Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 06 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 06 năm 2020

Chuyển giao và liên kết

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Để nâng cao hiệu quả sử dụng 300.000 ha diện tích canh tác trong những năm tới, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục xác định các nhóm giải pháp trọng tâm chuyển giao khoa học công nghệ gắn với mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Cụ thể, kế hoạch 5 năm tới, toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đạt tỷ lệ 25% (75.000 ha) diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao, tăng khoảng 15.000 ha so với thời điểm đầu tháng 6/2020.

Và mục tiêu trong 75.000 ha ứng dụng công nghệ cao sẽ chiếm ít nhất 10.000 ha ứng dụng công nghệ thông minh, 1.600 ha được cấp chứng nhận hữu cơ.

Việc chuyển giao không chỉ với quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, mà còn tập trung các loại giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời gắn với mở rộng công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch.

Đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác, kinh tế hộ gia đình đầu tư, ứng dụng các giải pháp khoa học đã chuyển giao để tổ chức quy trình sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết ổn định và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường, trong nước và xuất khẩu.

Trên vùng nông nghiệp Lâm Đồng đã có gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và 16.600 hộ nông dân tham gia 165 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ khoảng 850.000 tấn nông sản mỗi năm. Với mục tiêu khuyến khích đầu tư trong 5 năm tới, mỗi năm, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đề ra các tỷ lệ tăng tương ứng về phát triển chuỗi liên kết gồm: 10% số chuỗi, 20% diện tích, sản lượng, số hộ nông dân tham gia… Từ đó nâng lên 50% tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng.

Hy vọng với nhóm giải pháp chuyển giao và liên kết nêu trên, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng sớm đạt giá trị sản phẩm trung bình 220 triệu đồng/ha/năm, tăng thêm 35 triệu đồng/ha/năm so với hiện nay.

VŨ VĂN

Huyện Gò Công Tây: Chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Nguồn tin:  Báo Ấp Bắc

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích đất lúa kém hiệu quả.

Biến đổi khí hậu đang tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Tình trạng xâm nhập mặn gay gắt trở thành nguy cơ hiện hữu hằng năm. Để thích ứng với tình hình trên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đang được huyện tập trung thực hiện.

Cây thanh long phát triển mạnh trên địa bàn huyện Gò Công Tây.

HIỆU QUẢ

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, phong trào trồng cây thanh long ở huyện Gò Công Tây phát triển mạnh. Nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả đã được người dân chuyển sang trồng cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Chị Trần Thị Lệ Hằng (ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh) cho biết, cách nay hơn 6 năm, gần 3.000 m2 đất trồng lúa cho thu nhập bấp bênh, có lúc lỗ vốn. Chị Hằng quyết định chuyển sang trồng cây thanh long dưới sự hoài nghi của nhiều người. Tuy nhiên, đất không phụ người, vườn thanh long phát triển tốt, cho năng suất cao, thanh long bán được giá nên có những mùa gia đình chị “thắng đậm”. “Người dân ở đây giờ chuyển sang trồng thanh long rất nhiều. Nhờ cây thanh long, cuộc sống của gia đình được thoải mái, có của ăn của để trong nhà. Tính ra mỗi năm, tôi thu nhập vài trăm triệu đồng nhờ vườn thanh long” - chị Hằng chia sẻ.

Theo Bí thư xã Bình Nhì Lương Văn Hải, hằng năm xã chuyển đổi cây màu trên chân ruộng (luân canh) khoảng từ 400 - 500 ha. Mô hình này mang lại lợi nhuận rất cao, từ đó đời sống của người dân những năm qua không ngừng tăng. Ngoài ra, xã Bình Nhì còn vận động người dân ở những diện tích da beo, khó khăn chuyển đổi sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao hơn như: Thanh long, bưởi, dừa, chanh. Hiện người dân đã chuyển đổi được khoảng 40 ha và đang phát triển tốt.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, toàn huyện có khoảng 700 ha thanh long và đang tăng. Hiện người dân đang chuẩn bị tiếp tục chuyển đổi từ đất lúa sang trồng thanh long, chắc chắn trong thời gian tới, diện tích thanh long sẽ tăng nhanh. Ngoài cây thanh long, cây bưởi da xanh cũng đang phát triển mạnh ở địa phương, với khoảng 300 ha. “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng về giá trị trên một diện tích cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa từ khoảng 2 - 16 lần. Việc chuyển đổi sẽ ít sử dụng nước tưới hơn so với trồng lúa” - đồng chí Lê Văn Nê cho biết thêm.

KIÊN QUYẾT CẮT VỤ

Theo UBND huyện Gò Công Tây, trong năm 2020 này, chắc chắn huyện phải cắt 1 vụ lúa, sạ trễ hơn đối với vụ hè thu (khoảng 1 tháng) và sạ sớm hơn đối với vụ đông xuân. Đây là giải pháp để hoạt động sản xuất nông nghiệp không bị thiếu nước vào cuối vụ đông xuân. Đồng chí Lê Văn Nê cho biết, hiện người dân đã “thấm đòn” đối với ảnh hưởng hạn, mặn, do đó huyện sẽ thành công trong việc cắt 1 vụ, mạnh dạn chuyển sang 2 vụ ăn chắc. Hiện địa phương đang điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, cắt những diện tích trồng lúa gặp khó khăn về nước tưới để chuyển sang trồng cây thanh long. Hiện diện tích đất lúa của huyện khoảng 8.900 ha, tới đây dự kiến sẽ điều chỉnh giảm còn dưới 7.000 ha, còn lại sẽ mạnh dạn chuyển sang các loại cây trồng khác.

Thanh long là cây chịu hạn tốt, sẽ thích hợp với điều kiện hạn, mặn như hiện nay. Đối với các xã Nam Quốc lộ 50 (Long Bình, Bình Tân), huyện sẽ mạnh dạn vận động người dân chuyển sang trồng cây thanh long mà hiện loại cây trồng này đang phát triển rất tốt.

Cũng theo đồng chí Lê Văn Nê, song song với việc vận động người dân cắt vụ, huyện đang khuyến khích người dân sản xuất các giống lúa như: VD20, Nàng hoa 9, những loại giống có giá trị cao... Địa phương cũng tiếp tục thực hiện mô hình Cánh đồng lớn, sản xuất lúa hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị hàng hóa. Ngoài ra, đối với một số vùng đã chuyển đổi, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc này, chuyển sang trồng một số cây như: Dừa, thanh long, bưởi da xanh, rau màu…

“Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, điều quan trọng là phải nhanh chóng tổ chức thực hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là các mô hình có chuỗi giá trị liên kết. Hiện nay, địa phương đang thực hiện xây dựng thương hiệu gạo Gò Công, xây dựng vùng trồng. Điều này phải được thực hiện nghiêm túc, có như vậy mới sản xuất ra hàng hóa giá trị, năng suất cao, bù đắp lại vụ lúa bị cắt” - đồng chí Lê Văn Nê nhấn mạnh.

MINH THÀNH

Hưng Yên có 107 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP

Nguồn tin:  Báo Hưng Yên

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên, đến nay toàn tỉnh có 107 mô hình được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp, gồm 82 mô hình trồng trọt với diện tích trên 1,2 nghìn ha, 20 mô hình chăn nuôi với quy mô khoảng 258,8 nghìn con lợn, gà, vịt và 2,5 nghìn đàn ong; 5 mô hình nuôi thủy sản với diện tích, quy mô 40ha và hơn 100 lồng cá.

Các mô hình được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đều thực hiện nghiêm quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, do đó sản phẩm dễ tiêu thụ, giá bán, lợi nhuận cao hơn so với sản xuất truyền thống.

Đức Toản

Bội thu với cây chuối trên đất sỏi đá

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Gia đình anh Trần Thanh Phong (ở thôn 1, xã Ea Tir, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) có 5 ha rẫy, trong đó có 2,5 ha trồng cà phê, tiêu, điều.

Tuy nhiên, do đất đai cằn cỗi nên các loại cây trồng này sinh trưởng và phát triển kém, năng suất, sản lượng thấp. Vì thế, trên diện tích 2,5 ha còn lại, anh Phong trồng sả Java để lấy tinh dầu. Dù lợi nhuận từ việc trồng sả cao hơn rất nhiều so với trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, ngô, sắn... song trong năm cây sả Java chỉ cho thu vào những tháng mùa mưa. Mùa khô, sả bị khô héo, không thể thu hoạch được.

Vườn chuối của gia đình anh Phong mỗi tháng cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Trăn trở tìm hướng sản xuất nhằm bảo đảm thu nhập ổn định cho gia đình, đến năm 2017 anh Phong quyết định trồng 2,5 ha chuối trên diện tích trồng sả Java trước đây. Thời gian đầu, anh vừa trồng, vừa học hỏi quy trình, kỹ thuật chăm sóc vườn chuối. "Đất không phụ công người", giống chuối gia đình anh Phong trồng tỏ ra rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Sau khi trồng được 6 - 8 tháng, vườn chuối đã ra lứa quả đầu tiên. Năm 2018, vườn chuối trổ buồng, ra quả rộ và mang lại nguồn lãi 8 triệu đồng/tháng. Sang năm 2019, vườn chuối cho gia đình anh nguồn thu hơn 10 triệu đồng/tháng.

Anh Phong chia sẻ, trồng và chăm sóc chuối không quá khó, chỉ cần thường xuyên làm cỏ và cắt tỉa lá chuối già, bệnh. Tận dụng nguồn phân gia súc ở địa phương làm phân bón cho cây chuối và bổ sung thêm các loại phân hóa học như: lân, kali, đạm với hàm lượng vừa đủ giúp cây phát triển tốt, sớm ra buồng. Khi buồng chuối đã ra đủ số nải phải cắt bỏ hoa chuối để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả. Chuối là loại cây được nhân giống vô tính, thường dùng cây non mọc từ thân ngầm hoặc dùng củ để trồng, vì vậy việc trồng thay thế các cây già, bệnh hay phát triển mở rộng thêm diện tích, người trồng chuối không phải lo về giống, mà chỉ cần một lần đầu tư ban đầu.

Anh Phong trồng xen cây ăn trái trong vườn chuối.

Hiện nay, gia đình anh Phong còn trồng xen canh 200 cây sầu riêng, 150 cây bưởi da xanh trong vườn chuối. Có bóng mát của cây chuối che nắng nên mặc dù đang mùa khô nhưng cả vườn cây trồng xen đều đang phát triển xanh tốt.

Trường Ngữ

Xây dựng thương hiệu "Bưởi Yên Thủy" - hướng tới thị trường bền vững

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Huyện Yên Thủy nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hòa Bình, có diện tích tự nhiên trên 28.000 ha; trong đó, diện tích đất trồng cây lâu năm hơn 1.000 ha. Xác định nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế của địa phương, những năm qua, huyện đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM. Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là việc trồng, nhân rộng diện tích cây có múi, trọng tâm là cây bưởi.

Bưởi Yên Thủy mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân thị trấn Hàng Trạm.

Bà con nông dân trong huyện đã có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây bưởi từ nhiều năm nay, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng 1 ha mỗi năm. Sản phẩm bưởi Yên Thủy có mẫu mã đẹp, nhiều nước, độ ngọt cao, nên được người tiêu dùng tiêu ưa chuộng, tiêu thụ ở thị trường khắp các tỉnh miền núi phía Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình... Để tạo thành hàng hóa và nâng cao giá trị, huyện Yên Thủy đã quy hoạch phát triển cây bưởi thành cây ăn quả đặc sản, vừa đáp ứng nhu cầu tăng thu nhập của người dân, vừa bảo đảm môi trường xanh. Đến nay, toàn huyện đã trồng được trên 600 ha bưởi, trong đó, diện tích cho thu hoạch 265 ha, diện tích đạt chuẩn VietGAP 125 ha, sản lượng đạt trên 6.000 tấn/năm. Cây bưởi tập trung nhiều ở các xã: Ngọc Lương, Bảo Hiệu, thị trấn Hàng Trạm…

Xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương là xóm tiêu biểu, đi đầu trong phong trào trồng bưởi của huyện Yên Thủy. Diện mạo nông thôn và đời sống của người dân nơi đây từng ngày thay da, đổi thịt nhờ hiệu quả kinh tế của cây bưởi Diễn. Thành quả đó gắn liền với ông Phạm Thừa Dũng, người tiên phong đưa cây bưởi Diễn về đồng đất xóm Đại Đồng. Sinh ra và lớn lên ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (Hà Nội), năm 1995, ông Dũng và gia đình chuyển đến sinh sống tại vùng đất Đại Đồng. 1 năm sau, ông Dũng đưa 50 cây bưởi Diễn về trồng thử trên vùng đất mới. Quá trình chăm sóc, thấy cây bưởi Diễn sinh trưởng, phát triển tốt, khá phù hợp với đồng đất ở đây, năm 1997, ông Dũng tiếp tục trồng thêm 100 cây... Đến nay, cây bưởi Diễn ông Dũng đưa về trồng ngày nào đã gắn bó với vùng đất Đại Đồng được hơn 20 năm. Bưởi Diễn của gia đình ông Dũng được tư thương trong, ngoài huyện đánh giá là một trong những vườn bưởi ngon nhất huyện Yên Thủy. Với hiệu quả kinh tế cao, ông Dũng tiếp tục mở rộng diện tích. Gia đình ông hiện có hơn 2 ha bưởi Diễn, với trên 1.000 gốc, gần 1 ha bưởi cho thu hoạch. Từ trồng bưởi, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng.

Trải qua thời gian dài thử nghiệm, nhân giống, đến nay, cây bưởi Diễn đã bám vững trên vùng đất Đại Đồng, cho năng suất, chất lượng cao. Nhiều gia đình ở Đại Đồng không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu nhờ cây bưởi Diễn. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã mới ở mức 12,5 triệu đồng, đến năm 2019 đạt 35 triệu đồng.

Trong những năm gần đây, cây bưởi Diễn nói riêng, cây ăn quả nói chung đang là hướng đi tích cực trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Yên Thủy. Bởi loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, nhất là mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định. Cây bưởi Diễn được phát triển ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện, như mô hình trồng bưởi của gia đình anh Tạ Hữu Hậu, khu 2, thị trấn Hàng Trạm. Gia đình anh Hậu có 3 ha bưởi các loại và cam, chanh, chủ yếu là bưởi Đoan Hùng, da xanh, bưởi đỏ, bưởi Diễn.

Trong những năm gần đây, huyện thành lập được các HTX, tạo sự liên kết và áp dụng thành công quy trình VietGAP cho cây bưởi. Chính vì vậy, người dân quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đất, nguồn nước, sử dụng chế phẩm sinh học chăm sóc cây trồng, để bưởi có giá trị dinh dưỡng cao; thực hiện nghiêm túc các quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để sản phẩm khi bán ra thị trường không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ đó, bưởi được trồng, chăm sóc trên vùng đất Yên Thủy có nhiều đặc điểm quý như: ngọt mát, dóc tép, mọng nước, mẫu quả đẹp, có hương thơm đặc trưng và giàu chất dinh dưỡng, giúp bồi bổ sức khỏe con người. Nếu được chăm sóc đúng quy trình và thu hoạch, bảo quản tốt, sẽ sử dụng được khoảng 3 - 4 tháng không bị giảm chất lượng. Ông Vũ Xuân Oanh, HTX Đại Đồng, xã Ngọc Lương cho biết: Trước đây, nhiều gia đình chủ yếu trồng sắn, mía, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 1998, người dân bắt đầu chuyển đổi sang trồng cây bưởi Diễn, nhiều người mạnh dạn mở rộng diện tích. Đến nay, cây bưởi Diễn mang lại thu nhập ổn định.

Nhằm hướng tới thị trường bền vững, bảo vệ quyền lợi và xây dựng thương hiệu bưởi của huyện (sản phẩm OCOP huyện) thành đặc sản của địa phương, trong 2 năm 2018 - 2019, UBND huyện Yên Thủy đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) triển khai thực hiện dự án tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Bưởi Yên Thủy” cho sản phẩm quả bưởi của huyện Yên Thủy, trong đó, tập trung xây dựng nhãn hiệu và hệ thống nhận diện sản phẩm. Ngày 9/9/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng chứng nhận nhãn hiệu "Bưởi Yên Thuỷ” tại Quyết định số 76495/QĐ-SHTT.

Đồng chí Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy cho biết: Việc xây dựng thương hiệu bưởi Yên Thủy là một bước đột phá, tạo thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm. Trong thời gian tới, huyện hướng tới xây dựng các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm sạch hữu cơ, để nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm.

Đây là điều kiện để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi của huyện Yên Thủy. Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định: Việc xây dựng, phát triển vùng cây ăn quả có múi, trong đó có cây bưởi là một hướng đi đúng của huyện Yên Thủy. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện Yên Thủy ngày càng phát triển bền vững.

Phương Linh

Dịp Tết Đoan Ngọ 2020 sẽ khan hiếm trái cây đặc sản do hạn mặn

Nguồn tin: VOV

Bến Tre là một trong số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long có vườn cây ăn trái bị thiệt hại nặng nề nhất dịp Tết Đoan Ngọ năm nay.

Hàng năm vào dịp Tết Đoan Ngọ (tức mùng 5/5 âm lịch) là nhà vườn tỉnh Bến Tre vào mùa thu hoạch rộ các loại trái cây để phục vụ "Lễ hội trái cây ngon, an toàn" và nhu cầu thị trường khắp nơi. Tuy nhiên, Tết Đoan Ngọ năm nay sẽ khan hiếm trái cây do ảnh hưởng của hạn mặn.

Một nhà vườn xót xa khi phải phá bỏ vườn cây hơn 10 năm tuổi.

Hiện nay, Bến Tre là một trong số địa phương vùng ĐBSCL có vườn cây ăn trái bị thiệt hại nặng nề nhất. Chỉ tại huyện Chợ Lách có trên 4.000 ha cây sầu riêng và chôm chôm bị thiệt hại từ 60 - 70%, chiếm trên 50% diện tích cây ăn trái của tỉnh. Hiện nay, dù có nhiều cơn mưa đầu mùa nhưng vườn cây ở địa phương này vẫn có biểu hiện suy kiệt, rụng lá... do ảnh hưởng của hạn mặn trước đó.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có trên 32.000ha vườn cây ăn trái, với 5 loại cây ăn quả đặc sản, tập trung nhiều ở Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc.

Nhiều vườn sầu riêng của tỉnh Bến Tre cũng không thoát khỏi thiệt hại do khô hạn kéo dài.

Trong đợt khô hạn lịch sử vừa qua, dù chính quyền và người dân đã triển khai nhiều giải pháp “cứu” vườn cây nhưng vẫn bị thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, dịp Tết Đoan Ngọ 2020 sắp tới, tỉnh Bến Tre khan hiếm trái cây nhất là 02 loại đặc sản là chôm chôm và sầu riêng.

Ông Phan Văn Nhị Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre chia sẻ: "Năm nay, do ảnh hưởng hạn mặn, đặc biệt cây sầu riêng và chôm chôm ảnh hưởng năng suất rất lớn. Một số vườn cây đã xuống, có hiện tượng chết. Trái chôm chôm có nhưng rất ít, khoảng 1/10 các năm trước. Tết Đoan Ngọ năm nay, ở Phú Túc năng suất trái cây thấp hơn nhiều so với các năm qua"./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Trang trại Ba Sang với thương hiệu "Măng tre bốn mùa"

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Đam mê với sản xuất nông nghiệp, từ bỏ chốn thị thành, hơn 20 năm qua, vợ chồng ông Lê Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Sang (đều SN 1951), ở thôn 4, xã Đắk Som (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã xây dựng một trang trại cây ăn trái, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, hai ông bà chỉ thực sự thỏa mãn khi thử nghiệm và nhân giống thành công giống “măng tre bốn mùa”.

Nhân giống thành công “măng bốn mùa”

Ở xã Đắk Som ai cũng biết đến trang trại Ba Sang của vợ chồng ông Hoàng và bà Sang, vì ông bà là người chăm chỉ, chịu khó và hay giúp đỡ bà con trong sản xuất, cuộc sống. Hai ông bà có mặt tại xã Đắk Som từ năm 1997, thời điểm ấy bà con ở đây canh tác nông nghiệp vẫn còn rất lạc hậu. Cần cù, chịu khó, chăm chỉ làm ăn, song khác với người dân địa phương chỉ quen độc canh cà phê, từ năm 1998, hai ông bà đã xen canh nhiều loại cây ăn quả và đầu tư hệ thống nước tưới rất khoa học, tiện lợi, giảm sức lao động rất nhiều.

"Măng tre bốn mùa" cho thu hoạch quanh năm.

Bà Sang chia sẻ: “Vợ chồng tôi quê ở Bình Định, nhưng sống chủ yếu ở TP. Nha Trang. Tôi vốn rất thích trồng trọt nên năm 1997, vợ chồng tôi lên Đắk Nông tìm mua đất để lập trang trại. Lên đây thấy vùng đất Đắk Som này có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ nên mua 4,5 ha. Thời gian đầu, gia đình tôi chỉ trồng cà phê, chăn nuôi dê và trồng xen canh một số loại cây ăn quả khác như mít, bơ, sầu riêng, ổi, chanh, quýt… Sau một thời gian thấy các loại cây này sinh trưởng và phát triển tốt, nên gia đình mua thêm đất và trồng đại trà. Vào mùa mưa, thấy bà con địa phương hái nhiều măng rừng nên gia đình thu mua để chế biến. Đến nay, trang trại của tôi đã mở rộng trên 20 ha gồm nhiều loại cây trồng khác nhau".

Trang trại Ba Sang còn có nhiều cây ăn quả

Cũng theo bà Sang, hơn 20 năm gắn bó với vùng đất này, bà nhận ra rằng, cây măng có thị trường ổn định và giá cả không bị xuống thấp so với các loại nông sản khác. Tuy nhiên, mùa măng ở đây chỉ có vài tháng mùa mưa, nguồn nguyên liệu không ổn định nên bà suy nghĩ rất nhiều. Một lần, con trai của bà theo bạn sang Đài Loan chơi và thấy bên đó có giống măng rất lạ, ra quanh năm. Biết thông tin này, bà bỏ tiền cho cậu con trai sang Đài Loan để tìm hiểu tường tận và mua giống măng này về trồng thử.

Đầu năm 2017, có trong tay 50 gốc măng giống, gia đình bà đã thử nghiệm trồng ngay. Tuy vậy, đến cuối năm chỉ còn hơn 30 cây sống sót và 8 tháng sau thì cho măng thu hoạch. Ông bà rất vui mừng vì giống măng rất ngon, không đắng như măng rừng hay măng tre thông thường. Ngay sau đó, ông bà lại học cách nhân giống và từ hơn 30 gốc ban đầu đến nay, trang trại đã có trên 5.000 gốc "măng tre bốn mùa”.

Bà Sang cho biết: “So với các loại cây trồng khác, trồng “măng tre bốn mùa” của Đài Loan công chăm sóc ít và hiệu quả kinh tế rất cao. Mỗi ha trồng được 800 gốc măng, sau 8 tháng sẽ có măng để thu hoạch, trung bình mỗi gốc thu được chừng 1 tạ/năm. Theo giá thị trường nếu đúng mùa, mỗi kg măng tươi giá 10.000 đồng thì mỗi ha sẽ thu được chừng 800 triệu đồng. Đặc biệt, do măng ra quanh năm nên nếu thu trái mùa giá sẽ cao hơn. Hiện tại, thị trường rất thích loại măng này, với 5.000 gốc măng, vậy mà lúc nào tôi cũng không có đủ để bán”.

Cấp đất và giống cho hộ nghèo trồng măng

Sau nhiều năm chịu khó, chăm chỉ và tích lũy, đến nay ngoài 20 ha đất tại thôn 4, thôn 5, ông bà còn mua thêm được hơn 10 ha đất tại thôn 1, xã Đắk Som. Nhằm giúp đỡ các hộ nghèo tại địa bàn, mới đây ông bà Sang đã bàn bạc, chọn 3 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để đầu tư giống, đất và phân bón để trồng măng. Với số giống đang chiết, mùa mưa này ông bà sẽ cho 3 hộ nghèo xuống giống thêm 6 ha măng. Sau khi có thu hoạch, hai bên sẽ chia đôi lợi nhuận.

Ông Hoàng chia sẻ thêm: “Bà nhà tôi thương người lắm, từ khi vào đây bà hay giúp đỡ những người khó khăn tại địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Làm công cho gia đình tôi, bà nhà thường trả công cao, khi về còn cho thêm mỳ tôm, cá khô... Người già yếu, bà thường thăm nom, quà cáp, thậm chí còn trả công trước cho. Năm ngoái, có hộ khó khăn quá đã bán đất, bà nhà tôi cũng trả lại "sổ đỏ" cho để đi vay vốn, tiền nong tính sau”.

Logo thương hiệu "Măng tre bốn mùa- Ba Sang Đắk Nông"

Được biết, hiện nay ngoài 5.000 gốc “măng tre bốn mùa”, trang trại Ba Sang còn có 9.000 cây mít không hạt, 5.000 gốc cam, 6.000 gốc bưởi, 3.500 gốc quýt và 25.000 gốc cà phê. Không chỉ vậy, ông bà còn có một cơ sở chế biến măng để bán ra thị trường. Hiện tại, mỗi ngày ông bà thu mua hàng tấn măng của bà con hái về. Công việc nhiều nên lúc nào ông bà cũng cần hàng chục lao động tại địa phương.

Ấp ủ dự định làm du lịch sinh thái

Trang trại nằm ngay cạnh hồ Tà Đùng, nhất là khu vực trồng măng nên ông bà đang ấp ủ dự định sau này sẽ phát triển du lịch. Ngoài việc xây dựng nhà dừng chân, phòng nghỉ, giường, ghế… từ chính thân tre, ông bà sẽ phục vụ các món ăn được chế biến từ “măng tre bốn mùa”. Ngoài ra, du khách vừa đi dưới các tán tre vừa tha hồ ngắm cảnh hồ Tà Đùng. Đặc biệt, ông bà sẽ làm một số đồ lưu niệm từ thân, gốc tre, cùng với măng khô, măng tươi bán cho du khách với giá phải chăng.

Trang trại Ba Sang có cảnh quan nhìn xuống hồ Tà Đùng rất đẹp, hoàn toàn có thể làm du lịch cộng đồng

Hiện nay, ngoài các loại cây ăn trái, trang trại Ba Sang còn có thêm sản phẩm măng rừng, “măng tre bốn mùa” sấy khô, ép chân không. Để tính chuyện dài hơi, cuối tháng 5 vừa qua, ông bà đã lên Sở Khoa học và Công nghệ làm thủ tục đăng ký thương hiệu “Măng tre bốn mùa - Ba Sang Đắk Nông”.

Ông Hoàng tâm sự: “Chúng tôi nhận thấy cây măng rất có giá trị kinh tế, đầu ra lại ổn định nên đang dồn sức cho việc mở rộng diện tích. Mới đây, có nhiều chủ trang trại ở miền Trung, Đông Nam bộ đã ngỏ ý mua hàng chục nghìn gốc giống "măng tre bốn mùa" để trồng. Tuy nhiên, gia đình tôi không đồng ý mà để cho các hộ khó khăn tại địa bàn trồng. Sau này, chúng tôi còn có dự định mua thêm máy ép thân tre để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào ép thành nhiên liệu nén để xuất khẩu. Tôi nghĩ cây “măng tre bốn mùa” sẽ trở thành một loại cây hoàn toàn có thể giúp người dân thoát nghèo”.

Tác giả Hoàng Thanh

Nghệ An: Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến rau xanh tăng giá mạnh

Nguồn tin: Công Thương

Nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày qua đã khiến giá rau xanh ở các chợ truyền thống ở Nghệ An tăng giá mạnh.

Qua khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Nghệ An, như chợ Vinh, Quang Trung, Quán Lau, chợ ga, vào ngày 5/6 cho thấy, nắng nóng gay gắt nên chỉ khoảng 9 - 10 giờ sáng, lượng người đi chợ đã thưa vắng hơn ngày thường. Các mặt hàng rau xanh, hoa quả mặc dù giá bán tăng cao nhưng lượng khách mua khá đông.

Theo các tiểu thương tại chợ Quang Trung (TP. Vinh), giá rau xanh đội lên gấp 3, 4 lần so với vụ đông xuân. Các loại rau bán tại chợ được mua ở các tỉnh phía Bắc hoặc Đà Lạt, hoặc nhập từ Trung Quốc, còn nguồn rau ở địa phương khá khan hiếm. Một số loại rau như mướp, bí, thiên lý, rau muống, mồng tơi, rau dền, rau ngót… giá tăng từ 50 - 70% so với đầu vụ.

Lý giải nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng mạnh, nhiều tiểu thương đều cho rằng do thời tiết nắng nóng khiến rau quả nhanh bị héo úa nên người nông dân giảm thời gian thu hoạch, người vận chuyển hàng ra chợ cũng chỉ tranh thủ thời gian buổi sáng trước thời điểm nắng gắt. Rồi lượng nước tưới không đủ, khiến rau trong dân không nhiều còn các nhà màng, nhà lưới chủ yếu cung cấp cho các trường học, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch theo hợp đồng đã ký kết từ trước nên lượng hàng đưa ra chợ là rất ít.

Do nắng hạn gay gắt nên diện tích rau màu trồng theo phương pháp truyền thống ở Quỳnh Lưu chết cháy, không đủ nguồn cung cho thị trường

Trong khi đó, tại siêu thị, giá các mặt hàng này khá ổn định. Tại hệ thống Vinmart, BigC giá rau không thay đổi nhiều do có nguồn cung ứng đảm bảo ngay từ đầu.

Theo quan sát tại một số vùng trồng rau ở Nghệ An, nắng nóng kéo dài, do không chủ động được nước tưới nên các vùng trồng rau màu đều khô hạn, rau vàng cháy lá, nhiều loại rau không chịu được nắng nóng chết khô trên ruộng. Nhiều vùng chỉ có rau mồng tơi, rau muống cạn, rau dền, rau ngót và các loại rau quả như mướp đắng, mướp, bí là còn cho thu hoạch nhưng cũng không đáng là bao.

Ở Nghi Long (Nghi Lộc) nếu như vụ đông thời tiết thuận lợi, diện tích rau màu toàn xã lên đến cả trăm ha nhưng mùa này do nắng nóng kéo dài nên hầu hết diện tích trồng rau chuyển sang trồng các loại dưa như: Dưa chuột, dưa lê, dưa hấu... Hiện các xóm chuyên canh rau màu như xóm 13, xóm 5, 6 ở ngoài đồng cũng đều khô cháy.

Do khô hạn, nhiều vùng chuyên canh rau màu ở huyện Nghi Lộc đang bỏ hoang diện tích. Một số khác chuyển sang trồng dưa vàng

Tại huyện Quỳnh Lưu, do nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều diện tích cà chua, rau cải, thậm chí là hành hoa – cây chịu hạn tốt nhất ở “vựa rau” này cháy khô. Ông Hồ Diên Vỹ, Giám đốc HTX rau Quỳnh Minh cho biết: “Khó chăm sóc, rau sinh trưởng phát triển kém cộng thêm chi phí tưới tiêu tăng nên giá rau tăng (tăng khoảng 30% so với trước) vẫn không đủ cung ứng ra thị trường”.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, do thời tiết nắng nóng dài ngày nên nhu cầu mua sắm những sản phẩm giải nhiệt của người dân tăng cao. Bên cạnh đó, cũng do thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng đến sản xuất rau củ quả tươi, nên giá cả có nhích lên so với mấy ngày trước. Theo Sở Công Thương Nghệ An, hàng hóa rau xanh, củ quả tươi, trên thị trường vẫn dồi dào đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân./.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Nghệ An có khoảng 34.000 ha trồng rau màu các loại, tập trung chủ yếu tại các huyện đồng bằng là Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương và Thành phố Vinh. Hàng năm, sản lượng rau tại các vùng này chiếm hơn 80% sản lượng rau toàn tỉnh.

Tuy nhiên, vào mùa nắng hạn, khó trong sản xuất, chăm sóc nên hầu hết diện tích trồng rau chuyển đổi sang trồng dưa, diện tích giảm, sản lượng giảm nên rau khan hiếm và giá tăng cao (gấp 3-5 lần) so với vụ đông xuân.

Hoàng Trinh

Đức Tín (Đức Linh, Bình Thuận): Dân thu nhập cao từ củ sắn

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

5 năm trở lại đây, người dân ở xã Đức Tín, huyện Đức Linh (Đức Linh, Bình Thuận) đã chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây củ sắn (hay còn gọi là củ đậu) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân xã Đức Tín đang thu hoạch củ sắn.

Về xã Đức Tín, huyện Đức Linh vào giữa vụ hè thu năm nay, chúng tôi thật ngỡ ngàng trước màu xanh mát mắt của những rẫy màu mà chủ yếu là củ sắn. Trên cánh đồng, người nông dân đang tất bật thu hoạch củ sắn, còn 2 bên đường, xe tải đứng đợi để chờ bốc hàng chở đi tiêu thụ. Chị Thẩm Thị Hằng, thôn 9, xã Đức Tín vui mừng cho biết: Trước đây, với 1 ha đất, gia đình chủ yếu trồng lúa nhưng năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh. Vì vậy, chị mạnh dạn luân canh sang trồng sắn, do chất đất phù hợp nên củ sắn phát triển, đạt năng suất cao. Vụ thu hoạch năm nay, 1 sào chị thu được từ 4,5 - 5 tấn củ, với giá trung bình 4.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng.

Theo các hộ dân đang thu hoạch, củ sắn là loại cây màu dễ trồng, mất ít vốn đầu tư nhưng lại tốn nhiều công chăm sóc. Theo đó, người nông dân phải lên luống trước khi trồng, cứ 8 - 10 ngày dùng kéo cắt tỉa hoa, nụ lộc non vươn dài khỏi mặt luống nhằm giúp cây chuyển nhanh từ giai đoạn sinh trưởng thân, lá sang phát triển củ. Thời gian trồng khoảng 4 - 5 tháng sẽ cho thu hoạch, so với cây lúa, củ sắn cho năng suất và giá cả cao hơn. Thu hoạch xong 6 sào củ sắn, sau khi trừ chi phí gia đình chị Nguyễn Thị Diệu, xã Đức Tín thu về hơn 50 triệu đồng. Chị Diệu cho biết: “So với năm trước, giá sắn đã hạ từ 7.000 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg, nhưng người dân vẫn có lãi”.

Đưa củ sắn lên xe đi tiêu thụ. Ảnh: Đình Hòa

Vụ hè thu này, xã Đức Tín có hơn 80 ha trồng cây củ sắn. Hiện giá bán trung bình dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/kg; năng suất 1 sào đạt 4,5 - 5 tấn. Anh Đinh Đức Thuấn - Chủ tịch UBND xã Đức Tín, cho biết: “Trước đây, bà con nông dân chủ yếu trồng xen canh 1 vụ trên những khu ruộng cao. Nhưng những năm gần đây, do hiệu quả kinh tế mang lại cao, củ sắn đã dần được chuyển đổi thành cây trồng chính, xen canh quanh năm góp phần giảm nghèo cho địa phương”.

“Nông dân xã Đức Tín đã rất năng động, sáng tạo trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế. Họ đã liên kết với một số hộ dân có nguồn cung ứng giống cũng như đầu ra ở miền Tây để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để tránh tình trạng cung vượt cầu, thì người nông dân xã Đức Tín cần liên kết để lách thời vụ. Chẳng hạn như nông dân ở miền Tây trồng sắn thì bà con ở đây ngưng sản xuất. Việc lách vụ này sẽ mang hiệu quả kinh tế cao đối với mô hình trồng cây củ sắn”, ông Trương Văn Hòa - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Linh chia sẻ.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh mùa vụ để nâng cao giá trị, hiệu quả của đất canh tác là một hướng đi đúng. Vì thế, với mô hình trồng cây củ sắn của nông dân xã Đức Tín, huyện Đức Linh là yếu tố quan trọng, giúp xã xây dựng và giữ vững tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngọc Diệp

Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Gia đình bà Nguyễn Thị Vân, ở xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) thu lãi khoảng 400 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gà lông trắng.

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô trang trại, gia trại. Việc này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho mỗi gia đình, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi của huyện mà còn hạn chế rủi ro do dịch bệnh.

Nhiều năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Vân, ở xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, sẵn có diện tích vườn bãi rộng, gia đình bà đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia công cho Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam với quy mô 8.800 con gà lông trắng/lứa. Bình quân mỗi năm, gia đình bà xuất bán từ 5-6 lứa gà, thu lãi trên 400 triệu đồng. Bà Vân cho biết: Theo thỏa thuận với Công ty, gia đình tôi chỉ cần đầu tư chuồng trại và công chăm sóc, Công ty sẽ đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Chăn nuôi theo hình thức này, gia đình tôi không chỉ giảm được chi phí đầu tư, hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ mà thu nhập cao, ổn định. Đặc biệt, chăn nuôi theo quy mô trang trại, các biện pháp phòng trừ dịch bệnh được chú trọng nên vật nuôi trong chuồng luôn khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh.

Cũng đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại nhưng gia đình ông Vũ Ngọc Sơn, ở xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng lại lựa chọn chăn nuôi giống gà lông màu. Anh Sơn cho biết: Trước đây, gia đình tôi thu nhập chính từ trồng chè nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2016, tôi đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà. Thời gian sinh trưởng của giống gà lông màu từ 3,5-4 tháng/lứa. Với 4.000 con gà mỗi lứa, sau khi trừ các chi phí, gia đình thu lãi 100 triệu đồng/năm.

Được biết, trong khoảng 5 năm trở lại đây, người dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ bắt đầu tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, với số lượng từ 4.000-8.000 con gà/lứa; 1.000-2.000 con lợn/lứa. Hiện nay, toàn huyện có trên 300 trang trại, trang trại chăn nuôi, với mức thu nhập bình quân từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/năm/trại (tăng 50 trang trại, gia trại so với năm 2015).

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Với lợi thế đất đai rộng nên những năm vừa qua, người dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. So với chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi theo quy mô tập trung không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn giúp vật nuôi hạn chế được dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không chỉ vậy, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại còn giúp các hộ dân có điều kiện liên kết với các công ty, hợp tác xã nhằm hỗ trợ các kiến thức về khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, chủ động đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, toàn huyện có 70 trang trại đang chăn nuôi liên kết với các công ty như: Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Emivest Việt Nam...

Để góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển các mô hình chăn nuôi, huyện Đồng Hỷ đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và từng địa phương tạo mọi điều kiện hỗ trợ làm thủ tục cho người dân vay vốn; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... Ông Nguyễn Xuân Quang cho biết thêm: Lĩnh vực chăn nuôi chiếm tỷ trọng khá lớn trong sản xuất nông nghiệp của huyện, với gần 40%. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với huyện có chính sách khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn để tạo ra sản phẩm có chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao...

Chung An - Phương Thảo

Hưng Yên: Sản phẩm mật ong hoa nhãn được xếp hạng 4 sao

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025, sản phẩm mật ong hoa nhãn là một trong những sản phẩm chủ lực tham gia chương trình OCOP của tỉnh Hưng Yên.

Hiện nay, sản phẩm được sản xuất ở nhiều xã, phường thuộc địa bàn thành phố Hưng Yên và huyện Khoái Châu với hơn 100 hộ sản xuất. Sản lượng trung bình mỗi năm đạt trên 165 tấn. Sản phẩm được đánh giá sơ bộ xếp hạng 4 sao và được định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt 4 sao trong năm 2020.

Phạm Đăng

Thu nhập ổn định từ nuôi dê

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trước đây gia đình chị Nguyễn Thị Liên (tổ dân phố 9, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, không có vốn làm ăn, vợ chồng chị phải bươn chải với đủ thứ nghề để kiếm sống.

Năm 2010, được Hội LHPN thị trấn Phước An tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 20 triệu đồng, chị Liên quyết định đầu tư làm chuồng và mua 6 con dê về nuôi gồm 1 con dê đực và 5 dê cái.

Trong quá trình nuôi, chị Liên tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc dê do Hội LHPN thị trấn tổ chức; đồng thời học hỏi các kinh nghiệm chăn nuôi trên sách báo, truyền hình. Đàn dê của gia đình chị luôn khỏe mạnh và phát triển nhanh, trung bình mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 - 4 con. Sau khi nuôi từ 5 - 7 tháng, chị xuất bán và chỉ để lại những con dê thật đẹp, khỏe mạnh để làm giống. Cứ thế, đến nay đàn dê đã tăng lên 100 con. Với giá bán trung bình 140.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm chị có lãi hơn 100 triệu đồng.

Đàn dê của gia đình chị Nguyễn Thị Liên sinh trưởng tốt.

Theo kinh nghiệm của chị Liên, nuôi dê đòi hỏi phải thường xuyên vệ sinh chuồng thông thoáng, sạch sẽ; thức ăn cho dê chủ yếu là các loại lá cây, cỏ nhưng phải đảm bảo khô ráo. Sau 10 năm nuôi dê, chị Liên đã trả hết nợ vay, xây được căn nhà trị giá trên 400 triệu đồng và mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị. Chị cũng đã làm hồ sơ xin vay vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2020 của Hội Phụ nữ thị trấn để mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình.

Chăn nuôi dê cũng là mô hình mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Nguyễn Văn Toan ở buôn Ea Ga, xã Cư Ni (huyện Ea Kar).

Trước đây gia đình ông Toan nuôi gà và heo nhưng do quy mô nhỏ lẻ nên thu nhập không cao. Năm 2005, nhận thấy nuôi dê chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn, ông Toan đã mạnh dạn mua 10 con dê mẹ về nuôi. Khi mới nuôi dê, ông gặp nhiều khó khăn do thời điểm đó giá dê liên tục xuống thấp, nhiều khi chỉ còn 5.000 đồng/kg nhưng ông vẫn kiên trì chăm sóc và duy trì; nhờ vậy mà hiện nay mô hình chăn nuôi này đã mang lại thu nhập ổn định hằng năm cho gia đình.

Ông Nguyễn Văn Toan chăm sóc đàn dê. Ảnh: B.Nguyên

Trong chuồng nhà ông Toan hiện luôn duy trì từ 30 - 40 con dê lớn, nhỏ, trong đó có hơn 20 con dê mẹ. Bình quân mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, đặc biệt có những lứa lên đến 3 - 4 con. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông Toan có thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ông Toan chia sẻ, việc nuôi dê khá đơn giản, chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh nắng nóng; phía trước chuồng nuôi cần có một khoảng đất trống để theo dõi đàn dê, cho ăn, phối giống và phòng trị bệnh.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Toan còn giúp đỡ hàng chục hộ khó khăn phát triển kinh tế như: cung cấp con giống; chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi hiệu quả...

Phạm Len - Bình Nguyên

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop