tại diễn đàn.

Năm 2020, tổng đàn gia cầm cả nước đạt 481 triệu con, trong đó có 382 triệu con gà (chiếm 79,5%). Tính đến hết tháng 11/2020, toàn tỉnh Hòa Bình có 7,8 triệu con gia cầm. Hiện, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tập trung phát triển các giống gà địa phương như gà Lạc Thủy, Lạc Sơn.

Đối với ngành chăn nuôi, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giúp phát huy các giống đặc sản của từng vùng, miền. Người dân, cộng đồng là chủ thể của các thương hiệu, thụ hưởng lợi ích từ sản phẩm của mình… Tuy nhiên, hiện nay, quy mô chăn nuôi một số giống gà đặc sản chủ yếu ở hộ gia đình. Các hộgặp khó khăn trong đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô chăn nuôi và sản xuất chế biến, xúc tiến thương mại, đăng kýsở hữu trí tuệ hạn chế. Việc quy hoạch,phát triển chăn nuôi các giống gà đặc sản vào Chương trình OCOP các địa phương còn thực hiện chậm.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc” nhằm: Định hướng quy hoạch vùng chăn nuôi,khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm; phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm gắn với thị trường theo hướng OCOP; tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng nâng cao các loại hình sản phẩm…

Bên cạnh đó, diễn đàn tạo điều kiện để nông dân trao đổi, chia sẻ,thảo luận với các nhà quản lý, nhà khoa học,doanh nghiệp, nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn trong phát triển chăn nuôi gà thịt, như: Kỹ thuật chăm sóc,điều trị các bệnh thường gặp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tiêu chuẩn để sản phẩm gà thịt đạt tiêu chuẩn OCOP… Thông qua diễn đàn, các doanh nghiệp, HTX, hộ dân có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng của T.Ư, địa phương.

Thu Thủy

Đẩy mạnh tái đàn lợn tạo nguồn cung cho thị trường: Bảo đảm an toàn dịch bệnh

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Thời tiết chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, trong khi đó, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn xuất hiện nhỏ lẻ ở một số hộ chăn nuôi. Vì vậy, để tạo nguồn cung cho thị trường, cùng với việc đẩy mạnh tái đàn lợn, các hộ dân phải chú ý phòng, chống dịch bệnh; tuân thủ quy định về con giống và quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Công nhân kiểm tra khu chuồng nuôi lợn thịt thương phẩm của Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Nhật Nam

Tập trung cho nguồn giống và tái đàn

Việc tái đàn lợn trong thời điểm này rất quan trọng để tăng tổng đàn cả nước lên 31 triệu con (bằng với trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi) nhằm góp phần tạo nguồn cung cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Tham gia thực hiện mục tiêu này, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống vật nuôi Hà Nội Nguyễn Đức Sang thông tin: Hiện nay, công ty đang có 300 lợn nái, 1.000 lợn thương phẩm, nhưng trong thời gian tới công ty tăng số lượng nuôi thương phẩm lên khoảng 1.500 con, dự kiến cung cấp 35-40 tấn thịt lợn/tháng trong dịp Tết. Còn Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho biết: Với tổng đàn 3.000 lợn nái và 40.000 lợn thịt, dự kiến từ nay đến cuối năm đơn vị sẽ cung cấp khoảng 350-400 tấn thịt lợn/tháng cho thị trường.

Để bảo đảm nguồn giống tốt phục vụ nhu cầu tái đàn lợn của người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội, các đơn vị cung ứng lợn giống cũng đang đẩy mạnh hoạt động. Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Nông nghiệp giá tốt và thông minh (huyện Hoài Đức) Trần Văn Vũ cho biết: Gần đây, mỗi tháng công ty nhập khoảng 1.000-1.500 con lợn giống từ Thái Lan, bán cho hơn 300 trang trại trên cả nước. Thời gian tới, công ty sẽ nhập khoảng 3.000-3.500 con lợn giống/tháng để cung cấp cho thị trường.

Đánh giá về công tác tái đàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Với tốc độ tái đàn hiện nay, dự kiến tổng đàn lợn của thành phố sẽ đạt hơn 1,6 triệu con vào cuối năm 2020. Còn theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, các địa phương cần có giải pháp, vận động doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng như các cơ sở sản xuất giống cung ứng cho thị trường để người chăn nuôi mua được con giống an toàn dịch bệnh với giá cả hợp lý.

Đến nay, đàn lợn cả nước đạt khoảng hơn 29 triệu con. Riêng đàn lợn của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã đạt hơn 4,2 triệu con, tăng 66% so với thời điểm trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi năm 2019. Cùng với nguồn thịt lợn nhập khẩu từ các nước, chắc chắn nguồn cung thịt lợn cho thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ được bảo đảm.

Chú trọng bảo đảm an toàn dịch bệnh

Các tỉnh, thành phố đang tập trung đẩy mạnh tái đàn, song theo nhận định của Bộ NN&PTNT, dịp cuối năm 2020, thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, rét đậm, rét hại làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Trong khi đó, bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vắc xin điều trị, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất lớn. Vì vậy, các địa phương cần tăng đàn, tái đàn lợn theo hướng an toàn dịch bệnh.

Ông Nguyễn Hưng Thỉnh, ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) thông tin: Cùng với việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, trước khi nhập đàn lợn về nuôi, trang trại đã rắc vôi bột khử trùng khu vực chăn nuôi. Cũng về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết: Để thực hiện công tác tái đàn lợn gắn với an toàn dịch bệnh, huyện đã hỗ trợ các trang trại tổng vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng môi trường 5 đợt với diện tích vào khoảng 40 triệu mét vuông.

Theo thông tin từ Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, ngành Nông nghiệp thành phố đã thành lập hai đoàn công tác kiểm tra thực tế việc tái đàn vật nuôi, đồng thời tiếp tục tham mưu với thành phố có chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực dự báo sớm dịch bệnh để có phương án xử lý kịp thời và khuyến cáo: Các hộ chăn nuôi, trang trại cần mua giống lợn ở những cơ sở uy tín, tránh mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Để bảo đảm việc tái đàn, tăng đàn gắn với an toàn dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Các địa phương cần có chính sách về lãi suất vốn vay cho người chăn nuôi để thúc đẩy việc tái đàn, tăng đàn, đồng thời tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP... Cùng với đó là đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn các trang trại, hộ chăn nuôi tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống, xử lý dịch bệnh; định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc các khu chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo đúng quy định.

Đẩy mạnh việc tái đàn gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh sẽ tạo thêm nguồn cung thịt lợn cho thị trường, góp phần ổn định giá mặt hàng thiết yếu này.

NGỌC QUỲNH

Đàn heo giống tại Lâm Đồng dương tính với virus dịch tả heo châu Phi

Nguồn tin: Tuổi trẻ

Sáng 8-12, ông Nguyễn Phi Long - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh Lâm Đồng - khẳng định mẫu xét nghiệm đàn heo có dấu hiệu bệnh tại xã Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) dương tính với virus dịch tả heo châu Phi.

Cơ quan chức năng tiêu hủy đàn heo dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi - Ảnh: M.V.

Theo ông Long, ngày 2-12 người dân và đơn vị chức năng phát hiện đàn heo giống của một số hộ dân tại xã Triệu Hải có dấu hiệu mắc bệnh, chết rải rác. Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh đã tiêu hủy 70 con heo của 6 hộ dân.

Tới ngày 3-12, cơ quan chức năng tiếp tục tiêu hủy 30 còn lại của một hộ dân, đồng thời lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 5 (tại Đăk Lắk) xét nghiệm. Chi cục Thú y vùng 5 thông báo kết quả xét nghiệm heo dương tính với virus dịch tả heo châu Phi.

Nguồn gốc đàn heo này được 2 người dân tại xã Triệu Hải mua từ Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) không có hồ sơ, giấy tờ. Sau khi mua về 100 con, hộ dân trên đã bán 70 con cho 6 hộ thuộc xã Triệu Hải, còn giữ lại nuôi 30 con.

Hiện Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay đơn vị đang phối hợp với chính quyền huyện Đạ Tẻh vệ sinh, khử trùng chuồng trại triệt để nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh có thể lây lan thêm. Cơ quan chức năng yêu cầu tạm thời không tái đàn heo tại xã có heo mắc bệnh, nhất là trong tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, ngành thú y phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc. Xử phạt nặng các chủ phương tiện, người chăn nuôi vận chuyển heo ra vào địa phương nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như giấy chứng nhận kiểm dịch…

Trước đó, cuối tháng 11-2020, cơ quan chức năng ghi nhận ở xã An Nhơn,huyện Đạ Tẻh có 11 con heo của 2 hộ dân được xác định nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. Toàn bộ số heo này với trọng lượng hơn 1 tấn đã được tiêu hủy ngay sau đó.

M.VINH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop