Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 09 tháng 3 năm 2019

Xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Ngày 4/3, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có buổi làm việc với Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn Phoenix về việc đề xuất thực hiện vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP).

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời phát biểu tại buổi làm việc

Dự án sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) do Tập đoàn Lộc Trời và Tập đoàn Phoenix triển khai thực hiện tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp từ năm 2019-2021 với diện tích 10.000 ha. Tham gia mô hình, nông dân được đầu tư giống, phân thuốc đến cuối vụ không tính lãi, được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, bao tiêu, thu mua lúa theo giá thị trường.

Theo đó, Dự án này sẽ được triển khai ngay trong vụ hè thu 2019 với tổng diện tích 1.000ha. Trong đó, Đồng Tháp sẽ thực hiện 400ha tại huyện Thanh Bình, Lấp Vò với 2 loại giống: OM 6976 và OM 5451.

Nhận thấy đây là mô hình phù hợp với tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng thống nhất cho 2 đơn vị triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch giao cho các đơn vị liên quan, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp lựa chọn vị trí phù hợp để thực hiện dự án, kịp thời báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

Trang Huỳnh

Tiền Giang: Nông dân đam mê nhân giống cây khoai mỡ

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Đó là anh Lê Việt Hà ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Qua tìm tòi, học hỏi để chọn giống mới sạch bệnh, anh đã tìm đến với kỹ thuật nhân giống khoai mỡ bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Được biết, cây khoai mỡ chủ yếu được người dân nhân giống theo cách truyền thống là giữ lại củ của vụ trước, đợi đến thời điểm xuống giống thì được người dân đem ra cắt các củ thành từng mặt khoai có kích thước khoảng 4 x 5 (cm) và ủ cho mọc mầm trước khi đặt xuống đồng ruộng. Với cách giữ giống này, sau nhiều năm liên tục sẽ làm cây sinh trưởng yếu, tính kháng sâu bệnh giảm, do đó làm ảnh hưởng đến năng suất.

Anh Lê Việt Hà canh tác 3 ha khoai mỡ từ năm 1997. Tuy nhiên cây khoai mỡ ngày càng bị nhiều loại sâu bệnh hại, trong đó bệnh làm “đau đầu” nhất là hiện tượng mục đầu khoai, gây ảnh hưởng đến phẩm chất khoai và thất thu năng suất. Năm 2010 anh Hà nghiên cứu sách vở tìm ra phương pháp hạn chế hiện tượng này là xử lý nước nóng “3 sôi, 2 lạnh” để khử tuyến trùng gây mục đầu khoai, hiệu quả chiếm trên 90%. Từ đó đến nay, anh Hà đã có nguồn giống khoai sạch bệnh để bán cho bà con nông dân trong xã và khu vực Bến Kè Long An với sản lượng trên 100 tấn giống.

Không dừng lại, anh còn tìm đến Trung tâm Công nghệ Sinh học tỉnh Tiền Giang học hỏi phương pháp nuôi cây mô trên khoai mỡ nhằm cải thiện nguồn giống bệnh mục đầu. Năm 2013, kỹ sư Văn Thị Thúy Hoa đã nhận nuôi cây mô giống khoai mỡ cho anh. Sau 1 năm anh nhận 100 cây giống về trồng, rồi tiếp tục nhân ra bằng việc sử dụng phân hữu cơ, tro trấu, xơ dừa. Một năm chăm sóc tiếp theo, anh Hà đã có khoảng 150 kg khoai mỡ sạch bệnh. Đến năm 2016 anh đã cung cấp giống khoai nuôi cấy mô cho nhiều hộ sản xuất khoai mỡ trong xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ và Bến Kè Long An.

Với sự nhiệt tình tâm quyết của mình, năm 2018, anh tiếp tục liên hệ các nhà khoa học của Viện Cây ăn quả Miền Nam nhờ nhân giống nuôi cây mô từ 3 kg khoai mỡ tím của gia đình với giá 5000đồng/bầu. Đến 9/2018 này anh sẽ nhận về nhân giống để tiếp tục có nguồn giống mới, sạch bệnh phục vụ cho bà con nông dân.

Anh Hà tâm sự: “Khi thấy khoai mỡ bị bệnh mục đầu nhiều mà cây bệnh ảnh hưởng trong đất, trong giống nên tôi luôn trăn trở tìm giống mới. Bên cạnh nguồn giống tốt, tôi nghĩ cần xây dựng quy trình trồng khoai mỡ để hạn chế sâu bệnh, giúp tăng thu nhập cho mình và người dân trồng khoai xung quanh”.

Anh Lê Việt Hà bên ruộng khoai trồng được 4 tháng của gia đình

Từ năm 2017 đến nay anh Hà canh tác khoai mỡ sau khi nuôi cây mô. Thời gian trồng 5 tháng thì củ to từ 1 – 1,2 kg, không mục đầu, sức sinh trưởng cây mạnh, hạn chế việc sử dụng phân hóa học. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 16 – 18 tấn khoai/ha/5 tháng. Giống khoai của nhà anh cung cấp cho bà con nông dân đồng đều, giá bán giống là 20.000 đồng/kg khoai giống, so với khoai hàng chợ 16.000 đồng/kg nhưng được nhiều bà con lựa chọn. Hiện nay anh đang trồng 3 ha khoai giống để cung cấp giống tốt cho bà con trong vụ tới.

Từ một nông dân canh tác khoai mỡ lâu đời trên vùng đất nhiễm phèn, sâu bệnh hại ngày một nhiều gây ảnh hưởng năng suất cây trồng nhưng với ý chí nhiệt tình học hỏi, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, anh Lê Việt Hà đã thành công trên mô hình trồng nhân giống khoai mỡ cho hiệu quả kinh tế cao. Anh là tấm gương để nông dân gần xa học tập.

Ks Trương Hồng Huy - Trung Tâm DVNN huyện Tân Phước, Tiền Giang

Tưới nhỏ giọt cây điều cho năng suất cao

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Mô hình tưới nhỏ giọt được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, Gia Lai thí điểm trên vườn điều của nông dân ở xã Uar đã bước đầu cho thấy hiệu quả cao, mở ra cách làm mới để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, tiết kiệm nguồn nước tưới và công lao động.

Cuối năm 2018, vườn điều 2,7 ha của ông Nguyễn Đức Đô (điểm 8, xã Uar) được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa chọn thí điểm lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tại gốc kết hợp bón phân qua đường ống. Hệ thống tưới nhỏ giọt được đầu tư lắp đặt với chi phí khoảng 68 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện. Hệ thống có 3 bộ phận: máy bơm, bộ điều khiển trung tâm và đường ống. Trong đó, đường ống được đục nhiều lỗ nhỏ và đặt xung quanh gốc để dẫn nước tưới cho cây điều. Hệ thống này còn có khả năng bón phân bằng cách hòa tan phân trong nước, sau đó cho vào bình chứa. Từ đây, phân bón sẽ được dẫn đến tất cả các cây.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa theo dõi tiến độ ra hoa, kết trái của cây điều. Ảnh: N.S

Ông Đô cho biết: “Sau khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, vườn điều phát triển xanh tốt hơn nhiều. Mỗi lần tưới xong thì 5 ngày sau mới phải tưới lại. Tỷ lệ đậu quả có khả năng cao hơn vì hiện nay cuống hoa ra rất dài. Chắc chắn mùa này sản lượng điều của gia đình sẽ cao hơn mùa trước”.

Theo nhiều nông dân, tưới nước, bón phân là những khâu quan trọng nhất đối với cây điều, nhưng không phải cứ tưới nước nhiều là tốt. Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp nông dân điều tiết được lượng nước tưới, phân bón vừa đủ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây và diễn biến thời tiết; đồng thời hạn chế sâu bệnh. Ông Lê Xuân Hưng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Gu-cho hay: “Sau khi tham quan hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây điều của gia đình ông Đô, tôi thấy hệ thống rất hiệu quả vì giúp tiết kiệm nước và thời gian tưới. Bên cạnh đó, bón phân bằng cách hòa tan trong nước rất thuận tiện, cây sẽ được thấm đều, lại tiết kiệm được phân”.

Theo ông Đô, từ khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt thì lượng nước tưới giảm rất nhiều, phân bón cho cây cũng không bị tiêu hao. Nếu tưới theo cách truyền thống phải mất khoảng 80 m3 nước cho 2,7 ha điều, còn hệ thống tưới nhỏ giọt chỉ mất khoảng 30 m3 nước. Đồng thời, hệ thống còn giảm thời gian và sức lao động. Nếu như trước đây, gia đình ông phải mất 1-2 ngày mới tưới xong cho 2,7 ha điều thì nay chỉ cần bật công tắc và vặn van là nước sẽ tự động chảy đến từng gốc cây, sau 5 tiếng đồng hồ là tưới xong cả vườn.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Đây là một trong những mô hình tưới tiết kiệm nước đầu tiên mà đơn vị triển khai theo chỉ đạo của tỉnh. Bước đầu cho thấy, việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây điều trong mùa khô giúp cây phát triển tương đối tốt so với các vườn khác. Hiện nay, cây điều đang bắt đầu ra hoa. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi vườn cây để đánh giá hiệu quả. “Nếu mô hình này cho kết quả tốt thì chúng tôi sẽ tuyên truyền đến người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đối với nhiều loại cây trồng khác. Việc áp dụng công nghệ này không chỉ giúp nông dân thuận tiện trong sản xuất mà còn giảm công lao động, giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, qua đó từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho biết thêm.

NGỌC SANG

3 giống lúa mới thử nghiệm thích nghi tốt

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Đó là đánh giá chung của nông dân khi tham gia trồng thử nghiệm 3 giống lúa mới OM 344, OM 8959, OM 9577 của đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa - màu trong điều kiện hạn và mặn ở tỉnh Hậu Giang” do tiến sĩ Trịnh Quang Khương, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long làm chủ nhiệm.

Giống lúa mới rất nở bụi, ít tốn phân bón.

Sau gần 2 tháng trồng thử nghiệm, nông dân nhận thức giống lúa mới này ít phân, nở bụi hơn so với giống OM 5451. Mô hình thực hiện đạt hiệu quả bước đầu về biện pháp quản lý dinh dưỡng, kỹ thuật bón phân theo nhu cầu cây lúa như: kỹ thuật bón phân theo tiểu vùng và điều chỉnh lượng phân đạm bón theo bảng so màu lá. Đặc biệt, nông dân thực hiện bón phân kali với liều lượng hợp lý trong điều kiện đất nhiễm mặn, bón bổ sung các khoáng chất cải tạo đất như: Ca, Mg, phân hữu cơ sinh học giúp nâng cao khả năng chống chịu mặn của cây lúa... Được biết, 3 giống lúa này được trồng thử nghiệm tại xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, với diện tích 6ha trong vụ Đông xuân 2018-2019. Ngoài ra, chủ nhiệm đề tài còn thử nghiệm trồng một giống đậu bắp thích ứng cho vùng canh tác lúa - màu nhiễm mặn và hạn hán có năng suất ổn định, phẩm chất khá, hiệu quả kinh tế cao.

Tin, ảnh: TRÚC LINH

Nông dân Quảng Nam lao đao vì tiêu rớt giá, phải chuyển đổi giống

Nguồn tin: VOV

Cây tiêu đem lại nguồn thu đáng kể cho người trồng tiêu huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, hiện giá tiêu giảm sâu khiến bà con lo lắng.

Trước đây, gia đình ông Võ Văn Phú ở thôn Thạnh Xuyên, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam sống dựa vào nguồn thu từ trồng cây sắn và vài sào đất lúa, cuộc sống bếp bênh. Mấy năm nay, gia đình ông Phú chuyển qua trồng cây tiêu, mang lại nguồn thu đáng kể. Hiện tại, ông Phú có 800 trụ tiêu. Vụ vừa rồi, ông thu hoạch hơn 1 tấn tiêu, lãi hơn 80 triệu đồng. Cũng nhờ cây tiêu nên gia đình ông Phú đã thoát nghèo, cuộc sống khấm khá.

“So với trồng chè, trồng sắn trước đây thì trồng cây tiêu hiệu quả hơn, đời sống kinh tế khá hơn. Năm nay giá xuống thấp, chính quyền cho vay mỗi hộ 50 triệu đồng và tạo điều kiện đường xá, điện. Từ khi trồng tiêu, con cái được học hành đầy đủ. Nếu giá cả lên nữa thì bà con đỡ vất vả hơn”, ông Phú cho biết.

Vườn tiêu của ông Phú có 800 trụ tiêu.

Bà Huỳnh Thị Tám, ở xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên cho biết, trước đây 1kg tiêu có giá 180.000 – 230.000 đồng nay giảm xuống còn 70.000- 80.000 đồng. Theo bà Tám, tiêu rớt giá, nhưng so trồng lúa và cây màu khác thì hiệu quả vẫn cao hơn. Hiện, gia đình bà Tám trồng gần 1000 trụ tiêu, thu nhập khá ổn định.

"Trồng tiêu hiệu quả hơn trồng lúa. Ngày trước một ký tiêu bán 180.000-200.000 đồng, hiện giờ giá tiêu hạ xuống còn mấy chục nghìn mỗi kg. Trồng tiêu thu nhập khá hơn lúa. Giá tiêu hạ thì phải chịu lỗ. Trồng cây tiêu vẫn có kinh tế hơn nhưng không tiêu thụ được. Mong muốn chính quyền tạo điều kiện đầu ra cho tiêu để phát triển hơn", bà Tám nói.

Đến nay, tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có hơn 100 hộ trồng tiêu. Nhiều hộ trồng tiêu có quy mô lớn từ 300 - 1000 trụ tiêu. Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên cho biết, ở vùng đất đồi gò, trước đây bà con chủ yếu trồng cây sắn, cây chè, hiệu quả không cao. Nay bà con đã chuyển qua trồng tiêu, nhiều hộ có nguồn thu đáng kể. Địa phương cũng tạo điều kiện kéo điện ra đồng, hỗ trợ vốn giúp bà con yên tâm sản xuất. Trước tình trạng tiêu rớt giá, địa phương đã có kế hoạch nâng dần chất lượng cây tiêu, thay đổi nguồn giống.

Trồng tiêu mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân Duy Thu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Văn Bá Năm, hiện tại, cây tiêu ở Duy Xuyên chủ yếu là nguồn giống lấy từ huyện Vĩnh Linh, tỉnh QuảngTrị. Sắp tới, địa phương chuyển qua trồng giống tiêu Tiên Phước.

"Những hộ trồng tiêu thì đời sống khá hơn so với những người làm thuần cây lúa. Hiện nay giá tiêu thấp. Tuy nhiên so với lúa thì cao gấp từ 2- 5 lần. Chúng tôi đang hướng theo nâng dần chất lượng cây tiêu, từng bước thay đổi giống. Thực hiện theo quy trình nâng cao chất lượng để tham gia chương trình mỗi làng một sản phẩm, chất lượng đảm bảo về an toàn thực phẩm năng suất, góp phần nâng cao giá trị cây tiêu sản xuất hiệu quả kinh tế cho người dân", ông Năm cho biết./.

Tuyết Lê-Hoài Nam/VOV-Miền Trung

Casuco sẽ không ký hợp đồng bao tiêu mía với nông dân

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Thông tin từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), niên vụ mía 2019-2020 này, Casuco sẽ không tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu mía như những vụ mía trước cho nông dân tại vùng mía nguyên liệu của công ty trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cũng như các tỉnh khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hình thức thu mua mà công ty áp dụng trong đợt thu hoạch mía tới là chỉ thông báo mức giá sàn, các thương lái sẽ căn cứ vào đó để tiến hành mua mía trong dân. Từ thông báo này, ngành chức năng tỉnh lo ngại bà con trồng mía sẽ phần nào bị ảnh hưởng tâm lý vì lo đầu ra của cây mía sau này.

Casuco không ký hợp đồng bao tiêu mía sẽ tạo tâm lý lo lắng cho nông dân.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị các địa phương có diện tích trồng mía nên thông báo về chính sách thu mua mới của Casuco trong vụ mía sắp tới. Đồng thời, nắm bắt động thái của người dân trước thông tin này để có giải pháp làm việc với nhà máy đường trong thời gian sớm nhất.

Đến thời điểm này, niên vụ mía 2019-2020 nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 8.472ha, giảm hơn 2.000ha so với cùng kỳ. Hiện mía trong giai đoạn từ 1-3 tháng tuổi, tập trung ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Về cơ cấu giống mía, chủ yếu là giống ROC 16, K88-92, Suphan Buri 7…

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Cây giống mít Thái siêu sớm hút hàng, giá tăng cao

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, cây giống mít Thái siêu sớm tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang rất hút hàng, giá tăng thêm ít nhất từ 8.000-10.000 đồng/cây so với cách nay hơn 1 tháng.

Tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống ở các tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Long… giá cây giống mít Thái siêu sớm đang ở mức khá cao, từ 20.000-80.000 đồng/cây, tùy loại. Cụ thể, cây giống mít Thái siêu sớm loại cây ghép mới lên một cơi lá (gốc cây có đường kính khoảng 1,5- 1,8 phân) tăng từ mức 12.000-13.000 đồng/cây, lên mức 20.000-22.000 đồng/cây; cây giống mít Thái siêu sớm loại cây ghép lên được 2-3 cơi lá, đang có giá 25.000-30.000 đồng/cây… Riêng cây giống mít Thái siêu sớm loại lớn (cây có đường kính trên 2 phân, ghép được khoảng 2-3 cơi lá) có giá 70.000-80.000 đồng/cây, thậm chí cao hơn. Giá cây giống mít Thái siêu sớm tăng cao do người dân tại ĐBSCL và nhiều vùng miền: Đông Nam bộ, Tây Nguyên…đang đẩy mạnh tìm mua cây giống mít Thái siêu sớm về trồng vì trái mít Thái bán được giá cao. Trong nhiều tháng qua, trái mít Thái siêu sớm có giá lên đến 50.000-65.000 đồng/kg do xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, rủi ro cho nhà nông là lớn khi đổ xô trồng giống mít Thái mà chưa có hợp đồng bao tiêu hay xuất khẩu ổn định. Trong năm 2018, có thời điểm thị trường Trung Quốc tạm ngừng “ăn” trái mít Thái, giá mít tại nhiều nơi ở ĐBSCL tuột xuống chỉ còn khoảng trên dưới 5.000 đồng/kg.

Khánh Trung

Nhọc nhằn ‘đời’ dưa

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Nông dân xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) thu hoạch dưa hấu - Ảnh: H.NAM

Người trồng dưa hấu ròng rã 3 tháng trời ăn ngủ ở chòi với dưa, đến mùa thu hoạch thức trắng đêm gánh dưa. Thế nhưng, dưa hấu phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, có năm đầu vụ giá dưa nhích lên nhưng cuối vụ thu hoạch rộ, giá dưa rớt xuống thấp. Người trồng dưa vì thế cũng “lên, xuống” với trái dưa.

Thức đêm cùng trái dưa

Những ngày này, dọc tuyến đường qua các xã Xuân Quang 3, Xuân Phước (huyện Đồng Xuân); Ea Chà Rang, Krông Pa (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), từng tốp người đi xe máy đèo theo sau đôi ky, cây đòn gánh đến ruộng dưa, gánh dưa mướn. So với các loại cây trái thì dưa hấu thu hoạch vào ban đêm, bởi theo kinh nghiệm của nhiều người, thu hoạch dưa vào ban đêm thì chất lượng dưa tốt hơn.

Trước khi cắt cuốn, buổi chiều, người trồng bơm nước tưới sau đó cắt dưa rồi thuê công gánh ra cạnh đường chất đống. Cách làm này giúp dưa no nước, thương lái đến họ dùng tay búng mạnh, trái nào kêu boong boong thì mới chọn. Còn nếu hái ban ngày, do trời nắng, vỏ dưa mềm, búng vào kêu bộp bộp thì dưa xốp ruột, chở đi xa dễ bị chảy nước nên thương lái không mua.

Để trái dưa “lăn” từ ruộng lên xe phải qua 3 khâu: Cắt dây, gánh và bốc dưa lên xe. Ông Nguyễn Văn Độ, một người chuyên gánh dưa ở xã Xuân Quang 3 cho hay: Nghề này không làm ăn riêng lẻ mà phải lập thành tốp 4-5 người, phụ sức vào mới đưa nổi hàng chục tấn dưa từ ruộng lên xe trong một đêm.

Cũng theo ông Độ, chỉ riêng về khâu gánh, thường xe tải chở dưa là xe “3 chân” (3 trục), trọng tải 20 tấn thì 4 người gánh, trung bình mỗi người gánh 1 đêm 5 tấn dưa, mỗi gánh dưa từ 60-70kg. Công gánh không ăn theo tấn mà ăn theo sào, từ 200.000-300.000 đồng/sào (tùy theo xa gần, gánh từ ruộng dưa đến chỗ xe tải đậu), năng suất mỗi sào dưa từ 2-2,5 tấn. Có đêm mỗi người gánh 3 sào dưa được gần 1 triệu đồng.

Trong các khâu thì khâu chất dưa lên xe rất quan trọng, vì vậy người chất dưa “ăn 2 mâm”, thương lái khoán 70.000 đồng/tấn, khi chất đầy xe tải lại được tài xế bồi dưỡng 1 triệu đồng (2 người). Sở dĩ được tài xế bồi dưỡng thêm là vì khi xe vận chuyển đường dài, tài xế có trách nhiệm bảo quản tài sản trên xe theo hợp đồng, nếu dưa vỡ nhiều thì tài xế bồi thường. Vì vậy, xe tải chở dưa phải lót rơm thật kỹ để thùng xe không “cạp” vỏ dưa… hoặc dưa đè lên nhau dập nát trong chặng đường từ Phú Yên ra đến Lạng Sơn không bị dập chảy nước. “Được ăn 2 mâm nhưng người chất dưa lãnh đủ bụi rơm trong thùng xe bịt bùng thiếu điều nghẹt thở. Chất xong xe dưa, quần áo, da mặt nhám đen bụi rơm”, ông Trần Văn Tiến, người chất dưa ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) nói.

Nông dân xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) bốc dưa hấu lên xe tải chở ra Lạng Sơn xuất sang Trung Quốc - Ảnh: H.NAM

Cẩn trọng khi chọn nghề trồng dưa

Theo nhiều người trồng dưa, trung bình đầu tư trồng 1ha từ 100-120 triệu đồng (tùy theo nguồn nước tưới xa gần); năng suất từ 40-50 tấn dưa/ha. Nếu nông dân bán dưa với giá 4.000 đồng/kg thì huề vốn, còn bán được với giá 7.000 đồng/kg thì lãi khoảng 100 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên giá dưa lên xuống thất thường, nên người trồng dưa cần tính toán kỹ khi gắn bó với công việc này. Ông Bùi Văn Tấn, trồng dưa ở xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), chia sẻ: Tôi trồng dưa trên 5 năm, có năm, tôi thu hoạch 15 tấn dưa. Thấy dưa chất đống to tôi mừng, sáng gọi thương lái đến họ thuê người dạt, dùng tay trỏ búng mạnh, trái nào kêu boong boong, trọng lượng 4kg trở lên thì lấy, còn trái nào kêu bộp bộp thì họ cho là dưa xốp ruột chở đi xa bị hư nên bỏ qua một bên.

Đống dưa ước chừng trên 15 tấn nhưng thương lái “dạt” bỏ lại 8 tấn, còn 7 tấn cân đo đong đếm mua với giá 2.800 đồng/kg. Tôi lỗ trên 50 triệu đồng. Thế nhưng năm sau lại trúng mùa, giá tăng lên 7.000-9.000 đồng/kg, bán không sót lại trái nào, lãi trên 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tình, người thuê đất ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), cho biết: Cách đây 3 năm, tôi trồng 8 sào dưa, lúc thời điểm giữa vụ, dưa trồng bị thiếu nước, tôi bỏ tiền mua thêm ống dây để tải nước lên đồi tưới dưa, nhưng do trời nắng kéo dài, nguồn nước lại khan hiếm nên tưới không xuể nên dưa bị “đẹt” nhiều.

Ròng rã gần 3 tháng trời, vợ chồng cất chòi “ăn ngủ” với dưa, khi dưa còn nhỏ thì cong lưng ngồi bắt nhánh (loại bỏ nhánh dưa nhỏ không hiệu quả), khi dưa ra nụ, nuôi trái dưa bằng ngón tay út đến to bằng cái ấm thì tưới nước, phun phân thuốc cả ngày lẫn đêm. Cuối vụ tôi bán đổ bán tháo lỗ gần 40 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 năm nay dưa được mùa, được giá, trung bình mỗi năm bỏ túi trên 50 triệu đồng trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học.

Theo nhiều người trồng dưa, mấy năm gần đây, giá dưa chao đảo, có năm đầu mùa giá bán 12.000 đồng/kg, thương lái lùng sục mua nhưng không có để bán. Sau đó bỗng dưng có tin đồn thị trường Trung Quốc không nhập nữa nên giá dưa rớt thê thảm. Có khi trong vòng 1 tuần, giá dưa xập xình, lên xuống 5 giá, khi thì 5.000 đồng, lúc thì 3.000 đồng rồi hạ xuống 1.500 đồng, sau đó nhích lên 4.500 đồng/kg… Riêng vụ này giá dưa đạt 6.000 đồng/kg nên người trồng có lãi.

Theo Sở NN-PTNT, vụ dưa hấu năm nay, Phú Yên trồng hơn 300ha dưa, tập trung ở các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân với năng suất bình quân 40 tấn/ha. Mặc dù hiện nay dưa được giá nhưng sở cũng khuyến cáo, người trồng dưa nên cẩn trọng vì dưa hấu phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Có thể đầu vụ giá dưa nhích lên nhưng cuối vụ thu hoạch rộ, giá dưa sẽ rớt xuống thấp.

MẠNH HOÀI NAM

Thừa Thiên Huế: Măng cụt, sầu riêng Lộc Hòa

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Sau nhiều năm chờ đợi, măng cụt đã được minh chứng là phù hợp với vùng đất Lộc Hòa (Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), và vui hơn khi loại quả đặc sản Nam bộ “made in Lộc Hòa” lúc nào cũng không đủ để bán.

Bỏ nhiều công sức, vườn măng cụt của ông Thiên đã cho quả

50 gốc măng cụt được ông Huỳnh Thiên trồng tự phát ở vườn từ năm 2004. Trong thời gian ấy, để đảm bảo kinh tế gia đình, tận dụng diện tích giữa các cây, ông đã trồng xen các loại ngắn ngày như lạc, khoai lang, ngô. Lão nông sinh năm 1953 phấn khởi: “Vào năm 2012, đợt hoa đầu tiên hé nở, măng cụt bắt đầu bói quả. Đến nay, toàn bộ vườn măng cụt của tôi đã cho thu hoạch”.

Ba năm đầu là khoảng thời gian vất vả nhất khi trồng măng cụt. Ông Thiên nhớ lại: “Tôi phải dựng khung để che chắn cho từng cây non. Nếu cây tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời thì sẽ chậm phát triển”. Bình thường, măng cụt được trồng cách hàng từ 6-7m; khi lớn thì tán cây không được giáp nhau, tạo sự thông thoáng để lá quang hợp tốt và hạn chế sự phát triển của rong rêu gây hại.

Măng cụt Lộc Hòa vỏ căng, bóng, màu vàng ngà, khi chín chuyển tím sậm. Thịt quả màu trắng sữa, vị chua ngọt tương hỗ, đậm đà. Trung bình mỗi quả nặng từ 80-100g. Khi quả “điểm son” (phần vỏ trái có vài chấm màu tím) là lúc thích hợp để thu hoạch. Thông thường mỗi kg măng cụt mang về cho gia đình ông Thiên từ 80-100 nghìn đồng. Có vụ khan hiếm măng cụt, giá tăng đến 120 nghìn đồng/kg.

Ông Đào Văn Quy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa cho biết: Diện tích măng cụt trên địa bàn xã khoảng 10 sào, đó là chưa kể các vườn trồng rải rác trong khu dân cư. Ngoài ông Thiên, các hộ gia đình như ông Chương, ông Bê… cũng đang “theo đuổi” loại cây này. Trung bình mỗi cây măng cụt cho 20kg quả, mang lại thu nhập xấp xỉ 2 triệu đồng/cây/năm trong nhiều năm liền.

Theo ông Quy, muốn phát triển cây măng cụt, bà con phải có đất đai, thời gian và điều kiện kinh tế. Với nhiều nông hộ, việc bỏ ra mười năm là quá sức. Mong muốn cây măng cụt phát triển tại địa phương, song Hội Nông dân xã Lộc Hòa chỉ có thể vận động những nhà nông đủ tiềm lực.

Không chỉ măng cụt, hiện tại trên địa bàn xã Lộc Hòa còn một loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao khác là sầu riêng. Ưu thế của loại cây này so với măng cụt là thời gian bói quả sớm hơn 3 – 4 năm. Với lợi thế ấy, đến nay diện tích sầu riêng của Lộc Hòa đã là 1 ha, sắp tới con số này sẽ được nhân lên gấp năm lần. Tuy nhiên, cây sầu riêng cũng tiềm ẩn nhược điểm khó khắc phục, đó là dễ gãy đổ. Vì thế lúc mở rộng diện tích, cần chú ý đến điều kiện thời tiết và phổ biến các biện pháp chống đỡ cây trong mùa mưa bão.

Cạnh vườn của ông Thiên, một mảnh vườn khác đang xanh ươm những gốc măng cụt và sầu riêng non. Để hạn chế công lao động, hộ nông dân này đã đầu tư hệ thống tưới tự động. Được biết đây là một trong những nông hộ được ông Quy “thúc đẩy”, quyết định bén duyên với măng cụt và sầu riêng. Với địa thế đất gò đồi, màu mỡ, chỉ cần thật sự quyết tâm, măng cụt, sầu riêng Lộc Hòa hứa hẹn sẽ mở ra một hướng nông nghiệp bền vững cho vùng quê này...

Một điều may mắn là với măng cụt Lộc Hòa, cây ra hoa thường từ tháng 8, 9 âm lịch. Ông Thiên nói: “Sau năm tháng thì quả có thể cho thu hoạch. Mùa quả của loại cây này không trùng với vụ chính của măng cụt Nam bộ. Vì thế giá trị nông sản luôn cao hơn và ít bị cạnh tranh”.

Bài, ảnh: Mai Huế

Đắk Lắk: Mùa quả ngọt trên đất Ea Tyh

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Vài năm trở lại đây, nhãn Hương Chi đã trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân ở xã Ea Tyh (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) vươn lên làm giàu.

Thời điểm này, người dân trên địa bàn xã Ea Tyh đang tất bật bước vào vụ thu hoạch nhãn. Năm nay nhãn được mùa được giá nên ai cũng vui mừng, phấn khởi. Đến thăm gia đình ông Phạm Đăng Ninh, một trong những hộ trồng nhãn nhiều nhất nhì ở thôn Quyết Tâm, chúng tôi được ông dẫn đi xem vườn nhãn sai trĩu quả. Ông Ninh nhẩm tính: Năm nay vườn nhãn đạt sản lượng trên 90 tấn quả, bán với giá 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, sau khi thu hoạch xong, ông còn tiến hành chiết, ghép cành để bán ra thị trường, với giá 35.000 đồng/cành.

Được biết, ông Ninh “bén duyên” với cây nhãn từ hơn chục năm trước. Hiện ông đã sở hữu vườn nhãn rộng 6 ha, với 3.000 cây đã cho thu hoạch. Theo ông Ninh, nếu những giống nhãn khác chỉ ra hoa đúng một đợt thì nhãn Hương Chi ra hoa thành nhiều đợt nên người trồng có thể chủ động được việc kích thích cây ra quả sớm hoặc muộn hơn so với nhãn miền Bắc từ 1 - 2 tháng. Do đó, nhãn ở đây thường dễ bán, giá thành cao và được thương lái các nơi tìm đến tận vườn thu mua.

Chị Phương Thị Trúc (thôn Quyết Tâm) thu hoạch nhãn.

Xã Ea Tyh hiện có trên 170 ha nhãn Hương Chi trong đó có khoảng 50 ha đã cho thu hoạch. Diện tích nhãn tập trung tại các thôn Quyết Tâm, Quyết Tiến, Tiến Đông, Đoàn Kết, Đoàn Kết 1.

Cùng chung niềm vui được mùa, gia đình chị Phương Thị Trúc (thôn Quyết Tâm) dự kiến cũng có thu nhập cao trong vụ nhãn năm nay. Những ngày này, vườn nhãn của gia đình chị tấp nập người ra vào mua bán. Được biết, đến cuối tháng 2 vườn đã cho thu hoạch được trên 3 tấn nhãn, hiện còn khoảng 5 tấn quả chưa thu. Trước đây trên diện tích đất này, gia đình chị trồng mía nhưng hiệu quả không cao. Năm 2015, thấy một số hộ dân ở xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) trồng thành công cây nhãn trên đất bạc màu, chị đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 8 sào đất của gia đình sang trồng nhãn Hương Chi. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, vườn nhãn đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Hiện, với 360 cây nhãn đã cho thu hoạch, với giá bán từ 26.000 - 30.000 đồng/kg, chị thu lãi trên 150 triệu đồng. Chị Trúc cho biết: “Giống nhãn này có đặc điểm cùi dày, giòn ngọt, thơm mát lại đẹp mã nên rất hút khách. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch nhãn thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4 nên thời gian treo quả trên cây dài nhờ vậy mà nhà vườn có thể thu hoạch rải vụ và bán được giá cao.”

Vườn nhãn của gia đình Nguyễn Văn Chung (thôn Đoàn Kết 1) sai trĩu quả.

Theo ông Nguyễn Hải, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Quyết Tâm, hiện trong thôn có khoảng 70 ha nhãn, trong đó 30 ha đã cho thu hoạch. So với các loại cây trồng khác thì cây nhãn dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp. Người trồng chỉ cần chăm sóc đúng kỹ thuật, cung cấp đầy đủ nước và chất dinh dưỡng cho cây đặc biệt là vào thời điểm cây ra hoa đậu quả thì sẽ đạt năng suất ổn định từ khoảng 15 - 18 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, người trồng có thể thu lãi khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha.

Ông Phạm Văn Biên, cán bộ nông nghiệp xã Ea Tyh cho biết: Từ năm 2015, nhiều hộ trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất trồng kém hiệu quả (chủ yếu là sắn và mía) sang trồng nhãn. Là cây trồng mới nhưng bước đầu cho thấy cây nhãn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, phát triển tốt, đạt năng suất và chất lượng cao. Với giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg như hiện nay, cây nhãn đã đem lại nguồn thu nhập cao và trở thành cây trồng giúp nông dân làm giàu. Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng, không nên ồ ạt mở rộng diện tích để tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Trong thời gian tới, xã sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu, chú trọng quảng bá sản phẩm để tạo thương hiệu nhãn Ea Tyh trên thị trường.

Tuyết Mai

Bảo vệ thương hiệu nông sản Việt để gia tăng giá trị xuất khẩu

Nguồn tin:  VOV

Nông, thủy sản xuất khẩu Việt đang gặp thách thức lớn trước sự siết chặt yêu cầu của các thị trường về chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch…

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các thị trường siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch... đối với nông, thủy sản nhập khẩu đang đặt ra thách thức rất lớn cho hoạt động sản xuất hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Gạo và chè Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu quốc gia, nhưng mức độ gia tăng giá trị xuất khẩu chưa đạt như mong muốn.

Hiện, hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam đang được xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới, với 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hạt điều, cà phê, gạo).

Việt Nam đã tham gia và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), tham gia Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) qua đó tạo thêm nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Nhận diện thách thức

Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã giúp hàng nông lâm thủy sản Việt cơ bản không còn gặp trở ngại đối với các rào cản thuế quan.

Đây là lợi thế để nông sản Việt đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. Tuy nhiên, việc các thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch... đối với hàng nông, thủy sản nhập khẩu đang đặt ra thách thức rất lớn cho hoạt động sản xuất hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản quan trọng hàng đầu của Việt Nam đang tăng cường thực hiện nghiêm các quy định đã có về truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu, bao bì sản phẩm.

Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ASEAN cũng tăng cường áp dụng các quy định ngày càng khắt khe về kiểm dịch động thực vật nhập khẩu. Nhiều thị trường áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có yêu cầu rất cao với các tiêu chuẩn hầu như tương đương, thậm chí cao hơn cả những tiêu chuẩn quốc tế thông thường như tại Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Để thích ứng với thị trường, ngành nông nghiệp xác định nguyên tắc phát triển sản xuất phải tìm lợi thế ở các cấp độ sản phẩm. Sản phẩm phải thích ứng, đáp ứng xu hướng thị trường và trong sản xuất phải ứng dụng khoa học công nghệ.

“Không còn là câu chuyện sản xuất để ăn nữa mà là sản xuất để bán vào hai thị trường. Thị trường thứ nhất là nội địa có tới cả 100 triệu dân, với hơn 40% đô thị hóa có yêu cầu chất lượng cao hơn. Thị trường thứ hai là thị trường toàn cầu 7,5 tỉ dân có nhiều đòi hỏi khác nhau. Ngành nông nghiệp Việt Nam phải thích ứng để phát triển. Đây là xu thế tất yếu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng xây dựng thương hiệu cho nông sản là hướng đi cần thiết và phù hợp cho phát triển ngành nông nghiệp và các mặt hàng nông sản trong thời gian tới.

Việt Nam đã có 2 thương hiệu quốc gia là Chè Việt Nam, được đăng ký và bảo hộ với 73 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và thương hiệu Gạo Việt Nam; Hiện đang xây dựng 2 thương hiệu quốc gia cho tôm và cá tra.

Giới chuyên gia đánh giá, xây dựng thương hiệu quốc gia là việc cần làm nhưng làm sao để duy trì và giữ vững thương hiệu quốc gia đó trên thị trường quốc tế lại quan trọng hơn nhiều.

PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia, sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng thô hoặc sơ chế và thương hiệu thể hiện ở dạng đơn giản nhất như cà phê Việt Nam, gạo Việt Nam… Không có bất cứ hình dung nào về công ty sản xuất, chế biến, hay chỉ dẫn cụ thể nào về địa lí...

“Cách thể hiện thương hiệu này gây bất lợi cho chuỗi giá trị hàng nông sản, khiến vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường chưa cao; giá trị gia tăng từ sản phẩm xuất khẩu chưa thực sự cao trong khi mức độ rủi ro rất cao đối với nhiều loại nông sản. 100 doanh nghiệp cùng xuất khẩu gạo thương hiệu chung Gạo Việt Nam, nhưng chỉ cần một lô hàng của một doanh nghiệp có “vấn đề”, sẽ gây mang tiếng cho cả thương hiệu Gạo Việt Nam”, TS Nguyễn Quốc Thịnh phân tích.

Theo ông Thịnh, thương hiệu không chỉ là logo, hình ảnh và khẩu hiệu rồi đem đi quảng bá mà thương hiệu là việc xây dựng lòng tin. Nông sản của Việt Nam tuy cũng có thương hiệu nhưng giá trị gia tăng lại chưa cao vì chưa tạo dựng được đủ lòng tin từ thị trường. Do đó, cần có cách tiếp cận cụ thể, quyết liệt hơn đối với việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia.

Năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình “mỗi xã phường một sản phẩm".

Các sản phẩm chủ lực cần xây dựng các chuỗi giá trị để mở cửa và phát triển thị trường cho phù hợp, ưu tiên sản xuất tốt các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu như lâm sản, thủy sản, gạo và trái cây./.

Vân Anh/VOV.VN

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop