Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 06 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 06 năm 2016

Tuy An (Phú Yên): Sản xuất thử nghiệm mô hình đậu phộng xen sắn

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, 12 hộ dân trên địa bàn huyện vừa tham gia xuống giống sản xuất thử nghiệm mô hình đậu phộng xen sắn tại thôn Mỹ Long (xã An Dân, huyện Tuy An).

Diện tích sản xuất của mô hình này rộng 2ha và sử dụng giống đậu phộng L23, giống sắn KM94 để sản xuất, với tổng kinh phí đầu tư trên 142 triệu đồng. Trong đó, nguồn ngân sách khoa học của tỉnh hỗ trợ hơn 67 triệu đồng, bao gồm 100% giá trị nguồn giống, 30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; phần còn lại từ vốn đối ứng của các hộ dân tham gia mô hình này.

Đây là mô hình nhằm xây dựng điểm trình diễn phục vụ việc tham quan, học tập của nông dân trong và ngoài huyện về phương thức sản xuất cây đậu phộng xen sắn để áp dụng trong sản xuất. Đồng thời từng bước đa dạng hóa cây trồng nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, bổ sung vào đất sản xuất một lượng hữu cơ nhất định từ sản xuất cây họ đậu, giải quyết việc làm và làm tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích, tạo nguồn thu nhập cao cho hộ sản xuất.

KHẮC NHO

Ngô bãi ven sông Lam, mỗi năm thu nhập hơn 150 tỷ đồng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Huyện Thanh Chương (Nghệ An) một năm sản xuất 2 - 3 vụ ngô. Riêng vụ xuân năm nay, huyện gieo trồng gần 2.600ha ngô, chủ yếu trên đất bãi sông Lam. Nhờ thời tiết thuận lợi và đầu tư thâm canh nên đem lại hiệu quả kinh tế cao, dự ước đạt khoảng 15.000 tấn ngô hạt, thu về ước hơn 80 tỷ đồng. Nếu tính 1 năm 2 vụ ngô bãi, nông dân Thanh Chương thu được khoảng 150 tỷ đồng.

Người dân xã Thanh Lĩnh vui mừng được mùa ngô xuân.

Thanh chương là huyện miền núi có 5 con sông và hệ thống khe suối hồ đập phong phú nên tạo ra những bãi bồi màu mỡ dọc sông Lam và sông Giăng. Trên bãi bồi, ngô là cây trồng phù hợp và hiệu quả nhất.

Theo bà Trịnh Thị Oanh ở xóm Luân Phượng xã Đồng Văn, từ ngày xây dựng nông thôn mới ruộng đất được đổi lại thành thửa lớn, thuận lợi trong thâm canh. Mỗi sào một vụ thu được từ 2,5 - 3 tạ ngô hạt. Mỗi năm 3 vụ, một sào có thể thu về 7 - 9 tạ ngô, cao hơn ruộng trong đồng chỉ trồng được 2 vụ lúa. Giá ngô hạt 6.000 đồng/kg, thu nhập từ ngô của bà Oanh một năm được khoảng 12,6 triệu đồng.

Các gia đình đã tập trung trồng ngô mỗi năm 3 vụ, vụ hè thu có thể bị lụt nhưng không mất trắng vì có thể thu hoạch non nên thu nhập từ đất bãi là cao và ổn định.

Ngô xuân đạt năng suất 60 tạ/ha.

Vụ xuân này ngô bãi chiếm gần 70 %, tương đương khoảng 2.000ha. Có nhiều xã diện tích ngô bãi lớn như Thanh Dương, Thanh Lương, Thanh Yên, Thanh Giang…

Khác với một số địa phương trong tỉnh có thể trồng ngô để bán cây làm thức ăn cho các cơ sở chăn nuôi, hoặc bán ngô non, người dân Thanh chương chủ yếu trồng ngô để lấy hạt làm lương thực và phục vụ chăn nuôi nên ngô vụ xuân chủ yếu là các loại ngô lai, dài ngày. Bù lại các giống ngô có năng suất cao như: NK 66, NK 6326, DK 6919, DK 9901, 30 Y 87…

Đất bãi phù sa, màu mỡ cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên tất cả các trà ngô đều phát triển tốt, ít sâu bệnh đạt năng suất cao, dự ước khoảng 60 tạ/ha. Với 2.600ha sẽ đạt tổng thu khoảng 15.000 tấn, theo thời giá hiện tại thu được hơn 80 tỷ đồng. Như vậy nếu chỉ tính 1 năm 2 vụ ngô bãi, nông dân huyện Thanh Chương thu khoảng 150 tỷ đồng.

Sau thời gian tập trung gặt lúa xuân, cấy hè thu, hiện tại người dân Thanh Chương bắt đầu ra bãi thu hoạch ngô và tranh thủ làm đất để gieo trỉa vụ ngô mới khi đất còn ẩm. Qua một thời gian thử nghiệm với nhiều loại cây trồng cùng với những biến động của cơ chế thị trường người dân Thanh Chương coi cây ngô là cây trồng chính trên các vùng đất bãi.

Ngút ngàn ngô bãi ở Thanh Chương. Ảnh Văn Diện

Đình Hà - Đài Thanh Chương

Hoạt chất nào có thể thay thế Carbendazim trong sản xuất hồ tiêu?

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tác hại của hoạt chất Carbendazim là gây vô sinh, ung thư. Mỹ - quốc gia nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam (30% sản lượng/năm) đã cấm Carbendazim trong nông sản thực phẩm. Và nếu như Việt Nam không cam kết đảm bảo tiêu chí này thì sẽ mất thị trường lớn nhất, cao cấp nhất và khó tính nhất là Mỹ.

Tại hội nghị quốc tế về hồ tiêu IPC lần thứ 42 (tháng 10-2014) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gia vị Nhật Bản cũng đã cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam nếu không cam kết hoạt chất Carbendazim gần bằng 0 trong hạt tiêu thì Nhật Bản sẽ không nhập hồ tiêu của Việt Nam. Tháng 5-2015, Hiệp hội Gia vị châu Âu cũng đã gửi thư tới Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam cảnh báo về dư lượng Carbendazim trong tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, nếu nông dân, doanh nghiệp Việt Nam không tuân thủ nguyên tắc là không sử dụng hoạt chất Carbendazim trong chăm sóc, bảo quản hồ tiêu thì ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ chịu tổn thất rất lớn. Đặc biệt, Việt Nam - nước có sản lượng (32%) và thị phần xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới (gần 60%) sẽ được hưởng lợi thế khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại Á - Âu có hiệu lực, nếu không bảo đảm tiêu chuẩn này thiệt hại sẽ càng lớn hơn.

Không sử dụng Carbendazim trong chăm sóc hồ tiêu

Thạc sĩ Lê Thúc Long, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết: Carbendazim được nông dân sử dụng để trừ các loại nấm và phòng bệnh thán thư trong chăm sóc hồ tiêu. Ngoài ra, Carbendazim cũng được cả nông dân và tiểu thương sử dụng trong bảo quản hồ tiêu sau thu hoạch để chống mốc (chủ yếu gian lận thương mại trọng lượng với tiêu phơi không đủ nắng hoặc trộn tiêu ẩm với tiêu khô). Carbendazim là hoạt chất có tác dụng rộng nên được nhiều công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản phẩm để phòng trừ bệnh trên nhiều loại cây như cà phê, cao su, cây ăn trái, hồ tiêu. Hồ tiêu là cây nhạy cảm với các loại nấm gây bệnh nên sử dụng nhiều lần/năm dẫn đến tồn dư hoạt chất Carbendazim.

Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã có công văn khuyến cáo người trồng tiêu không sử dụng Carbendazim trong chăm sóc, bảo quản hồ tiêu; yêu cầu các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không được bán; tư vấn nông dân sử dụng Carbendazim để phòng trừ bệnh cho cây tiêu, đồng thời khảo nghiệm một số hoạt chất khác nhằm thay thế Carbendazim trong chăm sóc hồ tiêu.

Thạc sĩ Lê Thúc Long khuyến cáo người trồng tiêu có thể sử dụng các hoạt chất như Hexaconazol, Fosetyl-aluminium, Mancozeb, Metalaxyl để thay thế Carbendazim phòng trừ nấm, thán thư cho hồ tiêu. Bởi, với tác hại của Carbendazim thì người trồng tiêu khi lạm dụng hoạt chất này sẽ ảnh hưởng trước hết là sức khỏe của bản thân, sau đó dẫn tới sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam không xuất khẩu được, cuối cùng cả doanh nghiệp và người trồng tiêu lãnh hậu quả.

P.T

Nông dân Đắk Lắk tập trung chăm sóc cây cà phê sau hạn

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Tận dụng những cơn mưa đầu mùa liên tiếp thời gian qua, nông dân Đắk Lắk đang dồn sức chăm sóc cho các loại cây trồng, đặc biệt là cà phê.

Nông dân xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột làm cỏ, bón phân cho cây cà phê.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có gần 58.600ha cà phê bị ảnh hưởng (tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó, mất trắng 4.346ha (tăng hơn 563%). Diện tích bị hạn tập trung chủ yếu ở các huyện Cư M’gar (hơn 16.000ha), Krông Búk (gần 10.000ha), Ea H’leo (gần 10.000ha), Ea Kar (gần 3.000ha), thị xã Buôn Hồ (hơn 6.000ha)... Diện tích cà phê bị hạn tăng cùng với mức độ thiệt hại, ảnh hưởng đến năng suất không chỉ đe dọa sản lượng cà phê niên vụ 2016-2017 mà còn ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Ông Trần Văn Hoàng, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar cho biết, gia đình có 2 ha cà phê, năm nay không đủ nước tưới nên bị hạn nặng, ước giảm năng suất khoảng 50% so với niên vụ trước. Những ngày gần đây, trên địa bàn đã có mưa lớn nên gia đình đang tập trung làm bồn và bón phân cho cà phê kết hợp cắt bỏ những cành khô để hạn chế sâu bệnh và tạo tán cho vườn cây. Đồng thời, gia đình cũng đang có kế hoạch trồng xen bơ, sầu riêng để vừa che bóng cho cà phê vừa gia tăng thu nhập trên vườn cây trong tương lai. Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Thúy, xã Cư Suê cho hay, vườn cà phê xen canh hồ tiêu của gia đình rộng hơn 1 ha cũng bị hạn nên năng suất ước giảm khoảng 30%, bà đang tập trung cho việc chăm sóc, bón phân theo sự hướng dẫn, tư vấn của cán bộ khuyến nông xã, trong đó chú trọng sử dụng các loại phân dạng nước, phân sinh học với đặc điểm dễ tan, cây dễ hấp thụ và tủ gốc cây để giữ ẩm. Dễ dàng nhận thấy, bón phân, chăm sóc cà phê hiện nay mới chỉ là giải pháp trước mắt để phục hồi và giảm bớt thiệt hại do hạn hán xảy ra đối với niên vụ 2016-2017, bởi dưới tác động của hiện tượng El Nino, nguy cơ hạn hán trong những năm tiếp theo sẽ có chiều hướng phức tạp hơn. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho hay, để phát triển cà phê bền vững, đem lại nguồn thu nhập ổn định trên những diện tích cà phê trong quy hoạch huyện đang tập trung các giải pháp hướng dẫn bà con nông dân tưới nước tiết kiệm bằng béc, nhỏ giọt hay tưới dí với lượng nước thấp hơn, đồng thời kết hợp trồng rừng đầu nguồn, trồng cây che bóng, chắn gió trong vườn cây. Còn về lâu dài, địa phương khuyến khích bà con chuyển đổi những diện tích nằm ngoài quy hoạch, có độ dốc cao sang trồng dược liệu, hồ tiêu, trồng cỏ nuôi bò... để giảm diện tích cà phê từ hơn 35.000ha xuống còn 30.000ha vào năm 2020.

Chăm sóc vườn cà phê tái canh tại huyện Krông Pắc.

Ông Nguyễn Huy Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, năm nay mùa mưa đến muộn khoảng 1 tháng so với những năm trước nên mức độ ảnh hưởng lên vườn cà phê có chiều hướng nặng hơn. Hiện chưa thể tính toán thiệt hại của cả niên vụ, nhưng để hạn chế thiệt hại cũng như bảo đảm nguồn thu nhập, bà con nông dân cần tập trung bón phân, cắt tỉa cành, chồi giúp cây phục hồi nhanh sau hạn, tập trung dinh dưỡng để nuôi trái. Riêng những vườn cà phê dưới 20 năm tuổi, cây sinh trưởng tốt, bộ rễ khỏe tại các vùng có lượng mưa trên 1.500mm/năm, độ dốc dưới 15 độ, tầng đất dày trên 70cm, thoát nước tốt năm nay bị hạn nặng, lá, cành bị khô và rụng trầm trọng, ước giảm năng suất từ 70-100% thì tiến hành ghép cải tạo với các giống TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9… Vườn cà phê có năng suất trung bình các năm trước đạt 4-5 tấn nhân/ha, cây đồng đều thì cưa đốn phục hồi ngay để thuận tiện cho việc tái tạo lại hệ thống thân, cành mới. Riêng những vườn cà phê bị chết, cây thuộc vùng đất dốc, tầng đất mỏng, liên tục bị hạn và không chủ động được nguồn nước tưới bền vững thì chuyển đổi sang trồng cây khác có nhu cầu sử dụng nước ít hơn như điều, sầu riêng, chôm chôm, bơ…, đồng thời, trồng xen đậu đỗ, ngô, sắn những năm đầu để có thêm thu nhập. Còn với những vườn cà phê già cỗi bị chết do khô hạn song có khả năng bảo đảm nguồn nước tưới trong điều kiện khí hậu, thời tiết bình thường và nằm trong vùng quy hoạch thì thực hiện tái canh theo quy trình của Cục trồng trọt. Để cây phục hồi nhanh, bà con có thể bón phân, phun phân bón lá chuyên dùng cho cây trong trường hợp đất không đủ ẩm ít nhất 2 lần (cách nhau 15-20 ngày) theo nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất để cây phục hồi và hạn chế rụng quả sau thời kỳ khô hạn.

Thanh Hường

Hết hạn mặn đến mưa dầm, nông dân miền Tây điêu đứng

Nguồn tin: Người Lao Động

Các thương lái bỏ tiền đặt cọc không mua lúa hoặc ép giá khiến người nông dân điêu đứng.

Hai tuần qua, những cơn mưa lớn đầu mùa xảy ra trên diện rộng ở ĐBSCL đã khiến nhiều diện tích lúa hè thu bị đổ ngã, nông dân đứng ngồi không yên vì giá lúa sụt giảm mạnh.

Lúa đổ ngã đầy đồng

Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Mưa trong thời gian vừa qua đã làm nhiều diện tích lúa tại một số xã trong huyện bị đổ ngã, như: Hoà Bình, Xuân Hiệp, Thới Hoà. Theo đúng lịch thời vụ thì cuối tháng 6 sẽ thu hoạch nhưng do ảnh hưởng thời tiết, chắc chắn năng suất lúa sẽ giảm. Huyện đang thống kê thiệt hại, chưa có con số cụ thể”.

Trong khi đó, theo Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), đến thời điểm này huyện mới thu hoạch hơn 4.000 ha/24.900 ha diện tích lúa hè thu do mưa đầu mùa. Hiện diện tích đổ ngã khoảng 80% tổng diện tích thu hoạch, năng suất giảm khoảng 500 kg/ha.

Lúa bị đổ ngã phải thu hoạch bằng tay, tăng thêm chi phí. Ảnh: Thốt Nốt

Chị Nguyễn Thị Năm, xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), cho biết hơn nửa tháng trước vẫn còn hy vọng vụ lúa hè thu năm nay sẽ được mùa, trúng giá nhưng những cơn mưa kéo dài đã khiến 17 ha lúa của chị gần như đổ sập. “Lúa đổ sập đã lên mầm, lúa đứng cũng đã nảy mộng, mặc dù gia đình tôi đã kéo lúa về đến nhà nhưng vẫn còn phải đợi vài ngày nữa mới có máy tuốt. Tuốt xong, giá cả bấp bênh, rẻ mạt như thế này cũng không biết sẽ bán cho ai nữa” - chị Năm thở dài.

Đồng cảnh ngộ như chị Năm, nhiều nông dân trồng lúa ở Kiên Giang, Hậu Giang cũng cho biết với lúa đổ ngã không chỉ khiến chi phí thu hoạch tăng cao mà tỉ lệ hao hụt cũng tăng từ 20% – 30% so với lúa bình thường. “Mưa dầm khiến lúa ngã nhiều, máy cắt không được nên bà con phải mướn cắt tay với giá đắt. Trong khi đó, thương lái mua với giá rẻ mạt có 3.000 đồng/kg” - ông Nguyễn Thanh Bình, một nông dân ở Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Trong khi đó, nông dân ở các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Lai Vung và Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp cũng đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu trong điều kiện thời tiết hết sức bất lợi do mưa dầm. Trong đó, nông dân huyện Lấp Vò chịu thiệt hại nhiều nhất với hơn 300 ha lúa bị đổ ngã với tỉ lệ từ 10% đến 40%.

Nông dân Kiên Giang dùng cách bó nhiều bụi lúa lại với nhau cho hạt lúa không thấm nước. Ảnh: Thốt Nốt

Còn báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang cho biết những ngày qua, mưa lớn liên tục kèm theo giông lốc nên đã gây ngã đổ cho hơn 30.500ha lúa của nông dân với mức thiệt từ 30% đến 70%. Các địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất là huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng và một phần của huyện Giang Thành. Lúa bị đổ ngã sẽ giảm năng suất từ 10%-20% và hạt lúa cũng không đẹp so với lúa đứng cũng như phẩm cấp, chất lượng gạo bị ảnh hưởng khi xay xát, chế biến.

Thương lái bỏ cọc, giá lúa giảm mạnh

Ông Lê Văn Lam ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện có rất nhiều thương lái yêu cầu nông dân phải giảm giá bán khoảng 200 đồng/kg thì mới chịu mua lúa. Nguyên nhân là vì họ chê chất lượng gạo không đảm bảo do bị ngấm nước mưa.

Cũng theo ông Lam, hiện lúa tươi loại thường (không bị ngập nước mưa) đang được thương lái mua với giá 4.200 đồng/kg, lúa hạt dài là 4.500 đồng/kg, còn lúa thơm Nàng Hoa thì đang đứng ở mức 4.800 đồng/kg. Trong khi đó, các loại lúa đã bị ngã đổ do mưa giông gây ra chỉ còn 4.000 đồng/kg nhưng cũng ít có người hỏi mua.

Vụ lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh Hậu Giang xuống hơn 68.000 ha, đến nay đã thu hoạch hơn 3.000ha. Để thu hoạch diện tích này, mỗi ha lúa, nông dân phải tốn gần 1 triệu đồng thuê nhân công cắt tay. Thế nhưng, lúa thì đã thu hoạch xong nhưng thương lái đặt cọc thì chẳng thấy đến mua lúa.

Ông Nguyễn Văn Hải, nông dân xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp sản xuất hơn 3ha lúa IR 504-04 được thương lái đặt cọc trước đó 2 tháng với giá 4.500 đồng/kg lúa tươi cắt máy cân tại ruộng. Nhưng đến ngày thu hoạch lúa thì thương lái chẳng thấy đâu cả. “Thương lái đã đặt cọc nhưng không mua lúa. Nếu để lâu ngoài đồng thì lúa ngã đổ hết nên tôi đành chấp nhận bán cho thương lái khác với mức giá 3.800 đồng/kg, thấp hơn 700 đồng/kg để lấy tiền chi trả vật tư nông nghiệp” - ông Hải cho biết.

Thấy nông dân rơi vào tình cảnh này, một số thương lái đặt cọc mua lúa trước rồi “bỏ của chạy lấy người”. “Đầu vụ hè thu, nhiều thương lái đến địa phương đặt cọc mua lúa trong dân vì lúc đó sợ giá lúa “sốt” do hạn hán và mặn. Đến nay, khi lúa hè thu bị đổ ngã, không thấy thương lái đến thu hoạch nên nông dân tìm thương lái khác bán với giá thấp” - ông Võ Văn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, phản ánh.

Anh Đặng Văn Hiệp (ngụ xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh), than: “Đầu vụ hè thu, thương lái đến đặt cọc mua toàn bộ 1 ha lúa OM 5451 do gia đình tôi trồng với giá 5.000 đồng/kg. Thời gian mưa lớn, lúa bị ngã hơn 50% diện tích thì thương lái bảo không mua nữa vì lúa bị ngã chất lượng thấp. Có thương lái khác đến hỏi mua với giá 4.100 đồng/kg, tôi đành chấp nhận bán vì không bán thì không có nơi phơi lúa”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, cho biết cách đây nay gần tuần, lúa tươi Jasmine 85 (một trong những loại lúa được chọn làm thương hiệu gạo Việt Nam) có giá là 5.100 đồng/kg, lúa hạt dài loại OM 4900 là 5.000 đồng/kg thì hiện nay đã giảm tương ứng chỉ còn 4.700 đồng và 4.650 đồng/kg. Trong khi đó, lúa thường IR 50404 hiện chỉ còn từ 4.300 đồng đến 4.400 đồng/kg, tức đã giảm từ 200 đồng đến 400 đồng/kg. Chính vì vậy mà nhiều thương lái cũng đành bỏ tiền cọc mua lúa trước đó của nông dân.

THỐT NỐT- DƯƠNG CẦM- CA LINH

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc theo nghị định thư hai nước

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 7-6, tại cuộc họp với các thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ở TPHCM, Bộ NN-PTNT công bố nghị định thư vừa được ký với Trung Quốc vào cuối tháng 5 về xuất khẩu gạo và cám gạo.

Theo đó, việc xuất khẩu hai mặt hàng này sang Trung Quốc, kể cả xuất theo đường tiểu ngạch đều phải được kiểm dịch và khử trùng trước khi xuất. Trung Quốc yêu cầu Bộ NN-PTNT gửi danh sách 30 doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu hai mặt hàng này cùng tên 9 đơn vị được quyền khử trùng (thay vì 1 đơn vị như trước đây); đồng thời phải đảm bảo trong sản phẩm không có 9 loại côn trùng gây hại, không có kim loại nặng và vi khuẩn Samonella.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, việc xuất khẩu gạo theo nghị định thư sẽ giúp giảm chi phí so với cách làm cũ khoảng 16 triệu đồng/tấn, nhưng phải tuân thủ theo những quy định chặt hơn. Sắp tới, Trung Quốc sẽ đưa đoàn sang Việt Nam kiểm tra nhà kho, thiết bị và vùng nguyên liệu của từng doanh nghiệp theo danh sách và có ý kiến trước khi được phép xuất khẩu. Trung Quốc cũng đã gửi cho phía Việt Nam 66 lô hàng gạo xuất khẩu từ Việt Nam vi phạm theo những yêu cầu này, nhưng đã được thông quan.

Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. 5 tháng qua, trong số hơn 2,2 triệu tấn gạo xuất khẩu, Trung Quốc nhập 790.000 tấn, chiếm khoảng 35% lượng gạo xuất khẩu. Đặc biệt là quý 1-2016, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh nhất trong nhiều năm. Nhưng xuất khẩu tiểu ngạch giảm rất mạnh cũng trong nhiều năm, do Trung Quốc kiểm tra chặt việc nhập khẩu theo đường biên mậu.

CÔNG PHIÊN

Vĩnh Long: Lục Sĩ Thành sau hạn, mặn: Chôm chôm được giá, nhưng mất mùa

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Nhiều nông dân nói phải mất ít nhất 2 vụ, nhiều thì 3-4 vụ nữa, vườn chôm chôm mới phục hồi, trong điều kiện “mưa thuận gió hòa”.

Cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành - Trà Ôn - Vĩnh Long) hiện đang vào mùa thu hoạch chôm chôm. Do ảnh hưởng của thời tiết, nhất là đợt mặn đầu năm khiến chôm chôm bị ảnh hưởng nặng nề nên hiện cù lao tuy vào chính vụ thu hoạch trái cây đặc sản nhưng trở nên vắng vẻ.

Chôm chôm được giá, nhưng…

Theo quan sát, vẫn còn những nhà có vớt vát chút đỉnh để bán cho thương lái. Ông Phan Minh Vũ- một thương lái ở Trà Vinh- cho biết: “Bên cù lao Tân Qui hết vụ, nên gần tháng nay qua đây mua. Giá năm nay còn cao hơn năm rồi, nhưng sản lượng ít lắm”.

Vừa gom đủ 2 tấn để giao cho lái ở Rạch Giá, ông Vũ nói: “Tùy theo yêu cầu của lái đặt hàng mà mình tìm mua. Năm nay hiếm hàng nên vất vả hơn. Giá mua tại vườn là 11.000 đ/kg (loại chôm chôm Java). Dù giá cao hơn năm ngoái 2.000 đ/kg, nhưng số vườn bị nhiễm mặn nhiều, sản lượng rớt thê thảm. Chỉ khoảng vài trăm ký một công. Cũng có vườn tới 3 tấn/công, nhưng hiếm lắm!”

Do hiếm hàng nên vào vụ nhưng giá 11.000 - 12.000 đ/kg.

Ông Nguyễn Văn Tốt - Trưởng ấp An Thạnh-cho biết, mọi năm vườn nhà 6 công chôm chôm, thu hoạch khoảng 3 tấn/công (chôm chôm hơn 20 năm tuổi). “Còn năm nay cả vườn vậy, hái không được 500 kg/công nữa”.

Nhiều hộ trong ấp cũng trong tình cảnh tương tự. Chôm chôm sau đợt xả nước và tưới, rồi xiết nước để làm trái vụ này hồi đầu năm “dính” nước mặn mà không ai hay biết. Đến khi mọi người biết nước mặn về thì mặn đã lưu lại trong vườn. “Mặn lên, có thể nói là nguyên nhân lớn nhất làm cho thất bát vụ chôm chôm năm nay” - ông Tốt khẳng định vậy.

Cả ấp An Thạnh có 50ha trồng chôm chôm. “Năm rồi trúng mùa khủng luôn. Năm nay thì thất mùa… khủng hoảng luôn” - dẫn chúng tôi đi vòng quanh vườn chôm chôm 6 công lưa thưa trái, ông Tốt chua chát.

Đáng nói là đợt cho trái sớm của nhà vườn làm trái sớm thì thiệt hại đã rõ ràng. Còn nhà nào làm trái trễ hơn, khoảng từ tháng 4 tới giờ thì cây hiện tại bắt đầu rụng lá, dần dần chuyển sang khô cành.

Chúng tôi đi vòng cù lao này vào sáng sớm, nhiều thương lái đến vườn hỏi mua nhưng nhà vườn lắc đầu. Ghé vào các nhà vườn ở cấp Kinh Đào, tình cảnh còn thê thảm hơn. “Từ hôm hạn, mặn, chôm chôm bị thiệt hại đến nay, người dân không được hỗ trợ sau đợt khảo sát rồi, họ chửi tui quá trời”- lời cảm thán của ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư kiêm Trưởng ấp Kinh Đào ngay khi gặp chúng tôi.

Ông Nguyễn Thành Trung nói cả ấp có khoảng 76ha trồng chôm chôm, tính sơ thiệt hại năng suất đến giờ là cỡ 80% rồi.

Nhưng theo các nông dân, không chỉ mất năng suất mà do ảnh hưởng mặn, lượng chôm chôm ít ỏi thu hoạch được cũng giảm chất lượng trái: vị lạt, cơm trái dai mềm chứ không giòn sựt, cơm bóc không tróc,.. nên giá giảm so với trái thường, chỉ còn 7.000 đ/kg.

Nhà vườn xót

Khi chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Thành Trung thì nơi đây đang diễn ra cuộc họp của cán bộ ấp.

Nhiều nông dân canh tác cây ăn trái vùng này đều “kể khổ” về tình cảnh cây chôm chôm phải chịu trong đợt hạn, mặn gay gắt về tới vùng này. Hơn chục nhà vườn ở đây đang rất lo lắng, bởi ngoài bưởi Năm Roi, cam sành thì chôm chôm là một trong những cây trồng chủ lực.

Nhưng hiện nay, năng suất, chất lượng trái giảm, cây mất sức. Thậm chí một số người đã đốn bỏ gốc chôm chôm như nhà các anh Tèo Anh, Tèo Em trong xóm trồng 8 công chôm chôm, sau đợt hạn, mặn, “nay đốn bình địa luôn, tính trồng cây khác”.

“Thất mùa này là... sẽ thất tiếp từ 3- 4 mùa nữa, nếu vẫn còn giữ cây chôm chôm để khôi phục”- ông Nguyễn Văn Tốt nói và giải thích: “Tính từ đây khi cây bị ảnh hưởng mặn, nếu là cây chôm chôm tơ, thì còn “rửa” cành để khôi phục, còn chôm chôm lão thì có khi người ta còn móc gốc luôn”.

Ông Nguyễn Thành Trung thì nói năm nay nước mặn về, thì năm tới không biết có về nữa không. Giả sử không có mặn thì cũng chưa chắc cây đã phục hồi lại liền. “Sớm gì cũng 2 năm nếu tích cực “rửa” để giữ cây. Không thì đốn bỏ trồng lại, chính cây này hoặc cam, bưởi”- ông Trung nói như giải pháp.

Dẫn chúng tôi ra vườn trồng 3 công chôm chôm, ông Nguyễn Văn Thêm (ấp Kinh Đào, xã Lục Sĩ Thành) rơi nước mắt: “Công sức, tiền của đầu tư chôm chôm gần chục năm bây giờ mất hết rồi”. Vườn ông Thêm còn có 2 công bưởi nhưng bưởi còn nhỏ nên chưa thả nước, cây không ảnh hưởng.

Ảnh hưởng hạn, mặn nên nhiều vườn sắp đốn bỏ vì cây chết khô.

Vừa bẻ một nhánh khô, ông buồn bã nói: “Tui đề nghị, địa phương có tới xem, nhưng lúc đó, trái mới vàng, cây còn dẻo, chưa biểu hiện ra ngoài nên không nghe nói hỗ trợ gì cả. Còn bây giờ khô rang hết”. Rồi ông Thêm hy vọng “mong Nhà nước hỗ trợ để tui có điều kiện phục hồi sản xuất”.

Ông Trương Văn Chính-Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành- xác nhận năm nay năng suất chôm chôm của bà con ở đây thiệt hại nặng, do ảnh hưởng hạn, mặn.

Ông Chính cho biết, hệ thống thủy lợi nằm sâu trong vườn thì có thể chủ động được, tuy nhiên vẫn còn một số kinh rạch chưa khép kín được để phòng mặn về và trữ nước cần cho tưới tiêu cây ăn trái (nhất là chôm chôm) như vừa qua.

Ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn cũng cho biết, hệ thống cống “cửa khẩu” bao cồn (cù lao Mây) giáp các con kinh lớn chưa thể hoàn thiện hết nên khi mặn về khả năng xâm nhập là cao. Còn hệ thống nội đồng, mương vườn nằm ở trong thì đến nay khép kín.

Theo báo cáo của UBND xã Lục Sĩ Thành, qua khảo sát, các hộ nông dân đề nghị hỗ trợ thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn. Các nguyên nhân ghi nhận từ người dân ảnh hưởng lên cây ăn trái ở đây, có: mặn, khô hạn (kém nước, nên tưới thất thường), nắng cháy,... Nhưng kết quả thì không có hộ nào thiệt hại đến mức được nhận hỗ trợ theo quy định.

Hy vọng thêm đợt khảo sát, hỗ trợ nông dân

Nhiều bà con cho biết, lúc khảo sát cây vẫn chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng, nên không được hỗ trợ. Còn đối với tình cảnh hiện nay, nhiều vườn dần bị thiệt hại, thậm chí một số vườn cây đã chết khô. Vì vậy, rất nhiều nhà vườn ở cù lao Lục Sĩ Thành hy vọng địa phương nên xem xét, tổ chức thêm những đợt khảo sát ở các vườn bị thiệt hại.

TẤN ANH - MINH THÁI

Hậu Giang: Giá mít Thái giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện mít Thái loại 1 được thương lái cân tại vườn với giá 10.000 đồng/kg, loại mít xô có giá 6.000 đồng/kg, giảm khoảng 12.000 đồng/kg so với tháng trước. Theo nhiều nhà vườn trồng mít cho biết: “Giá mít giảm mạnh là do hiện nay một số loài cây ăn trái khác đang bước vào vụ thu hoạch nên giá mít có phần sụt giảm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thì đến hết tháng 6 hoặc đầu tháng 7 âm lịch thì giá mít sẽ bắt đầu tăng trở lại”.

Mít bao lưới hạn chế tối đa sâu đục trái.

Theo thống kê, trung bình diện tích 1.000m2 người dân có thể trồng 200 gốc mít, sau 3 năm chăm sóc có thể thu hoạch được 4 tấn trái mỗi năm, trừ hết các khoản chi phí còn lãi gần 20 triệu đồng.

LÊ ĐĨNH

Sóc Trăng: Nông dân xã Kế Thành thu nhập khá từ trồng dưa hấu

Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng

Nhiều hộ trồng dưa hấu ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vừa thu hoạch xong với năng suất bình quân 30 tấn/ha, giá bán tại ruộng từ 5.000 - 6.000 đ/kg. Bình quân 1ha dưa hấu nông dân lời từ 80 - 120 triệu đồng.

Nông dân xã Kế Thành thu nhập khá từ trồng dưa hấu.

Ông Trần Văn Sáu ở ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành, trồng 3 công dưa hấu sắp thu hoạch, ước sản lượng 3 tấn/công, do trồng lại liếp cũ, sử dụng màng phủ nông nghiệp cũ, nên chi phí thấp hơn đầu tư mới, thương lái đặt cọc 5.000 đ/kg dưa, tính ra ông còn lời 12 triệu đồng 1 công.

Dù thế mạnh của huyện Kế Sách không phải là cây màu, nhưng thời gian qua, nhờ trồng màu, trong đó có dưa hấu, đã đem lại thu nhập cao cho nông dân, nên diện tích trồng màu theo đó tăng lên hàng năm. Trong 5 tháng đầu năm 2016, huyện Kế Sách trồng được gần 800ha màu các loại, trong đó gần 100ha dưa hấu, tập trung nhiều ở các xã: Kế An, Kế Thành, An Mỹ, Nhơn Mỹ, An Lạc Tây và thị trấn An Lạc Thôn… Ngành Nông nghiệp huyện khuyến khích nông dân có diện tích đất canh tác nhỏ lẻ và đất trồng lúa kém hiệu quả nên chuyển sang trồng dưa hấu để tăng thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững của huyện nhà./.

Văn Hiệp - Đài TT huyện Kế Sách

Hưng Yên: Công bố nhãn hiệu chứng nhận "Vải lai chín sớm Phù Cừ"

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Ngày 7.6, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị công bố nhãn hiệu chứng nhận "Vải lai chín sớm Phù Cừ" và xúc tiến thương mại nông sản huyện Phù Cừ. Dự hội nghị có ông Đặng Minh Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Các đại biểu chứng kiến việc “Ký ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm” vải lai chín sớm Phù Cừ

Dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận vải lai chín sớm Phù Cừ được Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Phù Cừ, các xã vùng trồng vải và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức thực hiện trong 2 năm 2014 – 2015.

Ngày 20.1.2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Quyết định số 1390/QĐ–SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Vải lai chín sớm Phù Cừ” cho huyện Phù Cừ. Nhãn hiệu chứng nhận "Vải lai chín sớm Phù Cừ" nhằm bảo đảm kiểm soát chất lượng và xúc tiến thương mại, nâng cao uy tín, giá trị của sản phẩm vải Phù Cừ trên thị trường.

Tại hội nghị, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Vải lai chín sớm Phù Cừ"; cùng dịp này, UBND huyện trao Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Vải lai chín sớm Phù Cừ" cho 5 hộ dân trồng vải lai chín sớm ở các địa phương trong huyện.

Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, UBND huyện Phù Cừ, 3 doanh nghiệp, đại diện các hộ trồng vải lai chín sớm đã ký kết bản "Ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Minh Ngọc yêu cầu thời gian tới huyện và nhân dân cần tập trung bảo vệ nhãn hiệu đã được chứng nhận, bảo đảm chất lượng quả vải lai, chống hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng, giữ vững uy tín đối với người tiêu dùng; khai thác, bảo vệ và giám sát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; quản lý số hộ, diện tích trồng vải. Huyện chỉ đạo, hướng dẫn thành lập Hội sản xuất, kinh doanh vải lai chín sớm Phù Cừ; quy hoạch mở rộng và phát triển bền vững vùng trồng vải lai; tháo gỡ khó khăn về đất đai, đề xuất các giải pháp để tích tụ ruộng đất, khuyến khích các hộ cho thuê đất, chuyển nhượng đất, góp vốn bằng đất vào doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp để tạo vùng sản xuất chuyên canh; ứng dụng KHKT, công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất, kinh doanh vải lai. Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ trong trồng và chăm sóc, bảo quản vải lai chín sớm.

PV

2.300 tấn vải thiều đã được xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Mùa xuất khẩu vải thiều bắt đầu từ ngày 27/5, tuy chưa vào chính vụ nhưng thời điểm này, thương lái Bắc Giang đã kết nối với thương lái Trung Quốc để xuất khẩu vải thiều.

Đến nay, đã có 2.300 tấn vải thiều được xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành. Đây chủ yếu là những lô hàng vải thiều chín sớm, mẫu mã đẹp, chất lượng quả tốt.

Vải thiều Bắc Giang xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành.

Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại giữa Lào Cai và các tỉnh có vải thiều xuất khẩu, vải thiều xuất qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành được tạo điều kiện thuận lợi về mọi thủ tục. Tính trung bình mỗi lô hàng xuất khẩu chỉ diễn ra trong 10 phút. Các ngành hải quan, biên phòng, kiểm dịch, luôn túc trực tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành đảm bảo các thủ tục được tiến hành nhanh nhất, không xảy ra tình trạng quả vải bị ứ đọng hay ách tắc.

Khoảng 1 tuần nữa mới là cao điểm xuất khẩu vải thiều, Lào Cai cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để quả vải tươi có thể xuất khẩu nhanh nhất sang thị trường Trung Quốc.

VÂN THẢO

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop