Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 10 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 10 năm 2020

Thái Nguyên: Trồng cây ăn quả trên đất đồi rừng: Hướng đi mới ở Đại Từ

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất đồi rừng của gia đình ông Nguyễn Duy Hòa, xóm Đồng Ninh, xã Bản Ngoại (Đại Từ) hiện cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Bản Ngoại (Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất đồi rừng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Mô hình này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Duy Hòa, xóm Đồng Ninh đúng vào dịp chuẩn bị thu hoạch ổi Đài Loan, cam Vinh và bưởi Diễn… Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây sai trĩu quả, ông Hòa chia sẻ: Gia đình tôi có 4ha đất đồi rừng, trước đây chỉ trồng keo. Vài năm trở lại đây, nhận thấy giá trị kinh tế của cây keo không cao, chu kỳ thu hoạch lại khá lâu (khoảng 7-8 năm) nên tôi quyết định chuyển sang trồng cây ăn quả để nâng cao giá trị kinh tế.

Sau khi đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, đầu năm 2013, ông Hòa đã phá bỏ 1ha keo để trồng thử nghiệm gần 1.000 cây cam Vinh. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, nhiều cây bị chết. Không nản chí, ông vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật do xã tổ chức để có thêm kiến thức về trồng trọt. Nhờ vậy, sau 3 năm, vườn cam của ông đã bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên với trên 7 tấn quả, thu về hơn 140 triệu đồng. Đến lứa thu hoạch thứ 2 (năm 2017), vườn cho sản lượng cao gấp 1,5 lần, với 12 tấn quả, thu về 240 triệu đồng.

Sau những thành công bước đầu, cuối năm 2017, ông Hòa quyết định phá bỏ toàn bộ 3ha keo còn lại để trồng thêm 2.000 gốc cam Vinh, 900 gốc bưởi Diễn, 200 gốc chanh, 300 gốc táo và gần 500 gốc ổi. Đến nay, mặc dù phần lớn diện tích cây ăn quả mới chỉ cho thu hoạch lứa đầu tiên nhưng gia đình ông đã thu được trên 500 triệu đồng từ việc bán gần 40 tấn quả các loại. Dự kiến, sau 2 năm nữa, khi những cây này đến độ tuổi trưởng thànhm sẽ cho thu hoạch trên 100 tấn quả các loại mỗi năm.

Từ mô hình trồng cây ăn quả trên đất đồi rừng đem lại giá trị kinh tế cao của gia đình ông Hòa, nhiều nông dân khác trên địa bàn xã Bản Ngoại đã đến tham quan và học tập kinh nghiệm. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, người dân xã Bản Ngoại đã chuyển đổi gần 50ha đất đồi rừng sang trồng cây ăn quả. Nhờ đó, đến nay, xã Bản Ngoại đã hình thành được vùng trồng cây ăn quả tập trung với diện tích trên 100ha tại 4 xóm: Đồng Ninh, Rừng Lâm, Quang Trung và Cao Khản.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch UBND xã Bản Ngoại cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 149ha đất đồi rừng, hầu hết những diện tích này đều có độ dốc thấp nên rất phù hợp với trồng cây ăn quả, đặc biệt là những loại cây ăn quả có múi như: cam, quýt, bưởi… Những năm gần đây, nhận thấy mô hình trồng cây ăn quả trên đất đồi rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với nhiều hộ nông dân, xã đã khuyến khích và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình này.

Theo đó, hàng năm, UBND xã đều ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ cây giống, phân bón với tổng giá trị hỗ trợ từ 70-100 triệu đồng/năm cho các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản trái cây cho các hộ nông dân ở vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung. Hiện nay, xã Bản Ngoại đang xúc tiến việc thành lập hợp tác xã trồng cây ăn quả nhằm hướng tới áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của các loại cây ăn quả tại địa phương. Dự kiến hợp tác xã cây ăn quả xã Bản Ngoại sẽ được ra mắt vào cuối năm nay.

Nguyên Ngọc

Nỗ lực đưa trái vú sữa tím xuất khẩu

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Sự kiện trái vú sữa tím của xã Trinh Phú (Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) được xuất khẩu sang thị trường Mỹ là một bước tiến lớn trong sản xuất gắn với tiêu thụ của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trinh Phú. Để có được kết quả này, ngoài sự hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương, không thể không nhắc đến những nỗ lực của tập thể HTX Nông nghiệp Trinh Phú.

Thời gian qua, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trinh Phú Hồ Văn Hội và các thành viên trong HTX, trong canh tác luôn chú trọng nâng cao giá trị trái vú sữa. Ảnh: HẢI HÀ

HTX Nông nghiệp Trinh Phú ở Ấp 2, xã Trinh Phú được thành lập vào năm 2012, với ngành nghề chính là kinh doanh trái vú sữa, cung cấp cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, HTX có 43 thành viên, chủ yếu là nông dân trên địa bàn ấp. Từ khi được chính quyền địa phương và ngành chuyên môn hỗ trợ, HTX đã thay đổi tập quán canh tác từ truyền thống sang áp dụng quy trình VietGAP cho hơn 32ha trồng vú sữa tím.

Khi áp dụng quy trình VietGAP, tuy có mất nhiều thời gian hơn so với lối sản xuất cũ nhưng nhiều thành viên HTX cho rằng, việc thay đổi này là tất yếu, bởi để phù hợp với nhu cầu thị trường và phát triển bền vững thì nhà vườn phải chịu khó tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hơn hết, quy trình VietGAP còn giúp trái vú sữa bán ra có giá cao và không tốn chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó dùng các loại chế phẩm sinh học, an toàn sức khỏe của bản thân nhà vườn và cả người tiêu dùng.

Với những bước đi bài bản, hiện nay, trái vú sữa tím của HTX Nông nghiệp Trinh Phú đã được liên kết với các công ty xuất khẩu để có giá cao hơn. Trung bình, mỗi thành viên HTX có thu nhập 250 triệu đồng/năm. Đặc biệt, nhiều thành viên đã vươn lên khá, giàu do bán vú sữa tím xuất khẩu có giá cao hơn bên ngoài từ 18.000 đồng - 20.000 đồng/kg, bình quân mỗi hécta trồng vú sữa tím theo quy trình VietGAP có lãi cao hơn mô hình bình thường đến 90 triệu đồng/năm. Anh Tạ Tấn Tài, thành viên HTX cho biết: “Sau khi chuyển 5.000m2 trồng bưởi năm roi sang trồng vú sữa tím, tôi được tập huấn canh tác theo hướng VietGAP, hội đồng quản trị của HTX còn hướng dẫn kỹ thuật để có năng suất cao. Từ đó, tôi có thu nhập ổn định hơn do được bao tiêu đầu ra, ổn định hơn so với trồng bưởi”.

Theo ông Hồ Văn Hội - Giám đốc HTX Nông nghiệp Trinh Phú, trong giai đoạn 2017 - 2020, HTX đã được Công ty TNHH XNK Vina T&T hỗ trợ cấp 2 mã code vùng trồng vú sữa tím với diện tích 32,4ha và giao hàng cho công ty xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tổng cộng hơn 40 tấn, với giá 31.000 đồng/kg. Mặc dù sản lượng xuất khẩu trái vú sữa chưa nhiều nhưng đây là động lực để tạo niềm tin cho HTX trong việc sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cũng trong giai đoạn này, HTX đã được Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 2 mã code vùng trồng vú sữa tím với diện tích 11,4ha.

Cũng theo ông Hồ Văn Hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh được thuận lợi là do các thành viên của HTX luôn đồng lòng vượt khó để tuân thủ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và xuất khẩu. “Nhà vườn chúng tôi thấy được vị trí và vai trò của kinh tế tập thể trong việc xây dựng phát triển nền nông nghiệp; đồng thời, nhờ cùng nhau trồng một loại vú sữa để quản lý tốt sâu bệnh nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, sản phẩm chất lượng và bán được giá cao hơn so với hộ dân khác, góp phần giúp các thành viên giảm nghèo bền vững. Thành viên HTX luôn nhắc nhở nhau phương pháp tạo trái vú sữa đẹp, không sâu bệnh, tạo được sự đồng nhất về sản phẩm, tạo được sự đoàn kết về giá để tránh tình trạng thương lái ép giá” - ông Hội cho biết thêm.

Trong công tác quản lý, hội đồng quản trị của HTX đã đặt quyền lợi của thành viên HTX lên trên. Qua đó, HTX đã giới thiệu cho các thành viên nhiều thương lái uy tín, thu mua với số lượng lớn và giá ổn định, cao hơn bên ngoài nên thời gian qua các thành viên HTX rất yên tâm và phấn khởi.

Không chỉ có đóng góp trong phát triển kinh tế, nâng cao giá trị nông sản, HTX Nông nghiệp Trinh Phú còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương. Ông Hồ Văn Hội cho biết thêm, HTX đã đóng góp kinh phí làm một số đường ở nông thôn, đóng góp vào quỹ khuyến học ở xã để hỗ trợ cho các em học sinh nghèo hiếu học có hoàn cảnh khó khăn. Đối với những hộ làm vườn có hoàn cảnh khó khăn, khi muốn cải tạo vườn, HTX cho trả chậm tiền cây giống, đồng thời hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trồng cây. Ngoài ra, HTX còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương bằng cách ký hợp đồng thu hoạch trái vú sữa.

Bằng những nỗ lực và sự đoàn kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, HTX Nông nghiệp Trinh Phú đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là thực hiện tốt việc liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Từ đó, góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển.

HẢI HÀ

Huyện Chợ Gạo: Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Nguồn tin:  Báo Ấp Bắc

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa được các cấp ủy, chính quyền huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang quan tâm, chú trọng, nhằm tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất theo chuỗi liên kết, tạo ra các sản phẩm an toàn từ sản xuất tới tiêu thụ.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Chợ Gạo đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh.

XÂY DỰNG VÙNG CHUYÊN CANH

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Chợ Gạo từng bước được tập trung phát triển toàn diện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, xen canh phù hợp với quy hoạch, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô vừa và nhỏ, gắn với bảo vệ môi trường.

Nhiều diện tích thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Thanh long, bưởi, dừa, rau màu được xác định là những cây trồng chủ lực của huyện. Trong đó, cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao, có lợi thế, tiềm năng phát triển của huyện. Năm 2008, UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt Đề án Phát triển cây thanh long mang lại hiệu quả khả quan, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là ở những vùng chuyên canh.

Từ những kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chợ Gạo khóa XI đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để tiếp tục lãnh đạo phát triển mở rộng vùng chuyên canh cây thanh long đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 7.400 ha thanh long, đạt 106% so Nghị quyết, trong đó có gần 2.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

Về chăn nuôi, huyện Chợ Gạo là một trong những địa phương dẫn đầu về chăn nuôi trang trại và tổng đàn heo, gà toàn tỉnh. Hiện huyện có 274 trang trại (140 trang trại heo, 134 trang trại gia cầm), tăng 3,7% so năm 2015; đàn gia súc, gia cầm vượt so Nghị quyết (tổng đàn bò 51.000 con, đạt 120%; đàn gia cầm 6,2 triệu con, đạt 150%)

PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ BỀN VỮNG

Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Chợ Gạo luôn tập trung chú trọng khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là xây dựng chuỗi giá trị thông qua hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Kết quả đến nay, toàn huyện có 19 HTX, 1 chi nhánh HTX, 40 tổ hợp tác và trên 50 doanh nghiệp làm đầu mối hợp đồng tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hóa, cập nhật thông tin thị trường cho nông dân về tiêu thụ, giá cả và tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu.

Phân loại thanh long trước khi xuất khẩu tại HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo.

HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An là một điển hình trong thực hiện chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản của huyện Chợ Gạo. Tham gia HTX, thành viên được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, thông tin thị trường, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm. Về phía thành viên phải cam kết thực hiện đúng quy trình sản xuất theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP để chất lượng trái thanh long đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường châu Âu.

Đến nay, HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An có 100 thành viên với hơn 100 ha thanh long. Ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An cho biết: “Để nâng cao chuỗi giá trị thanh long, xuất khẩu chính ngạch, các hộ dân phải sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm tạo ra trái thanh long chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, không chỉ nông dân, mà doanh nghiệp và các tác nhân nhận thức được vai trò của sự liên kết”.

Đánh giá hiệu quả trong liên kết sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Nguyễn Hồng Hữu cho biết, năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện tăng 1,5 lần so với năm 2015; giá trị hàng hóa sản xuất được tăng lên và gắn với thị trường tiêu thụ. Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại, giá trị tăng cao.

Để các vùng chuyên canh, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, huyện cũng đã có nhiều giải pháp như cùng các doanh nghiệp, HTX xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu, từ sản xuất ban đầu đến thu gom, chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, truy xuất nguồn gốc.

Nhiều diện tích thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị trên địa bàn huyện cũng còn những khó khăn nhất định. Từ đó, Đảng bộ huyện Chợ Gạo đã không ngừng phối hợp các ngành liên quan đề ra 4 giải pháp cụ thể để phát triển bền vững các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm như: Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất; tổ chức sản xuất; tiêu thụ nông sản và tiếp tục đầu tư xây dựng công trình hạ tầng để phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống điện, giao thông và các công trình thiết yếu khác.

Cùng với đó, huyện cũng tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung; tổ chức lại các HTX, tổ hợp tác để làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

PHƯƠNG MAI

Sơn La sẽ phát triển 25.000 ha vùng nguyên liệu nông nghiệp chất lượng cao

Nguồn tin:  VOV

Tỉnh Sơn La có kế hoạch phát triển 25.000 ha vùng nguyên liệu nông nghiệp chất lượng cao trong 2 năm tới.

Qua khảo sát các vùng trồng nguyên liệu ở 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh Sơn La cho thấy, giai đoạn từ năm 2020 - 2022, tỉnh sẽ có 25.000 ha diện tích trồng các loại cây, gồm: Chanh leo, dứa, ngô ngọt, rau chân vịt… với sản lượng ước đạt gần 360.000 tấn, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy chế biến rau quả Doveco Sơn La, thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Trong đó, các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu là những vùng nguyên liệu lớn, đa dạng về cây trồng.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La sẽ luôn đồng hành cùng Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh nói chung trong việc phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo cho nhu cầu của các nhà máy hoạt động hiệu quả trên địa bàn.

Vườn xoài trái vụ của bà con xã Hát Lót, (Mai Sơn, Sơn La).

Với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tỉnh Sơn La cũng mong muốn Công ty sẽ liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm của người dân, đảm bảo giá mua phù hợp với giá trị thị trường, ổn định thu nhập, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân.

Ngoài cam kết liên kết cùng tỉnh chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ thâm canh cho người dân trong vùng nguyên liệu, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cũng bày tỏ mong muốn tỉnh Sơn La sẽ vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với Công ty, bảo đảm ổn định sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nhân dân và hoạt động sản xuất, chế biến của Công ty.

Tại cuộc họp, hai bên đã cùng Ký biên bản ghi nhớ về phát triển sản xuất, liên kết cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La.

Trước đó, ngày 29/9, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Doveco đã khởi công xây dựng Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, với quy mô dự kiến 50.000 tấn sản phẩm/năm, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng Trung tâm vào khoảng 400 tỷ đồng. Đây là Trung tâm chế biến rau quả khép kín, bao gồm từ việc liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu, chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu./.

Trấn Long/VOV-Tây Bắc

Đồng Tháp: Giá ớt tăng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Những ngày qua, giá ớt trái thuộc địa bàn huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) được thương lái thu mua với mức tăng so với tháng trước.

Nông dân thu hoạch ớt

Hiện, ớt trái loại 1 được thương lái thu mua 40.000 - 45.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 đồng/kg so với 2 tháng trước. Ông Nguyễn Văn Tài ngụ xã An Phong, huyện Thanh Bình cho biết: “Giá ớt trái tăng mạnh những ngày gần đây do thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều cũng khiến ớt bị sâu bệnh và giảm năng suất”.

Trang Huỳnh

Hậu Giang: Mở rộng vùng lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trong định hướng tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang sẽ đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và xây dựng cánh đồng lớn, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Sử dụng các giống lúa tốt, vừa có chất lượng gạo ngon, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, thời gian sinh trưởng phù hợp với cơ cấu của từng mùa vụ trên từng tiểu vùng sinh thái, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, tăng cường việc cơ giới hóa trong sản xuất.

Vùng lúa chất lượng cao của tỉnh tới đây sẽ được mở rộng để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo đó, sẽ ổn định diện tích 77.200ha đất lúa, với diện tích gieo trồng 190.200ha; năng suất bình quân cả năm 6,35 tấn/ha; đảm bảo sản lượng đạt 1,2 triệu tấn/năm. Đặc biệt là mở rộng vùng lúa chất lượng cao 35.000ha theo tiêu chí cánh đồng lớn tại các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, trong đó có từ 10.000ha sản xuất, chế biến chuyên theo đơn đặt hàng của thị trường đặc thù cao cấp…

Tin, ảnh: T.TRÚC

Làm giàu từ nuôi chim bồ câu

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Với 5.000 cặp chim bồ câu nuôi trong chuồng lưới, gia đình chị Hồ Thị Nguyệt Quế, tổ 2, ấp 4, xã Minh Long, huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) thu lời khoảng 50 triệu đồng/tháng. Quá trình nuôi không cần nhiều nhân công chăm sóc, thức ăn dễ mua, bồ câu dễ tiêu thụ… Cách làm kinh tế này phù hợp với những gia đình ít đất, ít công lao động, trong khi vốn đầu tư ban đầu không quá cao.

Chị Hồ Thị Nguyệt Quế làm giàu từ nuôi chim bồ câu

Từ 10 năm trước, gia đình chị Hồ Thị Nguyệt Quế đã nuôi 2 loại bồ câu Pháp và bồ câu gà. Bồ câu Pháp cũng có 2 loại là titan và mimas. Chị Quế cho biết, giá bồ câu các loại từ trước đến nay rất ổn định. Bồ câu gà giống có giá 1 triệu đồng/cặp, trong khi bồ câu Pháp giống chỉ 500 ngàn đồng/cặp. Giá rẻ, lớn con, nhiều thịt nên số lượng bồ câu Pháp chiếm đa số. Hiện gia đình chị Quế nuôi 5.000 cặp bồ câu Pháp, mỗi cặp 1 chuồng riêng và một quần thể bồ câu thịt nuôi tập trung. “Nếu nuôi tốt, 1 con bồ câu mái giống titan sau 4-5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu tiên, mỗi lứa đẻ 2 trứng, sau 16-20 ngày ấp sẽ nở chim non. Khoảng 4-7 ngày sau, chim mái tiếp tục đẻ trứng, cứ như vậy, nếu nuôi tốt 1 cặp bồ câu bố mẹ sẽ đẻ khoảng 12-13 lứa/năm. Giống mimas được xem là siêu lợi nhuận vì khả năng sản xuất 16-17 cặp chim non/năm. Một cặp bồ câu có thể sinh sản trong 5 năm. Tuy nhiên chỉ sau 3 năm, khả năng sinh sản giảm sút, do vậy nên thay giống” - chị Quế nói.

Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chơn Thành Lê Minh Tuấn: Nếu chăm sóc không tốt thì bồ câu sẽ mắc các bệnh đậu gà, newcastle (bệnh tả), sưng mỏ, tụ huyết trùng và bệnh hô hấp. Nguyên nhân do thức ăn, nước uống, môi trường, không gian nuôi nhốt, nguồn giống, vi-rút... Do vậy, người chăn nuôi cần tiêm phòng, tăng cường phun dung dịch khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại. Nếu nuôi với số lượng lớn, người nuôi cần thực hiện tốt các khâu liên kết để đảm bảo đầu ra, thị trường tiêu thụ ổn định.

Nhiều năm qua, các nhà hàng, quán nhậu phát triển mạnh, nhu cầu chim bồ câu cũng tăng cao nên gia đình chị Quế chủ yếu bán chim ra ràng cho các mối trên địa bàn Đồng Xoài, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Chim non sau 13 ngày thì tách mẹ để bán. Giá 50 ngàn đồng/con (trọng lượng khoảng 300-400g/con). Bình quân mỗi tháng, gia đình chị Quế bán 2.000 con, doanh thu 100 triệu đồng, trừ chi phí thu lời 50%. Ngoài ra, chưa kể phân bồ câu hằng ngày thu gom bán cho các nhà vườn xung quanh với giá 20 ngàn đồng/bao, gom đến đâu bán hết đến đó.

Chị Quế chia sẻ thêm, chi phí ban đầu để nuôi 1 cặp chim bồ câu sinh sản chỉ khoảng 600 ngàn đồng, gồm: Con giống, lồng nuôi và các phụ kiện như máng ăn, uống, khay hứng phân, ổ ấp trứng. Không gian nuôi cần đảm bảo thoáng, có nhiều ánh sáng. Nuôi công nghiệp số lượng lớn có thể xếp thành nhiều tầng lồng. Thức ăn của bồ câu chủ yếu là cám, gạo lứt, bột bắp. Một cặp chim ăn 100g/ngày, hết khoảng 1.000 đồng. Thức ăn và nước uống của chim được lắp đặt theo hệ thống dây chuyền. Do vậy với số lượng 10 ngàn con như hiện nay thì chỉ cần 2 người làm, chủ yếu cho chim ăn, uống và dọn vệ sinh, chăm sóc thú y...

Quang Minh

7 con bò bị sét đánh chết cùng lúc, sạt lở tiếp tục chia cắt nhiều xã tại Quảng Nam

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Mưa lũ vẫn tiếp tục trút xuống các huyện của tỉnh Quảng Nam, đường từ huyện Đại Lộc đi Nam Giang bị chia cắt, trong khi đó ở huyện Tây Giang một hộ dân đã bị mất 7 con bò vì sét đánh.

Trưa nay, phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam Lê Hoàng Linh cho biết hộ gia đình ông Pơloong Môi, thôn Dading (xã Gari) đã bị sét đánh chết 7 con bò trong lúc chăn thả ở rẫy vào sáng 8-10.

Tới sáng nay, hàng chục điểm sạt lở mới đã chia cắt tạm thời các xã vùng cao, một số cầu dân sinh cũng bị nước lũ cuốn. Nước cũng tràn vào khu nội trú của Trường THCS bán trú Lý Tự Trọng (xã A Xan).

Các trường nằm trong nguy cơ sạt lở và có học sinh ở các làng vùng xa đã chủ động cho học sinh nghỉ học.

"Hiện mưa vẫn phổ biến ở mức 280mm, chúng tôi đã huy động lực lượng sơ tán khẩn các các hộ dân ở vùng nguy hiểm ra nơi cao ráo để tránh lũ quét, sạt lở", ông Linh nói.

Tại huyện Đại Lộc, tới trưa nay nước lũ vẫn bao vây các khu dân cư ở nhiều xã, trong đó nặng nhất là tại khu vực thị trấn Ái Nghĩa. Một người dân trong lúc dọn dẹp đồ đạc tránh lũ đã bị điện giật tử vong. Lũ cũng đã tràn qua một số cầu liên xã khiến xe cộ không thể qua lại được.

Tại phố cổ Hội An, nước đã tràn vào khu vực chợ trung tâm phố cổ và đang tiếp tục lên.

THÁI BÁ DŨNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop