Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 11 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 11 năm 2020

Kon Tum: Trồng cây ăn trái: Hướng đi triển vọng ở Đăk Hà

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Vài năm trở lại đây, do giá cả một số mặt hàng nông sản, nhất là cà phê, cao su xuống thấp nên nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) chủ động chuyển hướng sang canh tác một số loại cây trồng khác; trong đó, trồng cây ăn trái là hướng đi được nhiều nông dân ưu tiên lựa chọn.

Theo số liệu thống kê, huyện Đăk Hà hiện có hơn 830ha cây ăn trái, tập trung nhiều ở các xã Ngọc Wang, Đăk Hring, Hà Mòn, Đăk Pxi… Các loại cây được trồng chủ yếu là cam, quýt, bơ, sầu riêng, mít Thái, chuối. Người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà trồng cây ăn trái theo phương thức thâm canh hoặc xen canh trong các vườn cà phê. Người dân đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cho lợi nhuận cao. Việc mở rộng diện tích cây ăn trái góp phần thực hiện mục tiêu đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp của huyện Đăk Hà, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Anh Trần Văn Dũng (thôn 7, xã Ngọc Wang) chia sẻ: Nhận thấy cây có múi phù hợp chân đất ở địa phương và có thị trường tiêu thụ thuận lợi nên từ năm 2015, tôi quyết định đầu tư trồng thử 0,5ha cam, quýt xen canh trong vườn cà phê. Lứa quả đầu tiên được thu, thấy lợi nhuận cao; sau đó, gia đình tôi dành riêng một mảnh đất trồng chuyên canh cam, quýt với khoảng 1.000 cây nữa. Năm ngoái, sản lượng trái cây thu hoạch của gia đình đạt khoảng 35 tấn, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Năm nay, chắc chắn lợi nhuận thu được sẽ nhiều hơn, vì vườn cây đã trưởng thành nên năng suất, sản lượng thu hoạch cao hơn.

Vườn cây ăn trái của anh Trần Văn Dũng. Ảnh: TH

Không chỉ trồng rải rác với diện tích nhỏ hẹp theo quy mô hộ gia đình, thời gian gần đây, có những hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Hà mạnh dạn đầu tư trồng trái ăn cây với quy mô lớn theo tiêu chuẩn chất lượng cao, với tham vọng không chỉ phục vụ thị trường trong tỉnh mà còn hướng đến xuất khẩu.

Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm (xã Đăk Hring) với 16ha trồng cây ăn trái gồm chuối tiêu hồng, chuối tây Thái Lan, cam, quýt, mít Thái, bơ, sầu riêng… được sản xuất theo quy trình kỹ thuật VietGAP, đảm bảo sạch, an toàn từ chăm sóc đến thu hái, bảo quản.

Vườn quýt trĩu quả của HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm. Ảnh: T.H

Chị Bùi Thị Thúy - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm cho biết: Nhận thấy, nhu cầu tiêu thụ trái cây an toàn của thị trường ngày càng cao, các xã viên của Hợp tác xã mạnh dạn góp vốn, góp đất để triển khai mô hình trồng trái cây hữu cơ. Mấy năm qua, trên chân đất cằn cỗi từ những vườn cao su hết chu kỳ khai thác, đất trồng mì bạc màu… các anh em trong hợp tác xã tiến hành cải tạo, tìm nguồn giống có chất lượng, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào canh tác, tạo nên trang trại trái cây đa dạng, phong phú về chủng loại. Chuối cho thu hoạch năm 2019 còn các loại cây khác thì năm nay nay bắt đầu được thu, tất cả đều đạt năng suất, được thị trường đón nhận và có một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi chưa tính toán chi li, nhưng chỉ tính riêng diện tích trồng chuối đã cho lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/năm.

Cũng với mục tiêu sản xuất sản phẩm trái cây sạch, an toàn, từ năm 2018, Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (xã Đăk Pxi) triển khai trồng 230ha mít Thái xen lẫn cây sầu riêng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2020, doanh nghiệp bắt đầu thu hoạch lứa mít đầu tiên để gửi chào hàng đến các công ty chuyên xuất khẩu nông sản sang Châu Âu. Theo tính toán của doanh nghiệp này, từ năm thứ 5 trở đi, khi vườn cây bắt đầu bước vào thời kỳ kinh doanh sẽ cho doanh thu ổn định trên 2 tỷ đồng/ha/năm.

Xác định phát triển cây ăn trái là một trong những hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Đăk Hà vận động, khuyến khích người dân chủ động đầu tư, mở rộng diện tích các loại cây ăn trái. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dạy nghề, Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây trồng để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trái cây của HTX Nông nghiệp ứng dụng nghệ cao Bắc Tây nguyên Farm có tem nhãn và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: TH

Bên cạnh đó, huyện Đăk Hà chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất để đưa ra thị trường các loại trái cây chất lượng cao; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tập trung thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, xây dựng chuỗi liên kết trong trồng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trái cây là một trong các sản phẩm được ưu tiên hàng đầu.

Có thể nói, cây ăn trái đang trở thành điểm nhấn trong cơ cấu cây trồng của huyện Đăk Hà; phát triển cây ăn trái là hướng đi phù hợp, góp phần mang lại thu nhập cao cho nông dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thiên Hương

Trồng quýt đường, cam sành cho thu nhập khá

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trước đây, trên diện tích đất canh tác của gia đình, ông Nông Văn Luyện (ở thôn 5, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) chủ yếu trồng ngô, đậu… nhưng hiệu quả đem lại thấp.

Sau khi tham quan và tìm hiểu một số mô hình trồng cây ăn quả ở tỉnh Bình Phước, thấy nhiều vườn cam, quýt sai quả và giá bán cao, năm 2013 ông Luyện đã mạnh dạn trồng gần chục cây quýt đường và cam sành trong vườn nhà. Ông cũng là một trong những hộ dân đầu tiên ở địa phương trồng các loại cây ăn quả này.

Nhờ chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu đặc tính của các loại cây, kỹ thuật chăm sóc nên chỉ sau hơn một năm trồng, quýt đường và cam sành của gia đình ông Luyện đã bắt đầu cho quả. Tuy nhiên, để cho cây tập trung chất dinh dưỡng phát triển, gia đình ông đã hái bỏ lứa trái này, tiếp tục đầu tư, chăm sóc. Sang năm thứ hai, khi cây cam, quýt đã trưởng thành, đủ điều kiện để cho trái mà vẫn giữ được cây khỏe mạnh, ông Luyện mới để cây cho hoa kết trái.

Vườn quýt đường của ông Nông Văn Luyện.

Năm 2017 ông Luyện quyết định trồng thêm hàng trăm cây quýt đường và cam sành. Hiện nay, tổng diện tích quýt đường, cam sành của gia đình ông là 3,5 sào, với gần 430 cây, trong đó có 280 cây đã cho thu hoạch; bình quân mỗi cây quýt đường cho thu hoạch 60 kg/năm và cam sành 30 kg/năm. Do trái to, màu sắc đẹp, ngon ngọt… nên cam, quýt của gia đình ông Luyện rất được thị trường ưa chuộng; thương lái tìm đến tận vườn thu mua, với giá dao động từ 12.000 – 13.000 đồng/kg, đặc biệt có thời điểm lên đến 15.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, chăm sóc đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập đáng kể.

Hiện gia đình ông Luyện đang có kế hoạch mở rộng thêm quy mô trồng quýt đường và cam sành nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình… Ông Luyện chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi thu hoạch được 2,1 tấn cam, quýt, sau khi trừ hết các chi phí đầu tư thì lãi khoảng gần 15 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng hoa màu. Thường thì phải bước sang năm thứ tư, thứ năm thì cây cam, quýt mới bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định, lúc đó năng suất của cây trồng sẽ còn cao hơn nữa. Nếu chăm sóc tốt cây quýt có thể cho năng suất đạt 120 kg/cây/năm và cam sành được 50 – 60 kg/cây/năm…”.

Theo ông Luyện, cây quýt đường và cây cam sành có đặc tính gần giống nhau, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, người trồng chỉ cần bón phân, tưới nước hợp lý, cũng như thường xuyên thăm vườn, phát hiện sâu hại để phòng trừ kịp thời thì cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Để chất lượng trái bảo đảm thì nên trồng thưa, cây hứng đủ ánh sáng, trái sẽ to, tuổi thọ cây kéo dài, nên để số lượng trái phù hợp với tuổi và sức khỏe của cây. Sau mỗi lần thu hoạch trái, phải bón phân, cắt cành tạo tán, loại bỏ những cành khô héo, sâu bệnh để dưỡng cho mùa sau…

Hiệu quả của mô hình trồng quýt đường kết hợp với cam sành của gia đình ông Nông Văn Luyện đã mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Trung Dũng

Làm giàu từ cây chuối tiêu hồng

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Ông Lưu Văn Biên, ở xóm Nông Trường, xã Cát Nê (Đại Từ) chăm sóc vườn chuối tiêu hồng của gia đình.

Khởi nghiệp từ những đồng vốn vay mượn, gia đình ông Lưu Văn Biên, ở xóm Nông Trường, xã Cát Nê (Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã đầu tư trồng chuối tiêu hồng, cho thu nhập trên 300 triệu đồng một năm.

Chúng tôi đến thăm vườn chuối của gia đình ông Lưu Văn Biên vào một buổi sáng đẹp trời cuối Thu, khi ông đang kiểm tra các công đoạn cuối cùng để đóng sản phẩm bán cho thương lái. Mời chúng tôi vào nhà uống nước, ông kể về những đổi thay của gia đình mình. Ông Biên bảo: Trước đây, gia đình tôi, làm đủ nghề để sinh sống nhưng cuộc sống vẫn vô cùng khó khăn. Năm 2010, vợ phải đi xuất khẩu lao động. Mấy bố con ở nhà, không có bàn tay của người khụ nữ thì cuộc sống lại càng chật vật hơn. Sau một lần đi thăm quan học hỏi các mô hình phát triển kinh tế tại xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên), tôi nhận thấy, đất đồi rừng của gia đình phù hợp với cây chuối tiêu hồng. Đây là giống chuối ngon, cho năng suất cao, được thị trường ưa chuộng. Đến năm 2016, tôi quyết định vay vốn trồng loại chuối này.

Vụ chuối đầu tiên gia đình ông Biên thu được 900 buồng, trừ chi phí cho thu lãi gần 100 triệu đồng. Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh của cây chuối tiêu hồng, gia đình ông không ngừng mở rộng diện tích canh tác, đến nay ông đã có gần 4ha chuối tiêu hồng. Theo ông, đây loại cây dễ chăm sóc, mang lại lợi nhuận cao nhưng muốn canh tác tốt và hiệu quả cao cần tìm hiểu cách chăm sóc và phòng trừ các loại dịch bệnh. Có như vậy, cây mới cho buồng chuối to, nải chuối đều, quả đẹp, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ông tích cực tìm tòi kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật, tham gia các đợt tham quan học hỏi kinh nghiệm do Hội Nông dân xã tổ chức. Nhờ vậy, sản lượng chuối tiêu hồng của gia đình ông không ngừng tăng theo từng năm. Trung bình hàng năm thu được từ 60-70 tấn quả với giá bán từ 4.000-10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Là hội viên Hội Nông dân, ông cũng luôn tâm huyết với công tác xoá đói giảm nghèo tại địa phương, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu bền vững. Nhận thấy bà con nông dân trên địa bàn xã và các vùng lân cận có nhu cầu lớn về mầm chuối giống, gia đình ông đã bán hơn 10.000 mầm chuối giống với giá ưu đãi hoặc hỗ trợ tối đa cho bà con có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ông Biên luôn sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho những người có nhu cầu.

Bên cạnh đó, ông Biên luôn hiểu được vai trò quan trọng của người nông dân trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nên tích cực hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới của địa phương. Gia đình ông Biên gương mẫu đóng góp tiền và vận động bà con trong xã đối ứng tiền, công sức để làm đường giao thông nông thôn, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhờ sản xuất có hiệu quả, nhiều năm liền, gia đình ông Biên được bình chọn là điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương...

Yến Phương (Đại Từ)

Mô hình trồng bưởi da xanh xen ổi hiệu quả

Nguồn tin: Báo Bình Định

Trên diện tích gần 2 ha đất cát pha thịt nhẹ, anh Nguyễn Chí Phương (38 tuổi) ở thôn An Điềm (xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã trồng 500 cây bưởi da xanh (mua tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) xen với 500 cây ổi lê Đài Loan (mua tại Trung tâm cây giống Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội). “Khu vườn của gia đình tôi sau hơn 35 năm trồng cây điều đã già cỗi, cho năng suất thấp. Cuối năm 2019, tôi bàn bạc với gia đình, cải tạo lại đất, chuyển đổi sang trồng cây bưởi da xanh. Trong quá trình cây bưởi sinh trưởng, đầu năm 2020, tôi trồng xen cây ổi, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn”, anh Phương cho biết.

Anh Nguyễn Chí Phương thu hoạch ổi.

Mô hình này giúp anh Phương “lấy ngắn nuôi dài” vì cây ổi lê Đài Loan trồng sau 8 tháng bắt đầu cho trái, còn bưởi da xanh sau hơn 3 năm mới cho thu hoạch. Anh Phương chia sẻ: “Khâu chăm sóc cây bưởi và ổi giống nhau, chỉ cần đầu tư chăm bón, tưới nước hợp lý, cây sẽ phát triển tốt. Khi cây ổi phát triển, tôi cắt tỉa bớt các cành vô hiệu, sâu bệnh sẽ tạo vườn cây thông thoáng, dễ chăm sóc và thu hoạch. Để ổi không bị sâu bệnh, sau khi trái non được 1 tháng, tôi dùng túi xốp lưới bọc lại. Giống ổi này cho trái to, giòn và ngọt, từ tháng 9 đến nay, tôi thu hoạch hơn 2 tấn trái, bán với giá 15.000 đồng/kg”.

Để tiết kiệm nguồn nước tưới, anh Phương đầu tư hơn 35 triệu đồng lắp đặt hệ thống béc tưới phun mưa, chỉ mất chưa đầy một giờ đồng hồ là đã tưới xong cả vườn, nhờ đó giảm công sức lao động. Ngoài ra, anh còn thiết kế 4 bẫy đèn để diệt trừ các loại côn trùng hoạt động về đêm, biện pháp này an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Anh chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, phân gà ủ với bánh dầu để bón cho vườn cây. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa bảo vệ sức khỏe nhà nông lẫn người tiêu dùng. Được biết, mô hình trồng bưởi da xanh xen ổi của anh Phương đang canh tác theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham gia hợp chuẩn VietGAP.

Ông Trương Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Lâm, nhìn nhận: “Trồng bưởi da xanh xen ổi của anh Nguyễn Chí Phương là một mô hình mới tại địa phương, thu hút nhiều người dân trong xã đến học hỏi. Qua đó, mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ dân muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng...”.

NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG

Sản xuất nông nghiệp thiệt hại do thời tiết

Nguồn tin:  CTV Cà Mau

Do mưa lớn kết hợp với triều cường trong những ngày qua, nhiều địa phương ở tỉnh Cà Mau bị thiệt hại nghiêm trọng trong sản xuất nông nghiệp. Đã có hàng ngàn héc ta lúa và hoa màu ở địa phương này bị mất trắng, khiến người dân gặp khá nhiều khó khăn.

Tại huyện Trần Văn Thời, mưa kéo dài kết hợp với triều cường đã làm 1.400 ha lúa hè thu bị thiệt hại 100%. Ngoài ra, có trên 8.570 ha bị thiệt hại trên 70%, 5.424 ha bị thiệt hại từ 30% đến 70%. Trên 500 ha hoa màu bị thiệt hại hoàn toàn, 287 ha cây ăn trái bị thiệt hại. Ngoài ra, diện tích nuôi cá đồng ở địa phương này hầu như bị thiệt hại hoàn toàn. Tại huyện U Minh, có trên 4.500 ha lúa bị ngập, thiệt hại trên 877 ha; 477 ha cây ăn trái và 247 ha rau màu cũng bị thiệt hại.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xác định loại hình thiên tai để công bố. Qua đó, có hỗ trợ kịp thời, giúp người dân vượt qua khó khăn. UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương trong tỉnh đảm bảo điều kiện, khẩn trương thực hiện trình tự, thủ tục hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai đúng quy định./.

PV: Diễm My

Xóm mướp hương

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Tại Tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), một nhóm hộ nông dân đang canh tác những giàn mướp sạch, cho quả ngọt cung cấp cho thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cho các nông hộ.

Vườn mướp nhà anh Nam treo miếng keo bẫy ruồi vàng

Thăm vườn mướp hương của anh Nguyễn Văn Thực, người thường được bà con tổ dân phố gọi là anh Nam, giữa lúc anh đang tỉa lá cho những dây mướp già. Anh Nam cho biết, đất trồng mướp nguyên là đất trũng, chuyên trồng lúa 1 vụ nhờ nước trời và được bà con cải tạo đất, làm giàn, trồng một số loài cây ăn trái như dưa leo, chanh dây và cây mướp hương. Theo anh Nam, cây mướp là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, cho năng suất cao và thị trường đầu ra ổn định.

Anh Nam chia sẻ, cây mướp hương được trồng từ hạt. Hạt được gieo trực tiếp xuống đất đã làm kỹ, bón phân tơi xốp, lên luống thấp. Chỉ sau 1 tuần, hạt nứt mầm và mọc rất nhanh. Lúc đó, người trồng cần cắm tre làm chỗ leo cho mướp, sau đó mướp vươn lên giàn. Sau 48 ngày kể từ lúc xuống giống, cây mướp cho thu hoạch lứa đầu tiên và thu kéo dài trong 8 tháng. Mướp phát triển rất nhanh và cho năng suất rất cao. Như nhà anh Nam, 1 sào mướp anh trồng 200 gốc, thu hoạch được trung bình 3 tấn trái/tháng. Một vụ mướp, anh thu trung bình 20 tấn trái, với giá bán bình quân 3.500 đồng/kg, một thu nhập khá cao so với các cây trồng khác.

Điều làm cây mướp được nông dân ưa chuộng là cây phát triển rất nhanh, mau có thu hoạch. Với khả năng lớn cực nhanh, chỉ cần 1 tuần là bông hoa mướp cái được thụ phấn đã có thể cho thu hoạch với trọng lượng 300 - 400 gam/trái. Bà con thường thu hoạch khi trái mướp đạt 300 - 400 gam vì giai đọan này trái vừa, đạt độ ngọt, giòn cao nhất. Cây mướp lại ít sâu bệnh, nhu cầu phân bón rất ít. Mướp cũng là loại cây chịu hạn tốt, chỉ cần tưới 1 tuần/lần. Vườn đã được bắc giàn tưới tự động nên việc chăm sóc của bà con rất nhàn. Anh Nam cho biết, mướp hái cách ngày, ngày hái ngày nghỉ. Sau mỗi đợt thu hoạch rộ, người nông dân cần làm lá, vặt bỏ lá già, tạo thông thoáng cho giàn để cây ra lứa mới.

Điều khá đặc biệt của người nông dân trồng mướp Đoàn Kết là việc trị sâu bệnh trong vườn mướp. Anh Nam nhận xét, cây mướp ít sâu bệnh, chỉ có đối tượng ruồi vàng đục trái gây hại nhiều nhất. Trái mướp non bị ruồi vàng chích hút sẽ chậm lớn, sâu trái, quăn và khó tiêu thụ. Thay vì sử dụng các loại thuốc phun xịt, bà con đã sử dụng các miếng bẫy ruồi vàng. Đó là những miếng keo có màu vàng, rất hấp dẫn ruồi vàng. Ruồi bay tới và bị dính vào miếng keo. Một sào mướp chỉ cần treo 20 miếng keo dính là đủ. Với giá 10 ngàn đồng/miếng keo, chi phí 200 ngàn sẽ bảo vệ an toàn cho 1 sào mướp trong vòng 15 ngày. Sau 15 ngày, miếng keo giảm tác dụng, người trồng lại thay miếng keo mới. Việc sử dụng bẫy keo trị ruồi vàng đã giúp vườn mướp an toàn đồng thời bảo vệ môi trường, giúp trái mướp sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Các nông hộ trồng mướp như nhà anh Nguyễn Văn Thức, Vũ Mạnh Hùng và anh Nam... đều áp dụng biện pháp trừ dịch hại bằng bẫy, không sử dụng thuốc trừ ruồi trên cây mướp.

Anh Nguyễn Văn Thức, tổ trưởng Tổ dân phố Đoàn Kết cho biết, trong tổ nhiều nông hộ cùng trồng mướp, trở thành một vùng chuyên cung cấp mướp trái cho các vựa.Với 1 sào mướp, người trồng chỉ tốn 500 ngàn tiền giống, gần 4 triệu tiền keo dính bẫy ruồi, phân bón không nhiều. Trong khi đó, với giá trung bình 3.500 đồng/kg, 1 sào mướp cho thu trên 10 triệu đồng/tháng, trừ chi phí còn xấp xỉ 70 triệu đồng/sào/vụ 9 tháng. Mướp thu hoạch được đóng bao, để ngay tại nhà, có thương lái vào tận nơi thu mua mang đi. Mướp hương trái vừa phải, thu hoạch trái bánh tẻ vừa độ ngọt nên thị trường ưa chuộng. Người Đoàn Kết trồng ra bao nhiêu mướp, thương lái thu mua hết và chuyển về vựa, phân phối trong và ngoài tỉnh. Chính từ cánh đồng sâu của tổ Đoàn Kết, những trái mướp được trồng, thu hoạch và mang lại thu nhập ổn định cho những người nông dân chăm chỉ.

DIỆP QUỲNH

Bình Tân (Vĩnh Long): Nguồn cung giảm, giá hành lá gần 2 triệu đồng/tạ

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Do nguồn cung giảm nên giá hành lá được thương lái thu mua tại huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) hiện đạt mức gần 2 triệu đồng/tạ.

Theo người dân, thời gian qua, do giá hành lá luôn đứng ở mức cao nên người dân không dám đầu tư mở rộng diện tích sản xuất- vì ngoài chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mỗi công hành khi xuống giống cần từ 6- 8 tạ hành giống, dẫn đến chi phí sẽ tăng lên rất nhiều.

Nếu không may giá hành lá xuống thấp thì người trồng sẽ thua lỗ nặng nên không dám mạo hiểm. Chính vì vậy, tuy hiện hành lá đạt mức gần 2 triệu đồng/tạ nhưng người dân không có để bán, chỉ có các hộ có nguồn hành giống sẵn có thì mới dám đầu tư trồng lại và hiện thu hoạch bán được giá cao.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa bão nên năng suất hành lá đạt thấp, chỉ trên 20 tạ/công; song với mức giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất, người trồng thu được lợi nhuận cao, nên rất phấn khởi.

TRUNG THÀNH

Lúa ảnh hưởng nặng nề sau mưa bão

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Sau ba cơn bão số 7, 8 và 9 vừa đi qua, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy khi đến thăm các cánh đồng lúa tại các huyện: Trần Đề, Châu Thành, Long Phú, Mỹ Xuyên, TP. Sóc Trăng... là hàng ngàn hécta lúa nằm rạp sát đất, thậm chí nhiều diện tích lúa bị ngập sâu trong nước, bông lúa nảy mầm thành những cây mạ non. Trước bão, nhiều cánh đồng lúa oằn bông, giờ không thể thu hoạch, ảnh hưởng đến thu nhập, nhiều hộ nông dân không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ vật tư nông nghiệp và chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo.

Nhiều ruộng lúa bị thiệt hại do mưa bão, nông dân xới đất chuẩn bị cho vụ Đông - Xuân. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo thống kê của ngành chuyên môn, tổng diện tích lúa bị đổ ngã vụ Hè - Thu năm 2020 do mưa bão gây ra trên địa bàn toàn tỉnh là 19.246ha, trong đó diện tích bị đổ ngã 30% chiếm 3.196ha, đổ ngã 30% - 70% là 10.427ha và diện tích đổ ngã trên 70% là 5.626ha. Theo đó, diện tích lúa bị đổ ngã đều đã trổ chín và chuẩn bị thu hoạch nên khi bão vào lúa bị ảnh hưởng nặng nề, khi mưa liên tục kèm bão làm lúa trổ chín bị sập rạp, không thể thu hoạch được, do nước ngập sâu, lúa trên đồng lâu ngày bị rơi rụng hạt và bông lúa nảy mầm nên nhiều diện tích lúa xem như mất trắng, nông dân lỗ nặng.

Tranh thủ những ngày nắng hiếm hoi, bà con ráo riết thu hoạch lúa. Khi nghe hỏi, ông Trần Nhênh, ấp Trà Ông, xã Viên Bình (Trần Đề) tắt ngay chiếc máy xới, cất giọng buồn bã: “Năm nay xem như vụ Hè - Thu tôi trắng tay, đây là ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch thì bão tới, mưa dầm liên tiếp nhiều ngày, nước dưới sông dâng lên kèm theo nước mưa, dẫn đến lúa ngập sâu trong nước. Thấy xót lúa, tôi gọi máy gặt đập nằm trên bờ chờ sẵn, mưa tạnh nước rút đưa máy xuống thu hoạch ngay nhưng chờ nhiều ngày liền mưa vẫn không ngớt, nước trong ruộng ngày càng nhiều hơn, đành bỏ luôn diện tích lúa 10ha trên đồng và 5ha lúa còn lại chỉ thu hoạch được 150kg/công. Giờ ruộng lúa bị ngập đã không còn cách nào cứu vãn, tôi tranh thủ nước rút cạn xới đất, chuẩn bị xuống giống vụ Đông - Xuân".

Cũng theo lời tâm sự của ông Nhênh, cái khó trong việc cải tạo đất là do lúa không thu hoạch được nên lúa còn nguyên cây, phải xới đất đến 2 lần mới đảm bảo việc xuống giống cho lúa phát triển tốt. Qua đó, làm tăng chi phí cải tạo đất gấp đôi so bình thường. Đưa tay, vớt những cây lúa đen nằm dưới nước, hạt lúa đã nảy mầm thành cây mạ non xanh, ông Nhênh tiếp lời: “Vụ lúa Hè - Thu không bị ảnh hưởng bão, chắc chắn số tiền lợi nhuận tôi thu về 450 triệu đồng/15ha lúa, thường năng suất lúa vụ này, ước 7 tấn - 7,5 tấn/ha hơn nữa lúa tôi sản xuất là lúa đặc sản nên giá bán tốt. Rút kinh nghiệm cho vụ mùa năm sau, tôi sẽ làm bờ bao quanh ruộng lúa, kết hợp đường thoát nước tốt và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hạn chế lúa bị đổ ngã…”.

Cách ruộng lúa ông Nhênh tầm 4km là ruộng lúa ông Thạch Mô Tô, ấp Lao Vên, xã Viên Bình (Trần Đề) đang thu hoạch, đứng trên bờ nhìn chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động liên tục, nhưng rất lâu mới được một bao lúa đầy chuyển sang chành kéo, ông Mô Tô buồn bã chia sẻ: “Kể từ đợt bão đến nay, chẳng ngày nào tôi nuốt trôi cơm, bởi khi nghĩ đến diện tích lúa bị hư hại do bão gây ra thì buồn rầu, vì thu nhập chính của gia đình dựa vào các vụ lúa trong năm. Do vậy, xem như vụ Hè - Thu năm 2020 này, 68 công đất lúa lỗ nặng, bởi chỉ thu hoạch được 4 bao lúa/công nhưng chi phí thuê máy gặt đập lên tới 350.000 đồng/công do lúa đổ ngã (giá lúa đứng thu hoạch là 280.000 đồng/công). Tôi đang lo kiếm tiền trả vật tư nông nghiệp, để còn mua nợ tiếp cho vụ sau…”.

Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chia sẻ: “Để hạn chế hiện tượng đổ ngã, ngập úng trên lúa trong mùa vụ sản xuất, nông dân cần thực hiện một số giải pháp ngay từ đầu vụ là trước khi gieo sạ, phải cày ải phơi đất để tạo nên lớp đế cày, ruộng không bị lầy thụt, giúp khoáng hóa các chất hữu cơ và giải bớt các chất độc trong đất, giúp rễ lúa phát triển, hấp thu dinh dưỡng tốt, lúa cứng cây hơn. Ruộng canh tác lúa nên làm đất bằng phẳng, có hệ thống thoát nước. Đồng thời, chọn những giống lúa cứng cây, vừa kháng được sâu rầy, vừa hạn chế được đổ ngã khi lúa chín…”.

THÚY LIỄU

Thị xã Ba Đồn (Quảng Bình): Chủ động tái đàn gia súc, gia cầm sau mưa lũ

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Cơn lũ lịch sử vào giữa tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi tại nhiều địa phương của thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình). Hiện nay, người chăn nuôi đang tìm cách vượt qua khó khăn, nỗ lực khôi phục chăn nuôi để kịp có sản phẩm cung ứng cho thị trường; đồng thời, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.

Nước lũ đã rút hơn nửa tháng nay nhưng ông Nguyễn Trọng Luyến ở tổ dân phố 7, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp vẫn chưa hết bàng hoàng. Lũ lụt đã làm chết gần 1.000 con gà, vịt; 3 tấn cá; 7.000 trứng vịt lộn ấp dở và 3 lò ấp trứng bị ngập trong nước lũ; 3 tấn thức ăn chăn nuôi dự trữ đã bị ướt, lên mốc, tổng trị giá thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Sau khi nước rút, ông Luyến cùng gia đình tập trung tu sửa chuồng trại, phun thuốc xử lý môi trường, khôi phục chăn nuôi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ông hiện nay là thiếu vốn và lãi nợ ngân hàng vay khi làm trang trại.

Chuồng trại của gia đình ông Nguyễn Trọng Luyến, phường Quảng Phong bị hư hại nghiêm trọng sau trận lũ.

Ông Nguyễn Trọng Luyến cho biết: “Cơn lũ vừa qua khiến trang trại chăn nuôi của tôi thiệt hại nặng nề. Bao nhiêu vốn liếng, công sức gây dựng bấy lâu nay coi như mất trắng trong cơn lũ, không kịp trở tay. Hiện nay, tôi muốn tái đàn cũng khó vì thiếu vốn đầu tư, nguy cơ tái phát dịch bệnh trên vật nuôi lại khá cao. Đặc biệt là số nợ vay ngân hàng trước đây để làm trang trại có lãi khá cao. Nói vậy nhưng tôi cũng phải tìm đủ mọi cách để khôi phục chăn nuôi và cũng hy vọng sự hỗ trợ của nhà nước. Trước mắt, đề nghị các ngân hàng giảm lãi và khoanh lãi".

Xã Quảng Hải là một trong những địa phương của thị xã Ba Đồn chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt lũ vừa qua do địa hình thấp trũng, nước lũ lên rất nhanh. Tổng đàn gia súc của xã có gần 2.000 con, đàn gia cầm hơn 8.000 con, toàn xã có 6 gia trại chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sau mưa lũ, tổng đàn gia súc, gia cầm giảm mạnh, có hơn 6.000 con gia súc, gia cầm bị chết. Các gia trại đều thiệt hại rất nặng, cần được hỗ trợ để tái đàn.

Thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm bị hư hại hoàn toàn.

Chị Phan Thị Hồng, thôn Tân Đông, xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn chia sẻ: “Mô hình gia trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình tôi cũng có thu nhập ổn định hàng năm nhưng đợt lũ lịch sử vừa qua đã cuốn trôi nhiều lợn, gà, vịt. Các chuồng trại cũng bị ngập lụt và hư hỏng nặng. Gia đình đã dọn dẹp vệ sinh chuồng trại để tiếp tục mua giống gia súc, gia cầm về chăn nuôi tái đàn nhưng hiện nay, do thiếu vốn nên việc tái đàn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ cho gia đình tiếp tục được vay vốn để khôi phục lại gia trại nhằm tạo thu nhập cho gia đình”.

Theo ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, đợt lũ vừa qua, xã Quảng Hải chịu ảnh hưởng rất nặng nề, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi. Để giúp người dân sớm tái đàn, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, xã sẽ tăng cường tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm; tham mưu, đề xuất các hướng giúp sức cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại; đồng thời, hỗ trợ cho các hộ nuôi được vay vốn ngân hàng để tiếp tục tái sản xuất đàn vật nuôi của địa phương.

Sau đợt lũ vừa qua, toàn thị xã Ba Đồn có hơn 138.000 con gia súc, gia cầm bị chết và nước lũ cuốn trôi; nhiều chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng hoàn toàn. Để kịp thời khắc phục hậu quả, ngay sau khi nước rút, các địa phương và người dân thị xã đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm môi trường, an toàn dịch bệnh, cũng như từng bước khôi phục đàn gia súc, gia cầm sau lũ. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Ba Đồn đã kịp thời hướng dẫn các địa phương và hộ chăn nuôi tiến hành vệ sinh, thu gom, xử lý xác chết gia súc, gia cầm; tiêu độc khử trùng bằng hóa chất xung quanh chuồng trại... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho vật nuôi sau lũ.

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TX. Ba Đồn hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiêu độc khử trùng bằng hóa chất xung quanh chuồng trại.

Ông Đoàn Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Ba Đồn cho biết: “Đợt lũ vừa qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi của bà con. Ngay sau đó, trung tâm đã có hướng dẫn gửi các địa phương về cách phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại, gia trại chăn nuôi, xử lý dịch bệnh sau đợt mưa lũ. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương cơ bản hoàn thành công tác xử lý chuồng trại sau lũ để phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm”.

Những thiệt hại về chăn nuôi của người dân trong cơn lũ lớn vừa qua khá nặng nề với ước tính thiệt hại toàn thị xã hơn 46 tỷ đồng. Việc khôi phục chăn nuôi sau lũ lụt là rất cấp thiết để bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm cho nhân dân vào dịp cuối năm. Hiện UBND thị xã đang chỉ đạo các địa phương có kế hoạch triển khai phương án khôi phục, tái đàn vật nuôi, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp tục chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Lệ Hằng (Đài TT-TH Ba Đồn)

Yên Bái: Trạm Tấu bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Theo dự báo, mùa đông năm nay sẽ xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại, nhất là tại các địa phương vùng cao. Để bảo vệ đàn gia súc, huyện Trạm Tấu chỉ đạo các xã tập trung tuyên truyền phòng chống đói, rét (PCĐR) đến người chăn nuôi.

Nông dân huyện Trạm Tấu giữ ấm cho trâu, bò trong những ngày rét hại.

Tại xã Xà Hồ (tỉnh Yên Bái) - địa phương có tổng đàn gia súc lớn với khoảng 3.800 con trâu, bò và đàn dê, ngựa. Để PCĐR cho gia súc, xã tập trung chỉ đạo các thôn, bản triển khai kế hoạch, tổ chức các hội, đoàn thể, trưởng thôn, bản đến từng hộ chăn nuôi để vận động, hướng dẫn bà con sửa chữa, che chắn chuồng trại và dự trữ thức ăn.

Ông Giàng A Hồ, thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ chia sẻ: "Gia đình tôi hiện có 12 con trâu, bò. Chúng là tài sản lớn, nên việc phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc vào mùa đông luôn được gia đình tôi chú trọng. Thời điểm này, gia đình tập trung tu sửa chuồng trại, chuẩn bị bạt dứa che chắn để giữ ấm, trồng cỏ voi và ngô sinh khối cho chúng ăn trong đợt rét sắp tới”.

Huyện Trạm Tấu hiện có tổng đàn gia súc chính gần 29.000 con và trên 100.000 con gia cầm. Do nhận thức, tập quán của người dân vùng cao thường thả rông gia súc trên núi, khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông đã dẫn đến tình trạng trâu, bò bị chết đói, rét…

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với đàn gia súc do đói, rét, dịch bệnh; đồng thời, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, bước vào vụ đông xuân 2020 - 2021, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 127 về PCĐR, dịch bệnh cho gia súc.

Trong đó, yêu cầu 100% các xã, thị trấn chủ động tuyên truyền, vận động đến các hộ chăn nuôi thực hiện bắt buộc các biện pháp PCĐR, dịch bệnh cho gia súc như: về chuồng trại, huyện chỉ đạo làm mới, tu sửa chuồng nuôi nhốt gia súc đạt trên 91% số hộ chăn nuôi; 100% hộ chăn nuôi phải sử dụng bạt dứa, phên cỏ tranh hoặc vật liệu khác có sẵn để che chắn chuồng trại giữ ấm cho gia súc khi có rét đậm, rét hại và mưa tuyết, băng giá, không để đọng nước trên nền chuồng, gạt băng giá phủ trên mái chuồng nuôi và thu gom băng giá ra xa khu vực chăn nuôi để chống rét.

Thời điểm này, bà con cũng đã tăng cường các biện pháp chăm sóc, vỗ béo đàn gia súc để tăng sức đề kháng với đói rét và dịch bệnh…

Chia sẻ về công tác PCĐR trên đàn gia súc, ông Nguyễn Văn Hòe - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: "Chúng tôi đã phân công cán bộ thường xuyên đến các thôn, bản nắm bắt tình hình và chỉ đạo công tác PCĐR dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tiêm phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc theo đúng định kỳ; chủ động cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các đợt rét đậm, rét hại để thông tin kịp thời cho người dân được biết; hướng dẫn nhân dân che chắn, sửa chữa hoặc làm mới chuồng trại chăn nuôi, thực hiện nuôi nhốt trâu bò tại chuồng khi nhiệt độ xuống quá thấp; đảm bảo dự trữ đủ lượng thức ăn thô xanh, hướng dẫn cách chế biến, bảo quản thức ăn cho trâu, bò trong mùa khan hiếm thức ăn. Vận động nhân dân dự trữ rơm khô, dự trữ ngô, cám gạo, làm cháo loãng, làm thức ăn tinh bột cho gia súc bổ sung vào những ngày rét đậm, rét hại, mưa tuyết, băng giá kéo dài.

Hiện nay, Trạm Tấu vận động nhân dân chăm sóc gần 7 ha trồng ngô sinh khối. Thay vì thu hoạch để lấy hạt lúc bắp ngô đã chín hoàn toàn, cây ngô thu hoạch làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn bắp ngô chín sáp sẽ đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi...

Theo dự báo, trong những ngày tới thời tiết sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại. Do đó, ngoài việc chỉ đạo người dân chủ động nguồn thức ăn, các xã, thị trấn cần kiên quyết không để người dân thả rông gia súc và gia cố chuồng trại hợp lý tránh rét cho vật nuôi.

Quang Thiều

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop