Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 12 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 12 năm 2016

Khá lên từ mô hình trồng chanh tứ quý

 

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh chanh tứ quý

 

Với diện tích đất 2,5 sào, anh Nguyễn Văn Quý ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã trồng 220 cây chanh tứ quý không gai. Với ưu điểm phù hợp thổ nhưỡng, thời gian cho thu hoạch ngắn, ít tốn công chăm sóc đã cho gia đình anh nguồn thu nhập khá cao và hiệu quả hơn các loại cây trồng khác.

 

Vạt đất anh Nguyễn Văn Quý đang canh tác nằm ở đội 6, hợp tác xã Long Điền 1, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, có mương nước chảy qua. Trước đây anh trồng lúa mỗi năm 2 vụ nhưng hiệu quả không cao, chỉ cho thu nhập tổng cộng khoảng 10 triệu đồng. Với suy nghĩ cần thiết phải chuyển đổi cây trồng phù hợp để đạt hiệu quả hơn nên anh đã tìm hiểu nhiều mô hình khác nhau thông qua nghe đài, đọc báo hay tìm hiểu trên mạng internet.

 

Không chỉ vậy, anh còn lặn lội xuống các tỉnh miền Tây để tìm hiểu về một số loại cây có múi như cam, quýt, nhưng rồi tình cờ đi ngang qua một khu vườn trồng chanh ở Tiền Giang, anh hỏi thăm và được biết về đặc điểm cũng như hiệu quả của loại cây trồng này mang lại và đã mạnh dạn mua 220 cây chanh giống tứ quý không gai, với giá 20 ngàn đồng một cây mang về trồng.

 

Theo anh Quý, giống cây này trồng không khó, phù hợp với loại đất pha cát và nơi có nước. Khi trồng phải lên liếp, hàng cách hàng 4m, cây cách cây 3m. Đánh nồi 80 x 80cm, sâu 30 cm, mỗi gốc bón lót 3kg phân hữu cơ đã qua xử lý trộn với tro trấu, để từ 10 đến 15 ngày thì hạ cây giống xuống.

 

Khi có chồi non thì pha phân DAB tưới quanh gốc (1kg pha với 20 lít nước tưới cho khoảng 40 cây). Khi cây được khoảng 2 tháng thì tiếp tục bón phân NPK 16-16-8, khoảng 6 tháng tuổi, cây bắt đầu cho trái thì bón loại NPK 20-20-15 để tăng trưởng tốt hơn. Một đặc điểm lưu ý đó là khi thu hoạch chỉ thu từ dưới gốc lên đến khoảng hơn nửa thân cây, những trái phía trên bỏ bởi nó dễ nhiễm các loại bệnh, đồng thời dành dưỡng chất để nuôi trái khác được tốt hơn.

 

Chanh là loại cây ít chịu ánh nắng trực tiếp nên trong vườn, anh Quý trồng thêm hơn chục cây mãng cầu xiêm che bớt nắng cho chanh. Một số loại bệnh cũng được anh phòng ngừa như trị sâu vẽ bùa để giữ chồi non giai đoạn 1 tháng tuổi, tiếp theo là một số loại bệnh khác như nám trái, ghẻ trái.

 

Sau 9 tháng trồng thì cho thu hoạch, khác với chanh truyền thống, loại tứ quý này cho trái quanh năm, giúp nhà nông có thu nhập đều. Mỗi tuần, anh Quý bán cho thương lái ở Phan Thiết từ 2 - 3 lần, mỗi lần khoảng trên 1 tạ. Ngay năm đầu tiên đã cho anh nguồn thu 70 triệu đồng, đến nay đã thu năm thứ ba, cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Cùng với đó, nguồn thu từ mãng cầu xiêm cũng được hơn 10 triệu đồng/năm, tổng cộng với 2,5 sào đất và chỉ mất một công lao động thường xuyên đã giúp anh có nguồn thu nhập ổn định mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. So với cây lúa trước đây, thu nhập từ chanh cao hơn nhiều.

 

Với quỹ đất không nhiều và cũng ít người làm nên anh Nguyễn Văn Quý chưa dự định mở thêm diện tích, thay vào đó sẽ chú trọng kỹ thuật chăm sóc để vườn chanh của mình đạt hiệu quả cao hơn.

 

THÀNH CHƯƠNG

 

Long Mỹ (Hậu Giang): Bưởi da xanh giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Theo nhà vườn trồng bưởi da xanh ở thị xã Long Mỹ (Hậu Giang), do đang là mùa nghịch nên giá bưởi da xanh được thương lái mua với giá 40.000 - 45.000 đồng/kg và rất hút hàng. So với lúc chính vụ vào tháng 1-3 hàng năm thì giá bưởi thời điểm này cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg.

 

Để phát triển kinh tế gia đình, nhiều nhà vườn trên địa bàn thị xã áp dụng kỹ thuật cho trái quanh năm và sử dụng biện pháp bao trái nên đã hạn chế được tình trạng sâu đục trái làm ảnh hưởng đến năng suất. Theo thống kê, thị xã Long Mỹ hiện có khoảng 6ha bưởi da xanh đang cho trái, tập trung nhiều ở phường Vĩnh Tường, xã Long Bình và xã Long Trị A.

 

HOÀNG NHÂN

 

Cao Phong (Hòa Bình): Cam Lòng vàng cháy hàng tăng giá

 

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

 

Đến thời điểm này, cam lòng vàng hay còn gọi là cam CS1 (chín sớm) được trồng trên đất đồi giá 27.000 - 28.000 đồng/kg tại vườn. Đối với những vườn cam đất bãi 25.000 - 26.000 đồng/kg.

 

Chị Ngô Hạnh Lệ, một thương lái cam cho biết: Cam hiện nay đã chín ngọt nhất là vườn đất đồi nên khách hàng rất chuộng. Với những vườn cam ngọt thương lái rất khó mua. Nhiều chủ vườn đóng cửa không bán chờ đến tết giá lên cao hơn như mọi năm. Vườn nào chủ vườn bán thì thương lái tranh nhau mua. Có hôm tôi đi cả ngày cũng không tìm được vườn nào mua.

 

 

Nhiều chủ vườn cam Lòng vàng bán dè dặt chờ tăng giá dịp cuối năm

 

Từ đầu vụ cam lòng vàng tại vườn giá 23.000 đồng/kg, sau đó lên 24.000 - 25.000 đồng/kg.

 

Việt Lâm

 

Ổi Mỹ Hiệp, chanh Cao Lãnh vào siêu thị

 

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

 

Qua thời gian gặp gỡ, thảo luận và lấy mẫu sản phẩm ổi của Tổ hợp tác (THT) ổi Minh Thọ, xã Mỹ Hiệp và sản phẩm chanh Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh (Đồng Tháp), đầu tháng 12 này, Công ty đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VINECO thuộc Tập đoàn Vingroup đã chính thức đưa 2 sản phẩm này vào hệ thống siêu thị của Tập đoàn trên cả nước.

 

 

Kiểm tra chất lượng ổi trước khi tiêu thụ

 

Kỹ sư Nguyễn Công Sơn - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh cho biết: “Trước mắt, Công ty đã ký hợp đồng nguyên tắc với HTX và THT 1 năm và sau đó sẽ ký hợp đồng phụ kiện từng tháng hoặc từng quý để điều chỉnh giá cũng như sản lượng thu mua. Riêng trong tháng 12/2016 này, công ty sẽ mua ổi, chanh với giá cố định là 13.000 đồng/kg, số lượng hàng tuần ổi là 3 tấn, chanh 1,5 tấn (chanh 25 trái/kg, ổi 4 trái/kg), chanh phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, ổi phải sản xuất theo hướng an toàn”.

 

Bước đầu có 6 hộ trồng chanh và 5 hộ trồng ổi tham gia. Đây được xem là tiền đề để ngành nông nghiệp huyện tiếp tục nhân rộng ra các hộ còn lại. Theo ông Nguyễn Văn Minh - Tổ trưởng THT ổi Minh Thọ, để đảm bảo đúng, đủ điều kiện sản phẩm đáp ứng cho Tập đoàn thì nhà vườn phải thay đổi ngay quy trình sản xuất so với kiểu truyền thống nhằm đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Để có đủ số lượng, chất lượng sản phẩm đảm bảo đúng tiêu chuẩn cho công ty, ngành nông nghiệp huyện đề nghị các nhà vườn cố gắng duy trì diện tích đã đạt chuẩn VietGAP và sản xuất theo hướng an toàn; cần lưu ý một số khâu quan trọng như: ghi chép nhật ký cụ thể, rõ ràng, trung thực; tăng cường bón phân hữu cơ thay thế cho phân vô cơ; hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phải bảo đảm cách ly đúng quy định.

 

Ông Phạm Minh Cường - Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh cho biết: “Hiện tại, xã viên rất phấn khởi, thống nhất sản xuất đúng quy trình. Bộ phận quản trị HTX sẽ trực tiếp và sâu sát hơn từng hộ có ký cam kết với tập đoàn, cùng với bà con sản xuất, có góp ý để hoàn chỉnh, sắp xếp lịch để thu hoạch sản phẩm luân phiên, đáp ứng nhu cầu bên đối tác, đảm bảo uy tín, không chỉ giữ vững nhãn hiệu chanh Cao Lãnh mà còn nâng tầm nhãn hiệu lên thương hiệu”.

 

Thành Sơn

 

Yên Bái: Đột phá chuyển dịch cơ cấu giống cây ăn quả có múi ở Văn Chấn

 

Nguồn tin: Báo Yên Bái

 

Đa dạng chủng loại cam quýt, mẫu mã đẹp, chất lượng cao và thời gian thu hoạch kéo dài, đó là bước đột phá trong sản xuất cây ăn quả có múi ở Văn Chấn (Yên Bái).

 

 

Vườn quýt Thái của gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, thôn Khe Chì, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn.

 

Áp dụng cơ cấu giống cây trồng chất lượng, người nông dân đã thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng dải vụ và xây dựng thành công nhãn hiệu cam Văn Chấn.

 

Vốn có nhiều kinh nghiệm phát triển cam quýt, những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, thôn Khe Chì, xã Nghĩa Tâm sở hữu trên 1 ha cam sành và quýt sen. Tuy nhiên, sau “đại dịch” gân xanh, lá vàng, vườn cam của gia đình ông cùng nhiều bà con trong xã dần bị xóa xổ.

 

Không nản chí, ông Lâm đã mày mò tìm cách khôi phục lại vườn cam. Sau khi thử nghiệm trồng nhiều loại cam, ông nhận thấy giống quýt Thái vừa có chất lượng cao, lại dễ trồng, chăm sóc hơn các giống cam, quýt đã trồng.

 

Bên cạnh đó, giống quýt Thái có thể điều chỉnh để cây cho thu hoạch kéo dài mà không ảnh hưởng đến chất lượng quả. Năm 2011, ông bắt đầu trồng đại trà, đến nay, sau hơn 5 năm trồng, chăm sóc vườn quýt Thái của gia đình ông đã có trên 200 gốc, trong đó, trên 100 cây đã thu hoạch trung bình trên 80 kg/gốc, với giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với các loại cam, quýt của địa phương.

 

Ông Lâm cho biết: “Thực tế hiện nay có rất nhiều giống cam, quýt có chất lượng. Tuy nhiên, qua việc trồng giống quýt Thái, tôi nhận thấy giống này phát triển nhanh, dễ nhân giống. Giống quýt Thái cũng ít sâu bệnh và phù hợp với nhiều loại đất. Tuy mẫu mã chưa đẹp, nhưng quả ngọt đậm và rất thơm”.

 

Khác với gia đình ông Lâm, gia đình ông Phạm Xuân Nam, thôn An Bình, xã Minh An lại chọn hướng đa dạng giống cây ăn quả có múi. Với diện tích trên 2 ha, gia đình anh đã trồng 5 giống cam, chủ yếu là cam Đường canh, cam Vinh, cam sành, cam sen và cam V2.

 

Việc đa dạng hóa giống cam, quýt đã đã giúp gia đình anh có điều kiện để kéo giãn thời gian chăm sóc, thu hoạch. Mỗi loại cam, quýt có những đặc tính sinh trưởng riêng, vì vậy gia đình ông có đủ các loại cam chín sớm, chín chính vụ và chín muộn. Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình sinh trưởng và phát triển đồng đều của các giống cam, ông Lâm cũng đã học hỏi và điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp với từng giống cam, quýt.

 

Ông Nam cho hay: “Xuất phát từ nhu cầu thị trường cũng như khả năng sinh trưởng, phát triển của các giống cam, nên gia đình chọn hướng đa dạng chủng loại. Dù mất nhiều công chăm sóc nhưng không lo mất mùa và lại trồng theo hướng dải vụ nên thời gian thu hoạch kéo dài, được giá và đỡ phải thuê nhân công thu hoạch”.

 

Là một trong những cây trồng chủ lực có giá trị cao, cam, quýt được trồng chủ yếu ở 9 xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn. Trước đây, nhân dân trồng chủ yếu loại cam sành và quýt sen, nhưng quá trình nhân giống, chăm sóc nhiều năm đã làm nhiều vườn cam bị nhiễm bệnh, thoái hóa. Với mục tiêu khôi phục và mở rộng vùng cam, từng bước xây dựng thương hiệu cam Văn Chấn, huyện đã có nhiều giải pháp giúp nhân dân tìm tòi khôi phục các vườn cam.

 

Cùng với việc khảo nghiệm, quy hoạch đất đai, huyện đã đưa vào thử nghiệm nhiều giống cam mới có chất lượng cao như cam Đường canh, cam V2, cam Caracara, cam Valenxia... Việc xây dựng các mô hình trồng cam giống mới đã từng bước giúp nhân dân năm bắt quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nâng cao chất lượng các sản phẩm cam, quýt.

 

Đến nay, toàn huyện có trên 1.300 ha cam, quýt các loại với hàng chục giống cam, trong đó, các giống cam sành, cam Đường canh, cam Vinh, cam V2, quýt sen là những giống cam chủ lực. Việc đa dạng hóa giống cam đã nâng sản lượng hàng năm lên trên 7.000 tấn và kéo dài thời vụ thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau.

 

Ông Triệu Đức Quý - Chủ tịch UBND xã Minh An cho biết: “Thực hiện chủ trương của huyện về nâng cao chất lượng và mở rộng diện tích cam, quýt theo hướng hàng hóa, xã Minh An đã quy hoạch diện tích và vận động nhân dân trồng mới, trồng cải tạo. Với sự giúp đỡ của huyện, đến nay, nhân dân trong xã đã trồng được trên 200 ha, trong đó, trên 60% diện tích bằng các giống cam chất lượng cao. Việc đa dạng hóa giống cam, quýt đã giúp ổn định định giá thành sản phẩm cam quýt, nâng cao thu nhập người trồng cam”.

 

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng là một trong hướng đi quan trọng trong phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển cây ăn quả có múi nói riêng. Những năm qua, thực hiện mục tiêu này, nông dân Văn Chấn đã góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống cây ăn quả có múi, tạo ra các vùng chuyên canh cam, quýt có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Với những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng vùng cam, quýt và xúc tiến, quảng bá thị trường, vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam Văn Chấn. Đây là tiền đề để người trồng cam ở Văn Chấn tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, quy trình sản xuất mới để nâng cao hơn nữa chất lượng, vị thế các sản phẩm cây ăn quả có múi trên thị trường.

 

Trần Văn - Minh Chiến

 

Giống khoai mì mới giúp nông dân tăng lợi nhuận

 

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông

 

Trồng khoai mì giống mới HL-S10, HL-S11 xen canh đậu xanh đạt mức lợi nhuận 20 triệu đồng/ha. Mô hình này đang được Viện khoa học nông nghiệp miền Nam khuyến cáo đưa vào sản xuất đại trà.

 

 

Sau những thí nghiệm lai hữu tính, cặp con lai HL-S10, HL-S11 đã được Hội đồng khoa học ngành trồng trọt đánh giá cao với năng suất trên dưới 40 tấn/ha. Hai giống khoai mì nói trên là sản phẩm nghiên cứu lai tạo của Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (Viện khoa học nông nghiệp miền Nam).

 

Giống khoai mì HL-S10 là con của cặp lai hữu tính KM146 x KM140 theo phương thức thụ phấn có kiểm soát. Với 3.000 hạt khoai mì lai được gieo trồng chọn ra 250 dòng F1. Tiếp theo, với 250 cây giống khoai mì lai được khảo sát đơn luống và tuyển chọn sơ bộ tìm ra 25 dòng tốt nhất để thu hoạch thân cây làm giống khảo nghiệm. Mỗi giống trồng 40 cây/40 m2 với 3 - 4 lần nhắc lại, chăm sóc theo quy trình "chuẩn" và tiến hành khảo sát tất cả các đặc tính sinh lý, sinh thái. Mười tháng sau trồng, thu hoạch củ và thực hiện tuyển chọn giống có đặc tính ưu tú theo mục tiêu đã định.

 

Các khảo nghiệm sinh thái trên các vùng đất, thời vụ cho thấy, giống khoai mì HL-S10 có đặc điểm: cây nhặt mắt, thân xanh, sinh trưởng mạnh, lá xanh phủ đất sớm, cao vừa phải. Ít nhiễm sâu bệnh, thích nghi nhiều vùng sinh thái. Thời gian thu hoạch thích hợp 7 - 10 tháng sau trồng, tương ứng năng suất củ tươi 35 - 40 tấn/ha. Số lượng củ nhiều, đồng đều, thuôn láng, thịt trắng. Hàm lượng tinh bột trung bình 27% (26,1 - 28,4%); tỷ lệ chất khô 40,2%. Về khả năng lưu truyền giống cần lưu ý, thân cây HL-S10 xốp, thời gian bảo quản giống tối đa 30 ngày sau thu hoạch.

 

Giống khoai mì HL-S11 có đặc điểm cơ bản sau: cây sinh trưởng mạnh, nhặt mắt, thân nâu nhạt cao thẳng, lá xanh, tuổi thọ lá cao, phủ đất sớm. HL-S11 ít nhiễm sâu bệnh, đặc biệt có khả năng kháng cao với bệnh chổi rồng.

 

Thời gian thu hoạch thích hợp 11 - 12 tháng sau trồng. Số lượng củ nhiều, 6 - 8 củ, đồng đều, thuôn láng, vỏ màu nâu nhạt, thịt trắng, hàm lượng HCN là 215,9 mg/kg vật chất khô, năng suất củ tươi đạt 35 - 40 tấn/ha, hàm lượng tinh bột trung bình 30% (29 - 31%); tỷ lệ chất khô 43,2%. Giống khoai mì HL-S11 thân chắc nên có thể bảo quản cây 2 - 3 tháng sau thu hoạch.

 

Theo khuyến cáo của Viện khoa học nông nghiệp miền Nam, áp dụng công thức xen canh khoai mì giống mới HL-S10 hay HL-S11 xen canh đậu xanh sẽ cho lợi nhuận 20 triệu đồng/ha chắc chắn; so với mô hình cũ của nông dân chỉ đạt 8 - 10 triệu đồng/ha không chắc chắn.

 

Mô hình trồng giống khoai mì mới bao gồm sự kết hợp các yếu tố giống mới, mật độ trồng hợp lý, bón phân cân đối, trồng xen cây họ đậu và quản lý sâu bệnh hại. Đậu xanh hoặc đậu phộng có khả năng che phủ đất tốt trong thời gian 3 tháng khi cây khoai mì sau trồng giúp hạn chế cỏ dại và duy trì độ ẩm cho khoai mì phát triển. Trồng xen đậu giảm được công lao động làm cỏ. Năng suất khoai mì đạt khoảng 40 tấn/ha với giá bán hiện tại 1.000 đ/kg, thu được 38 - 40 triệu đồng/ha. Khối lượng hạt đậu trồng xen thu hoạch được vào khoảng 0,4 - 0,5 tấn/ha, tương đương 8 - 10 triệu đồng. Tổng thu nhập khoai mì xen đậu đạt khoảng 48 - 50 triệu đồng/ha. Sau trừ chi phí khoảng 28 triệu đồng/ha, lãi khoảng 18 - 20 triệu đồng, so với mô hình cũ của nông dân chỉ là 8 - 10 triệu đồng.

 

MINH TUẤN

 

Hiệu quả từ trồng màu xen mía

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang các thương lái thu mua các loại rẫy dây với giá khá cao. Hiện bầu được thu mua với giá 80.000 đồng/chục (10 trái), dưa leo giá 6.000 đồng/kg, khổ qua giá 10.000 đồng/kg, mướp giá 3.000 đồng/kg.

 

 

Nông dân trồng khổ qua xen mía cho thu nhập cao.

 

Hiện nay, huyện Phụng Hiệp có 224ha rẫy dây các loại. Trong đó, khoảng 40% được trồng xen với mía và đang thu hoạch, cho lợi nhuận khá cao. Chẳng hạn như khổ qua trồng xen đầu bờ mía năng suất cả vụ đạt từ 1,7-2 tấn/công. Với giá bán hiện nay, người trồng khổ qua đạt lợi nhuận 10 triệu đồng/công.

 

DUY KHÁNH

 

Nông dân TP. Cà Mau thu lợi từ trồng nấm tại nhà

 

Nguồn tin: Báo Ảnh Đất Mũi

 

Sau thời gian “vỡ mộng” với nấm linh chi, gần đây nông dân TP.Cà Mau cân nhắc, thử nghiệm trồng nấm bào ngư. Với đặc tính dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao và diện tích rộng, chỉ cần bỏ ít công chăm sóc đúng kỹ thuật, sẽ mang về lợi nhuận ổn định.

 

 

Nấm bào ngư có vị ngọt, dai, có thể chế biến cả món chay lẫn món mặn...

 

Sau khi thu hoạch lứa đầu tiên thành công, ông Nguyễn Minh Thống (Phường 6) quyết định cất thêm trại, mở rộng sản xuất từ 3.000 phôi lên 6.000 phôi. Ông Thống cho biết, việc cất trại cũng không đòi hỏi nhiều vốn, mái lợp lá, nền đất, xung quanh bao phủ lưới để tạo ánh sáng và độ ẩm thích nghi. Nhiệt độ lý tưởng cho một trại nấm là 25 - 280C và độ ẩm 75 - 85%. Muốn cho phôi tăng trưởng tốt, cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp, bảo đảm môi trường không bị nhiễm bệnh.

 

 

Thu hoạch nấm rất đơn giản, nhẹ nhàng, lại thu lợi nhuận khá cao.

 

 

Chọn lựa những cây nấm đẹp, đóng gói giao cho các nhà hàng, quán ăn.

 

Trồng nấm bào ngư có hai cách chủ yếu là chất phôi lên kệ và treo bằng dây, sao cho phôi không bị ngã đổ và ít chiếm diện tích. Khoảng hơn 40 ngày sau, khi tơ chạy trắng bịch phôi thì sẽ giật nút chai, bắt đầu tưới nước cho đến khi thu hoạch dứt điểm. Thời gian phôi cho nấm kéo dài khoảng 5 tháng mới tàn. Bình quân mỗi bịch phôi có thể cho từ 400 - 600g. “Ai cũng có thể trồng nấm bào ngư, chỉ cần nắm vững quy trình kỹ thuật, các yếu tố liên quan đến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, môi trường”, anh Đỗ Minh Phường, người tiên phong trồng nấm ở TP. Cà Mau, chia sẻ.

 

Trên thị trường hiện nay, nấm bào ngư có lượng tiêu thụ khá mạnh và giá cả cũng ổn định, dao động từ 35 - 40 ngàn đồng/kg. Đây là loại thực phẩm sạch, vì trong quá trình sản xuất, người trồng không sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để mở rộng quy mô sản xuất, nông dân thành phố được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho năng suất cao, hướng đến thành lập tổ hợp tác sản xuất, để bảo đảm tiêu thụ ổn định.

 

Những nông dân thành thị tỏ ra thích thú với việc trồng nấm bào ngư, bởi có thể trồng ngay trong nhà, ngoài mái hiên hay sau vườn đều được. Theo tính toán, bình quân 1.000 bịch phôi, sau 5 tháng thu lãi được hơn 7 triệu đồng. Có người ban đầu chỉ nghĩ trồng để giải trí, lúc rảnh rỗi có gì đó làm cho vui, không ngờ có thêm thu nhập. Nhiều người còn sáng kiến tận dụng xác phôi sau khi thu hoạch làm phân để trồng cải mầm, bón rau cải, cây ăn trái rất tốt, vừa giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường.

 

Nấm bào ngư có vị ngọt, dai, được tiêu thụ mạnh tại các quán ăn, nhà hàng, có thể chế biến cả món chay lẫn món mặn... Nấm bào ngư là loại thức ăn ngon, là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khá cao, cung cấp một lượng đáng kể chất đạm, đường bột, nhiều vitamin và khoáng chất, đồng thời là dược liệu quý giá trong việc duy trì, bảo vệ sức khỏe, phòng chống nhiều bệnh, kể cả ung thư, ung bướu và cũng là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị.

 

LÊ QUYÊN

 

Rau không rõ nguồn gốc đang đẩy lùi... rau an toàn

 

Nguồn tin: VOV

 

Nghịch lý rau an toàn đang gặp khó khăn trong tiêu thụ, thậm chí không cạnh tranh được với các loại rau không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

Hiện nay, nhu cầu về rau an toàn của người tiêu dùng là rất cao, thế nhưng trên thị trường đang xảy ra một nghịch lý đó là rau an toàn lại gặp khó khăn trong tiêu thụ. Thậm chí không cạnh tranh được với các loại rau không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây cũng là một trong những nút thắt khiến cho các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sản xuất rau an toàn chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

 

Là một trong số ít doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh, hiện trung bình mỗi ngày Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Long đang sản xuất từ 1 - 1,2 tấn rau an toàn để cung cấp rau ra thị trường.

 

 

Rau an toàn không cạnh tranh được với rau ngoài chợ.

 

Ngoài diện tích rau của bà con trong vùng dự án rau an toàn tại xã Cộng Hòa doanh nghiệp này còn có dự định mở rộng sản xuất diện tích thu mua rau cho bà con nông dân thị xã Quảng Yên nhưng rất khó thực hiện do gặp vướng mắc trong khâu tiêu thụ.

 

Hiện Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Việt Long chưa tiếp cận được nhiều bếp ăn công nghiệp mà chủ yếu dựa vào kênh phân phối thông qua các điểm, đại lý trên địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Tuy nhiên quy mô của mấy kênh phân phối này cũng phải thu hẹp dần do doanh thu từ các điểm thấp, từ 10 điểm bán rau an toàn năm 2013 đến nay công ty chỉ duy trì được 6 đại lý trên địa bàn thành phố Hạ Long.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết, người bán hàng điểm rau an toàn thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, lượng khách mua không đông so với bên ngoài. Nếu điểm bán được 40 kg thì bên bên ngoài họ sẽ bán được hơn gấp nhiều lần.

 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 12 cơ sở sản xuất rau an toàn nhưng hầu hết đang rất khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bên cạnh nguyên nhân do người dân có thói quen mua ở các chợ truyền thống thì việc giá cả của rau an toàn cao hơn so với rau thông thường cũng khiến cho mặt hàng này trở nên khó tiêu thụ, điểm bán rau an toàn lại quá ít ỏi.

 

Chị Trần Thị Trâm Ly, tổ 16 khu 5 phường Hồng Hải thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Nếu điểm bán thuận tiện sẽ thu hút nhiều người mua, vì bình thường mọi người không có nhiều thời gian tới các điểm bán rau an toàn. Trong khi các điểm bán rau an toàn lại bán rau đắt hơn nhiều so với ngoài chợ”.

 

Một thực tế nữa là hiện nay vẫn có một số cơ sở vi phạm trong khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau khiến còn nhiều người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng rau an toàn.

 

Ông Lương Văn Tiến cán bộ HTX sản xuất rau an toàn Tiền An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Rau trồng ra không bán được, thậm chí có những năm củ to quá người trồng phải chặt bỏ để canh tác thứ khác. Người dân trồng rau theo quy trình sản xuất an toàn lại vất vả hơn, nhưng giá bán chỉ bằng giá của rau thường. Các cơ quan chức năng cần có cơ chế thu mua để rau trồng ra tiêu thụ được hết, giá cả hợp lý”.

 

Những khó khăn trong khâu tiêu thụ đã khiến cho các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất rau an toàn chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Theo bà Nguyễn Thị Hoàn, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Song Hành, mặc dù tỉnh Quảng Ninh cũng đã có cơ chế hỗ trợ việc sản xuất tiêu thụ rau an toàn nhưng triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc.

 

“Vấn đề chính sách hỗ trợ đang bị bó buộc. Ở tỉnh có chính sách hỗ trợ đến đầu năm 2016 mới mở cho doanh nghiệp được tiếp cận. Chính sách hỗ trợ các nhà sơ chế lại không hỗ trợ về sản xuất rau an toàn khiến doanh nghiệp không tiếp cận được”, bà Hoàn cho biết.

 

Để rau an toàn phát triển bền vững, ổn định đầu ra, tỉnh Quảng Ninh cần có cơ chế, chính sách thiết thực khuyến khích các HTX, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời cần sớm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết được những lợi ích của rau sạch. Như vậy cả HTX, doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng mới có thể yên tâm bán và sử dụng rau an toàn./.

 

Nguyễn Phương/VOV-Đông Bắc

 

Hiệu quả sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho cây sắn

 

Nguồn tin: Báo Yên Bái

 

Nhiều năm nay, cây sắn đã và đang đóng góp một phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nhất là góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Không ít hộ dân vùng nguyên liệu sắn không những thoát nghèo mà còn trở nên khá giả, giàu có nhờ cây sắn. Để cây sắn tiếp tục giữ vững vị trí trong đời sống của các nông hộ, có một vấn đề đang được quan tâm là việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho cây sắn trên đất dốc.

 

 

Bắt đầu từ năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên phối hợp với Nhà máy Sắn Văn Yên thực hiện mô hình làm phân hữu cơ từ vỏ sắn với chế phẩm men vi sinh EMIC.

 

Anh Đoàn Ngọc Cường - cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên chia sẻ: “Lâu nay, nhiều người vẫn cứ “lên án” cây sắn là một loại cây “bóc màu”. Thật ra với những người làm chuyên môn như chúng tôi thì cho rằng, nếu như cây sắn được quan tâm chăm sóc như cây lúa, chắc chắn đó không phải là sự thật.

 

Vấn đề hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng đơn giản lại vẫn chính là con người mà thôi”. Vài năm trở lại đây, sau một quá trình dài canh tác, cây sắn - loại cây dường như rất “dễ tính” đã đặt ra không ít “chướng ngại vật” đối với người nông dân.

 

Cụ thể là vấn đề đất trồng sắn bị bạc màu, rửa trôi mạnh; năng suất, chất lượng (hàm lượng tinh bột) ngày càng giảm; sâu, bệnh xuất hiện nhiều hơn; chi phí đầu tư cho phân bón, chăm sóc, công lao động trên một đơn vị diện tích ngày càng tăng cao dẫn đến thu nhập giảm. Chính vì vậy, nhiều diện tích sau khi thu hoạch của người trồng sắn không có lãi, thậm chí không đủ cho chi phí chăm sóc. Tất yếu của việc này là đã có các hộ dân chuyển sang trồng cây lâm nghiệp ngay trên diện tích vùng quy hoạch nguyên liệu sắn, thu hẹp dần vùng nguyên liệu của Nhà máy Sắn Văn Yên. Như thế, “chướng ngại vật” của cây sắn không chỉ dừng ở riêng từng nông hộ trồng sắn mà đã kéo theo nỗi lo chẳng hề nhỏ của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn.

 

Nguyên nhân của tình trạng thu nhập từ cây sắn bị giảm thấp đã được xác định rõ ràng, cụ thể là ngoài yếu tố người trồng sắn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kỹ thuật các biện pháp canh tác trên đất dốc để ngăn xói mòn, rửa trôi cho đất còn có cả việc bón phân cho sắn cũng chưa đúng kỹ thuật.

 

Quá trình sử dụng phân bón hóa học nhiều năm liên tục đã khiến cho đất bị bạc màu, chai cứng, thoái hóa trong khi việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho cây sắn để góp phần bồi bổ, trả lại độ màu mỡ, dinh dưỡng cho đất sau khi thu hoạch sắn thì có rất ít hộ chú trọng thực hiện.

 

 

Xe chở phân hữu cơ vi sinh từ Nhà máy Sắn Văn Yên đến tận đồi sắn cho các hộ dân ở thôn 10, xã Mậu Đông.

 

Có thể vấn đề sử dụng phân hữu cơ vi sinh dường như xa xôi với người trồng sắn vùng nguyên liệu nếu như không bắt đầu từ những đầu ken, vỏ sắn, rễ sắn... bỏ đi của Nhà máy Sắn Văn Yên mà thường vẫn gọi là sản phẩm phụ. Hàng năm, Nhà máy Sắn Văn Yên trong quá trình chế biến tinh bột sắn có một lượng sản phẩm phụ khá lớn chưa được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Thực tế người dân sinh sống gần khu vực Nhà máy cho hay, trước đây, sản phẩm phụ từ chế biến sắn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường do không được xử lý triệt để. Các hộ sản xuất nông nghiệp quanh đây cũng thường xin vỏ sắn tươi của doanh nghiệp về bón cho cỏ voi, trồng các loại cây vì thấy có hiệu quả.

 

Mặt khác, nhiều năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên cũng đã thử nghiệm và nhân rộng thành công mô hình sản xuất, sử dụng phân hữu cơ vi sinh được ủ từ chế phẩm men vi sinh EMIC với các phụ phẩm ngành nông nghiệp như rơm, rạ. Quan trọng nhất chính là việc ra đời ý tưởng sử dụng chế phẩm men vi sinh EMIC ủ với đầu ken, vỏ sắn, bã sắn. Nói quan trọng nhất, bởi đó là sự kết hợp hiệu quả để giải quyết và giải quyết được cùng một lúc nhiều vấn đề đặt ra tại thời điểm này: tận dụng triệt để và có ích các sản phẩm phụ, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là có một loại phân hữu cơ vô cùng có lợi cho người trồng sắn vùng nguyên liệu.

 

Một yếu tố nữa cũng đem lại sự quan tâm lớn khi chi phí sản xuất phân hữu cơ vi sinh này rất rẻ bởi sản phẩm phụ thì không mất tiền mua, men vi sinh EMIC giá thành không cao. Việc ủ phân tiến hành tại Nhà máy Sắn Văn Yên do công nhân thực hiện dưới sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện. Bắt đầu từ tháng 12 năm 2015, loại phân này đã được đưa vào thử nghiệm trên 60 ha của 180 hộ trồng sắn ở 4 xã: Mậu Đông, Đông Cuông, Quang Minh, An Bình. Đến nay, kết quả sơ bộ cho thấy rất khả quan.

 

Niên vụ 2015 - 2016, Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên đã tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh cây sắn, kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ vi sinh ủ từ sản phẩm phụ của Nhà máy Sắn Văn Yên với chế phẩm men EMIC bón cho cây sắn trên đất dốc. Trạm và Nhà máy cũng đã phối hợp với đội xe vận chuyển nguyên liệu cho doanh nghiệp khi quay đầu sẽ vận chuyển phân từ bãi ủ trong Nhà máy đến chân nương sắn cho các hộ dân.

 

Xã Mậu Đông và Đông Cuông đều thực hiện thử nghiệm ở 20 ha, xã Quang Minh và An Bình cùng thử nghiệm ở diện tích 10 ha. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan nên mặc dù quy mô khá lớn, triển khai ở 4 xã, diện tích 60 ha, hơn 420 tấn phân ủ, có 180 hộ tham gia nhưng việc thực hiện vẫn rất thuận lợi. Trạm cử cán bộ bám cơ sở, chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân tham gia mô hình chăm sóc, theo dõi, đo đếm số liệu theo từng giai đoạn phát triển của cây sắn.

 

Qua số liệu theo dõi với cùng giống sắn KM94 trồng trên đất dốc đã qua nhiều vụ cho thấy, sắn của mô hình được bón phân hữu cơ vi sinh so với sắn ở mô hình đối chứng làm theo cách thông thường của các hộ dân có các chỉ số về chiều cao cây, đường kính gốc, độ cao phân cành trung bình đều cao hơn từ 10% đến 20%, mắt dày hơn, số củ trên khóm nhiều hơn. Tuy chưa đánh giá được một cách chính xác về năng suất cũng như hàm lượng tinh bột do chưa đến thời điểm thu hoạch, nhưng từ thực tế sinh trưởng và phát triển của cây sắn, dự kiến năng suất mô hình cao hơn đối chứng khoảng 16,7%.

 

 

Cây sắn trên đất dốc được bón bằng phân hữu cơ vi sinh cho số củ nhiều, to hơn.

 

Ngoài ra, với việc giảm được 40% chi phí đầu tư phân bón hóa học, còn phân hữu cơ vi sinh được Nhà máy Sắn Văn Yên hỗ trợ toàn bộ thì chắc chắn hiệu quả kinh tế thu về sẽ cao hơn. Đặc biệt, đất tại những diện tích sắn được bón phân hữu cơ vi sinh tơi xốp hơn, độ ẩm cao hơn, tỷ lệ mùn cao hơn nên tiềm năng năng suất trong những năm tiếp theo cũng sẽ được giữ vững và nâng cao.

 

Năm 2016, được sự nhất trí của UBND huyện Văn Yên, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Lâm nông sản Thực phẩm Yên Bái, trực tiếp là Nhà máy Sắn Văn Yên thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của Nhà máy Sắn với chế phẩm men vi sinh EMIC bón cho cây sắn trên đất dốc”. Đến ngày 18/11/2016, người dân xã Mậu Đông, Đông Cuông, Quang Minh, An Bình đã đăng ký bón phân hữu cơ vi sinh cho cây sắn với diện tích 450 ha. Đây thực sự là một tín hiệu vui cho người trồng sắn, cho vùng nguyên liệu sắn, cho doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt, cây sắn sẽ dần “hết tiếng” là cây “bóc màu”.

 

Nguyễn Thơm

 

Triển vọng cây gấc

 

Nguồn tin: Báo An Giang

 

Khi trồng thử nghiệm tại khu vực núi Tô (Tri Tôn) và núi Cấm (Tịnh Biên), cây gấc cho năng suất từ 6,76 - 8,1 tấn/héc-ta, làm lượng dinh dưỡng đạt cao, mở ra triển vọng mới về thay đổi cơ cấu cây trồng vùng Bảy Núi - An Giang. Nếu thực hiện tốt mô hình nông lâm kết hợp (trồng cây gấc trong tán rừng), loại cây trồng mới này có thể giúp người dân thêm yêu quý và giữ rừng tốt hơn.

 

“Trồng chơi cũng có tiền bỏ túi”

 

Ông Chau Soc Khone, nông dân người Khmer ở xã Núi Tô (Tri Tôn), đã nói như thế về gấc, một loại cây trồng còn khá xa lạ đối với những hộ được giao khoáng rừng ở núi Tô. Ông Chau Soc Khone cho biết, để có thể sống lâu dài với rừng, trước đây, ông cũng như nhiều nông dân khác kết hợp trồng cây điều, trồng xoài hoặc một số loại dây leo như bầu, bí, mướp… “Tuy nhiên, do đất có phần bạc màu, lại thiếu nước tưới nên các loại cây ăn quả, rau màu đạt năng suất thấp, giá cả cũng rất bấp bênh” - ông Khone bộc bạch.

 

 

Giàn gấc phát triển tốt

 

Một lần đi rừng bên núi Cấm, thấy có hộ dân trồng gấc phát triển khá tốt, trái xum xuê, ông Chau Soc Khone tìm hiểu rồi đem giống về trồng thử nghiệm trên 1 héc-ta rừng trong tổng diện tích 3 héc-ta rừng được giao khoán và rừng trồng ở núi Tô. Ông Khone làm giàn ngay dưới những khoảng trống của tán rừng để cây gấc bám vào. Sau khoảng 2 tháng sau khi gieo hom, gấc bắt đầu ra hoa, kết trái. Ông Khone lựa những trái chín mang ra chợ bán được từ 8.000 - 10.000 đồng/kg gấc tươi. Bình quân mỗi ngày, gia đình ông thu hoạch hơn chục ký, mang về nguồn thu nhập khá, giúp gia đình trang trải được nhiều khoản chi tiêu cần thiết. “Sắp tới, tôi sẽ nghiên cứu, học hỏi thêm kỹ thuật trồng gấc sao cho đạt năng suất cao, phòng trừ sâu bệnh tốt hơn. Nếu đạt hiệu quả, tôi sẽ mở rộng diện tích lên 3 héc-ta” - ông Chau Soc Khone nhấn mạnh.

 

Ngoài một vài hộ trồng tự phát như ông Chau Soc Khone, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cũng đã phối hợp với các nhà nghiên cứu của Trường đại học Cần Thơ (ĐHCT) tiến hành trồng thử nghiệm cây gấc ở xã Núi Tô (Tri Tôn) và An Hảo (Tịnh Biên). Kết quả cho thấy, dòng gấc OMC trồng thử nghiệm tại xã Núi Tô đạt năng suất trung bình 6,76 tấn/héc-ta, còn xã An Hảo là 8,1 tấn/héc-ta. Qua phân tích, gấc trồng trên đất bạc màu vùng núi tỉnh An Giang có hàm lượng Beta-carotene đạt 1.130 µg/g, còn hàm lượng Lycopene đạt 5.830 µg/g. Những hàm lượng dược chất này đạt rất cao so với cùng dòng gấc trồng trên đất phù sa.

 

Hợp tác nhân rộng

 

Theo PGS.TS. Lê Thanh Phong và các cộng sự ở Trường ĐHCT, gấc là loại trái cây rất giàu chất carotenoids, gồm các hợp chất chống oxy hóa, như: Lycopene (hàm lượng gấp 5 lần trái cà chua) và Beta-carotene (gấp 8 lần cà rốt). Các hợp chất carotenoids được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm và dược liệu, tạo ra những sản phẩm giúp làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, hạn chế bệnh thiếu Vitamin A gây giảm thị lực ở trẻ em. “Ở Việt Nam, gấc được trồng với quy mô hộ gia đình, được sử dụng phổ biến để nấu xôi gấc và tạo màu tự nhiên cho thực phẩm. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, cây gấc có thể phát triển tốt trên nhiều loại đất khác nhau như phù sa, đất phèn và đất bạc màu. Trong đó, đất ở vùng Bảy Núi - An Giang tỏ ra phù hợp với cây gấc” - ông Phong thông tin.

 

Hiện nay, người dân vùng Bảy Núi đã biết khai thác đất đồi dốc và khu vực ven triền núi trồng nhiều loại cây thích hợp mùa mưa, góp phần tăng thu nhập cho các hộ giữ rừng và có đất trên núi. Tuy nhiên, các mô hình nông lâm kết hợp này chưa được định hướng hoàn chỉnh, một số loại cây trồng chưa thật sự thích nghi với điều kiện đất đai nên hiệu quả chưa bền vững. PGS.TS. Lê Thanh Phong cho rằng, tỉnh An Giang cần có quy hoạch, bố trí lại cơ cấu các kiểu sử dụng đất ở vùng Bảy Núi sao cho phù hợp nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp một cách tích cực. Trong đó, có thể phối hợp Trường ĐHCT, các doanh nghiệp triển khai xây dựng vùng nguyên liệu gấc phục vụ chế biến xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu các sản phẩm giá trị gia tăng từ gấc, xây dựng được thương hiệu gấc An Giang với chất lượng sản phẩm tốt hơn các vùng trồng khác. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là nông dân Khmer vùng Bảy Núi để họ yên tâm bám rừng.

 

NGÔ CHUẨN

 

“Đốn đau”, phương pháp tốt để phục hồi vườn cà phê già cỗi

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

 

Cà phê là một trong 3 cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh Quảng Trị với gần 4.700 ha, trồng tập trung tại huyện Hướng Hóa với giống chủ lực là cà phê chè Catimor. Sản lượng cà phê nhân năm 2015 đạt hơn 5.800 tấn, mang lại giá trị hơn 300 tỷ đồng, góp phần ổn định vànâng cao đời sống cho hơn 8.600 hộ dân trồng cà phê, đặc biệt là đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Tuy nhiên, do phần lớn được quy hoạch trồng từ giai đoạn 1994 - 1995 nên hiện nay trên địa bàn huyện có gần 2.400 ha cà phê trồng trước năm 2000, chiếm 53% diện tích cà phê toàn huyện. Đây là diện tích cà phê già cỗi, cần được phục hồi do năng suất và chất lượng cà phê thấp. Mặc dù vậy, theo người dân trồng cà phê, việc phục hồi những vườn cà phê già cỗi này gặp rất nhiều khó khăn như: thiếu quy trình kỹ thuật, nguồn giống trồng mới không bảo đảm, chi phí lớn khi phải phá đi phần lớn diện tích để tái canh trồng mới lại.

 

Trước thực tế đó, với mục tiêu trẻ hóa vườn cà phê chè già cỗi, năng suất thấp. Trong thời gian 3 năm từ 2014 - 2016, Trạm Khuyến nông (KN) huyện Hướng Hóa đã triển khai “Mô hình phục hồi vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp đốn đau” trên diện tích 2 ha tại xã Tân Hợp và thị trấn Khe Sanh với 4 hộ tham gia.

 

 

Mô hình phục hồi vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp “đốn đau” tại Khe Sanh (Hướng Hóa)

 

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê thực hiện mô hình “đốn đau” của gia đình mình, ông Mai Văn Xuân ở tại thị trấn Khe Sanh cho biết, gia đình ông có 1 ha trồng cây cà phê chè trên 13 năm tuổi. Mặc dù đã đầu tư chăm sóc rất kỹ nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây năng suất của cây cà phê rất thấp, chỉ từ 6 - 8 tấn quả tươi/ha/năm. Hơn nữa, do vườn cà phê đang vào giai đoạn già cỗi nên sức đề kháng của cây yếu, sâu bệnh nhiều, hàng năm chỉ riêng thuốc bảo vệ thực vật đã tiêu tốn của ông từ 1,5 - 2 triệu đồng. Nhiều lần gia đình đã định phá bỏ để trồng lại, nhưng chưa có điều kiện. Đầu năm 2014, dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật ông tiến hành cưa 0,5 ha cà phê già cỗi của gia đình mình, chỉ để lại cách gốc khoảng 20cm. Cây cưa đốn xong ông cuốc rãnh bỏ phân xanh, phân vi sinh và rắc vôi bột để tạo màu, giảm độ chua cho đất, qua đó kích thích cây cà phê sinh trưởng nhanh. Chỉ sau hơn 18 tháng những cây càphê trơ gốc ngày nào đã phát triển như cây cà phê trồng mới năm thứ 3 và bắt đầu cho trái, sản lượng đạt hơn 5,2 tấn, tương đương năng suất 10,4 tấn/ha. Đến nay sau 3 năm thực hiện mô hình, vườn cà phê của ông đã bước vào chu kỳ kinh doanh năm thứ nhất, sản lượng dự kiến đạt 11 tấn quả tươi, tương đương năng suất 22 tấn/ha. Với giá bán hiện nay khoảng 8.000 đ/kg thì sau khi trừ chi phí cho toàn bộ 3 năm cưa đốn và chăm sóc ông thu lãi được gần 30 triệu đồng.

 

Ông Xuân chia sẻ: “Trên địa bàn này đã có một số hộ tái canh trồng mới cà phê tuy nhiên do vùng đất này trồng cà phê đã nhiều năm nên đất đai đã bị nhiễm các loại nấm bệnh, sâu bệnh hại. Khi tái canh trồng mới thì cây chết rất nhiều, thậm chí đến năm thứ 3, đang cho thu bói rồi vẫn có cây chết. Còn với các cây cưa đốn do có bộ rễ hoàn thiện ngay từ đầu, đã quen với đất nên cây vẫn phát triển tốt. Theo kinh nghiệm của tôi, sau khi cưa đốn cần phải cày xới giữa luống giúp đất thông thoáng, dùng dao hoặc cuốc chặt bớt rễ xung quanh cây để kích thích cây tạo rễ mới nhiều; đồng thời để cây phát triển tốt cần tăng cường bón phân gấp từ 2 - 3 lần so với tái canh trồng mới; sau cưa đốn 1 năm nên dùng dây cột 2 thân nhánh lại với nhau để chống gãy đổ; một cây chỉ nên để lại từ 2 - 3 thân nhánh để cây có đủ khả năng nuôi thân. Bên cạnh cho năng suất cao, vườn cà phê thực hiện mô hình “đốn đau” này còn có khả năng chịu hạn cao và ít bị các đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại. Trong thời gian tới tôi sẽ áp dụng phương pháp cải tạo trẻ hóa này ra toàn bộ diện tích trồng cà phê còn lại của gia đình mình”.

 

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Hoàng Công Chẩu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa cho biết: “Đốn đau” là thuật ngữ chỉ kỹ thuật cưa đốn triệt để nhằm cải tạo làm trẻ hóa cơ bản vườn cây cà phê già cỗi. Vườn cà phê có thể tiến hành cưa đốn là vườn có độ tuổi từ 12 năm trở đi, bộ rễ còn khỏe, năng suất dưới 10 tấn/ha và không tăng theo nhiều năm. Theo đó cây cà phê già cỗi được cưa toàn bộ thân chỉ để lại đoạn gốc cách mặt đất 15 - 20 cm. Mặt cắt xiên 45 độ theo hướng Nam nhằm tránh các hướng gió mùa Đông Bắc và Tây Nam. Thời gian cưa đốn tốt nhất là trong tháng 2 hàng năm. Sau khi cưa xong phải thu dọn sạch vườn cây, rãi vôi khử trùng, cày hoặc cuốc toàn bộ mặt đất trong vườn cách gốc cây cà phê khoảng 30 cm nhằm cắt đứt rễ già, tạo rễ mới phát triển. Sau khi cưa đốn phải tăng cường bón phân chuồng, phân vi sinh và phân NPK vào các thời điểm đầu mùa mưa (tháng 4 - 5), giữa mùa mưa (tháng 7 - 8) và cuối mùa mưa (tháng 10 - 11) để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của cây, giúp cây phát triển tốt. Qua theo dõi tại các mô hình trình diễn, từ năm chăm sóc thứ 2 cây đã đạt chiều cao ổn định từ 145 - 150 cm, năng suất thu bói đạt từ 2 - 2,5 kg/ cây, tương đương 8,4 - 10,5 tấn quả tươi/ha. Đến năm thứ 3 sau cưa đốn tất cả các vườn đều cho năng suất trên 20 tấn/ha, đảm bảo có lãi cho người trồng cà phê. Trong khi với các vườn tái canh trồng mới thì thời điểm này mới bắt đầu cho thu bói.

 

Ông Nguyễn Trung Hậu, Giám đốc Trung tâm KN tỉnh đánh giá: Mô hình cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp “đốn đau” do Trạm KN huyện Hướng Hóa thực hiện phù hợp với điều kiện địa phương, dễ thực hiện và ít tốn kém. Cây cà phê cho cho thu hoạch bói từ năm thứ 2 và ổn định từ năm thứ 3 trở đi với năng suất hơn 20 tấn/ha. Sau khi cải tạo có thể thu hoạch thêm trong vòng 7 - 8 năm mới phải thay thế. Với hơn 2.400 ha cà phê đã qua chu kỳ khai thác và xuống cấp, năng suất đạt thấp trong khi việc tái canh trồng mới tốn nhiều chi phí thì việc nhân rộng mô hình này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng cà phê trên địa bàn huyện. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Hướng Hóa để có những chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân nhằm nhân rộng mô hình này một cách tập trung và có quy mô đồng bộ trên toàn huyện”, ông Hậu cho biết.

 

THỤC QUYÊN

 

Nông dân xứ Nghệ biến bèo tây thành phân vi sinh

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Từ việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ, nông dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã dùng các loại bèo để ủ thành phân vi sinh. Mô hình giúp người nông dân hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân vô cơ như đạm, lân, ka li… góp phần bảo vệ môi trường ở địa phương.

 

 

Nông dân đưa bèo tây trộn với phân chuồng để ủ phân vi sinh.

 

Gia đình anh Trần Ngọc Chung ở khối 9, thị trấn Cầu Giát là hộ thứ 3 của huyện Quỳnh Lưu được Trung tâm khuyến nông khuyến ngư huyện giúp đỡ về kỹ thuật và hỗ trợ về vốn để thực hiện xây dựng mô hình dùng các loại bèo để xử lý ủ thành phân vi sinh.

 

Quá trình thực hiện, anh Chung cho biết: Nguyên liệu bèo tây dễ tìm kiếm kết hợp với một số phân chuồng và men vi sinh để ủ phân. Đợt này, gia đình chuẩn bị 6 tấn bèo, 4 tấn phân chuồng. Bèo được cắt khúc, trộn theo tỷ lệ 2 phần bèo và 1 phần phân. Sau đó, dùng men vi sinh hòa cùng với nước và phun đều trên bề mặt, khi đã hoàn tất việc ủ loại phân này thì dùng bạt phủ kín khối ủ để tạo nhiệt độ cao cho các nguyên liệu trên nhanh phân hủy. Sau thời gian từ 25 – 30 ngày sẽ cho ra từ 4 – 4,5 tấn phân vi sinh, dùng để bón cho cây trồng.

 

 

Trước khi đưa vào ủ, bèo được cắt nhỏ.

 

Trước thực trạng người nông dân phần lớn sử dụng các loại phân bón hóa học lâu dần sẽ làm cho đất bạc màu, thì việc làm các loại phân hữu cơ sẽ đảm bảo tái tạo đất tốt hơn. Hơn nữa, nhận thấy bèo tây ở các kênh, mương khá lớn gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của bà con. Chính vì vậy, việc khuyến khích nông dân vợt bèo tây vừa góp phần khơi thông kênh mương vừa tạo nguồn phân hữu cơ, tăng độ mùn và độ phì nhiêu cho đất.

 

Ông Nguyễn Anh Hùng – Trạm trưởng trạm khuyến nông huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Trên cơ sở đó, chúng tôi muốn tạo ra một loại phân bón hữu cơ sạch hơn cho cây trồng. Bằng cách sử dụng một chế phẩm, vi sinh vật hữu ích BIO – F, dòng vi khuẩn này nó có tác dụng phân hủy nhanh các dòng xenlulô, các chất hữu cơ để trở thành phân bón cao cấp, dùng bón các loại cây trồng, đặc biệt bón các loại cây trồng cao cấp như hoa, rau màu, cây ăn quả có giá trị cao”.

 

 

Bèo tây có nhiều ở các kênh mương tại nhiều địa phương. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc làm phân vi sinh.

 

Mô hình ủ phân vi sinh là một hướng đi có ý nghĩa quan trọng đối với nền nông nghiệp, bởi không những tăng giá trị năng suất các loại cây trồng mà còn góp phần đảm bảo môi trường. Cách làm này đang được chính quyền khuyến khích nhân rộng ở các địa phương.

 

Hồng Diện

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop